Đỗ Trung
Khi tham dự buổi tiệc gây quỹ của Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam Cali, tôi được Dung Vũ tặng cuốn truyện dài “Nổi trôi cơn hồng thủy” do Gia đình Trương Vũ xuất bản tại Nam Cal năm 2014. Cầm cuốn sách trong tay, tôi ngạc nhiên vì một người theo ngành khoa học lại viết văn mà còn có tài vẽ tranh từ hoa lan đến phong cảnh để làm phụ bản cho cuốn sách. Còn tôi, theo học khoa Nhân văn, nhưng lại suy nghĩ và hành xử theo khoa học, có lẽ tôi chỉ có khiếu về ngoại ngữ.
Về đến San Diego, tôi đã đọc cuốn “Nổi trôi cơn hồng thủy” tưởng để ru giấc ngủ, không ngờ tôi đã thức trắng đêm để đọc xong gần 300 trang sách khổ nhỏ. Vũ Dung có cái trí nhớ của một dược sĩ, có cái tâm tốt bụng nên đã kể lại những câu chuyện của thế kỷ cũ qua nhiều ngang trái, khổ đau, áp bức, bất công nhưng với một giọng văn bình dị thanh thản.
Bài viết này không phải là một bài điểm sách, lại càng không phải là một bài phê bình văn học mà chỉ là một vài cảm nghĩ của một người bạn học cùng hệ rất kính phục về tài năng của một người bạn có nhiều năng khiếu tiềm ẩn.
Cuốn “Nổi trôi cơn hồng thủy”, Dung Vũ đã kể lại những câu chuyện xẩy ra trong gia đình nội ngoại và những người gần gũi chung quanh coi như là vẽ lại cảnh xã hội Việt Nam trong một thế kỷ qua.
Vì không phải là một bài điểm sách, nên tôi chỉ xin ghi lại một vài “mảng” chính mà tôi có được nghe, nhưng chưa được chứng kiến mà qua cuốn sách Dung Vũ cho tôi những chứng liệu của bản thân hay qua lời kể lại của người thân của Dung.
Trước khi đi sâu vào những cảm nghĩ, tôi cũng xin được nói thêm Dung Vũ viết rất cẩn thận không nhận là viết hồi ký vì sợ nhớ sai ghi thiếu nên đã nấp mình trong nhân vật Ngọc và chồng trong nhân vật Hà còn bố là Trí, mẹ là Phúc. Bên nội là cụ Chánh, bên ngoại là cụ Cử Thái Bình.
Hôn nhân theo tử vi-tướng số
Vào thế kỷ trước, hôn nhân do bố mẹ đặt để và thường các cụ chọn dâu theo môn đăng hộ đối nhất là theo tướng số và so tuổi của “chuẩn cô dâu”. Trí thương yêu cô Hương, con cụ Tuần, rất môn đăng hộ đối nhưng vì Hương có số sát phu nên cuộc hôn nhân không thành. Hai năm sau Hương đi lấy chồng, nhưng sau đó chồng chết đúng theo lá số sát phu.
Cô Phúc “có số tốt hiếm có. Bao nhiêu sao tốt tụ cả vào cung Phu, cung Mệnh, cung Tử Túc an nhiều sao quý : Thiên khôi, Hóa khoa, Hóa lộc…đàn bà thì cụ chỉ chú tâm coi ba cung đó là chính còn cung Quan, Tài lộc, Phúc đức là ăn vào số chồng. Chỉ có Tuần Triệt hãm địa khiến cô Phúc cao số nhưng đây là số mệnh phụ, vượng phu ích tử, một đời vinh hiển phú quý. Lá số thật tốt”.
Vì cao số nên dù cô Phúc đã được đính hôn với Toàn, một thanh niên đẹp trai học giỏi xuất ngoại du học Pháp quốc, mà không thành uổng công chờ đợi 10 năm ròng rã. Mãi đến năm 26 tuổi, cô Phúc mới được gia đình Trí hỏi cưới. Con gái vào tuổi này ở thời đại đó chỉ là gái già, lo săn sóc nuôi dưỡng bố mẹ mà thôi, cùng lắm là lấy làm lẽ. Đó cũng ứng vào lá số Tuần Triệt của cô Phúc.
Đọc đến đây tôi lại liên tưởng tới tôi. Nhà tôi và tôi biết nhau vì hai gia đình quen nhau. Chúng tôi chỉ mới để ý nhau, nhưng chưa có tình cảm thắm thiết thì tôi du học Thụy Sĩ. Sau đó tôi cũng quen biết một vài chàng trai khác mà trong số đó có một người tôi gắn bó nhưng gia đình ngăn cản vì lý do khác tôn giáo. Còn anh, anh vẫn kiên chì chờ đợi và trong ngày thành hôn anh có kể là anh đã được bà Phạm Lê Trinh, con gái cụ Phạm Lê Bổng và là phu nhân của bác sĩ Đào Huy Chân, dẫn đi coi tử vi một vị nữ tu trong hẻm đường Nguyễn Trãi. Vị nữ tu này cho biết ba điều : người vợ tương lai của anh sẽ là người bạn gái anh quen hiện đang du học, anh sẽ nửa đời sống tại ngoại quốc và anh sẽ có một người con ngoại quốc. Năm 1975 vợ chồng tôi di tản qua Mỹ, năm 1983, chúng tôi sinh thêm một cháu trai, thật đúng là con ngoại quốc vì cháu có quốc tịch Mỹ ngay sau khi sinh. Và để cho thật đúng với lời tiên đoán của vị nữ tu, tôi đã mua tặng anh một chậu phun nước có tạc tượng một kiều nữ khỏa thân dáng dấp Âu châu.
Lấy vợ lẽ cho chồng để có con.
Bác Cả của tác giả hiếm muộn, bác Cả gái có sinh mà không có dưỡng mà theo thầy bói nếu bác Cả trai có vợ lẽ thì bác Cả gái mới có con được. Chúng ta hãy đọc trang 79 tả cảnh lấy vợ lẽ cho chồng:
“Bác Cả trai đi làm về, thấy có người lạ hỏi vợ :-Ai vậy mợ?-Đây là cô Thứ, mẹ bảo vợ chồng mình hiếm hoi quá nên cưới thêm cho cậu đấy, vừa nói bác vừa rơm rướm nước mắt dò xét chồng.Bác trai cau mày :-Mợ lạ nhỉ, tôi đã bảo tôi không muốn, sao chẳng ai nói gì với tôi cả?Bác Cả thở dài :-Tôi cũng bất đắc dĩ, nhiều thầy bảo phải chữa vậy tôi mới có con.Bác trai quay sang nhìn kỹ cô Thứ, có vẻ vừa ý, giọng chỉ còn gắt nhẹ :-Mợ chỉ vẽ chuyện”Và trang 80 :“Bác nghĩ thà lấy vợ lẽ cho chồng còn hơn để chồng la cà chốn ăn chơi, vừa tốn kém vừa dễ lây bệnh tật”.
Và đây là cảnh đêm tân hôn của bác Cả trai với cô Thứ cũng ở trang 80 :
” Tối đến Bác gái sắp cho cô Thứ một căn phòng nhỏ ở nhà dưới, chỉ bảo cô Thứ sắp xếp các món ăn đem ở quê lên, mấy món thịt cá bác dặn dò nấu nướng nhưng xem ra cô Thứ làm đã có vẻ thành thạo. Đêm đó bác Cả trằn trọc mãi không ngủ, bác thấy chồng cũng trở mình luôn. Bác nào muốn cảnh chồng chung nhưng mãi không có mụn con nào bác đành phải chịu xuôi theo số mạng. Suy nghĩ mệt mỏi bác ngủ thiếp đi, nửa đêm tỉnh dậy không thấy chồng đâu, bác âm thầm đi xuống nhà dưới, nhìn thấy đôi dép của chồng để ngoài cửa buồng cô Thứ, bác lặng người đi, lòng tan nát, Bác vội lên nhà trên, nắm khóc tấm tức đến sáng”.
Chỉ với vài đoạn văn ngắn Vũ Dung đã lột được tâm tính đàn ông ham nhiều vợ tuy ngoài miệng nói không muốn và cũng tả được cảnh ghen ngấm ngầm của người vợ dù chính mình chủ động đi lấy vợ lẽ cho chồng để có lợi cho mình vừa có con vừa tránh tốn kém và bệnh tật vì chồng đi hát cô đầu. Đây cũng là thông điệp của tác giả gửi tới cho các rể Trưng Vương “Đàn bà nói vậy mà không phải vậy”.
Sau này bác Cả gái sinh được bốn người con và cô Thứ có 3 người con với bác Cả trai. Tác giả cũng tả cảnh gặp lại bác Thứ sau 60 năm để minh chứng cho thuyết “ở hiền gặp lành” và kiếp chịu đựng của phụ nữ ở thế kỷ trước từ trang 262 cho tới trang 266. Tác giả đã đưa ra nhận định : “ Ngọc nghĩ với cái chế độ đa thê đã có từ nghìn xưa, do các cụ ông đề xướng để hưởng lợi và các phụ nữ nhà nghèo đã phải chịu đưng đi làm lẽ. Xã hội thật lắm bất công và bao người con gái đã phải chịu thiệt thòi, chịu cảnh chồng chung, bị bạc đãi suốt đời. Rất may chế độ đa thê đã không còn chính thức tồn tại ở Việt Nam, tuy sự lén lút không bao giờ hết, cũng đã bớt cảnh vợ cả vợ lẽ”.
Vú sữa.
Bác Cả gái sinh con nhưng thiếu sữa nuôi con nên phải muớn vú Tán nuôi anh Khoa. Vú Tán trước đây đi ở đợ nhà ông bà Bát từ nhỏ. Tuy được ăn cơm trộn khoai no đủ nhưng phải làm việc vất vả và bà Bát thì keo kiệt. Ngoài ra vú còn bị hai người em trai ông Bát cưỡng ép nhiều lần, còn bị dọa dẫm nạt nộ đủ điều, ngăn cấm không cho kể lể với ai. Mấy lần nghi có thai phải lén tới ông lang ở chợ mua thuốc phá thai. Sau vú được anh Tán lấy làm lẽ vì muốn vú săn sóc vợ cả ốm hậu sản và nuôi các con anh. Khi vú sinh con thì được bác Cả gái mướn làm vú sữa nuôi anh Khoa.
Đây là cảnh làm vú sữa dưới ngòi bút của Dung Vũ :
“ Lên Hà Nội, vú không ngờ đời vú lại có lúc được sung sướng như vậy. Mợ Cả hiền lành tử tế, vú được ăn toàn cơm trắng và ngày nào cũng đầy thịt cá, lại còn được tẩm bổ thêm thuốc bắc để có nhiều sữa nuôi bé Khoa. Đôi lúc sữa căng đầy, vú xót xa thương con bị bỏ lại quê nhà, sữa mẹ dư thừa mà nó chẳng được bú, phải chịu đói khát. Con vú chỉ có chút nước gạo loãng, mới đỏ hỏn mà chẳng được ai bồng bế dỗ dành. Ôm thằng Khoa béo tốt hồng hào mà vú nghĩ thương con quá, sữa của nó bị con nhà giầu tranh mất, cũng chỉ vì phận nghèo mà phải chịu thiệt thòi, nước mắt vú cứ chảy ràn rụa…”.
Năm 1954, vì số phận vú Tán theo gia đình bác Cả di cư vào Nam bỏ lại 2 người con cho người chồng nát rượu ở quê và năm 1975 vú cũng được di tản với gia đình bác Cả sống tại San Jose. Qua ba đời làm vú, nay “trời có mắt”, đã cho vú được đoàn tụ với các con, cháu,chắt ở Mỹ . Các cháu và chắt của vú đều tốt nghiệp đại học.
Đọc những đoạn văn Dung Vũ tả cảnh vợ cả vợ lẽ, tá điền làm thuê, ngày giỗ…tôi không thể nào không liên tưởng tới những chuyện của các nhà văn thời tiền chiến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng…nhưng văn của Dung Vũ bình dị hơn, ít gay gắt hơn.
Thăm nuôi tù cải tạo.
“Nhận được giấy báo cho đi thăm tù nuôi chồng, Ngọc mừng rở sắm sửa dần các món đồ ăn và vật liệu cần thiết mà Ngọc đoán chồng đang mong đợi.
Trước hôm thăn nuôi, Ngọc thức đến hai ba giờ sáng mà vẫn còn sắp đi xếp lại mãi những món đồ để sáng sớm sẽ đi xe đò lên Biên Hòa thăm chồng : chăn len nhỏ Ngọc đã bó gọn lại với mấy bộ quần áo bọc kỹ trong hai lần túi nylon. Lên thăm nuôi được mang nhiều quà hơn nên mọi người bảo nhau cố gắng đem nhiều thứ, không biết lúc nào họ mới cho thăm nữa, cùng lắm thì đem về vậy.
Mẹ chồng Ngọc đã mua lạp xưởng, đã làm muối mè, đậu phọng rang, tôm khô bà đã xào chin nêm mặn ngọt, một túi thịt nạc cũng đã kho khô rất thơm ngon, Ngọc cũng đã mua mì gói, cà phê, gói cá lóc khô họ cắt thành thanh dài trong veo coi rất đẹp. Ngọc cũng học được cách xào thịt rọi với mắm tôm và đường nghe nói để được khá lâu, Ngọc cũng rô ti một con gà với đĩa xôi đậu phọng mà chồng Ngọc rất thích. Ngọc cũng cuốn chặt tiền thành nhiều gói nhỏ cuốn trong túi nylon để chung trong gói mắm xào thịt. Các anh chị của Ngọc và bên chồng cũng đem đến tặng thịt chà bông, giò chả, tôm khô…chị lớn của Ngọc cũng mua cho mấy gói trà, thuốc lá, thuốc lào” (trang 134).
Tôi chợt nhớ tới cảnh gửi quà cho chồng qua bài thơ “Quà cho Anh” của chị Nguyễn Thị Ngoan, vợ anh Nguyễn Thành Nhơn, cựu Phó Tỉnh trưởng Hành chánh tỉnh Biên Hòa, bạn học cùng khóa 6 QGHC với nhà tôi :
Từ ngày nhận được thư AnhĐắn đo lo lắng, ba cân phần quàThêm vào rồi lại bớt raMón nào ấp ủ tình xa đậm đà.Gửi Anh đôi bốt bataẤm chân vững bước đạp chà gốc gaiGửi Anh bánh thuốc rê cay,Đốt ý thức hệ thành mây phiêu bồngĐốt giai cấp, đốt Hồ ngông,Lê nin, Các Mác theo giòng khói tuôn.Gửi Anh bánh tổ đổ khuôn,Bền lòng chặt dạ, giữ đường kiên trung.Bao nhiêu đau đớn hãi hùng,Xin Anh hãy nhớ Em chung mối sầu.Gửi Anh chiếc nón phết dầu,Che mưa, đỡ nắng, làm gầu, làm thau.Gửi Anh đường cát ngọt ngào,Dịu niềm cay đắng, nâng cao tinh thần.Gửi Anh tập giấy trắng ngần,Gửi niềm tâm sự lời gần ý xa.Gửi Anh chiếc áo bà ba,Quê hương nhuộm đỏ cửa nhà nát tan.Gửi thêm Anh chiếc áo hàn,Đông về ấp lạnh hè sang gối đầuGửi thêm mấy chiếc khăn hầu,Lót vai gánh nặng quấn đầu trời sương.Muối vừng muối xả thêm đường,Mặm mòi tình nghĩa yêu thương ngọt ngào.Đậu tương một hũ thêm vào,Anh em thân ái yêu nhau kiếp tù.Thương Anh thêm lọ dầu cù,Nhức đầu, trúng gió, đêm thu một mình.Ba cân đã đủ vừa xinh,Thư mình Em thế tấm hình vợ con,Nhắn Anh còn nước còn non,Còn tình còn nghĩa ta còn gặp nhau.
Tuy là hồi ký viết về mình nhưng Dung Vũ chỉ dành một số trang vừa phải để tả về duyên vợ chồng và những khó khăn lập nghiệp xứ người cùng cách ứng xử dậy con sao cho thích hớp với xã hội mới. Với tính khiêm nhường Dung Vũ chỉ cho biết tác giả đã thi lấy lại bằng dược sĩ và chồng phải chuyển từ bác sĩ giải phẫu sang bác sĩ thủ trị. Dù định cư muộn, đi làm ít nhưng chồng tác giả đã quyết định nghỉ hưu sớm để săn sóc gia đình an hưởng hạnh phúc, hãnh diện và thỏa mãn với nghề “vá dù”cho vợ con. Anh còn là ca sĩ nghiệp dư, hát rất “tới”những bài ca ngoại quốc. Riêng bài “Giọt máu cho quê hương” do anh sáng tác, anh luôn diễn tả rất hùng hồn mang cả một tấm lòng yêu quê hương đất nước. Mỗi lần trình bầy, mắt anh đều rớm lệ.
Ngọc có hai gái và một trai, hai con đầu tốt nghiệp tại UCLA, con gái út, cấn thai khi ra thăm chồng tại Huế, tốt nghiệp tại UCI nhưng đều học theo ngành y tế.
Vợ chồng tôi định cư tại San Diego từ tháng 5 năm 1975 cũng vất vả tìm kiếm công ăn việc làm, học lại để có một nghề thích hợp với xã hội mới. Tôi với số vốn ngoại ngữ thâu thập được trong các năm học tại Việt Nam và Thụy Sĩ đã cố gắng vừa đi làm vừa học lại để lấy lại chứng chỉ dậy học (K-12) cùng với 2 bằng Master, một về Muli-cultural và một về Counseling, và luôn luôn làm hai công việc. Công việc chính ban ngày là Giáo sư cho Học khu San Diego, ban đêm tôi làm Counselor và dậy các môn Xã hội và Sinh ngữ cho trường Đại học Cộng đồng San Diego. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu với Học khu San Diego, nhưng vẫn còn tiếp tục dậy tại Mesa College, có lẽ vì tôi mang tuổi Giáp Thân chăng? Hai vợ chồng tôi, tối thiểu đều làm 2 công việc, nhưng chỉ đủ tài chánh để đài thọ cho các con học xong bậc Cử nhân mà thôi. Cả hai cháu khi học bậc Cao học đều có học bổng của nhà trường. Trưởng nam tốt nghiệp tại Harvard đã tiếp tục học thêm 18 năm bậc Cao học tại UCSD, hiện có vợ và 3 con, sinh sống tại San Diego. Thứ nam, sinh năm 1983, sau khi tốt nghiệp tại Yale và đã đi làm 3 năm nhưng cháu lại tiếp tục học thêm 7 năm Cao học tai Đại học Texas ở Austin. Cháu dự tính lập gia đình vào tháng 9 năm 2015 tại Austin.
Nhân chuyện lập nghiệp của thế hệ người Việt tại hải ngoại, tôi liên tưởng tới cảnh Nam Tiến của dân Việt trong chuyện “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc :
“Bùn đen từng nơi lại trắng xóa những cánh hoa 5 cánh hai mầu đen trắng đối chọi nhau trông rất đẹp mắt. Bông trổ trên đầu rễ ăn lên gọi là rễ gió. Cây này là cây mắm. Cây mắm không dùng làm gì được hết. Bờ biển được phù sa bồi thêm cho rộng ra. Phù sa là đất bùn, mềm lún và không bao giờ trở nên đất thịt để ta hưởng nếu không có cây rừng mắm mọc trên đó để cho chắc đất. Khi cây mắm ngã rạp, giống tràm lại nối ngôi mắm. Ông với tía con là cây mắm, chân giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chân vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, ổi, cau”.
Tổ tiên của chúng ta sau bao năm lao động vất vả, phải chờ đợi đến thế hệ thứ tư thứ năm mới trở thành đất thịt được. Riêng các con của chúng ta đã trở thành các cây xoài, mít, ổi, cau cả rồi.
ĐỖ TRUNG
No comments:
Post a Comment