27 April 2024

30 tháng Tư của một Đồng Môn

Saigon 28/4/2015

Hôm nay là 28/4, giỗ tổ Hùng Vương. Năm nay ở Việt Nam công nhân viên được nghỉ 6 ngày kỷ niệm 30/4 và 1/5. Nhiều người đi chơi xa, còn anh em mình 'cố thủ' ỏ Sài gòn, đóng cửa gặm nhấm nỗi buồn ngày xưa. Tôi còn nhớ mãi ngày 25/3 lúc 7 giờ tối nghe BBC và VOA, nghe tin Quảng Tín bị mất liên lạc, mọi người hoang mang vô cùng.

Tôi và mấy anh em QGHC bám lên mấy chiếc xe GMC đi ra quốc lộ 1 hy vọng ra được căn cứ Chu Lai để gặp sư đoàn II ở đó. Xe chạy suốt đêm hôm đó, gần sáng thì bị pháo kích, người chết và bị thương nằm la liệt.  Đang phân vân không biết làm sao thì nghe tiếng loa, nhìn ra thì thấy mấy 'nón tai bèo' xuất hiện cùng với súng AK. Họ bắt buộc chúng tôi đi bộ trở lại tỉnh Quảng Ngãi.

Thức suốt đêm qua lại không có gì ăn, ai cũng mệt muốn xỉu. Về gần đến tỉnh thì một tên du kích kêu đích danh tôi, bắt trình diện. Họ đưa tôi vào một căn nhà xét đồ đạc của tôi trong khi đó bên ngoài có tiếng ồn ào la ó "Bắt được tên Quận Trưởng ác ôn rồi, bắn nó đi, giết nó đi. Tôi cảm thấy cuộc đời mình coi như xong. Sau đó họ lột giầy, bắt tôi đi chân không, trói tay tôi lại giong đi cùng một số người khác. Họ đưa chúng chúng tôi vào mật khu, trong đó thấy xe tăng T54 đậu dài dài. Bọn lính hỏi: "Đưa đi bắn hả?".

Chúng tôi phải đi suốt đêm. Sáng hôm sau thì lên đến đỉnh núi Sơn Cao. Rồi từ đó chúng tôi phải trải qua những ngày tủi nhục, đói khát, bị đánh đập dã man và đi lao động khổ sai.

Sáng ngày 30/4, chúng tôi đang chặt cây trên rừng thì loa phóng thanh kêu tất cả trở về trại. Về đến nơi chúng tôi được nghe radio. Lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, bọn chúng tôi sững sờ rồi ôm nhau... khóc!

Sau đó là những ngày kinh hoàng, đói khổ, bệnh tật và thất vọng.Ở trong trại, tôi bị đánh hộc máu. Anh em phải kiếm cua dong, giã ra cho tôi uống để làm tan máu bầm. Tôi lại bị lao động nặng quá, chịu không nổi, chúng lại đánh tôi và bắt tôi đi làm ruộng đến độ cụp xương sống. Tôi chịu đựng đến giữa năm 1981 thì được thả mang theo thân tàn ma dại và bệnh ho lao về nhà*.

Ở nhà tôi không còn thứ gì có thể bán đi để chạy thuốc thang cả. Hàng ngày tôi phải đạp xe đạp từ nhà ở đường Phan Đăng Lưu đến bệnh viện Chợ Rẫy dậy tiếng Pháp cho một số bác sĩ, rồi lại tiếp tục đi dậy ở các Trung Tâm Ngôn Ngữ (Language Centers) để kiếm sống.

Cũng nhờ mấy anh học trò là bác sĩ, họ kiếm thuốc cho tôi uống. Nhiều khi tôi phải xin nhau (placenta) của sản phụ, ăn để tăng sức chịu đựng. Cũng nhờ vậy mà tôi khỏi bệnh. Tuy nhiên sức khỏe của tôi sa sút trầm trọng khiến tôi bị stroke và tiểu đường, bây giờ tàn phế, ăn nhờ các con!

Tính tôi không thích than vãn nên ít khi tôi kể khổ bởi vì:
"Gemir, pleurer, prier est egalement lache"
(Than vãn, kêu khóc, van xin tất cả đều là hèn)

Tôi cứ cắn răng chịu đựng vì qua 9 tháng ở (Trường Bộ binh) Thủ Đức và gần 7 năm học "Cao học" tôi đã trải qua tất cả cực khổ rồi, bây giờ có khổ thêm thì cũng vậy thôi!

Cuộc đời tôi còn trải qua nhiều gian khổ nữa, nhưng thôi! Có nói nữa cũng chẳng làm gì!**

**

Tôi xin dừng bút ở đây. Một lần nữa, xin đa tạ các bạn có lòng nghĩ đến tôi và gửi quà về giúp đỡ. Thân chúc các bạn và gia đình luôn vui mạnh và gặp nhiều may mắn. Rất mong có ngày mình gặp lại nhau.

BC, ĐS 14
(Từ VN)
(*) Chính vì bị lao phổi nên không hội đủ điều kiện sức khỏe mà người bạn chúng ta không thể ra đi theo diện HO.
(**) Đã thế người bạn đường lại mất sớm.
BC cũng đã thành người thiên cổ cách đây ít năm.

22 April 2024

Cái cửa sổ. . .

Hai vợ chồng trẻ mới di chuyển về ở một nơi mới. Một hôm khi họ đang ăn sáng, người vợ nhìn thấy người hàng xóm đang phơi đồ bên ngoài.

- “Đồ giặt đó không sạch lắm, cô ấy không biết cách giặt đúng cách. Có lẽ cô ấy cần bột xà bông tốt hơn."

Chồng cô nhìn theo, im lặng.

Mỗi lần người hàng xóm đem đồ giặt ra phơi, người phụ nữ trẻ đều đưa ra nhận xét tương tự. Một tháng sau, cô vợ ngạc nhiên khi thấy đồ giặt sạch đẹp trên dây phơi liền nói với chồng: 

- "Nhìn kìa, rồåi cô ấy cũng học được cách giặt đúng. Em không biết ai đã bày cho cô ta?"

Người chồng trả lời:
- “Sáng nay anh dậy sớm và lau chùi cửa sổ nhà mình.” !!

                      **
Đừng vội phán xét người khác, đặc biệt nếu quan điểm sống của bạn bị che mờ bởi sự tức giận, ghen tị, tiêu cực hoặc những ham muốn không được thỏa mãn.

"Đánh giá một người không xác định họ là ai. Nó xác định bạn là ai."

(TTR lượm và biên dịch từ Internet)

19 April 2024

"Vết Thương Chưa Lành"


Vết Thương Chưa Lành
(Unhealed Wounds)
Sơn dầu trên vải bố
20x24 in
Tranh  A.C.La  Nguyễn Thế Vĩnh
**
Chiến cuộc đã tàn
nhưng khói lửa vẫn bùng lên khi nhớ đến anh. 

Tin từ BBC: Israel tấn công Iran

Thành phố Isfahan cách thủ đô Tehran của Iran khoảng 350 km về phía nam. Thành phố Isfahan có một căn cứ không quân lớn, một tổ hợp sản xuất tên lửa cùng vài cơ sở hạt nhân.

Giải thích lý do Isfahan trở thành mục tiêu của vụ tấn công, ông Mark Kimmitt, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, chia sẻ với BBC News: “Isfahan là trung tâm chương trình hạt nhân của Iran, xét trên phương diện đào tạo, nghiên cứu và phát triển năng lực hạt nhân. “Vì vậy, đây là mục tiêu tấn công tiềm năng của Israel.

Điều Israel sợ không phải những cuộc tấn công bằng tên lửa, mà là năng lực hạt nhân [của Iran].”

Hiện các cơ sở hạt nhân ở Isfahan “hoàn toàn an toàn”, Đài truyền hình nhà nước Iran (IRIB) dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết.

Để xem tiếp:

16 April 2024

Tưởng Nhớ Bà Nguyễn Đắc Điều (Đỗ Trung Pauline)

Đỗ Tiến Đức

Sept.,5-2022 Rock Springs-Wyoming
Hôm nay chúng ta đến đây để tiễn đưa một người bạn mà chúng ta yêu mến rời bỏ chúng ta về miền vĩnh cửu. Cho nên ai cũng buồn. Từ nỗi buồn của người mất vợ, tới cái buồn của người mất mẹ, mất em, mất chị, mất bà... Và chúng ta buồn vì mất người bạn quý. Không ai chia được nỗi buồn cho người khác. Chúng ta đang chung một nỗi buồn với gia quyến anh chị Điều.


Với tôi, hồi trước 1975 ở Việt Nam, Ông Điều và tôi là đổng môn nhưng chưa đủ thân để trở thành bạn do đó lễ thành hôn của ông tôi không được có mặt nên không có dịp quen biết bà Điều. Tôi chỉ nghe các bạn đi ăn cưới nói cô dâu là con nhà giàu, du học Thụy sĩ, trong khi hầu hết dân QGHC đi xe gắn máy, lambretta, vespa thì nàng đã lái xe hơi và gia đình ở tại con đường đắt giá nhất Sài gòn.


Thế nhưng vào năm 1979 đi tù cải tạo về, tôi vượt biển, tới Los Angeles. Trong số những người bạn liên lạc với tôi sớm nhất là ông Nguyễn Đắc Điều. Ngoài chúc mừng tôi tới bến bờ tự do, ông còn hướng dẫn tôi về nước Mỹ. Và, hơn thế nữa, ông bao gia đình tôi chuyến đi chơi khu SeaWorld tốn kém. Ở SeaWorld tới chiều, gia đình tôi kéo tới nhà ông Điều, lúc đó tôi mới gặp bà Điều lần đầu.


Tình bạn giữa hai gia đình chúng tôi ngày càng thân thiết. Sau đó hai gia đình chúng tôi tổ chức “Sinh nhật Tháng Mười” chung vì ông bà Điều và tôi với các con tôi cùng sinh tháng Mười. Có lần chúng tôi tổ chức tại nhà hàng mời hàng trăm bạn hữu, có ban nhạc, có Từ Công Phụng, Thái Thanh và nhiều ca sĩ chung vui. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức “Họp mặt những con trâu” vì Điều và tôi và một số đồng môn tuổi con trâu như Bùi Bỉnh Bân, Lưu Văn Trang.


Theo thời gian, tôi được biết chị Điều và quý chị nhiều hơn. Khi tiệc tùng vui chơi, chị chỉ cười nhỏ nhẹ. Chị hiền lành, đôn hậu, tác phong của một người trí thức. Tôi chưa hề nghe chị lớn tiếng với ai. Nhưng khi đối diện những chuyện không vui, tôi thấy thoáng một vẻ kiêu hãnh trên khuôn mặt dịu dàng của chị.
   Với chồng, chị rõ ràng là một cái bóng sau lưng anh. Trong đám đông, anh hoạt bát, vui nhộn, rất thích khoe tài nấu nướng món ăn thì chị ngồi với bạn, nhỏ nhẹ như không rành bếp núc.


Một lần, truyện trò với anh về cái ti vi tôi mới mua, hình ảnh bị mờ. Anh nói ngay sẽ lên giúp tôi điều chỉnh antenne. Hai vợ chồng lái xe từ San Diego lên Los Angeles. Điều và tôi gặp nhau thì ôi thôi đủ thứ chuyện mà không nhớ tới vụ sửa antenne. Một lúc sau có tiếng chị Điều gọi. Hai thằng chúng tôi chạy ra sân thì tôi thật ngạc nhiên khi thấy chị Điều đã ở trên nóc nhà. Thì ra chị mới là người biết sửa antenne.Tôi khen chị. Được thể, ông bạn tôi khoe vợ: Bà ấy còn sửa điện nước trong nhà, sửa xe hơi, làm vườn ... Được đà ông chồng tốt này khoe hồi trẻ ở Sài gòn bà ấy còn thi bóng bàn, thi cầu lông, huy chương đầy nhà.


Một kỷ niệm đáng nhớ về chị đối với tôi là khi tôi rời nhà từ Los Angeles xuống Orange County. Tôi mua một cây hoa ngọc lan khá lớn nên không làm sao lấy cây ra khỏi chậu nhựa và đưa xuống lỗ đã đào sằn. Sau đó, vợ chồng tôi làm cơm mời nhóm bạn, trong đó có anh chi Điều. Trong khi chờ dọn bàn, các bạn ra vườn, hỏi về cây ngọc lan. Thế là bốn người đàn ông gồm anh Nguyễn Văn Ngân, anh Đoàn Danh Tài, anh Nguyễn Đắc Điều và tôi xúm vô, nhấc gốc cây ra khỏi chậu rồi đẩy xuống hố. Nhưng hết bàn cách làm thế này, tới làm kiểu kia vẫn không kết quả. Nghe bọn đàn ông chúng tôi um sùm, chị Điều bước ra hỏi chuyện. Nghe chúng tôi tường thuật, chị nói để chị thử xem sao. Các bạn biết không, chỉ vài phút sau, cây ngọc lan đã đứng thẳng dưới hố.


Chị khỏe như thế đấy nên tin chị qua đời khiến ai cũng sửng sốt. Cho đến bây giờ tôi mới nghe chị bị bệnh cả chục năm rồi nhưng chị âm thầm chịu đựng một mình. Mới đây, trong thời gian chị nằm trong bệnh viện, vợ chồng tôi muốn xuống thăm cũng không được. Chẳng những thế anh Điều còn dặn chúng tôi đừng cho ai biết chị đang nằm trong nhà thương.


Chị Điều ơi, người xưa nói con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương. Mà sao chị sắp chết mà không có lời bi thương nào? Sự im lặng của chị trước định mệnh oan nghiệt đã làm trái tim tôi bão tố đấy, chị Điều...

Hồi ở quê nhà, sau 1975, hễ tiễn một người bạn vượt biên, chúng tôi tôi chào nhau vĩnh biệt vì nghĩ “hai chúng ta sẽ chẳng còn gặp nhau nữa trên cõi đời này”. Thế nhưng rõ ràng là chúng tôi lại gặp nhau nơi quê người.
   Hôm nay chị vượt biên. Và tôi nghĩ rằng biết đâu sẽ có ngày chị chào đón chúng tôi ở một miền nào đó như anh chị đã đón gia đình tôi khi tới Mỹ.
 

Tạm biệt thôi, chị Đỗ Trung, phu nhân bạn Nguyễn Đắc Điều.


Đỗ Tiến Đức




Hàng ngồi: anh chị Phạm tín An Ninh, anh Đỗ Tiến Đức.

Hàng đứng: anh Nguyễn đắc Điều, chị Đỗ Tiến Đức, chị Đỗ Trung Pauline, 
chị Đỗ kim Ngọc, chị Trương Dzu Chi.

(Hình chụp ngày 28 tháng 9 năm 2023)

05 April 2024

Khói Thuốc

Họ là hai người bạn đồng tù. Có thể không phải chỉ như vậy. Nhìn cung cách họ đối xử với nhau, bạn chỉ có thể hiểu đó là hai người bạn thân thiết từ trước khi bị tập trung "cải tạo".

Một buổi đẹp trời một trong hai may mắn có người nhà thăm nuôi. Dẫy nhà tù vách đất mái lá nằm sâu trong rừng. Những thùng quà người nhà mang tới thường nhẹ nhõm, không phải vì đường rừng xa xôi không thể mang nặng hơn mà thường là vì trong hoàn cảnh xơ xác góp nhặt được bao nhiêu quý bấy nhiêu.

Tối hôm đó người có quà thăm nuôi đến chỗ người bạn mình, đang nằm ngửa,  chân tréo chữ "ngũ", mắt hướng lên trời. Anh ngồi xuống bên cạnh, từ tốn lấy trong túi ra gói thuốc lá, rồi xé rút một điếu châm lửa. Người nằm kẻ ngồi, nhưng cả hai như đang sống trong cõi mộng. Điếu thuốc tàn, anh vẫn ngồi bên người bạn thêm giây lát. Họ vẫn không nói với nhau một lời. Anh nhẹ nhàng đẩy gói thuốc về phía người bạn, đứng lên đi về chỗ nằm của mình ở cuối lán./.

Điền Thảo

04 April 2024

Xin Hãy Ghé, thơ

Dạo:
     Hỡi người "du lịch" quê hương,
Có còn nhớ chuyện đau thương năm nào?
  
 
        Xin Hãy Ghé
 
Bạn lại bảo sắp về quê du lịch,
Và lần nào cũng thích thú như nhau,
Được chen chân vào những chốn "sang giàu",
Lòng thơ thới, chẳng bao giờ thấy chán!
 
Người như bạn, giờ nơi đây nhan nhản,
Đủ loại từ tỵ nạn đến di dân
Qua đường nhân đạo, qua ngả hôn nhân,
Hay may mắn được người thân bảo lãnh.
 
Bạn bảo bạn có tiền và quá rảnh,
Nên về quê ngoạn cảnh với vui chơi
Thật nhiều lần cho đầu óc thảnh thơi,
Để quên hết nhọc nhằn thời vượt biển.
 
Lâu lâu rải ra ít đồng "từ thiện",
Để người nghèo phải luôn miệng cám ơn,
Để thấy mình bỗng chốc "vĩ đại" hơn,
Rồi hể hả lơn tơn đi du lịch.
 
Bạn cứ việc làm điều gì bạn thích,
Chẳng còn ai dám chỉ trích bạn đâu,
Tôi chỉ xin nhờ bạn mỗi một câu:
Hãy thăm viếng trước sau giùm mấy chỗ.

                     *

Xin hãy ghé thăm đoạn đường khốn khổ,
Được đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng,
Nơi dân lành xưa tay xách nách mang,
Bị Cộng pháo chết không toàn thân thể.
 
Xin hãy ghé, nếu có về qua Huế,
Thăm mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân,
Nơi oan hồn vô tội của người dân,
Bao năm vẫn còn âm thầm kêu khóc.
 
Xin hãy ghé thăm chiến trường An Lộc
Để biết về trận đánh khốc liệt xưa,
Nơi hàng ngàn dân với lính sớm trưa,
Hứng đạn pháo như mưa rào tuôn dội.
 
Xin hãy ghé thăm nghĩa trang quân đội
Để thấy vô số tội của bạo quyền,
Đã say men "chiến thắng" đến cuồng điên,
Đập phá nát các đền đài bia mộ.
 
Xin hãy ghé Trường Thiếu Sinh Quân cũ,
Nơi vài trăm khóa sinh nhỏ hiên ngang,
Cuối Tháng Tư quyết chẳng chịu đầu hàng,
Liều sinh mạng để bảo toàn chính khí.
 
Xin hãy ghé thăm Cổ Thành Quảng Trị,
Nơi năm xưa, các binh sĩ can trường
Của miền Nam đã chẳng tiếc máu xương,
Giành lại được từ tay phường xâm lược.
 
Xin hãy ghé thăm Hoàng Sa, nếu được,
Để tỏ tường lòng yêu nước tận trung
Của Hải Quân với bao vị anh hùng
Đã dũng cảm giao tranh cùng lũ Chệt.
 
Xin hãy ghé tìm thăm nơi tuẫn tiết
Của năm vì Tướng trung liệt sắt son,
Theo gương xưa, quyết chẳng chịu sống còn,
Chọn cái chết để giữ tròn tiết tháo.
 
Xin hãy ghé thăm trại tù "cải tạo",
Nơi xưa kia bạn bị bạo quyền giam,
Bị đọa đầy hành hạ biết bao năm
Mới được thả về kiếm ăn xuôi ngược.
 
Xin hãy ghé thăm bến tàu ngày trước,
Nơi bạn tìm đường bỏ nước ra đi,
Dù lắm khi mất cả lưới lẫn chì,
Nhưng nhờ mãi kiên trì nên thoát khỏi. 
 
Xin hãy ghé thăm nhà giam tăm tối
Đã cầm tù bạn về tội vượt biên,
Để rõ thêm cái bộ mặt bưng biền
Của bè lũ cầm quyền đang đắc thế. 
 
Rồi muốn ghé chỗ học xưa thì ghé,
Nhưng chớ lầm gọi "Trường Mẹ", trường con,
Sau Bảy Lăm, "Trường Mẹ" đó đâu còn,
Sớm đã bị lũ cáo chồn cướp xác!  

                 *

Nếu chỉ biết toàn rong chơi chỗ khác,
Thì qua đây đừng mang rác tìm tôi,
Để khoe khoang cùng quảng cáo lôi thôi,
Rồi giở giọng cười chê tôi "ngoan cố".
 
Đừng ngụy biện bảo rằng về bên đó,
Cốt cho mình được biết rõ quê hương!
Sao ngày xưa phải van vái tứ phương,
Chui nhủi kiếm cho được đường bỏ xứ?
 
Quê hương cũ giờ đây còn đâu nữa,
Chỉ là nơi bầy quỷ dữ lộng hành,
Khiến triệu triệu dân lành
Luôn tiếc nhớ cảnh thanh bình thuở trước.
 
Kể từ Tháng Tư mất nước,
Quê nhà bước bước tang thương,
Vẫn văng vẳng đêm trường,
Tiếng than khóc từ đại dương vọng lại. 

                  Trần Văn Lương
        Cali, đầu Mùa Quốc Hận 4/2024

Khúc Ca Nắng Hạ, tranh A.C.La

24x24 in - Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

"Giai Cấp Mới" Tại Việt Nam

Trần Trung Đạo

Milovan Djilas là nhà nghiên cứu lý thuyết CS và từng là ủy viên Bộ Chính Trị đảng CS Nam Tư, Phó Chủ Tịch Nhà Nước CS Nam Tư, Chủ Tịch Quốc Hội CS Nam Tư. Sau khi phản tỉnh ông viết trong tác phẩm Giai Cấp Mới: Một Phân Tích Về Hệ Thống Cộng Sản xuất bản năm 1957 như sau:  

“Trong một thời gian dài, đảng CS cố tình che giấu bản chất của mình. Quá trình hình thành của giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. …Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc. “ (Theo Tủ sách Talawas, Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga, 2005) 

Cũng trong tác phẩm Giai Cấp Mới,  Milovan Djilas viết:  “Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.”

Nhưng câu này của Milovan Djilas mới là chí lý: “ Các lãnh đạo Cộng sản xử lý tài sản quốc gia như của riêng họ, nhưng đồng thời họ cũng lãng phí nó như thể nó là của người khác.” (Theo quote.org)

Thời gian dài trôi qua từ khi tác phẩm ra đời nhưng bản chất của chế độ CS tại năm nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn đúng như Milovan Djilas nhận xét.

Chiến tranh Việt Nam chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng sự tiêu pha và lãng phí của giai cấp thống trị đã làm cho Việt Nam, một đất nước nhiều tiềm năng, thành là một nước nghèo so với tiêu chuẩn phát triển chung của thế giới. Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ Việt Nam đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để nuôi dưỡng giai cấp thống trị hoàn toàn không làm một việc gì hữu ích cho xã hội ngoài hút máu dân tộc Việt.

Như nhiều người biết hôm nay, dưới chế độ CS, khái niệm “nhân dân làm chủ” chỉ là một chiếc bình phong để  giai cấp  của những kẻ thống trị, có toàn quyền xử dụng tài sản của đất nước như của chính mình, cũng như có toàn quyền lãng phí tài sản đất nước như không phải của mình.  

Những nhận định của Milovan Djilas có thể áp dụng vào hai trường hợp mới vừa xảy ra, Nguyễn Thị Phương Thảo tặng 155 triệu bảng Anh và Tô Lâm ăn bò bít-tết ở nhà hàng của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe.

H: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Như các báo loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú Việt Nam đồng ý tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre College, một trường nhỏ thuộc hệ thống Đại Học Oxford. Theo thông báo của trường, với số tiền lớn được tặng, ngôi trường đang mang tên học giả nổi tiếng Thomas Linacre có thể sớm đổi thành Thao College. Một số học giả Anh như giáo sư Đại Học Oxford Marie Kawthar Daouda phê bình ý định đổi tên trường từ Linacre sang Thao với lý do Thomas Linacre là học giả nổi tiếng trong thời đại ông và không nên thay chỉ vì một thương gia cho nhiều tiền. 

Việc tặng tiền cho một đại học là một nghĩa cử quen thuộc của những người giàu tại Mỹ, Anh cũng như các nước Tây Phương. Các tỉ phú Mỹ thường tặng tiền cho đại học, nhất là những trường mà họ xuất thân. Năm 2018, Michael Bloomberg tặng 1.8 tỉ dollar cho đại học Johns Hopkins tại Maryland.  

Điểm khác nhau chính là các tỉ phú Anh, Mỹ sinh ra và làm giàu trên một đất nước vốn đã giàu hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực, nhất là giáo dục. Theo The Center for World University Rankings  trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới có 17 trường là Mỹ, 2 là Anh và 1 là Nhật. Dò mỏi mắt xuống hạng 1,000 trường đại học được tổ chức này quan sát cũng không có một trường đại học Việt Nam nào. 

Theo cách lý giải và hành xử của một người bình thường nếu bạn có lòng vị tha để tặng thì bạn nên tặng cho những nơi thiếu thốn nhất, cho những người cần nhất. Giá trị và tác dụng của món quà nhờ đó sẽ cao hơn và ý nghĩa hơn là tặng cho những nơi đang đầy đủ. 

Mấy hôm nay, một làn sóng bất mãn, phê bình, mỉa mai, châm biếm bà Thảo đã “làm chuyện ngược đời”, “gánh củi về rừng”, “mua danh” v.v... Những người phê bình còn đưa ra những hình ảnh đau lòng của các em học sinh phải đu dây qua sông, bơi qua những khe nước chảy xiết, lội qua những con suối đầy đá nhọn để đến trường như một cách nhắc nhở cho bà Thảo thấy sự khác nhau giữa thực tế bi thảm của đất nước đã sinh ra bà và nền giáo dục hiện đại của Anh.  

Họ cho rằng lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để xây những chiếc cầu, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để dựng trường học, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo và nhiều “lẽ ra” khác.

Những người phê bình bà Thảo tưởng là bà không biết. Không, chắc chắn bà đã thấy và đã biết nhưng thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của nhiều triệu tuổi thơ Việt Nam nghèo khó hay không là chuyện khác.  

Là một tỉ phú, bà Thảo không muốn tên tuổi của mình gắn liền với một trường đại học dù lớn nhất Việt Nam nhưng vô danh trên thế giới.

Tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn
thịt bò bít-tếch dát vàng

Chuyện bà Thảo chưa xong. Hôm 3 tháng 11 vừa qua các mạng internet chuyền nhau video tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát vàng trị giá hơn một ngàn dollar. Nhìn cảnh Tô Lâm há miệng to cho đầu bếp nhà hàng Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối" đút miếng thịt bò trông vô cùng kệch cỡm, ghê tởm làm sao.  

Ăn thịt là chuyện bình thường nhưng nhìn Tô Lâm ăn khó mà không tưởng tượng cảnh thú vật ăn thịt nhau trong phim động vật hoang dã. Đừng nói chi đang đại diện cho một nhà nước tại nước ngoài, một người lịch sự và tự trọng thường không làm vậy trong nhà hàng với nhiều thực khách chung quanh.  

Những người Việt giận dữ lại lần nữa trưng bày những hình ảnh đau thương của hàng triệu người Việt tìm đường về quê tránh dịch với những cảnh chết chóc, đói khát, cực khổ không bút mực nào tả hết như một cách nhắc nhở Tô Lâm về thực trạng Việt Nam. 

Theo họ, lẽ ra Tô Lâm nên biết ngay trong giờ phút ông đang  ăn nhiều triệu người dân không có một chén cơm trắng để ăn, lẽ ra Tô Lâm nên biết trên cả nước nhiều người vẫn còn chết hay đang chờ chết vì nạn dịch, lẽ ra Tô Lâm nên biết hàng triệu trẻ thơ Việt Nam đang thiếu sữa trong tháng Mười lũ lụt này, và lẽ ra Tô Lâm không nên rắc muối lên vết thương của họ như anh chàng đầu bếp rắc lên miếng thịt bò mà Tô Lâm đang nuốt.

Chắc chắn là Tô Lâm đã thấy và đã biết nhưng giống như bà Phương Thảo, thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của đồng bào hay không là chuyện khác. 

Milovan Djilas viết về bản chất, nguồn gốc lịch sử hình thành nên giai cấp mới, nhưng ông có thể đã sót một đặc điểm quan trọng, “giai cấp mới” còn gồm những con người ích kỷ, vô lương tâm và vô cảm. 

Lấy Trung Cộng, nước CS đàn anh của CSVN làm ví dụ cho chính xác với điều kiện kinh tế. Bản chất giai cấp là lý do Trung Cộng mặc dù có nhiều tỉ phú hạng thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng là nước được tổ chức Charities Aid Foundation xếp vào hạng ích kỷ nhất thế giới trong nhiều năm.  

Năm 2019, Trung Cộng đứng hàng 126 trong số 126 quốc gia được tổ chức quốc tế này quan sát. Charities Aid Foundation kết luận “Trung Quốc là quốc gia duy nhất đứng hạng tệ hại nhất trong cả ba tiêu chuẩn gồm tình nguyện, giúp đỡ người khác và đóng góp hiện kim.” Trung Cộng còn đứng sau cả Congo, Palestine, Yemen, những dân tộc triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.

Nguyễn Thị Phương Thảo là sản phẩm của ý thức hệ CS nên đừng trách tại sao bà không rộng lượng với đồng bào mình mà dùng tiền đi mua danh một cách kệch cỡm đáng khinh.  

Hôm qua, 6 tháng 11, 2021, tờ Daily Mail của Anh tố cáo bà Nguyễn Thị Phương Thảo và chồng không chỉ cấu kết với giới lãnh đạo của “chế độ CSVN thô bạo” mà còn có quan hệ với cả chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. 

Nguyễn Thanh Hùng chồng Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tập Cận Bình

Những đồng bạc, dù một đồng hay một tỉ, có được do cấu kết với những kẻ gây nên tội ác chống lại con người trong trường hợp này là đảng CSVN, sẽ không được xem là đồng tiền chính đáng. 

Đặc tính không chính đáng của đồng tiền thể hiện rất rõ nét và rất dễ nhận ra tại Việt Nam. Hãy nhìn vào những biệt thự nguy nga mà “giai cấp mới” này sống so với những túp lều không vách của đại đa số trong 97 triệu người dân để thấy khoảng cách trời vực giữa hai tầng lớp người trong cùng một đất nước. Một chính phủ có 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch tỉnh và hàng ngàn vụ trưởng. Mục đích của bộ máy hành chánh cồng kềnh này chẳng qua là để hợp thức hóa vai trò của các cán bộ đảng, để qua đó chúng được chính thức lãnh lương, chính thức ăn hối lộ, chính thức tham ô và tham nhũng. 

Tham nhũng dưới chế độ CS không phải phát xuất từ bản chất tham lam của một số người ở đâu cũng có thể có. Tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng vì chính đảng CS tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi, nuôi dưỡng tham nhũng lớn và tạo điều kiện để tham nhũng hoành hành. 

Đối diện với tầng lớp cai trị, bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn áp khủng khiếp và thường trực của chế độ CS đã biến phần lớn trong số 97 triệu người Việt còn lại thành một tầng lớp chỉ biết phục tùng. 

Sự chịu đựng của nhiều triệu đồng bào trong mùa dịch vượt qua ngoài định nghĩa của khổ đau, bất hạnh và sợ hãi. Dù “mắt kẹt” ở Sài Gòn hay tìm cách về quê họ đều phải đối phó với những khó khăn chưa từng có trong đời. 

Nhưng khác với Đông Âu trước đây hay Cu Ba mới đây, không có cuộc biểu tình nào ở Sài Gòn, không có chống đối nào trên đường đi dù có người phải đi bộ 500 cây số hay như anh thợ hồ Hồ Tám đi bộ 1000 cây số  từ Trà Vinh để về Huế trên vai vỏn vẹn một thùng mì gói.  

Họ không bao dung nhưng đã mất hết khả năng chống đối. Trời hành họ còn biết kêu trời nhưng đảng hành thì không ai dám kêu đảng. Nhà tù đang chờ họ. Trấn áp đang chờ họ. Chết đói, chết khát đang chờ họ. Bộ máy kìm kẹp của đảng CS siết chặt đến mức làm tê liệt ý thức phản kháng của con người. Họ lầm lũi đi như đoàn nô lệ da đen sau nội chiến Mỹ đi tìm một nơi để gọi quê hương. 

Hàng triệu người dân hôm nay có thể đã trở về trong căn nhà trơ trọi và bên ngoài mùa mưa đang đến, nước lụt đang dâng. Họ sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tới. Có tiếng than, tiếng khóc nửa đêm nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời hay an ủi. 

Nhưng một mai, khi đại dịch qua đi, những người dân bất hạnh kia lại sẽ vào thành phố tìm đường sống vì không còn gì để sống trên nơi chôn nhau cắt rốn. Và cứ thế, cuộc đời của tầng lớp người bị trị tại Việt Nam sẽ bị vùi dập trong trầm luân thống khổ cho đến chết.

Trước nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, ai là người biết đau và ai sẽ là người biết nhục? Nguyễn Thị Phương Thảo ư? Tô Lâm ư? Không. Nếu biết đau và biết nhục bà Thảo đã không đem tiền để mua cái tên trường ở một đất nước xa xôi bỏ mặc cho nhiều triệu trẻ em Việt sống trong những điều kiện học hành tệ hại nhất thế giới. Nếu biết đau và biết nhục, ông Lâm đã không há miệng to để được đút ăn trong lúc một phần không nhỏ của đất nước không có ngay cả gói mì để ăn.  

Những người biết nhục không phải Nguyễn Thị Phương Thảo, Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mà là những con người Việt còn có một lương tâmViệt Nam dù ở ngoài guồng máy hay vì lý do riêng phải tạm thời ở trong guồng máy. 

Cách mạng dân chủ tại các nước cựu CS cho thấy, chính những người biết đau và biết nhục đã làm thay đổi vận mệnh đất nước họ. Khác nhau về thời gian và thời điểm nhưng Việt Nam cũng vậy. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều lần trong hoàn cảnh dù đen tối bao nhiêu vẫn còn có những người biết đau và biết nhục. Lần nữa trong tương lai, chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt Nam.

07/11/2021
Trần Trung Đạo 
(Nguồn: Người Việt Online)