11 May 2010

Cõi thơ

NỖI TUYỆT VỌNG CỦA THI NHÂN

Thi nhân đối diện với chính mình trong giây phút thiêng liêng nhất khi họ tự giam mình vào nỗi cô đơn tuyệt đối, giữa bốn bức tường trắng vô hình lúc đêm khuya tịch mịch. Trong cái khoảnh khắc ấy, tâm hồn họ mở ra đối thoại với nỗi khắc khoải và xúc động của mình và cũng ở đây họ viết lên những thông điệp huyền diệu và thăng hoa nhất. Mai Anh, một nhà thơ trẻ ở Pháp, cũng như bao nhiêu thi nhân khác, không phân biệt thời gian và không gian, đã không thoát khỏi cái ngoại lệ ấy. Cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết "Gã gù nhà thờ Đức Bà" của Victor Hugo , trong giây phút xuất thần, Mai Anh đã nhập hồn vào nỗi khao khát tuyệt vọng của Quasimodo, viết lên lời hoan ca xưng tụng tình yêu của một gã gù, với hình thù gớm ghiếc, trước Esmeralda, một kỳ nữ gypsy xinh đẹp, trong bối cảnh Paris của thời Trung Cổ với ngôi thánh đường Notre Dame âm u huyền bí.
Nhẩy múa đi Esmeralda của tôi! Và hát bản tình ca em vẫn hát Tôi muốn cùng em về bên kia, nơi đất cát Chết vì em là cái chết ngọt ngào
Quasimodo, một sinh vật nửa người nửa ngợm, sống trong thế giới duy nhất của gã là ngôi thánh đường Notre Dame, là những gác chuông hùng vĩ và các tượng thú vật với hình thù ma quái. Lần đầu tiên trông thấy Esmeralda, Quasimodo đã vượt ra ngoài những cấm đoán khắt khe, ra tay cứu vớt người kỳ nữ gypsy tuyệt đẹp, rồi đem nàng vào thánh địa Notre Dame thoát khỏi nanh vuốt của bọn cai trị thần quyền độc ác của Pháp vào thế kỷ 15. Giữ gìn bảo bọc Esmeralda như một con thú đực bảo vệ giống cái của nó, với trí óc của một bản năng sơ khai, Quasimodo lồng lộn điên cuồng khi phát giác Esmeralda bị bắt đem đi mất khỏi vòng tay bao bọc của nó. Quasimo đã lục lọi khắp mọi ngõ ngách của ngôi Thánh Đường đến hằng hai mươi lần mà không biết mệt mỏi, để khi hiểu rằng nàng không còn trong vòng tay bảo vệ của nó nữa, Quasimodo cuống cuồng lăn lộn trong đám chăn gối của Esmeralda, hôn hít và ôm ấp trong nỗi tuyệt vọng như để tìm lại hơi hướm của nàng, một sinh vật cái xinh đẹp nhất trên đời của nó. Sau khi chứng kiến cuộc hành hình của Esmeralda, Quasimodo đã tìm kiếm đến căn hầm nơi vất xác những kẻ bị xử tử để tìm lại thân xác người yêu dấu của gã. Dưới ánh trăng xanh man dại, gã gù ôm lấy xác nàng kỳ nữ gypsy, hân hoan kiên nhẫn chờ đợi cái chết đến với mình, để được thăng hoa với linh hồn người yêu dấu. Mai Anh đã hội nhập vào nỗi tuyệt vọng ấy và viết lên những lời thơ say đắm ca ngợi cái chết như một giải thoát để đi tìm niềm hạnh phúc đích thực Nhẩy múa đi Esmeralda của tôi!
Và hát bản tình ca em vẫn hát Tôi sẽ ôm em cho lá bay xào xạc Nghĩa địa buồn, em ngủ tôi thức canh Nhẩy múa đi Esmeralda của tôi! Và hát bản tình ca em vẫn hát Tôi muốn đi theo em, đến nơi vườn thơm ngát Chết vì em, với tôi, cuộc sống mới bắt đầu
Sau khi nàng kỳ nữ Gypsy xinh đẹp kia bị bọn cai trị độc ác đem ra hành hình, người ta không còn trông thấy Quasimodo xuất hiện ở ngôi thánh đường Notre Dame nữa, không ai biết nó đã đi đâu và làm gì. Mãi hơn hai năm sau khi vụ xử tử người kỳ nữ gypsy, ở một căn hầm hoang phế, người ta phát hiện trong những bộ xương trắng ấy, có hai bộ xương một nam và một nữ ôm dính chặt với nhau. Khi họ đem tách rời hai bộ xương kia ra, bộ xương với cái cột sống dị dạng bỗng tan rã thành cát bụi. Tuy thế, Mai Anh không phải là nhà thơ duy nhất đã ca ngợi tình yêu và cái chết. Robert Desnos (1900 - 1945), một trong những nhà thơ cự phách thuộc trường phái Siêu Thực của Pháp, cũng đã để lại những bài thơ tuyệt tác ca tụng tình yêu và nỗi tuyệt vọng của thi nhân trước nàng thơ của mình. Sinh trưởng giữa hai cuộc thế chiến, Robert Desnos bị ám ảnh trước cảnh chết chóc và tàn khốc của chiến tranh. Thi nhân luôn khao khát mơ ước một thế giới không thù hận, ở đấy chỉ có tình người và nàng thơ yêu dấu. Trong bài thơ "La voix de Robert Desnos", thi sĩ đã tạo dựng một thế giới riêng của mình. Nắm trong tay cái quyền lực vô biên, thi nhân một mình hô phong hoán vũ, mời gọi những tai họa của thiên nhiên, cuồng phong và bão táp, những cơn sóng thần và địa chấn, hiệu lệnh cho những biểu tượng của sức tàn phá do chiến tranh và những bất trắc do nhân loại gây ra: những tay đao phủ thủ, những kẻ đào huyệt, những kẻ sát nhân tàn ác. “Tôi chiêu gọi những sinh vật nằm vương vãi ở các miền quê hẻo lánh Thân xác của những cây sồi non vừa bị chặt ngã Tôi lên đàn hô phong hoán vũ Hiệu triệu những đợt sóng thần Những cơn địa chấn… …. Tôi hiệu triệu những kẻ đào huyệt, kêu gào những kẻ sát nhân Tôi thét gọi những tên đao phủ thủ, những tên chuyên treo cổ người… …. Desnos cũng không quên kêu gọi người mình yêu dấu. Thi nhân đã gọi lên ba lần, với những lời khẩn khoản và tìm kiếm hình bóng thương yêu vẫn ở ngoài tầm tay vói…
Tôi kêu gọi người tôi yêu dấu Tôi mời gọi người tôi yêu dấu Tôi khẩn cầu người tôi yêu dấu” “ j'appelle celle que j'aime j'appelle celle que j'aime j'appelle celle que j'aime “
Robert Desnos với uy lực của thi nhân, trong thế giới do chính mình dựng nên, đã khuất phục được những kẻ hung bạo nhất, những tai họa khủng khiếp của nhân loại. “Cuồng phong xoáy tròn trong miệng ta,

Bão táp đem những mầu sắc đến tô điểm đôi môi ta
Mưa gió và sấm sét quấn quít dưới chân ta
……
Kẻ đào mồ cũng đã dừng tay và đến chờ hiệu lệnh của ta
Kẻ sát nhân chào đón ta"
Nhưng thất vọng thay, cái quyền lực vạn năng ấy vẫn không thể nào đem lại niềm hạnh phúc tối thượng đến với thi nhân. Nàng thơ mãi mãi là một cái bóng chập chờn xa vời, thi nhân không thể vói tới được. Ba câu thơ cuối của bài thơ đã nói lên được nỗi tuyệt vọng khôn cùng ấy
"Thế nhưng người ta yêu đã không nghe lời ta nói Người ta yêu nào có nghe Người ta yêu chẳng bao giờ đáp lại lời ta nói”
Desnos đã lập lại ba lần như nói lên nỗi đau đớn để đối đáp lại ba câu thần chú mà thi nhân đã dùng để vời triệu người ông yêu dấu ở phần đầu của bài thơ.
“celle que j'aime ne m'écoute pas celle que j'aime ne m'entend pas celle que j'aime ne me répond pas.” (La voix de Robert Desnos)
Có lẽ tâm hồn của thi nhân chỉ đạt đến mức độ xúc cảm cao nhất và thơ của họ cũng đam mê cuồng nhiệt nhất khi họ hoài niệm về một cuộc tình tuyệt vọng. Một người nữ được tôn lên ngôi thần tượng, nhưng mãi mãi ở ngoài tầm vói của họ. Đối với thi nhân, chỉ còn một cách duy nhất để họ có thể đến và hòa nhập vào với người mình yêu là tìm đến cái chết, nơi không còn những giới hạn gò bó của vật chất, của một không gian vời vợi. Không còn những cái hèn hạ xấu xa của những hình thù gớm ghiếc dị hợm. Nơi ấy chỉ còn cái tinh túy long lanh của những linh hồn, của tình yêu, của những gì cao quý nhất trong tâm hồn của những con người với nhau. Có lẽ không còn một thi sĩ nào ngoài Desnos đã làm nên những lời thơ ca ngợi tình yêu tuyệt diệu hơn thế: “Một sáng mùa Xuân trên con đường Malesherbes, Vào một ngày trời mưa, Trước khi em đi ngủ lúc rạng đông, Tôi vời triệu hồn ma thân thiết của nàng, và em hãy nói rằng chỉ có mình anh là người đã yêu em nhiều và tiếc rằng em đã không biết điều ấy. Hãy nói rằng em đã không có gì phải hối tiếc: Vì trước đây Ronsard và Baudelaire đã từng ca ngợi nỗi sầu muộn của những người đàn bà già nua và đã chết, chính họ là những kẻ đã khinh bỉ tình yêu trong trắng. Em, khi em chết, Em vẫn đẹp và quyến rũ. Anh rồi cũng đã chết, hoàn toàn gói trọn vào thân xác bất tử của em, trong hình ảnh ngây dại của em mãi mãi hiện diện ở giữa những kỳ quan miên viễn cùa đời sống và vĩnh cữu, nhưng nếu anh còn sống Tiếng nói ngọt ngào của em, ánh mắt long lanh của em, Mùi hương của em và của mái tóc và còn nhiều những thứ khác nữa vẫn còn sống mãi trong anh, Ở mãi trong anh, và anh chẳng phải là Ronsard hay Baudelaire, Anh chỉ là Robert Desnos, kẻ đã từng biết và yêu em Vì đó là những điều đáng kể Và kẻ không muốn được nhắc nhở tới vì bất kỳ một điều gì trên mặt đất đáng khinh bỉ này”.
“En moi qui ne suis ni Ronsard ni Baudelaire, Moi qui suis Robert Desnos et qui, pour t'avoir connue et aimée, Les vaux bien. Moi qui suis Robert Desnos, pour t'aimer Et qui ne veux pas attacher d'autre réputation à ma mémoire sur la terre méprisable." (Non l’amour n’est pas mort - Robert Desnos 1926)
Có lẽ định mệnh cũng đã chiều theo ý của thi nhân. Trong những năm cuối cùng dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, Robert Desnos bị quân đội phát xít Đức bắt giam sau buổi trình chiếu đầu tiên cuốn phim “Bonsoir Mesdames, bonsoir monsieur” dựa trên sự dàn dựng của ông. Desnos bị giam tại trại tập trung Buchenwald, rồi sau đó bị chuyển đến Terezine ở Tiệp Khắc khi quân đội Đồng Minh tiến vào giải phóng nước Pháp. Khi cái thế giới hòa bình, nơi có tình yêu nhân lọai và người yêu dấu của ông ngự trị, mà thi nhân hằng mơ ước trong bài thơ "La voix de Robert Desnos ", đã đến với nước Pháp, Desnos đã chọn tình yêu và cái chết như con đường tìm đến niềm hạnh phúc riêng của mình. Vì dù hòa bình đã đến với nước Pháp và Châu Âu, cái thế giới đầy tình người ấy vẫn thiếu vắng một tình yêu ông hằng tìm kiếm, nơi mà Desnos đã ba lần gọi tên người ông yêu, nàng ca sĩ cabaret Yvonne George, thế nhưng nàng vẫn không nghe được những lời thơ thắm thiết của thi nhân.
“celle que j'aime ne m'écoute pas cele que j'aime ne m'entend pas celle que j'aime ne me répond pas.”
Robert Desnos mất vì căn bệnh truyền nhiễm typhus vào năm 1945, chỉ vài ngày sau khi trại tập trung Terezine được quân đội Đồng minh giải phóng, để tìm đến tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu của thi nhân.
“Anh chỉ là Robert Desnos, kẻ đã từng biết và yêu em Vì đó là những điều đáng kể Và kẻ không muốn được nhắc nhở tới vì bất kỳ một điều gì trên mặt đất đáng khinh bỉ này”.
NHAN TỬ HÀ

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...