25 October 2019

Sự thật của nước

Ls Ngô Tú Ngân

Chú Tư một ngày nhận được tin báo từ cán bộ huyện: “Nước ổn rồi”. Chú dẫn nước vào thả lứa tôm mới, ai ngờ… Chú bỏ lửng câu nói với ba tôi, những nếp nhăn xô lại.

Vì tin lời nói của cán bộ, gia đình chú Tư phải bán đi miếng đất mấy công để lo sinh kế. Bữa ký giấy bán đất, người đàn ông hơn 40 khóc nghẹn.

Thứ nước mắt khô khốc không thể trôi hết bao cơ cực của đời nông dân. Đó là mùa tôm hai năm trước, nước sông quê tôi, một làng nuôi tôm ở Bạc Liêu bị ô nhiễm. Tôm của chúng tôi chết hàng loạt. Nghe báo nói do các nhà máy xả thải làm nước sông nhiễm độc. Nông dân không có nhiều thông tin, tối ngày gọi điện, chạy tới chạy lui hỏi lẫn nhau mà không ai dám chắc điều gì. May sao, ba tôi và chòm xóm mừng vui vì có mấy cán bộ huyện xuống xem xét, đong đếm mẫu nước, hỏi han bà con này nọ. Họ cứ mong.

Năm ao tôm của chú Tư bị chết vì tin kết luận của chính quyền, mỗi hộ khác cũng mất một vài ao. Mỗi ao tôm trị giá hàng trăm triệu đồng. Chú Tư vừa quay được bao nhiêu vốn liếng bỏ tất vào tôm, giờ mất sạch. Cả xóm nuôi tôm ai cũng thất bát, kẻ ít người nhiều. Chị Ba, anh Bảy, chú Sáu, những gương mặt phờ phạc. Thế rồi một cán bộ lại về, lại bảo bà con rằng yên tâm, nước sạch rồi. Bà con phấn chấn lắm, lại cải tạo đất, phơi ao, lại đặt mua con giống, dẫn nước vào ao. Và tôm lại chết.

Xóm tôi buồn hiu buồn hắt. Quán nước đầu xóm của bà Hai không còn rôm rả như mọi khi.

Gia đình chị Ba không có tiền xuống giống vụ tôm tiếp theo, để vuông tôm phơi nắng nứt trắng. Chồng chị đi làm thuê cho người ta. Anh Bảy, chú Sáu mang cuốn sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay ít vốn, tiếp tục cải tạo lại đất cho mùa vụ mới. Tết năm đó, tôi đến chúc tết mà không khỏi thắt dạ khi trong những chòi lá lụp xụp, những đứa trẻ không có quần áo mới, cái bàn nước sơ xài và ánh mắt lo âu chuyện áo cơm. Cán bộ đã đi đâu, bà con nào có biết.

"Tại sao cán bộ cẩu thả với phát ngôn của mình? Tại sao mình không tự kiểm tra nước trước khi dẫn vào ao tôm?" - tôi hỏi ba tôi. Ông trả lời, rằng bà con chỉ có khả năng kiểm tra các thông số bình thường như độ PH trong nước, chứ trong nước có những hóa chất gì, mắt thường không thể thấy, mũi không thể ngửi thì không tin cán bộ, biết tin ai?

Tôi không trả lời được câu hỏi. Ông và chòm xóm có lý của họ: người dân phải tin chính quyền. Họ trao cho lời nói của cán bộ uy tín nặng ký. Miệng nhà quan, có gang có thép, sao không tin được?

Câu chuyện tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Tây do ô nhiễm nước hai năm trước bị khuấy lên trong tôi khi đọc tin về nước sạch ở Hà Nội. Điều tôi cũng bị nhiễu loạn như chuyện quê mình là thông tin do những người có trọng trách trả lời công chúng. Vị đứng đầu nhà máy bán nước nói: "Có thể khách hàng phản ánh nước có mùi lạ là do mùi Clo", bởi họ đã tăng lượng hóa chất này lên gần gấp đôi. Rồi ông bảo, "thực ra mùi chỉ là cảm nhận".

Nhưng cũng chính vị này khiến bà con hoảng hốt bằng lập luận "Công nghệ xử lý cái này tôi cũng không dám chắc, vì là lần đầu tiên xảy ra". Và trong một phút thật thà, ông nói: "Trong thâm tâm tôi 80% đã muốn dừng cấp nước, vì nghĩ chất lượng nước có thể bị ảnh hưởng và việc dừng cấp nước sẽ an toàn cho bản thân".

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các mẫu xét nghiệm nước tại nhiều khu vực đều có hàm lượng chất Styren cao hơn giới hạn cho phép. Trong khi phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói chưa có tài liệu chính thống nào để xác định chất này vượt ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân thì đại diện thành phố khuyến cáo bà con không được ăn, uống nước máy.

Tại sao chỉ trong một ngày mà những kết luận bất nhất được đưa ra, nửa vời và gây thắc mắc. Thị trường nước đóng chai nhiễu loạn, Hà Nội lâm vào khủng hoảng nước sạch.

Trong Luật Tiếp cận thông tin, "thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng" là loại thông tin phải được công khai rộng rãi, phải "được cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân". Còn Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì cấm "cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân khác trong hoạt động cấp nước".

Nếu người có trách nhiệm "cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin", hoặc vi phạm nghị định 117 đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất.

Tất nhiên là nếu nhìn vào luật thì nhà nước có đủ thiết chế để trừng phạt những người đưa thông tin sai lệch, thậm chí bằng quyết định khởi tố. Nhưng trong những vấn đề mang lợi ích công cấp bách như ô nhiễm nguồn nước, thì người dân cần được biết thông tin chính xác từ đầu, chứ không phải đón nhận hậu quả rồi mới đi đòi công lý. Hàng triệu người đã ăn uống từ thứ nước có "mùi chỉ là cảm nhận". Việc xử lý ai đó sau khi sự đã rồi (nếu có thể xử lý được) cũng không giải quyết được vấn đề của họ. Không ai muốn nấu cơm cho con cái ăn bằng một thứ nước đầy nghi hoặc, rồi đi chứng minh thiệt hại và cãi nhau đòi bồi thường làm gì.

Ở mọi quốc gia, mỗi phát ngôn, hành động của người có trách nhiệm chính là bộ mặt, là uy tín của chính phủ. Nhưng trong câu chuyện ở đây, không có một cơ chế nào đảm bảo được việc công bố thông tin chủ động của chính quyền. Tất cả trông chờ vào sự tự giác của giám đốc công ty nước sạch - một nhà thầu tư nhân. Báo cáo chậm thì chính quyền cũng phải chịu. Cho dù thông tin ông này nắm thuộc về lợi ích công cộng. Theo cách làm hiện nay, khi chính quyền phụ thuộc vào sự tự giác của nhà cung cấp, thì việc biết ngay, biết đúng, biết đủ của dân sẽ luôn là một điều xa xỉ.

Những đòi hỏi về thông tin chính xác cho vấn đề khẩn cấp liên quan đến đời sống, sức khỏe, sinh mệnh của nhân dân có phải một nhu cầu quá đáng?

Ngô Tú Ngân
Nguồn: VnExpress
https://vnexpress.net/goc-nhin/su-that-cua-nuoc-3998106.html

Giới trẻ tại Việt Nam lớn lên sau chiến tranh nhìn về VNCH

Nguyễn Hòa/Người Việt
October 23, 2019

Diễn giả Nguyễn Lương Hải Khôi đang thuyết trình 
về Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim. 
(Hình: Nguyễn Hòa/Người Việt)
EUGENE, Oregon (NV) – Hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Đại Học Oregon trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, một điểm đặc biệt là có tới 7 diễn giả là các nhà nghiên cứu trẻ tuổi đến từ Việt Nam.

Những người này chưa bao giờ sống dưới chế độ VNCH, hoặc sinh ra sau chiến tranh hay sinh ra ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh. Một số trong những người này mới chỉ tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại khi họ đi du học, một số khác thì chưa từng.

Chủ đề mà các diễn giả này thuyết trình khá phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến lịch sử, giáo dục, văn học, nghệ thuật. Nói như Giáo Sư Vũ Tường, Đại Học Oregon, trong bài khai mạc hội thảo là “những bài thuyết trình này đã đụng tới cả những vấn đề cấm kỵ (taboo).”

Những điều cấm kỵ nói theo kiểu nhà nước CSVN là những vấn đề “nhạy cảm,” thường là liên quan đến chính trị, chẳng hạn như VNCH không được nhắc tới tại Việt Nam.

Bài thuyết trình của ông Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại Học Sư Phạm TP.HCM, phân tích bộ “Việt Nam Sử Lược” của tác giả Trần Trọng Kim. Bài thuyết trình này động chạm tới điều mà những người Cộng Sản và cơ quan tuyên truyền của họ hay nêu lên là chỉ có đảng Cộng Sản Việt Nam mới là những người chống ngoại xâm hữu hiệu.

Cũng đến từ Đại Học Sư Phạm TP.HCM, hai diễn giả Hoàng Phong Tuấn và Nguyễn Thị Minh, so sánh sự tự do sáng tác tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ VNCH, với loại sáng tác có định hướng dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản ở miền Bắc.

Diễn giả Trương Thùy Dung, đến từ Viện Sử Học Hà Nội, so sánh các chương trình giảng dạy đại học ở miền Nam của VNCH và miền Bắc của chính phủ Cộng Sản. Việc so sánh cho thấy ở miền Nam có sự tự do học thuật mà miền Bắc không có, trong đó, các trường đại học miền Nam không ngần ngại giảng cả chủ nghĩa Marx, trong khi tại miền Bắc người ta chỉ cho phép một chủ thuyết ấy của đảng Cộng Sản được giảng dạy mà thôi.

Bình luận về nội dung các bài thuyết trình của những diễn giả đến từ Việt Nam, ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi thời Việt Nam Cộng hòa, nói với báo Người Việt rằng ông thấy một sự cởi mở hơn trước, và điều đó làm ông cảm thấy rất thú vị.

Trả lời câu hỏi của ông Peter Zinoman, Đại Học Berkeley, California về sự tham gia của các diễn giả đến từ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh, cho rằng không khí nghiên cứu các vấn đề gọi là “nhạy cảm” ở Việt Nam đã có phần hy vọng hơn, ít sợ hãi hơn lúc trước.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, đến từ Viện Lịch Sử Hà Nội nói với báo Người Việt về cuộc hội thảo:

“Đây là một cơ hội tốt đối với tôi, với những người nghiên cứu không sống trong giai đoạn đó, có cơ hôi được lắng nghe, ý kiến từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, về thời kỳ VNCH và miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Gần đây tôi thấy các nguồn tư liệu rất là mới, những tư liệu giải mật của Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia được tiếp xúc với tư liệu từ phía Việt Nam, binh sĩ Việt Nam, kể cả những tư liệu phỏng vấn. Những nghiên cứu đó có nhiều đóng góp cho sự phát triển mới. Khi chúng tôi tham gia thì chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều.”

Bà Nguyễn Thị Từ Huy, đến từ Đại Học Đại Dương ở Nha Trang, trả lời qua email cho báo Người Việt, viết: “Một dân tộc không thể tồn tại trong tư cách là một dân tộc nếu không có lịch sử của nó… Việc nhiều người từ Việt Nam qua tham gia một hội thảo về VNCH có lẽ phản ảnh những thay đổi quan trọng về nhận thức về lịch sử dân tộc.”

“VNCH là một phần của lịch sử Việt Nam. Sẽ không có một lịch sử Việt Nam trọn vẹn nếu thiếu phần lịch sử của VNCH. Có nghĩa là tìm hiểu về VNCH cũng cần thiết như tìm hiểu bất cứ giai đoạn lịch sử nào trong lịch sử Việt Nam. Nếu tất cả đạt tới nhận thức này thì chúng ta có thể hy vọng rằng một số vấn đề về quá khứ có thể được giải quyết.”

Tuy nhiên, sự “sợ hãi” dù đã giảm bớt như lời bà Nguyễn Thị Minh trả lời tại buổi hội thảo như đã nêu, nhưng nó chưa hoàn toàn chấm dứt.

Một diễn giả đến từ Việt Nam, từ chối nêu danh tánh trên báo Người Việt, ở chỗ riêng tư nói rằng, “Những di sản của VNCH vẫn đương nhiên tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.”

"Miền Dĩ Vãng", tranh A.C.La

Chỉ một phút tình cờ chạm mắt,
Mà dây oan siết chặt một đời.
(Trần Văn Lương)
**

Miền Dĩ Vãng

(Realm of The Past)

24x24 inch - Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

24 October 2019

Ngẫm về Ông Lê Hải An

Người bản tính tử tế,
Đầu óc lại thông minh,
Thì không thể vào đảng.
Chí ít để giữ mình.
Vì khi đã vào đảng
Thì cố giữ cách nào,
Chất tử tế cũng mất.
Không khó hiểu vì sao.
Người thông minh chắc chắn
Hiểu cộng sản là gì.
Hiểu mà vẫn “kiên định”
Thì tử tế cái gì?
Mỗi người một tính cách,
Nhưng tôi mà là ông,
Người ta dụ vào đảng,
Dứt khoát tôi nói không.
Đơn giản, tôi không thể
Một lúc mang trong mình
Ba đặc tính - cộng sản,
Tử tế và thông minh.
*
Nhân tiện, thêm một ý -
Nếu không chết, thì sao?
Thì ông thành bộ trưởng.
Lúc ấy sẽ thế nào?
Lúc ấy, nền giáo dục
Vẫn nát như hôm nay.
Và ông vẫn bị chửi
Như ông Nhạ hôm nay.
Là vì giáo dục nát
Không do bởi một người,
Mà do thể chế nát.
Đừng nhầm, người ta cười.
Cho nên nếu còn sống,
Tôi chỉ mong ông An
Quay về làm ông giáo,
Vừa sạch, vừa được nhàn.

Thái Bá Tân 

**
(*) Lê Hải An (1 tháng 4 năm 1971[1] – 17 tháng 10 năm 2019[2]) là giảng viên, nhà quản lý giáo dục và nguyên là Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bí thư Đảng ủy trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất.

Cái chết đột ngột ngày 17 tháng 10 năm 2019 của ông được coi là một cái chết bí ẩn khi Bộ GD&ĐT đã vội vã công bố rằng đó là một vụ tai nạn dù không có nhân chứng, không có vật chứng, không có camera ghi hình và cũng không có hình ảnh nào cả. (Wikipedia)

23 October 2019

Thu Canada

Thu lại về trên đất nước Lá Phong.




22 October 2019

Chiếc Đàn Piano Màu Gụ Đỏ

I

Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St. Louis. Một lần, chúng tôi lại nhận được một “đơn đặt hàng” là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết: “Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà”.

Qua nét chữ có thể đoán được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn chừa ra một khung nhỏ ghi địa chỉ.

Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.

Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao. Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng.

Sàn căn lều rất bẩn. Gà thì chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bà cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá.

Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng.

Khoảng 2 năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?

Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập về một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà và cháu bé giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn.

21 October 2019

VNTB - Tại sao tình cảm bài Trung đang gia tăng ở Trung Á?

Aruuke Uran Kyzy
Phạm Nguyên Trường dịch

Hàng ngàn kiều dân Trung Quốc sống rải rác khắp Trung Á và bên ngoài khu vực này kỉ niệm ngày Quốc khánh của mình bằng lễ thượng cờ và diễu hành. Ở Trung Quốc, ngày lễ kỉ niệm này có cả cuộc diễu binh lớn, với những loại vũ khí mới và công nghệ hiện đại nhất của đất nước. Nhưng bên ngoài biên giới Trung Quốc, cùng với những biểu hiện được dàn dựng về tình đoàn kết dân tộc, không khí lễ hội đã bị gián đoạn vì sự tái xuất hiện và lan tràn tình cảm bài Trung trong dân chúng Trung Á.

Giữa lúc Trung Quốc đang sắp xếp lại cấu trúc xã hội của khu vực, sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này - trước đây coi là có tính chất phòng thủ - cùng với sức mạnh ngày càng gia tăng và sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh trong hai thập kỉ vừa qua đã tạo được đòn bẩy đáng kể đối với trật tự trong khu vực và mục tiêu của quốc gia này.

Các lợi ích và hoạt động của Trung Quốc ở Trung Á là một phần của kế hoạch được xây dựng một cách cẩn trọng. Ban đầu, Bắc Kinh tìm cách phi quân sự hóa các vùng biên giới, sau đó là những vụ đàn áp cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, xây dựng khuôn khổ an ninh tập thể thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc trong khu vực, và cuối cùng đưa quyền lực mềm vào.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Bắc Kinh ở Trung Á đôi khi đã gây những cuộc tranh cãi và nhiều rắc rối, phức tạp. Nói một cách đơn giản, người Trung Quốc đã trở thành vật tế thần cho những bất bình ở địa phương – những khó khăn về kinh tế và việc làm - và là đầu mối cho những vấn đề xuyên biên giới nhạy cảm như áp bức đối người thiểu số theo Hồi giáo ở Trung Quốc và cáo buộc về ngoại giao bẫy nợ.

Thế thượng phong của Trung Quốc và Ngoại giao bẫy nợ

Thế thượng phong của Trung Quốc trong khu vực làm bùng lên những cuộc tranh sôi nổi về tham nhũng ở lãnh đạo cấp cao và yêu cầu minh bạch trong các hoạt động tài chính của chính phủ, đặc biệt là việc chi tiêu các khoản tài trợ và các khoản vay của Trung Quốc. Các khoản vay mượn từ Bắc Kinh  đã tăng tốc trong thập kỉ vừa qua.

Tiền Trung Quốc là một phần của dự án Nhất Đái Nhất Lộ có khả năng sinh lợi đã mang cơ hội lớn tới các nước Trung Á - đang cần những đầu tư lớn nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng có bao nhiêu cơ hội thì cũng có bấy nhiêu rủi ro. Một báo cáo năm 2018 đã đưa Kyrgyzstan và Tajikistan cùng với 8 quốc gia khác vào danh sách có thể bị tổn thương trước “tai họa nợ nần” vì Trung Quốc nắm giữ 41% nợ quốc gia của Kyrgyzstan và 53% nợ quốc gia của Tajikistan.

Trong khi Kyrgyzstan dường như đang phát triển tương đối tốt, vì phần lớn các khoản nợ là dài hạn, quan hệ của Tajikistan với Trung Quốc làm cho nước này ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh hơn. Mới đây, Dushanbe đã phải bảo vệ quyết định trao một khu mỏ cho Trung Quốc để đổi lấy nhà máy điện – làm cho dân chúng rất tực giận. Trao khu mỏ đi kèm với việc miễn thuế đối với các khoản thu và thuế hải quan đối với các thiết bị được đưa vào Tajikistan. Một chuyên gia ghi nhận sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng gia tăng và nói rằng thỏa thuận này “kiểm soát một cách hiệu quả tài nguyên khoáng sản của chúng ta”.

Kiểu thỏa thuận như thế dường như là nhất quán trong quan hệ Bắc Kinh - Tajikistan. Khi Tajikistan không thể trả nợ, họ bán đất và dành cho Trung Quốc những nhượng bộ khác. Năm 2011, Tajikistan đã chấm dứt tranh chấp biên giới bằng cách nhượng lại vùng đất trong một thương vụ mà người ta cho là hai bên đã thỏa thuận để xóa nợ cho nước này. Ngay sau đó, nhiều khu đất ở Tajikistan đã được trao cho 1.500 nông dân Trung Quốc. Một nhà xã hội học người Tajik nói rằng việc này sẽ mở cửa cho “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị”. Tình hình ngày càng trầm trọng thêm vì sự kiện là phần lớn số tiền vay của Bắc Kinh được dùng cho các dự án vô tích sự của chế độ, như cột cờ cao nhất thế giới, nhà hát lớn nhất khu vực và khu nhà quốc hội mới.

Vấn đề phụ thuộc nợ ngày càng được bàn tới nhiều, đấy là khi câu hỏi về lao động nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên gay gắt hơn. Theo một số số liệu, năm 2018, hơn 30.000 người Trung Quốc đã đến Kyrgyzstan, nhiều người là công nhân xây dựng trong các dự án do Nhất Đái Nhất Lộ tài trợ. Ở Tajikistan, thái độ bất mãn cũng ngày càng gia tăng. Dữ liệu không chính thức nói rằng, nước này có 150.000 công nhân Trung Quốc.

Tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trước đây các nước Trung Á phụ thuộc vào đầu tư của Nga (lu mờ so với các đề nghị của Trung Quốc hiện nay), giờ đây đang hướng về phía Bắc Kinh. Nhưng, trong khi nguồn tài chính tương đối rẻ và nhanh chóng từ cường quốc đang lên ở châu Á dường như là hấp dẫn, thì người ta cũng phải trả giá cho những thỏa thuận này. Tháng 1 năm  nay, cảnh sát Kyrgyz đã bắt giữ hơn một chục người trong sự kiện được coi là “cuộc biểu tình công khai lớn nhất cho đến nay” ở Trung Á. Những người biểu tình yêu cầu giảm số giấy phép lao động cấp cho công nhân Trung Quốc. Các cuộc biểu tình hồi tháng trước khởi đầu ở thị trấn công nghiệp Zhanaozen của Kazakhstan, đánh trúng tình cảm của dân chúng về các dự án xây dựng của Trung Quốc và đã lan sang Almaty.

Đàn áp Hồi giáo ở Đông Turkestan

Tình cảm bài Trung trong khu vực đã đạt đến mức cao nhất khi Trung Quốc thực hiện chính sách “chống chủ nghĩa cực đoan” ở Tân Cương và bắt giam hàng loạt, rộng khắp và có hệ thống người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số theo Hồi giáo khác trong khu vực. Một công dân Kazakhstan làm chứng về sự tồn tại của “các trại cải tạo” ở miền tây Trung Quốc, ông này nói rằng hàng ngàn người sắc tộc Kazakh bị “nhồi sọ một cách phi nhân” trong các trại này.

Các báo cáo nói và ước tính có một triệu tù nhân bị đưa vào các trại cải tạo ở Tân Cương, trong đó có khoảng 22.000 người Kyrgyz và 10.000 người Kazakh. Bất chấp sợ hãi, năm 2018, người thân của những người bị giam giữ đã xuống đường và phản đối, họ kêu gọi tổng thống Kyrgyzstan quan tâm tới việc bắt giữ bất hợp pháp người Kyrgyz ở Trung Quốc. Mặc dù các gia đình đòi thả người và sum họp, nhưng đòi hỏi của họ đã bị bác bỏ thằng thừng rằng Bishkek không thể can thiệp vào “các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh” và Bắc Kinh thích sử dụng các kênh ngoại giao chứ không ưa chỉ trích công khai.

Thái độ bài Trung gia tăng đang là chủ đề nóng, nhưng người ta ít nói tới việc Bắc Kinh khuyến khích các nhóm nhóm người thích Trung Quốc trong các nước láng giềng. Trung Quốc đã thành công trong việc lôi kéo giới tinh hoa tri thức và tinh hoa chính trị ở nhiều nước hậu-Xô Viết, thường là thông qua các cơ hội giáo dục và kinh doanh. Trong bối cảnh phức tạp như thế, người dân các nước Trung Á nhận thức được những nhược điểm của nước mình khi đối diện với Trung Quốc và tiếp tục theo dõi kĩ những sự kiện đang diễn ra ở bên kia biên giới.

Hiện nay, “vấn đề Trung Quốc” là loại van xả áp - tâm điểm của thất vọng và căng thẳng, đôi khi thay đổi nhanh chóng và hỗn loạn - trong ba thập kỷ qua ở Trung Á. Nhưng cũng chính trong bối cảnh thù địch đối với Trung Quốc đang gia tăng mà Bắc Kinh hiện đang vật lộn nhằm tìm phương tiện cho cả hai mục tiêu là thúc đẩy và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích chiến lược và lợi ích kinh tế của mình ở Trung Á. Nếu sự phẫn nộ của dân chúng ở Trung Á với Trung Quốc gia tăng đến mức chuyển thành những thay đổi trong chính sách của chính phủ, thì khu vực này có thể trở thành kẻ phá hoại tất cả các tham vọng Nhất Đái Nhất Lộ của Bắc Kinh.

Aruuke Uran Kyzy hiện là nhà nghiên cứu và nhà báo tại TRT World Research Centre.
(Nguồn: VNTB) 
http://www.vietnamthoibao.org/2019/10/vntb-tai-sao-tinh-cam-bai-trung-ang-gia.html 

“Dòng” Hay “Giòng”?

– Trần Huy Bích   

Chúng ta cùng biết các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn viết “giòng sông, giòng nước”:

Nhất Linh: Giòng Sông Thanh Thủy
Tú Mỡ: Giòng Nước Ngược
Thạch Lam: Theo Giòng.

Các nhà văn, trí thức lớp sau viết “dòng sông, dòng nước”:

Doãn Quốc Sỹ: Dòng Sông Định Mệnh (1959)
Nhật Tiến: Tặng Phẩm Của Dòng Sông (1972)
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy: “Dòng Nước Sông Hồng” (viết 1945, in vào thi tập 1985)
Ngô Thế Vinh: Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch (2007).

Vậy chúng ta nên theo các nhà văn lớp trước hay lớp sau?

1) Trước hết, ba cuốn tự điển Việt ngữ có thẩm quyền nhất của Việt Nam cho tới hiện nay: Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (trang 155), Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngoc Trụ (quyển Thượng, trang 376), Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (quyển I, trang 243) cùng viết là “dòng.” Cuốn Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị do nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ biên soạn cũng viết “dòng” (trang 141).

16 October 2019

Đôi Bàn Tay Mẹ*

Một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, nộp đơn dự tuyển vào vị trí quản lý tại một tập đoàn lớn. Anh đã vượt qua vòng phỏng vần đầu tiên. Đến vòng cuối, đích thân giám đốc sẽ đặt các câu hỏi và đưa ra quyết định cuối cùng. Ông giám đốc rất ấn tượng với CV của chàng trai bởi trong suốt các năm học, anh luôn đạt thành tích xuất sắc.

- Anh có bao giờ nhận được học bổng từ trường không - vị giám đốc hỏi.
- Thưa, không bao giờ - chàng trai trả lời.
- Vậy là cha mẹ anh đã trả toàn bộ học phí cho anh? - ông hỏi tiếp.
- Cha tôi đã mất từ hồi tôi được một tuổi, toàn bộ số tiền học phí là do mẹ tôi gánh vác - chàng trai trẻ trả lời.
- Vậy mẹ anh làm việc cho công ty nào?
- mẹ tôi làm công việc giặt quần áo - chàng trai trẻ đáp.

11 October 2019

Mẩu chuyện về một Sư Trụ Trì

Chính sách đưa sĩ quan an ninh vào vai trụ trì chùa

 - Năm 2007, nhân các  anh Lê Quốc Quân  và  Phạm Hồng Sơn đi tù về, tôi có dịp ra Hà Nội làm việc, tiện thể ghé thăm các anh.

Anh Lê Quốc Quân quen ông Từ gác một ngôi cổ tự bên bờ Hồ Tây, nên rủ chúng tôi đến viếng cảnh chùa đêm trăng rằm. Sân chùa vắng lặng, bốn người ngồi đàm đạo thế sự dưới ánh trăng. Lúc trà dư tửu hậu độ 10 giờ khuya, chú Sư Trụ Trì chạy xe Honda Wave về, dựng chân chống giữa sân chùa.

Ông Từ già nhìn ra bảo, “Hắn đi chơi gái mới về đấy!” Ba chúng tôi trố mắt nhìn nhau không hiểu. Ông Từ chậm rãi giải thích, thì ra chú sư ấy, khoảng ngoài 30 tuổi, là sĩ quan an ninh được Giáo hội Phật Giáo Việt Nam “thuyên chuyển” về làm trụ trì độ hai năm trước.

Thấy chúng tôi vẫn điềm nhiên đàm đạo sau khi chào sư thầy, và không có vẻ muốn về ngay, sư thầy sốt ruột quá nên ra giữa sân đứng chống nạnh câng mặt nhìn lườm lườm. Chúng tôi hiểu ý, vội vã đứng lên dọn dẹp chuẩn bị về.

Song không còn kịp, vì sư thầy đã nổi nóng, chú lớn tiếng văng tục mắng chúng tôi ra rả, tai ai cũng đầy mấy tiếng ĐM mà sư thầy tụng liên hồi như súng đại liên. Ông Từ bực bội vì khách mình bị mắng vô cớ, nên mắng lại chú sư: “Đồ mất dạy!”

Không ngờ bị mắng lại như thế, chú sư nổi xung thiên, tóm ngay một cây gậy dài dựng trước cửa phòng, rượt ông Từ già chạy vòng quanh sân, mồm tụng tiếp: “ĐM, tao đập chết mẹ mày!” Ba chúng tôi lật đật nhảy vào can gián, rồi xin lỗi ra về.

Trên đường về, anh Phạm Hồng Sơn luôn miệng tự trách sự sơ suất của chúng tôi khi không tự canh giờ về sớm hơn để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc đó.

Nay trước tình cảnh sa đọa ngày càng nghiêm trọng của Phật giáo tại Việt Nam bỗng nhớ đến câu chuyện trên, xin kể lại quý bạn nghe cho vui. Quả thật, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, Phật giáo lại biến chất như thời cộng sản quỷ quái ngày nay.

        Luật sư Lê Công Định.

06 October 2019

Chợt Thấy Tình Ta, thơ

Dạo:

      Ngỡ người năm cũ về qua,
Nào hay mình vẫn xót xa một mình.

    Chợt Thấy Tình Ta

Văng vẳng từ xa vọng thiết tha
Bài ca thương nhớ tháng ngày qua,
Vỡ òa trong vỏ hồn vay mượn,
Ký ức từ lâu tưởng nhạt nhòa.

Chợt thấy tình ta lén trở về,
Mày mò đánh thức dậy cơn mê,
Giọt sầu đăng đắng tê đầu lưỡi,
Tức tưởi lay nhay chữ hẹn thề.

Ngỡ bóng em kề vạt nắng mai,
Tóc dài trong gió sớm tung bay,
Loay hoay đứng ngóng ngay đầu ngõ,
Chỉ thấy ven đường cỏ úa lay.

Ngỡ tiếng giày khua thuở đón đưa,
Cùng nhau lếch thếch dưới trời trưa,
Lối xưa mò mẫm nhìn ngơ ngác,
Lác đác trên đầu mấy giọt mưa.

Thoang thoáng trong mơ tiếng gọi chào,
Ngỡ người năm ấy, dạ nôn nao,
Lao đao chiều ghé qua trường cũ,
Ủ rũ cành khô lá xạc xào.

Tia nắng xanh xao phút cuối ngày,
Mềm như ánh mắt buổi chia tay,
Cánh hồng năm ấy nay biền biệt,
Thê thiết tình ai ở chốn này.

Ngất ngưởng chờ say, rượu trĩu mi,
Đời mình thôi cũng chẳng còn chi,
Hai tay mỏi mệt ghì đêm tối,
Tiếc nuối giăng đầy nẻo biệt ly.

Thất thểu canh khuya ánh nguyệt tà
Mệt nhoài xóa mãi vết chân ma,
Trên sân ga vắng, gà eo óc,
Một vốc sương pha, một bóng già.

        Trần Văn Lương
        Cali, 10/2019

Để suy gẫm


Ảnh đẹp muôn phương

Giữa đám trẻ ở Việt Nam hôm nay nẩy sinh thú đi "phượt". Một chiếc ba-lô trên lưng một chiếc xe gắn máy ít hao xăng, một ít tiền trong túi rồi cứ thế mà đi khắp nẻo đất nước. Để làm gì à? - Để khám phá cái đẹp, cái xấu, cái hay cái dở rồi thu vào ống kính và thường sau đó chia sẻ với bạn bè, với thiên hạ. 

Trong đám bạn bè của mỗ - đã trên 70 cả - có những tay cũng thích cái thú gọi được là "đi phượt", năm này thì Đồng Đăng Kỳ Lừa, năm trước thì Cà Mau Đất Mũi, năm tê thì ... ôi chao đủ mọi nơi. Ông Thomas đích thị thuộc nhóm "bụi đời" này. Vui thay chàng có đôi chân còn dẻo dai, chắc vì trước kia được tôi luyện trong quân ngũ chăng? Lính Nhảy Dù đấy. Sau 7 năm tốt nghiệp đại học, chàng xách kìm kéo xung phong gia nhập binh chủng Mũ Đỏ để săn sóc cho đồng đội bị thương tại mặt trận. Cái nghiệp trôi nổi đây đó của lão không phải bây giờ mới nẩy sinh mà rõ ràng đã có mầm mống từ xưa, từ rất xưa có thể trước cả khi chọn binh chủng nhảy dù.

Mời các bạn thưởng thức vài bức ảnh Thomas mới chụp ...
(A.C.La)


Thái Lan: Một góc cảnh biển


VN: Cụm Bảy Núi nhìn từ phía Đồng Nam
(Hình ảnh của Thomas Nguyễn) 

**

Hội Ngô Liên Khóa Kỳ 5 và Họp Mặt Khóa ĐS 17, Tháng 9, 2019

Ngô  Xuân  Vũ
                                                                                                                                        
Như hẹn trước, vợ chồng tôi rời nhà lúc 4 giờ AM thứ năm Sept. 19, 2019 để đến nhà bạn Lê Phước Ba thuê xe lên phi trường LAX. Chuyến bay của Alaska Airline đi Washington DC, (phi trường IAD) khời hành 7 giờ sáng nhưng do phi trường LAX đang sửa chữa, hay bị kẹt xe nên chúng tôi phải đi sớm. May quá, chỉ có năm mươi phút đã đến phi trường, tôi cũng check in từ nhà nên đã chập chờn ngủ bù vì suốt đêm qua cứ thao thức nghĩ về những ngày tháng cũ, với những người bạn kẻ còn người mất. Bầu trời trong vắt, chuyến bay nhẹ nhàng chỉ dài năm tiếng đồng hồ nên bốn người chúng tôi khá thoải mái khi đến nơi. Chiếc xe Uber khác của người tài xế da mầu người Cameroon luồn lách phần lớn đi đường local để tránh kẹt xe đưa chúng tôi về nhà bạn Cung Trọng Thanh khoảng 4.30 Pm, giờ miền đông. Đón chúng tôi có chị Thanh, bạn Nguyễn thị Mỹ, Đỗ Kim Duyên. Thanh và hai bạn đến trước là Đặng thị Lang và Tạ Chương Thạnh lên phi trường đón Nguyễn đình Hào, một số bạn bè từ Houston chưa đến được vì các chuyến bay bị bãi bỏ do lũ lụt. Từ phi trường về nhà Thanh đường sá phẳng phiu, hai bên đường là rừng cây bạt ngàn tiếp nối, như tên gọi xứ Rừng Phong thơ mộng.

Hinh: Hau Huynh
Kéo va li vào nhà Thanh chợt có người đón đầu hỏi: Biết ai đây không? Tôi lớ ngớ một lát và gọi nhỏ “ Duyên “, tôi quên tên lót của nàng- cô Bắc kỳ nho nhỏ, đã gần năm mươi năm không gặp, may mà còn nhớ tên. Từ ngoài, nhìn nhà Thanh duyên dáng, không lớn lắm. Vào trong, tôi chợt sửng người không phải vì sự sang trọng mà vì cách bài trí từ trước ra sau hết sức trang trọng, tỉ mỉ từng chi tiết cho ngày họp mặt. Phòng khách ngoài cùng trang nhã, trên bức tranh chim hạt là logo “ Gia Đình Đốc Sự 17 Vùng Hoa Thịnh Đốn Hân Hoan Chào Đón Quý Anh Chị “, đối diện là logo” 50 Năm Nhìn Lại – 1969-2019- Hội Ngộ Rừng Phong- Virginia “ có hình ảnh của bốn mươi mốt Cựu sinh viên Đốc Sự 17 và người phối ngẫu tham dự kỳ này, thật đẹp. Căn phòng giữa rộng rãi, vách bên trái là một khung ảnh lớn với hàng chữ: “ 50 năm nhìn lại bóng dáng bạn bè qua dấu bụi thời gian “ trên đó có khoảng 50 hình ảnh bạn bè, từ những ngày vào trường, ngày tốt nghiệp mũ áo xênh xang, những lần họp mặt từ trong nước ra nước ngoài: Nam California, Canada, Houston, San Jose... Góc bên kia là một khung ảnh đặc biệt, trên đó in lại hình ảnh của 48 người tuổi ngoài đôi mươi của gần nửa thế kỷ trước, qua dấu bụi thời gian, những tấm hình trích ra từ kỷ yếu nay phai nhạt nhiều, nhưng nét tinh anh vẫn còn đó. Đây là những  người bạn cùng khóa đã quá vãng của chúng tôi. Như vậy ngót một phần tư sinh viên tốt nghiệp của khóa Đốc Sự 17 đã ra đi, một số đã hy sinh vì công vụ, tử nạn trên đường di tản trong biến cố đau thương năm 1975, mất tích trên đường vượt biên tìm tự do sau đó và mất do các căn bệnh của người có tuổi sau nầy. Tôi xót xa đau đáu nhìn từng khuôn mặt của những người bạn thân ái đã xa rời mình. Cũng nhìn bức tranh nầy hai ngày sau đó – ngày Họp mặt, bạn Đặng bình Tước, từ Montreal Canada, than thở nho nhỏ: sao tìm hoài không thấy hình của mình, đứng sau Tước là Trần bạch Thu cười lớn: Nếu hình bạn có trên bảng này thì làm sao bạn còn đứng ở đây được! Nhìn kỹ lại, Tước mới vở lẽ ra. Rồi còn nhiều hình ảnh, logo trang trọng khác. Phía sau là Patio rộng rãi, sẽ là sân khấu cho buổi họp mặt. Vườn nhà anh phía trước, sau được cắt tỉa gọn gàng, anh trồng nhiều hoa, đặc biệt bên phải có cụm  hoa thược dược rực rỡ, bên trái là dàn bí, su, dàn mướp có hoa vàng chen lẫn lá xanh, chắn ngang cuối vườn là bạt ngàn cây cao bóng cả. Sự chuẩn bị hết sức đầy đủ, tinh tế, đẹp đẽ này chắc chắn tốn rất nhiều thời gian của một  người tài hoa, đồng thời nói lên tấm lòng, sự trang trọng của gia chủ với những người bạn đồng môn, đồng khóa cũ. Trên lầu nhà anh có bốn phòng: phòng trước là nơi thờ phụng, Thanh bỏ tấm nệm nhỏ dưới sàn để ngủ, phòng master bedroom và một phòng khác dành cho các chị Nguyệt, Lang, Duyên, Mỹ, Kim Nhung và bà chủ nhà, vợ Thanh, anh chị ưu ái dành cho vợ chồng tôi một phòng ngủ đẹp, tiện nghi. Dưới basement là nhóm lão ông: Thạnh, Hào, anh Thành- chồng chị Nhung. Khi cặp vợ chồng chị Nhung dọn đi cruise, thì vợ chồng bạn Ba, Ngà thế chỗ.