14 March 2013

Bút ký nhân du lịch miền bắc Thái Lan * (2)

Tất cả hình kèm theo bài là do tác giả chụp nhân chuyến đi.

(2) No Sex

Chúng tôi lại lên đường đi sâu vào rừng. Đường càng lúc càng vắng, rừng càng lúc càng thâm u. Lâu lắm mới có một chiếc honda hay xe hơi chạy ngược chiều. Mới ba giờ chiều mà trời như sắp tối. Cảnh vật xung quanh âm u, rờn rợn. Con gái chúng tôi nói tài xế quay đầu xe trở ra. Mua một vài thứ ở siêu thị rồi chúng tôi đi đón hai cháu ngoại. Trường hai cháu học, Saint Stephen International School theo chương trình Cambridge, cũng ở Khao Yai, cách nhà 50 km và mất khoảng nửa tiếng xe chạy. Trường nằm trên ngọn đồi, rộng rãi, khang trang, đầy đủ cơ sở và thiết bị mà học phí chỉ khoảng hai phần ba học phí của trường quốc tế Úc ở quận 2 Sài Gòn.

Hôm sau chúng tôi lại đi Bangkok, đến đại sứ quán Việt Nam. Con gái chúng tôi phải đổi passport vì visa đã đóng kín mít. Trước đó cháu được hẹn hai tháng sau quay trở lại vì … máy làm passport bị hỏng! Khách đến xin visa chỉ độ mươi người. Phòng làm việc nhỏ, chỉ có hai ghi-sê. Một thanh niên da trắng đeo ba-lô trình bày gì đó một hồi rồi bỏ ra ngoài, miệng lầu bầu… Nhìn vào tôi thấy một nhân viên nữ đứng tuổi người miền Bắc (có nét đặc trưng rất dễ nhận ra) đang “xử lý” công việc. “Căng” rồi đấy! Đến lượt con gái tôi, cháu trình bày gì đó nhưng nhân viên này yêu cầu ngồi đợi, giải quyết sau. Trông mặt cháu không vui… Ghi-sê bên kia không có ai làm việc. Một tấm bảng treo bên trên:
BUSINES AND TOURIST VISA
Check before leaving
Tôi định giơ máy lên bấm tấm bảng này nhưng cháu nhà tôi khều tay nháy mắt ngăn lại. Tôi kịp thấy một camera gắn trên trần nhà. Hình như cần thêm một chữ S nữa vào BUSINES, và liệu có nên thêm Please vào hàng dưới cho … mềm mại ngôn ngữ ở cơ sở ngoại giao không? Một người đàn ông đứng tuổi, tóc ngắn và bạc, mặt tròn như trái bưởi hồng hào, hai mắt ti hí, vác cái càng ba chân và máy hình bước ra từ phòng bên. Gắn máy hình lên chạc, rồi không nói lời nào, chỉ tay vào chiếc ghế đẩu kê sẵn sát tường phía sau có phông vải trắng cho một chàng da trắng mũi lõ đứng gần đó từ bao giờ. Chàng ngoan ngoãn ngồi vào. Bác phó dòm hơi nghiêng đầu qua bên trái, chàng ngoan ngoãn làm theo. Bác phó nghểnh cổ ngước mặt, chàng bắt chước đúng kịch bản. Bác phó sửa lại cổ áo của mình, chàng hoàn thành y chang sứ mệnh. Click! Không còn pha kịch câm nào hoàn hảo hơn! Bác phó vẫn không nói lời nào, cất máy vào phòng rồi đi ra, mặt nghếch lên như lúc nãy theo kiểu cách “hạ mục vô nhân”.

Còn con gái chúng tôi lúc này cúi sát đầu xuống ghi-sê, trong tư thế năn nỉ. Cháu cố nấn ná nhưng rồi cũng phải quay lại chỗ ghế chúng tôi ngồi đợi, vẻ thiểu não. Trên đường về cháu nói: “Con quỷ cái đó ác lắm! Nó bảo máy làm passport vẫn còn hỏng. Thấy mình khổ sở mặt nó vui hẳn lên.” “Sao con không hứa hẹn cho nó phong bì?” “Việc đó là hàng đầu, bố không phải dặn. Nhưng làm sao con biết nó muốn gì? Nội cái điện thoại nó đang dùng giá cũng cả trăm triệu rồi. Nó đâu có cần tiền. Con năn nỉ nó hết nước miếng, nó chỉ phán một câu _ Không nói nhiều. Có muốn lấy lại hồ sơ không thì bảo _ Thế là hai vé con đã book đi Miến Điện xem như mất toi.” … “Sao bố không thấy nhân viên sứ quan nói tiếng Anh với hành khách?” “Con chưa bao giờ nghe họ nói tiếng Anh với ai cả. Hồ sơ xin visa nào không hợp lệ thì đùn qua ghi-sê kèm theo chữ NO lạnh lùng.” Bất chợt tôi nhớ đến vị ngoại trưởng tại vị lâu đời nhất hành tinh này, từ 1957 đến 1985, đó là Andrei Gromyko, được mệnh danh là ngoại trưởng KHÔNG (/nhét/). Đó là ngôn ngữ ngoại giao gọn gàng ông ta sử dụng cả trăm lần khi phủ quyết mọi vấn đề ở LHQ không có lợi cho Liên xô. Hôm nay là một ngày không vui!
Thật trùng hợp khi ngày hôm sau lại là sinh nhật của bà sui. Chúng tôi qua chúc thọ và dự tiệc cùng gia đình. Tôi chúc bà thêm tuổi thọ, vui cùng con cháu. Qua lời thông dịch của con gái tôi, bà cảm ơn rồi cười khanh khách, hiền hòa. Cả nhà ngồi xuống chiếu vì đông quá, lớp con lớp cháu nhặng xị cả lên. Tôi được mời món xôi do chính tay bà nấu đựng trong một cái chõ bằng tre. Xôi ăn với đậu vừng (mè). Chưa bao giờ tôi được món xôi ngon như thế, mặc dù tôi không thích nếp tí nào. Có lẽ xôi ngon một phần là nhờ mè rang với đậu phụng.

Nhập tiệc được một lát thì có hai người trung niên bước vào. Tôi được giới thiệu người mặc áo hoa xanh là em trai kế con rể tôi, là công chức cao cấp trong ngành giáo dục tỉnh Khonrat, còn người kia, nhỏ con và đen, nói tía lia, là đồng nghiệp. Người em kế, nghe gọi tên là A Sợt (nghĩa là chú Sợt) đến nâng mẹ đứng lên, dìu đến một chiếc ghế rồi đặt mẹ ngồi vào đó. Sợt quỳ xuống trước mặt mẹ, anh chàng đồng nghiệp quỳ kế bên. Chàng đồng nghiệp xướng lên những câu trầm bổng, A Sợt lập lại. Cứ thế kẻ xướng, người lập lại đến mười phút. Sau đó A Sợt lấy cái thau nhỏ để bên cạnh, đặt chân mẹ vào rồi đổ mấy chai nước vào đó, vừa kỳ cọ chân cho mẹ, vừa tiếp tục lập lại lời được xướng. Rồi A Sợt vộc nước lên lau mặt cho mẹ bằng tay, vuốt hai bên má mẹ nhiều lần, nói những lời âu yếm rồi vừa rúc đầu vào bụng mẹ vừa nói nũng nịu. A Sợt lấy một chiếc xà-rông mới tinh trong bao ra quàng vào cho mẹ, ôm lấy mẹ vừa nũng nịu, vừa trêu mẹ _ tôi thấy mọi người cười phá lên nên đoán như vậy. Bà mẹ cười khanh khách, tiếng cười thật hiền hòa. A Sợt bưng thau nước ra nhà sau, một lúc sau bước lên, tay gài lưng quần, ở trần, đầu ướt như vừa tắm xong. A Sợt vừa mặc áo vừa ngồi xuống chiếu nhập tiệc, cạnh anh chàng tía lia. Từ đầu chí cuối tôi chẳng hiểu họ nói mô tê ất giáp gì. Về nhà rồi con gái chúng tôi mới giải thích rằng A Sợt nói những lời tạ ơn mẹ đã cho các con sự sống, sau đó lấy nước rửa chân cho mẹ để dội lên đầu và tắm, không tráng lại bằng nước khác. Kiếu từ ra về, tôi cảm ơn bà món xôi và đậu mè, bà lại cười khanh khách. Tiệc sinh nhật đơn sơ nhưng thật cảm động.
Tôi quên giới thiệu tài xế trong suốt thời gian chúng tôi đi chơi hai tuần. Đó là King, con trai lớn của A Sợt. Năm nay King 22 tuổi, có vợ và một con nhỏ, hàng ngày chịu trách nhiệm đưa đón hai cháu ngoại của chúng tôi đi học, có vai vế là các chị của King mặc dù tuổi nhỏ hơn King, vì bố King là em kế của con rể chúng tôi, vốn là anh cả. King ốm và ẻo lả như con gái, ít ăn ít nói. Mỗi lần nói thì từ tốn, nhỏ nhẹ. Kinh không uống rượu bia, thỉnh thoảng chỉ hút một điếu thuốc khi ghé trạm xăng sau một chặng đường dài. Kinh lái xe cẩn thận, trầm tĩnh, không biểu lộ cảm xúc.

Sáng nay King chở chúng tôi thăm ngôi chùa đầu tiên gần nhà ở huyện Sikiew. Chùa nằm trên một khu đất rộng mênh mông với nhiều vườn hoa và hồ nhân tạo. Chùa rộng và cao theo kiến trúc mái nhọn đặc thù của Thái Lan và Miến Điện. Ngay chính điện là tượng một vị sư ngồi thiền cao đến mươi mét, toàn thân dát vàng, có lẽ vị sư có công đức rất lớn với địa phương. Phật tử đến chùa làm công đức rất đông: lau rửa hồ cá, cắt cỏ, dọn dẹp, trồng hoa, vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Khung cảnh thật thanh bình! (Hình Chùa ở Sikiew, Nakhon Ratchasima)

Chúng tôi chơi ở chùa đến xế trưa, ăn trưa tại một nhà hàng rồi đi thăm một ngôi chùa khác. Đây là một ngôi chùa đặc biệt. Gọi là chùa nhưng chỉ là một gian nhà bình thường và vài túp nhà nhỏ nằm rải rác trong rừng sâu, rất vắng vẻ. Mặc dù ở chốn thâm sơn cùng cốc nhưng đường dẫn vào chùa được tráng nhựa tốt. Chúng tôi là những người duy nhất thăm chùa vào thời khắc này. Vượt qua dãy nhà đầu tiên vẫn không thấy ai cả. Đi theo một con đường tráng nhựa nhỏ vào sâu bên trong, tứ bề vẫn là rừng âm u.

Tới một ngã rẽ chợt nghe tiếng kinh vọng đến từ rặng cây xa, một vị sư áo vàng đang quét đường với một cây chổi có cán và tán chổi rất dài. Một bảng ghi chú đặt nghiêng trên phiến đá, viết bằng tiếng Thái và tiếng Anh, cho biết nơi đây mang dấu tích con người cách bốn nghìn năm trước. Hình màu đỏ trên vách đá vẫn còn rõ nét gồm một phụ nữ, một đứa trẻ, ba mươi mấy người đàn ông và mấy con chó. Mấy khối đá khổng lồ tựa vào nhau tạo thành một cái hang, mỗi khối to bằng mấy căn nhà (Hình 1010036: Con người đã ở đây 4000 năm trước).

Trong hang đặt nhiều tượng, Phật có, long thần hộ pháp có. Đối diện là những khối đá to hơn nữa, chồng lên nhau hình hài kỳ dị, phủ đầy rêu, rễ cây si và bồ đề to bằng bắp chân bám phủ mặt đá. Bên dưới khối đá to là một cái bàn, trên đó có mấy con búp bê, đồ chơi xe hơi …, một số rơi xuống đất. Tôi tò mò đến gần xem và chợt nổi da gà: lẫn trong đám đồ chơi là một lồng kính hình trụ, đáy tròn bằng chiếc đĩa chứa đầy một dung dịch màu vàng nhạt, bên trong là một thai nhi đã hình thành đầy đủ tứ chi, ngồi theo tư thế còn trong bụng mẹ. Tôi rùng mình lùi ra xa. Khung cảnh xung quanh âm u, chim muông lảnh lót. Muỗi mòng cứ bám vào tai, xua mấy cũng không đi. Dưới bàn căng một tấm vải ghi mấy hàng chữ Thái, con gái tôi dịch: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm!” Tội nghiệp và thương cảm quá! Chợt nhớ lúc nãy khi đi qua cổng chùa bằng gỗ siêu vẹo, tôi thấy một tấm biển gỗ ghi bằng chữ Thái và vỏn vẹn “No sex” bên dưới. Ngạc nhiên khi thấy cảnh báo thuộc loại dung tục này ở chùa, bây giờ thì tôi chợt đoán ra: có lẽ ai đó hối hận vì trót mang thai nên đem đến đây bỏ, mong nhờ cửa Phật cho siêu thoát.

Ở Thái Lan có tục hỏa táng rồi đem tro vào chùa, tôi không chắc là tuyệt đối như thế vì trong suốt chuyến đi chưa thấy một nghĩa trang nào. Hay chùa lập trai đàn rồi giữ nguyên trạng như vật để cảnh báo những ai viếng chùa, chớ có phạm tội ác cấm kỵ như thế ở Thái Lan. Ra khỏi khu di tích, bên ngoài như sáng hẳn ra. Vị sư quét lá đã đi được một đoạn cả trăm mét, đường nhựa phía sau ông sạch tưng. Vẫn đủng đỉnh đi giữa đường, một nhát quét, lá giạt sang cả hai bên lề. Chúng tôi ra xe về sớm để chuẩn bị ngày mai lên miền bắc. Xe ra khỏi chùa rồi mà lòng vẫn còn nằng nặng. Mong sao thanh thiếu niên Việt Nam được giáo dục giới tính cẩn thận, biết tự bảo vệ mình trong một xã hội thực dụng, duy vật, đạo đức suy đồi để Việt Nam không phải là quốc gia có tỷ lệ phá thai thuộc loại hàng đầu thế giới!!!

Về nhà tắm táp xong, thấy trời còn sớm tôi ra vườn đi dạo. Vườn rộng hơn một hectare, có hàng rào kiên cố. Trong vườn có nhiều cây to, nhiều loại tôi không biết tên. Một hàng soan gốc cỡ một người ôm nở hoa trắng xóa, thơm dìu dịu, chợt nhớ đến bài Hoa soan bên thềm cũ của Tuấn Khanh: “Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi, xa vắng miền quê bao năm rồi, về gặp em ngây thơ duyên dáng, hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng…” Từ nhiều năm rồi tôi không còn thấy hoa soan nữa. Ngày xưa, Ban Mê Thuột nhiều soan lắm, ven đường và trong Biệt điện Bảo Đại. Tôi nhớ có một cây ở đường Nguyễn Du, gốc to đến mấy người ôm, đến mùa hoa nở rộ, rụng trắng đường, nay đã bị đốn mất! Trong vườn có một tảng đá bàn, to bằng ba bốn nền nhà, ở giữa trũng xuống thành một cái ao thiên nhiên, con gái tôi tạm thời dùng làm hồ tích nước tưới cây, sau này dự định làm hồ sen. Tôi thích ra đây ngồi trên bệ đá nhô cao, có cây rợp bóng, ngắm cây cối và nghe chim hót (Hình: Tảng đá bàn khổng lổ thiên nhiên và chiếc ao trên đó. Đây là chốn ưa thích nhất của con chó Nảm Tan).


Chúng tôi đi thăm góc vườn rau. Cả nhà con gái tôi ăn chay trường nên quanh vườn chỗ nào cũng có rau. Người Thái ăn nhiều rau, kể cả rau rừng, nhiều thứ rất lạ. Phải chăng vì thế mà da dẻ con gái ở đây rất đẹp, như con gái Thái trắng và gái Mường ở nước ta. Tôi thấy có mấy luống hành lá èo uột, cọng chỉ bằng que tăm. Tôi nói với cháu: “Ăn chay thì không ăn hành lá đấy nhé!” _ “Con biết chứ bố.” _ “Thế sao trong vườn lại trồng hành lá. Đây này.” _ “Đâu phải hành lá, poireau mà bố. Con nhờ người bạn mua hạt giống ở tận Dalat. Bảo đảm chính xác mà.” _ “ Poireau cái con … khỉ. Đây, con ngửi xem. Hành lá chứ còn gì, mà là hành lá đẹt. Poireau, người mình gọi là tỏi tây, tiếng Anh là leek, to như bắp tay, củ trắng, lá xanh lục và dẹt, to bản. Thôi bị lừa rồi, con ơi!” Con gái tôi đuỗn mặt ra: “Thế mà con cứ tưởng …” Một lần lên Dalat chơi, thăm mấy gian hàng hoa trong công viên Vallée d’Amour, tôi thấy nhiều giống hoa đẹp nên mua về Sài Gòn trồng. Dalat sau này trồng được nhiều loại hoa nhập từ Châu Âu. Ngắm mấy chậu cyclamen hoa đỏ chói, tôi thích mê tơi! Thật ra tôi thích đám lá nằm rạp, màu xanh xậm viền gân trắng hơn. Tôi hỏi mua hạt giống hoa này, cô bán hàng nhanh nhẩu đưa ra một bao ni-lông đựng độ mươi hạt tròn tròn nói giá 15 nghìn. Rẻ quá! Tuy nhiên tôi hỏi lại cho chắc, vì chưa thấy hạt giống của loại hoa này bao giờ. Cô bán hoa nói như đinh đóng cột: “Chắc chắn mà, lấy hạt giống từ vườn ươm đấy.” _ “Nếu không phải tôi đem trả lại nhé!” Cô nàng cười. Một du khách đứng mê mẩn ngắm chậu hortensia (hydrangea) bông tím xanh, to bằng cái đĩa. “Hoa này trồng ở Thành phố được không cô?” _ “Được chứ, dễ trồng mà.” Tôi kín đáo nháy mắt, khẽ lắc đầu với người khách hàng.

Thật ra, hortensia trồng ở Sài Gòn cũng tốt, nhưng chỉ tốt … lá. Nếu may mắn có hoa thì chỉ to bằng cái chén chung. Xuống chợ Dalat, thấy mấy gian hàng hoa có giống lan Vũ nữ (oncidium) tím, to và đẹp, tôi cũng hỏi mua vài cây con, giá cũng không đắt lắm. Về nhà tôi bỏ mỗi hạt cyclamen vào một bao ni-lông đất, tưới tắm hàng ngày. Một tuần sau thì hạt nẩy mầm. Sáng nào tôi cũng thăm cây, lòng rộn ràng. Nhưng quái lạ, lá cyclamen nằm rạp, còn cây giống này thân đâm thẳng lên như cái cán dù. Một tuần sau thì cao hơn gang tay, tôi lắc nhẹ bao ni-lông thấy cứng, nghiêng sang một bên thì thấy rễ đã xuyên qua bao, ăn xuống đất rồi. Ôi thôi, rước phải cyclamen-cổ thụ rồi! Tôi nhổ sạch cả đám, cho vào thùng rác. Còn đám lan vũ nữ gần hai năm sau mới cho hoa, còi cọc, không phải là vũ nữ tím như đã hứa hẹn mà là vũ nữ vàng, loại xoàng nhất. Các cửa hàng hoa Dalat cũng chuyên bán giống hoa hồng “đểu” cho du khách. Họ ghép hồng thật vào gốc hồng dại làm hàng rào. Đem về trồng, hồng dại cứ thế đua ra, nhánh hồng thật không phát triển được, tàn tụi dần. Người Thái buôn bán lương thiện hơn.

Năm 2005, tôi mua một ít lan Hồ điệp (Phalaenopsis) ở Bangkok và một chai giống cây. Tôi hỏi lan giống trong chai cho hoa loại nào giống như trong gian hàng này. Qua thông dịch, bà bán hàng nói rằng đây là giống lan mới phối nên chính họ cũng không biết nó màu gì. Họ nói họ cũng rất hồi hộp chờ một giống lan mới phối cho hoa như thế nào. Tôi có cảm nhận rằng người Việt chúng ta có xu hướng ngày càng giống người Trung quốc trong kinh doanh sản xuất! Hàng đểu với giá trên trời!

(Còn tiếp)
Một Đồng Môn, ĐS20

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...