15 May 2010

Sông có nguồn, cây có cội (tiếp theo)


Nhớ ơn Quốc Tổ không phải chỉ là việc trong một ngày, trong vài tuần trưng hoa rước đuốc, gõ mõ cầu kinh, thắp hương khấn vái. Ngày giỗ Tổ còn là dịp để con dân Đại Việt tìm hiểu về nguồn cội của mình. Nhưng nói thì dễ, có mấy ai trong chúng ta có thì giờ để đọc và tìm hiểu sâu xa mình từ đâu mà ra, dòng sinh mênh nào đã uốn nắn tạo dựng nên đời sống tinh thần của mình hôm nay.

May thay trôi theo dòng thực tiễn cơm áo, vẫn còn, dù hiếm hoi, những ngọn sóng nhấp nhô cố gắng vươn lên nhìn về nguồn giải quyết cho xong những khắc khoải, những suy tư lo âu về sinh mệnh dân tộc mình. Thế nên đại đa số chúng ta, như những thành viên của một tập hợp, nhờ đó trở thành những người may mắn.

Nhân đây Diễn Đàn xin thành thật cám ơn thân hữu Nguyễn Văn Nhiệm, một người rất gần gũi với anh em HC, đã chia sẻ những tìm hiểu và suy tư của anh với chúng ta. (D.Đ.)

**

Tất cả những số chứa trong Đồ thư hợp nhất gồm Hà đồ và Lạc thư rất có ý nghĩa. Nói chung, các số chẵn 2, 4, 6, 8 chỉ Đất, nét dọc hay hình vuông; các số lẻ 1, 3, 5, 7, 9 chỉ Trời, nét dọc hay hình tròn. Các số này được sắp xếp theo phép tắc nhất định, rất quân bình, có mô hình chẳng khác nào lý thuyết nguyên tử ngày nay.

Tổng cộng các số ở Hà Đồ là 55, Lạc Thư là 45. Như vậy tổng cộng các số của Đồ Thư hợp nhất là 100, biểu tượng cho Bách Việt và cũng tượng trưng cho vạn hữu.
Hà đồ phân bố số theo hình tròn, tượng trưng cho nội giới (Thiên), hướng nội; Lạc thư phân bố số theo hình vuông tượng trưng cho ngoại giới (Địa), hướng ngoại. Hà đồ thuộc “nội thánh”, đạo trị nội, đạo tu thân, biểu tượng thế giới tâm linh; Lạc thư thuộc “ ngoại vương ”, đạo trị ngoại, đạo xử thế, biểu tượng thế giới vật chất hữu hình.

Có hợp nhất được cả “nội ngoại chi đạo” thì mới có thể thực hiện được Đạo. Chỉ lo cho phần tinh thần, tiềm thức, tâm linh bên trong mà quên phần vật chất, ý hệ bên ngoài ngoài, hoặc ngược lại, sẽ không bao giờ đạt được chân lý và chân hạnh phúc. Đó cũng là ý nghĩa của chữ Tương, lưỡng hợp, lưỡng nhất.

Vòng ngoài hình vuông là khu vực của vật chất, ý thức, lý trí, nơi phát sinh khoa học, kỹ thuật đưa đến văn minh cơ khí, nếu vận dụng đúng đắn, người ta sẽ đạt được thành công, cái thành tựu của con người tiểu ngã. Nếu chỉ quanh quẩn ở vòng ngoài này, một khi văn minh cơ khi tiến lên cực độ thì cơ khí sẽ sinh cơ tâm có tính cách máy móc, lạnh lùng. Làm thế nào có cơ khí mà không cơ tâm? Muốn vậy phải đồng thời chăm lo phần trong hình tròn là khu vực tiềm thức tâm linh, tiến tới chân không, vô thanh, vô khứu, vô hình ở đợt cao nhất là đợt Thần, mà “Thần vô phương” cho nên vô biên. Đến đợt này, nhân bản cá nhân vòng ngoài thăng hoa thành nhân bản tâm linh siêu việt, con người từ Tiểu ngã vươn lên Đại ngã tâm linh có tầm kích vũ trụ. Quá trình tiến hóa này rất công phu, đòi hỏi tập trung nổ lực cao độ, toàn diện bao gồm cả ý, tình, chí lâu dài ở vòng ngoài cũng như vòng trong theo phương châm “đốc hành”, “tận kỳ tính”, phải “chí thành” mới “như thần”, “Tình thâm nhi văn minh”. Nói theo phép biện chứng quân bình thì quá trình tiến hóa tâm thức này cũng phải thông qua qui luật lượng -phẩm như tục ngữ, ca dao đã nói:
“ Mưa lâu thấm đất”
“ Có công mài sắt, có ngáy nên kim”
“ Mồng ba cá đi ăn thề,
Mồng bốn cá về cá vượt Vũ môn”
“Ăn thề ” nói lên tính cách linh thiêng có lễ nghi, “cá vượt Vũ môn” nói lên tác động siêu việt vươn lên đợt cao hơn và con người thông qua quá trình tiến hóa siêu việt đó mà thể hiện Tính thể của mình.

Ở đợt ý, từ là phương tiện tích lũy ý rất quan trọng cho đại chúng để thực hiện những bước nhảy siêu việt theo qui luật lượng phẩm thì đế quốc phong kiến phương Bắc đã rất thâm độc tiêu diệt chữ viết của Việt tộc. Ngăn chận tận gốc khả năng thực hiện những bước nhảy siêu việt này, tức là chủ trương tiêu diệt Tính Việt.

Con số 9 là Hồng phạm cửu trù, là phần mở rộng của cơ cấu Ngũ hành, từ Lưỡng nghi đến Bát quái, làm ra tám trù để cho các thể chế cụ thể, rõ ràng hơn. Tám trù này cộng với Hoàng cực ở Trung cung xem như Nhất thể thành ra cửu trù. Hoàng cực thật ra không phải là một trù, nó đóng vai trò chữ Tương nối với các trù ngoại vi.

Đồ biểu của Hồng phạm cửu trù:
Trong Hồng phạm có hai luật là tán, tụ, như âm dương cũng gọi là giá sắc nghịch chiều nhau.

Triết lý Hồng phạm cửu trù đã hiện ra rõ rệt trong thể chế tỉnh điền của Bách Viêt, nổi bật lên tác động đặc trưng của văn minh nông nghiệp là giá sắc (gieo gặt) một cách cụ thể trong đời sống làm ăn. Trong khi đó, bảng phạm trù của Aristote và của Kant thì hoàn toàn trừu tượng do đặc tính của Triết học duy lý, ý niệm xa rời cuộc sống hiện thực.

Đến đây, chúng ta đã nêu lên được hầu hết các Cơ số nền tảng của Việt tộc mà phần lớn hội tụ ở triều đại Hùng Vương:

Số 2: Tiên- Rồng, âm dương. Số 3: tích trầu cau, Tam tài. số 3-4: bánh dày, bánh chưng. Số 5= 3+ 2: Ngũ hành. Số 9= 3.3 = 4 + 5 : Cửu thiên Huyền nữ, Cửu trù, Cửu đỉnh, Cửu Long, Cửu trùng, Cửu tuyền… toàn chỉ những cái linh thiêng.

9 x 2 = 18. Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời. Trong truyện “ Bánh dày, bánh chưng ” vị công tử thứ 18 là Lang Liêu được truyền ngôi vì đã làm ra hai loại bánh có ý nghĩa Minh triết. Số 18 huyền diệu như vậy là vì nó có gốc từ những số huyền diệu như 3, 9.

Bây giờ thử làm trò chơi số học này:

Trước hết làm toán nhân này: 9 x 2 = 18 ( huyền số 9 nhân cho 2 )
Rồi lấy các thành phần số hợp nên số thành cộng lại với nhau: 1 + 8 = 9.
Rồi tiếp tục như vậy:
Bao giờ chúng ta cũng có thể qui về số 9.

Số 15 ở trung cung của Đồ thư hợp nhất gọi là Hoàng cực của Hồng phạm Cửu trù. Nước Văn Lang thời Hùng Vương cũng được chia ra làm 15 bộ để cai trị, như vậy là đất nước có văn hiến, nhân trị.
Cốt tủy của kinh Dịch đã được cô đọng trong câu của Hệ từ thượng : «Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái... » Câu này có thể mượn toán số để diễn tả như sau :
2° = 1 chỉ Thái cực, Nhất quán.
2 lũy thừa 2 = 4 chỉ Tứ tượng.
2 lũy thừa 3 = 8 chỉ Bát quái.
Số lũy thừa Zero của bất kỳ số nào cũng đều là 1. Số Zero và số 1 ở đây rất kỳ diệu, nói không mà là có, có mà là không, nên gọi là chân không diệu hữu. Đó mới là Thái cực, là Nhất quán bao trùm vạn hữu. Ngày nay, với cặp ( 0, 1 ) của hệ thống số nhị nguyên (dualsystem) người ta đã khai triển được môn điện toán trong lãnh vực khoa học kỹ thuất đến mức tinh vi.

Môn toán lượng giác cũng chỉ ở trong khoảng ! 0 - 1 ! mà công dụng thì có vô cùng tận. Môn này cũng là một hình thức của Dịch.

Diễn tả mặt trống đồng Ngọc Lũ cũng như Thành Cổ Loa bằng những vòng tròn đồng tâm là một cách trình bày trên mặt phẳng. Còn chính thực trong không gian thì đó là những đường xoắn ốc, mà nếu chiếu xuống mặt phẳng thẳng góc với trục của nó thì chúng ta có những vòng tròn lượng giác chồng lên nhau, tâm là O, bán kính là 1 :
Sina = sin ( a + k.2JI )
trong đó k chỉ các vòng, các đợt tiến hóa.

Đây chỉ là cách thức, là phương tiện để diễn đạt những chuyển biến của vạn hữu và tâm thức con người. Cơ cũng chưa đủ, chưa đến chỗ cùng cực, mới vượt qua đợt ngôn từ, mới có luật tắc xem chừng như phổ biến, mà vẫn còn nằm trong vòng ý thức. Cần vượt qua nữa để tiến sâu vào tiềm thức cộng thông thường bằng huyền thoại mà vẫn theo qui luật, phải huy động mọi cơ năng ý, tình, chí để tiến lên Minh triết Ở huyền thoại, những sự kiện không còn là sử kiện lệ thuộc không gian, thời gian, mà trở thành sơ nguyên tượng siêu vượt thời không, nên có giá trị ở mọi thời, mọi nơi, nghĩa là có thể phục hồi. Xin viết lại “ Truyên Hồ Tinh ” trong Lĩnh Nam Trích Quái để thấy cái đặc tính của huyền thoại Viêt Nam:

“ Thành Thăng Long xưa hiệu là Long Biên, hồi thượng cổ không có người ở. Vua Thái Tổ nhà Lý chèo thuyền ở bến sông Nhĩ Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, cho nên đặt tên là Thăng Long rồi đóng đô ở đấy, ngày nay tức là thành Kinh Hoa vậy. Xưa ở phía tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian. Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng.

Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc gọi là Bạch Y Man. Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào hang trong núi.

Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy, quân thủy phủ đuổi theo, phá hang bắt cáo mà nuốt ăn. Nơi này trở thành cái vũng sâu gọi là “Đầm xác cáo”. Sau lập miếu để trấn áp yêu quái. Cánh đồng phía Tây Hồ rất bằng phẳng, dân địa phương trồng trọt làm ăn, nay gọi là Hồ Đỗng (hang cáo). Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở nay họi là Hồ Thôn. Chỗ hang cáo xưa, nay gọi là Lỗ Khước Thôn.”

Đó là một trong những kỳ tích oanh liệt của Long Quân. Trong truyện có con cáo chín đuôi, theo cơ số 9, vậy tất phải có ý nghĩa. Việt Nho định nghĩa con người: “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỉ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí giã” Người là cái đức của Trời Đất, sự giao hợp của âm dương, sự tụ hội của quỉ thần, cái khí tinh tú của Ngũ hành. Như đã trình bày ở trên, con người tiểu ngã nếu tu thân, tích đức đúng đắn, thì sẽ “ tận kỳ tính ”, “chí thành như thần”, trở thành con người Đại ngã tâm linh, còn ngược lại thì sa đoạ thành quỉ: Cáo chín đuôi là loài quỉ láo cá, quỷ quyệt đội lốt người, trà trộn vào quần chúng nhân dân, cũng giả vờ ca hát, nhảy múa hòa đồng, rồi dụ dỗ trai gái trốn vào hang động trong núi.

Đó là loại Hồ Ly Tinh rất nguy hiểm thường xuất hiện ở những thời ly loạn, những buổi âm thịnh dương suy. Những bậc minh quân có bổn phận phải tiểu trừ để cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Bậc quân vương cũng phải luôn tu thân, tích đức, nếu không rồi cũng bị sa đọa thành löài cáo thôi. Sách có nói: “Thất lý nhi nhập ư thuật” nghĩa là không đạt được lý Thái cực (Thần), thì quay ra mưu xảo quỷ quyệt (Quỷ), như vậy làm sao an bang tế thế. Phải quay về với Đạo Việt, Đạo lưỡng nhất, hợp nhất “nội ngoại chi đạo”, vòng ngoài xử thế, hiện đại hóa bằng khoa học kỹ thuật, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hôi tiên tiến để tiến đến thành công; vòng trong tu thân để thành nhân. Đó là con đường phục hoạt lại Tính Việt. Chỉ có Tính Việt mới đạt độ an bang tế thế, mới bảo đảm độc lập cho đất nước, tự do dân chủ cho nhân dân và nhân chủ cho nhân loại, bởi vì Việt có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là dân tộc Viêt Nam, nghĩa thứ hai mới là nghĩa cao hơn, là Tính siêu việt, cái phần cao cả của con người qui định Tính thể Người.

Tính Việt cũng đã được nghe nói bằng những từ ngữ tương đương như suất tính, kiến tính, xuất tính thể. Tính Việt có thể đạt được thông qui luật lượng phẩm. Chủ thể đạt được Tính Việt gọi là Việt thể. Tùy theo mức độ lượng- phẩm mà Việt thể có thể thị hiên ở vòng ngoài, vòng trong hay bao gồm cả hai với phẩm trật khác nhau. Đối với quan điểm của Đạo sống quân bình, Việt thể có thể là các nhà Đạo đức, Triết gia, Khoa học gia, các nhà nghiên cứu phát minh, các văn hào... đặc biệt ở lịch sử Việt Nam thường là những vị Anh hùng dân tộc, lúc chết được tôn kính như Thần.

Vậy thử hỏi một đất nước gọi là “văn hiến chi bang” nên chọn con đường nào? Mưu xảo quỷ quyệt hay là phát huy Tính Việt?

Xin thưa: Mưu xảo quỷ quyệt vụn vặt thì làm sao đối đầu nổi với đế quốc xâm lược tham vọng, tàn bạo, hung hãn và chỉ chuốc lấy nhục nhã. Chỉ có Tính Việt mới làm xuất hiện nổi vĩ nhân, mới phục hưng nổi tinh thần Phù Đổng, làm sáng danh chủ nghĩa Anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, giữ nước; mới có thể tiếp nối, phát huy tinh thần Nỏ Thần của Tổ Tiên theo khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng hiệu năng quốc phòng mới mong giữ vững đất nước do các vị vua Hùng đã dày công dựng lên.

Hàng năm, tất cả mọi người là đồng bào, gốc từ bọc trăm trứng, trăm con thuộc Bách Việt đều hăm hở cùng nhau dự hội Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương:
“ Dù ai buôn bán ngược xuôi,
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Dù ai buôn bán gần xa,
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba thì về.”
Đạo Việt là Đạo thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên, mà Tổ Tiên chung cả nước là Tổ Hùng Vương cho nên việc tế lễ có nghi thức long trọng, tôn nghiêm theo tinh thần “tế thần như thần tại”. Như vậy người chủ tế phải là bậc “chí thành như thần” thì theo luật loại tụ “đồng thanh tương ứng ” mới có linh ứng hội tụ khí thiêng sông núi. Có được như vậy, người dân mới tin tưởng vào sự trường tồn của đất nước:
“ Nước non là nước non Trời,
Ai phân được nước, ai dời được non?”
Nguyễn Văn Nhiệm

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...