26 March 2013

VÀI CẢM NGHĨ VỀ CUỘC TRIỂN LÃM TRANH

 CỦA HỘI HỌA SĨ VIỆT NAM

Chu Tất Tiến. M.S.P.

Từ thời các họa sĩ xa rời phong cách “chân dung” của thời Phục Hưng, nghệ thuật hội họa đã trở thành một nghệ thuật “Không thể tiên đoán”, vì sức tưởng tượng của các họa sĩ đã biến hóa vô cùng. Những trường phái Cubic, Impressionist, Modernity, Expressive Type, Utopia.. càng ngày càng đem lại những khám phá mới về vũ trụ, nhân sinh quan, tâm sự con người cũng như những liên hệ nhân quả giữa con người với nhau, khiến thế giới hội họa ngày nay như biến thành một thế giới Thứ Ba, tuy sống giữa lòng người, nhưng lại phảng phất mơ hồ trên một tần số nào đó, không có thực.

Hội Họa Sĩ Việt Nam (hoasivietnam.com) mà  địa điểm giao lưu chính ở Nam California, với sự gói ghém của Họa Sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sa, vẫn thường xuyên đưa người thưởng ngoạn nghệ thuật tới những tầng mây tưởng là gần gụi nhưng lại xa cách  này. Cuối tuần lễ thứ 3 của tháng 3 năm 2013, 96 bức tranh của hơn 20 họa sĩ từ các phương trời đã được trình bầy tại Hội Trường Văn Lang, thành phố Westminster. Có những bức tranh đến từ miền cực Bắc nước Mỹ, hay từ miền Đông. Có bức lại được hoàn thành bởi bàn tay y sĩ như Bác Sĩ trẻ Huỳnh Khanh. Một số bức họa lại được tô dũa từ bàn tay của người cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, Đèo Chính Mung, và người bạn đời của anh, Họa sĩ Lam Thủy, tốt nghiệp từ trường Mỹ Thuật Saigon. Chính Mung với “Xuân Muộn” là một cành hoa Magnolia đang từ từ khép lại giữa một khung trời tím Huế, làm cho người xem tưởng như chân mình cũng đang dừng lại và không muốn bước thêm. Bức tranh sơn mài của Lam Thủy, “Như Như Tự Tại”, là một ý niệm về Thiền rất đạt. Người thiếu nữ khỏa thân đang ngồi Thiền, nửa trắng, nửa đen, với những làn sóng cám dỗ đang cố chiếm ngự thân thể này, nhưng rồi cũng phải lãng đãng rời xa như những đám mây đang tan biến. 

Nguyễn Vũ, người đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm xưa, vẫn ung dung với tranh lụa là sở trường của anh, giờ này lại dẫn người xem trở về thăm “Phố Cổ Hội An” với một thương tiếc bàng bạc, nhẹ nhàng. Trong khi đó, Ái Lan, đã dùng những chất liệu lạ như vải bố, và những chùm sơn dầu đã khô để thể hiện giấc mơ của cô trong các thiếu nữ xuân thì, khỏa thân với bộ ngực trong suốt như ngọc, làm liên tưởng đến những phim thần thoại. Người bạn đời của cô, Trương Đình Uyên, với phấn tiên, đã ghi lại chân dung của Ái Lan trầm mặc, xa xăm, một thiếu phụ trẻ nhưng suy tư trùng trùng.

Cũng khắc khoải như Ái Lan, nhưng căng thẳng về cuộc đời hơn là Hoàng Ân với “Trắng Lạnh”, một thiếu nữ khỏa thân trắng nõn, ngực hướng về những mảng mầu co cụm, quẩn quanh, giăng giăng mù mịt.

Bên cạnh đó, Nhà giáo Đặng Ngọc Sinh, có lẽ suy tư về cuộc đời nhiều quá, nên tranh của ông, “Soi bóng”, thật bàng hoàng với những nét cọ lớn, đẩy bóng nọ sang bóng kia, hư vô, không tưởng. Còn người họa sĩ lão thành Nguyễn Văn Bẩy, người đã đoạt giải danh dự của Thượng Viện California năm trước, vẫn đưa người xem đến một nỗi buồn lê thê. Bức tranh “Ánh Sáng và Niềm Tin” ghi lại những khuôn mặt đăm chiêu bên các chiếc nón lá đặc thù của Việt Nam đã sáng lên dưới các ngọn nến trước Thánh Đường Saigon, đang tin tưởng vào một sự chuyển hóa sẽ bùng lên rưc rỡ, đem lại cho dân tộc một liều thuốc hồi sinh.  Cũng với phong cách điềm đạm của người đã quá trung niên, nhưng tâm hồn trẻ trung thì không đổi, Huy Dũng đã làm người thưởng ngoạn thấy lạ lùng vì những bức tranh của ông đều là tên và dòng nhạc quý mến năm xưa. “Đành quên sao em” (Sao em nỡ đành quên..), “Phố Vắng Em Rồi” (Mưa rơi hắt hiu xuyên qua mành..), và “Con đường xưa em đi”.. Phong cách Impressionist của ông đã thể hiện tuyệt vời trong bức “Đành Quên Sao Em” với những nhân vật buồn, cô đơn, gượng gạo. Em cúi đầu đi lặng lẽ, chấp nhận không quay đầu nhìn lại, để cho anh nhón bước theo sau, u sầu, tuyệt vọng.

Và, cuối cùng là những bức tranh của hai nhân vật tổ chức chính của buổi triển lãm này, Cát Đơn Sa, tức ca sĩ Diễm Châu và Vi Vi, làm người xem thật ngạc nhiên. Khi Cát Đơn Sa, lấy tên theo đia phương “Đơn Sa” nơi cô sinh ra và lớn lên, hồn nhiên với Sen Đồng, Ôm Mẹ, và Đi Chợ Mùa Xuân, gợi cho ai đó những cảm xúc nhẹ nhàng nhớ lại thời niên thiếu, thì Vi Vi đã làm cho thế giới hội họa rùng mình vì sức mạnh âm thầm trong mỗi bức tranh của anh. Người thưởng ngoạn phải suy nghĩ, tìm tòi từng nét cọ, từng mầu sắc để thấy đàng sau những bức tranh im lặng đó, là cả một núi lửa gầm gừ, chờ giờ bật tung. Đạo diễn Nguyễn Tiến Đức, sau khi chiêm ngưỡng bức “Tự Do và Nữ Thần Tài” đã thốt lên: “Đây chính là một Green Politic!”. Các loại đồng tiền của thế giới tự do (không có tiền của Cộng Sản) đã được anh ghi lại thật công phu, bay lượn quanh tượng Nữ Thần Tự Do, nhưng chân của Nàng lại dẫm lên quả cầu thế giới để lộ ra  dáng chữ S của nước Việt dịu dàng và ngón chân Nàng, ngón chân của Tự Do, lại đạp lên nước Trung Hoa, kẻ thù của dân tộc! Thật hùng tráng! Các bức “Dáng Sen” và “Samson Delilah” của anh là một pha trộn giữa huyền thoại Đông Phương và hiện thực Tây Phương, những chiếc lá sen, lông công bao quanh những thân thể khỏe mạnh, ngọc ngà như Nữ thần Ái Tình Venus làm người xem tưởng như đang chu du lồng lộng khắp bầu trời tưởng tượng.

Hội họa ngày nay như đang tiến vào một kỷ nguyên sắc mầu mới, lạ lùng và mênh mông, đưa tầm nhìn của con người lên một tầng cao hơn là những vật dục, phù du chóng nở, sớm tàn. Các Họa Sĩ Việt Nam hiện nay là những chuyến tầu chở chúng ta trong một hành trình đến chỗ vĩnh cửu: Hội Họa, vì Con Người có thể mất đi, nhưng hội họa sẽ còn mãi mãi.

Chu Tất Tiến.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...