12 May 2010

Thử thời vận

Đầu năm nay dưới đầu đề "Năm Mới Thử Thời Vận", chúng ta đã tìm hiểu một vài khía cạnh của thị trường chứng khoán. Nhưng vì MaoTôn Trang Chủ đột ngột ngã bệnh nên bài bị gián đoạn. Nay Diễn Đàn xin đăng tải lại toàn bài để rồi chúng ta sẽ có một phần đúc kết vào thời gian tới. (TTR)

Kỹ thuật và tâm lý thị trường chứng khoán

Điền Thảo
"Dịp may chỉ đến với những người biết đợi nó"
Vô danh
Lá số tử vi của một người có 12 cung trong đó có cung Điền Trạch. Bởi vì xưa kia người giầu có là người có điền sản. Thế nhưng ngày nay có hơi khác. Lớp giầu có hiện nay là lớp người nắm giữ cổ phần của các công ty. Người giầu nhất hiên nay - Warren Buffett - là một nhà đầu tư chứng khoán. Giới tư bản nắm vận mệnh người khác, có khi nắm vận mệnh cả một nước trong đó quan lại chỉ là người thừa hành. Phụ nữ Việt sống tại Bắc Mỹ chắc không còn tán đồng với câu ca dao:
"Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ"
Bởi vậy Cung Điền Trạch trong lá số tử vi nên đổi là "Cung Chứng Khoán" để cập nhật.

Một lần nữa chúng ta lại trở về với thị trường chứng khoán, để tìm hiểu thêm về sinh hoạt tài chánh này. Trước khi lướt qua những phương pháp và chiến lược của những chuyên viên trao đổi chứng khoán và đi sâu vào lề lối làm việc của những nhà đầu tư, chúng ta cần có một cái nhìn chung về thị trường - hay dài dòng hơn - thị trường chứng khoán.

Nắm bắt thị truờng

Tại sao tết nhất năm nay lại nói đến cung Điền Trạch - Chứng Khoán? Là bởi vì hiện nay tình hình kinh tế rất biến động. Nhà cửa sụt giá, tín dụng khủng hoảng, thất nghiệp lan tràn, giá dầu vô cùng bấp bênh...Tất cả đủ tạo ra một hình ảnh rất tiêu cực. Mà người ta nói chính ở thời buổi nhiễu nhương là lúc có nhiều cơ hội làm ăn. Tôi đang ngồi trước computer mổ cò bài viết này bỗng nghe một câu phá vỡ sự yên lặng "Just the smart can survive!". Tôi quay sang bên cạnh nhìn Bé Út - Cục Bonus của tôi - cũng đang vọc computer, nói: "Ủa, con học câu nói đó ở đâu vậy?" rồi quay lại màn ảnh lẩm nhẩm: "Khôn chết, dại chết, biết sống".

Đúng vậy, nơi thị trường mà khôn quá, hiểu là ham hố quá sẽ chết. Dại quá, hiểu là dễ tin brokers quá cũng chết. Chỉ những người biết, tức là tỉnh táo, am tường thị trường mới có thể sống.

Trước hết cần nhận ra thị trường đang ở giai đoạn nào. Sau đó là một loạt công việc phải phân tách, phán đoán và quyết định.

Một chu kỳ dài của thị trường có bốn giai đoạn: thành hình, thịnh, đỉnh, suy và tái phối trí.tức trở lại giai đoạn A. Giữa giai đoạn A và B có một khúc quanh hết sức quan trong, rất béo bở mà nhận ra được thì cơ may thành công sẽ rất lớn (theo mũi tên màu vàng). Đó là giai đoạn cất cánh của thị trường, hiểu là thị trường chung, thị trường một phân khu (sector), hay một cái stock cá biệt. Nếu cả ba thi trường chung (ví dụ DJI), phân khu (ví dụ Computer-Game), và stock cá biệt (ví dụ Apple Macintosh) đồng thuận đi theo một chiều, thì cơ may thắng khi mua cổ phần của Apple khá chắc chắn.

Một trong những người am hiểu thị trường, từng lặn lội trong đó và viết nhiều về những vấn đề liên hệ, ông William J. O'Neil, đã xác quyết: "Khi thị trường chung - như S&P index, NASDAQ tổng hợp index, và Index kỹ nghệ DJI - lên tới đỉnh và bắt đầu đi xuống thì ba trong số bốn stocks bạn đang giữ cũng đi xuống bất chấp chúng "tốt" và tiến bộ ra sao".(1)

Thế cho nên lúc nào cũng phải xác định hiện thị trường chung đang đi về đâu. Điều này rất quan trọng vì là một yếu tố để quyết định nên mua hay không, nên bán hay không, và xa hơn nữa đi "long" hay đi "short"(2)

Người trao đổi hay người đầu tư?

Điều thứ hai cần xác định mình là một người trao đổi chứng khoán (Trader) hay là một người đầu tư (Investor) bởi vì phương pháp và chiến lược mua bán của hai người này có khác và nhiều khi khác nhau rất xa có khi ngược chiều 180 độ. Đối với Day traders, không có cái stock nào là quá mắc, mà cũng không có cái nào giá quá rẻ. Bất cứ ở chặng nào của thị trường Day traders cũng vẫn có thể trao đổi kiếm lời. Đối với những người đầu tư thì điểm này cần dè dặt hơn nhiều.


Cả hai dĩ nhiên có mục đích giống nhau là kiếm tiền bằng cách mua đi bán lại. Thế nhưng người trao đổi chứng khoán chỉ ăn xổi ngày nào hay ngày đó. Họ mua, giữ rồi bán stock trong ngày, có khi mua vào bán ra chỉ trong một vài phút. Hiếm khi họ giữ một cái stock qua đêm.

Biểu đồ traders dùng theo dõi biến thiên của thị trường ghi biến chuyển từng phút, hoặc vài giây. Họ theo dõi giá cả lên xuống qua các giá biểu chuyển động gần như sát với thời điểm hiện tại. Trong khi đó biểu đồ của người đầu tư dùng thường xuyên nhất ghi biến chuyển hằng ngày, hằng tuần, có khi hằng tháng.

Cần chú ý đến cách dùng time frame (3) khác nhau vì lẽ, người đầu tư không nên để mình bị rối rắm trong những biến chuyển phức tạp hằng ngày. Người ta bảo người đầu tư dài hạn nên tránh những cái 'noise' đó, bằng không dễ làm trí não mệt mỏi và đôi khi hoảng loạn.


Ngược với ý nghĩ bình thường tưởng lầm rằng những chuyên viên trao đổi chứng khoán ở Wall Street kiếm những số lời chênh lệch lớn giữa giá mua và bán. Không, họ thường xuyên mua bán kiếm lời mỗi cổ phiếu năm ba xu, cũng đôi khi một hai đồng. Nhưng họ trao đổi hàng chục ngàn cổ phần một ngày nên kiếm được số tiền khá lớn.

Một trong những thương vụ đem đến lợi nhuận là do những orders từ khách hàng. Chẳng hạn một khách hàng muốn họ mua giúp 50,000 cổ phần của công ty A với giá $34.30 . Họ dùng kinh nghiệm và kỹ thuật riêng để mua dưới giá đó trong một vài ngày hay trong một tuần cho đủ 50 ngàn shares. Thực tế không phải họ mua một lần là xong, mà là nhiều lần. Vì sau khi mua được, chẳng hạn, 16 ngàn shares dưới giá $34.30, số cung giảm, giá tăng lên trên $34.30,. Trường hợp này họ phải bán bớt ra lại. Làm như vậy có hai cái lợi: Vừa kiếm được lời lại vừa giảm áp lực để giá phải hạ xuống và để rồi lại có thể mua tiếp.

Đổ đồng họ lời ví dụ 10 xu x 50,000 shares = $5000 cộng với những lúc phải bán ra để giảm áp lực, tổng cộng ví dụ 21 xu x 20,000 shares = $4200. Thương vụ này đã thu về một số lời cho hãng thuê họ là $5000 + $4200 = $9200.

Rõ ràng chúng ta, những người trao đổi chứng khoán tài tử, không có khả năng và kinh nghiệm làm như vậy . Đứng ở vị trí một người đầu tư dài hạn sẽ ít nguy hiểm và nhiều cơ may thành công hơn. Người đầu tư cần áp dụng một chiến lược khác ít bị áp lực nên bớt bị đau đầu.


Tóm lại trong khi dùng biểu đồ (chart) có time-frame khác nhau, mua bán trong đoản kỳ hay nhắm đầu tư dài hạn, cả hai người trao đổi và người đầu tư đều dựa vào hai yếu tố để chọn lựa stocks: Tìm hiểu những điều kiên cơ bản (fundamentals) một cái stock và dùng biểu đồ (charts) để ra vô cho đúng lúc.

Dù là Day traders hay Investors, những người lặn lội trong thị trường chứng khoán nói riêng hay nơi thị trường nói chung cũng ít nhiều có máu đầu cơ cả. Cách đây sáu tháng khi đồng Đô Canada ăn 110 xu tiền Mỹ, tôi có bài gợi ý người ta lấy tiền Canada đổi ra tiền Mỹ rồi vác xuống mua nhà ở Mỹ ...rẻ rề. Chưa cần nói đến nhà rồi sẽ lên giá lại hay ít nhất khỏi đi thuê mắc mỏ, nguyên cái chuyện đổi Gia kim thành Mỹ kim cũng đã lời chán. Nếu cách đây sáu tháng bạn dùng $9000 Gia kim mua được $10,000 Mỹ kim. Nay bán tiền Mỹ lấy lại tiền Canada lời đứt đuôi $3000 Gia kim ($12000 - $9000). Nếu bỏ ra $90,000 Gia kim nay lời $30,000 sau sáu tháng.

Chọn Stocks

Không cần đi đâu xa. Ở nước nào mua stock ở thị trường nước đó. Bằng không thì theo dõi và mua stock ở thị trường Bắc Mỹ. Những stock có tiếng của những nước khác cũng đều listed trên thị trường tại địa phương có thị trường lâu đời: Như thị trường Nhật, Hồng Kông, Anh, Pháp, Đức... Lý do là vấn đề thông tin. Chẳng hạn nếu sống ở Bắc Mỹ, tin tức trên hệ thống truyền thông và của các hãng brokers đến với mình rất nhanh, nhanh hơn là đến từ các nước mình không cư ngụ. Trường hợp Việt Nam hơi đặc biệt. Thị trường Việt Nam mới, stocks VN rất bấp bênh. Trừ trường hợp am tường , đã quen đường đi nước bước của một vài cái stocks của VN, bằng không nên đầu tư vào những cổ phần các công ty nổi tiếng trên thế giới.

Chọn bạn mà chơi. Chọn stocks y như chọn một người bạn. Hãy chọn một người bạn hiền lành, thuần tính. Không ai chọn những người bạn bất chợt khó đoán được tính khí.
Một cái stock tin cậy được cho thấy một số điểm sau đây:

1. Công ty phải có ít nhất 3 năm lịch sử ghi lại thu nhập hằng tam cá nguyệt. Mỗi một quý trong sáu quý sau cùng thu nhập phải tiến triển. Mỗi quý đều ghi nhận thu nhận gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước đó. Không nên tin vào những lời hứa nói rằng lỗ lã hay thu nhập èo ọt chỉ là tạm thời rồi ra công ty sẽ cải thiện nhanh.

William J. O’Neìl thổ lộ trong cuốn “24 Essential Lessons for Investment Success” nổi tiếng của ông: “Đại đa số những kiểu mẫu thành công chúng tôi đã chọn, tất cả đều có thu nhập mạnh và tiến triển trước khi giá stock của chúng vượt lên cao” (4).

2. Những yếu tố cơ bản khác cũng cần để tâm theo dõi hay truy cứu.
- Trước tiên là số thương vụ (sales) phải tiến triển. Những quý mới nhất cho thấy số thương vụ tăng từ 25% trở lên so với cùng thời điểm trong năm trước

- Thứ đến chú ý đến hoạt động tài chánh hữu hiệu của cộng ty. Chỉ số ROE (Return on equity) sẽ đo mức độ xử dụng hữu hiệu tài chánh của công ty

- Thứ ba là công ty có những sản phẩm hay dịch vụ siêu đẳng. Chính những chiếc ipod tý tẹo thu phát đươc cả ngàn bản nhạc thay thế cho những chiếc CD players cồng kềnh đã đưa cổ phần $7 (2001) của Apple Machintosh lên $200 ở cao điểm cuối năm 2007, ( $86 giá đóng cửa tuần vừa rồi).
3. Những stocks tốt như thế diễn tiến giá cả thường có hàng có lối, phân minh. Những dự đoán của shareholders ít bị ba trật ba vuột.

Mua và bán đúng thời

Đâu tư vào chứng khoán mà chọn sai stocks thì hỏng cuộc chơi. Chọn được stocks lành mạnh mà không vô đúng lúc cũng hỏng nốt vì mất ăn, đôi khi còn bị thua lỗ. Hai ý niệm căn bản cần am tường giúp vô ra bớt bị trật: Nhận ra tình cảm nơi thị trường, nhận ra và hiểu đuờng nâng đỡ khi phân tích một biểu đồ.

- Chúng ta thường bắt gặp hai cụm từ 'Thị Trường Trâu' - Bull Market - và 'Thị Trường Gấu' - Bear Market là ngôn ngữ nơi thị trường chứng khoán để diễn tả nhanh hai thái cực tâm trang lạc quan hay bi quan vào một thời điểm hay một giai đoạn nào đó. Cách đây một năm Tại Alberta người ta đua nhau mua nhà, người ta bảo thị trường nhà đất ở tỉnh bang Canada này đang ở thời kỳ Bull market. Cùng lúc đó tại nhiều bang bên Mỹ nhà bắt đầu bị xiết, không bán được nữa, người ta biểu thị trường nhà đất ở Mỹ bắt đầu một giai đoạn Bear market (5).

Thị trường là sinh hoạt tài chánh trong đó yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Nhiều khi đa số cũng vẫn có thể sai, nhưng đã là hiện tượng "cừu đàn" thì khi làm ăn trong thị trường không thể bỏ qua tâm lý "a-dua" ấy.

- Không ai phân tách đúng đắn biểu đồ mà lại bỏ qua không biết hay không đếm xỉa gì đến Đường Nâng Đỡ (Support). Đường Nâng Đỡ có một âm bản là Đường Án Ngữ (Resistance).

Đường Nâng Đỡ là một đường tưởng tượng chạy ngang biểu đồ, giá cả nằm trên đường đó. Khi giá rơi xuống đường đó thì dội ngược lên. Nếu giá rơi xuống mà xuyên thủng Đường Nâng Đỡ thường là cái stock có vấn đề. Giá đi lên khi gặp Đường Án Ngữ thì dội ngược xuống. Nếu giá vọt lên xuyên thủng Đường Án Ngữ, cái stock có triển vọng đi lên. Đường Nâng Đỡ có thể biến thành Đường Án Ngữ và ngược lại. Nếu Đường Án Ngữ bị giá chọc thủng để vượt lên trên, chúng ta có Bull Market. Nếu giá từ trên chọc thủng Đường Nâng Đỡ nằm phía dưới để đi xuống, chúng ta có Bear Market. Đường Án Ngữ và Đường Nâng Đỡ càng có nhiều điểm thử nghiệm (Test points) thì càng vững chắc bấy nhiêu và khi bị giá phá vỡ xuyên thủng, thì giá càng bộc phát lên cao (Dường Án Ngữ) hoặc lao xuống mạnh bấy nhiêu (Đường Nâng Đỡ). Tóm lại Bull-Bear, Án Ngữ-Nâng Đỡ là những ý niệm tâm lý và kỹ thuật rất quan trọng giúp một người đầu tư tự tín hơn khi quyết định, và quyết định khi ấy dựa vào những suy diễn khách quan hơn. Tất nhiên không ai mua hay giữ một cái stock đang xuống, chẳng ai bán những stocks đang lên.

Đối với những người buôn bán hay theo dõi thị trường chứng khoán, biểu đồ là một dụng cụ không thể thiếu. Ngay cả những người có trí nhớ đặc biệt, nhớ được rõ ràng giá tháng trước, tuần qua của nhiều cái stocks, cũng vẫn cần tham khảo biểu đồ để có một cái nhìn xa.

Biểu đồ đèn cầy

Thông thường biểu đồ là một đường nối liền những điểm tượng trưng giá đóng (Closing prices) sau một ngày, một tuần, một tháng v.v... Một đường biểu diễn đơn giản như thế không giúp hiểu được bao nhiêu sự biến chuyển tâm lý của thị trường. Thế nên có một người Nhật đã rị mọ sáng chế ra một cách ghi lại diễn tiến của giá cả mà sau này người ta gọi là Biểu Đồ Đèn Cầy (Candlestick Chart) bởi vì nó giống như những cây nến để kế cận bên nhau.

Hình C1 đối chiếu biểu đồ thông thường và biểu đồ đèn cầy.

Nhìn vào cây đèn cầy người ta thấy ngay: giá mở, giá đóng, giá cao nhất, giá thấp nhất trong thời gian nó biểu thị. Nhờ màu sắc tương phản nhau người ta thấy ngay đó là một thời gian giá đi lên hay giá đi xuống, độ dài ngắn của cây đèn cầy còn biểu lộ giá bình lặng hay giá giao động (volatile) trong thời gian này.

Dưới đây là một vài hình thái khác nhau của đèn cầy và ý nghĩa kèm theo của chúng.


Khi Bull và Bear tranh nhau, giá chưa ngã ngũ, tức chiến trận chưa biết ai thắng, áp lực đưa giá đi lên mạnh hay áp lực đưa giá đi xuống mạnh. Tất cả những đèn cầy mà giá không hay ít thay đổi thì gọi là Doji (C). Doji có những hình biến thể của nó như Đ và E.

Khi mở cửa thị trường, giá rơi xuống khá xa vì nhiều người lo ngại đã bán ra. Nhưng sau đó sức cầu mạnh lên, đã đưa giá trở lại như cũ, hoặc trên dưới mức cũ chút ít (Đ). Trường hợp ngược lại sau khi thị trường mở cửa, gia đi lên, nhưng rồi áp lực sức cung mạnh lên khiến giá tụt xuống trở lại. Trường hợp này tình cảm thị trường thường là yếm thế, chạy ra nhiều hơn là mua vô, tình cảm buồn thảm nên gọi là mộ bia (6)

Sau đây là một vài hình thái kết hợp đáng chú ý.


Chuồn chuồn đâu trên đỉnh cao thì hỏng. Đậu thấp có đường hơn (C4).



Cần nhìn ra cái đỉnh

Có lẽ để dễ mường tượng hơn, thử khảo sát một biểu đồ đèn cầy trong thực tế.


Với một biểu đồ vẽ theo lối cũ và ghi biến chuyển hàng giờ hay hàng ngày, thật khó nhận ra đường đi nước bước của thị trường. Những với cách vẽ đèn cầy và với time-frame weekly hay monthly tình cảm đi kèm với chuyển động của giá cả dễ nhận ra hơn. Và chỉ khi nào nhận ra thì quyết định mới mong đúng và khách quan.

Trong vòng một năm duy nhất - 2008, Index Kỹ Nghệ Down Jones mất trọn những gì đã gom góp trong nhiều năm trước đó, mà còn mất nhiều hơn thế. Biểu đồ C5 cho thấy những giai đoạn thịnh suy của index cầm cân nẩy mực này. Cho dù mua stock đúng lúc nhưng không nhận ra cái dương cửu của thị trường, tức bull market đạt đỉnh cao nhất và bắt đầu suy tàn, để bán đúng lúc thì thật đáng buồn.

Chúng ta thử nhìn vào cái đỉnh qua biểu đồ đèn cầy để xem trước khi thị trường lao xuống, tình cảm và phản ứng của giới đầu tư ra sao.


_____
Bị chú:

(1) William J. O'Neil, The Successful Investor, McGraw-Hill, 2004, Trang 1.

(2) Khi thấy thị trường đi lên, mua stocks giá thấp, sau này giá lên cao sẽ bán ra kiếm lời gọi là go long. Khi thấy thị trường đi xuống, vay stocks của broker bán cho đệ tam nhân, vì nghĩ rằng những stocks đó sẽ còn xuống giá nữa, sau này khi giá sụt giảm mua lại hoàn trả cho broker và kiếm lời trên số sai biệt, gọi là go short.

(3) Một biểu đồ ghi chú diễn tiến từng phút, từng giờ, từng ngày hay từng tuần v.v...đó là những time-frame khác nhau.
.
Bị chú

(4)“24 Essential Lessons for Investment Success”, sách đã dẫn . Trg 19.

(5) Trâu và Gấu khi đánh nhau, trâu dùng sừng để húc đối thủ lên - hình ảnh thị trường được nhấc bổng lên. Gấu khi muốn triệt hạ đối thủ thì đưa hai chân trước lên cao, dương móng vuốt dập đối thủ xuống, hình ảnh một thị trường bị lao xuống.


(6) Có thể đọc thêm: Josh Lukeman "The Market Maker's Edge" McGrow-Hill, New York, 2000

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...