08 May 2010

Cấm thành nước Tàu


Bản di chúc của những bạo chúa

Chinas verbotene Stadt Das Vermächtnis des Despoten
(Lược thuật phim tài liệu từ đài truyền hình Đức quốc)

Nguyễn Văn Nhiệm, Đức Quốc

Lịch sử Cấm thành bắt đầu bằng sự tranh chấp cướp ngôi vua đẫm máu. Hoàng tử Chu Đệ ( Zhudi ) là con thứ tư không được truyền ngôi của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, dấy binh cướp ngôi vua của cháu mình rồi lên ngôi vào năm 1402, xưng là Vĩnh Lạc (Yongle), có nghĩa là Niềm vui vĩnh cửu (immerwährende Freude).

Vĩnh Lạc là người đa mưu, túc trí. Lúc mới lên chín tuổi mà Hoàng tử trẻ đã một mình, không cần người tùy tùng, có thể tự mưu sinh đươc trong rừng núi thâm sâu, hẻo lánh. Với bản chất tàn bạo, cho nên vừa lên ngôi, Vĩnh Lạc ra lệnh giết hết tất cả triều thần cũ để trừ hậu hoạn, tuy nhiên lúc nào cũng bị ám ảnh chuyện oán thù, ăn không ngon, ngủ không yên, đêm ngủ phải thủ kiếm bên người. Trong khi đó, Vĩnh Lạc lại trọng dụng đám Thái giám vì họ dã có công làm nội ứng trong cuộc tranh chấp cướp ngôi vua, mà trong đó có Nguyễn An (Ruan An), một tù binh Việt Nam (Vietnamesischer Kriegsgefangene), có thể do Trương Phụ bắt đem về Tầu từ đời nhà Hồ.

Vĩnh Lạc dời đô về Bắc Kinh và cho xây dựng cung diện vĩ đại ở đó gọi là Cấm thành. Công trình kiến trúc qui mô này đươc giao cho Nguyễn An chịu trách nhiệm phác họa sơ đồ, cũng như đôn đốc nhân công.

Trong phim tài liệu này có kể một huyền thoại khá lý thú bất ngờ về lai lịch của bốn ngôi tháp ở góc thành như sau: Vĩnh Lạc đã bác bỏ nhiều kiểu họa đồ về bốn tháp ở góc thành, mà Nguyễn An được giao nhiệm vụ phác thảo. Lần này, Vĩnh Lạc cũng không vừa ý, đập bàn quát: "Nhà ngươi lại một lần nữa làm ta thất vọng. Cho đến ngày mai, nếu không trình được kiểu vẽ tốt, nhà ngươi sẽ mất đầu".

Nguyễn An cố gắng phác họa kiểu vẽ mới, nhưng bất thành. Đang lo âu, buồn bã, Nguyễn An bỗng nghe tiếng dế kêu. Cũng như hầu hết những người ở trong triều đình đều có nuôi dế, mượn tiếng dế làm vui như nghe một thứ âm nhạc thiên nhiên, Nguyễn An cũng có nuôi dế trong một cái lồng tuyệt đẹp. Trong cảnh ngộ này, tiếng dế làm sao có thể làm vui con người được!

Nguyễn An cầm cái lồng dế lên, nhìn con dế thân yêu, buồn bã nói: "Ta không còn sống được bao lâu nữa, nhưng ta làm cho mi cái lồng lớn hơn để mi thoải mái". Thấy những dấu vết của con dế để lại trên cát trong lồng, và theo hình vẽ của con côn trùng này, Nguyễn An phác họa cái lồng đã hứa. Sáng sớm hôm sau, Vĩnh Lạc đi vào phòng làm việc của Nguyễn An. Trong khi người Hoạn quan này vẫn còn gục trên bàn, ngủ mê vì quá mỏi mệt, Vĩnh Lạc xem họa đồ mới, gật gù hài lòng. Khi Nguyễn An giật mình thức giấc, thấy sự hiện diện của Minh đế, hoảng hốt sụp lạy, tung hô: "Thánh hoàng vạn tuế!" Vĩnh Lạc phán: "Rất đẹp! Nhà ngươi được khen thưởng".

Như vậy họa đồ về bốn tháp ở góc thành là do sự tình cờ, còn ngoài ra đều có tính toán dựa trên vũ trụ quan hẳn hòi. Sau thời gian xây dựng chỉ ba năm, Cấm thành hoàn tất vào năm 1420. Đó là một bản sao trật tự vũ trụ, mà theo hình dung của người Á đông thì Trời tròn, Đất vuông. Cung điện của Hoàng đế ở ngay tại trung tâm vũ trụ, nơi lễ nghi có tính cách huyền thoại, tại đó Trời và Đất giao tiếp nhau. Như vậy, Vĩnh Lạc là Thiên tử ( con Trời ) thay mặt Thiên hạ, tức là nhân dân để tế lễ Trời Đất.

Công trình kiến trúc vĩ đại này được xây dựng trên một diện tích đất 720.000 mét vuông, với diện tích xây cất 150.000 mét vuông, có 890 cung điện với vô số nhà tạ ( Pavillons ), với 9999,5 phòng. Theo huyền thoại, Trời có 10.000 phòng, như vậy con Trời hài lòng với con số 9999,5 phòng. Bức tường thành cao 10 mét, dài 3428 mét có hào nước bao quanh. Theo mỗi phương hướng về Trời đều có cổng và ở bốn góc thành có tháp. Lối vào chánh là Ngọ môn quan ( Mittagstor )…

Vài con số chi dụng cho công trình kiến trúc vĩ đại này: 1.000.000 nô lệ, hơn 100.000 thợ mỹ thuật, thủ công. Với con số như vậy, công trình mới có thể hoàn thành vào năm 1420. Trong quá trình xây dựng, có những phiến đá bề mặt hơn 50 mét vuông, dầy hơn 1,5 mét. 20.000 công nhân chuyển vận phiến đá nặng 250 tấn vào mùa đông đi xa 50 kilomét trên nền nước đá, họ cần cho việc đó 28 ngày.

Vì công trình xây dựng Cấm thành quá tốn kém, khổ dân như vậy nên trong phần 2 của phim có một một triều thần cao cấp can gián Vĩnh Lạc, đại ý như sau: - Ruộng đồng bị bỏ hoang, dân chúng đói khổ, nhiều người bán vợ, đợ con, nay đề nghị hãy cho dân về cày cấy, làm ăn; nhà vua hãy về Nam Kinh viếng mộ vua cha, cầu nguyện thì may ra tránh được đại họa. Vĩnh Lạc tức giận, hạ lệnh tống giam.

Nhận định : Về chủ quan: Mục đích của công trình kiến trúc đồ sộ này là để chứng minh quyền lực của đế chế Minh triều, đánh tan mọi hoài nghi về tính cách hợp pháp ( pháp lý ), tính cách chính vì vương của Vĩnh Lạc. Hoàng đế là Thiên tử ngự tại trung tâm Thế giới, thay Trời hành đạo, trị vì Thiên hạ , bao gồm chư hầu, nghĩa là ôm mộng đế quốc làm bá chủ toàn cầu. Về khách quan: Do tính tàn bạo, coi thường sinh mạng dân, Vĩnh Lạc dù có tế lễ Trời Đất cũng không bao giờ được lòng Trời, vì đã trái với lòng dân, cho nên không tránh được đại họa như lời tiên tri của vị đại thần.

Thực vậy, chỉ vài năm sau khi hoàn thành công trình xây dựng Cấm thành, một hôm mưa bão, sấm sét đánh cháy ba chánh điện ở trung tâm, người bình dân nói đó là Trời đánh, có nghĩa là Trời phạt, Trời cảnh cáo. Cái chủ quan phô trương bề mặt, ý chí quyền lực, thanh thế của bạo chúa, còn cái khách quan ở đây vạch trần bề trái của vấn đề. Cảnh thiến sống con người trong phim khiến người xem ở thời đại văn minh này phải ngỡ ngàng về truyền thống coi thường nhân phẩm, nhân quyền của xứ này. Thật không thể tưởng tượng, con người bị tuyệt đường sống, phải tự nguyện được thiến, từ chối hết mọi ý nghĩa của cuộc đời để được suốt đời làm nô lệ cho bạo chúa.

Đã từ lâu sự thật lịch sử bị xuyên tạc, người cho rằng Hoàng thành Huế chỉ là mô phỏng thu nhỏ của Cấm thành Bắc kinh, ngụ ý nói VN cái gì cũng bắt chước Tàu.

Nói như vậy là sai lầm, bởi vì qua phim tài liệu lịch sử giá trị này của Âu Mỹ thực hiện, người ta đã thấy rõ đâu là sự thật. Một điều còn quan trọng hơn nữa có tính cách rộng lớn bao trùm là Nho giáo. Từ trước tới giờ ai cũng tưởng Nho giáo là của Tàu, sách sử Việt cũng ghi Sĩ Nhiếp đem Nho khai hóa dân Việt. Nhưng triết gia giáo sư Kim Định đã chứng minh rằng Nho nguyên thủy là của Việt tộc tức Việt Nho thuộc nền văn minh nông nghiệp phương Nam, trọng văn hóa, còn Hoa tộc ở phương Bắc thuộc văn minh du mục, chủ trương vũ lực xâm chiếm đất người, rồi nhân đó cũng chiếm luôn văn hóa của họ (Việt tộc) mạo nhận là của mình.

Để xóa bỏ dấu tích của việc mạo nhận này, đế quốc phong kiến phương Bắc chủ trương thủ tiêu tận gốc văn hóa Việt mà quan trọng nhất là không để cho người Việt có chữ viết riêng làm phương tiện duy trì và phát huy văn hóa của mình. Câu nói sau đây của Hán Cao Tổ chứng minh rõ ràng ý đồ của Hoa tộc du mục trong việc vận dụng tiếp thâu, chuyển hóa nguyên Nho tức Việt Nho trở thành Hán Nho: "Mình có thể ngồi trên ngựa mà lấy được thiên hạ (truyền thống du mục võ biền), nhưng không thể ngồi trên mình ngựa mà trị thiên hạ được". Như vậy Nho giáo truyền sang Việt Nam là Hán Nho rồi đến Tống Nho có tính cách độc đoán, độc tôn, khác hẳn với phẩm chất nguyên thủy của Việt Nho.

Ngay cả kinh Dịch cũng của Việt tộc mà Tổ tiên đã khéo léo để lại di chúc xác nhận chủ quyền cho con cháu qua các chuyện kể huyền thoại truyền khẩu như truyện Hồng Bàng Thị tức truyện kể về Âu Cơ – Lạc Long Quân (nguyên lý âm dương tức Lưỡng nghi trong đồ Thái cực) sanh ra cái bọc 100 trứng (biểu tượng Bách Việt). Truyện bánh dày bánh chưng diễn tả lý thuyết "thiên viên địa phương" và "tham thiên lưỡng địa" là nói đến con số 5 tức tổng hợp của dương căn 3 và âm căn 2 (3+2 = 5), và trong dân gian có lời chúc tụng "mẹ tròn con vuông".

Trong truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu, Trọng Thủy đánh tráo móng rùa thần, đó là hành động ăn cắp. Rùa thần là biểu tượng của kinh Dịch, tương truyền vua Đại Vũ sau khi trị thủy thấy rùa thần hiện lên ở sông Lạc trên lưng có đồ hình bằng những vạch mang ý nghĩa Dịch lý. Thân rùa hình tròn chỉ thiên viên, còn bốn chân chỉ địa phương. Nói chung thì hầu hết những truyện truyền khẩu huyền thoại Việt Nam cũng như những di vật ẩn giấu dưới đất như trống đồng Ngọc Lũ đều mang màu sắc triết lý dưới góc độ Minh triết, trong đó con người trở nên cao cả, là thành viên của hệ thống Tam tài: Thiên-Địa-Nhân, từ cái Tâm cá nhân thăng hoa, siêu việt lên hòa nhập vào Tâm vũ trụ đại đồng.

Đó thật là tất cả cái lý thuyết nhân bản tâm linh đáng quý biết bao, mà Tổ tiên đã ưu ái để lại di chúc bằng những bí ngữ, những ẩn tượng, cho nên muốn đọc ra được bí ngữ, ẩn tượng đó, con cháu phải tu tâm, dưỡng tính, rèn luyện cho mình có cái căn bản tâm linh tương ứng thì lúc đó theo luật "đồng thanh tương ứng " nội dung di chúc mới hiện rõ lên được. Khả năng siêu việt đó mọi người đều có, đó là nguồn năng lượng vô biên của con người như suối nguồn vô tận sẽ trào vọt lên theo quy luật lượng phẩm. Những ai đã phát huy trọn vẹn được Việt tính, có được tâm bình đẳng, không phải chỉ bằng lòng với sự trở về nguồn, nhập vào dòng sông Minh triết của Tổ tiên để có kinh nghiệm an vi, thái hòa cho riêng mình, mà phải quãng diễn, minh giải Minh triết ấy thành Triết lý trong sáng cho đại chúng, cho dân tộc và nhân loại. Triết lý ấy không phải là triết lý duy lý, biết để mà biết, mà là Triết lý nhân sinh có lợi ích thiết thực cho nhân quần xã hội, triết lý nhân bản tâm linh nâng cao phẩm giá con người. Có nhiều dấu hiệu cho thấy dự phóng đó trở thành hiện thực, trong thực tế đã có những người Việt ưu tú chẳng những đọc rõ được bản di chúc trên mặt trống đồng mà còn phát huy, khai triển thành môn quỹ đạo học nỗi tiếng, đưa con người vào thám hiểm không gian như giáo sư tiến sỹ Nguyễn Xuân Vinh chẳng hạn. Rồi đến tinh thần Phù Đỗng, sức mạnh nõ thần, hiệu năng của gậy thần, sách ước...cũng đều có thể trở thành hiện thực để bảo vệ hữu hiệu độc lập, tự chủ, hòa bình cho Tổ quốc và nâng cao dân sinh theo ý nghĩa toàn vẹn cả vật chất lẫn tinh thần trong sự cân đối, hài hòa.

Khi sự thật lịch sử đã rõ ràng, mọi người Việt Nam mới có đủ cơ sở để tự hào về đất nước có bốn ngàn năm văn hiến của mình và tin tưởng ở một tương lai sáng lạn.

Nguyễn Văn Nhiệm
( Viết lại ngày 30-06-2009 )
__________________________________________________________

Diễn Đàn: Tàu Cộng vẫn coi Cấm Thành như là một kỳ quan kiên trúc của Tàu nhưng không bao giờ nhắc nhỡ đến vị kiến trúc sư Việt Nam tài ba đã có công xây dựng khu Cấm Thành. Đó là một tù binh người Việt Nam tên là Nguyễn An (Ruan An), có lẽ đã bị bắt về Tàu bỡi Trương Phụ vào thời vua Hồ Quí Ly.

http://www.take2tango.com/?display=6243

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...