29 May 2010

Léon Tolstoi (Tiếp theo)

Anna Karénine

Tiểu Thuyết Lãng Mạn Nổi
Tiếng Của Léon Tolstoi

Trọng Đạt

Tôn giáo dưới nhãn quan Tolsoty lại hoàn toàn khác với đạo của Giáo hội mà ông cho chỉ là hình thức. Như ở đây cuộc đời mở ra cho Kitty một thế giới mới với tinh thần tín ngưỡng nhưng cái tôn giáo này không liên hệ gì với đạo mà nàng đã biết từ hồi còn nhỏ với những kinh cầu, đó là tôn giáo huyền bí cao cả uyên thâm mà người ta bảo mình phải tin vào đó. Tolstoy con người sùng đạo, tin Thượng đế nhưng chống lại Giáo hội mà ông cho chỉ là những hình thức, những lời giảng uyên thâm bắt người ta phải tin tưởng.

5-Khía cạnh văn chương 

Morris Philipson nói Tolstoy đã hoàn thành hai tác phẩm tuyệt vời nhất chưa từng có: Chiến Tranh Và Hoà Bình và cuốn tiểu thuyết bất hủ thứ hai Anna Karenina.

“Những cuốn này hình như không có vẻ là những tác phẩm nghệ thuật, ta có cảm tưởng đó chính là cuộc đời.
Có lẽ lý do đơn giản nhất của nó là đặc tính trước hết của nghệ thuật hiện thực là thể hiện được những cái gì tiềm ẩn mà người ta không nói lên được.”
(These novels do not seem to be works of art; they give the appearance of being life itself.
Perhaps the simplest reason for this is that the primary characteristic of the realist’s art is to make explicit what is implicit but inarticulate in all men” -- The Count who wished he were a peasant , page 69, 70).

Các nhà nghiên cứu điển hình là giáo sư Dmitry Svyatopolk Mirsky trong Lịch sử văn học Nga đề cao giá trị hiện thực trong hai cuốn tiểu thuyết lớn kể trên của Tolstoy. Người ta cho rằng tác giả đã thể hiện được cuộc sống của người dân Nga một cách chân thực như Morris Philippson. 

Mặc dù Tolstoy thừa hưởng điền sản của gia tộc và quản lý trang trại nơi thôn quê nhưng thế giới quí tộc nơi kinh thành Petersburg, Mạc Tư Khoa trong tác phẩm của ông đã được diễn tả thực đến độ người ta tưởng như nó chính là cuộc đời. Trong Anna Karenine, Tolstoy bỏ nhiều thời gian nghiên cứu công phu luật gia đình, thủ tục li dị, sinh hoạt giới thượng lưu… để dựng lên cả một thế giới quyền quí giả dối của xã hội phong kiến Nga hoàng cũng như sau này trong Resurection, cuốn tiểu thuyết lớn sau cùng, ông nghiên cứ luật lệ toà án kỹ càng, đi thăm các nhà tù, đường đi Tây Bá Lợi Á để dựng lên cả một thế giới sống động y như trong phim ảnh, Tolstoy cũng là nhà dàn cảnh điêu luyện.

Từ cái chết thảm thương của một người đàn bà thất vọng vì tình tự vẫn tại nhà ga xe lửa, Tolstoy đã dựng lên cả một bi kịch sống động, tạo ra nhiều nhân vật để hoàn thành cả một xã hội quí tộc phong kiến thời Nga hoàng, nay đọc lại người ta có cảm tưởng cả một xã hội xa xưa đã được làm sống lại như trong phim ảnh. Các nhân vật của tác phẩm từ các vai chính Anna, Karenine, Vronsky, Kitty, Levin.. đến các vai phụ Dolly, Stepan… đã họp nhau thành vở kịch lớn, một xã hội thượng lưu. Vai chính vai phụ đều có những cá tính riêng: Một Karenine cao thượng, quảng đại nhưng giả dối chỉ biết bề ngoài, một Kitty đạo đức vị tha, một Anna lãng mạn tất cả cho tình yêu, một Vronsky hy sinh sự nghiệp cho tình yêu, một Levin triết gia đi tìm hạnh phúc…. 

Tolstoy lấy tên nhân vật thực Anna đặt cho tác phẩm để xây dựng cuộc đời nhân vật nữ, một bà mệnh phu nhân tuyệt sắc có những nét độc đáo khác thường. Nói về nghệ thuật diễn tả nội tâm thời cổ điển các nhà nghiên cứu không ngớt lời ca ngợi Tolstoy và Dostoievsky, mỗi tác giả có một nghệ thuật riêng, Tolstoy diễn tả nội tâm những người bình thường của xã hội trong khi Dostoievsky hướng về những nhân vật bệnh hoạn khác thường.

Với Anna Karenina nghệ thuật tả tâm lý của Tolstoy đạt tới trình độ tuyệt vời ở cả hai nhân vật mang tên tác phẩm nhất là độc thoại của Karenina về nhà sau buổi tiệc trà tại nhà Betsy, thấy vợ mình ngồi cạnh Vronsky tâm tình thân mật bội trong lòng . Tác giả ví như Karenina đang đi trên cầu , cái cầu có vết nứt, vết ấy chính là cuộc đời, các nhà phê bình cho nghệ thuật độc thoại của Tolstoy đã đạt tới đỉnh cao như ở đây Karenina băn khoăn lo lắng nghĩ đi nghĩ lại, có khi cho ghen là điều xấu hổ, tự hạ giá mình, có khi thấy mình phải có bổn phận hướng dẫn, cảnh giác nàng.

Levin được bạn Stepan đưa đến thăm em gái Anna, Levin thấy chân dung nàng tuyệt đẹp, rồi thấy chính Anna bằng xương thịt, nàng đẹp tuyệt trần hơn người trong tranh vẽ. Trước đây chàng nghĩ không tốt về nàng nay thấy tội nghiệp cho nàng, người đàn bà thông minh, thẳng tính, chàng nhĩ đến nội tâm nàng hàng giờ. Anna biết Levin say đắm sắc đẹp của mình và đã mê hoặc chàng rồi tự mãn. Tác phẩm thể hiện nhiều cuộc độc thoại của Karenina, Levin, Kitty… nhưng với Anna thì thật là tuyệt diệu, nhân vật Anna quá độc đáo xứng đáng đặt tên cho tác phẩm.

Mấy chục trang giấy cuối Phần Bẩy, đã diễn tả một cách tuyệt vời bi kịch cuộc đời nàng Anna từ khi ghen bóng gió nghi ngờ đến hận thù, trả thù tình yêu phai nhạt của chàng. Nàng nghĩ đến cách trả thù bằng cái chết của mình, đến sự khủng hoảng tinh thần, tâm trí nàng rối bời và cái chết. Sự diễn tả của Tolstoy đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.

Đoạn chót, cơn khủng hoảng tinh thần rối bời của Anna đã được ngòi bút Tolsoty diễn tả từng chi tiết cho thấy lý do nàng gieo mình trên đường rầy xe lửa. Anna nghi ngờ Vronsky đang gặp mẹ chàng và công nương Sorokina, chắc chàng đã yêu người đàn bà nào khác. 
Vronsky đi công chuyện trở về, họ cãi nhau, chàng ta nói anh chịu hết nổi em, Anna đe doạ: Anh sẽ phải hối hận. Vronsky bỏ đi gặp bà mẹ, nàng nghĩ thế là hết, bỗng ngọn nến tắt, nàng sợ hãi nhớ tới cơn ác mộng rồi chạy đi tìm gia nhân hỏi Bá tước đâu rồi sai nó đem thư cho chàng nói : E m nhầm rồi, anh về ngay, em giải thích sau, em sợ quá. “
Anna chờ mười phút, hai mươi phút không thấy chàng về, tâm trạng nàng rối bời như tơ vò, Anna sốt ruột nhìn đồng hồ, nàng sai gia nhân đem thư tới cho chàng tại nhà bà mẹ rồi đem thư trả lời về. Thay quần áo định đến gặp chị dâu Dolly, nàng khóc rồi cuống lên hỏi người tớ gái ta biết làm sao bây giờ, đưa tớ gái bảo thưa bà sao bà cuống lên vậy, xin bà đi chơi cho khuây khoả. Anna đến thăm Dolly có gặp Kitty, cô ta không có cảm tình với Anna. Nàng lên xe đi trong lòng nghĩ tới cái chết, hai chị em Dolly Kitty tiếp đón Anna, khi nàng ra về, họ khen nàng vẫn đẹp nhưng nói tội nghiệp cho nàng.
Anna ghen lồng lộn nghĩ chàng đang cùng công nương Sorokina trò truyện như đùa cợt trên sự đau khổ của nàng. Anna nghĩ tới cái chết, nàng quyết đem cái chết để trừng phạt chàng để lấy lại tình yêu trong tim chàng. Anna rối bời nghĩ Vronsky đã chán chường mình không còn thiết tới nàng, nàng nghĩ tới đứa con trai, nàng đã bỏ cả con theo chàng, đã đánh đổi nó với tình yêu một người khác nay tình yêu người ấy đã tàn. Anna lên xe ngựa tới nhà ga, rồi đi xe lửa tới trạm Obiralovka, nàng nhận được thư Vronsky do người đánh xe trao lại, chàng nói sẽ về lúc mười giờ , Anna căm giận .. đi lại trên sân ga rồi quyết định nhẩy vào đầu xe lửa đang chạy tới để trừng phạt người yêu. Đoạn văn tả cảnh tự vẫn thật hãi hùng ghê rợn như một âm thanh cao vút lạnh lẽo trong một bản nhạc êm dịu.
Nhiều người đánh giá cao lối kết luận chuyển sang bi kịch của Tolstoy khi ông không chiều ý độc giả bằng kết thúc happy ending mà nhiều người ưa thích. Ở đây Karenina, Anna, Vronsky chỉ hoà thuận với nhau trong giờ phút ngăn ngủi rồi chàng và nàng lại cùng nhau bỏ đi ngoại quốc. Ở Resurection Tolstoy không để Nekhlioudov, Maslova bên nhau mãi mãi nhưng anh chị chia tay tại bờ sông khi nàng theo đoàn tù đi Tây Bá Lợi Á. 
Ernest J. Simmons trong cuốn Giới Thiệu Tác Phẩm Của Tolstoy nói:

“Trong giờ phút nguy kịch, quan trọng ấy người chồng chuộng hình thức và người ỵêu của nàng hoà thuận với nhau, sự tha thứ của Karenina mang vẻ dứt khoát và lương tâm của Vronsky như vô cùng xúc động về tội lỗi mình đã làm. Ở chỗ này nhiều tiểu thuyềt gia khác có thể đã có kết thúc êm đẹp để chiều độc giả. Dostoevsky cho đây là một cảnh tuyệt nhất của tác phẩm như tội lỗi được tô điểm màu sắc tinh thần và kẻ tử thù đã trở thành anh em với nhau trước hình ảnh cái chết” Trang 91.
(By her bedside at this solemn and crucial time her sour, formal husband and her lover are reconciled. Karenin’s forgiveness has an air of finality and the Vronsky’s conscience seems deeply moved by the realization of the sin he has committed. At this point another novelist might have made a concession to the public’s fondness for a happy ending. Dostoevsky thought it the greatest scene in the work, one in which guilt is spiritualized and mortal enemies are transformed into brothers before the spectre of death. Page 91, Introduction To Tolstoy’s Writings)

Nghệ thuật hướng nội và độc thoại ở Anna đã đạt tới đỉnh cao, có thể là lý do khiến tác phẩm đã được phổ biến sâu rộng trên thế giới và còn được ca ngợi cho đến ngày nay.

6-Điện Ảnh.
Anna Kareina đã được quay thành phim nhiều lần cũng như được phỏng theo để đưa vào nhiều chương trình nghệ thuật khác: 


Về đài phát thanh: năm 1944, Mỹ. Năm 1997 BBC radio, Anh.
Về truyền hình: năm 1961, Anna Karenina, do BBC, đạo diễn Rudolph Cartier. Năm 1977, Anna Karenina, đạo diễn Basil Coleman, TV Anh. Năm 1985, Anna Karenina, đạo diễn Simon Langton, Mỹ. Năm 2000, Anna Karenina đạo diễn David Clair, Anh.
Về vũ ballet: năm 1971 của Rodion Shchedrin. Năm 2005 của Boris Eifman.
Về kịch nghệ: năm 1992 tại Broadway, Mỹ. Năm 1994 tại Hungary.
Về nhạc Opera: năm 1978, do Iain Hamilton, Anh, năm 2007 do David Carlson, Mỹ.
Về điện ảnh: trong số ba cuốn tiểu thuyết lớn Tolstoy, Anna Karenine đã được quay thành phim nhiều nhất, tính từ thời phim câm cho tới năm 2005 đã được quay thành phim 10 lần.
Năm 1914, Anna Karenina, phim Nga đạo diễn Vladimir Gardin.
Năm 1915, Anna Karenina, phim Mỹ, tài tử Betty Nansen.
Năm 1927, lấy tên Love, phim Mỹ nữ tài tử Greta Garbo, đạo diễn Edmund Goulding Mỹ. Từ 1930 về trước phim chưa có tiếng nói, chỉ có phim câm.
Năm 1935, Anna Karenina, phim Mỹ tài tử Greta Garbo, Fredric March, đạo diễn Clarence Brown .
Năm 1948, Anna Karenina, phim Anh tài tử Vivien Leigh, Kieron Moore, Ralph Richardson, đạo diễn Julien Duvivier.
Năm 1953, Anna Karenina, phim Nga đạo diễn Tatyana Lukashevich.
Năm 1967, Anna Karenina, phim Nga đạo diễn Alexander Zarkhi.
Năm 1974, Anna Karenina, phim Nga đạo diễn Margarita Pilikhina.
Năm 1997, Anna Karenina, phim Anh - Mỹ đạo diễn Bernard Rose, tài tử Sophie Marceau và Sean Bean, phim Mỹ.
Năm 2005, Anna Karenina, phim Nga đạo diễn Sergei Solovyov.

Các phim Anna Karenina chỉ thể hiện được cốt truyện, dài từ một giờ rưỡi cho tới hai giờ. Một cuốn tiểu thuyết vĩ đại gần một nghìn trang mà chỉ diễn tả trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế thì chẳng nói gì được cả. Nó đã bị đóng khung trong giới hạn chỉ để kể lại truyện tình của hai nhân vật chính, những ý nghĩa xã hội, tình thương, hạnh phúc… đã không được thể hiện.

Trong số các phim Anna Karenina kể trên có bốn cuốn được dư luận chú ý là phim quay 1935 của Clarence Brown, Mỹ, đen trắng dài 95 phút (1 giờ 35 phút), phim đen trắng quay 1948 của Julien Duvivier, Anh dài 133 phút (2 giờ 13 phút), phim mầu quay năm 1967 của đạo diễn Alexander Zarkhi, Nga dài 145 phút (2 giờ 25 phút), phim mầu quay năm 1997 của Bernard Rose Mỹ- Anh dài 108 phút (1 giờ 48 phút).

-Phim Anna Karenina Mỹ đen trắng của đạo diễn Clarence Brown do nữ tài tử nối danh Greta Garbo và Fredric March quay năm 1935 mặc dù chỉ có 1 giờ rưỡi nhưng đã được giới phê bình ca ngợi nhiều, một cuốn phim nổi tiếng (the most famous and critically acclaimed version). Greta Garbo đã được trao giải nữ diễn viên xuất sắc trong vai Anna của Hiệp Hội phê bình phim Nữu Ước (New York Film Critics Circle Award for Best Actress). 

Cho tới nay so với các phim quay lại truyện Anna Karenina, nó vẫn giữ được địa vị ưu thế mặc dù thực hiện từ 75 năm qua trong thời kỳ kỹ thuật điện ảnh còn thô sơ, các vai chính vai phụ đều tỏ ra điêu luyện nhất là nhờ sự diễn xuất tuyệt vời của Greta Garbo, người nữ tài tử tài sắc vẹn toàn. Nữ minh tinh này đã diễn tả được vẻ uy nghi của một bà mệnh phu nhân cùng với Fredric March hào hoa phong nhã trong vai công tử Vronsky khiến cho cuốn phim vẫn là một tác phẩm điện ảnh có giá trị vượt thời gia. Trong phim đoạn Anna về thăm con trai bị chồng mắng chửi thậm tệ đã không theo đúng như trong truyện. 

-Phim Anna Karenina đen trắng quay năm 1948 của Anh, đạo diễn Julien Duvivier, tài tử Vivien Leigh, Kieron Moore, Ralph Richardson. Phim đen trắng dài 133 phút (2 giờ 13 phút) mặc dù trang phục đẹp nhưng bị chê là nhàm chán. Phim không nổi tiếng, không được chú ý bằng phim kể trên.

-Phim Anna Karenina mầu của Nga quay 1967 do hãng Mạc Tư Khoa thực hiện, đạo diễn Alexander Zarkhi, các tài tử Tatyana Samojlova, Vasili Lanovoy, Nikolai Gritsenko, dài 145 phút (2 giờ 25 phút). Phim đã được Liên Xô đưa đi dự Đại hội điện ảnh Cannes bên Pháp năm 1968 nhưng năm ấy Đại hội bị hủy bỏ.
Nói chung nghệ thuật thua kém phim Âu Mỹ, diễn xuất không được điêu luyện cho lắm, tài tử không thể hiện được cá tính của nhân vật mà họ thủ vai khiến cho nhiều cảnh có phần giả tạo. Ngoại cảnh trông đơn sơ nếu không nói là nghèo nàn không thể hiện đúng nội dung tác phẩm diễn tả đời sống xa hoa tráng lệ của giới thượng lưu quí tộc kinh thành Petersburg ngựa xe như nước với những ông hoàng bà chúa quyền quí cao sang.

Nhà đạo diễn hình như không quan tâm tới việc lựa chọn tài tử, một ông công chức cao cấp, sang trọng lại giao cho một ông già có dáng dấp bình dân, một bà mệnh phụ được Toltoi mô tả là nhan sắc tuyệt trần được giao cho một nữ tài tử không lấy gì làm sắc nước hương trời cho lắm.

Cảnh cuối cùng khi Anna khủng hoảng tinh thần đi tìm cái chết đã được thể hiện một cách khó hiểu, không diễn tả được đoạn kết thúc.

-Phim Anna Karenina mầu 1997, hãng Anh - Mỹ xản xuất có hợp tác với Nga, đạo diễn Bernard Rose, tài tử Sophie Marceau và Sean Bean dài 108 phút (1 giờ 48 phút). Bernard Rose là nhà đạo diễn nổi tiếng người Anh đã thực hiện phim Immortal Beloved 1994 về cuộc đời nhạc sĩ Beethoven. Lần này Anna Karenina được quay hoàn toàn tại Nga, nhiều cảnh được thực hiện tại S. Petersburg, tại các cung điện Nga Hoàng, một số lâu đài của giới quí tộc Nga như Cung điện mùa đông, Peterhof, lâu đài Menshikov… một số cảnh được quay tại Mạc Tư Khoa.

Bernard Rose, người thực hiện Anna Karenina 1997 đã cố gắng rất nhiều khi đem hết nhân sự sang tận kinh thành Saint Petersburg để thu vào ống kính những lâu đài nguy nga tráng lệ, những biệt thự sang trọng lộng lẫy. Ông làm sống lại cả một thế giới huy hoàng, xa hoa tráng lệ đã vang bóng một thời của giai cấp thượng lưu thời Nga hoàng xa xưa. Tuy nhiên Bernard Rose không thành công nhiều nếu so với phim Immortal-Beloved của ông đã thực hiện mấy năm trước. Giá trị của Anna Karenina 1997 phần lớn nhờ vào ngoại cảnh của thành St. Petersburg với những tam cung lục điện xa hoa tráng lệ cũng như nhờ mầu sắc lộng lẫy của kỹ thuật tối tân. Đoạn cuối phim nhà đạo diễn bỏ quên một chi tiết, Anna sai người hầu mang thư cho Vronsky yêu cầu chàng về ngay nhưng bị từ chối, nàng nghĩ chàng đã hết yêu mình và tự kết liễu cuộc đời.

Sánh với phim Anna Karenina năm 1935 của Clarence Brown kể trên ta thấy Bernard Rose không tiến bộ hơn gì hơn có chăng là ở mầu sắc và hình ảnh lộng lẫy của những cảnh thật tại một kinh thành tráng lệ. Phải nói rằng diễn xuất trong Anna Karenina 1997 thua kém xa phim của Clarence Brown quay 1935 rất nhiều. Ngoài ra vai Bá tước Vronsky đã được giao cho Sean Bean, một tài tử với ngoại diện thiếu vẻ hào hoa phong nhã, nó không đúng như trong trí tưởng tượng của người đọc.

Mặc dù tác phẩm của Clarence Brown chỉ là cuốn phim cổ điển quay từ 1935 bằng kỹ thuật đen trắng sơ sài nhưng giá trị diễn xuất và dàn cảnh của nó vượt xa phim của Bernard Rose. Greta Garbo, Fredric March và các tài tử khác đã cho ta thấy hình ảnh quan liêu phong kiến của các ông hoàng bà chúa thượng lưu phong kiến từ một trăm ba mươi năm trước.
Dù sao Bernard Rose đã cố gắng rất nhiều trong sự thực hiện phim này để diễn tả thêm một lần nữa tác phẩm bất hủ của văn hào Léon Tolstoi để làm sống lại cả một xã hội thời Nga Hoàng và cũng để khán giả ngược dòng thời gian nhìn lại nếp sống xa hoa tráng lệ xa xưa trong tiếng nhạc du dương của những cầm tấu khúc Tchaikovsky và Rachmaninoff.
Anna Karenina đã được quay thành phim nhiều lần chứng tỏ cho tới nay truyện vẫn được nhiều người quí trọng. Các nhà đạo diễn cảm thấy chưa thoả mãn và họ muốn diễn đạt tác phẩm nhiều hơn nhưng hình ảnh không thể hiện được hết những ý nghĩa sâu sắc của cuốn tiểu thuyết vĩ đại về hạnh phúc, tâm lý, luận đề xã hội… Trên thực tế phim không thể rung cảm người thưởng thức cho bằng tác phẩm.
7- Kết luận.
Trong Introduction To Tolstoy’s Writings trang 83, 84 Ernest J. Simmons nói:

“Từ 1870, Tolstoy có nói với phu nhân rằng ông đã có một đề tài mới cho cuốn tiểu thuyết của mình về một bà phu nhân dòng dõi quí tộc đã sa đọa về đạo đức. Tolstoy giải thích “ông chủ trương diễn tả người đàn bà này vô tội một cách xúc động”.
(As early as 1870, however, Tolstoy has told his wife that he has a new theme for a novel which would concern a married woman in high society who has lapsed morally. “His problem” he explained, “was to represent that woman as not guilty but merely pathetic)

Tác giả lấy cái chết của nhân vật có thật Anna, người đàn bà hàng xóm thất vọng vì tình tự tử dựng lên nhân vật cùng tên để đưa ra một luận đề xã hội về giai cấp thượng lưu xa đọa kinh thành Petersburg. Trước khi viết ông dự định mô tả một bà phu nhân sa ngã vào con đường ngoại tình nhưng không kết án tội lỗi của nàng.

“Sonya xác nhận: “Anh ấy cho tôi biết anh sẽ viết một cuốn tiểu thuyết nói về sự sa đoạ của một người đàn bà thuộc giai cấp thượng lưu Petersburg, anh sẽ kể chuyện người đàn bà và sự sa đọa mà không kết án nàng.
(He told me that he wanted to write a novel about the fall of a society woman in the highest Petersburg circles, and the task he set himself was to tell the story of the woman and of her fall without condemning her – Morris Philipson, The Count Who Wished He Were A Peasant, page 79 ).

Anna Karenina, cuốn tiểu thuyết luận đề diễn tả bộ mặt hủ lậu của thành kiến xã hội lỗi thời so với Tây phương, nhân vật Anna được tác giả đưa ra như một người đàn bà đáng thương, nhưng ông đã có nhiều sơ hở làm giảm ý nghĩa của sự diễn tả. Tolstoy đã nói nhân vật chính, hình ảnh nạn nhân của xã hội, một người sa đọa nhưng đáng thương, trên thực tế ông đã làm giảm sự đáng thương của độc giả ở nhiều đoạn.

Khác với Maslova, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết lớn Resurection sau này của Tolstoy nghèo khổ, bị xã hội phong kiến vùi dập, Anna sống trong nhung lụa từ thuở thiếu thời cho tới khi trưởng thành. Anna thành hôn với Karenine một công chức cao cấp, mùa hè nàng ở riêng một biệt thự đầy những gia nhân kẻ hầu người hạ, sau sống chung với Vronsky, người chồng thứ hai này lại giầu sang phú quí hơn người chồng trước. Nếu như Maslova, con một bà nông dân, đẻ trong chuồng bò, lớn lên bị cậu công tử phá hoại cuộc đời, bị đuổi đi, sa vào đường tội lỗi trong chốn lầu xanh, bị tù đầy oan uổng, nạn nhân của xã hội phong kiến bóc lột… thì Anna là một bà hoàng xài tiền như nước, ăn trên ngồi chốc.

Để chứng minh cho luận đề của mình tác giả đã tạo cho nhân vật nhiều cá tính không gây được cảm tình cho lắm, nàng tự bào chữa cho mình một cách ngụy biện như: Anna nghĩ Karenine đã nghiền nát cuộc đời nàng tám năm, làm tan nát nguồn sống của đời nàng với cuộc hôn nhân không tình yêu, người đàn bà như nàng phải có tình yêu, nàng đã cố gắng hết mình để tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình . Thượng Đế muốn nàng phải yêu và sống. Những lời độc thoại ấy chỉ là lý lẽ biện hộ cho cuộc đời sa ngã, ngoại tình tội lỗi của nàng, điều không thuận lợi cho tác giả nằm ở chỗ người ta tưởng đó là những lý luận của ông để bào chữa cho cuộc đời sa đoạ của Anna. 

Một phu nhân thông minh tuyệt sắc nhưng tỏ ra tàn nhẫn với người  chồng khi thú thật với người bạn đời như: Tôi yêu anh ấy, tôi nghĩ tới chàng , tôi nghe mình nói nhưng tôi nghĩ tới chàng, tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình, tôi sợ và ghét mình muốn làm gì tôi thì làm….Karenine chết điếng người đau khổ vì lấy phải người vợ hư nhưng cũng vẫn thản nhiên tha thứ, vẫn muốn gia đình xum họp như xưa vì danh dự của gia đình. Người chồng được mô tả là cao thượng, quảng đại chừng nào, dưới cái nhìn của độc giả người vợ có vẻ thấp hèn, đáng chê chừng nấy. 

Ngay khi mới vào truyện, người đọc đã được giới thiệu nhiều cá tính thiếu đức hạnh của nhân vật chính như: phỗng tay trên người yêu của Kiity, em ruột của chị dâu, phá hoại hạnh phúc của người khác và của chính mình, gian díu với tình nhân nhưng vẫn sống trên nhung dưới lụa bằng tiền của chồng. Gần cuối Phần 7, Chương 12 khi Levin bạn của anh tới thăm, Anna tỏ ra lẳng lơ lấy sắc đẹp mê hồn để quyến rũ chàng ta như mèo vờn chuột, nàng rất thích Levin. Khi khách đã về, Anna đi lại trong phòng tự mãn đã quyễn rũ được Levin cũng như đã từng quyến rũ nhiều chàng trai trẻ khác, lần này nàng đã mê hoặc được một người có gia đình chín chắn, Anna nghĩ thầm nàng đã khiến nhiều chàng mê mệt, Levin đã mê nàng. Levin về kể cho cô vợ trẻ Kitty nghe xong nàng khóc bảo anh đã mê người đàn bà xấu, nó đã quyến rũ anh. Đoạn này cho thấy Anna từ đâu chí cuối làm cho Kitty đau khổ, trước đã giựt người yêu Vronsky khiến Kitty thất tình chết lên chết xuống nay lại mê hoặc chồng nàng.

Phần 7, Chương 28 trước khi Anna tự tử, nàng bị khủng hoảng tinh thần, lòng dạ rồi bời như bòng bong, nàng ghé thăm chị dâu Dolly cho khuây khoả, hôm ấy cô em Kitty đang ở trong nhà không muốn ra chào Anna vì không muốn gặp người đàn bà xấu nhưng Dolly nói mãi nên chịu mới ra . Lúc chia tay Anna thăm hỏi Kitty :

“Anna tười cười bảo:
-Rất mừng được gặp lại chị, tôi nghe nhiều người nhắc đến chị, cả chồng chị cũng nhắc tới.
Nàng nói bằng giọng ranh mãnh
-Anh ấy có đến thăm tôi, tôi rất thích anh ấy. Anh ấy đâu?
Kiity thẹn thùng đáp.
-Anh ấy về quê rồi.
-Nhớ cho tôi gửi lời chào anh ấy nhá.”
(Trang 809)

Bà phu nhân đã được mô tả như người đáng thương vô tội nhưng bằng những nét có phần thiếu chân thực, nàng vô tội nhưng nhiều ác ý. Bản chất quá lãng mạn và thiếu đạo đức nàng chứa đựng trong tâm hồn những ý tưởng đen tối đối với hạnh phúc gia đình người khác, thích tạo đau khổ cho người khác như qua mấy câu ngắn ngủi kể trên. Kiity người đàn bà hiền lành, chân thật đã nhiều phen điêu đứng vì Anna, cho tới lúc này chị ta vẫn còn sợ sệt nàng. 

Đoạn cuối truyện, Anna nghĩ tới cái chết vì muốn trả thù người yêu, để trừng phạt chàng, bắt chàng phải đau khổ trong ân hận để lấy lại tình yêu trong tim chàng .. Nàng chỉ nghĩ đến hận thù, trừng phạt và như thế cái chết của nàng đã mất phần bi thảm mà Tolstoy muốn diễn tả Anna như người đàn bà vô tội đáng thương.

Bản chất lãng mạn, khi tranh cãi với Vronsky Anna lập lại nhiều lần “Anh đã hết yêu em” khiến chàng phải thở dài “Trời! Lại yêu đương nữa”. Nàng coi cuộc đời chỉ có tình yêu, hy sinh tất cả cho tình yêu, một tâm hồn bệnh hoạn đi tìm ảo tưởng của hạnh phúc hơn là một nạn nhân đáng thương của xã hội. 

Phần Tám, chương 4 sau khi Anna đã gieo mình tự vẫn trên đường rầy xe lửa, lời bà nữ bá tước, mẹ Vronsky lên án Anna cũng khiến cho đoạn kết mất phần bi thảm. Bà nói với Sergey, anh Levin về những tội lỗi của người đàn bà xấu, sa đọa, ả đã làm hại đời người chồng, hại đời con trai của bà, Vronsky đã bỏ cả sự nghiệp vì ả, nàng chết như thế là đáng đời, cái chết thấp hèn tầm thường. (Yes, hers was the fitting end for such a woman. Even the death she chose was low and vulgar – Page 829)
Bà cụ nói cái chết của ả là cái chết của người đàn bà tồi tàn, vô đạo, bà thù ghét ả vì đã hại đời con trai bà.
(..her very death was the death of a vile woman, of no religious feeling. God forgive me, but I can’t help hating the memory of her, when I look at my son’s misery! – Page 829)

Tolstoy đã không đưa lời biện minh cho Anna của Sergy hoặc của bất cứ nhân vật nào khác nên mặc nhiên nàng bị coi như người đàn bà xấu, hư hỏng, phá hoại đời mình và hai người đàn ông khác và như thế cái chết của nàng mà Tolstoy có mục đích diễn tả như một thảm kịch thương tâm bị mất nhiều ý nghĩa. Vô tình tác giả đã làm giảm ý nghĩa bi thảm của đoạn kết thúc cuộc đời Anna khi một nhân vật cho rằng nàng xứng đáng với cái chết của mình.

Anna gặp Vronsky lần đầu tại ga xe lửa khi tai nạn tại đây của một người nhân viên đã gợi cho nàng một điềm gở. Khi khiêu vũ với Vronsky nàng mặc áo mầu đen, nàng nói nếu sinh đẻ sẽ chết.. những điềm xấu đã ám ảnh Anna đưa tới cái chết thảm khốc kết thúc cuộc đời gian truân của nàng.

Một số nhà nghiên cứu phê bình cho rằng Anna Karenina là một cuốn truyện tình nhưng lại đào xới những đề tài khác như kỹ thuật, canh nông, hành chánh.. những đề tài này nhiều khi làm khán giả mất hứng thú khi đang theo dõi câu chuyện tình sôi nổi, thật vậy nhiều khi tác giả đã đi lạc đề.

Phần 1, Chương 22, 23, trang 83 trong buổi khiêu vũ tác giả đã tả nội tâm Kiity quá dài khoảng gần 10 trang khi cô ngơ ngẩn sầu thấy người yêu khiêu vũ với Vronsky.
Phần hai, Chương 12, 13 trang 167 nói về việc canh tác trồng trọt của Levin tại trang trại, đồng ruộng dài và khó hiểu nếu không nói là thừa.
Phần 3 Chương 27 có nhiều đoạn tranh luận về canh nông, giải phóng nông nô, có người nói nó làm nước Nga lụn bại, tác giả nói về canh nông, chuyện xã hội, cải cách khá dài, Chương 29 trang 369 nói về cải cách canh tác rất khó hiểu, rườm rà.
Phần 4 Chương 23 trang 466, Anna sinh đẻ con gái rồi bị suy nhược gần chết, Vronsky trở về nhà lấy súng lục bắn vào ngực tự sát, chàng không phải đưa đi bệnh viện chỉ dưỡng sức ở nhà có ba ngày là bình phục cho thấy đoạn này giả tạo, một vết thương nặng có thể bình phục nhanh như thế.
Phần 5, Chương 9, 10, 11. .. nói dông dài về hôi hoạ rất khó hiểu và thừa thãi. Chương 15 trang 521 Levin viết sách về nguyên nhân sự nghèo đói ở Nga, những bàn luận về canh nông dài dòng khó hiểu
Phần 6 Chương 8, 9.. cho tới chương 13 tác giả tả cuộc đi săn quá dài từ trang 616 tới 639 khiến độc giả theo dõi mệt mỏi.
Phần 8, Chương một nói về cuốn sách của Sergey, anh Levin dài dòng, lộn xộn.
Phần 7, Chương 31, trang 818 khi Anna nhẩy vào đầu xe lửa tự vẫn coi như truyện có thể kết thúc được rồi vì nhân vật chính không còn. Tolstoy có thể kể thêm một số chi tiết liên hệ như Vronsky chán đời tình nguyện ra trận, bà cụ thân sinh, nữ bá tước than phiền về Anna và lên án nàng nhưng tác giả còn kéo dài thêm phần 8, 19 chương, gồm 51 trang từ 819 cho tới trang 870. 

Phần 8 kể lể nhiều chuyện vụn vặt của các nhân vật phụ như nói về cuốn sách của Sergey dài dòng lộn xộn, chuyện những người tình nguyện ra biên giới đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ. Đoạn nữ bá tước Vronsky kết tội Anna như đã nói làm mất tính bi kịch của tác phẩm, vài chương cuối Tolstoy diễn tả dài dòng về tâm tư Levin, đức tin của chàng có thể đưa lên chương trước cho phần 8 ngắn hơn.

Anna Karenina là một truyện tình sôi nổi cảm động là điều không ai phủ nhận nhưng nếu những đoạn dài dòng không liên hệ được bỏ bớt, diễn tả ngắn gọn sẽ mang lại sự thoải mái hơn cho người thưởng thức.

Mặc dù chỉ là một tác phẩm cổ điển xưa cũ được sáng tác từ trên 130 năm qua nhưng địa vị của Anna Karenine vẫn sáng ngời, có khoảng gần 10 cuốn sách tiếng Anh nghiên cứu, phê bình về cuốn truyện này. Nay Anna Karenia vẫn được tái bản, dịch ra tiếng ngoại quốc, đượïc nhiều người tìm đọc và ca ngợi, giá trị vượt thời gian của nó là điều không ai phủ nhận được. Anna Karenine cũng đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới, từ đông sang tây cho ta thấy giá trị vượt không gian của tác phẩm. 

Người đọc có cảm tưởng như thấy mình ở trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại này, nó đã diễn tả chân thực tâm tình của con người, dù đông hay tây cũng đều như thế. Truyện đã thể hiện tính nhân bản tuyệt vời của tình thương, sự tha thứ, con đường đi tìm hạnh phúc, đức tin… trong một thế giới tràn trề chân thiện mỹ.

Trọng Đạt

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Anna Karenina: Translated by Constance Garnett, SpellBinders 2004.
Anna Karenina: Translated by Joel Carmichael, introduction by Malcolm Cowley, Bantam Books 1981.
Wikipedia: Anna Karenina.
Gary Adelman: Anna Karenina- The bitterness Of Ecstasy, Twayne Publishers – Boston 1990.
Edward Crankshaw: Tolstoy, The Making of a Novelist, The Viking Press -New York, 1974
Dmitry Svyatopolk Mirsky: A history Of Russian Litterature, New York, Alfred A.Knoff, 1969.
Ernest J.Simmons: Introduction To Tolstoy’s Writings, The University of Chicago Press, Chicago & London 1968.
Morris Philipson: The Count who Wished He Were A Peasant-A Life Of Leo. Tolstoy, Panthe on Books 1967.
William W.Rose: Leo. Tolstoy, T Wayne Publishers, Boston, 1986.
Tolstoy: A Collection Of Critical Essays, Prentice-Hall, inc, Englewood Cliff, N.J 1967.
William L.Shirer: Love And Hatred, The Stormy Marriage Of Leo And Sonya Tolstoy, Simmon & Schuster 1994
Ernest J.Simmons: Introduction to Russian Realisme, Indiana university press 1965.
Henry Gifford: The Novel In Russia, Hutchinson & Co. (Publishers) LTD - 1964.
A.B. Goldenweir (Alek sandr-Borisovich): Talk With Tolstoy- Horizon press 1969.
(Translated by SS. Koteliansky and Virginia Woolf).

Fr. Wikipedia.org: Anna Karénine.
Google.Fr: Léon Tolstoi, Écrivain et penseur Russe (littérature classic) Google France.
Google. Fr: Léon Tolstoi, par Semione Filippovitch Egorov, docteur en sciences de l’éducation, le texte est tiré de Perspectives, Revue trimestrielle d’éducation comparée.

No comments:

Post a Comment