29 February 2024

Sang Năm Quay Lại ! cười tí tỉnh

(Theo như người thuật lại: Mẩu truyện dưới đây là việc có thật)

Vừa nghe gọi đến tên, hai vợ chồng trẻ tranh nhau lao lên đứng trước mặt bà Thẩm phán, bà ngó nhìn chúng có vẻ hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, không hiểu tại sao mới có một đứa con mà đã đòi ly hôn.

Bà Thẩm phán nói: – Tôi đã đọc qua đơn xin ly hôn của chị rồi, nay anh chị trình bày lại xem sao?.
Hai đứa lại tranh nhau nói, giọng bà Thẩm phán cắt ngang:
– Từ từ, chị trình bày trước, bà Thẩm phán chỉ vào cô gái.|
– Thưa bà, cháu không thể sống được với nó, chả nghề ngỗng gì lại rượu chè, lô đề cờ bạc, cháu làm lương công nhân, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ nuôi con, thế mà nó lại còn vác cả đồ nhà đi bán, rặt ăn bám…

Anh con trai nghe thế cướp lời:
– Tao ăn bám là của cha mẹ tao, chứ tao không ăn bám gì của mày nhé!.|
Bà Thẩm phán hỏi anh con trai:
– Thế chẳng nhẽ anh ăn bám của ông bà già anh đến lúc chết à!
Anh con trai câm tịt. Chả là nhà con một, được cưng chiều từ nhỏ quen rồi nên ông bà đành nuôi thằng con báo cô.

Sau một hồi hai bên lời qua tiếng lại, bà Thẩm phán hỏi:
– Hai đứa vẫn quyết tâm ly hôn à,
Cô gái khẳng định: Dạ cháu quyết từ lâu rồi bà ạ.
Bà Thẩm phán quay sang anh con trai hỏi, thế còn anh?.
Anh con trai phát khùng lên:
– Cháu sợ gì nó chứ! Ly thì ly, đây chả cần đâu nhé!

Bà Thẩm phán lại hỏi:
– Thế còn con cái giờ thì tính sao?.
Cô gái nghe thế liền cướp lời:
– Cháu nuôi con. Nó trên răng dưới dế, nuôi được ai, chắc lại tống cho ông bà nội thôi.

Anh con trai lại gân cố lên nói:
– Tao làm thế nào thì mặc tao, con tao thì do tao nuôi.
Bà Thẩm phán phì cười:
– Ơ hay, sao hai đứa lại cãi nhau ở đây?.
Anh con trai lại cãi lý:
– Cháu mặc kệ, phải chia cho đồng đều.

Bà Thẩm phán thầm nghỉ:
– Hai đứa nhũng nhẵng như chó con chắc cãi nhau suốt ngày, được cái nết chung là đều quý con. Bà Thẩm phán bí rị, chưa có giải pháp nào cho tình huống này.

Bỗng cô gái quay sang quát chồng:
– Đi về, sang năm quay lại.
Bà Thẩm phán nghe thế ngơ ngác hỏi:
– Thế này là thế nào? Sao lại sang năm quay lại?
Cô gái với nét mặt hầm hầm nói:
– Đi về đẻ thêm một đứa nữa, để sang năm ra Tòa cho dễ chia…

Nguồn: https://qghc.wordpress.com/2024/02/24/sang-nam-tro-lai/
(Nguyễn Đồng D. sưu tầm)

28 February 2024

Kinh Chiều, thơ


Người Bạn Trung Thành

Người xưa thường nói : "Con không chê cha mẹ khó, chó không bỏ chủ nghèo"...

Nơi góc chợ của một thị trấn nhỏ miền biên giới gần đây người ta bỗng thấy xuất hiện một người hành khất tiều tụy, rách rưới bên một con chó xơ xác.

Người ăn xin sống lay lắt qua ngày với những của bố thí. Chẳng ai biết lão từ đâu tới, cũng không ai hiểu vì sao lão lại ra nông nỗi này ?...

Rồi người ta bàn tán : 

    - Tại sao lão lại không vất quách con chó đi cho rảnh, thân lão còn không lo nổi huống chi lại có thêm một con vật.

Ngày lại qua ngày, người ta cũng quen với hình ảnh một người một chó nơi góc chợ bẩn thỉu. Kẻ qua đường mỗi khi rủ lòng vứt cho những đồng tiền lẻ. Mỗi lần như thế con chó lại tỏ ra nhanh nhẹn chạy ra gặm lấy đồng tiền đem về cho chủ. Còn có người chỉ vì tò mò ném ra một mẩu bánh mỳ, nó cũng trân trọng dùng cái mõm gặm đưa lại. Còn người xin ăn thong thả bẻ đôi mẩu bánh đưa cho nó một nửa. Cứ như thế một người một vật sống lần nữa qua ngày…

Rồi một hôm, có ông thợ dệt thổ cẩm dừng lại chăm chú nhìn con chó, có vẻ thích thú bèn lên tiếng :

    - Này ông lão, ông bán cho tôi con chó này nhá.

Nói xong người thợ rút ra 30 đồng và tự cho rằng: mình cũng đã làm một việc tốt không kém ai.

Ông già ngước đôi mắt đục về phía người thợ nói đứt đoạn :

    - Ta cũng không còn sống được bao lâu nữa, anh hãy đem nó về mà nuôi ! 

Ông nhẹ nhàng với tay vuốt lên đầu con chó giọng chua xót : 

    - Nó là con vật có nghĩa, có tình.

Người thợ tìm được sợi dây mang đến. Tay ông già run run luồn dây quanh cổ con chó, nó bỗng hạ thấp hai chân trước như thể cầu cứu van xin. Ông vỗ nhẹ :

    - Không hề gì đâu, anh bạn nhỏ ạ ! Ta vẫn còn có mọi người đấy thôi. 

Xong rồi ông đẩy nó về phía người thợ dứt tình : 

    - Thôi ngoan nào !.

Con chó cong lưng cưỡng lại, ông phải ôm nó vào lòng cất giọng rưng rưng :

    - Ta không thể sống cùng con được bao lâu nữa đâu, hãy đi đi…

Khó khăn lắm người thợ cũng đem được con chó về…

Hai ngày sau, người ta lại thấy người thợ đem con chó đến với ông già khốn khổ. Nó bây giờ có vẻ bảnh chọe, bóng mượt, dưới cổ còn thắt chiếc nơ làm dáng. Người thợ nói với ông lão cùng với mọi người xung quanh :

    - Tôi xin trả lại con chó này cho ông vì suốt hai ngày nay nó không chịu ăn uống gì cả mặc dù nhà tôi không thiếu, có lẽ nó nhớ ông !? 

Rồi anh ta thừa nhận : 

    - Đúng là một con chó trung nghĩa.

Người thợ vừa lỏng tay, con chó phóng ra nhào vào lòng người ăn xin, nồng nhiệt liếm lên đôi bàn tay lạnh giá với cái đuôi mừng rỡ khôn cùng. Ông già vuốt ve nó như đã từ lâu không gặp đồng thời rút mấy đồng bạc trả lại cho người thợ. Người thợ xua tay :

    - Thôi, thôi coi như tôi tặng ông và cũng như tôi đã mua rồi, nếu không làm sao tôi biết được một con chó tốt đến thế ! 

Anh kết thúc : 

    - Coi như ta đã sòng phẳng với nhau rồi nhá…

Mùa đông tới, khắp vùng biên giới gió rít từng cơn, lá vàng cuộn thành đống nơi góc chợ.

Buổi sáng ngày đó người ta không còn thấy hình ảnh quen thuộc. Con chó nằm phủ phục bên đống chăn cũ nát. Người ăn xin đã chết đêm hôm qua. Thảo nào người đi chợ sớm nghe thấy tiếng con chó tru lên từng hồi, rợn cả người.

Nhà chức trách thị trấn cho người đến giải quyết sự việc với cái xác vô chủ. Lục tìm trong ông họ không thấy có thứ gì ngoài một tấm thẻ có từ thời Pháp bị cháy sém chỉ còn rõ con số 1938…và 30 đồng.

Con chó ngồi đó im lặng nhìn người ta ghép vội mấy miếng gỗ tạp làm một cái gọi là quan tài. Xong xuôi họ khiêng cái xác lạnh ngắt ép xuống. Chiếc quan tài được buộc vào giữa hai cây gỗ như một cái thang, hai đầu thang quét xuống đất.

Con bò già lững thững kéo chiếc xe quẹt đi, ngay lập tức con chó vùng dậy theo sau. Nhìn đám ma người xấu số và thấy hành động của một con chó bất giác có một nhúm người đi theo sau đưa đám

**

Một đám ma không có tiếng khóc, đằng sau chiếc quan tài là một con chó xám, sau nữa là một nhúm người im lặng.

Những con người đi sau như mắc nợ với người nằm trong quan tài, món nợ thật dễ trả nhưng không bao giờ họ làm được.

Bên nấm mồ vô chủ mấy ngày sau người ta vẫn thấy con chó nằm phủ phục bất động, đầu ghếch lên nấm đất mới. Bên cạnh nấm mồ, con chó cũng kịp bới một ô trũng hình lòng chảo. Hai ngày sau nó chết dưới vũng đất ấy.

Đám đất bên vệ đường cứ to lên mãi. Người qua đường, kẻ đi chợ không ai bảo ai, người hòn đất, người hòn gạch, hòn đá ven đường ! Người đời trả nợ cho ông. Và người ta lan truyền rằng : Đắp một nắm đất lên đó thì làm việc gì cũng gặp may mắn. Không biết ai đã đặt tên cho là : "Đất Nghĩa"

Một ngày nào đó, người bạn tốt nhất của ta cũng có thể bỏ mặc ta trong cơn hoạn nạn. Con cái ta dầy công nuôi nấng chăm chút cũng sẽ trở thành kẻ vong ơn bội nghĩa. Con người lâu nay ta gửi gắm nâng đỡ thành sự nghiệp cũng sẽ thơ ơ lạnh nhạt khi ta thất thế. Sự nghiệp của ta một ngày nào đó cũng có thể trở thành mây khói, ta thành một kẻ cô đơn không còn ai cậy nhờ chia sẻ.

Nhưng đối với con chó thì Không ! Cho dù ta có vinh quang, sống trong giầu sang phú quí hay ta trở thành một kẻ khốn khổ, nó vẫn là người bạn gần gũi nhất, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi mà cùng ta đi tới tận cùng trời cuối đất. Khi trở về dù trắng tay nó vẫn nồng nàn liếm lên bàn tay ta nóng hổi. Trên đời này có người bạn nào tốt và trung thành hơn thế ?

(N. Nguyễn sưu tầm)

25 February 2024

Ngô Minh Sơn ĐS14 không còn nữa


Để suy gẫm

 Có đâu tôi lại hối hận vì đã yêu

Je ne pourrais me repentir d'avoir aimé

(Graham Greene).

23 February 2024

Xã Hội Sa Đoạ

TTR: Tập Hồi Ký có bài trích dưới đây, xuất bản tại California năm 1990, nhưng tác giả viết ra có thể sớm hơn nhiều. Những suy nghĩ của ông về cuộc sống trong xã hội Việt Nam - thời kỳ đổi mới, thập niên 80 - đã được diễn tả thấu đáo nhưng súc tích. Đọc là thấy, rõ ràng, thẳng thắn, không kiêng nể, không úp mở rào đón. Những nhà văn uy dũng như ông dưới chế dộ cộng sản không có bao nhiêu, đáng buồn. Còn buồn hơn nữa là thảm trạng mà ông viết ra từ trong lòng chế độ đến nay sau gần 50 năm, vẫn nguyên vẹn, nhiều khi mức tệ hại còn tăng lên gấp trăm lần, nghìn lần. Mức tham nhũng xưa kia tính theo cây vàng, nghìn đô-la nay có thể là trăm cây vàng, từng triệu đô-la. Không cần dẫn chứng, cứ theo dõi tin tức luồng chính trong nước cũng đã đủ.

Cây cỏ cộng sản đã được gieo trồng chung quanh hang Pắc-bó hơn nửa thế kỷ trước đã lan tràn bao phủ khắp đất nước. Còn hy vọng nào chăng?

**

 Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Hồi ký Nguyễn Hiến Lê do Nxb Văn Nghệ in lần đầu ở California năm 1990 là bản nguyên do gia đình cố học giả gửi sang. Sau đó với cao trào “Đổi Mới”, trong nước lần lượt tái bản các sách cũ của Nguyễn Hiến Lê và cả hồi ký. Tuy nhiên bản in của Nxb Hồng Đức, Nxb Văn Hoá-Thông Tin và Nxb Văn Học là bản bị kiểm duyệt. Nhiều chương hồi ký bị cắt bỏ như chương Xã Hội Sa Đọa.

Đặc biệt, chính tay Nguyễn Hiến Lê viết “hồi kí” chứ không viết “hồi ký” như cách viết thông thường ở miền Nam. Với đa số dân Nam, cách viết này là cách viết sau 75 của miền Bắc. Tại California, Nxb Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết đã tôn trọng lối viết ấy của tác giả. Ngược lại, trên các bìa sách của Nhà Hồng Đức hay Nxb Văn Học ở phường Trúc Bạch quận Ba Đình thì ghi “Hồi ký”. 

[Trần Vũ]

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm

Tham nhũng

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu … Cái tệ đó còn lớn hơn tất cả các thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ty uống mỗi ngày một ve Whisky (tôi không biết giá mấy trăm đồng), hút 2, 3 ba gói thuốc thơm 555 (30 đồng một gói). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một ly cà phê sữa 4 đồng, sáng nào như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

Ăn cắp

Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công (Kho một trung tâm điện lực nọ cứ 4, 5 tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước…), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng để vượt biên, có khi lại tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy v.v.  Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, công an làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Con người mất nhân phẩm

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa.

Gởi họ mang ra giùm một cuốn sách tặng một người ở Hà Nội, họ giữ lại 5-6 tháng, vợ chồng con cái, bạn bè coi cho hết lượt, sách nhàu rồi, họ mới đem lại cho người nhận sách; có khi họ lấy luôn, nhắc họ, họ bảo thất lạc, để kiếm. Mà 3 người nhận được sách thì chỉ có một người cảm ơn tôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi đưa họ, họ đăng, nhưng ký tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Thời Pháp thuộc, không bao giờ nhân viên bưu chính ăn cắp đồ trong các bưu kiện. Thời Nguyễn Văn Thiệu thỉnh thoảng có một vụ ăn cắp nhưng nhỏ thôi. Từ 4 năm nay ở khắp miền Nam, cứ 10 bưu kiện ở ngoại quốc gởi về thì có 6-7 bưu kiện bị ăn cắp hoặc đánh tráo vài ba món, thường là dược liệu và vải. Kêu nài thì nhân viên bưu chính bảo: “Không nhận thì thôi; có muốn khiếu nại thì cứ làm đơn đi”. Không ai buồn khiếu nại cả vì cả năm chưa có kết quả, mà nếu có thì số bồi thường không bõ. Cho nên chúng tha hồ ăn cắp, ăn cướp một cách trắng trợn. Trắng trợn nhất là chúng lấy trộm tất cả bưu kiện trong một kho, như ở Long Xuyên năm 1981; nếu là kho lớn thì chúng đốt kho như ở Tân Sơn Nhất 2 năm trước.

Nhơ nhớp nhất là vụ một cán bộ nọ vào hàng phó giám đốc, mưu mô với vợ, làm bộ tổ chức vượt biên cho vợ chồng con cái một đứa cháu ruột, bác sĩ ở Sài Gòn, nhận mấy chục lượng vàng của cháu (và 60 lượng vàng của gia đình bên vợ đứa cháu đó nữa vì họ cũng muốn vượt biên), rồi lừa gạt người ta, tố cáo với công an bắt hết cả nhóm trên 10 người khi họ ra Vũng Tàu chờ ghe đưa ra khơi. Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hóa rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Bản in bị kiểm duyệt trong nước
của Nxb Hồng Đức

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc chỉ  điểm đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó.

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Để cho bác sĩ ngụy đủ sống mà khỏi vượt biên, chính phủ năm 1980 cho phép họ ngoài giờ làm việc được khám thêm bệnh ở nhà và định cho họ số tiền thù lao là 1 đồng ở Sài Gòn, 0.8 đồng ở tỉnh (5). Nhưng ở Long Xuyên bác sĩ nào cũng thu của bệnh nhân 10 đồng. Có kẻ ra một cái toa cần 9 thứ thuốc toàn thứ đắt tiền, trị đủ các bệnh: tim, phổi, gan, thận, bao tử… cho một bà lão suy nhược, rồi bảo lại mua của một tên buôn lậu đồng lõa với họ. Tính ra toa đó mua cho đủ thì mất cả triệu đồng cũ (2,000 đồng mới). Một số bác sĩ không làm tiền cách đó, không ra toa mà bắt bệnh nhân mỗi ngày lại để các ông ấy cho thuốc và chích cho, và phải trả các ông ấy từ 60 đồng đến 100 đồng mỗi lần. Năm 1981, tiền thù lao từ 10 đồng đã hạ xuống còn 5 đồng, có lẽ vì bác sĩ làm riêng khá đông, cạnh tranh nhau. Và tháng 7-1981 có lệnh không cho bác sĩ công làm tư tại nhà nữa, mà muốn làm tư thì lại dưỡng đường làm ngoài giờ làm việc. Chưa thấy ai theo.

Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng săng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 thước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì săng mới được ghép lại kỹ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống, xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lý như vậy. Vì biết mình phi lý nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép cả giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp, có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đọa của con người, sự suy sụp của kinh tế. Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-75, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kỹ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc … cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham (tôi nói số đông), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai. Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là với nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?

NHL

Chương Kết Quả Sau 5 Năm, Hồi ký tập 3, NXB Văn Nghệ, California 1990

16 February 2024

Chiến tranh Ukraina: ‘một con hổ không thể no bằng một bữa ăn’

 Nam Sơn 

Đài Bắc tổ chức cuộc tuần hành
'Đài Loan sát cánh với Ukraina' (ảnh: CNA).

Nhân dịp năm mới, văn sĩ người Đài Loan – Nghê Quốc Vinh (倪国荣) đã viết bài xã luận bày tỏ lòng cảm ân đối với những gì quốc đảo xinh đẹp và hoà ái này đang đạt được, đồng thời rút ra bài học từ cuộc chiến ở Ukraina, rằng “một con hổ không thể no bằng một bữa ăn”. Vì vậy cách tốt nhất để tránh chiến tranh là chuẩn bị cho chiến tranh, Đài Loan cần sẵn sàng và đây là cũng một bài học cho các nước đang trong “tầm ngắm” của Bắc Kinh.

Ở Đài Loan, người dân được tận hưởng cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc trong hòa bình, nền kinh tế tiếp tục phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh đạt được thành công. Trong lúc người Đài Loan đón mừng một năm mới an lành, cũng cần nhận thức rằng đây là hòa bình trong bối cảnh quốc tế đầy khó khăn. Người Đài Loan luôn chuẩn bị sẵn sàng, và nhờ sự hỗ trợ của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, Đài Loan đổi lại được sự an toàn. Tuy nhiên, nếu chính phủ hoặc quốc hội Đài Loan tạo ra một tình huống tương tự với Neville Chamberlain (Cựu Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland), người đã thi hành chính sách “cung cấp thịt cho hổ”, thì đó không phải là một cách tiếp cận bền vững và thực sự sẽ là một thảm kịch rất khủng khiếp khi giả vờ hòa bình và phản bội Đài Loan.

Bước vào một Tết Nguyên Đán 2024 an toàn, ngoài việc cố gắng hết sức đề phòng thiên tai, người Đài Loan còn phải chuẩn bị cho những thảm họa do con người gây ra như chiến tranh do các nhà độc tài phát động, điều này có thể làm giảm đi những ảo tưởng và niềm tin của kẻ độc tài, rằng mọi thứ anh ta muốn đều phải thuộc về anh ta. Ví dụ, trong cuộc chiến Ukraina, quân đội Nga đã chịu thương vong hơn 380.000 người trong hai năm qua và ước tính con số này sẽ vượt quá 500.000 vào cuối năm nay. Sẽ rất không khôn ngoan khi biến một cuộc chiến thành một cuộc chiến tiêu hao, tác giả Nghê Quốc Vinh e rằng ông Putin đã không hiểu rõ hơn về sự trỗi dậy của các loại vũ khí chiến tranh hiện đại như máy bay không người lái và tàu không người lái. Và ông đã lầm tưởng rằng chỉ cần sử dụng sức mạnh hải quân và quân đội lớn, trong một hoặc hai tuần, ông ấy có thể chiếm đóng Ukraina. Nhưng không ngờ rằng cuộc chiến trở nên khó lường, Ukraina chưa thắng, và ông cũng chưa thắng được.

Gần đây, có một tin vui kép dành cho Ukraina, thứ nhất là Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp viện trợ cho Ukraina, vượt qua khoản viện trợ 50 tỷ euro, khiến Ukraina vốn đang thiếu viện trợ của Mỹ rất vui mừng và hy vọng. Thứ hai, quân đội Ukraina đã tiến công mạnh mẽ trên Biển Đen, tấn công một số tàu hộ vệ phòng thủ tên lửa của Nga bằng một số tàu không người lái. Tàu chiến “Ivanovets” của Nga, trị giá khoảng 6-7 triệu đô la Mỹ, đã gặp phải tai họa, với thiệt hại về binh sĩ vẫn chưa được xác định. Đội tàu Biển Đen của Nga thất thoát ngày càng nhiều và Ukraina đã giành lại khả năng điều hướng tàu chở hàng trên Biển Đen.

Tác giả người Đài Loan nói: “Chúng ta ăn mừng năm mới, còn họ thì hy sinh. Có thể nói rằng đây là vấn đề của châu Âu, nhưng tại sao Mỹ lại cứ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự? Ukraina không phải là một thành viên của NATO, liệu có thể bị bỏ rơi không? Chúng ta đều biết rằng trong Thế chiến II, cựu Thủ tướng Anh Chamberlain đã hi sinh chủ quyền của Czechoslovakia để đổi lấy một tờ giấy từ Hiệp định Munich, và trong sự hân hoan của niềm vui, ông không biết dạ dày của con hổ đói sẽ không thể được đầy chỉ sau một bữa ăn. Một năm sau đó, quân đội Đức bắt đầu xâm chiếm Ba Lan và Anh buộc phải tuyên chiến. Tất cả những nỗ lực trước đó trở thành công cốc. Ông Chamberlain bị xỉ nhục nhưng không từ chức, ông Winston Churchill tiếp nối và tiến hành cuộc chiến khốc liệt toàn diện. Hoa Kỳ không đồng ý tham chiến ngay lập tức do chủ nghĩa biệt lập do điều kiện quốc gia, dù tham chiến muộn hơn nhưng cái giá phải trả cho toàn bộ Thế chiến thứ hai là hơn 40 triệu người chết.

Kết quả của việc cho “hổ” một bữa ăn no, là nó sẽ muốn ăn thêm bữa tiếp theo. Do đó, cách tốt nhất để tránh chiến tranh là sẵn sàng cho chiến tranh, không phải trốn tránh chiến tranh, vì nếu chỉ trốn tránh mà không sẵn sàng, cuối cùng không còn cách nào để trốn tránh và tổn thất sẽ càng lớn gấp đôi.

Khi châu Âu không muốn nuôi “con hổ” Putin, khi viện trợ từ Mỹ bị ngăn chặn, và lo ngại về việc ông Donald Trump, người không ủng hộ Ukraina tái đắc cử, việc đồng ý quyên góp số tiền khổng lồ để giúp Ukraina, được kỳ vọng sẽ duy trì hòa bình, theo tác giả Nghê Quốc Vinh là một động thái hết sức khôn ngoan. Hy vọng rằng điều này sẽ giữ được hòa bình trong Liên minh châu Âu trong năm nay. Tương tự, liệu “con hổ” Trung Quốc có thỏa mãn khi đã “ăn” được Đài Loan? Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia dân chủ lớn đều mạnh mẽ phản đối điều này, và lịch sử Thế chiến II đã cho thấy rõ rằng không thể ký kết một hiệp định Munich hiện đại nữa, với việc hy sinh Đài Loan để thỏa mãn Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ yêu cầu quyền kiểm soát Biển Đông, mà còn tuyên bố quần đảo Senkaku của Nhật Bản là của mình. Nếu châu Á không thể cam kết phục tùng, Trung Quốc sẽ không hài lòng. Nếu Mỹ không rời khỏi châu Á, làm cho mình trở thành một quốc gia yếu hơn trên thế giới, làm thế nào để mơ ước áp bức trở thành hiện thực?

Khi châu Âu không muốn nuôi Putin, bị Mỹ chặn viện trợ và lo lắng về việc ông Trump thân Nga đắc cử , việc đồng ý quyên góp số tiền khổng lồ để giúp Ukraine được kỳ vọng sẽ duy trì hòa bình là một động thái hết sức khôn ngoan. tại EU năm nay. Tương tự, liệu hổ Trung Quốc có hài lòng khi ăn Đài Loan? Các nền dân chủ lớn như Mỹ, Nhật Bản kịch liệt phản đối, dù lịch sử Thế chiến thứ hai rõ ràng nhưng không thể ký Hiệp định Munich hiện đại, Trung Quốc sẽ luôn hài lòng nếu Đài Loan hy sinh. Biển Đông? Điếu Ngư Đài của Nhật Bản đã được tuyên bố trước đó, sẽ không hài lòng nếu toàn bộ châu Á không bị khuất phục, và nếu Hoa Kỳ thoát ra khỏi châu Á và trở thành một quốc gia yếu kém trên thế giới thì giấc mơ trở thành bá chủ của Trung Quốc có thể sẽ thực hiện được.

Nhưng chẳng phải Trung Quốc hiện đang rất chú ý đến cách thức diễn ra cuộc chiến Ukraina-Nga sao? Thực sự không thể tưởng tượng được rằng Ukraina có thể cầm cự cho đến nay chỉ bằng những trận chiến nhỏ, họ dũng cảm tấn công bằng những chiếc thuyền không người lái tiên tiến và lập được nhiều chiến công quân sự, đó cũng là điều mở mang tầm mắt cho ĐCSTQ và thế giới vốn chưa có kinh nghiệm chiến đấu với các thiết bị không người lái. Ngoài ra, châu Âu và Mỹ hỗ trợ chiến tranh chống tên lửa, công nghệ phòng thủ quốc gia đã khiến tên lửa và máy bay không người lái của Nga thiệt hại rất nhiều, giảm đáng kể thương vong Ukraina.

Tác giả Nghê Quốc Vinh kết luận: “Gần đây, Đài Loan đã kết thúc cuộc bầu cử tổng thống một cách hòa bình, kinh tế tiếp tục thịnh vượng, phòng chống dịch bệnh thành công, trong khi mọi người đang có một năm tốt đẹp, chúng ta phải biết rằng đây là hòa bình trong tình hình quốc tế khó khăn và nguy hiểm. Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng và được hỗ trợ từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản để đổi lấy sự an toàn. Nếu chính phủ Đài Loan hoặc Quốc hội đưa ra một người như Chamberlain ngày nay, với tư cách là người đưa thịt cho con hổ, đó không phải là một cách tiếp cận bền vững và thực sự là một bi kịch bán Đài Loan trong một ‘hòa bình giả’”.

Ông Nghe nói tiếp: “Chính phủ từ lâu đã ủng hộ Ukraina, điều này rất đúng, chính quyền của ông Lại Thanh Đức cũng nên làm như vậy”. Theo ông Nghê Quốc Vinh, Ukraina xứng đáng nhận được nhiều giải thưởng Nobel Hòa bình, vì nhờ cuộc chiến tranh khu vực giữa Ukraina và Nga, mới có thể xoa dịu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, nếu không, dưới sức mạnh của vũ khí hạt nhân hiện đại, nó sẽ còn tồi tệ hơn cả Thế chiến thứ hai. Ukraina, cảm ơn các bạn, những người Ukraina dũng cảm!

(Nguồn: aboluowang.com).

 Nam Sơn 

13 February 2024

235 năm Vua Quang Trung đại phá quân Thanh


 QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN THANH
(Emperor Quang Trung's Victory over Chinese Invaders in 1789)  
*
Oil on canvas, 24 x 48 in. (61 x 122cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**

Sử Việt
13/02/2024 Mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Thìn

Mùng 5 Tết  âm lịch:
kỷ niệm 235 năm (1789-2024) 
ngày vua Quang Trung đại phá quân Thanh xâm lược. 

Ảnh bên phải: Internet.
Tranh vẽ quân Thanh 
ồ ạt tiến vào nước ta

Tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho quân lính cướp bóc, đốt nhà, giết người rất tàn bạo. Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong là "An Nam quốc vương" , thực ra chỉ là vua bù nhìn. Hàng ngày, y tìm cách trả thù, báo oán rất tàn ngược. Người dân Thăng Long nói vói nhau: "Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa bao giờ thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn như vậy".
(Hoàng Lê nhất thống chí).

Đêm trừ tịch (30 tết), quân Tây Sơn xuất phát. Đạo quân do Quang Trung chỉ huy vượt sông Giao Thuỷ đánh đồn Gián Khẩu của quân cần vương nhà Lê. Quân Lê tan vỡ, Hoàng Phùng Tứ bỏ chạy.

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, quân Quang Trung thần tốc tiến lên bắt gọn đám quân Thanh do thám và tiêu diệt các đồn bắc sông Nguyệt Quyết và đồn Nhật Tảo (Duy Tiên). Do đạo quân Tây Sơn hành quân nhanh và các đám quân do thám bị bắt, quân Thanh từ Hà Hồi tới Thăng Long không biết gì về cử động của quân Tây Sơn.

 Dụ hàng đồn Hà Hồi, áp sát Ngọc Hồi

Ngày 3 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 20 km. Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng.

Ngày 4 tháng Giêng, Quang Trung tiến đến đồn Ngọc Hồi. Hứa Thế Hanh ở đây nghe tin đồn Hà Hồi bị diệt vội báo về Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị vội điều Thang Hùng Nghiệp mang quân ra tăng viện, lại đặc sai 20 kỵ binh phải thay nhau chạy đi chạy lại báo cáo tình hình.

Nhưng khi tiến quân tới Ngọc Hồi, Quang Trung không đánh ngay. Quân Thanh bị động cũng không dám giao tranh trước nhưng cũng không biết bị đánh khi nào. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân hư trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh và gây sự chú ý của quân Thanh tới đạo quân do ông chỉ huy vào mặt trận Ngọc Hồi để tạo điều kiện cho yếu tố bất ngờ của các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo. Chính Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của kỵ binh cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.

Diệt đồn Đống Đa

Khi Quang Trung diễu võ ngoài đồn Ngọc Hồi, đô đốc Long đang trên đường bắc tiến hướng đến Sơn Tây – nơi có đạo quân Vân Quý của Ô Đại Kinh – thì bất thần rẽ sang làng Nhân Mục nay thuộc xã Nhân Chính và Khương Đình và nửa đêm bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống.

Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên, các đội voi của Tây Sơn đều có đại bác trên lưng nã vào đồn. Quân Thanh bị đánh bất ngờ trong đêm tối, chết rất nhiều, tan vỡ bỏ chạy. Sầm Nghi Đống thấy không thể giữ được đồn bèn tự sát trên đài chỉ huy ở Loa Sơn (Khu vực phố chùa Bộc – Hà Nội hiện nay)[24].

Một số tài liệu mới mà giới nghiên cứu đưa ra gần đây lại cho thông tin khác về diễn biến trận diệt đồn Khương Thượng. Theo đó, khi quân Thanh bị diệt đáng kể, Sầm Nghi Đống bỏ chạy lên cố thủ tại đài chỉ huy ở Loa Sơn. Đô đốc Long chia quân làm 2: một cánh đánh sang Nam Đồng để tiến vào Thăng Long, một ít quân tiếp tục vây hãm Loa Sơn. Sầm Nghi Đống không tựvẫn ngay mà cố thủ trên đài chờ cứu viện của Tôn Sĩ Nghị, nhưng tới ngày hôm sau không có quân cứu, Sầm mới tuyệt vọng và thắt cổ tự sát[25].

Nhà thơ đương thời Ngô Ngọc Du đã làm bài thơ Loa Sơn điếu cổ có câu:

Thánh Nam thập nhị kình nghê quán
Chiến điệu anh hùng đại võ công
Dịch:
Thánh nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công

Khu vực Khương Thượng và xung quanh, do xác quân Thanh chết quá nhiều, sau chất thành 12 gò cao, có đa mọc um tùm gọi là Gò Đống Đa. Trận diệt đồn Khương Thượng cũng còn gọi là trận Đống Đa.

Tiến vào Thăng Long

Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4, đô đốc Long tiến vào bắn phá đồn Nam Đồng ở phía tây thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin báo việc đồn Khương Thượng thất thủ thì đô đốc Long đã diệt xong đồn Nam Đồng và tiến vào đánh bản doanh của Nghị ở Thăng Long.

Tôn Sĩ Nghị vội vàng tháo chạy. Các tài liệu cũ đều mô tả cảnh hỗn loạn của quân Thanh. Hoàng Lê nhất thống chí viết:

"Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết... Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được..."

Đại Nam chính biên liệt truyện viết:
 
"Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được."

Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên nhà Thanh:

"Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông Phú Lương (Tức sông Hồng) liền cắt đứt cầu phao khiến các đạo quân của Hứa Thế Hanh và Trương Triều Long bị bỏ lại ở bờ nam. Do đó hơn 1 vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ bắc và đều bị chết đuối cả"[26],[27].

Lê Duy Kỳ được tin Sĩ Nghị đã bỏ chạy, vội dắt gia quyến chạy theo, ra đến bờ sông thì cầu đã gãy, phải men theo bờ sông phía Nghi Tàm, lấy được chiếc thuyền đánh cá chèo sang được bên kia sông Hồng. Em Duy Kỳ là Duy Chi được sai giữ cửa ô Yên Hoa (Tức Yên Phụ ngày nay) thấy Duy Kỳ đã chạy, cũng bỏ chạy lên Tuyên Quang.

Trận Ngọc Hồi

Sáng mồng 5 Tết, khi đô đốc Long tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, đồn này được Sĩ Nghị quan tâm phòng thủ nhất, có phó tướng Hứa Thế Hanh đích thân ra chỉ huy. Đồn có hỏa lực mạnh, xung quanh có địa lôi và chông sắt. Để phá hỏa lực địch, Quang Trung làm sẵn 20 tấm mộc đỡ đạn có tẩm rơm ướt dàn đi trước.

Theo Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên bị chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
 
Quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi chạy tới đê Yên Duyên, trông thấy phục binh Tây Sơn chặn đánh, phải chạy theo đường Vịnh Kiều[28] trốn về Thăng Long. Nhưng chạy tới nửa đường thì gặp cánh quân đô đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng. Quân Thanh phải chạy lên làng Quỳnh Đô[29] định trốn vào đầm Mực. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, quân đô đốc Bảo tiến vào đầm Mực tiêu diệt toàn bộ quân Thanh còn lại chạy từ Ngọc Hồi về đây.

Như vậy toàn bộ hệ thống đồn do Tôn Sĩ Nghị thiết lập để phòng thủ ở nam Thăng Long đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Theo Thánh vũ ký của Nguỵ Nguyên, các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận.

Khải hoàn

Cũng theo Thánh vũ ký, đạo quân Vân Nam – Quý châu đóng ở Sơn Tây được tin các đồn thất thủ, tướng Ô Đại Kinh không giao chiến trận nào đã bỏ chạy, nhờ tướng người Việt là Hoàng Văn Đồng dẫn đường chạy về Trung Quốc.

Chiều mồng 5 tết (tức 30 tháng 1 năm 1789[30]), Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân, đô đốc Long ra đón rước vào thành. Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng.

Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh ở Hải Dương và Phượng Nhãn, tơi tả chạy về, bỏ lại cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Trần Nguyên Nhiếp là bí thư dưới quyền Nghị sau này mô tả: Sĩ Nghị cùng Nguyên Nhiếp đi lạc lối, quanh co nhiều chỗ, bị đói khát 7 ngày đêm mới tới ải Nam Quan. Theo giáo sĩ De la Bissachere ở Việt Nam khi đó, số quân Thanh kịp theo Nghị qua bên kia biên giới chỉ có khoảng 50 người.

Lê Duy Kỳ vội chạy theo Nghị thoát sang bên kia biên giới. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Nghị và Duy Kỳ mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người.

 Như vậy sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Cánh quân Điền châu gần như bị diệt hoàn toàn, cánh quân Lưỡng Quảng chủ lực bị thương vong nặng và tan rã gần hết, riêng quân Vân Nam – Quý châu không giao chiến mà rút êm về nước. Quang Trung đã hẹn với ba quân mồng 7 vào ăn tết ở Thăng Long nhưng chỉ đến mồng 5, quân Tây Sơn đã khải hoàn ở kinh thành.

Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó của Tây Sơn trong một bài thơ:

Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
"Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta"

Các đồn bị hạ

Gián Khẩu
Yên Quyết
Nhật Tảo
Hà Hồi
Ngọc Hồi
Đống Đa
Nam Đồng

Tế quân Thanh

Sau cuộc chiến, Quang Trung ra lệnh thu nạp và nuôi dưỡng hàng vạn tù binh Mãn Thanh[31]. Ông sai thu nhặt xương cốt quân Thanh tử trận, chôn thành những gò đống, lập đàn cúng tế và sai Vũ Huy Tấn soạn văn tế, biểu thị sự thương xót với những quân, dân Trung Quốc chết xa nhà. Bài văn có đoạn:

Nay ta
Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí
Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành
Nhưng mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống[32].

**

12 February 2024

Toát mồ hôi !

 


Chiến tranh với Nga, chiến tranh với Tàu, chiến tranh với Iran, chiến tranh với... Texas !
(H: Mack Laud - Quora Digest)

11 February 2024

Mừng Xuân Giáp Thìn 2024

thân kính chúc 

MỘT NĂM AN LÀNH và VUI TƯƠI


**



Đầu năm khai bút: “TỨ KHÔNG” *
KHÔNG NGHE, KHÔNG THẤY thong dong trên đời,
KHÔNG LÀM, KHÔNG NÓI ai ơi
Để tâm thanh tịnh cho đời BÌNH AN.
(Nguyễn Nhật Ngọ)

* Không nhìn điều sai, không nghe điều bậy,
Không nói điêu trái, không làm điều quấy.

Bộ "Tứ tượng" Nhật Bản

**
*

Tranh digital: A. Michalidis

Khỉ ho cò gáy chốn này
Đêm lạnh vắng dế, ngày dài thiếu chim.
Cảnh thiền có sẵn khỏi tìm,
Còn mong chi nữa hay tâm chưa bình.
(Điền Thảo)

**

09 February 2024

Tình Đầu, thơ


Ngày em hai mươi tuổi 
Mắt trong xanh sáng ngời
Môi cười nhìn hoa nở 
Lòng rộn ràng yêu đời 

Ngày em hai mươi tuổi 
Tóc mềm phủ lưng gầy 
Ngón tay dài thuôn thả 
Em ấp ủ mộng đầy 

Ngày em tuổi đôi mươi 
Sững sờ lúc gặp người 
Ngượng ngùng hay bối rối 
Yêu rồi, lòng nào nguôi 

Tình đưa em bay cao 
Mơ màng với trăng sao 
Bồng bềnh theo mây gió 
Ngất ngây tình yêu đầu 

Rồi ngày tháng thoi đưa 
Tình như tiết: nắng, mưa 
Lúc nồng nàn, thắm thiết
Khi hờ hững, ơ thờ 

Một ngày, người xa tôi 
Ngăn cách một biển khơi 
Người mải mê đời mới
Buông tình tôi chơi vơi 

Tình người đà im tiếng 
Tình tôi cũng hư hao 
Buồn vương tình dang dở 
Xót tình thoáng chiêm bao

Cao Minh Tâm 

08 February 2024

Cao Minh Tâm đã vĩnh viễn ra đi

 Đồng môn 

CAO MINH TÂM
(Bà Quả phụ Phạm Hy Mai)

Cựu sinh viên ban Đốc Sự, khoá 14
Học viện Quốc Gia Hành Chánh Sài Gòn

Sinh ngày 27 tháng 1 năm 1947 tại Việt Nam
Đã mệnh chung lúc 4:28 chiều ngày 5 tháng 2 năm 2024
tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 77 tuổi
*
Xin chân thành chia buồn cùng tang quyến
Thành kính cầu nguyện hương linh người quá vãng 
sớm về nơi Nghìn Thu An Lạc 
*
Toàn thể CSV Ban Đốc Sự Khoá 14
Thương tiếc tiễn biệt
Cao Minh Tâm: Bạn hãy an nghỉ !

05 February 2024

Tin buồn

Huynh Trưởng

NGUYỄN NGỌC LIÊN 
(Cựu sinh viên Ban Đốc Sự Khoá 8,
Học viện QGHC Sài Gòn)
Cựu Chủ Tịch Tổng Hội CSV/QGHC Hải Ngoại

Vừa mệnh chung tối chủ nhật, 04 tháng Hai, 2024

Nhóm chủ trương Diễn Đàn Tiếng Thông Reo
hợp chung lời với các CSV đồng môn
xin chia buồn cùng Chị Nguyễn Ngọc Liên 
Thành kính cầu nguyện linh hồn người quá vãng
sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa

Đồng kính bái

(Nguồn tin: Đồng môn Cao Công Đắc)

Dân Chủ Pháp Trị, khảo luận

Nguyễn Ngọc Liên

Bài này viết lại bài nóí chuyện nhân dịp ngày giỗ thứ 20 của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, do Đảng Tân Đại Việt tổ chức tại thành phố Westminster, Nam California ngày 31/7/2010
**

Hiện nay danh từ Dân chủ Pháp trị xuất hiện rất nhiều trên mạng lưới toàn cầu, trong các bài viết hoặc nơi các diễn đàn của người Việt ở Hài Ngoại cũng như các diễn đàn trong nước. Nhưng mỗi người lại hiểu cụm từ Dân Chủ Pháp Trị một cách khác nhau. Người Việt tỵ nạn hiểu một cách khác với cách hiểu của các người Cộng Sản Việt Nam

Lược sử nền Dân Chủ Pháp Trị

* Dân chủ: Thuật ngữ này xuất hiện ở lần đầu tiên ở Hy Lạp, nhất là ở thành Athens, sau cuộc nổi dậy của dân chúng năm 508 (TCN). Sau đó , dân chủ cũng xuất hiện tại La Mã cổ, Âu Châu, Bắc và Nam Mỹ Châu. Taị Việt Nam, dân chủ cũng có vào Thế Kỷ thứ 13 khi vua nhà Trần cho hội họp các bô lão tại hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến xem nên hoà hay nên chiến với quân xâm lăng Mông Cổ. Mặc dầu, Việt Nam lúc đó theo chế dộ quân chủ chuyên chế, nhưng dù sao hội nghị Diên Hồng, trong một nghĩa nhỏ hẹp, cũng đã thực hiện thể thức dân chủ khi quyết định một việc trọng đại cho quốc gia.

Dân chủ là 1 hình thức tổ chức chính trị, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực thông qua 1 cuộc bầu cử tự do. Trong học thuyết chính trị, dân chủ dùng để mô tả 1 hình thức của nhà nước. Có 2 nguyên tắc của nền dân chủ:

+ Mọi thành viên của xã hội đều có quyền bình đẳng liên quan đến quyền lực

+ Tất cả đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi

Ngày nay, nền dân chủ đã được thực hiện tại hầu hết các quốc gia Âu Châu và tại 124 quốc gia trên toàn thế giới

* Pháp trị (rule of law) :Theo nghĩa là dùng luât để cai trị

Theo văn hoá cổ Trung Hoa, người ta chia cách thức cai trị ra làm hai phái:
1/ Phái nhân trị : Gồm Khổng Tử , chủ trương “ nhân”, Mặc Tử chủ trương thuyết “kiêm ái”, Mạnh Tử chủ về “nghiã”, Tuân Tử chủ về “lễ”. Theo phái nhân trị con người sinh ra vốn có căn bản tốt (Nhân chi sơ, tỉnh bổn thiện). Phái nhân trị chủ trương lấy nhân đạo để cai trị con người. Mơ ước của phái này là một xã hôi thái bình, thịnh trị, đêm ngủ không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt…

2/ Phái pháp trị: Đối nghịch với phái nhân trị là phái pháp trị. Tiêu biểu cho phái này là Hàn Phi Tử chủ trương dùng luât pháp khắt khe để cai trị dân. Lý Tư cũng thuộc phái pháp trị. Ông là Tể Tướng của Tần Thủy Hoàng. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng dẹp sáu nước Nguỵ, Hàn, Triệu, Tề ,Yên và Sở, thống nhất Trung Hoa, xã hôi còn nội loạn, nhiều chống đối, Lý Tư đã áp dụng pháp trị để cai trị dân. Lý Tư đã nhốt Hàn Phi Tử vào tù, sau đó Lý Tư lại bị hoạn quan là Triệu Cao ám hai.

Nhưng trong tất cả những pháp gia (theo phái pháp trị), người nổi tiếng nhất là Công Tôn Ưởng, thời Đông Châu Liệt Quốc, ngườì nước Vệ, nên người ta gọi là Vệ Ưởng. Vệ Ưởng sang làm Tướng Quốc cho nước Tần, được phong ấp Thương Ô, nên cũng goí là Thương Ưởng. Vệ Ưởng hay Thương Ưởng đã ra tân lệnh rất tàn ác để cai trị. Ông đặt ra các luât lệ như : Tất cả ruộng nương đều bị tich thu thành quan điền; trong nhà có tranh chấp, thì bất luận phải trái, đều bị chết chém; cứ 5 nhà thành 1 bảo, 10 nhà thành 1 liên, một nhà có tội thì 9 nhà khác phải tố giác, nếu không thì cả 10 nhà bị chết chém ngang lưng; các nhà trọ phải đòi giấy phép chiếu thân, nếu không thì không cho trọ; người dân nếu có tội thì tài sản bị tịch biên sung công..v.v.. Thế Tử Tứ có ý chê tân lệnh là không phải, Vệ Ưởng vào tâu với Tần Hiếu Công là không thể gia hình Thế  Tử vì là người sẽ nối ngôi vua nên xin bắt tội quan Thái sư là Công Tôn Giả , thích chữ tràm vào mặt, cắt mũi quan Thái phó, công tử Kiền là ngưòi dậy học cho Thế Tử.

Khi Tần Hiếu Công chết, Thế tử Tứ lên nối ngôi là Huệ Văn Công. Công Tữ Kiền dèm pha Vệ Ưởng. Huệ Văn Công bèn thu tướng ấn, bắt Vệ Ưỏng lui về Thương Ô. Sau Công Tôn Giả và Công Tử Kiền lại nóí thêm là Vệ Ưong tất có ý phản. Huệ Văn Công sai Cộng Tôn Giả đem 3 ngàn võ sĩ đuổi bắt. Vệ Ưởng sợ hãi bỏ hành trang, giả làm tên lính đi trốn. Đến Hàm Quan, lúc trời vừa tối, vào một nhà trọ. Chủ trọ hỏi giấy phép. Vệ Ưởng không có. Chủ trọ nói , nếu không có giấy phép thì không dám cho trọ, sợ bị phép Thương quân chém.Vệ Ưởng than : “Ta đặt ra phép ấy là tự hai thân ta”. Sau đó bị Công Tôn Giả bắt được đem về. Huệ Văn Công cho đem ra chợ cho 5 con trâu phanh thây.

Phái pháp trị dùng hình luât để cai trị dân, nhưng lại áp dụng bất công, đối xử phân biệt. Đó là câu “Lễ bất hạ thứ dân, hình bất thượng đại phu”, có nghĩa là nghi lễ không áp dụng cho thứ dân và án hình không áp dụng cho các bậc đại phu. Như vây, pháí pháp trị thời Trung Hoa cổ, đã chỉ dùng luật pháp để bảo vệ giai cấp thống trị. Đó là quan quyền, vua chúa. 

Dân Chủ Pháp Trị đối với Cộng Sản Việt Nam

Nhà nưóc Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã dùng chữ Dân Chủ Tập Trung . Chữ này cũng đươc ghi trong hiến pháp. Nhưng Dân Chủ Tâp Trung là gì? Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã tự nhận là “đội ngũ tiên phong thay mặt cho giai cấp công nhân để đaị diên cho đất nước…”. Đảng đã chủ trương “đấu tranh giai cấp” và “ không chia sẻ quyền lực với bất cứ ai”. Như vây, Đảng do giai cấp công nhân bầu lên và đó chính là dân chủ tập trung?, nghĩa là tập trung trong tay giai cấp công nhân, và do đó trong tay Đảng Cộng Sản?

Nhà nước cũng từng nói : “Nền dân chủ của nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ của các nước Tây Phương”. Thật là lộng ngôn! Chẳng ai hiểu được nhà nuớc muốn nói cái gì. Ngoài ra, trong điều luật nào cũng có câu thòng đằng sau “Trong khuôn khổ luât pháp” hoặc “ Theo luật pháp quy định”. Thí du : Người dân có quyền chọn nơi cu trú theo luât pháp quy đinh. Đây là điểm quan trọng, vì Đảng Cộng Sản muốn giải thích luât lệ cách nào cũng dược, nếu không muốn cho phép thì chỉ cần nói là không đúng với luât pháp quy định, còn quy định ra sao thì không cần giải thích.

Trong Đại Hội Đảng năm 1996, Đảng đã tuyên cáo sẽ “xây dựng một nhà nuớc pháp quyền” với mục đích để làm an lòng các nhà đầu tư ngoại quốc đang lo ngại Viêt Nam không có luât lệ và như thế không thể đầu tư. Luât sư Lê Công Định đã phê bình chữ “nhà nước pháp quyền” (Rule BY the law) là không đúng, phải dùng chữ “nhà nước pháp trị” (Rule OF the law). Nhưng ta cũng hiểu là Đảng CSVN thường thích “chơi chữ”, thí dụ : Kinh tế thị trường theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng nhà nuớc cũng không giải thích chữ “theo định hưóng” nghĩa là gì?

Đảng còn dùng Điều 88 Bộ Luật Hình Sự “Âm mưu chống lại nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” (XHCNVN) để kết án những ngươì đòi hỏi dân chủ và đa đảng, giống như ngày trước muốn kết án ai là gán cho tội  "làm gián điệp”, mặc dầu không có một bằng chứng nào! Tuy nhiên, sau này nhận thấy gán ghép tội gián điệp không chứng cớ có vẻ kỳ cục, trơ trẽn nên bây giờ CS đổi ra tội “âm mưu chống lại nhà nướcXHCNVN” Với chữ âm mưu thì nhà nước không cần phải chứng minh cụ thể.

Nhà nước cũng ban hành Nghi Định 31-CP ngàý 16/4/1997 có quyền tạm giam vô hạn định đối với các nghi can, hoặc đặt trong tình trạng quản chế 2 năm các công dân bị coi là nguy hiểm cho “an ninh quốc gia” mà không cần toà án. Nghi Định này sau đã bi thay thế bởi “Pháp lệnh xử lý hành chánh” ban hành ngày 1/10/2002 mà theo nhiều nhà phân tích nói còn tinh vi hơn, thẩm quyền áp dụng còn rộng rãi và có hiệu quả hơn trong việc đàn áp dân chủ…

Người Cộng Sản vẫn thường quan niệm rằng pháp luật là ý chí của giai cấp nắm chính quyền trong một xả hội nhất định được xây dựng thành luật lệ. Pháp luật là một trong những phương tiện chủ yếu mà Đảng CS xử dụng để củng cố vai trò lãnh đạo và bảo vệ những lợi ích của họ. Các đảng viên CS nếu phạm tội , đều được đối xử đặc biệt là “căn cứ vào thành tích cách mạng” để hoặc miễn truy tố, hoặc nếu có tội rõ rệt quá không thể bỏ qua, thì sẽ bị xử một án rất nhẹ. Sau khi ở tù một thời gian ngắn, Đảng sẽ căn cứ vào điều kiện giác ngộ, học tập tốt trong tù mà ân xá. Đối với nhiều đảng viên cao cấp mà bị tội, các báo chí không đuợc lên tiếng và cho “chìm xuồng” luôn. Điển hình là vụ Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô can tôi mua dâm 2 nữ sinh tuổi vị thành niên, nhưng không báo nào nhắc tới vụ này. Hai nữ sinh bị ông Hiệu Trưởng Sầm Đức Xương ép bán dâm cho Nguyễn Trường Tô còn bị vào tù vì tội bán dâm . Ông Xương là cán bộ cấp nhỏ cũng bị giam, nhưng Nguyễn Trường Tô vẫn còn tai chức.

Tóm lại Đảng Cộng Sản áp dụng pháp trị để bảo vệ quyền lợi của mình, chứ không phải bảo vệ quần chúng…

Dân Chủ Pháp Trị đối với các quốc gia Tây Phương.

Pháp trị là dùng luật pháp để cai trị, chứ không phải dùng con người để cai trị. Với tư cách là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai chức năng: 1/ là hạn chế sự độc đoán và lạm quyền của nhà nước. 2/ là làm cho nhà nước hành xử hợp lý và rõ ràng.

Việc xây dựng chế độ pháp trị là rất cần thiết để vận hành nhà nước. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tránh được sự nhầm lẫn về khái niệm giữa pháp trị theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại và của CSVN với pháp trị theo cách hiểu của các quốc gia Tây Phương (trong đó có Hoa Kỳ). Vì rằng, nếu chúng ta nhầm lẫn thì việc xây dựng đất nước theo một mô hình “dân chủ trá hình” là điều rất dễ xảy ra.

Luật pháp khoác cái áo biểu tượng của sự công bằng, nhưng nếu bản thân nó được tạo ra từ một chế độ độc tài, chuyên chế thì nó chẳng thể công bằng đuợc, có nghĩa là nó đuợc dùng để cai trị người dân và bảo vệ dịa vị của giới cầm quyền chứ không bảo vệ dân.

Các quốc gia Tây phương thường phân chia quyền hành làm 3 cơ chế . Đó là tam quyền phân lập: hành pháp, tư pháp , và lập pháp. Các quyền này kiểm soát lẫn nhau, tránh được nạn độc tài. Người Mỹ gọi là check and balance, không phải tam quyền thống nhất dưới một dảng, nghĩa là hành pháp , lập pháp hay tư pháp đều là đảng viên CS, được bầu cử vào các chức vụ này là do Đảng quyết định, chứ không phải dân chúng.

Theo nền dân chủ này:

+ Những người có trách nhiệm tại những cơ quan quản trị một định chế công đã được sự uỷ nhiệm minh thị và chính thức của đa số, để trở thành những ngưòi hành xử quyền hành chính thống

+ Quyền hành này dược hành xử làm sao cho mọi người đều cảm thấy đã tham dự vào việc lấy quyết định và đồng ý về những phần then chốt của quyết định.

Một luật gia người Anh là A.V Dicey (1982) có nói “Pháp trị, trước hết có nghĩa là sự tuyệt đối thượng tôn luật pháp, chứ không phải là ảnh hưởng của quyền lực chuyên chế, và loại bỏ hẳn tính độc đoán, các đặc quyền, và sự tuỳ tiện của nhà cầm quyền.”

Một yếu tố quan trọng của dân chủ pháp trị là công bằng trước pháp luât. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có quyền đứng trên pháp luât. Sự công bằng trước pháp luât thể hiện rõ nét nhất ở Hoa Kỳ. Phó Tổng Thống Agnew đã phải từ chức vì gian lận thuế. Tổng Thống Nixon, để tránh tội bị đàn hặc (impeachment) về vụ Watergate, cũng phải từ chức. TT Clinton, vì bị vụ tai tiếng với Monica Lewinsky cũng bị đưa ra Thưọng Viện để truy tố, nhưng ông cũng còn may vì đa số Thượng Nghị Sĩ thuộc Dảng Dân Chủ (cùng Đảng với Tổng Thống) nên đã thoát nạn. Còn là không biết bao nhiêu, dân biểu, nghị si bị truy tố về các tội tham nhũng hay lạm dụng quyền hành. Một chánh án, nếu phạm tôi cũng sẽ bị một chánh án khác ký lệnh tống giam. Tóm lại nền pháp trị của Hoa Kỳ rất công bằng đối với mọi người ...

Kết luận

Giáo Sư (G/S) Nguyễn Ngọc Huy có nói “chúng tôi nhận thấy các nước Tây Âu sở dĩ ổn định chính trị và ổn định kinh tế là nhờ họ theo nền dân chủ pháp trị và có một hệ thống chánh đảng trưởng thành, đảng chính quyền cũng như đảng đối lập...”. Do đó giáo sư đã cùng với Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, đã lập ra Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến mà ông là Tổng Thư Ký và Gs. Bông là Chủ Tịch, để tham gia hệ thống chánh đảng hầu xây dựng một nền dân chủ pháp trị cho quốc gia.

Giáo sư đã chủ trương một nền dân chủ pháp trị như của các quốc gia Tây Phương, nghĩa là mọi người đều công bằng trước pháp luật, chứ không phải nền pháp trị như ở Trung Hoa ngày xưa để bảo vệ giai cấp thống trị, hoặc của CSVN để bảo vệ Đảng CS.

Hôm nay là ngày giỗ thứ 20 của G/S. Chúng ta cùng nhau nhắc lại ý nguyện ngày xưa của giáo sư. Mong rằng những người lãnh đạo sau này của Việt Nam, thời hậu CS, cũng sẽ áp dụng một nền dân chủ pháp trị như các quốc gia Tây Phương. Đó chính là ước vọng của giáo sư lúc sinh thời…

Nguyễn Ngọc Liên