27 February 2022

Vĩnh biệt Ngô Đình Hoa


Putin bị thế giới xa lánh giữa lúc hy vọng chiến thắng nhanh chóng của ông ta tan biến

Vladimir Putin đang đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng và cái viễn cảnh của một tên cùi hủi. Vào tối thứ bảy các đồng minh lâu năm quay lưng lại với ông ta sau cuộc xâm lược Ukraine, còn các quốc gia phương Tây lên kế hoạch hành động quân sự và tài chính quyết liệt hơn nữa chống lại Moscow.

Khi hy vọng chiến thắng nhanh chóng tan thành mây khói trước sự kháng cự quyết liệt của binh lính Ukraine và đội quân tình nguyện của dân chúng, Tổng thống Nga đã bị đồng minh chủ chốt của mình là Trung Quốc bỏ rơi trong khi tối hậu thư của ông ta đưa ra buộc Kyiv đầu hàng vô điều kiện bị Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy gạt sang một bên.

Trong diễn biến có lẽ nổi bật nhất, vào tối thứ Bảy, Đức tuyên bố sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng cũng như 500 hỏa tiễnStinger từ nguồn dự trữ quân sự của nước này.

“Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đánh dấu một bước ngoặt”, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, nói, báo hiệu một sự thay đổi lớn trong lập trường quân sự thời hậu chiến của đất nước ông. “Nó đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến của chúng ta. Trong tình huống này, chúng tôi có nhiệm vụ hỗ trợ Ukraine hết khả năng để bảo vệ Ukraine trước đội quân xâm lược của Vladimir Putin. Đức đứng về phía Ukraine.”

Đặc biệt người ta thấy chính phủ Đức đang đáp ứng áp lực mạnh mẽ từ Anh, Mỹ và Canada yêu cầu loại Nga khỏi hệ thống thanh toán trọng yếu ngân Swift, sau khi Kyiv nhiều lần kêu gọi phương Tây làm như vậy. 

Khi làn sóng ngoại giao toàn cầu tới tấp phán kháng, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo liên tục rằng họ đang ra lệnh cho "tất cả các đơn vị tiến lên trong tất cả các lĩnh vực" vì họ cáo buộc Ukraine từ chối đàm phán. Trong cố gắng cùng quẫn nhằm vẽ ra câu chuyện có dáng vẻ tích cực trong cuộc chiến thông tin, Điện Kremlin đã cấm các cuộc biểu tình trên đường phố và hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, trong khi ngày càng đông những người nổi tiếng và người có ảnh hưởng của Nga tuyên bố ủng hộ các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn chiến tranh.

(TTR tóm lược bài viết trên The Guardian)

26 February 2022

Từ vấn nạn của Ukraine nghĩ về vấn đề cho Việt Nam

Nguyễn Xuân Thọ
Cologne, Đức

Đế quốc nào bành trướng thì cũng sẽ lụn bại. Nga từng là một để quốc lớn và từ 1991 đến nay đang là một đế quốc thất bại.

Nó thất bại không phải vì thiếu tiền, thiếu vũ khí, thiếu máu người, mà vì thiếu văn minh. Dân tộc Nga vĩ đại có một nền văn hóa rực rỡ. Nhưng điều đó không tránh được việc họ đã để những tên độc tài khát máu thống trị mình.

Nền độc tài của Stalin đã đưa nước Nga và Liên Xô thành một siêu cường.

Cuối cùng đẳng cấp thấp sẽ thua

Nhưng kho hạt nhân lớn nhất thế giới, nền công nghiệp vũ trụ hàng đầu cũng như trữ lượng dầu khí tưởng như vô hạn đã không giữ được đế quốc Liên Xô khỏi bị sụp đổ. Nó sụp đổ vì thiếu vắng những giá trị của thời đại. Đó là dân chủ, tự do, nhân đạo.

Những kẻ độc tài kiểu Putin hay Tập Cận Bình chỉ nghĩ đến được những việc như thay đổi hiến pháp để cầm quyền suốt đời. Họ chỉ thích tập hợp quanh mình những kẻ khiếp nhược mà ta thấy trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia của Putin.

(Ông Putin chủ trì phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga hôm 21/02)

Vì vậy mà khi kẻ độc tài lên cơn điên thì không có ai cản được, khi vua cởi truồng mà tất cả vẫn phải nhắm mắt khen đẹp.

Tổng thống Donald Trump ở Mỹ có thể muốn làm nhiều việc động trời. Nhưng quanh ông ta là cả một thiết chế dân chủ, là quốc hội, là tòa án, là những con người có tư tưởng dân chủ nằm ở mọi nơi. Người đảng Cộng hòa, do ông ta đưa vào các vị trí quan trọng cũng vẫn hành động theo lương tâm và luật pháp. Đó chính là sự khác nhau về đẳng cấp văn minh.

Giờ đây Putin nuối tiếc vị thế của hoàng đế, khi có cảm giác là mình đã bình định được thiên hạ ở Nga và các nước Trung Á. Những cuộc chiến ông ta phát động ở Georgia (Gruzia) hay nay ở Ukraine là để thỏa mãn mộng bá vương cá nhân ông ta chứ không liên quan gì đến lợi ích của 140 triệu người Nga. Mọi câu chuyện về lịch sử Ukraine mà ông ta kể ra hôm nọ chỉ để lừa bịp những kẻ nhẹ dạ.

Cho dù chúng có đúng đi nữa thì việc dùng bom đạn để sửa lại lịch sử cũng giống như giả sử người Đức đòi lại vùng Đông Phổ nằm ở Ba Lan và kể cả thành phố Kaliningrad của Nga, hay giả sử người Hungary, người Tiệp đòi lại các lãnh thổ họ bị mất trong hai cuộc đại chiến. Người Việt còn nhớ đến các vùng đất Champa, Chân-Lạp, Cao Lãnh, Trà Vinh từng là của ai?

Cái lý người Nga bị tàn sát ở Ukraine thì rõ là bốc mùi của vụ Nạn kiều mà Đặng Tiểu Bình dựng ra năm 1978-1979 hay Hitler dựng ra vụ Sudeten ở Tiệp Khắc 1938 để đưa quân vào.

(Quân Ukraine ở Donetsk (Reuters))

Tất nhiên Putin không tấn công sang ba nước CH Baltic bé tí tẹo, mặc dù cộng đồng Nga ở đó cũng không nhỏ. Ba nước này tuy nhỏ nhưng hơn Nga về đảng cấp văn minh. Người ta vẫn nhớ đến cuộc nổi dậy bất bạo động của người dân ba nước Estonia, Latvia và Litva trong năm 1990 đã khiến cho hàng chục sư đoàn Liên Xô đóng ở các lãnh thổ đó phải im lặng và rút lui.

Quân Nga dù chiếm đóng các nước này nhưng vẫn ngước nhìn lên (lính Nga ở CHDC Đức khi xưa cũng vậy). Người Nga vẫn kiềng nể hai nước nhỏ có biên giới với mình ở phương bắc là Phần Lan và Na Uy.

Người Phần Lan với trình độ phát triển hơn, không dựa vào chiến tranh lấy thịt đè người nên với 200.000 quân ít trang bị hơn, đã cầm chân 600.000 quân Liên Xô trong cuộc chiến Lappland 1939-1940.

**
(H1) Phần Lan đã tập trận cùng Thụy Điển để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu năm 2017

(H2) Hai nữ quân nhân Phần Lan. Sống cạnh nước Nga to gấp nhiều lần, quân đội Phần Lan luôn đề cao cảnh giác

**

25 February 2022

Bóng đá

Phạm Đức Thân

Covid 19 đã hoành hành trên thế giới mấy năm rồi, hy vong từ nay đến cuối năm 2022 sẽ đủ an toàn để FIFA tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới tại Qatar từ 21/11 đến 18/12, sau khi vì dịch bệnh đã phải hoãn từ mùa hạ sang mùa đông.Trong khi chờ đợi đuợc xem các trận đấu vào chung kết của 32 đội, thiết tuởng cũng nên tìm hiểu bóng đá để tham dự (mặc dù đa số qua TV) đuợc thông suốt hơn.

Bóng đá (bóng tròn) là môn thể thao đại chúng phổ biến nhất trên thế giới - mặc dù tại Mỹ chưa duợc rầm rộ như bóng rổ, bóng ném (bóng bầu dục) - với trung bình 250 triệu nguời chơi tại khoảng 200 nuớc lớn nhỏ duới mọi hình thức, vui chơi giải trí cũng như chuyên nghiệp. Mỗi 4 năm đều có tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới (32 đội năm 2018) thuờng gây những cơn sốt cho hàng trăm nuớc tham dự (dĩ nhiên kể cả những nuớc đã bị loại từ vòng ngoài). Cầu thủ nổi tiếng không thua các ca nhạc sĩ, minh tinh màn bạc, chính khách....

Bóng đá hết sức đơn giản, luật chơi dể dàng lãnh hội, già trẻ nam nữ đều có thể tham dự Bóng đá nghĩa là phải có bóng để đá và chỗ để chơi. Trận đấu chính thức thuờng gồm 2 đội (11 cầu thủ) diễn ra trên sân cỏ hình chữ nhật, rộng khoảng 70m, dài khoảng 110m, khung thành rộng khoảng 7,5m, cao khoảng 2,5m, và chơi trong 2 hiệp (45 phút), nghỉ 15 phút giữa 2 hiệp. Đôi khi đá thêm giờ (30 phút) và luân phiên đá trực tiếp vào khung thành để quyết định thắng thua. Nhưng để giải trí hoặc thể dục, bóng đá có thể chơi trên bất cứ chỗ nào (ngoài đuờng phố, góc công viên, sân sau nhà, ngay cả trên sân thựợng, trên cát ngoài bãi biển...) Số người chơi có thể chỉ là vài nguời, miễn là chia thành 2 phe, cố gắng đá lọt khung thành phe kia. Trái banh tròn bằng da, chu vi khoảng 70cm. Nếu không có bóng, chơi giải trí vẫn có thể dùng bất cứ vật tròn nào lăn đuơc, đá đuợc, có khi tự chế, làm bằng giấy, vải cuộn tròn lại.

Bóng đá là hơi thở cuộc sống, nhất là đối với dân châu Phi, Mỹ Latin. Nhiều thanh niên ở Brasil ban ngày làm việc vất vả, nhưng đêm đến là phải ra ngoài đuờng quần nhau, tranh banh ghi bàn; khung thành có khi chỉ đánh dấu bằng 2 cục gạch. Cuộc sống hình như thiếu ý nghĩa khi không có bóng đá. Các học trò xưa ở VN tan học thuờng tụ tập góc sân nào đó, quần thảo đến mệt lả mới ngưng, sau đó lại còn rôm rả bàn về trận đấu vừa qua.

Bóng đá có khi chỉ là ý nghĩ, là tưởng tượng, là một khả hữu mà thôi. Cụm từ xứ Chile rayando la cancha có nghĩa là "vạch sân chơi" khi muốn biến chỗ nào đó thành sân đá banh; nhưng nó đã trở nên thành ngữ chỉ sự bắt đầu của bất cứ việc gì. Trong một phim thời sự thấy chiếu quân Hồi Giáo vừa chiếm đóng một thành phố ở Trung Đông, ra lệnh cấm thể thao, và tịch thu banh của đám trẻ đang chơi. Không có banh, chúng vẫn tiếp tục chặn banh, lừa banh, tranh banh trong tưởng tượng....và ngay cả đá lọt khung thành đối phương cũng như ăn mừng chiến thắng!
          
Bóng đá xuất hiện đầu tiên ở Anh thế kỷ XIX tại các trường và đại học, có tính cách tài tử, không phải chuyên nghiệp, được coi như một phương tiện để huấn luyện con cháu quý tộc và tư sản có sức khỏe, năng lực, can đảm, ý chí của người lãnh đạo tương lai, ngõ hầu đạt được thắng lợi trong chính trường, quân đội, kỹ nghệ, thương mại...Nhưng phải tranh đua trong tinh thần thể thao, công bằng (fair play), không phải cố thắng bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Cho nên năm 1863 các thủ quân đội bóng đá các trường đã nhất trí về Luật Chơi (Laws of the Game) và thành lặp Hội Túc Cầu Anh Quốc (English Football Association). Sinh viên thường nói tắt "association" thành "soc-er", cho nên "soccer" được dùng chính thức tại Mỹ để phân biệt với American Football (bóng ném bầu dục). Nhiều nước vẫn dùng chữ "football, futbol..." để chỉ bóng đá. Vd. Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Đế Quốc Anh hiện diện khắp lục địa, lại thêm các công ty Anh hoạt động toàn thế giới, cho nên cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện bóng đá ở châu Âu, Mỹ Latin, Đông Nam Á, châu Phi...Rồi bóng đá phát triển, dần dần trở thành môn thể thao dân chủ nhất, đại chúng nhất, ai cũng có thể tham gia. Dĩ nhiên mỗi địa phương có pha chút tính bản địa, giống như tiếng Anh nói khắp nơi, nhưng thường có giọng điệu (accent) địa phương đi kèm. Anh thực sự là nước khai sinh, giống như đối với quyền Anh, nhưng nay bóng đá là của đại chúng toàn cầu, nước Anh chẳng có được một chút đặc quyền nào trong thi đấu, cho thấy bóng đá rất công bằng, dân chủ. Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (gọi tắt là FIFA) trụ sở ở Thụy Sĩ, hiện quản lý bóng đá thế giới.

Bóng đá cũng dân chủ ở chỗ không phân biệt thể hình, vóc dáng. Khá ngạc nhiên là nhiều tay làm bàn nổi tiếng không phải đô con, lực lưỡng. Khả năng nhìn biết và di chuyển thông minh, chạy nhanh, sút như chớp quan trọng hơn thể hình.

Lionel Messi người hơi thấp nhỏ, nhưng được công nhận là cầu thủ bứt phá, tấn công hạng nhất.

Manuel Francisco dos Santos đi chân vòng kiềng, nhưng di chuyển, lừa banh, dẫn banh tài tình, thường vượt qua được hàng phòng vệ của đối phương, gây ngạc nhiên.

Diego Maradona bảo bóng đá thật đẹp, thích nghi cho mọi người, dù là thấp lùn như anh. Anh từng bị chủ tịch hội túc cầu Juventus chê là thể hình của anh sẽ chẳng bao giờ đưa tới thành công trong thể thao.

Đặc biệt bóng đá đón nhận cả những cầu thủ khuyết tật. Đã có đội banh cho người ngồi xe lăn, người khiếm thị; và còn tổ chức tranh giải nữa. Mặt khác bóng đá không cứng nhắc, mà linh hoạt chấp nhận vài hình thức dị biệt có tính thường xuyên, chứ không phải ứng phó đột xuất tùy trường hợp, như đã nói ở một đoạn trên (chỉ vài người và có thể chơi ngoài đường, góc phố,,,,).
Vd. Bóng đá mini có nhiều hình thức, tên gọi, luật tắc hơi khác nhau; có thể diễn ra ngoài trời hay trong nhà, cầu trường có mái; sân cỏ thật (hay bằng chất tổng hợp) hay sân cứng; giầy có đinh hay không...

Chúng có đặc điểm chung là kích thước cầu trường nhỏ hơn, cầu thủ mỗi đội có thể chỉ từ 3 đến 7 người, thời lượng chơi ngắn hơn, quả bóng nhỏ hơn...Nêu ra đây để chứng minh bóng đá hết sức dân chủ, đa dạng, đáp ứng mọi thành phần xã hội về các mặt tuổi tác, giới tính, giai cấp... Không thể đi vào chi tiết của những loại hình bóng đá mini này vì khuôn khổ bài không cho phép. Chỉ ghi nhận ở đây các đội Mỹ Latin cũng là hàng đầu trong các giải loại bóng đá mini nói trên.

Tuy nhiên tưởng cũng nên biết một kiểu bóng đá đặc biệt do Asger Jorn (Đan Mạch) khởi xướng thập niên 1960. Đó là "Bóng Đá Ba Đội" (Three-Sided Football hay 3SF) còn gọi là "Bóng Đá Vô Chính Phủ" (Anarchist Football), chơi trên cầu trường hình lục giác, với 3 đội, 3 khung thành, không có trọng tài, không có việt vị, đá phạt góc, ném biên, đá phạt trực tiếp. Trận đấu quay cuồng, phức tạp. Hai đội có thể tạm thời hợp tác, chống lại đội kia; nhưng tùy hoàn cảnh có thể thay đổi chiến thuật cũng như đồng minh.. Đội thắng không phải là đội ghi bàn nhiều nhất, mà là đội bị thủng lưới ít nhất. Kiểu bóng đá này được thấy thường xuyên ở châu Âu, vài năm cũng tổ chức Giải Quốc Tế, và ở Mỹ cũng đã thấy manh nha. (Lưu ý: 3SF khác three-a-side football - kiểu sau là bóng đá mini mỗi đội 3 cầu thủ.)         
         
Bóng đá là của mọi nguời, cho mọi nguời, không phân biệt giới tính. Truớc đây có thành kiến bóng đá nhiều bạo động, là địa hạt của phái nam. Phái nữ yếu đuối, không nên xen vào. Nhưng dần dần phái nữ chứng tỏ đuợc khả năng của mình, nhất là với phong trào nữ quyền, đòi bình đẳng với phái nam về mọi mặt. Các trận đấu nữ đã lôi cuốn được đông đảo khán giả, nhất là số khán giả nữ cũng gia tăng gấp bội. Một số nước như Mỹ, Nhật...có những đội bóng đá nữ nổi tiếng, và cũng có Giải Quốc Tế cho đội nữ.. Bóng đá hấp dẫn cả nam lẫn nữ, trừ một vài nuớc Hồi giáo vẫn cấm khán giả nữ, và bắt phạt nếu vi phạm.

Bóng đá là một ngôn ngữ phổ quát, hơn cả tiếng Anh, Arab, Trung Hoa... môt loại Esperanto bằng chân mà văn phạm thống nhất từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, cho nên ai cũng hiểu. Hai ngoại nhân gặp nhau, không biết tiếng nói của nhau, chỉ cần nêu tên vài cầu thủ nổi tiếng, là gật gù thông cảm nhau ngay. Esperanto bằng chân này viết nên những câu chuyện mà không một loại hình nghệ thuật nào có thể viết hay hơn.

Thật vậy, mỗi trận đấu ví như một vở kịch không kịch bản, mở ra những bất ngờ thích thú, không thể tiên đoán, với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ...là một hùng ca, một bi kịch, có khi là hài kịch. Bóng đá khêu gợi nhiều cảm xúc, thông qua tuơng tác của các cầu thủ, với những tấn công, phòng vệ, bứt phá, ghi bàn...Cảm nghiệm sống động, đúng lúc, đúng chỗ, như một bừng tỉnh, không phải kiểu giải trí như đọc truyện, xem kịch, nghe nhạc...

Khán giả xem bóng đá để giải trí thì chỉ là nửa vời. Muốn cảm nhận đến nới đến chốn phải nhập cuộc, phải chọn phe, hòa mình với cầu thủ và khán giả phe mình, vui buồn theo đuờng banh lên xuống...Bóng đá cho nhiều thích thú, bất ngờ vì là một thế giới căng thẳng, một cuộc đấu tranh của 2 đội diễn ra trong một thời gian nhất định, với những thay dổi chiến thuật, đội hình. Khán giả đầu tư tình cảm vào đó, không biết kết quả thế nào, mong đợi có những pha đẹp mắt, sôi động, ghi bàn...nhưng cuối cùng lại có thể là thất vọng, tức giận, vì phe ta thua, hoặc trận đấu tẻ nhạt, cầu thủ chơi bạo, câu giờ....
          
Đám đông là lý do tồn tại của bóng đá. Phải đi vào đám đông, hít thở không khí cầu truờng, ca hát, phất cờ, ngả ngớn theo lớp lớp sóng nguời ủng hộ, nhẩy nhổm hét lên khi có cú ghi bàn ngoạn mục (như bay nguời đá nguợc từ trên không, hoặc rót banh từ xa vuợt qua đầu phòng ngự...) Có nguời ví lúc đó cực khoái như làm tình. Chả thế mà nó thuờng đuợc diễn tả qua lối nói "xâm nhập vùng cấm địa, chọc thủng màn luới trinh bạch..." Đời nguời chỉ đôi lần đuợc sống những lúc nhớ đời này. Trận bóng đá chơi liên tục trong 90 phút khiến 2 đội phải cố gắng không ngừng để ghi bàn, và khán giả cũng phải dồn tâm trí theo dõi với cảm xúc mãnh liệt. Thảo nào đám đông ăn mừng thắng Giải Túc Cầu Thế Giới như một quốc lễ. Các cầu thủ đem vinh quang về cho xứ sở đuợc hoan hô như các anh hùng, nhất là đối với truờng hợp nuớc nhỏ.

Nguời ngoài cuộc không hiểu tại sao chuyện 22 cầu thủ tranh nhau 1 trái banh 430 gram trong 90 phút mà nhiều phần chỉ là chạy tới chạy lui, lại có thể tác động mạnh như vậy. Thật ra, bóng đá không cần giải thích, đó là sở thích riêng của mỗi nguời. Có nhiều lý do riêng tư để chọn ủng hộ một hội, và có khi nồng nhiệt đến mức cuồng tín, mất lý trí, gây nên bạo động, xung đột chết nguời. Gọi họ là "fan" do chữ "fanatic" (cuồng tín). Họ đánh nhau, hoặc gây bạo loạn đuờng phố để ăn mừng khi chiến thắng cũng như trút cơn giận lúc bị thua. Nhiều nuớc đã vất vả với đám du đãng bóng đá này (gọi là football hooligan). Ngay tại VN cũng diễn ra cảnh chạy xe bấm kèn inh ỏi, nhẩy nhót hò hét, phất cờ náo loạn ngoài đuờng phố (có cô còn khỏa thân chạy nhông nhông) để mừng đội tuyển VN thắng, hoặc khóc vật vã trên sân cỏ khi đội nhà thua, trong các trận tranh giải khu vực hoặc quốc tế. Đủ thấy bóng đá gây cảm xúc thật mãnh liệt, nối kết mọi nguời trong một liên đới, gần gũi nhất thời, chia sẻ vui buồn với nhau.
          
Muốn thuởng thức nhạc đến nơi đến chốn, phải biết chút nhạc lý. Vậy mà nhiều khán giả bóng đá ít chịu tìm hiểu ngôn ngữ bóng đá để thông suốt trận đấu. Ngoài đội mũ, mang huy hiệu hay T-shirt của đội để ủng hộ thiết tuởng cũng nên tìm hiểu lịch sử đội và cầu thủ, luật lệ bóng đá (vd. lỗi việt vị, bẫy việt vị, cách tránh bẫy...) các đội hình (vd. 4-4-1-1, 4-4-2, 4-3-3, 4-5-1....) để hiểu khi chúng thay đổi trong trận đấu. Cũng như các chiến thuật tấn công, phòng ngự (vd. la nuestra - kiểu của chúng tôi - của Argentina thích tấn công; verrou, catenaccio - then cửa- của Thụy Sĩ, Ý phòng thủ chặt chẽ; repenitización - ứng tác - của Argentina, Chile thiên về ngẫu hứng, đột xuất.)

Đặc biệt là chiến thuật Total Football (Bóng Đá Toàn Diện) của Hà Lan 1970 có tính cách mệnh, ảnh huởng về sau đối với nhiều nứớc. Theo đó, cầu trường không phải là sân cỏ cố định, mà sẽ mở rộng ra để ta tấn công mọi phía khi banh thuộc phe ta, và khép chặt lại cùng với truy cản ráo riết và giăng bẫy việt vị, khi banh thuộc về địch. Cầu thủ không có vị trí cố định (tiền đạo, trung phong, hậu vệ...) mà linh động tiến thoái, mở khép theo nguyên tắc trên. Dĩ nhiên cầu thủ phải rèn luyện để có nhiều kỹ năng đa dạng, áp dụng thích nghi khi cần. Có nguời cho đây là ảnh huởng của tư tuởng cấu trúc luận (structuralism) trên sân cỏ, sắp xếp lại các cấu trúc không gian theo cách mới. Lối chơi này linh hoạt tạo đuợc nhiều pha đẹp mắt.

Về chiến thuật cũng nên biết huấn luyện viên bóng đá khác bóng chầy. Bóng chầy ngắt nghỉ liên tục và HLV có thể đổi chiến thuật soành soạch. Bóng đá chơi không ngừng nghỉ, HLV không có quyền xen vào suốt trận đấu trừ lúc nghỉ 15 phút giữa trận và cùng lắm chỉ có quyền thay tối đa 3 cầu thủ. Thành thử Sartre cho rằng mỗi cầu thủ cần tự do và sáng tạo để quyết định di chuyển, chuyền banh, làm động tác giả...sao cho có ý nghĩa góp vào nỗ lực chung của nhóm, là thay đổi không ngừng đội hình, chiến thuật nhằm cuối cùng đạt thắng lợi. HLV nghiên cứu chiến thuật truớc trận đấu, nhưng nhóm cầu thủ áp dụng linh hoạt thay đổi tùy tình huống.
       
Không phải ai cũng có điều kiện để dự trận đấu tại cầu truờng. Nhờ kỹ thuật hiện đại, có thể ngồi nhà theo dõi qua trực tiếp truyền hình trên TV. Mặc dù thiệt thòi không đuợc huởng bầu khí sôi động của cầu truờng, nhưng có lợi điểm hiểu rõ hơn trận đấu, vì những pha vi phạm, ghi bàn...thuờng đuợc chiếu lại ngay sau đó để mọi nguời thấy rõ. Nhờ vậy những vi phạm quá nhanh, khó thấy (như lỗi việt vị...) đuợc xác định rõ ràng hơn. Cảm xúc cũng thuờng đuợc vun trồng thêm nhờ tài ăn nói của bình luận viên. Họ có một ngôn ngữ riêng, giọng điệu lên bổng xuống trầm, nhanh chậm theo sát đuờng banh, để gây thích thú. Ai xem đài Sì đều thấy những cú ghi bàn đuợc diễn tả bằng kêu lớn ngân dài: "Goooooal!" Nguời có tuổi không thể nào quên ký giả thể thao Huyền Vũ, là linh hồn của các tuờng thuật trận đấu bóng đá thời VNCH, với ngôn ngữ phong phú, giọng nói hào hứng sôi nổi, nguời nghe có cảm giác như đuợc tận mắt xem đấu, với đủ cung bậc tình cảm hồi hộp, khoái hoạt, lo lắng...Ngoài TV, ngày nay còn có chơi game bóng đá, khiến cho bóng đá phổ cập thêm một bậc.

Bóng đá đôi khi không phải thuần túy thể thao, mà có nhuốm mầu sắc chính trị. Một số khán giả đã mang cờ ngũ sắc cầu vồng của dân đồng tính, chuyển giới (LGBT) vào cầu truờng phất lên để ủng hộ quyền giới tính. Ở Đức có xuất hiện nhiều khẩu hiệu "Hoan Ngênh Di Dân" tại cầu truờng để cổ võ cởi mở di dân. Nếu bóng ném bầu dục Mỹ có Colin Kaepernick không chịu đứng mà quỳ gối khi quốc ca cử hành, để phản đối phân biệt chủng tộc và cảnh sát bạo hành, thì bóng đá có nữ cầu thủ Mỹ Megan Rapinoe cũng quỳ gối khi nghe quốc ca để biểu lộ thái độ tương tự cho dù đang trên một sân quốc tế.

Điển hình khác là truờng hợp Algeria khoảng 1958 đang còn đấu tranh kịch liệt để giành độc lập từ Pháp. Mohamed Boumezrag đã lập đội bóng đá (tuyển lựa từ các cầu thủ gốc Algeria ở Pháp) để đại diện Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Algeria (FLN) đi khắp nơi phất cờ giuơng cao chính nghĩa. Đội không được FIFA công nhận, nhưng đuợc cảm tình của các nuớc Trung Đông, Đông Nam Á và khối Soviet. Đội có đến Hanoi và đuợc Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chiêu đãi. Đội FLN thắng các đội tuyển VN và Giáp nhận định: "Chúng tôi đã đánh thắng Pháp, và các bạn đã đá thắng chúng tôi, cho nên các bạn sẽ đánh thắng Pháp." Quả nhiên 1962 Algeria giành đuợc độc lập.

Bóng đá còn dính líu đến di dân. Các tài năng bóng đá thuờng xuất thân từ các nuớc châu Phi, Mỹ Latin có truyền thống sâu đậm về bóng đá. Thanh niên say mê rèn luyện bóng đá từ nhỏ, hy vọng thành công như các đàn anh Pelé, Maradona, Messi, Ronaldo....Các nuớc lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Đức...thuờng tuyển cầu thủ giỏi từ những xứ này với hứa hẹn cho nhập tịch. Thật ra, ngoại trừ một số nhỏ da mầu nổi tiếng với thù lao ngất nguởng hàng chục triệu, các cầu thủ trẻ da mầu khác vẫn chưa đuợc bình đẳng về thu nhập như các đồng đội da trắng, nếu không muốn nói là bị bóc lột. Mặt khác các nữ bóng đá cũng than phiền về phân biệt đối xử, thù lao và tiền thuởng vẫn thua kém các cầu thủ nam. Không biết đến bao giờ con nguời mới cải thiện đuợc phân biệt chủng tộc và giới tính trong mọi mặt cuộc sống. Một dấu hiệu khích lệ là vừa qua đội bóng đá nữ Mỹ đã đuợc dàn xếp trả 33 triệu cho khiếu nại thù lao bất công.

Bóng đá cũng có những mặt tiêu cực. Phát triển rộng khắp bóng đá trên thế giới với số luợng khán giả hàng tỷ nguời, mang đến những lợi nhuận khổng lồ khiến bóng đá trở thành một món hàng, và phát sinh những đi đêm, tham nhũng hối lộ trong các liên đoàn bóng đá; ngay cả FIFA cũng bị tai tiếng về chuyện chọn lựa nuớc đăng cai tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới. Mặt khác, cá độ bóng đá cũng trở thành tệ nạn giống như cờ bạc là bác thằng bần, làm táng gia bại sản, tan cửa nát nhà nhiều gia đình. Chưa kể ở VN còn có cán bộ thụt két lấy cả tỷ tiền công quỹ đi cá độ bóng đá, khiến lâm vào vòng tù tội.

Tuy nhiên xét cho cùng bóng đá là một cái gì hơn là chuyện thắng bại. Nếu không nguời ta đã chẳng theo đuổi nó sít sao, kiên trì và say mê như vậy. Mọi nguời từ huấn luyện viên, cầu thủ, ký giả đến khán giả đều công nhận nó quan trọng vì tạo ra cái đẹp, qua diễn ra thay đổi các đội hình, các chiến thuật, các diễn biến bất ngờ thích thú, cũng như tài vớn banh, lừa banh, chuyền banh, bộc phá... của cá nhân cầu thủ.

Trung phong Johan Cruyff (Hà Lan) lừa banh, chuyền banh tài tình và đẹp mắt đến mức vũ viên ballet Rudolf Nureyev ngây nguời và bảo Cruyff phải nên là vũ viên.

Didi (Brasil) có cú đá phạt nổi tiếng folha seca (lá khô) khiến thủ môn địch bó tay vì không biết đâu mà mò: banh rời mặt đất, xoay tròn, xoay tròn trên cao, lượn lờ đổi huớng, như chiếc lá rơi trong gió, và sau cùng rơi đúng chỗ thủ môn ít ngờ nhất.
    
Bóng đá là nguồn của những cảm xúc tinh tế, phức tạp, thích khoái hết sức tuyệt vời, sâu sắc, đầy ý nghĩa. Thắng lợi tuyệt thật đấy, nhưng chả có bao giờ chung cuộc. Thắng đấy, thua đấy, hoặc nguợc lại, và cứ thế trong cái vòng luẩn quẩn không dứt. Thắng rồi, rút cục chỉ là đuợc chơi tiếp trận khác. Chỉ có các cảm xúc là nhớ đời. Xem trận đấu làm nguời ta sống động hẳn lên, khác với tẻ nhạt của cuộc sống thuờng ngày.

Trên hết cả, bóng đá là nhân bản. Nó có lẽ là văn hóa chung nhất của hành tinh, như thế nó kết nối con nguời với nhau, tạo nên những ý nghĩa của cuộc sống. Bài này hy vọng giúp độc giả hiểu rõ ngôn ngữ bóng đá, để tham dự bóng đá với một cảm nghiệm đẹp hơn, thích khoái hơn và phong phú hơn.

Phạm Đức Thân 

17 February 2022

Bạch Đầu, thơ

 Dạo:

      Bạc đầu núi vẫn trơ trơ,
Bạc đầu người lại bơ vơ đáy mồ.

    白  頭

雪 蓋 白 頭 峯,
登 山 白 髮 翁.
白 頭 峯 永 皜,
白 髮 老 終 亡.

       陳 文 良

Âm Hán Việt:

     Bạch Đầu
Tuyết cái bạch đầu phong,
Đăng sơn bạch phát ông.
Bạch đầu phong vĩnh hạo,
Bạch phát lão chung vong.
     Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

        Đầu Bạc

Tuyết trùm đỉnh núi bạc đầu,
Ông lão tóc bạc leo lên núi.
Núi bạc đầu vĩnh viễn (vẫn) trắng sáng,
(Nhưng) ông lão tóc bạc rốt cuộc rồi (sẽ) chết.

Phỏng dịch thơ:

        Đầu Bạc

Tuyết phủ trắng non cao,
Người đầu cũng trắng phau.
Ngàn sau còn núi trắng,
Người tóc trắng nơi nao?

        Trần Văn Lương
           Cali, 2/2022

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

   Tuyết phủ đầu non cao bạc trắng, người
khách già đầu cũng trắng phau phau.
   Nhưng than ôi, núi bạc đầu muôn năm vẫn còn
đó, người bạc đầu bách tuế khó vượt qua!
     Hỡi ơi! 

Ngày Xuân Phiếm Luận Về Chữ Đồ

Trần Thị Nhật Hưng

Trong “Phiếm Luận Về Chữ Đồ” của cụ Đồ Gàn, theo cụ, trong tiếng Việt không có chữ nào có nhiều nghĩa và nhiều ứng dụng bằng chữ “Đồ.”   Chữ này chiếm một địa bàn rộng lớn vì nó được dùng để chỉ tất cả những dụng cụ tiện nghi mà con người sáng tạo ra để đáp ứng đời sống vật chất cho chính mình. Ví dụ như: Cái bàn, cái tủ, cái giường, cái ghế là… đồ đạc trong nhà. Cái cày, cái cuốc, cái xẻng là… đồ làm vườn, làm ruộng.  Cây súng, lưỡi gươm, cung nỏ là… đồ binh khí. Con búp bê, trái banh, cỗ bài là… đồ chơi. 

Cụ Đồ Gàn còn cho rằng, ngay đến những giai đoạn văn minh loài người cũng được mệnh danh qua chất liệu của đồ dùng chẳng hạn thời đại đồ đá, đồ đồng. Sở thích con người cũng đa dạng qua các món đồ: Đồ sứ, đồ vàng, đồ cổ… thậm chí sưu tầm cả đồ phế thải. 

Chữ đồ trong phạm vi ẩm thực thì có đồ ăn, đồ uống. Qua đó sở thích của con người cũng khác nhau. Có người thích đồ Tàu, kẻ thích đồ Tây, nhiều người chỉ muốn thưởng thức cây nhà lá vườn từ đồ Ta của ta thôi, nhưng tựu trung thì ai ai cũng chỉ thích ăn đồ nóng, uống đồ lạnh. Gấp quá, lười, hay không có thời gian nấu thì tạm thời ăn đồ nguội. Muốn dự trữ phòng bão lụt, chiến tranh thì dùng đồ khô. Rồi trong món ăn kẻ thích đồ cay, người thích đồ mát. Không muốn nấu chín thì ăn đồ sống. Thích nhậu thì ngoài bia, rượu còn có đồ nhắm mà khoái khẩu nhất phải kể là nhắm với đồ biển (hải sản).

Chữ đồ còn được dùng trong lãnh vực y phục. Khi ra ngoài, không ai phô trương đồ lót hay đồ cộc, mà phải mặc đồ tề chỉnh còn gọi là đóng đồ vía, có kẻ muốn lập dị còn chơi kiểu đồ quái dị nữa. Ngoài ra, đồ trang sức cũng không kém phần quan trọng, cần có để tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài. Khi chưng diện tiệc tùng xong, về nhà, bao đồ dơ đem bỏ máy giặt. 

Ý nghĩa chữ đồ, không giới hạn ở thiết bị, ẩm thực hay nói chung vật dụng vô tri mà còn tiến lên bình diện con người. Người mổ heo thì gọi đồ tể, kẻ dạy học thì gọi thầy đồ, ông đồ hay cụ đồ. Tuy nhiên khi dùng chữ đồ nói về con người, thường hàm ý xấu. Không ai nói đồ tử tế, đồ thánh hiền, đồ đạo đức, đồ quân tử, đồ tốt bụng, đồ hiền lương hay đồ thủy chung mà chỉ nghe khi chửi nhau, thiên hạ ong óng lên, mày là đồ ba que, đồ xỏ lá, đồ sở khanh, đồ quạ mổ, đồ mất dạy, đồ khốn nạn, đồ lưu manh, đồ tiểu nhân, đồ chó đẻ, đồ dị hợm, đồ đểu cáng, đồ ba nhe, đồ mất nết, đồ mọi rợ, đồ phải gió, đồ nham nhở, đồ thối tha, đồ ăn cướp, đồ trộm cắp, đồ bê bối, đồ phản động, đồ phản quốc, đồ ác ôn, đồ nhỏ nhen, đồ bần tiện, đồ bủn xỉn, đồ bất nhân, đồ bất hiếu, đồ bất nghĩa, đồ hết thuốc chữa, đồ… đồ… đồ… Trời đất!  Sao trong văn học Việt Nam lắm câu chửi thế. Hèn gì, lời tốt lành dành cho nhau thì quá khan hiếm nên khiến đất nước ta chiến tranh, đau khổ triền miên. Lời thị phi nhân ngãi cũng phát sinh tràn lan đến nỗi nhà văn Võ Hồng đã thốt lên: 

“Thiên hạ luôn bủn xỉn lời khen mà hào phóng lời chê bai, chỉ trích...”  Hà!

Một nghĩa tự đồ thường thấy nữa liên quan đến khái niệm giáo dục chỉ về học đường, người ta thường nghe nhóm chữ quen thuộc đồ đệ, tông đồ, môn đồ, cao đồ. Từ khi còn bé ai cũng được học vẽ bản đồ, địa đồ. Lớn hơn một chút, qua các môn khoa học lý thuyết hay thực hành thì học đồ thị, đồ biểu, thiên văn đồ, sơ đồ, giản đồ, lược đồ, họa đồ. Khi đã học hết mọi thứ, những học trò giỏi trưởng thành có ý chí vươn lên trong quá trình học tập thường vạch ra cho mình những đồ án để thực hiện làm nên cơ đồ vẽ vang. Nhưng để ám chỉ những học trò hư hỏng, luôn có những ý đồ, mưu đồ không tốt, đã không làm nên trò trống gì cả còn phản thầy thì người đời gọi là đồ nghịch tử hay loạn đồ. 

Nói chung chữ đồ theo cụ Đồ Gàn không chỉ rất nhiều nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa đen như tôi vừa trình bày ở trên, mà nó còn góp phần đánh dấu từng giai đoạn lịch sử và văn hóa nước ta qua các bài thơ, phú, ca dao, hát nói.. v..v… Chẳng hạn qua bài: 

Thầy đồ 

Thầy Đồ là người tài bộ.
Quẩy cầm thư sang giáo thọ phủ Vĩnh Tường.
Trước nha môn thiết lập học đường.
Trò dăm đứa “chi, hồ, dã, giả…
Một hôm thầy Đồ nhàn hạ.
Đồ ra hồ xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để đồ ra.
Đồ thấy đồ ngâm nga tức khắc.
Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc.
Thủy diện vi mang bạng thổ thần.
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần.
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc.
Đêm năm canh Đồ nằm khôn nhắp.
Những mơ màng Đồ nọ tưởng đồ kia.
Đồ ơi, gặp gỡ làm chi!

(Khuyết danh) 

Chúng ta hình dung được phần nào về chiếc váy rất thuận lợi với khí hậu nóng bức vùng nhiệt đới và sinh hoạt đồng án, trồng lúa, tát nước nhưng vô cùng hấp dẫn khiêu gợi (nếu hớ hênh) cách trang phục của phụ nữ Việt Nam thời xưa đơn giản chỉ bằng mảnh vải quấn thân hoặc khâu kín thành ống mà trong dân gian đã ví von với niềm tự hào, hãnh diện về bản sắc văn hóa của dân tộc:

Cái ống mà thủng hai đầu.
Bên ta thì có bên Tàu thì không. 

Rồi cũng từ tự đồ, chúng ta nhìn lại lịch sử của dân tộc, trải bao năm bị đô hộ: Hết Tàu, Tây, cộng sản, chữ đồ đã được dùng trong một cuộc đối thoại để thấy tinh thần đấu tranh bất khuất của dân ta thể hiện dưới mọi hình thức, ở mọi từng lớp chống bọn ỷ thế phương Bắc, bọn cường quyền xâm lược một cách tài tình thâm thúy. 

Một Đoàn Thị Điểm giả cô hàng nước đón tiếp sứ Tàu, đã dùng tài năng văn học đối đáp bén nhạy khi sứ Tàu đọc câu:

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.
(An Nam một tấc đất không biết bao nhiêu người cày) có ý xấc xược, chòng ghẹo.  
 
Bằng lời lẽ nghiêm trang, tác phong lịch sự, bà đáp ngay rằng: 
Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.
(Đại trượng phu nước Tàu cũng từ chỗ đó mà ra) đã khiến bọn ỷ thế phương Bắc khâm phục nước ta về mọi phương diện. 

Tuy nhiên trong cuộc sống, bên cạnh các anh tài hào kiệt, vẫn không thiếu những bọn hèn nhát dù là bậc khoa bảng, muối mặt làm tay sai cho kẻ thù của dân tộc để cụ Nguyễn Khuyến vào thời Pháp thuộc đã phải than lên trong bài :

Ông Nghè Tháng Tám 
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè chứ kém ai?
Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng.
Nét son điểm rõ mặt anh tài.
Tấm thân xiêm áo coi mà nhẹ.
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe.
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi. 

Nhìn chung, những kinh nghiệm đau thương đó, mãi đến nay vẫn chưa thức tỉnh được mọi người luôn luôn đắm chìm trong đau khổ, hết bị dày xéo bởi Tàu, Tây, Nhật, nay còn quằn quại dưới ách thống trị của cộng sản. Một lần nữa, chúng ta không quên được những biến cố xảy ra tại miền Bắc vào thập niên 50 đã phá hủy mọi truyền thống văn hóa dân tộc khi cộng sản du nhập lối sinh hoạt nhảy múa loạn cào cào “son, đố, mì” từ quan thầy Mao Trạch Đông lôi kéo thanh thiếu niên thoát ly khỏi hệ thống nề nếp gia đình đã khiến vô số chị em phụ nữ là nạn nhân của những vụ chửa hoang rồi tự tử để lại trong nhân gian những câu chửi rủa chế độ: 

Đồ mi là đồ phá đồ!
(Nhại theo nốt nhạc của điệu nhảy múa trên). 

Hoặc:

Người ta vì nước vì non.
Cô ta lại chết vì “son, đố, mì.” 

Thêm vào đó, gần đây nhất, biến cố 30.4.75, cộng sản thôn tính miền Nam đưa cả nước vào thảm trạng nghèo đói. Người dân thắt lưng buộc bụng chỉ trông ngóng vào những thùng quà từ nước ngoài do thân nhân vượt biên gởi về. Trong giai đoạn nghiệt ngã của chính trị và kinh tế như vậy, những bài ca dao phát xuất từ văn chương bình dân là bằng chứng hùng hồn nhất để tố cáo chế độ, một sự phản kháng âm thầm nhưng mạnh mẽ, đã in sâu, truyền bá rộng rãi trong tâm khảm của mọi người. Mới nghe qua, tưởng là những bài tiếu lâm thông thường, nhưng nếu đọc kỹ, xét kỹ ta mới thấy được thảm trạng đắng cay cười ra nước mắt của thời đại:

Hôm qua anh đến thành Hồ.
Anh ra bưu điện lãnh đồ em cho.
Đồ em vừa đẹp, vừa to.
Vừa đã con mắt, vừa no cái mồm. 

Trước tình cảnh đó, cộng thêm bài học chua cay từ sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội của Đông Âu và Liên Xô, người cộng sản Việt Nam buộc lòng phải thay đổi chính sách để cứu vãn chế độ. Gọng kèm được nới ra. Đô la tư bản đầu tư ồ ạt tuôn vào giúp nền kinh tế Việt Nam có đà phát triển nhưng cùng lúc tệ nạn xã hội vốn dĩ đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn. Ngành giáo dục bị tuột dốc, trường học, nhà thương thì khan hiếm, thay vào đó, khách sạn, nhà chứa, ăn chơi đàng điếm tham nhũng trồi lên như nấm. Cái vẻ phồn vinh giả tạo của nền “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” chỉ là cái vỏ ốc bóng loáng không còn ruột được trưng bày trong tủ kiếng hay như một khúc gỗ mục bị mối mọt đục khoét được sơn son thép vàng. Ca dao lại có dịp cười lên ha hả:

Đi chơi cho biết Đồ Sơn.
Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà.
Đồ nhà tuy có hơi già.
Nhưng là đồ thật hơn là Đồ Sơn!

Trần Thị Nhật Hưng
Nguồn: HoaMunic

15 February 2022

14 February 2022

Tuổi Già Nghĩ Gì?, chuyện phiếm

Phạm thành Châu

Mấy ông bạn già, gặp nhau là hỏi “Sao? Khỏe không?”. Có ông trả lời “Vẫn như tuổi đôi mươi!” - “Ồ! Sao ông hay quá vậy?” - “Cũng bình thường thôi. Ở tuổi hai mươi, tôi không nhấc nỗi 20 kí lô. Bây giờ tôi cũng không nhấc nỗi 20 kí lô”.

**

Bài nầy viết về những suy nghĩ của bọn già lẩm cẩm chúng tôi. Đa số trong chúng tôi, ở thời điểm nầy (2022) vốn là cựu quân nhân, công chức, qua Mỹ theo chương trình nhân đạo (HO) Đã một thời là (quan quyền) rường cột của nước Việt Nam Cộng Hòa, đã trải qua hàng chục năm tù Cộng Sản nên đầu óc không giống ai. Các bạn trẻ và những vị lớn tuổi nhưng còn sáng suốt, thông thái, xin đừng để mắt đến bài nầy, vì sẽ bị bực mình mà thở dài “Quả thật, càng già suy nghĩ càng lung tung, toàn là sản phẩm của tưởng tượng, chuyện hồn ma bóng quế, chưa từng nghe ai nói. Thể chất và tâm trí của mấy ông giànầy đã rã rệu,”mơ màng” rồi, chỉ đáng cho vào nhà bảo tàng để chờ phế thải”.

Nhưng quí vị có biết. Ngày xưa, ở Việt Nam, nơi thôn quê, người cao tuổi rất được kính trọng. Họ là quyển tự điển sống, nhờ đã trải qua bao biến động của thời cuộc, tích lũy bao kinh nghiệm trong suốt một đời người. Ngày đó, mỗi thôn làng là một ốc đảo trong lũy tre xanh, như một quốc gia bị cô lập, không giao tiếp với bên ngoài nên khi có biến cố hay tranh chấp giữa các tổ chức hay cá nhân, ban hội tề (lãnh đạo của làng) đem “Hương ước” (lệ làng) ra áp dụng rồi nhờ những “Lão làng” (Các bộ tộc miền núi gọi là Già làng) phán quyết. Để ổn định chính trị, triều đình thường tôn trọng Hương ước khi phân xử nên mới có câu “Phép vua thua lệ làng”. Thời trước, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, con người thường chết sớm, cho nên ai sống đến năm mươi tuổi thì được xem là Lộc Trời ban cho tuổi thọ, gọi là “Thiên tước” (Tước lộc Trời ban. “Thưa cụ. Năm nay Thiên tưóc cụ được bao nhiêu?”). Khi được tôn lên “Lão làng” thì được ngồi “mâm trên”, là nơi tôn quí trong các buổi hội hè đình đám.

Các quan, ngày xưa, hưu trí về lại nơi bản quán, rất được trọng vọng vì là người lớn tuổi, trí thức, đã từng làm quan “Phụ mẫu chi dân”. Địa phương rất hãnh diện có được những vị hưu quan đó trong làng, cả đến dòng họ cũng được thơm lây. Người ta gọi đó là “Nhân tước” (tước lộc vua ban). Các vị hưu quan nầy thông hiểu luật lệ, thường là cố vấn của ban hội tề. Các vị còn đảm trách việc dạy chữ nghĩa, bồi đắp kiến thức, giáo dục cho tuổi trẻ hiểu đạo lý của thánh hiền. Chúng là thành phần tinh hoa sẽ ra ngoài xã hội, ganh đua với đời. “Tiến vi quan, thối vi sư”. Thôn quê rất quí trọng người đỗ đạt. Có những làng, dân trí thấp vì nghèo khó, ít được học hành, nên trong làng có người chỉ đậu tú tài (còn gọi là sinh đồ, trong kỳ thi hương) cũng được làng đem võng lọng, long trọng đón rước.

11 February 2022

Nhớ mua hoa. . ., thơ xả xú-bắp

Lễ Tình Nhân và người già

Phạm Đức Thân

Lễ Tình Nhân (Valentine) người ta nói nhiều về tình yêu, nhất là của tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú. Người già bị bỏ quên vì cho là hết thời rồi, yếu đuối, nghỉ đi là phải.

Có thực già là chấm hết, thôi sex? Hay là với dinh dưỡng và y khoa tân tiến, già bây giờ sống dai, lại càng phải nên tận hưởng lạc thú quãng đời còn lại, nhất là một khi không còn bị bận tâm bởi sinh đẻ, con cái, công việc, tiền bạc…

Á Đông chưa cởi mở tình dục, lại thêm số người già không nhiều (thất thập cổ lai hy) và Âu Tây còn chịu ảnh hưởng của thời đại Victoria trọng đạo đức, cũng như ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo với cái nhìn tiêu cực về sex, cho nên xã hội hầu như không để ý đến sex của người già; và nếu có thì thường là với thái độ khắt khe thiếu thông cảm.

Thái độ bất công như vậy gây tâm lý tiêu cực trên người già, khiến họ có mặc cảm xấu hổ, tội lỗi, gớm ghiếc chuyện chăn gối, nghĩ là nên ngưng hoặc hạn chế đối với sex, đưa đến nhiều hậu quả bất lợi vô ích cho sức khỏe, sinh hoạt tình cảm cũng như tính dục của người già. Chưa kể đôi khi sex không thuận tiện vì sống trong nhà dưỡng lão thường không có sự thông cảm của ban điều hành, điều dưỡng viên, hoặc vì ở chung với con cái thiếu riêng tư.

Mặt khác, về phương diện tình dục phụ nữ thường bị thiệt thòi vì tuổi thọ cao hơn nên có nhiều bà già chịu cảnh góa bụa. Xã hội cũng có cái nhìn khắt khe hơn đối với bà già. Cặp vợ già – chồng trẻ thường bị giễu cợt là phi công trẻ lái máy bay bà già (một kiểu máy bay cũ của Pháp trong chiến tranh Đông Dương, bay chậm và chuyên việc tiếp tế hay trinh sát), trong khi cặp chồng già – vợ trẻ thường được ngợi khen là một thắng lợi của ông chồng.

Nếu Anh ngữ có “dirty old man” (lão già bẩn thỉu) để chỉ đàn ông già mà còn hiếu sắc, thì VN cũng không thiếu từ chê bai để chỉ hạng người này: yamaham (già mà ham), già dê, già dịch (vật), già mất nết, già trống bỏi, trâu già gặm cỏ non….

Tuy nhiên thực tế ca dao VN có ghi nhận:

Bà già tuổi tám mươi tư
Ngồi trong cửa sổ viết thư kén chồng

Càng già càng dẻo càng dai
Càng long sập gỗ càng sai chân giường

Cụ Nguyễn Công Trứ cũng nhắc nhở:

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt mất ai bù

Riêng người viết cũng thông cảm các cụ yamaham, xin được góp ý:

Khen bác trâu già gặm cỏ non
Chịu nghe gà triết lý om sòm
“Cuộc đời đúng chỉ là như thế”* (*Ò Ó O O Ó Ó O!)
Hết lụi lại khoan cái hỏm hom

Chê bác trâu già gặm cỏ khô
Cớ sao tức giận mũi phì phò
Cỏ non không có đừng cay cú
Bởi tại non gan cứ thập thò

Thât ra sex của người già còn chịu ảnh hưởng bởi những nhân tố khác ngoài nhân tố xã hội. Về mặt sinh học, ông già bị giảm testosterone, bà già sau mãn kinh cũng giảm estrogen, nhu cầu sinh lý tất nhiên không còn mạnh như trước. Các cơ quan hao mòn biến thái. Vách âm đạo trở nên mỏng, kém đàn hồi.

Dương cụ hồi trẻ đã tự tung tự tác, khó điều khiển, như Leonard da Vinci đã viết “Con có ý chí riêng của nó. Thường thường bố ngủ thì con thức; nhiều khi bố thức thì con lại ngủ”. Đôi khi nó còn trỗi dậy không đúng lúc, làm ngượng chín cả người, cứ phải lom khom loay hoay tìm hoài chiếc chìa khóa tưởng tượng đánh rơi dưới sàn nhà. Bây giờ nó có tuổi, trở nên nhũn nhặn nhưng bướng bỉnh, trên bảo dưới không nghe, thường làm hỏng việc.

Già lão yếu đuối, lại sinh lắm bệnh tật: mập phì, thấp khớp, tim mach, tiểu đường, mãn kinh… khiến ngại giao hợp, nhất là khi có khó khăn, khó chịu, đau đớn. Thường bị bệnh bất ngờ buộc phải nghỉ một thời gian; hết bịnh quay lại sex thấy thiếu sôi nổi. Gần gũi mãi một người cũng sinh nhàm chán, thiếu hứng khởi, nhưng nếu là của lạ thì lại trỗi dậy ngay. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng Coolidge mà tên gọi bắt nguồn từ một giai thoại.

Tổng Thống Mỹ Calvin Coolidge cùng vợ viếng thăm một trại gà, mỗi người tham quan riêng một chỗ khác nhau. Phu Nhân muốn biết gà trống đạp mái nhiều ít thì được trả lời khoảng 40 lần một ngày. Bà bảo đi nói cho Tổng Thống biết. Nghe vậy Coolidge thắc mắc con trống đạp cùng con mái hay nhiều con khác nhau thì được biết mỗi lần đạp một con khác nhau. Ông liền bảo đi nói lại cho Phu Nhân biết điều này. Từ 200 năm trước Casanova cũng đã thừa nhận “Ba phần tư yêu đương là tò mò” (Three quarters of love is curiosity).

Tuy nhiên may mắn làm sao, ngày nay các trở ngại trên có thể khắc phục nhờ kỹ thuật y khoa cấy ghép dương vật, tiêm chích testosterone, estrogen, bơm căng cứng, dùng thuốc bôi trơn, viagra xanh (nam) hồng (nữ), cialis… cũng như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ túc thêm các sinh tố và muối khoáng thích hơp, thể dục dưỡng sinh đều đặn, thư giãn với thiền định, yoga, thái cực quyền… và nhất là đừng quên ân ái thường xuyên để cơ quan chậm thoái hóa vì bộ phận nào ít sử dụng thì sẽ sớm bị hư hại (use it or lose it). Thống kê cho thấy cặp nào hồi trẻ tần số giao hợp cao thì về già giữ được trạng thái tình dục “hoạt động” (nghĩa là ít ra mỗi tháng một lần).

Sự thật là không ai không thích làm tình (trừ một số nhỏ tu hành) vì dù cơ quan có hoạt dộng kém đi nhưng khoái cảm thì không bao giờ giảm, về già vẫn cảm nhận như thường. Gien muốn trường tồn bắt thân xác phải sản xuất càng nhiều càng tốt, bằng cách gắn sex với khoái lạc để lôi cuốn, khuyến khích con người hăng hái làm tình. Thân xác trở nên nghiền khoái lạc, thành thử tuy tinh trùng sút giảm, tử cung không còn trứng, nhiệm vụ truyền giống coi như xong, nhưng người già vẫn tiếp tục đi tìm khoái lạc vì cơ chế của cơ thể đòi hỏi như vậy để được khỏe mạnh, tâm thần an lạc.

Chả thế mà các cụ ông không sợ mỏi, không sợ mệt, chỉ sợ… mềm. Các cụ bà không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ… khô. Thống kê cho thấy 70% các cụ từ 70 tuổi trở lên vẫn hăng hái làm tình, và đối với các cụ trên 80 tuổi thì 25% vẫn tiếp tục đi tìm khoái cảm. Sex có đặc điểm là càng làm càng thích càng muốn làm nữa. Thảo nào trên báo vẫn đưa tin cụ ông 70, 80 tuổi lấy gái 20, 30. Mục Tìm Bạn cũng nhiều các ông bà già trên 60.

Các dữ kiện trên cho thấy người già vẫn yêu, vẫn làm tình như ai, không thể bị bỏ quên trong ngày lễ Tình Nhân. Nhất là như đã nói, ngày nay nhờ sống dai, không còn vướng bận việc làm, sanh con, nuôi con… người già càng nên yêu vội, sống cuồng những ngày còn lại. Bây giờ đã thấy có sách viết về sex trên 60, sex trên 70, hướng dẫn người già những liệu pháp tình dục thích hợp. Khó chịu, đau đớn không muốn giao hợp (hot sex) thì chỉ cần tự sướng hoặc vuốt ve, âu yếm bằng nhiều cách (warm sex) cũng đủ thỏa mãn, giảm stress, bồi bổ sức khỏe. Tạp chí người già AARP còn chỉ ra 3 kiểu làm tình (spooning, backs, chair position) của BS Pepper Schwartz để cho người già khỏi đau lưng mỏi gối.

Freud đã nói đến tính lệch lạc đa dạng (polymorphous perverse) của dục tính con người, cho nên ta không lấy làm lạ khi đọc thấy vài chục kiểu giao hợp trong các sách Phòng Trung Bí Kíp, Kamasutra, Kama-Shastra, Anangaranga, Cẩm Nang Tính Dục… mà có kiểu chỉ là tưởng tượng không thực hành được; vì đã hẳn đơn điệu dễ sinh nhàm chán, cần có dị biệt để tạo hứng khởi. Nhưng có một kiểu đối với người già (nhất là dân da vàng như VN) không phải là tùy hứng mà là cần thiết để lão ông thâm nhập sâu Ngọc Long Cung, nếu không thì chỉ như là dạo chơi ngoài tiền sảnh.

Khảo Cổ và Nhân Chủng Học có nhiều chứng cứ cho thấy nguồn gốc con người nhiều phần là do khỉ tiến hóa mà thành. Theo đó giao hợp kiểu từ đàng sau của khỉ tiến hóa thành kiểu đằng trước. Và mức tiến hóa không đồng nhất, cho nên có khác biệt về vị trí âm hộ giữa da trắng, da đen, da vàng, da nâu….

Các nhà tự nhiên học (naturalist) như Bertels, Koler, Mondière, Jacobus X… nhận thấy âm hộ của nhiều phụ nữ bộ tộc Úc và Phi châu nằm về phía sau gần hậu môn hơn. Trong các sách Gối Đầu Giường của cô dâu Trung Quốc thường vẽ nữ nhân giao hợp dơ chân thẳng đứng. Có người cho là vì chân bị bó và phần mềm của xương chậu đã đẩy âm hộ về phía sau, nhưng đem so với các phát hiện về âm hộ của phụ nữ Úc, Phi châu thì có thể kết luận đây là do chủng tộc (da vàng) nhiều hơn là do tập tục (bó chân).

Sau nhiều khảo sát, các nhà tự nhiên học nói trên đã đi đến nhận xét chung là âm hộ da mầu khác da trắng ở 2 điểm:

1/ âm hộ da mầu nằm về phía sau, gần hậu môn hơn
2/ perineum (phần da thịt giữa hậu môn và âm đạo) da mầu hẹp hơn, khiến nằm ngửa giao hợp khó khăn và đau nếu muốn vào sâu để có khoái cảm tối đa.

Đối với phụ nữ Việt Nam, theo Jacobus X, âm đạo thường nhỏ hẹp và nông, càng cần để ý đến trở ngại này khi giao hợp. Nhất là ông già không còn thằng còn cứng mạnh như thời trẻ, mà thường mềm yếu, góp phần tăng thêm khó khăn vào đến nơi đến chốn. Muốn khắc phục, lúc tiến vào âm đạo cần luôn luôn có sẵn một gối nhỏ cứng chắc, lót phía dưới mông người nữ, đôn âm hộ lên để tiếp nhận sâu sát. Thật ra, nếu được thêm lợi điểm trên một mặt cứng như sàn nhà, phản gỗ… thì hai đối lực trên dưới xung kích mạnh hơn, và nhờ vậy khoái cảm cũng gia tăng hơn.

Thành thử nhân ngày lễ Tình Nhân, giống như nữ quyền đã vùng lên đòi cách mạng xã hội, kinh tế, ngôn ngữ, tính dục…người già cũng nên vùng lên đòi quyền yêu như ai, và lại còn yêu mạnh, yêu đến nơi đến chốn nhờ được trang bị kiến thức đễ khắc phục những trở ngại về tuổi tác, chủng tộc.

Già không phải là chấm hết. Già vẫn yêu, vẫn tình tứ. Như ngày xưa Phan Khôi đã cho thấy trong bài Tình Già:

“Đôi cái đầu đều bạc…
…………………………
Liếc đưa nhau đi rồi
Đôi mắt còn có đuôi?”

Phạm Đức Thân 

Chuếnh Choáng Men Tình, thơ

Cuộc Tuyệt Thực Ở Trại Cổng Trời

 Kiều Duy Vĩnh

LTS: Tác giả bài này không ghi rõ danh hiệu, chỉ ký tên tắt mà chúng tôi đoán là K. Vĩnh. Bản thảo viết tay nét chữ không dễ đọc, từ trong nước đã được gửi sang cho Thế Kỷ 21 vào đầu năm 1997, với tựa đề "Cuộc Tuyệt Thực". Tòa soạn đã mạn phép thêm "Ở Trại Cổng Trời." Chúng ta đã đọc nhiều cuốn hồi ký về chế độ lao tù ở miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Nhưng hầu như chưa có ai viết về Trại Cổng Trời. Đọc ký ức của K. Vĩnh chúng ta biết Nguyễn Hữu Đang đã bị giam ở Cổng Trời, nhưng trong bài viết nổi tiếng của cố Thi sĩ Phùng Quán về Nguyễn Hữu Đang không hề nhắc đến chi tiết đó. Trong cuốn hồi ký của Vũ Thư Hiên, ông nhắc đến Nguyễn Hữu Đang, nhưng cũng không kể chuyện cụ Đang đã bị giam ở Cổng Trời.

** 

Tôi không theo đạo Thiên Chúa, và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994. Vì những người Cộng Sản căm thù những người theo đạo Thiên Chúa nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào những người con Chúa. Thứ nhất là các vị Giáo sĩ trong Giáo Hội, rồi đến các tu sĩ cả nam lẫn nữ. Trong ngục tù Cộng sản, tôi đã gặp hai bà Sơ bị bắt vào xà-lim, rồi đến các ông chánh trương, trùm trưởng, cả đến những người trong Hội Trống, Hội Kèn Nhà Thờ cũng bị bắt đi tù hàng loạt. Tôi thấy đa số họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng ra sao. Không biết họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê-Su. Thế thôi.

Còn tôi, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người Công giáo đi tù đều chết hết. Có nhiều người còn sống sau cuộc tù đày, những anh Thi, anh Thọ, chị Diệp, là những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng, Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyên Công “Cửa” tức Nguyễn Công Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn, người thôn Vạn Lộc, Nam Lộc Nam Đàn…

Tôi nghe kể khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra. Ngay cả giáo dân cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản xếp họ lên hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.

Cho đến hôm nay, một ngày năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Nhà Tù Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Đang.

Khi ở Khu A Trại Tù Cổng Trời chỉ còn thưa thớt người thì tù ở các trại dưới được dồn lên để lấp vào các chỗ trống, nên có sự sắp xếp lại. Tôi được chuyển sang Khu B dưới quyền quản giáo mới tên là Duật, người Nam Hà. Kỷ luật Khu B nhẹ hơn khu A, chế độ ăn uống có hơn đôi chút, tù Khu B được làm lao động nhẹ ở sân trại. Ba tháng được viết thư về cho gia đình một lần, được phép nhận thư . Tôi vừa chuyển sang khu B, chưa được viết thư về nhà thì đã nhận được thư của mẹ tôi gửi đến địa chỉ: Công trường 75A Hà Nội C65 HE.

Thư đến, mọi người đều ngạc nhiên, tôi là người ngạc nhiên nhất. Lúc đó nhà tôi ở Số 7 Phố Thi Sách đằng sau Chợ Hôm-Hà Nội. Tính từ ngày tôi bị đưa lên Trại Tù Cổng Trời đến lúc này đã được hơn 3 năm, tôi chưa được viết thư về nhà lần nào. Tại sao mẹ tôi lại biết được địa chỉ này mà viết thư cho tôi, tại sao mẹ tôi lại biết tôi đang ở Nhà Tù Cổng Trời, Hà Giang?

Mãi đến khi được tha tù lần thứ nhất,1970, tôi về nhà gặp lại mẹ tôi, tôi mới biết. Thì ra sau khi tôi bị đưa lên Cổng Trời –1960 — gia đình tôi mất hết tin tức về tôi. Mẹ tôi lên trại tù cũ ở Bất Bạt, Sơn Tây để hỏi về tôi. Chánh giám thị trại là Thiếu tá Thanh trả lời mẹ tôi là tôi bị đưa đi đâu ông ta không biết!
Về Hà Nội, mẹ tôi đến Bộ Công An ở Phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra Hồ Thiền Quang chưa đến 1 Km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.

Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ Trại Tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái Công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết. Mẹ tôi đời nào chịu. Và cuối cùng họ phải trả lời là tôi đang ở Nhà Tù Cổng Trời ở Hà Giang.

Thế là mẹ tôi đi Hà Giang tìm Nhà Tù đang nhốt tôi. Đi với 2 bàn tay trắng: không có mảnh giấy phép đi tiếp tế cho tù. Quy định đi thăm tù phải có giấy giới thiệu của địa phương cấp, mà địa phương được lệnh không cấp giấy cho mẹ tôi vì thành phần gia đình tôi là địa chủ cường hào đại gian đại ác. Bố tôi bị bắn chết trong cải cách ruộng đất, còn tôi thì đi tù tội phản động nên gia đình tôi là đối tượng của cách mạng cần phải chuyên chính. Mặc, không có giấy giới thiệu, mẹ tôi vẫn cứ đi tìm thăm con. Nhưng lên đến Hà Giang, chưa qua được đèo Quyết Tiến thì mẹ tôi bị Công An đuổi theo, bắt quay về Hà Nội. Mẹ tôi đành viết thơ cho tôi theo địa chỉ trên. Thế là tôi nhận được thư của mẹ tôi.

Cũng có một phần do mẹ tôi không chịu mất dấu vết của tôi, làm phiền họ, quấy rầy họ, mà trên Bộ Công An chưa bật đèn xanh cho Ban Giám thị trại xóa tên tôi trong danh sách tù nhân ở Cổng Trời. Đã có lần họ cho người giả làm tù ở cùng trại với tôi về nhà tôi báo tin tôi đã chết. Nhưng mẹ tôi không tin. Mẹ tôi cứ làm tới, sấn tới, và điều đó phần nào đã cứu sống tôi.

Vả lại ở trên Cổng Trời này, đối với các bậc như Cha Vinh, cha Quế, Tu sĩ Đỗ Bá Lang, Tu sĩ Nguyễn Trung Chính tức Nhẫn, tôi là hạng bét so với các đấng Tù ấy nên mũi nhọn của cuộc tàn sát không chĩa vào tôi. Ban giám thị trại đem so tôi với các bậc Thánh đó thấy tôi là một phần tử tốt. Này nhé: Tôi không có đạo, tôi không cầu kinh, không làm dấu thánh, không ăn chay Lễ Phục Sinh, không theo nghi Lễ Giáng Sinh. Như thế là tôi chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của Ban Giám thị quá rồi còn gì nữa.
Còn với các đấng Tù kia. Nội qui trại tù cấm tù cầu kinh, các vị cứ cầu kinh, cấm làm dấu thánh trước trước khi ăn, các vị cứ làm dấu thánh. Ngày Lễ Giáng Sinh các vị tự ý nghỉ, không chịu đi làm.

06 February 2022

Lầm

Huỳnh Chiếu Đẳng 

Xin kể quí vị nghe câu chuyện ngây thơ của tôi. 

Vài tuần trước, tôi chở gia đình người bạn phương xa dạo Little Saigon, ghé vào khu thương xa Phước Lộc Thọ. Đậu xe ở sân sau xong, tôi tà tà đi vào gần tới cửa thương xá thì thấy một nhà sư áo vàng chừng khoảng 30 tới 40 tuổi đang đứng khất thực. Thấy hay hay nhân có máy ảnh tôi chụp ổng vài tấm hình. Nhà sư mặc áo khá mới, đi chân đất, đứng nghiêm chỉnh bất động, mắt nhìn xuống, thật là đúng sách vở. Tôi tò mó đứng nhìn một hồi. Ông đi qua bà đi lại khá đông nhưng chẳng thấy ai ngó tới nhà sư. Lúc nầy cũng đã 11 giờ trưa, tôi thấy chẳng ai cho gì, nghĩ cũng lạ, không lẽ mình lầm, cứ tưởng đời nay thiên hạ mến mộ Phật pháp. 

Chờ một hồi chợt nghỉ bụng thôi thì đi vào thương xá mua cho ông sư cái gì để ăn kẻo quá ngọ tội nghiệp ổng, dầu gì mình cũng mắc nợ ổng mấy tấm hình mà. Vào quầy bánh trái, bụng phân vân không biết mua gì, chỉ e mình mua phải món có đồ mặn trong đó (thí dụ dùng mở súc vật đề làm bánh) là điều không nên, dầu rằng ổng có ăn vào cũng không phạm giới ăn chay vì ổng đâu có biết. Cuối cùng tôi mua cây bánh in $1.25 đem ra mở bình bác ông sư đang ôm và định bỏ bánh vào. Tôi chợt thấy mình lầm, tưởng ông sư nhìn xuống đất cách phía trứoc chừng ba thước (giới luật bảo vậy mà), nhưng ổng nhìn cái xấp chi nhỏ nhỏ như xấp "bùa" của thí sinh đem vào trong phòng thi đang cầm trong hai ngón tay ôm bình bác, chẳng biết đó là kinh kệ hay viết cái chi trong đó. Mà tôi cũng học chưa tới là đứng khất thực như vậy thì có được đọc kinh hay đầu óc được nghỉ lẩn quẩn chăng, để hỏi thiện tri thức sau. Nhưng khi nhìn vào bình bác tôi mới tá hoả, gần nửa bình là đô la giấy, hình như đa số là 1 đồng đô la, nếu nhìn kỹ coi kỳ quá tuy tôi hơi tò mò (bắt gặp quả tang là tâm chưa thanh tịnh). Ngoài đô la xanh, chẳng thấy thực phẩm gì. Tay cầm phong bánh thấy ngỡ ngàng, nghĩ bụng món nầy đâu còn xứng với nhà sư nửa, trong bụng lại nghĩ hay mình ăn thay vì cho ổng, tôi thấy nó cũng ngon mới mua biếu ổng (lại bắt gặp là còn tham ăn, chưa tu được đâu, ủa mà tôi đâu có tu). Thôi thì cứ bỏ đại vào bình bác cho xong, lỡ mở bình bác ra rồi.

Tới đây mà hết chuyện thì vô duyên quá. Tôi vào thương xá với mấy người bạn đi loanh quanh một lúc lại ra cửa, tò mò nhìn lại nhà sư, ông vẫn đứng yên ngay ngắn, nhưng lần nầy thấy có một nhóm người mở bình bác bỏ vào, không phải thực phẩm mà là đô la, rồi xá nhà sư một cái. Quả là các vị nầy tân tiến và thức thời hơn tôi. Tôi lại phân vân không biết các vị nầy bỏ tiền vào bình bác là muốn giúp nhà sư có thực phẩm để sống, hay là họ đang đầu tư như người ta chơi stock high tech mấy năm trước, một vốn mang về cả triệu tiền lời. Người sau cùng là một cô khá trẻ mở bình bác bỏ tiền vào rồi xá. 

Từ xa tôi thấy cổ lấy phong bánh in ra khỏi bình bác và xăm xăm đi lại gốc cây. Khi cổ vừa định bỏ phong bánh xuống gốc cây gần cửa thì tôi cũng vừa ra tới, còn xa vội nói :"Cô đưa cho tôi đi". Cổ cầm phong bánh đưa tôi. Không lẽ ông già ăn mặc đúng kiểu "Việt Nam ngày xưa" nầy lại đi xin ăn, mà tội nghiệp thiệt, nếu không vậy sao lại xin phong bánh. Cô gái nói ông sư nhờ tôi bỏ bánh ở đây, lát nửa ổng về ổng sẽ lấy. Lại lầm lần nửa. Không phải nhà sư bảo bỏ thùng rác. Cho rồi không lẽ lấy lại, mà liệu ổng có thèm ăn cái bánh nầy như tôi không. Ờ mà sao phải đem bánh bỏ vô gốc cây y như bỏ thùng rác, sao nhà sư không giữ nó trong bình bác... Quí vị trả lời giùm, tới nay tôi không đoán ra nỗi.

Tôi kể lại thì thằng con tôi bảo có lần nó cho một nhà sư khất thực đứng ở cửa chợ, khi mở bình bác ra nó thấy gần đầy đô la. Chắc nó cho tiền, nó đâu có đọc kinh điển lỗi thời như tôi mà cúng dường thực phẫm và biết là sư khất thực đâu được giữ tiền. Trong vòng có một tiếng đồng hồ mà tôi lầm tới mấy lần, vậy ra tôi không những đã ngây thơ mà còn lạc hậu nửa. Thời buổi nầy đâu phải như hồi một ngàn năm trước mà còn cúng dường thực phẫm và còn lo sợ quá ngọ sư phải nhịn đói tới ngày hôm sau. Tôi đúng là “ông từ giữ tàng kinh các” như các bằng hữu gọi. Cuối cùng đó chỉ là chuyện trước cửa chợ, chẳng ăn chịu chi với qúi vị sư khất thực đâu nghe, xin đừng gôm lại chung như gôm đủa thì chắc là tôi phải chịu thêm khẩu nghiệp.

Ít hàng gởi quí vị đọc cho vui, xin đừng rầy tôi làm nhàm tai qúi vị. 

(HCD)

03 February 2022

Ngày Xuân Tản Mạn Chuyện Bói Toán

 Trần Mỹ Duyệt

Sáng nay trên đường đi cầu kinh, người ngồi bên cạnh bỗng nhiên hỏi:

-Năm nay là năm gì của Âm Lịch vậy anh?

-Năm Nhâm Dần.

Nghe vậy, nàng liền đáp:

-Năm nay ai mà sinh con gái thì không tốt. Con gái mang tuổi dần thường có tướng sát phu, đàn ông con trai ít ai dám bén bảng tới!

Những quan niệm như vậy không biết đã ăn sâu vào tâm trí và đời sống văn hóa người Việt từ bao lâu, nhưng thực tế nó đã đem lại những oan trái cho rất nhiều nạn nhân. Ngay trong số bạn bè quen biết của người viết, có ít nhất ba người phụ nữ giờ đây đang sống trong cái hối hận và thù ghét mấy ông bà thầy bói. Hai trong số đó bị thầy phán: “gái tuổi dần sát phu!” Kết quả là tình duyên đã không đến được với họ. Một người khác vì yêu người tuổi dần nên người yêu cũng gặp hẩm hiu, và cho đến giờ này ở tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi mà vẫn cô đơn, tôn thờ hình bóng người xưa.

“Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Biết vậy, nhưng tâm lý chung con người ai cũng muốn tò mò tìm biết về tương lai của mình. Đây cũng là cám dỗ mà ông bà Nguyên Tổ xưa đã phạm, họ muốn biết lành, biết dữ. Tóm lại, con người qua mọi thời đại, và mọi nền văn hóa đều muốn biết tương lai của mình như thế nào: sang, hèn, giầu, nghèo, thành công, thất bại, mạnh khỏe, yếu đau, yêu đương, hạnh phúc, chia lìa, chết chóc. Do đó mới nẩy sinh nghề “nói về tương lai” con người, tương lai thế giới. Đoán vận mệnh người khác qua những quân bài, chỉ tay, tướng số, ngày sinh tháng đẻ, chữ viết... Những kiến thức dự đoán tương lai này tuy có một vài trường hợp đúng, nhưng phần lớn là “không đúng”,  “ba phải”, hoặc “nhảm nhí”. Chính vì vậy, từ xa xưa, trong ca dao tục ngữ người Việt đã có câu:  

Ôi... thời gian . . .

Xưa anh lên 5. . .



Đến năm 20 . . .



Còn nay 80 !


(Có tiếng xì xèo: "Không đến nỗi thê thảm như thế đâu!!" )

________________
(Hình T.Đ.Tạo sưu tầm - TTR chú giải)

02 February 2022

Giỏi Tính, cười tí tỉnh

 Một người đàn ông vào quán ăn và gọi một cái bánh pizza. Người bồi bàn hỏi:
- Thế ông muốn tôi cắt bánh thành 6 miếng hay 8 miếng?

Ông khách trả lời:
- Tốt nhất là anh cắt làm 6 miếng thôi. Tôi nghĩ là tôi không thể ăn hết 8 miếng đâu.

NHƯ MƠ !

Em đến rồi lại đi
Tình trần tưởng phân ly
Từ nay và mãi mãi
Tâm tư đành gởi tạm
Cảnh quang với thiền thi
Ngẫm nghĩ tuổi dậy thì
Đời vui như lúc trẻ
Hay chăng mình ... còn yêu ...?

THIỀN NHÂN