28 March 2013

Bút ký nhân du lịch miền bắc Thái Lan * (3)

Loạt bài viết của một đồng môn mà phần chót đăng dưới đây không thuần túy chỉ là một bút ký mà còn là những suy tư khắc khoải của một trí thức lo lắng đến tương lai của dân tộc và đất nước mình. Một đất nước chỉ được gọi là văn minh khi người dân cảm nhận được mình có hạnh phúc giữa một cộng đồng hạnh phúc.
Cần phải để mặt hồ lắng xuống thì, như một sử gia nói, ta mới nhìn thấy rõ hình hài của mình phản chiếu trong đó. Cần phải soi, soi đi soi lại, may ra mới thấy cái hình hài đôi khi rất kệch cỡm mà bấy lâu không hay.
Hãy đọc để chia sẻ nỗi khắc khoải với người bạn của chúng ta hiện đang sống nơi quê hương mà một trăm năm sau chưa chắc đã bằng lân bang của ngày hôm nay ... (TTR)

(3 và hết)

Mối tương kính giữa người và người,
giữa người và vật
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường, bắt đầu chuyến thăm miền bắc đất nước này. Bà sui chu đáo cho chúng tôi xôi, cơm nắm, và đậu mè. King chọn đường tắt đi Chiang Mai. Đường hai chiều, nhỏ hơn đường hàng tỉnh nhưng tốc độ trung bình vẫn trên 100 km. Hai bên đường rừng bạt ngàn. Diện tích của Thái Lan là 513 nghìn km2 với 66 triệu dân, Việt Nam ta chỉ có 331 km2 (chưa kể đất mất vào tay Trung cộng chưa được minh bạch hóa) _ bằng hai phần ba diện tích của Thái Lan – dân số lại gấp rưỡi Thái Lan. Ngày nay, rừng Việt Nam còn lại rất ít mà ngày đêm vẫn còn bị lăm le tàn phá tiếp để khai thác gỗ, làm thủy điện, làm sân golf và dự án, nay mai chắc chẳng còn gì để lại cho con cháu. Ấy thế mà một thời học sinh được giáo dục lòng tự hào dân tộc rằng đất nước ta giàu có, rừng vàng, biển bạc, đất kim cương!

Trên đường đi, con gái tôi chỉ một bệnh viện địa phương mới xây xong, cho biết bệnh nhân được chữa bệnh miễn phí, được chăm sóc chu đáo, ân cần, thuốc men cấp đầy đủ. Bệnh nhân nào đi khám ở bệnh viện không thuộc địa bàn của mình vẫn được khám theo tiêu chí chung, chỉ phải đóng thêm chi phí khoảng 20 baht (khoảng 14,000 VND), chưa đến một dollar! Ở Việt Nam, tất cả những bệnh viện ở tuyến cao và thành phố lớn đều luôn luôn quá tải, một giường hai ba bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân hay thân nhân nuôi bệnh nằm ngay dưới gầm giường, còn ngoài hành lang hay trong sân bệnh viện dầy đặc thân nhân bệnh nhân. Bệnh nhân vào đây phải chịu nhiều gánh nặng chi phí: bệnh phí (tăng thường xuyên), giá thuốc cắt cổ, chi phí lót tay cho bác sỹ và y tá. Ở những bệnh viện như ung bướu Gia định, bệnh nhân quanh năm đông như trẩy hội, là đất làm ăn cho bọn móc túi, trộm cắp (Coi chừng kẻ gian móc túi, rạch giỏ! Là tấm biển quen thuộc ở những nơi đông người). Tội nghiệp nhất là những bệnh nhân “dưới quê lên” hay ở tỉnh về: nghèo đói nhếch nhác, không đủ tiền chữa bệnh sống vất vưởng tại các bệnh viện. Họ thường chìa nón xin tiền để có tiền chữa bệnh. Rõ ràng họ còn khổ hơn cả chị Dậu ngày xưa. Còn các quan lớn quan bé hễ mới hắt hơi xổ mũi đã vội vã ra nước ngoài chữa bệnh. Mới đây, một đại biểu quốc hội bỏ họp hàng năm với lý do: du lịch tại Anh kết hợp khám bệnh định kỳ. Ôi, những nghịch lý đến tàn bạo!

Xe chạy suốt, thỉnh thoảng ghé vào cây xăng để tiếp nhiên liệu, đi vệ sinh hay ăn uống, phục vụ đầy đủ như bất kỳ một cây xăng nào ở Tây phương. Hai đứa cháu ngoại chúng tôi tọt ngay vào 7 Eleven – một kiểu mini supermarket cây xăng nào cũng có – chọn thức ăn cho chúng, đem ra quầy để mẹ chúng đến … tính tiền (Hình 1010311: 7 Eleven có mặt ở bất kỳ cây xăng nào). Có lẽ ở Việt Nam chưa có một cây xăng nào được trang bị như thế này. Xe tắp vào đây, 90% là honda, với mục đích duy nhất là đổ xăng. Không ai tin vào tính lương thiện của các cây xăng, và khách hàng luôn nghĩ rằng mình đang bị bóc lột, ăn gian lộ liễu bằng rất nhiều cách: đong thiếu, ăn gian, xăng pha chế ... Họ giận dữ lắm nhưng rồi đành chịu thua, vì đây là sự móc nối, toa rập của nhà nước và chủ các cây xăng, vốn là sân sau của các ông to trên bộ. Chẳng có cây xăng nào ở VN có dịch vụ vệ sinh công cộng cả. Một thời du khách đến Việt Nam khổ sở vì cái toilet! Toilet công cộng nói chung ở nước ta hầu như không có. Đang đi ngoài đường mà du khách có nhu cầu vệ sinh thì xem như … tiêu đời. Họ đành bắt buộc từ bỏ thói quen ở quê nhà để thực hành cung cách của người Việt, đó là làm những gì ở ngoài đường (tè bậy) trong khi người Tây phương thường làm ở trong nhà và ngược lại. Chính vì vậy mà khắp nẻo đường đất nước, không ít nơi công cộng ta thường thấy chữ “Cấm đ… bậy!” Khách đi đường liên tỉnh cũng một thời được thưởng thức món “cơm tù” quen thuộc. Tài xế đã móc nối với chủ quán cơm nên chọn đúng chỗ để ghé vào để khách đi vệ sinh, bù lại chủ nhà xe được ăn miễn phí. Xe khách vừa vào sân nhà hàng thì một hàng rào lập tức được quây lại ngay. Hành khách không có chọn lựa nào khác là phải ăn tại đây với giá cắt cổ, ai cự cãi hay bỏ đi là ăn đòn, có khi bị đánh đến chết! Tết năm nay nhiều nơi du khách phải trả giá ăn uống và dịch vụ cắt cổ: năm chén cơm trắng giá một triệu đồng! Một quả dừa xiêm giá 500,000 đồng. Tất cả kẻ cướp này đều tuyên bố rằng họ làm như vậy vì không cần … gặp lại du khách lần thứ hai. Vì không có nơi dừng tiện nghi như vậy nên tài xế xe khách thường dừng ở một ven đường vắng vẻ và … quen thuộc. Hành khách nam nữ cứ thế ùa vào các bụi cây mà xả bầu tâm sự. Cả một đất nước không cảm thấy có nhu cầu bảo vệ môi trường nên cũng chẳng cần gì phải thân thiện với nó!

Xe đến Chiang Mai lúc xế chiều. Cả nhà ngụ tại một nhà khách quen, tiện nghi, yên tĩnh. Tối hôm nay chúng tôi chat với hai con gái đang ở Úc. Bất ngờ nghe thấy tiếng đì đùng, nhìn ra ngoài cửa sổ thấy pháo bông nở rộ. Một lát sau nghe một tràng pháo nổ, chợt nhớ rằng còn vài giờ nữa là giao thừa. Ở Chiang Mai, thủ phủ miền bắc Thái Lan, có nhiều người Hoa ở hơn. Tuy nhiên, người Thái không ăn tết theo kiểu người Việt hay Hoa nên không hề thấy không khí tết gì ở đây.

Sáng sớm hôm sau, cả nhà đi thăm một điểm du lịch nổi tiếng là Doi Inthanon National Park, đỉnh núi cao nhất Thái Lan (2,565 m) nằm ở huyện Mae Chaem, tỉnh Chiang Mai. Vì đường đèo rất dốc nên hôm nay King nhường tay lái cho A Sảnh Tị, con trai thứ tám trong gia đình bà sui, vốn quen đường đi nước bước vì là người địa phương. Xe hôm nay chật ém, tổng cộng chín người, kể cả A Sảnh Tị và cô vợ người Miến Điện đang có bầu. Xe đã lên đèo, rất ngoằn ngoèo và rất dốc. Cũng rất đông khách du lịch vì xe nối đuôi nhau lên xuống liên tục. Hai bên đường đào rừng nở rộ, lên cao thấy thông bắt đầu xuất hiện và thỉnh thoảng thấy có bách (sapin – fir tree). Tai tôi bắt đầu lùng bùng. Một lúc sau, hai đứa cháu ngoại mặt nhợt nhạt, buồn nôn. Xe phải dừng một lát, mở cửa cho thông thoáng rồi tiếp tục đi. Đến đỉnh đồi, xuống xe, tôi thấy một khu rào kín, bên trong có một kiến trúc lớn hình cầu. Đây là đài khí tượng của Quân lực Hoàng gia Thái Lan (Royal Thai Air Force weather radar). Theo một bậc thang, chúng tôi lên đến đỉnh điểm của ngọn núi. Không khí ở đây mát lạnh, dù tôi đã cẩn thận mặc thêm chiếc áo len. Nhiều giống hoa rừng nở trắng xóa hay đỏ rực cả một cây to, nổi bật trên nền xanh của rừng. Nhiều giống thảo mộc ở đây được giới thiệu là duy nhất trên thế giới. Tôi mê mẩn ngắm những chùm lan rừng nở trắng trên các cây cổ thụ phủ rong rêu (Hình 1010068: Một cụm lan rừng trên đỉnh Doi Inthanon): chưa có bàn tay con người sờ nắn vào đây, không có tay mê lan nào dám có ý nghĩ chôm vài nhánh và mang được xuống núi. Còn lan rừng Việt nam, cùng với nhịp độ phá rừng, đã dần dần tiệt chủng. Tôi chứng kiến hàng bao tải lan rừng bị người Kinh lẫn Thượng chở đến bán cho các vựa thu mua lan, với giá rẻ như bèo, để rồi chúng được phân phối đi các tỉnh với giá cao gấp chục lần. Nghinh Xuân, Đuôi Chồn, Hoàng Lan là những thứ bị khai thác nhiều nhất.


Rời đỉnh núi quay trở xuống một đoạn ngắn, chúng tôi rẽ vào thăm hai ngôi chùa tháp (chedis) được xây để mừng sinh nhật thứ 60 của vua – King Bhumibol Adulyadej, xây năm 1987 – và hoàng hậu – Queen Sirikit, xây năm 1992. Con gái tôi vào tháp lễ Phật. Tôi vẩn vơ bên ngoài chụp hình, ngắm cảnh. Hai ngôi chùa tháp nằm trên hai đỉnh đồi, nhìn xuống thấy núi non trùng điệp. Nếu đi thăm vào tháng 11 hay 12 sẽ thấy mây trắng trôi dưới chân đèo, khắp nơi phủ sương mù. Xung quanh tháp phủ đầy vườn hoa, được chăm sóc chu đáo. Du khách Âu Mỹ đến đây rất đông, mỗi người một máy ảnh, chụp đủ góc cạnh, dáng trầm ngâm.


Nghỉ ngơi, giải khát ở đây một lúc, chúng tôi xuống núi. Được một đoạn, chúng tôi dừng chân ăn trưa và mua sắm trái cây. Đã từ lâu lắm, tôi được nghe nói về trái cây Thái Lan: ngon, rẻ, và nhất là tinh khiết. Hôm họp mặt truyền thống của khóa ĐS 20 ngày 1-1-2013 vừa qua, các đồng môn lại có dịp hội ngộ để ngắm mái đầu bạc của nhau. Đ-T-C hỏi thăm con gái lớn của tôi, tôi nói cháu đã chuyển về lập nghiệp ở Thái Lan rồi. C nói anh từng đi giao thương nhiều ở đây, rồi nói rằng Việt Nam không bao giờ cạnh tranh được với Thái về mặt trái cây. C dẫn chứng rằng VN dùng tràn lan thuốc trừ sâu và nhiều hóa chất độc hại khác để bảo quản trái cây. Anh cho biết vô số thuốc trừ sâu và bảo quản thực phẩm được nhập vào VN từ Trung quốc không được chính phủ lưu tâm hay kiểm soát. Ấn độ là nước thứ hai theo chân Trung quốc tàn phá môi trường VN. Bởi vì khi chính phủ đất nước này không bắt buộc họ phải tuân thủ theo tiêu chuẩn an toàn thuốc trừ sâu và các hóa chất khác, họ tha hồ sử dụng các loại thuốc có nồng độ độc hại cao hơn cả trăm lần cho phép hay sử dụng mặc sức các loại thuốc độc hại bị cấm. Tất cả những loại thuốc này sẽ ngấm sâu và lòng đất, phải mất nhiều năm mới trung hòa được, trước khi hòa tan vào mạch nước ngầm. Sầu riêng VN sau này ngon không thua sầu riêng của Thái Lan (vì nhập giống từ Thái), nhưng những ai đã biết nó độc lại thế nào thì có cho không người ta cũng không thèm ăn: sầu riêng sau khi thu hoạch, cuống được nhúng vào một loại thuốc bảo quản gây ung thư, làm trái sầu riêng để mấy tháng vẫn không bị hư; còn dừa xiêm được ngâm bằng thuốc tẩy nên trắng nõn nường, bày bán cả tuần ở ven đường vẫn không bị thâm. Người Việt theo chân người Tàu, không ngần ngại sử dụng thuốc tăng trọng vô tội vạ trong nông nghiệp và chăn nuôi: dưa leo hay khổ qua hôm trước chỉ lớn bằng đầu đũa, nhưng sau một đêm xịt thuốc tăng trọng hôm sau đã to bằng cườm tay. Không chỗ nào có rau gọi là sạch cả, kể cả trong các siêu thị, chỉ trừ một chỗ: trên sân thượng nhà các đảng viên cao cấp CS , rau trồng trong các bồn xanh mướt, trồng riêng cho gia đình họ ăn. Ngoài ra, nông dân VN trồng trọt theo kiểu tự phát, không nghiên cứu và không có kế hoạch vì chính phủ không hỗ trợ họ nên sản phẩm thu hoạch bị các đầu nậu ép giá mua rẻ, không biết chế biến nên hàng tồn đọng càng rẻ. Café là mặt hàng chiến lược của VN nhưng chưa có thương hiệu nào đủ tầm cạnh tranh trên thế giới. Ngoài ra dân VN lại phải uống “một loại giải khát gọi là café” trong đó thành phần café là 0%: thành phần bào chế: bắp + phẩm màu + hóa chất + hương liệu có mùi café do vô số cơ sở sản suất, hàng ngày cho ra lò cả tấn café  bột phân phối trên toàn quốc. Còn bản thân người trồng café một nắng hai sương, bán lưng cho trời bán mặt cho đất cả đời vẫn không thoát được kiếp nghèo.

Cả gia đình tôi xuống xe rồi tràn vào các gian hàng trái cây (Hình 1010134: Cửa hàng trái cây sấy khô trên Doi Inthanon). Trước hết trái cây ở đây một số được trồng ngay trên núi, nhất là dâu tây . Chúng tôi tha hồ thử cả mấy chục loại sản phẩm, thứ nào cũng hấp dẫn, riết rồi không biết mua thứ nào, và cuối cùng thứ nào cũng … muốn mua. Tôi thích nhất dâu tây, quả to vừa chín tới, trông sạch sẽ và mát mắt, ngọt ngào, một kilo chỉ khoảng 70 baht (năm 2005, 1 baht = 400 VND, hiện nay 1 baht = 700 VND, vậy $1 = 30 baht). Tôi cũng mê quả hồng ép khô, cắn vào vẫn thấy dẻo và mùi thơm đặc thù của nó. Nhãn khô cũng là thứ tôi không thể bỏ qua. Tuy gọi là khô nhưng nhai vẫn dẻo và thơm sực nức: lấy hai túi hai ký nhé! Chợt nhớ C kể chuyện đi Thái Lan, xe chạy, còn chàng thì ngắm vườn nhãn hai bên đường. Lát sau ngủ thiếp đi, giật mình thức dậy vẫn thấy nhãn hai bên đường, rồi lại thiếp đi và tỉnh dậy, vẫn nhãn là nhãn. Nho khô cũng tuyệt trần, giá lại rẻ lắm. Tôi cũng làm hai ký. Nhà tôi cứ suýt xoa làn da của bà bán hàng, phỏng độ ít nhất cũng trên 60 tuổi mà vẫn hây hây như da con gái. Khí hậu và môi trường trên núi thật tuyệt vời. Tôi thì chú ý họ ở một khía cạnh khác: người Thái buôn bán không biết nói thách, đàng hoàng và rất tôn trọng đồng nghiệp. Khách vào cửa hàng nào thì chủ quán đó tiếp, họ không bao giờ chào mời, tranh giành khách của nhau. Cả nhà tôi ngẫu nhiên đổ xô vào chọn mua ở một gian hàng. Tôi kín đáo quan sát xem người chủ gian hàng bên cạnh có xoi mói hoạt động mua bán, giá cả của cửa hàng cạnh mình không. Tuyệt nhiên không! Bà ta điềm nhiên làm việc, nét mặt bình thản. Tự nhiên tôi có cảm giác như mình thiên vị, bất công!



Routard 2000 giới thiệu với du khách Pháp một hiệu cơm chay rất ngon ở đường Ngô Đức Kế quận 1, đồng thời khuyến cáo rằng có một cửa hiệu cơm chay mới khai trương ngay bên cạnh cũng có bảng hiệu và décor y chang như vậy. Cả hai cửa hiệu ra sức thả cò ra mời chào, chèo kéo, giành giật khách hàng ráo riết, không nương tay. Còn ở Dalat, hai cửa hàng cơm giành nhau khách hàng rồi đâm chết nhau tại chỗ trước mặt thực khách. Đi du lịch Trung quốc tôi thấy rằng người buôn bán ở đây không giành nhau khách trắng trợn như ở VN nhưng “bủa vây” khách còn hơn thiên la địa võng. Khoan bàn đến phẩm chất hàng hóa là thứ bạn chỉ nhận ra sau khi “tha” nó về đến nhà và chỉ muốn cho nó vào thùng rác. Thật ra bạn không định mua của nợ ấy làm gì, nhưng vì tâm lý du lịch-mua sắm, và nguyên nhân chính là bạn không thể nào thoát ra khỏi cái đeo bám dai như đỉa đói, giá nào chúng cũng bán được, có khi tưởng như giá cho không. Nói chung bạn phải mua vì lỡ trả hớ, vì thấy của lạ, thấy rẻ, thấy bực mình vì bị đeo bám, vì … đủ mọi nguyên nhân. Một chuỗi ngọc trai trong một cửa hàng nhà nước ở Thượng Hải đề giá năm mươi triệu, nhưng vì người mua được báo trước về giá cả ở đây nói thách ghê lắm nên trả giá riết xuống còn năm triệu. Ông ta hí hửng mua về tặng vợ. Về đến nhà mới biết đây là hàng giả!

Chúng tôi về đến thành phố Chiang Mai lúc ba giờ, dự định khoảng bảy giờ vào Chiang Mai Night Safari ngắm thú dữ nhưng thấy ai cũng uể oải nên quyết định ở nhà nghỉ ngơi. Bây giờ là tối mùng một tết.


Sáng sớm hôm sau chúng tôi trả phòng rồi lên đường đi thăm trại nuôi voi (Maesa Elephant Camp). Hàng chục con voi, còn ngà đầy đủ, và một con voi con, mỗi con được một quản tượng chăn dắt, đứng xếp hàng trong một gian nhà lá dài không vách, có hàng rào bao quanh nhưng chỉ cao độ nửa mét để voi không bước ra ngoài. Đối diện là một gian hàng bán mía và chuối, mía được cột thành bó gồm ba khúc, còn chuối chín được bán từng nải. Du khách mua mía và chuối để tặng voi. Đàn voi gục gặc đầu, cong vòi chào du khách cho chúng ăn. Chúng rất “tế nhị” khi dùng đầu vòi nhẹ nhàng lấy thức ăn, không bao giờ để đầu vòi chạm vào tay du khách. Du khách Tây thương rất khoái màn chụp ảnh với cảnh một con voi quấn vòi quanh ngực, một con khác quấn vòi quanh cổ, rồi con quấn vòi quanh cổ cong vòi lên, nhấc chiếc mũ của người quản tượng của nó đang đội, đặt vào đầu du khách một lát để họ chụp hình rồi nhấc mũ lên trả lại cho chủ nó. Các phụ nữ nhăn mặt vì sợ nhưng cũng đủ can đảm để hoàn thành một tấm hình kỷ niệm. Thỉnh thoảng một con lại rống lên hàm ý thích thú, làm du khách giật mình.

Sau đó, đàn voi đủng đỉnh đi xuống suối bên kia đường, sau gian hàng bán mía và chuối. Đây là thời gian chúng bài tiết. Theo lệnh các quản tượng, từng con lần lượt nằm kềnh xuống dòng nước. Quản tưởng xối nước tắm cho chúng bằng một cái bàn chải to đùng. Vài con còn được yêu cầu há to miệng để quản tượng đánh răng cho. Cuối đoạn dòng suối, một phụ nữ vớt phân bằng một cái sọt to. Một lát sau, đàn voi đủng đỉnh lên bãi trình diễn. Du khách đã ngồi sẵn trên các dãy ghế quanh bãi. Hai con đầu đàn đi song song, vòi nâng tấm biển “Welcome to the Elephant Nature Park”. Sau đó là màn đá bóng vào cầu môn. Một con làm thủ môn, ba con làm cầu thủ. Quả bóng to và nặng gấp ba quả bình thường, tất nhiên! Một quản tượng đặt bóng vào vị trí, chàng cầu thủ vung vòi lên như cướp tinh thần đối phương, cũng lấy đà và … a-lê hấp, quả bóng bay bổng lên trời! Khán giả vỗ tay inh ỏi, chàng cầu thủ càng vung vòi tợn. Thỉnh thoảng một quả bay thẳng vào lưới. Đây là dịp để chàng cầu thủ ngoáy mông loạn xạ, vung chân sau liên hồi, tung vòi lên trời rồi rống lên thích thú.

Có lẽ màn hấp dẫn nhất là voi vẽ tranh. Mỗi con đứng trước một giá vẽ, kể cả con voi con. Quản tượng pha màu rồi nhúng cọ vào sơn. Thân cọ làm thành hình chữ thập để voi nắm bằng lỗ vòi cho vững. Voi cong vòi khi nâng cọ lên sát khung vải, ngừng lại một chút như định vị và định thần rồi mới phết cọ lên khung, sau đó quản tượng lại thay cọ. Mỗi bức tranh được hoàn thành độ nửa tiếng, quản tượng cầm từng bức đi quanh sân cho khán giả xem trong tiếng vỗ tay như sấm. Tranh được kê trên giá, và bán theo giá cả khác nhau (Hình 1010163: Tranh do voi vẽ). Giá thấp nhất là 2,000 baht. Du khách tràn xuống, chen chúc nhau xem và chụp ảnh các bức tranh. Tôi thật không ngờ trình độ của các họa sỹ voi lại “thượng thừa” đến như vậy.



Còn nhiều màn trình diễn nữa, nhưng chúng tôi phải rời đi một địa điểm khác cho kịp chương trình. Trên đường đi chúng tôi nói chuyện về đàn voi. Voi được xem là linh vật ở Thái, được bảo vệ nghiêm ngặt trong các trại nuôi hoặc sống tự do trong các vườn quốc gia. Rõ ràng có mối tương quan tương kính giữa người và vật ở đây. Ngày xưa tôi cũng thấy mối tương quan tương tự khi còn học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, khi tham dự lễ người Thượng tặng bạch tượng cho tổng thống Ngô Đình Diệm tại sân vận động Ban Mê Thuột, cùng với hàng chục con voi đi duyệt binh, sau đó là màn đua voi đầy hào hứng từ Cột Đèn Ba Ngọn đến Cổng Số Một, là những địa danh quen thuộc của cư dân xứ này. Vào ngày lễ Hai Bà Trưng, dân chúng tràn ra đường xem màn diễn hành voi được mặc trang phục lộng lẫy, trên lưng là những chiếc lọng tuyệt đẹp với hai nữ sinh mỹ miều đóng vai Hai Bà Trưng. Chúng tôi cũng hay được nhà trường tổ chức cho cắm trại ở Buôn Čư Suya, cách thị xã Ban Mê Thuột hai cây số. Ở đây có rất nhiều voi, được người Thượng nuôi nấng cẩn thận. Sau 1975, hình ảnh này biến mất nhanh chóng. Những gì thỉnh thoảng tôi còn nghe nói về giống vật đáng thương này là những con voi ốm nhom, bị khai thác sức lao động triệt để bởi các công ty du lịch Bản Đôn, bị buôn bán trong những thương vụ mờ ám, bị hành hạ cả tuần lễ cho đến chết. Thỉnh thoảng báo chí vẫn đăng trường hợp từng đàn voi ở rừng Bình Thuận, Phan Thiết, ban đêm kéo xuống rẫy trồng phá nát hoa màu, chòi canh, nhà cửa, có khi quật chết cả người để trả thù. Ôi, con người sao tàn nhẫn như thế, đến động vật hoang dã cũng bất khả thứ!

Xe lại lên đèo đến Wat Phrathat Doi Suthep, cao 1,676 m, cách Chiang Mai 15 km (Hình 1010170: Wat Phrathat Doi Suthep). Wat, tiếng Thái có nghĩa là chùa, Doi có nghĩa là đồi, hay núi. Wat Phrathat Doi Suthep là ngôi chùa nổi tiếng nhất của tỉnh Chiang Mai. Lên chùa bằng bậc tam cấp cao với hai con rồng phục hai bên; hoặc lên bằng thang máy nghiêng kéo bằng cáp, tương tự như hệ thống funiculaire ở đồi Fourvière, Lyon, có điều ngắn hơn. Chùa đẹp lộng lẫy, muôn màu, xây dựng vào thế kỷ 14 với truyền thuyết bạch tượng lên núi và dừng tại nơi này, báo hiệu xá lợi Phật được lưu giữ tại đây. Tượng bạch tượng đặt trước chùa, một dãy gồm mấy chục chiếc chuông lớn nhỏ đặt theo hình vòng cung bên hông chùa. Trong chùa là tượng Phật Thích ca lớn bằng đồng, cùng nhiều tượng Phật khác. Vợ chồng tôi ngồi ngắm cảnh nơi sân chùa. Từ đây có thể thấy toàn cảnh thành phố Chiang Mai dưới chân núi. Tiếng kinh và tiếng chuông ngân làm cho lòng chùng xuống!

Chiều về, chúng tôi còn đủ thì giờ đi thăm Chiang Mai Zoo. Vườn bách thú rộng mênh mông nên du khách được phép lái xe vào. Hệ thống tàu điện trên không hay xe bus phục vụ đưa du khách đi khắp vườn. Đi cả ngày nên mọi người mệt rũ, chỉ ngồi một chỗ ngắm lạc đà, hươu cao cổ, đà điểu ở xung quanh. Chỉ có King và tôi dẫn hai đứa cháu đi thăm aquarium. Hồ cá là một đường hầm bằng kính quanh co, thiết kế theo cách du khách có thể thấy đủ loại cá biển bơi lội hai bên và trên đầu mình. King cho thợ chụp ảnh chụp hai đứa nhỏ trong tư thế vừa ngồi vừa nằm, sau đó ghép vào hàm một con cá mập … Hai đứa cháu tôi thích lắm!

Chúng tôi qua đêm tại một khu resort ở rất xa thành phố. Nhà ở đây làm toàn bằng gỗ, gồm những thớt gỗ rất dầy và to, lên nước bóng, đẹp vô cùng (Hình 1010185: Nhà khách được làm hoàn toàn bằng gỗ). Khoảng chục căn nhà gỗ như vậy, mỗi căn ba gian cách biệt, rộng rãi và tiện nghi, nằm rải rác bên bờ một hồ nước quanh co. Nhà ăn là một thủy tạ (Hình 1010194: Nhà ăn trên hồ) với những chiếc bàn bằng các súc gỗ màu đỏ sẫm dài đến mười mét lên nước bóng và có vân tuyệt đẹp. Giá trị của chúng chắc là phải cao lắm. Tối hôm nay trời trở lạnh, một phần vì khu resort năm bên bìa rừng. Tắm nước lạnh lạnh run nhưng tắm xong ở trong căn nhà gỗ như vậy lại thấy ấm áp lạ thường. Một ngày du lịch mệt mỏi, vừa đặt lưng xuống là đã … thấy sáng.

Sáng nay đi Chiang Dao Caves, một ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi, ăn thông vào một hang động (Hình 1010203: Chiang Dao Caves. Động phía sau chùa). Trước cổng, ngoài khuôn viên chùa còn sót lại di tích khá nguyên vẹn một ngôi chùa tháp rất cổ, được xây dựng từ năm 191 A.D. Cạnh đó có một cây bồ đề lớn được trồng từ năm 1959, mang giống từ Ấn độ về. Trong chùa, trước khi vào hang có một cái ao, bên dưới một đàn cá trê vàng và đen lượn lờ. Cho chúng ăn để nhìn rõ chúng lớn đến chừng nào, ước lượng có con nặng đến 10 kg. Không thể tưởng tượng lại có giống cá trê lớn đến như vậy. Cá nuôi để làm cảnh chứ không ai được phép bắt ăn. King dẫn hai đứa nhỏ vào hang động chơi, chúng tôi ngồi ngoài ngắm cảnh rừng núi sau chùa. Con gái chúng tôi bận mua các loại thảo dược để về làm thuốc, cháu gửi xe hàng chuyển về nhà trước. Chúng tôi lại khởi hành đi Royal Agricultural Station Angkhang. Đường đi có vẻ hiểm trở, lên đèo, xuống núi, băng rừng. Dừng lại một lúc trên đồi cao, nhìn qua biên giới Miến Điện núi trùng điệp (Hình 1010215: Chiang Dao: Bên kia núi là Miến Điện). Suốt đường đi, dưới thung lũng hay bên sườn đồi núi, đâu đâu cũng thấy cây ăn trái. Đến Doi Angkhang buổi trưa, chúng tôi đi quanh ngắm cảnh và hoa. Tôi phát hiện có giống hoa tử đằng (fuji) màu tím nhạt trồng trên dàn nổi tiếng của Nhật Bản. Tôi định xin vài quả khô, giống như quả đậu về làm giống nhưng được cho biết là trồng ở vùng nóng như Sikiew không thích hợp. Tiếc quá! Ăn trưa xong chúng tôi thăm nhà trồng lan. Ngoài những loài thông thường như dendrobium, phaleanopsis (hồ điệp), paphiodelium (hài), còn nhiều loài lan đất tuyệt đẹp (Hình 1010246: Doi Angkhang, Hoa lan trong nhà kính). Chúng tôi lại bị các gian hàng trái cây khô mê hoặc. Mọi người lại khệ nệ khiêng hàng ra xe. Trên đường về, chúng tôi ghé thăm đồn biên phòng trên núi. Nhìn xuống thấy đường đèo ngoằn ngoèo. Chiều rồi, về thôi!

Chia tay vợ chồng A Sảnh Tị, chúng tôi quyết định đi luôn đến Mea Sai, thành phố cực bắc của Thailand thuộc tỉnh Chiang Rai khoảng 200 km nữa. Trời còn sáng, trên đường đi bạt ngàn là nhãn. Có lẽ Đ-T-C đã đi qua đây. Đến Mea Sai khoảng gần tám giờ tối. Lấy phòng khách sạn xong, chúng tôi xuống phố ăn cháo cho nhẹ bụng. Thấy bán sầu riêng, tôi mua một quả. Ngon! Nhưng hẳn là không bằng sầu riêng ở Bangkok. Đi ngủ sớm, sáng mai dậy sớm đi tiếp!

Vợ chồng tôi dây sớm, xuống phố tản bộ đến cổng biên giới giữa Thái Lan-Miến Điện, cách khách sạn khoảng một trăm mét. Hai nhà sư khất thực đang dừng lại để đọc kinh hồi hướng công đức cho ba người đàn ông cúng dường quỳ mọp xuống đường, chắp tay lạy. Người Thái Lan xem việc cúng dường là một nghĩa vụ cao cả. Bên kia đường là một ngôi chùa Tàu. Trong suốt chuyến đi, đây là ngôi chùa Tàu đầu tiên tôi gặp. Hóa ra văn hóa Trung Hoa khó có đất sống trên đất Thái Lan. Hai vợ chồng tôi đến gần trạm biên giới. Bên kia, phía Miến Điện, người dân qua Thái Lan tấp nập. Nghe nói thị thực nhập cảnh vào Miến Điện cũng dễ, nhưng visa chỉ cấp có … một ngày! Đứng thơ thẩn một lúc, chúng tôi quay về khách sạn. Các cháu nhỏ đã dậy. Lục đục trả phòng xong cũng gần tám giờ. Ăn sáng qua loa, chúng tôi đi Tam Giác Vàng, cách độ nửa giờ xe chạy. Hai bên đường là ruộng lúa bao la. Đến Tam Giác Vàng, các cháu ùa vào sắm đồ kỷ niệm và quần áo. Vợ chồng tôi ra bờ sông ngồi ngắm địa danh nổi tiếng thế giới này (Hình 1010273: Tam Giác Vàng. Bờ trái là Miến Điện, bờ phải là Lào). Ghe máy đi lại tấp nập trên sông. Bên tay phải là Laos với hai kiến trúc mái vòm màu vàng là casino mới xây. Bờ sông phía Lào xây kè cẩn thận. Bên trái là Miến Điện. Xa xa, nổi bật trên rừng cây xanh là mấy ngôi nhà lợp ngói đỏ, cũng là casino nốt. Nghe đâu chủ các casino đó đều là người Thái. Sát với bờ sông bên biên giới Thái là một ngôi chùa với tượng Phật Thích Ca rất lớn sơn thếp vàng ngồi trên bệ lộ thiên. Bên kia đường là viện bảo tàng nha phiến, trưng bày vết tích hoạt động cùng sự tàn phá một thời của thuốc phiện đối với Thái Lan và vùng này nói riêng. Chính phủ đã có chính sách quyết liệt diệt trừ nạn buôn lậu và sử dụng ma túy.



Ở đây phải nói đến đóng góp vô cùng lớn lao của Hoàng gia Thái Lan đối với nông dân đất nước này. Hoàng gia Thái Lan có một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và sinh học quy mô. Các giống cây trồng ưu việt nhất được cung cấp cho nông dân. Những người trước đây sống nhờ vào nghề trổng cây thuốc phiện nay được chính phủ hỗ trợ chuyển đổi trồng gạo, trái cây hay cây công nghiệp, sản phẩm được chính phủ mua với giá ưu đãi. Nông dân thoát được cảnh nghèo, tránh được sự tàn phá sức khỏe, đồng thời cũng thoát được áp lực của giới buôn lậu ma túy. Dường như nông dân nào cũng sắm được ít nhất một chiếc xe hơi, vì người sắm xe hơi đầu tiên được chính phủ trợ giá 10% giá trị chiếc xe. Ngày nay, Tam Giác Vàng là một địa điểm an ninh, kinh tế phát triển: giá đất ở đây tăng gấp mười lần trong những năm gần đây. Người dân Thái rất kính trọng và yêu quý hoàng gia. Vua, hoàng hậu, các hoàng từ và công chúa đều là những người nhân hậu, luôn nghĩ đến sự an lạc của thần dân. Hoàng gia không bao giờ tự đề cao mình bằng cách nhắc nhở thần dân của họ đời đời nhớ ơn họ. Không biết bao giờ người nông dân Việt Nam được chăm lo như nông dân Thái Lan. Một thời gian tôi thất nghiệp, phải làm nông dân: bát mồ hôi đổ ra đổi được bát cơm, bát cơm này ăn vào lại biến thành bát mồ hôi. Ở Việt Nam, giàu có không đến với người nông dân. Bọn ký sinh ăn hết. Năm nay café Ban Mê Thuột lại mất mùa. Làn mây xám xịt lại đổ xuống đầu nông dân.

Đỉnh đồi ngay bờ sông ngự trị một ngôi chùa rất cổ còn lại phế tích các tháp chùa sụp đổ. Có ít dấu hiệu một bàn tay săn sóc, mặc dù chánh điện vẫn sạch sẽ để khách dâng hương. Ít du khách đến đây. Chùa có một tam cấp dài, hai bên phủ phục tượng hai con rắn hổ mang khổng lồ, gọi là Naga còn nguyên vẹn. Đa số du khách dừng chân ở chân tam cấp. Tại đây có mấy gian hàng bán đồ lưu niệm. Một tấm biển và một bản đồ lớn chỉ rõ vị trí của Tam Giác Vàng. Từ chỗ tấm biển có thể quan sát ngã ba biên giới một cách rõ ràng và đẹp nhất. Tại đây tôi quan sát thấy hướng dẫn viên du lịch Thái Lan được đào tạo bài bản. Họ nói thông thạo nhiều ngôn ngữ quốc tế: Anh, Pháp, Nga, Ý, Đức ... Về mặt này họ hơn hẳn các đồng nghiệp Việt Nam.

Xế trưa chúng tôi lên đường đi thăm Doi Tung. Đây là một ngọn núi đơn độc, không cao lắm (khoảng 1300 m) nhưng rất dốc, nằm trong vùng Tam Giác Vàng, sát biên giới Thái Lan-Miến Điện. Doi Tung Royal Villa là nơi Hoàng thái hậu ở trước khi viên tịch. Bà là người rất nhân hậu, có công lớn trong việc hỗ trợ trồng rừng, ngăn chận nạn buôn lậu thuốc phiện và giúp các dân tộc thiểu số ở đây bỏ nghề trồng cây thẩu làm thuốc phiện để quay về làm nông dân thuần túy. Ở đây có những vườn hoa mênh mông, được tạo dáng và chăm sóc tỉ mỉ. Chúng tôi ăn trưa tại một dãy nhà hàng thiết kế thanh lịch, thực đơn ngon . Sau bữa trưa chúng tôi đi thăm vườn hoa, vốn quá rộng để đi cho hết nên chúng tôi quay lại sau nửa giờ ngắm nghía. Con gái chúng tôi không được khỏe từ buổi sáng nên chúng tôi quyết định rút ngắn chương trình du lịch ba ngày và quay về lại Khonrat ngay sau đó. Đường về là một chặng đường dài, xe chạy suốt, thỉnh thoảng dừng ở cây xăng một chút, dự định một giờ sáng mới đến. Tuy nhiên, King lạc đường hơn một tiếng nên gần ba giờ sáng chúng tôi mới về đến nhà. Mọi người mệt rũ.

Sáng hôm sau được tin một trong bốn con chó con của nhà bị bệnh nặng, phải chở đi thú y và để lại đó để được săn sóc. Hôm sau được báo tin nó đã chết. Hai đưa cháu chúng tôi rất buồn. Mấy con còn lại cũng không được khỏe lắm. Chỉ có Nảm Tan, con chó cái lớn là vẫn khỏe. Đây là một con chó trắng đốm vàng nâu. “Chị” Nảm Tan còn con gái, nhưng rất “nặc nô”, phá phách trong vườn, tắm dưới hồ nước, và có thể nhảy vượt bức tường hàng rào cao đến hai mét. Khuya hôm đầu tiên chúng tôi đến, Nảm Tan nhảy cẫng lên mừng rỡ, vẫy đuôi cuống quýt và liếm chân tôi. Ủa, chưa từng quen nhau mà! Hay là quen nhau từ … kiếp trước! Nếu ăn trộm vào nhà mà gặp Nảm Tan thì quả là số đỏ! Trong suốt thời gian ở Thái Lan, tôi chưa hề nghe còi xe lẫn tiếng chó sủa, dù ở vùng quê. Khi xe chạy vào đường làng thường thấy chó nằm lềnh khênh ra đường, không buồn nhấc mình dậy tránh xe. Đây là xứ đất lành đối với họ nhà cẩu, vì người Thái theo đạo Phật nên không ăn thịt chó. Chó được nuôi trong nhà không nhằm thuần túy chống trộm đạo, và dường như chó ở đây cũng hiền nên không thích hợp cho nhiệm vụ canh giữ. Hàng xóm nếu thích có thể được tặng nguyên một ổ chó con không có vấn đề gì. BBC đã từng đăng nhiều scandale liên quan đến buôn chó do người Việt gây ra ở Thái Lan. Các tay buôn người Việt đem vỏ thùng đựng sơn vốn rất tốt để đựng nước để đổi lấy chó con để “về nuôi”. Một thùng đổi được vài con. Người Thái ngỡ thật như thế nên không để ý. Đến lúc cảnh sát Thái phát hiện ra nhiều xe tải, mỗi xe chở cả nghìn chú cẩu con “vượt biên” về VN mới ách lại và lòi ra những vụ “xuất cảnh” bất hợp pháp này. Nghiêm trọng hơn là các cửa hàng thịt chó Hà Nội chuyên bắt và thu gom chó lớn rồi chuyên chở khỏi Thái Lan, bị cảnh sát Thái phát hiện, chủ xe phải bỏ của chạy lấy người. Lúc giải cứu được thì hơn một nửa bị chết vì kiệt sức do nhồi nhét. Người Thái rất phẫn nộ về chuyện người bạn thân của loài người bị hành hạ và tàn sát như vậy.

Bài viết vừa qua của giáo sư Joel Brinley ở đại học Stanford bị cho là xúc phạm nghiêm trọng đến tinh thần dân tộc Việt Nam khi phát biểu trong một bài viết: “Quỹ Động vật hoang dã đã liệt Việt Nam vào dạng quốc gia gây hại cho thiên nhiên hoang dã nhất thế giới.” Nếu bình tĩnh lại sẽ chẳng nên đùng đùng tự ái và ném đá tới tấp như thế đâu! Vì sao ở Việt Nam, kẻ bắt chó liều cả mạng sống để bắt trộm chó hay bả chó để mần thịt dù nguy hiểm chết người đang rình rập khi hành nghề, và người Việt liệu có quá hung hãn khi đánh hội đồng kẻ trộm cho đến chết, đốt xe hành nghề, và không cho thân nhân nhận xác về chôn nếu không trả … tiền chuộc? Vì sao ngày nay người Việt lại hung hãn và hoang rợ đến thế? Câu trả lời lại nêu lên một căn nguyên khác. Và tại sao cảnh sát Nam Phi phát hiện những kẻ buôn lậu sừng tê giác lại ở trong đại sứ quán Việt Nam, và phát hiện ra vụ người Việt săn trộm hay buôn bán sư tử, làm cao sư tử lớn nhất từ trước đến nay tại đất nước này khiến cảnh sát phải kinh sợ khi phát hiện một lò sát sanh sư tử tại nhà một người Việt cư trú bất hợp pháp. Họ cũng nêu đích danh Trung Hoa và Việt Nam là hai quốc gia đầu têu trên thế giới làm gia tăng số động vật hoang dã ở Châu Phi bị tàn sát để lấy sừng, ngà, da, xương và cả thịt nữa? Những vụ bộ đội VN hành hạ thú vật hoang dã một cách dã man trước khi giết thịt được đưa lên mạng làm cư dân nổi nóng. Như thế không phải tố chất hoang dã gia tăng trong con người là gì. Trước hôm quay lại Việt Nam, chúng tôi đến tỉnh Lopburi để xem ngày lễ hội y phục cổ truyền của địa phương, thật ngạc nhiên khi ngay tại trung tâm thành phố, cả đàn khỉ lớn bé đến mấy trăm con thơ thẩn bên vỉa hè, trên dây điện, … khắp nơi. Chúng không hề sợ con người, sẵn sàng lao vào ăn cướp thực phẩm của cư dân. Tôi ngạc nhiên đứng lại chụp hình nhưng được khuyến cáo: máy hình có thể bị khỉ giật bất cứ lúc nào. Một dãy phố phải đóng cửa bỏ hoang không buôn bán gì được vì bị khỉ phá phách, quấy nhiễu. Ái chà, lũ bay có giỏi phá phách như vậy ở Việt Nam đi! Tích tắc là bay vào nồi cao khỉ ngay, hay quán nhậu thịt khỉ. Đâu có thiếu những quán nhậu đặc sản thịt rừng khắp mọi miền đất nướcViệt Nam. Thế mà lại còn nổi nóng và “sỹ” … dân tộc nữa.

Chợt nhớ lời nói của linh mục Ngô Quang Kiệt bị báo chí “lề phải” ném đá tơi bời khi phát biểu rằng người mang hộ chiếu Việt Nam thường bị soi mói ở hải quan các nước. Người Việt có bị kỳ thị, thành kiến oan không? Không có lửa sao có khói? Những vụ chuyển lậu vàng và dollars các loại vào Úc; hàng trộm cắp có tổ chức ở Nhật do các phi công Vietnam Airlines chủ mưu thu gom và chuyên chở về nước; vụ con gái của một viên chức cao cấp của đài truyền hình VN phạm tội chôm đồ ở siêu thị Thụy Điển, rồi sau đó tái phạm ở Singapore; những vụ người Việt trồng cần sa khắp thế giới; và vừa qua cảnh sát Thái Lan bắt nhiều băng đảng người Việt đóng vai du khách vào Thái bấm dây chuyền của dân chúng (người Thái thích đeo dây chuyền vàng, và sợi rất to!) Ngoài ra dân ta lại có thói quen ồn ào, chen lấn, sấn sổ nơi công cộng, không nhường nhịn ai, và điều này gây khó chịu cho những dân tộc khác.

Chuyến đi thật vui cùng với con cháu và vui với cảnh quan và con người của một đất nước làng giềng có nhiều điểm và hoàn cảnh tương đồng với đất nước mình. Nhưng trông người lại ngẫm đến ta, điều này làm tôi thật sự buồn. Không hề tự tôn dân tộc, tôi cảm nhận chỉ số IQ trung bình của người Việt có thể hơn người Thái, nhưng Thái Lan thành công hơn người Việt do thành phần lãnh đạo của họ thuộc giới khoa bảng, tốt nghiệp từ các đại học tốt ở Anh và Tây phương, có tầm nhìn chính xác về cục diện thế giới và chính sách ngoại giao của họ mềm dẻo, khôn khéo, gọi là “ngoại giao xoay chiều” (everchanging diplomacy), không hung hăng sắt máu. Nhờ vậy họ hóa giải được nhiều áp lực, và giữ được độc lập dân tộc trong khi nhiều quốc gia xung quanh bị độ hộ trong quá khứ hay bây giờ lại mất chủ quyền. Kinh tế của họ phát triển và ổn định: GDP 377.158 tỷ USD, per capita: 5,850 USD. Mặc dù những năm gần đây đất nước này có nhiều xáo trộn nội bộ nhưng tôi cho rằng đó là cái giá phải trả cho một tiến trình dân chủ đang hoàn thiện. Ở Chiang Mai, quê hương của cựu thủ tướng Thaksin Chinawatra, tôi vẫn thấy chân dung của ông ta được treo nơi công cộng dù ông ta bị đảo chánh, hạ bệ cách đây bảy năm. Cho dù bị cáo buộc hà lạm hay trốn thuế, ông ta vẫn được nhiều người ủng hộ, nhất là nông dân. Em gái ông, bà Yingluck Chinawatra duyên dáng và khoa bảng, đắc cử thủ tướng và điều hành quốc gia ổn định, cho dù phe đối lập cáo buộc bà chịu ảnh hưởng của anh trai mình. Mọi nơi tôi đi qua đều thấy panneau lớn có hình bà thủ tướng tươi cười. Hãy tôn trọng lá phiếu tự do của người dân. Đừng lợi dụng lòng tin của cử tri, cũng chớ tìm cách triệt hạ tiếng nói đối lập. Mọi xáo trộn hay biến động chính trị rồi sẽ qua đi nếu tiến trình dân chủ buộc phải gây ra các xáo trộn đó. Không bao giờ có ổn định chính trị khi tiến trình dân chủ bị chà đạp.

Tôi còn nhớ ngày tôi học tiểu học thời Đệ nhất Cộng hòa, Công dân giáo dục (Instruction civique-Civics) là môn học nghiên cứu cách vận hành của chính phủ đối với quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong một nước, chứ không phải là Giáo dục công dân (dạy dỗ công dân) là môn học mang nội dung khác trong nhà trường XHCN ngày nay, nghe rất trịch thượng và ngạo ngược. Ngày đó chúng tôi được dạy dỗ để biết dừng lại bỏ mũ xuống khi đang đi ngoài đường mà nghe quốc ca, ngả mũ chào khi gặp đáng tang đi qua, giúp người già cả qua đường ... Đó là cách hành xử căn bản, đạo đức tối thiểu của một công dân nơi công cộng. Một cộng đồng, xã hội, hay quốc gia sẽ phát triển thịnh vượng khi mỗi thành viên trong xã hội đó lành mạnh và đạo đức.
    Không ai có thể tự do hoàn hảo cho đến khi mọi người đều được tự do;
    Không ai có thể đạo đức hoàn hảo cho đến khi mọi người đều đạo đức;
    Không ai có thể hạnh phúc hoàn hảo cho đến khi mọi người đều hạnh phúc.
(No one can be perfectly free till all are free;
No one can be perfectly moral till all are moral;
No one can be perfectly happy till all are happy.)
Herbert Spencer

Mong rằng hồn thiêng sông núi cựa mình để người Viêt chúng ta tìm lại được cội nguồn của tiền đồ dân tộc.

Cùng đi với tôi trong suốt chặng đường dài, nhà tôi cảm khái đời sống mang dấu an lạc mọi nơi ở đất nước Thái Lan, nhất là cảnh tĩnh mịch, thoát tục của những ngôi chùa đã viếng thăm nên cảm tác bài thơ sau:
Chùa Vàng thâm nghiêm
Ngàn xưa Phật Tổ uy nghiêm
Ngàn voi đủng đỉnh khắp miền rừng sâu
Lâm tuyền róc rách ven cầu
Đèo cao vực thẳm mờ sâu sương chiều
Thâm sơn cùng cốc tịch liêu
Chùa vàng mái nhọn bóng chiều thướt tha
Áo vàng nghiêng rặng núi xa
Nhà sư thong thả bước qua hồng trần
Dâng hoa thanh khiết vô ngần
Hướng tâm vô niệm trầm luân thoát vòng
Sân chùa quét lá thong dong
Giũ tâm thanh tịnh giữa dòng thế gian
Lời kinh trầm bổng tơ đàn
Gieo cung thoát tục lời vàng phiêu diêu
                       * * *
Vời trông làn khói lam chiều
Quê nhà xa thẳm hồn nhiều nhớ thương

Nguyễn Thị Hồng
Những ngày đầu năm Quý Tỵ trên đất Thái Lan.
(Hết)
………………………………
* Tôi viết gần xong bút ký này thì đọc được bài viết của tiến sỹ Phùng Liên Đoàn gửi ông Nguyễn Trung. Đọc bài của tiến sỹ tôi rất cảm động bởi vì tiến sỹ và tôi cùng thăm Thái Lan hạn hẹp ở hai vùng khác nhau nhưng lại chia sẻ cùng một nét văn hóa đáng học hỏi. Với kỳ vọng gióng tiếng chuông cảnh tỉnh chấn hưng tinh thần dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cực kỳ suy đồi này, mời độc giả cùng đọc và chia sẻ.
"Các lãnh đạo “tự tạo” của ta cần theo gương các lãnh đạo của Thái mà ngộ ra cái bất cập của cá nhân mình trong văn minh nhân loại và sự quan trọng của việc tạo hạnh phúc cho người dân trong thời gian rất ngắn mình tại chức."

"Cần giáo dục về Hạnh Phúc suốt từ mẫu giáo tới đại học, dưới mọi hình thức từ thực tế tới trừu tượng."
Thư ông Phùng Liên Đoàn gửi ông Nguyễn Trung
Ngày 20 tháng 2, năm 2013
Thưa anh Trung:

Tôi đã đọc thư ngỏ của anh gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam, và tôi thấy thấm thía từng câu từng chữ trong thư đó.

Hôm trước tôi có dịp đi Bangkok vài tuần. Tôi đã đi bộ trên 30 cây số và đi xe điện, taxi, đi thuyền trên vài trăm cây số khắp thành phố Bangkok từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, từ bến thuyền số 1 tới bến thuyền số 31. Tôi cũng có đi trên đường Wireless và nhìn thấy Đại sứ quán Việt Nam nằm gần các đại sứ quán Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật, Mỹ… Tôi nhớ anh đã từng đại diện nước Việt Nam làm việc tại đó, nhớ tới lần gặp anh tại Hà Nội và đọc những bài viết rất tâm huyết của anh. Xin có vài nhận xét:

•    Về vật chất, các thành phố Saigon, Hanoi, Đanang, HaiPhong… có thể thua Bangkok khoảng hơn 50 năm, nhưng về dân trí tôi e rằng nước ta thua Thai Lan cả trăm năm. Khó có thể mường tượng được tới khi nào lãnh đạo ta mở rộng tầm mắt giao thiệp với mọi nước trên thế giới một cách khiêm nhường như các vua Thái từ giữa thế kỷ 19. Khó có thể mường tượng được tới khi nào người dân ta đối xử với nhau hiền hòa như người Thái, bởi vì tại Thái Lan người người đều có Phật trong tâm và kính trọng đức vua như thánh sống. Khó có thể mường tượng được khi nào người Việt Nam lái xe không bóp còi, chờ đợi không tranh giành, đi đường không xả rác như tôi thấy tại Bangkok; và suốt hai tuần đi khắp các hang cùng ngõ hẻm tôi không thấy một vụ cãi nhau hoặc một nhóm thanh niên ăn chơi ầm ĩ (chắc vì tôi đi ban ngày!). Bangkok có nhiều xe hơn Saigon, đâu đâu cũng thấy có chợ và nhà thương, nhưng chợ của họ thì sạch sẽ vệ sinh, và nhà thương của họ thì nhân viên làm việc rất quy củ, nghề nghiệp, lặng lẽ, kính trọng bệnh nhân (chính tôi thăm viếng hai nhà thương). Bangkok có xe điện ngầm và xe điện trên không, xây cất theo kỹ thuật tân tiến nhất, chuyên chở hằng ngày cả nửa triệu người (do tôi quan sát và tính nhẩm); bến xe rộng rãi, có máy lạnh và không một cọng rác. Đặc biệt là người đi xe tuy ào ạt nhưng rất lịch sự, không chen lấn nhau, và đã hơn một lần có người đã đứng dậy nhường chỗ ngồi cho tôi mặc dầu tôi vẫn tự cho rằng mình “không già lắm”. Tuy Thái Lan cũng còn nhiều bất cập, như vỉa hè cũng hẹp và lồi lõm như vỉa hè Hanoi, Saigon; và báo chí cũng đưa tin về tệ nạn xã hội, tôi thấy có nhiều dấu hiệu rất tích cực của một xã hội càng ngày càng dân chủ văn minh. Một vài dấu hiệu này là: công an tại các trạm xe rất nghề nghiệp và lễ độ với người đi xe; rất ít nghe còi hú vì tai nạn xe cộ hoặc chuyên chở cấp cứu; đọc tin trên báo (tiếng Anh) thấy rất nhiều vấn đề các bộ trưởng, vụ trưởng làm việc thúc đẩy kết quả nhanh nhẹn cho người dân; và có cả chuyện ông thủ tướng bị kết án vì hối lạm, các giao kèo bị dò xét vì có dấu hiệu tham nhũng.
•    Tôi nhớ tới lời anh thuật chuyện ta tự hào đã đánh được Tàu, Pháp, Mỹ, thì một chính khách Thái nói họ cũng rất tự hào là suốt 200 năm không phải đánh ai. Vậy thì đâu là sự thật về dân trí của một quốc gia? Dân trí có phải là mọi người đều hăng say “phanh thây uống máu quân thù” để đánh ngoại xâm, sau đó lại bị thống trị bởi vua quan mới, không có cơ hội làm việc và nuôi con cái cho ăn học đầy đủ, rồi cái nghèo hèn lại biến các người dân anh hùng của ta thành nô lệ cho những người có quyền, có tiền trong nước và khắp thế giới? Hay dân trí là sự hiểu biết và cách làm cách sống của người dân trong một xã hội pháp trị hài hòa được chèo lái bởi lãnh đạo biết mình biết người, không nói một đằng làm một nẻo? Tôi e rằng dân trí của Việt Nam bị kìm hãm trong cá tính bộ lạc, hung hãn, tự kỷ của người Việt Nam, lãnh đạo cũng thế và người dân cũng thế. Thái Lan thì khác. Người Thái hầu hết đều có đạo trong tâm và luôn luôn kính trọng vua của họ là người đã có viễn kiến biết nhường quyền cai trị cho chính phủ. Dân trí của Thái Lan giúp Thái dễ dàng hơn trong việc xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, văn minh.

Làm sao đây để cải tiến cái tư duy bạo tàn và bộ lạc nằm trong huyết quản ta qua môi trường man rợ mà ông bà cha mẹ ta đã từng trải và vô hình chung kéo dài để nó thành gen trong con người Việt Nam? Chính vì muốn tẩy uế cái gen đó nên tôi vẫn kiên trì tìm cách thâu góp kinh nghiệm của Việt Nam và của nhân loại (như anh cũng đã nhấn mạnh) để viết Hạnh Phúc Giáo Khoa Thư, cố gắng hình dung ra Việt Nam 100 năm sau này dựa trên 7 yếu tố của hạnh phúc mà Liên Hiệp Quốc đã đúc kết. Đó là, người ta chỉ thấy hạnh phúc khi có (1) an ninh cái ăn, (2) an ninh sức khỏe, (3) an ninh kinh tế (giáo dục, việc làm), (4) an ninh cá nhân (không bị “làm việc” vô cớ hoặc bị cướp bóc có tổ chức hoặc vô tổ chức), (5) an ninh cộng đồng (xã hội công dân), (6) an ninh môi trường – vệ sinh công cộng, và (7) an ninh cơ chế. Trong 7 yếu tố đó, an ninh cơ chế bao trùm mọi yếu tố khác, và vấn đề này chính là chủ đề của lá thư của anh và các kiến nghị của các trí thức.

Rồi đây anh và tôi, cũng như mọi người tốt xấu trong lịch sử sẽ trở về với cát bụi. Nhưng việc chúng ta làm ngày nay may ra cứu giúp con cháu Việt Nam tránh được nhiều đau khổ vì nô lệ dưới mọi hình thức. Người dân các nước dân chủ văn minh được tương đối hạnh phúc là nhờ công trình của nhiều vĩ nhân tiếp tay với nhau, từ thế hệ này qua thế hệ khác, xây dựng 7 yếu tố trên một cách bền vững, trong một môi trường văn minh, biết mình biết người. Các lãnh đạo “tự tạo” của ta cần theo gương các lãnh đạo của Thái mà ngộ ra cái bất cập của cá nhân mình trong văn minh nhân loại và sự quan trọng của việc tạo hạnh phúc cho người dân trong thời gian rất ngắn mình tại chức. Và người dân Việt Nam cần được học thế nào là hạnh phúc ngay từ khi tập nói, để nếu trở thành lãnh đạo thì làm việc tốt hơn cho người dân, nếu chỉ là người dân thông thường thì làm việc và sống một cách hài hòa với mọi người. Kiên trì giáo dục và thực hành như vậy qua nhiều thế hệ thì may ra ta mới tẩy uế được cái gen cá nhân, chủ quan, bộ lạc, bạo tàn, nô lệ, trong huyết quản ta. 100 năm có đủ không? Nếu tích cực thì may ra có thể đủ, nhưng nếu tiêu cực thì ta cũng vẫn là Việt Nam sau chiến thắng ngoại xâm Nguyên, Minh, Thanh, Pháp… mà thôi. Vì thế, tôi nghĩ ta cần giáo dục về Hạnh Phúc suốt từ mẫu giáo tới đại học, dưới mọi hình thức từ thực tế tới trừu tượng.

Xin cảm ơn anh về các đóng góp hết sức quan trọng. Hi vọng các vị tại quyền ngày nay và sau này hãy lắng tai nghe anh, chăm chú đọc anh.

Kính thư,
Phùng Liên Đoàn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...