31 August 2021

Biden, đại cường Mỹ và bọn khủng bố

 Thụy My

Một thủy quân lục chiến Mỹ hướng dẫn một trẻ em đến với
gia đình trong cuộc di tản tại phi trường quốc tế
Hamid Karzaiở Kabul, ngày 24/08/2021. via REUTERS 

Bóng tối đã chiến thắng ánh sáng, đêm dài Trung Cổ hứa hẹn sẽ xóa nhòa những tia sáng tự do còn le lói trên vùng đất Afghanistan sau 20 năm chiến tranh. Chén đắng này khó thể nuốt trôi, và các tuần báo Pháp lại tiếp tục bàn luận về thời kỳ hậu Afghanistan, tuy lúc lên khuôn chưa xảy ra vụ khủng bố đẫm máu ở phi trường Kabul. 

Cụ già lãnh đạo đại cường trước khủng bố quốc tế

Le Figaro số cuối tuần kịp cập nhật thời sự, trong bài «Ông già và bọn khủng bố», đã gay gắt chỉ trích, khi ra lệnh cuốn lá cờ sao trên căn cứ quan trọng Bagram, ra đi không kèn không trống vào đầu tháng Bảy mà chẳng buồn báo cho chỉ huy trưởng quân đội Afghanistan, Joe Biden đã khởi đầu một vòng xoáy bi thảm. Biden «nhận trách nhiệm những sự kiện vừa qua», vì cái chết của cả trăm người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ trong vụ khủng bố ở phi trường Kabul là do những sai lầm của ông.

Dù đã có bốn thập niên kinh nghiệm ngoại giao, Biden ấn định trước thời điểm rút quân vô điều kiện, triệt thoái quân đội trước khi di tản thường dân và khí tài, đi ngược với nguyên tắc quân sự. Làm như thế, Joe Biden đã đưa nước Mỹ xuống hố. Nhìn cảnh tối thứ Năm ông hứa hẹn «truy lùng và buộc bọn khủng bố phải trả giá», khó thể tin rằng ông cụ có bàn tay đủ cứng rắn để lãnh đạo một đại cường.

Cuộc tháo chạy khỏi Kabul sẽ đi vào biên niên sử như một thảm bại đẫm máu. «Thành công» của cuộc di tản hỗn loạn 100.000 thường dân chẳng bao lâu không còn che giấu được hai thất bại: bỏ rơi những trợ thủ của phương Tây và làn sóng nửa triệu người Afghanistan mà theo Liên Hiệp Quốc sẵn sàng ra khỏi nước bằng phương tiện của mình. Taliban hứa bảo đảm an ninh, nhưng quá tải và bất lực, cho thấy an ninh – ngỡ rằng là điểm mạnh của Taliban – nhưng rốt cuộc phe này không hơn gì các chế độ Hồi giáo khác.

Ngày 11 tháng Chín 20 năm sau: Mèo lại hoàn mèo

Kết quả đã được nhìn thấy: một Afghanistan lại trở thành tâm điểm của quân thánh chiến, và phải có cả một luận án tiến sĩ để phân biệt được các đồng minh và các đối thủ của chính quyền mới! Sau sự kiện ngày 11 tháng Chín, tổng thống George W. Bush đã biện minh cho việc tham chiến nơi xa bằng sự cần thiết phải «chiến đấu với bọn khủng bố ở nơi đó để khỏi phải đối đầu tại đây». Sau 20 năm, 2.300 người lính Mỹ đã hy sinh ở Afghanistan, phải chăng mọi sự lại trở về vạch xuất phát?

Le Point cho rằng «11 tháng Chín, di sản rắc rối cho Joe Biden». Rất thích những thời điểm mang tính biểu tượng, Biden đặt ra mục tiêu đến ngày Quốc khánh 04/07 đạt tỉ lệ tiêm chủng 70% người trưởng thành ở Mỹ, nhưng thất bại.

Một dịp kỷ niệm quan trọng là 20 năm các vụ khủng bố ngày 11/09 làm 2.977 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương, Biden nhất định cho triệt thoái quân Mỹ để trở thành tổng thống kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm, dài nhất trong lịch sử Mỹ. Hậu quả là quân đội Afghanistan không còn được không lực yểm trợ, đã nhanh chóng tan rã. «Thế hệ Z» (sinh ra từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) không có kỷ niệm gì về vụ tòa tháp đôi bị sụp đổ, ủng hộ việc rút quân khỏi Afghanistan, nhưng bức xúc trước những hình ảnh hỗn loạn của cuộc rút chạy.

«Sen đầm» Mỹ không can thiệp vào mọi nơi

Trong bài «Biden, Afghanistan và chúng ta», tác giả Pierre Haski trên L’Obs khẳng định mặc cho những hình ảnh thảm hại ấy, Hoa Kỳ vẫn là đại cường kinh tế và quân sự đứng đầu thế giới. Ngược lại, một nước Mỹ «sen đầm quốc tế» đã kết thúc: vị hiến binh này sẽ chọn lọc các cuộc khủng hoảng để can thiệp. Biden rút khỏi Afghanistan để đối phó với Trung Quốc, trong một thế giới bất định với nhiều xung đột. Washington giờ đây chỉ có tiêu chí duy nhất là lợi ích trực tiếp của Mỹ.

Nhiều đồng minh Châu âu từng hy vọng vào Biden, vào sự trở lại của một siêu cường hào hiệp thời hậu chiến tranh lạnh, thấy rằng họ đã lầm. Donald Trump không phải là một «sự cố của lịch sử», một hiện tượng nhất thời, mà là biểu tượng cho một sự thay đổi sâu sắc của nước Mỹ. Chịu cú sốc lớn nhất có lẽ là Anh, vừa ra khỏi Liên Hiệp Châu âu, nhận ra «mối quan hệ đặc biệt» với Mỹ chỉ là lời nói suông. Luân Đôn cũng bị đặt trước «việc đã rồi» ở Kabul như các nước khác.

Tương tự, khi nhận định «Thất bại ở Afghanistan khiến NATO hụt hơi», Le Point cảnh báo tình hình Afghanistan có thể dẫn đến hai xu hướng nguy hại. Hoặc tìm cách đứng giữa các phe, một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Trung Quốc, Nga và các nước độc tài, nhưng như thế là từ bỏ việc bảo vệ các giá trị của mình. Xu hướng thứ hai là cho rằng quân sự không còn quan trọng vì Mỹ cũng thua trước quân Hồi giáo, nên chọn con đường quy phục. Vào lúc các thế lực xét lại do Tập Cận Bình, Putin, Erdogan dẫn đầu tìm cách thay đổi trật tự thế giới, Châu âu cần phải tham gia gầy dựng một NATO vững mạnh, không dựa dẫm vào Mỹ.

Ai sẽ đối thoại được với Taliban ?

Hồ sơ của Courrier International xoay quanh vấn đề «Ai sẽ nói chuyện được với Taliban?». Tuần báo trích dịch tờ báo cánh tả Mỹ The Nation cho rằng «Cần phải tìm ra phương cách hợp tác».

Nếu tính đơn thuần về địa lý, nhiều nước chịu tác động về những gì diễn ra ở Afghanistan và có ý định can dự, nhất là Trung Quốc, Iran, Pakistan, Nga và Ấn Độ. Ba nước đầu có biên giới chung với Afghanistan, còn Nga tuy không trực tiếp, nhưng luôn quan tâm đến sự ổn định ở Trung Á, trong khi Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan có đến 2.000 km đường biên giới với Afghanistan. Không nước nào muốn thấy một Afghanistan loạn lạc.

Tờ Nezavissimaia Gazetta ở Matxcơva nhận xét, Trung Quốc và Nga có thể thay chân Mỹ, còn tờ HK01 ở Hồng Kông cho rằng đây là dịp để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Tuy dòm ngó các tài nguyên, nhưng từ mười năm qua Trung Quốc không tham gia dự án lớn nào tại Afghanistan. Không phải vì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, mà do an ninh không được cải thiện.

Bạn cũ Pakistan và «bạn» mới Trung Quốc 

L’Obs nói về «Những người ‘bạn’ mới của Taliban», với tấm ảnh Vương Nghị bên cạnh giáo chủ Baradar, người đồng sáng lập Taliban.

Tuần báo nhận xét báo chí Mỹ đua nhau đả kích tổng thống, ngay cả những tờ báo thân Biden, đồng thời không quên Pakistan. Wall Streert Journal tố cáo nếu Pakistan không hỗ trợ, chứa chấp, thì Taliban không thể nào sống sót. Theo L’Obs, Pakistan không chỉ ủng hộ, mà còn «sáng tạo» ra Taliban. Trong thập niên 1980, tình báo Pakistan (ISI) đã chuyển giao viện trợ quốc tế cho quân nổi dậy Afghanistan, là người Hồi giáo thuộc nhiều sắc tộc chống quân Liên Xô chiếm đóng. Khi Hồng quân ra đi năm 1989, Pakistan muốn có một chế độ Hồi giáo «bạn bè». ISI tuyển lựa và huấn luyện một lớp trẻ người Pachtoune theo đạo Hồi cứng rắn, khai sinh phong trào Taliban (chủng sinh, môn đồ).

Sự hai mặt của Islamabad: liên minh với Mỹ nhưng lại ủng hộ quân khủng bố khiến Washington lạnh nhạt dần, và đến 2011 khi đặc nhiệm Mỹ phát hiện Ben Laden sống an nhàn tại một thành phố Pakistan và trừ khử được, thì quan hệ càng lạnh giá. Do muốn xây dựng một Nhà nước tại Afghanistan không có lối ra biển, Washington đành phải chấp nhận, nhưng với việc triệt thoái khỏi nước này, đồng minh Pakistan nay đã mất đi ưu thế.

Về ông «bạn» mới Trung Quốc của Taliban, đã bỏ một số tiền lớn mua một mỏ đồng và một giếng dầu ở Afghanistan nhưng chưa khai thác vì mất an ninh, nay trở nên nhân tố cần thiết khi Mỹ rút quân. Đây là món quà được Joe Biden «kính tặng» hay là một cái bẫy? Một think tank Đài Loan tự hỏi. Liệu những người «Taliban mới» có để mặc cho các đồng đạo Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc đàn áp? Bắc Kinh có thể mất ngủ với câu hỏi này. Về phần Washington, thoát khỏi «cuộc chiến bất tận» ở Afghanistan, có thể tập trung cho việc đối phó với Trung Quốc ở châu Á.

Tương lai của thánh chiến quốc tế 

The Economist quan tâm đến «Sau Afghanistan, giai đoạn mới của thánh chiến quốc tế là gì?». Các phe thánh chiến không giống nhau, không đồng nhất về lý tưởng, có những phe kình địch lẫn nhau. Tuy nhiên thắng lợi ở Afghanistan sẽ mang lại phấn chấn cho họ.

Một khi quân thánh chiến giành được quyền lực, họ nhận ra rằng chủ thuyết của mình khiến lãnh đạo khó khăn hơn. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) chỉ ngự trị được tại Irak và Syria ba năm, hoạt động kinh tế không có gì khác hơn là cướp phá, bắc cóc, làm các nước và Irak theo Shia ghê sợ, liên kết lại để đánh bại. Đối với phe Taliban từng gây sợ hãi lúc thống trị trước đây, các khó khăn đang chờ đợi: cạn tiền vì dự trữ ngoại hối bị Mỹ phong tỏa, kinh tế tê liệt, vật giá gia tăng.

Thất bại của tình báo Mỹ, hay do Washington chủ quan?

L’Express nhận định «Sau thất bại Afghanistan, tình báo Mỹ trong tầm ngắm». Tại Washington, người ta đổ lỗi cho nhau. Tình báo - bị bất ngờ trước đà tiến của Taliban - bị chỉ trích dữ dội, nhưng thật ra Joe Biden không muốn nghe những cảnh báo của họ.

Một giám đốc CIA bị bất ngờ không bao giờ là dấu hiệu tốt cho Hoa Kỳ. Hôm Chủ nhật 15/08, Bill Burns phải vội vã gọi qua video với Joe Biden từ…Dinh tổng thống Ai Cập. Kabul đã thất thủ, mà CIA không thể ngờ. Dân biểu Dân Chủ Jackie Speier cho đây là thất bại của tình báo. Tại Lầu Năm Góc, tổng tham mưu trưởng nói rằng chưa bao giờ đọc được «một báo cáo nào dự báo lực lượng 300.000 quân tan rã trong vòng 11 ngày». Rồi Nhà Trắng nhấn mạnh, Joe Biden không có thông tin gì.

Thế nhưng từ nhiều tháng qua, những văn bản cảnh báo chồng chất tại các văn phòng ở Washington. Trên thực địa, báo động đến từ khắp nơi nhưng không được cấp cao nhất ngó ngàng. Gordon Adams, giáo sư American University, từng tham gia chính quyền Clinton nhớ lại vụ 11 tháng Chín. Đã biết rằng Al Qaida chuẩn bị tấn công, nhưng báo cáo chưa hoàn chỉnh và rất vất vả để đến được Washington.

Marc Polymeropoulos, cựu giám đốc văn phòng CIA ở Afghanistan bất bình cho biết, công việc của ngành tình báo không phải là đoán được sự kiện sẽ xảy ra vào ngày nào, ở đâu…mà khi cảnh báo Taliban có thể nắm quyền 30 ngày sau khi rút quân, có nghĩa là báo động đỏ. Nhà nghiên cứu Steph Shample nhắc lại khi Mỹ rút khỏi Irak, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) nhanh chóng phát triển, và giờ đây Taliban cũng như IS đều phấn chấn trước thất bại của Washington. Khó khăn nhất cho tình báo Mỹ là không còn tai mắt tại chỗ, và điều mỉa mai là các gián điệp Mỹ cần thiết hơn bao giờ hết trong những tháng tới. 

Guantanamo : Obama thả cọp Taliban về rừng

Nói về «Sự tái sinh của Taliban từ Guantanamo», Le Point cho biết nhiều tù nhân được Barack Obama phóng thích từ nhà tù nổi tiếng này, bất chấp khuyến cáo của tình báo, nay nằm trong số các lãnh đạo Taliban.

Khairullah Khairkhwah, 54 tuổi, cựu bộ trưởng Nội Vụ Taliban thời trước, thân cận với Oussama Ben Laden và giáo chủ Omar, từ sống 13 năm trong nhà tù Guantanamo. Ông ta cùng với bốn tù nhân nguy hiểm khác được Obama trả tự do hồi tháng 5/2014, đưa sang Qatar dưới chế độ quản thúc và đoàn tụ với gia đình. Nhóm này là phôi thai của một chính quyền Taliban lưu vong, và khi thương lượng với Washington, cả năm cựu tù nhân nằm trong phái đoàn chính thức, đường hoàng đối diện với các tướng lãnh và nhà ngoại giao Mỹ.

Giới tình báo hồi đó hết sức kinh ngạc trước quyết định của Obama. Cả bộ Ngoại Giao lẫn Quốc Phòng đều xếp năm người này vào loại «cực kỳ nguy hiểm», thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain đánh giá «cực đoan nhất trong số những kẻ cực đoan», và đặc biệt là nhóm duy nhất không hề được ủy ban trả tự do có điều kiện bật đèn xanh. Tuy nhiên ông Obama muốn đổi lấy Bowe Bergdahl, một trung sĩ đào ngũ bị Taliban bắt làm con tin.

Tại Guantanamo, Khairullah Khairkhwah đã làm cho các quản giáo phải «lên bờ xuống ruộng». Từ chối tắm rửa, ăn uống, phá hoại đệm nằm, gây ồn ào suốt ngày, quẳng gà-mên (cà-mèn) sữa vào mặt quản giáo…thậm chí xúi giục bạn tù tự sát. Bốn người còn lại cũng có bảng thành tích dày cộm, như Mohammed Fazl Mazloom, 54 tuổi. Bị cáo buộc tội phạm chiến tranh, ông ta từng nhiều lần ra lệnh tàn sát hàng loạt trong đó có 170 thường dân vào tháng Giêng năm 2001. Hoặc Abdul Haq Wasiq, một trong những người từng lãnh đạo tình báo của Taliban, rất thân với Al Qaida.

Tất cả đang chờ đợi quay lại Afghanistan với chức vụ cao cấp. Đã có một cựu tù nhân Guantanamo vừa được bổ nhiệm bộ trưởng Quốc Phòng lâm thời của Taliban : Abdul Qayyum Zakir, 48 tuổi, được Mỹ thả năm 2007 và lập tức quay lại chiến trường.

Nguồn: rfi (https://www.rfi.fr/vi)

29 August 2021

Cười tí tỉnh: Suối Vàng rằm tháng bảy


Ngày rằm tháng bảy đi chợ sắm ít đồ mã cho các cụ. Chọn xong mấy món quần áo, giày dép, mũ mão như mọi khi, thì chị chủ quay sang bảo:

- Thế không mua vác xin cho các cụ à? Năm nay mọi người mua món đó nhiều lắm!

Mình ngạc nhiên hỏi lại:

- Ơ, dưới âm cũng có dịch rồi hả chị?

Chị chủ: “Trần sao âm vậy em ơi! Người ta tiêm cả, các cụ không được mũi nào lại quay ra oán trách con cháu không chu đáo! Còn nếu dưới đấy có “ông ngoại” rồi thì nhờ ông xin cho suất ngoại giao đỡ phải mua”.

Mình nghe cũng có lý nên bảo:

- Dạ, vậy chị cho em một liều với!

Chị chủ: "Đã tiêm thì tiêm hai mũi luôn nó mới có tác dụng. Thế chọn loại nào đây? Nhà chị có Phai dzơ, Mô đê na, Ách cha và Hoan Vê rôn...Giá cả kênh nhau không đáng kể, tùy em chọn".

Mình gãi tai nói: "Chị cho em loại đắt nhất ấy, nhưng không biết các cụ nhà em có bị dị ứng không, lỡ dị ứng tiêm vào một phát... các cụ lăn quay ra thì sao?"

Chị chủ nhăn mặt: "Ôi giời ơi, đã xuống đến đó rồi còn sợ chết! Chị lấy cho em Phai dzơ nhé, cái này tiêm hôm nay ba ngày sau các cụ đã có thể đánh chén riệu lòng lợn tốt rồi!"

Mình mừng quá, bảo:

- Được thế thì tốt quá. Chị lấy cho em cái xe đạp thể thao để các cụ rèn luyện sức khỏe luôn ạ!

Chị chủ: "Mua loại xe đạp thể dục tại nhà đi, dưới đấy đang chỉ thị 16 không ra ngoài được đâu."

Mình toát hết cả mồ hôi:

- Dưới đấy cũng 16 rồi ạ?

Chị chủ gật:

- 16 lâu rồi, tới đây có khi lên 16 promax luôn. Thế có lấy thêm cho các cụ cái ống thở không?

Mình lo lắng:

- Sao lại phải cần ống thở ạ? Em tưởng dưới đấy cũng có bệnh viện?

Chị chủ: "Đề phòng con cái có đứa thích câu like nó rút ống thở của các cụ cắm sang cho người khác em ạ!"

Mình bảo: "Vâng, thế chị cho em một cặp!"

Chị chủ: "Ừ, lấy cho các cụ ít phiếu đi chợ âm phủ nữa nhé! Có hai loại, loại đ.ắt thì đi chợ nào cũng được, loại r.ẻ hơn chỉ đi chợ gần nhà".

Thấy cũng chả đáng bao tiền nên mình gật đầu. Đang định kêu tính tiền thì chị chỉ vào cái tivi to đùng bằng giấy, giới thiệu:

- Ngoại hạng Anh vừa mới bắt đầu, em vác con Sony 65 inch màn hình Oled, 4K full HD này về cho các cụ xem bóng đá cho sướng mắt. Dịch giã này ăn rồi ngồi nhà xem tivi là lành nhất em ạ!

Mình bảo: "Nhưng dưới đấy em sợ không có truyền hình cáp?"

Chị chủ giải thích: "Em yên tâm dưới đó giờ công nghệ cũng phát triển lắm rồi, thích thì em đốt xuống cho các cụ cái thẻ K+, xem bóng đá cả năm vô tư luôn!"

Nghe bùi tai, mình lại lấy thêm cái tivi nữa rồi vội vàng thanh toán kẻo đứng đó thêm lát nữa chị chủ lại mời mua thêm món khác thì nguy.

Mà phải công nhận các cụ dưới đó bây giờ cũng sướng thật, đồ dùng, công nghệ trang bị tận răng, đã thế lại không bao giờ sợ chết! Nhất các cụ!

(Internet)

28 August 2021

Tuyển Tập Trần Bạch Thu

Lời Giới Thiệu

Thưa quí vị,

Đây không phải là một tập hợp nhiều truyện ngắn, mặc dầu mỗi bài đều có một cái tên. Có thể coi đây là một “hồi ký” hay “tự thuật” vì trong 33 đoản thiên, tác giả đã “vẽ” được chính mình qua từng giai đoạn cuộc đời, khi thơ ấu, tuổi thiếu niên, học hành rồi ra trường làm việc cho đến khi sẩy đàn tan nghé để cùng với mấy mươi triệu người miền nam chịu cảnh dâu bể tang thương.

Một trong những đặc tính chúng ta dễ nhận ra là tác giả không đằng đằng sát khí, cũng không tự đề cao như phần đông các sách viết về một thời vàng son mà chúng ta thường đọc thấy ở hải ngoại. Trần Bạch Thu có lối kể rỉ rả, tả việc mà ít tả cảnh, tả tình. Xuyên qua lối văn không đẽo gọt, chúng ta có thể hình dung được những gì tác giả đang trải qua mà nếu đi xa thêm một chút, người đọc cũng có thể sống như tác giả đã sống. Đối với những ai cũng đã từng trải nghiệm ít nhiều, nhất là bạn đồng môn, đồng cảnh thì thấy Trần Bạch Thu viết rất thật. Như chính tác giả đã tự thú trong những dòng tâm sự từ trước “bài thô mà đậm tính mộc mạc. Để nguyên như vậy mà chân tình. Cũng như ngày xưa đi học ra sao mà còn nhớ đến ngày hôm nay thì cứ viết y như vậy”, anh đã giữ được tính chất “miệt vườn” mà người thành thị đã đánh mất.

Ở vào thời đại mà việc viết văn, làm thơ nhiều khi được coi như trang sức để làm tăng thêm vẻ dáng bề ngoài, chúng ta đã gặp lại một lối viết dễ đọc, không phải để nghiền ngẫm tìm về một triết lý nhân sinh, cũng không phải để tán thưởng lối dùng chữ mượt mà, bay bướm mà như cùng một người bạn ôn lại chuyện xưa, một tuổi thơ sống nơi đồng quê, thôn dã. Rõ ràng anh không gợi cho người đọc sự tiếc nuối, sự ray rứt của một thuở điêu linh, tác giả chỉ kể cho chúng ta những gì anh chứng kiến – mà phần lớn cũng chính anh là một người trong cuộc.

Trên những mạng thông tin hôm nay, sự bùng nổ của hồi ức cho chúng ta rất nhiều điều chúng ta tưởng như không hề hiện diện. Có người tìm về những kỷ niệm “đô thị” như các tiệm ăn, những quán cà phê, những vũ trường, rạp hát … vốn xa lạ với những “con nhà nghèo”. Cũng có người thì ghi lại kỷ niệm học đường, kỷ niệm yêu đương, kỷ niệm chiến đấu đôi khi thậm ngôn khiến người đọc phải ngỡ ngàng về những điều mình không biết. Những món ăn ngon, để tăng thêm khoái khẩu phải bỏ thêm gia vị thật nhiều.

Chính vì thế, khi đã đến tuổi “gió heo may” chúng ta lại tìm về những gì mình quen thuộc và đến một lúc nào đó, chúng ta lại thấy thích thú với những bản nhạc “sến”, có khi lại mê nghe “cải lương”, “hát chèo” … như ngày nào cha mẹ chúng ta nói về chuyện cũ ở dưới quê. Hóa ra, ngày hôm nay chúng ta cũng giống như các cụ, thích ôn lại những gì ở thuở xa xưa.

Khi đọc “Tuyển Tập Trần Bạch Thu” độc giả đừng mong tác giả đưa chúng ta vào những bữa tiệc đầy cao lương mỹ vị mà chỉ là những bữa cơm nhà quê lâu nay chưa nếm lại. Đây là những đoản thiên cho những ai có thể ngồi dưới tàn cây, đọc một chút để “kỷ niệm xưa len lén trở về tâm tư” rồi thả hồn về dĩ vãng. Mỗi câu truyện là một mẩu đời vừa đủ cho chúng ta đọc một lần từ đầu đến cuối.

Tuy nhiên, muốn thưởng thức cho trọn vẹn thì trước hết, người đọc phải trải qua một tuổi thơ ở miền nam. Tác giả đưa trở về như xem một cuốn phim quay chậm, từ khi là một đứa trẻ ở Cai Lậy cho đến khi chiến tranh lan rộng đưa đẩy qua các trường trung học, đại học và ra trường làm việc ở một tỉnh cao nguyên, từ thuở miền nam thanh bình đến khi loạn lạc, cuộc thất trận ngỡ ngàng, bị tù đày để rồi tha hương lập nghiệp. Tác giả bình thản kể cho chúng ta nghe những thay đổi, lên voi xuống chó của cuộc đời, của chính mình mà cũng là số phận chung của cả đất nước, những chi tiết mà chúng ta gần như ai ai cũng ít nhiều đã gặp nên dễ dàng đón nhận, không tô hồng mà cũng không bôi đen.

“Tuyển Tập Trần Bạch Thu” chính là một bức tranh xuyên suốt của thế hệ chúng ta, thế hệ chứng nhân của 20 năm miền nam và 40 năm sau cuộc đổi đời nghiệt ngã. Đọc Trần Bạch Thu, trong chốc lát chúng ta đã hóa thân thành chính tác giả để có thể khóc cười theo vận nước, nhất là những ai có ít nhiều liên quan đến đời hành chánh.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính 



Trần Bạch Thu,
Từ Nhà Hành Chánh Thành Nhà Văn

Nhận được bản thảo “Tập Truyện” của anh Trần Bạch Thu, đương kim chủ tịch Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Nam California, bỗng nhiên tôi nhớ lại câu chuyện cũ. Một bạn học lớp Đệ Nhất Chu Văn An, sau theo học Đại học Sư Phạm, nay cùng ở Nam Cali, một hôm anh hỏi: “Này, hải ngoại có biết bao nhiêu hội đoàn mà sao hình như, dân Hành chánh các cậu tổ chức ca hát, viết văn làm thơ, viết tham luận chính trị, ra sách nghiên cứu lịch sử có vẻ xôm tụ nhất thì phải”.

Hình như tôi đã quên trả lời bạn tôi. Nay thì tập bản thảo của anh Trần Bạch Thu khiến tôi sực nhớ lại câu hỏi ấy.

Trước hết, xin thưa ngay, Trường Quốc Gia Hành Chánh khi thi nhập học không có môn viết luận văn. Và trong chương trình học cũng chẳng có giờ nào dạy về sáng tác văn học nghệ thuật, chỉ có môn “soạn thảo công văn” với công thức “tham chiếu”, “trích yếu” khô khan, rặc mùi hành chánh, nghĩa là viết sao cho ngắn, gọn, không hoa lá cành, không bóng bẩy khiến người đọc có thể hiểu lầm chuyện nhà nước.

Sau khi ra trường, dân Hành chánh hầu hết phải đi địa phương cũng như đa số dân sư phạm, dân kỹ sư. Nhưng dân Hành chánh bươm chải từ tỉnh xuống quận, lặn lội tới xã ấp thăm gặp người dân, nghe hàng trăm chuyện oan sai bi hài hậu quả của chiến tranh mà không có quyền hạn và khả năng giải quyết. 

Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, dân Hành chánh bị lùa vào trại tập trung cải tạo cho phe thắng trận trả thù. Nhiều anh hơn chục năm chưa được thả vì “nợ máu”. Rồi khi được thả, dân Hành chánh bị gạt ra ngoài lề xã hội, ngụp lặn mưu sinh trên lề đường như người chưa bao giờ đi học, ngày đêm đổ mồ hôi kiếm miếng ăn cho bản thân và vợ con.

Cho đến khi đi tị nạn ở hải ngoại thì sở học của dân Hành chánh không còn giúp gì cho bản thân. Nhưng khi lập hội ái hữu, dân Hành chánh chọn “logo” là một chàng trai tay kiếm tay đàn như câu thơ “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” của nhà nho Nguyễn Du. Tuy thế dân Hành chánh có vẻ thích cụ Kinh lược sứ Nguyễn Công Trứ hơn vì thơ của cụ ca ngợi chí khí của bậc sĩ phu cũng là ước mộng của tuổi trẻ Việt Nam.

Như thế thì đã có thể hiểu vì sao các ông bà cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh ở hải ngoại lại làm nhạc, làm thơ, viết văn nhiều thế. Hàng chục bạn có tuyển tập xuất bản và đăng báo hay website, youtube… Riêng anh Trần Bạch Thu cứ vài ba tuần lại có một truyện ngắn xuất hiện trên trang web Quốc gia Hành chánh. Vào dịp Tết, quốc hận, trang web này tràn ngập thơ, văn, hồi ký, nhạc của các đồng môn tập trung vào chủ đề thời sự.

Có thể nói dân Hành Chánh làm thơ, văn, nhạc hầu như không mong mình trở thành văn nhân tài tử. Nếu không mất nước thì có thể số đông những văn nghệ sĩ gốc Hành chánh này sẽ không làm thơ, viết văn vì họ bận chăm lo nhiệm vụ thực thi hoài bão giúp dân giúp nước. Nay, vì không còn cơ hội phục vụ đất nước nữa nên họ vừa giải khuây vừa muốn giãi bầy qua thơ văn cho đồng môn, đồng bào và thế hệ mai sau biết những gì đã xẩy ra trên quê hương ngày trước và những hy vọng về quê hương ngày sau.

Anh Trần Bạch Thu là một trong số những dân Hành Chánh như thế đấy. Năm 1975 khi Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, Trần Bạch Thu đi tù gần 10 năm qua các trại cải tạo từ Nam ra Bắc như Long Thành, Phú Sơn, Nam Hà và Hàm Tân. Năm 1993 anh và gia đình tới định cư tại Long Beach, California theo diện HO cho đến ngày hôm nay. Cuộc đời anh như thế đã tự nó thành một “bộ phim nhiều tập” dồn dập những kịch tính mà một người sống ở xứ thanh bình như Mỹ, Pháp sẽ tin ngay đó chỉ là sản phẩm “giả tưởng”.

Khi viết tác phẩm đầu tay là tuyển tập “Trăng Rọi Sông Dài”, Trần Bạch Thu tâm sự:

“Từ lâu lắm trong những năm tháng còn lưu đày trên đất Bắc, tôi có một mong ước là sau này nếu có dịp sẽ cố gắng ghi lại những mẫu chuyện những cảnh đời mà mình đã trải qua để làm kỷ niệm. Dần dà theo thời gian lại quên mất cho đến khi nhận ra… Lão niên đã tới trước ngõ. Ngoảnh lại buồn cho thân thế. Có những hôm dậy sớm sực nhớ bèn viết ít dòng, chỉ để vậy. Thực ra viết về những hồi tưởng hay ký ức mà tuổi của mình còn nhớ được là một điều may mắn. Rồi sau khi mỗi lần gửi bài viết đi, may mắn hơn nữa khi được bạn bè anh em thân tình hồi đáp với những xúc cảm chân thành qua những điều mình viết khiến mình xúc động không kém để tiếp tục cho đến ngày hôm nay…”.

Đúng như Trần Bạch Thu nói, truyện của anh cũng như của hầu hết dân Hành Chánh là hồi ức, là những kỷ niệm của cuộc sống vì thế truyện nào cũng mới lạ với người đọc, làm người đọc xúc động, hoàn toàn khác với tác phẩm hư cấu của nhà văn chuyên nghiệp. Trần Bạch Thu không tạo dựng những cảnh đời “lâm ly bi đát”, “ngang trái” để hấp dẫn độc giả bởi vì những gì anh chứng kiến khi làm Phó Quận, Phó Tỉnh đã quá lâm ly bi đát, đã quá ngang trái đã từng làm nát lòng anh thì nay anh chỉ cần viết lên trang giấy cũng đủ làm nát lòng người đọc.

Trong những buổi hội họp của Hội Cựu Sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, chúng tôi thường khuyến khích nhau viết sách. Viết không để trở thành nhà văn, nhà thơ có tên trong tủ sách văn chương Việt Nam mà mục đích chính là cung cấp cho hậu thế những tài liệu chính xác nhất về một giai đoạn đau thương của đất nước để giải ảo những sách vở bịa đặt của bên thắng trận.

Trần Bạch Thu là con chim đầu đàn của Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Nam Cali đã nhanh chóng hoàn thành hai tác phẩm ở hải ngoại. Trước kia anh đã được ca ngợi vì làm Phó Tỉnh Trưởng ở tuổi mới chỉ 25 dù anh không phải “hạt giống” đỏ hay vàng mà chỉ vì năng lực làm việc đã đẩy anh thăng tiến. Nếu Miền Nam không sụp đổ, tôi nghĩ chắc chắn con đường công danh của Trần Bạch Thu sẽ theo chân tiền nhân Nguyễn Công Trứ “trước là sĩ sau là khanh tướng”. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không có ông “Thượng Thư, Tổng Đốc” Trần Bạch Thu thì bù lại Việt Nam có thêm nhà văn Trần Bạch Thu.

Nhà Văn Đỗ Tiến Đức

_________________________________

P/S: Sách dày 360 trang (khổ 6 X 9) sắp in.

27 August 2021

Mùi Cọp

- Anh ơi!

Tôi giả vờ ngủ.

Chúng tôi còn giận nhau. Thực ra tôi biết nàng trở về nhà vào lúc 12 giờ khuya. Nàng cởi bộ áo lấp lánh kim tuyến treo lên móc. Nàng vào phòng tắm. Tôi nghe tiếng chiếc gương xen nước chảy rào rào. Tôi nghe cả tiếng cửa phòng tắm mở. Nàng nhẹ nhàng lên giường nằm cạnh. Tôi nghe tất cả, nhưng tôi thấy lúc chưa phải để giải hòa. Chúng tôi đã giận nhau hơn một tuần nay.
 
- Anh đi ngủ gì sớm thế? 

Nàng khẽ chạm vào vai tôi rồi nói nghe như một lời mời mọc.

- Mình ơi em vừa tắm xong – Nói xong nàng đột ngột lôi hẳn tôi quay lại. 

Nàng nói:

- Hôm nay em sẽ dành cho anh một sự ngạc nhiên !

Nàng ôm lấy tôi, mùi hương rất lạ thôi thúc tôi. Đó là mùi hoa hồng tôi chưa thấy nàng dùng đến bao giờ. Tôi tỉnh ngủ hẳn. Trong lòng tôi hiện tại là một cô gái mềm mại, dịu dàng và đặc biệt khác mọi lần là một mùi hương vô cùng quyến rũ. Mùi thơm đánh thức mọi giác quan. Nàng biến thành một phụ nữ hoàn toàn mới đối với tôi, và có lẽ đối với cả nàng. Tôi thấy trong cử chỉ của nàng một niềm vui thầm kín. Mấy ngày hờn trách nhau trước đây như tan biến đi cả.
 
Cuộc làm lành diễn ra như thế. Luôn luôn nàng tỏ ra là kẻ biết điều, còn tôi bao giờ cũng vẫn là một người cố chấp. Một tuần nay  chúng tôi giận hờn nhau. Sự việc khá đơn giản.
 
Tôi bảo nàng bỏ nghề. Nàng không chịu. Tôi là giáo sư dạy toán tại một trường đại học danh tiếng. Còn nàng là một diễn viên và là người dạy thú. Nàng chuyên huấn luyện và biểu diễn với cọp. Kể về tiếng tăm nàng lừng lẫy hơn tôi rất nhiều. Thu nhập của nàng cũng gấp bội tôi. Nhưng tôi không chịu nổi cái nghề kỳ dị của nàng. 

Nàng nói:

"Em yêu lũ cọp. Chúng nó yêu em và em yêu nghề. Bỏ nghề này ra em biết làm gì? Thư ký hay bán hàng ư? Tìm một chỗ làm khó lắm. Nhưng còn tìm một thư ký thì dễ, còn tìm một người dạy thú như em thì rất khó. Em yêu cái không khí của gánh xiếc. Em sống quen trong cái khung cảnh này rồi". 
 
Nàng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy cái nghề này nó kỳ quái thế nào.
 
Kể cũng lạ cho cuộc hôn nhân này. Chúng tôi có nghề nghiệp và tính cách hoàn toàn khác hẳn nhau. Trước khi thành hôn, đã có người bảo chúng tôi không làm sao được hạnh phúc bên nhau lâu dài được đâu. Lúc đó cả tôi và nàng bất chấp mọi lời khuyên. Nàng có một ý tưởng ngộ nghĩnh mà khi đó tôi cũng cho rằng vô cùng thú vị. Nàng nói con chúng ta sẽ dũng mãnh như hổ và thông tuệ như anh!

Tôi xin kể lại buổi đầu gặp nhau. Lúc đó tôi chếnh choáng men say vì mấy cốc rượu của sinh viên trong buổi lễ phát thưởng cuối năm học. Có một sinh viên đưa ý kiến và được các bạn tán thành ngay: hay là chúng ta kéo nhau đi xem xiếc. Lần cuối cùng trong đời tôi đến rạp xiếc là lúc tôi lên chín. Từ đó đến nay tôi không để ý gì về loại hoạt động này.
 
Chúng tôi bước vào rạp xiếc vừa đúng lúc một tràng pháo to hào hứng nổi lên. Nhiều người đứng lên tặng hoa cho một cô gái đang rực sáng trong bộ áo xiếc đầy kim tuyến. Một ngọn đèn rất sáng từ trên cao chiếu thẳng vào nụ cười rạng rỡ của nàng. Cạnh nàng là ba con cọp to lớn nằm phủ phục. Thú thật cả đời tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng hùng tráng đến thế. Một cô gái nhỏ nhắn khuất phục được ba chúa sơn lâm! Bỗng một sinh viên ấn vào tay tôi bó hoa cẩm chướng màu huyết dụ nó đẩy tôi: lên tặng hoa người đẹp đi thầy. Lúc đó thực tình tôi như một cái máy. Lần đầu tiên trong đời tôi lên sân khấu tặng hoa cho một diễn viên, mà lại là diễn viên dạy thú.
 
Có lẽ nàng thấy bộ mặt ngờ nghệch và cặp mắt kính cận thị quá dày của tôi hoàn toàn lạc lõng giữa một khung cảnh ồn ào đầy sự kích động nên nàng tặng cho tôi một nụ cười:
 
"Chắc đây là lần đầu tiên ông đến xem chúng tôi biểu diễn?"
 
Lại gần, tôi thấy nàng rất đẹp. Một khuôn mặt thanh tú, mái tóc mềm óng ả như tơ. Có một điều mà tôi cho là khác thường là khuôn mặt nàng rất tươi nhưng hoàn toàn không một chút phấn son. Có lẽ nàng còn ánh lên trong ánh hào quang rực rỡ của sự thành công. Phải thú nhận rằng nghề nghiệp của tôi dù thành công đến mấy tôi cũng không bao giờ hy vọng có những giây phút được nhiều người ngưỡng mộ như thế này. Định mệnh đã xui khiến tôi nói với nàng một câu mà từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thốt ra với một người phụ nữ nào. 
 
"Tôi vô cùng hâm mộ tài nghệ của cô. Sau buổi diễn, nếu cô vui lòng, - chúng ta sẽ gặp nhau tại...". 

Nàng nói rất khẽ: "Xin hân hạnh".
 
Sau đó chúng tôi còn gặp nhiều lần. Chúng tôi thích nhau vì cảm thấy trong việc này có cái gì là lạ. Theo cách nói của nàng thì đấy là một cuộc kết hợp vô tiền khoáng hậu giữa sức mạnh và trí tuệ. Cuối cùng chúng tôi quyết định đi tới hôn nhân. Lễ kết hôn của chúng tôi thật đáng nên kể lại. Bạn phía tôi gồm toàn thượng lưu trí thức. Mấy ông bà này rất tiết kiệm nụ cười và lời nói đùa. Trái lại phía nàng là cả một rừng náo nhiệt. Họ uống rượu, nói cười và phá phách như điên. Tôi bắt đầu yêu mến cái thế giới xiếc từ buổi gặp gỡ này. Anh chàng làm hề tung hứng lấy bốn chiếc đũa biểu diễn ngay trên bàn tiệc. Anh chàng ảo thuật lấy chiếc khăn ăn đậy lên tô xúp rồi hô: biến. Chẳng có cái gì biến ra cả. Chỉ có biến ra một trận cười hào hứng. Mấy chàng hề tha hồ chọc cười. Quý vị giáo sư lần hồi cũng trút bỏ bộ áo đạo mạo tham gia vào cuộc vui. Rượu chảy như suối. Một ông giáo sư cao hứng đứng lên hát tặng cô dâu và chú rể một bài. Bài hát Người đẹp và quái vật. Ông này muốn ám chỉ quái vật là tôi? Tôi thật xấu trai và có thể bảo quê mùa. 
 
Một phụ nữ chuyên diễn màn nhào lộn hát thực to: 
"Đêm động phòng ông giáo coi chừng bị hổ vồ!"
 
Anh chàng biểu diễn trên lưng ngựa cũng gào to: 
"Cô dâu nhớ mang roi dạy hổ và phòng. Nếu "nó" làm ăn bôi bác thì quất cho mấy roi!".
 
Đêm tân hôn cũng không bị hổ vồ cũng không bị quất roi nào. Nàng cao lớn và hùng dũng trên sàn diễn bao nhiêu, lại nhỏ nhắn và mềm mại trong lòng tôi bấy nhiêu. Tôi cũng không ngờ rằng tính tình nàng lại dịu dàng đến thế. 
Nàng bảo: "Người dạy thú cần nhất là phải yêu thương và dịu ngọt với chúng". Có lẽ tôi hiện là một con thú được nàng yêu thương chiều chuộng đây.
 
Có một điều mãi mãi còn lại trong tôi sau đêm tân hôn là từ thân thể nàng và rõ nhất là trong mái tóc nàng có một mùi nồng hăng hắc. Sau này tôi mới biết đó là mùi cọp. Một mùi không thể nào quên được.
 
Thời kỳ trăng mật và những năm tháng qua đi. Chúng tôi sống với nhau khá hạnh phúc. Chúng tôi có rất ít thời gian gần nhau. Mùa đông nàng lưu diễn. Tôi thường đi đây đó dự hội nghị, hội thảo, có khi ở nước ngoài. Vì thế giây phút gặp nhau trong ngày đối với chúng tôi hết sức quý giá. Còn nghề của nàng không bao giờ hết những chuyện lý thú. Có hôm nàng kể chuyện con gấu Tô Tô không chịu ra diễn. Chẳng ai hiểu vì lẽ gì. Sau mới biết hôm đó đúng là ngày loài gấu ngủ đông. Chuyện con Đác Lắc, một con cọp cái dài hơn hai mét và nặng hơn một tạ rưỡi mà theo nàng là một con vật duyên dáng nhất là vừa sinh lứa con đầu lòng. Có hôm nàng kể một chuyện cảm động. Một con ngỗng trong khi trình diễn rủi ro bị con ngựa dẫm phải. Trước lúc chết nó dang đôi cánh rộng ôm lấy chủ nó. Chủ nó khóc sướt mướt thề rằng suốt đời không bao giờ huấn luyện một con ngỗng nào nữa. Có hôm nàng trao cho tôi xem một bức thư tỏ tình của một anh chàng nào đó giấu trong bó hoa trao tặng nàng...
 
Không biết các bạn đồng diễn có ai chế nhạo nàng về việc chọn một ông giáo làm chồng hay không. Còn tôi thì bị không ít lời chế diễu. Cô thư ký trẻ đẹp và chưa chồng ở trường tôi hỏi rằng có bị vợ bắt nhảy qua vòng lửa hay không? Có cô càng sỗ sàng thách thức hỏi tôi con cọp cái đó mỗi khi lên giường ngủ nó có cào xé và kêu gào hay không. Đôi khi chúng tôi ra phố, thiên hạ nhìn vợ chồng chúng tôi với cặp mắt tò mò. Tôi rất khó chịu. Về sau tôi không đi đâu với nàng nữa.
 
Chỉ có một lần tôi thấy nàng tỏ ra khổ sở, lúng túng về cái nghề đặc biệt của mình. Đó là lần chúng tôi đi dự sinh nhật một người bạn. Con chó của nhà chủ tỏ ra thân thiện với mọi người chỉ trừ có nàng. Nó sủa vang và còn muốn cắn xé. 

Quý bà nhìn nhau như thầm bảo: 

"Kìa xé mãnh hổ đang địch quân hổ!"

Lần đó tôi thấy nàng rất khó chịu và giục tôi về sớm.
 
Đến nhà nàng nói:  
"Chắc anh khổ vì cái mùi cọp của em lắm phải không?" 
 
Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến đúng tên cái mùi hăng hắc này. 

Tôi trả lời để an ủi nhưng chắc không thực với lòng mình.

 "Không, hoàn toàn không, anh yêu em và yêu luôn cái mùi cọp này". 

Nàng cười bảo: "Anh nói dối. Em biết anh không thích. Tháng trước anh viện cớ giường chật đòi ngủ riêng. Mọi người đàn bà được phép thơm tho còn em thì không". 

Tôi hỏi tại sao, nàng nói "Con vật, nhất là cọp, nó không nhận biết bằng mắt mà bằng mũi. Một mùi lạ có nghĩa là một kẻ thù!"
Nàng nói với một giọng ân hận và buồn buồn: "Em biết anh rất khó chịu vì em đem cái mùi của ác thú vào tận phòng ngủ..."
 
Đêm hôm sau cái đêm nàng làm lành với tôi, nàng gặp nạn. Tôi đến nơi thì nàng đã qua đời. Tôi đau đớn cùng cực ôm lấy nàng. Trong làn tóc nhung mượt và đen thẫm, tôi còn nghe thoang thoảng một mùi hương hoa hồng mà nàng đã tắm hôm qua! Dưới ánh đèn thật sáng và trong bộ áo xiếc thấm đầy máu, khuôn mặt nàng yên tĩnh như đang trong một giấc mơ. 

Tôi khóc. 
Cả đời tôi không bao giờ khóc như hôm nay. Tôi thét lên thật to: "Tại sao em biết rõ hơn ai hết mà em vẫn làm thế? Vì sự ích kỷ của tôi đấy ư?"

Tôi muốn gieo mình xuống chín tầng địa ngục để ăn năn.
 
Ngày hôm sau ông chủ gánh xiếc cho tôi biết tất cả sự việc diễn ra trong cái đêm hãi hùng ấy: "Con cọp Đác Lắc mấy ngày qua nó bệnh hoạn và trở tính hung dữ. Hình như nó thấy chồng nó bị đem nhốt qua chuồng một con cọp cái khác. Tôi có một linh cảm về một chuyện gì đó nên dặn cô ấy: hay là tối nay bỏ tiết mục xiếc cọp. Nhưng cô ấy cương quyết và rất tự tin nói với tôi: 

"Không, nhất định không. Người dạy thú không cho phép mình nhút nhát!" 
 
Rồi nàng kiêu hãnh tiến ra sàn diễn trong một tràng pháo tay cỗ vũ nồng nhiệt. Ba con thú tỏ ra phục tùng tuyệt đối dưới làn roi điều khiển của nàng. Theo đúng kịch bản. Con Đác Lắc chuẩn bị nhảy qua vòng lửa. Nàng đứng trước mặt nó và quất một roi vào không khí, con thú nhảy lên chiếc ghế cao. Nàng bước tới giơ cao vòng lửa. Bỗng nhiên tôi thấy con thú thu mình lại. Nó nhìn nàng bằng cặp mắt kỳ lạ. Tôi cho tay vào cây súng dưới áo mở nắp bao da. Thật là nhạy bén và bình tĩnh đến rợn người. Cô ấy nhận ra tất cả. Cô ấy biết con thú sắp sửa tấn công mình. Cô ấy cũng đã nhận ra việc tôi định dùng súng giết con thú. 

Cô thét lên: "Đừng bắn!..." 

Cũng là lúc con Đác Lắc lao vào người cô như một khối đá. Trễ rồi, cô ấy đỗ xuống sàn diễn. Con ác thú say máu quay lại. Tôi nổ súng. Tôi nhào đến. Chiếc áo trắng lấp lánh kim tuyến loang máu. Cả rạp như đông cứng lại trong sự hãi hùng, tôi chỉ kịp nghe cô ta thì thào rất yếu: "Con Đác Lắc chết rồi sao? Tội nghiệp nó, nó còn bốn con dại. Không phải lỗi tại nó. Lỗi tại tôi..."
 
Qua giây phút hãi hùng đó, ban nhạc sực tỉnh, chơi một khúc quân hành rời rạc. Theo truyền thống nghề xiếc, bất cứ lâm vào tình trạng nào vẫn tiếp tục trình diễn. Nhưng không còn ai muốn xem, không còn ai muốn diễn. Cuối cùng ban nhạc cũng ngừng. Rồi thì cả rạp yên lặng như một nhà mồ. Mọi người đều trông tin từ bệnh viện. Một giờ sau nàng qua đời. Tôi lê ra sàn diễn nghẹn ngào báo tin. Khán giả không ai chịu ra về. Bao nhiêu là hoa đặt vào nơi nàng đã ngã xuống. Mấy anh hề hai mắt đỏ hoe thất thểu ra sân...
 
Quý Thể

24 August 2021

Phân Ưu


Joe Biden Lại Gây Thêm Thảm Họa

Nguyễn Kim


Những quyết định sai lầm của Joe Biden trong tám tháng tại chức đã gây nhiều thảm họa cho Hoa Kỳ.  Vấn nạn di dân, đại dịch Covid, lạm phát, tội ác và cuộc rút quân tại Afghanistan sẽ là những thử thách mà Joe Biden và đảng Dân Chủ phải đối mặt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.  Trong tuần qua, điểm tín nhiệm của Joe Biden đã bị rớt xuống từ 47% tới 43% tùy theo những cuộc thăm dò.  Cuộc thăm dò của Trafalgar cho kết quả gần 70% người Mỹ tin rằng Joe Biden đã quyết định sai lầm về cuộc chiến Afghanistan.  CBS cũng xác nhận:  Kết quả cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Hoa Kỳ không còn tin tưởng Joe Biden nữa vì cuộc rút quân thất bại tại Afghanistan.” 

Thời gian tới, điểm tín nhiệm này còn tiếp tục lao dốc vì hậu quả của cuộc rút quân vô trách nhiệm, không có kế hoạch của Joe Biden.  Cựu Thủ Tướng Anh Tony blair cho rằng cuộc rút quân của Hoa Kỳ là ngu xuẩn “imbecilic”, là “bi thảm, nguy hiểm và không cần thiết.”  Ông Tony Blair nói thêm “Theo tinh thần đạo đức, người Anh có trách nhiệm ở lại Afghanistan cho tới khi tất cả những người cần di tản được đưa ra khỏi nơi đó.” (theo BBC News.)

Cuộc rút quân hỗn loạn tại Afghanistan

Cuối tháng 7, Joe Biden đã khẳng định “Cuộc rút quân tại Afghanistan sẽ không giống như những gì đã xảy ra tại Việt Nam.  Sẽ không có cảnh cứu người từ nóc tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Afghanistan.”  Không đầy một tháng sau, Taliban đã chiếm trọn lãnh thổ Afghanistan và quân đội Hoa Kỳ đã phải tháo chạy, để lại hàng ngàn, hàng ngàn đủ loại vũ khí nặng nhẹ trị giá 82 tỷ dollars, bao gồm: quân xa, quân dụng, phi cơ chiến đấu, hỏa tiễn, bom đạn, . . .  Chính quyền Joe Biden đã không có kế hoạch di tản, nhiều tin tức cho hay có khoảng từ 15,000 tới 40,000 ngàn công dân Hoa Kỳ sống và làm việc tại Afghanistan.  Cộng thêm người dân bản xứ làm việc cho Hoa Kỳ và Liên Minh NATO cũng cần được di tản vì tánh mạng của họ bị đe dọa.  

Trong cuộc họp báo ngắn vào trưa Thứ Sáu (20/8), Joe Biden hứa sẽ đưa tất cả mọi công dân Hoa Kỳ trở về nước, ông ta còn nhấn mạnh “Chúng tôi đã điều đình với Taliban, những người muốn di tản sẽ được Taliban cho đi, không có trường hợp người Mỹ bị ngăn cản tới phi trường.”  Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, trong cuộc điều trần tại Quốc Hội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin xác nhận “Tình hình tại Afghanistan là một thảm họa, một số công dân Hoa Kỳ tại Kabul đã bị Taliban đánh đập.”  Nhiều tin tức cho hay trên đường tới phi trường, nhiều người Hoa Kỳ đã bị Taliban hăm dọa, đánh đập và tịch thu sổ thông hành của họ.  Phát Ngôn Viên của Ngũ Giác Đài John Kirby cũng nhìn nhận “Một số công dân Hoa Kỳ không thể đi qua những trạm kiểm soát.”  Sáng Thứ Bảy (21/8) Bộ Ngoại Giao cảnh báo:  “Vì an ninh tại cổng phi trường Kabul có thể bị đe dọa, trong thời gian này, chúng tôi khuyên công dân Hoa Kỳ tránh đi tới phi trường và những cổng của phi trường, trừ khi quý vị nhận được hướng dẫn trực tiếp từ những người đại diện chính phủ Hoa Kỳ.”  Sau khi nghe phát biểu của Joe Biden, phóng viên Clarissa Ward, Trưởng Nhóm Thông Tín Viên Quốc Tế của CNN tại Kabul lên tiếng:  “Tình trạng thực sự là hỗn loạn, thất bại.  Khi nghe TT  Joe Biden khẳng định trên ABC không có thất bại, tôi và nhiều người ở ngoài vòng đai của phi trường tự hỏi rằng tình trạng này không là thất bại thì như thế nào mới gọi là thất bại?”

Joe Biden đã không lãnh nhận trách nhiệm mà ông ta lại đổ lỗi tất cả cho những người khác.  Thượng Nghị Sĩ  (TNS) Marsha Blackburn (R-Tennessee) lên án Joe Biden là người gian xảo, dối trá.  Bà ta nói “Văn phòng của chúng tôi nhận được nhiều thông tin là người Mỹ không thể đi vào phi trường.”  Trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt với phóng viên của Breitbart News, cựu Ngoại Trưởng Pompeo nói:  “Chính ra cuộc thảm họa tại Afghanistan đã không bị xảy ra như thế.  Nếu TT Trump và tôi còn làm việc, chúng tôi đã thực hiện cuộc rút quân hoàn toàn khác với cách làm việc tồi tệ của Joe Biden.  Trong thời gian tranh cử, TT Trump đã nói rõ là ông ta muốn đưa những thanh niên, thiếu nữ sớm trở về nhà.  Chúng tôi đã làm việc cật lực để đạt được điều đó.  Chúng tôi đã điều đình với Taliban, người Tajiks, chúng tôi đã thương thảo với đồng minh Bắc Đại Tây Dương, chúng tôi đã có một thỏa thuận với chính phủ Afghanistan và chúng tôi đã bắt đầu làm việc để thực hiện tiến trình hòa bình và hòa giải.”  

Cựu Bộ Trưởng Mike Pompeo còn nói thêm:  “Hoa Kỳ đã bắt đầu rút quân, từ 15,000 xuống còn 2,500, tức là giảm 80% binh lính mà chúng tôi vẫn duy trì được an ninh trật tự cho Afghanistan.  Tuy nhiên TT Trump không cảm thấy thoải mái để có thể rút hết quân, vì vậy chúng tôi đã không giảm tới mức zero.  Trong nhiệm kỳ của TT Trump, bất cứ lúc nào Taliban vi phạm thỏa hiệp, TT Trump đã đáp trả mãnh liệt nhưng khi Joe Biden nhậm chức, ông ta đã không có bất cứ phản ứng gì khi Taliban vi phạm thỏa hiệp, và Taliban đã tiếp tục vi phạm.”  

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, TT Trump nói “Chúng tôi đã có thỏa thuận với Taliban cho quân đội Hoa Kỳ rút lui, chúng tôi đã lên kế hoạch bảo vệ người dân và tài sản (tất cả các loại quân trang, quân dụng, . . .) và bảo đảm rằng Taliban có mơ cũng không dám chiếm tòa đại sứ của Hoa Kỳ hoặc tấn công những căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.  Thay vì thực hiện kế hoạch của chúng tôi thì Joe Biden đã bỏ chạy.”   Việc làm của Joe Biden là sai lầm, là yếu kém đã gây ra nhiều tai họa và làm tổn thương danh dự của quốc gia này.

An ninh quốc gia của Hoa Kỳ bị đe dọa   

Cuộc rút quân khỏi Afghanistan đã gây ra nhiều hậu quả thảm khốc.  Khi chiếm được miền nam VN, cộng sản đã bỏ tù hàng triệu quân nhân, công chức, cán bộ, . . .  của Việt Nam Cộng Hòa.  Hàng trăm ngàn người đã bị chết trong các trại tù cải tạo gây tang thương cho biết bao gia đình.  Những ngày sắp tới, người dân Afghanistan sẽ phải đối mặt với sự tàn bạo của Taliban, phụ nữ bị cưỡng hiếp, thành phần quân cán chính của chế độ cũ và những người làm việc cho Hoa Kỳ sẽ bị bắt bớ tù tội, bị hành quyết, bị chôn vùi tập thể.  Quyết định sai lầm của Joe Biden đã gây ra nhiều thảm họa, đã đánh mất niềm tin với quốc dân và đồng minh trên thế giới. 

Trong thông điệp chiều Chủ Nhật ngày 22/8, Joe Biden lại tiếp tục đưa ra những lời bào chữa cho việc làm của ông ta.  Joe Biden nói “Chúng ta còn nhiều chuyện phải làm và những điều sai lầm vẫn có thể sẽ xảy ra.  Còn rất nhiều thường dân tại sân bay, mặc dù hàng ngàn người đã được di tản,  không có cách nào  tránh khỏi đau thương mất mát trong một cuộc di tản.”  Cả tuần nay, truyền thông báo chí liên tục đăng tải tin tức về cảnh hỗn loạn xảy ra tại sân bay Kabul, nơi có nhiều chục ngàn người đang chờ đợi.  Trong tuyệt vọng, dân chúng đã bất chấp nguy hiểm, bằng mọi cách họ phải trốn thoát:  Có những người đã bám vào phi cơ trong lúc phi cơ đang lăn bánh cất cánh.  Và hình ảnh thương tâm của một số bà mẹ đã liều lĩnh đưa cao những đứa con nhỏ còn ẵm trên tay qua hàng rào kẽm gai sắc nhọn cao hơn đầu người, hy vọng những người lính sẽ cứu con của họ.  Thật kỳ diệu, những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã cứu những em bé này.  Để có thể nắm được em bé, một người lính đã phải cúi sâu xuống và chân của anh ta được người lính khác ghì chặt để tránh bị té nhào.  Tấm lòng nhân đạo của người Hoa Kỳ luôn luôn được thể hiện trong mọi hoàn cảnh.

Joe Biden cảnh báo “Tình hình an ninh đang thay đổi nhanh chóng, những kẻ khủng bố có thể lợi dụng nhắm vào người dân vô tội Afghanistan và quân đội Hoa Kỳ.  Chúng tôi đang đề cao cảnh giác, theo dõi và ngăn chặn các mối đe dọa bất kể đến từ đâu, bao gồm nhóm khủng bố ISIS."  Sáng sớm Thứ Hai (23/8), CNBC loan tin “đã có một cuộc chạm súng xảy ra tại sân bay, một nhân viên an ninh Afghanistan bị thiệt mạng và ba người khác bị thương, chưa rõ kẻ tấn công thuộc nhóm khủng bố nào.”  Và tin của USA Today:   “Một tuần sau khi Afghanistan bị rơi vào tay Taliban, cảnh tượng điên cuồng tại sân bay Kabul không có dấu hiệu suy giảm khi người Afghanistan vẫn cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của Taliban.  Người đã dân tràn ra sân bay, tạo ra hỗn loạn và nguy hiểm, tới nay đã có 20 người tử thương tại khu vực chung quanh sân bay.”  Nhà báo Mark Meckler của News Max đã chỉ trích Joe Biden là Tổng Thống có chính sách đối ngoại tồi tệ nhất trong 100 năm qua.  An ninh quốc gia của Hoa Kỳ và thế giới sẽ lại càng nguy hiểm hơn khi Taliban liên kết với Trung Cộng, Iran, Pakistan, . . .

Mặc dù nhiều nhà lập pháp Cộng Hòa cũng như Dân Chủ ủng hộ chấm dứt cuộc chiến nhưng họ đã lên tiếng chỉ trích Joe Biden và các cố vấn của ông ta vì Joe Biden và những người này đã có những quyết định sai lầm, đã đánh giá sai tình hình chiến sự, để rồi khi Afghanistan sụp đổ đã không có một kế hoạch di tản nào.  Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ của tiểu bang New Jersey là Bob Mendez, Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện nói “Rõ ràng chính quyền Biden đã tính toán sai về việc nhanh chóng rút quân, thật là thất vọng.”  Và Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện là TNS Mark Warner thuộc đảng Dân chủ, tiểu bang Virginia nói “Cần biết rõ lý do tại sao Hoa Kỳ đã không chuẩn bị tốt hơn?”  Việc gấp rút mở cuộc điều tra buộc tất cả những người gây ra cuộc khủng hoảng tại Afghanistan phải chịu trách nhiệm là rất cần thiết.

Joe Biden bước vào chính trị từ đầu thập niên 70 nhưng ông ta đã nhiều lần sai lầm trong những  chủ trương, chính sách quốc gia.  Và giờ đây trong cương vị Tổng Thống, ông ta lại đưa đất nước này vào tình trạng mỗi ngày một đen tối hơn.  

Kim Nguyễn
August 23-2021

23 August 2021

Trăng Rằm


Trăng Rằm
Tranh digital A.C.La

21 August 2021

Trong Sáng Của Ngôn Ngữ

Phạm Đức Thân


Thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện bài than phiền ngôn ngữ VN xuống cấp, yêu cầu phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Thật tình người viết không biết nên hiểu “trong sáng” ở đây nghĩa thế nào. Là chính xác? Là đúng đắn? Nhưng nếu có hỏi thế nào là chính xác, đúng đắn thì nhiều phần sẽ không có câu trả lời thỏa đáng, vì chuẩn mực văn hóa của ngôn ngữ Việt chưa bao giờ đươc xác định dứt khoát.

Ngôn ngữ nhiều khi rất hàm hồ, không chính xác, không chỉ đối với cái gì trừu tượng mà ngay cả đối với cái gì cụ thể. Vd. Tự do, dân chủ là những khái niệm được hiểu rất khác nhau, cho nên triệu triệu người đã bỏ mạng vì chúng. Vận động tranh cử Tổng Thống Mỹ đang diễn ra cho thấy chủ nghĩa xã hội của B. Sanders rất khác chủ nghĩa xã hội của CS. Một vật có mặt bằng vuông nhỏ và 4 chân, không cao lắm, chỉ khoảng 40 cm, có thể ngồi lên hoặc đặt để vật trên đó, tự thân nó không có tên. Chỉ khi đem ra sử dụng mới gọi đúng được nó là ghế hay bàn.

Lịch sử ngôn ngữ cho thấy nó biến chuyển không ngừng, tự phát và dần dà, ít nhận thấy, trừ những người quan tâm như văn nghệ sĩ, hoc giả, nhà chuyên môn… và thường là không phải giới trẻ. Giới trẻ tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ có cái nhìn đồng đại. Chỉ người lớn sau một thời gian dài quan sát mới có cái nhìn lịch đại nhận ra các thay đổi. Tuy nhiên thiết tưởng cũng nên tìm hiểu kỹ hơn để hiểu rõ ngôn ngữ hầu có thể tránh được những nhận xét phiến diện.

Đúng như B.L. Whorf nhận xét, cơ cấu ngôn ngữ của một dân tộc quy định cách dân tộc đó nhìn thực tại như thế nào. Nhưng khi thực tại này biến chuyển không ngừng thì ngôn ngữ phải thay đổi để thích nghi với thực tế. Loại thay đổi ngoại tại này nằm trong 3 nguyên nhân sau.

1- Thời đại mới có những kỹ thuật mới, tư tưởng mới, sinh hoạt mới…..đòi hỏi phải có từ ngữ mới thích hợp. Vd. Máy tính điện toán, nhu liệu, phần cứng, điện thư, iphone. Chuyên chính vô sản, kinh tế thị trường, giải cấu luận, toàn cầu hóa. Đồng tính, chuyển giới, sách nhiễu tình dục. Đặc biệt VN sau biến cố 1975 cả một mảng lớn ngôn ngữ khác lạ về chính trị, xã hội, văn hóa từ miền Bắc du nhập vào miền Nam khiến cho nhiều người trong Nam ngạc nhiên, cảm thấy lạc lõng, thậm chí cho là sai trái.

2- Tiếp xúc với ngôn ngữ khác cũng làm biến đổi ngôn ngữ bản địa, nhất là đối với ngôn ngữ láng giềng, hoặc ngôn ngữ phổ biến của một nước hùng mạnh trên thế giới. Điển hình là ngôn ngữ VN đã biến chuyển nhiều do ảnh hưởng lâu đời của Trung Quốc và gần đây của Hoa Kỳ.

3- Bản tính con người thích sáng tạo, đổi mới, không bằng lòng với ngôn ngữ đương đại, thỉnh thoảng lại đề ra những cải cách, tạo cách nói mới, từ mới.

Vd. Nguyễn Thiện Thuật đề nghị viết rõ tinh nghĩa khác nhau của chữ kinh dưới nhiều dạng kinhs sợ, kynhp đô, kynh Thánh, kinh nghiệm…

Nguyễn Hữu Ngư bảo nên bỏ Y thay bằng I, bỏ H trong GH, NGH…. và làm gương bằng cách lấy bút danh là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí.

Dương Đức Nhự yểm trợ cải cách này và còn đề nghị du nhập F, J, W, Z vào Việt ngữ: vd. gồ gề, zễ zàng… và như vậy câu Kiều sẽ viết thành:

Trăm năm trong kõj người ta.

Cữ tài cữ mệnh qéw là gét nhaw.

Chưa kể có người thay vì viết cả chữ, thích viết tắt: k nhạc, c dịch, h hỏng, n em, m anh… Người viết cũng đã thử làm thơ lục bát theo cải cách này:

B L M, H U O
D M N F M R Q N

Gần đây nhất có Bùi Hiền, du nhập F, J, W, Z và cải cách sâu rộng triệt để các phụ âm Việt (xin tham khảo nhiều tài liệu trên net) gây ra tranh cãi sôi nổi. Theo đó câu Kiều sẽ viết thành:

Căm năm cow kõi wười ta
Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau

Thực tế các cải cách này thường bị coi là vụng về, ảo tưởng, nguy hiểm, không những làm rối rắm ngôn ngữ mà còn phá hoại văn minh xã hội, di sản văn hóa dân tộc, không được đa số hưởng ứng lại còn bị chế diễu dè bỉu. Tuy nhiên tự bản thân ngôn ngữ luôn luôn trải qua những thay đổi nội tại vì bị xô đẩy lôi kéo bởi những động lực khác nhau, nhiều phần là vô thức.

Giống như bị chặn lối bởi hàng rào, tự nhiên là người ta sẽ tạo lối mòn để vượt qua, rồi lần hồi các người sau cứ theo đó mà đi, chẳng hề suy nghĩ, cuối cùng hình thành một đường mòn; cũng vậy, bất cứ ai cũng có thể đầu têu một chữ lạ, các người sau cứ thế bắt chước, riết rồi xuất hiện thành một chữ mới. Thay đổi thường nhỏ giọt, dần dà, im ắng, không gây xáo trộn thông tin, không dễ nhận diện thời gian đầu. Chỉ sau những cuộc Cách Mạng, những biến cố chính trị văn hóa lớn (như tại VN 1975) các thay đổi mới thấy đồng loạt, nổi cộm.

Có thể kể ra 3 động cơ làm thay đổi ngôn ngữ một cách vô thức:

Một là thói lười biếng, thích dễ dàng khiến tiết kiệm, giản lược lối nói. Vd.

–Rút gọn: Xin đểu ( cướp một cách đểu giả), Ngoáo ộp -> ngáo ộp -> áo ộp.

–Viết tắt: tngt (tai nạn giao thông).

–Bỏ động từ trong ngoặc: (gây) ấn tượng, (có) ý kiến.

–Chọn đọc n, t dễ dàng và trơn tru nhanh lẹ hơn l, tr trong 2 câu sau: cái nọ nó năn nong nóc trong cái nhà nò; con tâu tắng buộc cành te tụi, ăn no tòn như cái tống teo.

–Để cho tiện lợi, không cần phát âm phân biệt giữa l-n, ch-tr, d-gi. Viết người Hà Nội mà đọc thành người Hà Lội.

Các thói tật này có khuynh hướng làm xói mòn xuống cấp ngôn ngữ.

Hai là, đàng khác, muốn nhấn mạnh, thì lại thêm chữ mà có khi phản nghĩa hoặc dư thừa. Vd. Bất thình lình, đột nhiên chợt, không đời nào.

Ba là dùng tương đồng để gia tăng vốn từ vựng. Tuy nhiên coi chừng có những suy luận sai. Mặc dù hai từ đồng nghĩa, nhưng không phải là có thể thay chỗ cho nhau. Vd. thủ lợn – đầu heo, bể mánh – vỡ mộng, thiên hô bát sát – thiên la địa võng…. Có thể viết 1 trong 2 cách: tôi thường (thường) tới đó, tôi luôn (luôn) tới đó, nhưng chỉ được viết: tôi đã tới đó, không được suy luận tương tự nghĩ là có thể viết: tôi đã đã tới đó, giống như ngoại nhân khi học Việt ngữ đã vấp phải.

Ẩn dụ (metaphor) là biện pháp thường dùng để tạo nghĩa mới. Meta = ngang qua, phor = chuyển dịch, gốc Latin có nghĩa là chuyển qua một nghĩa mới. Ngôn ngữ thoạt tiên ít ỏi và cụ thể, nhờ ẩn dụ mà có thêm nhiều nghĩa mới về tinh thần, trừu tượng; và lâu ngày dùng quen, tất cả hợp thành ngôn ngữ rất tự nhiên không còn dấu vết của ẩn dụ. Vd. Câu sau rất nhiều ẩn dụ (động từ) mà nay nghe rất tự nhiên: Thiên hạ đói tin, truyền thông xào nấu tin chưa kiểm chúng rồi rò rỉ ra để họ ngấu nghiến tiêu thụ.

Ẩn dụ bồi đắp ngôn ngữ, bù trừ các xói mòn, nên ngôn ngữ mất cái này lại thêm cái kia, chuyển biến liên tục mà không xáo trộn.

Xem xét hoạt động của ngôn ngữ, có nhận xét chung là người này tiếp sau người kia, ai cũng than phiền ngôn ngữ nước mình xuống cấp. Vd. English, Samuel Johnson (1709 – 1784) trong lời giới thiệu quyển Dictionary of the English Language viết rằng “Ngôn ngữ, giống như chính quyền, có khuynh hướng thoái bộ”. Năm 1946 G. Orwell bảo phải thừa nhận là English đang xấu tệ. Nhưng trước đó, năm 1848 A. Schleicher đã nhận xét English xuống dốc nhanh quá so với England hùng mạnh về lịch sử và văn học; trong khi thật ra từ năm 1780 T. Sheridan cũng đã nghĩ English thời ông xấu đi, khác hẳn tình trạng toàn hảo của 70 năm trước. Ông không biết rằng J. Swift ngay từ năm 1712 đã phàn nàn English thật bất toàn.

Đức, Pháp cũng có những ca cẩm tương tự suốt chiều dài lịch sử ngôn ngữ nước họ. Viện Hàn Lâm Pháp xưa có thẩm quyền về chuẩn mực ngôn ngữ, thời gian về sau đã lơ là, truyền thông và giới trẻ được dịp tự do múa bút, khiến năm 2001 S. Koster phải kêu lên rằng đã làm xấu ngữ pháp được xây dựng lâu đời và ổn định từ thế kỷ XVIII. Nhưng năm1843 Viện sĩ V. Cousin đã than phiền ngôn ngữ xuống cấp từ Cách Mạng 1789; có nghĩa là thực tế không phải ổn định như S. Koster tưởng.

VN trong mấy chục năm qua lâu lâu cũng lại xuất hiện các ta thán xuống cấp của Việt ngữ, nhiều không thể nhớ hết tên các tác giả văn nghệ sĩ, học giả, nhà chuyên môn và dân thường… đã góp ý.

Các nhận xét trên cho thấy hình như là càng về sau ngôn ngữ càng xấu đi, khiến cho có người đã thử tìm hiểu tại sao.

Có lẽ ngày xưa, người ít, vật ít. Chính quyền có thì giờ chú tâm củng cố, cải thiện ngôn ngữ dân tộc. Người viết sách không nhiều và thường có học vấn đáng kể, cho nên nhìn chung ngôn ngữ tốt đẹp đều khắp. Sau này, xã hội phát triển chính quyền lơ là vì bận lo nhiều việc khác. Nhiều văn nhân, nhiều sách xuất hiện, lại được thả lỏng, tự động lược bỏ những gì phức tạp, chọn cái dễ dãi, loại hình ngôn ngữ chấp dính (hình vị rối rắm, ngữ pháp phức tạp, vd kiểu như Latin) bị đào thải dần, thay thế bằng từ vựng, ngữ pháp đơn giản hơn, diễn đạt không văn hoa cầu kỳ như trước kia.

Mặt khác, càng về sau số lượng càng nhiều (in ấn, internet, ebook…) thì khuyết điểm cũng phải nhiều nên dễ nhận biết hơn; nhất là tính dân chủ của xã hội hiện đại, ai cũng có thể viết văn làm thơ, phổ biến cùng khắp, mặc dù khả năng văn hóa chưa đạt. Lại nữa, tâm lý người lớn tuổi có khuynh hướng nhìn quá khứ đẹp hơn hiện tại, chú ý nhiều đến mặt tích cực hơn là tiêu cực; trong khi đối với hiện tại thì bất mãn, nhìn thấy nhiều khuyết điểm hơn là các ưu điểm.

Các dữ kiện trên cho thấy xuống cấp của ngôn ngữ là nét chung trong nhiều quốc gia do tính chất biến chuyển không ngừng của ngôn ngữ, chứ không phải chỉ riêng ở VN. Đặc biệt ở VN, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người có ác cảm với VC, nên có thành kiến, không giữ được công bằng trong nhận định. VC không phải là nguyên nhân duy nhất của ngôn ngữ xuống cấp, nhưng họ có làm cho nó xấu đi thêm. Một số cán bộ có trình độ chuyên môn cao nhưng từ nhỏ đã hấp thụ nền giáo dục vô sản nông cạn, hời hợt, vô thần, kém đạo đức, khả năng văn hóa thấp, học văn không đến nơi đến chốn (phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam) cho nên thỉnh thoảng vẫn phát ngôn bừa bãi, lệch chuẩn, làm gương xấu và phương hại đến ngôn ngữ. Về phần giới trẻ với giáo dục và vốn văn hóa hạn chế như thế bảo sao đa số không lệch chuẩn. Tất cả làm ngôn ngữ xuống cấp mau hơn.

VC có những nông cạn, thiếu sót, nhưng dần dần cũng đã cải tiến, bớt hoặc bỏ dùng các từ chung chung quá rộng nghĩa, vd. tốt, xử lý, hoàn chỉnh, chất đốt…. hoặc các từ gốc Hán để tỏ ra có học thức, vd. tranh thủ, khẩn trương, quá độ… hoặc các từ chỉ hữu dụng giai đoạn chiến tranh để dân chúng dễ hiểu, vd. máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ, giặc lái, chiến sĩ gái…. Nhưng mặt khác VC lại sản sinh những “quái ngữ” mới khiến làm điên đầu. Vd. đối tượng, dư luận viên, tầu lạ, cực kỳ, thoáng, luồng, chùm… Gọi quái ngữ là vì nghĩa quá xa lạ hoặc quá “thoáng” dùng rất bừa bãi.

Từ ngữ vay mượn của nước khác có thể giữ nguyên hay thay đổi, cả 2 cách đều được chấp nhận. VN có nhiều chữ Hán thuộc loại này. Nếu miền Nam quen dùng phản ảnh, khoái trá, thấy VC dùng phản ánh, khoái chá chê là sai thì người viết không rõ căn cứ vào đâu, vì chữ VC dùng là Hán tự mượn giữ nguyên, còn miền Nam là mượn có thay đổi; cả 2 cách đều được chấp nhận. VC có sử dụng nhiều từ cụ thể với nghĩa rộng thì cũng là bình thường, nếu không muốn nói là mới lạ, chẳng nên võ đoán cho là sai, dở. Vd. mảng văn học, vốn từ vựng, quỹ thời gian, khâu lắp ráp, ùn tắc công việc, trải lòng…. Một số từ của VC cũng đã đi vào dòng chính và được sử dụng ở hải ngoại.

Một điểm cần ghi nhớ là ngôn ngữ không đồng nhất, mỗi giai cấp, nghề nghiệp, địa phương, thành phần già trẻ nam nữ có lối nói riêng. Khi nhận định không nên lẫn lộn các khu vực (register) ngôn ngữ này vì chuẩn mực khác nhau. Các khu vực thường bị than phiền làm hại đến sự trong sáng của ngôn ngữ là truyền thông (thích từ ngữ giật gân, hấp dẫn, vd. Tăng cán biểu tình); chính trị gia (ưa chữ đao to búa lớn, đôi khi ý nghĩa không rõ hoặc rỗng tuếch, vd. Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN); giới trẻ (thường cẩu thả, thích cái mới lạ, vd. Iu, bít rùi, wa, wen). Chưa kể cũng phải phân biệt ngôn ngữ văn hóa chú ý đến hay đẹp còn ngôn ngữ thường ngày nói đúng là bằng lòng rồi.

Không nên lấy cái giáo dục cũ của mình, với hấp thụ ngữ pháp cổ điển, để mà xét đoán ngôn ngữ hiện đại, nhất là bây giờ rất phức tạp nhờ giao lưu rộng rãi đã du nhập những thành ngữ, cấu trúc mới lạ, làm phong phú tiếng Việt. Nói vậy không có nghĩa là để mặc cho thiên hạ tự tung tự tác, viết sai chính tả, lủng củng câu văn, bất chấp ngữ pháp, dùng chữ bừa bãi, ngô nghê lai căng. Cho dù chưa có chuẩn mực ngôn ngữ, và ngôn ngữ chỉ là tùy tiện, võ đoán, nhưng người VN tử tế, có giáo dục đàng hoàng vẫn trực giác nhận chân được cái hay đẹp, trong sáng của ngôn ngữ để cố gắng bảo tồn, tôn trọng những nguyên tắc về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cũng như đề cao tính dân tộc, không lai căng, tính lịch sự của lời ăn tiếng nói.

Miễn là đừng để cảm tính, thành kiến chi phối, cố gắng công bình khách quan nhận định, không đếm xỉa đến chế độ (vì chế độ không thể trường tồn) bất cứ người VN nào thấy ngôn ngữ của mình bị xói mòn, bị xuống cấp cũng phải có bổn phận lên tiếng bảo vệ, vì không thời đại nào bằng thời đại này, trước nguy cơ Hán hóa do VC gây ra, câu của Phạm Quỳnh “Tiếng ta còn, nước ta còn” thật như là một cảnh tỉnh đúng lúc; nhất là với trò xảo quyệt cải cách Việt ngữ gần đây, xét cho cùng chỉ là một âm mưu đốt sách trá hình không hơn không kém.

Ngẫm lại, từ trước đến nay các bài về sự trong sáng của tiếng Việt chỉ là những nhận xét vụn vặt ngoại vi bề mặt.

Thực chất là một khi cả một chế độ từ trên xuống dưới đều là điêu ngoa xảo trá, ăn gian nói dối một cách trơ trẽn, suốt 90 năm qua, như vd. sau (lời nói khác xa hẳn với thực tế): “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”. thì tiếng Việt biết bao giờ mới được chính xác và đúng đắn trở lại!

Phạm Đức Thân

19 August 2021

Kabul Không Phải Là Sài Gòn

Trần Trung Đạo

Qua nay nhiều tác giả nghĩ rằng những gì đang xảy ra tại Kabul cũng giống như đã xảy ra tại Sài Gòn 30-4-1975, tuy nhiên đó chỉ giống nhau về hình thức.

Cuộc chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Việt Nam khác nhau về kích thước và nhất là về bản chất.
Mục đích của Mỹ và đồng minh không phải để bảo vệ “Afghanistan Cộng Hòa”, tương tự như bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa mà là để đánh bại tổ chức khủng bố al-Qaeda do Osama bin Laden dùng Afghanistan như một hậu phương an toàn.

Theo tài liệu của Hội Đồng về Quan Hệ Ngoại Giao (Council on Foreign Relations) từ 1999 Liên Hiệp Quốc đã có ủy ban chuyên trách về tổ chức khủng bố al-Qaeda gọi là al-Qaeda and Taliban Sanctions Committee.

Sau biến cố 9/11, TT George W. Bush quyết định tấn công nếu Taliban không giao nộp bin Laden và đồng đảng. Ngày 7 tháng 10, 2001 liên quân đồng minh trên danh nghĩa gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp mở các cuộc oanh tạc phối hợp với các lực lượng chống Taliban đánh bật Taliban ra khỏi Kabul, tuy nhiên Osama bin Laden và lãnh tụ Taliban là Mullah Omar trốn thoát.

Cuối năm 2001, một chính phủ liên hiệp do Liên Hiệp Quốc và Iran bảo trợ do Hamid Karzai đứng đầu được thành lập. Mỹ ủng hộ. TT George W. Bush trong diễn văn tại Virginia Military Institute ngày 17 tháng 4, 2002 kêu gọi tái thiết Afghanistan. Nhưng cũng ngay sau đó, nội bộ phe đồng minh và NATO có nhiều điểm bất đồng. Chính phủ Karzai bị tố cáo tham nhũng và không chính danh vì không thắng đủ túc số 50 phần trăm trong cuộc bầu cử tổng thống 2009.

Những bất ổn chính trị tạo điều kiện cho Taliban phục hồi và chiếm một phần ba lãnh thổ Afghanistan. Bên cạnh đó, các vụ khủng bố bằng ôm bom tự sát gia tăng với một cường độ chưa bao giờ có trước đó. Tháng 5, 2014 TT Obama công bố một thời khóa biểu rút quân.

Tới phiên TT Trump. Vào tháng 8, 2017 ông cũng có ý định rút quân nhưng không muốn tạo một lổ hổng cho khủng bố tái phát. Dưới thời TT Trump, Mỹ tiến hành đàm phán với Taliban trên cơ sở Mỹ đồng ý rút quân và Taliban đồng ý không chứa chấp khủng bố đồng thời tham gia đàm phán giải quyết các vấn đề nội bộ của Afghanistan. Tháng 2, 2020, thỏa hiệp giữa Mỹ và Taliban được ký. Mỹ bắt đầu rút quân.

Ngày 14 tháng 4, 2021, TT Biden tuyên bố việc rút quân sẽ hoàn tất vào 9 tháng 11 2021 mặc dù trên thực tế, việc rút 600 sĩ quan và binh sĩ chiến đấu cuối cùng đã hoàn tất từ tháng 7, 2021.

Yếu tố khác nhau căn bản giữa hai cuộc chiến là nền cộng hòa.

Chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được thiết lập trước khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam và dù có Mỹ hay không, quân dân miền Nam vẫn chiến đấu và hy sinh cho nền cộng hòa non trẻ, cho khát vọng tự do.

Mục đích và lý tưởng tự do đó vẫn còn đang tiếp tục và sẽ tiếp tục cho tới khi nền cộng hòa được thiết lập không chỉ riêng cho miền Nam mà cho cả dân tộc Việt Nam.

Con đường đó có thể dài hơn con đường từ thủ đô Washington D.C. đến Kabul hay Baghdad, nhưng sẽ là con đường của niềm tin và hy vọng, của giấc mơ Việt Nam đang dần dần trở thành hiện thực.

Người Việt yêu nước sẽ tiếp tục vận dụng các yếu tố quốc tế vào cuộc vận động tự do dân chủ nhưng như bài học Afghanistan cho thấy dân chủ không phải là sản phẩm đóng thùng sẵn từ Washington D.C. mà bằng hy sinh xương máu của chính người Việt Nam.

Luôn dịp, đăng lại bài viết đã đăng trong phần 'Notes' trước đây và mời các bạn trẻ đọc để biết thêm về bản chất của cuộc chiến Việt Nam:

GỌI TÊN CUỘC CHIẾN

Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.

Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó.

Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam trong diễn văn của bà Drew Faust là Cộng Sản Việt Nam.

Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.

Đảng CS là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra.

Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương.

Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.

Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có 546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống lại Mao. Ông bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa.

Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức.

Khát vọng độc lập, tự do, từ những ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý chảy xuống cho đến hôm nay, vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn.

Nhân dịp tháng Tư năm 2017, người viết xin phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bài này tổng hợp một số bài ngắn của người viết đã phổ biến trước đây.

Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War)?

Chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War) là cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài.

Chiến tranh đang diễn ra tại Syria thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp, Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm, nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông.

Không ít báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên, Mỹ và đồng minh một bên.

Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam.

Như có lần người viết dẫn chứng, một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được.

Không ai “ủy nhiệm” anh lính Nghĩa Quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.

Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền.

Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 và Hiệp Định Paris năm 1973, chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á thay đổi, quyền lợi VNCH và Mỹ do đó không còn tương hợp nữa. Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ quân sự quá chênh lệch so với nguồn viện trợ quân sự CSVN nhận từ Liên Xô, Trung Cộng và phong trào CS Quốc Tế.

Cho dù cạn kiệt nguồn cung cấp, quân và dân VNCH vẫn chiến đấu và hy sinh cho tự do của họ, không phải chỉ sau Hiệp định Paris 1973, không phải đến ngày 30-4-1975 mà cả sau 30-4-1975, hôm nay và cho đến khi chế độ CS còn hiện diện tại Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến (Civil War)?

Nhiều người chỉ nhìn vào mái tóc, màu da, khuôn mặt, chủng tộc, dòng máu và kết luận chiến tranh Việt Nam là nội chiến. Thật ra, mái tóc, màu da, khuôn mặt, dòng máu chỉ là hình thức.

Thế nào là nội chiến?

Theo các định nghĩa chính trị học, Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế.

Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.

Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.

Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Cộng Hòa Nam Phi nhưng không xóa bỏ nền kinh tế thị trường tư hữu. Không chỉ cựu Tổng thống de Klerk trở thành cố vấn của TT Nelson Madela trong suốt nhiệm kỳ mà nhiều viên chức trong chính phủ của de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ.

Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.

Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá vào buổi sáng 30-4-1975.

Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm, đảng CSVN không phải chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế bằng các phương pháp dã man không thua kém Hitler, Mao, Stalin.

Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của các chính phủ và nhân dân miền Nam chống ý thức hệ CS xâm lược.

Chiến tranh Việt Nam là "Chiến tranh chống Mỹ Cứu Nước"?

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngả Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Viêt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."

Theo Trương Quảng Hoa trong Hồi ký của những người trong cuộc, Hồ Chí Minh thưa với Mao trên xe lửa từ Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc."

CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm Điện Biên Phủ.
Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ.

Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.”

Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này.

Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, ngay cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký.

Với chỉ thị của Mao và kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh đã nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.

Lý luận chính phủ VNCH không thực thi “thống nhất đất nước” theo tinh thần Hiệp định Geneva chỉ là cái cớ tuyên truyền.

Thực tế chính trị thế giới của giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản. Không chỉ các quốc gia bị phân chia như Nam Hàn, Tây Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất nước.

Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước? Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra.

“Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…”

Câu ca dao quen thuộc mà ai cũng biết. Đó là chưa kể đến mây xám, mây đen, mây hồng, mây tím trong thơ và nhạc. Nhưng mây màu gì? Mây thực sự chỉ là màu trắng. Màu mây thay đổi do ánh nắng mặt trời tùy theo mỗi khoảnh khắc trong ngày.

Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy. Tên gọi của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích, nhưng với nhân dân miền Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài toàn trị xâm lược.

Không thấy rõ bản chất xâm lược của ý thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam.

Trần Trung Đạo

16 August 2021

Điều gì giúp Taliban thắng như chẻ tre ở Afghanistan?

Nguồn: “The Taliban’s terrifying triumph in Afghanistan”, The Economist, 15/8/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên

Trong những năm gần đây, dinh tổng thống ở Kabul, được gọi là Arg, hay tòa thành, đã là một ốc đảo yên bình trong một thành phố nhộn nhịp, căng thẳng. Để đến được nó, du khách phải đi một dặm qua các trạm kiểm soát, được biên chế bởi các đội biệt kích quân đội Afghanistan được trang bị ngày càng tốt. Bên trong tòa nhà được xây từ thế kỷ 19, các quan chức chính phủ Afghanistan nhâm nhi ly latte tại một quán cà phê thông minh, được bao quanh bởi những khu vườn được chăm sóc tốt, và thảo luận về tình hình chính trị bên ngoài, ở một đất nước Afghanistan thực tế.

Khi phóng viên chúng tôi đến thăm lần gần đây nhất, các quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia giải thích rằng theo quan điểm của họ, Taliban rất yếu. Theo các quan chức này, lý do duy nhất khiến họ không bị quân đội chính phủ Afghanistan được Mỹ hỗ trợ đánh bại, là vì chính phủ Afghanistan không muốn gây nguy hiểm cho dân thường bằng cách tiến hành các cuộc tấn công. “Họ không thể giành chiến thắng quân sự,” một quan chức nói. “Lực lượng đặc biệt của chúng tôi rất mạnh. Taliban chỉ có thể đánh kiểu du kích”.

Vào ngày 15 tháng 8, máy bay trực thăng đã bay qua bay lại dinh tổng thống để sơ tán những vị quan chức đó. Một đám khói bốc lên từ tòa nhà đại sứ quán của Mỹ, vốn trông giống như một pháo đài, khi nhân viên đốt các tài liệu nhạy cảm. Chỉ chưa đầy một tháng kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố “sẽ không có trường hợp nào bạn phải chứng kiến người dân được bốc lên khỏi mái nhà” của tòa đại sứ quán Mỹ, như ở Sài Gòn năm 1975, đã xuất hiện hình ảnh các máy bay trực thăng bay lượn trên khu nhà này, đưa các nhà ngoại giao Mỹ đến sân bay.

Trong khi đó, Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban ở Doha, thủ đô Qatar, nơi lực lượng này có đại diện ngoại giao và chính trị, đã hùng hồn tuyên bố rằng lực lượng Taliban sẽ ngừng tiến quân ngay cửa ngõ thành phố trong khi tiến hành các cuộc đàm phán về việc đầu hàng của chính phủ. Ashraf Ghani, tổng thống Afghanistan từ năm 2014, được cho là đã tháo chạy khỏi đất nước cùng với các phụ tá thân cận nhất của mình. Nhà nước Afghanistan, được xây dựng trong hơn hai thập niên với hàng nghìn tỷ đô la, dường như đã biến mất vào hư không.

Làm thế nào mà một chính phủ với 350.000 binh sĩ, được huấn luyện và trang bị bởi những quân đội tốt nhất trên thế giới, lại sụp đổ nhanh chóng như vậy? Năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam, được hậu thuẫn bởi một siêu cường, vẫn phải mất nhiều tháng để tiến quân qua miền Nam Việt Nam, chiến đấu khốc liệt để giành lãnh thổ. Taliban, được cho là có quân số không quá 200.000 người, được trang bị phần lớn bằng các thiết bị mà họ thu được từ kẻ thù, đã chiếm tất cả các trung tâm đô thị của Afghanistan trong vòng chưa đầy một tuần, mà nhìn chung hầu như không gặp phải nhiều kháng cự (xem bản đồ). Câu trả lời dường như là các hạn chế về sức mạnh quân sự của họ đã được bù đắp bởi sự mưu trí, quyết tâm, và khôn ngoan chính trị. Trong năm qua, các nhà ngoại giao ở Doha đã hy vọng rằng Taliban có thể bị buộc phải đàm phán với chính phủ của ông Ghani để chấp nhận một loại thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào đó. Taliban rõ ràng nhận ra rằng sẽ có lợi hơn cho họ nếu thương lượng với cấp dưới của ông Ghani, qua từng thành phố một, từ đó làm mất vị thế của chính phủ trung ương.

Do đó, tại Herat, một thành phố chiến lược gần biên giới Iran, Ismail Khan, vị lãnh chúa đã giành lại thành phố từ tay Taliban vào năm 2001 sau nhiều ngày chiến đấu, đã đầu hàng và được quay phim cảnh đang bị giam giữ, cầu xin “một môi trường hòa bình”. Tại Kandahar, thành phố nằm ở trung tâm kinh tế phía nam Afghanistan và là nơi khởi nguồn của lực lượng Taliban trước đây, xuất hiện hình ảnh vị thống đốc bàn giao chính quyền cho người đồng cấp Taliban của mình. Ở Jalalabad, nằm ở phía đông, Taliban tiến vào mà không phải bắn một phát súng nào, sau khi những người lớn tuổi trong thành phố thương lượng về việc đầu hàng. Mazar-i-Sharif, một thành phố phía bắc từng là pháo đài của quân kháng chiến chống Taliban vào những năm 1990, cũng đầu hàng theo kiểu tương tự.

Trong mỗi trường hợp như vậy, phía Taliban đã đưa ra những lời hứa rộng rãi, là sẽ “tha thứ” cho những người từng phục vụ trong chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, để đổi lại sự đầu hàng. Tại Kandahar, những cựu binh đầu hàng đã được cấp giấy thông hành mà họ có thể xuất trình tại các trạm kiểm soát của Taliban. Ở đó, suốt đêm thứ sáu, tiếng súng vang vọng khắp thành phố. Theo người dân, đây chủ yếu là súng bắn chỉ thiên để ăn mừng.

Quân đội Afghanistan, với tất cả sức mạnh rõ ràng của mình, dường như đã rơi vào cái gọi là hội chứng Yossarian, đặt theo tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết về chiến tranh thế giới thứ hai của Joseph Heller, có tựa đề “Bẫy 22”. Yossarian được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều nghĩ như anh ta, rằng chiến đấu là điều vô nghĩa, và anh ta trả lời rằng anh ta sẽ “là một kẻ ngu ngốc nếu nghĩ theo bất kỳ một cách nào khác”. Tương tự, tờ Washington Post dẫn lời một sĩ quan Afghanistan giải thích lý do tại sao các binh sĩ của anh ta không ngăn chặn Taliban: “Này anh, nếu không có ai khác chiến đấu, thì tại sao tôi phải làm như vậy?” Tinh thần quân đội Afghanistan bị xuống thấp bởi cuộc khủng hoảng ngân sách của chính phủ, dẫn đến việc nhân viên chính phủ và quân đội không được trả lương trong nhiều tháng.

Vậy sự tiếp quản của Taliban có nghĩa là gì? Về tất cả những hứa hẹn của họ là sẽ thể hiện lòng khoan dung sau chiến thắng, rất ít người trong giới tinh hoa trí thức của Afghanistan cảm thấy yên tâm về điều đó. Sau khi các chiến binh chiếm Spin Boldak, một thị trấn trên biên giới với Pakistan, vốn nằm trong số những địa phương đầu tiên thất thủ vào cuối tháng Bảy, các báo cáo đáng tin cậy xuất hiện nhanh chóng sau đó cho thấy hàng chục người ủng hộ chính phủ đã bị thảm sát. Ở Kandahar vào cuối tháng 7, khi các chiến binh bắt đầu chiếm vùng ngoại ô thành phố, họ đã bắt cóc Nazar Mohammad, một diễn viên hài nổi tiếng, và sát hại anh ta. Các báo cáo từ Kandahar nói rằng các lính Taliban có vũ trang đã đi từng nhà để tìm kiếm những người làm việc cho các chính phủ phương Tây. Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người tị nạn đã tập trung tại các công viên của Kabul. Hàng trăm người đã dồn vào các trung tâm xử lý thị thực, hy vọng giành được một chỗ trong các cuộc di tản vào phút chót do các cường quốc phương Tây tổ chức.

Nhánh chính trị của Taliban ở Doha tuyên bố rằng họ không còn là những nhà cầm quyền đẫm máu từng cai trị Afghanistan giai đoạn 1996 – 2001, khi những người bị cáo buộc là tội phạm bị hành quyết công khai tại sân vận động Kabul, bao gồm cả những phụ nữ bị ném đá đến chết vì tội ngoại tình. Ví dụ, các nhà đàm phán của họ đã nhấn mạnh rằng không có quy định nào trong đạo Hồi chống lại việc giáo dục phụ nữ. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các tuyên bố từ Qatar và những gì đang được thực hiện bởi các chỉ huy Taliban ở Afghanistan là rất lớn. Ở Herat, nơi 60% sinh viên đại học là phụ nữ, họ được cho là đã được yêu cầu trở về nhà. Các nhân viên nữ đã được yêu cầu bàn giao công việc cho những người thân là nam giới. Một chỉ huy Taliban được BBC phỏng vấn đã nói rõ về vấn đề giáo dục trẻ em gái. “Không một bé gái nào đi học trong làng và huyện của chúng tôi… Các trường học như vậy không tồn tại, và chúng tôi cũng sẽ không cho phép điều đó.”

Ngay cả triển vọng tốt nhất có thể, theo đó ban lãnh đạo Taliban quyết định thể hiện rằng họ nghiêm túc trong việc cải cách, cũng có vẻ ảm đạm. Một điều rõ ràng là chính phủ Afghanistan mới chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Afghanistan bình thường, ngay cả ở các thành phố, nơi họ có nhiều quyền kiểm soát hơn so với vùng nông thôn. Tình trạng tham nhũng của nó ngày càng sâu rộng, và chắc chắn đây là một phần lý do khiến Taliban có thể chinh phục đất nước một cách nhanh chóng như vậy. Đoạn phim về những binh sĩ Taliban đi qua những nội thất sang trọng trong ngôi nhà bị chiếm của Abdul Rashid Dostum, một lãnh chúa và cựu phó tổng thống, người được cho là đã trốn sang Uzbekistan, thể hiện sự thối nát của nhà nước này. Tuy nhiên, được hỗ trợ bởi rất nhiều viện trợ, chính phủ đã có thể cung cấp giáo dục cho người dân, và rất ít người Afghanistan bị chết đói. Nay khi các đại sứ quán đóng cửa và người nước ngoài tháo chạy, các khoản viện trợ từng giúp duy trì nền kinh tế và giáo dục trẻ em, bao gồm cả các trẻ em gái, chắc chắn sẽ cạn kiệt. Một thảm họa nhân đạo có thể nhanh chóng xảy ra sau đó.

Sự sỉ nhục đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây khó có thể nặng nề hơn. Một khi quá trình sơ tán công dân của họ — và một số ít nhân viên người Afghanistan may mắn giành được chỗ — kết thúc, các chính phủ phương Tây sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận rằng Taliban đang nắm quyền. Vào cuối những năm 1990, chính quyền Taliban chỉ được một số quốc gia công nhận, đáng kể nhất là Pakistan và Saudi Arabia. Hồi đó, Liên minh phương Bắc, một tập hợp các nhóm dân quân tập trung ở phía bắc Afghanistan, đã tổ chức chống lại Taliban. Lần này, Taliban đủ thông minh để quyết định chinh phục miền bắc trước. Hôm nay, các quan chức Taliban đã gặp gỡ các nhà ngoại giao từ một số cường quốc khác. Vào cuối tháng 7, một phái đoàn của Taliban đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc. Đại sứ quán Nga đã tuyên bố rằng họ sẽ không sơ tán khỏi Kabul. Liên minh châu Âu đã hứa sẽ “cô lập” chính phủ mới nếu họ nắm quyền thông qua bạo lực, một điều dường như ngày càng khó tin hơn.

Biên dịch: Phan Nguyên 
(Nguồn:: Nghiên Cứu Quốc Tế,16/8/021 )