17 March 2013

Tiếng Ca Dao Trong Đêm

"Dân tộc Việt Nam từ bao đời đã có nền văn hóa truyền thống riêng, mà do hoàn cảnh lịch sử không thuận lợi, nhất là do chính sách đồng hóa của đế quốc kéo dài trên ngàn năm đô hộ, nền văn hóa đó đã bị tiêu diệt, mất mát, thất lạc gần hết. Chỉ một phần nhỏ di sản đó được chôn giấu dưới lòng đất như cổ vật, hoặc được ẩn giấu trong những mảnh vụn huyền thoại., di tích lịch sử, hay gửi gấm qua những vần ca dao, những câu tục ngữ truyền khẩu ngắn gọn, rải rác trên khắp nẻo đường quê hương. Do đó việc nghiên cứu để nhận diện cái cấu trúc toàn diện của  nền văn hóa đó thật không dễ."

Để mở đầu cho một trong những tác phẩm của mình, tác giả Nguyễn Văn Nhiệm đã viết như thế. Ông là một trong những người đang đổ công sức đi tìm lại, góp nhặt những mảnh vụn của nền văn hóa quý giá đã đổ nát kia để cống hiến cho chúng ta một cách mạch lạc những gì còn có thể phục hồi lại được.

Bài viết dưới đây trích từ tác phẩm mới của ông xuất bản vào cuối năm ngoái, "Ca Dao, Con Đường Văn Hóa Việt". Sách dầy 566 trang, nội dung phong phú, hình thức in ấn lại trang nhã. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý anh chị bài viết trong tác phẩm mới này. (Điền Thảo)
* *
*
Trước ngày viễn du vào miền xa lạ, tôi quyết định về sống nơi quê vợ một thời gian ngắn ngủi còn lại. Nói là để làm rể lại, vì từ ngày cưới vợ chưa  lần nào tôi có dịp ở lại quê vợ cả. Nói như vậy không đúng hẳn. Thật ra tôi muốn khắc ghi vài kỷ niệm mến yêu nơi đồng nội, mà trong thời gian sắp tới, nơi xứ lạ quê người làm sao mình có thể tìm thấy được. Tôi muốn ôm ấp, khắc ghi vài mẫu ký ức sống vào tâm khảm như hành trang duy nhất.

 Trên đường từ Long Điền đến Đất Đỏ, về phía trái có cái hồ nước lớn gọi là Bàu Thành. Ba vợ của tôi đã kể lại, rằng lúc xưa khi vua Gia Long tạm dừng chân, đóng quân nơi đây, đã cho đào cái bàu này để tắm voi của nhà vua, cho nên mới có cái tên như vậy. Sau đó chẳng bao lâu, quân Tây Sơn đến đánh đuổi, quân nhà Nguyễn thua chạy thoát thân, bỏ lại một số cung nữ. Những  cung nữ này đã  lẫn lánh vào trong dân chúng, được bảo bọc, sau lập gia đình và đã chính thức trở thành dân địa phương. Ở làng An Ngãi, khoảng giữa Long Điền, Đất Đỏ có đền thờ tướng công Châu Văn Tiếp của nhà Nguyễn và trường Trường Trung Học Phổ Thông của Thị xã Bà Rịa tỉnh Phước Tuy một thời cho đến năm 1975 có tên của vị tướng công này. Học sinh trường Trung Học Châu Văn Tiếp thời đó thường về thăm viếng đền thờ này,qua đó tìm hiểu về vị tướng quân, mà trường học của mình đang mang tên. Đám con trai nói chung lại thích đến Bàu Thành hơn, ngồi bên bờ hồ thả cần câu cá, mà mắt mơ màng nhìn vào cõi xa  xăm. Thật khó mà tin rằng có đứa con trai nào đó đến đây, ngồi hàng giờ thả hồn vào dĩ vãng để chỉ gợi lại hình ảnh những chú lính tắm voi tầm thường. Không, tôi không tin như vậy, mà chủ đề trầm tư có thể là hình ảnh các nàng cung phi, các nàng công chúa vừa có tính cách hiện thực lịch sử, vừa có tính cách mơ mộng huyền thoại. Rồi còn biết bao chủ đề khác liên quan tới di tích Bàu Thành  như luận về anh hùng và thời thế, anh hùng tạo thời thế và thời thế tạo anh hùng, trường kỳ chiến đấu và tốc chiến tốc thắng, thống nhất đất nước và sự phân tranh, công cuộc mở mang bờ cõi, đánh đuổi ngoại xâm với tội   “cõng rắn cắn gà nhà”, sự thành- bại, chính nghĩa với phi nghĩa, độc lập với lệ thuộc, tự do với nô lệ, thu phục nhân tâm với thất nhân tâm... 

Trí tưởng tượng, sự mơ mộng là suối nguồn sáng tạo của con người, giờ đây đã biến đi đâu mất, chỉ còn chút ít sức lực dồn hết vào đôi chân, để nhấn vào cặp bàn đạp của chiếc xe đạp cũ kỹ thời học trò, cố lên cái dốc quá dài từ nhà thương cho tới chợ Đất Đỏ. Dốc cao thì mặc dốc cao, trời nắng thì mặc trời nắng, đã có mái nhà nằm ngay trong lòng thì dường như mình được thêm sức, chân đạp mạnh hơn,  và tiếng nói của đứa con thơ sáu năm chưa thấy mặt văng vẳng trong lòng như luồng gió mát làm quên đi cái nóng bức.

“Đã tới nhà rồi!” Tôi reo lên không thành tiếng. Vứt chiếc xe đạp trước sân, tôi chạy ngay vào nhà. Mọi người mừng rỡ trong đoàn tụ. Tôi chào các Cô Bác, người thân đang có mặt, rồi ôm choàng lấy vợ và đứa con trai nhỏ trong xúc động không lời. Không thấy người mà tôi mang ơn, người đã cưu mang, đùm bọc vợ con tôi trong thời gian qua, tôi ngó qua gian nhà thờ Ông Bà rồi nhìn xuống nhà dưới. Vợ tôi như hiểu ý, nắm tay dắt tôi vào gian nhà trong. Tôi chưa kịp nói lời nào, thì ba vợ tôi đã lên tiếng:

“ Từ sáng tới giờ, tao lui cui với bốn cái chân giường này. Lỏng mộng hết rồi, tao sửa hoài mà không được, đành kiếm đinh ốc vặn cho chắc chắn ”. Chú Út vừa bước vào, nghe như vậy liền nói: ” Anh Tám thật khéo lo thì thôi! Thằng Tư bây giờ, nó ốm nhom, ốm  nhách như con cò ma, nặng bao nhiêu mà sợ sập giường chớ! Thôi! Anh ra đây, tôi có đem hai con gà mái dầu qua cho con Tư, gọi là có chút ít đóng góp cho buổi cơm đoàn tụ gia đình...“

Buổi chiều hôm đó, cả đại gia đình kéo nhau đi làm cỏ rẫy, tôi theo ba vợ thăm ruộng lúa gần đó. Tối lại, mọi người đều về nhà, riêng vợ chồng chúng tôi ở lại rẫy, để sáng sớm hôm sau có thể tưới kịp hết các loại bầu, bí, mướp...trước khi  mặt trời lên khỏi ngọn cây. Ngày là đời sống của con người, đêm là đời sống của vạn vật. Ngày thì làm việc, đêm thì yên nghỉ, nhưng ở hoàn cảnh của chúng tôi thì làm sao mà không thao thức, biết bao điều tâm sự cứ nối tiếp nhau không dứt.

Bên ngoài trời tối đen như mực, thỉnh thoảng loé lên vài đốm sáng của đom đóm lập loè bên cành cây, ngọn cỏ, vài ánh sao sẹt xuống lưng chừng trời, ngoài ra không còn nhìn thấy gì nữa cả. Ánh sáng nhường chỗ cho âm thanh: tiếng ếch, nhái, ễnh ương từ bên ruộng vọng lại, tiếng côn trùng nỉ non bên rẫy, tiếng cú rúc trong bụi rậm, tiếng vạc kêu bạn trong đêm...

Bên trong túp lều tranh cũng chỉ còn nghe có âm thanh: tiếng kêu lách tách của lửa than trong bếp, tiếng muỗi kêu vo ve ngoài mùng, tiếng thổn thức của con tim...Rồi tiếng trẻ con của ai khóc ở rẫy bên kia, giọng ru con thật là ngọt ngào của người mẹ, mà lâu lắm mình mới được nghe lại. Những câu ca dao ru con ” Ầu ơ, ví dầu ”...có tác dụng kỳ diệu như bầu sửa mẹ nuôi dưỡng tuổi thơ, đưa trẻ vào giấc mơ thần tiên. Tôi lắng nghe cho đến khi tiếng ru tan biến trong màn đêm. Tiếng ru con này gợi cho tôi nhớ giọng ru con của mẹ tôi, lúc tôi còn nhỏ, không bằng ý thức, mà bằng tiềm thức u linh, man mác. Rất tiếc là tôi không được may mắn nghe chính giọng ru con của vợ tôi, vì tôi phải xa nhà. Lời ru con của các bà mẹ Việt bao đời đã là sự đóng góp lớn lao, tạo nên sự phì nhiêu cho mảnh đất tiềm thức, tâm linh của bao thế hệ, là cơ sở phát huy trí tuệ.

Tôi cứ tưởng tiếng đêm đã đến lúc ngưng nghỉ, nhường lại cho những tiếng không thành tiếng để đi vào giấc ngủ, ai ngờ hết tiếng ru con của người vợ, lại trổi lên lời ca dao của người chồng. Trong bóng đêm, mọi năng lực đều qui về một quan năng cảm giác là thính giác, tôi nghe rõ mồn một như vầy:
“ Đêm nằm nghe vạc trở canh,
Nghe Sư gõ mõ, nghe anh vỗ nàng. ”
Nếu lời ru con của người mẹ đã lôi cuốn tôi vào vùng hoài niệm thời ấu thơ, thì tiếng ca dao của người chồng đang gây chấn động tận tâm can của tôi, kéo tôi về với thực tại. Ai mà lại thấu rõ được nỗi lòng mình như vậy kìa? Hay là một sự tình cờ? Hỏi ra mới biết cái chòi ở rẫy bên kia là của hai vợ chồng thằng Tánh, con của chú Năm Đức ở hàng xóm. Thì ra Tánh là người, mà sau bửa cơm mừng đoàn tụ, đã nói với tôi một câu ngắn ngủi mà hết sức chân tình: ” Ráng lên nha anh Tư! ”

Tiếng ca dao thật ấn tượng, cho mãi đến ba mươi năm sau, khi ngồi viết lại hai câu này, tôi có cảm giác như còn nghe văng vẳng lời ca dao kỳ diệu của Tánh trong đêm hôm đó. Thật là hàm súc! Chỉ vỏn vẹn có hai câu, mà chứa đủ cả những phạm trù chính yếu như thời gian, không gian, tôn giáo, nhân sinh. Rồi từ những phạm trù đó, các chủ đề khác cũng được dẫn xuất ra, như phạm trù nhân sinh thì thật là phong phú trong đời sống ca dao! Chính vì vậy, hai câu trên được chọn để mở đầu cho phần nghiên cứu về ca dao , tục ngữ trong   Con đường văn hóa Việt .  

Cước chú :  Xem  Tiếng hát ru con  ở  chương  12 nói về Đời sống có văn hóa .

Nguyễn Văn Nhiệm
____________________________________

Trích từ "Ca Dao, Con Đường Văn Hóa Việt"
Lạc Hồng, 2012. Tác giả giữ bản quyền 

No comments:

Post a Comment