Từ mái trường
đến mái nhà Việt Nam
Mái trường che chở tình nghĩa thầy trò, tình đồng môn. Mái nhà cưu mang tình nghĩa gia đình, gia tộc. Điều này thật hiển nhiên, vì ai cũng có thể cảm nhận bằng con tim chân thật.
Thắm thoát đã hơn bốn mươi năm trôi qua, mọi sự vật đều thay đổi, trường ốc không còn y nguyên như xưa, cái tên gọi cũng khác, cho nên nếu cứ theo như luận lý hình thức thì mái trường xưa đó hiện nay ở chỗ nào? Đối diện với chủ đề Nhớ Trường Xưa của các bạn học cũ gởi đến, tôi liên tưởng đến phép nhất tâm tam quán ở kinh Kim Cương:
Mái trường, mà không là mái trường, mới là mái trường.
Mái trường: khẳng định.
Mà không là mái trường: phủ định.Mới ( thật sự ) là mái trường: tổng hợp cả khẳng định với phủ định, có nghĩa là vừa có lại vừa không, rồi dẫn đến chủ trương chẳng có chẳng không, mà cũng có cũng không ( phi hữu phi không, diệc hữu, diệc không ), tới cái đích đó là chân không- diệu hữu, cái hữu kỳ diệu trong tất cả những kỳ diệu.
Cái mái trường ở nhịp thứ ba của phép tam quán chính là mái trường trong tâm tưởng của mỗi người học trò, nó tròn đầy ( số 3 = thiên viên ) siêu vượt không gian, thời gian. Anh ở Bà Rịa, chị ở Bắc Cali, Nam Cali, tôi ở Spaichingen, những ngày xa xưa ấy, ngày hôm nay hay mai sau, mái trường trong tâm tưởng vẫn thường hằng, chan chứa tình nghĩa thầy trò, tình bạn hữu đồng môn.
Mái nhà cũng như vậy, siêu vượt từ phạm vi gia đình, gia tộc đến mái nhà trong tâm tưởng mọi người thành mái nhà Việt Nam, mà trong quá khứ đã là mái nhà Đại Việt, Bách Việt, nói chung là mái nhà của Việt tộc.
Mái nhà này đã bao đời đùm bọc con cháu giống Lạc Hồng, Tiên Rồng cùng trong một bọc trăm trứng. Những học trò cùng qua một cửa trường gọi là đồng môn, còn những người công dân nước Việt cùng chung một bọc mà ra nên gọi là đồng bào.
Nhận được thư mời tham dự đại hội thường niên của Hội Ái Hữu trường xưa, tôi rất vui mừng, vội đọc ngay để biết tin tức thầy, cô, bạn bè khắp nơi. Đến bức tâm thư của anh Hội trưởng có đoạn:
“ xin đừng vì những ý kiến bất đồng ý kiến gây sự chia rẻ, làm mất vui trong hội chúng ta.” tôi cảm thấy ngỡ ngàng, không tin ở con mắt già bệnh hoạn của mình, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, hy vọng rằng đó là do so sót lúc viết “ đánh máy “, mà đúng ra phải như thế này cho nhẹ nhàng hơn:”xin đừng vì những ý kiến bất đồng mà chia rẻ, làm mất vui trong hội chúng ta.”Tối hôm đó, tôi cứ trăn trở mãi, đến quá giữa khuya thì mê mệt chìm vào giấc ngủ mộng mị. Tôi thấy mình đang ở trong gian nhà dột nát, mà bên ngoài thì mưa bão đang ra sức gầm thét, dọa nạt. Trong cảnh mờ ảo, một cụ già đạo mạo, râu tóc bạc phơ hiện ra, chỉ tay lên mái nhà, chậm rãi đọc hai câu thơ :
“ Nhà dột bởi đâu? Nhà dột nóc,
Nếu nhà dột nóc, thế chon von.”Nghe hai câu thơ, tôi nhận ra ngay Tiên ông chính là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên vội vàng quỳ sụp xuống lạy, đến khi ngước mắt lên thì ông Tiên đã biến mất.
Một lúc sau, cũng trong cảnh mờ ảo đó lại hiện ra một vị mặc y phục tu sĩ màu trắng, diện mạo nhân từ, thông thái. Đối chiếu với hình ảnh trên mạng, tôi biết là mình được may mắn đang đứng trước nhà hiền triết mà mình từng nghe tiếng và hâm mộ, triết gia giáo sư Kim Định. Tôi kính cẩn chấp tay vái chào. Vị thầy này từ tốn gật đầu trả lễ:
- Môn phái?
- Triết lý quân bình.
- Cùng một bọc Thái hòa cả.
Sau mấy câu đối thoại ngắn ngủi, vị thầy chỉ tay về phía bên trên bàn thờ Tổ tiên ở gian chính giữa của căn nhà ba gian hai chái (*), nói gọn lỏn chỉ có hai chữ : “ bị yểm ”, rồi cũng biến mất. Tôi nhìn lên rầm nhà, phía bên trên bàn thờ thì quả thật có lá bùa vẽ hình bát quái khác thường. Sau khi ghi nhận những điểm dị thường trên lá bùa, tôi định tìm cách gỡ xuống thì nghe tiếng chuông nhà reo nên giật mình tỉnh giấc chiêm bao.
Nhân viên bưu điện trao cho phong bì dày, tôi mở ra mới biết đó là cuốn sách “ Việt Nam: "Suối nguồn văn minh Đông phương" của tác giả Du Miên gởi tặng. Tôi chợt thầm nghĩ đây cũng có thể là một trong những sách ước để giải trừ bùa yểm, vì Du Miên là một huynh trưởng hướng đạo hằng quan tâm đến tương lai của thế hệ trẻ. Nhưng dù sao mình cũng phải ráng nhớ lại hình ảnh của lá bùa yểm trong giấc mơ như thế nào, để xem mộng ứng điềm gì, rồi từ đó rút ra phương cách giải trừ. Tôi nhớ rõ, ở giữa đồ hình Bát quái là hình tròn Thái cực- Lưỡng nghi mà sao lại quá lạ kỳ, được phân đôi bằng đường kính thẳng băng: một nửa hoàn toàn đen, một nửa hoàn toàn trắng, mà đúng ra Thái cực- Lưỡng nghi của kinh Dịch Việt tộc là hình tròn được phân đôi bởi đoạn cong hình chữ S, y như hình thể của đất nước Việt Nam. Bên màu trắng là dương lại còn có chấm đen là Thiếu âm, bên màu đen là âm lại có chấm trắng là Thiếu dương, cho nên không có vấn đề thuần dương hay thuần âm, sở dĩ gọi là dương vì phần dương trội hơn âm và gọi là âm vì phần âm lấn lướt dương, một vấn đề tương đối.
Trở lại đồ hình Thái cực- Lưỡng nghi ở lá bùa yểm, đó là biểu tượng triết lý duy lý nhị nguyên Tây phương dứt khoát trắng là trắng, đen là đen rất hợp với luận lý hình thức của Aristotes A = A, cho nên hể chọn cái này thì phải bỏ cái kia; đồng với ta, cho ta là phải; không đồng với ta, cho ta là trái ( Trang Tử ); thuận với ta là bạn, nghịch với ta là thù phải đấu tranh một mất, một còn … Đó là thứ triết lý duy lý lạnh lùng, vô tâm. Từ ngày kẻ gian nào đó bên ngoài lẽn vào nhà treo bùa yểm này khiến cho căn nhà “dột nóc, thế chon von”: nào vợ chồng lục đục, con cái tố cha, mắng mẹ, anh em không còn hòa thuận, âm khí thật nặng nề, tràn ngập nghi kỵ, nhìn thấy ai cũng là kẻ thù. Vậy mọi người hãy mau tháo gỡ lá bùa yểm này xuống, trả lại chỗ cho Đồ Thái cực- Luỡng nghi truyền thống của dân tộc càng sớm càng tốt thì mới mong tai qua nạn khỏi được. Đồ Thái cực- Lưỡng nghi dân tộc biểu thị cho triết lý sinh động lưỡng nhất (hai mà một), âm dương hòa hợp, tình lý tương dung, triết lý nhân bản tâm linh trong đó nhân phẩm thăng hoa, con người là thành viên quan trọng trong hệ thống Tam tài: Thiên- Địa -Nhân. Ở quẻ Ly của kinh Dịch có viết:
“Thiên địa khuể nhi kỳ sự đồng dã. Nam nữ khuể nhi kỳ chí thông dã. Vạn vật khuể nhi kỳ sự loại dã ” (Trời đất sai khác mà công việc cùng chung vậy. Nam nữ sai khác mà ý muốn thông suốt vậy. Vạn vật sai khác mà công việc giống nhau vậy). Đó là huyền nghĩa của triết lý đồng nhất trong sai biệt, triết lý quân bình, là đạo Thái hòa, cho nên Nguyễn Công Trứ mới đề câu thơ:
“ Linh khâm bảo hợp Thái hòa ”Tản Đà mới viết :
“ Mình với ta tuy hai mà một,
Ta với mình tuy một mà hai ”Đạo Thái hòa mà giữ đúng thì từ bản thân cá nhân đến gia đình, đoàn thể, xã hội, quốc gia, quốc tế đều có sự hài hòa thì làm gì không có hiếu thảo, hòa thuận, hòa bình.
Sự hiểu biết của tôi còn rất giới hạn, vậy những bạn nào muốn hiểu rõ huyền nghĩa đạo Thái hòa của dân tộc, chúng ta hãy cùng nhau kéo tới gõ cửa ngôi nhà Triết lý đồ sộ, nguy nga của cố giáo sư Triết gia Kim Định ở địa chỉ An Việt Toàn Cầu, mà cửa lúc nào cũng rộng mở. Tham gia học hỏi, nghiên cứu Triết Việt càng đông càng tốt. Nếu ai cũng thông suốt thì việc tháo gỡ những lá bùa trấn yểm dễ dàng và hy vọng ngôi nhà Việt Nam sẽ khang trang trở lại. Thật mong lắm thay!
Mặt trời đã lên cao, hướng về giờ Đại Ngọ huy hoàng, người ta nghe vang dội bên kia sông tiếng hợp ca vui tươi, đầy sức sống của trẻ em trong lớp học Việt ngữ, còn bên này sông đáp lại giọng ca của đội thiếu nhi Hướng đạo trong bài ca đồng dao thân thương:
“ Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Các con nên gìn giữ lấy
Muôn năm nhớ nước non nhà ”Nguyễn Văn Nhiệm27.6.2009
___
( * ) Ba gian hai chái : Tham thiên lưỡng địa : Thiên viên địa phương : cặp số 3-2 .
07 May 2010
Tham luận
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!
- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...
-
Đỗ Trung, tác giả bài viết chính là phu nhân của Đồng môn Huynh trưởng Nguyễn Đắc Điều, ĐS Khoá 6, Học viện QGHC Sài Gòn ** Đỗ Trung Dung V...
-
TTR: Dưới đầu đề trên, tác giả Nguyễn Đắc Điều, một viên chức hành chánh kỳ cựu của VNCH, kể về những chặng ngược xuôi trên con đường thi h...
-
Đỗ Tiến Đức Sept.,5-2022 Rock Springs-Wyoming Hôm nay chúng ta đến đây để tiễn đưa một người bạn mà chúng ta yêu mến rời bỏ chúng ta về miền...
No comments:
Post a Comment