30 October 2013

Ảnh đẹp Hương Kiều Loan


Lần đầu hát lại Quốc Ca

Nầy công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống
Vì tương lai Quốc dân, cùng xông pha khói tên
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền
………………….

Công dân ơi mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá
Vẻ vang nòi giống
Xứng danh ngàn năm giòng giống Lạc Hồng 
“Quốc ca Việt Nam” là bài nhạc mở đầu cho một cuốn băng những bản hùng ca thời chiến. Tôi thường tìm đến băng nhạc này mỗi khi lòng xôn xao nhớ về quê hương và những ngày xưa yêu dấu.  Trong lời ca điệu nhạc đầy hùng khí như vẫn còn vang dội những bước chân hiên ngang, nhịp nhàng, dáng dấp kiêu hùng của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng của thời đại chúng tôi.  Băng nhạc này do một cựu Đại tá Việt Nam Cộng Hoà đã tìm thâu lại những bản nhạc của Cục Chính Huấn và gửi tặng, khi ông biết tôi rất nhớ những bản hùng ca ngày cũ.  Đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn giữ gìn nó như một món quà quí, và đã sang lại thêm băng thứ hai để cất giữ, phòng khi băng hư hoặc lạc mất.

Sống trên quê hương mới, thỉnh thoảng đi dự những buổi lễ hay những buổi họp mặt cộng đồng của người Việt, tôi có dịp hát lại bài Quốc Ca Việt Nam.  Mỗi lần cất tiếng hát, trong cảnh trang nghiêm của lá cờ vàng ba sọc đỏ, lòng tôi lại rưng niềm cảm xúc.  Bài hát này tôi đã hát biết bao lần, dưới lá cờ thiêng liêng trên đất nước mình, từ thuở bé thơ khi chưa hiểu đủ nghĩa lời ca, cho đến dài theo tháng năm của tuổi lớn lên, vào đời, mà mỗi khi hát, nghe mỗi lời ca rộn ràng xao động từ trong tâm thức.  Từ khi Sài Gòn bị đổi tên, bài Quốc Ca Việt Nam không còn được hát nữa.  Gần mười năm sau cuộc đổi đời, với bao cố gắng miệt mài theo đuổi mục đích chính của mình, cuối cùng tôi cũng đã đến được bến bờ tự do.  Và nơi đây, trong trại tị nạn trên đất Thái, lần đầu tôi đã hát lại bài quốc ca Việt Nam dưới lá cờ vàng với những dòng nước mắt trong niềm cảm xúc dạt dào. . . . . . .

Rồi cái ngày mà chúng tôi trông đợi cũng đã đến.  Mười giờ sáng, tất cả khoảng chín mươi người, đươc tập trung lại, hàng một, nối đuôi nhau đứng dài sau cổng trại.  Đây là trại chuyển tiếp thứ hai của nhóm chúng tôi, nơi dành cho những người vượt biển, đã không may tắp vào đất Thái.  Nắng tháng ba trong vắt, sóng biển nhấp nhô theo làn gió nhẹ, mây trời cùng sóng nước xanh ngắt một màu.  Mặt biển SongKhla sáng nay mang đầy vẻ bình yên, hiền hòa, không mang sắc nét của biển trong những ngày thiên nhiên giao động, trở mình.  Nhưng cũng đâu biết được, có thể bên sâu dưới mặt nước êm đềm kia, đang có những đợt sóng ngầm mạnh mẽ, chờ đợi thời khắc để thả tung niềm phẩn nộ.

Trên bờ biển này, nơi tảng đá kia, hơn một tháng nay, tôi vẫn thường ngồi đó, chờ mặt trời lên mỗi sớm mai, ngắm buổi chiều tàn khi vầng dương dần chìm bên kia đỉnh núi.  Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi trong những ngày dài chờ đợi nơi đây.  Lòng chợt nghe bùi ngùi cảm xúc, khi nghĩ đến lúc phải chia tay với nơi chốn tạm dừng chân này, dù chỉ hơn một tháng trời ngắn ngủi.

 Hai nhân viên người Thái, súng lủng lẳng bên hông, cẩn thận kiểm điểm lại số người, ra hiệu cho chúng tôi tiến về bốn chiếc xe GMC chờ sẳn.  Tôi đảo mắt thêm một vòng, ngắm vội thêm phút cuối cái đẹp thơ mộng trên bờ biển này, một trại chuyển tiếp trên bước đường tị nạn của tôi.  Xa xa, mấy thân dừa lả ngọn, đong đưa những cành lá xanh mướt như vẫy chào chia biệt.

Chỗ ngồi đã ổn định, tấm bạt sau xe được kéo xuống, đoàn xe chuyển bánh.  Ngồi trong chiếc xe phủ kín khiến tôi liên tưởng đến những đoàn xe GMC, Motovah, tải đưa những người lính thất trận của Việt Nam Cộng Hoà, di chuyển đến các trại tù trên quê hương mình sau khi nước nhà thống nhất. 

Xe chạy khá lâu, dằn xốc trên những đoạn đường gập ghềnh sỏi đá, chợt giảm tốc độ, chậm lại rồi dừng hẳn.  Bốn nhân viên Thái có nhiệm vụ chuyển người, nhảy xuống trước.  Họ nói chuyện lao xao bằng ngôn ngữ riêng.  Chừng mười lăm phút sau, tấm bạt phủ sau xe được kéo lên.  Chúng tôi lần lượt xuống xe, xếp hàng một, trước một cổng sắt thật lớn.  Thủ tục giao và nhận người vừa xong thì trời đã xế chiều nên chúng tôi không có dịp nhìn ngắm cảnh vật chung quanh.  Tuy nhiên quang cảnh con đường mòn vắng vẻ dẫn vào đây cho thấy sự biệt lập của nơi chốn này.  Chúng tôi lần lượt đi qua chiếc cổng.  Sự kiên cố và lớn lao của nó gây cho tôi cái cảm giác sợ hãi về đời sống tù nhân và sự giam cầm. 

Ánh sáng đầu ngày đánh thức mọi người.  Sau khoảng ba tiếng đồng hồ chợp mắt, tôi đã nghe mình tỉnh táo hơn.  Người đại diện khu nhà tôi ở, đến dặn dò chỉ dẫn về giờ giấc và những sinh hoạt trong ngày.  Buổi sáng trước giờ chào cờ là thì giờ cho mọi người quét dọn, làm vệ sinh quanh trại.  Mỗi ngày hai buổi, 8 giờ sáng và 5 giờ chiều, cả trại phải đứng xếp hàng trước khu nhà của mình để chào cờ Thái.  Loa phóng thanh kêu gọi tập họp chào cờ trước mười lăm phút.  Nhân viên Thái giữ trật tự trại có nhiệm vụ tuần tra, với chiếc roi trên tay, đi kiểm soát quanh các dãy nhà, nơi vệ-sinh  v.v... Thật không may cho những ai bị bắt gặp còn lảng vảng đâu đó trong giờ này.  Trong giờ khắc chuẩn bị chào cờ, nhìn sự trống vắng trên các con đường đi lại, sự yên lặng hoàn toàn trong sân, từng dãy người xếp ngay hàng thẳng lối, người ta có thể liên tưởng đến cái kỷ luật ở sân trường quân đội.  Tôi đã nghe kể lại nhiều câu chuyện và cũng đã chứng kiến nhiều hình phạt của những trường hợp vi phạm kỷ luật trại tại đây.  Hình phạt được áp dụng như cạo đầu, treo tay, cho đứng ngoài nắng đến ngất xỉu, bị quất bằng roi cá đuối, v..v.. .

Tôi thấy thương và nghe xót xa cho thân phận người mình.  Những người đến được nơi này, bằng những con tàu mỏng manh trên biển cả, hay bằng đôi chân máu chảy lặn lội qua bao cánh rừng sâu, họ đã trải qua biết bao hiểm nguy, đối diện với sống chết, đói khát, cướp bóc và hãm hiếp.  Giờ đây họ còn bị người Thái đối xử như tù nhân trong các trại tị nạn khốn khổ này.  Còn những gian nan nào nữa tôi chưa đươc biết của gần hai triệu người dân Việt đã xả thân đi tìm TỰ DO ?!!.  Ôi dân tộc tôi, những người dân khốn khổ của một nước nhược tiểu, đã phải chiến đấu triền miên với đói nghèo, chiến tranh và tang tóc.  Giờ đây khi nước nhà thống nhất, người dân tôi không được hưởng thái bình.  Chúng tôi đang phải tuôn ra biển, trốn vào rừng sâu, đi vào cái chết để tìm sự sống, một đời sống tự do, nhân bản. 

Trong thời gian trại đóng cửa, không nhận thêm người, cũng không giải quyết cho người đi, dân tị nạn biết mình sẽ phải ở đây lâu nên đã tranh đấu xin mở trường ốc trong trại, để con em họ có nơi chốn học hành.  Nhóm đại diện trại đã bằng nhiều cách, thuyết phục được vị trưởng trại về đề nghị này, và ngôi trường đã được thành hình vài năm trước.  Trường mở rộng thêm lớp, đủ cho hai buổi sáng chiều.  Sau vài ngày nhập trại, biết được có trường sở, tôi đã liên lac với người có trách nhiệm để xin một chân dạy thiện nguyện.  Hai tuần lễ sau, tôi được thông báo đến nhận lớp.  Trường lớp được xây cất đơn sơ với cột kèo bằng tre, lá.  Giờ chào cờ sáng chiều của trường cũng cùng giờ chào cờ của trại.  Tôi xúc động biết bao khi biết được mỗi ngày thứ hai, sau phần chào cờ Thái còn có thêm phần chào cờ Việt.  Được kể trước đây, nhóm đại diện trường phối hợp với đại diện trại của người mình, đã khổ công tranh đấu với người Thái ở đây, để xin được phần danh dự chào lá quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hoà trong trường học.  Đây là một thành tích đáng kể của cộng đồng người Việt tị nạn của trại trong thời điểm này.

Trong sân trường của trại tị nạn Sikiew, buổi sáng tháng tư, nắng trong vàng màu lụa mới, mang đầy nét bình yên của một nơi chốn không chiến tranh.  Trên hai trụ cờ, lá cờ của đất nước Thái và lá cờ vàng ba sọc của VNCH đang nhẹ bay trong gió.  Nhìn lá cờ với màu sắc thân quen ngày nào đang tung bay trên một đất nước không phải là quê hương mình, tôi bỗng nghe lòng mình nao nao sóng vỡ.  Trên lá cờ như ẩn hiện những hình ảnh của một chiến trường đẫm máu, thân thể những người lính ngã gục với những vết thương máu chưa kịp chảy.  Hình ảnh những người lính, âm thầm, từng đêm, tay ghì súng, mắt không rời bóng tối, để giữ gìn từng tấc đất cho quê hương.  Đâu đây như có tiếng kèn tử sĩ thê lương, bên hình ảnh người quả phụ, đầu phủ tang trắng bên mộ huyệt, đưa tay nhận lá cờ được xếp lại ngay ngắn từ nắp quan tài của người chồng vừa tử trận. Và đứa trẻ thơ đầu chít khăn tang, ngơ ngác nhìn chiếc quan tài đựng xác người cha, đang từ từ được phủ đầy đất mà chưa đủ trí khôn để hỏi tại sao!!.  Tôi thấy thấp thoáng hình ảnh những người lính trận, mặt đầy hào khí, đang dựng lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng-Trị năm nào khi vùng đất nầy được tái chiếm.  Như đâu đây vẫn còn âm vọng bi thương của những tiếng đạn cuối cùng từ những đứa con tổ quốc, chọn cái chết bên cạnh lá cờ, trong lòng đất mẹ trước cơn hồng thuỷ.  Biết bao xương máu đã đổ ra, biết bao hệ luỵ kéo theo, biết bao cuộc đời đã nằm xuống để giữ vững màu cờ, sao giờ đây lá cờ đang tung bay ở một nơi chốn không phải trên quê hương đất mẹ!!!.

Bài quốc ca Thái từ loa phóng thanh vừa dứt.  Một giọng ca cất lên bắt nhịp cho bài quốc ca Việt Nam:
              “Nầy công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi….”. 
Tôi cất giọng hát lớn theo.  Những lời ca bỗng trở nên quá thân thương, quá ngọt ngào, quá hùng tráng!. Những lời ca đang trên môi miệng tôi bỗng trở nên ấm, nồng.  Cảm xúc trong tôi chợt dâng lên, oà vỡ, thành những giòng lệ chảy dài trên môi má.  Ôi những lời ca mà tôi tưởng chừng không bao giờ được hát nữa!.  Trong tôi man mác cái cảm giác của sự trở về, gặp lại người thân đã ngỡ như xa rời vĩnh viễn.  Tôi nghe mình nấc lên theo tiếng ca, tiếng nấc tức tưởi trong trạng thái vui mừng lẫn tủi thân của một trẻ thơ lạc mẹ vừa được tìm về.  Nhìn màu sắc thân quen của màu cờ, tôi nghe lại một chút an ổn và niềm hy vọng. Trên đường lưu vong lạc loài nơi đất khách, tôi đã mang theo được trong tôi cả cái quê hương khốn khổ tội tình.  Hồn thiêng sông núi, anh linh của những người đã nằm xuống cho hai chữ TỰ DO, như đang quyện lấy chúng tôi và lá cờ vàng ba sọc đang tung bay ngạo nghễ. 
Quốc ca quyện lấy cờ vàng
Đường lưu vong vẫn ngập tràn hồn quê
Vương Hồng-Ngọc

29 October 2013

Tàu có đáng sợ không?

 - HẠ LONG Bụt sĩ
Ngày 20 tháng 10 vừa qua, cựu Thống đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Gia Mỹ (1987-2006), ông Greenspan nhận định :

Kinh tế Trung Hoa sẽ ngày một chậm lại, mặc dù mức sản xuất cao, nhưng toàn vay mượn kỹ thuật ngoại quốc, thiếu sáng kiến, trong 100 hãng xưởng sáng chế hàng đầu thế giới, theo Reuters, Mỹ chiếm hàng đầu với 40 hãng, Tầu không có hãng nào. Tầu chỉ làm gia công, qua các công trình dự án hợp tác với nước khác.  Lý do là Tầu độc đảng, cổ điển, không dám nghĩ ngoài khuôn khổ, không dám sáng tạo ( BBC News phỏng vấn).

Với một nền kinh tế 8.5 trillions USD, mức tăng trưởng trung bình 7.7 %, xuất cảng đang giảm, tiêu dùng nội địa không đủ mạnh để giữ mức quân bình kinh tế ( như Mỹ), lợi tức đầu người Tầu năm 2012 chỉ có 9300 usd, hàng thứ 124 trên 229 nước, bằng nửa Nga (18000), thua Thái Lan (10300), thua Đại Hàn (32.800), chỉ trên Ấn (3900) và Việt Nam (3600-hàng thứ 141) (tài liệu CIA Library – the World Factbook- theo WorldBank thì GDP Tầu trung bình 2008-2012 chỉ là 6188 usd).

Từ ngày Đặng Tiểu Bình canh tân kinh tế Tầu, đã gần 40 năm, Tầu vẫn chưa có một sáng chế danh hiệu quốc tế nào như Samsung, Kia, LG, Huyndai…của Đại Hàn, kinh tế bề ngoài nhìn rất vĩ đại: xa lộ, cao ốc, xây cất cơ sở thể thao (Olympic và Expo Thượng hải 2010), nhưng với dân số 1.3 tỷ, quen thủ công nghiệp, nông nghiệp, gò bó trong nguyên tắc khẩu hiệu, người bắt nạt người, tham nhũng vĩ mô, xã hội Tầu vẫn là chuỗi kéo dài của thời phong kiến, lạc hậu từ cách nghĩ đến cách sống. Tầu nhất thống thiên hạ, ép buộc các sắc dân vào một rọ, chứ không thật sự thống nhất thành một Hợp chúng quốc đồng tiến đồng tôn.

Từ tháng 4- 2002, bà Thatcher, cựu Thủ Tướng Anh, đã  nhận định về tương lai thế giới và về Tầu  trong tập sách Thuật Trị Nước – Sách lược cho thế giới đang chuyển biến– Statecraft- Strategies for a changing world  (do Harpes Collins xb), với một số chương dành cho Á Ðông, đặc biệt là bảng so sánh giữa hệ thống Kinh tế tự do và sản lượng GDP: cột Kinh tế ít tự do nhất (least free economies) cho thấy Việt Nam đứng hàng 12 với lợi tức 1850 USD, trong khi ở cột Kinh tế tự do nhất (freest economies), thì Hồng Kông có GDP cao tới 25,257 USD, bảng này cho thấy lợi ích của tự do thị trường đem lại sung túc cho dân chúng trong nước.

Bà Thatcher, chịu ảnh hưởng sách lược Kinh tế tự do của Hayek hơn là của Keynes, trong sách “Cơ chế Tự do” (The Constitution of Liberty- 1960)  Hayek viết về một trật tự xã hội mới “không có quyền lực lớn mạnh từ trung ương xen vào” (without the interventions of omnipotent central authority p. 159- 160), với năm điểm định nghĩa cho tự do dân quyền :
1- Tư hữu (private property)
2- Luật pháp (rule of law)
3- Thái độ tâm lý (attitudes)
4- Văn Hóa (cultures)
5- Thuế khóa
Về phần Tâm lý và Văn hóa, bà Thatcher phân tích khác biệt giữa văn hóa Do Thái Thiên chúa giáo (JudeoChristian) nghiêng về tự do cá nhân, quyền năng sáng tạo và đặc thù của mỗi người (emphasize the creativity of man and the uniqueness of individual) với  các khối văn hóa như Á Phi nghiêng về định mệnh (fate) và coi nhẹ ý chí tự do (very limited role for free will...p. 415). Văn hóa Do Thái Thiên Chúa giáo đánh giá cao sự làm việc, con người là nhân chủ của ngoại cảnh sinh sống- man is to be the master of environment- và có nhận thức thời gian như một đường thẳng tiến chứ không tin vào vòng định mệnh với các chu kỳ trở đi trở lại (sense of linear time, not a deterministic belief in cycles and repeating stages...p. 418)

Trung Hoa, theo bà Thatcher, phải còn lâu lắm mới đạt được địa vị đại cường quốc về mọi mặt kinh tế lẫn xã hội và trước sau chế độ Cộng Sản Tầu cũng sẽ thất bại như  CS đã suy sụp ở các vùng khác (In due course Communism will fail in China, as it has elsewhere  p. 178). Nhật Bản và Ấn Ðộ là hai cường quốc đứng thế quân bình lực lượng với Tầu ở châu Á. Âu Châu, sở dĩ tiến bộ trước tiên là vì, bà Thatcher dựa theo nhận định của J. Stuart Mill, biết chấp nhận đa phương tiến bộ và đa diện phát triển (plurality of paths for its progressive and many sides of development- On Liberty p.138).

NGUY CƠ TRƯỚC MẮT

Hơn 70 năm trước, lý thuyết gia Lý Đông A đã cảnh báo về nguy cơ bành trướng của Tầu. Hiện tại, Tầu dùng kế tằm ăn dâu, từ từ nuốt Việt, lấn biên giới, thuê đất thuê rừng 50 năm, đưa dân công vào đặc khu, lấy vợ Việt, tính kế thực dân 2020-2040-2060, như một số tin rò rỉ từ hội nghị Thành Đô 1990. Chiến sách của Tầu tạo nguy cơ như sau :

1- Mặt biển, mặt biên giới Bắc, mặt Tây cao nguyên Trường sơn ta bị vây. Xưa kia, bị giặc Bắc  tấn công, ta còn rừng núi để rút lui bảo toàn lực lượng (thời Trần bỏ Thăng Long rút vào Thanh, Nghệ-Thời Lê nghĩa sĩ tập hợp vào khu rừng Lam sơn, thời Việt Minh cũng vậy, thời CSVN chống Mỹ cũng dùng sách lược rút vào rừng núi, tránh bom đạn, rồi đánh ra…), nay VN không còn khu an toàn để trì thủ, ngay Kỳ Anh-Hà Tĩnh, gần Đèo Ngang, Tầu cũng vào đông đặc. Nếu Tầu tấn công, VN sẽ loay hoay trong rọ tỉnh thành, ra biển cũng bị vây chặt.

2- Mặt pháp lý, công hàm 1958 nhượng biển đảo khó xóa. Trong vòng CS quốc tế, Tầu vẫn coi Đảng CSVN, từ 1930, là một chi bộ, môi hở răng lạnh. Ba tướng Tầu ngồi chỉ đạo ở hầm Điện Biên Phủ, gần 200 khẩu đại bác từ Tầu mang sang… CSVN quả thật rất khó rũ nợ .

NHƯỢC ĐIỂM CHIẾN LƯỢC CỦA TẦU

1- Kinh tế Tầu rất dễ suy xụp, chỉ cần Nhật, Mỹ, Âu Tây… rút các dự án hợp tác, thì nạn thất nghiệp hàng trăm triệu người sẽ đưa Tầu vào khủng hoảng rối loạn. Tỷ như Samsung lập nhà máy sản xuất điện tử lớn nhất ở Bắc Ninh-Thái Nguyên, Việt Nam chứ không đặt bên Tầu. Hãng Apple đã đặt hàng ở Đài Loan, Brazil… cho công nghệ iPhone, iPad…I ndonesia, Thái, Mã Lai, tới Miến Điện… sẽ là nguồn cung cấp  nhân công cho các nước kỹ nghệ thay vì nhân công Tầu.

2- Với mặt hàng rẻ tiền, thiếu phẩm chất, một thời Tầu đã qua mặt người tiêu dùng tại các nước chậm tiến, nhưng dần dần, người tiêu dùng khôn ngoan hơn, nhiều dữ liệu thông tin hơn, hàng Tầu sẽ ế ẩm. Cứ xem thực phẩm đồ ăn uống Tầu bị chê bai thiếu an toàn vệ sinh trên thế giới thì thấy Tầu không thể lừa bịp ai được nữa, người Pháp từ xưa đã dùng từ chinoiserie để chế diễu trò hề ẩu tả, phiền toái vô ích của người Tầu. Gần đây hãng thuốc Pfizer, đã điều tra vụ Viagra giả làm tại Thượng Hải, và nay Pfizer đã tăng giá thuốc lên gấp đôi (từ 10 usd lên 20usd) để thuốc giả không thể theo kịp và người tiêu thụ, chịu giá đắt nhưng có thuốc chính hiệu. Văn hóa Tầu như vậy có phẩm chất gì để cống hiến cho thế giới và làm sao xứng đáng làm đại cường trong thế kỷ 21?

3- Ngay trong nước, dân chúng Tầu càng hướng về văn minh văn hóa Âu Mỹ: năm 2012 Starbucks lập thêm 500 cửa hàng cà phê (sẽ thành 1500 cửa hàng vào năm 2015), Mac Donald trong Expo Thượng Hải 2010 ngày nào cũng bán hết nhẵn burgers! chưa cần nói đến Coca Cola, iPhones, iPads… Vậy sự độc tài, độc đảng sẽ còn kéo dài được bao lâu, hay sẽ âm thầm tàn lụi biến mất trước làn sóng văn hóa-kinh tế mới?

4- Mặt Tân Cương Hồi giáo, hợp với Tây Tạng, sẽ không phải là là vùng Tầu dễ kiểm soát, ở đây, Tầu đối mặt với Tôn giáo, với duy tâm, duy linh… trong trường kỳ sẽ thắng duy vật, văn hóa bì phu dĩ thực vi tiên của Tầu chắc gì đã lấn lướt được văn hóa diệt dục, ăn chay, nhịn đói đạt đạo? Tầu CS đã thất bại hoàn toàn khi toan tính CS hóa Nam Dương, MãLai, ở hai nước Hồi giáo này, CS đã không có chân đứng và đã bị tiêu diệt hoàn toàn (1950-1960)

5- Đập Dương Tử Giang, phẩm chất tạo tác kém, đang rò nứt, nếu đập này vỡ, khoảng 400 triệu người Tầu sẽ bị lụt cuốn trôi.

6- Mặt Tây Bắc có Nga kiềm, mặt Đông Bắc có Nhật và Đại Hàn cản, ngoài biển Đông vướng Phi và hạm đội Hoa Kỳ, đường lưỡi bò chỉ liếm được đàn em VNCS, không dọa được các nước Tự do Dân chủ khác, vả lại nếu có đại biến, những vụ Thiên An Môn sẽ xẩy ra khắp nơi trong 1 tỷ 300 triệu người mà số dân thuần Hán chỉ có khoảng 700 triệu.

CHIẾN LƯỢC RIÊNG CHO VIỆT

1- Lạc Việt là nhóm độc nhất, từ hơn 2000 năm xưa, đã thoát ly khỏi Hán hóa, tạo dựng nước mới quanh delta sông Hồng sông Mã. Với tiếng nói riêng, với Lệ Làng riêng mà người Hán đã thừa nhận phong tục tập quán Việt rất khác biệt:  răng đen, xâm mình, mặc váy, tóc dài… quân bình được văn hóa Ấn-Trung, với hơn 50 bộ tộc anh em, nghiêng về văn hóa nhân chủng Nam Á, Mon Kmer, VN có bản sắc Thần nông so với phương Bắc Mongoloid, du mục.

Thế nên, Trung Hoa có thể thâu phục Mông cổ, Mãn Thanh, Tân Cương, Tây Tạng, ít dân, vào thời điểm thế kỷ 19-20, nhưng không thể thâu phục nước VN với 90 triệu dân trong thế kỷ văn minh mới thế kỷ 21 khi cả thế giới là một làng địa cầu, dùng mạng điện tử và chung quy luật quốc tế. Chưa kể lối xưng hô Cô, Dì, Chú, Bác, Anh, Em…phản ảnh văn hóa Hữu Lễ, gia tộc xã hội đồng bào, sau này cùng chữ Quốc ngữ, là những khí giới rất mạnh bảo vệ văn hóa Việt, cho dù Tầu có mang sách Tầu vào VN thì vẫn phải dịch sang quốc ngữ và có bóp méo Việt sử thì mạng lưới tràn ngập ngôn ngữ Việt vẫn đủ lực  kháng cự lại.

Kế hoạch tàm thực của Tầu cũng không thể thành công: ngừơi Tầu bao đời sang Việt Nam đã bị Việt đồng hóa: 1000 năm Bắc thuộc, 21 năm Minh thuộc, quan quân Tầu sang cai trị Việt, lấy vợ Việt rồi thành Việt, như họ Hồ (Nghệ An), họ Vũ (Vũ Hồn, Hải dương), sau này người Minh hương như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, cho tới cụ Phan Thanh Giản, Trịnh Công Sơn… Người Pháp từ cuối thế kỷ 19 đầu 20 đã cho người Tầu từ tô giới Pháp bên Tầu sang Nam Việt khai khẩn, người Triều, người Phước Kiến (Mân Việt)…trở thành Việt, nếu nay hỏi một người Tầu Singapore là người gì, họ sẽ nhận họ là người Sing hơn là người Tầu! Cũng cần nhấn mạnh sức mạnh của phụ nữ Việt, từ xưa trong văn hóa mẫu hệ, tới Trưng Triệu… đàn bà Việt dù lấy Tây lấy Tầu vẫn gọi thằng Tây, thằng Tầu, thằng Sing… trong tiềm thức, coi thường ngoại nhân, giữ vững nguồn cội Việt của mình, Việt hóa luôn cả ông chồng ngoại quốc.

2- Nga có thể là một yếu tố hỗ trợ. Trong quá khứ, Nga Xô CS đã huấn luyện rất nhiều cán bộ CS Việt, đã huấn luyện nhiều chuyên viên cho CSVN, đã viện trợ CSVN đánh Mỹ, đã giúp chuyển quân VC từ Cao Miên về Bắc kháng Tầu 1978-79… Cho nên, vốn là thù địch của Tầu, 1969 đã từng đánh nhau với Tầu ở biên giới, Nga đã lên kế hoạch tỷ mỷ đánh nguyên tử vào Tầu… do đó Nga có thể là tấm khiên cho VN hiện tại trước sức bành trướng của Trung Cộng. Sự hiện diện cả vạn người Nga ở Nha Trang, Cam Ranh, Mũi Né, Vũng Tầu… rất hữu ích trong việc cản Tầu Cộng. VNCS khó lòng trông cậy vào Mỹ ở biển Đông là vì chiến lược của Mỹ giờ đây là chiến lược kinh tế, Mỹ có thể bảo vệ vòng đai biển Nam Á Thái Bình Dương, Phi-Nam Dương-Mã Lai-Úc…sang đến Thái, Miến…nhưng không chắc gì đã trực tiếp giúp VN cản Tầu, với một tiệm Starbucks mở ở Sài Gòn so với 1500 tiệm Starbucks ở Tầu, tư bản Mỹ không thể bỏ chợ lớn Tầu để bênh vực chợ nhỏ VN ! từ 1972-73 Mỹ đã nhượng Đông Dương cho Tầu, Mỹ có thể đánh bài theo lối trường vốn, tư bản hóa thành công chủ nghĩa CS, Xã hội, nhận du học sinh nhằm khai hóa Tự do Dân chủ, diễn tiến tự nhiên này không thể đảo ngược, dần dần sẽ xô ngã Tầu-VC-Bắc Hàn như đã xô ngã Nga Sô, Đông Âu.

Ngoài ra nếu có đại biến, thiết tưởng VN vẫn có thể liên kết với Tây Tạng, Tân Cương Hồi giáo, với người Choang đồng chủng, ngay cả với Đài Loan (Điền Việt, Mân Việt)…làm thế tương trợ ỷ dốc. Cũng cần nhắc lại tranh chấp biên giới giữa Nga-Tầu từ 1969, tới 1990, 2004-2005 vẫn còn hội đàm chưa hòan toàn thỏa thuận giữa hai bên.

3- Người Việt miền Nam còn một sợi dây pháp lý để nắm vào tranh đấu: đó là Hiệp định Paris 1973, hiệp định này không cho phép Bắc quân xóa sổ miền Nam, cùng lắm là một chính phủ Liên hiệp, hòa bình thả nổi, mà thời đó chính Trung Cộng cũng đã ủng hộ giải pháp một miền Nam trung lập, liên hiệp, họ muốn Mỹ rút khỏi Á Đông nhưng cũng không muốn VNCS thống nhất thành một cái gai sát cạnh. Do đó, kế sách lúc này, là vận động quốc tế, trả lại quyền tự quyết cho nhân dân miền Nam, nếu thế cùng, Trung Cộng nuốt miền Bắc, thì VN vẫn còn một mảnh đất Cửu Long trung lập, cùng các nước Đông Nam Á, sinh tồn chờ thời cơ phục hưng như tổ tiên Việt đã làm. Nên nhớ, toàn dân VN không bao giờ khuất phục Tầu, dù Nam hay Bắc, dù Cộng hay không Cộng, bọn thân TC chỉ là thiểu số, rất thiểu số, mà ngay cả mốc 2020-2040-2060 ký kết mật cũng vô tình hay cố ý, kéo dài thời gian, biến chuyển trong ngoài, tình thế có thể thay đổi ngược lại. Và như vậy, VN vẫn còn nhiều cơ hội đề kháng, sinh tồn hàng ngàn năm nữa.

Chiến lược dựng nước mở nước của tổ tiên để lại qua huyền sử Năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển, tức Bắc cự Nam tiến, tới thế kỷ 17-18 ta đã hoàn thành một nước Việt hoàn chỉnh từ Nam Quan tới Cà Mau, như Trạng Trình tiên liệu: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.

Trạng Trình còn tiên tri thêm:
Bảo sơn thiến tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành
Một nước Việt tứ hải lạc âu ca:
Cơ đồ ức vạn xuân…
Thần châu thu cả mọi nơi vẹn toàn…
Khách quan và chủ quan, vận nước Việt còn dài, Việt chưa thể mất nước, và rất có thể Trung Hoa sẽ vỡ đổ phân hóa trước khi  thực hiện được âm mưu quỷ kế xâm lấn Việt. 

Hình ảnh từ Sydney


Cháy rừng 19/10/2013 ở vùng New South Wales Sydney-Úc Châu
Ảnh DrĐVThái

28 October 2013

Để suy gẫm

Những sợi bông gòn

Ngày xưa ở một vùng thôn xóm kia, có một người thiếu phụ trẻ khá xinh đẹp. Chồng cô đi lính xa nhà, người thiếu phụ ấy phải ở nhà với mẹ chồng… Cô chăm sóc mẹ chồng và mọi chuyện trong nhà rất chu đáo. Mọi người trong vùng ai cũng thầm khen cô là người nết na… Trong vùng đàn ông yêu cô vì cô còn trẻ và xinh đẹp… Trong số đó có tên yêu cô đến điên cuồng… Nhiều lần tán tỉnh cô nhưng đều bị cô từ chối…

Hắn từ yêu hóa ra căm hận. Hắn đi rêu rao khắp làng rằng cô đã không giữ tròn trinh tiết của người vợ, là một người phụ nữ thiếu đức hạnh… Tin đồn cứ truyền khắp nơi trong vùng, mọi người nhìn cô với ánh mắt khác đi. Rồi tin đồn cũng tới tai bà mẹ chồng của cô. Bà nghi ngờ và đối xử khác với cô… Không thể nào chịu nổi những lời gièm pha của mọi người, lại bị người thân xa cách, cô buồn lắm…

Một lần quá đỗi tuyệt vọng cô đã tìm đến cái chết. Cái chết của cô làm cho tên khốn kiếp đã tung những tin đồn không hay về cô vô cùng ân hận và hối lỗi… Hắn cảm thấy bị lương tâm dằn vặt… Hắn tìm đến cụ già nhất làng và là người hiểu biết nhất để kể hết mọi chuyện và xin ông một lời khuyên.

Cụ già nghe xong mọi chuyện không nói gì dẫn hắn lên một ngọn đồi của làng. Cụ xé chiếc gối và thả xuống. Bông gòn theo gió bay đi mọi hướng. Cụ già bảo hắn đi nhặt lại bông gòn đó rồi dồn lại vào gối. Hắn ngạc nhiên lắm, vì làm sao có thể nhặt được đấy đủ. Cụ già nhìn hắn rồi nghiêm nghị nói:

- Những lời do con người nói ra cũng như những bông gòn kia vậy, không thể nào lấy lại được.

LỜI KÊU GỌI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

HÃY CHUYỂN SANG DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN
ĐỂ CỨU NỀN ĐẠO ĐỨC VIỆT NAM

Nhận định rằng : Đảng CSVN kể từ ngày thành lập năm 1930, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng tư tưởng, và kể từ khi đảng CSVN nắm quyền thống trị đã áp đặt mô hình Xã hội chủ nghĩa ngoại lai trên đất nước này, không những họ chủ trương độc tài toàn trị về chính trị và kinh tế mà họ cũng độc quyền cả về chân lý, tự cho mình là “tuyệt đối đúng” và là “đỉnh cao trí tuệ” !?

Với một chủ trương sai lầm như vậy, đảng CS đã làm cho đất nước này khánh tận cả về tinh thần lẫn vật chất, làm biến dạng xã hội VN, những giá trị đạo đức truyền thống bao đời dân tộc vun bồi đã mai một.

Đảng CSVN hiện nay không những bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia mà bản sắc văn hóa dân tộc cũng bị phá sản, dẫn đến cuộc khủng hoảng đạo đức ngày hôm nay.

Nhận định rằng : Với chủ trương xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa” và “đạo đức Hồ chí Minh”, đảng CSVN đang manh nha hình thành một “tôn giáo” mới lấy chủ nghĩa CS và tư tưởng Hồ Chí Minh làm giáo điều và hình tượng Hồ Chí Minh làm giáo chủ.

Nhưng họ đã thất bại khi nền tảng đạo đức đã hoàn toàn bị băng hoại. Trong một thời gian dài đã qua và cho đến hôm nay chúng ta chứng kiến những hiện tượng xã hội đáng báo động vì mức độ nguy hại của nó, đó là do sự khống chế bằng bạo lực qua nhiều thập niên nên nhiều người đã trở nên vô tâm, vô cảm với đồng bào, đồng loại và nhẫn tâm huỷ diệt mọi sinh linh cũng như lẽ sống của tự nhiên, lòng từ bi và trắc ẩn đã hoàn toàn vắng bóng trong quan hệ giữa người với người và thế giới chung quanh.

Chúng ta vô cùng đau xót khi tận mắt chứng kiến trong thời gian vài thập niên trở lại đây, những tệ nạn xã hội phát sinh trầm trọng đáng báo động. như dối trá, lường gạt bao trùm mọi lĩnh vực, trộm cướp, giết người xảy ra khắp nơi, nạn mại dâm công khai phổ biến, tiền bạc che lấp nhân tính, hàng hoá, thực phẩm toàn làm giả bằng hoá chất độc hại, nhất là tệ nạn tham nhũng của giới quan chức, cán bộ từ trung ương đến địa phương được cấu kết tinh vi và bảo kê bằng băng nhóm xã hội đen, v.v… Ngành giáo dục không còn thuần tuý đào tạo kiến thức và đạo đức nhân văn lâu dài mả chỉ đáp ứng xu thế chính trị độc tài và kinh tế chụp giựt.

Điều này chứng minh hùng hồn rằng đạo đức con người và xã hội không thể xây dựng trên tinh thần giai cấp hoặc ý thức hệ và cũng không thể xây dựng trên tinh thần dân tộc - chủng tộc cực đoan hẹp hòi. Chúng ta đã chứng kiến lịch sử nhân loại đã trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc cũng vì ý thức hệ hoặc tinh thần dân tộc - chủng tộc cực đoan như chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản .

Có thể kết luận rằng đạo đức và chiến tranh có quan hệ nhân quả mật thiết không thể phủ bác. Đạo đức nhân loại phải được xây dựng trên nền tảng những giá trị phổ quát và nhân bản, trong đó niềm tin tôn giáo là một nền tảng quan trọng, nhưng phải là niềm tin tôn giáo bao dung, viễn đại không cố chấp và áp đặt.

Con người và xã hội Việt nam hôm nay đã suy đồi đến mức nguy hiểm vì chủ trương vô thần, ý thức hệ giai cấp, sự áp đặt “tư tưởng” và “đạo đức Hồ Chí Minh” với mô hình “con người mới xã hội chủ nghĩa” đã làm phân hóa sâu sắc xã hội và nhân tâm, là mầm mống của mâu thuẩn và kỳ thị.

Nếu đạo đức mang màu sắc dân tộc cực đoan hay ý thức hệ cuồng tín sẽ đẩy con người đó, dân tộc đó đến chỗ tự mâu thuẩn và đối đầu với thế giới nhân loại còn lại. Mâu thuẩn và chiến tranh sẽ là hệ quả tất yếu không thể tránh khỏi.

Qua những nhận định trên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đưa ra giải pháp để phục hồi đạo đức, cứu nguy dân tộc :

1- Đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhận thức được đòi hỏi của tính tất yếu và khách quan, không thể đơn phương áp đặt giá trị và niềm tin của mình lên người khác, phải trả lại cho toàn dân các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền một cách đầy đủ.

2- Đảng Cộng Sàn Việt Nam phải nhanh chóng chấp nhận dân chủ hóa để các lực lượng chính trị đối lập và đại khối dân tộc tham gia kiến thiết và điều hành đất nước, xây dựng nhà nước tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng với các quyền tự do căn bản được tôn trọng triệt để như các Công Ước Quốc Tế đã quy định.

Trong Thư chúc xuân, năm 2005, Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ đã nhận định rằng : “Chúng tôi suy nghĩ từ bản thân qua hàng chục năm lưu đày, tù ngục và quản chế, thì thấy không còn con đường nào khác ngoài con đường dân chủ đa nguyên để tái thiết đất nước. Lẽ giản dị là nhiều ý kiến vẫn hơn một ý niệm độc tôn, nhiều thành phần chính kiến, tôn giáo, xã hội, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, vẫn hơn một đảng phái độc quyền bao cấp quản lý.”

Đây là nền tảng để xây dựng lại đạo đức con người và xã hội Việt nam.

Con người chỉ trở nên cao quý vì có đạo đức và tự do.

Xã hội phát triển tốt đẹp và thái hoà vì xã hội có đạo đức và công lý.

Chỉ có như vậy đất nước Việt nam mới thật sự ổn định và phát triển, con người Việt nam mới lương hảo và xã hội Việt Nam mới tốt đẹp, có khả năng đuổi kịp được thế giới nhân loại văn minh ngày nay.

Nếu đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cố chấp muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá thì đất nước này sẽ băng hoại, tan hoang và những người Cộng sản Việt Nam cũng không còn đất sống vì sự mâu thuẩn, lòng hận thù và cái ác sẽ tung hoành khi thời cơ đến, điều này sẽ không còn xa nữa.

Những đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam cần ý thức rõ rằng, trước khi là đảng viên, các vị vốn là người Việt Nam, mà đã là người Việt Nam thì bổn phận và trách nhiệm trước và trên hết là phải đặt tiền đồ của đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của đảng và phe nhóm. Nếu không ý thức rõ trách nhiệm và bổn phận thiết yếu này, thì dù có nhân danh thế lực gì, điều đó cũng chỉ là bánh vẽ, chắc chắn sẽ bị dân tộc loại trừ.

Giác Hoa, Sài gòn, ngày 25.10.2013
Viện Trưởng Viện Hoá Đạo

(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Viên Định

___________________

Nhân kỷ niệm ngày khai sinh nền Cộng Hòa 26 tháng 10, 1955

TTR: Với lời tuyên bố của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 trước đông đảo đồng bào tụ hợp tại khuôn viên dinh Độc Lập: "Tôi long trọng tuyên bố từ nay Việt Nam là một nước Cộng Hòa", ông đã mở đầu một giai đoạn mới cho đất nước. Gian đoạn này tuy ngắn ngủi những đã để lại được những ảnh hưởng to lớn cho tới nay ít ra cho người Miền Nam. Ý niệm về Dân Chủ, Hiến Pháp, Tam Quyền Phân Lập, Tự Do Ngôn Luận, Phổ Thông Đầu Phiếu ... đều dược thực thi, tuy là dò dẫm, ở giai đoạn này. Và một điều nữa, ít nhất trong nếp suy nghĩ của người lãnh đạo Miền Nam, quyền bính quốc gia phải dược tách biệt khỏi giáo quyền, khác hẳn với luận điệu bấy lâu cho rằng TT Diệm bị khối Công Giáo chi phối. 
Tuy rằng bất cứ giai đoạn nào của lịch sử một nước cũng đều có mặt tích cực và tiêu cực thế nhưng mặt tiêu cực của giai đoạn này rõ ràng đang bị Ban Tuyên Giáo của Trung Ương Đảng bộ CSVN tổ chức chiến dịch khai thác thổi phồng với hy vọng rằng khi bôi đen được kẻ nội thù thì sẽ đánh bóng được cái chính nghĩa đã bị họ bắt giữ làm con tin từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Ba Đình Hà Nội.

Bài dưới đây nên được coi như một phản bác lại chiến dịch bôi đen Miền Nam đặc biệt là giai đoạn rất tươi sáng của thời Đệ Nhất Cộng Hòa.  Tác giả bài viết đã cố gắng giúp gợi nhớ lại một cách cụ thể những thành quả mà Miền Nam đã đạt được dưới sự lãnh đạo của một người yêu nước đích thực. Cái chết chính ông đã tiên đoán được và chấp nhận nó cho mình là bằng chứng hùng hồn nhất cho tình yêu nước của ông. Và sau cùng bài viết cũng nên được coi như một mắt xích trong chuỗi dài đi tìm sự thật hỗ trợ cho công cuộc viết chính sử của Nước Việt.
 **
Ngô Đình Diệm, Qua Suy Nghĩ Của Một Hậu Sinh

 Chu Tất Tiến. 

Khi biến cố 1963 xẩy ra, cũng như những người cùng thời vừa mới xong bậc Trung Học, còn đang phân vân trước tương lai, tôi không có một ý thức gì về chính trị, chỉ biết ngơ ngác nhìn những sự kiện thay đổi dồn dập xẩy ra chung quanh mà không biết phản ứng như thế nào.

Có lần đang lang thang gần khu chợ Bến Thành, chợt thấy tiếng chân dồn dập, tiếng người gọi nhau í ới, tôi nhìn lại thì thấy một nhóm chừng hơn hai chục thanh niên nam nữ áo trắng học sinh chạy xớn xác tản ra khắp ngã đường, tay vẫn còn cầm vài cái biểu ngữ nhầu nát. Cũng có lần, tôi chứng kiến một cuộc biểu tình ngồi trên đường Lê Lợi gồm mấy vị tu sĩ Phật Giáo và nhiều người thanh niên khác. Cảnh sát bao vòng tròn trong im lặng, không có hành động gì, trong khi đó thì một bà trung niên cầm loa tay hô khẩu hiệu um trời. Hò la một lúc thì bà tiến đến gần một anh cảnh sát, giật mũ anh ném xuống đất. Người cảnh sát lẳng lặng cúi xuống nhặt, phủ bụi, và đội lại lên đầu. Rồi thời gian sau, chán những cuộc biểu tình, xuống đường lan rộng làm rối loạn sinh hoạt cả thành phố, tôi bỏ đi khỏi thành phố, xuống miền Tây làm việc cho qua một thời khủng hoảng.

Khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết, tôi xúc động và buồn bã vì trong ký ức non trẻ của tôi, bài hát “Ai bao năm từng lê gót nơi quê người” mà tôi thường hát trước giờ vào học vẫn âm hưởng trong tôi, và hình ảnh vị Tổng Thống hiền hòa nhìn nghiêng trong một khung hình bầu dục hiện lên trên màn hình trước giờ chiếu phim trong các rạp xi-nê đã hiện diện trong tôi như hình ảnh một anh hùng dân tộc, người đã cứu chúng tôi ra khỏi miền Bắc Cộng Sản, đã cho chúng tôi an cư trên miền đất mới đầy Tự Do và no ấm.

Khi trở về Saigon, tôi thấy không khí ngột ngạt dễ sợ. Trong khu tôi ở, thỉnh thoảng có nhiều người lạ mặt đeo kính đen lảng vảng, và nếu tôi có buột mồm hỏi về chuyện đảo chánh hồi trước, thì người bên cạnh vội “suỵt” tôi, không cho nói nữa. Không khí Saigon hồi đó rất căng thẳng, nhất là tại các khu Bắc Kỳ di cư như Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, Xóm Mới.. đâu đâu cũng có những kẻ đeo kính đen đi chầm chậm trên các ngõ hẻm, liếc ngang liếc dọc… Trong khi đó, thì nhật báo Saigon lại phát tài với những bài chửi chế độ cũ tan nát. Nhiều chuyện dài kể về thâm cung bí sử của họ Ngô. Tôi nhớ có đọc nhiều câu chuyện kể y như thật về cách làm tình của Bà Nhu với Tướng Đôn, với những cận vệ của bà, và với Đại Sứ Mỹ. Những tường thuật thật lâm ly, làm người đọc có cảm tưởng là tác giả đang nằm dưới gầm giường bà Nhu nên chứng kiến thật rõ những cử chỉ, lời nói dâm đãng của bà, không sót một chi tiết nào. Lại có chuyện ông Diệm và bà em dâu tình tứ với nhau, chuyện ông Diệm đi chơi bời mặc dầu ông Diệm là đồng tính luyến ái…. Có một tờ báo nào đã viết ông Diệm bị hoạn! Kinh hoàng nhất là chuyện ông Diệm giết người không gớm tay, từng lê máy chém đi khắp nơi, gặp đâu chém đấy, cả ngàn mạng vô tội! Nhưng người đao phủ đáng gờm nhất chính là ông Cẩn. Theo bài báo, thì đằng sau nhà ông Cẩn có một vườn cam, mà dưới mỗi gốc cam là xác một Phật Tử, do đó, cam của ông Cẩn ngọt lạ lùng! Rồi những hầm nhốt người bất đồng chính kiến, hầm giam dưới lòng đất của Thảo Cầm Viên đầy đầu lâu, xương cốt…

Cứ theo mấy tờ báo Loạn thời đó, thì quả thật, gia đình họ Ngô là những kẻ tử thù của Dân Tộc, cần phải tru di tam tộc! Điều lạ lùng, là cá nhân tôi, khi đọc những bài báo láo lếu đó, lại dửng dưng như không, và còn nghĩ ngược lại nữa. Tôi khinh ghét những tác giả đó. Có lẽ vì sự thổi phồng quá đáng đã gây nên phản ứng ngược với những ai có chút suy nghĩ.

Rồi thời gian trôi qua.. Tôi chứng kiến những vụ lật đổ nhau, tranh dành chức chưởng, gây nên xáo trộn nặng nề về kinh tế. Mới hôm trước còn là Thủ Tướng, Quốc Trưởng, Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng.. mà ngày hôm sau đã ra tòa, hoăc bị đẩy đi xa. Đất nước xáo trộn kinh hoàng. Sài gòn cứ chứng kiến những cuộc xuống đường lộn xộn như những kẻ chạy đèn trên sân khấu Hồ Quảng. Căng thẳng nhất là lần học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh phải bỏ Hiến Chương Vũng Tầu cho ông ta đời đời kiếp kiếp làm Vua. Hôm đó, tôi có tham dự, và thấy rõ Nguyễn Khánh, với bộ râu dê, cầm tờ Hiến Chương vừa cười vừa xé trước mặt sinh viên. Từ lâu, tôi vẫn khinh bỉ nhân vật này, vì đã nghe kể một lần ông ta tổ chức nhẩy đầm ở truồng tại Đà Lạt, bị bà vợ lên bắt gặp, Nguyễn Khánh vù lên máy bay bỏ chạy.

Và biết bao sự kiện thanh toán lẫn nhau, Tôn Giáo tấn công lẫn nhau.. làm cho dân chúng chán nản tột cùng. Riêng tôi, thì thất vọng não nề, khi biết Việt Cộng đã nhân cơ hội Tướng Tá giành giật chức vụ, bỏ ngỏ mặt trận, xóa Ấp Chiến Lược, nên đồng loạt tấn công những trận lớn, công đồn đả viện, với vũ khí nặng làm quân Cộng Hòa lao đao. Đài phát thanh báo tin chiến trường, với những bản báo cáo đếm xác ta, xác địch, mỗi ngày đưa ra một con số lớn hơn..

Từ những sự kiện như thế, trí óc ngây thơ với chính trị của một thanh niên mới lớn đã dần dần trở thành dầy dạn. Tôi tự lắp ráp lại những sự việc xẩy ra từ 1954 đến 1963, rồi giai đoạn kế tiếp, để nhận ra rằng chính Tổng Thống Diệm mới thực sự là một Anh Hùng Dân Tộc, người đã bị bức tử bởi bầy tôi hèn hạ, tham tiền, chối thầy, giết chủ. Nhớ lại những ngày chiến dịch Bình Xuyên, hình ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ôm Đại Tá Dương Văn Minh rồi thăng cấp tại mặt trận, hình ảnh Tổng Thống thảo luận trên phóng đồ hành quân mà Nguyễn Khánh đứng cung kính nghe lệnh, tự dưng, tôi muốn phẫn nộ vì tâm địa phản trắc của con người.

Nếu không có Ngô Đình Diệm, thì Đỗ Mậu vẫn chỉ là tên lính khố vàng, Minh, Khánh vẫn là những tên lính Tây… Nếu không có Ngô Đình Diệm, thì sòng bài khổng lồ Đại Thế Giới vẫn còn là nơi giết hại bao gia đình, các khu Bình Khang vẫn đầy dẫy trong Saigon, nơi điếm đĩ, ma cô lượn lờ như những thây ma đầy phố. Đêm đêm, các chủ nhà hàng, tiệm ăn, tiệm buôn vẫn phập phồng lo sợ chờ tiếng gõ cửa của tay chân bộ hạ Bẩy Viễn, Bình Xuyên, với cái đinh 10 phân trong tay, đòi tiền mãi lộ, nếu không muốn cái đinh dài kia xuyên qua óc. Những tên chỉ huy Cảnh Sát lại là những tên cướp có quyền uy thấu trời, có sòng bài, ổ đĩ riêng mà không quyền lực nào dám đụng tới. Các Tướng chỉ huy quân đội đa số là “bồi Tây”, nói tiếng Việt không rành, miệng ngậm xì gà, tay chống ba toong, bụng đầy bơ Tây, không có chút tinh thần Việt Nam nào. Và tại miền Tây, những chúa tể hùng cứ một phương, Năm Lửa, Ba Cụt, Nguyễn Bình… là những ông Con Trời, đặt ra luật lệ riêng, bắt dân phục vụ như nô lệ. Miền Nam ruộng thẳng cánh cò bay vẫn còn những tên Hương Quản, Hương Cả… có quyền hành hạ dân như chó, ngựa…

Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một tay trác tuyệt, đã đương đầu một lúc với hàng vạn thù trong, giặc ngoài. Một mặt thì lo dẹp loạn Sứ Quân, thâu hồi quyền lực vào chính phủ trung ương để vãn hồi trật tự quốc gia, mặt khác lo an sinh cho dân chúng, cải tổ hệ thống tiền tệ, thuế khóa, xây dựng một nền văn hóa Dân Tộc, hỗ trợ cho các chương trình Bình Dân Giáo Dục, dậy chữ và dậy nghề, thêm chương trình Công Dân Giáo Dục vào học đường để dân chúng cùng tiến bộ, văn minh. Quan trọng nhất là cải tiến Trường Hành Chánh do Tây Thực dân xây dựng từ 1952, biến thành Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để đào tạo môt lớp viên chức đầu Tỉnh, đầu Quận, và các Trưởng Ty mọi ngành theo quỹ đạo Việt Nam, thay đổi các viên chức từng quen với lề lối Tây cổ điển bằng các chuyên viên tốt nghiệp từ Mỹ về. Từ đó, người dân không còn sợ công chức hơn cha mẹ nữa. Với hệ thống hành chánh mới cải tổ, thủ tục hành chánh đã giúp dân chúng thỏa mãn mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày một cách tốt đẹp.

Về phương diện quân đội, cũng thay dần lớp “Quan Sáu, Quan Năm, Quan Tư, Quan Ba, Quan Hai, Quan Một” bằng Đại Tá, Trung Tá, Thiếu Tá… và cấp Úy, chỉ huy các Hạ Sĩ Quan và binh sĩ theo đường lối mới. Tinh thần quân đội lên cao, cho nên cuộc chiến chống Cộng, bảo vệ Tự Do đã dần dần tiến tới thành công. Việt Cộng dần dần bị chính sách Ấp Chiến Lược làm cho tan rã. Chúng phải rút dần vào rừng sâu, núi thẳm, không có tiếp trợ từ dân chúng. Nếu không có ngày đảo chính 1963, có lẽ chỉ vài năm sau, Việt Nam đã thống nhất với thế thượng phong về phía Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng trong tình thế đó, Tổng Thống Diệm không quên ra sức củng cố các liên lạc ngoại giao với nước ngoài, để được toàn thế giới công nhận. Cờ Việt Nam Cộng Hòa bay khắp nơi. Tổng Thống Diệm đi đến đâu cũng được tiếp đón với nghi lễ cao nhất dành cho quốc khách. Sinh hoạt xã hội cũng tiến bộ. Tham nhũng bị bài trừ. Các sinh hoạt vũ trường, hủ hóa cũng bị giới hạn tối đa. Dân chúng sống trong tinh thần Dân Chủ, Văn Minh rất thoải mái.

Dưới chế độ Ngô đình Diệm, với chủ trương Hữu Sản Hóa dân chúng, đời sống dân miền Nam thật thanh bình. Chương trình Hữu sản Hóa Taxi đã biến bao dân làm thuê thành chủ chiếc xe Taxi của mình mà không phải làm trâu ngựa cho chủ. Những chiếc xe Taxi Renault cũ kỹ nhả khói um trời được thay thế bằng loạt Dauphine xinh xắn.

Song song với việc hữu sản hóa công nhân, thì chương trình Người Cầy Có Ruộng đã giúp bao thợ cấy trở thành người chủ của miếng ruộng của mình. Chính phủ đã bỏ tiền ra cho các nông dân được mua 3 mẫu đất rồi trả góp khiến cho chế độ tá điền, cầy thuê bị bãi bỏ dần. Các Khu Trù Mật đã lần lượt ra đời, mang lại cơm no áo ấm cho dân nghèo. Một khi mà nông thôn ổn định, thì thành phố phát triển nhanh hơn.

Tôi nhớ những năm 54-63, chị tôi làm công chức, anh tôi từ Thiếu Úy lên Trung Úy, đóng ở Long Xuyên, mẹ tôi đi buôn bán nhỏ, mà gia đình chúng tôi sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi, không bao giờ nghe phàn nàn về vật giá, muốn ăn phở, uống bia thì ra tiệm lúc nào cũng được. Ngoài ra, mẹ tôi còn để dành được khá nhiều, tiền anh tôi gửi về thì cất để dành đám cưới cho anh. Đó là những ngày huy hoàng nhất cho miền Nam, kể cả hơn một triệu người Bắc di cư đã dần dần có cơ ngơi đầy đủ như ở quê nhà.

Trong những ngày bận rộn vô cùng ấy, Tổng Thống Diệm lại vẫn đi thăm dân chúng, hỏi thăm từng người xem đời sống có khá không. Ông rất ghét những kẻ xu nịnh lấy điểm, chỉ biết dàn cảnh lấy lòng cấp trên. Có lần, ông đến một khu trù mật, thấy trồng chuối đầy hai bên đường, nhưng lá chuối thì héo. Ông tiến thẳng đến, cầm hai tay lắc lắc thân chuối, thấy nhẹ, ông nhổ ngay lên. Hóa ra, tay tỉnh trưởng xu nịnh ra lệnh cho trồng gấp rút chuối để lấy lòng Tổng Thống, không ngờ ông phát giác ra được, tay tỉnh trưởng mất chức ngay. Tính ông rất thẳng. Nghe kể lại là có lần ông ra Vũng Tầu, nghỉ ngơi ở Bạch Dinh Vũng Tầu, nhìn qua cửa sổ về phía biển, thấy một rừng mai do Bảo Đại trồng rất đẹp nhưng lại chắn tầm nhìn ra biển. Ông chỉ cười nói “rừng mai này che mất tầm nhìn ra biển”. Tay Thị Trưởng Vũng Tầu nghe thấy, muốn lấy điểm với Tổng Thống, nên ra lệnh chặt hết rừng mai. Lần sau, khi Tổng Thống đến nghỉ ở Bạch Dinh thì không thấy rừng mai nữa. Ông tìm hiểu và biết được lý do, nên nổi cơn thịnh nộ, gọi Thị Trưởng, và khi thấy tay nịnh bợ kia vừa bước vào, Tổng Thống chụp ngay cái gạt tàn thuốc ném vào mặt và quát: “Ai cho mi phá cái di tích lịch sử đó?” Dĩ nhiên, sau đó, thì có Thị Trưởng mới, nhưng rừng hoa mai mãi mãi không còn.

Cũng theo Nhật Ký Đỗ Thọ, tùy viên (Phật Giáo) của Tổng Thống, thì trong một lần kinh lý Trà Vinh, trước khi máy bay đáp xuống phi trường, Tổng Thống đột nhiên thấy trưng toàn cờ Công Giáo! Ông cũng nổi giận ghê gớm, cầm gậy đập ầm ầm xuống sàn phi cơ và nói: “Ai cho nó trưng cờ Công Giáo? Tỉnh này toàn là Phật Giáo mà?” Rồi ông ra lệnh cho máy bay bay vòng vòng chờ dẹp hết cờ Công Giáo đi, ông mới chịu cho đáp xuống. Tay Tỉnh Trưởng nịnh bợ đó dĩ nhiên là chịu một phen mắng mỏ, nếu không có Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục năn nỉ, nhận lỗi là đã ra lệnh cho Tỉnh Trưởng thi hành, thì ông Tỉnh đó đã bay chức. 

Hồi đó, có một số cấp Tá vì muốn nịnh Tổng Thống nên đã cải đạo sang Công Giáo, những tưởng phen này thăng chức. Nhưng rồi, nghe nói, những vị đó đã uổng công, vì Tổng Thống có tính ghét ai nịnh bợ, nên không chiếu cố đến ai mới vào đạo Công Giáo cả. Khi biết tin một vị linh mục thân thiết với Tổng Thống đã lợi dụng sự quen biết này mà lớn lối với các cấp Sĩ Quan khác, Tổng Thống đã ra lịnh cấm ông linh mục này vào dinh cho đến khi vị linh mục này năn nỉ, xin lỗi và hứa không tái phạm nữa, ông mới được phép vào, nhưng cũng chỉ trong phạm vi giới hạn. 

Cũng vì tính tình liêm khiết, cương trực đó, cũng như sự tận tình phục vụ đất nước mà Tổng Thống Diệm đã được thế giới kính nể. Tổng Thống Eishenhower đã gọi ông là “Miracle Man” và đã đón tiếp ông, một lãnh tụ Á Châu nhỏ bé, tận phi cơ. Khi Tổng Thống Diệm đi xe hơi vào thủ đô, ông đã được đón tiếp bằng hàng triệu triệu những bông hoa giấy từ mọi Bin-đinh, cửa hàng của thủ đô Hoa Kỳ. Điều muốn nói là tính ông ngay thẳng, không sợ người bạn Khổng Lồ và cũng là Ân Nhân của mình, nên mỗi khi bắt tay người Mỹ, ông cứ để thẳng tay xuống, bắt người Mỹ cao kều kia phải cúi đầu trước ông. Nhiều tấm hình chụp các chính khách Hoa Kỳ cúi thấp người trước một ông Tổng Thống thấp bé vẫn còn lưu trữ tại Quốc Hội Mỹ. Việc ông chịu ơn người Mỹ nhưng không chấp nhận Mỹ đóng vai trò “cha, chú” của mình đã thể hiện trong nhiều cơ hội, nhất là việc ông không chịu cho Mỹ đổ quân vào Việt Nam ào ạt. Theo suy nghĩ của ông đã được nói với các cộng sự viên, thì một khi người Mỹ cho lính vào ào ạt, thì Việt Nam sẽ mất đi chính nghĩa chống Cộng. Do đó, ông luôn cự tuyệt việc Mỹ yêu cầu cho đổ quân thêm vào, chỉ cho có một số lượng giới hạn các cố vấn quân, dân sự Mỹ mà thôi. Điều đó làm cho Kenedy tức giận, và đã cho soạn chính sách “thay ngựa giữa dòng”, nhưng Đại Sứ Mỹ Frederick Nolting cương quyết không chịu, vì sau một thời gian làm việc với Tổng Thống Diệm, Đại Sứ Nolting đã nhận thấy ông Diệm là người yêu nước thật sự đáng kính. Khi bị Nhà Trắng ép buộc, Nolting đã từ chức, và Kenedy lập tức cử ngay một chuyên viên đảo chính là Cabot Lodge sang để tính chuyện lật đổ Diệm. Âm mưu này, Tổng Thống Diệm biết rõ, nhưng không sợ. Tôi còn nhớ đã nghe thấy trong một lần họp Quốc Hội Lưỡng Viện, có sự hiện diện của Cabot Lodge, Tổng Thống Diệm đã đọc một bài diễn văn dài, đại khái nói là “Có một người bạn của chúng ta ở bên kia bờ đại dương xa lắc, nhưng lại cứ muốn lèo lái chúng ta theo ý của bạn đó. Chúng ta cương quyết không để cho chuyện đó xẩy ra…” 

Nghe tới đó, Cabot Lodge hậm hực đứng dậy và ra về. Cabot đã từng thử thách Tổng Thống Diệm bằng cách yêu cầu Tổng Thống đến phi trường Tân Sơn Nhất tiễn đưa 6 thi hài lính Mỹ chết trận về nước. Tổng Thống từ chối, nói “sinh mạng của người Mỹ đáng quý, nhưng vì tôi không đến tiễn đưa linh cữu của các binh sĩ của tôi được, thì tại sao tôi lại phải tiễn đưa hài cốt lính Mỹ về nước?” Cabot đòi phải có Ngoại Trưởng Việt thay thế. Tổng Thống không nhận lời và cũng không từ chối. Khi Cabot đứng chờ ở phi trường rất lâu mà không thấy ai đại diện Việt Nam đến, ông ta nổi nóng, đọc một bài diễn văn dài, đổ tội cho Việt Nam là vô ơn, bạc bẽo. Từ đó, mà Cabot mới tiến hành gấp rút việc đảo chánh Tổng Thống Diệm, để thực hiện việc đổ quân tràn lan vào Việt Nam. Theo cuốn “The Ambassador” viết dưới tên một nhà văn Mỹ lạ, mà người ta biết là tên hiệu của Cabot Lodge, vì đó là cuốn tự thuật lại vai trò của một Đại Sứ Mỹ trong suốt quá trình đảo chính Tổng Thống Diệm, thì tác giả cho biết, “Diệm là người liêm khiết, sống thanh bần, và món xa xỉ duy nhât mà Diệm xài là một điếu xì gà, ngoài ra, ông chỉ nằm giường phản gỗ không có nệm, đầu giường có một bàn quỳ đọc kinh, trên tưởng có treo một hình Thánh Giá đơn sơ. Diệm không thích ăn uống linh đình, món ăn mà Diệm vẫn hay ăn thường là món cá kho Huế và rau cải mà thôi.” Cuốn này cũng kể lại sự liên hệ giữa Tổng Thống và cô em dâu rât khô khan. Có lần Tổng Thống đã đuổi bà Nhu ra khỏi cuộc họp, và nói “Chỗ này không phải là chỗ của thím!”, bà Nhu phải len lén đi ra vì bà vẫn luôn kính sợ Tổng Thống và chưa bao giờ dám trái lệnh anh chồng. 

Cũng trong cuốn này, Đại Sứ Mỹ đã tưởng trình lên Kenedy những điều căng thẳng giữa Tổng Thống Diệm và người Mỹ, nhất là sau sự việc Phật Giáo miền Trung có bàn tay của CIA nhúng vào mà Diệm vẫn khăng khăng không chịu nước lép với Mỹ, rồi Đại Sứ đã xin chỉ thị sau cùng. Sau khi biết chắc rằng không thể lung lạc được Diệm, Bạch Cung đã gửi bức điện vẻn vẹn có mấy chữ nhưng lại là lưỡi dao của đao phủ thủ, kết thúc tính mạng của một gia đình Tổng Thống cũng như số phận của dân Việt: “Nuôi một con chim mà nó không hót theo ý chủ, thì nuôi để làm gì” (What was the use of raising a bird that did not sing as the owner ordered?”) Nhận được lệnh này, Cabot Lodge đã bật đèn xanh cho nhóm tướng lãnh ham tiền làm phản và Tổng Thống Diệm đã bị giết chỉ vì tính cương trực của một người yêu nước, hoàn toàn không phải bị giết vì vụ Phật Giáo. Theo Cụ Cao Xuân Vỹ, tính yêu nước và tinh thần dân tộc đã theo Tổng Thống Diệm đến giây phút cuối. Khi bọn phản tướng tấn công vào dinh, Cụ Cao Xuân Vỹ đã đề nghị Tổng Thống ra lệnh cho những đơn vị trung thành tấn công bọn phản, nhưng Tổng Thống cương quyết không chịu. Tổng Thống quát: “Lấy quân đội dẹp quân đội thì còn chính nghĩa gì?” Cụ Vỹ nài nỉ, “nếu không dẹp bọn phản, thì không lẽ để tụi nó giết mình sao?” Tổng Thống quát lần này to hơn: “Chết thì đã sao?” 

Và như thế, một vị anh hùng Dân Tộc đã ngã xuống, cho Tổ Quốc tồn vinh. Điều đau lòng nhất chắc Tổng Thống Diệm mang đi khi ông lìa trần là mối lo Cộng Sản thôn tính miền Nam. Trước ngày đảo chánh chừng một tháng, ông đã nói với các tướng lãnh ở Tổng Tham Mưu rằng “chế độ này còn nhiều khuyết điểm, nhưng nếu sụp đổ, thì miền Nam chắc chắn sẽ mất vào tay Cộng Sản”. Điều đó, quả thực đã xẩy ra như lời tiên liệu. Sau khi Tổng Thống Diệm mất, miền Nam rơi vào tình trạng hỗn quân, loạn quan, rồi chế độ độc tài, tham nhũng của Thiệu ra đời, lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của ngoại bang, cho nên khi quân ngoại quốc và Mỹ rút đi, thì nước Việt hoàn toàn bị nhuộm đỏ. Giờ đây lại sắp mất vào tay Trung Cộng. Dân Việt Nam đã hơn 4000 năm kiêu hùng với những chiến công lừng danh thế giới, bây giờ chỉ còn là nhóm thỏ con bên cạnh những con thú ăn thịt đồng loại là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam đang khúm núm dâng thỏ cho con cọp đói Trung Cộng. Mối nhục này biết đến thế hệ nào mới trả được? Thật đau lòng cho lịch sử Việt Nam. Nhân ngày giỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm sắp đến, chúng tôi, những người Việt Nam biết ơn Người, xin kính dâng lên Người một đóa hoa lòng, nguyện xin Đấng Tối Cao cho linh hồn Người Anh Hùng Dân Tộc được yên nghỉ ngàn thu. 

Chu Tất Tiến. 
26 tháng 10 năm 2013

27 October 2013

Truyện thiếu nhi bằng tranh trong nước: Một bước đáng ca ngợi:

Truyện tranh VN khiến báo Tầu e ngại

Tập 1 bộ truyện tranh “Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định chủ quyền” của Cty Phan Thị được báo chí Nước Tầu mổ xẻ khá nhiều, thể hiện rằng bộ truyện là hướng đi đúng và đang khiến báo chí Nước Tầu lo ngại.

Theo Cty Phan Thị, ngoài thông tin quanh việc Việt Nam ra mắt bộ truyện tranh đầu tiên về biển đảo, một số tờ báo Nước Tầu cũng phản bác thông điệp của bộ truyện tranh này. Một số bài viết đã giật tít: “Truyện tranh Việt Nam ngang nhiên nhận biển Đông của Trung Quốc là của mình”, “Truyện tranh “Hoàng Sa và Trường Sa” của Việt Nam cho trẻ biết biển Đông không thuộc về Trung Quốc”, “Việt Nam dùng “Thần đồng Đất Việt” để gây hấn vấn đề chủ quyền Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc”, “Bắc Kinh phẫn nộ: Truyện tranh Việt Nam ngang nhiên cho rằng biển Đông của Trung Quốc là của riêng họ”.

Tập 1 “Hoàng Sa, Trường Sa - khẳng định chủ quyền”.

Một bộ truyện tranh vừa mới ra mắt tập đầu mà đã được lên báo ngoài nước như thế quả là một hiện tượng truyền thông. Bởi những gì viết cho thiếu nhi - thế hệ tương lai của đất nước  tưởng là nhỏ, nhưng sức mạnh và sự ảnh hưởng của nó thì lại sâu rộng khôn cùng.

Theo tiến sĩ Nguyễn Nhã - người cố vấn và hiệu đính cho bộ truyện tranh này, “Truyện tranh về Hoàng Sa, Trường Sa” sẽ là bước khởi đầu cho phương thức truyền bá thông điệp yêu nước, kiến thức về chủ quyền biển đảo đến thế hệ trẻ thật gần gũi, đơn giản, nhưng không kém phần sâu sắc”.

Bộ truyện tranh dự kiến gồm 10 tập. Các tập tiếp theo  lần lượt đề cập các vấn đề liên quan đến lãnh thổ An Nam, hành trình khám phá những hòn đảo Hoàng Sa - hay quần đảo Paracels - huyền bí trong mắt các học giả Tây phương. Điều thú vị là từ đề tài tưởng khó viết này, các nhà làm sách đã phải bỏ ra một năm để lồng vào cốt truyện thiếu nhi, cho trẻ con thấy hấp dẫn để theo dõi mạch truyện. Theo đó, Công chúa Phương Thìn là người dẫn truyện, đưa các nhân vật quen thuộc của Thần đồng đất Việt như Tý, Mẹo, Sửu, Dần vào thế giới màu sắc của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thông qua thư viện của các vị quan chép sử.

Qua bộ truyện tranh này, Cty Phan Thị muốn  truyền bá kiến thức chủ quyền biển đảo, hun đúc lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ lãnh thổ, để các em hiểu thêm về lịch sử nước nhà, ra sức bảo vệ và khẳng định chủ quyền đất nước.

Xem ra, bộ truyện này không còn là truyện tranh cho thiếu nhi mà còn liên quan đến vấn đề của cả quốc gia, của vấn đề biển đảo quốc tế. Chính vì thế, bộ truyện được báo chí nước ngoài nhắc tới - dù là phản bác đi chăng nữa - thì đó cũng là một tín hiệu cho thấy đã thành công bước đầu: Công cuộc đấu tranh đòi công nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của VN tuy còn dài, nhưng với chứng cứ, tài liệu rõ ràng, với từng bước, từng việc làm cụ thể, trên nhiều phương diện, sẽ được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

(LĐ) - Số 245 - Thứ tư 23/10/2013 06:47

Tin ngắn về biển đảo Á Đông

Nhật sắp tập trận lớn

24/10/2013 17:50 (TNO) Nhật Bản chuẩn bị tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn. Tokyo cũng đang tăng cường chiến dịch quảng bá (PR) toàn cầu trên trang Youtube về chủ quyền các quần đảo đang tranh chấp với Tầu và Hàn Quốc.

Một hòn đảo thuộc
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Ảnh: Reuters

Cuộc tập trận đổ bộ bắn đạn thật dự kiến kéo dài từ ngày 1 đến ngày 18.11.2013 với bài diễn tập đổ bộ vào hòn đảo không người ở Okidaitojima, cách đảo Okinawa 400 km về phía đông nam, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật ngày 24.10 cho biết.

Những cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của các tàu khu trục và chiến đấu cơ F-2, vị quan chức này cho hay.

Trong một thông cáo, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết cuộc tập trận tháng 11 này là nhằm mục tiêu “duy trì và tăng cường khả năng tác chiến”. Nó bao gồm hàng loạt những bài diễn tập bảo vệ biển đảo và đổ bộ tái chiếm đảo.

Hòn đảo Okidaitojima nằm ở vị trí khá gần quần đảo tranh chấp giữa Hoa - Nhật là Senkaku/Điếu ngư.

Trước đây, Nhật Bản từng tiến hành tập trận tương tự vào tháng 11.2011 với sự tham gia của 35.000 binh sĩ.

Hồi tháng 11.2012, Nhật Bản đã huy động 47.400 quân tập trận chung với Mỹ, nhưng cuộc tập trận này đã hủy phần diễn tập tái chiếm đảo để tránh gây căng thẳng với Tầu. Cuộc tập trận đổ bộ bắn đạn thật dự kiến kéo dài từ ngày 1 đến ngày 18.11.2013 với bài diễn tập đổ bộ vào hòn đảo không người ở Okidaitojima, cách đảo Okinawa 400 km về phía đông nam, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Nhật ngày 24.10 cho biết.

Malaysia lập căn cứ trên Biển Đông

(Tin tức 24h) - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia - ông Hishammuddin Tun Hussein - tuyên bố, nước này sẽ thành lập một đơn vị hải quân đánh bộ và xây dựng một căn cứ hải quân trên biển Đông, gần bãi cạn James (James Shoal) mà Nước Tầu tuyên bố chủ quyền.

Bộ trưởng Hussein cho biết việc xây dựng này nhằm bảo vệ các mỏ dầu và an ninh hàng hải ở khu vực biển thuộc chủ quyền của nước này.

Tuy nhiên, việc căn cứ hải quân nằm ngay gần khu vực James Shoal (Nước Tầu tuyên bố chủ quyền và gọi tên Tăng Mầu) không được quan chức Malaysia đề cập.

Về lực lượng hải quân đánh bộ mới thành lập, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước này cho biết đơn vị này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tác chiến đổ bộ, đội viên hải quân đánh bộ được lựa chọn từ những thành viên ưu tú nhất của 3 quân chủng hải, lục và không quân.

Khoảng cách từ căn cứ hải quân Bintulu đến bãi cạn James Shoal chỉ khoảng 80km

Lực lượng này sẽ phát huy được vai trò quan trọng trong bảo vệ bang Sabah thuộc miền đông Malaysia.

Hồi tháng 3, lực lượng đặc nhiệm Hải quân Nước Tầu lần đầu tiên đổ bộ xuống bãi đá James Shoal, ngang nhiên tuyên bố chủ quyền 'cực Nam' của mình.

Đông đảo thủy thủ đã cập bãi đá trên tàu Jinggangshan, một trong 3 tàu đổ bộ dài 200m của Nước Tầu làm nhiệm vụ bảo vệ “Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia và phấn đấu đạt ước mơ của Trung Hoa hùng mạnh”.

Ông Gary Li, nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm tham vấn IHS Fairplay ở London cho rằng: “Sau những lần Hải quân của Quân giải phóng nhân dân Nước Tầu (PLA) tuần tra Biển Đông thì việc đưa lực lượng đặc nhiệm ra khu vực này là một thông điệp đáng ngạc nhiên”.

“Không chỉ vài tàu tuần tra mà cả một tàu đổ bộ mang theo thủy quân lục chiến và thủy phi cơ, được hỗ trợ bởi một số tàu hộ tống tốt nhất của Hải quân PLA”.

Cũng theo ông Gary Li: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự ở khu vực này cả về phẩm chất lẫn số lượng ... Dường như nó thể hiện tham vọng của lãnh đạo mới Nước Tầu”.

Bãi ngầm James chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km, trong khi khoảng cách đến đất liền Nước Tầu lên đến 1.800km.

25 October 2013

Nỗi Nhớ Mùa Thu, thơ


Văn Bút Canada trao giải cho blogger Điếu Cày

Thanh Phương (RFI) – Hôm nay, 24/10/2013, theo dự kiến, Văn Bút Canada ( PEN Canada ) trao giải thưởng mang tên One Humanity cho blogger Điếu Cày/Nguyễn Văn Hải, nhân Đại hội Tác giả Quốc tế (IFOA) lần thứ 34 tại Toronto. Trong thông cáo đưa ra ngày 21/10, PEN Canada cho biết giải thưởng năm nay được trao cho blogger Điếu Cày nhằm ghi nhận « sự can đảm bày tỏ bất đồng chính kiến và tiếp tục cổ vũ cho nhân quyền tại Việt Nam của ông, mặc dù chính quyền đàn áp mọi tiếng nói trên mạng ».

Bản thông cáo của trích lời ông Jim Creskey, Chủ tịch Ủy ban các tác giả bị cầm tù, cho rằng : « Tiếng nói của blogger Điếu Cày đã không suy suyển trước áp lực của chính quyền, ông đã đề cập đến những vấn đề mà báo chí chính thức né tránh. Đáng buồn thay, ông là một trong hàng chục blogger bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ bất đồng chính kiến một cách ôn hòa ».

Giải thưởng One Humanity trị giá 5.000 đôla vẫn được PEN Canada trao tặng cho các tác giả có những tác phẩm, bài viết được coi là « vượt qua biên giới các quốc gia, đồng thời tạo được sự liên kết giữa các nền văn hóa ».

Giải này được trao ngày hôm nay mà không có mặt blogger Điếu Cày: Ông đang thọ án tù 12 năm vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam ».

Blogger Điếu Cày là một trong những sáng lập viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào năm 2006. Năm 2008, ông đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ở Hoa Kỳ trao giải thưởng. Một năm sau, ông được tổ chức Human Rights Watch trao giải thưởng Hellman/Hammett. Năm nay, ông cũng vừa được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ trao giải Tự do Báo chí Quốc tế 2013.

Thanh Phương
Nguồn: Chính Luận
(via Blog Sầu Đông)

24 October 2013

Chớm Thu, tranh A.C.La (New version)

Chớm Thu
(Version mới, lớn hơn gấp bốn lần)
Oil on canvas, 24x30 inch (61x76 cm) 
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh 
** 
Vào TTR sau khi uống cạn ly cà phê thường lệ buổi sáng. Thấy Chớm Thu, version mới, lớn hơn. Ngần ngừ. Bởi Thu hơn, thật hơn. Nhưng sao vẫn thích version cũ, nhỏ và..."ấn tượng" hơn. Thế mới khổ! Thôi thì đành saved cả hai versions vào khop báu. Cám ơn Họa Sĩ.
**
Ấy đấy, cái hứng hướng dẫn vẽ hai bức tranh không hề giống nhau, cho dù đối tượng vẫn là một. Mà nếu gò cho giống bức trước bức thứ hai chắc chắn sẽ hỏng! Khó nhỉ? Mong rằng mỗi bức sẽ có những nét đặc biệt riêng. A.C.La.
**
Lầu Bầu Mùa Thu
Không biết từ lúc nào trong cái cuộc đời gắn ngủi này tính tình tôi đã rất ư là lầu bầu. Càng già đi - tôi chưa già à nghe - có vẻ như cái tính lầu bầu càng ngày càng tệ hại ra.

Tất nhiên là có lý do để phải lầu bầu. Chẳng hạn như năm nay tôi bị đụng xe - nhẹ thôi - tới hai lần. Phải chi mình lỗi thì đã đành, đằng này người ta cứ nhắm vào đít mình mà ủi... và cả hai tài xế thủ phạm đều là đàn bà, mắt xanh tóc vàng hẳn hòi! Cả hai lần xe mình đang đậu trước đèn đỏ chứ nào có chuyển bánh gì cho cam.

Một mụ thì - xin lỗi, cứ nhắc lại là thấy bực!- sau khi húc vào đít mình, cứ ngồi ỳ trong xe đưa cái mặt mốc ra, trơ trẽn: "Đít xe ông đâu có sao đâu", thế rồi lái xe bỏ đi vô tư!. 

Mụ thứ hai lịch sự hơn, lịch sự đến độ "too good to be true". Nàng ra hiệu cho tôi tấp vào lề. Nàng xuống xe nhanh nhẩu chứ không nhấc nháo, và duyên dáng nhã nhặn phân trần Nàng biểu chồng mình biết sửa xe và rằng tôi muốn đền tiền mặt hay để chồng nàng sửa cũng được. Nàng còn rút ra miếng giấy ghi số điện thoại của nàng và trao cho tôi. Ngon lành thiệt. Nhưng về đến nhà té ra là số điện thoại không service. 

Con tôi có đứa cằn nhằn. Tôi thì tỉnh bơ, tỉnh bơ thiệt vì nghĩ của đi thay người. Cả hai người đàn bà vô duyên này hôn đít xe tôi rất mạnh, người tôi chúi nhủi về phía trước nhưng cần cổ tôi không trật trẹo gì, vẫn ngon lành. Vậy là quý rồi.

Tôi nghĩ không phải hai chị này vô duyên đâu, mà chắc có duyên gì với tôi đấy. Chắc có một lúc tôi đã nợ nần gì họ chăng. Hôm nay tôi lại lái xe đi chợ bỗng nhiên nhớ đến hai vụ bị đụng đít cơn lầu bầu bỗng lại nổi lên như thường lệ. Lầu bầu không phải vì không được bồi thường mà là vì nhưng không xe đang đậu lại bị húc tưng lên. 

Đàn bà húc mình thì huề tiền. Còn mình mà cọ quệt vào họ là có chuyện lớn ngay! Hai con quỷ cái! Tôi buột miệng phát âm thành lời.  Ấy chết! Tại mình bực lên mà nghĩ vậy thôi chứ họ có phải quỷ cái đâu! 

Bất giác tôi tin rằng những người không còn trẻ cần lầu bầu. Không có lầu bầu tinh thần sẽ âm u, chân khí sẽ tàn tạ, máu huyết sẽ ngưng đọng trong huyết quản vì chẳng còn gì có thể kích thích mình được nữa . . . thì ôi thôi, ta sẽ lạnh dần, lạnh dần . . .

Tôi đưa mắt nhìn ra bên ngoài và mỉm cười với nắng thu. 

A.C.La 

*******
Chúc mừng Anh được tai qua nạn khỏi

  Hôm nay mới thấy Ngài Tarzan nổi giặn đây ! "Người đâu đẹp lạ đẹp lùng " của tui sao mà hôm nay lại nói năng không galant gì hết zậy? Sao lại gọi người đẹp là hai con quỷ cái?

  Theo ngu ý , Ngài nên gọi hai Em ấy là "hai EM quỷ cái" mới đúng !!!

  Anh  bị ủi mà không hề hấn gì hết thì  Anh phải xuống xe, cầm tay hai em tha vuốt và an ủi để hai Em không lo sợ mới phải đạo Nam nhi chớ! Sao lại còn lầu bầu như zậy? Coi chừng bị khủng hoảng đó đa!

  Chẳng bằng tui đây cũng bị ủi đít (!) (lâu lắm rồi) Em "Cái" ủi xệ đít ... xe tui luôn. Bảo hiểm đền 3200 đô la , tui sửa tốn 3000 đô la (lời 200 đô la) nhưng cái xe không còn "din" nữa mà đã qua một đời ...(không phải đời chồng) mà là một đời ... sửa !!!

  Anh Nguyễn Thế -Vĩnh "lầu bầu" thì cứ lầu bầu đi cho đả tức. Còn nếu như tui mà ủi xe Anh thì tui không áp dụng chiến thuật như hai bà ấy đâu! Tui yêu cầu Anh mở cửa xe, tui lên xe ngồi bên cạnh Anh  xin lỗi đàng hoàng (làm như kiểu cảnh sát ở thành phố của tui hỏi cung từng người vậy) Như vậy, bởi tính "lịch sự" của nam nhi, chắc chắn Anh sẽ vui vẻ và bảo là "không sao, không sao" phải không? Và tôi chỉ chờ có thế, tôi sẽ bảo là: "không sao là đúng vì ông vẫn còn ngồi trong xe chớ nào đã văng ra khỏi xe đâu nào !!!"

  Ha ha, xin đừng chửi tui "con quỷ cái" nghe anh NT Vĩnh . Mà nếu có chửi tôi thì hãy chửi là " Bà quỷ già cái" thì mới đúng !!!

  Nói thế để Anh phì cười mà xả stress cho đỡ mệt chớ không có ý chọc tức Anh đâu. Thôi thì 9 bỏ làm 11 vậy!

  Chúc mừng Anh, nhờ hồng phúc của Ông Bà để lại mà đã thoát nạn. Khi nào hết lầu bầu thì làm tiệc lớn mời hết bà con mạng TTR tới dự thì sẽ được sống lâu hơn nữa !!!

  Kính
  Một độc giả trung thành của TTR
 

23 October 2013

Lá thư Canada

                                Nguyên Trần tóm lược

1) Canada thắt chặt mối  quan hệ kinh tế với các thị trường đang lên ở Á Châu:


Ông Ed Fast, bộ trưởng bộ Thương Mại Quốc Tê đã tháp tùng thủ tướng Stephen Harper tham dư hội nghị thượng đỉnh tổ chức hợp tác kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương(APEC:Asia-Pacific Economic Cooperation) mà Canada là một trong những thành viên sáng lập từ năm 1989. Hôi nghị được khai mạc vào ngày 6 tháng 10 tại Nusa Dua ,Bali-Nam Dương (tổng thống Obama vắng mặt vì chính phủ liên bang đóng cửa).Sau đó ông Fast đã đi Singapore rồi Trung Quốc  nằm trong  Hội Đồng Kinh Doanh Canada-Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á(CABC: Canada-ASEAN Business Council) nhằm gia tăng cán cân xuất nhập cũng như thu hút đầu tư.

Ông Ed Fast nói: “ trong mục tiêu chính phủ Canada tập trung mọi nổ lực vào việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, củng cố sự thịnh vượng lâu dài thì việc quan hệ ngoại thương với thị trường các quốc gia thuộc khối Á Châu Thái Bình Dương là điều tối cần. Nó cũng giúp cho công việc bảo toàn và tăng cường mức ổn định tài chánh cho người dân Canada.

Chỉ riêng tổ chức liên doanh xuyên Thái Bình Dương (TPP:Trans-Pacific Partnership) với 12 quốc gia thành viên của ASEAN cũng đã đạt được mức tổng sản lượng nội địa (GDP:Gross Domestic Product) là 27.500 tỷ mỹ kim chiếm 38.5 % thế giới.

Ngay trong ngày đầu tiên của phiên họp thượng đỉnh Apec, thủ tướng Harper đã đạt được  thỏa uớc đầu tư với thù tướng Mã Lai Mohd Najib với kinh phí trị giá 36 tỷ mỹ kim để công ty quốc doanh Mã Lai Petronas xây dựng  môt nhà máy nhiên liệu lỏng tại BC và các đường ống vận chuyển. Sau đó tại thủ đô Kuala Lumpur, thủ tướng Harper  cũng xác nhận một thỏa hiệp chung về các điều khoản mới thay thế thỏa ước thuế khóa năm 1976 giữa Canada và Mỹ nhằm mục đích giảm thiểu các hàng rào quan thuế  cũng như khuyến khích gia tăng cán cân thương mại và đầu tư song phương . Ngoài ra, thủ tướng Harper cũng đã ký kết với Mã Lai một bảng ghi nhận chung (MOU:Memorandum of Understanding) để tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước và giúp giải quyết các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn lậu người và tội phạm có tổ chức ở Đông Nam Á và xa hơn nữa. Mục đích chính là bảo đảm sự an toàn cho tất cả công dân của hai nước.Cũng nhân dịp nầy, thủ tướng Harper quyết định sửa đổi hiệp định chuyển vận giữa các hãng hàng không Canada và Malaysia nhằm vào việc phát triển kỹ nghệ hàng không để cũng như ngành du lịch dẫn đến tăng trưởng thương mại kinh tế.

Riêng tai hội nghị APEC, trong ngày bế mạc, điều không ai ngờ là hành động nâng bi quá kỹ của tổng thống Nam Dương Susilo Bambang Yudhoyono đối với tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông ta trân trọng  ngỏ lời chúc mừng sinh nhật thứ 61 của Putin và ôm đàn guitar hát bài “Happy Birthday to you” để chúc mừng lãnh tụ Nga Sô. Không biết tổng thống Obama khi trông  thấy cảnh nầy sẽ nghĩ sao khi mà ông rất gần gũi với nước Indonesia vì đã từng ăn học tại đó lúc ở với mẹ và ông cha ghẻ Nam Dương trong thời thơ ấu.Ngoài ra trong lúc tình hình Biển Đông đang sôi sụt và hầu hết các nước Đông Nam Á đang trông chờ sự hiện diện của Mỹ tại phiên họp như một thế quân bình với sự đe dọa của Trung Quốc và Nga Sô, thế mà con chim đầu đàn của thế giới tự do thà đánh mất uy tín trên chính trường quốc tế và quyền lợi kinh tế quốc gia đã hủy bỏ lời hứa tham dự hội nghị APEC chỉ vì chuyện đóng cửa chính phủ liên bang thì có phải là một quyết định sai lầm của Tổng Thống Obama không? Nên nhớ rằng chuyện chính phủ liên bang đóng cửa là chuyện đã xảy ra rất nhiều lần nhất là dưới thời tổng thống Ronald Reagan, Bill Clinton...

Trong phiên họp thượng đỉnh nầy, tổng thống Putin đã ký kết một thoả ước thương mại với Nam Dương trị giá trên 30 tỷ mỹ kim.

2) Kỷ niệm 250 năm bản tuyên ngôn công nhận các quyền của Thổ Dân Canada:

Hai Con Quỉ, truyện ngắn Phạm Thành Châu

TTR: "Truyện giật gân ly kỳ nhưng xin vặn âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm và bà xã...!"
Vợ chồng tôi ở quận Cam (Orange County) thuộc tiểu bang California. Nói quận Cam cho dễ biết, chứ chúng tôi ở cách đó gần một giờ lái xe, là nơi quê mùa vắng vẻ, toàn người Mễ và người da đen nghèo khổ. Người Việt chỉ có gia đình tôi. Vợ chồng tôi đã già, lãnh tiền hưu trí, thêm chút tiền các con tặng bố mẹ, cũng đắp đổi. 

Nhà không rộng nhưng nhiều phòng, khi mấy đứa con học hành nên người, chúng lập gia đình, ra ở riêng, các phòng bỏ trống, chỉ có hai vợ chồng già, ra vô lặng lẽ, cũng buồn. Có người gợi ý, nên cho mướn mấy phòng trống, vừa có tiền vừa bớt vắng vẻ. Thế nên tôi kêu thợ đến trổ hai cửa ra vào cho hai phòng sau nhà (lối đi riêng), làm phòng vệ sinh, phòng tắm riêng. Ðủ tiện nghi như vậy mới có người chịu mướn.

Chỉ mới đăng báo cho mướn phòng một tuần mà có đến chục người gọi. Người đến trước là một cô, tuổi trên ba mươi, là công nhân hay nhân viên văn phòng gì đó, người thứ hai là một bà sồn sồn, tuổi chưa đến năm mươi, mặt mũi hồng hào, chân tay, thân hình tròn trịa, mơn mởn, hai mắt ướt rượt, coi bộ lả lơi ngầm. Bà ta năn nỉ, xin trả thêm tiền mướn để cho hai người, bà ta và "ông xã" được thuê phòng. Theo lời bà ta kể thì hai vợ chồng ở chung với con gái, nhưng thằng rễ không tốt nên tìm chỗ ở riêng. Chúng tôi chỉ hỏi lấy lệ rằng từ đâu đến, làm gì, làm ở đâu? Bà ta bảo, hai người từ tiểu bang Arizona đến California được vài tuần nay, "ông chồng" vừa xin được việc làm ở tiệm buôn nào đó. Chúng tôi chưa quyết định thì hôm sau, bà ta đưa "chồng" đến. Ông ta khoảng năm mươi tuổi, người hơi thấp, mạnh khỏe, sung sức như một trung niên nhưng ít nói, chỉ ngồi cười xã giao. Thấy ông ta hiền lành, chúng tôi đồng ý. Hai ông bà rối rít cám ơn, xin trả trước vài tháng tiền mướn phòng.

Sau khi cho mướn hai phòng phía sau nhà, tuy bớt vắng vẻ nhưng chủ nhà và người mướn phòng ít khi trò chuyện. Họ đi vòng từ sau nhà ra chỗ đậu xe, chẳng phiền ai, có tình cờ gặp nhau, cũng chỉ vài câu về thời tiết, gió mưa vớ vẩn. Cô gái đi làm từ sáng, chiều mới về, thỉnh thoảng mới gặp vợ tôi tâm sự chuyện đàn bà với nhau, tôi không quan tâm. Riêng, cặp vợ chồng lớn tuổi nầy thì ít khi ra khỏi phòng, nghe nói ông chồng có việc làm nhưng chẳng biết giờ giấc. Thỉnh thoảng hai người ra ngồi ngắm hoa, trò chuyện trên chiếc ghế dài sau vườn.

Tôi có một vườn hoa sau nhà. Buổi sáng, trước khi ra chợ Phước Lộc Thọ uống cà phê, trò chuyện với mấy ông bạn già, tôi thường ra tưới nước, chăm sóc, nhưng hễ thấy cặp vợ chồng kia ngồi đó thì tôi bỏ đi, để họ được thoải mái. Tôi thấy, họ có vẻ âu yếm, quấn quít như đôi tình nhân hơn là vợ chồng. 

Không bao giờ thấy người đàn bà đi đâu. Cần gì,  bà ta nhờ vợ tôi đi chợ mua giùm, từ gạo cơm, mắm muối, thịt cá, rau cỏ cho đến các vật thường dùng khác. 

Nếu đây là một đôi tình nhân lớn tuổi, chắp vá nhau mà tìm được hạnh phúc như vậy cũng thật hiếm thấy. Nhưng một hôm ngồi uống cà phê ngoài chợ, tôi nghe bàn bên cạnh có hai ông bàn tán về một ông, từ tiểu bang Arizona đến các chợ ở California tìm vợ. Ông ta đi rảo khắp các chợ người Việt, rình các bãi đậu xe, tìm bắt cho được bà vợ bỏ chồng, bỏ con theo trai. Tôi đoán, có lẽ người đàn bà bỏ chồng "theo trai" là người mướn phòng đang ở với tình nhân sau nhà tôi, nhưng tôi không nói gì, chỉ về kể cho vợ tôi nghe. Vợ tôi bảo, cũng đoán như thế ngay từ hôm đầu họ đến mướn phòng, nhưng vợ tôi trấn an tôi rằng, cô mướn phòng bên cạnh có nghe họ đánh chửi nhau, như vậy chỉ ít lâu sau, họ sẽ tan hàng, khỏi cần mời họ đi chỗ khác. 

Chúng tôi ở nhà trên, cách các phòng cho mướn một bức tường gạch rất dày nên cặp tình nhân đó có cãi vả to tiếng cũng không cách nào nghe được. Chỉ cô mướn phòng bên cạnh lãnh đủ! Cô phàn nàn rằng, đi làm suốt ngày, buổi tối cần yên tĩnh nghỉ ngơi, vậy mà thỉnh thoảng, nửa đêm giật mình thức giấc vì tiếng chửi rủa rồi tiếng dộng vô vách, rầm rầm như hai người đánh nhau, vật nhau. Thời gian đầu, họ chỉ rù rì chửi nhau, sau nầy họ không thèm giữ ý, chửi to tiếng. Tôi có ý định sẽ bảo họ có cãi nhau cũng nên nhỏ nhẹ, để người khác được yên tĩnh nghỉ ngơi.

Một hôm, giữa khuya, cô mướn phòng gọi điện thoại cho chúng tôi, bảo xuống mà can thiệp, có thể họ đang giết nhau. Vợ chồng tôi ra sau nhà, cô ta ra dấu, bảo chúng tôi vào phòng cô, áp tai vô vách mà nghe. Chẳng cần áp tai chúng tôi cũng nghe rõ tiếng động, tiếng chửi rủa nhau, tiếng bôm bốp, tiếng hự hự... để hình dung ra được hai ông bà kia đang lăn xả vào nhau, đánh chửi nhau với tất cả căm thù, quyết giết cho được đối phương. Có lẽ người đàn ông vừa tát tai vừa bóp cổ người đàn bà, miệng gầm gừ, răng rít lại "Ðịt mẹ, con đĩ mẹ mầy! Mầy tưởng tao không dám giết mầy chắc? Tao tẩn mầy cho mầy chừa. Tao giết mầy! Mầy chửi đi! Tao đâm mầy một phát là mầy rồi đời nghe con!" Rồi tiếng bốp (tát tai!) liên hồi. Người đàn bà chửi lại, giọng èng ẹt, có lẽ bị bóp cổ "Tổ cha con đỉ mẹ mầy. Mầy tưởng tao sợ mầy. Mầy dám giết tao không? Mầy đâm tao đi! Dám không? Ðâm đi! Ðâm đi!...Trời ơi là trời! Nó giết tôi rồi! Nó giết tôi!..."

Thật quá sức tưởng tượng! Chúng tôi không ngờ hai người nầy, đã lớn tuổi, mặt mũi sáng sủa, ra người có học mà lại đánh chửi nhau như hàng tôm hàng cá. Tôi bảo cô gái thử lấy một vật cứng dộng vô vách để lưu ý họ xem sao. Cô ta lấy chiếc guốc dộng vô vách thật mạnh, chỉ "cộp, cộp" mấy tiếng là phòng bên kia im re!? Tôi hỏi cô gái "Họ có thường đánh chửi nhau như thế nầy không?" Cô bảo "Cứ năm ba ngày họ đánh chửi nhau một lần. Ban ngày em đi làm nên không rõ, nhưng ban đêm, em cứ bị đánh thức kiểu nầy hoài!" Tôi bảo "Mỗi khi hai người đánh chửi nhau lớn tiếng, cô nhớ lấy guốc dộng vô vách như lúc nãy là yên ngay. Ðể sáng mai, tôi sẽ gặp họ và báo trước, nếu còn gấu ó nhau kiểu đó thì xin mời đi chỗ khác".

Sáng hôm sau, vợ chồng tôi ra sau nhà định đến gõ cửa phòng hai ông bà tình nhân nầy để nói phải trái với họ thì thấy hai người đang ngồi trên ghế sau vườn ngắm hoa, rủ rỉ chuyện trò. Chị đàn bà ngồi tựa đầu vào vai ông bồ. ông ta cũng ôm vai người yêu. Tuy hai người xây lưng về phía chúng tôi, nhưng tôi cũng thấy rõ một bên má người đàn bà tím bầm, sưng to như quả trứng. Người đàn ông thì có mấy miếng băng dán ở cổ, có lẽ bị "đối phương" cào chảy máu. Chúng tôi chả hiểu ra làm sao? Mới đánh chửi nhau lại làm lành ngay, giống như trẻ con! Sợ quấy rầy giây phút thần tiên của họ, chúng tôi rút lui, định chờ dịp thuận tiện khác.

Mấy hôm sau, cô gái thuê phòng khoe với vợ tôi là hễ nghe hai người đánh chửi nhau, cô lấy cây dộng vào vách là họ im tiếng ngay. Nhưng hai người đàn bà (vợ tôi và cô thuê phòng), lại lo sợ rằng đánh nhau kịch liệt kiểu đó, có ngày cũng gây án mạng, nên tốt nhất là mời họ tìm nơi khác mà mướn

Ðược vài tháng sau, một lần, cũng vào nửa khuya, cô gái lại gọi điện thoại phàn nàn "Em dộng cây vào vách mà họ vẫn đánh chửi nhau!" Lần nầy thì tôi nổi giận thực sự.

Vợ chồng tôi đi vòng ra sau nhà, đến phòng cô thuê phòng. Quả nhiên, từ phòng bên kia, hai người đang đánh chửi nhau với những lời lẽ hàng tôm hàng cá. Tuy cũng vẫn những lời đòi giết nhau với tiếng động như vật nhau, đụng vô vách rầm rầm, tiếng hự hự, khò khè như bị bóp họng... nhưng rõ ràng cả hai đang hồi quyết liệt lại có vẻ nguy cấp cho chị đàn bà. Vợ tôi và cô mướn phòng, mắc cỡ vì nghe những lời chửi rất vô học và tục tỉu, lại sợ có chuyện không may cho chị đàn bà nên thúc hối tôi qua can thiệp hoặc gọi cảnh sát ngay. Tôi qua phòng của hai người. Vợ tôi và cô mướn phòng tò mò theo sau. Ngoài trời tối đen, trong phòng đó hình như cũng không có đèn vì qua cửa kính, không thấy ánh sáng hắt ra. Tiếng chửi rủa, đánh đấm nhau nghe càng rõ, giống như âm thanh một phim bạo động mở hết công suất.

Tôi gõ cửa và chờ đợi. Hai người như say sưa chiến đấu nên không nghe. Tôi gõ mạnh hơn. Vẫn không ai mở cửa mà tiếng đánh chửi nhau không giảm. Tôi thử vặn nắm đấm cửa. Cửa không khóa. Tôi đẩy nhẹ cửa, hé mở và nhìn vào. Trong phòng tối mù. Ðèn ngủ không đủ ánh sáng nên tôi chẳng thấy gì! Tôi đoán chừng hai người đang nằm xem phim bạo động, trinh thám gì đó nên mới nghe kêu gào giết nhau như vậy. Tôi cố nhìn cho rõ để lưu ý họ vặn bớt âm thanh.

Và rồi tôi thấy được hai người. Họ nằm trên giường, đầu hướng về phía cửa nên không thấy tôi đang thò đầu vô nhìn.

Hóa ra họ thực sự đánh nhau chứ không phải trong phim. Người đàn bà nằm dưới, trắng hếu, hai tay cào cấu người đàn ông rồi đập tay xuống giường thình thịch, hai chân như bơi vào khoảng không rồi chống xuống giường, nẩy ngược lên như cố thoát ra khỏi sự kềm chế của người đàn ông, miệng chửi rủa vừa rên rỉ "Mầy đâm tao đi! Ðâm đi! Trời ơi là trời! Nó đâm tôi! Nó giết tôi! Tôi chết. Tôi chết!..." Người đàn ông, cũng trần như nhộng, một tay bóp họng chị đàn bà, tay kia nắm tóc, dập mạnh đầu bà ta xuống nệm. Hai người vừa đánh nhau vừa gào lên, líu lưỡi như bị quỷ ám. Họ quên cả thế gian. Có lẽ trời sập họ cũng không buông nhau ra.

Tôi khép cửa lại, quay về. Vợ tôi và cô mướn phòng, vì đứng xa, mà cửa chỉ hé mở, trong phòng lại tối mò nên không thấy gì, cứ theo hỏi tôi "Sao không vô can thiệp? Hay là gọi cảnh sát?" Tôi bảo "Ðó là hai con quỉ. Mặc kệ họ!" Hai người có vẻ yên tâm nhưng vẫn hỏi "Nói gì chẳng hiểu! Hai con quỉ gì lại cứ đánh chửi nhau?"

Tôi muốn nói huỵch tẹt ra là hai người đó không mặc áo quần gì cả, nhưng giữ miệng kịp.

Phạm Thành Châu

20 October 2013

KINH SÁCH CỦA NƯỚC VỆ

(Trích Luận ngữ tân thư)

Nghe nói đến viếng nhà có tang thì cơm không được ăn no, rượu không được uống cạn. Về đến nhà rồi thì hết ngày không ca hát, không cười cợt, quần áo phải thay ra, ba ngày không được gần thê thiếp… Người đang có tang thì cả năm không đi dự giỗ chạp, khai trương, cưới hỏi… của bất cứ nhà ai… Chắc không chỉ vì “Lễ“ quy định phải như vậy. Lại nghe nói sinh khí thuộc về dương, tử khí thuộc về âm. Người thông minh, sáng suốt thuộc về dương, kẻ u mê, lú lẫn thuộc về âm. Người lương thiện, tử tế thuộc về dương, kẻ bất lương, đểu cáng thuộc về âm. Quân tử thuộc về dương, tiểu nhân thuộc về âm. Cả đến thiện, ác; chân, ngụy cũng phân biệt như vậy, thiện thuộc về dương, ác thuộc về âm, v.v… Thánh nhân đặt ra phép cúng tế quỷ thần, quy định “Lễ“ đối xử với người chết chắc không phải vì Thánh nhân mê tín dị đoan. Chính vì sợ sẽ diễn ra cái buổi âm thịnh, dương suy trên cõi trần (gian) này vậy…

Vẫn “Lời tựa“ trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:

Khổng Tử một hôm giảng về Lễ (phép tắc, pháp luật…). Lễ của Ngài bao trùm cả cái nhẽ sinh tử của cuộc đời. Hết “sinh“ rồi đến “tử“.  Riêng “Lễ“ về “tử“ của Ngài thì chung quy chỉ bốn bài sau đây là gồm hết.

Thứ nhất: Có cái chết là sự tiếp tục của những đạo lý lớn trong thiên hạ (“Tử vi Thánh nhân“ -chết thành Thánh nhân, như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Văn Vương, Chu công …).

Thứ hai: Có cái chết là sự tiếp tục của một sự nghiệp trong đời (“Tử vi hiền nhân“ -chết thành hiền nhân, như Cơ Tử, Tỷ Can, Tử Văn, Quản Trọng…).

Thứ ba: Có cái chết đơn giản là sự trở về cõi vĩnh hằng (“Tử vi sa trần“-chết thành cát bụi, lành như cát bụi, lẽ thường của vạn kiếp sinh linh).

Song để đạt được những điều đó, thì tất cả những người chết đều phải được người sống đối xử sao cho đúng với “Lễ“.  Thuận theo Lễ thì cát (gặp được yên ổn). Nghịch theo Lễ thì hung (gặp phải hiểm họa), có khi hậu quả không biết thế nào mà lường được. Cái đó gọi là: “Tử phù đạo tặc“ (cái chết giúp rập cho trộm cướp).

Giảng đến bài này, Ngài nói: “Bản thân cái chết không có lỗi gì. Chính những kẻ đang sống mới cố tình làm cho cái chết ấy biến thành một hiểm họa trong đời đấy thôi“.  Nói đến đó, Ngài bỗng trầm ngâm, chưa biết phải lấy thí dụ thế nào cho các học trò hiểu thì vừa lúc ấy, gia nhân báo có người muốn xin vào gặp để biếu kinh sách. Khổng Tử mừng rỡ nói:

“May quá! Kẻ mang cái thí dụ sinh động ấy đến vừa kịp lúc, vừa kịp lúc“.

Học trò nhìn nhau ngơ ngác, chưa hiểu Ngài nói thế là có ý gì thì thấy một người ôm một chồng sách khệ nệ bước vào. Người ấy mặt chuột tai lừa, đầu đội mũ cánh chuồn, trang phục cũng ra dáng kẻ sĩ, chỉ tội ánh mắt hết sức u tối. Cẩn thận đặt những cuốn sách mạ vàng lên một chiếc đôn, người ấy bước đến trước mặt Khổng Tử vái dài một cái. Chưa kịp nói gì thì Khổng Tử đã hỏi ngay:

“Tiên sinh từ nước Vệ tới đây có phải không?“. 

Người ấy giật nảy mình, trợn mắt kinh ngạc, hỏi:

“Cớ sao Phu Tử lại biết tôi là người nước Vệ?“. 

Khổng Tử trả lời:

“Trên người tiên sinh có mùi tử khí. Vì thế mà tôi biết“.

Người đó hoảng sợ rùng mình một cái. Vội vàng hỏi tiếp, giọng có vẻ hơi bất bình:

“Chẳng hay Phu Tử muốn rủa tôi, mong cho tôi chết sớm hay sao? Tôi đường đường đại diện cho kẻ sĩ của cả nước Vệ, còn đang sống khoẻ mạnh, minh mẫn thế này. Tại sao Phu Tử lại bảo tôi có mùi tử khí?“. 

Khổng Tử vẫn thản nhiên nói:

“Tất cả người nước Vệ hiện thời đều có mùi tử khí hết. Vì thế, trong nước không ai ngửi ra đấy mà thôi. Khâu (tên tục của Khổng Tử) này nghe nói tử thi thì phải được chôn xuống đất hoặc đốt thành tro bụi. Nếu để quá một tuần (mười ngày), thì âm khí sẽ ám đến phạm vi một thành. Quá trăm ngày, âm khí sẽ càng loang rộng ra, ám đến phạm vi châu, quận… Hôm trước Khâu này xem thiên văn, trông về hướng địa giới nước Vệ, thấy âm khí đã ám đến tận trời, trùm khắp cả bờ cõi. Tất trong nước có tử thi đã để quá ba năm chưa chôn“.

Người đó nghe nói thì sợ toát mồ hôi. Bèn nghĩ lại việc nước mình. Quả vua Vệ là Linh Công chết đã lâu, nhưng đám con cháu chỉ mải lo giành nhau ngôi báu, lại thấy cứ để như thế xem ra còn có cớ mà tha hồ bịp bợm. Vì thế nhất quyết không chịu đem chôn. Thật là những kẻ vì lợi mà sẵn sàng quên cả hiếu. Có biết đâu cái món âm khí ấy nó lại ghê gớm đến thế. Bèn hỏi:

“Vậy bây giờ Phu Tử bảo phải làm thế nào?“. 

Khổng Tử nói:

“Lại còn làm thế nào ư? Sở dĩ âm khí đã dâng lên trùm kín cả bờ cõi, bởi nước Vệ của tiên sinh bây giờ, tất cả những gì thuộc về âm đều đang thịnh, tất cả những gì thuộc về dương đều đang suy, danh và thực đều loạn, thật và giả đều lẫn lộn. Điều ấy chỉ có lợi cho bọn ăn cướp mà thôi. Đó chính là thời vận cực thịnh của lũ tiểu nhân và những kẻ chuyên nghề trộm cắp, bịp bợm. Nay người chết thì phải đem chôn, thế thôi. Có điều, đã nhiễm phải âm khí nặng như vậy thì người nước Vệ đời nay tất bị u mê, lại hay trí trá lắm, khó mà tiếp thu được đạo lý. Cứ tiếp diễn mãi như thế này, e rằng thế gian ngày nay không tìm đâu ra một qui tắc nào khả dĩ có thể áp dụng cho người nước Vệ được. Có lẽ phải đợi đến những đời sau may ra…“.

Kẻ sĩ người nước Vệ tất nhiên chẳng đời nào chịu công nhận những điều đó. Bèn hướng cặp mắt u tối về phía Khổng Tử mà cãi:

“Nước Vệ tôi xưa nay rất chú trọng đến việc dạy dân. Những kẻ sĩ danh giá đi lại ngoài đường, ngoài chợ đông như rắc trấu, ai ai cũng có thể làm ra văn chương, thi phú, chính sự được ca tụng hết lời, pháp luật mỗi ngày mỗi đẻ ra những cái mới. Trăm họ yên ổn làm ăn, không ai nói ngược lại cái điều mà kẻ bề trên muốn nghe. Lại có một nền giáo dục hoành tráng, vẫn thường tự đánh giá là cao nhất nhì thiên hạ. Sao Ngài lại bảo người nước Vệ tôi u mê, trí trá, không tiếp thu được đạo lý?“. 

Khổng Tử trả lời người kia mà như muốn nói với cả các học trò của mình:

“Dạy học mà không hề thấy dạy cách làm người, chỉ dạy cách làm tiền. Chưa học làm người đã bổ làm quan chỉ vì chạy chọt hoặc là con ông, cháu cha. Thậm chí khối kẻ làm quan rồi mới đi học. Lại còn tha hồ mua bán danh hiệu, quan tước… Thì đó là cái nền giáo dục gì vậy? Dạy dân bằng đức hơn là bằng lệnh. Huống chi nước Vệ bây giờ chỉ ra sức chú trọng đến việc nhồi nhét cho học trò những kiến thức sặc mùi âm khí, dùng bịp bợm làm quốc sách giáo dục, lấy đen làm trắng, lấy không làm có, lấy ác làm thiện… Kẻ trên leo lẻo dối trá không biết ngượng mồm, kẻ dưới uốn mình nịnh hót không biết xấu mặt. Lại tùy tiện đẻ ra cái gọi là pháp luật để lừa mị, cưỡng ép người ta phải công nhận mình. Lại nhân danh trăm họ để thi hành bạo ngược, không cho ai có quyền được nghĩ tới chân lý, không cho phép ai được nói ra sự thật, khiến cho người người u mê, nhà nhà lú lẫn, nhìn gà hóa cuốc, nhìn kẻ cướp hóa người ngay, đánh đồng lưu manh với lương thiện… Từ đó con người sinh ra thói nhịn nhục, đớn hèn, nhất nhất chỉ biết chạy theo của cải, hư danh… Dạy dân như thế thì khác nào ngu dân có chủ ý, ngu dân bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Cái gọi là nền giáo dục ấy càng “hoành tráng“ bao nhiêu thì càng hỏng nặng bấy nhiêu. Làm hỏng một nhà đã phải ăn năn, sám hối. Đằng này lại làm hỏng cả một nước thì tội lỗi để đâu cho hết. Thế mà không gọi là u mê, trí trá thì gọi là cái gì?“. 

Kẻ sĩ người nước Vệ kia nghe Khổng Tử thuyết liền một hồi như vậy mà vẫn không cho làm phải, nét mặt vẫn có vẻ ấm ức, không phục. Quả là sự u mê đã ngấm đến tận xương tuỷ. Phải cái tội y đang ở vào địa vị là khách, chẳng lẽ lại cãi nhau mãi với bậc Thánh nhân đã nức tiếng thiên hạ này. Song nghĩ bụng cũng phải cố vớt vát thêm vài câu để giữ thể diện quốc gia. Y bèn chỉ vào đống sách mang theo và nói:

“Phu Tử bảo người nước Vệ tôi hiện toàn những kẻ u mê, trí trá. Vậy sao lại có thể viết ra những cuốn kinh sách, những bộ giáo khoa mạ vàng như thế này được. Chính tôi được sai mang sang đây tặng Phu Tử, để Phu Tử bổ sung vào kho tàng kinh sách của Ngài cho thêm phần phong phú đấy“.

Khổng Tử nghe y nói thì vội vàng dùng một tay kéo vạt áo lên che mặt, tay kia xua lấy xua để mà bảo:
“Mang về ngay đi. Mang về ngay đi. Những thứ gọi là kinh sách với lại giáo khoa gì đó của nước ngài càng nặng mùi âm khí lắm. Nước Lỗ ta từ lâu đã vứt hết vào sọt rác rồi. Không tin ngài cứ ra ngoài bãi rác mà bới thử xem. Hãy tìm trong những mớ giấy lộn ấy, may ra vẫn còn sót một ít đấy“.

Kẻ sĩ người nước Vệ đành tiu nghỉu ôm đống kinh sách của nước mình ra về. Bài giảng của Khổng Tử về “Lễ“ đến đó cũng vừa chấm dứt.

Hôm ấy, trong số các học trò ngồi nghe Khổng Tử nói, có Tử Lộ (Trọng Do) là người cũng không hẳn tin rằng nước Vệ lại hỏng đến mức ấy, bèn quyết chí sang bên đó làm quan một phen xem sao. Tử Lộ những tưởng với đức độ, học vấn và cái dũng của mình, thì có thể cứu được dân chúng nước Vệ thoát khỏi mê muội, gian xảo chăng! Kết quả việc không thành. Tử Lộ chưa kịp thi thố điều gì thì đã bị chết bất đắc kì tử tại ngay chính nước Vệ.

Thế mới biết cái thứ âm khí ấy ở nước Vệ quả là rất độc đối với người quân tử. Thương thay! Có lẽ từ câu chuyện trên mà về sau, các nhà chép sử thường ca ngợi nước Lỗ là một nước có “Lễ“ sáng sủa nhất thiên hạ thời bấy giờ chăng?

Phạm Lưu Vũ
(Nguồn: Blog Pham Luu Vu)