19 May 2010

Léon Tolstoi


Anna Karénine

Tiểu Thuyết Lãng Mạn Nổi
Tiếng Của Léon Tolstoi

Trọng Đạt

Đây là cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai của Léon Tolstoi, gọi theo lối Pháp là Anna Karénine, kiểu Anh là Anna Karenina viết từ 1873 tới 1877, truyện một bà phu nhân nhan sắc tuyệt trần thất vọng vì tình yêu đã gieo mình trên đường rầy xe lửa tự vẫn. Cùng với Chiến Tranh Và Hoà Bình, Anna Karénine đã đưa Tolstoi lên tột đỉnh danh vọng trên văn đàn thế giới. Truyện tình lãng mạn dầy khoảng 900 trang này thể hiện những luận đề xã hội thế kỷ thứ 19 như ngoại tình, xã hội giả dối, hôn nhân, hạnh phúc …. Vấn đề ngoại tình, hôn nhân, tinh thần bảo thủ.. hoặc những luận đề xã hội của tác phẩm đối với xã hội ngày nay không có gì mới lạ nhưng cho tới nay, Anna Karenina đã xuất bản trên 130 năm, vẫn được coi là tác phẩm nhiều người đọc, vẫn được tái bản và lưu hành khắp nơi trên thế giới. Truyện đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, riêng tiếng Anh có 9 bản dịch từ 1901 tới năm 2008: Bản dịch năm 1901 của Constance Garnett, năm 1918 của Louise and Maude, năm 1954 của Rosemary Edmonds, năm 1960 của Joel Carmichael, năm 1961 của David Magarshack, năm 1978 của Margaret Wettlin, năm 1886 của Nathan Haskell Dole, năm 2000 của Richard Pevear và Larissa, năm 2008 của Kyril Zinovieff. Chiến Tranh Và Hoà Bình và Anna Karénine được coi là hai cuốn best seller trên thế giới.

Anna Karénine vẫn được được nhiều người đọc và được nhắc tới vì giá trị hiện thực nghệ thuật của tác phẩm rất cao, Tolstoi đã làm sống lại xã hội Nga thế kỷ thứ 19 bằng một bức hoạ toàn cảnh chân thực. Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình đều coi Anna Karenina như một tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật

“Được nhiều người nhìn nhận đã đạt tới tột đỉnh của tiểu thuyết hiện thực “
(Widely regarded as a pinnacle in realist fiction –Wikipedia)
Hoặc
“Với Anna Karénine , Tolstoi đã đạt tới đỉnh cao tuyệt vời của nghệ thuật sáng tác “
(Avec Anna Karénine, Tolstoi atteint le comble de la perfection créative-Vladimir Nabokov- Fr. Wikipedia.org.)
“Cuốn tiểu thuyết đã được cả thế giới công nhận như một kiệt tác của văn chương hiện thực”
(Le roman est mondialement considéré comme un chef-d’oeuvre de la litérature realist – Fr. Wikipedia.org).

Để nghiên cứu tác phẩm, chúng tôi xử dụng bản dịch tiếng Anh của Constance Garnett nhà xuất bản SpellBinders có đối chiến với bản dịch của Joel Carmichael, nhà xuất bản Batam Books , xin chia làm 7 phần như sau: Sự hình thành, sơ lược ; Tình yêu và hôn nhân; Luận đề xã hội; Khía cạnh đạo đức; Khía cạnh văn chương; Điện ảnh; Kết luận.

1-Sự hình thành.

Trong hồi ký của Sonya, vợ Tolstoy có ghi lại chuyện một bà tên Anna bì tình nhân ruồng bỏ để lấy một cô trẻ hơn, bà ta đã lao đầu vào xe lửa tự tử trên đường rầy tại nhà ga Lassenki. Anna ở gần sát gia trang Tolstoy và có quen biết gia đình ông. Tác giả đã chứng kiến thể xác tan nát của nạn nhân khi có mặt trong lúc khám nghiệm tử thi, rất xúc động ông nói sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về sự sa đoạ của các bà mệnh phu nhân, giới quí tộc tại kinh thành Petersburg. Trong tác phẩm ông chỉ kể chuyện cuộc đời người đàn bà sa ngã nhưng không kết án nàng

(He told me that he wanted to write a novel about the fall of the society woman in the highest Petersburg circles, and the task he set himself was to tell the story of the woman and her fall without condemning her - Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, A Life of Leo Tolstoy, trang 79).

Tolstoi bắt đầu viết năm 1873, ông bỏ một thời gian sau viết lại, ông cho đăng làm nhiều kỳ trên tờ đặc san Rousky Vestnik (Le courier russe, Người thông tín viên Nga). Tolstoy đụng chạm với chủ bút Mikhail Katkov về nội dung trong kỳ đăng cuối cùng vì thế tác phẩm đã xuất hiện toàn bộ đầy đủ lần đầu dưới hình thức sách. Mới đầu lấy tên truyện là Hai cuộc hôn nhân, hai cặp vợ chồng (Deux marriages, deux couples) sau đổi thành Anna Karénine.

Nhân vật chính Anna Karénine được gợi hứng một phần từ Maria Hartung (1832-1919) trưởng nữ của thi hào Alexander Pushkin, Tolstoy găp cô trong một bữa tiệc, sau đó Tolstoi đọc văn của Pushkin và lấy được một số các tính để xây dựng nhân vật của mình.

Levin, một nhân vật của truyện cũng thể hiện phần nào con người của Tolstoi, tư tưởng, niềm tin của ông, theo ý kiến W. Gareth Jones, Levin hỏi lấy Kitty cũng giống như Tolstoi đã hỏi Sonya Berrs. Nhân vật Kitty thể hiện nhiều cá tính của chính Sonya Behrs, vợ ông, ngoài ra trước khi làm đám cưới Levin trong truyện đã đưa nhật ký của mình cho Kitty đọc để thấy những khuyết điểm của chàng không còn trong sạch, đã ăn chơi sa đoạ…cũng như Tolstoi đã đưa cho Sonya đọc nhật ký của ông. Trong truyện đoạn tả về đám cưới Levin với Kitty, chú rể Levin tới nhà thờ trễ quá chính là chuyện có thật trong đám cưới của Tolstoi mà ông đã đem vào tác phẩm. Cặp vợ chồng Levin - Kitty cũng thể hiện một phần gia đình Tolstoi. Theo D.S Mirky nhân vật Levin diễn tả cuộc đời tác giả trong truyện

(Levin is clearly the autobiographical character of the novel - A History of Russian literature, trang 80)
Levin thể hiện những quan niệm rất gần Tolstoy, chàng muốn đem khoa học kỹ thuật Tây phương mới vào canh tác nông nghiệp, tinh thần bảo thủ xã hội, tìm hiểu quan hệ vợ chồng Levin gần giống Tolstoy, chuyện Levin tán tỉnh và lấy Kitty chính là chuyện giữa Tolstoy và Sonya.

Truyện tình, hôn nhân của Levin Kitty, sinh con trai đầu lòng, đời sống vợ chồng của hai người về nhiều phương diện chính là chuyện gia đình hạnh phúc của Tolstoy những năm mới lấy nhau. Quan điểm của Levin trong tác phẩm cũng giống như quan điểm của tác giả cùng về một vấn đề.
(The whole story of Kitty and Levin - courtship, marriage, the birth of the their first child, and their family existence- is in many respects the story of Tolstoy’s early years of happy married life – Ernest J. Simmons, Introduction to Tolstoy’s writing , page 85, 86)

Đã trên ba mươi năm trôi qua, cuốn tiểu thuyết tình vĩ đại của Tolstoy không bị coi là lỗi thời, chìm vào quên lãng mà vẫn được ca tụng nồng nhiệt khắp nơi.

“Cuốn tiểu thuyết này hiện vẫn được nhiều người ưa chuộng như đã được chứng tỏ qua cuộc thăm dò 125 tác giả hiện đại do J.Peder Zane thực hiện. Năm 2007 thăm dò này đã được in trong cuốn The Top Ten, Mười Tác Phẩm Hay Nhất cho thấy Anna Karénine nay vẫn là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất”.
(The novel is currently enjoying popularity as demonstrated by a recent poll of 125 contemporary authors by J. Peder Zane, published in 2007 in The Top Ten, which declared that Anna Karenina is the "greatest novel ever written". ( wikipedia)

Sơ lược truyện.

“Truyện có năm nhân vật chính: Anna, người vợ, Karénine, người chồng, công chức cao cấp của chính phủ Nga Hoàng, Vronsky, bá tước, người yêu của Anna. Levin điền chủ, người yêu và chồng của Kitty. Tác phẩm gồm hai truyện tình Anna-Vronsky và Levin-Kitty.

Levin điền chủ tính tình nhà quê, chăm chỉ làm ăn, canh tác, chăn nuôi ở miền quê. Levin đầu yêu Dolly, sau Dolly lấy Stepan, bạn chàng, sau đó lại yêu cô em thứ hai Natalie, cô này lấy một nhà ngoại giao, bây giờ chàng yêu cô út Kitty. Mẹ kitty nhắm Vronsky, chàng sĩ quan hào hoa, bảnh bao, giầu có đang theo đuổi tán tỉnh nàng nhưng cha nàng lại cảm tình với Levin vì thấy chàng chân thật. Levin lên Mạc tư Khoa lại nhà Kitty trò truyện rồi ngỏ lời cầu hôn nhưng bị nàng từ chối, hôm ấy chàng cũng gặp Vronsky, tình địch của mình. Kitty mê chàng sĩ quan hào hoa này và hy vọng ở chàng vì hắn dòng quí tộc có tương lai hơn , Levin tương lai mù mờ. Trớ trêu thay, Vronsky đẹp mã nhưng tính lãng mạn trai lơ, chỉ tán tỉnh nàng cho vui chứ không muốn lấy.

Ít ngày sau, Vronsky ra ga xe lửa đón mẹ, nữ bá tước Countess Vronsky. Chàng gặp bạn Stepan đi đón em gái Anna từ Petersburg tới, thế là chàng ta ngẩn ngơ mê mẩn trước sắc đẹp chim sa cá lặn của Anna rồi quyết theo đuổi đến cùng. Tối hôm sau trong buổi dạ tiệc Vronsky khiêu vũ với Anna khiến Kitty ghen tuông đau khổ.
Vronsky mê mẩn Anna, theo nàng tới Petersburg quyết chinh phục trái tim người đẹp, trong một buổi tiệc tại nhà Betsy, Anna ngồi tâm tình với Vronsky khiến cho Karénine, chồng nàng khó chịu đã phiền trách nàng khi về nhà. Chẳng bao lâu Anna sa ngã vào tay Vronsky.

Kitty đau khổ thất tình bị Vronsky bỏ theo Anna, nàng phát bệnh phải đi ngoại quốc nghỉ mát phục hồi sức khoẻ. Levin trở về quê, đau khổ bị Kitty từ chối từ từ trở lại cuộc sống bình thường, bạn chàng Stepan cho biết Kitty em vợ đi ngoại quốc chữa bệnh khiến Levin lại càng nhục nhã hơn, Levin bị Kitty từ chối mà chính nàng lại bị Vronsky bỏ rơi để chạy theo người đẹp Anna. Trong tỉnh người ta đều biết chuyện Vronsky gian díu với Anna, họ ghen tỵ với hai người trước đây bây giờ được dịp nói xấu cả hai.

Karénine ở Petersburg, vợ ở biệt thự mùa hè tại Peterhof, một tỉnh khác cũng gần đấy, ông lạnh lùng với vợ, mặc cho nàng gian díu với người yêu, mỗi tuần đến thăm vợ, đưa tiền cho nàng xài. Hôm đua ngựa Vronsky đến biệt thự mùa hè gặp Anna, nàng cho biết đã có bầu, Vronsky khuyên nàng bỏ chồng theo chàng. Anna không muốn bỏ nhà vì rất thương yêu đứa con trai độc nhất lên 8 tuổi.

Anna khóc thảm thương khi thấy Vronsky ngã ngựa trong cuộc đua. Trên đường về nhà, Karénine trách nàng không giữ ý tứ có nhiều cử chỉ khó coi trước mặt quan khách, Anna tức giận nói huỵch toẹt ra “Tôi ỵêu Vronsky, chàng là người yêu của tôi, tôi ghét mình, mình muốn làm gì tôi thì làm”

Karénine về nhà suy nghĩ, ông không còn nghĩ tới vợ con, cho là mình sai lầm lấy một con đàn bà hư hỏng, ông không nghĩ tới việc đấu súng với Vronnky vì nhát sợ chết, không muốn li dị hoặc ly thân vì sợ tai tiếng xấu, ông giữ Anna ở lại để che mắt thiên hạ. Karénine cấm Anna không được gian díu với Vronsky, tạo cơ hội cho nàng trở lại con đường ngay, Karénine thư cho vợ nói Bề trên đã kết hợp không thể chia lìa, khuyên Anna quên quá khứ…

Kitty thất tình bị Vronsky bỏ theo Anna, theo lời khuyên bác sĩ nàng theo gia đình đi nghỉ mát bên Đức, cô giao thiệp với một thế giới mới, thế giới tinh thần, thay đổi tâm linh, giúp đỡ những người ốm đau . Kitty về nước bình thản quên chuyện cu, nàng về ở với chị Dolly tại miền quê gần chỗ Levin. Stepan cho vợ con về quê ở để tiết kiệm vì nay gia đình thiếu hụt. Dolly nhắn Levin lại chơi để nối lại mối duyên cũ của chàng với cô em Kitty nhung chàng cự tuyệt vì cay đắng nhục nhã, chàng đã bị Kitty khước từ trước đây.

Anna không còn sống giả dối nữa, nay nàng thấy thanh thản, mọi sự đã sáng tỏ rõ ràng nhưng cũng xầu hổ với bọn gia nhân đầy tớ trong nhà, nàng nghĩ tới con trai không thể xa lìa nó được. Gia nhân mang thư của Karénine tới muốn nàng trở lại con đường ngay, Anna nghĩ ông ta theo Thiên chúa giáo, sùng đạo, đại lượng nhưng Anna nghĩ ông đã nghiền nát cuộc đời nàng tám năm qua, làm tan nát nguồn sống của nàng. Anna đau khổ nếu cứ phải làm người vợ tội lỗi mãi.

Vronsky xài tiền hoang phí, nợ nần nhiều, vì gian díu với Anna đã bỏ lỡ sự nghiệp thăng quan tiến chức , từ ngày gian díu Anna, Vronsky nhụt chí trong công danh , bạn chàng có người đã lên Tướng trong khi chàng vẫn chỉ là đại uý quèn. Vrosnky bảo Anna bỏ chồng theo mình, nàng khóc lóc không muốn bỏ đứa con trai. Karénine muốn hai người vẫn là vợ chồng như cũ, nàng nói không thể được , tôi không thể là vợ mình được nữa, Karénine không muốn cho Anna gặp Vronsky gây tai tiếng cho mình.

Karénine mong mọi chuyện sẽ qua, không bị mất danh dự , nay tình trạng cả ba: người chồng, người vợ, người yêu đều tồi tệ khó xử. Vronsky lên đại tá, nhận được thư Anna lại thăm nàng gặp Karénine trong nhà đi ra. Anna khóc lóc, Vronsky ngày càng lún sâu vào mối quan hệ, chàng nghĩ hạnh phúc trước đây nay chỉ là bất hạnh. Lúc trở về nhà Karénine chửi mắng Anna tàn nhẫn đã không nghe lời chồng, đưa bạn trai về nhà, ông cho biết sẽ ra luật sư làm thủ tục li dị, sẽ trao con cho bà chị nuôi.

Trong một bữa tiệc tại nhà Stepan ở Mạc Tư Khoa, Dolly khuyên can Karénine tha thứ cho Anna vì nếu li dị đời nàng sẽ vào chỗ tàn mạt, Karénine nói Anna ngoan cố hư hỏng không xài được. Cũng trong bữa tiệc này Levin gặp lại Kitty, anh chị thân thiện nhau trở lại, họ nói vẫn thương yêu nhau, Kitty bảo chàng lại nhà chơi, Levin tới thăm gia đình Kitty, cha mẹ Kitty chạy ra ôm lấy chàng , cả nhà vui nhộn.

Karénine nhận được điện tín của Anna từ Petersburg nàng nói sinh con sắp chết, xin chồng tha thứ, Karénine mới đầu không tin nhưng rồi cũng về Petersburg. Tới nơi được biết Anna đẻ con gái hôm qua, còn yếu lắm, mê sảng nói lảm nhảm tôi sắp chết, xin tha thứ cho tôi. Karénine sung sướng nghĩ là mình sẽ tha thứ cho kẻ thù và lại gần nàng khóc, Anna bò lại gần nói mình tha thứ cho em, em chỉ cần tha thứ ngoài ra không còn gì hơn. Vronsky lấy tay che mặt khóc ở gần đó, Anna gọi hắn lại gần rồi bảo Karénine gỡ tay hắn ra, Vronsky nhục nhã đau khổ, Anna bảo chồng đưa tay cho anh ấy. Bác sĩ nói Anna mê sảng triền miên, nửa đêm bất tỉnh tưởng sắp chết…

Karénine thú thực với Vronsky, kể cho chàng nghe mình đã định li dị để trừng phạt hai người, nay Karenine ân hận và tha thứ hết. Vronsky cảm phục Karénine, nghĩ mình không thể đại lượng như ông ta, chàng thấy mình hèn, về nhà bắn vào ngực tự vẫn nhưng không chết, bà chị dâu kêu bác sĩ tới săn sóc chàng. Stepan tới chơi nói chuyện với Anna em gái, anh bảo Anna sai lầm lấy một người hơn hai mươi tuổi, hôn nhân không tình yêu nên đã đưa tới hậu quả này.

Stepan đề nghị Karénine li dị trả tự do cho nàng, ông ta không chịu vì vấn đề thể diện và vì lòng sùng đạo, không muốn làm nhục vợ, ông không muốn đẩy Anna vào chỗ lụn bại, li dị sẽ tàn hại đời nàng.

Vronsky bình phục lại thăm Anna, chàng được bổ đi Tashkend nhưng từ chối rồi xin giải ngũ, một tháng sau Vronky cùng Anna và con gái mới sinh đi ngoại quốc nghỉ ngơi. Họ cùng nhau du lịch mấy tháng tại Âu châu, thăm La Mã, Venice, Naples…rồi đến ở một tỉnh nhỏ. Anna không muốn lợi dụng chồng, nàng đau khổ, mất con, mất danh dự, biết ơn Vronsky, chàng hy sinh sự nghiệp cho nàng. Vronsky không hoàn toàn hạnh phúc, chàng chỉ thực hiện được một phần nhỏ hạnh phúc mình mong đợi, nay chàng lại muốn tự do.

Levin Kitty làm đám cưới rồi về quê sinh sống, họ đi thăm người anh Levin đang hấp hối, sau ba ngày đau đớn anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Karénine đau khổ khi Anna bỏ nhà ra đi, ông bị mất danh dự, làm trò cười cho thiên hạ, Karénine tan nát ruột gan . Hồi còn nhỏ Karénine mồ côi do ông bác nuôi dưỡng , lớn lên tốt nghiêp đại học, thành công với chức vụ, sau làm tổng đốc một tỉnh nọ, lấy Anna, cô này là cháu một bà nhà giầu trong tỉnh , Karénine hơn nàng hai chục tuổi.

Nay người bạn thân, nữ bá tước Lidia đến làm quản gia cho ông, trông nom cậu con trai. Anna thư cho Lidia xin đượïc gặp con nhưng bà ta đề nghị Karénine từ chối vì đã nói với cậu bé mẹ cậu đã chết.

Anna và Vronsky trở lại Petersburg ở khách sạn sang trọng, Vronsky coi nàng như vợ chính thức bất kể dư luận xã hội nhưng thực tế xã hội vẫn đóng cửa với Anna, bà chị dâu không dám nhìn nàng. Anna lén về nhà thăm con trai Seryozha nhân ngày sinh nhật của cậu, nàng vẫn yêu thương nó hơn đứa con gái mới sinh.

Trở lại khách sạn, Anna chợt nghĩ Vronsky phai nhạt tình yêu với nàng vì chàng đi đã hai ngày chưa về. Nàng đi coi hát với một bà cô, Vronsky can gián nàng không nên xuất hiện ngoài xã hội vì như thế tự nhận mình hư hỏng trước mặt mọi người nhưng Anna không đếm xỉa tới, nay Vronsky không còn xúc động vì cái đẹp của nàng, chàng không còn trọng nàng như trước. Đúng như Vronsky nghĩ, tại rạp hát Anna bị một bà sỉ nhục, bà chửi Anna là người đàn bà hư hỏng khi chồng bà nói chuyện với Anna.

Dolly, các con, bà cụ nghỉ hè tại nhà Levin Kitty, bà cụ nói thật là hên cho Kitty, bất hạnh cho Anna vì nếu nàng lấy Vronsky thì đời nàng đã vào thảm cảnh. Con gái của Vronsky và Anna vẫn lấy tên họ Karénine vì Vronsky không phải là chồng chính thức của Anna. Nhân hôm Dolly lại thăm Anna tại gia trang của Vronsky thấy họ rất giầu có sang trọng, Vronsky tâm sự với bà ta rằng con gái của chàng sẽ mang tên Karénine theo luật pháp cũng như luật giáo hội vì chàng và Anna không kết hôn chính thức , chàng còn có con cái và sẽ có con trai, trên phương diện chính thức nó sẽ là con Karénine và sẽ không được thừa kế tài sản của chàng, Vronsky cần có người thừa kế.

Vronsky nhờ Dolly thuyết phục Anna xin Karénine ly dị để chàng xin Nga Hoàng cho hợp thức hoá tình trạng hôn nhân của hai người. Dolly thuyết phục Anna nhưng nàng không muốn li dị, sống trong cảnh giầu sang nhưng nàng đau khổ, nhớ con tủi nhục. Vronsky nay thấy mình bị mất tự do, muốn thoát ra khỏi lưới tình của Anna, chàng quản lý tài sản tốt, làm bệnh viện, mua máy móc, bán gỗ, lúa, len…

Vronsky đi tham dự một cuộc bầu cử trong tỉnh năm ngày chưa về, Anna thấy chàng như hững hờ, lạnh lùng với mình, nàng gửi thư cho Karénine xin li dị, nàng sốt ruột đọc sách, không yêu đứa con gái bằng con trai hiện xa cách nàng.

Stepan đưa Levin lại thăm Anna, chàng ta xao xuyến trước sắc đẹp mê hồn của Anna, nàng thông minh, đẹp, thẳng tính ra chiều mê hoặc quyến rũ chàng, nàng tự hào đã khiến nhiều chàng mê mệt. Về nhà kể lại cho Kitty nghe chuyện lại thăm Anna, Kitty khóc lóc trách chàng bị người đàn bà xấu ấy mê hoặc .

Karénine từ chối li dị, Vronsky và Anna ở Moscow không về lại miền quê, họ không hoà thuận nhau, Anna ngày càng giận hờn Vronsky cho rằng chàng hờ hững hết yêu mình. Vronsky bắt đầu chán ngán cuộc sống vợ chồng với nàng, cho rằng mình đã mang nợ vào thân , Anna chỉ muốn Vronsky yêu nàng nồng nàn như xưa. Nàng thấy nay tình đã phai nhạt chắc là Vronsky đã yêu người khác, nàng đoán chừng chàng sắp lấy công nương Sorokina theo ý muốn mẹ chàng. Anna oán hận Vronsky đã đưa nàng vào hoàn cảnh bi đát này, nàng đã bỏ con trai yêu quí để theo chàng…

Hôm ấy Anna sai gia nhân đóng gói đồ đạc chuẩn bị về trang trại miền quê, Vronsky nói chàng còn về nhà mẹ lo một số giấy tờ tài chính, họ giận nhau, cãi cọ..Anna nói anh đừng phản em, em muốn tình yêu, Vronsky nói anh chịu hết nổi rồi, họ cãi nhau hồi lâu, Anna nghĩ tới tấm thân nhơ nhuốc, xấu hổ với chồng con, chỉ còn cái chết, nàng nghĩ tới cái chết. Nàng nghĩ nay chàng lạnh lùng với mình, đã yêu người khác .

Nàng nghĩ tới cái chết để trừng phạt Vronsky, chàng đã làm hỏng cuộc đời nàng, tâm trạng Anna rối bời, nàng lên xe tới nhà Dolly tâm sự cho vơi nỗi lòng, khi nàng ra về Dolly và Kitty bảo nàng vẫn đẹp nhưng đáng thương. Về nhà nhận được tín của Vronsky cho biết không thể về trước mười giờ, nàng ghen lồng lộn nghĩ rằng chàng đang nói chuyện với công nương Sorokina và mẹ, họ vui đùa trên sự đau khổ của nàng .. Anna lên xe ngựa ra nhà ga xe lửa tìm chàng , Anna tâm trạng rối bời nghĩ tình của nàng vẫn còn nồng thắm nhưng lòng Vronsky nay đã nguội lạnh .. Nàng đau khổ nghĩ đến con trai, đã đánh đổi cậu lấy tình yêu một người khác.

Anna lên xe tới trạm Obiralovka, nàng bước xuống, người đánh xe đưa thư của Vronsky nói sẽ về lúc mười giờ, Anna nghĩ mi đã làm ta đau khổ.. rồi bước xuống đường rầy nàng nhẩy hụt lần đầu , lần sau quì xuống nhẩy xuồng dưới đầu toa đang lao tới.

Vronsky đau khổ tình nguyện ra mặt trận biên giới Thổ nhĩ Kỳ. Gia đình Levin Kitty hạnh phúc với đưa con trai đầu lòng , Levin cuối cùng tin vào Thượng Đế”.

2-Tình yêu và hôn nhân

Anna Karrenina nay vẫn là một trong những truyện tình lãng mạn lôi cuốn nhất. Tolstoy diễn tả hai cuộc tình, một bên đầy sóng gió kết thúc bi thảm, bên kia hạnh phúc dù có chút lận đận lúc ban đầu.

Anna một thiếu phụ nhan sắc tuyệt trần, lãng mạn, trí thức , đọc nhiều tiểu thuyết Anh, viết sách cho thiếu nhi, nàng coi tình yêu là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời, một người đàn bà hư hỏng, tội phạm đạo đức gia đình qua sự mô tả của Tolstoi nhưng ông không kết án và dành cho người mệnh phụ kiều diễm trí chức này nhiều cảm tình.

Anna kết hôn với Karénine khi nàng còn trẻ, sống trong nhung lụa. Cuộc hôn nhân không tình yêu nhưng yên ấm với Karénine trong tám năm cho nàng một cậu con trai. Một buổi đẹp trời tiếng sét ái tình đã đưa Anna sa xuống hố sâu tội lỗi, lao đầu một cuộc phiêu lưu không lối thoát.

Gặp nhau tại sân ga Mạc Tư Khoa, chàng sĩ quan hào hoa phong nhã Vronsky mê mẩn trước sắc đẹp mê hồn của Anna quyết theo đuổi chinh phục người đẹp tới cùng dù biết nàng đã là một mệnh phu nhân của một công chức cao cấp thế lực tại kinh thành Petersburg. Anna thiếu thốn tình cảm bên ông chồng nhiều tuổi, cặm cụi với chức vụ chốn quan trường đã dễ dàng sa ngã trong vòng tay Vronsky. Nàng muốn thoát ra khỏi cuộc sống giả dối không tình yêu để nghe theo tiếng gọi của con tim không đếm xỉa gì tới dư luận giới thượng lưu. Anna không che dấu tội lỗi, không muốn đóng vai người vợ tội lỗi nữa mà muốn thoát ly, nàng đã nói với chồng “Tôi yêu anh ấy, tôi là người tình của anh ấy, mình muốn làm gì tôi thì làm”

Karénine quảng đại nhiều thiện chí, tạo cơ hội cho nàng trở về con đường ngay nhưng Anna oán trách Karenine đã làm hỏng cuộc đời nàng. Anna tự bào chữa, cuộc đời phải có tình yêu, Thượng đế muốn ta phải yêu và sống. Karénine muốn che mắt thiên hạ, Anna không chấp nhân cuộc sống giả dối trong một xã hội giả dối mà muốn sống thực cho mình.

Anna có con với Vronsky, nàng bị mê man gần chết khi sinh đẻ đứa con gái đã khẩn khoản xin chồng tha thứ. Karénine đã rộng lượng với cả hai người nhưng chỉ một tháng sau, chứng nào tật nấy, ngựa quen đường cũ, anh chị cuốn gói cùng nhau sang châu Âu hưởng tuần trăng mật.

Mấy tháng sau trở về Nga sống như vợ chồng, họ bị xã hội xa lìa, người ta không chấp nhận cuộc hôn nhân tội lỗi ấy, họ về quê sống trong toà nhà sang trọng quí phái của Vronsky, chàng xây bệnh viện, mua máy móc, bán gỗ…Mặc dù sống trong nhung lụa với người chồng thứ hai có phần giầu sang hơn Karénine nhưng Anna đau khổ vì đã trả cái giá cao cho tình yêu, nàng nhớ con trai, mất hết danh dự bị xã hội khinh thị xa lìa.

Cuộc tình mất dần dần sự nồng thắm lúc ban đầu, Anna nghi ngờ Vronsky thấy chàng nhạt nhẽo với mình, chàng bỏ nhà đi mấy ngày không về, nàng trách móc anh không còn yêu em như xưa. Vronsky bắt đầu chán nản, chàng thấy mình bị mất tự do, biết rằng hạnh phúc với Anna trước đây đã qua bây giờ là bất hạnh , nàng ghen tức, cáu kỉnh khiến chàng khó chịu, chàng nhìn Anna như như một người nhìn đoá hoa mình hái nay đã tàn, nay khó mà nhận ra cái vẻ đẹp của hoa khi mình hái rồi làm cho tàn lụi, tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Sau lần giảng hoà họ lại hờn giỗi , trách cứ nhau Anna nghi ngờ Vronsky nghe lời mẹ sắp bỏ nàng để lấy công nương Sorokina, nàng hớn trách Vronky, chàng ngày càng tỏ sự bực bội. Anna đoan chắc Vronsky đã yêu người khác, nàng nghĩ chỉ có cái chết mới mới lấy lại tình yêu trong trái tim chàng, đối với Anna cuộc đời chỉ có tình yêu là đáng quí.

Anna đã hy sinh tất cả cho chàng, bỏ con trai thân yêu, mất hết danh dự nay tình đà phai nhạt. Cuối cùng Anna đã chọn cái chết thê thảm để trừng phạt người yêu, bắt chàng đau khổ hối hận suốt đời.

Tolstoi cho thấy Anna Vronsky đã đi tìm ảo tưởng của hạnh phúc. Anna sai lầm khi nàng còn trẻ đã lấy chồng vì địa vị không có tình yêu, một người chồng hơn nàng hai mươi tuổi. Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, A Life of Leo Tolstoy, trang 80 nói

“ Nàng nhận thấy mình đã lấy chồng chỉ vì tính toán cái lợi”
(Anna recognizes she has never had more than a “marriage of convenience” with her husband).
Nàng lại sai lầm hơn nữa khi hủy hoại gia đình chạy theo một tình yêu lãng mạn để cuối cùng vào chỗ bế tắc không lối thoát, Tolstoy cho thấy sống tất cả cho tình yêu nguy hại hơn một cuộc hôn nhân không tình yêu. Anna đã thả mồi bắt bóng, nàng đã từ bỏ gia đình, đứa con trai yêu quí , từ bỏ địa vị …để đánh đổi lấy tình yêu trong một cuộc phiêu lưu vô định để rồi cuối cùng thực tế chứng tỏ “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Trong cơn tuyệt vọng, tấn bi kịch cuộc đời nàng đã kết thúc thê thảm.

Song song với cuộc tình duyên gian nan đau khổ của Anna, Tolstoi diễn tả gia đình cặp Levin - Kitty đầm ấm để cho thấy thế nào là ý nghĩa của hạnh phúc , trang 80 sách đã dẫn Morris Philipson nói .

“Từ chương đầu cho tới chương đầu cho tới chương cuối của tác phẩm, cái mà tác giả quan tâm vào hàng đầu là: Cái gì giữ cho gia đình bền vững, cái gì phá tan hạnh phúc?”
(From the first chapter of the novel until the last, the primary concern in the mind of the author is: what keeps couples together? What wrenches them apart?)

Cuộc tình của Levin lận đận, đau khổ lúc đầu, chàng ta yêu cô chị lớn Dolly, cô này lấy ông bạn Stepan, rồi yêu cô thứ hai Natalie, cô này lại lên xe hoa với một nhà ngoại giao, cuối cùng yêu Kitty cô út còn nhỏ. Levin không thể nào quên được cái ngày nhục nhã khi chàng ngỏ lời cầu hôn bị cô ta từ chối, trái tim cô rung động vì Vronsky, một anh sĩ quan hào hoa, bảnh trai, nhà giầu, có tương lai. Nàng tràn trề hy vọng ở chàng nhưng trớ trêu thay, anh chàng lãng mạn háo sắc này bỏ chạy theo người đẹp Anna khiến cho cô đau khổ sinh bệnh. Bà mẹ đi mời bác sĩ chữa chạy nhưng ông bố biết thừa đó chỉ là bệnh thất tình , cuối cùng gia đình đưa cô đi nghỉ mát tại Âu châu.

Thật đau đớn nhục nhã cho Levin khi được biết Kitty phát bệnh phải ngoại quốc điều trị, người mà chàng yêu và ngỏ lời cầu hôn lại đi yêu một người đàn ông khác, người đàn ông này không còn còn quan tâm tới cô, từ bỏ cô để chạy theo một người đàn bà khác. Kitty hết bệnh về nước trở thành người cao thượng, có tinh thần vị tha, bà chị Dolly năn nỉ, thuyết phục Levin quay trở lại với Kitty nhưng chàng một mực từ chối không thể nào quên được cái mối hận ngàn đời ấy.

Rồi một buổi đẹp trời, Levin gặp lại Kitty trong một buổi tiệc tại gia đình Dolly, chàng tha thứ cho nàng, ngay hôm sau lại gia đình Kitty trước sự mừng rỡ của mọi người trong nhà. Họ làm đám cưới, sinh con trai đầu lòng, có vài lần giận dỗi nhưng cuộc đời họ trôi đi một cách êm ả hạnh phúc tại đồng quê. Cặp Levin – Kitty cho thấy quan niệm hạnh phúc gia đình của Tolstoy ở chỗ hôn nhân có tình yêu là điều kiện giữ được hạnh phúc gia đình.
Anna đã từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu với Karénine mà nàng cho là đã nghiền nát cuộc đời nàng để chạy theo một tình yêu không hôn nhân với Vronsky để rồi cũng chỉ là ảo tưởng hạnh phúc đưa tới kết thúc bi thảm. Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nói.

“Chủ đề là sự hoàn hảo gia đình có bền vững hay không chỉ do tình yêu thương chân thành với nhau mà hai vợ chồng đã đạt được như Levin và Kitty đã thể hiện bằng hy sinh, tha thứ cũng như ý muốn cùng tạo hạnh phúc cho nhau. Ngược lại gia đình lâm vào chỗ chia lìa tan nát khi chồng hoặc vợ miệt mài trong tình yêu ích kỷ đưa tới chỗ chỉ quan tâm hạnh phúc riêng cho mình như trường hợp Anna, hạnh phúc đó đã đưa tới sự hủy hoại cuộc đời nàng và cuộc sống của người yêu Vronsky”

(The theme is that the sanctity of the family can be preserved only by the mutuality of pure love of husband and wife which is achieved, as Kitty and Levin demonstrate, by sacrifice, pardon, and the desire to make each other happy. On the other hand the family is destroyed when either husband or wife indulges in the egotistic love of affinity, which leads to complete preocupation with one’s personal happiness and, as in Anna’s case, to the ruin of her life as well as that of her lover Vronsky - Introduction To Tolstoy’s Writings, Page 86)

Những chủ đề về xã hội tình yêu, ngoại tình, hôn nhân… của Tolstoy được đưa ra trong bối cảnh nước Nga hậu bán thế kỷ thứ 19 đang trên đường biến đổi theo những bước tiến mới của văn minh Tây phương. Về mặt gia đình những truyền thống xưa cha mẹ mai mối hoặc đặt đâu con ngồi đấy (arranged marriages) bắt đầu lỗi thời được thay thế bằng tự do lựa chọn người mình yêu. Những cảnh tán tỉnh, chinh phục đã thành hình và nhân quyền của phụ nữ đã được đề cập nhiều hơn trong tác phẩm.

Trong chiều hướng cải cách để đem lại bộ mặt mới, tiến bộ cho xã hội nước Nga còn lạc hậu, Tolstoy chịu ảnh hưởng tinh thần cấp tiến đã thể hiện những quan niệm mới về hạnh phúc bằng sự so sánh hai cuộc hôn nhân song song bên nhau trong tác phẩm, một bên cuối cùng đến bờ bến hạnh phúc và bên kia tới thảm cảnh cùng đường sau những chặng đường đi tìm ảo tưởng.

Từ hồi thập niên 1860 trong khung cảnh đất nước Nga đang trên đa đổi mới, nhiều nhà cấp tiến xã hội đả phá chế độ gia đình hủ lậu thiếu thốn quyền tự do cá nhân, họ nói cha mẹ bóc lột sức lao động con cái. Tại đây, với Anna Karénine Tolstoy cũng thể hiện quan niệm riêng về hạnh phúc gia đình, ngay như câu đầu tiên của cuốn sách
“Những gia đình hạnh phúc thường giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh lại có bộ mặt đau khổ riêng”
(Happy families are all alike; every unhappy family is unhappy in its own way).
Ta đã thấy ông nhấn mạnh về hạnh phúc gia đình .
Thời kỳ cha mẹ đạt đâu còn ngồi đấy đã đi vào quá khứ, Kitty đã tự lựa chọn người bạn đời của nàng, họ tìm được hạnh phúc trong mái gia đình ấm cúng trong một cuộc hôn nhân có tình yêu. Anna sai lầm khi còn trẻ nàng đã kết hôn với một người hơn nàng hai mươi tuổi vì địa vị danh vọng, cuộc hôn nhân không tình yêu đưa tới đổ vỡ tan tành. Anna, Vronskly đi tìm hạnh phúc trong tình yêu, chàng và nàng hy sinh tất cả cho tình yêu trong khi Anna từ bỏ đứa con trai yêu quí, mất hết danh dự để hy sinh cho tình yêu, Vronsky bỏ cả sự nghiệp, công danh trái lời mẹ vì tiếng gọi của con tim .. để rồi chuốc lấy cay đắng chán chường thất vọng, chỉ thấy ảo ảnh cuộc đời, ảo tưởng hạnh phúc.

Anna đã từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để tìm đến một tình yêu không hôn nhân nhưng nàng chỉ đi tìm ảo ảnh của hạnh phúc, cả hai cuộc đời nàng đã trải qua cuối cùng không phải là hình bóng hạnh phúc mà nàng đã tìm kiếm một cách sai lầm. Tolstoy phác hoạ gia đình như một nguồn hạnh phúc cao quí dưới một mái nhà ấm cúng … Anna phá hoại gia đình và rồi chết thảm trên đường rầy xe lửa , Levin tạo dựng mái gia đình hạnh phúc và chàng đã đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc đời.Tolstoy kết luận, đức tin, hạnh phúc, đời sống gia đình kết hợp với nhau thành lý tưởng và mục đích cuối cùng.

Tác giả kể chuyện hai cuộc tình xen kẽ nhau cho ta thấy hai bộ mặt của hạnh phúc: ảo tưởng và chân thực. Anna – Vronsky đi tìm hạnh phúc trong cơn sóng gió, tưởng như lạc vào cõi thiên đường mơ mộng nhưng cạm bẫy đã giăng ra phía trước, hố sâu tội lỗi và trừng phạt đang chờ đón họ, mở đầu bằng tình yêu và kết thúc trong hận thù. Họ tìm hạnh phúc trong tội lỗi nhưng đó chỉ là ảo tưởng và kết thúc bằng hậu quả thảm khốc: Anna mất hết gia đình, danh dự và cả cuộc đời, Vronsky tiêu tan sự nghiệp, lương tâm bị dầy vòđau khổ.

Trong khi ấy chuyện tình Levin - Kitty êm đềm hạnh phúc dưới mái gia đình ấm cúng, hạnh phúc ở trong tầm tay của họ.

3- Luận đề xã hội

Trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân trang 82 Morris Philipson nói:

“Anna Karenina đã được coi là tác phẩm xã hội lớn vì nó diễn tả một cách bi thảm hơn bất cứ tác phẩm nào khác về ảnh hưởng của “lối sống xã hội” trên hạnh phúc cá nhân con người. Sở dĩ truyện được cả thế giới yêu chuộng vì nó đã quan tâm sâu sắc tới tất cả những mối liên hệ của xã hội”
(Anna Karenina has justly been called the greatest novel of society - for its expresses more dramatically than any other single work the power that “social life” has over individual happiness. What gives the novel its great universality is its profound examination of what social relations are all about)

Chủ đề trong cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai này của Tolstoy thể hiện nhiều khía cạnh xã hội. Hoàn cảnh nước Nga giai đoạn này không văn minh bằng Tây phương Anh, Pháp.. trào lưu mới đưa đến sự va chạm cũ mới của thành phần bảo thủ chủ trương bảo tồn giai cấp điền chủ quí tộc và thành phần cấp tiến có khuynh hướng ngả về những giá trị Tây phương . Giai cấp bảo thủ muốn duy trì chế đô nông nô và chính quyền quân chủ chuyên chế trong khi phe cấp tiến thân Tây phương tin tưởng vào kỹ thuật tân tiến, luận lý, dân chủ. Trong truyện ta thấy Levin đưa vào canh nông những phương pháp mới trong khi ấy nông dân bảo thủ vẫn muốn lối canh tác cổ truyền.
Mục tiêu hàng đầu của luận đề xã hội trong tác phẩm nhắm vào xã hội giả dối của một nền đạo lý lỗi thời mà Anna tiêu biểu con người phản kháng. Trong môi trường quyền lực, danh vọng nàng đã can đảm từ bỏ cuộc đời giả dối không tình yêu để theo tiếng gọi của con tim. Anna thách đố xã hội, nàng đi xem hát công khai tại hí viện sau khi chung sống với người yêu Vronsky để chứng tỏ cho mọi biết nàng không quan tâm tới những truyền thống lỗi thời của xã hội giả dối.

Karénine người chồng bị phản bội nhưng vẫn tha thứ, muốn nàng tiếp tục cuộc sống vợ chồng như xưa, ông từ chối ly dị, che dấu sự xấu xa tai tiếng trước dư luận xã hội. Anna khước từ, nàng nói tôi không thể làm vợ mình được, tôi không thể kéo dài cuộc đời giả dối này mãi.

Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nhận xét về tác giả và nhân vật Anna..

“Chính Tolstoy lại dành chút tình yêu thương cho nữ nhân vật với bản chất hào hiệp, sáng ngời. Ông đã cố chứng tỏ rằng nàng là nạn nhân của xã hội quí tộc đạo đức giả này hơn là vì đam mê. Mặc dù Anna gian díu với chàng sĩ quan dễ thương, bảnh bao nhưng nếu nàng tỏ ra kín đáo và chấp nhận phong tục xã hội thì giới thượng lưu đã không kết án nàng, họ chấp nhận cuộc tình ấy – Trang 86.

(For Tolstoy, himself a bit in love with his heroine’s large, generous, radiant nature, endeavors to show that she is as much a victime of the hypocrisy of this high society as of her own passion. If Anna had had an affair with a handsome, socially desirable army officer, high society would not have condemned her provided she was discreet and abided by conventions that were supposed to make such affairs permissible)

Nhưng Anna không che dấu sự thật, nàng không kín đáo vờ vĩnh che mắt thế gian để được xã hội tha thứ mà công khai từ bỏ cuộc sống vợ chồng không tình yêu để xây dựng cuộc sống mới chân thực. Anna thể hiện con người phản kháng xã hội và nàng đã bị xã hôi khước từ, chị dâu Vronsky từ chối không nhìn nàng là người trong họ vì không thể chấp nhận cuộc hôn nhân thiếu đạo đức ấy, xã hội không chấp nhận cuộc hôn nhân ấy và đẩy nàng vào bước đường cùng thê thảm. Nếu xã hội từ bỏ những phong tục đạo đức giả lỗi thời, chấp nhận cho họ kết hôn thì người đàn bà đã không chết.

Luật triều đình và luật Giáo hội không cho phép Anna ly dị, lấy chồng khác vì Karénine, chồng nàng còn sống, nhưng tậïp quán cũa xã hội quí tộc nghiệt ngã hơn thế, nàng đã bị làm nhục, bị chửi mắng là đồ hư hỏng lăng loàn khi xuất hiện trước đám đông tại rạp hát, người ta đẩy nàng ra bên lề xã hội.
Trong cuốn Ông Bá Tước Muốn Làm Người Nông Dân, trang 83 Morris Philipson nói:

“ …. Về phương diện ấy, Anna Karenina là tác phẩm phản kháng xã hội vì Toltoy ám chỉ tình yêu giữa Vronsky và Anna tốt đẹp hơn là tập quán xã hội đã đẩy họ ra lề cuộc sống. Hôn nhân không tình yêu cũng tệ như tình yêu không hôn nhân; nhưng xã hội lại chấp nhận trường hợp trước và kết án trường hợp sau. Xã hội thích nghi với với chế độ hôn nhân nhưng đã làm mất tinh thần của nó. Tinh thần phản kháng xã hội của tác phẩm nằm ở chỗ Tolstoy lên án tình cảm giả dối của xã hội, nó chỉ chuộng bề ngoài hơn là thực chất. Những giá trị giả dối khiến cho xã hội tự đánh lừa mình và họ sống giả dối, chuộng bề ngoài, chẳng khác nào từ chối sống thực với chính mình, nó khiến cho con người sống một cuộc đời tự lừa dối mình.

(.. In this respect, Anna Karenina is an antisociety because Tolstoy implies that the love between Vronsky and Anna is better than the conventions which make them social exiles. Marriage without love is as bad as love without marriage; but society condones the former and condemns the latter. Society has made its accommodation with the institution of marriage but has lost the spirit of it.What is antisocial in the novel is Tolstoy’s condemnation of society’s emotional dishonesty, its willingness to prefer appearance to reality. False values make it easy for a whole society to delude itself and live dishonest, superficial lives, just as refusing to be true to oneself enables an individual to live a self-deluding life)

Anna tiêu biểu con người can đảm từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để sống thực cho chính mình trong khi chồng nàng Karénine thể hiện tinh thần của xã hội giả dối, ông tha thứ cho vợ và muốn vợ chồng vẫn sống như xưa, cấm nàng không được gian díu với người yêu để giữ bề ngoài, thể diện cho ông . Karénine chỉ cần có thế nhưng Anna từ chối, nàng không chấp nhận kéo dài cuộc đời giả dối làm người vợ hư. Xã hội đã không chấp nhận cuộc sống thực của Anna bên người yêu Vronsky khiến cả hai đã bị đẩy ra bên lìa để rồi nàng lâm vào bước đường cùng phải tự tử.
Morris Philipson cho thấy nếu xã hội cho phép hai người lấy nhau thì Anna đã không đến nỗi chết.

“Bi kịch của tác phẩm nằm ở chỗ Vronsky và nàng không lấy nhau được, không được ‘hứa hẹn một tương lai lâu dài’ mà chỉ xã hội mới bảo đảm được, họ đã không tránh được sự xung khắc gia đình, tình yêu của họ không đủ để giúp họ vượt qua cơn sóng gió. Họ bị chia lìa vì lo sợ nghi kỵ lẫn nhau –vấn đề lòng ích kỷ- mà họ có thể vượt qua nếu đã được chính thức lấy nhau –
( It is Anna Karenina’s tragedy that Vronsky and she are unable to marry. Without that “promise of an endless future”, which only society can pretend to guarantee, they are without protection against the conflicts threatening their harmony. Their love is not enough to protect them by itself. They are torn apart by fears for themselves – selfish concerns – that it would have been possible for them to overcome if they had been married- Page 84)

Bằng hình ảnh đôi tình nhân sống chung với nhau một cách tự nhiên bất kể nền nếp gia phong gia Tolstoi cho thấy đời sống vợ chồng của giai cấp quí tộc, những cuộc hôn nhân không tình yêu nay đã lỗi thời. Trước buổi giao thời mới cũ, hình ảnh Anna –Vronsky hay Levin - Kiity cho thấy lối sống xưa cũ đến lúc phải lùi vào dĩ vãng nhường chỗ cho trào lưu mới tân tiến hợp thời.

“Được phép sống trong dòng sinh hoạt xã hội cũng quan trọng như từng trải về tình yêu để sống một cuộc đời hoàn hảo. Cuộc tình của Anna Vronsky chắc chắn là chân chính, nhưng xã hội mà họ đang sống đã hủy hoại đời họ. Xã hội có quyền hành để nghiêm trị những kẻ phá luật lệ hôn nhân. Có thể một lý do nữa là phần nhiều những người này lại không có tình yêu chân thật, cặp tình nhân phá vỡ những tục lệ về hôn nhân nhắc nhở cho tất cả những kẻ khác thấy cuộc sống riêng tư của họ thật là giả tạo, thiếu xót và đáng xấu hổ thay.”

(Being allowed to participate in one’s society is as important as the experience of love in order to live a complete life. Anna and Vronsky love is certainly genuine, but the society they live in destroys them. Society has the power to take its revenge against those who break its rules about marriage. One reason for this may well be that because there is so little genuine love among the majority of people, lovers who break the conventions concerning marriage remind all the others of how shamefully superficial an unfulfilled their own private lives are” - Morri Philipson, The Count who wished he were a peasant , page 84, 85).

4- Khía cạnh đạo đức.

Tác phẩm của Tolstoy được nhìn nhận có giá trị cao cả về văn chương và đạo đức, sau này nhiều nhà phê bình nhận định về Resurection, cuốn tiểu thuyết lớn cuối cùng của Tolstoy cho rằng ông đã giảng đạo nhiều. Họ nhận định giá trị văn chương bị giảm khi nói về đạo đức và chỉ trích việc đưa đạo đức vào văn chương.
Ý nghĩa đạo đức bàng bạc trong các tiểu thuyết lớn cũng như nhiều đoản thiên của Tolstoy điển hình là Anna Karenina, ngay mở đầu tác phẩm ông đã trích dẫn mấy câu Kinh thánh :
“Tôi trả thù, tôi sẽ lãnh hậu quả, Chúa đã nói thế”
(“Vegeance is mine; I will repay, saith the Lord” Romans 12:19).
Toàn bộ truyện cho thấy ta phải tin Thượng Đế, tha thứ và xoa dịu nỗi đau khổ của con người, tinh thần đạo đức trong Anna Karenina được thể hiện qua nhiều nhân vật, tiêu biểu là Levin, Karenine, Kitty.
-Levin tự nhận là kẻ vô đạo, chàng đã thú nhận với Kitty trước khi làm lễ thành hôn mình không tin vào Thượng Đế. Chàng xấu hổ khi làm lễ tại nhà thờ với những lễ nghi, phép bí tích. Những lễ nghi được mô tả tỉ mỉ mà Tolstoy cho là giả dối. Xin sơ lược theo Phần 5, Chương một.

Vị linh mục nói “Chuá ở đây nhận lời xưng tội của anh, anh có tin Giáo lý của Giáo Hội không?
Levin đáp:”Con nghi ngờ tất cả.”

Ông cha nói tiếp. “Nghi ngờ là yếu điểm của con người, nhưng chúng ta phải cầu nguyện Thượng Đế với lòng nhân ái Ngài sẽ phù hộ chúng ta. Tội lỗi chính của anh là gì?”

Levin đáp “Tội lỗi chính của con là nghi ngờ.”
Rồi chàng nói tiếp. “Con nghi ngờ tất cả, đôi khi con nghi ngờ Thượng Đế có thật hay không.”
Ông cha hỏi chàng:”Nghi ngờ sự hiện hữu Thượng Đế như thế nào, ai đã soi sáng bầu trời, ai đã làm đẹp trái đất “
Levin không dám tranh cãi chỉ nói: “Con không biết”
Linh mục khuyên Levin phải cầu nguyện Thượng Đế rồi ông làm phép cho chàng.
Nhưng đến đoạn cuối truyện, Phần tám, Chương mười hai, trang 848, Levin đã tìm ra lẽ sống của mình.

“Ta chẳng khám phá được gì cả. Ta chỉ tìm ra được điều mình biết. Ta hiểu rằng trong quá khứ động lực đã cho ta cuộc đời và nay cũng cho ta cuộc sống. Nay ta đã thoát khỏi sự giả dối, ta tìm thấy Chúa”.
(I have discovered nothing. I have only found out what I knew. I understand the force that in the past gave me life, and now too gives me life. I have been set free from falsity, I have found the Master – Part eight, Chapter 12)

Chàng tìm ra đức tin như sau.

“Nay ta nói ta đã biết ý nghĩa cuộc đời: Sống vì Thượng Đế, sống cho tâm hồn của ta.
(Now I say that I know the meaning of my life: “To live for God, for my soul – Part eight, Chapter 12)
Levin liên tưởng đến những hậu quả nếu không có những niềm tin ấy, nếu không sống vì Thượng Đế mà sống vì nhu cầu riêng tư, chàng có thể phạm nhiều tội ác nói dối, trộm cướp, giết người ….
-Karenine giận dữ với vợ khi nàng không nghe lời chồng vẫn tiếp đón người yêu tại nhà, ông xỉ vả Anna không thương tiếc và đi gặp luật sư tiến hành thủ tục li dị, bắt con trai để làm cho nàng đau khổ, trả thù tất cả những đau khổ mà nàng đã gây ra cho mình.

Sau đó Karenine lên Moscow giải quyết công việc hành chánh, ghé nhà Stepan, anh vợ, Dolly chị dâu Anna năn nỉ xin Karenine đừng li dị vì như thế sẽ đấy Anna vào bước đường cùng nhưng Karenine quyết không tha thứ , ông nói tôi đã tạo nhiều cơ hội để nàng trở về con đườøng ngay nhưng vẫn lôt xuống bùn.

Lòng thù hận của Karenine bốc lên cao, ông nói tôi thù ghét nàng muôn đời, không thể nào tha thứ được, nó đã làm khổ tôi. Dolly khuyên Karenine

“Hãy yêu thương những kẻ ghét mình…trang 425” ( Love those that hate you…)
Nhưng Karenine một mực nói không thể yêu người mình ghét, con người chịu đựng có giới hạn.
Karenine cương quyết trừng phạt Anna và người yêu Vronsky, khi ấy ông nhận được điện tín của Anna, nàng khẩn khoản nói “ Em đang hấp hối, mình về ngay, nếu mình tha thứ cho em, em sẽ dễ chết hơn” Karenine khinh bỉ cho là nàng bầy chuyện dối gạt mình nhưng cũng lên xe hoả về Petersburg vì nếu thật thì ông sẽ mang tiếng ác. Tới nhà được biết Anna đã sinh đẻ đứa con gái hôm qua, con của Vronsky, nàng còn yếu lắm, nói mê sảng luôn luôn. Karenine nghĩ nàng sẽ chết, chính ông cũng mong cho nàng chết chết khuất đi.

Một gia nhân đưa ông vào phòng , Vronsky khóc bảo ông “nàng sắp chết, bác sĩ nói không có hy vọng, xin cho tôi được ở lại đây” trong khi Karenine vội tới gần Anna đang nằm trên giường, má nàng tím bầm, nàng nói lảm nhảm:

“…Chồng tôi sẽ tha thứ cho tôi, nhưng anh ấy đâu rồi, anh ấy tốt lắm.. trời ơi tôi sắp chết rồi, tôi không sợ anh ấy , tôi sợ chết…Karenine cầm tay nàng đau khổ, Anna khóc lóc xin chồng tha thứ : Xin mình tha thứ cho em, nàng nói lảm nhảm vô nghĩa…”
Khi ấy bao nhiêu thù hận trong lòng người chồng tan biến đi như cơn gió thoảng.

“Karenine trước đây đã không nghĩ rằng Đạo lý Thiên chúa giáo ông theo học cả đời có thể khiến mình tha thứ và yêu thương kẻ thù; nhưng nay một niềm vui yêu thương và tha thứ cho những kẻ mình thù ghét tràn đầy trong lòng mình- Phần 4, chương 17.”
(He did not think that the Christian law that he had been all his life trying to follow, enjoined on him to forgive and love his enemies; but a glad feeling of love and forgiveness for his enemies filled his heart- Part four, chapter 17)
Người chồng khóc nức nở như một đứa thẻ thơ.
Anna nói em không cần gì hơn là tha thứ, khi ấy Vronsky đang lấy tay che mặt vì xấu hổ, Anna bảo chồng gỡ tay hắn ra và tha thứ cho hắn .. Bác sĩ nói chín mươi chín phần trăm nàng không qua khỏi, chỉ còn ít giây phút nữa.
Karenine thú thực với Vronsky: Ta muốn nói ác cảm giác đã hướng dẫn ta để anh có thể đừng làm điều trái với ta, ta đã tiến hành li dị, thật chẳng dấu anh làm gì, ta đau đớn quá, thú thật ta đã tiến hành để trả thù anh và nàng. Khi nhận được điện tín ta tới đây cũng với niềm ác cảm ấy, ta mong nàng chết quách đi , nhưng khi thấy nàng ta tha thứ cho nàng .

“Và hạnh phúc tha thứ đã khiến ta trở về bổn phận. Ta tha thứ tất cả. Ta sẽ đưa má bên kia, kẻ nào lấy trộm áo ta, ta sẽ cho nó thêm cái áo khác. Ta chỉ cầu xin Thượng Đế đừng lấy đi hạnh phúc tha thứ của ta”
(And the happiness of forgiveness has revealed to me my duty. I forgive completely. I would offer the other check, I would give my cloak if my coat be taken. I pray to God only not to take from me the bliss of forgiveness! – Part four, chapter 17)”
Niềm hạnh phúc mới theo Tolstoy là hạnh phúc của tha thứ theo ý nghĩa tình vị tha bác ái, kẻ nào tát má bên này ta sẽ đưa má bên kia. Trước đây Karenine con người sùng đạo nhưng trong lòng đầy rẫy hận thù, cái biên giới giữa tình yêu và hận thù cũng rất mong manh, chỉ trong khoảnh khắc hận thù tan biến, trong lòng Karenine nay đầy tình thương và tha thứ cho bọn kẻ thù đã làm ông đau khổ nhục nhã bấy lâu nay.

-Kitty thất tình cay đắng phát bệnh khi Vronsky không còn màng đến cô để chạy theo Anna. Ông hoàng và phu nhân theo lời khuyên bác sĩ đưa cô ra ngoại quốc nghỉ mát để lấy lại bình tĩnh thăng bằng. Trong thời gian tại Đức, cô quen nhiều người tốt như bà Stahl, Varenka, họ có ảnh hưởng nhiều trên đời sống tinh thần của cô, họ xoa dịu nỗi đau của Kitty. Chẳng bao lâu một thế giới mới mở ra cho Kitty, thế giới cao sang, hưng phấn .. từ đó cô bình thản nhìn lại quá khứ, nó mở ra cho cô một thế giới tinh thần. Cuộc đời mở ra cho cô một chân trời tinh thần tín ngưỡng nhưng cái tôn giáo này không liên hệ gì với đạo mà nàng đã biết từ hồi còn nhỏ với những kinh cầu, đó là tôn giáo huyền bí cao cả uyên thâm mà người ta bảo mình phải tin vào đó.

Nay cô thấy đạo này không xuất từ những lời, bà Stahl nói tất cả những phiền muộn, đau khổ của con người chỉ có tình thương và đức tin xoa dịu được , Kitty học được ở Veranka con người có mục đích tự quên mình và yêu thương người khác và nó sẽ khiến ta điềm đạm, hạnh phúc, cao thượn, Kitty muốn được như vậy, nay nàng cho đó là điều quan trọng nhất. Từ Varenka, bà Stahl và những người cô đã học hỏi được cô phác hoạ một chương trình làm việc cho tương lai, cô tìm những người có nhiều trắc trở dù họ ở đâu. Cô sẽ giúp họ tất cả những gì mình có thể như cho họ Kinh thánh, đọc kinh thánh cho người bệnh, tù nhân, những kẻ hấp hối, đó là những giấc mơ âm thầm, Kiity không nói cho ai biết.

Trong khi chờ thực hiện chương trình của mình ở một bình diện lớn, phu nhân thấy Kitty, con gái bà bắt chước Varenka, bà thấy Kitty đã thay đổi tinh thần một cách nghiêm túc. Buổi chiều cô đọc Kinh thánh bằng tiếng Pháp của bà Stahl cho, cô tránh giao thiệp với những bạn bè quen biết trong xã hội và giúp đỡ những người bệnh hoạn và nhất là một gia đình nghèo, hoạ sĩ Petrov. Người ta khen cô là một thiên thần xoa dịu những nỗi đau của người khác. Phu nhân thấy con bà nhiệt tình quá phải can ngăn bằng một câu tiếng Pháp “

“Bất kỳ việc gì cũng không nên thái quá”
“Il ne faut jamais rien outrer “
Tôn giáo dưới nhãn quan Tolsoty lại hoàn toàn khác với đạo của Giao hội mà ông cho chỉ là hình thức. Như ở đây cuộc đời mở ra cho Kitty một thế giới mới với tinh thần tín ngưỡng nhưng cái tôn giáo này không liên hệ gì với đạo mà nàng đã biết từ hồi còn nhỏ với những kinh cầu, đó là tôn giáo huyền bí cao cả uyên thâm mà người ta bảo mình phải tin vào đó.

Tolstoy con người sùng đạo, tin Thượng đế nhưng chống lại Giáo hội mà ông cho chỉ là những hình thức, những lời giảng uyên thâm bắt người ta phải tin tưởng.

(Còn một kỳ)

No comments:

Post a Comment