18 June 2023

Lý do CSVN vẫn vinh danh Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hy sinh trong khởi nghĩa Yên Bái 1930

Trần Trung Đạo

Vào thời điểm cực thịnh 1980 phe CS quốc tế chiếm 1.5 tỉ dân trong tổng số 4.4 tỉ người trên thế giới với 17 quốc gia thuộc khối CS. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách rốt ráo chỉ có ba nước CS ra đời do sự chiến thắng của đảng CS từ đầu đến cuối và thiết lập nhà nước CS chuyên chính đúng sách vở của Marx và Lenin để lại. Đó là Nga, Trung Quốc và CSVN. Các quốc gia còn lại như bảy nước Đông  u, Đông Đức, ba nước Baltics, các nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” thuộc Liên Xô, Mông Cổ, Ethiopia, Lào v.v… đều hoặc do cưỡng bách, áp đặt, “hoàn cảnh vùng độn” hay chư hầu.

Trong nội dung kinh tế, không có quốc gia nào trong khối CS thật sự thỏa mãn quy luật “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa của” của Marx. Nga còn chập chững trong giai đoạn tiền tư bản trong lúc Trung Quốc và Việt Nam là hai nước nông nghiệp lạc hậu.

Dù sao, về mặt phương pháp luận, muốn giải thích đúng lý do CSVN vẫn tiếp tục “vinh danh” Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hy sinh trong khởi nghĩa Yên Bái 1930 chắc phải dựa trên nền tảng lý luận chi phối quan điểm lịch sử của đảng CS tại ba nước CS chuyên chính tiêu biểu này.

Cơ sở lý luận đó được gọi là triết học duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin. 

Ba quốc gia Nga, Trung Cộng và Việt Nam chia sẻ một phương pháp luận và quan điểm chung khi đánh giá các vấn đề lịch sử.

Không phải tự nhiên hay trùng hợp mà Mao Trạch Đông “vinh danh” Tôn Dật Tiên, Lenin đánh giá cao phong trào cách mạng tư sản tự phát Nga 1905 và Hồ Chí Minh “vinh danh” Nguyễn Thái Học.

Mao “Vinh Danh” Tôn Dật Tiên

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, 12 tháng 11, 1956, đảng CSTQ tổ chức lễ “vinh danh” trang trọng dành cho ông. Mao Trạch Đông trong dịp này đã đọc một diễn văn với nội dung thường chỉ dành cho sinh nhật của Karl Marx.

Mao phát biểu trong lễ mừng sinh nhật Tôn Dật Tiên: “Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến nhà cách mạng tiên phong vĩ đại của chúng ta, Bác sĩ Tôn Trung Sơn! Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông về cuộc tranh đấu quyết liệt mà ông đã tiến hành trong thời kỳ chuẩn bị của cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta chống lại những người cải cách Trung Quốc, theo lập trường rõ ràng của một nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh này, ông là người mang tiêu chuẩn của các nhà dân chủ cách mạng Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông vì những đóng góp đáng kể mà ông đã thực hiện trong giai đoạn Cách mạng năm 1911 khi ông lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nước cộng hòa.” (Mao Trạch Đông toàn tập, tập V, bản Anh Ngữ)

Vợ của Tôn Dật Tiên là Soong Ching-ling (Tống Khánh Linh) ở lại Trung Quốc và đóng nhiều vai trò trong nhà nước CSTQ trong đó có Phó Chủ Tịch Nhà Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Phó Chủ Tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc CHNDTH. Khi bà Soong Ching-ling qua đời còn được truy tặng danh hiệu Chủ Tịch Nước Danh Dự.

Không cần nhắc lại, những ai theo dõi cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc đều biết đến cuộc chiến đẫm máu giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch truyền nhân của Tôn Dật Tiên lãnh đạo và quân đội CSTQ dưới quyền Mao. Kết quả phe Tưởng thua phải rút ra Đài Bắc ngày 24 tháng 6, 1949.

Ngay trong lúc Mao ca ngợi Tôn Dật Tiên, hàng vạn đảng viên Trung Hoa Quốc Dân Đảng không thoát được ra Đài Bắc đang chết dần trong các trại tập trung được dựng nên khắp nơi trên lục địa.

Lenin “Vinh Danh” Cách Mạng Dân Chủ 1905

Trước “Cách Mạng Tháng Mười” Nga đã có một cuộc cách mạng khác do các phong trào công nhân, nông dân, các thành phần tiến bộ và trí thức phát động tại nhiều nơi thuộc Đế Quốc Nga. Nga Hoàng Nicholas II đàn áp các cuộc biểu tình trong một biến cố được gọi là Chủ Nhật Đẫm Máu. Lenin từ lưu đày cũng trở lại Nga và cố gắng lợi dụng cơ hội nhưng thành phần tiến bộ và ôn hòa đã thắng thế. Mặc dầu chịu đựng đàn áp, cách mạng 1905 đã giành được những điều kiện sống dân chủ hơn so với thời hoàn toàn phong kiến. Quốc hội (Duma) được bầu 1905 và một hiến pháp mới được ban hành 1906. Cách mạng 1905 không phải do đảng CS Nga chủ xướng nhưng đã được Lenin đánh giá cao đến mức cho rằng nếu không có cách mạng tư sản 1905 có thể đã không có cách mạng vô sản 1917.

Trong dịp kỷ niệm 12 năm cách mạng 1905 được tổ chức tại Thụy Sĩ, Lenin ca ngợi cách mạng 1905 bằng những lời trịnh trọng: “Cách mạng Nga là cuộc cách mạng đầu tiên, mặc dù chắc chắn không phải là cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng trong lịch sử, trong đó cuộc bãi công chính trị quần chúng đóng một phần cực kỳ quan trọng. Thậm chí có thể nói rằng các sự kiện của cuộc cách mạng Nga và trình tự của các hình thức chính trị của nó không thể hiểu được nếu không nghiên cứu các số liệu thống kê về cuộc đình công để tiết lộ cơ sở của các sự kiện này và chuỗi các hình thức này. (Lenin Toàn Tập, tập 23, bản Anh Ngữ)

CSVN “Vinh Danh” Nguyễn Thái Học

CSVN đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cho đến nay hình ảnh của Nguyễn Thái Học vẫn được kính trọng một cách công khai tại Việt Nam. Tiểu sử của Nguyễn Thái Học cũng như hoàn cảnh ra đời của Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn được phổ biến trên các tài liệu, báo chí. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học tại thành phố Yên Bái được xem là di tích lịch sử cấp quốc gia. Các thành phố lớn có đường Nguyễn Thái Học và một số các lãnh tụ Khởi Nghĩa Yên Bái khác.

Nguyễn Thái Học là một trong những người sáng lập ra tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (VDQDĐ). Ông sinh 30 tháng 12 năm 1902 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 25 tháng 12, 1927 Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí thành lập VNQDĐ với chủ trương “làm cuộc cách mạng quốc gia, đánh đổ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ nhằm mang lại Độc Lập, Tự Do cho Dân Tộc, Hạnh Phúc và Tiến Bộ cho toàn dân”. Sau cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí của ông bị bắt. Ngày 17 tháng 6, 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

Lý Luận Duy Vật Lịch Sử

Phân tích ba trường hợp để thấy cả ba nước CS cùng áp dụng hệ thống lý luận duy vật lịch sử để giải thích các biến cố lịch sử.

Marx và Engels quan niệm lịch sử là một chuỗi các sự kiện diễn ra theo một quy luật có quan hệ biện chứng. Sự ra đời của một sự kiện phát xuất từ nguyên nhân ra đời của sự kiện trước đó. Theo Marx, nhân loại trải qua năm hình thái kinh tế xã hội và năm hình thái đó diễn ra một cách tự nhiên, khách quan và tất yếu. Năm hình thái kinh tế-xã hội đó là (1) cộng sản nguyên thủy, (2) chiếm hữu nô lệ, (3) phong kiến, (4) chủ nghĩa tư bản, (5) cộng sản chủ nghĩa.

Trong năm hình thái đó, chủ nghĩa tư bản đến trước chủ nghĩa Cộng Sản. Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra đời (1912) trước đảng CSTQ (1921) và VNQDĐ của Việt Nam ra đời (1927) trước khi đảng CSVN chính thức ra đời (1930), cách mạng dân chủ Nga (1905) diễn ra trước cách mạng CS Nga (1917).

Trong quan điểm CS, Cách Mạng Tân Hợi 1911 cũng như Khởi Nghĩa Yên Bái 1930 phát xuất từ hệ tư tưởng tư bản và phản ảnh khách quan của điều kiện lịch sử trong giai đoạn đó và chỉ trong giai đoạn đó mà thôi.

Tài liệu Biên Niên Sử Việt Nam thuộc Đại học Quốc Gia xác nhận tính lịch sử của cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái: “Phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái đã ghi một dấu son quan trọng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và truyền thống yêu nước của dân tộc ta thời kỳ trước khi có Đảng cộng sản lãnh đạo.”

Theo lý luận duy vật lịch sử, đảng CS thừa nhận sự ra đời của VNQDDĐ cũng như cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái phù hợp với dòng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, một khi đảng CS ra đời thì chỉ có đảng CS mới đáp ứng được các nhu cầu lịch sử của thời đại. Các cuộc vận động xã hội đi ngược với tiến trình tuần tự đó là phản động. Không ngạc nhiên khi đảng CS từ 1930 nhất là sau 1945 đã thẳng tay tiêu diệt không chỉ VNQDĐ mà tất cả đảng phái, tổ chức không CS.

Để Gốc Nhưng Đốn Thân, Chặt Ngọn, Tỉa Cành

Đối với VNQDĐ, CS chủ trương để lại gốc nhưng đốn sát thân, tỉa ngọn và chặt cành. Đó là lý do tại sao trong lúc ca ngợi Nguyễn Thái Học, CSVN tận diệt VNQDĐ thuộc thế hệ thứ hai như đã diễn ra trong vụ Ôn Như Hầu với hàng trăm đảng viên các cấp VNQDĐ bị giết.

CSVN cũng không tha cho những người đã cùng Nguyễn Thái Học lập nên VNQDĐ như trường hợp Nhượng Tống. Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân, thành viên của Nam Đồng Thư Xã và là một trong những người sáng lập ra VNQDĐ. Ông bị công an mật tên Nguyễn Văn Kịch ám sát tại Hà Nội ngày 8 tháng 11, 1949. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử Đấu tranh Cận Đại 1927-1954)

Không chỉ giết người may mắn còn sống sau Khởi Nghĩa Yên Bái, CSVN còn chủ trương che giấu tên tuổi của những người đã chết một cách anh hùng trong Khởi Nghĩa Yên Bái.

Rất ít sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay biết Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính là ai. Nếu có nhắc đến VNQDĐ trong chương trình học cũng chỉ để phê bình và so sánh với “đường lối khoa học, sáng tạo và thời đại của đảng CS.”

Chẳng hạn, giáo trình bộ môn sử lớp 12 của trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng (sau 1975) viết về nguyên nhân thất bại của VNQDĐ như sau: “Lúc mới thành lập còn chung chung chưa rõ ràng. Sau đó chịu ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Quá non nớt, mang nhiều yếu tố sai lầm. Tư tưởng dân chủ tư sản lạc hậu, không phù hợp, không thể giải phóng dân tộc. Tổ chức, lực lượng ô hợp, phức tạp, tổ chức lỏng lẻo, không có sự liên kết giữa 3 kì.” (Trung học Phổ Thông Phan Châu Trinh, giáo án môn lịch sử lớp 12, bài 13: phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1925 đến năm 1930)

Hai nhà văn Susan Blackburn và Helen Ting khi nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong các phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Nam Á lưu ý đến trường hợp của nữ anh hùng Nguyễn Thị Giang (Cô Giang).

Nhưng khi tìm hiểu thực tế Việt Nam họ khám phá ra rằng tại Việt Nam giới cầm quyền chỉ đề cao những phụ nữ gốc CS như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định nhưng không nhắc đến tên tuổi của các liệt nữ được kính trọng trong thời kỳ chống Pháp.

Susan Blackburn và Helen thay vì chọn những phụ nữ gốc CS đã chọn Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) làm một trong số mười hai nhà cách mạng thuộc phái nữ tiêu biểu cho Đông Nam Á. (Women in Southeast Asian Nationalist Movements, Susan Blackburn and Helen Ting, NUS Press, 2013)

Việc CSVN “vinh danh” nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và các anh hùng Yên Bái thoạt nhìn như là một cách CSVN biểu dương lòng yêu nước hay ca ngợi cuộc khởi nghĩa anh hùng dù thất bại của VNQDĐ. Không đơn giản như vậy. Đó là cả một hệ thống lý luận được vận dụng để biện minh cho sự ra đời, tồn tại và giết người không một chút xót thương của đảng CS.

Không nắm bắt những hiểu biết về lý thuyết CS sẽ rất khó khăn khi chọn một giải pháp thích nghi để xóa bỏ chế độ độc tài này.

Qua bộ máy tuyên truyền CS, các phong trào yêu nước đều thất bại cho đến khi cuộc đấu tranh “được đặt dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng CS, dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập tự do.”

Thực tế đất nước đã chứng minh ngược lại. Các quyền tự do căn bản của người Việt Nam bị thực dân tước đoạt từ thế kỷ 19 đến nay vẫn chưa đòi lại được. Quyền cai trị Việt Nam chỉ trao tay từ thực dân tàn bạo sang CS độc tài. CSVN áp dụng gần như tất cả phương tiện và biện pháp của thực dân với mức độ ác độc hơn nhiều.

Người dân của những thuộc địa Pháp trước đây như Algeria, Tunisia, Senegal, Sudan đã về nhà từ lâu. Người Việt đổ máu nhiều hơn thì lại chưa. Bao nhiêu năm qua từng lớp người Việt vẫn còn đi tìm một mảnh đất được gọi là quê hương đúng nghĩa để trên đó xây một căn nhà mới tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

Trần Trung Đạo
 (Nguồn: Facebook Trần Trung Đạo)

Dmitry Mishov, phi công Nga đào ngũ, trả lời phỏng vấn BBC

Một binh sỹ đào ngũ, người đã đi bộ vượt biên giới Nga sang Lithuania, vẽ nên bức tranh cho thấy quân đội Nga chịu nhiều tổn thất và suy sụp tinh thần trong một cuộc phỏng vấn hiếm có với BBC.

Ilya Barabanov
BBC News Tiếng Nga, Vilnius
13 tháng 6 2023

Dmitry Mishov: "Tôi là một sỹ quan, không phải tòng phạm trong một tội ác"

Trung úy Dmitry Mishov, 26 tuổi, tự nộp mình cho chính quyền Lithiania và xin tỵ nạn chính trị.

Dmitry kể việc chạy trốn khỏi Nga một cách bất thình lình, chỉ với một chiếc ba lô nhỏ trên lưng, là bước đường cùng cho anh.

Anh nằm trong số rất ít trường hợp sỹ quan quân đội đang phục vụ trong quân ngũ bỏ chạy để tránh bị điều đi chiến đấu ở Ukraine - và là sỹ quan không quân đang trong quân ngũ duy nhất mà BBC biết.

Tìm đường thoát

Dmitry, một phi công lái trực thăng không kích, từng đóng quân ở vùng Pskov, Tây Bắc nước Nga. Khi máy bay chuẩn bị ra trận, Dmitry cảm nhận cuộc chiến thực sự diễn ra, không chỉ là tập trận.

Anh tìm cách rời không quân tháng 1/2022 nhưng không làm kịp giấy tờ trước khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/2. Anh bị điều đi Belarus để lái trực thăng vận chuyển hàng hóa quân sự.

Dmitry kể anh chưa bao giờ tới Ukraine. Chúng tôi không kiểm chứng được chi tiết này nhưng giấy tờ của anh có vẻ là chân thực và nhiều lời kể của anh khớp với những gì chúng tôi biết từ những nguồn khác.

Tháng 4/2022, anh trở về căn cứ ở Nga, nơi anh hy vọng sẽ tiếp tục làm giấy tờ xin giải ngũ. Đây là quá trình kéo dài và đã sắp xong - nhưng đến tháng 9/2022 Tổng thống Putin ra lệnh tổng động viên một phần. Anh được báo anh sẽ không được phép rời quân ngũ.

Anh biết là sớm muộn gì anh sẽ bị điều sang Ukraine chiến đấu nên anh bắt đầu tìm cách né tránh

"Tôi là một sỹ quan quân đội, nghĩa vụ của tôi là bảo vệ tổ quốc khỏi sự xâm lược. Tôi không có nghĩa vụ trở thành đồng phạm của tội ác. Không ai giải thích cho chúng tôi vì sao cuộc chiến nổ ra, vì sao chúng tôi phải tấn công người Ukraine và phá hủy các thành phố của họ? ".

Anh mô tả tâm trạng trong quân đội Nga là lẫn lộn. Một số binh sỹ ủng hộ cuộc chiến, anh nói, và một số người hoàn toàn phản đối. Rất ít người tin rằng họ chiến đấu để bảo vệ Nga khỏi nguy hiểm. Điều này từ lâu đã là cách giải thích chính thức - rằng Moscow không còn cách nào khác ngoài việc mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" để ngăn cản một cuộc tấn công lên nước Nga.

Theo Dmitry, cảm giác choáng ngợp và phổ biến trong quân đội là không hài lòng với mức lương thấp. Anh kể các sỹ quan không quân có kinh nghiệm vẫn chỉ được trả lương hợp đồng như thời trước chiến tranh, với mức cao nhất là 90.000 rúp (1090 USD). Điều này xảy ra trong khi lính mới được tuyển vào quân đội với mức lương 204.000 rúp (chừng 2465 USD) trong chiến dịch quảng cáo chính thức công khai.

Dmitry cho biết mặc dù thái độ đối với Ukraine có thể khác nhau, nhưng không một ai trong quân đội tin vào thông tin chính thức của chính phủ Nga rằng mọi chuyện tiến triển tốt đẹp ở mặt trận hay con số thương vong là thấp.

Giấy tờ tùy thân của Dmitry Mishov chứng tỏ cấp bậc và vị trí của anh trong quân đội Nga

"Trong quân đội, không một ai tin vào giới chức. Họ tận mắt thấy điều gì đang xảy ra. Họ không phải là người dân ngồi trước màn hình TV. Quân đội không tin vào thông tin chính thống, bởi vì đơn giản chúng không đúng sự thật."

Dmitry cho biết mặc dù những ngày đầu cuộc chiến, chỉ huy Nga tuyên bố không có thương vong hay tổn thất về vũ khí, cá nhân anh biết một số người đã bị giết. Trước cuộc chiến, đơn vị anh có khoảng 40 tới 50 máy bay. Trong những ngày đầu sau khi cuộc chiến bắt đầu, sáu phi cơ bị bắn rơi và ba bị phá hủy trên mặt đất.

Chính quyền Nga hiếm khi đưa tin thương vong quân sự. Tháng 9 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga đã mất 6000 binh sỹ, một con số mà hầu hết các nhà phân tích, trong đó có các blogger quân sự ủng hộ Kremlin, cho là ước tính quá thấp.

Trong nghiên cứu mới nhất nhằm xác định số binh sỹ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine, phóng viên BBC Tiếng Nga Olga Ivshina lên một danh sách 25,000 tên và nhiều người trong số họ là các binh lính và sỹ quan quân đội. Bà tin rằng con số thực, gồm cả những người mất tích khi làm nhiệm vụ, là cao hơn rất nhiều.

Dmitry mô tả số người tử vong trong không quân là rất cao. Điều này khớp với một cuộc điều tra mà Olga Ivshina thực hiện, với phát hiện rằng Nga đã mất hàng trăm binh sỹ có kỹ năng tốt, trong đó có phi công và kỹ thuật viên, những người trải qua đào tạo kéo dài và tốn kém.

"Giờ đây họ có thể thay thế trực thăng, nhưng họ không đủ phi công," Dmitry nói. "Nếu chúng ta so sánh với cuộc chiến ở Afghanistan trong những năm 1980, chúng tôi biết rằng Liên Xô mất 333 trực thăng ở đó. Tôi tin rằng chúng tôi đã chịu tổn thất tương tự [ở Ukraine] trong một năm."

Trốn chạy ngoạn mục

Tháng Một năm nay, Dmitry được thông báo anh sẽ bị cử đi "một đặc vụ".

Hiểu rằng nó chỉ có nghĩa một điều - đi Ukraine - anh tìm cách tự sát. Anh hy vọng rằng điều này sẽ giúp anh được giải ngũ vì lý do sức khỏe, nhưng không phải vậy.

Trong khi hồi phục ở bệnh viện, anh đọc một bài báo về một cựu sỹ quan cảnh sát 27 tuổi từ vùng Pskov, người đã chạy trốn thành công sang Latvia. Dmitry quyết định theo gương người này.

"Không phải tôi từ chối phục vụ trong quân ngũ. Tôi sẽ phục vụ tổ quốc nếu tổ quốc tôi đối diện với một nguy cơ thật. Tôi chỉ từ chối là tòng phạm trong một tội ác."

"Nếu tôi lên chiếc trực thăng đó, ít nhất tôi đã lấy đi mạng sống của hàng chục người. Tôi không muốn làm điều đó. Người Ukraine không phải kẻ thù của chúng tôi.".

Dmitry tìm sự giúp đỡ trên Telegram để vạch đường đi xuyên rừng qua biên giới EU. Anh xách ba lô nhẹ nhất có thể.

Anh nói đi bộ xuyên rừng thật đáng sợ vì anh lo bị lính biên phòng bắt.

"Nếu họ bắt được tôi, tôi đã phải tù rất lâu".

Anh nói có lúc pháo sáng nổ ở gần anh và rồi thêm một trái nữa. Anh hốt hoảng tưởng rằng lính biên phòng đang đuổi theo anh và anh bắt đầu chạy.

"Tôi không nhìn rõ mình đi đâu, suy nghĩ của tôi hoảng loạn."

Anh tới một hàng rào thép gai và trèo qua. Chẳng mấy chốc anh biết anh đã vượt biên thành công.

Chụp lại hình ảnh,

Dựng cảnh tái hiện khoảnh khắc Dmitry cảm thấy lại thở được

"Cuối cùng tôi cũng thở được."

Dmitry cho rằng chính quyền Nga sẽ mở một vụ án hình sự đối với anh. Nhưng anh tin rằng nhiều đồng đội trong quân đội sẽ hiểu động cơ của anh.

Một vài đồng đội thậm chí khuyên anh tìm cách chạy trốn ở Nga, nhưng anh nghĩ dù ở một đất nước rộng lớn như vậy, anh cũng không thể trốn thoát và sẽ bị trừng phạt vì đào ngũ.

Anh không biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh tiếp theo.

Nhưng Dmitry nói anh thà nỗ lực xây dựng cuộc sống mới ở EU còn hơn sống trong lo lắng ở quê nhà.

Bài do Kateryna Khinkulova biên tập.

14 June 2023

Tina Người Vượt Qua Bờ Mê

Ngọc Bảo

Trong căn phòng của khách sạn sang trọng Dallas Statler Hilton, một người đàn bà đang đứng, mặt xưng húp với vết thương rỉ máu. Những giọt lệ chảy dài trên má – nàng tần ngần một lúc rồi ngẩng đầu cương quyết, bước qua phòng bên. Người đàn ông đang nằm còng queo trên ghế sofa trong giấc ngủ nặng nề. Người đàn bà vội vã lấy túi sách bước ra ngoài. Khi đi ngang sảnh đường ở dưới nhà, bỗng có một người đàn ông nhận ra nàng và gọi “cô Tina Turner!” Thế là nàng hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài đường. Trời đã bắt đầu tối, những ánh đèn xe lấp lánh nhạt nhòa. Sợ có người đuổi theo, nàng liều lĩnh chạy băng qua đường xa lộ, giữa những chiếc xe đang vùn vụt phóng qua. Bên kia đường là một khách sạn nhỏ, một lữ quán tên là Ramada Inn.  Nàng bước vào, đến quầy tiếp tân run rẩy nói: “Cho tôi xin gặp mặt vị quản lý khách sạn ở đây.” Nhân viên tiếp tân liền gọi ngay vị quản lý đang đứng gần đó. Cả hai sửng sốt nhìn bộ mặt tiều tụy dính máu của nàng. Nàng nói vội vàng: “Tôi là Tina Turner. Chồng tôi và tôi vừa cãi nhau. Tối nay đáng lẽ tôi phải trình diễn ở rạp hát Academy, nhưng tôi đã bỏ đi – hiện giờ trong túi tôi chỉ còn 36 xu và một cái Mobile card - nhưng nếu ông cho tôi một phòng để tá túc, tôi xin thề là tôi sẽ trả lại tiền cho ông.” Vị quản lý ngây người ra, ông vừa lắc đầu thì Tina cuống quít lục tung ví tìm mấy đồng tiền xu. Vị quản lý vội vã nói: “không, không, xin cô đừng hiểu lầm. Cô không cần phải làm như vậy. Tôi rất hân hạnh được giúp cô – chúng tôi sẽ lo cho cô.” Rồi ông quay qua gọi nhân viên: “Nick, hãy kiếm cho cô Turner một phòng”.  Tina cảm động nói lời cám ơn.

Đó là một đoạn phim thật xúc động và hồi hộp trong cuốn phim dài “What’s love got to do with it” nói về cuộc đời của Tina Turner được trình chiếu năm 1993, với sự nhập vai xuất thần của nữ diễn viên Vanessa Bassett trong vai Tina Turner đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khó quên.

Tina Turner, nữ hoàng của nhạc rock and roll, với giọng ca khàn độc đáo đầy đam mê bốc lửa, với cách ăn mặc nóng bỏng, những điệu nhẩy vui nhộn cùng sự phụ diễn tài ba của các nữ vũ công, đã tạo nên một bầu không khí âm nhạc đầy sinh động và phấn khích, như cơn sóng phủ ập xóa hết những nỗi niềm đau. Sự ái mộ Tina của quần chúng khắp nơi không chỉ về tài năng xuất chúng, mà còn về phẩm hạnh và ý chí cương quyết đã hoán chuyển được hoàn cảnh, vượt qua tất cả những khổ ải bất hạnh để hoàn thành ước mơ và sống đời hạnh phúc.

Tina Turner tên thật là Anna Mae Bullock, sinh ngày 26 tháng 11, năm 1939 tại Brownsville, Tennessee. Cha mẹ Anna là Floyd và Zelma Bullock làm nghề hái bông gòn ở thôn quê, chỉ sống với Anna và người em gái ít năm, rồi ông bà đi nơi khác, để hai chị em lại cho ông bà nội nuôi. Ít lâu sau, hai ông bà trở về, nhưng rồi ly dị nhau và hai chị em Anna lại phải về sống với bà ngoại. Khi bà ngoại mất vào đầu thập niên 1950, Anna dọn về ở với mẹ ở St. Louis. Cuộc đời thơ ấu của Anna tuy không đến nỗi khổ nhiều về vật chất, nhưng về tinh thần rất cô đơn và thiếu tình thương.

Lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhưng Anna có vốn trời cho là một giọng hát rất mạnh mẽ và truyền cảm. Khi còn nhỏ cô đã luyện tập giọng hát qua ban nhạc của nhà thờ Baptist Woodlawn Mission. Khi đã tốt nghiệp trung học, cô làm việc phụ tá y tá (nurse-aid) tại bệnh viện và cùng với chị thường đến các phòng trà ở St. Louis thưởng thức âm nhạc, như nhạc R&B (rhythm & blues), loại nhạc jazz đặc biệt của người da đen. Năm 1956 tại Club Manhattan cô gặp Ike Turner, một ca nhạc sĩ có tài năng đang bước vào lãnh vực nhạc rock ‘n’ roll. Ike có ban nhạc thường trực tại club và có liên hệ với các giới sản xuất âm nhạc. Cơ hội đưa đến khiến Tina được gia nhập vào ban nhạc của Ike vào năm 1960, trình diễn chung với Ike qua danh hiệu Ike & Tina Turner. Với sự hợp tác của Tina, ban nhạc của Ike đã tạo được nhiều thành công, như bài hát đầu tiên “A Fool in Love” được liệt kê trong những bài hát được ưa thích nhất. Tiếp theo đó Ike & Tina đã được nhiều nơi mời cộng tác và thu âm những bài nổi tiếng như “River Deep, Mountain High”, “Honky Tonk Women” của nhóm Rolling Stones và nhất là “Proud Mary” đoạt giải Grammy cho bài hát R & B hay nhất.

Tina lập gia đình với Ike năm 1962 và có chung một con trai tên là Ronnie sanh năm 1960 trước khi thành hôn. Ike còn có 2 người con riêng là Ike Jr. và Michael, được Tina nhận nuôi và săn sóc. Nhưng Ike không phải là người tình đầu tiên. Trong thời gian bắt đầu vào ban nhạc, khi mới vừa 18 tuổi, Tina đã yêu nhạc sĩ thổi kèn saxophone tên là Raymond Hill và có con với anh ta, đặt tên là Craig. Đó là đứa con đầu tiên của Tina. Cả hai cùng sống trong nhà của Ike, ngay cả khi Raymond đã bỏ đi và Tina được Ike cưu mang.

Cuộc đời của Tina từ cô gái nghèo bơ vơ trở thành ca sĩ nổi tiếng đến đây tưởng chừng như đã thăng hoa, nhưng thật sự là khởi đầu cho những năm dài đau khổ vô tận. Tina bước vào lãnh vực ca hát hoàn toàn vì tinh thần yêu nhạc yêu nghệ thuật, nhưng Ike tính toán rất chi ly, đặt Tina vào sự điều khiển của mình, cố ý sở hữu tên Tina Turner để cô phải phụ thuộc vào anh ta, không thể đi nơi khác biểu diễn. Tiếng hát Tina đã đem lại cho Ike biết bao nhiêu lợi lộc, nhưng Tina không hề được nắm giữ tiền, phải lệ thuộc hoàn toàn vào Ike trong mọi phương diện. Vì thế, đôi khi Tina phải vay mượn cả những người bạn đồng nghiệp để chi cho những nhu cầu cần thiết.

Nhưng vấn đề vật chất không quan trọng đối với Tina, mà tinh thần mới là chính yếu. Ike là người có tài, nhưng tâm hồn bất ổn, tánh tình cộc cằn hung dữ, ăn chơi trụy lạc. Nhận ra rằng Tina chính là người đem lại sự thành công nổi tiếng cho ban nhạc của anh, Ike tỏ vẻ khó chịu, ganh ghét với Tina. Lúc nào anh cũng sẵn sàng đổ lên đầu Tina những bực tức, gây gỗ và đánh đập Tina với những ngọn đòn thù, khiến Tina nhiều lần bị thương tích, có khi gẫy cả xương hàm. Rồi Ike bắt đầu xử dụng ma túy, lại càng thêm bất thường và hung bạo. Tina bị vây hãm trong đau khổ, khủng hoảng tỉnh thần, không biết làm sao để thoát ra. Trong tay Tina không một xu dính túi, lại phải lo cho một đàn con, thật bế tắc như ở trong một nhà tù không lối thoát. Năm 1968, Tina đi khám bác sĩ khai mất ngủ, được kê toa mua một lọ thuốc an thần. Tina về uống trọn tất cả lọ thuốc ngủ ấy, mong tìm sự giải thoát cho mình, nhưng được phát hiện và cứu thoát kịp thời.

Tỉnh lại từ cái chết hụt, Tina ở trong tình trạng tuyệt vọng. Lúc ấy có người bạn là Valerie Bishop đã nhẹ nhàng khuyên giải và đề nghị Tina nên thử tìm sự giải thoát bằng cách thực hành giáo pháp Phật, hàng ngày niệm câu chú “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (Namo Myouhou Renge Kyo) của tông phái Nhật Bản Nichiren (Nhật Liên).

Tina không phải người vô thần, từ nhỏ đã đi nhà thờ mỗi tuần và tham gia vào ban hát của nhà thờ Baptist. Nhưng niềm tin vào phép lạ của Chúa không có hiệu quả gì cho tình cảnh của Tina, trong khi sự đau khổ tuyệt vọng ngày càng thêm nặng nề hơn. Tina quyết định tập thử cách tu đạo Phật, đồng thời tìm hiểu thêm về giáo lý giải thoát. Mỗi ngày Tina đều ngồi niệm kinh và ngồi thiền 4 tiếng đồng hồ.

Kỳ diệu thay! Trong vòng một tháng nhất tâm hành Thiền và niệm chú Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Tina đã cảm thấy nhẹ nhàng, an vui hơn trong tâm. Lời Phật dạy “Nhất thiết do tâm tạo” là chân lý của đời sống – mọi vui buồn sướng khổ đều là do những khởi niệm nơi tâm theo sự cuốn hút của thất tình lục dục, nhưng chúng không có thực chất, dấy lên rồi sẽ tan rã như những đám mây trên bầu trời. Tina nhận ra rằng, vạn pháp trên thế gian này không phải do ngẫu nhiên, mà đều khởi từ một nhân duyên nào đó theo luật nhân quả, đến rồi sẽ qua đi theo luật thành trụ hoại không. Sau này, khi được phỏng vấn về lý do đổi đạo từ Baptism sang đạo Phật, Tina nói như sau:

“Tôn giáo của tôi vốn là Baptism, vì cha mẹ tôi theo đạo đó, nhưng tôi quyết định tu học theo đạo Phật bởi vì điều đó đã giúp tôi trở thành một con người khác, với những quan điểm và thái độ khác đối với sự việc. Có thể nói là tôi thích có một cái nhìn trung thực và khách quan hơn cho cuộc đời của mình. Đạo Phật dạy tôi những điều khác hẳn với đạo Baptism, nhưng tôi thấy rất hợp lý. Vì thế tôi cảm thấy thoải mái khi quyết định tu theo đạo Phật. Sự tu tập này đã trở thành một phần quan trọng nhất của đời tôi, nó tác động lên lề lối suy nghĩ, lên cách sống và từ sự tu tập đó tôi đã tìm được hạnh phúc.

Trên bình diện đời sống bình thường, cách suy nghĩ của tôi đỡ căng thẳng hơn, tỷ dụ như khi tôi đọc một quyển sách có quan điểm hoàn toàn khác với tôi, tôi sẽ không thấy giận dữ bởi vì tôi nhận ra rằng, trên thế gian này có nhiều cách suy nghĩ và lối sống khác nhau. Chúng ta thường nghĩ rằng thế giới chúng ta sống chỉ là một và từ đó chỉ có một cách suy nghĩ đúng cho tất cả, nhưng có những người khác trong thế giới này có cách sống và niềm tin khác, như những quan điểm truyền thống của Á đông chẳng hạn. Vì thế tôi không ngần ngại áp dụng lý thuyết và pháp tu của đạo Phật. Đạo Phật đã cứu cuộc đời tôi, cho tôi một chân trời mới”.

Cách suy nghĩ mới mẻ, cái nhìn “Như Thị” mà Tina đạt được qua sự tu tập niệm Liên Hoa kinh đã giúp Tina vượt qua những hoàn cảnh khó khăn trước mắt. Ike không còn làm Tina sợ hãi và đau khổ như trước. Hoàn cảnh không thay đổi nhưng con người thay đổi, thì rồi mọi sự sẽ thay đổi. Tuy nhiên, oan nghiệp chưa chấm dứt nên Tina vẫn còn ở với Ike cho đến năm 1976, kết thúc cuộc hôn nhân địa ngục với cuộc chạy trốn đầy nước mắt băng qua con đường xa lộ. Tina đã nộp đơn xin ly dị hai ngày sau đó, nhưng thủ tục ly dị đã kéo dài đến 2 năm cho tới 1978 mới chính thức hoàn thành. Tina chấp nhận trả tiền phạt cho những buổi trình diễn bị bãi bỏ, chỉ đòi lại tên Tina Turner cho sự nghiệp riêng của mình.

Trải qua bao nhiêu năm đau khổ, đến lúc vào tuổi 40 Tina mới bắt đầu tái lập sự nghiệp. Giấc mơ của Tina là một ngày nào đó sẽ trở thành một Nữ Hoàng của nhạc Rock and Roll, nhưng sự thực phũ phàng đến như gáo nước lạnh. Tinh thần kỳ thị của các công ty âm nhạc ở Mỹ vẫn còn rất mạnh mẽ. Một ca sĩ da đen chỉ có thể hát nhạc R & B, nhất là một nữ ca sĩ da đen đã đến tuổi 40 lại càng không thể vào lãnh vực của nhạc Rock and Roll. Mặc dù Tina là người có tên tuổi, nhưng không có công ty âm nhạc nào mời về cộng tác.  Với số tiền nợ khổng lồ trên vai, Tina bôn ba tìm chỗ lưu diễn khắp nơi, có khi trên TV, có khi tại các khách sạn sòng bài như ở Las Vegas. Có lúc rơi vào cảnh nghèo túng, Tina phải đi xin trợ cấp food stamp để mua đồ ăn cho 4 đứa con.

Sau mấy năm bế tắc, Tina quyết định qua Âu Châu thử thời vận. Nền âm nhạc của Anh Quốc đã thống trị thế giới qua bao nhiêu năm, sản xuất ra những nghệ sĩ tài ba như The Beatles, Rolling Stones, Tom Jones, Elton John v.v.. Năm 1981, Tina được Roger Davies giới thiệu lên sân khấu mở màn cho buổi trình diễn của nhóm Rolling Stones. Năm 1983, cuộc đời Tina bắt đầu khởi sắc với đĩa nhạc “Let’s stay together” của Al Green do B.E.F. sản xuất, đứng thứ 6 trong các bài hát được công chúng ở Âu Châu yêu thích. Lợi dụng thời cơ đó David Bowie đã giúp cho Tina được hãng đĩa hát Capitol của Anh quốc mời thu âm album “Private Dancer” cùng với video, trong thời gian 2 tuần tập luyện cấp tốc. Đĩa nhạc “Private Dancer” phát hành năm 1984 như một ngọn gió vũ bão, khởi đầu cho sự thành công huy hoàng của Tina, đứng thứ hai trên bảng các bài hát được yêu thích nhất ở Anh quốc, được chứng nhận 5 giải bạch kim ở Mỹ, đạt kỷ lục bán được 10 triệu đĩa trên khắp thế giới, trở thành đĩa nhạc được ái mộ nhất của Tina với số vé bán khổng lồ lên tới 180,000 người tại vân động trường Rio De Janeiro. Năm 1984 bài “What’s love got to do with it” được đưa lên đĩa hát đơn, đứng hạng nhất trong danh sách các bài hát được yêu thích nhất ở Mỹ, và lần lượt các bài như “We don’t need another hero”, “Better be good to me”, “I don’t wanna fight” v.v.. đã đem lại cho Tina ba giải Grammy ở Đại Hội Grammy hàng năm thứ 27. Tina đã nhận được 12 giải Grammy, là nghệ sĩ da đen và người phụ nữ đầu tiên được đăng hình lên trang bìa của báo Rolling Stone.

26 năm sau khi bắt đầu khởi nghiệp hát, trải qua biết bao đau khổ và thử thách, một cuộc ly dị đầy ân oán, những đối phó với sự khó khăn bế tắc về tài chánh, và rồi tìm đường vượt qua khu rừng rậm đầy chông gai của kỹ nghệ âm nhạc, cô gái nhỏ Anna Mae Bullock ngày xưa cuối cùng đã trở thành Nữ Hoàng của nhạc Rock and Roll với số tuổi 44, đạt được sự thành công vượt bực hơn tất cả những gì mơ ước, và toàn bộ những điều đó đều do công sức cô bỏ ra, theo những điều kiện của chính mình.

Tina tâm sự như sau: “Một trong những mục tiêu đầu tiên trong nghề của tôi là trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên có số khán giả đông đảo tràn ngập những vận động trường sân khấu vòng quanh thế giới. Lúc ấy, mộng ước này gần như là vượt quá tầm tay. Nhưng tôi không bao giờ buông bỏ, và tôi rất hạnh phúc đã làm được điều đó.”

Hạnh phúc của Tina không chỉ trên phạm vi nghề nghiệp, mà còn là hạnh phúc trong tâm. Tina đã nói về niềm hạnh phúc ấy qua sự tu tập Phật Pháp:

“Hãy nhớ rằng hạnh phúc xuất phát từ nội tâm. Hãy quán sát cái tôi bên trong tâm bạn, xem đâu là những nhược điểm của mình một cách khách quan. Mặt khác, trí tuệ của một tâm vô ngã sẽ giúp phát khởi niềm hỷ lạc có sẵn trong tâm. Điều căn bản là hạnh phúc có hay không là ở nơi bạn. Không ai khác có thể làm bạn hạnh phúc được. Và niềm hạnh phúc đích thực không bao giờ có thể xây dựng trên sự thua thiệt của người khác.”

“Đó là sự quân bình của việc giúp đỡ người khác trong khi chăm lo cho chính mình. Nếu bạn muốn có hạnh phúc hơn, hãy phát huy lòng từ bi của mình. Nói lời tử tế với người đang chịu một ngày xui xẻo, tình nguyện gia nhập vào những hội từ thiện giúp cộng đồng. Lòng từ bi trải đến người khác đi liền với niềm hạnh phúc gia tăng trong cuộc đời của chúng ta.”

“Hạnh phúc đã cải thiện cuộc đời tôi trên nhiều phương diện. Tôi đã viết cả một quyển sách tựa đề: “Hạnh phúc trở thành con người bạn” (Happiness becomes you). Bây giờ tôi hạnh phúc hơn tất cả những thời điểm khác nào trong cuộc đời, không phải vì sự thành công hay tiền tài danh vọng, mà chính vì những gì có trong nội tâm của tôi.”

Quả thật như thế, niềm hạnh phúc bên trong của Tina đã tỏa ra bên ngoài trên nét mặt rạng ngời, với nụ cười tươi tắn luôn trên môi. Tina tràn đầy tự tin đi khắp bốn phương trời, trả lời những câu phỏng vấn bằng những lời vui vẻ mà sâu sắc, biểu lộ một trí tuệ uyên thâm về cuộc đời và con người.

Năm 2007, Tina nghe tin Ike đã qua đời. Cuộc đời của Ike từ sau ly dị với Tina đã càng ngày càng xuống dốc. Căn bệnh nghiện ngập ma túy trong bao nhiêu năm đã đưa Ike vào vòng lao lý trong 18 tháng và cuối cùng Ike đã chết vì xử dụng ma túy quá liều.

Nhìn lại quá khứ, Tina đã nói như sau về sự tha thứ:

“Tôi đã có một cuộc đời khốn khổ, bị bạo hành tàn nhẫn. Không có cách nào chối bỏ điều ấy được. Đó là sự thực, là thực tại tôi phải đương đầu, và phải chấp nhận. Sự tổn thương quá sâu sắc đối với tôi đến nỗi nhớ về giai đoạn ấy làm tôi có cảm tưởng như đang sống lại những cơn ác mộng. Nếu chúng ta không trực tiếp tìm cách chữa lành những vết thương của quá khứ thì ta sẽ tiếp tục bị tổn thương. Mỗi khi nhớ lại thời kỳ ấy ta lại cảm thấy đau lòng, nhưng đến một lúc nào đó, cần phải có sự tha thứ. Tha thứ có nghĩa là không ôm chặt vào quá khứ ấy nữa. Hãy buông xả bởi vì nó chỉ làm cho bạn đau khổ. Không tha thứ bạn sẽ mãi đau khổ bởi vì bạn sẽ luôn bị ám ảnh, cứ nghĩ mãi về những cảnh tượng ngày ấy.”

“Trí tuệ của đạo Phật mà tôi tìm thấy có ý nghĩa rộng lớn rất nhiều, vượt trên sự hưng phấn của một nền tảng triết lý. Trí tuệ đó đã cứu cuộc đời tôi. Bài học quý giá nhất mà tôi học được là làm sao chuyển hóa được một tình trạng tiêu cực thành tích cực, và ngay cả làm sao có thể thay đổi được những gì dường như không thể nào thay đổi.”

Thời gian thấm thoát trôi qua, sau hơn nửa thế kỷ làm việc, Tina làm chuyến du hành cuối cùng qua Hoa Kỳ và Âu Châu kỷ niệm 50 năm ca hát, chương trình khởi đầu ngày 1 tháng 10 năm 2008, và kết thúc ngày 5 tháng 5 năm 2009.

Hoa Kỳ là quê hương đất mẹ, nhưng Âu Châu là chốn trở về, vì ở đó đã tạo nên tên tuổi rực rỡ cho Tina, và đem đến hạnh phúc cuối đời. Năm 1986 Tina bay qua Luân Đôn. Định mệnh run rủi khiến trong chuyến đi này Tina đã gặp được tình yêu vĩnh cửu của đời mình. Erwin Bach gốc người Đức làm việc cho hãng đĩa hát, được cử đi đón Tina ở phi trường. Ngay từ giây phút ban đầu gặp Erwin, Tina đã cảm thấy tiếng sét ái tình, như hai người đã có duyên với nhau từ kiếp trước, mặc dù Erwin nhỏ hơn Tina đến 16 tuổi. Hai người đã đến với nhau thật tự nhiên trong tình yêu chân thực và sâu sắc. Cuối cùng, Tina đã được hưởng hạnh phúc như từng mơ ước trong kiếp nhân sinh của mình. Hai người đã chính thức thành hôn với nhau vào tháng 7, 2013 sau 27 năm chung sống trong một lâu đài thơ mộng nhìn ra bờ hồ yên tịnh ở Thụy Sĩ. Tina cũng đã từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để trở thành một công dân Thụy Sĩ ở Âu Châu.

Tuy rời bỏ đời ca sĩ, nhưng âm nhạc vẫn luôn là một phần trong cuộc sống của Tina. Các tổ chức Phật giáo đã tiếp xúc với Tina và mời bà cộng tác trong những video nhạc kinh Phật. Tina đã được yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma hai lần, và giọng ca bất hủ ngày xưa giờ cất lên những lời kinh tiếng kệ, đem lại sự thanh tịnh trong lòng người.

Tuổi đời càng chồng chất, thân tứ đại cũng phải tàn phai với thời gian. Tina với bệnh cao huyết áp đã bị mấy lần đột quỵ và sau đó là ung thư ruột và suy thận. Bệnh suy thận đã trầm trọng đến mức Tina cần phải được ghép thận mới sống được. Và chính nhờ sự hi sinh một quả thận của người chồng thương yêu Erwin tặng cho mình mà Tina đã được cứu sống. Tuy nhiên sau những năm tháng, thân xác mòn mỏi không thể chống chọi mãi với thời gian. Từ hư vô đến, tất cả đều cũng trở về hư vô. Tina đã thanh thản qua đời ngày 24 tháng 5, năm 2023, hưởng thọ 83 tuổi.

Tina ra đi để lại sự buồn thương khôn nguôi của người chồng yêu quý, sự nuối tiếc của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng đối với Tina, có lẽ đây là một chuyến trở về - trở về với quê hương nguyên thủy. Bởi vì khi còn sinh tiền Tina đã vượt qua bờ mê của phiền não đau khổ, để đến bến giác của sự an vui thanh tịnh. Mê và ngộ, phiền não và hạnh phúc chỉ là một, trong những sát na chuyển hóa của trùng trùng duyên khởi. Khi mê là chúng sanh, khi ngộ là Phật. Kinh Bát Nhã có câu chú: “Gate Gate, Paragate, Parasam gate, Bodhi Svaha” ..  (Vượt qua, vượt qua,  vượt tất cả qua bờ bên kia, ấy là người giác ngộ.)
 
Tina Turner đã từng thu một cuốn phim video Phật giáo tựa đề là “Bờ bên kia” (Beyond) với những lời như sau:

“Không có gì kéo dài mãi mãi. Không có ai sống được mãi mãi. Hoa nở rồi tàn. Đông đi rồi xuân đến. Ta hãy ôm lấy vòng quay của sự sống – đó là tình yêu lớn nhất. Hãy vượt qua những nỗi sợ hãi. Vượt sợ hãi qua bờ bên kia đưa chúng ta vào nơi chốn tình yêu rộng mở. Khi bạn từ chối không theo những áp lực của sự sợ hãi, giận dữ và thù nghịch, qua bờ bên kia có nghĩa là cảm nhận được chính mình. Hãy vượt qua những lập luận đúng sai. Hãy cầu nguyện cho đầu óc chúng ta được thanh tịnh và có sự an vui cho tâm hồn. Hãy qua bờ bên kia để cảm thấy sự chung nhất của lòng từ bi. Tất cả chúng ta đều như nhau, đều muốn tìm con đường trở về nguồn cội duy nhất...”

Tina đã qua bờ bên kia, để lại cho nhân thế một gia tài của tiếng hát và tình thương.  
 
Ngọc Bảo
Cali, ngày 9/6/2023

Thư mời tham dự ra mắt sách: "Tổng thống Ngô Đình Diệm, Một Đời Vì Nước Vì Dân"

(Nguồn: HT Nguyễn Kim Dần)

08 June 2023

Những Phong Tục Kỳ Dị Của Á Đông Qua Phim Ảnh

Trọng Đạt
 Tôi xin đề cập bốn phim tiêu biểu diễn tả những phong tục kỳ quái, có phần tàn nhẫn, độc ác của vài nước Á đông cách đây trên dưới một thế kỷ. Những phim này đã đạt trình độ nghệ thuật quốc tế, quay trong thập niên 80 hoặc 90, được phát giải thưởng hoặc có nhiều người nồng nhiệt đón nhận.

    Người Đàn Bà Đẻ Thuê
    The Surrogate woman
  
Đạo diễn Im Kwon-taek.
Các tài tử chính: Kang Soo-yeon, Lee Gu-sun, Yun Yang-ha
Dài 100 phút (khoảng một giờ rưỡi)

Phim Nam Hàn quay năm 1987, đã đoạt nhiều giải thưởng tại Đại hội điện ảnh Á châu 1987 gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Tài tử  chính, phụ xuất sắc nhất.  Nữ tài tử chính Kang Soo-yeon đã được hoan nghênh nồng nhiệt trong vai người đàn bà đẻ thuê, cô đã được giải Nữ tài tử xuất sắc nhất tại Đại hội điện ảnh Venice, Ý năm 1987.

Truyện phim

“Khung cảnh thế kỷ thứ 19, Shin một anh hào phú, vợ không sinh được con trai nối dõi, chị đồng ý cho chồng tìm một người đàn bà đẻ thuê để có con trai. Ông thân sinh chàng vào làng nhờ người mai mối, họ tổ chức cho xem mặt, sau chàng ưng một cô gái nghèo mới 17 tuổi tên Ok-nyo, nhà chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ trước đây cũng từng là người đẻ thuê đồng ý và khuyên cô nhận lời vì họ trả nhiều tiền. Khi chuyển cô bé về nhà Shin, cô bị bịt mắt đưa lên chiếc kiệu có bốn người khiêng mục đích giữ bí mật không cho biết đường.

Về nhà Shin, cô bé Ok-nyo phải tuân thủ kỷ luật, ban ngày phải ở trong nhà, ban đêm người ta sắp xếp cho cô và ông chủ Shin ăn ở với nhau mục đích cho cô mang bầu. Ok-nyo và ông chủ Shin lại lén lút tư tình với nhau, bị bắt gặp, cô bé bị đánh đập tàn nhẫn. Bà mẹ cô cũng được đưa tới ở chung để phụ giúp. Bà kể cho con gái nghe hồi xưa chính mình đã đẻ thuê cho một nhà giầu, sau khi sinh đứa con trai, bà được trả tiền, phải ra đi. Mấy năm sau nhớ con lén lại gặp thằng bé bị chù nhà bắt gặp, bị họ trói lại hành hạ dã man, họ muốn người mẹ phải vĩnh viễn ra đi không được liên hệ với đứa bé như đã giao kết. Lần thứ hai bà ta đẻ thuê cho một nhà khác, lần này bà sinh con gái họ không nhận, bà đem về nuôi, đó chính là Ok-nyo.Với kinh nghiệm nghề nghiệp, người mẹ khuyên con nên nhìn vào thực tế đừng mơ tưởng hão.

Thời gian trôi qua, cô bé có bầu, gia đình chàng Shin mừng rỡ, rồi tới ngày sinh, Ok-nyo đau đớn, quằn quại lúc sinh con, một đứa bé trai ra đời, người ta lấy khăn quấn kín thằng bé rồi mang đi ngay. Chủ nhà đem giấy tờ chủ quyền thửa ruộng giao cho mẹ con cô coi như thù lao và họ sẽ ra đi nay mai. Ok-nyo khi tỉnh lại nói muốn được gặp đưa bé do chính mình đẻ ra nhưng mẹ cô bảo không thể được, bà khuyên con hãy nhìn thực tế, đây chỉ là chuyện tiền trao cháo múc. Sau khi trả công xong xuôi họ tống cổ bà mẹ và Ok-nyo đi ngay. Cha của Shin bảo con trai “Hãy nhìn cô bé lần cuối”

Một năm sau quá phẫn uất với tục lệ bất nhân của thời phong kiến, cô Ok-nyo treo cổ tại làng mà cô đã sinh đứa trẻ”.

Cuốn phim làm sống lại một thời kỳ phong kiến tàn ác xa xưa tại Cao Ly (Triều Tiên), xã hội còn quá nhiều tập tục hủ lậu và sự áp bức bất công dã man của giới địa chủ với nhà nghèo. Con người đã biến thành một công cụ, không còn nhân phẩm, nạn nhân của những tập tục dã man lạc hậu. Nữ tài tử Kang Soo-yeon diễn tả một cách tuyệt diệu sự đau đớn cùng cực của người con gái sinh con, nó cho thấy sự dã man của tập tục chia lìa tình mẫu tử của người đàn bà đã mang nặng đẻ đau.

Chị Dậu Thoái Vốn !, cười tí tỉnh,

Nghe tiếng chó sủa, Nghị Quế nhìn ra thấy chị Dậu tay cắp rổ Chó con, tay đẩy cổng bước vào. 

Nghị vội bước ra sân, quát:

- Mày đến đây làm gì, hả con mụ Dậu kia?

Chị Dậu khép nép để rổ Chó xuống đất, lí nhí:

- Dạ bẩm ông! Nhà con hết gạo nên con đem mấy con chó này đến đây xin thoái vốn ạ!

- Thoái vốn là sao?

- Dạ, ông đưa tiền cho con rồi lấy mấy con chó này ạ.

- Đệch bố! Mày đến đây bán chó thì nói bán chó mẹ nó đi! Bày đặt thoái vốn với thu hồi vốn!

- Ậy, ậy... dạ, con sợ nói bán thì chính quyền nhân dân họ bắt bỏ tù đấy ạ.

- Mày láo! Bán chó thì chính quyền nào bắt bỏ tù?

- Dạ, con thấy ở thiên đường này chỉ có người mua là không bị gì, còn người bán đều bị xử tù hết đấy ông ơi!

Nghị Quế nổi giận chỉ tay vào mặt chị Dậu quát:

- Con Dậu kia! Mày vu khống chính quyền nhân dân chúng tao à?

... Mua bán phi pháp đều phạm tội đồng lõa như nhau, tại sao chính quyền của ông chỉ bắt người bán mà tha cho người mua, hử ...?

- Dạ con thấy chính quyền ông chỉ bắt người bán dâm, bán ma túy, bán bằng đại học.... chớ có bắt mấy người mua mấy thứ ấy đâu? Có khi chính quyền còn đưa họ vào diện bí mật quốc gia, chứ chưa ai được biết danh tính mấy ngài mua dâm ngàn đô, mua bằng đại học... hết ạ. Bởi, con sợ vậy nên mới nói thoái vốn thay vì bán chó!

Nghị Quế lúng túng vì câu hỏi của chị Dậu nhưng vẫn lên giọng:

- Chính quyền của ông là chính quyền chuyên chính! Bán thì nói bán, việc quái gì phải sợ thằng Tây nào!

- Dạ, chính quyền ông chuyên chính thế sao bán rừng ông hô chuyển đổi mục đích sử dụng? Bán cảng biển, bán đất ông hô chuyển quyền sử dụng? Bán công ty bia SG, bán tập đoàn sữa Vinamilk... ông hô thoái vốn? Bán hãng xưởng, bán xe công... ông gọi thanh lý ??

Nghị Quế mặt đỏ gay đập bàn thét lớn:

- Á, Á.... Mày đến đây bán chó hay chất vấn ông hả con Dậu kia? Lính lệ đâu, lôi cổ nó ra nọc.......

( Sưu tầm...bậy...)

(Huỳnh Bá Tuệ Dương)

Nén Hương Cho Tháng Tư, thơ


cảm thức vô hình, tùy bút


tôn thất tuệ
Hôm đầu tháng chạp 2012 tôi nhận một email, một thân hữu gởi chung ba người. Chẳng có gì, chị ấy nói đang ở Toronto và tối sẽ trở về Montreal cùng ngày. Tôi không quen chị ấy, không có một ý niệm gì ngoài tin tưởng là người Huế và dân Đồng Khánh Quốc Học. Bỗng dưng, một nỗi sầu – không đúng vì thiếu chữ; một kinh nghiệm tâm linh? – quấn lấy tôi, nó không đau đớn như móng sắc đau, nhưng thâm sâu lắm. Tôi định thần thì thấy như có cái cảm quan cũ ngày trước nhân khi lần đầu tiên nghe khúc nhạc ngắn Thais của Massenet. Những dòng điện đi từ ngực ra đến đầu ngón tay ngón chân, như một suối nguồn đưa nước về các nhánh sông. Khó tả, nó mang tính chất huyền nhiệm, cộng với tiếng phong linh mơ hồ trong chiều đông.

Mỗi lần nằm mộng thấy người quen tôi hay nói cho vợ biết để cùng cầu nguyện. Người trong mộng có thể là nhân vật hai đứa đều biết hay chỉ một mình tôi biết trên đời. Có khi là ông đưa thơ, có khi là ông chú, bà cô, có khi là cô bạn học lúc mới lên đệ thất.  Sau giấc mơ tôi thường thức dậy, tiếp tục cười, tiếp tục vui, tiếp tục buồn chốc lát rồi thôi, và chỉ giữ lại nét mặt để kể cho vợ. Nhưng đây, chị ấy tôi chưa biết hình dáng, chỉ là một être, một being, một hiện hữu và không đến từ một giấc mơ.

Tự nhiên tôi hình tượng một con người đi từ Toronto về Montreal;  hai nơi nầy rất xa lạ so với các nơi tôi chưa đến nhưng có nghe nói hay đọc về địa dư. Tàu bay? Tàu điện? Xe hơi? Freeway láng bóng hay sần sù? Tuyết phủ hay đá trơn?

Những nét xa lạ ấy không phải là nền tảng của một nỗi suy cảm khó diễn tả. Khắp nơi ở các nước phát triển, phương tiện giao thông gần giống nhau; không cẩm lệ mụ Thôi thì cẩm lệ mụ Cửu Ới. Không McDonald thì Burger King. Trên những con đường quen tôi vẫn có những bâng khuâng rất bâng quơ.

Lên về Atlanta thăm con thăm cháu hay mua thực phẩm, tôi phải dùng freeway 75, một trong hai con lộ chính của sườn đông như freeway 5  ở sườn tây Mỹ. Sau cái ồn ào tấp nập của đảng người bay là con đường tiểu bang chỉ có hai lối ngược xuôi nhưng vẫn được lái 55 miles. Hạ sơn và qui ẩn chỉ trong một ngày, cho nên tôi đều trở về khi chiều xuống chậm, hàng cây ngả nắng làm cho đường nhựa đen hơn. Ai cũng mở đèn an toàn như tối lắm.

Vì chỉ một lối cho nên chậm nhanh tùy xe trước mình. Tôi thường đi sau. Tỉnh lộ GA140 chạy đông tây, có những ngõ rẽ, phần nhiều khá ngắn như những ngõ cụt; khách đi qua khó biết dài ngắn vì cây che khuất, nhà cửa lưa thưa trên những trang trại nhỏ. Nông cơ nông cụ cũ gỉ sét được kéo ra trước nhà làm vật trang hoàng. Đã mấy chục năm nay giới nhà nông đã bỏ nghề, đi làm công ở các hãng xưởng dọc các freeway nhưng vẫn ở nhà cũ còn giữ nguyên thời thịnh nông,  với cái vựa (barn), chuồng ngựa, những bành cỏ chờ mục…

Những người làm công ấy chạy trước tôi. Đến một khúc quanh có người đổi hướng, cả đoàn phải dừng lại. Tôi nhìn chiếc xe kia từ tốn vào vùng đất riêng. Xe ấy ra khỏi dòng luân lưu chung. Với tôi đó là một lần chia tay. Nó mang tính chất ngậm ngùi, như những ngày trước tết và sau tết tôi thường lên ga Huế đón đưa chung đoàn người không quen về quê và xa quê để bắt đầu một năm nữa. Tuy là cảnh thương vay, nó vẫn đầy âm hưởng bền dai.

Tôi cảm thấy yên ổn vì những người vừa tách riêng ấy đã về được nhà. Có nơi mấy đứa bé núp sau lùm cây dọa ma và người về giả bộ sợ thật, ngã đùng ra sân để chúng cười sung sướng. Có người đưa tay chùi trán mà hiểu lời dạy của tiền nhân: Que tu gagnes ton pain par la sueur de ton front, trước khi bình thản bước vào home sweet home, để quên đi ban sáng ông chủ đã chửi mình thậm tệ một cách vô lý.

Tôi cảm thấy yên ổn vì nó ứng hiện lời cầu nguyện của vợ chồng tôi vào các thời kinh: xin mọi người được bình an, đi tới nơi về tới chốn. Và tôi hưởng sự bình an để đem con ngựa sắt chạy thêm 40 miles về đến nhà. Vội vã chạy xuống green house đốt lửa cho khói thật nhiều để người đi bên ngoài nhìn vào thấy ấm, mất đi cái  lạnh lùng nêu trong cổ thi: kim dạ hà xứ túc, bình sa vạn lý tuyệt nhân yên. (đêm nay ta ngụ nơi nào, trước mắt cát bằng ngàn dặm, không thấy khói nhà ai nấu cơm chiều).

Tôi vẫn sống trong những cái lẩm cẩm vu vơ, lắm khi quên ăn để chứng nghiệm một bài thơ, để tìm hiểu sự khác biệt và đồng nhất, ví dụ đồng nhất là chống lạnh nhưng vịt thì xuống hồ ngủ trên nước đá mà gà thì chui vào ổ rơm. Tôi vẫn sống trong những cảm nghiệm vô hình đầy tính chất linh khải của một tình người vô lượng vô biên, nhưng dè dặt luôn tự hỏi mình có còn, có tâm cảm hay không.

Chiều hôm ấy, giữa cánh đồng cỏ vàng như lúa chín, giữa cái nắng yếu tranh dành không gian với sương núi, giữa những tiếng phong kinh kêu gọi, tôi vẫn dành tâm cảm cho chị ấy đang còn ở Toronto. (Ước mong) trên đường về Montreal, sau chị có một người. Không phải là kẻ si tình, không phải là kẻ quấy nhiễu rình rập, mà là một hiền nhân, một ange gardien bảo vệ chị, không dùng súng, mà bằng một ý lực tình người. Chị ấy sẽ được che chở. Qu’elle soit protégée./.