30 November 2018

Cười tí tỉnh: Chuyển biến


Sài gòn - Thành phố hồ chí minh  - Thành hồ - Thành hồ nước . . .
Sài gòn thành hồ nước dưới thời cộng sản.

SỢ THẬT!, thơ

Sợ  thật,  một  dân  tộc
Gần  một  trăm  triệu  người,
Không  ngăn  được  một  đảng
Khoảng  ba,  bốn  triệu  người

Thông  qua  luật  bán  đất
Cho  “đồng  chí”  Trung  Hoa.
Tức  là  bán  hương  hỏa
Của  tổ  tiên,  ông  bà.

Sợ  thật,  dân  tộc  ấy,
Vốn  anh  dũng  một  thời,
Nay  ươn  hèn,  bạc  nhược,
Cam  nô  lệ  cho  người.

Càng  sợ,  bọn  quốc  hội,
Mang  tiếng  đại  diện  dân,
Mà  nhắm  mắt  làm  ác,
Vì  tiền,  vì  miếng  ăn.

Hai  mươi  nghìn  nhà  báo,
Hơn  một  nghìn  nhà  văn,
Sợ  thật,  im  thin  thít,
Dù  sống  bằng  tiền  dân.

Mà  chúng,  luôn  lem  lẻm
Việc  bảo  vệ  chủ  quyền.
Giờ  an  nguy  xã  tắc,
Chúng  ngậm  miệng  ăn  tiền.

Nhưng  đáng  sợ  hơn  cả
Là  chúng  ta,  người  dân,
Đang  bịt  tai,  nhắm  mắt,
Gục  mặt  vào  miếng  ăn.

Chúng  ta  đang  đắc  tội
Với  thế  hệ  tương  lai.
Tội  dung  túng,  đồng  lõa
Với  chế  độ  độc  tài.

Thái  Bá  Tân

Bắt Trần Bắc Hà: Thông điệp nào cho Nguyễn Tấn Dũng?

Bài của Phạm Chí Dũng trên Blog VOA:
Bắt Trần Bắc Hà: Thông điệp nào cho Nguyễn Tấn Dũng?
Nửa ngày sau đó, vài tờ báo nhà nước bắt đầu đăng bài đầy ngụ ý như “Nhìn lại 35 năm từ ‘ngôi sao ngân hàng’ đến bi kịch cuối đời của nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà” và “Ông Trần Lục Lang còn đương nhiệm những chức vụ gì?” (Trần Lục Lang được xem là ‘đồng hương’ với Trần Bắc Hà trên nhiều khía cạnh, đặc biệt trong quan hệ làm ăn). Cách đăng bài nửa úp nửa mở như thế làm người ta nhớ lại ngay sau vụ bắt đại gia ngân hàng Trầm Bê vào tháng Tám năm 2018, tuy cơ quan công an chưa công bố thông tin nhưng báo chí nhà nước cũng đã phát tin theo kiểu ‘đóng khung tang’ về Trầm Bê.
Bạn đọc nhấn vào hàng tiêu đề để đọc toàn văn.

27 November 2018

Mùa Đông dưới rặng Trường Sơn

Mùa Đông Trường Sơn
Có nắng vàng hiu hắt
Tiếng tù ca ủ ê
“Suối A mai chảy dài ra Bến Ngọc

Đường ta đi qua Dốc Phục Linh
Đường ta đi, đường nghĩa, đường tình
Đường đi hạnh phúc, chúng mình đắp  xây”(*)
Hạnh phúc nào đâu thấy
Những tang thương và tủi nhục
Của người thua trận ngậm ngùi
Đào đắp con lộ ngoằn ngoèo
Lượn quanh chân núi
Để xe trâu đưa đón
Những người vợ tù Miền Nam
Ngàn dặm tìm gặp mặt chồng
“Trèo đèo, vượt suối, sang sông
Gánh gạo nuôi chồng, nước mắt rơi rơi”(**)
Nhìn “những gót chân ngày xa xưa
Sợ lấm trong bùn khi mưa”(***)
Ngày nay đâu còn nữa
Chỉ còn những bàn chân chai sạn
Tảo tần nuôi bầy con nhỏ dại
Chắt chiu chút ít quà
Mỗi năm đôi lần
Gởi bù đắp cho chồng, tù nơi xa
Mùa Đông Trướng Sơn lạnh lắm
Chiếc áo ngự hàn năm cũ
Biết chồng có đủ ấm hay không?

Nguyễn Nhơn
____________
(*) Thiếu tá Đạt, Tiểu khu Bình Tuy
(**) Thơ Bình Dương
(***) Nhạc: Tôi đưa em sang sông

26 November 2018

Phó TT Pence và Vai diễn 'Bad cop'

Phạm Phú Khải

Bài phát biểu của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tại Viện Hudson vào đầu tháng Mười đã được đón nhận khác nhau, tùy theo quan điểm của người nghe/đọc. Theo Dingding Chen thuộc tạp chí the Diplomat thì tại Trung Quốc có ba loại phản ứng. Loại bi quan thì cho rằng Hoa Kỳ (không chỉ riêng đảng Cộng hòa mà là lưỡng đảng) không còn giấu ý đồ kiềm chế sự trổi dậy của Trung Quốc. Loại quan tâm thì nhìn thấy và chia sẻ quan điểm của loại bi quan nhưng không tin là tình huống sẽ không trở nên tồi tệ. Loại bình tĩnh hơn thì nhận xét bài phát biểu của ông Pence thật ra để đối nội hơn đối ngoại, nhất là trước kỳ bầu cử Hoa Kỳ giữa kỳ chỉ hơn một tháng.

Ngoài Trung Quốc cũng có bao phản ứng và nhận xét khác nhau. Cựu Phó Thủ tướng Úc John Anderson, chẳng hạn, thì cho rằng ông Pence chẳng khác gì tuyên bố một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Sau bài phát biểu này, ít ai nghĩ rằng ông Pence sẽ vận dụng mọi cơ hội, nhất là các diễn đàn quốc tế, để tiếp tục trình bày quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ đối với một Trung Quốc mà ông cho là có quá nhiều vấn đề. Cho đến những ngày trung và cuối tuần qua.

Vào thứ Năm ngày 15 tháng 11, trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore, ông Pence tuyên bố Hoa Kỳ muốn nhìn thấy một “Ấn Độ - Thái Bình Dương mà trong đó mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, trở nên thịnh vượng và phát triển - an ninh đối với chủ quyền, tự tin về các giá trị của mình, và cùng nhau phát triển mạnh hơn”. Ông Pence khẳng định rằng (ý đồ) đế quốc và sự hung hãn không có chỗ đứng trong vùng này, và cam kết của Hoa Kỳ đối với vùng này “chưa bao giờ mạnh hơn” (như bây giờ).

Hai ngày sau đó, tại hội nghị APEC được tổ chức tại Papua New Guinea (PNG) năm nay, ngay sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình (thoạt nghe đầy vẻ hoa mỹ và hòa giải), ông Pence tiếp tục minh định rằng Hoa Kỳ sẽ không thoái lui đối với cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cho đến khi nào họ thay đổi cách thức của họ. Trước mặt Tập Cận Bình, ông nói: “Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ bao nhiêu năm qua và những ngày đó đã qua rồi”. Ông Pence cũng lên án Bắc Kinh về chiến lược ngoại giao bẫy nợ (debt-trap diplomacy) của họ. Ông Pence cảnh cáo: “Các dự án mà họ (Trung Quốc) ủng hộ là thường không bền vững và phẩm chất tệ. Không nên chấp nhận các khoảng nợ nước ngoài mà có thể làm nguy hại đến chủ quyền quốc gia… (Phải) bảo vệ quyền lợi của đất nước bạn, duy trì độc lập và, giống như Hoa Kỳ, luôn luôn đặt đất nước của quý vị trên hết.”

Cũng trong bài phát biểu này ông Pence công bố Hoa Kỳ sẽ cùng với Úc hợp tác xây dựng căn cứ hải quân tại Papua New Guinea. Mục tiêu là củng cố thêm sự hiện diện quân sự của Washington tại châu Á và Thái Bình Dương. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm việc với hai quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và hải quyền (maritime rights) tại các đảo Thái Bình Dương”. Ông Pence chưa công bố Hoa Kỳ sẽ cam kết và hỗ trợ dự án này cụ thể như thế nào về mặt tài chánh, và các tàu thủy Hoa Kỳ có đóng quân lâu dài tại Lombrum, Manus Island không. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy thì quyết định này sẽ mang Hoa Kỳ đến gần Biển Đông hơn, và ông nghĩ rằng nó cũng là sự đẩy ngược đáng kể đối với tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong vùng Thái Bình Dương.

Qua các diễn biến chính trị xảy ra vào trung tuần và cuối tuần qua, chúng ta có thể nhìn nhận vài điều.

Một,Trung Quốc đã phải nhượng bộ. Họ sẽ không quyết định như thế nếu có sự chọn lựa! Nhưng họ đã, một phần nào đó, nhượng bộ với Hoa Kỳ về mặt thương mại. Trung Quốc muốn đạt một thỏa thuận với Hoa Kỳ bằng cách cung cấp một danh sách dài những gì họ sẵn lòng thực hiện để giải quyết căng thẳng hiện nay. Một nhượng bộ khác là qua thái độ hòa giải và mỹ từ của Tập Cận Bình khi ông nhấn mạnh nhu cầu hợp tác toàn cầu và thương mại quốc tế. Nghe thì hay nhưng toàn sáo rỗng (tôi sẽ có một bài về đề tài này). Các nhượng bộ thương mại này, mặc dầu chưa được công bố chính thức, nhưng chúng ta có thể suy luận rằng nó khó thể nào đáp ứng được các mục tiêu chiến lược sâu xa của Hoa Kỳ. Như ông Pence từng khẳng định, Hoa Kỳ muốn một quan hệ kinh tế được tự do, công bằng và hỗ tương với Trung Quốc, và muốn Bắc Kinh chấm dứt vĩnh viễn hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ, chấm dứt các hành động bắt buộc chuyển giao công nghệ v.v...

Hai, ông Pence đi dự hội nghị ASEAN và APEC thay thế ông Trump không phải vì ông Trump bận chuyện gì chính đáng hơn, và cũng không phải ông Trump không quan tâm đến các hội nghị này. Ông Pence đi thay mặt ông Trump vì ông Pence đã mạnh miệng, thẳng thắn, quyết đoán và không khoan nhượng, như đã thấy qua bài phát biểu tại Viện Hudson, và trong các hội nghị vừa qua. Ông Pence không những tiếp tục chỉ điểm và ghim chặt Trung Quốc vào các sai trái của họ mà còn đưa ra hành động cụ thể, chẳng hạn như việc đầu tư xây dựng căn cứ quân sự tại Manus Island cùng với Úc. Nhật, Hoa Kỳ và Úc (cũng như Tân Tây Lan) đang liên minh để kiểm soát và kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc, và sẽ đầu tư nhiều vốn để phát triển các quốc gia trong vùng Thái Bình Dương. Nếu các nước này ngã theo Trung Quốc, vì bẫy nợ chẳng hạn, thì sẽ có những ảnh hưởng sâu xa lên Biển Đông, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, và cục diện địa chính trị tại đây trong thời gian tới.

Ba,quan sát các diễn biến trong thời gian qua, chiến thuật ông Pence và ông Trump có vẻ như đang chơi trò “good cop, bad cop”. Cho đến nay, đối với Trung Quốc, ông Trump tuy lên án họ nhưng làm một cách chừng mực. Ông vẫn tiếp tục tuyên bố Tập Cận Bình là bạn ông. Ông phê phán Trung Quốc ở các khía cạnh mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ và sở hữu trí tuệ v.v… nhưng có những lĩnh vực phần lớn ông chưa đụng tới, như nhân quyền, chẳng hạn. Ông Trump đóng vai “good cop”. Trong khi đó ông Pence phê phán Trung Quốc không chừa chỗ nào, kể cả sự đối xử tàn tệ qua trại cải tạo tập trung với một triệu người Uyghur. Bài phát biểu của Pence tại Viện Hudson đã gây nhiều quan ngại và lo lắng đối với Bắc Kinh về một chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với mục tiêu bao vây Trung Quốc. Ông Pence đóng vai “bad cop”.

Ngoài ra, sự phản ảnh khác nhau trong nội các của Trump về chính sách đối với Trung Quốc, tưởng chừng như thiếu nhất quán, nhưng nó lại càng làm cho Trung Quốc hoang mang. Họ không rõ đâu là chiến lược đích thực của chính phủ này, và đâu là những lời nói hoa mỹ, đe dọa, hay chỉ nhắm đến vấn đề đối nội v.v…

Nhìn như thế, đây có thể là chiến thuật nằm trong chiến lược chung của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Ông Pence đóng vai trò “bad cop”, và ông Trump đóng vai “good cop”. Khi ông Pence càng liên tục lên án Trung Quốc về các vi phạm và ý đồ thiếu minh bạch của họ một cách thẳng thắn và không khoan nhượng thì ông Trump lại im lặng, cốt yếu để xem phản ứng và nhượng bộ sau cùng của Bắc Kinh ra sao, trước khi quyết định thế cờ tiếp. Thế liên hoàn này, nhất là khi được tính toán kỹ lưỡng và phối hợp nhẹ nhàng, và bất ngờ, sẽ làm cho Trung Quốc lúng túng. Nó sẽ tạo nhiều áp lực lên Bắc Kinh để phản ứng, thay vì chủ động. Nếu được thi hành với kế hoạch đường dài hẳn hoi, nó sẽ làm cho lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục bất an. Sau cùng Bắc Kinh sẽ thấy nhu cầu cấp bách phải đối thoại trực tiếp với ông Trump để biết Hoa Kỳ thật sự muốn gì.

Nói cách khác ông Pence làm lên án và áp lực còn ông Trump thì thương lượng và thỏa thuận. Nghĩa là vừa đấm vừa thoa. Làm cho thế giới lo lắng.

Lợi điểm lớn nhất của nền dân chủ, như Hoa Kỳ, chẳng hạn, là trí tuệ tập thể. Dù bất cứ ai lên làm tổng thống thì cũng không thể nào độc đoán mà phải lắng nghe và tham khảo các chuyên gia và rút tỉa từ các kinh nghiệm trước đây. Ngoài ra trong văn hóa chính trị này, mọi suy nghĩ và mọi khía cạnh vấn đề đều được mổ xẻ và được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi tại Trung Quốc nói ngược lại quan điểm của “hoàng đế” Tập Cận Bình không phải là văn hóa chính trị của họ. Hơn nữa, một cái đầu như họ Tập thì tư duy cũng bình thường thôi, chẳng có gì đáng gọi là tư tưởng cả. Nhưng dù có xuất chúng đi nữa thì cũng không thể bì lại bao nhiêu cái đầu xuất chúng khác trong giới tinh hoa của Hoa Kỳ hiện nay.

Điều mà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng nhất hiện nay là vẫn chưa thật sự nắm rõ Hoa Kỳ muốn gì. Chỉ đòi hỏi thương mại hay còn các điều khác? Khi đáp ứng đòi hỏi thương mại rồi thì sau đó là gì nữa? Nhượng bộ bao nhiêu mới đủ? Ông Tập không muốn chứng minh với người dân Trung Quốc là ông yếu đuối. Sau khi kích động tinh thần dân tộc trong mấy năm cầm quyền vừa qua, ông Tập muốn người dân Trung Quốc phát huy tinh thần yêu nước, hy sinh và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của họ, kể cả dựa trên các tuyên truyền dối trá. Các nước cờ kế tiếp của ông Tập mang tính quyết định sự nghiệp chính trị của ông.

Ông Pence đóng vai “bad cop” khá tài tình cho đến nay, làm cho APEC lần đầu tiên không thể đạt được thỏa thuận hay tuyên bố chung nào kỳ này. Để xem ông Trump đóng vai “good cop” ra sao trong những ngày tới, nhất là cuộc gặp mặt với ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires vào cuối tháng 11 này.

Phạm Phú Khải
Nguồn: voatiengviet.com/a/pence-trump-tap-can-binh-apec/4670968

Khi bộ máy hỏng nát 50%: nên thay hay bỏ?

truongduynhat

"Giả sử độ một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm, thay kịp không"?

Đó là phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội chiều nay 24/11/2018. Biện minh cho việc quốc hội đưa ba mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) mà không phải hai (tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp), hoặc không đưa mức "không tín nhiệm" để lấy phiếu. 

Tôi nghĩ khác. Không chỉ một nửa, mà thay hết, đuổi hết sạch sành sanh vẫn không thiếu người. Hơn 96 triệu dân Việt, đâu thiếu người tài. 

Một bộ máy phải thay đến 50% nhưng vẫn chạy được, thì còn có thể cố giữ. Chứ hỏng nát hết phân nửa mà vẫn không thay kịp, hoặc thay nhưng vẫn không chạy được, thì vứt bán đồng nát chứ giữ làm gì. 

Đây không chỉ là vấn đề cán bộ, là việc "tín nhiệm" hay không đối với ông này bà nọ. Cao hơn, đó là trách nhiệm trước sức khoẻ và sự tồn vong của chế độ. 

truongduynhat's blog Bình luận

25 November 2018

Mùa thu tội nghiệp

"Không ngờ tình yêu ở tuổi già cũng đam mê, bồng bột mù quáng không thua gì tuổi trẻ."

Nguyễn Thị Thanh Dương

Chị Bông đi chợ Việt Nam, quầy trái cây mùa nào thức ấy, những loại trái cây ngon Việt Nam đã giữ chân chị lâu hơn.
Chị thấy một cô gái trẻ mặc váy ngắn áo hở cổ mát mẻ đang săm soi chọn mít, người cha già đứng bên chiếc xe chợ kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng cô gái chỉ vào một quả mít to và người cha khệ nệ vần trái mít ra sát bìa quày để dễ dàng bê đặt xuống xe.

Chị Bông thấy tội nghiệp ông già ghê, chắc con gái ăn mặc đẹp điệu đàng không dám bê quả mít sợ bẩn tay bẩn áo.

Chị Bông đến gần và nhìn ông già ái ngại khi ông đang hì hục đẩy quả mít vào góc xe cho gọn. Cô gái như hiểu được ý chị, nàng cười cười giải thích:

– Cô ơi… chồng em đấy.

Và nàng liến thoắng:

– Anh ấy muốn làm bất cứ gì có thể để giúp vợ. Em sang Mỹ 2 năm mà vẫn thèm đủ thứ trái cây Việt Nam, này nhé, nhãn, vải, chôm chôm đắt mấy chồng em cũng mua, hôm nay thì em thm mít nên mua hẳn một quả to về bổ ăn dần cho đã đời cô ạ…

Chị Bông ngượng ngùng vì đã hiểu lầm, nhưng cô gái vẫn hồn nhiên nói tiếp:

– Khi còn ở Việt Nam thì em có thèm gì món mít, em muốn ăn gì chả có. Bao nhiêu thứ trái cây ngon, trái cây quý chất đầy trong tủ lạnh ấy chứ.

Ông chồng quay mặt đi chỗ khác làm như không nghe thấy cô vợ trẻ nói gì.

Chị Bông nghĩ thầm chắc cô gái là con nhà giàu đã quen hưởng đầy đủ vật chất sung sướng, lấy ông già để sang Mỹ và lần hồi sẽ bảo lãnh cả nhà sang đây, chiến thuật đi định cư nước ngoài tuy chậm mà chắc.

Ông già dù đã nhuộm đen nốt mấy sợi tóc loe hoe còn lại trên cái đầu hói, dù diện quần jeans áo thun cho ra vẻ trẻ trung cũng không thể nào xứng tầm bên cô vợ trẻ này. Ông tuổi chắc 70 còn nàng chưa đến 30.

Chị ngẩn ngơ nhìn theo đôi vợ chồng đũa lệch khi ông chồng già đẩy chiếc xe chợ đi theo cô vợ trẻ tung tăng váy áo đi trước. Nhìn cảnh này ai mà chẳng nghĩ là cô gái dẫn bố già đi chợ.

Chị Bông về đến nhà không thấy chồng đâu, anh Bông đang ngoài vườn, cây lê quả chín bị sóc gặm hay chim mổ rơi rụng xuống đất anh đang nhặt bỏ vào bao rác, chị Bông chưa kịp kể cho chồng nghe chuyện ngoài chợ thì anh đã than thở:

–  Mùa Thu về ai mộng mơ với lá Thu rơi còn tôi chỉ lo quét lá, lá càng rơi tôi càng chán.

– Anh đừng có kể công, hôm nay em đi chợ thấy một ông già chiều vợ lắm, ông vác một quả mít to và nặng cho vợ mà chẳng than thở gì.

– Thì bà vợ già của ông ấy yếu đuối…

– Trái lại, nàng là một cô vợ mạnh khỏe và rất trẻ đẹp.

Anh Bông lẩm bẩm:

– Nếu thế thì vác cả tạ gạo cũng vui vẻ chứ đừng nói bê quả mít.

– Ý anh muốn nói là những bà vợ già và xấu như tôi thì chẳng cần giúp, cứ mặc kệ cho đáng đời hả? Hả?

Anh Bông gỡ gạc:

– Bà già cũng có giá trị của bà, tôi đang dọn vườn cho bà đây nè.

Buổi chiều chị Bông nhận được một cú phone:

– A lô, tôi muốn hỏi thuê căn nhà đường Naomi Lane còn trống không ạ?

Chị Bông đáp:

– Vâng, chị muốn thuê nhà hả, nhà đang sẵn sàng để dọn vào.

– Chị cho vợ chồng em cái hẹn chiều mai xem nhà.

Chiều hôm sau chị Bông đến địa chỉ căn nhà mà chị đã cắm bảng cho thuê, khi khách đến chị Bông nhận ra ngay cô gái trẻ mua mít trong chợ mà chị đã gặp. Hôm nay nàng lại diện một cái váy khác tươi trẻ và nhí nhảnh hơn cả hôm đi chợ.

Cô gái cũng nhận ra chị Bông ngay, nàng ngạc nhiên:

– Ối giời ôi lại là cô mà em đã gặp ở chợ hôm qua lúc em mua quả mít.

Nàng hồn nhiên kể:

–  Chồng em đã bổ quả mít ra. Ngon lắm cơ, anh ấy gỡ từng múi mít cho em ăn.

Bổ được quả mít to và bóc ra từng múi đã là công việc chẳng hứng thú gì với người phụ nữ, vừa tỉ mỉ vừa dơ tay, nếu không khéo thì nhựa mít dính tay thế mà ông già này phải bổ quả mít to tướng. Lấy vợ trẻ vợ đẹp thì phải chiều cho ra dáng đàn ông chứ chẳng lẽ ông rên hự hự và thều thào rằng: “Em ơi, anh không đủ sức cầm con dao phay bổ quả mít cho em đâu”.

Chị Bông nghĩ thế và mỉm cười, cô nàng cao hứng kể thêm:

– Chồng em giỏi lắm còn nấu cơm rửa bát cho em nữa cơ. Thương anh quá, cuối tuần nào em cũng đòi đi ăn nhà hàng để anh ấy… được nghỉ ngơi.

Rồi nàng quay ra nói với chồng:

– Ðúng là chúng mình có duyên với cô đây anh nhỉ? À, cô ơi em xin giới thiệu em là Mộng Châu, chồng em là Tín.

– Còn tôi là Bông. Mời anh Tín và cô Mộng Châu vào xem nhà.

Ông Tín ngắm nghía bao quát xung quanh căn nhà và nói với cô vợ:

– Cảnh đẹp đấy, căn nhà nằm dưới những tàn cây cao. Bây giờ là mùa Thu lá đang đổi màu. Mai kia mùa Thu chín lá sẽ vàng rực cả cây và rơi rụng càng thơ mộng em ạ. Chúng mình sẽ ngồi dưới gốc cây này uống trà ăn bánh chẳng hạn, và tận hưởng mùa Thu em nhé.

Cô Mộng Châu chẳng thèm để ý gì đến cảm xúc sung sướng của ông chồng già vừa vẽ ra hình ảnh hai vợ chồng hạnh phúc và thơ mộng với cảnh Thu, nàng vén váy bước vào trong căn nhà cũ kỹ và chê, cố tình cho chị Bông nghe từng lời rõ ràng:

– Nước Mỹ nổi tiếng giàu có văn minh mà nhà cửa không đẹp bằng ở Việt Nam. Nhà em ở trước kia là nhà mấy tầng, cổng to lớn cho xe ô tô chạy vào cơ, vườn cây hoa lá đẹp như trong phim truyện Hàn Quốc cơ…

Ông Tín ngượng ngùng ngắt lời vợ:

– Em kể chuyện nhà to nhà đẹp ra đây làm gì…

Chị Bông nghĩ thầm mình đã đoán không sai, cô tiểu thư này từng ở nhà cao cửa rộng, vật chất ê hề, chịu lấy ông chồng già hoặc vì ăn chơi quá độ nên cha mẹ “tống cổ” đi Mỹ cho khuất mắt, hoặc vì mục đích đi Mỹ đổi đời cho bản thân và cả gia đình sau này. Tâm lý của cô con gái nhà giàu ở Việt Nam sang Mỹ bỗng phải sống trong điều kiện tài chính hạn hẹp thời gian đầu thường bị “sốc” và thất vọng như thế.

Chị Bông nói:

– Nhà này tuy cũ nhưng sạch sẽ gọn gàng em ạ, lại là căn nhà cuối đường riêng tư với cây cao bóng mát mùa hè, với lá vàng ngập sân mùa Thu ai cũng thích, người thuê trước vì lý do công ăn việc làm họ mới phải dọn đi thôi. Em mà không thuê là có người khác thuê ngay.

Ông Tín thì thầm năn nỉ vợ:

– Em đồng ý nhé. Các căn nhà khác còn cũ hơn, xấu hơn mà chắc gì được chỗ đẹp như thế này.

Cô Mộng Châu ngẫm nghĩ, chắc biết khả năng ông chồng già chỉ có bấy nhiêu nên nàng đồng ý và không kêu ca gì nữa.

Cuối tuần vợ chồng ông Tín dọn vào nhà.

Ông Tín kê một bộ bàn ghế bên hông nhà dưới tàn cây rủ lá. Chị Bông đã tưởng tượng ra có những buổi chiều Thu mát mẻ hai vợ chồng ông Tín ra đây ngồi cùng uống trà, cùng ngắm lá Thu rơi mà vui lây.

**

Mùa Thu lá đổi màu làm đẹp cả khu phố, toàn những cây phong từ đời nào to cao sừng sững, nhất là con đường Naomi có ngôi nhà của vợ chồng ông Tín đang ở. Có lẽ nơi đây khi xưa là một rừng phong trước khi rừng được xẻ ra xây cất thành những khu nhà ở.

Từ đầu đường đến cuối đường hai hàng cây như chụm đầu vào nhau, chỉ thấy thấp thoáng trời xanh qua kẽ lá.

Mỗi khi gió nhẹ lá phong thoảng rơi vài chiếc, nhưng khi gió mạnh thì nhiều chiếc lá phong cùng lả tả rơi xuống bay bay trong gió thành những vũ điệu uyển chuyển tuyệt vời.

Chị Bông đến nhà vợ chồng ông Tín để thu tiền thuê nhà, họ gọi chị mấy ngày trước nhưng chị bận rộn, hôm nay sẵn đi công việc khác gần đây nên chị ghé vào.

Chiều thứ Bảy chắc sẽ có đủ mặt hai vợ chồng ở nhà, chị vừa thu tiền vừa thăm hỏi xã giao đồng hương luôn thể.

Chị Bông gõ cửa, khi cánh cửa mở ra thoáng nhìn bên trong chị Bông đã nhận ra cảnh bàn tiệc vừa tàn, đồ ăn thức uống, bát đĩa, ly chén, khăn giấy, vỏ chai, lon nước còn bừa bộn trên chiếc bàn dài và rộng được kê ra từ hai chiếc bàn nhỏ nối lại.

Ông Tín đang bận thu dọn bàn tiệc này, ông hơi lúng túng nhưng vẫn lịch sự mời chị Bông vào nhà để ông lấy tiền trả.

Chỉ có mình ông Tín ở nhà, ông chán nản chẳng cần giấu giếm:

– Chúng tôi vừa có tiệc sinh nhật Mộng Châu, cô ấy và bạn bè của cô ấy ăn xong lại kéo nhau đi đến địa điểm vui chơi nào đó. Tôi… ở nhà dọn dẹp, đi theo làm gì cho thêm mệt thân mà chẳng thích hợp với mình.

Lấy tiền xong, chị Bông định ra về nhưng ông Tín dường như quá cô độc và cần có người để trút nỗi lòng nên níu kéo khách ở lại:

– Chị Bông không bận gì thì cứ ngồi chơi trong khi tôi vừa dọn dẹp vừa kể chuyện. Ðã lâu rồi tôi chưa biết tâm sự cùng ai…

– Chuyện cô Mộng Châu, vợ ông?

– Vâng, niềm vui và nỗi buồn của tôi là nàng. Chị đã gặp chúng tôi vài lần, hôm nay chị trông thấy cảnh này chắc cũng đoán ra phần nào, biết đâu nay mai chị sẽ nhìn hoặc nghe thấy những cảnh tương tự thì chị sẽ không thắc mắc hay ngạc nhiên gì nữa.

Chị Bông tò mò ngồi lại một góc bàn lắng nghe ông Tín kể:

–  Tôi góa vợ cách đây mấy năm, ba đứa con ở xa đều muốn tôi về ở với chúng. Nhưng vốn tính ăn chơi bay bướm từ thời trai trẻ, buồn tình vì cô đơn và bỗng dưng được tự do thảnh thơi làm lại cuộc đời tôi cao hứng muốn cưới vợ trẻ đẹp. Loại gái trẻ đẹp chịu lấy những ông già đáng tuổi cha tuổi chú như tôi thì chỉ có ở Việt Nam và đầy trên mạng. Tôi đã tìm được Mộng Châu một cách dễ dàng nhanh chóng.

Ông Tín thở dài :

– Tôi đánh đổi tất cả những tình cảm yêu thương của con cháu vì nàng. Các con tôi đã phản đối, đã buồn giận, các thân nhân họ hàng đã khuyên can, nhưng tôi bất chấp hết.

Chị Bông cảm thông:

– Tôi thấy ông luôn tỏ ra thương yêu và chiều chuộng nàng bằng tất cả tấm lòng chân thật, chắc nàng cũng hiểu điều đó.

– Vâng, nhưng tất cả những thương yêu chiều chuộng ấy không thể biến một ông chồng già thành chàng trai trẻ cho xứng với nàng được. Mộng Châu đang bắt đầu chán chường tôi rồi, thậm chí nàng coi thường tôi, cứ ngang nhiên vui chơi với bạn bè trang lứa, nếu tôi không tự ái chia tay thì cũng có lúc nàng sẽ thẳng thắn nói chia tay.

– Rồi ông tính sao?

Ông Tín rầu rầu:

– Chắc ngày ấy không xa đâu, vì Mộng Châu đã có thẻ xanh rồi. Tôi lại trở về cuộc sống độc thân.

Chị Bông nói đùa cho ông Tín bớt buồn:

– Nhưng chắc ông không lặp lại lần nữa, tìm cô tiểu thư con nhà giàu Mộng Châu thứ hai đâu nhỉ…

Ông Tín bỗng bật cười ha hả làm chị Bông ngạc nhiên tưởng mình đã nói gì sai trái:

– Chị vừa bảo gì? Cô Mộng Châu tiểu thư con nhà giàu?

– Chứ còn ai nữa, cô ấy đã mấy lần khoe cuộc sống giàu sang trước đây ở Việt Nam.

Ông Tín cười cho đã đời xong mới nói:

– Mộng Châu chỉ là biệt hiệu, tên thật của nàng là Nguyễn Thị Chuông..

Chị Bông ngạc nhiên:

– Nhưng gia đình cô ấy giàu có thì  cái tên có ảnh hưởng gì đâu?

– Ai bảo chị là nhà cô ấy giàu có? Cô ấy…

Chị Bông sốt ruột tranh lời:

– Cô ấy khoe ngày ở Việt Nam từ cái tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp trái cây ngon, thức ăn ngon đến ngôi biệt thự to lớn mấy tầng, xe ô tô có thể chạy vào tận trong sân…

– Ðúng là Mộng Châu từng ở trong biệt thự cao sang, trong nhà có tủ lạnh lúc nào cũng đầy thứ ngon vật lạ. Nhưng vấn đề là cô Mộng Châu tức cô Nguyễn thị Chuông không phải là cô tiểu thư con ông bà chủ, mà chỉ là con sen, là đứa ở đợ mà thôi, gia phả nhà nàng ba đời bần cố nông, vì thế nên cô Chuông đã lên mạng tìm bạn bốn phương để đổi đời và đã đạt ước mơ sang Mỹ như chị đã thấy rồi đó.

Chị Bông chưa hết ngỡ ngàng:

– Thì ra thế, cô ấy cứ nói kiểu nửa vời làm tôi tưởng lầm. Gái Bắc kỳ khéo léo thật, tôi cũng là Bắc kỳ mà còn thua xa.

– Tôi biết rõ hoàn cảnh nàng, một ông già như tôi cưới được vợ trẻ đẹp là quá đủ rồi, sang Mỹ ai biết nàng từng là con sen con ở. Tưởng nàng sẽ an phận sống bên tôi lâu dài…

Ông Tín quay ra than van:

– Chắc kiếp trước tôi mắc nợ nàng chị Bông ạ, ngày vợ tôi còn sống bà ấy yêu thương săn sóc tôi từng bữa cơm từng giấc ngủ. Lấy Mộng Châu thì ngược lại tôi phải chiều chuộng hầu hạ nàng từng tí một mà nàng chưa vừa lòng. Các con tôi đã đoán trước điều này thế mà tôi cứ đâm đầu vào, không ngờ tình yêu ở tuổi già cũng đam mê, bồng bột mù quáng không thua gì tuổi trẻ.Tôi buồn lắm mà chẳng biết nói cùng ai, con cháu còn đây, thân nhân còn đấy nhưng tôi mặt mũi nào tâm sự với họ. Hôm nay được dịp nói với chị tôi thấy vơi nhẹ lòng.

Chị Bông an ủi:

– Thôi, ông Tín đừng buồn, coi như ông làm phước cứu nhân độ thế, mở hé cánh cửa cho đại gia đình bần cố nông cô Nguyễn Thị Chuông sẽ được đổi đời để thế hệ sau khá hơn.

Chị Bông chào ông Tín ra về, ông già lù khù lại lúi húi đứng trong bếp rửa tiếp đống bát dĩa cao chất ngất, mà nếu ở với con cháu thì công việc này không phải của ông.

Chị Bông bước ra ngoài, mùa Thu vẫn rực rỡ ngoài sân.

Chị Bông thấy bộ bàn ghế bên hông nhà phủ đầy lá phong rơi, có lẽ cả tháng nay vợ chồng ông Tín không hề ra đây ngồi hay quét dọn.

Cô Mộng Châu trẻ trung phơi phới yêu đời và đua đòi kia làm sao hiểu được thú vui của tuổi già, ngồi hàng giờ bên ông chồng già cùng uống trà và ngắm lá Thu rơi cho được.

Tội nghiệp mùa Thu làm đẹp cho đời cho mọi người nhưng ở góc phố này, góc đường này, nơi lá vàng nhiều nhất đẹp nhất thì mùa Thu lại bị bỏ quên hững hờ.

Tội nghiệp ông Tín ở cái tuổi mùa Thu cuộc đời đáng lẽ ông sẽ được an hưởng tuổi già bên con cháu hay nếu cho đời bớt lẻ loi thì tìm người bạn cùng trang lứa. Ham gì niềm vui ngắn ngủi bên cuộc tình so le để phải nghe tiếng gièm pha của người đời và ngậm đắng nuốt cay như thế.

Nguyễn Thị Thanh Dương 
(Nguồn "Trẻ" online)

23 November 2018

Cười tí tỉnh: Về nói lại cho Tao biết

Cầm tấm check vừa ký xong, đưa cho con gái và nói:
- Hôm nay con vừa đúng 18 tuổi, đây là tấm Cheque “Child support” cuối cùng của Ba, con cầm về đưa cho Má của con và nhớ nói: “Từ đây trở đi…Má của con đừng hòng lấy thêm tiền của Ba dù chỉ là…một xu”.
Nói xong con nhớ dòm cái mặt Bả như thế nào…chiều trở qua đây nói cho Ba biết !
**
Buổi chiều thấy con gái trở qua, Ông hấp tấp hỏi:
- Sao, con nói xong thấy cái mặt Bả ra sao…nói cho Ba biết !
Cô gái:
- Má con biểu con qua đây nói lại với Ba: “Thật ra…con không phải là con ruột của Ba."
Má nói thêm: “Mầy nói xong nhìn cái mặt của Ổng ra sao… về nói lại cho tao biết !”

Cây kiểng của quan chức

Trương Minh Ẩn

Nhớ lại cách đây khoảng chừng 6-7 năm về trước, vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, tình cờ tôi gặp người quen cũ. Anh bạn làm ở một công ty trực thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong thành Hồ, tức thành phố Hồ Chí Minh mà người ta diễu cợt là thành “hồ chứa mưa”.

Chào hỏi xã giao xong, thấy anh bạn có vẻ buồn buồn, muốn tâm sự điều gì đó, tôi kéo anh vào quán cà phê. Hỏi thăm thì được biết, anh vừa đi tặng quà cho sếp về. Sếp này trên cả chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP. Sếp một thời đã kinh qua chức vụ này rồi dần dần trèo cao hơn, lúc bấy giờ đã “ngự trên ngai vàng”, làm “vua” thành Hồ. Ông ta chính là Lê Thanh Hải, Bí thư TP HCM, về hưu năm 2016.

Quà tặng là một cặp cây kiểng có giá gần nửa tỷ đồng để “vua” chơi tết. Nói rồi, anh bạn thở hắc, tỏ ra mệt mỏi, vừa lấy hết sức cất công đi tìm cặp kiểng thật đẹp, thật hoành tráng, phải đứng nhất trong thiên hạ, rồi tìm xe cẩu, xe vận chuyển, chở tới nhà sếp. Tới rồi còn phải dọn dẹp vườn tược, sửa sang cho đúng tư thế, hết cả ngày trời mới vừa ý ông ta.


Nhưng đó chưa phải là tất cả nỗi buồn của anh. Anh bạn buồn hơn nữa là vì trong khoảng thời gian này vẫn còn khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng kinh hoàng bắt đầu từ năm 2008 rồi kéo dài thêm vài năm sau đó. Công ty anh làm ăn cầm chừng, gần cuối năm chưa thấy lương chứ đừng nói tới tiền thưởng. Nhân viên công ty đang méo mặt, vậy mà vẫn phải vét hầu bao để tặng món quà xa xỉ cho sếp lớn.

Như đã nói, vườn tược cũ nhà sếp phải dọn cho gọn ghẽ, mất cả ngày trời, với cả chục người, hai người được mướn chăm sóc vườn quanh năm tại đây, còn lại là lính của Lực lượng. Qua đó có thể biết vườn cây kiểng nhà ông ta rộng và có giá như thế nào. Trong những ngày này, liên tục các công ty, các cơ quan đoàn thể khác cũng đưa cây kiểng tới tặng sếp.

Các xe chở quà thì ôi thôi, phải nói là tấp nập. Chỉ rượu ngoại thôi đã phải chất thành kho, các loại quà khác nhiều thế nào, không khó tưởng tượng. Nhưng ông ta chẳng màng lắm tới chuyện quá nhiều quà, có lẽ chúng quá nhiều thành ra chẳng còn quan tâm và có thể để vợ con ông ta quản lý. Ông ta lo cái gọi là “tinh thần”, cái thứ xa xỉ.

Ngoài một số công ty lấy tiền quỹ, tiền của nhân viên, thì các cơ quan đoàn thể lấy tiền ở đâu? Không phải tiền thuế của dân thì tiền ở đâu ra để biếu mấy ông quan này?

Sự khốn nạn tận cùng nằm ở chỗ bất chấp dân tình đang khốn đốn, các công ty lao đao, họ vẫn phải bấm bụng cung phụng cho các sếp. Và lừa bịp trắng trợn bằng các văn bản đóng dấu đỏ chót, bằng những ngôn từ lừa mị giăng trên băng rôn, pa nô, áp phích… ra rả trên báo đài, rằng cần phải thực hành tiết kiệm, không quà cáp, không biếu xén…

Cây kiểng của ông Lê Thanh Hải hiện nay theo thời giá, tính bằng tiền tỷ, nhiều tỷ.

Nhớ lại chuyện của ông “vua” một cõi này, chuyện ông tướng công an đánh bạc đang bị đưa ra tòa mấy hôm nay, khi ông tướng khai rằng ông bán cây kiểng được tiền tỷ, mua đồng hồ Rolex, thì chẳng có gì lạ. Chắc hẳn rằng đó cũng là cây kiểng được “cúng dường cho vườn ăn chơi” của ông ta. Tiền “cúng” đó chắc chắn là của các viên chức công an cấp dưới của ông ta, nhưng chẳng phải họ bỏ tiền túi ra, mà đó là tiền chúng bóc lột của dân đen.

Thể chế này quá mục nát, nên nó “đẻ” ra những con người như vậy. Những con người vô cảm, vô cùng khốn nạn, bất chấp tất cả, chỉ biết lợi ích riêng tư, đặc biệt là càng ngày càng sa đọa, càng ngày càng tham lam, xa xỉ. Vì thói tham mà chúng ăn không từ thứ gì của dân, không từ bất cứ thủ đoạn, mưu mô xảo quyệt nào.

Chỉ mong sớm có ngày “dân nổi can qua” thì bọn này chỉ còn đường chui ống cống, như tổng thống Gaddafi ở Libya.

Trương Minh Ẩn
Theo báo Tiếng Dân

21 November 2018

12 Năm Tình Lận Đận

Người ta có thể thương nhiều người nhưng YÊU chỉ có một người.

Điểu Du Nguyệt (TS5)

Điểu Du Nguyệt
Ngày 30/04/1975, lúc Ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tôi đang ở khu định cư dành cho dân Phước Long ở quán chim Long Thành, tôi rầt buồn và cũng rất bình tĩnh hơn bất cứ lúc nào, sẵn sàng đón nhận mọi bất trắc có thể xảy ra!
Trước đó một tuần, tôi cùng một số cán bộ đã ra Vũng Tàu, không hiểu tại sao tôi lại có quyết định trở lại Quán Chim để rồi không ngờ cầu Vạn Kiếp và Long Thành bị đánh, tôi kẹt ở giữa?

Sau đó tan hàng, hồn ai nấy giữ! Súng được tháo ra vứt mọi nơi, trà trộn vào đám người chạy loạn về Saigon…. Cũng nhờ thẻ sinh viên mà tôi còn giữ lại nó đã giúp tôi qua bao trạm du kích địa phương trên đường về Saigon.

Khủng khiếp nhất là quãng đường ở làng cô nhi Long Thành, những xác chết trên đường trong lô cao su, quần áo vương vãi khắp nơi, mùi hôi tanh nồng nặc, khiến tôi lợm giọng! Tôi đã từng bị trận Phước Long nhưng chưa thấy hình ảnh nào khủng khiếp như thế! Cái giá của Hòa Bình khủng khiếp thật!

Về đến Saigon, ở nhà anh tôi tại chợ Nancy, đi vòng vòng thì gặp thằng bạn học cũ, Mai Phát Vĩnh, nó đạp xe chở tôi ra chợ Bến Thành nhìn dòng đời thời CS, những tên 30/04 đeo băng đỏ, chạy đôn đáo, chỉ điểm; những đứa con nít mới 13-14 tuổi cầm súng bắn vô tội vạ, những mâu thuẫn cá nhân cũng được giải quyết không cần luật pháp của cái buổi giao thời! Những tay bộ đội miền Bắc mới vào ngơ ngơ ngáo ngáo!

Đi ngang qua dinh Độc Lập, bộ đội tắm rửa trên sân cỏ, phơi đồ bất cứ chỗ nào họ thích…v…v… Mân mê chiếc xe đạp; âu yếm cái đài; vuốt ve cái đồng hồ 3 que, 2 cửa sổ, 12 đèn; ngồi kiểu nước lụt bên ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”! Tội cho họ, một chủ nghĩa đã đẩy lùi cả một thế hệ! Nhưng tôi vẫn ghét hơn cả là lũ theo đóm ăn tàn 30/04.

Một tuần lễ sau, họ phát loa phóng thanh kêu gọi trình diện, tôi trình diện tại Trường Trần Hưng Đạo trên đường Trần Hưng Đạo Sàigòn.

Mọi người tấp nập trình diện, không khí nặng nề, ngờ vực, nghi kỵ; biết nhau nhưng coi như người xa lạ! Những bộ đội Bắc cầm AK-47 đứng canh từng góc trường. Lên lầu hai, họ phát cho mỗi người mỗi tờ giấy học trò.. người cán bộ nói như một cái máy “…với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước, Các anh phải thành thật khai báo với Cách Mạng….”.

Ai nấy cũng cắm đầu viết, tôi viết ngắn gọn, mà tôi cũng chẳng có gì để viết! Một năm làm việc không bằng thời gian mấy xếp tôi nghỉ bịnh. Nhìn trong phòng toàn là tướng, tá… ; tổng giám đốc, giám đốc của các phủ, bộ… Có ông Lê Hồng Tuấn, Tổng Giám Đốc Bộ Phát Triển Sắc Tộc mới ở Mỹ về chưa được một năm!

Chờ cho vài người nạp bản tự khai rồi tôi mới nạp. Người cán bộ đọc xong bản tự khai rồi yêu cầu tôi ở lại và ngồi chờ. Tôi thầm nghĩ, không biết chuyện gì đây? Tôi biết tôi nên khai những gì? Khoảng 20 phút sau, tôi được gọi ra ngoài hành lang thì thấy để sẵn một cái bàn nhỏ và hai cái ghế, một người cán bộ già trạc tuổi trên 60, đeo cái xắc-cốt cũ lâu năm lên nước bóng loáng, lưng đeo cây K-59 ở giữa mông!

Ông ta ăn nói rất lịch sự, mời tôi ngồi và chìa hộp thuốc lá 555 bằng thiếc đã bạc màu, nhưng bên trong là những điếu thuốc lá đen. Tôi từ chối vì không biết hút thuốt lá, sau một hồi vòng vo, ông có vẻ hiểu rành về Phước Long và hỏi tôi về những viên chức tại Phước Long. Nhưng tôi trả lời tôi làm ở cơ quan sắc tộc, chỉ lo những vấn đề xã hội liên quan tới đồng bào sắc tộc. Ông nói: “tôi không tin nó đơn giản như vậy?”. Sau hai giờ không khai thác được gì, ông cho tôi về suy nghĩ lại và ngày mai lên gặp tiếp? Sau ba lần, cũng chỉ có thế! Ông trao cho tôi một tờ giấy đã trình diện do tướng Cao Đăng Chiếm, chủ tịch quân quản thành phố Saigon ký và nói tôi phải trình diện tại địa phương.

Hai ngày sau tôi đón xe lam về Bình Dương, xe chạy đường trong. Nhìn hai bên đường, thỉnh thoảng thấy những bộ đồ lính, cả những nón sắt vứt ven đường, lòng đau như cắt! Nhìn đám lục bình trôi, bên trên đám ruồi bay nhặng xị, mùi hôi thối nồng nặc vì những xác người chết; tôi biết đó là những kết quả của những cuộc thanh trừng tại địa phương!

Về đến Bình Dương, Mẹ tôi ôm tôi khóc nức nở! Chiều đó trời mưa nhiều, chị hàng xóm bắt được một số cóc, đem nấu cháo. Lần đầu tiên trong đời ăn cháo cóc, ngọt và ngon thật. Phải chăng vì sự thiếu thốn hay không của những ngày đầu thống nhất!

Vài ngày sau, tôi quyết định về Bình Long vì tôi biết Bình Dương với tính cực đoan của dân Phú Hòa Đông, những cuộc thanh trừng thù oán cá nhân đã xảy ra hằng ngày!

Trên chuyến xe đò về Bình Long, những dấu vết chiến tranh vẫn còn vương vãi bên đường qua cuộc di tản! Những người ngồi trên xe im lặng, mỗi người một tâm trạng lo âu, nghi kỵ, sợ sệt! Không biết cuộc đời sẽ về đâu? Qua Lai Khê, rồi Chơn Thành, ngã Ba Xa Cam…Người đầu tiên mà tôi gặp là Thành mập (Phạm Ngọc Thành) đang leo trên cổng bằng sắt trước khi vào Bình Long treo cái bảng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự Do”.

Đến bồn nước tròn ở chợ cũ, tôi tạm trú tại nhà chị Tư Bê, hôm sau cùng anh Sửu, bảy Đại lấy xe lam đi gỡ tôn để làm nhà, trên mảnh đất của Trường Tiểu Học Thượng. Ngày nào cũng nghe tiếng nổ, cũng nghe tin có người chết hay bị thương vì nổ trái vỉ. Bình Long là vùng đất của bom đạn còn lại trong chiến tranh.

Tôi gặp những người bị lùa trong cuộc chiến 1972, còn gọi là bộ đội “Khóc”, họ nhìn tôi với cặp mắt đầy nghi kỵ như người xa lạ, mặc dù đã biết nhau học cùng trường THBL hay cùng lớp!

Trình diện Năm Thanh, Hai Tấn chủ tịch quân quản huyện Bình Long thời đó, họ tịch thu giấy của Cao Đăng Chiếm và nói tôi không được đi ngoài khu vực phạm vi huyện Bình Long. Ngày lại ngày, cơm với cá khô đù, đọt ổ qua rừng chấm mắm nêm.

Hai tuần lễ sau, một thằng nhỏ du kích tới thông báo ngày mai đến nhà thờ Bình Long để đi học tập cải tạo, quán triệt chính sách và đường lối của Đảng và nhà nước. Đêm đó, tôi và Mẹ tôi trằn trọc không ngủ trên tấm ván lượm được, nhìn lên mái nhà lỗ chỗ những mành đạn pháo, thấy tương lai mù mịt! Tôi thầm nghĩ thôi thế thì thôi, cứ thả nổi theo giòng đời!

Ngày 20 tháng 05 năm 1975, vào Lúc 8 giờ, tập trung trong nhà thờ Bình Long. Sau khi điểm danh xong, đoàn người trật tự leo lên hai chiếc xe GMC. Trong chuyến áp tải có cả Hồ Sĩ Đạt, đeo cây M-79, mặc bộ kaki vàng, quấn chiếc khăn rằng với mũ tai bèo. Nó là bạn cùng lớp, bị bắt đi bộ đội năm 1972. Bên kia đường, trước nhà thờ là những thân nhân đứng tiễn người đi. Tôi thấy Mẹ tôi đang đứng chỗ sạp bà Ba Rổ, ngóng tìm tôi cho tới khi đoàn xe mất hút!

Đoàn xe di chuyển, mọi người ngồi dưới sàn xe, không ai được đứng dậy, được lệnh “nếu ai đứng dậy sẻ bị bắn bỏ”.

Đường dằn dữ dội, có những lúc xe như nhẩy nhổm lên! Chỉ biết xe đi hướng Lộc Ninh, rồi qua Bù Đốp, gần đến cầu Hoàng Diệu, xe quẹo vô rừng. Không biết họ làm gì đây, đi học tập hay đi tàu suốt như Huế năm Mậu Thân? Không có gì họ không dám làm! Thôi tới đâu thì tới!

Lúc đó khoảng ba giờ chiều, trong rừng già trời âm u. Mọi người xuống xe, tôi đơn giản với bộ đồ bà ba đen (đồ CB/PTST), cái bao vải đựng vài bộ đồ, cái võng lính (qua Mỹ tôi vẫn còn mang theo), lon gô mắm ruốc xào xả ớt, tất cả bày ra để cán bộ kiểm tra…

Bỗng có tiếng “Thằng Mười vô rồi!” đây là thứ của tôi, nhìn qua thì thấy thằng Chí, ở ấp Thánh Mẫu, nó bị bắt năm 1972, rồi vô CA. Kiểm soát xong, tôi được vô trại.

Thật kinh khủng, nhìn những tù cũ, da thì xanh xao vàng vọt, thân như những bộ xương cách trí! Gặp anh tôi, anh ấy về Lộc Ninh trước nên vô trước! Trại giam được làm bằng lồ ô, mái lợp lá trung quân.

Gặp nhân viên cũ, họ cho tôi mấy ống lồ ô, hai ngắn (đi cầu), hai dài (một đựng nước, một đi tiểu). Vô phòng, có trưởng phòng hướng dẫn nội quy. Tối ngủ phải cùm, cùm là một thanh cây có khoét lỗ tròn đút cổ chân vào, có một thanh cây nữa chận bên trên, được khoá ở ngoài cửa. Phòng được đốt một đống lửa, nếu cháy phòng không biết sao mà chạy, vì chân bị cùm!

Vào trại, cùng các giáo sư: thầy Huấn, thầy Bê và thầy Lai…. sau này thầy Huấn bị điên, bị nhốt dưới hầm sâu (đó là một cái hầm đào cạnh phòng giam, nó được đào giống chữ L, sâu khoảng 3.5 m, dưới lót ván, can phạm ngồi phải khom, chân bị còng chữ U bằng sắt). Mỗi lần nổi cơn điên, thầy Huấn lấy phân trét cùng đầu, mình mẩy. Họ cho thầy làm bộ! Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà thôi. Thành phần hỗn hợp, phe ta, phe địch, chiêu hồi, gián điệp… Gặp Sương Lộc Ninh, làm thợ rèn, bị bắt sau khi Lộc Ninh bị chiếm năm 1972, biết nhưng chỉ dám nhìn nhau!

Sáng, gõ kẻng thức dậy, ăn sáng, đi làm. Thức ăn chỉ khoai mì lát mốc meo vẫn phải ăn và chỉ ăn với nước muối pha loãng! Không có muối hột vì họ sợ dự trữ để trốn trại. Cái đói và cái sốt rét ác tính, đây là hai bài học phải học đến chết với những người tù tại trại giam C-5 sông Măng này!

Lúc đó, ông Năm Hùng làm trưởng trại, Hải (hậu cần), Hận (chấp pháp). Không biết có ai còn nhớ đến người bán cà-rem, chạy xe đạp, tính tình vui vẻ, mỗi lần dừng xe hay nhổng đầu xe đạp và quay 1 vòng, có lần bán trước trường tiểu học An Lộc bị ông Hai Bon, bán nước cho học trò, đánh lỗ đầu vì cạnh tranh mua bán. Tay Hận này vẫn nhịn nhục. Nhà ở khu bánh bèo Biên Thùy, sau đó bị bắt đưa ra Côn Đảo và được trao trả Tù Binh tại Lộc Ninh; giờ về làm chấp pháp Trại C-5 sông Măng.

Mỗi sáng, sau khi gõ kẻng, CB đừng trước phòng điểm danh, mọi người phải la to “thưa ông cán bộ có”, phải gọi CB bằng “Ông”! Mở cùm, tuần tự ra khỏi phòng, dẫn đi vệ sinh, khu vực phía sau trại. Sau đó, tập họp, ăn sáng gồm một chén khoảng 6 miếng khoai mì lát! Xong, phân công từng toán đi làm: phát rừng, làm rẫy, khiêng cây về cho đội cưa xẻ trong trại, 8 người khiêng một khúc cây, khiêng không nổi bớt còn 6 người! Những bước đi xiêu vẹo trên những thân xác đói ăn, bệnh hoạn, vì sốt rét ác tính! Tất cả các bịnh chỉ có thuốc “Xuyên Tâm Liên”. Anh Ngô Công Vì, thuộc cán bộ XDNT/BL, coi võ đường Hắc Long gần quán bánh bèo Biên Thùy và rất nhiều người khác chết ở trại nầy khiến Năm Hùng phải đổi hướng cổng trại. Tôi còn nhớ có người lính BV, trung úy CS, tên là Nguyễn Xuân Trường, kỹ sư hóa chất, tốt nghiệp tại Trung Quốc; cha là CB cao cấp trong ngành ngoại giao ngoài Bắc, bị tội giết người vì bị kiểm điểm! Lúc nào cũng đội cái mũ biệt kích mà anh rất thích. Sau anh bị bịnh sốt rét, nằm một chỗ, hai mông lở loét, bị nhiễm trùng, sau đó bị khoét sống to bằng miệng chén, chịu không nổi, phải chết! xác được quấn chiếu, chôn cô đơn một góc rừng già!

Có một hôm, CB trại gọi tôi lên làm việc. Thắng, CB trại dẫn đi ngang qua cái chòi, tôi biết chòi này đặc biệt nhốt mục sư Điểu Huynh, đến nhà CB Hận chấp pháp, sau 1 lúc trò chuyện không đâu, hắn mang tô cơm có cá kho tiêu cho tôi ăn và ngon chưa từng có! Sau những tháng ngày chỉ khoai lát nước muối! Xong, hắn cho tôi về trại, thằng Thắng đưa tôi về… đơn giản có thế sao? Đến giờ nghĩ lại, tôi còn “lạnh gáy”, dọc theo đường nó bắn và cho rằng tôi trốn chạy thì sao?

Khoảng 3 tháng sau, trại được chuyển về sở Nhỏ gần Bù Đốp, tôi cùng một người được đặc biệt đi xe GMC, còn những người khác phải đi bộ! Trại này thoáng hơn, xung quanh là rừng cao su. Hôm đó, tôi đang lên cơn sốt rét nằm ở phòng, bỗng nghe tiếng gọi “Mười đó hả?”. Mấy chục năm rồi tôi vẫn nhìn ra “nó”, từ ngày nó vô rừng! Ngó quanh quất rồi nói “thôi mầy ráng cải tạo tốt rồi về”, và thảy cho tôi hai gói Sàigòn Giải phóng, thời điểm đó thuốc này rất hiếm!

Một tuần lễ sau, Năm Hùng gọi tôi lên văn phòng trại thì không ngờ gặp Mẹ tôi đến thăm. Tôi là người đầu tiên được thăm, nhìn Mẹ tôi với khuôn mặt khắc khổ, già nua, tóc bạc đi rất nhiều! Những giọt nước mắt của tôi từ từ chảy xuống, không hiểu tại sao? Tôi đã bị những trận tận cùng nhất, tôi cũng chưa bị như vậy! Hỏi thăm cuộc sống bên ngoài thế nào? Tôi biết Mẹ tôi dấu tôi! Trò chuyện chừng 20 phút, tôi được báo hết giờ! Không hiểu sao họ không cho anh tôi được ra thăm Mẹ tôi? Ra ngoài, tôi sững sờ thấy người lái xe Honda chở Mẹ tôi là anh T. bị kẹt lại Lộc ninh năm 1972?

Ở sở Nhỏ hai tháng tôi, anh tôi cùng một số chọn lọc được chuyển về khám đường Bình Dương, trên đường về xe ghé Bình Long. Xe đậu ngay chỗ tiệm sửa xe Thanh Hải cũ, ngồi dưới sàn xe nhìn qua khe hở của tấm bạt, tôi thấy vài người quen nhưng không dám gọi.

Khám đường Bình Dương là trung tâm cải huấn Bình Dương cũ, gần tòa hành chánh BD cũ, nay là VP/UBND tỉnh BD, trại giam này do Ngô văn Thới (Ba Thới) làm chủ ngục, Hai Khánh (Khánh Thọt) làm chấp pháp. Vào bên trong trại, mọi người xếp hàng kiểm tra, họ tịch thu mọi thứ: dao, đũa, dây… những thứ có thể gây thương tích hay tự sát.

Hơn 80 người trong một căn phòng nhỏ, dài 8 m, ngang 5 m. Phải ngủ ngược đầu hay ngủ ngồi. Có những lúc trời nóng, phải cởi trần hay ở truồng, mùi thối vì hơi người, quần áo giặt không cần phơi cũng khô! Trong phòng có những lúc phân, nước tiểu tràn ra phòng! Chính CA cũng phải bịt mũi mỗi lần nhìn vô phòng để kiểm tra. Chúng tôi còn tệ hơn súc vật! nước uống mỗi người 0.75 lít/ngày, khoai lát hoặc bo bo, bắp cải luộc nước muối trường kỳ kháng chiến! Một tháng sau ai nấy ghẻ cùng người, cả hai bàn tay cũng bị! Khi tắm phải lấy bao nilon bao lại vì nước vô rất rát! Chỉ trị ghẻ bằng nước thuốc lào! Mỗi sáng thức dậy, giũ chiếu, quét phòng, mày ghẻ gom lại cả hơn hai chén cơm! Và điều khủng khiếp nhất là có người đói quá không chịu được đã lấy mày ghẻ dấu để ăn như ông tên là Thiêm!

Có hai người bị án tử hình, chưa đem bắn đã bị suy nhược đói và chết như: Socnuoi (nghi là gián điệp Pol Pot, thật ra anh này Pol Pot nhưng lấy vợ VN, đưa vợ về Bù đốp vì sợ Pol Pot giết, sau đó trở lại tìm vợ thì bị bắt), còn Điểu Bluc, xã đội trưởng du kích Đức Phong, bị nghi là tình báo Mỹ? Còn tôi cũng bị Hai Khánh đặc biệt quan tâm. Có lần hắn gọi tôi lên thẩm tra, cho rằng không thật thà khai báo!

Trong phòng hắn hỏi “Mầy biết B- 52 không?”, xong hắn lấy bao nilon đốt cho chảy rồi nhễu từng giọt xuống các đầu ngón chân, trong khi hai chân đang bị cùm! Lúc đầu rát điếng người, tê dại hai chân… Hắn cười rất khoái chí, cái nụ cười dã man của một con thú đội lốt người! May tôi là tù đã trình diện cải tạo, không thì xong đời!

Tuần lễ sau được trả về phòng lớn, hai chân bị liệt, tê dần từ đầu ngón tay lên vai; hai chân thì từ đầu ngón chân lên tới rốn! Có lần được đưa ra phơi nắng cùng người đã già tên là Mai vượt biên đường Bù Đốp bị bắt. Những người được đem phơi nắng là sắp “Vẫy tay chào em!”, lúc đó anh đút cháo cho tôi, đút vào cháo lại trào ra; đôi lúc mê sảng, cũng may Trời cứu!

Một tuần lễ sau tôi được chuyển Trại đi K-3 Gia rai, Long Khánh, gồm 13 người và được mệnh danh là 13 con ma, vì mình ghẻ lở, được bôi Lưu huỳnh cho tróc mày ghẻ, ai nấy cũng đen còn hơn cả những đặc công!

Trên chuyến xe chuyển đi K-3 Gia ray, Long Khánh, lên xe đã thấy có anh Võ Tấn Vinh (Phó Tỉnh BL, sau về làm PTT/BD) từ trại nhà Đỏ BD nhập chung. Trại K-3, nằm trên đồi tên Phượng Vỹ, thuộc Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18BB.

Vô trại, tôi được chuyển lên trạm xá, cũng nhờ anh Lê Phước Chỉ (đại úy) tận tình giúp đỡ và châm cứu, 15 ngày sau tôi chống gậy đi lại được. Một tháng sau tôi được thăm nuôi, anh tôi vẫn phải cõng tôi xuống núi! Gặp Mẹ tôi, nhìn Mẹ với 2 hai hàng lệ chảy dài trên trên đôi má nhăn nheo của Mẹ già, lòng tôi đau như cắt! 15 phút trôi qua như gió thoảng, thế rồi giã từ qua tiếng nghẹn ngào của Mẹ tôi! 

Hai tháng sau, anh tôi được chuyển ra Bắc, qua ngã Tân Cảng, bằng Tàu Sông Hương, tôi được ở lại vì còn bị liệt hai chân!

Rồi bỗng một hôm, trực trại gọi tôi có thăm nuôi, anh tù phụ trách thăm nuôi dìu xuống núi, nhìn cuối bàn thăm nuôi thì không ngờ gặp lại cô ấy, tôi không ngờ! Cả hai đứng như trời trồng không nói nên lời!

Thì ra T., nhìn hai dòng lệ trên khuôn mặt lam lũ, phải bon chen giữa dòng đời nghiệt ngã của buổi giao thời. Nhưng đôi mắt vẫn buồn và đẹp như thuở nào…

“…Cậu Mợ khỏe không?”, “Cuộc sống em thế nào? ”, “Không biết bao giờ anh về? Hãy coi nhau như người bạn tốt…”, “Em nên lấy Chồng…!”. Nắm đôi bàn tay không còn mềm mại như ngày nào! Lâu rồi đời mình cũng quên, nhưng có quên được đâu!

20 November 2018

Nỗi Buồn Tíếng Việt

 Chu Đậu

Ngôn ngữ thay đổi theo thời gian, theo sinh hoạt xã hội. Mỗi ngày, từ những đổi mới của đời sống, từ những ảnh hưởng của văn minh ngoại quốc mà ngôn ngữ dần dần chuyển biến. Những chữ mới được tạo ra, những chữ gắn liền với hoàn cảnh sinh hoạt xưa cũ đã quá thời, dần dần biến mất. Cứ đọc lại những áng văn thơ cách đây chừng năm mươi năm trở lại, ta thấy nhiều cách nói, nhiều chữ khá xa lạ, vì không còn được dùng hàng ngày. Những thay đổi này thường làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động hơn, giàu có hơn, tuy nhiên, trong tiếng Việt khoảng mấy chục năm gần đây đã có những thay đổi rất kém cỏi. Ban đầu những thay đổi này chi giới hạn trong phạm vi Bắc vĩ tuyến 17, nhưng từ sau ngày cộng sản toàn chiếm Việt Nam, 30 tháng tư năm 1975, nó đã xâm nhập vào ngôn ngữ miền Nam. Rồi, đau đớn thay, lại tiếp tục xâm nhập vào tiếng Việt của người Việt ở hải ngoại. Người ta thuận theo các thay đổi xấu ấy một cách lặng lẽ, không suy nghĩ, rồi từ đó nó trở thành một phần của tiếng Việt hôm nay. Nếu những thay đổi ấy hay và tốt thì là điều đáng mừng ; Nhưng than ôi, hầu hết những thay đổi ấy là những thay đổi xấu, đã không làm giầu cho ngôn ngữ dân tộc mà còn làm tiếng nước ta trở nên tối tăm. 

Thế nhưng dựa vào đâu mà nói đó là những thay đổi xấu ? 
Nếu sự thay đổi đưa lại một chữ Hán Việt để thay thế một chữ Hán Việt đã quen dùng, thì đây là một thay đổi xấu, nếu dùng một chữ Hán Việt để thay một chữ Việt thì lại càng xấu hơn. Bởi vì nó sẽ làm cho câu nói tối đi. Người Việt vẫn dễ nhận hiểu tiếng Việt hơn là tiếng Hán Việt. Nhất là những tiếng Hán Việt này được mang vào tiếng Việt chỉ vì người Tầu ở Trung Hoa bây giờ đang dùng chữ ấy. Nếu sự thay đổi để đưa vào tiếng Việt một chữ dùng sai nghĩa, thì đây là một sự thay đổi xấu vô cùng. Hãy duyệt qua vài thay đổi xấu đã làm buồn tiếng Việt hôm nay : 

1. Chất lượng : 
Ðây là chữ đang được dùng để chỉ tính chất của một sản phẩm, một dịch vụ. Người ta dùng chữ này để dịch chữ quality của tiếng Anh. Nhưng than ôi ! Lượng không phải là phẩm tính, không phải là quality. Lượng là số nhiều ít, là quantity. Theo Hán Việt Tự Ðiển của Thiều Chửu, thì lượng là : đồ đong, các cái như cái đấu, cái hộc dùng để đong đều gọi là lượng cả. Vậy tại sao người ta lại cứ nhắm mắt nhắm mũi dùng một chữ sai và dở như thế. Không có gì bực mình hơn khi mở một tờ báo Việt ngữ ở hải ngoại rồi phải đọc thấy chữ dùng sai này trong các bài viết, trong các quảng cáo thương mãi. Muốn nói về tính tốt xấu của món đồ, phải dùng chữ phẩm. Bởi vì phẩm tính mới là quality. Mình đã có sẵn chữ phẩm chất rồi tại sao lại bỏ quên mà dùng chữ ‘chất lượng’. Tại sao lại phải bắt chước mấy anh cán ngố, cho thêm buồn tiếng nước ta. 

2. Liên hệ : 
Cũng từ miền Bắc, chữ này lan khắp nước và nay cũng tràn ra hải ngoại. Liên hệ là có chung với nhau một nguồn gốc, một đặc tính. Người cộng sản Việt Nam dùng chữ liên hệ để tỏ ý nói chuyện, đàm thoại. Tại sao không dùng chữ Việt là ‘nói chuyện’ cho đúng và giản dị. Chữ liên hệ dịch sang tiếng Anh là ‘to relate to …’, chứ không phải là ‘to communicate to …’ 

3. Ðăng ký : 
Ðây là một chữ mà người Cộng Sản miền Bắc dùng vì tinh thần nô lệ người Tầu của họ. Ðến khi toàn chiếm lãnh thổ, họ đã làm cho chữ này trở nên phổ thông ở khắp nước, Trước đây, ta đã có chữ ghi tên (và ghi danh) để chỉ cùng một nghĩa. Người Tầu dùng chữ đăng ký để dịch chữ ‘register’ từ tiếng Anh. Ta hãy dùng chữ ghi tên hay ghi danh cho câu nói trở nên sáng sủa, rõ nghĩa. Dùng làm chi cái chữ Hán Việt kia để cho có ý nô lệ người Tầu ? ! 

4. Xuất khẩu, Cửa khẩu : 
Người Tầu dùng chữ khẩu, người Việt dùng chữ cảng. Cho nên ta nói xuất cảng, nhập cảng, chứ không phải như cộng sản nhắm mắt theo Tầu gọ là xuất khẩu, nhập khẩu. Bởi vì ta vẫn thường nói phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng Tân Sơn Nhất, hải cảng Hải Phòng, giang cảng Sài Gòn, thương cảng Sài Gòn. Chứ không ai nói phi khẩu Tân Sơn Nhất, hải khẩu Hải Phòng, thương khẩu Sài Gòn trong tiếng Việt. Khi viết tin liên quan đến Việt Nam, ta đọc bản tin của họ để lấy dữ kiện, rồi khi viết lại bản tin đăng báo hay đọc trên đài phát thanh tại sao không chuyển chữ (xấu) của họ sang chữ (tốt) của mình, mà lại cứ copy y boong ? 

5. Khả năng : 
Chữ này tương đương với chữ ability trong tiếng Anh, và chỉ được dùng cho người, tức là với chủ từ có thể tự gây ra hành động động theo chủ ý. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam người ta dùng chữ khả năng trong bất kỳ trường hợp nào, tạo nên những câu nói rất kỳ cục. Ví dụ thay vì nói là ‘trời hôm nay có thể mưa’, thì người ta lại nói : ‘trời hôm nay có khả năng mưa’, nghe vừa nặng nề, vừa sai. 

6. Tranh thủ :
Thay vì dùng một chữ vừa rõ ràng vừa giản dị là chữ ‘cố gắng’, từ cái tệ sính dúng chữ Hán Việt của người cộng sản, người ta lại dùng một chữ vừa nặng nề vừa tối nghĩa là chữ ‘tranh thủ’. Thay vì nói : ‘anh hãy cố làm cho xong việc này trước khi về’, thì người ta lại nói : ‘anh hãy tranh thủ làm cho xong việc này trước khi về’. 

7. Khẩn trương : 
Trước năm 1975 chúng ta đã cười những người lính cộng sản, khi họ dùng chữ này thay thế chữ ‘nhanh chóng’. Nhưng than ôi, ngày nay vẫn còn những người ở Việt Nam (và cả một số người sang Mỹ sau này) vẫn vô tình làm thoái hóa tiếng Việt bằng cách bỏ chữ ‘nhanh chóng’ để dùng chữ ‘khẩn trương’. Ðáng lẽ phải nói là : ‘Làm nhanh lên’ thì người ta nói là : ‘làm khẩn trương lên’. 

8. Sự cố, sự cố kỹ thuật : 
Tại sao không dùng chữ vừa giản dị vừa phổ thông trước đây như ‘trở ngại’ hay ‘trở ngại kỹ thuật’ hay giản dị hơn là chữ ‘hỏng’ ? (Nói ‘xe tôi bị hỏng’ rõ ràng mà giản dị hơn là nói ‘xe tôi có sự cố’) 

9. Tham quan : 
Đi thăm, đi xem thì nói là đi thăm, đi xem cho rồi tại sao lại phải dùng cái chữ này của người Tầu ? ! Sao không nói là ‘Tôi đi Nha Trang chơi’, ‘tôi đi thăm lăng Minh Mạng’, mà lại phải nói là ‘tôi đi tham quan Nha Trang’, ‘tôi đi tham quan lăng Minh Mạng’. 

10. Nghệ nhân :
Ta vốn gọi những người này là ‘nghệ sĩ’. Mặc dù đây cũng là tiếng Hán Việt, nhưng người Tầu không có chữ nghệ sĩ, họ dùng chữ nghệ nhân. Có những người tưởng rằng chữ nghệ nhân cao hơn chữ nghệ sĩ, họ đâu biết rằng nghĩa cũng như vậy, mà sở dĩ người cộng sản Việt Nam dùng chữ nghệ nhân là vì tinh thần nô lệ Trung Hoa. 

11. Chuyển ngữ : 
Ðây là một chữ mới, xuất hiện trên báo chí Việt Nam ở hải ngoại trong vài năm gần đây. Trước đây chúng ta đã có một chữ giản dị hơn nhiều để tỏ ý này. Ðó là chữ dịch, hay dịch thuật. Dịch tức là chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Ðoàn Thị Ðiểm dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ðặng Trần Côn Phan Huy Vịnh dịch Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, Nguyễn Hiến Lê dịch Chiến Tranh Và Hòa Bình của Leon Tolstoi ... Người viết ở hải ngoại bây giờ hình như có một mặc cảm sai lầm là nếu dùng chữ dịch thì mình kém giá trị đi, nên họ đặt ra chữ 'chuyển ngữ' để thấy mình oai hơn. Chữ dịch không làm cho ai kém giá trị đi cả, chữ ‘chuyển ngữ’ cũng chẳng làm giá trị của ai tăng thêm chút nào. Tài của dịch giả hiện ra ở chỗ dịch hay, dịch đúng mà thôi. Chứ đặt ra chữ mới nghe cho kêu không làm tài năng tăng lên chút nào, hơn nữa nó còn cho thấy sự thiếu tự tin, sự cầu kỳ không cần thiết của người dịch. 

12. Tư liệu : 
Trước đây ta vốn dùng chữ tài liệu, rồi để làm cho khác miền nam, người miền bắc dùng chữ ‘tư liệu’ trong ý : ‘tài liệu riêng của người viết’. Bây giờ những người viết ở hải ngoại cũng ưa dùng chữ này mà bỏ chữ ‘tài liệu’ mặc dù nhiều khi tà liệu sử dụng lại là tài liệu đọc trong thư viện chứ chẳng phải là tài liệu riêng của ông ta. 

13. Những danh từ kỹ thuật mới : 
Thời đại của điện tử, của computer tạo ra nhiều danh từ kỹ thuật mới, hay mang ý nghĩa mới. Những danh từ này theo sự phổ biến rộng rãi của kỹ thuật đã trở nên thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết những chữ này có gốc từ tiếng Anh, bởi vì Hoa Kỳ là nước đi trước các nước khác về kỹ thuật. Các ngôn ngữ có những chữ cùng gốc (tiếng Ðức, tiếng Pháp …) thì việc chuyển dịch trở nên tử nhiên và rõ ràng, những ngôn ngữ không cùng gốc, thì người ta địa phương hóa những chữ ấy mà dùng. Riêng Việt Nam thì làm chuyện kỳ cục là dịch những chữ ấy ra tiếng Việt (hay mượn những chữ dịch của người Tầu), tạo nên một mớ chữ ngây ngô, người Việt đọc cũng không thể hiểu nghĩa những chứ ấy là gì, mà nếu học cho hiểu nghĩa thì khi gặp những chữ ấy trong tiếng Anh thì vẫn không hiểu. Ta hãy nhớ rằng, ngay cả những người Mỹ không chuyên môn về điện toán, họ cũng không hiểu đích xác nghĩa của những danh từ này, nhưng họ vẫn cứ chỉ biết là chữ ấy dùng để chỉ các vật, các kỹ thuật ấy, và họ dùng một cách tự nhiên thôi. Vậy tại sao ta không Việt hóa các chữ ấy mà phải mất công dịch ra cho kỳ cục, cho tối nghĩa. Ông cha ta đã từng Việt hóa biết bao nhiêu chữ tương tự, khi tiếp xúc với kỹ thuật phương tây cơ mà. Ví dụ như ta Việt hóa chữ ‘pomp’ thành ‘bơm’ (bơm xe, bơm nước), chữ ‘soup’ thành ‘xúp’, chữ ‘phare’ thành ‘đèn pha’, chữ ‘cyclo’ thành ‘xe xích lô’, chữ ‘manggis’ (tiếng Mã Lai) thành ‘quả măng cụt’, chữ ‘durian’ thành ‘quả sầu riêng’, chữ ‘bougie’ thành ‘bu-gi, chữ ‘manchon’ thành ‘đèn măng xông’, chữ ‘boulon’ thành ‘bù-lon’, chữ ‘gare’ thành ‘nhà ga’, chữ ‘savon’ thành ‘xà bông’ … Bây giờ đọc báo, thấy những chữ dịch mới, thì dù đó là tiếng Việt, người đọc cũng vẫn không hiểu như thường. Hãy duyệt qua một vài danh từ kỹ thuật bị ép dịch qua tiếng Việt Nam, như : 

a. Scanner dịch thành ‘máy quét’. Trời ơi ! ’máy quét’ đây, thế còn máy lau, máy rửa đâu ? ! Mới nghe cứ tưởng là máy quét nhà ! 

b. Data Communication dịch là ‘truyền dữ liệu’. 

c. Digital camera dịch là ‘máy ảnh kỹ thuật số’. 

d. Data base dịch là ‘cơ sở dữ liệu’. Những người Việt đã không biết data base là gì thì càng không biết ‘cơ sơ dữ liệu’ là gì luôn. 

e. Software dịch là ‘phần mềm’, hardware dịch là ‘phần cứng’ mới nghe cứ tưởng nói về đàn ông, đàn bà. Chữ ‘hard’ trong tiếng Mỹ không luôn luôn có nghĩa là ‘khó’, hay ‘cứng’, mà còn là ‘vững chắc’ ví dụ như trong chữ ‘hard evident’ (bằng chứng xác đáng) … Chữ soft trong chự ‘soft benefit’ (quyền lợi phụ thuộc) chẳng lẽ họ lại dịch là ‘quyền lợi mềm’ sao ? 

f. Network dịch là ‘mạng mạch’. 

g. Cache memory dịch là ‘truy cập nhanh’. 

h. Computer monitor dịch là ‘màn hình’ hay ‘điều phối’. 

i. VCR dịch là ‘đầu máy’ (Như vậy thì đuôi máy đâu ? Như vậy những thứ máy khác không có đầu à ?). Sao không gọi là VCR như mình thường gọi TV (hay Ti-Vi). Nếu thế thì DVD, DVR thì họ dịch là cái gì ? 

j. Radio dịch là ‘cái đài’. Trước đây mình đã Việt hóa chữ này thành ra-đi-ô hay ra-dô, hơặc dịch là ‘máy thu thanh’. Nay gọi là ‘cái đài’ vừa sai, vừa kỳ cục. Ðài phải là một cái tháp cao, trên một nền cao (ví dụ đài phát thanh), chứ không phải là cái vật nhỏ ta có thể mang đi khắp nơi được. 

k. Channel gọi là ‘kênh’. Trước đây để dịch chữ TV channel, ta đã dùng chữ đài, như đài số 5, đài truyền hình Việt Nam … gọi là kênh nghe như đang nói về một con sông đào nào đó ở vùng Hậu Giang ! 

Ngoài ra, đối với chúng ta, Sài Gòn luôn luôn là Sài Gòn, hơn nữa người dân trong nước vẫn gọi đó là Sài Gòn. Các xe đò vẫn ghi bên hông là ‘Sài Gòn - Nha Trang’, ‘Sài Gòn - Cần Thơ’ … trên cuống vé máy bay Hàng Không Việt Nam người ta vẫn dùng 3 chữ SGN để chỉ thành phố Sài Gòn. Vậy khi làm tin đăng báo, tại sao người Việt ở hải ngoại cứ dùng tên của một tên chó chết để gọi thành phố thân yêu của chúng mình ? ! Ði về Việt Nam tìm đỏ mắt không thấy ai không gọi Sài Gòn là Sài Gòn, vậy mà chỉ cần đọc các bản tin, các truyện ngắn viết ở Hoa Kỳ ta thấy tên Sài Gòn không được dùng nữa. Tại sao ? 

Ðây chỉ là một vài ví dụ để nói chơi thôi, chứ cứ theo cái đà này thì chẳng mấy chốc mà người Việt nói tiếng Tầu luôn mất ! Tất nhiên, vì đảng cộng sản độc quyền tất cả mọi sinh hoạt ở Việt Nam, nên ta khó có ảnh hưởng vào tiếng Việt đang dùng trong nước, nhưng tại sao các nhà truyền thông hải ngoại lại cứ nhắm mắt dùng theo những chữ kỳ cục như thế ? ! Cái khôi hài nhất là nhiều vị trong giới này vẫn thường nhận mình là giáo sư (thường chỉ là giáo sư trung học đệ nhất cấp (chưa đỗ cử nhân) hay đệ nhị cấp ở Việt Nam ngày trước, chứ chẳng có bằng Ph.D. nào cả), hay là các người giữ chức này chức nọ trong các hội đoàn tự cho là có trách nhiệm về văn hóa Việt Nam ở ngoài nước ! 

Trước đây Phạm Quỳnh từng nói : ‘Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn’, bây giờ Truyện Kiều vẫn còn mà cả tiếng ta lẫn nước ta lại đang đi dần xuống hố sâu Bắc Thuộc. Than ôi !

Chu Đậu
11/2007

Christmas 2018 đã thấp thoáng quanh đây


19 November 2018

Về hiện tượng tỉ suất sinh đẻ thấp ở nhiều nơi trên thế giới

Trong khoảng vài ba thập niên gần đây, tỉ suất sinh đẻ ở nhiều nơi trên thế giới có chiều hướng sút giảm, đặc biệt trong cư dân các nước gọi là phát triển ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.

Ở Toronto, đi ngoài đường, cư dân đã sinh sống lâu đời nơi này (nhất là dân da trắng) đôi khi thấy những bà mẹ dắt ba bốn đứa con, họ vừa ngạc nhiên vừa giật mình vì sự ‘can đảm'(?!) của những phụ nữ ấy. Hầu hết những phụ nữ nhiều con như vậy đến từ nhiều nơi bất ổn về chính trị, kinh tế. Nhiều người gốc Việt trong số những người đến Canada tị nạn cộng sản Việt Nam trong gia đình có không dưới bốn/năm anh chị em (Có người còn nói đùa: “Má bảo là Má chỉ thôi đẻ khi nào đã ‘sạch ruột'”).

Nhiều người thường viện dẫn lý do kinh tế như công ăn việc làm không bền, không ổn định, cuộc sống bất trắc để lý giải hiện tượng ít người chịu sinh đẻ. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao, ngân sách trợ cấp cho những người không công ăn việc làm, những người già yếu,…đã thấp ở mức đáng ngại khiến nhà cầm quyền tìm mọi cách để có thể lấy thêm thuế [như cho bán bia tràn lan – Walmart mấy lúc này cũng bày bán bia các loại chả khác chi Beer Store – chưa kể nhiều cửa hàng khác nữa; Còn cả việc hợp thức hoá việc buôn bán cần sa, mở thêm sòng bài đánh bạc cũng được một số người xem là giải pháp tốt(?!) ]

Trong vài năm trở lại đây, người viết những giòng này đã có đôi dịp hỏi ý một số cặp vợ chồng không chịu sinh con trong vùng GTA (Greater Toronto Area). Một số người đã trải nghiệm nhiều thăng trầm trong cuộc sống, trình độ văn hoá đại học, cho biết là đặt một đứa trẻ ra đời trong  môi trường bất ổn nhiều mặt là đặt một sinh linh mong manh vào những bất trắc lớn. Người có ý thức trách nhiệm về bản thân và tương lai con trẻ phải cân nhắc kỹ càng. Một số người trong một số hệ phái tôn giáo, ngoài những lý do như con người băng hoại, không tuân theo những giới răn của Đấng Toàn Năng, và cái thực tế mù mịt trước mắt ( nhiều nước có bom nguyên tử, hoả tiễn liên lục điạ, kho vũ khí ngày càng nhiều thêm súng đạn; bệnh tật đủ kiểu, đủ loại, thuốc chữa trị không theo kịp những bệnh mới bùng phát, và ngay trong giới những bác sĩ điều trị, nhiều kẻ đã quên đi Lời thề Hippocrate, chỉ nghĩ đến cách làm sao cho có nhiều tiền,…)  hoặc đã trải kinh nghiệm có người thân trong gia tộc ở thế hệ trước, hoặc ngay thế hệ của họ vướng phải loại ‘ma’ dữ dằn ( ma men, ma túy, ma-bài-bạc,…) khiến họ lạnh người khi nghĩ nếu chính con đẻ* của mình rơi vào tay những con ma ấy. Nói chung, nhiều người nhận ra rằng thế giới ngày nay với nạn nhân mãn ngày càng trầm trọng, tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, lòng sân hận giữa người với người ít được cải thiện, kẻ xấu kẻ ác, kẻ bẻm mép ngày càng lấn lướt những người hiền lương. Kỹ thuật điện toán ngày càng tinh xảo, phức tạp nằm trong tay những ông trùm chính trị-kinh tế khiến người còn hiểu biết, sống đơn giản thấy như mình đang bị một lũ quái bủa vây…

Hiện tượng sinh xuất giảm nơi những người có ý thức về gia đình, xã hội khiến ta dễ liên tưởng đến những xã hội mà “những đồng tiền tốt bị những đồng tiền xấu đuổi đi” (định luật Gresham trong kinh tế học).

Trên Trái Đất, nếu còn tồn tại, một khi những con người tốt biến đi, thì chỉ còn lại một bầy thú vật nhào vào xâu xé nhau!

SĐ-NTC
_________________________________________________________________________________
(*) Những con ma này ghi dấu ấn của chúng qua nhiều thế hệ. Dấu ấn ấy về mặt khoa học ta có thể gọi tên là cái gen (genetic code) lẩn đâu đó trong kiếp người. Giáo dục hoặc môi trường sống lành mạnh có thể cải thiện gen này.  Nhưng môi trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, phức tạp, kẻ xấu nắm chịch điều khiển xã hội, con người dễ bị sa vào lưới của cái xấu, cái ác.

(Nguồn: Blog Sầu Đông)

Kích hoạt "Bom nhân quyền" ở Trung cộng, Trump muốn hạch tội Obama

Giờ đây chúng ta đã hiểu tại sao Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi Tổ chức nhân quyền tại Liên hợp quốc kèm theo những lời chỉ trích nặng nề từ phía Mỹ như "Ổ thiên vị chính trị - Đạo đức giả - sự giễu cợt với nhân quyền,...". Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thù gọi hội đồng thành lập từ năm 2006 này là "kẻ bảo vệ nhân quyền yếu ớt".

Vào ngày 10/8/2018, bà Gay McDougall, thành viên Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong phiên họp ở Geneve đã nói "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước nhiều báo cáo đáng tin cậy rằng dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và gìn giữ ổn định xã hội, Trung cộng đã biến khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ thành một thứ gì đó giống như một trại giam khổng lồ và bí mật". Theo Liên Hợp quốc thì những năm qua, Trung cộng đã lập trại bí mật nhốt hàng triệu người ở Tân Cương.

Điều đáng nói là sự vi phạm nhân quyền của Trung cộng nhắm vào Tân Cương, Tây Tạng,... nở rộ dưới thời tổng thống Barack Obama, một vị tổng thống được "tôn xưng" là tổng thống nhân quyền vì chính ông đã ký ban hành Đạo luật Magnitsky vào ngày 14/12/2012. Sau đó, trước khi rời Tòa Bạch Ốc, vào ngày 23/12/2016 Obam đã ký thành luật dự luật S. 2943 tức Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) áp dụng các biện pháp chế tài trên toàn thế giới và cho phép áp đặt lệnh trừng phạt chống lại tất cả những cá nhân đã tham gia các hoạt động tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Trước đó, vào ngày 16/12/2016, Obama cũng ký ban hành luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, tức H.R. 1150.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong 02 nhiệm kỳ tổng thống của mình, Obama chẳng có hành động cứng rắn nào nhắm vào Trung cộng, kể cả Việt cộng khi tốc độ vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại đây gia tăng chóng mặt với hành vi man rợ, tàn bạo. Để rồi khi Trump lên làm tổng thống, ông đã phải rút Mỹ ra khỏi cái tổ chức "đạo đức giả" kia và tuyên bố như lời bà Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley rằng "Tôi muốn nói rõ rằng bước đi này không phải là một sự thoái lui với những cam kết nhân quyền của chúng tôi".

Sẽ chẳng lạ gì những ngày vừa qua, sau khi đảng Dân chủ làm chủ Hạ viện, các nghị sỹ Mỹ lại lên án gay gắt nhắm vào sự vi phạm nhân quyền, tôn giáo của Trung cộng, cụ thể là hành vi "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bởi phe ông Trump muốn ném quả bom "nhân quyền" về phía đảng Dân chủ Mỹ, đặt đúng vị trí quả bom "nhân quyền" vào tay của đảng luôn rao giảng về nhân quyền, tôn giáo để đích tay họ châm ngòi nổ, làm nền cho chính quyền ông Trump thực thi trong vai trò "hành pháp". Một nước cờ rất khôn ngoan nhưng cũng rất nhân văn.

Obama ban hành đạo luật Magnitsky chủ yếu để nhắm vào Nga, Tổ chức nhân quyền LHQ chỉ nhắm vào Israel mà bỏ qua những tên trùm vi phạm nhân quyền, tôn giáo là Trung cộng và Việt cộng bởi Obama đã đi đêm với những quốc gia này. Nay Trump lại chơi bài "lấy gậy ông đập lưng ông" khi đặt quả bom nhân quyền ngay dưới chân Vạn lý trường thành và ép Hạ viện Mỹ phải kích nổ làm tức ngực cả Obama lẫn Tập Cận Bình thì đúng là CAO THỦ.

Ngoài ra, việc kích nổ quả bom nhân quyền tại tộc Duy Ngô Nhĩ cũng cho thấy việc Trump cắt viện trợ cho Pakistan là hoàn toàn thích đáng bởi chính quyền Pakistan và chính quyền Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Turmenistan đang ngày càng lún sâu vào vòng ảnh hưởng của Trung cộng, cam tâm nhận tiền của Trung cộng mà ngoảnh mặt quay lưng với đồng đạo ở Tân Cương, thậm chí xua đuổi, chỉ điểm, dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ để lấy lòng Trung cộng. Vậy việc gì Mỹ cứ bơm tiền cho những quốc gia này.

Tran Hung
Nguồn:Nguyệt San VIỆT-NAM 

Liên Hội Người Việt Canada tổ chức văn nghệ dạ vũ gây quỹ ngày 05 tháng 01 năm 2019

1 tuần trước Đêm Hương Việt - 12 tháng 01 năm 2019.
2 tuần trước Hội Chợ Tết cộng đồng - 19 tháng 01 năm 2019.

Kính mời quý đồng hương ủng hộ và xin vui lòng chuyển tiếp.
Thành thật cám ơn.


Lời Tình tự Tạ ơn

Tạ Ơn Rừng trên núi cao biền biệt
Nhú chồi non màu biêng biếc dâng đời
Từ nguyên sinh khúc tình ca diễm tuyệt
Xanh mây trời, xanh hy vọng người ơi …
.
Tạ Ơn Biển và trùng dương sóng vỗ
Ôm quê hương hình chữ S nghìn trùng
Ôi mệnh nước...xin biển đừng cuồng nộ
Ngày con về, lạy biển cả bao dung
.
Tạ Ơn Núi khắc hình hài nương tử
Vọng Phu xưa chữ chung thủy tạc lòng
Bà hiển linh xin ngăn điềm tin dữ
Bước chinh nhân thoát nguy khốn giữa vòng
.
Tạ Ơn Sông tím lục bình trôi giạt
Về phương Nam theo con nước lớn ròng
Lời vọng cổ trầm buồn theo câu hát
Sông quê mình ... Nghe đau đớn cạn giòng
.
Tạ Ơn Mưa xuôi về từ trăm hướng
Chốn non ngàn đổ xuống mạn quê hương
Hóa thành sông thơm sử xanh danh tướng
Đất mẹ ơi, sông vượt nỗi dặm trường
.
Tạ Ơn Nắng hóa vàng bông điên điển
Cho cội rơm ngóng đợi ngõ em về
Để nhành lúa nghiêng mình nghe kể chuyện
Mạ non giờ vàng lúa cánh đồng quê
.
Tạ Ơn Mẹ - một trái tim tuyệt phẩm
Cả một đời đã tần tảo nuôi con
Tạ Ơn Cha tháng năm là lính trận
Duyên tơ hồng và hai chữ "Sắt Son"
.
Tạ Ơn Thầy nơi cổng trường nghiêm huấn
Con đường thơm hoa phượng đỏ một thời
Nét chữ Cô thoảng mùi hương bụi phấn
Học trò xưa nay ngưỡng cửa trường đời
.
Tạ Ơn Bút viết thành trang Sử Việt
Vinh danh người đã Vị Quốc Vong Thân
Cờ vàng phủ, giày Saut niềm tưởng tiếc
Vì quê hương anh ngã xuống...Mộ phần
.
Tạ Ơn Anh đã yêu em vô lượng
Thật từ bi như nhịp đập tim hiền
Tạ Ơn Em, Ta gặp nhau: Không tưởng
Sát na nào chạm giây phút thiêng liêng

Như Thương
(Mùa Lễ Tạ Ơn 2018)

18 November 2018

Để suy gẫm

Tổ chức chính trị mà tôi tham gia (= Đảng Cộng Sản VN)  không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại. (Giáo sư Chu Hảo, Hà Nội) 
** 
Bản chất của Đảng (CS) là tập hợp các nhóm lợi ích của nhau, chứ không là vì lợi ích của toàn dân tộc, người dân đã thấy rõ. Mặc dù là chống tham nhũng nhưng chỉ đánh phá một số phe phái nào đó thôi. (Tiến sĩ Mạc Văn Trang, Hà Nội)

Tin ngắn

Phó Tổng thống Mỹ: Biển Đông không của riêng nước nào

“Biển Đông không thuộc về bất kỳ quốc gia nào, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

Reuters dẫn lời Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence phát biểu vào ngày 16 tháng 11 khi đến Singapore tham dự các cuộc họp của khối những nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á- ASEAN.

Phó Tổng thống Pence cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều hành động nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng việc tiến hành một loạt các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trên vùng biển tranh chấp.

Theo Reuters Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan, tất cả đều có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có khoảng 3 ngàn tỷ đô la hàng hóa thương mại qua lại mỗi năm.

Trước đó vào ngày 15 tháng 11, Phó Tổng thống Pence cũng đã phát biểu trước các lãnh đạo các nước ASEAN rằng không có chỗ cho "sự kiểm soát hoàn toàn và gây hấn" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều này có khả năng được hiểu nhằm ám chỉ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Phát biểu trước một hội nghị thượng đỉnh khu vực, ông Pence đã trực tiếp chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, ông nêu rõ Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng lãnh thổ ở Biển Đông là bất hợp pháp và nguy hiểm. Việc này đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng của thế giới.

Tại Bắc Kinh, phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết không có quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ, đã từng đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về vấn đề tự do hàng hải hoặc hàng không ở Biển Đông.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS). Bà nói rõ, nếu Hoa Kỳ có thể sớm chấp thuận và tuân thủ UNCLOS, thì điều này sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence vào tháng 10 vừa qua cũng có những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông lên án những hành động của Bắc Kinh mà ông này cho là liều lĩnh.

(RFA)

**

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton: Mỹ có thể sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không.

Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton mới đây lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đã lợi dụng trật tự thế giới quá lâu trong khi Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Trung Quốc. Ông đồng thời cũng nói đến khả năng Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không. Ông John Bolton không nói cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đòi chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

Ông John Bolton nói điều này trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt nổi tiếng của Mỹ hôm 11/10 vừa qua.

Ông John Bolton nói ông cho rằng sẽ có thêm những khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù có hợp tác với Trung Quốc hay không. “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”, Cố vấn An ninh John Bolton nói.

Phát biểu của giới chức cao cấp chính phủ Mỹ được đưa ra sau khi có tin cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch có những phô diễn sức mạnh ở Biển Đông vào tháng 11 tới, trùng hợp với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Philippines.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ có kế hoạch thực hiện một loạt các hoạt động ở Biển Đông trong thời gian một tuần để cảnh cáo Trung Quốc và cho thấy sự quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với những hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc tại vùng nước tranh chấp.

Cố vấn An ninh John Bolton cũng nói đến chương trình tự do hàng hải mà Mỹ đã tiến hành ở Biển Đông trong những năm qua để thách thức các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở khu vực này. Ông nói Hoa Kỳ và các nước đồng minh sẽ còn tiếp tục cho tàu đi qua khu vực này nhiều hơn trong thời gian tới.

(RFA)

**