Trong truyện cổ tích dân gian “ Thằng Cuội ”, cây đa có khả năng “ trị bá bịnh “, “ cải tử hoàn sinh ”, là biểu tượng Minh triết của nền văn hóa nông nghiệp Thần Nông, nên khắp nẻo đường đất nước, nơi nào có mái đình làng là nơi đó có cây đa với cội rễ dài, vững chắc, đã bao đời chống chọi bão tố che chở mái đình làng nước Việt Nam. Biết Cuội có cây đa quý, bọn cướp chơi ác, giết vợ Cuội, moi ruột vứt xuống sông cho trôi đi mất. Khi Cuội trở về nhà thì vợ đã chết, mớm bao nhiêu lá đa cũng vô hiệu. Cuội đành mượn ruột chó để thay vào, quả nhiên người vợ sống lại, vẫn trẻ đẹp như xưa, nhưng tính tình thay đổi dần, lại hay quên. Cuội cẩn thận căn dặn vợ: “ Có đái thì đái bên Tây, chớ đái bên Đông, cây dông lên trời! ”. Vợ Cuội lú lẫn, quên lời dặn, đái bậy bên Đông là mệnh của hành Mộc, nên cây đa bay mất. Đó là truyện cổ tích, còn trong thực tế thì có biết bao người phóng uế bừa bãi, không thương tiếc vào nền Minh triết Việt, không biết do vô tình hay cố ý, đều làm lợi cho giặc cướp cả.
Sự kiện lịch sử được xác định rõ ràng trong một không gian, thời gian nhất định, còn sự kiện huyền sử thì lại mông lung, có thể tái diễn bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Câu nói của Thần Kim Quy: “ Giặc ngồi sau lưng nhà ngươi đấy! ” không bao giờ lỗi thời. Thật vậy, không phải chỉ có giặc ngoại xâm không thôi, mà còn có cả giặc từ bên trong nữa như ca dao, tục ngữ trong dân gian đã chỉ rõ ra hành động tác hại của họ:
“ Cõng rắn cắn gà nhà.”“ Rước voi giầy mả tổ.”
Ruột người mà thay bằng ruột chó, tâm linh nhân bản mà thay bằng tâm duy vật thì như cái xác không hồn, làm sao không mắc bệnh mất trí, nhìn bạn ra thù, lấy thù làm bạn, làm sao ý thức được bảo vật của Tổ Tiên. Bảo vật đó là Đạo Việt với Việt lý uyên nguyên, là nền Minh triết Việt hiếm có, là nguồn suối, là giếng Việt với dòng nước Cam tuyền vô tận của Tổ Tiên để lại dưới dạng ẩn giấu do hoàn cảnh ngoại xâm, nay như cái giếng bị bỏ hoang phế, con cháu cần phải khai thông để đón nhận nguồn nước Cam tuyền dịu ngọt. Ai có khả năng làm công việc này? Xin thưa là tất cả những ai làm sáng được đức sáng của tính Việt. Người nào cũng có khả tính ấy cả, nhưng tập trung đúng mức và làm thể hiện được khả tính ấy thì rất công phu. Tục ngữ có câu: “ một con én không làm nên mùa xuân ”, cho nên cần kết hợp một nhóm người có cùng chung hoài bão; mà một nhóm người cũng chưa đủ, cần phải có sự biểu đồng tình của toàn dân, sự chủ động đưa vào quốc sách và trực tiếp bảo trợ của một chính quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân. Có được như thế, mới có thể hình thành nỗi một nền quốc học cho nước nhà với nền văn hóa vừa có tính nhân bản truyền thống tâm linh, vừa có tính văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Nếu nói theo Việt lý thì đó là Triết lý quân bình, rất cân đối, hài hòa giữa hình vuông của bánh chưng, tượng trưng cho Đất và hình tròn của bánh dày, tượng trưng cho Trời, là Minh triết của Lang Liêu, Tiết Liệu trong truyện cổ thời Hùng Vương của nước Văn Lang.
Minh triết của bánh dày, bánh chưng cũng là Minh triết của Hà Đồ- Lạc Thư hợp nhất: Lạc Thư hình vuông, tổng cộng các số độ là 45; Hà Đồ hình tròn, tổng cộng các số độ là 55. Như vậy, tổng số các số độ của Đồ Thư hợp nhất là con số 100, tượng trưng cho Bách Việt.
Bánh dày cũng như Hà Đồ hình tròn, biểu tượng cho Trời, cho thế giới tâm linh, là đạo nội thánh; trong khi bánh chưng cũng như Lạc Thư hình vuông, biểu tượng cho Đất, cho thế giới hiện tượng, là đạo ngoại vương. Có hợp nhất được cả “ nội ngoại chi đạo ” thì mới thực hiện được Đạo cả.
Cặp hình tượng tròn – vuông chuyển qua cặp cơ số 3-4 hay 3-2 ( tham thiên lưỡng địa ) của Việt lý có tỉ lệ rất quân bình, là ý nghĩa của chữ Tương trong truyện “ Hồng Bàng Thị ”, là điều kiện để có Minh triết:
Cơ số 3 - Nguyên lý mẹÂmCơ số 2 - Nguyên lý cha
Tâm linh
Tình
Nhu
Tiềm ẩn
Dương
Hiện tượng, vật chất
Lý
Cương
Hiển hiện
..... .....
Còn cặp cơ số hình kim tự tháp 4-1 thì quá chênh lệch. Nếu quá lo về đường tâm linh thì sẽ xao lãng việc đời đưa đến tị thế, quá nặng tình mà kém lý thì dễ trở nên nhẹ dạ, mù quáng; quá nhu sẽ trở nên nhu nhược, quá cương sẽ trở thành tàn bạo, quá duy lý sẽ trở nên cơ tâm, lạnh lùng.
Hình ảnh vuông tròn là biểu tượng của sự hoàn hảo trong Việt lý, cho nên được đúc kết thành câu chúc mừng các bà mẹ lúc sanh đẻ: “ Mẹ tròn con vuông ”. Hình ảnh này cũng được biểu thị cho tính trường cửu của những vấn đề hệ trong trong cuộc nhân sinh như tình yêu lứa đôi, hôn nhân:
“ Trăm năm tính cuộc vuông tròn,Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông.”( Kiều- Nguyễn Du )
Hình ảnh tròn vuông với cặp cơ số 3-4 còn biến thành 6-8 trong thể thơ lục bát, tạo nên sự hài hòa, cân đối cho thể thơ riêng của văn chương Việt Nam.
Điệu nhạc luân vũ 3-4 nổi tiếng cũng theo nhịp cơ cấu đó, khi khúc nhạc trổi lên thì âm điệu nghe thật du dương, trang trọng; khi khiêu vũ thì uyển chuyển, quý phái. Được như vậy là nhờ ở cặp cơ số rất cân đối, nếu chỉ có những bước chân thẳng tới lui, qua lại vuông vức, cứng nhắc của phái nam, mà thiếu những bước xoay vòng, uyển chuyển của phái nữ thì cuộc khiêu vũ mất hết ý nghĩa, vì vũ cũng như nhạc cốt yếu ở sự hài hòa. Sự hài hòa từ từng cặp nhỏ mở rộng ra toàn thể nhân loại thì sẽ có Thái hòa.
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, với cặp cơ số 3-2 chứng tỏ nguyên lý mẹ vẫn trội hơn, do đó người mẹ Việt Nam rất được quý trọng, và trong thực tế rất xứng đáng với lòng quý trọng đó.
Trong lịch sử, nếu bên phái nam có những vị anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, cứu nước thì phái nữ cũng có những anh thư xuất chúng, cho nên tục ngữ mới nói:
“Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh.”
Hai Bà Trưng: Năm Giáp Ngọ (34), Hán Quang Vũ phái Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ. Họ Tô tham tàn, hiếu sát nên lòng người oán giận. Thi Sách gởi giác thư đến Tô Định tố cáo tội ác: “ Rán mỡ dân để thỏa lòng dục! “ và cảnh cáo: “ Nếu không sửa đổi chánh sách cho rộng rãi thì sẽ nguy vong đến nơi.”
Tô Định lợi dụng sơ xuất của Thi Sách, bắt giết ông. Trưng Chắc (Trắc), Trưng Nhì ( Nhị ) tức thì thay quyền tướng quân tiến đánh thẳng vào Liên Lâu thành và các châu trị. Hai Bà trang sức rất lộng lẫy, tinh thần không vì việc tang tóc mà suy giảm, khiến quân sĩ ngạc nhiên. Hai Bà giải thích rằng lúc này việc nước hệ trọng, không thể vì nỗi đau buồn riêng mà hủy bỏ dung nhan, khiến thần khí kém đi. Trái lại phải phấn khởi quân sắc và y phục rực rỡ để xúc động lòng quân địch. Chúng đã bị xúc động thì sự chiến đấu của chúng cũng bớt hăng hái. .Quân khởi nghĩa đều phục Hai Bà cao kiến. Do lòng căm phẫn lâu năm, nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, quân của Hai Bà đi đến đâu cũng như gió lướt cỏ, Tô Định thua to, cùng bộ hạ chạy tháo thân về quận Nam Hải. Hai Bà giành lại được độc lập, xưng vương, đóng đô tại Mê Linh.
Trong Đại Việt Sử Ký, Lê Văn Hưu nhận xét: “ Trưng Chắc, Trưng Nhì là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay.Thế mà cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi tớ người Tàu mà không biết xấu hổ với hai người đàn bà họ Trưng! ”
Bà Triệu: Bà tên là Triệu Thị Trinh, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nên phải ở với anh là Triệu Quốc Đạt. Bà gặp người chị dâu cay nghiệt. Sự cay nghiệt đó là do Bà Triệu có những tính tình hiên ngang khác hẳn thiên hạ, nên những người đàn bà tầm thường không sao chịu đựng được. Ở cô gái ấy có cả một sự cương cường, một tinh thần bất khuất đáng lẽ nó phải phát xuất ở tâm hồn một đấng nam nhi. Có lẽ vì các dị tính đó mà Bà Triệu đã giết chị dâu để khỏi có sự cản trở trên con đường tranh đấu cho dân cho nước của mình. Không những Bà có chí khí anh hùng, lại có sức mạnh, có mưu lược nên hàng nghìn tráng sĩ xin theo dưới cờ và cùng vào rừng núi để mở cuộc khởi nghĩa. Buổi đầu, Triệu Quốc Đạt không tán thành công cuộc của Bà, nhưng sau Ông chịu theo ý kiến của em. Bà Triệu, trong một cuộc tranh luận với anh, đã để lại trong lịch sử một câu nói khẳng khái bất hủ như sau:
“ Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu còng lưng làm tì thiếp cho người ta.” ( viết theo Việt Sử Tân Biên- Phạm Văn Sơn )
Trong lãnh vực văn học nước nhà, bên cạnh nam giới, nữ giới cũng có thành tích xuất sắc. Xin kể vài ngôi sao sáng:
Bà Đoàn Thị Điểm ( 1705- 1748 ): có công dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán
của Đặng Trần Côn ra thơ nôm. Bà say mê trong công việc này, vì nỗi lòng người chinh phụ trong tác phẩm giống hệt tâm trạng của Bà khi chồng là Nguyễn Kiều đang đi sứ sang Tàu. Chính tác phẩm diễn nôm này đã đưa tên tuổi của Đoàn Thị Điểm lên tới đỉnh cao của văn đàn cổ điển nước nhà. Ngoài ra, còn có nhiều giai thoại lý thú về Bà:
Một hôm, người anh là Đoàn Doãn Luân thấy em gái đứng tựa cửa sổ soi gương trang điểm, liền ra câu đối:
“Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.”
( Trước kính vẽ mày, một điểm hóa thành hai điểm, cũng có nghĩa là một Thị Điểm hóa thành hai Thị Điểm )
Bà liền đối lại:
“ Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.”
( Ngắm trăng ở ao, một vừng tròn chuyển thành hai vừng, cũng có nghĩa là một Doãn Luân chuyển thành hai Doãn Luân )
Sự tài tình của câu đối trên là sự kiện ( vẽ mày, ngắm cảnh ) cũng là tên người đối đáp. Ngoài ra, câu đối đáp trên còn phản ảnh từ tiềm thức sâu thẳm tính lưỡng hợp, lưỡng nhất của Triết lý Việt, mà có khi người đối đáp không hề để ý đến: một mà là hai, hai mà là một. Đặc tính này hoàn toàn xa lạ đối với Triết học duy lý, nhị nguyên phương Tây.
Người ta cũng kể lại rằng, có lần sứ thần Thanh triều sang nước ta, dọc đường thấy Đoàn Thị Điểm xinh đẹp giả làm cô bán hàng, hống hách nói bông đùa:
“ Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.”
( Phương Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày )
Đoàn Thị Điểm liền đáp lại:
“Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.”
( Các bậc đại trượng phu phương Bắc đều bởi đường ấy mà ra )
Sứ thần Tàu không ngờ ở phương Nam có một cô gái bán hàng mà có tài đối đáp nhanh trí như thế, nên hổ thẹn rút lui, không còn dám coi thường, bỡn cợt gái nước Nam nữa.
Bà Huyện Thanh Quan: là hình ảnh của người đàn bà Việt Nam có tư cách cao quý, đoan trang, thanh lịch, sâu sắc biểu lộ qua những bài thơ được xếp vào hàng cổ điển trứ danh trong nền văn học nước nhà. Đó là những bài thơ, mà tình cảm và ý tưởng siêu vượt qua cõi hiện tượng hạn hẹp đi vào vùng nhân bản tâm linh mênh mông, nên mới thật là thơ bất hủ. Nay xin phép trưng ra vài bài:
Qua đèo Ngang:“ Bước tới đèo Ngang bóng xế tàCỏ cây chen lá đá chen hoaLom khom dưới núi tiều vài chúLác đác bên sông chợ ( rợ ) mấy nhàNhớ nước đau lòng con quốc quốcThương nhà mỏi miệng cái gia giaDừng chân đứng lại: trời non nướcMột mảnh tình riêng ta với ta.”
Đèo Ngang, đã ngang thì có ngăn cản, cách trở, là đặc điểm của cõi đời, cõi hiện tượng biến dịch không ngừng. Đã có biết bao nhiêu người qua cái đèo này rồi, cái đèo trọng yếu của quốc gia như yết hầu của cơ thể mà có mấy ai quan tâm. Vậy mà đã có một người đàn bà khi đặt chân đến nơi có độ cao này đã mở rộng tâm thức, mở rộng tầm nhìn để rồi mở ra con đường Dọc vào cõi tâm linh man mác. Vừa mới “ bước tới đèo Ngang ” thì “ bóng xế tà ”, tức là vào buổi hoàng hôn, là lúc tranh tối tranh sáng, lúc giao thời giữa ngày với đêm, chuẩn bị cuộc hôn phối âm dương, Tiên Rồng. Đây là cửa ngõ của Thời- Không, không còn biên giới phân ranh, cho nên tất cả mọi sự, mọi vật như cỏ, cây, đá, hoa...chen lẫn nhau như xóa nhòa sự phân cách dị biệt, như những đối tượng không đối tượng. Rồi quốc trở nên quốc quốc, gia trở nên gia gia cũng như sinh trở nên sinh sinh, là lúc có khả năng sinh hóa cũng như phản phục, quay về với cội nguồn để gặp nhau nơi Tương Dã. “ Ta với ta ” là cuộc hội ngộ Tiên với Rồng, Lý với Tình, Ý thức với Tiềm thức tâm linh, Xác thân ( vật chất ) với Linh hồn
( tinh thần ) tại nơi Thái thất. Nếu không có sự tương phùng đó thì con người cứ đi lang thang mãi như con chim quốc lạc bạn kêu thảm thương giữa trưa hè, cũng như kẻ vô gia cư, vô gia đình, vô tổ quốc, vong thân, vong bản chẳng bao giờ có được hạnh phúc.
Thăng Long hoài cổ:“ Tạo hóa gây chi cuộc hí trườngĐến nay thấm thoắt mấy tinh sươngLối xưa xe ngựa hồn thu thảoNgõ ( nền ) cũ lâu đài bóng tịch dươngĐá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệtNước còn cau mặt với tang thươngNgàn năm gương cũ soi kim cổCảnh đấy người đây luốn đoạn trường.”
Bài thơ thần tình này cũng gần như huyền thoại, không còn nói lên một tâm trạng, một sự kiện nhất thời nữa, mà trở thành sử mệnh của một Thăng Long ngàn năm trong lòng mọi người. Những bước thăng trầm của thành Thăng Long cũng chính là những bước thăng trầm cả quốc gia, dân tộc.
Hiện nay tại đất Thăng Long có hai sự kiện tương phản:
Sông Hồng trơ đáy, thuyền tàu mắc cạn. Hiện tượng này, ngoài thiệt hại vật chất trước mắt trong đời sống tại địa phương, còn là một điềm bất lành cho cả đất nước. Người ta tin như vậy, vì ngày xưa khi sông Nghi, sông Lạc cạn thì nhà Hạ mất; khi sông Hạ cạn thì nhà Thương sụp đổ.
Rồng Vàng hiện ra trên bầu trời Hà Nội ( 20- 8- 2009 ), cả dân chúng thủ đô đều nhìn thấy, bàn tán xôn xao. Hiện tượng kỳ thú hiếm có này khiến cho lý do việc đổi tên thành Đại La ra Thăng Long khi vua Lý Thái Tổ dời đô vào năm 1010 như lịch sử đã ghi là có thật. Đây là điềm lành cho thấy “địa linh nhân kiệt ” vẫn còn; Tổ tiên luôn kề cận, phù hộ; bậc hiền tài sẽ ra đời, cứu nước, an dân, trừ gian, diệt bạo. Có thể đây là thông điệp của Bố Lạc Long Quân báo rằng Bố sẽ về, vậy hãy chuẩn bị gặp nhau nơi Tương Dã.
Hồ Xuân Hương:
Khác hẳn với thơ văn của các bà Đoàn Thị Điểm, Huyện Thanh Quan có tính cách khuê các, đoan trang, thơ văn của nữ sĩ Xuân Hương bạo dạn, ranh mãnh, bông đùa, phóng túng, nhưng sắc sảo và đặc biệt đàng sau lời thơ mập mờ láu lĩnh thấp thoáng ý lẳng lơ dục tính.
Hiện tượng Thu Hương báo động cho biết có cái gì bất ổn đến độ đáng lo ngại cần được quan tâm. Trước hết hoàn cảnh xã hội vào thời cuối Lê đầu Nguyễn vô cùng loạn lạc, Hán Nho, Tống Nho độc tôn chuộng hình thức, thiếu chiều sâu nhân bản tâm linh đã mất hết sức sống, cho nên vòng lễ giáo khắc khe bị bung ra, tâm tình con người bấy lâu bị dồn nén, nay tuôn trào như nước vỡ bờ. Những tác phẩm văn thơ tình cảm lãng mạn như: Phan Trần, Mai đình mộng ký, Đoạn trường tân thanh lần lượt ra đời. Hồ Xuân Hương chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội đương thời ấy, đồng thời cũng do hoàn cảnh nội tại là tâm lý của tác giả.
Thật vậy, Xuân Hương là người đàn bà có học, thông minh, mộng ước có chồng là người nho nhã, tài hoa. Nhưng mộng ước không thành, cuộc đời gặp toàn những chuyện không may, không vừa ý, hai lần phải chịu cảnh làm lẽ. Do kinh nghiệm cay đắng của bản thân và tâm lý của một người làm lẽ trong xã hội phong kiến xưa, bà để lại bài thơ “ Lấy chồng chung” với lời mỉa mai chua chát:
“ Kẻ đắp chăng bông kẻ lạnh lùng,Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!Năm thì mười họa nên chăng chớ,Một tháng đôi lần có cũng không.Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,Cầm bằng làm mướn, mướn, mướn không công.Thân này ví biết dường này nhỉ,Thà trước thôi đành ở vậy xong.”
Kể từ khi văn hóa nông nghiệp bị văn minh du mục xâm thực, nguyên lý mẹ bị nguyên lý cha áp chế thì người đàn bà chịu nhiều thiệt thòi đối với đàn ông:
“ Trai năm thê bảy thiếp,Gái chính chuyên một chồng.” ( Ca dao )
Tình trạng bất bình đẳng này được thượng tầng văn hóa là Hán Nho củng cố, duy trì bằng cách ca tụng, đề cao “ tam tòng, tứ đức ” như đạo hạnh cao quý của người đàn bà.
Sau hai lần làm lẽ, rồi trở thành góa bụa, bà vẫn còn trẻ. Hơn nữa là người có văn tài lại cũng đa tình, cho nên cảnh cô đơn lại càng thấm thía:
“ Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,Trơ cái hồng nhan với nước non.”( Hồng nhan )
Người đàn bà tài hoa son trẻ đó cần cuộc sống đầy ấp tình ái của con người tại thế, chứ không cần danh phong hão, cho nên vẫn có ý mong muốn gặp được một người tình lý tưởng:
“ Tài tử văn nhân ai đó tá?Thân này đâu đã chịu già lom.”( Tự tình )
Từ đây bà rất thông dong, dạo chơi đây đó, thường giao du với giới thi nhân, trong đó có ông Chiêu Hổ thường cùng bà xướng họa. Bà hoàn toàn thất vọng với những người đàn ông thuộc giới Nho sĩ thi thân, họ chỉ muốn lợi dụng hoàn cảnh đơn chiếc của đàn bà để thỏa mãn dục vọng xấu xa chứ không có tình yêu chân thật. Bọn đàn ông đội lốt Nho sĩ đạo đức giả đã trở thành đối tượng cho những bài thơ trào phúng, châm biếm, chỉ trích:
“ Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.”(Đánh đu )“ Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ,Sang nữa hay là một chuyến thôi.”( Qua sông phụ sóng )
Thấy rõ tính tham lam, lợi dụng của đàn ông, bà nhắn nhủ họ chớ có ỡm ờ nữa:
“ Quân tử có yêu thì đóng cọc,Xin đừng mắn mó nhựa ra tay.”( Quả mít )
Trong xã hội phong kiến với nền luân lý khắc khe, người đàn bà có chửa hoang bị xã hội
khinh khi thậm tệ. Là người đàn bà bất hạnh, bà thông cảm cho thân phận khách má hồng cũng vì
“cả nể cho nên sự dở dang “:“ Cái tội trăm năm chàng chịu cả,Mảnh tình một khối thiếp xin mang”( Không chồng mà chửa )
Tình yêu, tình dục, hai yếu tố không thể tách rời trong đời sống hạnh phúc lứa đôi. Bọn ngụy quân tử xé rào, không giữ qui luật quân bình giữa tự do luyến ái và trách nhiệm của Đạo Trung Dung: “ Chuyến đò nên nghĩa sao không nhớ ”. Thế tại sao dư luận xã hội không vạch mặt chỉ tên bọn đạo đức giả, lường gạt này, mà lại có thành kiến độc ác với những phụ nữ nạn nhân bất hạnh. Chung qui cũng bởi tại Hán Nho lệch lạc quá độ về phía văn minh du mục, xa hẳn cái gốc văn hóa nông nghiệp của Nho nguyên thủy, của Đạo Việt. Bọn hủ Nho, ngụy quân tử chỉ còn biết tham mê tình dục chớ còn biết chi tới tình yêu chân thật với trách nhiệm và ý nghĩa cao cả của tình nghĩa vợ chồng như sách Trung Dung dạy: “ Quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ ”. Hồ Xuân Hương táo bạo lấy ngay những hình ảnh, những đối tương mà bọn đàn ông mê dục nhưng do thành kiến luân lý, đạo đức không ai dám động đến để châm biếm. Có lẽ vì thế, thơ của bà vừa có tính cách trào phúng, châm biếm, vừa có tính cách ỡm ờ, nửa thanh, nửa tục.
Bà Hồ Xuân Hương là một phụ nữ có những nét độc đáo hiếm có, tuy chưa phải là một nhà nữ cách mạng hoàn toàn đúng nghĩa, nhưng bà cũng đã tiên phong đánh lên hồi chuông, đốt lên bó đuốc soi đường cách mạng. Nhưng tiếc thay, giai tầng sĩ phu là hủ Nho mê muội, hùa nhau bịt chuông, dập tắt ngọn đuốc, bởi vì bọn chúng chuyên chuộng hình thức bề ngoài, mà không có chiều sâu tâm linh nên làm sao cảm nhận được thứ âm thanh và ánh sáng huyền diệu đó. Nghĩ cho cùng cũng do Hán Nho là thứ văn hóa nô dịch ngoại lai mà ra.
Phụ nữ Việt trong văn học dân gian:
Người con gái Việt trong văn học bình dân, do ở địa bàn nông thôn, ít có dịp tiếp xúc với văn hóa ngoại lai, nên còn giữ được những đặc tính truyền thống của tính Việt, có khả năng tâm linh mẫn tiệp, tiếp cận với Minh triết, cho nên thường gợi ý nhắc nhở người con trai:
“ Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòngNước sông Thương bên đục, bên trongNúi Đức Thánh Tản thắt cỏ bồng mà lại có Thánh sinh.”
“ Thành Hà Nội năm cửa ” là thiết kế theo cơ cấu Ngũ Hành, Minh triết của Việt Nho. Theo cơ cấu này thì hành Thổ ở trung cung điều hòa, quân bình hóa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa. Dân cư ngụ nơi hành Thổ này cũng như ở trong ngôi nhà Thái thất, được an cư lạc nghiệp, hạnh phúc. Ngũ thì đi với Phúc: thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mệnh ( sống hết tuổi trời )
“ Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng ”: Lục thì đi với Cực: đoản triết, tật, ưu, bần, ác, nhược ( chết yểu ). Nước chảy xuôi một chiều là trái luật tự nhiên của thủy triều lên xuống, trái luật âm dương.Theo độc khối, độc quyền, độc trị, chỉ lo ngăn chận, đắp đê, be bờ mà không lo vét lòng sông để khai thông, cho nên bế tắc và có lúc tức nước vỡ bờ, nếu không thì lòng sông cứ lên cao, nước sông sẽ cạn dần như tình trạng sông Hồng đã nói ở trên. Xưa kia ông Cổn dùng chính sách đắp đê là dừng lại ở bình diện lý trí nhị nguyên vòng ngoài, nhận một, bỏ một, cho nên nói “ nước chảy xuôi một dòng”. Ông Vũ đào sông là đi sâu vào tâm linh, nên được Cửu trù, có trí huệ Minh triết thấu tận căn cơ gọi là cách vật, thấy được cái toàn thể.
“ Nước sông Thương bên đục, bên trong ”: Đây là kết quả của qui luật tự nhiên trong thế giới hiện tượng ba động đưa đến phân cực đối đãi.
“ Con sông kia bên lở, bên bồiBên lở thì đục, bên bồi thì trong.”
Theo tinh thần của triết lý quân bình thì nên tránh những cực đoan, nếu không thì sự phân ly lại càng lớn:
“ Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm ” khiến cho thế quân bình lâm nguy, sự bình đẳng, bình quyền, bình sản không còn nữa, xã hội lâm vào cảnh:
“ Kẻ ăn không hết, người lần không ra ”.
“ Núi Đức Thánh Tản thắt cỏ bồng mà lại có Thánh sinh ” : Cao Biền dùng tà thuật trấn yểm, trêu thần núi Tản Viên thì thấy Vương cỡi ngựa trắng đứng trên mây, khạc nhổ mà đi. Cao Biền than rằng:
“ Linh khí Nam phương chưa thể trắc lượng được, vương khí đâu khá diệt được, uy linh hiển ứng là thế.” ( Truyện Núi Tản Viên- Lĩnh Nam Trích Quái )
Đặc tính của Minh triết Việt là không chỉ chú trọng ở lượng mà quan trọng là ở phẩm, cho nên có những cái trông thấy thường thường mà lại là phi thường, như cô gái quê cấy lúa rất bình dân lại có được tính Việt, còn bọn Nho quan khoa bảng chắc gì có được:
“ Người ta đi cấy lấy công,Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.Trông trời, trông nước, trông mây,Trông mưa, tông gió, trông ngày, trông đêm.Trông cho chân cứng đá mềm,Trời trong, bể lặng mới yên tấm lòng.”
Bài ca dao này có đầy đủ các yếu tố Âm Dương: ngày, đêm, cứng, mềm; Tam Tài: trời, đất, người ( cô gái đi cấy ); Bát Quái: trời, đất, mây, mưa, gió, đá, bể ...
Cô gái đi cấy mới thoáng thấy bình thường mà suy gẫm cho kỹ thì lại có phong cách siêu việt, quả thật là cô gái Việt ở đây chứ ở đâu xa: nào là khả năng phi thường “ chân cứng đá mềm ”, nào là cứu cánh lý tưởng “ trời trong, bể lặng ”, tức là lý tưởng thái bình, thái hòa.
Quẻ Ly tượng trưng cho đàn ông con trai, gồm hai hào dương bên ngoài, hào âm bên trong. Trong khi quẻ Khảm tượng trưng cho đàn bà con gái, gồm hai hào âm bên ngoài, hào dương bên trong, cho nên dễ bắt ánh sáng Minh triết hơn đàn ông con trai. Lý ưu thế ở vòng ngoài, còn tình ở vòng trong thuộc về tâm linh và khi “ tình thâm ” thì “ văn minh ”. Chính vì thế, con gái trong văn học dân gian không bao giờ bị lấn áp, luôn luôn sánh vai với con trai trong các cuộc sinh hoạt văn hóa như hội lễ, ca hát quan họ, trống quân...và còn hơn thế nữa, con gái có đủ tư cách để khuyên nhũ, khuyến khích bọn con trai nên nghiên cứu học hỏi Đạo lý nho nhã uyên nguyên của Tổ Tiên để trở thành người tài đức vẹn toàn, là lớp người mà Tổ Quốc thật sự cần đến, mới xứng đáng là những người tình lý tưởng của các cô gái Việt:
“Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu.Anh về anh học chữ Nhu,Mấy trăng em cũng đợi, mấy thu em cũng chờ.”
Chức năng giáo dục con cái của phụ nữ:
Trong “ Bình Ngô đại cáo ” Nguyễn Trãi ( 1380-1442 ) có viết về sự khó khăn vào thời kháng Minh như sau: “ Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu.” Như vậy, nguyên do ở đâu? Xin thưa ngay là do văn hóa nô dịch bao đời hết Hán rồi lại Đường, Tống, Minh lần lượt mang sang làm tê liệt tính Việt cho chính sách đồng hóa trường kỳ của đế quốc.
Chỉ những ai còn duy trì và phát huy được tính Việt mới có khả năng thâu hóa sáng tạo tinh hoa Nho nguyên thủy mà trở thành nhân tài thực sự có ích lợi cho Tổ Quốc.
Sau chiến tranh, Nguyễn Trãi muốn góp công chấn chỉnh nền luân lý, đạo đức ngay từ trong triếu đình như đề cao nhân nghĩa, chủ trương đời loạn dùng võ, thời bình dùng văn, dạy những đức tính cần thiết cho hoàng tử để xứng đáng nối nghiệp lãnh đạo muôn dân, chống xa hoa, phung phí làm khổ dân... Nhưng việc bất thành như ý, vì bọn nịnh thần cấu kết lộng hành, hậu quả tất nhiên của văn hóa nô dịch vốn chủ trương đào tạo ra đội ngũ vong nô, sát hại kẻ hiền thần, làm tàn hại đất nước. Để bổ túc khuyết điểm này, Nguyễn Trãi làm ra “ Gia huấn ca ” để hướng dẫn, khuyến khích giáo dục gia đình, mà trong đó người mẹ có vai trò rất quan trọng:
“ Lạ gì con có giống ai,Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.”
Đó là lẽ tất nhiên của luật ảnh hưởng, luật gần xa:
“ Gần mực đen, gần đèn thì sángỞ bầu tròn, ở ống thì dài.”
Các bà mẹ Việt nào cũng thường ru con bằng những lời ca dao hay kể chuyện cổ tích, huyền thoại của dân tộc cho con trẻ nghe trước khi vào giấc ngũ. Ca dao, chuyện cổ tích, huyền thoại là những dòng sửa mẹ ngọt ngào nuôi dưỡng dòng sống tâm linh, tiềm thức cộng thông của dân tộc. Dòng sống này chảy ngầm bên dưới lớp ý thức nên khó phát giác, nó thường hiện ra trong giấc mơ, nhất là ở thời niên thiếu. Bài ca “ Tuổi thơ ” của Nguyễn Văn Thương có câu mà lúc nhỏ tôi rất thích: “ và về đêm nằm ngũ mơ thấy tiên “. Tiên đâu có ở xa ta, tiên là mẹ của tôi, mẹ của anh, mẹ của chị, mẹ của các em, mà xuôi lên đến tận nguồn là mẹ Tiên Âu Cơ với bọc trăm trứng trong huyền sử.
Như đã nói, phụ nữ bên ngoài âm, nhưng bên trong lại dương, cho nên rất nhạy bén trong việc nắm bắt ánh sáng Minh triết. Có lẽ vì thế mà các bà mẹ thường dạy con bằng tình thương, bằng cách thể nghiệm cả tâm thân, bằng những tấm gương hơn là chỉ bằng lý lẽ. Lý lẽ, lý trí dầu có hoàn hảo đến đâu cũng chạy loanh quanh ở hình vuông vòng ngoài, mà đã là hình vuông thì có bốn góc cạnh phân biệt, còn tình thâm thì mọc rễ vào tận tiềm thức tâm linh sâu thẳm ở dạng vòng tròn hoàn hảo vô biên.
Vài ba mẫu chuyện:
Chuyện Tăng sâm giết người ở sách “ Cổ học tinh hoa ” của Ôn Như và Từ An sưu tập ghi như sau:
”Ông Tăng Sâm ở đất Phi. Ở đấy có kẻ trùng danh với ông giết chết người.Một người hớt hãi chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “ Tăng Sâm giết người ”. Bà mẹ nói: “ Chẳng khi nào con ta lại giết người ”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.Một lúc, lại có người đến bảo: “ Tăng Sâm giết người ”. Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.Một lúc nữa lại có người đến bảo: “ Tăng Sâm giết người ”. Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.” ( Quốc sách )”
Cho hay cái tác dụng ghê gớm của sự tuyên truyền rỉ tai. Không ai hiểu con bằng các bà mẹ, vậy mà mẹ của ông Tăng Sâm còn bị lung lạc, cho nên các bà mẹ nên luôn thận trọng.
Chuyện Lạc Long Quân diệt Hồ Tinh ở Lĩnh Nam Trích Quái cũng có ghi: “ Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có người Mán gác cây, kết cỏ làm nhà ở. Trên núi có vị thần được mọi người thờ phượng. Thần dạy mọi người làm ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, cho nên gọi là Bạch Y Man. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát, rồi khi dụ dỗ được con trai, con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá, mọi người lấy làm khổ...” Chuyện này khiến liên tưởng đến chuyện những người tù trong hang của Platon, chỉ thấy bóng chập chờn trên vách đá. Các bà mẹ lấy làm khổ, vì lo sợ con mình bị nhồi nhét những tà thuyết ngoại lai, trở thành vong thân, vong bản, không còn nhận ra ” bản lai diện mục” của mình.
Chuyện mẹ hiền dạy con:
“ Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn , khóc. Bà mẹ thấy thế nói: “ Chỗ nầy không phải chỗ con ta ở được ”. Rồi dọn nhà ra gần chợ.Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch cách buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói:“ Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được” bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: “ Chỗ này là chỗ con ta ở được đây”.
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ: “ Người ta giết lợn làm gì thế?”Bà mẹ nói đùa: “Để cho con ăn đấy ”. Nói xong bà nghĩ lại, hối rằng: “ Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?”Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng: “ Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy ”. Từ hôm đó, thầy Mạnh học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ có cái công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao?” ( Liệt nữ truyện )”
Người ta cũng có kể về tấm gương giáo dục của mẹ ngài Cưu La Thập. Ý nguyện của mẹ ngài là mong sao cho ngài đạt được hạnh Bồ Tát để truyền bá chánh pháp Đại Thừa cứu độ chúng sinh. Muốn cho ước nguyện thành tựu, bà quan niệm rằng người mẹ trước hết phải tu tập chứng ngộ để nêu gương và bà đã được như ý.
Qua mấy mẫu chuyện gương xưa, chúng ta thấy vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con cái. Quả thật đúng như những nhận định sâu sắc của “ Gia huấn ca ”:
“ Lạ gì con có giống ai,Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.”và qui luật ảnh hưởng gần xa rất phổ biến:“ Gần mực đen, gần đèn thì sáng,Ở bầu tròn, ở ống thì dài.”
Trẻ con mà ở gần người buôn bán điên đảo, cũng bắt chước bày trò chơi buôn bán điên đảo. Lâu ngày, trò điên đảo nhập tâm không hay biết, phát triển không lường, lớn lên có thể lừa đảo bán cả nhà, đất hương quả của Tổ Tiên, rồi cũng có lúc bán đứng luôn cả dân, cả nước không chừng.
Bà mẹ của Mạnh Tử chỉ vì nói đùa với con mà phải vội sửa ngay, chứ còn như cố tình dạy con nói dối, xem như “ cứu cánh biện minh phương tiện ” đời sau này thì hậu quả sẽ không lường được, bao thế hệ sẽ chạy theo lề thói nói láo thì còn chi là văn hóa.
Viết bài tiểu luận với đề tài phụ nữ Việt không có nghĩa là chỉ đề cao nguyên lý mẹ, phủ nhận nguyên lý cha, mà chỉ muốn phục hồi nguyên lý mẹ khi các chủ thuyết ngoại lai mang tính văn hóa du mục với cặp cơ số 4-1, quá nghiêng về nguyên lý cha với duy lý lạnh lùng, bạo lực thô bạo, làm mất quân bình trầm trọng, khiến cho con người điêu đứng, không có hạnh phúc.
Thực ra, theo truyền thống Đạo Việt thì cả hai nguyên lý mẹ- cha hòa hợp, mẹ Âu Cơ- cha Long Quân và các con hẹn hò, gặp nhau nơi Tương Dã. Đạo Việt cũng còn thể hiện qua tương quan bánh dày- bánh chưng, vuông- tròn với cặp cơ số cân đối 3-4 hay 3-2. Như vậy, tinh thần của Việt lý là lưỡng hợp, chứ không phải nhị nguyên, chọn nguyên lý mẹ bỏ nguyên lý cha, hay ngược lại.
Nguyễn Văn Nhiệm
No comments:
Post a Comment