26 May 2010

10-year Journey around the snow country



Khi bài viết này được post lên, theo thời biểu, tôi đang ở trong chiếc máy bay Boeing 737 chuẩn bị cất cánh rời phi trường Edmonton, Alberta, trực chỉ Toronto, Ontario vào trưa chủ nhật. Tâm trạng tôi lúc đó hẳn là buồn lắm vì phải rời bỏ nơi mình sống khá lâu, và chắc chắn cũng bồi hồi vì sắp về lại chốn xưa nơi trước đây tôi đã sống 16 năm. Chuyến bay này không giống những chuyến bay khác vì là chuyến bay với chiếc vé một chiều...
Theo dương lịch đã là năm 2010, nhưng theo âm lịch chúng ta vẫn còn sống trong năm Kỷ Sửu song hành với năm dương lịch 2009. Theo tử vi thì một năm là một tiểu hạn, và mười năm là một đại hạn.

Dường như mười năm qua là một đại hạn của một người mà thân phận có lẽ đã gắn liền với sao thiên di. Từ khi có tử vi tức sau 12 tuổi, tôi chưa hề sống ở một địa chỉ nào quá năm năm, chưa sống ở thành phố nào quá mười năm: Mississauga 9 năm, Edmonton 8 năm, Toronto 7 năm, đó là ba thành phố tôi sống lâu nhất.

Sở dĩ tôi nói "dường như" là vì tôi không rành tử vi, chỉ biết lõm bõm vài điều, rồi suy nghiệm từ đời mình mà phỏng đoán đó là một chu kỳ đại hạn. Ra đi năm Kỷ về lại năm Kỷ. Con mèo thúc giục tôi đi; con trâu réo gọi tôi về.

Ra đi giữa năm Kỷ Mão trong chiếc xe van với mớ kiến thức và kinh nghiệm trong ngành ấn loát kèm graphic design. Nay trở về cuối năm Kỷ Sửu với cái nghiệp dư vẽ tranh sơn dầu. Chiếc xe giang hồ mười năm trước lăn bánh khởi hành từ Ontario vượt qua biên giới phía nam nương theo những xa lộ thênh thang xuyên suốt các bang cực bắc nước Mỹ, ghé thăm hai thằng bạn. Nay trên đường về lại Ontario từ Alberta, không còn gặp lại được nữa: Một người đã di về Texas tìm cái không khí ấm áp, một người đã thành người thiên cổ.

Quá nhiều biến đổi. Tôi đã mất một trong những người bạn thân nhất, hiểu nhau nhất. Những người bạn tôi để lại Toronto, Ontario, cũng đã mất đi dăm ba. Còn lại là những hình hài xiêu xiêu bóng chiều, là những nét mặt trầm ngâm. Nhưng không sao. Giấc trưa ta vui nhễ nhại theo giấc trưa. Xế chiếu ta vui với gió mát buổi chiều. Chẳng có gì phải bi quan. Như một đứa trẻ đi trọ học xa, nay trở về nhà nghỉ hè thấy lòng cũng rộn rã. Tôi cảm động khi hay tin các bạn cũ đều vui khi biết tôi trở về.

Trở về sau chuyến du học mười năm, hành trang đời người nặng thêm một chút. Những bài học khó nuốt nhưng lâu dần cũng xong. Tuy vậy giũa những nghịch cảnh cũng có những điều hay: Mười năm qua gặp nhiều tai biến nhưng cũng nhìn ngắm được nhiều cảnh mới lạ, quen thân được một số người tốt bụng, có thì giờ đào sâu vào ngành họa.

Tập tễnh đọc và vẽ sơn dầu thực sự bắt đầu ở Vancouver, B.C., nhưng đa số các bức họa lại sáng tác ở Edmonton, Alberta. Trong khi hình ảnh các họa sỹ ngồi vẽ trong các công viên ở Vancouver đã là lời mời gọi khởi đầu, thì cảnh vật hũng vỹ ở Alberta lại là nguồn kích thích giúp tôi đi tới.

Trên bảng số xe tại tỉnh bang BC cực tây Canada, nơi tôi sống hai năm, có ghi hàng chữ "Beautiful British Columbia". Mà cũng đúng. Cảnh trí ở đó biến đổi không nhàm chán. Có núi, có biển, cây cối sum xuê, mùa xuân hoa nở rộ kiêu hãnh. Nơi đó còn có mây mù ôm đỉnh cao, có mưa rào gần như quanh năm. Cỏ cây luôn xanh tươi không đâu bằng. Người xưa nói "Người có trí vui với núi. Người có nhân vui với nước" (Trí giả lạc sơn. Nhân giả lạc thủy). Núi non sông biển tôi đều thích, nhưng xét ra quả thấy thẹn với người xưa, thẹn với lòng, thế nên câu nói của cổ nhân không suy đoán cho trường hợp của tôi được.

Chữ "dại" trong tiếng Việt có cái nghĩa khiến người ta ngại ngùng, muốn xa lánh. Chữ "hoang" có thể gần gũi hơn để dịch chữ "wild" của Anh ngữ như trong cụm từ "Wild Rose Country" ghi trên bảng số xe của tỉnh bang Alberta, nơi tôi sống tám năm vừa qua, và là nơi đang từ giã ra đi.

Alberta có hai công viên quốc gia nổi tiếng đó là Banff và Jasper nằm dọc rặng Rocky Mountains ở phía tây. Núi non hùng vĩ thu hút du khách khắp thế giới. Cảnh hoang sơ vẫn còn đó. Cây cối dệt thảm từ lũng sâu bao phủ lên triền núi. Nhiều khu mênh mông chưa hề bị con người đến khuấy động. Những vách đá sừng sững bất ngờ mà khi nhìn thấy lòng người bỗng trải ra xa, bớt bó kín hẹp hòi.

Ở đây con người không muốn lấn chiếm giành giựt với thiên nhiên. Phát triển chừng mực. Giá địa ốc rất cao và người mua phải là cư dân tại đó. Sở dĩ có luật này là để ngăn ngừa giới tư bản đầu cơ khiến giá tăng vọt thêm và hệ quả là cảnh trí bị tàn phá.

Nhiều điều ở đây sẽ khiến tôi không quên được nơi này. Cư dân lịch sự và thông cảm. Tất nhiên thành phần ngược lại nơi nào cũng có nhưng ở đây có vẻ ít đến độ không đáng kể.

Có một lần trong mùa đông, đường xá ngập tuyết, tôi lái xe giao pizza, từ giã khách hàng tôi nói: "Enjoy your pizza", anh ta trả lời : "and you enjoy your road!" Cả hai chúng tôi đều cười xòa. Thực khách có vẻ thông cảm với drivers, vui đùa lúc nào hay lúc ấy để quên những phiền muộn trong cuộc sống của mình, của người.

"Ông vô nhà. Ở ngoài lạnh lắm" (Come on in. Freezing outside) đó là câu tôi thường nghe thấy từ khách hàng khi tôi giao bánh trong những ngày đông giá tuyết. Xin mở ngoặc ở đây, da dẻ rải rác đồi mồi không còn căng và những sợi tóc bạc khiến tôi lên chức "Sir". Thank you, Sir (!).

Chỉ có một lần duy nhất trong bốn năm, một khách hàng đứng trong nhà, không để tôi vô, chỉ hé cửa đủ để đưa tay ra trao chiếc thẻ Debit trả tiền, làm như người đưa bữa tối đến cho cô ta là một khúc cây, không biết lạnh là gì. Trước con mắt của cô, một thứ con mắt bị nhiễm phong hóa vị kỷ từ gia đình và từ cái xã hội cô ta sinh ra, ngoài cô ta, gia đình cô ta ra không ai là đáng kể. Tha nhân chỉ là bộ phận của xã hội có mục đích phục vụ cho mình, cho gia đình mình, cho tập cấp mình. Tha nhân không phải là đối tượng thương yêu lo lắng.

May thay chỉ có một khách hàng như thế, nhưng tiếc rằng người đàn bà trẻ ấy lại là một người da xậm màu, thuộc 'nhóm thiểu số trống thấy'. Và còn đáng tiếc hơn nữa là tôi đã không kềm chế được sự bực tức pha thêm chút tinh nghịch: Khi trao thẻ lại, tôi cố tình đẩy toang cánh cửa cho gió lùa vào để cô ta tập vui hưởng một chút cái buốt giá bên ngoài cùng với người khác.

Ngồi trên máy bay, chắc tôi sẽ còn nghĩ ngợi nhiều điều. Không biết là những gì nhưng chắc chắn khi rời chiếc phi cơ cũng chính là lúc tôi từ giã "cái nghề" phụ đã giúp kiếm thêm lợi tức cho gia đình và đã giúp giữ sức khỏe cho bản thân. Mỗi ngày lái xe và đi bộ trung bình 5 tiếng, hít thở không khí trong lành, có cơ hội trao đổi chuyện trò, bông đùa qua lại với những người khác, điều này quan trọng vi cô độc dễ đi đến trầm cảm hoặc, nặng hơn, có thể bị điên. Ấy là chưa kể có những lần thấy trăng đẹp quá bèn ngừng xe lại ngắm cái đã, tiền bạc tính sau!. Thử hỏi có ai điên tự nhiên xách xe chạy ra giữa cánh đồng phủ đầy tuyết để ngắm trăng? Thế thì đây rõ ràng là một dịp hiếm ít ra với những người sống nơi thành thị.

Vòng ngoài giao dịch là thế. Còn nói đến cái vòng trong nhỏ hơn thì tôi gặp lại được những người bạn cũ, quen thân được nhiều người mới trong đó có các đồng môn cựu sinh viên quốc gia hành chánh ở Vancouver, ở Edmonton, ở Seattle... Một vài người là văn sĩ, thi sĩ và hoạ sĩ. Vui chán! Thú thật, không có những bạn bè ở địa phương như thế, tinh thân tôi hẳn đã xuống dốc.

Khi bạn đọc tới đây, chắc chiếc máy bay có tôi trong đó cũng sắp hạ cánh. Hai đứa con tôi ở bên ấy sẽ đón tôi về sống với chúng. Rồi tôi sẽ ráp lại giá vẽ, đưa canvas lên, nặn màu ra khay, quệt lên vải và đi vào cõi mộng. Trong những lúc như thế chính là những lúc sung sướng nhất vì hoàn toàn được sống như ý muốn, quên bẵng thực tại. Những lúc ấy xin đừng lôi tôi về thực tế. Nói cho cùng, tại cái vùng Bắc Mỹ này chẳng ai có thì giờ làm rộn mình trừ những đứa con còn cần đến người cha chưa thể thiếu vắng trong đời sống của chúng.

Đứa con sau cùng, Út Ít của tôi có thể là người duy nhất sẽ lôi tôi về thực tế, là người sẽ còn gây phiền hà cho bố, những chuyện phiền hà mà nếu thiếu, cuộc sống không còn là cuộc sống phong phú nữa.

**

- Mai bố cho con đi nhuộm tóc nha bố.
- Màu gì?
- Màu nâu nâu, con thích.
- Bố thấy trời cho sao để vậy. Tóc đen như con, bố thấy đẹp nhất.
- Không cho con nhuộm thì nói thế thôi.
Nhìn phản ứng trên gương mặt tôi giây lát, bé nói tiếp:
- Màu đen đẹp sao bố vẽ nhiều cô gái màu tóc nâu nâu đó!
- Ừ... mà tóc con cũng có đen lắm đâu.

Tôi trả lời vớt vát giống như một viên tướng thất trận vẫn còn muốn bám víu vào những chiến thắng một thời của mình để biện minh. Tôi nhận ra rằng vào tuổi này mà vẫn chưa sống thực với lòng mình, chưa cởi bỏ được hết những kềm kẹp không hợp lý của quá khứ.

Tôi bỏ cọ xuống, lững thững đi lại tủ lạnh rót ly rượu chát, nhâm nhi những giọt vui buồn xen kẽ trong quãng đời mười năm vừa qua./.

A.C.La
Edmonton
1/2010
*****
Những lời thăm hỏi

Về rồi hả? Chừng nào rảnh đ/t cho anh em nhé. Bài viết của anh cảm động lắm... Thân ái. (PQH, Toronto)
***

Mình tưởng như câu chuyện huyền thoại? Phải chăng hành trình cuộc đời con người có cái thực, cái ẩn nó tạo thành thân phận con người? Quả thực mình trộm nghĩ, Vĩnh đang ôm ấp đời sống tâm hồn thật phong phú? Đọc tâm sự của Vĩnh, mình sực tỉnh mình đã khác xưa quá nhiều, phải không? Mong rằng về tuổi già mỗi đứa sẽ có sự bình an trong tâm hồn... Thỉnh thoảng liên lạc cho vui. Bạn hơi bận rộn nên có vẻ quên bạn bè xưa? Hy vọng vĩnh vẫn khỏe mạnh và bình an...(NTH, Sacramento)
***
Dear Vinh:
Welcome back (to toronto)!
Khi nào ổn định nhớ cho mình biết địa chỉ và số điện thoại mới... Ngày 27 tháng 2 anh em ở đây có họp mặt nhau (và có điểm danh), vĩnh có về được không? Mong nhận được tin và cầu chúc vĩnh và gia đình luôn bình an...
sincerely (LQT, Nam California)

***
Thu xếp ra đi sau mười năm là một quyết định lớn trong đời và xáo trộn đời sống không ít tuy nhiên về gặp lại và sống gần gũi cùng các con là niềm vui lớn trong đời là quyết định đúng đắn vì các con còn trẻ gốc rễ cần phải bám trụ cho cây vững sống còn người già chúng ta đã bị bứng gốc rễ nhiều lần rồi nên đã quen không hề chi.
Thì ra Nguyển huynh cũng trôi theo dòng đời khắp nơi từ đông sang tây sống đời "giang hồ" đầy thi vị sông núi viển tây Vancouver hùng tráng núi biển rồi đến vùng đồng bằng Alberta bao la cây cảnh thiên nhiên kỳ thú của bắc Mỹ châu, tâm hồn nghệ sĩ thêm cảnh sinh tình mượn bút cọ diển tả văn thơ và tranh vẽ tô màu sắc thắm cho cuộc đời tha hương lưu xứ thêm đậm đà cộng thêm hảo bằng hữu thưởng thức nhạc hay thơ trữ tình dí dỏm, văn chương truyện lạ , hình ảnh đẹp cùng tin tức thời sự nóng hổi trao đổi tâm tình tri kỷ chia xẻ buồn vui qua trang mạng điện tử tuy xa ngàn dặm mà xem như gần trong gan tấc . Chúc Nguyển huynh mọi như như ý.
Quí mến,
VLH, Florida

***
Tôi vừa trở về Toronto từ Paris được vài ngày, hôm nay thức sớm đọc bài "Vòng Quanh Xứ Tuyết" của anh trên Diễn Đàn Đốc Sự, bài viết chất chứa nhiều tâm sự của anh thật cảm động. Hồi July 1984 tôi cũng giã từ thành phố Lethbridridge, tỉnh Alberta, để dời về Toronto. Làm ơn cho biết khi anh đến Toronto, tôi mong gặp lại anh. Anh em mình cũng nhớ anh lắm. (NVT., Toronto)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...