08 May 2010

Từ lòng biết ơn

Có những quê hương
Nguyễn Văn Nhiệm

Năm 2009 đánh dấu 30 năm Người Việt tỵ nạn khắp nơi trên toàn thế giới. Riêng tại Cộng Hòa Liên Bang Đức có những sự kiện quan trọng như sau:
Ngày 02 tháng 05 , Cộng Đồng Người Việt tại Bayern long trọng tổ chức Hội Ngộ 30 Năm Người Việt Tỵ Nạn để tri ân dân tộc và chính quyền Đức, những ân nhân đã đón nhận, tận tình giúp đỡ người Việt trong những bước đầu định cư tại quê hương mới nầy. Ngày 12 tháng 09 năm 2009, lễ khánh thành Tượng Đài Tỵ Nạn ở Hamburg, là biểu tượng khắc ghi lời tri ân nước Đức, tàu Cap Anamur, tưởng niệm các đồng hương tỵ nạn Cộng Sản đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do và đặc biệt tri ân Tiến sĩ Rupert Neudeck, người đã kêu gọi thành lập “ Một con tàu cho Việt Nam ” và đã sáng lập chương trình Cap Anamur, đã cứu vớt được 11.300 thuyền nhân trên biển Đông Ngày 09 tháng 11 năm 2009, kỷ niệm 20 năm bức tường Bá Linh sụp đổ, là biểu tượng đánh dấu sự thắng lợi của chính nghĩa Tự Do, Dân Chủ, Nhân Bản.
Ý nghĩa của những ngày Hội Lễ này : Người Việt Nam vốn có truyền thống biết ơn, nó đã bao đời bắt rễ vào tận cùng tiềm thức thâm sâu và trở thành một yếu tố luân lý, đạo đức trong Tâm thức con người, đã trở thành cái Tính Việt. Từ sự biết ơn sẽ dẫn đến sự nhớ ơn. Điều này được thể hiện qua ca dao, tục ngữ Việt Nam :
“ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây Uống nước nhớ người đào giếng ” hay : “ Uống nước hãy nhớ đến nguồn ”
Rồi từ biết ơn, nhớ ơn chuyển qua hành động cụ thể bằng việc tổ chức những Hội Lễ như kể trên để trân trọng nói lên những lời cám ơn chân thành hoặc bằng những hành động đóng góp thiết thực cho đất nước này như nghĩa vụ một công dân, nghĩa vụ của con người yêu chuộng tự do, dân chủ và hòa bình. Đặc biệt là sự biết ơn đó được khắc ghi bằng Tượng đài để đời, mà giới truyền thông Đức ghi bằng tựa đề “ Gedenkstein der Dankbarkeit ”. Tượng đài tưởng niệm là một cuốn sách bằng đồng được đặt trên trụ đá hoa cương đen. Trên trang sách mở ra có khắc hình tàu Cap Anamur, in nổi ba thứ tiếng với nội dung như sau:
Đức ngữ: “Danksagung In tiefster Dankbarkeit gegenüber dem Deutschen Volk, der Budesregierung... Anh ngữ: “ In gratitude To the German people, the government of Germany... Việt ngữ: “ Tri ân Tri ân nhân dân, chính quyền nước Đức, chính quyền tiểu bang Hamhurg, nơi xuất phát của các con tàu Cap Anamur, đã tiếp nhận người Việt tỵ nạn Cộng Sản. Tri ân ủy ban Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập, đã cứu vớt 1.300 thuyền nhân Việt Nam. Tưỏng niệm các đồng hương tỵ nạn Cộng Sản đã bỏ mình trên đường tìm Tự Do. Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Ngày 12 tháng 9 năm 2009
Trong ngày Lễ khánh thành tượng đài, với tấm biểu ngữ lớn ghi những hàng chữ : “ Deutschland Danke Cap Anamur ” (Nước Đức Cám Ơn Cap Anamur)
Người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại Đức muốn trân trọng nói lên nguyện vọng chánh của mình.
Theo bài viết “ Gedenkstein der Dankbarkeit ” (Tượng đài tri ân), nguồn BMI/ Hans-JoachimM.Rickel, Ông Thomas H. Nguyen, chủ tịch Hội Xây Dựng Tượng Đài Hamburg đã gởi đến nhân dân Đức những lời thật cảm động: “Nước Đức đã tặng cho chúng tôi cuộc đời thứ hai sống trong Tự Do, Dân Chủ và Nhân Đạo” (Deutschland hat uns das zweite Leben in der Freiheit, in der Demokratie und in der Menschlichkeit geschenkt.) Trong khi đó Ông Bộ trưởng Bộ nội vụ Liên Bang Dr.Wolfgang Schäuble tuyên dương cho lý tưởng Tự Do “Tự Do chỉ thực sự có giá trị khi nó được thể nghiệm trong lòng Nhân Đạo. ” (Die Freiheit ist nur etwas wert, wenn sie sich in der Humanität bewärt.) Ông cũng nói:
“Nếu thí dụ về sự đa nguyên và hội nhập không phải là mối đe dọa, mà là một cơ hội, thì đó là lịch sử người Việt Nam, những người tỵ nạn trước đây đã đến và hiện đang chung sống với chúng ta. Cám ơn rằng các bạn đã làm cho đất nước của chúng ta thêm phần phong phú ! " (Wenn es ein Beispiel dafür gibt, dass Vielfalt und Integration keine Bedrohung sondern eine Chance sind, dann ist es die Geschichte der Vietnamesen, die damals als Flüchtlinge zu uns gekommen sind und nun bei uns leben. Danke, dass ihr unser Land so bereichert ! ”
Theo Thông tin Berlin, ngày 27 tháng 6 năm 2009, các nhà lãnh đạo Âu Châu đã quy tụ về Budapest để kỷ niệm 20 năm ngày Bức Màn Sắt bị phá bỏ. Nhân dịp này Tổng thống Đức Horst Köhler đã ngỏ lời cám ơn dân chúng Ungarn đã giúp đỡ, góp phần vào sự thống nhất của nước Đức. Cũng theo giới truyền thông này, ngày 19 tháng 8 năm 2009, nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel đã đến Sopron, gần biên giới nước Áo để nói lời cám ơn dân tộc Ungarn đã tạo thuận lợi cho dân Đông Đức vượt biên tìm Tự Do.

Như vậy Biết ơn, cám ơn là đặc tính phổ biến chung của nhân loại, mà nếu phủ nhận nó thì chỉ có phía phi chính nghĩa, phi nhân bản vì ý đồ đen tối mà thôi.

Trong quá trình xây dựng tượng đài không phải hoàn toàn êm thấm mà không có những khó khăn. Theo bản dịch của Hội XDTĐTN từ bài viết “ Ein Tag des Dankes an die deutsche Bevölkerung ” của Dr. Rupert Neudeck có đoạn ghi như sau: “... Và khi mọi chuyện đã xong thì Đại Sứ Quán của nước Cộng Hòa Nhân Dân Việt Nam lại nhúng tay vào. Và sau đó người ta yêu cầu sửa một số đoạn trong bản văn được ghi khắc trên tượng đài. Họ muốn xóa bỏ đoạn văn đã được ghi là : “người Việt tỵ nạn vượt biên chỉ vì trốn chạy nạn Cộng Sản ”, thay vào đó là: “ người Việt bỏ nước ra đi...không vì ai cả ”. Rồi người ta còn yêu cầu trên tượng đài này họ không được viết : “ người tỵ nạn ”, mà chỉ nên viết là “ con người ”.
Đối với dân biểu đảng CDU Arnold Vaatz thì điều này đã là quá đáng. Ông đã viết một lá thư gởi trực tiếp cho thống đốc tiểu bang Hamburg rằng: “Tôi yêu cầu ông hãy rút lại việc kiểm duyệt một cách trơ tráo như thế từ các cơ quan của ông. Theo tôi, đây là một điều không thể chấp nhận được, khi ngay tại Hamburg, một thành phố nổi tiếng trên thế giới về tinh thần yêu mến Tự Do, Bao Dung và Nhân Quyền, lại xuất hiện một bầu khí của sự cúi mình như một con mèo nhỏ trước những học thuyết phản nhân tính, để rồi một nạn nhân không được phép nêu rõ danh tính của thủ phạm và những tội ác của chúng. ”
Trong khi đó, theo Thông Tin Berlin, ở trong nước Huy Đức viết bài “Bức tường Berlin”có đoạn kết như sau:
“Chỉ với khát khao Tự Do con người mới có thể bất chấp sự hiểm nguy mà vượt thoát mãnh liệt đến như vậy. Lượng người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin không dừng lại ở con số 1.374; mới đây, Bảo tàng vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân ”vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lịnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm Tự Do....
Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng...Một cuộc chiến không còn được coi là“ giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là Độc Lập, Tự Do.”
Hậu quả của bài viết theo báo Sài Gòn Tiếp Thị xác nhận với BBC rằng đã “ ngừng hợp đồng ” với nhà báo Huy Đức, vì cho rằng ông có “quan điểm chính trị đi ngược lại hệ thống ”.(cũng theo Thông Tin Berlin)
Đó là những sự kiện đã xảy ra ở trong và ngoài nước để mọi người suy gẫm về điều mà Ông Arnold Vaatz nói về những học thuyết không tôn trọng con người (menschenverachtende Ideologien) như đã nói ở trên, mà thực tế là dựa trên bạo lực, trấn áp, lừa dối, che dấu Sự Thật, không tôn trọng các quyền căn bản của con người...mà còn tệ hơn thế nữa, quyền yêu nước của nhân dân chống đối đế quốc Tầu xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, cướp bóc ngư dân... cũng bị cấm đoán.

Thật là không thể nghĩ bàn, vì đâu nên nỗi? Ôi ! Tinh thần “Bình Ngô đại cáo” thời kháng Minh nay còn đâu? “Ôi! thời oanh liệt nay còn đâu? ( Hổ nhớ rừng của Thế Lữ ).


Vận nước đã như thế từ lâu rồi, sau năm 1975 hàng triệu người Việt Nam đã lần lượt bỏ nước ra đi, phần nhiều bằng những chiếc thuyền nhỏ gắn máy nổ hoặc thuyền buồm mong manh đối với biển cả, sóng to, gió lớn, thật là “thập tử nhất sinh ”. Thế mà từng đoàn người vẫn cứ liều lĩnh ra đi đến nỗi trong dân gian có câu “Nếu trụ đèn mà biết đi thì nó cũng đi ”. Trong số những thuyền vượt biển nọ, có những thuyền không may bị hải tặc cướp bóc, hủy hoại, có những thuyền bị gió bão nhận chìm, có những thuyền trôi lênh đênh hàng tháng phải chết đói, chết khát thật bi thảm. Một số thuyền may mắn được các tàu mang nhiều quốc tịch khác nhau cứu vớt, trong đó có tàu Cap Anamur của Đức. Hầu hết những người được tàu Cap Anamur cứu vớt được phép định cư tại Đức. Sau đó lại có chương trình đoàn tụ gia đình, rồi đến khi bức tường Berlin sụp đổ, những người khách thợ từ Đông Âu chạy sang tỵ nạn thêm nữa.

Ngày khánh thành Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg,
Bộ trưởng Bộ nội vu Liên bang, Dr. Wolfgang Schäuble cho biết người Việt sinh sống tại Đức lên tới khoảng 90.000 người, trong đó phân nửa là những người đến từ các nước Đông Âu.

Thuyền nhân được định cư ở các tiểu bang khác nhau, học tiếng Đức khoảng 8 tháng rồi được giới thiệu tìm việc làm tùy theo khả năng từng người và tùy nhu cầu hảng xưởng. Những ai muốn học nghề thì được Sở Lao Động bảo trợ, những người trẻ hơn muốn học Cao đẳng hay Đại học cũng được cấp học bổng. Trẻ em tùy khả năng, lứa tuổi được theo học ở các trường Tiểu học (Grundschule ), trường Cơ sở (Hauptschule), trường Chính (Realschule) và trường Trung học (Gymnasyum) để sau đó học nghề chuyên môn ở các cấp, hoặc trở thành sinh viên ở trường Cao đẳng (Hochschule), Học viện ( Akademie ) hay Đại học ( Universität ).

Người Việt Nam ở đây hội nhập vào xã hội Đức rất tốt như sự xác nhận của Ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang đã nói ở trên và sự khẳng định của Dr. Rupert Neudeck nhân Lễ kỷ niệm ngày 2 tháng 5 năm 2009 tại München: “Giờ thì chẳng có nhầm lẫn gì nữa và cũng không ai nghi ngờ gì cả: Tập thể người Việt Nam ở đây tạo thịnh vượng thêm cho xã hội Đức, họ làm người Đức chúng ta được hãnh diện.” (Es ist heute unbeirrbar klar und wird von niemandem mehr bezweifelt: Diese Vietnamesen tun der deutschen Gesellschaft gut, sie tun uns als Deutschen gut)

Thật vậy, những người tỵ nạn sau một thời gian ngắn đã trở thành những người công dân Đức gốc Việt có phẩm chất tốt, họ có mặt và đóng góp công sức trong nhiều lãnh vực, rất có năng lực và thành công. Họ làm tròn nghĩa vụ công dân: đóng thuế lợi tức, thuế nghĩa vụ đoàn kết, làm nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ xã hội... Họ là những nhà kinh doanh giỏi, những người thợ được huấn luyên tay nghề thiện xảo, những chuyên gia, những kỹ sư, những tiến sĩ, những nhà nghiên cứu có trình độ cao. Người Đức gốc Việt cũng có mặt trong cả chính trường và có người như Tiến sĩ Philipp Rösler vừa mới được đề cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ sức khỏe trong Nội các Liên Bang. Về sinh hoạt tôn giáo, Phật tử đi Lễ Phật, tham dự các khóa huân tu tại các Chùa, Niệm Phật Đường, hoặc tại các Chi Hội được tổ chức định kỳ hàng năm. Thiên Chúa Giáo được các Tòa Tổng Giám Mục bảo trợ, tín đồ dự Thánh lễ tại các Nhà thờ địa phương, có trung tâm sinh hoạt thường là những Nhà chung ( Gemeindehaus ), hàng năm thưòng có Đại Hội Công Giáo. Các Chùa, Niệm Phật Đường, Chi Hội Phật Tử, các Hội Đoàn thường tổ chức Hội Mừng Xuân vào dịp Tết, Lễ Trung Thu cho trẻ em vào mùa thu. Các Hội Đoàn Thiên Chúa Giáo thường tổ chức mừng Lễ Giáng Sinh vào cuối tháng Chạp.

Cùng mối quan tâm về Tự Do Tín Ngưỡng, Nhân Quyền, Vận Nước, nói chung hai tôn giáo đoàn kết với nhau, trong các Lễ lớn đều có Chư Tăng, các Linh Mục đồng cầu nguyện.

Hội nhập tốt không có nghĩa là đồng hóa hoàn toàn với người, chọn cái này bỏ cái kia, mà người Việt tỵ nạn cũng còn có bổn phận bảo tồn những truyền thống tốt đẹp của mình. Điều đó rất quý báu. Thật vậy, việc người ta khen ngợi rằng học sinh gốc Việt phần đông xuất sắc, đó không phải nhất thiết vì chỉ số IQ cao hơn người, mà chính nhờ ở truyền thống gia đình tốt đẹp. Gia đình được xây dựng trên Tình-Nghĩa, Lễ Giáo: thờ cúng Tổ Tiên, Ông Bà với các Lễ Gia Tiên, Gia Quan (1*) Gia đình hòa hợp, thuận thảo, hiếu kính, hạnh phúc thì làm sao không ảnh hưởng, tác động tốt đến việc học hành của con cái.

Tuy đang hưởng cuộc sống ổn định, an vui tại quê hương mới, người Việt tỵ nạn không quên đấu tranh đòi Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho Việt Nam, phản đối sự xâm chiếm lãnh thổ, lãnh hải, cướp phá, giết hại ngư dân Việt Nam của Nước Tàu, lạc quyên giúp đỡ thương phế binh của Quân Lực VNCH, nạn nhân bị thiên tai bão lụt tại quê nhà. Người Việt tỵ nạn cũng luôn bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Nhiều tạp chí ra đời như Viên Giác, Dân Chúa Âu Châu, Bản Tin Đức Quốc...Các nhà báo, nhà văn, nhà thơ sinh hoạt trong không khí tự do, dân chủ, trọng trách nhiệm, danh dự của người cầm bút. Nhiều tác phẩm thơ văn với đủ mọi thể tài được sáng tác phản ánh linh động cuộc sống hiện thực, tình cảm, nguyện vọng, ước mơ, lý tưởng đấu tranh... của những nhà văn mà chúng tôi quen biết như: Tìm nẻo đường về của Vũ Ngọc Long : Tham luận chính trị. Nỗi nhớ, tập thơ của Đan Hà- Huy Giang nói lên sự nhớ thương Quê Hương mến yêu không lúc nào nguôi trong lòng người Việt tỵ nạn. Những tâp truyện của Vũ Nam như Câu chuyện từ con tàu Cap Anamur, Bên này bức tường Bá Linh, Bên dòng sông Donau ghi lại những mẫu chuyện bi tráng của người tỵ nạn gắn liền với thời cuộc, các biến cố lịch sử, mà nhà thơ Đan Hà trong một bài bạt đã viết: “... Vũ Nam vừa là nạn nhân, vừa là nhân chứng, đồng thời cũng là tác giả...” nghĩa là những mẫu chuyện “được ghi lại bằng một ngòi bút tham dự ”

Có một quê hương :

Nhân đề cập đến tâp truyện Bên dòng sông Donau của Vũ Nam, chúng tôi chợt nẩy ra ý nghĩ muốn trân trọng giới thiệu quê hương mới của mình, mà trong tâm thức tưởng chừng như là cố hương do những tương đồng từ căn cơ. Dòng sông Donau, ở vị trí nào đó trong tâm thức của mình, là hình ảnh của dòng sông Cửu Long mến thương, bắt nguồn từ vùng Rừng Đen (Schwarzwald) nổi tiếng chảy xuyên qua các Tiểu Bang Baden- Wüttemberg, Bayern của Đức, qua các thủ đô Wien của Áo, Budapest của Ungarn (Hungary), Belgrad của Nam Tư, Bukarest của Rumänien, rồi sau cùng đổ ra Hắc Hải.qua một vùng tam giác châu phì nhiêu. Gia đình chúng tôi định cư tại một thành phố nhỏ có chừng 15 ngàn dân, nằm ngay dưới chân ngọn núi có tên là Dreifaltigketsberg, nghĩa là ngọn núi có ba nếp gấp, nên có thể gọi theo tiếng Việt là núi Ba Ngôi hay Núi Ba Vì. Bởi Landkreis Tüttlingen cách Spaichingen đúng 15 km, mà sông Donau lại chảy ngay qua trung tâm thành phố này, cho nên sông Donau và núi Dreifaltigkeitsberg được xem như nằm kề cận nhau, tạo thành cặp Lưỡng Hợp Núi Sông. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu giải thích bút hiệu của mình cũng bằng cặp lưỡng hợp núi sông đó như sau :
Ba Vì trước mặt Hát Giang bên cạnh nhà Tản Đà
Theo tinh thần huyền sử Việt Nam thì Núi là quê hương của Tiên, Sông là quê hương của Rồng, còn nói theo huyền số hay cơ số của Việt lý thì đó là con số 2, tức là nguyên lý Âm Dương phổ quát. Còn Dreifaltigskeitsberg biểu thị con số 3 là biểu thị tam nguyên cũng là nhất nguyên. . Còn ở Lạc thư, sách quý của Lạc Việt thì con số 5 ở trung ương là tổng hợp của số 2 âm căn với số 3 dương căn nên thường được gọi là số “ tham thiên, lưỡng địa ” ( bao quát cả âm dương ).

Con số 5 cũng là con số của hành Thổ ở trung cung trong Ngũ Hành. Một điều trùng hợp lý thú là con số 15 ngàn dân cư, khoảng cách 15 cây số lại cũng có thể qui về cơ số 5 như sau : 15 = 3 x 5 hay 15 : 3 = 5 . Tương truyền rằng, René Descartes (1596-1650) trong một đêm nằm mơ khi đoàn quân của ông đóng trại bên bờ sông Donau đã có trực giác sáng nghĩ ra học thuyết triết lý nổi tiếng của ông.

Không biết dòng sông Donau có liên hệ gì đến tâm thức của Triết nhân? Nếu có thì đó không phải là liên hệ nhân quả, mà là sự liên hệ đồng bộ không nhân quả do hoạt động thâm sâu của tiềm thức mà thôi.

Dòng sông Donau vang vọng âm hưởng cuộc sống thơ mộng, trữ tình một thời và còn đang nối tiếp như dòng nước chảy bất tận. Công chúa Sissi xứ Bayern cũng đã theo dòng sông này trên chiếc tàu cưới lộng lẫy về thủ đô Wien để trở thành Hoàng Hậu đế quốc Áo một thời ( Phim nổi tiếng ).

Dòng sông này cũng đã vang vọng đến tận miền viễn Đông xa xôi. Nhạc sĩ Phạm Duy dạo đó có viết lời Việt cho bản nhạc bất hủ “Dòng sông xanh” từ bản “Le beau Danuble bleu ”, mà bản gốc tiếng Đức là “ An der schönen blauen Donau ” của Johann Strauss nước Áo (1825- 1899) được sáng tác vào năm 1867. Trong bản nhạc “ Sầu biên giới ” của Phạm Duy có câu "hay là chết bên dòng sông Danuble ”, không biết nhạc sĩ có đích thân nhìn thấy dòng sông này chưa, chứ chúng tôi ở đây đã bao lần nhảy vào lòng sông trong mát này vào những mùa hè ấm áp ở ngoại thành Tüttlingen rất thỏa thích, không khác mấy những lần tắm sông Hàn ở Bà Rịa thời niên thiếu.

Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1954- 1955, lúc học lớp đệ thất trường Trung học tư thục Sĩ Tải ở Bà Rịa, Thầy Hồ Đắc Thăng, một hiền giả tốt nghiệp trường Đại học Sorbonne về khoa khảo cổ, một thời làm việc tại Viễn Đông Bác Cổ, có tham gia khai quật cổ vật Ốc Eo, sau về ẩn dật nơi đây, mở trường dạy học. Có lần, Thầy mở máy quay dĩa, giảng giải cho chúng tôi hiểu cái hay của bản nhạc này. Đoạn “ Một dòng sông xanh xanh- schát schát- schin schin ”, Thầy nói điệu luân vũ này (Walzer, valse) diễn tả âm thanh phát ra từ động tác giặt giũ của các cô gái xinh đẹp trên những mỏm đá hòa cùng tiếng sóng nước lao xao vỗ nhịp nhàng vào vách đá ven sông. Điệu luân vũ nhịp ¾ cũng qui về cặp cơ số 3-2. Thật là hết sức ấn tượng! Trên con đường xuyên suốt Âu Châu từ Tây sang Đông, đến phía Nam nước Đức, sông Donau có một chi nhánh nhỏ chảy vào hồ Bodensee, là cái hồ lớn và đẹp nhất của châu này với nhiều địa danh thắng cảnh du lịch nổi tiếng, nhất là đảo nhỏ Mainau, đảo của các loài hoa đẹp nhất miền ôn đới. Cũng tương tự như núi Dreifaltigkeitsberg, sông Doanu, từ Bodensee chúng tôi liên tưởng đến

Động Đình Hồ, quê hương của Lạc Long Quân với nàng Âu Cơ, tổ tiên của Bách Việt. Lại có một sự trùng hợp tình cờ lý thú khác. Boden là Nền, mà Nền và Động đều có đặc tính tương tự là sâu rộng vô cùng, có khả năng thu hút, tích trữ nước từ khắp mọi sông ngòi, kênh lạch có các mực nước chênh lệch khác nhau, làm cho trở thành ngang bằng nhau theo nguyên lý quân bình. Nó cũng có khả năng làm điều hòa khí hậu trong cả một vùng rộng lớn làm cho mọi sự, mọi vật tốt lành, con người thư thái. Bởi vậy trong truyện Hồng Bàng Thị của Lĩnh Nam Trích Quái có kể rằng hễ mỗi khi hữu sự thì mẹ con nàng Âu Cơ kêu gọi và “Lạc Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Tương ở đây là mối tương quan, tức là nguyên lý liên hệ trong Triết lý quân bình. Điều đó nói lên rằng, điều quan trọng không phải là chọn mặt này, bỏ mặt kia của những cặp đối kháng, mà là sự liên hệ như thế nào giữa chúng với nhau theo nguyên lý quân bình. Tuy thừa nhận âm dương, thủy hỏa xung khắc phải tạm chia ly, nhưng Lạc Long Quân cũng không quên dặn dò: “hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên." Trên tinh thần đó, người Việt tỵ nạn ở vùng Tam Biên: Đức-Áo- Thụy Sĩ và các nước lân cận khác ở Âu Châu như Ý, Pháp, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy..thường về đây hội ngộ trong sinh hoạt văn hóa Văn Lang như có “Đêm Văn Nghệ Thơ Ca Nhạc Ravenburg-Bodensee“, mà Đan Hà đã viết lời Cám Ơn Tiếng Hát Quê Hương:
“ Như nhân duyên buổi hôm nay hạnh ngộ Cho muôn sau tình tự được tương phùng
…..
Xin cám ơn những tấm lòng nhân bản Đã chung lời dâng tiếng hát quê hương.”
Đó là vài nét về miền Nam nước Đức với nhiều đồi núi kéo dài đến tận dãy Alpen hùng vĩ, Rừng Đen bát ngát chạy dài suốt cả Tiểu bang Baden Wüttemberg với nhiều trung tâm điều dưỡng, mà đã có lần được quay thành phim truyện truyền hình nhiều tập nổi tiếng có tên là “Schwarzwald Klinik ” Trái với miền Nam núi rừng, miền Bắc lại là bình nguyên. Với Tượng Đài Tỵ Nạn, cảng Hamburg từ nay sẽ thu hút thêm nhiều du khách hơn nũa, nhất là du khách gốc Việt khắp mọi nơi. Tượng đài kỷ niệm là một công trình kiến tạo nghệ thuật công phu, có cân nhắc. Đó là một biểu tượng có nhiều ý nghĩa.

Trước hết thử xét cấu trúc của bàn thiên. Theo truyền thống kiến trúc bình dân Việt tộc, trước căn nhà ba gian hai chái (huyền số 2-3) thường có một bàn thiên với mái nhà thu nhỏ, mà bình diện là hình vuông, đặt trên trụ cột tròn thẳng đứng. Mái bàn thiên hướng lên Trời, trụ cột thông với Đất, việc thờ cúng, tế tự là việc của Người, nghĩa là biểu thị lý thuyết Tam Tài: Thiên-Địa-Nhân. Mái bàn thiên là biểu tượng âm hướng về Trời dương, còn trụ cột là biểu tượng dương thông với đất âm theo đúng qui luật khoa điện học. Chùa Một Cột đời Lý cũng tương tự như thế, nhưng ngoài ý nghĩa lý thuyết âm-dương lại còn có ý nghĩa triết lý nhà Phật nữa. Mái chùa là hình ảnh hoa sen nở, biểu thị sự Giác Ngộ Bồ Đề Tâm; trụ cột là hình ảnh cọng sen mọc dưới bùn, biểu thị thế gian phiền lụy. Đó là ý nghĩa Phật pháp bất ly thế gian của phái Đại Thừa.

Ngoài ra, bốn đỉnh gốc của hình vuông là vị trí của bốn Hành: 1 Thủy, 2 Hỏa, 3 Mộc, 4 Kim; còn trụ cột ở giữa bình diện hình vuông là hành Thổ số 5 của cơ cấu Ngũ Hành (2*) Hành Thổ ở trung cung, là trung gian hòa giải các cặp đối lập Thủy-Hỏa, Mộc-Kim trên kia theo nguyên lý quân bình. Nếu biểu thị bằng số thì như sau : 1-5-2 chỉ hàng dọc (tung), còn 3-5-4 chỉ hàng ngang (hoành). Từ bình diện vật chất hữu hình Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ chuyển sang bình diện siêu hình thì chữ Ngũ có ý nghĩa sâu xa, chỉ Thiên Địa. Lúc đó số 5 = 3 + 2 tức là “tham thiên lưỡng địa”, mà 3 là Trời dương, 2 là Đất âm. Một Đất, một Trời, một âm , một dương tương tác làm nên Đạo. Số 5 lúc đó có ý nghĩa siêu hình, biểu thị Tiềm thể Tâm linh, vì thế Thổ không như các hành kia, mà là “hành vô hành”, trở nên thần diệu vượt không gian, thời gian nên mới nói “Thần vô phương”. Thực ra triết lý Ngũ Hành cũng chính là triết lý Tam Tài, nhưng ở bình diện nhân sinh hữu hình, còn Tam Tài ở bình diện siêu hình Nhân bản tâm linh.

Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg cũng có ý nghĩa tương tự như vậy, nhưng ở đây mái nhà là sách ước, trụ cột là gậy thần. Sách ước và gậy thần nói lên nguyện vọng, ước mơ của ngàn đời của con cháu Tiên Rồng là có một đất nước Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, một quê hương Thanh Bình, một cuộc sống Hạnh Phúc. Ước mơ chỉ trở thành hiện thực khi người ta theo đúng luật ứng-cầu :

Trước hết Tâm phải chí thành, bởi vì “chí thành thông thánh”, còn vọng tưởng, lừa đảo thì chỉ gần với ma vương, vô minh mà thôi. Sau đó rèn luyên tâm linh tinh tấn. Tâm linh bao gồm đợt tiểu ngã với trí thức biện biệt, nhị nguyên, tượng trưng bằng hình vuông (Địa phương) và đợt đại ngã với trí tuệ bình đẳng, nhất nguyên, tượng trưng bằng hình tròn (Thiên viên).

Ở đồ thư hợp nhất (2**), Hà đồ hình tròn, tượng trưng cho nội giới (Thiên), là đạo nội thánh; Lạc thư hình vuông, tượng trưng cho ngoại giới (Địa), là đạo ngoại vương, đạo xử thế. Có hợp nhất được cả “Nội ngoại chi đạo” thì mới có thể thực hiện được Đạo. Chỉ lo bên nội mà lơ là bên ngoại, hoặc chỉ lo bên ngoại mà quên bên nội là mất hẳn quân bình, sẽ không bao giờ có được chân hạnh. phúc. Thời buổi bây giờ vật thường lấn tâm, cho nên cần phải nuôi dưỡng cho Đại ngã tâm linh lớn lên mãi thành tâm bao la như vũ trụ thì mới lấy lại được quân bình. Muốn như vậy phải để ý đến qui luật : “Nội hàm càng nhỏ, ngoại hàm càng to”, nghĩa là càng vào nhỏ bao nhiêu, sức bao quát bên ngoài càng rộng bấy nhiêu, vào cùng cực đến độ trống không thì sức bao quát gồm thâu cả vũ trụ, càn khôn. Vào cùng cực đến đó gọi là chí trung, mà có chí trung thì sẽ chí hòa, cho nên Trung Dung mới viết : “Chí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (Cùng cực trung hòa thì trời đất định vị, vạn vật hóa dục) . Như vậy là đã thực hiện được Tâm Không, buông xả tất cả tài vật, lợi lộc, thay thế tham, sân si, oán thù, ghen tị, vị kỷ...bằng lòng quảng đại, khoan dung, vô cầu, vô công, vô danh, vô kỷ... thì tự nhiên chiều kích vô biên sẽ tràn ngập tâm hồn, không còn bị lệ thuộc vào đâu nữa, là chấm dứt vong thân, thanh lọc nghiệp chướng, là tự do, là chân hạnh phúc.

Hai trang sách mở của Tượng Đài Tỵ Nạn Hamburg có chữ viết xác định, chỉ mới nói lên nguyện vọng hữu hạn của con người. Ngoài ra, còn những trang còn lại ẩn tàng, mới đích thực là sách ước, là kinh vô tự, là chân kinh, mới thật linh diệu. Ở bài “Lương Chiêu Minh Thái Tử phân kinh thạch đài ”, Nguyễn Du có viết: “Chung tri vô tự thị chân kinh”. Cảm nhận được kinh vô tự là đã đạt chiều kích vô biên, siêu vượt thời-không, vào tới trung cung của Ngũ hành, nơi có Suối Việt (Việt tỉnh) với nguồn nước Cam Tuyền linh diệu, là nguồn sáng tạo vô tận, là Tính Việt (Tính Siêu Việt), có lẽ nhờ đó mà Nguyễn Du mới viết được truyện Thúy Kiều, một tác phẩm văn thơ bất hủ để đời.

Theo truyền thống, vào ngày Tết, trên bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ Tổ tiên đều có chưng bánh dày hình tròn tượng trưng cho Trời và bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất là theo ý nghĩa chuyên cổ tích “Bánh dày bánh chưng” từ thời Hùng Vương lập quốc. Thế cho nên, lễ Tết mà chỉ có bánh chưng, thiếu bánh dày là mất hết ý nghĩa, bởi vì như vậy là chỉ lo có phần xử thế, đạo ngoại vương, mà thiếu phần đạo nội thánh để vươn tới Đại ngã tâm linh. Mà Tính thể của con người là gì, nếu không phải là Đại ngã tâm linh ấy như người ta vẫn thường nói “Nhân linh ư vạn vật”. Đó mới thật xứng đáng là Nhân bản Tâm linh, chứ không như những định nghĩa phiến diện “con người tư duy”, “con người kinh tế”, “con người lao động”...

Trở về nguồn cội không phải chỉ có nghĩa là tìm về với mái nhà kỷ niệm xưa bằng vật chất hữu hình hạn hẹp biến dịch qua thời gian, mà phải nhập vào trung cung của Hành Thổ, “hành vô hành”, “hành vô phương ", tức nhập vào ngôi “ Thái thất ”, là Quê Hương trên tất cả mọi quê hương, để tìm lại “Bản lai diện mục” của mình.

Nhân kỷ niệm 30 Năm Người Việt Tỵ Nạn, không rêng ở Đức mà khắp nơi trên toàn thế giới, ngoài việc tri ân các ân nhân, người Việt chúng ta còn muốn nhắc nhở cho con cháu biết lý do tại sao cha ông của chúng đã phải gạt nước mắt bỏ nước ra đi. Ra đi bằng những con thuyền nhỏ mong manh “thập tử nhất sinh” không bao giờ có nghĩa là “tha phương cầu thực”, mà chỉ vì lòng khát khao Tự Do và vì tương lai của con cháu mai sau. Trẻ em, thanh niên, thiếu nữ gốc Việt giờ đây được khen ngợi là học giỏi, xuất sắc, có nhiều người trở thành nhà bác học, được các giải thưởng khoa học có giá trị, mà nếu còn ở lại trong nước họ phải chịu dốt do chính sách phân biệt đối xử, trấn áp qua lý lịch nhiều đời, mà thực chất chủ trương kỳ quái „ Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, tróc tân rễ „ chưa hề chính thức thay đổi. Chận đứng Trí thức, Trí tuệ là bít đường vào Tính Việt Có Trí thức chưa hẳn có Trí tuệ, cho nên đã có Trí rồi cũng đừng quên lập đức, rèn luyện tâm linh để trở thành con người toàn diện.

Ngoài ra, giới trẻ cần phải biết rằng, cha ông của họ đã bị tập trung cải tạo lâu dài không bản án, khi thả ra cũng có thể bị bắt trở lại không biết lúc nào và còn bị gán cho chữ “ngụy" đến muôn đời. Ngày nay, nhân dân nhất là thanh niên, trí thức trong nước đã hiểu rõ đâu là sự thật. Bài thơ “Người anh hùng họ Ngụy” của Trần Mạnh Hảo nói lên điều đó:
“Người yêu nước không thể nào là ngụy Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy Nhưng anh : Là Ngụy Văn Thà (* * )
Anh - hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo Lao thẳng vào tàu giặc cướp Tên anh còn mãi với Hoàng Sa ...” ( Bài thơ do Hoanghac đưa lên mạng )
Như vậy đâu là Chính nghĩa Quốc gia, Dân tộc, đâu là ngụy? Viết xong ngày 30 tháng 10 năm 2009 Nguyễn Văn Nhiệm
________

Ghi chú : Hình Tượng đài từ nguồn Thông tin Berlin. Các hình khác do tác giả tự thực hiện.
(1*) Lễ gia tiên thuộc Đạo Thờ Cúng Ông Bà. Lễ gia quan được tổ chức vào tuổi trưởng thành nhằm để thừa nhận và phát huy tinh thần tự lập. (2**) : Hà Đồ gồm 55 điểm chấm đen trắng, được chỉ bằng các số, được phân bố theo hình tròn, mà trung cung gồm cả số 5 và 10, chẳng khác nào sự phân bố các hạt điện trong mô hình nguyên tử. Lạc Thư chỉ có 45 điểm hay vạch được phân bố theo hình vuông. Tổng số của Đồ Thư hợp nhất là 55 + 45 = 100 trùng hợp với số đốt của Gậy Thần 100 đốt và Bọc 100 Trứng, tên Bách Việt ( Bách= 100 ).


(3*) : Ngụy Văn Thà là Thiếu Tá Hải Quân VNCH đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc ngày 19 tháng 11 năm 1974 để bảo vệ Hoàng Sa.

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...