26 November 2023

Cảm xúc trước sự ra đi của bậc chân tu - Thầy Tuệ Sỹ

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch

 BBC News
24.11

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức tôn giáo không được chính quyền Việt Nam công nhận, vừa qua đời.

Báo Giác Ngộ xác nhận Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch lúc 16 giờ ngày 24/11/2023, thọ 81 tuổi.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vốn nổi tiếng là một nhà tu hành uyên bác, là dịch giả của nhiều bộ kinh, luật, luận, tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị.

Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà thơ, dịch giả và từng có nhiều hoạt động được cho là bất đồng với chính phủ CHXHCN Việt Nam.

Nhà thơ, thiền sư Tuệ Sỹ là một trong những tên tuổi trẻ có uy tín nhất trong những danh tính nổi bật của văn học miền Nam giai đoạn 1963-1975, theo các tài liệu sau này công bố ở hải ngoại.

Nhà văn Viên Linh từng viết về uy tín của thầy Tuệ Sỹ trên lĩnh vực Phật học và Triết học ở Viện Đại học Vạn Hạnh:

“Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn."

Giai đoạn sau 1975

Trong số các sự kiện gây chấn động Phật giáo Việt Nam thời gian trước là việc ông bị bắt năm 1984, sau đó bị chính quyền Việt Nam tuyên án tử hình năm 1988, với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".

Sau các đợt vận động và sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, tu sĩ Thích Tuệ Sỹ thoát án tử năm 1998.

Cũng trong năm này, ông cùng bảy người Việt khác được Tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng nhân quyền Hellmann-Hamett Awards.

Thời điểm tháng 9/2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã nhận vai trò lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thay Hòa thượng Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày 22/02/2020. Đây là giáo hội không được nhà nước công nhận.

25 November 2023

Bài xưa, Chuyện cũ


Tranh Trừu Tượng 
A.C.La
Trong bức tranh vẽ theo lối cổ điển bên cạnh, cặp tình nhân được vẽ rất kỹ, chẳng những thế, các chi tiết chung quanh và hậu cảnh cũng rất chi li.

Sang đến bức tranh của Pino, kế cận bên dưới, chi tiết chung quanh mờ nhạt đi, không còn rõ nét nữa, ngay cả y phục của người phụ nữ cũng thế.

Màu sắc nơi bức họa hiện thực cổ điển hòa vào nhau, nhưng trong bức ấn tượng của Pino, màu sắc đan vào nhau.

Từ tranh hiện thực chú ý đến chi tiết nhiều khi cả những tiểu tiết, sang đến tranh ấn tượng chú ý đến cảm xúc diễn tả qua màu sắc và ánh sáng, con đường đã khá xa, tuy nhiên hai hướng này vẫn còn nhiều điểm chung như còn có đối tượng.

Theo quan niệm cổ điển của Phương Tây thì một họa phẩm phải mô tả một cái gì đó. Nhưng "luật lệ" này đã bị các trường phái sau này phá bỏ. Những trường phái mới đề xuất những lối vẽ khác. Không theo ý niệm cổ điển chú trọng mô tả một sự vật nào đó, những trường phái mới cho rằng màu sắc, đường nét, hình thể và ngay cả những textures cũng có thể trở thành chủ đề của một bức tranh. Ý niệm này đã dẫn tới lối vẽ trừu tượng

Khi tranh trừu tượng ra đời thì con đường đã rẽ sang một lối hoàn toàn khác. Đối tượng không những không được chú ý mà đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Vì "Đối tượng làm hư bức tranh"(1).

Bất cứ một ý hướng mới nào nẩy sinh cũng đều bị chỉ trích, chê bai, phản đối cả. Tranh trừu tượng không tránh khỏi con đường mấp mô ấy.

Người đời chê bai tranh trừu tượng thuờng hay nói mỉa mai rằng "Đứa con năm tuổi của tôi cũng có thể vẽ được một bức tranh tương tự như thế".

Nói cho cùng thì tranh loại nào cũng có bức coi được, bức không. Có những tuyệt tác phẩm nằm giữa những bức tầm thường. Nhưng muốn vẽ thành công một bức trừu tượng cũng không phải chuyện dễ. Nói về tranh trừu tượng, Wassily Kandinsky (1866–1944) viết: "Trong mọi nghệ thuật thì tranh trừu tượng là khó nhất". Vì sao vậy? Chúng ta hãy nghe ông giải thích: "Tranh trừu tượng đòi hỏi bạn phải biết vẽ thế nào cho đẹp, bạn phải có óc nhạy cảm cao về bố cục và màu sắc, và bạn phải là một thi nhân. Điều chót đó là thiết yếu". (2)

20 November 2023

Cứu Trợ Động Đất, cười tí tỉnh

Một trận động đất lớn 8,1 độ Richter đã xảy ra ở Algeria. Hai triệu người Algeri thiệt mạng và một triệu người bị thương nặng, đất nước gần như bị phá hủy. Chính phủ đang yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ.

Châu Âu bàng hoàng trước thảm kịch, huy động và hứa sẽ gửi mọi sự trợ giúp có thể:

- Pháp gửi "Y sĩ Không biên giới" và phó mát.

- Người Anh gửi quân đến giúp giải phóng mặt bằng.

- Đức cử một tiểu đoàn kỹ sư và kiến ​​trúc sư đến giúp tái thiết.

- Hy Lạp gửi vật liệu xây dựng và cừu để thay thế số gia súc bị hủy diệt.

- Người Ý gửi dầu ô liu, bột pizza, cà chua và xe Fiat.

- Người Bỉ gửi một triệu người Algeri để phục hồi dân số !

(Internet)

19 November 2023

Nếu Thế Giới Là Lớp Học và Học Sinh Là Các Quốc Gia, (xả xú-bắp)

- MỸ: trưởng lớp, là thằng giàu nhất.
Nó to con nên có quyền lực
Đặt luật ra bắt cả lớp chơi,
Đôi khi làm ra vẻ ngờ nghệch.
 
- TÀU CỘNG: Nó tự xưng lớp phó.
Bạn cùng lớp nhiều đứa ghét bỏ
Chuyên bắt nạt, nó lại tham lam,
Giỏi cọp dê mọi chuyện dù khó.
 
- DO THÁI: Tên thông minh, học giỏi
Tính keo kiệt nổi tiếng khỏi nói,
Thằng này thì thủ đoạn vô lường.
Ai chọc giận, nó chơi trọn gói
 
- PHÁP: là tay chơi cầu ba cẳng,
Nổi tiếng về lãng mạn, đỏm đáng
Khi ra đường nó xịt nước hoa.
Gặp con gái, ôm hôn mùi mẫn
 
- ĂNG LÊ:  Thằng tiếng Anh giỏi nhất,
 Khi dỗi hờn, nó giận tốt luốt
Nó chủ trương “bồi mấy thằng khôn
Còn hơn là thày mấy thằng dốt.”
 
- NGA: là thằng đầu gấu nhứt lớp.
Khi ghét ai, nó chuốc thuốc độc
Chuyên cưỡng hôn gái đẹp trong làng.
Nó rất muốn được làm trưởng lớp.
 
- UKRAINE: Em đẹp hiền, học giỏi
Bị đầu gấu vào nhà, hạch hỏi.
Em đang xin anh Mỹ, anh Âu
Gửi đồ nghề đánh thằng phách lối.
 
- VIỆT NAM: Em khôn lanh bậc nhất
Ôm lớp phó, đầu gấu, trưởng lớp
Ba thằng cùng có vẻ yêu em
Mà bố ai biết đâu là thật.

TNT
11/18/2023

15 November 2023

Tuổi Ngọc, tranh A .C. La

Tuổi Ngọc
(Angelic Years)
Oil on canvas
16x20 inch (41x51 cm)
by
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**
*

TUỔI NGỌC, EM

Em thơm hương hoa cỏ,
Chiều, nắng hồng má môi.
Vạt gió chờ đâu đó,
Động bờ mi bồi hồi.
*
Này Ngọc Ngà Tuổi Nhỏ,
Em mơ gì, xa xôi?

LAN ĐÀM

Chia Buồn

 Được tin thật buồn

Bạn Hiền

JOSEPH VŨ MẠNH HÙNG

Cựu Sinh Viên Khóa 8 Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn
Vừa mệnh chung Ngày 11 Tháng 11 Năm 2023 tại Holiday, Florida Hoa Kỳ

Hưởng Thọ 81 tuổi

Thành Thật Chia Buồn cùng Chị Vũ Mạnh Hùng, Các Cháu và Đại Gia Đình

Nguyện Cầu Linh Hồn Bạn Hiền Vũ Mạnh Hùng Sớm Về Nước Chúa
**

Đồng Môn Khóa 8 Đốc Sự
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn
và Gia Đình

__________________________

12 November 2023

Quanh Bức Tượng Trên Một Hải Đảo

Điền Thảo

Một bức tượng đẹp: 
The Statue of Kópakonan

Tôi thuộc nhóm người, tuy không thường xuyên, nhưng cũng hay lên mạng lướt sóng. Một ngày kia bắt gặp một bức tượng điêu khắc đẹp đạt chuẩn. Không phải chỉ bức tượng được thực hiện đạt chuẩn mà người mẫu chắc hẳn là một phụ nữ cũng đã có một cơ thể với thân hình đạt chuẩn để gợi hứng cho nghệ nhân tạo ra tác phẩm tuyệt vời này. 

Bức tượng đúc đồng pha thép không rỉ sét, cao 2.6 mét, do nghệ sĩ Hans Pauli Olsen thực hiện và cắt băng khánh thành ngày 1 tháng 8 năm 2014. Vì dựng sát bờ biển, bức tượng phải vững chắc để có thể chịu được những ngọn sóng cao tới 13 mét. Trong cơn biển động năm 2015 sóng đã dâng cao 11 mét ập xuống, nhưng công trình đứng vững, không hề hấn gì.

Bức tượng dựng trên đảo Kalsoy, một trong 18 đảo thuộc Quần đảo Faroe. Khung cảnh gần với vùng bắc cực nằm giữa đại dương thường mờ mịt lại ẩm ướt và gió heo hút trở thành nơi lý tưởng nuôi dưỡng những truyện huyền bí.

Công trình đã nổi tiếng dĩ nhiên vì nét dẹp nghệ thuật, nhưng bức tượng còn mở ra một khung cửa dẫn vào những huyền thoại và truyền thuyết nơi một nhóm hải đảo xa xôi héo lánh nằm giữa tây-bắc Anh quốc và đông-nam Iceland, trong Bắc Đại Tây Dương có sóng to gió lớn

Chỉ cần nghe tên bức tượng "Người phụ nữ hải cẩu" (The Seal Woman - Kópakonan) cũng đủ gợi trí tò mò nơi du khách viếng thăm.

Người Phụ Nữ Hải Cẩu - The Seal Woman 

Truyền thuyết về Kópakonan (Người phụ nữ hải cẩu) là một trong những câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất ở Quần đảo Faroe.

Dân cư trên đảo cho rằng hải cẩu là những con người trước đây đã tự nguyện tìm đến cái chết dưới đại dương. Mỗi năm một lần, vào đêm thứ mười ba, họ được phép lên đất liền, trút bỏ da thịt và giải trí như con người, nhảy múa và vui chơi.

Một chàng nông dân trẻ ở làng Mikladalur trên hòn đảo Kalsoy phía bắc, tự hỏi liệu câu chuyện này có thật hay không.

Óc tò mò đã khiến chàng đi đến bãi biển nằm chờ đợi nghe ngóng vào một buổi tối thứ mười ba. Khoảng nửa khuya anh bỗng nghe thấy tiếng sóng biển lớn dần và mỗi lúc một dồn dập. Chàng nhìn ra biển, quan sát và thấy rất đông hải cẩu từ ngoài xa đang bơi về phía bờ. Rồi từng nhóm nhỏ chúng lạch bạch leo lên bãi, trút bỏ lớp da và cẩn thận đặt người lên những phiến đá. Bỏ lớp da ra, họ trông giống như những con người bình thường. 

Trong đám đông người-hải cẩu vừa đổ bộ lên bờ, có một thiếu nữ rất xinh đẹp. Mắt chàng trai đau đáu theo dõi cô gái hải cẩu đang đặt bộ da của mình gần nơi chàng ta đang ẩn nấp. Khi điệu nhảy bắt đầu, anh ta lẻn tới và lấy trộm bộ da của nàng.

Các cuộc khiêu vũ và trò chơi diễn ra suốt đêm, nhưng ngay khi mặt trời bắt đầu hé lộ trên đường chân trời, tất cả mọi người hải cẩu đến lấy lại da mặc vào để trở về biển. Cô gái hải cẩu rất bực bội khi không tìm thấy bộ da của mình, mặc dù mùi của nó vẫn còn phảng phất đâu đây trong không khí. Sau đó người đàn ông đến từ Mikladalur cầm bộ da xuất hiện, nhưng anh ta không trả lại cho nàng, bất chấp những lời van xin tuyệt vọng của cô. Vì thế cô buộc phải đi cùng người thanh niên về trang trại của chàng ta.

Chàng thanh niên giữ rịt nàng bên cạnh nhiều năm như vợ mình, và cô gái đã sinh cho chàng nhiều đứa con. Tuy nhiên chàng thanh niên luôn chắc chắn rằng nàng không được tiếp xúc với bộ da của mình. Anh ta khóa nó trong một chiếc rương và chỉ một mình chàng có chìa khóa. Chàng ta cẩn thận dùng dây cột chiếc chìa khóa vào thắt lưng mình.

Một lần quên định mệnh

Một ngày nọ, khi đang cùng bạn bè ra biển đánh cá, anh chợt nhận ra đã để quên chìa khóa ở nhà. Anh ta nói với những người bạn đồng hành của mình, 'Hôm nay tôi mất vợ!' - và chàng ta giải thích những gì đã xảy ra. Ngay lập tức những người đàn ông kéo lưới và dây câu rồi chèo cật lực vào bờ, nhưng khi đến trang trại của chàng trai, họ thấy lũ trẻ ở một mình và mẹ chúng đã biến mất. Cha của chúng biết nàng sẽ không quay lại vì nàng đã dập tắt lửa và cất hết dao để bọn trẻ không thể tự gây nguy hiểm cho mình sau khi nàng rời đi.

Quả thực, khi tới bờ, nàng đã mặc da hải cẩu vào và lao xuống nước, nơi một con hải cẩu, người đã yêu nàng suốt bao năm qua và vẫn đang đợi nàng, xuất hiện bên cạnh. Khi những đứa con của nàng với người chồng bắt buộc Mikladalur đi xuống bãi biển, chúng thấy một con hải cẩu xuất hiện và nhìn về phía đất liền; mọi người đương nhiên nghĩ rằng đó là mẹ của bọn trẻ.

Và rồi năm tháng trôi qua. . .

Một ngày nọ, đám người đàn ông Mikladalur dự định đi sâu vào một trong những hang động dọc theo bờ biển xa xôi để săn hải cẩu sống ở đó. Đêm trước khi họ lên đường, vợ hải cẩu bất đắc dĩ của chàng thanh niên hiện ra trong giấc mơ và nói rằng nếu chàng ta đi săn hải cẩu trong hang động, chàng ta phải bảo đảm không giết con hải cẩu lớn đang nằm ở lối vào, vì đó là chồng nàng. Anh cũng không được làm hại hai con hải cẩu con ở sâu trong hang, vì chúng cũng là hai đứa con trai nhỏ bé của nàng, và nàng còn miêu tả những đặc điểm bộ da của chúng để chàng dễ nhận diện.

Nhưng người thanh niên coi thường thông điệp trong giấc mơ. Chàng tham gia cùng những người khác trong cuộc đi săn và họ đã giết tất cả những con hải cẩu mà họ có thể bắt được. Khi họ trở về nhà, số hải cẩu đánh bắt được, được chia ra, về phần của mình, chàng nhận được con hải cẩu lớn cùng cả chân chèo trước và chân sau của hai chú hải cẩu con.

Tối hôm đó, khi bữa ăn đang được nấu nướng thì có một tiếng động lớn trong phòng xông khói, và người phụ nữ hải cẩu xuất hiện dưới dạng một con quái vật khổng lồ trông rất ghê sợ; quái vật ngửi thức ăn trong máng và hét lên: ‘Đây là đầu chồng của ta với lỗ mũi rộng, bàn tay của Hárek và bàn chân của Fredrik! Mối thù này phả trả dành cho những người ở Mikladalur: Một số sẽ chết trên biển, những người khác sẽ rơi từ trên đỉnh núi xuống, cho đến khi số người chết đủ để nắm tay nhau vây kín bờ biển bao quanh đảo Kalsoy!’

Nàng nói xong, có một tiếng nổ long trời như sét đánh và nàng biến đi. Rồi từ đó nàng không bao giờ xuất hiện nữa.

Nhưng than ôi, ngày nay vẫn thỉnh thoảng xẩy ra chuyện những người đàn ông ở làng Mikladalur bị chết đuối trên biển hoặc rơi từ đỉnh vách đá; do đó, người ta lo ngại rằng số nạn nhân vẫn chưa đủ lớn để tất cả những người thiệt mạng có thể nắm tay nối liền vây kín đảo Kalsoy.

Điền Thảo
Sưu tầm và biên dịch
(Hình ảnh chụp lại từ internet. Bản đồ cắt từ Google)

09 November 2023

Hồi Ức của Ô. Nguyễn Văn Ngân, Cựu Phụ Tá TT Nguyễn Văn Thiệu

Đỗ Tiến Đức
tóm lược

Thởi Luận.- Ngày 6 tháng 11, 2023 ông Nguyễn Văn Ngân, cựu Phụ tá đặc biệt  về chính trị Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã từ trần đột ngột ngày 1 tháng 11, 2023 do bệnh tim tại bệnh viện Lakewood, Nam California, hưởng thọ 88 tuổi.

Sự nghiệp của ông thời Đệ Nhị Cộng Hòa là phụ tá Tổng thống đặc trách các cơ quan dân cử như Thượng Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện  và Giám sát viện. Công việc hầu hết diễn ra trong hậu trường nhưng rất quan trọng và được Tổng thống Thiệu trọng nể. Nhiều sự kiện thời đệ nhị Cộng hòa nếu ông không nói ra thì mai sau có thể sẽ không ai biết hoặc biết lõm bõm nếu không nói là có thể sai lầm.

Thế nhưng xuất thân của ông ra sao, ít người biết vì ông chỉ mang cấp Đại úy khi từ trường Quân Cảnh  được chọn về làm chuyên viên của Ủy ban Lãnh đạo quốc gia. Lại có tin đổn ông là “cộng sản nằm vùng” tại Dinh Độc lập như Huỳnh Văn Trọng.

Thực sự thì ông đã sống tại Liên Khu IV trong thời kháng chiến chống Pháp 1945-1955 (gồm các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và phân khu Bình Trị Thiên). Ông gia nhập bộ đội Việt Minh từ lúc còn rất trẻ, cùng đơn vị và một khóa sĩ quan Quân Chính với nhà văn Phùng Quán (Nhân Văn Giai phẩm), trong các năm 1949, 50, 51.

Nhưng năm 1952 Ông bị cộng sản cầm tù cùng một số trí thức Liên Khu IV dưới tội danh “gián điệp Pháp”. Đây là thời kỳ đảng Lao Động đã ra công khai và đang chuẩn bị công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức sẽ được phát động cuối năm 1953.  Ông được phóng thích do Hiệp định Genève cuối tháng 10, 1954.

Tại Mỹ, trước khi nghỉ làm việc vì tuổi đã cao, hai ông bà mở tiệm dry clean ở thành phố Norwark. Ông bà chia phiên trông tiệm nên chỉ có một người vừa làm chủ vừa làm thợ. Mỗi lần tôi đến thăm ông, khi bước vô cửa tiệm thì có tiếng chuông báo ông biết để ông từ phía sau tiệm bước ra gặp bạn hữu hoặc tiếp thân chủ, đa số là phụ nữ mang tới giao cho ông những túi đựng quần áo dơ. Khi đó ông phải soát xét tình trạng từng món đồ hầu kịp thời báo cho khách biết để tránh sự than phiền, khiếu nại hay bắt đền khi họ tới lấy đồ đã giặt xong. Tôi đã đứng xem ông Ngân làm công việc này và ngạc nhiên tự hỏi ông học nghề này từ bao giờ và sao ông không đeo khẩu trang, đeo găng tay khi tiếp xúc với những áo quần của khách mang tới giặt vốn đã nhét vô bao nhiều ngày nên đã bốc mùi khiến tôi chỉ đúng xa và xem thôi mà đã muốn nhăn mặt.

Nhìn cung cách ông làm việc cần cù như một người tỵ nạn bình thường, mấy ai biết con người đó đã một thời tạo ra những ông to bà lớn biểu tượng cho sân khấu chính trường của Miền Nam Việt Nam.

Gặp ông nhiều năm nay, tôi cũng ngạc nhiên là dù cho thời gian lặng lẽ trôi qua nhưng  sức khỏe của ông vẫn  phong độ, cử chỉ nhanh nhẹn hơn hẳn những người thuộc lớp tuổi của ông. Theo bà Ngân thì mới đây, ông đã một mình sơn lại  cả trong và ngoài căn nhà ông bà và bốn người con trưởng thành đang ở.
 
Ngày 2 tháng 11, 2023 khi được tin ông mất, chúng tôi lên thăm thì bà Ngân vừa nhạt nhòa nước mắt vừa nói về ông với vẻ ngạc nhiên tại sao ông lại ra đi quá đột ngột chỉ sau một đêm vô bệnh viện như thế. Bà cũng nói hàng ngày ông tập thể dục rất đều đặn như bơi lội tại hồ bơi của khu chung cư và đi bộ. Bà đưa chúng tôi ra vườn sau, chỉ cho xem kia là cây hồng mềm mà ông vửa leo lên cưa cụt những cành cao sau khi đã hái hàng trăm trái, đây là ông trồng cây ăn trái, nhiều nhất là cây măng cầu. Bà chỉ một cây măng cầu mà ông vửa mới trồng được vài hôm và tính  hôm nay mới bón phân vào gốc.

Chúng tôi không cầm được nước mắt khi bà  vừa khóc vừa nói : “Mấy hôm  trước ông nói vời tôi, sinh nhật này, anh sẽ đưa em ra tiệm ăn. Thế mà đến sinh nhật tôi, ngày 1 tháng 11 thì ông đã bỏ tôi mà đi rồi”.

Những khi nói chuyện với ông, tôi không khỏi kinh ngạc vì ông có một trí nhớ phải nói là phi thường… Cho nên những năm gần đây, mỗi năm tôi đều xin ông một cuộc phỏng vấn hoặc ông viết cho tờ Giai Phẩm Xuân Thời Luận ít chuyện về những năm tháng cũ mà ông là một kho sử liệu tiềm ẩn vô giá.

Dưới đây là những đoạn tóm lược từ nhiều bài viết về hồi ức chặng đời trước khi bước vô Dinh Độc lập của ông đã đăng trên Thời Luận:

**

Tôi sinh trưởng ở thành phố Vinh và lớn lên ở đây. Lúc ở tiểu học, tôi học ở trường Cao xuân Dục và chị tôi học ở trường Nguyễn trường Tộ; hết bậc tiểu học, chúng tôi vào quốc học Vinh ( bấy giờ gọi là trường Nguyễn công Trứ).

Trường quốc học Vinh thành lập năm 1920, sau quốc học Huế (Khải Định) 24 năm. Học sinh khóa đầu tiên có một số nhân vật như Đặng thái Mai, Tôn quang Phiệt, Phạm Thiều. . ., tiếp theo là Nguyễn Xiển, Hoàng xuân Hãn, Hoàng xuân Mãn, Hoàng xuân Nhị. . ., các lớp sau nữa có Nguyễn quang Trình, Phạm biểu Tâm, Hoàng đình Cầu, Đặng văn Sung, TuBi, TuRơ. . .  TuBi là bạn học cùng đại tướng Cao Văn Viên lúc ở Collège de Pavie – Vientiane và sau nầy là lảnh tụ Mèo trong cuộc chiến chống Pathet Lào và Cộng sản Việt Nam. Có thể nói trường quốc học Vinh là cái nôi của đảng Tân Việt (1925), tiền thân của Đông Dương Cộng sản đảng (1930). Trần Phú, Hà huy Tập là những Tổng bí thư đầu tiên của Đông dương cộng sản đảng, nguyên là các sáng lập viên của đảng Tân Việt và là giáo viên trường tiểu học Pháp Việt Cao xuân Dục.

Năm 1945, 1946 tôi vừa vào Quốc học Vinh, chịu ảnh hưởng của những người thân trong gia đình, của Khởi Nghĩa Yên Báy, của Tự Lực Văn Đoàn nên rất phục các lãnh tụ như Nguyễn tường Tam, Vũ hồng Khanh, Nguyễn hải Thần… và thấy hình ảnh họ rất oai hùng: Nguyễn tường Tam đi họp chính phủ trong bộ đồ kaki thẳng nếp, tay dài, mang ghệt, để râu mũi bắt chước lãnh tụ Quốc xã Hitler (mặc dầu Hitler đã tự sát, phát xít Đức tan tành), cụ Nguyễn hải Thần mặc bộ đồ Tôn Trung Sơn bệ vệ trong xe du lịch bóng loáng riễu phố Hà Nội (trong khi dân chúng còn xấc bấc xang bang vì nạn đói Ất Dậu), có cận vệ cầm tiểu liên hai bên vè xe và cả trên mui xe cũng có cận vệ nằm mọp ôm trung liên, và Cáo Hồ khéo léo đóng kịch trong bộ đồ kaki cụt cũ kỹ, nửa thầy nửa thợ với đôi dép cao su lẹp xẹp, biểu tượng của lớp người cùng khổ bị áp bức – nhưng chính phủ liên hiệp chỉ tồn tại được vài tháng.

Khi quân Tưởng rút lui khỏi miền Bắc, các lãnh tụ Việt Quốc, Việt Cách chạy theo thoát thân, thành phần còn lại bị Việt Minh tận diệt hoặc chạy vào vùng Pháp kiểm soát - đảng phái quốc gia tan vỡ. Họ chỉ là những người vang bóng một thời, những năm lưu lạc sang Trung Hoa đã bị bật rễ khỏi quần chúng, chạy theo các thế lực ngoại bang suy tàn và phản động, hoàn toàn bị động và tụt hậu trước các biến chuyển của thời cuộc.

Năm 1949, chưa đủ 15 tuổi và đang học năm thứ 4 trung học, tôi tình nguyện vào bộ đội, được tuyển lựa vào một đơn vị đặc biệt qua một kỳ sát hạch văn hoá cho toàn liên khu. Tôi biết việc tôi vào bộ đội là điều cha tôi không bằng lòng, lẽ giản dị là cha tôi không muốn tôi chết cho một chế độ đã làm ông bại sản và suýt vong mạng nên tôi đã nộp đơn dự tuyển  mà không cho cha tôi biết.

Tôi nghĩ không thể vì một trường hợp riêng rẽ của cá nhân để trốn trách nhiệm đối với tổ quốc, ngoài ra còn một lý do phụ thúc đẩy tôi vào bộ đội là tôi muốn xóa bỏ cái lý lịch con cái “Việt gian phản động”, điều này không bao giờ tôi nói ra để cha tôi phải đau lòng mặc dầu ông hiểu tôi không bao giờ có ý tưởng qui trách.

Tôi báo tin cho cha tôi khi nhận được giấy báo trúng tuyển và lệnh trình diện; trước sự việc đã rồi, cha tôi hoàn toàn câm lặng.

Năm 1949, 50 tôi đi bộ đội đóng tại Thanh Hóa. Cầu Bố bấy giờ là một thị trấn sầm uất, sinh hoạt về đêm gọi là chợ Cầu Bố, bán đủ các loại hàng ngoại từ vùng tề đem vào: xe đạp Sterling, đồng hồ Wyler, Printania, bút máy Parker, Wearever, thuốc lá Cotab, Phillip Morris, thuốc tây, bơ, sữa, hộp quẹt máy, đá lửa, v..v.; cũng là nơi trà trộn đủ hạng người: dân ăn chơi, đĩ điếm, buôn lậu, gián điệp, công an, ...và công an được xem là “vua Cầu Bố” muốn gì được nấy.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, thuốc phiện là nguồn kinh tài của Việt Minh đưa vào vùng tề. Người cộng sản đã từng nói: người Mỹ có bom nguyên tử thì chúng tôi có thuốc phiện.

Đây là quân trường do tướng Nguyễn Sơn thành lập, trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên Khu 4 và là quân trường duy nhất trong quân đội bấy giờ nhằm đào tạo dài hạn một lớp cán bộ đa năng, đa hiệu trong đó yếu tố văn hoá  được đặc biệt chú trọng, các học viên tốt nghiệp phải hoàn tất Tú tài 2 chương trình Hoàng xuân Hãn  là một trình độ khá cao đối với  xã hội bấy giờ.

Trong huấn thị ngày khai giảng 6 tháng 1, 1948  tướng Nguyễn Sơn  nhấn mạnh : “Việc dào tạo, rèn luyện đội ngũ này thành công, sẽ cung cấp bổ sung hàng loạt cán bộ nòng cốt tương lai cho quân đội và cho các cơ quan Đảng và Nhà nước sau này”. Đích thân  ông tuyển chọn cán bộ giảng huấn, hội họp cán bộ cho huấn thị về tư tưởng chỉ đạo, phương pháp giáo dục, huấn luyện và chính ông trực tiếp giám sát.

Chính thời gian trong đơn vị này và dưới sự lãnh đạo của tướng Nguyễn Sơn, tôi đã được rèn luyện trở nên một người lính có đủ tự tin và can đảm để sống một cách trung thực và thẳng thắn, nguyên nhân của “tư tưởng xét lại” đã đưa đến quyết định xuất ngũ của tôi sau này. Một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời của tôi.

Quyết định xuất ngũ của tôi đã làm đồng đội ngạc nhiên vì tôi là sĩ quan trẻ tuổi nhất trong đơn vị, luôn luôn giữ kỷ luật và gương mẫu, được xem có nhiều triển vọng. Tôi phải thuyết phục họ là tôi muốn trở về đời sống dân sự để chuẩn bị vào trường Y Khoa ở Việt Bắc rất cần cho nhu cầu kháng chiến mà số người đủ điều kiện không nhiều. Đây cũng là ý nghĩ thực của tôi bấy giờ, muốn hay không, tôi không thể phản bội kháng chiến và những bạn bè đồng ngũ, không phục vụ được ở chiến trường thì phục vụ trong lãnh vực chuyên môn.

Ngày giải ngũ trở về đời sống dân sự, tình cờ tôi thấy trong chồng thơ cũ của cha tôi một bức thư của người bạn cũ, người cán bộ phụ trách văn hóa vụ trong đơn vị của tôi trước đây, gởi cho cha tôi báo tin tôi đã chuyển qua trường sĩ quan Quân chính. Bây giờ tôi mới hiểu bao lâu nay cha tôi vẫn âm thầm sống trong lo âu về ngày tôi sẽ đi trận và lý do thực của việc cha tôi đích thân đưa chân tôi trên cả trăm cây số đường bộ đến đơn vị trình diện nhiều năm trước đây chỉ với mục đích gởi gắm tôi  cho người bạn cũ, nhờ vào ảnh hưởng với tướng Nguyễn Sơn hầu ngăn chặn việc tôi ra đơn vị chiến đấu.

Ông là một nhà văn nên trong thơ viết rất khéo, chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu, ông đã bầy tỏ sự bất lực của mình đồng thời an ủi cha tôi một cách chua chát : “… tôi không ngờ cháu N.  có số làm quan võ”. Việc chuyển qua trường sĩ quan quân chính là do tôi tự nguyện vì tôi nghĩ bổn phận của người lính là phải ra trận. Tất cả thế hệ chúng tôi ngày đó là như vậy – “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh!” (Q.D.)

Người bạn của cha tôi là người của chế độ cũ, được tướng Nguyễn Sơn che chở. Ông kèm Pháp văn cho tướng Nguyễn Sơn và trở thành người  bạn thân. Ngày còn ở đơn vị, cuối tuần sinh họat tự do, tôi thường ghé thăm ông và nhiều lần gặp tướng Nguyễn Sơn  từ Khu Bộ về, có cả Đinh văn Vinh là một cán bộ văn hoá của đơn vị. Bộ ba nói chuyện với nhau thâu đêm, trong đó chỉ có tướng Nguyễn Sơn là cộng sản (Đinh văn Vinh về sau là đảng viên cộng sản). Tôi thường ở lại nghe họ trao đổi tư tưởng với nhau về các đề tài khác nhau và xem đó là những cơ hội học tập.

Bấy giờ chúng tôi đã có một số kiến thức căn bản về khoa học chính trị, xã hội nhờ đội ngũ giáo sư có trình độ cao và thiện chí, chương trình triết của năm thứ ba tú tài được khởi dạy từ năm thứ nhất cùng triết học duy vật biện chứng, duy vật sử quan.

 Tôi không trả lời cha tôi về việc cha tôi muốn cưới vợ cho tôi. Vài ngày sau tôi nói với cha tôi là tôi sẽ đi Hà nội để ghi danh vào đại học và để cha tôi được yên tâm vì tình trạng tài chánh của cha tôi đã kiệt quệ, tôi nói thêm là tôi sẽ kiếm việc làm để có phương tiện đi học. Cha tôi hòan tòan không bầy tỏ ý kiến, mặc nhiên để tôi quyết định.

Đầu năm 1952, tôi từ chiến khu Thừa Thiên xâm nhập vào thành phố Huế dưới sự chiếm đóng của Pháp và chính quyền quốc gia.

Tối hôm trước ngày ra đi, cha tôi cho tôi một lượng vàng làm hành trang, lượng vàng mẹ tôi đã để lại cho cha tôi ngày mẹ tôi giã biệt cùng bầy con vào vùng bị chiếm với sự ủy thác thay cha tôi nuôi các con khôn lớn và thành đạt. Như vậy có nghĩa là cha tôi đã thấy rõ ý đồ thực sự của tôi nên đã vét hết tài sản còn lại của ông đưa tôi phòng khi hữu sự phải xử dụng và gián tiếp khuyến cáo tôi phải cẩn trọng.

Năm 1952, cha tôi đã chứng kiến cảnh công an bao vây, chĩa súng vào tôi, đọc lệnh bắt giữ của Phó Giám đốc Công an Liên khu 4, còng tay và dẫn đi. Hôm ấy trên đường bị dẫn giải, tôi đau lòng nghĩ đến nỗi đau của cha tôi phải chứng kiến cảnh tượng trên nhiều hơn là nghĩ đến thân phận của tôi lúc bấy giờ.

Năm 1952 tôi bị Công An Liên Khu 4 bắt giữ dưới tội danh “gián điệp Pháp”. Bấy giờ tôi là bộ đội giải ngũ và đang sửa soạn vào trường y khoa ở Việt Bắc. Trước đó một tuần lễ Công An đã bắt giữ ông H.T.C., hiệu trưởng trường cấp 3 duy nhất của Liên Khu 4 (trường trung học Khải Định di tản ) là người đã du học Pháp và Anh, có bằng Cử Nhân văn chương, và một số giáo sư khác dưới tội danh “nằm trong tổ chức dinh tê của gián điệp Pháp”. Tất cả được công an dàn dựng, xếp chung vào một nội vụ để chứng minh phong trào dinh tê do Pháp chủ động: xúi dục, tổ chức, hổ trợ và như vậy có nghĩa là các phần tử dinh tê hay toan tính dinh tê đều được Pháp móc nối - đều là thành phần Việt gian, phản động.

Vụ bắt bớ này có tính cách khủng bố nhằm chặn đứng phong trào dinh tê của giới trí thức bỏ kháng chiến về thành (vùng Pháp chiếm đóng) đang lan rộng với cường độ gia tăng sau khi đảng cộng sản ra công khai đầu 1951 dưới tên đảng Lao Động Việt Nam. Phong trào dinh tê chính do cộng sản mở cửa trước đó như quả bóng chính trị cần được xì hơi và nay đã đến lúc cần được đóng lại như một trong các biện pháp chấn chỉnh, xiết chặt nội bộ chuẩn bị cho công cuộc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng và chỉnh đốn tổ chức vào cuối 1953. Họ cần những con vật tế thần.

Người ký lệnh bắt giữ tôi là Trần Việt Châu, Trưởng ty Công an Thừa Thiên kiêm Phó Giám đốc Công an Liên khu 4 gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tên thật là Trần Văn Cháu, đảng viên cộng sản, nguyên thư ký lục lộ Huế trước năm 1945; là người đã tổ chức các vụ ám sát Phó Thủ Hiến Hà Văn Lan (cha của Đại Sứ Hà Vĩnh Phương thời đệ I Cộng Hòa và chú ruột của Đại Tá Hà Văn Lâu phân khu trưởng Bình Trị Thiên thời kháng chiến chống Pháp), bác sĩ Bữu Hiệp xứ ủy Đại Việt Trung Phần, nguyên ủy viên Hội Đồng chấp chánh lâm thời của Pháp; và là người đã ra lệnh xử tử bạn học cùng trường Providence là Ngô Hân, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, giáo sư trường trung học Khải Định Huế. 

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của giáo sư Ngô Hân sau này được đề cập trong hồi ức của Tôn Nữ Ngọc Toản, học sinh kháng chiến (Việt Minh) ở trường Khải Định bấy giờ:

“...chúng tôi cũng không quên những người làm nghề “trồng người” nhưng lại bán học sinh cho giặc. Chúng tôi còn nhớ đầu đề bài văn đệ nhất chuyên khoa (năm thứ nhất bậc tú tài chương trình Hoàng Xuân Hãn) của thầy H. (Ngô Hân): “Sĩ khí của thanh niên trong thời đại ngày nay”. Tuy nguyên tắc hoạt động nội thành là phải “dấu mình” nhưng vì thiếu kinh nghiệm và còn non nớt nên nhiều bạn đã nổi máu anh hùng cá nhân, hiếu thắng, để lộ mình qua giấy trắng mực đen. Kết quả, một số bạn đã bị phòng nhì (Pháp) và an ninh mời vào khám. Trần Hậu bị địch thủ tiêu, Long bị tra tấn đến chết đi sống lại, tôi (Ngọc Toản) bị bắt ra tù bị trục xuất khỏi Huế...”

Tôi ở tù về nhà được mươi hôm thì cha tôi ngỏ ý cưới vợ cho tôi. Điều này tôi chưa bao giờ nghĩ đến nên đã làm tôi hết sức ngạc nhiên  vì mặc dầu đã hai mươi tuổi  nhưng tôi chưa tự kiếm được một đồng bạc, thời gian đi lính và ở tù thì được nhà nước nuôi và gia đình trợ cấp, nghề nghiệp chưa có, học hành dang dở, hơn nữa chính cha tôi đã nuôi dạy chúng tôi từ nhỏ là phải tự lập thân trước, nay thân chưa lập mà cha tôi lại muốn tôi lấy vợ.

Khi chúng tôi vừa lớn để có chút hiểu biết, cha tôi đã nói rất rõ và lặp lại nhiều lần là cha mẹ tôi không để lại tiền bạc cho con cái mà chỉ  giúp cho con cái xây dựng một vốn trí thức ra đời không ai có thể cướp đoạt được. Vốn trí thức ấy sẽ giúp chúng tôi biết xử thế, giữ được nhân phẩm, tự đứng vững trên chân  mình trong mọi tình huống xã hội. Cha mẹ tôi không hề khuyên con cái làm giàu, làm quan, không đề cập đến vấn đề nghề nghiệp, vấn đề lập gia đình mặc nhiên xem đó là những vấn đề do chúng tôi tự quyết định sau khi đã có một căn bản hiểu biết.

Cha tôi đã cụ thể hoá cái vốn trí thức cho con cái, không phân biệt trai hay gái, là phải tốt nghiệp đại học, đây là một tiêu chuẩn khá cao dưới thời Pháp thuộc mà hoàn cảnh và phương tiện không dễ dàng để thực hiên với một bầy con năm đứa. Gần như có một sự phân công trong thực tế: cha mẹ tôi chỉ là những người công chức bậc trung nên đã phải cố gắng tận lực trong một số công cuộc  kinh doanh để có thể dành tiền, còn chúng tôi có nhiệm vụ phải cố gắng học tập để hoàn tất mục tiêu ấn định.

Trái với điều cha tôi nghĩ, tôi đã không có một cuộc sống bình yên, phẳng lặng mặc dầu tôi mong được làm một người dân bình thường, được đối xử công bằng và suốt đời cúi đầu nhìn xuống những kẻ bất hạnh để tự an ủi; nhưng “cây muốn lặng mà gió không ngừng”, thấy việc phải làm thì làm, không hề tính tóan hơn thiệt cho bản thân nên đã lãnh nhiều hệ lụy. Đến nỗi nhiều khi tôi thắc mắc tự hỏi tại sao qua nhiều biến cố tôi vẫn còn có thể sống sót và cuộc sống là một ân sủng hay chỉ là sự trừng phạt của Thượng đế đối với con người? – Tôi vẫn là đứa con không thay đổi ngày xưa của cha tôi, dù thóat ly gia đình rất sớm và vắng cha tôi, tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ những lời dạy bảo của ông: sống không gian dối, không tơ hào của ai một đồng xu  nhỏ, lúc làm lính thì làm hết bổn phận của người lính, lúc chỉ huy thì làm hết nhiệm vụ của người chỉ huy, trong mọi hòan cảnh cố gắng làm người lưong thiện. Ngày còn nhỏ trong gia đình tôi ý thức được con cái chỉ có quyền nhận những gì cha mẹ cho, không có quyền được đòi hỏi. Nhưng tôi không phải là lọai người bất cứ ai cho gì cũng nhận, cho gì cũng ăn, đưa gì cũng mặc! Điều đó chỉ xẩy ra với cha mẹ tôi mà thôi.

Cuối tháng 11/1954, Hà nội vừa được Việt Minh tiếp thu từ tay người Pháp ngày 9 tháng 10 vừa rồi nhưng Hải Phòng có thời hạn 300 ngày kể từ ngày ngưng bắn để tập kết vào Nam. Tôi đã không nói với cha tôi về ý định thực sự của tôi vì điều đó chỉ làm cha tôi lo và có thể gây nguy hiểm cho cha tôi. Tại địa điểm học tập vào lúc nửa đêm trước ngày phóng thích, cảnh vệ áp giải tôi đến một ngôi nhà tranh biệt lập cuối xóm, khi đẩy liếp vào tôi thấy một người đàn ông đã lớn tuổi ngồi một mình sau cái bàn với ngon đèn dầu, ông cho lệnh người cảnh vệ đi ra ngoài và ra dấu cho tôi  ngồi xuống chiếc ghế độc nhất trước mặt.

Ông tự xưng tên họ, chức vụ và hỏi tôi  muốn chọn lựa hoặc trao trả vào miền Nam  hoăc ở lại miền Bắc  theo quy ước Genève 1954. Tôi trả lời tôi không làm gián điệp cho Pháp nên không xin trao trả.

Ông nói là đã đọc kỹ hồ sơ của tôi và là lý do ông đến đây gặp tôi, ông hỏi về dự tính tương lai của tôi, sẵn sàng giúp đỡ nếu tôi cần và tôi có thể gặp ông bất cứ lúc nào. Ông là một giới chức của ngành an ninh. Khi được phóng thích về nơi cha tôi cư trú, tôi vẫn còn phải chịu sự quản chế của địa phương. Chính ông là người đã chỉ thị cho Ty Công an Nghệ An cấp thông hành cho tôi đi Hà Nội.

Cuối năm 1954, tôi ở tù về.

“Tôi về đến nhà vào khoảng 10 giờ đêm, giờ này ở nông thôn được xem là khuya lắm rồi. Tất cả gia đình tôi đều trong vùng tạm chiếm ngoại trừ cha tôi và tôi. Cha tôi về ở đây sau khi tôi đi tù. Nhờ chỉ dẫn trong thư của cha tôi nên tôi đã tìm đúng chỗ.

Cha tôi đang ngồi ăn cơm trên cái chõng tre ở chái bếp với ngọn đèn dầu lạc , cái bóng đen ngòm in vào vách nứa làm tăng thêm sự cô độc. Cha tôi ngạc nhiên khi thấy tôi và gương mặt sửng sốt của ông làm tôi chợt hiểu, vội móc túi áo đưa tờ lệnh phóng thích. Vì không được  báo trước, lại về vào lúc đêm khuya nên cha tôi ngờ tôi vượt ngục.

 Cha tôi sau những ngày bị cộng sản giam giữ, bị tra tấn, tự tử hụt, tù đầy, an trí… gần như thụ động hoàn toàn trước cuộc sống, chỉ cầu mong được chút an phận. Gần ba năm về trước, tôi đã đưa cha tôi đến lằn ranh vùng “no man’s land” để đi thuyền vào vùng Pháp, thuyền đã chờ sẵn dưới bến nhưng cha tôi quay lui.

Trong gia đình tôi có nhiều người thân là cán bộ hoặc cảm tình viên Việt nam Quốc Dân Đảng. Một người cậu ruột nguyên học sinh Quốc học Vinh cùng lớp với Giáo sư Nguyễn quang Trình (Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Tông thống Ngô đình Diệm), bạn thân cùng khóa peloton của quân đội Pháp giữa thập niên 1930 với Hà văn Lâu (Phân khu trưởng Bình Trị Thiên 1949, đại diện quân đội Việt Minh tại Hội nghị Genève 1954, phó trưởng đoàn Bắc Việt tại Hòa đàm Paris 1968 – 1973) mỗi lần từ Hà Nội về ghé qua Vinh đều để lại hàng chồng báo Việt Nam, Thiết Thực, Chính Nghĩa (báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng), tiếp khách nơi phòng học của tôi, chửi Vẹm (Việt Minh) một cách công khai, bất kể đối tượng khách thuộc phe đảng nào.

Tôi ra đi vào buổi sáng trời còn mờ tối để tránh bớt phần nào cái nắng gay gắt ban ngày. Tôi còn 70 cây số đường bộ để đến thành phố Vinh nhận thông hành đi Hà Nội. Con đường trước mặt vô định : hoặc tôi vượt thoát thành công, hoặc tôi trở lại nhà tù, trong cả hai trường hợp tôi sẽ không bao giờ trở lại chốn này.

Tháng 10/1954 tôi được phóng thích do Hiệp định Genève 1954. Tháng 4/1955 tôi vượt tuyến. Vào Nam có thời gian ngắn tôi đi dạy ở trường Quốc gia Thương mại.

Suốt đời cha mẹ tôi không có gì riêng cho bản thân mà tất cả cho con cái để đủ điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Mẹ tôi kể từ ngày cha tôi đi tù đã một mình cắn răng chịu đựng tất cả đắng cay, tủi nhục, nhọc nhằn, thân cò mưa nắng nuôi chồng tù đầy và nuôi bầy con hòan tất bậc trung học là căn bản quyết định để vào đại học sau đó.

Mẹ tôi sống được 58 năm, từ khi hiểu biết tôi không hề thấy bà có giây phút nào được nghỉ ngơi đúng nghĩa, đã làm việc không ngừng cho đến ngày ngã bệnh; chỉ có 6 tháng trên giường bệnh vật vã với thần chết là thời gian bà thực sự nghỉ ngơi. Mẹ tôi ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo, không có người con nào cạnh giường lúc nhắm mắt.

Điều này đã khiến tôi rất đau lòng khi tưởng nhớ đến mẹ tôi. Trong xã hội cha mẹ tôi chỉ là những người công chức bình thường nhưng đã ảnh hưởng sâu đậm vào cuộc đời của tôi với gương hy sinh, nghị lực, lương thiện không hề phai mờ dẫu thời gian, tuổi tác và cảnh huống đổi thay.

Cha mẹ tôi đã mất trước năm 1975, lúc cha tôi còn sống và khi các con xong tú tài vẫn khuyên phải xuất ngoại du học và đừng trở về nước vì Miền Nam sớm muộn cũng mất vào tay cộng sản. Tất cả gia đình tôi không còn ai ở lại Việt Nam sau 1975.

Thiết nghĩ cộng sản không cần gài tình báo chiến lược vào miền Nam, cũng không cần tấn công chiếm Phước Long để thăm dò phản ứng Mỹ mà chỉ cần đọc báo Mỹ hàng ngày, theo dõi thảo luận Quốc hội Mỹ về cắt giảm viện trợ thì có thể đếm được ngày kết thúc của Việt Nam Cộng Hòa. Hiệp định Paris 1/73 là văn kiện khai tử Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam đã tồn tại đến 30/4/1975 là một phép lạ. Phép lạ đó là sự hy sinh không bờ bến của người dân, người lính – những người ở đáy xã hội nhưng đã đóng góp phần lớn lao nhất cho Tổ Quốc. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới đã đòi hỏi người lính phải hy sinh nhiều như người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Người lính Việt Nam Cộng Hòa nặng trung bình 45 kilô, mang trên lưng súng đạn và hành trang cá nhân với trọng lượng tương đương, đã đi không ngừng nghỉ suốt cuộc trường chinh 30 năm. Họ chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ Quốc, đồng thời là tiền đồn chống cộng của thế giới tự do. Như Richard Nixon đã nhận định nếu không có miền Nam Việt Nam ngăn chận ý đồ bành trướng của Trung Cộng thì Á Châu ngày nay đã là một lục địa khác hẳn.

Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc nội chiến đồng thời là cuộc chiến ủy nhiệm trong chiến tranh lạnh giữa tư bản và cộng  sản. Chúng ta những người quốc gia có đủ khả năng tát cạn biển Hồ với điều kiện các cửa sông Cửu Long đổ nước vào biển Hồ phải được ngăn chận. Hoa Kỳ không làm công việc ngăn chận, ngược lại bằng hiệp ước Lào 1962 đã biến miền Nam thành lòng chảo Điện Biên Phủ để thu hút tiềm lực chiến tranh của khối cộng sản – xử dụng miền Nam làm chiến trường chính đối đầu với cộng sản hầu bảo vệ những miền đất khác của thế giới tự do;  rồi người Mỹ đơn phương tháo lui trao tất cả gánh nặng đó trên vai người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Kể từ đầu 1972, sau chuyến công du Bắc Kinh của Nixon, người lính Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn chiến đấu đơn độc trên bộ. Với thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự vô hạn định, họ hy sinh tương lai, hạnh phúc gia đình vợ con, chỉ có một con đường đi thẳng từ trại nhập ngũ số 3 đến nghĩa trang Biên Hòa. Hàng vạn chiến binh cộng sản đào ngũ sang Việt Nam Cộng Hòa nhưng không hề có hiện tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa đào ngũ sang cọng sản.

Sau hiệp định Paris 1/1973 viện trợ Mỹ về kinh tế, quân sự bị cắt giảm đến triệt tiêu, điều khoản một đổi một về quân dụng trong hiệp định không được người Mỹ thi hành, người lính Việt Nam Cộng Hòa ra trận bụng đói, súng đạn thiếu hụt, phải đem thân xác thay hỏa lực. Họ đã chiến đấu đến giây phút cuối khi không còn phương tiện chiến đấu và có lệnh đầu hàng.

Chúng ta, những người quốc gia có đủ những điều kiện chủ quan để thắng trận chiến vì chúng ta có chính nghĩa và vì chúng ta có những người dân, người lính sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng nhưng chúng ta không còn ở vào thời đại có thể dùng  “tầm vông vọt nhọn” để chống trả quân thù. Thượng tá Tám Hà, một sỹ quan cấp sư đoàn của cộng sản Bắc Việt hồi chánh, đã nói với người bạn của tôi trước khi ông mất: “ Xã hội miền Nam của các anh đẹp quá vì đầy tình  người”. Nghe câu nói tôi muốn khóc. Có lẽ vì chúng tôi đã sống với cộng sản, hơn nữa là những chiến binh đã cầm súng ở bên kia nên nhận thức được đầy đủ những giá trị tự do, nhân bản của xã hội miền Nam, những hy sinh to lớn của quân dân miền Nam để xây dựng và bảo vệ trong bối cảnh vô cùng khó khăn của chậm tiến, chiến tranh, và thân phận của một dân tộc nhược tiểu.

**
Tang lễ Ô. Nguyễn Văn Ngân cử hành trong 2 ngày: Thứ Sáu 17-11-2023 từ 10 giờ 30 đến 7 giờ tối; và Thứ Bảy 18-11-2023 từ 9 giờ đến 3 giờ chiều tại Peek Family Mortuary Home, 7801 Bolsa Ave Westminster CA 92683. Liên lạc tang gia với Trưởng Nữ Nguyễn Thị Lương Ngọc (714) 200-8089.


04 November 2023

Đừng Cười Tôi Nghe Nhạc "Sến", thơ

Dạo:
    Theo dòng nhạc "sến" ngân nga,
Ngậm ngùi nhớ đến quê nhà năm nao.
 
**
 
  Đừng Cười Tôi
                   Nghe Nhạc "Sến"
                          (Cho người, cho ta, cho người ta)
 
Này người hỡi, đừng mỉm cười châm biếm,
Khi nhìn tôi nghe nhạc "sến" say sưa,
Gửi hồn về những ngày tháng xa xưa,
Lúc đất nước ta chưa thành địa ngục.
 
Tôi xui xẻo, Trời không ban cho phúc
Được học hành, thành "trí thức" như ai,
Nên xin người đừng dè bỉu chê bai,
Hãy cho phép tôi dông dài giây lát.  
**  
     
Có gì "sến" trong trăm ngàn khúc hát,
Mà từng lời bát ngát đượm tình quê,
Và từng câu luôn nhắc nhở tôi về
Một nơi chốn đà muôn bề xa cách?
 
Có gì "sến" với mối tình trong sạch
Của chàng trai đang cắp sách đến trường.
Thoáng nhìn ai mà lòng dạ vấn vương,
Giờ tan học trên đường về lẽo đẽo?
 
Có gì "sến" khi hè vừa bén nẻo,
Đám học trò buồn héo hắt chia tay,
Đứa thị thành, đứa trôi giạt chân mây,
Năm tới biết ai còn quay trở lại?
 
Có gì "sến" chuyện những người con gái,
Kẻ đưa đò, kẻ náu tại rừng sâu,
Trót yêu nên phải mang nặng khối sầu,
Chết hay sống vẫn buồn đau duyên số?
 
Có gì "sến" trong muôn vàn cảnh khổ,
Lớp nhớ về một thành phố mưa bay,
Lớp đêm dài cùng chim sắt rẽ mây,
Lớp men lối biệt ly đầy cay đắng?
 
Có gì "sến" trên sân ga quạnh vắng,
Những chiều buồn gội nắng đợi người xưa,
Nhưng qua rồi chẳng biết mấy mùa mưa,
Mà bóng dáng ai kia chưa về được?
 
Có gì "sến" khi vì lòng yêu nước
Vạn chàng trai phải cất bước lên đường,
Bỏ phố phường, gác lại chuyện yêu đương,
Sẵn sàng đổ máu xương nơi tiền tuyến?
 
Có gì "sến" khi những người lính chiến,
Phải đương đầu nguy hiểm chốn rừng sâu,
Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hỏa châu,
Miệng lẩm bẩm không ngừng câu đoàn tụ?
 
Có gì "sến" với người theo đội ngũ
Lội bùn dơ, lam lũ khắp chiến trường,
Nhưng đêm ngày vẫn nghĩ tới người thương
Quay quắt nhớ màu sương nơi quê cũ?
 
Có gì "sến" với cảnh người chinh phụ,
Năm canh khuya mất ngủ nhớ thương chồng,
Miệt mài ngồi đan áo ở bên song,
Cho chồng được ấm lòng khi giữ nước?
**  
   
Người ơi chẳng bao giờ tìm lại được,
Thời vàng son của ngày trước Bảy Lăm,
Với hàng ngàn ca khúc của Miền Nam
Mà nhựa sống còn miên man tuôn chảy.
 
Người có thấy những bài ca ngày ấy,
Lời nhiều khi không bóng bảy văn chương,
Nhưng chính là hình ảnh của quê hương,
Thuở chưa chịu cảnh đoạn trường khốn khó?
 
Quê hương đó, là nỗi buồn phượng đỏ,
Là nhịp đàn khúc tân cổ giao duyên,
Là bước chân ngoài phố lúc nửa đêm,
Là nhức nhối triền miên nơi gác trọ,
 
Là ánh mắt mãi trông chờ đầu ngõ,
Là tiếng chuông, tiếng gió, tiếng nguyện cầu,
Là cành sim tim tím chốn rừng sâu,
Là chiếc bóng cây cầu đà gãy đổ,
 
Là day dứt nhìn cơn mưa tỉnh nhỏ,
Là nỗi vui vườn Tao Ngộ cuối tuần,
Là poncho, là mưa nắng hành quân
Là hạnh phúc của những lần đi phép...
 
Dù số mệnh Miền Nam giờ đã khép,
Những bài ca, hình ảnh đẹp tuyệt vời,
Những cung sầu, những xúc cảm đầy vơi,
Những tình tự... sẽ muôn đời tồn tại.
**  
  
Người nếu nghĩ mình thượng lưu quý phái,
Hãy ngủ yên thoải mái giữa tháp ngà,
Mặc sức dùng kiến thức nhạc bao la
Để tán tụng những bài ca "sang cả".
 
Và nếu muốn, cứ âm thầm hể hả
Mỉa mai tôi dốt đặc chả biết gì,
Nhưng xin người hãy tạm ngoảnh mặt đi,
Hé mở chút tâm từ bi hỷ xả,
 
Cho tôi được, trong nắng chiều tơi tả,
Mắt mơ màng mà tấc dạ tái tê,
Tạm quên đi bước lữ thứ ê chề,
Nghe nhạc "sến" để nhớ về quê cũ.
 
Trần Văn Lương
Cali, 11/2023

02 November 2023

Buổi Giới thiệu Tác phẩm History Of Vietnam và Việt Đạo của Phạm Trần Anh

Trân trọng Kính mời:

- Quý vị Lãnh Đạo Tinh Thần Các Tôn Giáo.
- Quý vị lãnh Đạo Quý Hội Đoàn, Đoàn thể.
- Quý cơ quan Truyền thông Báo Chí.
- Quý Chiến Hữu, Văn Thi Hữu, Quý Đồng Hương Việt Nam.
- Quý Đồng Môn QGHC.


Quý vị bớt chút thì giờ quý báu tới tham dự Buổi Giới thiệu Tác phẩm History Of Vietnam và Việt Đạo 1 &2 của nhà Biên Khảo Lịch sử và Văn hóa Việt Nam Phạm Trần Anh. Nhà Biên Khảo Phạm Trần Anh sẽ trình bày về nguồn gốc Dân tộc và Cội nguồn Văn hóa Việt Nam.

Buổi giới thiệu Tác phẩm được tổ chức lúc 1.30 PM ngày Thứ Bảy 4 tháng 11 năm 2023 tại Trụ sở Cộng Đồng Việt Nam Nam California số 13351 Brookhurst St. Ste. A Garden Grove.

Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự của Ban Tổ chức chúng tôi.

Ban Tổ Chức:

Nguyễn Kim Bình: 714-332-7507.
Vũ Hoàng Hải: 714-867-8833.
Michael Phương Nguyễn: 714-487-4022.

01 November 2023

Một Nén Nhang Cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết một cách tàn bạo trong cuộc chính biến quân sự 1-11-1963. Nhân ngày kỷ niệm sự đau buồn này, tôi xin trích đoạn hồi ký GIAI THOẠI CỦA THI SĨ phần liên quan của gia đình tôi về Tổng Thống và thắp nén nhang thương tiếc ông qua một bài thơ định mệnh. 

Chế độ Ngô Đình Diệm luôn dành sự ưu việt của nền giáo dục thời đó cho trẻ em nghèo. Tuy đất nước trong thời chiến, nhưng những đứa trẻ con chúng tôi mỗi buổi sáng đến trường không cần phải lấy tiền của cha mẹ, bởi trước khi vào lớp đều được nhận một phần ăn bánh mì phô mai và ly sữa bột nóng miễn phí. Đứa nào trốn xếp hàng nhận phần ăn sẽ bị cấm vào lớp học. Chính vì thế con nít thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm hầu như không có chuyện thiếu dinh dưỡng bị còi xương. Thanh niên trưởng thành đều phát triển chiều cao sức khỏe đúng tiêu chuẩn khoa học, hợp với câu thành ngữ “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Chưa kể nhà trường còn chăm sóc đến cuối năm đứa nào nghèo quá thì được lãnh phần thưởng “CÂY MÙA XUÂN” gồm quần áo sách vở, không hề phân biệt gia đình có hoạt động chống lại chế độ hay không. Cụ thể là gia đình “tù chính trị” nghèo mạt hạng của tôi luôn có thêm phần thưởng ấy. Chưa kể học tiểu học được dạy môn Đức Dục, lên trung học có môn Công Dân đều là những môn dạy căn bản đạo lý làm người.

Chính nhờ những môn học nhân văn bắt buộc ấy mà từ trẻ em đến người lớn khi ra đường thấy đám ma đi ngang đều dừng lại cúi đầu chào, nghe tiếng quốc ca vang lên đều đứng yên phăng phắc, đến ngã tư thấy đèn đỏ đều tự động dừng lại trước vạch vôi trắng, phát hiện người già người tàn tật băng qua đường đều tự giác dẫn họ qua.

Ở quận, phường khóm nào cũng có nhà thương thí, trạm y tế, nhà dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nghỉ cho đồng bào bệnh hoạn hoặc bất hạnh có chỗ nương thân. Và đặc biệt những nơi này hoàn toàn miễn phí không thu một cắc. 

Nếu tôi không quá chủ quan trong nhận định thì có thể nói thời điểm ông Diệm cầm quyền là thời kỳ vàng son nhất của miền Nam trên trường quốc tế. Thời điểm ấy nền kinh tế và dân trí Việt Nam Cộng Hòa sánh ngang với Nhật Bản, hơn Đại Hàn và tất nhiên hơn xa các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương Quần Đảo. Thời điểm ấy Sài Gòn sạch sẽ như Singapore và được mệnh danh là HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG cũng không có gì thái quá.

Hai thành tích của tôi trong giai đoạn này là đoạt giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á lúc mới 9 tuổi đang học lớp Ba 1 trường Tân Định với bức tranh màu nước mang tựa “Quang Trung Hành Quân” và giải thưởng truyện ngắn Viết Trên Quê Hương Điêu Tàn của một nhật báo đối lập lúc 15 tuổi với truyện “Trái Đầu Lâu”. 

Trong bức Quang Trung Hành Quân tôi vẽ cuộc tiến công thần tốc của Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc bằng cuộc chuyển quân trên võng, cảnh tượng cứ hai nghĩa quân Tây Sơn đi như chạy cáng võng một người nằm quả là hình ảnh đặc sản chỉ có ở con người Việt Nam và ở sự sáng tạo thần kỳ của Nguyễn Huệ.

Đầu năm 1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm đích thân mời người đối kháng với chế độ ông là cha tôi Bùi Văn Trình (từng bị ông nhốt tù chính trị) dẫn tôi vào Dinh Độc Lập nhận giải thưởng Hội Họa Thiếu Nhi Châu Á với sự có mặt của các vị Đại Sứ nước ngoài. Lúc đó tôi còn quá nhỏ nhưng cũng đủ bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông, một vị Tổng Thống có tinh thần mã thượng biết quý trọng hiền tài không phân biệt xuất thân, lý lịch. Một Tổng Thống có vẻ ngoài hiền hậu nhưng lại có tầm nhìn xa thấy rộng, không cho phép người Mỹ can thiệp quân sự vào hiện tình đất nước Việt Nam. Đáng tiếc là một Tổng Thống anh minh như thế lại bị chết oan ức, chết thảm khốc trong cuộc đảo chính quân sự 1-11-1963 do chính người Mỹ giật dây theo kịch bản của họ. Ông Diệm chết vài tháng sau khi đọc diễn văn khai mạc Trại Hè Thiếu Nhi Xuất Sắc Toàn Miền Nam tại Bà Rịa Vũng Tàu mà tôi là một đại biểu thiếu nhi được mời tham dự. 

BÙI CHÍ VINH 


TÔI VÀ CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM 

Hôm đó ở Dinh Độc Lập thằng bé 9 tuổi đứng bên cạnh ông
Được ông nắm tay như con cháu trong nhà thân thuộc
Chính ông cũng thừa biết bàn tay thằng bé có lửa từ người cha yêu nước 
Người cha tên Bùi Văn Trình mà ông đã từng bắt bớ cầm tù.

Nhưng không, Tổng Thống không hề thấy kẻ thù
Ông chỉ thấy văn minh và nhân cách
Ông thấy “rách cho thơm, nghèo cho sạch” 
Ông thấy tài năng bẩm sinh thường xuất thân từ khu ổ chuột sình lầy.
 
Hôm đó ở Dinh Độc Lập tôi đã dụi đầu vào ngực ông với tất cả thơ ngây 
Dựa vào một nền giáo dục hoàn toàn dành cho trẻ con miễn phí 
Dựa vào nhà thương không tốn tiền, với bánh mì phô mai sữa tươi dành cho học sinh không lừa mị 
Dựa vào “tiên học lễ, hậu học văn” biết chào người lớn lúc ra đường

Tôi được ông dạy học làm người trước khi biết đến văn chương
Biết môn Đức Dục dạy giúp đỡ kẻ nghèo ra sao, biết môn Công Dân dạy cúi chào đám ma trên đường đến lớp 
Biết nền Đệ Nhất Cộng Hòa trên đường đi không hề có rác 
Con người tử tế với nhau như đang ở thiên đường 

Vậy mà người ta nỡ quên câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương” 
Người ta hạ sát ông chỉ vì ông quá yêu tổ quốc 
Ông không muốn thấy xã tắc biến thành trò chơi của Mỹ, Tàu, Nga những cái vòi bạch tuộc 
Cái chết của ông giết luôn ước mơ một nước Việt hùng cường 

Giết luôn ước mơ của tôi, một thằng bé rụt rè được ông săn sóc yêu thương 
Cái nắm tay năm 9 tuổi của ông đến bây giờ còn ấm 
Tôi chỉ biết khóc và thắp một nén nhang tiếc thương Tổng Thống 
Tiếc thương số phận dân tộc tôi không thoát khỏi lời nguyền…
 
BCV 

(Fb BCV via Fb CBM) 



 

Hình ảnh: 
Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngủ trưa ngon lành 
trong một chòi canh rẫy của đồng bào 
như trẻ thơ