28 October 2021

OAN HỒN, truyện vui

Phạm Thành Châu

Đây là một chuyện ma, gần như thật, nhưng tôi phải viết sao cho vui, cho bớt rùng rợn, để quí bà khỏi mất ngủ vì sợ hồn ma mấy cô bồ quá cố của chồng mình về lôi chân, đuổi ra khỏi giường.

Vợ chồng tôi có hai cô con gái. Chúng tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm rồi lập gia đình. Tuy nhà hai đứa nó không xa chúng tôi lắm, nhưng chỉ chủ nhật, ngày lễ, chúng mới bồng cháu về thăm ông bà ngoại. Vợ tôi cứ than nhớ cháu, rồi bực mình gây gỗ với tôi. Ngày nào cũng đem hình các cháu ra ngắm. Hình nào "dễ thương hết sức" thì bắt tôi đi mua khung hình về, bỏ vô, treo lên tường. Rồi đi lòng vòng ngắm cháu trên tường như người ta xem triển lãm tranh, miệng nở nụ cười hạnh phúc, miệng lầu bầu chửi "Tổ cha cái thằng" "dễ ghét!" rồi bấm điện thoại gọi con, hỏi thăm các cháu. Các con tôi bị quấy rầy mà không dám than phiền. Tôi biết thế mới gợi ý vợ tôi, tìm một cô, cho mướn phòng, buồn tình thì cứ nói chuyện với cô ta. Con gái tôi giới thiệu một cô bạn học. Cô nầy lớn tuổi hơn các con tôi, vừa đi học vừa đi làm, kiếm tiền giúp gia đình bên Việt Nam, nên cứ ạch đụi mãi mà chưa tốt nghiệp. Nhà tôi, phía sau có một phòng rộng, có lối đi riêng nên cô ta rất thích. Nhờ có cô sinh viên nầy mà tôi đỡ bị bà vợ bắt nghe chuyện nhớ cháu. Khi cô sinh viên đến trọ, bà nấu nướng món ngon vật lạ tặng cô ta, coi như trả công đã tốn thì giờ lắng nghe chuyện cháu ngoại của bà.

25 October 2021

B o o o . . . Halloween night is coming . . .


"Giang ra !  Để ta về nhà .... chán nhà già quá rồi !"
- Let me go home. Nursing homes are so disgusting ! -
(Digital picture by A.C.La)

Cười tí tỉnh: Cuộc Trùng Phùng Hội Ngộ

Mới năm xưa, được toà cho phép ly dị, chia đôi tài sản và con cái, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, còn bà Âu Cơ thì dẫn 50 người con lên núi.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm nay hai người lại gặp nhau tại khu nhà trọ gần 

lò thiêu Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP/ HCM. Cả hai đều già, khá tiều tụy, gương mặt không còn giữ được mấy những nét thần thoại của thuở hồng hoang. 

Bà Âu Cơ dè dặt nắm lấy bàn tay gầy rộc của Lạc Long Quân, giọng cảm động:

- Ông và các con thế nào ? Cuộc sống chắc cũng cơ cực lắm?

20 October 2021

Donald Trump ra mắt nền tảng truyền thông quần chúng mới

Bị nhiều nền tảng lớn khóa miệng, cựu Tổng thống Donald Trump đang tung ra ứng dụng truyền thông quần chúng của riêng mình.

Theo một thông cáo báo chí, Trump Media and Technology Group và Digital World Acquisition Group, hiện đang niêm yết trên Nasdaq, đã tiến hành hợp nhất để thành lập một công ty mới, do cựu tổng thống làm chủ tịch.

Thông cáo viết rằng nền tảng truyền thông mới sẽ tạo ra một "đối thủ với tập đoàn truyền thông tự do."

Theo bản thông cáo, bước đầu tiên nó sẽ có tên là Truth Social. Phiên bản beta sẽ có sẵn cho những vị khách được mời vào tháng 11.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới mà Taliban hiện diện lan tràn trên Twitter, nhưng Tổng thống Mỹ yêu thích của bạn đã bị bịt miệng", thông cáo viết.

Hiện bản thông cáo chưa cho biết chi tiết cụ thể, nhưng dựa vào tư chất quyết đoán của cựu tổng thống, nền tảng thông tin quần chúng mới này sẽ sớm được công khai hoá. (TTR tổng hợp)

19 October 2021

Lá Thu

(Photo by A.C.La)

18 October 2021

"Già Mà Vẫn Còn Ham" Là Chuyện Bình Thường!

Xã hội VN có những điều mà luật pháp tuy không cấm nhưng cộng đồng, người thân lại không chấp nhận, những ai muốn mon men đến ranh giới ấy lập tức bị… huýt còi. Chẳng hạn, chuyện yêu đương hay kết hôn của những người cao tuổi.

"QUYỀN ĐƯỢC YÊU" CỦA NGƯỜI LỚN TUỔI!

Ông P. giám đốc một cơ quan truyền thông tầm cỡ, về hưu an nhàn được mấy năm khi gần đến tuổi 70, thì vợ ông, kém ông vài tuổi bị bệnh rồi mất. Ông ở một mình trong ngôi nhà được Nhà nước cấp khá rộng rãi, hai cô con gái đã lập gia đình có nhà riêng. Tuy con cháu vẫn đi về chăm sóc, có người giúp việc theo giờ nhưng ông vẫn thấy tủi cực vì sự lẻ loi.

Hơn một năm sau, ông có người bạn gái, một phụ nữ độc thân cũng mới về hưu, vốn không xa lạ gì với gia đình ông. Hai cô con gái biết chuyện, giận cha đến tái mặt, người quen, hàng xóm xì xầm lên án cho rằng ông này "già mà còn ham", có người còn khắt khe hơn "già mà còn dê". Mọi người xúm nhau ngăn cản, nhưng vô ích, ông cương quyết cưới vợ.

16 October 2021

Tương Lai Của Sức Mạnh Hoa Kỳ

* Francis Fukuyama.

"Afghanistan không đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Hoa Kỳ. Thách thưc đói với vị thế toàn cầu của Mỹ là sự phân cực chính trị trong nước Mỹ"

**

LỜI GIỚI THIỆU:

“Afghanistan không đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên Hoa Kỳ. Thách thức đối với vị thế toàn cầu của Mỹ là sự phân cực chính trị trong nước Mỹ”

Học giả Francis Fukuyama là một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Freeman Spogli của Đại Học Stanford và là Giám đốc Trung Tâm Dân Chủ, Phát Triển và Pháp Trị của Viện Mosbacher.

Bài viết bằng Anh ngữ của ông mới đăng tải trên Tạp Chí The Ecomist ngày 18 tháng Tám 2021, là bài đầu tiên trong loạt bài mà tạp chí này mời những người bên ngoài phát biểu về tương lai sức mạnh của Mỹ – với những cái nhìn bao quát về những lực lượng đang định hình vị thế toàn cầu trong 20 năm kể từ ngày 11/9, từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cho đến khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Do mục đích chia sẻ với bạn hữu người Việt, tôi dùng phương tiện chuyển dịch của Google Translate, nhưng có so sánh và sửa đổi đôi chút cho thích hợp với nguyên tác bài viết này.Nếu thấy bản Việt ngữ còn sai sót, mong các bạn chỉ dẫn, chúng tôi rất hoan nghênh.

Nguyên văn Anh ngữ trên tạp chí The Ecomist:Francis Fukuyama on the end of American hegemony | The Economist (Nguyễn Bá Trạc – Finland 20/08/2021)

**

Các hình ảnh đáng sợ về những người Afghanistan tuyệt vọng cố gắng thoát khỏi Kabul trong tuần này sau khi Chính Phủ Afghanistan - do Hoa Kỳ hậu thuẫn - sụp đổ, đã gợi lên một vết nứt lớn trong lịch sử thế giới, khi nước Mỹ quay lưng lại với thế giới. Sự thật của vấn đề là việc kết thúc kỷ nguyên Hoa Kỳ đã đến sớm hơn thế nhiều. Nguồn gốc lâu dài về sự suy yếu và xuống dốc của Mỹ là vấn đề quốc nội hơn là quốc tế. Đất nước này sẽ vẫn là một cường quốc trong nhiều năm, nhưng ảnh hưởng của nó như thế nào sẽ tùy thuộc vào khả năng khắc phục các vấn đề nội bộ của nó, hơn là chính sách đối ngoại của nó.

13 October 2021

Phú Chạy Dịch Hồi Cư



1. Hỡi ơi!

Đời chẳng đơm hoa,

Người chờ chi trái.

Quê nhà đấy nghìn trùng yêu dấu, cho tụi tôi về dù sớm đói chiều no,

Thành phố đây một thuở thân thương, há phe mình ở để ngày tàn tháng bại. 

Xưa mộng ước có ngày mai tươi sáng, rực rỡ trong ngoài,

Nay tan hoang giữa cõi lạ mịt mùng, lạc loài xa ngái. 

Dẫu phụ bạc lần này,

Khỏi lục trầm (1) mãi mãi. 

Đất khách hỡi, hãy hiểu thương những số phận khổ nghèo,

Bà con ơi, chớ nói rủa bao ngôn từ ngang trái.

2. Lũ chúng tôi,

Bao năm trước biết ra đi là khổ, liều thân non mơ thoát kiếp bần cùng,

Nhiều đêm trường ôm thương nhớ khôn vơi, mong sức trẻ làm nên đời vĩ đại.

Nơi xóm làng bé nhỏ, ruộng đất đâu mà làm lụng ra tiền,

Chốn đô hội mênh mông, xưởng sở lắm dễ xở xoay kiếm xái (2).

Kìa kìa mấy nhà máy bộn tiền,

Nọ nọ bao công ty lắm lãi.

Việc thì có, này phụ công trình, này may công nghiệp, … vạn triệu thứ sản xuất đầu tư,

Nghề cũng nhiều, chỗ thồ thực phẩm, chỗ đóng giày da, … trăm ngàn chốn kinh doanh thương mại.

Nhà trọ đó, quẩn quanh mấy thước, rảnh thì thân mật anh em,

Quán cóc kia, vui vẻ đôi giờ, hăng lên cũng ồn ào trai gái.

Dựa dẫm nhau để sống, bỗng dưng nên vợ thành chồng,

Táy máy chốc cho vui, tất phải sinh con đẻ cái.

Lương ba đồng nhận lãnh, qua loa cơm canh điện nước, vui với xóm phường, 

Tiền mấy trự gom dần, dè sẻn ngày tháng tuần năm, góp về cúng bái. 

Mẹ yếu cha già mong đợi, hẹn lần hẹn lữa vu vơ,

Chị đơn em dại ngóng trông, hứa cuội hứa trăng ái ngại. 

Đời cầu thực tha phương vất vả, ăn mồ hôi, uống nước mắt tim đau,

Kiếp mưu sinh khách địa gian nan, kiếm hột gạo, vơ đồng tiền mặt tái.

Cơn mộng đổi đời mù mịt, e đã trùng khơi,

Giấc mơ chen bước sang giàu, thôi đành gác mái. 

Giỏi chi cũng đứa làm thuê,

Chảnh mấy vẫn đồ hàng nhại.

May mà có bà con đùm bọc, khi bó rau khi miếng thịt, nghĩa ấy chẳng hề quên,

Hên nên được cô chú dắt dìu, nè lối nọ nè đường kia, tình này nguyền nhớ mãi.

Những tưởng qua ngày đoạn tháng, có chốn náu nương,

Ai hay cuối bể góc trời, xót thân bươn chải.

3. Ngờ đâu,

Cuối tháng Tư dịch đến, Sài Gòn hoảng hốt bơ phờ,

Giữa năm Trâu họa về, Nam Bắc xôn xao hớt hãi.

Như thác đổ, tin tràn đài báo, dịch Cô Vy tái phát tràn nơi,

Tựa triều dâng, bệnh khắp tỉnh thành, phòng cấp cứu thu dung quá tải. 

Người nghi nhiễm tăng lên vùn vụt, đọc số đã run,

Kẻ tử vong dồn lại khá đông, nghe đồn cũng ngại.

Bình Hưng Hòa khói lò thiêu tỏa suốt, chất chồng xương cốt mấy thùng,

Đội tang sự xe quan tài tuôn ra, chen chúc đầu đuôi một dãy.

Chỉ thị thông tư rót xuống, nơi nơi khai triển khẩn trương,

Công an quân đội xông vào, xứ xứ tuân hành hăng hái.

Phát bệnh xóm trước mặt, sẹc-ti-na (3) giăng bít lối qua về, 

Nghi nhiễm phường sau lưng, ba ri-e (4) dựng trít đường qua lại.

Biến đỏ vây quanh hẽm nọ, giãn cách dân nhốt trong nhà,

Bảng xanh treo ở phố kia, năm không thợ nằm chỏng lái.

Viện dã chiến lập nên kín chỗ, tận tình chăm sóc người đau,

Khu cách ly dồn chứa đầy người, xúm xít kề nhau mấy trại.

Vắc xin phòng bệnh, đành chờ nhà nước xin mua

Trợ cấp cầm hơi, cứ ngóng xã phường thương hại.

Chạy chữa hết hơi y bác sĩ, mong thấy thành công,

Thuốc men tận gốc dược tây đông, nào cam thất bại.

Liên miên xét nghiệm, thương cái mũi tưởng nát cả tỵ hầu,

Ráo riết truy lùng, tìm F không vẫn xa ngoài quan tái.

Chợ búa trước ngăn sau cấm, lơ thơ giao dịch, lây nhiễm đề phòng,

Quán hàng cửa đóng then cài, vắng vẻ khách thương, bán mua suy thoái.

4. Vậy nên,

Lực tàn sức tận, mười sáu tuần quẩn quanh lúc thúc, chồng vợ cằn nhằn,

Xác mỏi hơi tàn, bốn tháng trời ngồi đứng bồi hồi, trông chờ khoắc khoải.

Cạn tiền hết gạo, sống chỉ vô duyên,

Không việc ăn suông, chết còn thoải mái.

Thất thế xin quay về bản quán, cúi nhờ cha mẹ xót thương,

Cùng đường đành trở lại cố hương, ngóng ngưỡng anh em trông lại. 

Đâu có riêng mình,

Còn đôi con dại. 

Ngàn cây số đường dài cũng mặc, tung bước về như diều đã đứt giây,

Cả gia đình xe rệp cứ lao, liều mạng sống tựa thuyền buông theo lái.

Quạt máy, chăn bông … tuềnh toàng sắp lớp, gia tài con chứ đâu vật tầm thường, 

Mền mùng, móc áo … chằng chịt đầy xe, của cải cả sao rằng đồ phế thải.

Đàn thùng một chiếc theo chân người lãng tử, lối thẳng xông pha,

Gà chó vài con bám đuôi xe hồi cư, dặm dài rong ruổi.

Đoàn đoàn lớp lớp, người chở nhau, kẻ đi bộ, khắp hướng tuôn ra,

Nữ nữ nam nam, anh còn trẻ, chị chưa già, đủ chiều bước sải.

Kẻ về Châu Đốc, Cà Mau …

Người ngược Điện Bên, Bắc Thái…

5. Thế mà,

Trời cao vốn sẵn từ tâm,

Đất rộng sao đành họa hải (5).

Cản ngăn bởi dân phòng bảo vệ, chực chờ thượng lệnh mới cho qua,

Kiếm soát nơi cửa gác đồn canh, ngóng đợi thông tin đà thấy oải.

Trên ý cho đi,

Dưới lo giữ lại.

Nghẽn cả đường quan chen chúc, phen ni e tuyệt lộ cùng đồ,

Chẹt đầy cửa ngõ vào ra, chuyến này chắc lưỡng nan tiến thoái.

Xuống xe van tiếng xin cầu

Trải bạt đốt nhang lạy vái.

Hên thay rồi cũng qua truông, 

Tuyệt thật đã trèo khỏi ải.

Lòng mở rộng mừng vui phút chốc, qua tỉnh thành gió mát đùa theo,

Tay đều ga thư thả đường dài, vượt đèo núi nắng trời tuôn trải.

Máy bay tàu lửa cần chi,

Xe đạp mô tô thật khoái.

Trạm tiếp đón cô dì vồn vã, chén nước bát cơm,

Băng chào mừng anh ả rộn ràng, lời thăm câu hỏi.

Trúng đoàn thiện nguyện, người xe hư được tặng xe lành, 

Gặp hảo tâm nhân, tay đi bộ bỗng lên đời gắn máy, 

Cơm miễn phí dọc lề sắp sẵn, thiết tha ôi tình nghĩa đồng bào.

Xăng không đồng ven phố chất cao, hào hiệp thật dân tâm thế thái.

6. Khổ thay,

Đầu tưởng êm êm

Sau sao trái trái.

Khỏe đi mệt nghỉ, bóng xe vách quán đủ rồi,

No chạy đói nằm, góc phố lề đường chi ngại.

Trẻ thơ khát sữa, đèo queo ngực mẹ mút nhai,

Anh yếu mỏi giò, ráo riết chân gầy xoa gãi. 

Nắng gay gắt chói dặm dài bước mỏi, rời rã xác thân, 

Mưa liên tu quất dốc núi đường đèo, nhạt nhòa mắt mũi.

Nơi thì thấp lũ tràn cả tấc, dò bước chân lầm lũi lội mù, 

Chỗ quá cao bão quét tứ phương, chao tay lái kinh hoàng thất nái.

Nơi giáp tỉnh lại dừng chân xét hỏi, xin quan trên quyết định thông xe,

Chốn có hầm, cũng tắt máy thẩm tra, đợi ý kiến cơ quan sở tại.

Xe hỏng hóc trơ sườn rỉ sét, nằm lì giữa núi chơ vơ,

Người điêu linh trỏm mắt thâm đen, mất ngủ bao ngày phờ phạc.

Quê nhà còn khuất tận chân trời, 

Thôn xóm mãi thấy đâu bờ bãi.

7. Đến quê,

Bụng thật quá vui,

Lòng sao thậm hãi.

Mái nhà lối xóm, vẫn thuở xưa mà tràn những thân thương,

Chiếc cổng góc vườn, y ngày cũ sao đầy bao thân ái.

Mai mốt đây mẹ cha đùm bọc, gánh nặng này khó cách đáp đền,

Tê tể kia chú bác cưu mang, ơn lớn đó răng mà đối đãi. 

Việc vàng đâu dễ, kiếm tìm đất cát mô ra,

Con vợ chưa quen, vơ vét rau dưa nào nại.

Lạy trời phật xót cho kiếp khổ, giúp càn thằng đã thất cơ,

Cầu thánh thần thương lấy phận hèn, trách chi đứa còn non dại.

May mà mình tay trắng vác thân về

Tội thiệt kẻ thân tàn nằm góc núi. 

Tương lai ôi thấy rối tù mù,

Hiện tại đành gỡ dần lải rải.

8. Giờ đây

Lênh đênh qua một cuộc hồi cư,

Nghẹn ngào viết đôi hàng ký tải.

Bà con thương tưởng, rộng tấm lòng xem xét hiểu cho,

Tâm sự xót xa, cạn giấy mực tỏ bày phải trái.

*

Tác giả: Nguyễn Phúc Vĩnh Ba 

**

Chú thích: 

[1] Lục trầm: chết đuối trên cạn. Trẻ Tạo hóa đành hanh quá ngán. Giết đuối người trên cạn mà chơi (Cung oán ngâm khúc)

[2] Xái: Thứ đã xài nước một rồi, đồ thiên hạ vất.

[3] Sẹc-tin-na (concertina): Thép gai cuộn tròn, thường giăng để ngăn người xâm nhập trước các đồn bót.

[4] Ba-ri-e (barrière): Rào chắn ở lối qua đường sắt, qua lối đi để cản người.

[5] Họa hải: Biển tai họa.

***


11 October 2021

Thu Canada:

Gõ lên hình để phóng lớn.












Hình chụp tại công viên Water Park, St Thomas, Ontario
Canadian Thanksgiving Day 2021 (by A.C.La)

05 October 2021

Chuyện Xứ Lèo

Image: Internet

Nhiều người hay đem những đức tính cao quý của người Nhật ra để so sánh, để thấy người Việt mình tệ biết chừng nào.

Rồi nhiều người khác kêu rằng so sánh như vậy là khập khiễng...

Khập khiễng vì nước Nhật giàu có và văn minh từ lâu, sao bì được.

Tui thấy vầy: Có thể phú quý sinh lễ nghĩa; rách quá, đôi khi cũng khó mà thơm, thế nhưng văn minh là chuyện khác. Không phải cứ giàu là văn minh, và ngược lại (tui, và chắc các bạn cũng vậy, đã nhiều lần chứng kiến trước mắt , lắm kẻ giàu nứt đố nhưng văn minh vẫn là zero đó thôi).

Không nói đâu xa xôi, sát bên nách mình thôi, nước Lào nè....! Trời ơi, họ văn minh khủng khiếp. Chân đã đi nát mặt địa cầu nhưng nếu hỏi tui yêu quý dân tộc nào nhất, câu trả lời sẽ là Lào....!

Người Nhật văn minh vì đôi khi họ buộc phải gồng lên làm điều đó để thỏa mãn những chuẩn mực tối thiểu của một nền văn hóa khắt khe, dần dà thành bản tính đặc hữu giống nòi....

Người Lào thì khác, họ văn minh một cách rất hồn nhiên, như máu họ sẵn có, như ngàn đời nay vẫn vậy, chẳng cần cố gắng gì....!

Nước Lào tươi đẹp, tươi đẹp vì xanh mát, trong lành và bình yên....!

Người Lào hồn nhiên, hiền hậu, chân thật, lịch sự và điềm đạm. Từ lao động chân tay đến trí thức, cảnh sát hay doanh nhân, ai ai cũng toát lên một thần thái an lạc...

Nước Lào ít có người giàu, phần lớn những người giàu nhất là doanh nhân Hoa kiều và Việt kiều. Vì người Lào ít kinh doanh. Nếu có, họ cũng đóng cửa sớm lắm. Khi thấy mới 5 giờ chiều họ đã đóng cửa hàng, tui hỏi sao sớm quá, không bán thêm vài tiếng nữa, anh chị cười cười “Thôi, nhiêu đó đủ rồi, về ăn cơm rồi xem ti vi”. Là không phải họ lười biếng là không phải họ hổng biết kinh doanh, là không phải họ chê tiền, chỉ là họ biết đủ....!

Làm được điều này như họ khó, khó lắm....!

Ở Lào, rất rất hiếm có chuyện cướp giật hay mất trộm ngoài đường. Chiếc xe máy dựng trước thềm nhà không khóa, sáng ra vẫn y nguyên. Nửa khuya, giữa ngã tư thênh thang vắng, người ta vẫn dừng đúng vạch đèn đỏ. Giao thông bên ấy rất tuyệt vời, thỉnh thoảng giữa thủ đô cũng có kẹt xe giờ tan tầm nhưng tuyệt nhiên không có chen lấn hay bóp còi, không có cáu gắt hay bực dọc. Khi bạn băng qua đường, dù không trên vạch trắng, xe cộ thấy bạn từ xa, họ đã hãm tốc. Thành phố lúc nào cũng lằng lặng, ngày cũng như đêm. Đi mua sắm, lựa chọn đã đời, xách đít không đi ra, họ vẫn vui vẻ chắp tay chào. Và còn nhiều nữa...!

Vũ trường ở Lào, nói thiệt, như cái quán hủ tíu bên mình vậy, sơ sài, nghèo nàn và vắng vẻ. Nhưng bảo tàng và thư viện rất to, nhà hát rất đẹp, lúc nào cũng đông...!

Tự suy ra nhé...!

Để tui kể chuyện này cho nghe, hồi SEA Games 25, lúc biết bóng đá Việt Nam vào được chung kết và cơ hội thắng Malaysia để vô địch là rất cao, tui rủ thằng bạn bay qua Viêng Chăn để ủng hộ đội nhà, để sướng với cảm giác vô địch. Trần ai kiếm được vé máy bay, qua tới nơi, khách sạn sang hèn, nhà trọ lớn nhỏ không còn một chỗ trống. Dân Việt Nam ngập tràn bên đó, phần lớn đi đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo.

Anh taxi cũng khốn đốn tới khuya để chở tụi tui đi tìm nơi ở, rồi anh xin lỗi vì không giúp được. Thì thôi, kiếm chỗ nào có mái che, lăn ra ngủ vậy, cổ động viên bóng đá chứ có phải doanh nhân đi nghỉ dưỡng đâu. Nghe vậy, anh taxi hổng chịu. Anh nói ở đây an toàn, không sợ gì con người nhưng anh sợ nửa đêm gió sương... Rồi anh mời tụi tui về nhà, gọi vợ mình dậy nấu mì cho ăn. Khách tắm rửa xong, vợ chồng anh nhường cho họ phòng ngủ của mình. Sáng ra, anh chở đi tìm vé vào sân vận động (ui trời, dân bán vé chợ đen toàn Việt Nam tràn qua). Gửi biếu anh chị tiền, họ nhất mực không nhận, chỉ lấy tiền taxi.

Vậy đó...!

Ai mơ ước người Việt được như người Nhật thì cứ việc...

Tui, thằng đã mòn đít ở Nhật, chai chân ở Việt Nam, bạc đầu ở Đức,... lại mơ ước dân mình được như... dân Lào...!

(Bài: Hồng Hải - Trang "Bốn Phương")

04 October 2021

CPTPP và mối tình tay ba Việt – Đài – Trung : Việt Nam chọn ai?

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Chỉ một tuần sau khi Trung Quốc nộp đơn chính thức để được xem xét trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), Đài Loan cũng đề nghị tham gia vào hiệp định thương mại tự do quan trọng này. [1] Theo giới chức Đài Loan, họ đã chuẩn bị, tham vấn, nghiên cứu vấn đề này từ lâu, dường như muốn lý giải rằng việc họ đệ đơn ngay sau Trung Quốc chỉ là sự trùng hợp.

Cùng lúc đó, có thông tin về việc đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trực tiếp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. [2] Những câu hỏi liệu Trung Quốc có đang nhắc nhở Việt Nam về việc hạn chế con đường gia nhập CPTPP của Đài Loan hay không đã được phóng viên quốc tế gợi ý trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 23/9 mới đây. [3]

Câu trả lời của bà Lê Thị Thu Hằng, như mọi khi, là một câu nói nước đôi và nhấn mạnh vào vai trò tập thể của các thành viên còn lại của CPTPP. Nhưng rõ ràng nó không trả lời cho câu hỏi liệu Việt Nam có dùng quyền thành viên của mình để phản đối Đài Loan gia nhập cùng lúc với Trung Quốc hay không. Điều này đặc biệt quan trọng khi chính quyền Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng mình không bằng lòng với đơn xin gia nhập của Đài Bắc. [4]

***

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Đài Loan kèn cựa nhau về việc tham gia vào một tổ chức thương mại quốc tế lớn.

Đầu thiên niên kỷ này, Trung Quốc đã chạm đích trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế  (WTO) vào năm 2001, vừa trước Đài Loan một năm. Sự hiện diện và vai trò ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc trên chính trường quốc tế đồng nghĩa với việc Đài Loan không thể lấy bất kỳ tên gọi nào khác có ngoài một cái tên vô hồn “Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu” (thường được gọi ngắn là Chinese Taipei). [5]

Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, cần nhớ rằng WTO còn có Hoa Kỳ, người bạn lớn của Đài Loan, và ở thời điểm đó, Việt Nam vẫn còn loay hoay đọc hiểu những quy định của tổ chức này (Việt Nam gia nhập chính thức WTO vào năm 2005).

Nay, khi CPTPP không còn Hoa Kỳ, Việt Nam lại đang đóng vai thành viên sáng lập, liệu tương lai của Đài Loan với hiệp định này có bị hai người anh em cùng đảng Đông Á ngăn cản?

Thủ tục và ngôn ngữ tiếp nhận thành viên mới của CPTPP

Điều mà độc giả cần lưu ý trước tiên là quy định của CPTPP. Theo đó, chương về Quá trình Gia nhập (Accession Process có vài điểm đáng chú ý. [6]

Đầu tiên là việc chương này không dùng thuật ngữ quốc gia (nation-state hay state) để gọi các thành viên, thay vào đó là từ “nền kinh tế” (economy). Ví dụ, trong thủ tục thông báo, CPTPP quy định: “Khuyến khích các nền kinh tế tiếp cận và thương thảo không chính thức với các thành viên về mong muốn tham gia vào CPTPP trước khi đệ trình đơn gia nhập chính thức”. (Aspirant economies are encouraged to engage informally with all CPTPP Signatories…)

Như vậy, ở một mức độ nào đó, có thể thấy CPTPP đã tính trước đến việc cho phép các vùng lãnh thổ chưa thể có danh tính quốc gia tham gia vào Hiệp định.

Vấn đề khác là, tương tự như WTO, CPTPP cũng dành khá nhiều thời gian yêu cầu các nền kinh tế muốn gia nhập phải làm tốt quá trình tham vấn các thành viên (consultation process) và từ đó tạo điều kiện cho Hội đồng CPTPP (the Commission) chính thức khởi động quá trình đàm phán (negotiation process). Đây có lẽ là lý do chủ yếu khiến Đài Bắc phải đẩy nhanh tiến trình tham vấn quốc gia thành viên và khởi động quá trình đàm phán trước khi Trung Quốc trở thành thành viên của tổ chức này.

Đài Loan hiểu rõ tính ương ngạnh của đại lục và những lý luận cùn mà họ có thể viện dẫn trong mối quan hệ giữa hai vùng lãnh thổ.

Dù không ngăn được Đài Loan trở thành thành viên chính thức của WTO, Trung Quốc chưa bao giờ chấp thuận để Đài Loan sử dụng các công cụ của WTO để giải quyết tranh chấp giữa hai nền kinh tế. Ví dụ, trong năm 2003, sau khi cả hai cùng là thành viên của WTO, Trung Quốc đột ngột hạn chế nhập khẩu polyester từ Đài Loan mà không có thông báo hay giải thích rõ ràng. [7] Khi Đài Loan vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, phía Bắc Kinh ngúng nguẩy từ chối bảo rằng đây là “việc nội bộ của Trung Quốc”.

Gia nhập trước hoặc cùng lúc với Trung Quốc là cơ hội duy nhất để Đài Loan có thể trở thành một thành viên của CPTPP mà không gặp quá nhiều những rào cản từ chính người anh em cùng mẹ khác cha của mình. 

Nhưng còn câu chuyện đàm phán với từng thành viên thì sao?

Một công ty của tập đoàn Đài Loan Foxconn ở
Bắc Giang. Ảnh: VietnamNews. 
Việt Nam chọn ai

“Chọn” là một từ hơi mạnh. 

Nếu thật sự buộc phải chọn, không quốc gia nào dám chọn Đài Loan cả. 

Nói đúng hơn phải là, Việt Nam có vì tình bạn 16 chữ vàng với Trung Quốc mà gây khó dễ hay công khai phản đối việc Đài Loan trở thành thành viên trước mặt Hội đồng CPTPP hay không?

Hành vi này đòi hỏi sự cam kết và lòng trung thành chính trị vững vàng với Trung Quốc. Người viết không tin rằng Việt Nam thật sự có đủ can đảm làm điều đó.

Bằng chứng mắt thấy tai nghe đầu tiên là Việt Nam không dám đứng chung hàng ngũ với 65 quốc gia lên án việc các quốc gia phương Tây sử dụng nhân quyền như là một công cụ để “can thiệp” vào nội bộ Trung Quốc, ngay trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Council). [8]

Có thể, Việt Nam vẫn bằng mặt không bằng lòng với Trung Quốc về nhiều vấn đề quan trọng, mà đặc biệt là biển Đông. 

Có thể Việt Nam tin rằng việc các hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra tại Trung Quốc và việc can thiệp là cần thiết. 

Nhưng dù lý giải ra sao đi nữa, có thể thấy chính quyền Hà Nội dường như cũng không tin tưởng mù quáng vào tình bạn trung thành với Bắc Kinh, hoặc ít ra là nó không được son sắt như quan hệ của Pakistan hay một số quốc gia châu Phi khác với Trung Quốc.

Mặt khác, cũng không thể xem thường mối quan hệ bang giao thực dụng (pragmatic diplomacy) giữa Việt Nam và Đài Loan.

Đài Loan là một trong những nền kinh tế đầu tiên đổ tiền vào thị trường mới mở cửa của Việt Nam, và hiện nay vẫn đang tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam, chỉ đứng sau ba anh đại khác của khu vực là Hàn, Nhật và Singapore (bất ngờ là tổng đầu tư của Trung Quốc chỉ đứng thứ bảy). [9] Nói về con số, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đài Loan đang vận hành gần 2.500 dự án với tổng giá trị lên đến hơn 30 tỷ Mỹ kim. [10] Tổng giá trị mậu dịch song phương cũng lên đến 16 tỷ Mỹ kim với hàng loạt các ngành nghề từ sản xuất cho đến dịch vụ du lịch. [11]

Hiển nhiên, so với con số 100 tỷ Mỹ kim giữa Việt Nam và Trung Quốc thì con số này chỉ là tép muỗi. [12] Song nếu cân nhắc việc Việt Nam vẫn còn tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc, lợi ích từ những đồng đô-la Mỹ do thương nhân Đài đem đến tận nơi tận chỗ là không thể chê bai.

Theo quan sát của giáo sư Samuel C. Y. Ku từ những năm 1999, việc Đài Loan đầu tư sớm và quyết liệt vào Việt Nam không đơn thuần chỉ là để tận dụng nguồn lực giá rẻ của quốc gia này. [13] Việt Nam, theo đó, là một phần quan trọng trong chính sách Hướng Nam (Southward policy) của Đài Loan với kỳ vọng rằng sự kết nối chặt chẽ về mặt kinh tế sẽ giúp ràng buộc các mối quan hệ bang giao hơn. Ông cũng nói thêm, tính đến năm 1995, Việt Nam là quốc gia nhận nhiều viện trợ nhất của Đài Loan (dù các số liệu này không còn dễ tìm trong giai đoạn hiện nay).

Việt Nam nối biển cùng Đài Loan và nằm ở đường biên giới quan trọng nhất phía Nam của Trung Quốc, khoá đường ra biển của Bắc Kinh. Với vị trí chiến lược này, có thể thấy kỳ vọng của Đài Loan để nâng cấp mối quan hệ Đài – Việt trở thành “substantive relations” (quan hệ thực chất) là điều dễ hiểu. Đổi lại cho Việt Nam, nguồn cung đầu tư đều đặn từ Đài Loan cùng khả năng nâng cấp chất lượng lao động phổ thông nhờ sự hiện diện của các công ty phần cứng, bán dẫn hàng đầu thế giới như Foxconn là một cơ hội không thể bỏ qua.

***

“Đi hai hàng” trong quan hệ quốc tế đã trở thành thói quen khó bỏ của các chính khách Việt Nam, và thật sự thì nó cũng giúp mang lại nhiều lợi ích ngắn hạn cho các đời chính phủ. Trong bối cảnh đó, Đài Loan vẫn là một người bạn “còn dùng được”. Đứng ra thay mặt Trung Quốc để trực tiếp chống lại khả năng gia nhập CPTPP của đảo quốc Đài Loan chắc chắn không phải một hành vi sáng suốt trong tư duy về quan hệ quốc tế của nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Luật Khoa

Chú thích:

02 October 2021

Canada là dzậy đó !, đoản văn

Kim Loan

Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, khi đậu thanh lọc từ Sikiew lên Panat, tôi chỉ mong muốn được đi Mỹ đoàn tụ đại gia đình của tôi. Chờ gần cả năm trời, lên phỏng vấn, bị phái đoàn Mỹ cho rớt cái bịch, với lời phán chắc như…cua gạch của ông trưởng phái đoàn: “ Bộ Nội Vụ Thailand cho cô đậu vì họ tin lời khai của cô, chớ tui…hổng có tin”! (Ý ổng nói Bộ Nội Vụ Thái…ngu chắc?! Đừng xúc phạm ân nhân của tôi chớ!).

Kim Loan
Sau đó, theo lời khuyên của gia đình, tôi xin đi Canada, dù sao cũng là hàng xóm thân thiết của Mỹ (không phải…hàng xóm môi hở răng lạnh, 16 chữ dzàng nhe!). Phải công nhận phái đoàn Canada thiệt dễ thương, nhìn qua hồ sơ của tôi có đầy đủ gia đình bên Mỹ mà vẫn nhận tôi vào Canada, không gây khó dễ gì! Tôi xúc động, cảm khái, hỏi thiết tha tận đáy lòng:“Sao mấy ông ...tự dưng tốt với tui vậy?”. Ông đại diện Canada ấy nhìn tôi với nụ cười ấm áp, hiền hoà và nháy mắt đầy tự hào: “It’s Canada” mà tôi xin được tạm dịch theo lối văn chương bình dân là :“Canada là…dzậy đó!”

Chuyến bay dài đưa tôi từ Bangkok đến thủ đô Ottawa của Canada đúng mùa đông bão bùng, tháng 12, cao điểm tuyết trắng rơi ào ào không kịp vuốt mặt. Mỗi ngày tôi đón xe bus đến trường với vài lớp áo quần, mang giầy boots, mang bao tay, quấn khăn đầu, khăn quàng cổ, khăn che miệng, (như gái…Hồi Giáo), leo lên được xe bus, lại tháo bao tay, tháo khăn che miệng, tháo khăn quàng cổ, tháo mũ len trên đầu…để tìm tiền lẻ mua vé xe, bác tài xế không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nên có vài lần cho đi…free! Riết rồi…thân với bác tài, thỉnh thoảng bác cho đi “free”, tôi cám ơn rối rít, bác chỉ xua tay độ lượng:“ Canada là…dzậy đó!”

Vào trường học, tôi bắt đầu quen biết bạn bè Việt Nam và bạn bè bốn phương. Giờ giải lao, trước cổng trường có xe bán hàng dạo, đắt hàng nhất là món French Fries (khoai tây chiên) nóng hổi. Giữa cái lạnh giá rét, ngồi trên ghế đá, ngước mặt nhìn…trời, hứng từng bông tuyết mát rượi mà nhâm nhi fries thì quả là…trên cả tuyệt vời. Lần đó, ông thầy giáo trẻ dạy môn biology mà tôi hay nói chuyện, rủ tôi ra xe ăn trưa để giới thiệu với tôi một món ăn mới, rất đặc trưng của xứ Canada, là món Poutine (tức là khoai tây chiên giòn, trên đó rải một lớp cheese curds, rồi rưới lên gravy nóng hổi). Tôi la oai oái, vậy thì khoai hết giòn, ăn sao được! Ổng bảo tôi chớ có đỏng đảnh, cứ thử đi, rồi sẽ…mê, và tôi đã mê thiệt (hổng biết mê …Thầy hay mê poutine), nhưng vẫn ngoan cố, gọi đó là “món ăn kỳ quặc nhất trần đời”. Sau đó, ông thầy có nhiều dịp hóm hỉnh cười mỉm chi (cọp) mỗi khi bắt quả tang tôi xếp hàng mua Poutine và tiến đến, ghé vào tai tôi …chọc quê: “Canada là …dzậy đó!”

Khi gia đình tôi dọn từ Ottawa đến Edmonton (từ bờ Đông sang bờ Tây Canada), mang theo chiếc xe còn bảng số tỉnh bang Ontario chưa kịp đổi. Một lần đi downtown, xong việc bước ra xe, tôi thấy trên cửa kính một mảnh giấy :“Bạn đã đậu xe sai chỗ quy định, nhưng chúng tôi không phạt, vì biết bạn là cư dân mới”.Đang bâng khuâng sung sướng, thì một anh chàng cảnh sát cao to, đẹp trai, oai phong như James Bond tiến tới, với nụ cười…toả nắng: “Thôi cô lái xe về đi, lần sau cẩn thận nhé. Welcome to Edmonton”! Tôi run rẩy lắp bắp, không nói nên lời dù chỉ là hai tiếng cám ơn thì anh ta quay đi, phớt tỉnh Ăng-lê, sau khi để lại một câu rất đỗi…ngọt ngào:“Canada là …dzậy đó!”

Cách đây mấy năm, khi tôi phát hành cuốn sách Buồn Vui Đời Tỵ Nạn (dày 325 trang, nặng 300 gram), mang đến bưu điện gửi đi các “khách hàng” khắp nơi. Giá gửi 1 cuốn qua Mỹ là $12, và giá gửi 1 cuốn trong Canada là…$14! Tôi bèn thắc mắc, hỏi nhân viên bưu điện là tại sao lại có chuyện ngược đời, khi mà gửi trong nước lại đắt hơn gửi qua Mỹ. Cô nàng nhìn tôi như người hành tinh khác mới rớt xuống, nhún vai lắc đầu, phán một câu xanh rờn: “Canada là…dzậy đó”.

Cái câu cuối này, tôi không hài lòng à nha! Đến giờ cũng chưa tìm được câu trả lời thoả đáng! Nhưng mà thôi, chỉ là chuyện nhỏ, cho qua đi Tám (tôi thứ tám trong gia đình chớ hổng phải tôi hay ...tám), “Canada là…dzậy đoá”!!! 

Kim Loan

Nhật Bản Chuẩn Bị Cho Kịch Bản Xung Đột Ở Eo Biển Đài Loan

Các nhân vật lãnh đạo ở Đông Kinh lên tiếng về những mối rủi ro ở Đài Loan và thúc giục sự hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Nguyên tác: Alastair Gale & Chieko Tsuneoka,
Bản dịch: Lương Định Văn

Trạm radar quân sự trên đảo Yonaguni của Nhật Bản, cách Đài Loan khoảng 70 dặm
– Image – WSJ

YONAGUNI, Nhật Bản — Sự quyết đoán của Trung Cộng đối với Đài Loan ngày càng gia tăng đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Nhật Bản công khai khởi động thiết lập kế hoạch cho một cuộc xung đột có thể xảy ra, một biến chuyển có thể đem đến sự hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội Hoa Kỳ.

Các giới chức Đông Kinh, thường cảnh giác về việc làm mất lòng Bắc Kinh, đang đề cập công khai về việc chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng và ủng hộ Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà Trung Cộng công bố thuộc chủ quyền của họ, bất chấp bản Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Nhưng hôm thứ Sáu, các nhà lập pháp ở Đông Kính và Đài Bắc đã tổ chức một cuộc hội họp hiếm hoi trên màn hình để thảo luận về các cách thúc đẩy mối quan hệ, bao gồm cả khả năng hợp tác trong việc cấp cứu trên biển cả.

Phó Thủ Tướng Taro Aso trong một bài diễn văn gần đây nói trước một nhóm ủng hộ viên rằng Nhật Bản và Hoa Kỳ nên cùng nhau lập kế hoạch để bảo vệ hòn đảo trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột.

Trong một cuộc duyệt xét thường niên về tình hình an ninh khu vực của mình, Nhật Bản cho biết có” sự nhận thức mạnh mẽ về một cuộc khủng hoảng hơn bao giờ hết” liên quan đến Đài Loan, sau khi Trung Cộng gia tăng việc điều động các tàu chiến và phi cơ của họ ở gần đó.

Các cuộc tập trận lớn của quân đội Nhật Bản khởi đầu vào tháng 9 nhằm giúp Đông Kinh chuẩn bị cho bất kỳ sự rắc rối nào xảy ra trong những vùng bao gồm Đài Loan, các viên chức Nhật Bản đương nhiệm và trước đây cho biết như thế.

Các viên chức Hoa Kỳ từ lâu đã thúc giục Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp hỗ trợ các hoạt động ở Đông Á. Trong khi Mỹ hỗ trợ Đài Loan bằng cách bán vũ khí, họ vẫn còn mơ hồ về việc liệu họ có đưa các lực lượng quân sự để giúp bảo vệ hòn đảo hay không, một lập trường nhằm ngăn chặn mối xung đột.

Ngoại trưởng Antony Blinken (giữa bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (trái) sau cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại Tokyo vào tháng Ba.

Ảnh: Kim Kyung-Hoon / Agence France-Presse / Getty

Các phân tích gia quân sự cho biết bất kỳ sự gia tăng hỗ trợ nào từ Đông Kinh dành cho Đài Loan có thể thay đổi các tính toán của Bắc Kinh nếu nước này đã từng suy tính đến việc tấn công hoặc xâm lăng.

Sự hợp tác giữa Hoa Thịnh Đốn và Đông Kinh đã bị giới hạn bởi luật pháp của Nhật Bản trong việc hạn chế quân đội của họ trong mục tiêu tự vệ và sự cảnh giác của công chúng Nhật Bản về các vướng mắc với nước ngoài.

Không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xung đột sắp xảy ra ở Đài Loan và một số chiến lược gia quân sự tin rằng mối rủi ro vẫn tồn tại. Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ của quốc tế nếu họ dùng vũ lực để thực hiện việc thống nhất với hòn đảo, và bất kỳ cuộc xâm lăng nào cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp chất bán dẫn của Đài Loan, vốn cực kỳ quan trọng cho nền kinh tế Trung Cộng.

Tuy nhiên, mối căng thẳng đã gia tăng. Nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình vào tháng 7 đã tái cam kết sẽ hoàn tất việc thống nhất và “đập tan” mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy sự độc lập của Đài Loan. Một số nhà lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ đã cảnh cáo rằng Trung Cộng có thể sẽ tìm cách thôn tính Đài Loan trong vài năm tới, sau khi Trung Cộng thành công trong việc áp đặt quyền kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Hồng Kông.

Bắc Kinh đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, kể cả các việc tập trận bằng đạn thật vào ngày 17 tháng 8 và kêu gọi Hoa Kỳ cắt đứt các mối quan hệ quân sự với hòn đảo này.

Các cơ quan Truyền thông của chính quyền Bắc Kinh đã gia tăng áp lực lên Đài Bắc sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, bằng cách nói rằng đây là điều không thể trông cậy vào các liên minh với Mỹ.

Ngoại trưởng Đài Loan cho biết mục tiêu nhằm kiểm soát hòn đảo của Bắc Kinh cho thấy họ muốn “bắt chước Taliban”.

Đối với Nhật Bản, ngay cả một rủi ro nhỏ về một cuộc xung đột vũ trang đối với Đài Loan cũng là một mối quan tâm lớn. Từ hòn đảo Yonaguni của Nhật Bản, vào một ngày trời quang mây tạnh, người ta có thể nhìn thấy bờ biển Đài Loan chỉ cách đó khoảng 70 dặm. Okinawa, hòn đảo lớn nhất trong một chuỗi các đảo ở phía nam của Nhật Bản, là căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ với hầu hết khoảng 50.000 lính Mỹ ở Nhật Bản.

Image – aljazeera
Theo giới thông thạo cho biết, trong một cuộc tập trận quân sự sắp tới của Nhật Bản, hàng nghìn binh sĩ sẽ vận chuyển vũ khí và vật liệu tiếp tế đến phía nam Nhật Bản từ tháng 9 đến tháng 11, đây là cuộc tập trận đầu tiên của quốc gia trong gần 30 năm nay,

Các viên chức quân đội Nhật Bản cho biết việc huy động quân đội, được gọi là Lực lượng Tự Vệ, đã được kế hoạch từ hơn một năm và không phải là phản ứng trực tiếp đối với mối căng thẳng gần đây ở Đài Loan.

Tuy nhiên, Noboru Yamaguchi, một tướng lĩnh quân đội Nhật Bản đã hồi hưu, cho biết các cuộc diễn tập này sẽ giúp cải thiện khả năng sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đụng độ nào liên quan đến hòn đảo. Các viên chức Nhật Bản cho biết mối quan ngại về ý định của Bắc Kinh đối với Đài Loan và sự thiếu phối hợp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ đã khiến cho vấn đề trở nên cấp bách hơn.

Trung tướng Yamaguchi, hiện là giáo sư quan hệ đối ngoại tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, cho biết: “Dù muốn hay không, nếu tình huống bất ngờ xảy ra ở đó, thì không có một lựa chọn nào khác ngoài việc bảo vệ Nhật Bản.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Quốc phòng Yasuhide Nakayama mô tả rằng sự căng thẳng ở eo biển Đài Loan là một trong những mối đe dọa gây bất ổn nhất đối với Nhật Bản.

Ông Nakayama nói: “Bộ Quốc phòng và Lực lượng Tự Vệ liên tục cân nhắc những kịch bản khác nhau để chúng tôi có thể đáp ứng một cách thích nghi.

Mặc dù với sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đông Kinh rất có thể sẽ không đóng vai trò tiên phong trong bất kỳ cuộc xung đột nào về hòn đảo này. Bản Hiến pháp của Nhật Bản cấm đoán việc sử dụng vũ lực quân sự để giải quyết các mối tranh chấp, một di sản từ Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, vì sự gần gủi giữa các hòn đảo phía nam của Nhật Bảni với Đài Loan và sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại đây có nghĩa là Đông Kinh gần như chắc chắn sẽ bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào. Những sửa đổi về pháp lý trong những năm gần đây có nghĩa là Đông Kinh có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh đang bị tấn công ở gần Nhật Bản và cung cấp nguồn tiếp tế.

Trong cuộc họp hôm thứ Sáu với các quan chức Đài Loan, Masahisa Sato, người đứng đầu quan hệ đối ngoại của đảng cầm quyền Nhật Bản cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, ” Trong một hoặc hai năm tới đây, các viên chức quốc phòng Nhật Bản và Hoa Kỳ cần phải đánh giá lại các vai trò và khả năng quân sự chung của hai bên về tình huống bất thường có thể xảy ra ở Đài Loan”.

Katsutoshi Kawano, cựu Tham mưu trưởng của Lực lượng Tự Vệ, cho biết Nhật Bản có thể đóng các vai trò hỗ trợ, nếu quân đội Hoa Kỳ tham gia vào cuộc khủng hoảng Đài Loan, bao gồm tiếp tế nhiên liệu cho tàu chiến Mỹ, chia sẻ các hoạt động trinh sát, bảo vệ các căn cứ của Mỹ và hỗ trợ việc di tản người tị nạn khỏi Đài Loan. Ông nói, hai tàu khu trục của Nhật Bản đang được chuyển đổi thành hàng không mẫu hạm có thể được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho phản lực cơ chiến đấu F-35B của Mỹ.

Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa sẽ là các điểm xuất phát gần nhất và lớn nhất cho bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ nhằm hỗ trợ Đài Loan. Các phân tích gia về quốc phòng cho rằng các căn cứ quân sự này có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Trung Cộng, điều này sẽ cho phép Nhật Bản trả đũa theo quyền tự vệ.

Nhật Bản đặt kế hoạch trang bị cho quân đội các hỏa tiễn tầm xa có thể bắn từ các phản lực cơ chiến đấu nếu Đông Kinh quyết định rằng họ cần trả đũa một cuộc tấn công và đang phát triển các loại hỏa tiễn có bệ phóng trên đất liền có thể nhắm vào các mục tiêu tàu chiến từ xa khoảng vài trăm dặm.

Yoji Koda, cựu Phó Đô đốc của Lực lượng Tự Vệ, nói rằng nếu Hoa Kỳ gặp phải tình huống yếu thế về quân sự trước Trung Cộng trong cuộc đụng độ ở Đài Loan, áp lực có thể sẽ gia tăng đối với Nhật Bản để đảm nhận vai trò tích cực và quyết đoán hơn.

Ông nói: “Cho đến nay, bức tranh đơn giản của vấn đề là Hoa Kỳ đảm nhận vai trò tấn công và Nhật Bản chỉ tham gia trong việc phòng thủ Nhật Bản, nhưng vai trò đó nay đã thay đổi ”.

Trong nhiều thập niên, Nhật Bản đã tránh lập kế hoạch về một cuộc khủng hoảng liên hệ đến Đài Loan. Trung Cộng được coi như không có khả năng dùng vũ lực ép buộc việc thống nhất với hòn đảo, vốn được cai quản riêng biệt với đại lục kể từ sau chiến thắng của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc vào năm 1949.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm, Trung Cộng hiện có lực lượng quân đội lớn hàng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ. Con số chi tiêu Quốc phòng của Bắc Kinh đã gia tăng 76% trong thập niên vừa qua lên tới 252 tỷ USD vào năm 2020.

Trong tháng 4, Tổng thống Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga đã ra tuyên bố kêu gọi hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan, một văn bản chung lần đầu tiên có đề cập đến về Đài Loan của hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản kể từ năm 1969.

Khi được hỏi về vấn đề Đài Loan trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7, ông Suga nói, “Chúng tôi phải làm việc để nâng cao sức mạnh răn đe của liên minh Mỹ-Nhật.”

Randy Schriver, Phụ Tá Bộ trưởng Quốc phòng về Các vấn đề An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền dưới thời Trump, cho biết Nhật Bản và Mỹ đã thảo luận về các hệ quả của những kịch bản chẳng hạn như việc Trung Cộng phong tỏa Đài Loan mà không đi sâu vào chi tiết của các buổi thảo luận về những phương cách phản ứng. Ông nói: “Tôi nghĩ điều thực sự cần phải thực hiện trên mặt quân sự là chúng ta khởi đầu một tiến trình lập kế hoạch song phương”./.

Source:“As China-Taiwan Tensions Rise, Japan Begins Preparing for Possible Conflict” , The Wall Street Journal
(via Trang Hội cựu sinh viên QGHC Liên bang Úc châu)

Alastair Gale, nhà báo đóng góp các bài viết đưa tin về Nhật Bản cho tờ Wall Street Journal từ Đông Kinh từ năm 1999, bao gồm chức vụ Giám đốc Văn phòng ở Hàn Quốc từ năm 2011 đến năm 2016. 
Chieko Tsuneoka, nhà nghiên cứu thâm niên với hơn 20 năm kinh nghiệm về nhiều chủ đề, từ chính trị và văn hóa đến các vấn đề kinh doanh và an ninh, trong việc hỗ trợ các phương tiện truyền thông nước ngoài tại Nhật Bản, bao gồm The New York Times, The Times of London và The Independent.