24 September 2019

Việt Nam-Hồng Kông và ‘ung thư thể chế’

 Võ Thị Hảo (Blog RFA)


    Việt Nam: Khủng hoảng toàn diện

   " Việt Nam đang ở trong tình thế nguy ngập.
    Đất nước lâm vào khủng hoảng, bị đe dọa trên các mặt chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ, chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh nội bộ và ngoại giao.

    Nguyên do là thể chế độc tài toàn trị này qua chặng đường 74 năm vận hành đã ngày càng làm nở rộng những tử huyệt của nó.

    Hệ thống điều hành “cỗ máy” chạy giật lùi đó đã lộ nguyên hình. Đa số quan chức chỉ là những kẻ dùng quyền lực chính trị để trộm cướp công quỹ và mồ hôi xương máu của dân Việt Nam làm của riêng.

    Lòng tham của họ là vô đáy và đất nước nhung nhúc những kẻ vẫn tiếp tục cướp bóc ngày càng tham tàn. Theo truyền thông Việt Nam đưa tin, một chữ ký của bộ trưởng Thông Tin Truyền thông – lĩnh vực được cho là nghèo nhất, thì ông ta đã nhận được hơn 3 triệu đô la tiền hối lộ. Giám đốc Mobiphone cũng nhận được hơn một triệu đô la…

    Vậy trong vô số vụ chỉ định thầu cho Trung Quốc, hoặc mua sắm thiết bị máy móc, những vụ tăng vốn đầu tư hàng chục, thậm chí trăm lần thì số tiền hối lộ, tham nhũng của quan chức Việt Nam còn tới cỡ nào? Phải chăng hệ thống cầm quyền và quan chức tham nhũng Việt Nam hiện nay có thể xếp vào hàng bẩn thỉu, đáng ghê tởm nhất thế giới?!

    Một hiểm họa khác mà công luận đã tố cáo: khi sức dân và tài nguyên đã cạn kiệt, nhiều kẻ trong bộ máy này đã “xẻo” từng mảng chủ quyền đất nước trên nhiều lĩnh vực ra rao bán để thu lợi riêng. Bán để được Trung Quốc hậu thuẫn cho ghế quyền lực để tiếp tục tham tàn và tránh sự trừng phạt của công lý.
    …

    Mở cửa cho Việt Nam thành lãnh địa của ma túy:

    Trên đất liền, nhà cầm quyền đã mở toang cửa khẩu và cho đồng Nhân Dân tệ lưu hành trên đất Việt Nam. Hậu quả của việc này là Việt Nam gần như là lãnh địa của Trung Quốc, an ninh kinh tế thương mại của Việt Nam bị tổn hại không thể đo đếm. Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất, tàng trữ, chuyên chở và buôn bán ma túy của Trung Quốc tha hồ tung tác trên đất Việt Nam.

    Bọn tội phạm đến từ Trung Quốc đã được nhà quản lý ngênh tiếp, ngầm cam kết không trừng trị vì khi chúng phạm tội lại trả chúng về Trung Quốc và chúng không dại gì mà không quay trở lại tiếp tục gây hại bởi sự ưu tiên vô đối ấy. Chúng đã thừa cơ hội biến Việt Nam thành căn cứ địa ém quân vào những chỗ hiểm yếu, thỏa sức tàn phá gieo rắc độc hại tàn phá môi trường, tha hồ bán hàng đa cấp, lừa đảo, cờ gian bạc lận, thậm chí bắt cóc, mua người để mổ bán nội tạng, biến Việt Nam là nơi chứa chấp, trung chuyển và sản xuất hàng chục tấn ma túy…"

Bạn đọc nhấn vào tiêu đề để đọc toàn văn trên Người Việt

Tôi Mất Cha Từ Đấy, hồi ký

Lần đầu, khi xem bức tranh Bóng Đen Tháng Tư của nhà họa sĩ A.C.La Nguyễn Thế-Vĩnh, tôi chỉ thuần nghĩ về cuộc chiến tương tàn vừa qua với những hậu quả khốc liệt của nó.

Sáng nay, tên bức tranh đã được đổi thành Tôi Mất Cha Từ Đấy. Cái tên mới nầy của bức tranh đã khiến cho tim tôi đau nhói. Hàng chữ Tôi Mất Cha Từ Đấy đã gợi lại trong tôi cả một ký ức đau thương, một nỗi mất mát lớn lao của cuộc đời mình từ thời thơ dại.

Tôi vốn hay tránh đọc những bài hồi ký viết về chiến tranh, về những trận chiến ác liệt mà chính các tác giả đó đã từng tham chiến, mà các trang mạng hiện thời đã đăng. Họ viết về Mùa Hè đỏ Lửa , về trận Hạ Lào,  Giải Tỏa Cổ Thành Quảng Trị và còn nhiều nữa...

Tôi đã có thử đọc một vài lần trên mạng một số bài viết khác nhau nhưng tôi không đủ sức chịu đựng những cảnh tượng thương tâm được diễn tả. Lồng ngực tôi như bị ép lại. Tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi như người bị chết ngộp

Biết được điểm yếu của mình, từ đó, khi gặp những tựa bài có nội dung chiến tranh, tôi thường lướt vội qua.

Hôm nay, cái tựa Tôi Mất Cha Từ Đấy quá ngắn, khiến cho tôi không thể nào "lướt" được. Tôi bị hạ đo ván! Cả một dĩ vãng đau thương của thời thơ ấu ập về.

20 September 2019

TQ đòi VN 'ngay lập tức' dừng hoạt động dầu khí ở Bãi Tư Chính

(Bản tin trên Đài BBC Tiếng Việt)

Tàu Hải Dương 8 ba lần xâm phạm lãnh hải VN quanh Bãi Tư Chính
Trung Quốc nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.

Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)".

Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.

"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam," ông Cảnh Sảng nói trong đoạn băng do kênh truyền hình chính thức phát bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, CGTN, đăng tải.

"Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực."

"Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam," ông Cảnh Sảng nói thêm.

Căng thẳng ngày càng dâng qua ba lần Hải Dương 8 vào khu vực Bãi Tư Chính

Tuyên bố của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/9 nói Hà Nội cương quyết phản đối việc tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam, và có các hành động "vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS" qua việc "cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam".

Đây không phải là lần đầu tiên hai bên khẩu chiến quanh Bãi Tư Chính, nhưng là lần đầu tiên hoạt động khai thác dầu khí được chính thức nêu đích danh.

Hà Nội nói nhóm tàu Trung Quốc đã có đợt xâm phạm vùng biển của và Vùng Đặc quyền Kinh tế lần thứ ba, kể từ ngày 7/9.

Trước đó, Hà Nội đã "nhiều lần giao thiệp" với Bắc Kinh, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói, nhưng nội dung chỉ nhắm tới việc "yêu cầu rút tàu và không có hành vi đe dọa an ninh, hòa bình ở khu vực".

Hoa Kỳ thì không ngần ngại cáo buộc các hoạt động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính là "leo thang nhằm hăm dọa các bên khác có tuyên bố quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông".

Lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào EEZ của Việt Nam là hôm 3/7 và ở lại vài tuần.

Sau khi tạm rút ít hôm để tiếp vận và tiếp liệu, nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc lại kéo vào khu vực gần Bãi Tư Chính hôm 13/8.

Sự kiện này khiến Hoa Kỳ hôm 22/8 lên tiếng "mạnh mẽ phản đối" việc Bắc Kinh làm điều mà Mỹ gọi là "can thiệp vào các hoạt động dầu khí ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền".

Về mặt địa lý, Bãi Tư Chính có vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý.

Đây là nơi Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm nay.

(Bản tin trên Đài BBC Tiếng Việt)

18 September 2019

Joshua Wong điều trần trước Quốc Hội Mỹ: ‘Nguyện vinh quang quy Hương Cảng’

Cát Linh/Người Việt (tường trình từ Washington, D.C.)

Từ trái, ba nhà tranh đấu Joshua Wong, Denise Ho và Sunny Cheung ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ hôm Thứ Ba, 17 Tháng Chín. (Hình: Cát Linh/Người Việt)

Tổng Thư Ký Đảng Demosito Joshua Wong mở đầu bài phát biểu:

“Khi tôi nói ‘Một quốc gia, hai thể chế’ thì Hồng Kông đang trở thành ‘Một quốc gia, một thể chế rưỡi.’ Tôi nghĩ các nhà quan sát sự kiện gần đây sẽ không có bất kỳ sự nghi ngờ nào để thấy rằng, chúng ta đang tiếp cận một cách nguy hiểm đến gần với ‘Một quốc gia, một thể chế.’ Tình trạng hiện tại cho thấy Bắc Kinh không thể hiểu được, nói gì đến việc cai trị một xã hội tự do.”

LINK để đọc toàn văn bản tường trình trên Người Việt: https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/joshua-wong-dieu-tran-truoc-quoc-hoi-my-nguyen-vinh-quang-quy-huong-cang/

14 September 2019

Truyện ngắn



Tôi không dám nhìn lâu vào đôi mắt của Gunnar, nó khẩn khoản quá. Tôi phải nhìn sang bên kia hồ Mjøsa, nơi có dẫy núi phủ mây trắng, dường như quanh năm. Mỗi lần có điều khó nghĩ tôi thường nhìn sang bên đó, dù đó là thắc mắc của đứa bé bảy tuổi không biết viết thư cho Ông Già No-en phải gián tem bao nhiêu, có bớt giá cho con nít không hay câu hỏi của một đứa con gái dậy thì nên mua cái áo hở ngực tới đâu.

Vấn đề hôm nay không phải là con tem, cái áo, mà tình yêu, hạnh phúc – Gunnar hỏi cưới, tôi phải trả lời ra sao. Gunnar đang tình cờ ngồi đúng cái ghế da mà ba tôi ngồi hôm đó, và tôi thì lại tình cờ ngồi đúng cái ghế da chị Lên ngồi, cái hôm kỳ cục đó. Chính ba tôi hôm đó, tại đây, đã gieo trong tôi nỗi nghi ngờ về tình yêu. Trong bao nhiêu năm nỗi nghi ngờ ấy ám ảnh trong người tôi, miên kỳ như mùi ngai ngái trên da bò.
Thế này:

*

Lên là chị em con dì với tôi, con lớn của dì Hoa. Chị có thân hình như một nữ lực sĩ bơi lội. Mỗi lần theo ba má tới thăm gia đình tôi, việc đầu tiên là chị tung tôi lên trời ba lần. “Nữa đi!” tôi cười khanh khách nói. Và chị tung ba lần nữa. Sau đó chị lên phòng khách ngồi nói chuyện với ba trong khi mẹ và dì Hoa vào thẳng bếp chuyện trò và nấu phở. Những người khác, như chồng dì Hoa và mấy anh chị lớn, ngồi trong phòng TV
nói chuyện, uống bia, uống nước ngọt, trước cái tivi mở để không.

Tôi nhảy vào lòng chị Lên, hóng chuyện, mặc dù không hiểu lắm ba và chị Lên nói gì. Thì thường là chuyện học hành và tập aerobic của chị Lên, chuyện báo đăng chó sói ăn thịt cừu, chuyện một tên cướp ngớ ngẩn, đánh cắp bưu điện để người ta tóm cổ tại chỗ.

Có lần hai người tranh luận con bò có răng hay không, ba nói bò không răng, chị Lên nói có răng... Tôi thầm đồng ý với chị Lên rằng con bò có răng mới gặm cỏ được, nhưng tôi im lặng, nghe sau lưng thân hình nẩy nở và rắn chắc của chị, khác hẳn thân hình nhỏ và mềm của mẹ.

Trong số những người bà con bên mẹ tôi, ba tôi không thích nói chuyện với ai cả; ba chê họ nói tiếng Na-uy dở quá, mà lại hay nói to, điếc cả tai; ba chỉ thích nói chuyện với chị Lên.

Tôi để ý lúc nói chuyện với chị, ba tươi tỉnh khác thường. Chị Lên hay vuốt tóc khiến tôi buồn ngủ, tai lơ mơ nghe tiếng nói đều đều của hai người xen kẽ với tiếng cười vang trong lồng ngực to của chị Lên. Có lần tôi nghe loáng thoáng ba đề nghị để ba tập lái xe cho chị Lên, và chị rất hào hứng, hai người hẹn ngày giờ nơi chốn. Lần khác ba khen chị Lên đẹp. Chị nói chị chẳng có cái gì đẹp. Ba nói bữa nào đi hồ tắm với ba, ba sẽ chỉ cho coi chị đẹp chỗ nào. Chị cười khanh khách nói “Có vợ rồi mà còn nói nhảm.” “Mặc kệ, giết vợ để lấy Lên tôi cũng sẵn sàng,” ba trả lời. Tôi nói hôm đó là cái hôm kỳ cục là vì thế.

12 September 2019

Xem Tranh « HOA MỘNG » Của A.C.La

Phiêu lãng trong cảnh mộng

Hoạ sĩ đã dùng một cách bố cục lạ để diễn tả cõi mộng mơ, theo như tên bằng tiếng Anh của bức tranh : The Dreamy Years.

Hoa thì dể thể hiện, người xem thấy trong Hoa Mộng có rất nhiều hoa, đủ màu sắc.

Để diễn tả thế giới mộng mơ, hoạ sĩ đã cắt nửa khuôn mặt của thiếu nữ từ chóp mũi trở lên, bởi vì đã là mộng thì không cần đến mắt để nhìn cảnh thực, chỉ cần nhắm mắt lại để ru hồn vào mộng. Cũng không cần đến cái đầu với bộ óc để suy nghĩ, phân biệt thực hư, phải hay không phải. Tuổi xuân là tuổi đang ươm hoa dệt mộng, nên người con gái chỉ cần chiếc mũi nhạy cảm để tiếp nhận hết những mùi hương dịu dàng hay nồng nàn của thời hoa mộng.

Tuổi hoa mộng cũng là tuổi sống với những đam mê bồng bột, nên hoạ sĩ đã bỏ đi nửa phần bên phải của thân người, chỉ giữ lại nửa thân bên trái, phía chứa trái tim, vẫn được xem là nơi xuất phát của tình cảm, nhứt là tình yêu.

Tôi có hân hạnh cùng với vài bạn trên Tiếng Thông Reo được hoạ sĩ cho xem 3 phiên bản của bức tranh Hoa Mộng từ đầu dến lúc hoàn chỉnh, nên ghi nhận được công phu của hoạ sĩ dành cho bức tranh nầy, nhứt là trong cách phối hợp các màu sắc để dẫn người xem vào cõi mộng với hoạ sĩ.

Trong Hoa Mộng, người xem tranh phân biệt được 4 màu chính : màu tím, màu xanh da trời, màu trắng và màu vàng cam. Màu tím ở đây là màu tím pha hồng. Khi nói tới mộng đẹp, người ta thường nghĩ tới màu hồng. Nhưng ở đây hoạ sĩ không dùng màu hồng tươi thuần nhứt, mà pha màu tím với nhiều biến điệu.

Người xem tranh ghi nhận hoạ sĩ đã chủ ý dùng màu tím-hồng để diễn tả tâm cảnh hồn nhiên, mơ mộng của thiếu nữ trẻ trung, tươi tắn, được biểu hiện với cánh hoa trắng muốt, kẹp giữa hai ngón tay thon dài, đài các.

Màu tím-hồng còn diễn đạt tâm hồn còn ngây thơ trong trắng của người con gái, chưa nếm vị đắng cay của một chuyện tình dở dang, qua màu tím đậm u hoài của cuộc chia tay đầy xót xa :
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt,
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
( Nửa Hồn Thương Đau, PĐChương )
Tuy nhiên trong phiên bản đầu của Hoa Mộng, hoạ sĩ đã pha màu tím khá đậm, nhứt là màu tím của chùm hoa ở góc trên bên phải bức tranh, làm cho khung cảnh mộng giảm nét phiêu bồng.

Nhưng qua hai phiên bản sau, dùng kỹ thuật glacis* ( tôi đoán như vậy vì chỉ xem được hình chụp bức tranh qua internet ) – là cách dùng một hoặc nhiều lớp màu mỏng phết chồng lên lớp màu bên dưới, nhưng không xoá hẳn lớp màu bên dưới – hoạ sĩ đã dùng những lớp màu xanh da trời làm giảm sắc đậm của màu tím.

Thêm vào đó, hoạ sĩ còn sửa cho nét môi thanh mảnh hơn, màu son môi nhạt và tươi hơn, chiếc cằm nhờ hiệu ứng glacis trở nên thanh tú hơn, bờ vai và cánh tay được chỉnh lại cân đối và hài hoà hơn.

Trong phiên bản hoàn chỉnh của Hoa Mộng, màu xanh trở thành màu chủ, làm cho toàn thể bức tranh ẩn hiện trong một màu tím hồng, phiêu lãng như trong cảnh mộng.

Hoạ sĩ còn chăm chút diễn tả màu da thịt trên bờ vai trần, cánh tay và bàn tay của thiếu nữ, chừng như muốn đưa người xem tranh từ cõi mộng trở về cảnh thực để đừng quên ngắm nét đẹp từ làn da mịn màng của người con gái đang xuân. Nếu nhìn về phần kỹ thuật, màu da thịt tươi hồng của người con gái ở đây có tác dụng tương phản và tạo được chiều sâu cho bức tranh.

Sau khi dừng lại nhiều lần ngắm tranh Hoa Mộng và thả hồn vào cõi mộng với hoạ sĩ, người xem chợt nhận ra thấp thoáng trong tranh, cũng như ở khá nhiều bức tranh khác của A.C.La, dường như có ẩn một mẫu tâm sự của hoạ sĩ. Cùng với đôi môi hé mở của người con gái tuy lộ vẻ hồn nhiên, nhưng nét mặt vẫn đượm vẻ nghiêm trang, không thoáng hiện một nụ cười tươi, nhí nhảnh của tuổi hoa mộng, có phải hoạ sĩ chủ ý không dùng màu hồng tươi, mà pha màu tím hồng cho bức tranh, để gợi một chút hương xưa vẫn chưa phai nhạt vào dòng hoài niệm của mình ?

NQMINH Paris
____
(*) hay glaze trong Anh ngữ.

11 September 2019

Dưới Mái Chùa Hoang, truyện ngắn

Cạnh con đường mòn, ven sườn núi tại Ngọc Nam, có một ngôi chùa nhỏ hoang vắng, nằm im lìm giữa một nơi hẻo lánh và quạnh quẽ. Mùa xuân năm ấy, giặc dã và trộm cướp nổi lên, dân chúng miền phụ cận đã chạy tản mác đi nơi khác, vị trụ trì trong chùa cũng bỏ trốn, chỉ để một mình ông già “tứ cố vô thân” ở lại đèn hương sớm tối.

Hết xuân sang hạ, khí trời trở nên mát mẻ, tối hôm ấy, như thường lệ, ông già dọn dẹp các nơi xong, đang định vào căn phòng nhỏ phía sau Phật điện nghỉ ngơi, bỗng nghe có tiếng gõ cửa nhè nhẹ vang lên ở phía ngoài, ông đi ra mở cửa thì thấy một vị sư áo quần lam lũ, râu ria xồm xoàm, tay cầm chiếc thuyền trượng (cái gậy), trên lưng đeo một cái đãy nhỏ đang đứng dưới thềm cửa trước chùa.

- Ngài cần việc gì? Ông già hỏi.

- Tôi đi vân du đến đây thì trời tối, không có chỗ trọ, định vào quý tự xin tá túc một đêm.

- Chùa đây không phải chốn tùng lâm, không tiện tá túc. Vả lại, sư cụ trụ trì đi vắng, tôi chỉ là người trông nom đèn hương trong chùa, xin sư cụ từ mẫn cho. Ông già uyển chuyển đáp khéo.

- Tôi cũng biết chùa đây không phải chốn tùng lâm. Vị khách tăng nói. Song đến đây không còn thấy nơi nào có thể ngủ trọ được. Giờ trời đã tối, xin lão vui lòng cho tôi nghỉ tạm một đêm.

Sau một lát ngần ngừ, ông già nói:

- Trong chùa vẫn còn một căn phòng nhỏ bỏ không, sư cụ có thể nghỉ tạm. Song chỉ hiềm là không có chiếu chăn gì cả, mà lương thực cũng eo hẹp lắm!

- Điều đó không ngại, tôi ngồi được rồi, không cần chiếu chăn. Còn thức ăn thì tôi đã có mang theo lương khô đây, không dám phiền bàn đến lão.

- Vậy thỉnh cụ vào, nhưng xin cụ cho biết pháp danh và cụ ở đâu tới?

- Tôi là Vân Không, từ Triết Giang đến.

Ông già đưa sư cụ Vân Không vào. Khi đi qua Phật điện, ông thắp ngọn đèn dầu trên bàn thờ lên, rồi dẫn sư cụ vào căn phòng phía sau đối diện với phòng của ông. Căn phòng bỏ không, nhưng ở góc phòng có một đống cỏ khô chất gần đến mái nhà, mùi cỏ khô tỏa ra khắp căn phòng.

Ông già vừa nhìn sư cụ vừa nói:

- Xin cụ lượng thứ, thỉnh cụ hãy tạm nghỉ ở đây!

- Ồ, không sao! Tôi đã sống qua nhiều ngày thế này rồi, ở đây tương đối còn khá lắm!

Sư cụ để chiếc gậy và cái đãy vào góc phòng, rồi nói với ông già:

- Thôi, mời lão đi nghỉ. Để mặc tôi, tôi còn lên lễ Phật.

Ông già đi về phòng riêng. Vừa mới ngồi xuống giường, đột nhiên lại thấy tiếng gõ cửa từ đằng trước vọng vào. Lần này, tiếng gõ cửa rất gấp và cứ thình thình. Ông thấy trong lòng run sợ, còn đang phân vân không biết có nên ra mở cửa hay không thì chợt thấy sư cụ Vân Không tiến đến cửa phòng.

- Có người gọi cửa phía ngoài.

09 September 2019

Linh Hồn và Cõi Âm

Bài viết của bác sĩ Bùi Duy Tâm 
BS Bùi duy Tâm là một người rất quen thuộc với giới trí thức, sinh viên của Huế. Trước năm 1975, ông có một thời gian làm khoa trưởng Đại Học Y khoa Huế.  Đó là một người rất đặc biêt và khác thường, thể hiện bằng một số việc làm khác người ở trương ĐH Y khoa Huế  như:
              - thay hình  tượng ông Tổ ngành Tây Y  Hippocrate  bằng Ông Tổ ngành Y Việt nam  Hải Thượng Lãn Ông.
             - Lễ tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa Huế: thay vì sinh viên ra trường mặc  toge truyền thống, lại thay bằng áo dài xanh, khăn đóng.
             - Khuyến khích làm luận án Tiến sĩ Y khoa bằng đề taì Y học Đông phương (như Hà thúc Như Hỉ - em GS Hà như Chi - với luận án về hệ thống huyệt đạo trên cơ thể con người....           - và một số vụ việc trong nội bộ   khác ...     

Sau một thời gian ngắn , chức khoa trưởng ĐH Y Khoa Huế được trao cho BS Lê bá Vận  cho đến năm 1975).
                (Bài " Linh hồn và cõi âm "được lấy từ nguồn:  trang Web    www. saigonocean.com (ở hải ngoại), số tháng 6 / 2011)  Linh Hồn Và Cõi Âm.
**
Người ta đã sinh ra thì tất sẽ chết. Nên mọi người đều rất quan tâm và đa số sợ chết. Do đó sinh ra các triết nhân và triết thuyết về cái chết, các thánh nhân và tôn giáo về thiên đàng, địa ngục, các mê tín dị đoan về ma quỷ. Chúng tôi cũng như mọi người thường suy nghĩ về Cái chết, về Linh hồn, về Cõi đời sau khi chết nhưng hơi nhiều hơn mọi người.

Tôi, Bùi Duy Tâm, sinh ra trong một gia đình ba đời theo Đạo Thiên Chúa, đã đọc Thánh Kinh (Cựu Ước và Tân Ước) ba lần, đi nhà thờ rất đều mỗi sáng chủ nhật cho đến năm 30 tuổi. Sau này làm bạn tâm giao với cố Linh mục Bửu Dưỡng và Hoà thượng Thích Mãn Giác, nên tôi có điều kiện đàm luận về Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo. Tôi đã được hiểu cái tinh tuý của Lý Dịch và Đạo Nho với cố Bác sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi đã đọc rất kỹ các cuốn Tử Thư của Ai Cập và Tây Tạng cũng như nhiều sách khác cùng loại. Tôi đã sang Ai Cập, Ấn Độ, Tây Tạng… để tìm hiểu thêm về Huyền Bí Học và Siêu Hình Học. Nhưng tất cả đều mù mờ về “Linh hồn” và “Cõi đời sau khi chết”. Không có đủ chứng cứ cụ thể có thể thuyết phục tôi. Tôi không chấp nhận các giáo điều của chính trị và tôn giáo. Tôi không yên tâm với tín ngưỡng và chán ngấy các loại sách viết huyên thuyên xích đế chẳng có gì cụ thể.

Tôi trở thành một người theo phái bất khả tri: “Con người nhận biết thế giới và vũ trụ với khả năng rất giới hạn nên không thể biết được sự tuyệt đối về Thượng Đế, Linh hồn và Cõi đời sau khi chết”. Và như vậy, việc nghiên cứu tìm hiểu sự hiện hữu của Linh hồn và Cõi Âm của tôi chưa đi đến đâu cả, chưa thấy một sự kiện gì đủ thực tế để bấu víu.

Đầu thế kỷ 21, tình cờ cầm tờ Y Tế Nguyệt San số 5, tháng 5, 2001 của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và đọc bài viết “Thế giới vô hình và việc tìm kiếm mồ mả ở Việt Nam” của Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên (nguyên Phó thủ tướng đặc trách Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Xã hội thời Việt Nam Cộng Hoà). Trong bài báo, Bác sĩ Viên tả lại việc tìm mộ gia đình của Kỹ sư Trần Lưu Cung (nguyên Tổng giám đốc Giáo dục kỹ thuật và Thứ trưởng Đại học thời Việt Nam Cộng Hoà) do hướng dẫn của các nhà ngoại cảm (ông Ngà, cậu Liên, cậu Nguyện…). Các nhà ngoại cảm tìm mộ đều nói chính vong linh của người quá cố đã chỉ cho họ những chi tiết để hướng dẫn gia đình tìm mộ. Đặc biệt trong bài báo, Bác sĩ Viên còn đề cập đến bài tự thuật “Tôi đi gặp người thân đã mất (vong) tại nhà cô Phương ở Bắc cầu Hàm Rồng tỉnh Thanh Hoá. Ông Nguyễn Hùng Phong.

Ông Phong đã tường thuật lại việc ngày 16-12-1999 đến nhờ cô Phương giúp cho được gặp lại vong linh của vợ là bà Vũ Thị Hạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đã mất đột ngột tại nơi làm việc tháng 3 năm 1999 do bệnh tim... Sau khi đọc xong bài báo, tôi mừng quá, liền gọi điện thoại ngay cho ông Trần Lưu Cung. Ông Cung xác nhận sự kỳ diệu của việc tìm mộ và còn gửi cho tôi xấp tài liệu riêng của gia đình kèm theo rất nhiều hình ảnh.Như vậy là đề tài “Linh hồn và Cõi âm” đã có cơ hội hé mở sau bao thất vọng. Còn đợi gì nữa mà không về Việt Nam, đến cầu Hàm Rồng để tìm gặp cô Phương cho ra nhẽ?

07 September 2019

Túy vân Hành, thơ



Ừ Người về lại chốn xưa. Ngậm ngùi vì đâu còn gì nhiều của ngày cũ. Mây vẫn còn say trên đỉnh núi. Biển vẫn dục sóng vỗ bờ. Mái phủ đường vẫn rêu phong. Những con phố nhỏ vẫn đìu hiu. Nhưng chỉ thế thôi. Hình như linh hồn ngọt ngào của chốn cũ không còn. Bước chân Người lênh đênh, rã rời. Người nhìn biển, nhìn núi, và chợt nhận ra, Người chỉ còn biển, và núi, và mây say, và tiếc nuối… Người thấy mình như Hạ Tri Chương nghìn năm về trước, trở về làng cũ sau những tháng năm phiêu bạt, thấy mọi sự đều đổi thay, chỉ còn đó Kính Hồ trước cửa nhà, với con sóng vẫn nhởn nhơ đùa cợt cùng gió chiều. Hạ Tri Chương cuối cùng đã từ quan về làng cũ làm đạo sĩ. Còn Người…Nôn nao về. Rồi lại lặng lẽ quay lưng ra đi, và làm sao hơn được, tiếp tục làm người mất quê hương dù quê hương vẫn còn đó, bên kia bờ Thái Bình Dương mịt mù khói sóng.

Ừ, về phủ cũ trang đài, Em phôi pha để ta ngoài lênh đênh…


03 September 2019

NHẮC LẠI 5 YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA NGƯỜI BIỂU TÌNH HONGKONG

1. Rút hoàn toàn luật dẫn độ
Full withdrawal of the extradition bill

2. Ủy ban điều tra độc lập về lạm dụng bạo lực của cảnh sát
A commission of inquiry into alleged police brutality

3. Rút lại việc phân loại người biểu tình là những kẻ bạo loạn
Retracting the classification of protesters as “rioters”

4, Ân xá cho những người biểu tình bị bắt
Amnesty for arrested protesters

5. Quyền bầu cử phổ quát kép, dân được tự bầu cả Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng
Dual universal suffrage, meaning for both the Legislative Council and the Chief Executive

Dịch và Sub: Koby Algen (ctv trang Dù Vàng HK)

“Thế à ?”

Chuyện kể rằng, thời bấy giờ, ở một nhà bán vải, cách thiền viện của Hakuin không xa, có cô con gái chửa hoang. Sợ nói ra tên người bạn trai thì anh ta sẽ bị cha mình đánh chết, nên cô gái nhất định không chịu nói. Sau, không chịu được sự tra hỏi bức ép của cha, cô gái bèn nghĩ tới thiền sư Hakuin, người mà cha cô rất sùng kính nên nói rằng : “Đứa trẻ trong bụng con là của thiền sư Hakuin.!”.

Cha cô gái nghe xong sững cả người, vì ông rất tôn kính thiền sư Hakuin, làm sao có thể có chuyện đó được. Nghĩ vậy, nhưng không còn cách nào khác, người cha mang con gái tới gặp thiền sư Hakuin.

 Thiền sư nghe xong, chỉ nhẹ nhàng nói : “Thế à.?”. Cha mẹ cô gái thấy thái độ của Hakuin bình thản, không làm lớn chuyện nữa. Đến khi cô gái sinh con ra, họ liền mang đứa trẻ tới thiền viện của Hakuin và nói : “Đây là nghiệt chủng của ông, trả lại cho ông đấy.!”. Sự việc sau đó được truyền ra bên ngoài, những người trong vùng ai cũng chê bai, dè bỉu thiền sư, nói rằng ông đường bệ thế mà tâm địa thấp hèn. Tuy nhiên, Hakuin không thanh minh, ngược lại âm thầm nuôi dưỡng đứa bé.

 Hơn một năm sau, cô gái nọ, nhớ con và không chịu được sự cắn rứt của lương tâm nên nói ra toàn bộ sự thực. Cha mẹ cô nghe xong, vô cùng hối hận, cả nhà từ lớn tới nhỏ kéo lên chùa xin lỗi Hakuin. Thiền sư nghe xong, cũng chỉ nói có một câu : “Thế à.?”. rồi đưa trả đứa bé về với mẹ của nó ...

 Cảnh giới “KHÔNG”, không phải là “không có gì, không tồn tại” như nhiều người vẫn nghĩ, mà là không còn các tâm xấu của con người như : oán hận, tranh đấu, đố kỵ ... Đó là cảnh giới mà tâm trong như nước, tĩnh như núi, nhẹ như mây, không có bất cứ chuyện gì của con người làm xao động tâm của họ được nữa. Trong câu chuyện trên, thiền sư Hakuin đã ở ngoài thất tình lục dục của nhân gian và đạt đến cảnh giới “không” của bậc Giác ngộ.

@Fb/NTT

Bịp, bịp, bịp đến thế là cùng !

Nguyễn Đình Cống

Truyện “Đôi mắt” của Nam Cao kết thúc bởi câu: Tài, tài, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo. Tôi xin mượn ý đặt tên cho bài viết. Đó là chuyện khá nhiều người khi nói hoặc viết về Di chúc Hồ Chí Minh đã thêm thắt, bịa đặt ra một số điều không có trong đó. Vạch ra điều này nhằm bảo vệ sự chân thật của Di chúc

Nhân 50 năm Di chúc người ta tổ chức cơ man các hội thảo. Về việc này tôi đã viết bài “Hội thảo về Di chúc”, vạch ra việc một số tác giả trình bày tham luận với những lời hoa mỹ không có thật để gán cho nó. Đồng thời tôi cũng kể ra một số điều để bàn luận.

Có lẽ đỉnh cao của 50 năm Di chúc là cuộc lễ kỉ niệm hoành tráng vào ngày 30 tháng 8, với trên 3500 người dự, gồm từ Chủ tịch nước, các ủy viên Bộ Chính trị ĐCS, các cán bộ cao cấp của Nhà nước cho đến các bạn trẻ. Ở đây người ta lại đưa ý nghĩa của Di chúc lên tận mây xanh. Nào là: Di chúc là văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân… Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc và thời sự để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và các Đảng viên”, rồi nữa: Di chúc là đuốc soi đường, là lý luận về xây dựng Đảng v.v..

Xem tường thuật buổi lễ trên VTV 1 tôi thấy trong khi diễn giả nhìn vào giấy đọc thao thao bất tuyệt bài diễn văn thì đa số cử tọa tỏ ra thờ ơ. Vì sao vậy? Phải chăng họ đã biết rõ phần lớn nội dung được trình bày là giả dối, họ bị bắt buộc ngồi nghe những điều đã quá quen tai. Người đọc diễn văn, tuy đôi lúc nhấn giọng vào vài chữ, nhưng chắc cũng chưa hiểu một số điều được người khác viết ra. Mà rồi chắc người soạn ra diễn văn cũng không tin vào một số điều mình viết.

Bằng thái độ khoa học nghiêm túc tôi đã nghiên cứu Di chúc và thấy rằng nội dung chủ yếu của nó nói lên tâm nguyện và tình cảm của một lãnh tụ đối với việc Đảng, việc Dân, toát lên tư tưởng trọng dân, thân dân. Tôi chẳng tìm thấy kết tinh tư tưởng ở đâu, không thấy tổng kết sâu sắc về lý luận, không thấy bóng dáng của ngọn đuốc nào.

Thế mà người ta thi nhau tâng bốc, người trước nói đã hoa mỹ, người sau cố hoa mỹ hơn. Người trước đưa lên ngọn cây, nóc nhà, đỉnh tháp, người sau đưa lên tận mây, tận trời xanh. Nhưng soi kỹ ra mới thấy phần lớn lời tâng bốc chỉ là bịp. Bịp ở tờ báo này, buổi phát thanh kia là cái bịp bình thường. Bịp ở cuộc lễ kỷ niệm tầm cỡ quốc gia là đại bịp. Bịp đến thế là cùng.

Còn việc thực hiện Di chúc, đoạn quan trọng nhất về hỏa táng thi hài thì đã bị vứt bỏ mất rồi. Thế là phản lại chứ thực hiện cái gì. Không biết rồi người ta còn lừa bịp đến bao giờ.

Trong bài “Hội thảo về Di chúc” tôi đã phân tích một số điều, ở đây chỉ xin đưa ra 2 vấn đề .

Thứ nhất, về phê bình và tự phê bình.

Điều lệ Đảng viết: thực hiện các nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Di chúc viết: Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Từ trước đến nay, không những đảng viên thường mà các cán bộ lãnh đạo đều nói như sáo vẹt rằng tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để củng cố, làm trong sạch và phát triển tổ chức. Quả thực vũ khí đó đã có tác dụng tốt trong một thời gian, nhưng dần dần nó đã bị cùn nhụt, bị hoen gỉ, và hiện nay việc phê bình hầu như rất ít người dùng vì không còn tác dụng. Vì sao vậy?.Vì rằng không phải ai cũng dùng được nó. Muốn có hiệu quả người dùng phải trong sáng, trung thực, có tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau, biết chấp nhận lẽ phải. Thế nhưng những tính cách tốt đẹp ấy cứ giảm dần, mất dần vì có nhiều phần tử cơ hội chui vào Đảng để mưu quyền đoạt lợi. Với tình trạng như của Đảng bây giờ mà cho rằng phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển là một ảo tưởng.

Thứ hai, về phong trào cộng sản thế giới.

Di chúc viết: ”Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tinchắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại “

Hồ Chí Minh chỉ mới thấy và đau lòng về “sự bất hòa”.mà không thấy thảm họa của phong trào cộng sản, không dám nghĩ tới sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông Âu, không lường được sự phản bội của Trung cộng. Điều mà Hồ Chí Minh tự hào đã tiêu tan, điều tin chắc đã không xảy ra mà còn trái ngược hoàn toàn, điều mong ước thật sự vô nghĩa.

Khen ai cái gì thì khen cho đúng. Tâng bốc. nịnh bợ, gán cho người ta những phẩm chất quá cao quý, không có thật thì không những làm hại họ mà còn thể hiện sự tăm tối hoặc đểu cáng của bản thân.

Tôi nghĩ, nếu phụ hồn Hồ Chí Minh lên, đọc cho ông nghe những lời tâng bốc về Di chúc, ông sẽ phán: Láo, láo, láo. Chúng mày bịp, bịp, bịp đến thế là cùng.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Nguồn: boxitvn.blogspot.com

01 September 2019

Số phận lạ lùng của Phật giáo.

Báo Le Point phỏng vấn Ngài Philippe Cornu

Vào khoảng năm 525 trước Chúa Jésus, Đức Phật đã tiên đoán trước:

Hai ngàn năm trăm năm sau, tuy Phật giáo có khoảng 700 triệu tín đồ trên toàn thế giới, nhưng lại biến mất trên đất nước Ấn Độ, nơi mà trước đó Phật giáo từng là một trào lưu tình thần chính yếu, suốt cho đến thế kỷ thứ X. Tại sao lại xảy ra như thế?

Sau đây là lời giải đáp của Ông Philippe Cornu.
Lời giới thiệu của người dịch :

Ông Philippe Cornu là đương kim Chủ tịch Đại Học Phật Giáo Âu châu, Giảng sư tại Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây tạng, Trung hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự điển bách khoa Phật giáo.

Sau đây là một bài báo ngắn do nữ ký giả Cathérine Golliau phỏng vấn ông, đăng trên một tờ tạp chí lớn của nước Pháp là Le Point (số ngoại lệ với chuyên đề về nên Văn minh Ấn độ, số 3 tháng 7 và 8, năm 2008). (Hoang Phong)
**

Báo Le Point : Phải định nghĩa Phật giáo như thế nào ?

P. Cornu : Đó là con đường tâm linh nhắm mục đích tự giải thoát khỏi vô minh và lầm lẫn, nguồn gốc đưa đến khổ đau, và giúp đạt được Giác ngộ, tức một thể dạng lột trần được mọi ảo giác, và từ thể dạng đó sự thực tối thượng sẽ hiển hiện. Người ta thường xem Phật giáo là một tôn giáo, trong chiều hướng Phật giáo chủ trương một con đường đạo đức, một luận thuyết triết học, đề nghị những nghi lễ và cách thức tu tập tinh thần trong mục đích giải phóng con người: vì thế cần phải đặt lòng tin nơi Đức Phật để bước vào con đường ấy. Tuy nhiên Đức Phật không phải là một vị trời, và Đạo Phật, còn gọi là Bouddha-darma (Đạo Pháp của Đức Phật) không phải là một tôn giáo thờ trời, theo ý nghĩa một vị trời sáng tạo.

Báo Le Point : Có phải đấy là một phản ứng chống lại Đạo Bà-la-môn hay không ?

P. Cornu : Đức Phật xuất hiện vào một thời điểm mà các bản kinh Vệ-đà của Đạo Bà-la-môn bị chỉ trích là chỉ biết chú trọng đến nghi lễ, một số người không chấp nhận khía cạnh ấy của Đạo Bà-la-môn đứng ra soạn thảo các kinh điển mới gọi là Upanisad, các kinh này quan tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân. Con đường của Đức Phật nằm trong bối cảnh diễn tiến đó của kinh điển Upanisad, tuy nhiên tính cách đặc thù trong luận lý và kinh nghiệm của Đức Phật khác hẳn các hình thức cải tiến của Đạo Bà-la-môn qua các kinh điển Upanisad như vừa kể.

Báo Le Point: Đâu là những khác biệt chính yếu cho thấy những điểm trái ngược giữa hai trào lưu đó?

P. Cornu: Trọng tâm trong những lời giáo huấn của Đức Phật là tính cách vô thường của tất cả mọi sự vật, sự kiện không hề có một "cái ngã" trường tồn, và những gì mà thông thường người ta gọi là sự tương liên hay là sự tương tạo dựa vào nhiều điều kiện, nguyên tắc ấy cho thấy mọi hiện tượng chỉ có thể hiện hữu bằng cách liên đới với nhau, những hiện tựơng này làm điều kiện giúp cho những hiện tượng khác hiện hữu.

Tham vọng muốn kiểm soát mọi vật thể và lòng ước mong chận đứng, bằng bất cứ giá nào, những chuyển động của vô thường, sẽ làm phát sinh những hiểu biết sai lầm về thế giới này và do đó chỉ đem đến khổ đau mà thôi.

Tại sao lại như thế ?