03 March 2013

LAN MAN ĐẦU XUÂN, bút ký

Chẳng ai có thể ngờ sau Tết Nguyên Đán mà trời lại có mưa!

Đã bước sang “mền” rồi nên hầu như nhịp sống thường nhật đã khởi động trở lại. Tuy nhiên, dư vị mùa Xuân vẫn còn lẫn khuất đâu đó trong xúc cảm của mọi người và cũng biết đâu đã có nhiều nụ hoa tình yêu của tuổi trẻ đã bắt đầu đơm bông kết trái sau một cái tết tưng bừng?

Với những người đã bó tay đầu hàng trước những đổi thay mới mẻ thì giả vờ phẩy tay coi nhẹ như không vì họ cho rằng mình đã trải qua cái tiết mùa đặc biệt ấy đã mấy mươi lần rồi và hầu như cuộc đời chẳng còn điều gì có thể làm họ phấn khích suy nghĩ và xao động tâm hồn nữa. Cũng bình thường thôi!

Nhưng ở đời thì có thiếu gì chuyện nằm ngoài cái sự bình thường? Tuổi già cũng có cái phơi phới riêng trong lòng đang tiết xuân ấy chứ, và tôi thì lọt ra ngoài “cái sự bình thường” đó một chút.

Cũng bởi vì:
“…Bốn mươi năm biển vẫn mừng
Gã giang hồ vặt lừng khừng rong chơi
Biển xanh thẳm rộng tay mời
Sóng xô tóc trắng tựa đời anh qua
Nha Trang bờ cát rất xa
Khi không biển gọi anh ra làm gì?…”
Cái tuổi của tôi bây giờ thật chẳng còn rỗi hơi đâu mà đi ngao du đây đó, hơn nữa điều cơ bản nhất là túi tôi đôi khi bỗng nhẹ không.

Biển gọi ra chẳng phải khi không mà là có việc đấy!

Tôi chọn một chuyến xe giường nằm ban ngày kèm theo con ngựa sắt thân yêu để đi về phía biển. Chao ôi! Bọn nhà xe nó chém đẹp, muốn đứt lìa cái cổ của tôi! May mà còn sót lại ít tiền lì xì hôm trước tết nên vẫn còn thoi thóp. Cũng chả có gì phải háo hức trước cảnh vật hai bên con đường mình đã đi qua không biết bao nhiêu lần nên cứ hững hờ nhìn nó lướt qua bên ngoài khung cửa sổ. Thực ra tôi đã mỏi mệt vì những công việc phải làm trước tết thậm chí leo sang những ngày còn mùng, hơn nữa đêm hôm trước đã phải thức đến 2 giờ sáng để viết những câu thơ nhăng nhít nên khá buồn ngủ. Nhắm mắt lim dim để đó trong khi tai lại phải nghe những câu chuyện hài hước rẻ tiền của cái đám “danh hài hải ngoại” Vân Sơn liên khúc mà nhà xe cống hiến cho khách đường xa nên chẳng thể nào an ổn trong đầu.

Đến Ngã ba Ông Đồn đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận thì phải ngồi dậy liếc ra bên ngoài vì nằm mãi cũng chán. Cảnh vật thì nghèo nàn xơ xác với cuộc sống khó khăn, bởi cho nên muốn cổ súy với những người bạn xa quê hương tình yêu đất nước thì với khung cảnh phơi bày trước mắt bảo sao mà họ chẳng hững hờ? Nếu có dành dụm được ít tiền để đi du lịch, tội gì họ không chọn những nơi đẹp đẽ hơn? Đó là một sự thật hiển nhiên tuy có chút phũ phàng. Xót xa thay cho đất nước tôi có những khoảng sống nghèo nàn như thế. Bản thân tôi còn thấy mình chưa thể yêu nổi thì còn mong chi người khác ở những đất nước xinh đẹp giàu có mở lòng yêu?

Nhìn dọc hai bên đường từ Hàm Tân đến thị trấn Lagi của Phan Thiết và hầu như suốt dọc vùng nông thôn của các tỉnh miền Trung toàn là những cái nhà chỉ lớn hơn hoặc có khi còn nhỏ thua cái phòng khách gia đình bên Tây bên Mỹ, nhưng được cái là không còn nhà tranh vách đất nữa mà là những cái nhà xây bé tí lợp ngói đã xỉn màu vì thời gian lướt qua với màu vôi vừa quét lại xanh vàng đủ kiểu để mừng năm mới tạo thành một bức tranh màu đầy vẻ ngô nghê của trẻ con.

Ngoài các tỉnh Cao Nguyên Trung Phần, các tỉnh ven biển miền trung dọc từ Quảng Trị trở vào đến Phan Thiết chưa nơi nào tôi chưa có dịp đặt chân đến. Ngoài những cuộc rong chơi ngắn ngày vì cuộc mưu sinh, vì những ngày chinh chiến thì Nha Trang là nơi có nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ đẹp tươi cộng thêm một chút buồn lòng thời tóc bạc thì Phan Thiết là nơi dung chứa số phận gió bụi của tôi dài nhất.

Nhìn những ngôi nhà bé tí ấy là không gian sống cho cả gia đình, thốt nhiên trong cái đầu lộn xộn của tôi chợt nẩy ra một ý nghĩ vu vơ nhưng rất thực tế tuy có thể gây khó chịu cho một vài người nghiêm túc khi đọc phải nó.

Tôi nghĩ mà thương cho thân phận đàn bà của những phụ nữ nông thôn Việt Nam. Trong cuộc sống vợ chồng, cái không gian nhỏ bé trống huơ trống hoác bốn bề trong căn nhà, làm sao mà họ có thể tận hưởng hạnh phúc trời ban cho những cặp vợ chồng? Với tất cả mọi phụ nữ nông thôn thì họ cho đó là chuyện bình thường và họ cam chịu cái số phận hẩm hiu ấy mà không dám nói ra những ao ước riêng mình. Thế thì có nên tội nghiệp cho họ không? Theo tôi là có đấy!

Gạt ra khỏi đầu óc cái suy nghĩ vẩn vơ kia, tôi đưa mắt quan sát những giàn bông giấy được trồng trước cửa nhà hay trước vòm cổng. Trong bức tranh ấy, không chỉ có những gam màu tối mà vẫn có những gam màu rực rỡ. Những sắc màu trắng, vàng, đỏ xác pháo, đỏ tím…đủ loại đã làm cho bức tranh hiu hắt bỗng trở nên vui mắt và sống động. Nhân nhìn những giàn bông giấy thắm tươi ấy, tôi chợt nhớ đến tâm sự của một phụ nữ còn nhỏ tuổi gặp trắc trở trong cuộc sống hôn nhân đã gây nên cảm xúc rung động và viết vội lại câu chuyện tình ấy bằng mấy câu thơ trên điện thoại của tôi. Mà cũng có thể đó là tâm sự của rất nhiều phụ nữ khác, nhưng nó được chôn giấu mãi mãi trong lòng.
NHỚ  GIÀN  HOA  CŨ                  

Thơ ngây mười tám tuổi tròn
Môi hồng má đỏ, gót son điệu đàng
Em xinh em đẹp như lan
Tỏa hương bát ngát bàng hoàng hồn ai
Em mơ một mối tình dài
Có chàng có thiếp, chẳng phai theo mùa
Ông Tơ Bà Nguyệt trêu đùa                    
Đưa chàng Hoàng tử thêu thùa tình si
Thắm tươi một thuở xuân thì
Tưởng duyên tơ tóc chẳng gì cách chia
Bỗng dưng sao phải chia lìa?
Bởi chưng giông bão ngoài kia ập về
Em đành lỗi hẹn câu thề
Trăm năm chẳng được gần kề một bên
Tiếc cho tình chớm chẳng bền
Trách trời cay nghiệt mà nên nỗi nầy
Phải đâu tham mớ trầu cay
Tham sang phụ khó, mê say bạc vàng
Nên em cất bước sang ngang
Bỏ người một bóng võ vàng nhớ thương
Thân em côi cút bên đường
Một mình đơn lẻ đành nương theo người
Hẩm hiu duyên phận trêu ngươi
Để em cam chịu với người không yêu
Gánh phần oan trái đủ điều
Khiến em buồn tủi sáng chiều một thân
Đành nhìn con tạo xoay vần
Cắn răng nuốt ngược mấy lần đớn đau
Sao mình không được có nhau?
Em thành tình phụ hư hao tháng ngày
Hay em đã có gì sai
Với người tình lỡ, trời đày thân em?
Ánh trăng dừng lại bên rèm
Trăng nghiêng góc tối không thèm sáng trong
Trách người chăn gối bên chồng
Nhưng còn tơ tưởng trong lòng ai kia
Gối đêm nước mắt đầm đìa
Đồng sàng dị mộng, ngoài kia gió về
Tưởng như mưa gió lê thê
Giúp em gột sạch não nề buồn thương
Sao lòng em mãi vấn vương
Chút tình thơ dại bên đường ngó sang?
Tiếc cho duyên phận lỡ làng
Em đành gởi gió buồn sang cho người
Nhìn giàn bông giấy xinh tươi
Hồng màu xác pháo em lười đưa tay
Quét gom cánh mỏng mỗi ngày
Sợ cơn gió thổi làm bay nỗi buồn
Ai hay nước mắt ngầm tuôn?
Em mang tâm sự vui buồn gởi hoa
Đành như chỉ có hai ta
Sống riêng một cõi trong nhà chồng thôi!
Nhớ người em nhớ bồi hồi
Yêu người cũng muốn một đôi lần liều
Tìm người cho trọn chữ yêu
Nhưng đời xô ngã liêu xiêu mấy lần
Mấy mươi năm cứ bâng khuâng
Lòng em ao ước được gần bên anh
Giờ thì tóc chẳng còn xanh
Yêu người cho lắm cũng đành chịu thôi
Thấy hoa em lại bồi hồi
Nhớ giàn hoa cũ, tan rồi ước mơ
Cuộc đời chẳng đẹp như thơ
Mối tơ duyên ấy đành chờ kiếp sau.

s@...
***


Đi hết con đường dốc dài đổ xuống từ miền đông Nam bộ đến Bình Thuận, xe bắt đầu chạy cặp theo ven biển. Những vườn thanh long nổi tiếng của đất Phan Thiết không còn xanh tươi dưới những trận mưa đang có vẻ úa vàng, đổi lại là những cánh đồng lúa nho nhỏ vì một bên là núi một bên là biển đang xanh mướt những đám lúa đương thì con gái. Gió xuân thổi về làm ngả nghiêng một chút những ngọn lúa xanh rờn làm khung cảnh rất sống động và đầy chất thôn dã. Ở miền nào cũng vậy, tôi rất yêu quý cuộc sống và con người nông thôn. Cuộc sống họ giản dị, tâm hồn họ chất phác và nhịp sống đời ồn ả bon chen chốn thị thành không chạm được tới tâm hồn họ. Cái bình lặng ấy tôi có đi mà tìm kiếm suốt cả đời cũng không sao tìm gặp. Dưng không, tôi bỗng thấy ngao ngán cho cái thằng tôi. Có người bảo đầu óc tôi sao phức tạp thế? Sao cứ muốn gậy sự với cuộc đời mãi thế? Sao không tập cách suy nghĩ đơn giản hơn cho khỏe đầu óc? Nếu thế thì đã không có những dòng chữ nầy xuất hiện dưới mắt các bạn.


Hết những khoảng khung cảnh trù phú thì những khoảng khô cằn tiếp nối khi dãy núi bò lan dài ra tận biển. Toàn là đá và cát thì sức sống làm sao cắm rễ được? Hai bên đường nếu những chỗ có con người hội tụ lại để sinh sống thì chắc là chỉ có được một hai lớp nhà rồi thôi vì núi đã ở liền ngay sau lưng. Thi thoảng có những đoạn đường sắt chạy song song với đường bộ, thậm chí còn đi sát mép đường và được ngăn cách bằng một hàng rào chắn thôi. Đi trên xe lửa nhìn những chiếc xe đò thì tôi tưởng tượng những đoạn đường, những khung cảnh mà xe đi ngang qua, đi trên xe đò thì tôi lại tưởng tượng đến những ga nhỏ buồn thiu dọc theo đường sắt. Thốt nhiên một câu hát buồn hiu bỗng trở về trong suy nghĩ của tôi: “Anh như sân ga nhỏ, trên đường tàu em qua…”.


Đến Cà Ná thì biển xuất hiện sát bên đường với tiếng gió u u rít qua khe cửa sổ. Biển lặng trời trong nên tiếng gió rít ấy chả tạo nên ấn tượng gì đặc biệt với tôi, chả bù với một ngày xa lắc nào đó trên đường trở về Sài Gòn từ công trường xây dựng nhà máy đường Ayunpa của tỉnh Gia Lai, xe đi ngang Cà Ná trong một buổi tối mưa gió thét gào dữ dội, tiếng gió rít qua khe cửa và trên nóc xe nghe ào ạt và gầm rú giống tiếng mèo gào động đực chạy trên mái tôle nghe rất ghê sợ, tạo nên một ấn tượng mãnh liệt khiến tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.

Cam Ranh đã trở thành một thành phố to lớn và hiện đại ngoài sự tưởng tượng của tôi vì gần hai mươi năm mới có dịp gặp lại nó. Năm kia tôi có ra Nha Trang nhưng bằng xe lửa nên không đi qua. Con đường từ đó đi ra Nha Trang hầu như nằm lọt giữa hai bên dãy núi, phía biển được một dãy núi thấp nằm chắn gió nên không gian có vẻ bình lặng cho tới thành phố Nha Trang.

Đặt chân xuống đất ở bến xe phía nam thành phố Nha Trang thì trời đã muốn hoàng hôn. Quả thật tôi chẳng e sợ gì sất trên cái nước Việt Nam nầy, nhưng tới một nơi lạ cũng có chút phân vân đường đi lối lại vì đã có lần trên Phố Núi trong một buổi tối trong cơn say quá đà không còn định hướng được, tôi đã suýt bị làm thịt vì cái xe tay ga mang biển số Sài Gòn của mình rồi nên phải đề phòng. Nếu cứ phải hỏi thăm đường thì lại lòi đuôi là người xứ lạ, giả sử như đó là một tên lưu manh thì chẳng khác nào tự mình đưa đầu vào rọ. Cho nên, ra đường cứ thấy thiên hạ chạy hướng nào đông đông là cứ thế mà theo, nếu sai thì quành lại, nhưng ít ra cũng phải định hướng cái chỗ mình muốn đến là đàng nào cái đã. Đừng có muốn đi đàng đông mà cứ theo đàng tây thì “càng đi xa anh càng nhớ em”…

Ra khỏi cổng bến xe, mắt nhìn dáo dác hai bên đường tìm một nhà sách để mua một bản đồ hướng dẫn, nhưng chắc khu vực nầy văn hóa cao nên chẳng thấy cái nhà sách nào xuất hiện. Tìm mãi không được bèn ghé vào một quán bán đồ chơi trẻ em hỏi thử thì may quá, bà chủ quán nói có làm tôi mừng rơn. Tất nhiên khi nghe hỏi mua bản đồ thành phố là họ biết mình là người lạ đối với chốn nầy rồi, bà chủ bèn giới thiệu sơ về những chỗ nên tới khi lưu trú ở đây, tôi cứ dạ cầm nhịp cho xong chuyện vì tôi ra đây đâu phải để du hí hay nghỉ mát gì đâu.

Trong lúc nói chuyện, bà cứ một điều Nha Trang mình, hai điều Nha Trang mình làm như tôi định lấy vợ người Nha Trang và sắp trở thành ông chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em không bằng.

Ngó sơ tấm bản đồ trong khi trả lời câu hỏi của Bà chủ quán anh ra đây định ở đâu, bà bèn chỉ cho con đường ngay trước mặt bảo là anh cứ đi thẳng rồi quẹo phải là tới chỗ anh cần đến. Hóa ra chẳng cần phải tốn 15.000 đồng để mua tấm bản đồ tôi cũng sẽ tới được chỗ mình muốn đến. Nhưng có nó thì vẫn tốt hơn vì tôi sẽ cần trong một hai ngày tới khi muốn dong xe ngoài đường.

Trước những cửa tiệm, hầu như nhà nào cũng để hai chậu cúc đại đóa lớn còn bung nở vàng tươi nhờ vào lớp đất bên dưới. Sắc vàng rực rỡ của những bông cúc như muốn nhắn với tôi rằng mùa xuân vẫn còn đấy, cứ thỏa thuê nhấm nháp hương vị đẹp đẽ của mùa xuân, bỏ mặc sau lưng những nhọc nhằn năm cũ đi. Nghĩ được điều đó làm môi tôi chợt nở một nụ cười thú vị. Ừ! Thì tôi đang tận hưởng đây!

Những vỉa hè của thành phố Nha trang tương đối ngăn nắp cũng như nhịp sống an bình của người dân, không xô bồ lấn chiếm và ồn ào đầy vẻ chụp giựt từng xăng ti mét mặt bằng như ở Sài Gòn.

Sau khi yên ổn chỗ ở tạm, tôi bèn bước xích ra con hẻm trước mặt ăn một dĩa cơm bình dân. Cạnh đó có biết bao nhiêu tiệm ăn, nhà hàng hào nhoáng với thực đơn có in hình những món ăn mà chỉ nhác trông thấy đã nghe nước miếng mình ứa ra. Nhưng thôi, hãy quên chúng đi vì đây là một thành phố du lịch nổi tiếng và chúng dành cho những người lắm tiền nhiều của hay những du khách nước ngoài chứ không dành cho tôi.

Khoảng không khí tươi nguyên được gió đưa từ biển xa vào đượm chút muối mằn mặn ngày xưa bây giờ bị chen lẫn nhiều bằng mùi nước hoa thoang thoảng của du khách nước ngoài làm lòng tôi hơi chùng xuống mà nuối tiếc cho cái hương vị đằm thắm mộc mạc đã trôi qua xa lắc của thời tuổi trẻ ở chốn nầy.

Gió biển đêm gầm rú bên ngoài khung cửa sổ xô dạt vào bờ những cơn sóng dữ lớp sau đè lớp trước tung bọt trắng xóa ven bờ làm tan biến cái ao ước được ngồi trên cát dưới sao đêm mà…làm thơ như dự tính nên đành phải chôn chân trong phòng. Biển ban đêm Nha Trang không đẹp như Phan Thiết bởi thiếu hẳn dãy đèn sáng lóng lánh giăng đầy mặt nước phía chân trời như một thành phố nổi về đêm của những chiếc thuyền câu mực. Nó cũng thua hẳn vẻ ma quái bởi những ánh lửa bập bùng của những bếp dành để nướng hải sản của những người tuổi trẻ ăn nhậu như bãi biển Vũng Tàu. Có thể ở đây người ta ngăn cấm việc đó hay dự báo thời tiết của đài khí tượng cho hay sẽ có một cơn áp thấp nhiệt đới đổ về kèm theo những cơn mưa nhỏ nên chẳng còn ai hào hứng trong việc rong chơi trên bờ cát của biển đêm Nha Trang. Tôi không rõ lắm. Riêng mình đã thấy ngần ngại khi bước ra biển để hứng những cơn gió lạnh như bây giờ thì thật không hay cho cái sức khỏe còm cỏi của mình thôi. Tôi vẫn mong sẽ gặp lại cô bé bán hàng trong mẩu chuyện “Ai đang hát?” của tôi năm nào nhưng không thấy, có lẽ do thời tiết trở chứng nên chẳng ai đi ra ngoài bãi tắm để cô bán hàng, hay có lẽ giờ cô đã lớn hơn và đã…đi lấy chồng.

Ai mà biết!

Đốt vẩn vơ dăm ba điếu thuốc, tôi chìm vào trong giấc ngủ nhọc nhằn ngay sau một ngày dài dong ruổi đường xa.

***

Sớm tinh mơ đã lo thức dậy với mong mỏi được nhìn thấy mặt trời mọc trên biển để chiêm ngưỡng vẻ rực rỡ huy hoàng của ánh dương trong buổi bình minh. Bước ra bờ biển đi bộ thong thả dọc theo con đường lát đá vỉa hè hình con sâu dành cho người đi bộ ven biển, nhìn ra ngoài khơi xa chỉ thấy mịt mờ sương khói cùng những con sóng hung dữ ào ạt nối đuôi xô đẩy nhau chạy vào bờ trắng xóa vì dường như gió đang lớn dần phía ngoài xa kia và áp thấp nhiệt đới đã thực sự hình thành. Cũng là một động tác đi bộ, nhưng tôi biết phân biệt đâu là tản bộ thong thả dạo chơi, đâu là những bước hối hả khi đi tập thể dục, đâu là những bước vội vàng đi mua sắm chen vai thích cánh trong các siêu thị chứ không đánh đồng cùng một loại bởi mục đích khác nhau. Có một phụ nữ tuổi đã trung niên nhưng…đẹp đang sải dài những bước chạy bộ thể dục khiến tôi muốn ngoái đầu nhìn theo nhưng không dám.

Không quen đi bộ nên chỉ một chút đã thấy mỏi chân bèn băng qua đường tìm một cái quán cà phê sang trọng để nhấm nháp hương vị cà phê nóng đầu ngày cho ra vẻ với người ta. Thì đã quen với phong thái trong những quán cà phê vỉa hè nên cách ngồi vắt chân chữ ngũ bỗng khiến tôi trở thành một kẻ thô lậu có thể làm cho người khác khó chịu trong cái không gian sang trọng chung quanh. Dĩa bánh mì trứng gà được đưa ra sớm quá đã nguội ngắt khi tôi làm xong bổn phận với ly cà phê đầu ngày cộng với cảm giác không thoải mái đã khiến như mình đang bị mắc xương khi nhai vội vàng bữa ăn sáng.

Buổi chiều, tôi ghé qua một tiệm net để tự gởi cho mình bài thơ mới viết vì e rằng nó sẽ bị biến mất trong điện thoại. Loay hoay mãi vẫn không mở ra được phần mềm Unikey để gõ tiếng Việt có dấu vì phần lớn các tiệm net chỉ phục vụ trò chơi game cho những chú nhóc con. Tôi đành phải cầu cứu chủ tiệm giúp mình. Một thiếu nữ khá xinh đẹp bước ra bấm bấm hồi lâu vẫn không xuất hiện cửa sổ cài đặt Unikey.

- Thôi chú đổi qua máy khác đi, cái máy nầy nó bị làm seo rồi.

Tôi hơi nhẹ nhăn mặt khi âm ngữ địa phương thoát ra từ đôi môi xinh đẹp ấy. Tự dưng trong cái đầu nhiều tưởng tượng của tôi xuất hiện hình ảnh một đêm nào đó tôi được ngồi dưới bầu trời đầy sao với cô thiếu nữ ấy trên bãi biển Nha Trang, làn gió biển mát dịu và sóng vỗ nhè nhẹ bên chân làm thành một khung cảnh đầy chất thơ mộng và lãng mạn, tôi chỉ lên trời và nói với cô:

- Em đẹp như một vì sao ấy!

- Vì seo nèo đâu?

Tiếng thỏ thẻ ấy chắc làm tôi phải đâm đầu xuống biển mà chết đi cho rồi.

***

Ngày hôm sau tôi vẫn dậy sớm theo thói quen hàng ngày của mình và bước xuống đời với chút hăm hở mong rằng cảm giác về biển sẽ khác ngày hôm qua. Làm vài động tác thể dục vớ vẩn hâm nóng, tôi lại bước theo con đường cũ. Trời lất phất mưa bay làm không gian lành lạnh hẳn. Chắc mưa đã về từ đêm hôm trước, bằng chứng là mặt đường đã loang loáng bóng nước đọng lại. Tôi chậc lưỡi: Thôi thì coi như đó là những giọt nước mắt thoáng qua của một cô dâu mới ngày Vu quy, rồi sẽ chóng qua nhanh và hạnh phúc ngọt ngào sẽ đến với cô trong cuộc đời còn rất dài sắp tới. Ở đây thì tôi cũng mong là trời sẽ trong trở lại và tôi được thụ hưởng những ngày đẹp như trong mơ ở bãi biển nổi tiếng thế giới nầy. Gió càng lúc càng giật mạnh khiến những bước chân tôi loạng choạng không ngay.

Tự dưng tôi có cảm giác mình đang bước vào cấp độ thiền khởi thần thông bởi trong lúc bước đi, trong đầu tôi vẫn nghĩ miên man về những điều khác nhau có liên quan đến bản thân mình.

Tôi gặp lại cái nhan sắc mà mình đã thấy hôm qua, vẫn má đỏ môi hồng, vẫn…đẹp. Tôi tự hỏi sao mới sáng sớm đi tập thể dục mà người ta trang điểm chi kỹ thế? Và tôi vẫn không dám ngoái cổ ngó lui…

Lần nầy tôi đi bộ xa hơn. Nhìn những điểm dịch vụ vui chơi dọc bờ biển bị bỏ phế hoang tàn, không ai quét dọn những chiếc lá úa rơi rớt trên mặt đất để gió mặc tình thổi tung bay tứ phía như mùa thu vẫn còn nấn níu lưu lại chốn nầy chưa muốn bỏ đi, tôi thấy tiếc cho chúng bởi nó sẽ hái ra khối tiền nếu người ta chịu khó chăm sóc để khai thác. Trong khi đó thì dẫy đầy trên các phương tiện truyền thông cuộc tranh cãi giữa các người dân địa phương và lãnh đạo chính quyền về việc khai thác các công trình ngầm dọc theo bãi biển. Bên nói được, bên nói làm thế thì phá vỡ cảnh quan môi trường…Nhưng hiện tại đang phơi bày trước mắt tôi là một khung cảnh đầy hoang phế. Uổng thật! Nhưng thôi, đó là chuyện của thiên hạ, chả mắc mớ gì đến tôi.

Đi xa hơn một chút, tôi đến công viên Nha Trang. Những cây dương liễu cổ thụ cao ngất với cành lá tha thướt bay bay trong gió biển vốn trước đây là một hình ảnh đặc trưng của những vùng đất biển, giờ bị người ta cắt cụt chỉ còn cao khoảng 3 mét rồi cắt tỉa lá cành theo hình chóp nón hay hình vuông vươn lên khỏi đầu người, tôi khá ngạc nhiên về con mắt thẩm mỹ của những người có trách nhiệm. Cái đẹp trong mắt họ thật khác xa tôi.

Một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi đang ngồi hít thở theo phương pháp Yoga trên một ghế đá nhỏ ven lối đi dành cho người đi bộ. Nàng nhìn thẳng ra biển chăm chú luyện tập không để ý đến ai. Tôi tự hỏi phải chăng Nàng đang đăm đắm nhìn về phía biển xa mà trông chờ một cánh buồm đỏ thắm xuất hiện chăng? Không dám đến gần để nhìn rõ nhan sắc ấy e rằng khiếm nhã, tôi giả vờ quay qua nhìn những cục đá đủ hình thù màu sắc của một cuộc triển lãm điêu khắc đá trưng bày dọc theo bờ biển đã quá xa xôi căn cứ vào những bảng tên tác phẩm gắn bên dưới đã nhòa nhạt không còn rõ chữ. Người Việt Nam có một cái dở là hay theo phong trào, qua rồi thì thôi không còn ai chú ý tới những tác phẩm sáng tạo chứa đầy tim óc của nghệ sĩ nữa. Trong lúc tôi chú ý quan sát bảng tên một tác phẩm chỉ còn rõ chữ BIỂN và chữ NG cuối cùng, khi ngẫng đầu lên thì người phụ nữ đã biến mất khỏi tầm nhìn. Nhìn ngơ ngác tìm kiếm một hồi thì tôi phát hiện ra Nàng đã lui vào phía trong để làm những động tác thể dục khác. Tôi không thể dứt mắt mình ra khỏi cái hình dáng đàn bà còn đầy nét quyến rũ kia bèn giả vờ chăm chú bước hẳn lên thảm cỏ để nhìn cho được tên tác phẩm điêu khắc trước mặt. Hóa ra tên của nó là BIỂN BÊN TRĂNG. Tôi thực sự khâm phục cho trí tưởng tượng siêu phàm của tác giả bởi tôi không thể nhìn thấy biển hay trăng ở hai nhánh đá dài dài tròn tròn cong cong màu vàng đất ghép lên nhau. Lén quan sát người phụ nữ đang nhảy nhót trong những động tác thể dục qua khe hở của phiến đá vàng trước mặt cho khỏi lộ liễu rồi nhìn vẩn vơ chung quanh cho có vẻ tự nhiên. Khi quay nhìn trở lại Nàng đã biến mất, chắc là đã xong bài tập thể dục đầu ngày. Nếu phát hiện ra những tia nhìn chăm chú của tôi, có lẽ bài tập thể dục buổi sáng của Nàng sẽ kéo dài cho đến…tận trưa!?

Lòng buồn như đánh mất điếu thuốc cuối cùng còn sót lại trong túi áo, tôi bước lần lên phía đường nhựa. Trên một khoảng sân rộng lát đá, tôi thấy một đôi vợ chồng già tóc đã bạc trắng đang nắm tay nhau đi bộ vòng quanh rồi chạy những bước nhỏ. Tôi phì cười và cho đó là một cuộc trình diễn hạnh phúc tuổi xế chiều hơn là tập thể dục vì cần gì phải nắm tay nhau như thế?

Gió sớm đã làm thấm lạnh nên không còn muốn tản bộ thêm nữa, tôi quay lui để đi tìm một tách cà phê nóng buổi sáng sớm vì khi tôi bước ra biển hầu như chưa có quán cà phê nào mở cửa. Tôi lấy xe chạy dọc theo bờ biển đến một nhà hàng ven biển cạnh Tháp Trầm Hương mà năm nào tôi đã uống cà phê. Sau khi đưa xe gởi vào một bãi giữ xe ven biển rồi bước vào quán, tự dưng tôi tự cười ngạo mình vì vẫn là một thằng già dại dột. Bãi để xe dành cho khách trong quán vẫn còn trống mà tôi lại đi gởi xe vào một bãi sát cạnh quán cho tốn thêm tiền.

Ngồi một mình nhấm nháp tách cà phê nóng, tôi đưa mắt nhìn ra mặt biển ngoài kia nhưng không còn xa nữa bởi mây xám mịt mùng đã che phủ Hòn Câu và Hòn Dung ngoài khơi xa. Trên đỉnh Vinpearl đã phủ mây mịt mù không còn nhìn rõ nữa. Trong đầu tôi bỗng bật lên câu hát cũ: “Mây mù trên núi cao, rừng sương che lối vào…” của những ngày chinh chiến cũ còn đầy chất lãng mạn trong tôi.

Những cơn gió lạnh thổi sượt qua đầu những con sóng biển vẫn kéo dài từ ngoài xa thổi vào làm tôi phải cài lại cổ áo và làm nguội rất mau tách cà phê trên bàn. Quán thì có vẻ sang trọng nhưng người ta lại không có được một cái bình trà mà chỉ đem ra một ly trà nóng. Uống hết ly cà phê thì ly trà nóng đã trở thành trà nguội. Uống cà phê sữa nóng mà tráng miệng bằng trà nguội quả thật đã làm giảm hẳn cái hương vị thơm tho của cà phê đang còn lẫn khuất trong vòm miệng.

Hình như ở bãi biển Nha Trang tôi chưa từng thấy những cánh Hải Âu bay liệng, trước mắt tôi bây giờ chỉ có mấy con chim sẻ và vài con bồ câu siêng năng vội bay ra bãi sớm nhảy nhót bằng những bước chân chim để tìm chút thức ăn thừa của du khách hôm qua còn sót lại. Nhưng đầu óc của những con vật chỉ làm theo bản năng chứ làm gì có óc phán đoán như của con người bởi từ hôm qua biển đã đầy gió lạnh, hầu như mọi người đều chui rúc vào những nhà hàng hay trong những căn phòng ấm cúng, có còn ai ra biển làm gì mà tìm mà kiếm chút thức ăn thừa? Tự dưng trong đầu tôi nảy ra một sự so sánh: Chúng mầy còn thua tao quá xa! Chỉ cần nhìn sự tháo bỏ một vật trước đây tưởng là thiết thân thì tao cũng đoán được người ta định tháo bỏ điều gì rồi.

Trả tiền ly cà phê sau khi ngồi nhìn trời mây non nước đã chán, tôi trở lại lấy xe.

- Bao nhiêu vậy em?

- Dẹ be ngoòng.

Phải hỏi đến lần thứ ba vẫn chưa nghe rõ bởi âm ngữ đặc trưng miền biển, đến khi chàng thanh niên giơ ra 3 ngón tay tôi mới hiểu bởi tôi không ngờ ở thành phố du lịch mà giá cả lại rẻ thế, chẳng bù khi tôi gởi xe ở bãi sau Vũng Tàu vài tháng trước, họ chặt tôi tới mười ngàn phần chiếc xe và mười ngàn phần cái nón bảo hiểm.

Người ta đang tháo gỡ những vòm cổng đèn màu cách điệu những con sóng biển chào mừng năm mới dựng bên trên những con đường lớn của phố biển Nha Trang với cái slogan đọc thấy tức cười: “Chào mừng du khách đến với thành phố Nha Trang, xứ sở của những bãi biển xinh đẹp và xứ sở của trầm hương”. Trầm có còn đâu nữa mà còn hương? Có chăng chỉ là trong quá khứ đầy huyền thoại.

Trời bắt đầu mưa gió nhiều hơn nên chẳng thể đi đâu bèn nằm lại trong phòng viết thêm được vài câu thơ:
BIỂN XANH MỜI GỌI

Sóng tràn lớp lớp chập chùng
Phủ vây bờ cát nghìn trùng khơi xa
Dấu chân người bỏ quê nhà
Xóa đi cho hết để mà nhớ nhau
Ngày vui rồi sẽ qua mau
Giờ nhìn thấy dáng, ngày sau biết còn?
Còn đôi môi đỏ như son
Giọng cười trong vắt làm mòn tương tư
Người gần chẳng biết thực hư
Đoái trông xa thẳm mây như kéo về
Mịt mờ phủ kín đam mê
Nhạt nhòa che hết hẹn thề hư không
Ngước nhìn biển cả mênh mông
Nước xanh thăm thẳm sóng bồng bềnh đưa
Dáng người con gái năm xưa
Trở về hạnh ngộ cho vừa lòng nhau
Tóc xanh giờ đã phai màu
Tình thu cũng đã úa nhàu hắt hiu
Bình minh mà tưởng ráng chiều
Mưa bay mờ mịt như nhiều khói sương
Gió bay cát trắng bên đường
Cuốn trôi theo gió luyến thương ít nhiều
Rồi đây sẽ có những chiều
Nhìn hoàng hôn tím mà yêu mây buồn
Sóng trào cùng giọt mưa tuôn
Biển xanh mời gọi anh buông xuống tình

s@...
Buổi trưa đang ngồi ăn cơm ở một quán bình dân ven đường, mới xúc được hai muỗng thì có điện thoại phải đi gấp. Đành nhờ trút phần cơm vào chiếc hộp xốp rồi vội vã lên đường. Mưa bỗng trở nên nặng hạt không ngờ. Chưa kịp hoàn thành công việc thì từ trong ra ngoài đã ướt như chuột lột. Đành quay về thay quần áo, xoa chút dầu xanh cho đỡ lạnh rồi lên giường trùm mền cho tới tối.

Băng qua bên kia đường uống một ly cà phê cho đỡ buồn. Mưa sao cứ mưa hoài không dứt. Ngồi chán thì lại…làm thơ:
THỦY  CHUNG

Tưởng em phụ bạc thật sao?
Dang tay cắt đứt tình trao ban đầu
Anh không có thể ngờ đâu
Tình tinh khôi nở nên sâu ngút ngàn
Dù rằng em bước sang ngang
Trong lòng em vẫn vương mang khối tình
Thuở ban đầu của đôi mình
Dễ gì phai nhạt mối tình đầu tiên
Lòng em nặng mấy ưu phiền
Nhớ người yêu dấu như điên như cuồng
Đêm buồn nhìn ánh trăng suông
Bẽ bàng duyên phận, em buông đời mình
Trôi theo cuộc sống linh đinh
Bên người chăn gối chẳng tình chẳng yêu
Cớ sao cứ mỗi chiều chiều
Khiến xui nhung nhớ người yêu nói cười
Bấy lâu em chẳng gặp người
Phấn son em giữ, nói cười khiêm cung
Tình em vẫn giữ thủy chung
Mơ ngày gặp mặt, lại cùng yêu đương
Cho dù tóc đã pha sương
Em mong vẫn bước chung đường bên anh
Bù cho anh thuở tóc xanh
Vì đời ngăn trở ta đành cách chia
Giá mà có một ngày kia
Cho ta gặp lại bên rìa lối đi
Con đường tình thuở xuân thì
Dâng anh nhan sắc nhu mì năm xưa
Nét son ngày cũ anh ưa
Để cho anh biết…em chưa quên tình!

s@...
Mưa vẫn nặng hạt nên chẳng buồn đi kiếm bữa cơm.

***

Sớm mai thức dậy, chừng như mưa đã tạnh bèn đẩy xe ra đi công chuyện. Chắc là do ngấm nước mưa hôm trước nên đề hoài mà xe không nổ máy. Đành đẩy bộ đi tìm chỗ sửa thôi. Trong lúc chờ đợi, ghé vào một quán cà phê ven đường uống đỡ ly cà phê đầu ngày. Chao ôi! Ly cà phê sữa lề đường Nha Trang sao mà nhạt phèo và gần một phần tư lít. Tôi nhăn mặt nói với cô chủ:
       - Chà! Uống hết ly cà phê nầy chắc là no tới trưa luôn.

Mấy người bạn gọi tới rủ đến quán cà phê Yasuka góc đường Trần Phú và Yersin uống cà phê. Cũng muốn chạy ngang qua chỗ mấy mươi năm về trước mình đã tá túc khi đi thi Tú Tài nên tôi chạy tới. Ngồi cùng bàn với mấy người bạn đàn ông thân sơ từ Sài Gòn mới ra, từ Banmêthuột mới xuống. Những câu chuyện không đầu không đũa mở ra cho qua hết thời giờ. Quán khá sang trọng và đông khách nên rút kinh nghiệm tôi ngồi với tư thế nghiêm chỉnh và thêm chút lịch sự. Được một đỗi, ngó qua một người đàn ông là Bác sĩ thì thấy ông ấy đang ngồi vắt chân chữ ngũ như thói quen của mình. Chẳng lẽ mưa đêm qua đã làm Nha Trang trở nên lụt lội rồi sao? Ngó ra đường Trần Phú thì vẫn khô ráo mà. Hóa ra đó là phong thái bình thường của một người đàn ông khi ngồi ở quán nước, bất luận sang hèn. Chút suy nghĩ thoáng qua làm cái đầu của tôi trở nên khúc khắc và mất vui bèn cáo từ về trước.

Vòng xe trở lại đường Hồng Bàng mong tìm được một người cần gặp, nhưng mưa rỉ rả hoài, nhà ai cũng đóng cửa nên tìm không ra. Chán nản quá đành quay về.

Chẳng làm nên được tích sự gì trong mấy ngày ở Nha Trang, cuối cùng…đành phải về thôi.

Đội cơn mưa đêm tầm tã, quần áo ướt nhem chạy vội ra bến xe. Đứng trong mưa chờ đợi mãi cuối cùng người ta cũng dành cho một chỗ giường nằm phía đuôi xe chuyến 10 giờ đêm về lại Sài Gòn. May phước mà còn chỗ.

Lần thứ hai trong đời phải nằm suốt đêm với bộ quần áo ướt thật chịu không nỗi với cái tuổi già. Lần trước là sau bài học Đại Đội lui binh ở quân trường từ bãi tập trở về phải di chuyển ngay ra tuyến phòng thủ vì trời đã tối, nhưng sức trẻ đã giúp tôi lướt qua trận đó dễ dàng. Còn bây giờ thì phải nằm trùm mền chống lạnh với cái xương sống nhức buốt vì mình như con cá vừa được vớt lên từ mặt nước còn ướt nhẹp, lại phải nằm ở phía đuôi xe nên nó vẫy thân hình mình như nằm trên cái đuôi cá suốt mấy trăm cây số trong đêm với bộ quần áo ướt thật không dễ chịu chút nào.

Nếu bây giờ có ai hỏi về cái tên những cảm tưởng của tôi trong mấy ngày đầu xuân ở Nha Trang vừa qua thì thiệt tình tôi chẳng thể định danh.

HÙNG BI

No comments:

Post a Comment