11 March 2013

Bút ký nhân du lịch miền bắc Thái Lan * (1)

Tất cả hình kèm theo bài là do tác giả chụp nhân chuyến đi. 
(1) Quýt chua

Phi cơ cất cánh lúc chín giờ rưỡi đêm. Tôi cố nhoài người về phía cửa sổ để nhìn xuống ánh đèn thành phố Sài Gòn bên dưới. Tôi muốn kiểm tra thêm một lần nữa điều mà tôi thỉnh thoảng nói chuyện với học trò của mình, đại khái rằng để đánh giá cấu trúc của một thành phố, nhất là thành phố tương đối “trẻ”, có thể quan sát từ trên cao, ban ngày lẫn ban đêm. Nhìn từ trên cao, Sài Gòn ban ngày trông như một mớ xà bần khổng lồ, hỗn độn, lổm ngổm. So sánh này được chia sẻ nhân một chuyến bay cách đây mười mấy năm, khi phi cơ chuẩn bị hạ cao độ trên không phận Sài Gòn, một cụ bà người bắc ngồi gần cửa sổ chợt thốt lên, làm nhiều hành khách tủm tỉm cười: “Gớm! gạch đá ở đâu mà nhiều thế.” Ngoài khu trung tâm, quận một và quận ba, ban đêm nhìn xuống ánh đèn làm lộ rõ dáng dấp của một bàn cờ, còn lại thì thành phố trông như một giải ngân hà, càng ra ngoại ô thì mức độ “sao” càng lộn xộn, mặc dù đây là những khu đô thị được mở rộng trong những năm gần đây.

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Don Mueang đúng mười một giờ đêm. Hành lang dẫn từ cửa phi cơ đến cổng quan thuế xa thăm thẳm. Phi trường này có mật độ hoạt động đứng hàng thứ 18 trên thế giới. Don Mueang đóng cửa năm 2006 để nâng cấp trong một năm rồi hoạt động trở lại. Mọi thứ ở đây trông khang trang hơn lần đầu tôi đến Thái Lan năm 2005. Ban biên tập Routard năm 2000, xuất bản sách hướng dẫn du lịch thế giới hàng năm nổi tiếng của Pháp, so sánh Tân Sơn Nhất có quy mô chỉ tầm tầm bằng một phi trường hàng tỉnh của họ. Sở dĩ họ so sánh một cách mỉa mai như vậy vì chính cái tên Tan Son Nhat International Airport của nó! Tân Sơn Nhất và vành đai của nó bị thu hẹp rất nhiều so với trước 1975. Kế hoạch mở rộng tầm hoạt động của phi trường này là bất khả thi khi mà, suốt hai thập niên 80 và 90, giới quân sự quản lý khu vực vành đai và phi trường quân sự đã chia chác nhau hết đất đai vào thời điểm bao cấp cả nước phải độc hành tiến lên XHCN, ngăn sông cấm chợ, chẳng cần giao thương gì hết, phi trường vắng như chùa bà Đanh. Đến thời kỳ mở cửa, “đổi mới” thì khu “đất vàng” này đã bị xà xẻo nát bấy rồi.

Thủ tục nhập cảnh mất độ hai phút cho mỗi người. Ở mỗi quầy làm thủ tục, một camera tròn đen bé bằng quả anh đào đặt ngang tầm với mặt hành khách. Nhân viên hải quan quan sát và so sánh khuôn mặt hành khách hiện ra trên màn ảnh đặt kín đáo dưới quầy với hình của họ trong passport mà không cần ngẩng mặt lên quan sát hành khách. Tôi hồi tưởng lại những lần làm thủ tục hải quan xuất cảnh trước đây, đó là giây phút nặng nề, căng thẳng. Năm 1999, Đại sứ quán Pháp mời tôi tham dự một khóa tu nghiệp thời gian một tháng tại Villefranche-sur-Saône gần Lyon. Chuyến bay Hà nội-Roissy Charles de Gaulle khởi hành lúc mười hai giờ đêm tại phi trường Gia Lâm, nhưng hành khách được yêu cầu có mặt lúc sáu giờ chiều. Tại đây tôi gặp một đoàn du khách Đan Mạch trên đường về nhà. Bắt chuyện với một bà tính tình cởi mở trong đoàn, tôi giới thiệu đang dạy tiếng Việt cho một số chuyên viên Đan Mạch của dự án Danida (Danish Development Assistance, Dự án viện trợ phát triển không hoàn lại, đặc biệt về hạ tầng cơ sở cấp thoát nước của chính phủ Đan Mạch. Dự án này đã rút khỏi VN cách đây khoảng hai năm sau khi cáo buộc đối tác của họ tham nhũng!) Bà ta hào hứng kể về chuyến du lịch, khoe mấy chiếc nón lá mua về làm quà. Bất chợt, bà ta than phiền, hỏi tôi tại sao thủ tục check-in phải mất đến sáu tiếng đồng hồ. Tôi thực sự không biết phải trả lời thế nào. Cuối cùng tôi nói úp mở: “Ở VN, mọi người được sinh ra là để chờ đợi.” Bà ta càng thắc mắc: “Chờ đợi cái gì?” “À! Chờ đợi để chuẩn bị đi đến xã hội chủ nghĩa.” Nhìn mặt bà ta, tôi biết bà không hiểu gì cả. Qua mục kiểm tra an ninh hành lý căng thẳng không kém, đoàn hành khách rồng rắn xếp hàng trước cổng làm thủ tục xuất cảnh. Chuyến bay hôm đó là của Air France, Boeing 747 (tôi tự hỏi tại sao Air France lại không dùng Airbus) nên số lượng hành khách không dưới 300. Đến phiên tôi trình passport cho nhân viên hải quan. Nhìn gương mặt lạnh lùng của y tôi cảm thấy ơn ớn! Y ngồi ngâm passport của tôi trong tư thế một pho tượng, thỉnh thoảng ngước mặt lên nhìn xoáy vào mặt tôi rồi lại cúi xuống chăm chú không nói gì. Thời gian dường như trôi chậm lại. Đoàn người đứng chờ làm thủ tục bắt đầu sốt ruột và xầm xì. Tôi vẫn đứng chịu trận nhìn y. Bất ngờ y ngước lên nhìn thẳng vào mặt tôi:

-    Tại sao đại sứ quán Pháp lại mời ông?
-    Tôi không thể biết được.
-    Họ mời ông qua Pháp làm gì?
-    Để tu nghiệp.

Y lại cúi xuống, nhìn vào hộc quầy trầm ngâm. Bất ngờ, y lại hỏi tôi, lần này không nhìn tôi nữa:
-    Ông biết nói tiếng Pháp không?

Ối dào! Câu này ông nên hỏi các cán bộ cao cấp nhà nước của ông chuyên xuất ngoại chu du khắp thế giới tư bản để “tham quan học hỏi kinh nghiệm” bằng ngân sách nhà nước thì tốt hơn, tôi thầm nghĩ. Có điều ông sẽ không bao giờ dám hỏi họ như thế đâu! Trong chốn riêng tư, một phụ huynh học sinh của tôi kể rằng ông ta đã đi khắp thế giới, “tham quan” gần hết Châu Âu, khen “nức nở” các nước Bắc Âu. Cuối cùng, lắc đầu ngán ngẩm, “đất nước mình chẳng ra làm sao cả!!!”. Có lần bà vợ nói với tôi: “Vợ chồng em cũng cố học tiếng Anh đấy chứ, nhưng học mãi chẳng vô, cuối cùng phải bỏ. Tiếng Anh sao khó học thế! Mỗi lần bọn em phát âm là các con em chúng nó cứ cười dzũ dzượi.”
-    Cũng biết chút ít. Tôi trả lời.

Khi tất cả hành khách vào phòng đợi “cách ly”, phụ nữ Đan Mạch lúc nãy hỏi tôi: “Tại sao ông bị điều tra lâu vậy? Ông có vấn đề gì không?”
…………………………………………………..

Lấy hành lý rồi ra cổng arrival, vợ chồng con gái chúng tôi tươi cười đón ở đấy từ chiều!

Vừa ra khỏi phi trường, xe đã đạt vận tốc đều 100-120 km. Từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima (gọi tắt là Khonrat) nằm ở vị trí đông bắc mất khoảng hai tiếng. Con chúng tôi ở huyện Sikiew thuộc tỉnh này.

Đường sá ở Thái Lan tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Ngay từ lúc xe chuyển bánh, tôi đã quan sát mọi thứ xung quanh và so sánh với mọi thứ ấy ở quê nhà. Đó là thói quen không bao giờ bỏ được cho dù tôi đang ở Pháp, ở Singapore, hoặc ngay cả ở Trung Hoa lục địa. Tôi sẽ so sánh Việt Nam và Thái Lan ở nhiều khía cạnh bởi vì trong phần mở đầu, Routard 2000 nói rằng đầu thập niên 60 thế kỷ trước, Việt Nam Cộng Hòa và Thái Lan là hai quốc gia đồng đẳng, “sánh vai” (côte à côte) ở Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là các nước khác như Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines … còn ở phía sau họ. Còn ở phía Bắc Á thì Nam Hàn và ngay cả Đài Loan cũng chưa là gì so với VNCH. Đã hơn năm mươi năm trôi qua rồi, thời gian quá đủ để xem một quốc gia tiến bộ hay tụt hậu thế nào.

Sáng hôm sau, mặc dù mệt nhoài vì chỉ được thiếp đi độ vài tiếng, vợ chồng tôi chuẩn bị qua thăm bà sui gia ở gần ngay đấy. Chúng tôi chắp tay “xá” nhau, và bà sui lại cười sảng khoái, hiền hòa. Bà có mười bốn người con (!!!), tất cả đều lành lặn và đa số ở quây quần quanh đó. Con rể chúng tôi là con trai cả của bà. Từ lâu, tôi đã nghe nhiều người đi du lịch Thái Lan nói rằng người Thái hiền hòa và hay cười, và đặc biệt thật thà trong buôn bán. Điều này tôi sẽ kiểm chứng suốt chuyến đi này, xem thực hư thế nào với danh xưng của họ: the Country of Smile.

Tạm biệt nhau, ngày đầu tiên chúng tôi đi thăm National Park of Khao Yai. Khao Yai là một huyện của tỉnh Khonrat. Qua cổng kiểm soát, xe chạy lên đèo. Vườn quốc qua là một dãy núi rừng nguyên sinh. Nhiều cây cổ thụ nằm dọc hai bên đường, thỉnh thoảng được quấn bằng một băng vải màu, có thể là biểu thị lòng tôn kính như các bậc cao niên. Tại một vài góc rừng, một miếu thờ nằm khuất kín với nhiều lễ vật bày xung quanh. Tôi được giải thích rằng đó là miếu thổ công. Người Thái tin rằng mỗi nơi, đặc biệt là rừng núi đều có thổ địa trấn giữ. Người ta giới hạn tuyệt đối lấy một thứ gì đó dù nhỏ nhặt ra khỏi rừng mà không khấn vái. Dấu vết nguyên sinh được thấy ở mọi nơi, sự can thiệp bởi bàn tay con người rất hiếm hoi. Tôi nhận thấy có nhiều cây teak, thân thẳng, lá to bằng cái rổ. Sở dĩ tôi nhận ra ngay loại cây này vì ở Trung tâm Thực nghiệm Ban Mê Thuột có mấy hectares được trồng thử nghiệm bên cạch các loại cây khác như cây sao từ thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Thầy giáo tiểu học của tôi khi dạy môn địa lý nói rằng teak là sản phẩm nổi tiếng của Miến Điện, dùng làm báng súng và đóng tàu. Xem ra chính sách điền địa của VNCH là triệt để và tích cực ngay từ buổi xây dựng nền cộng hòa. Tôi còn nhớ khi thực tập ở Dalat năm 1973-1974, thông bị cấm khai thác, dù chỉ là một cành để làm cây Noël… Khung cảnh ở đây tuyệt đẹp, không khí mát lạnh. Đường ngoằn ngoèo với tàn cây rợp mái. Đường đèo rộng và rất tốt, được bảo quản cẩn thận, an toàn, xe lên xuống với vận tốc cao. Chợt rùng mình nghĩ đến đèo Phụng Hoàng, Dốc Cao, Rù Rì đầy ổ gà, lở lói nằm giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang, một bên là vách đá trơ trụi hay đồi trọc không một bóng cây, bên kia là vực sâu với hàng rào an toàn xiêu vẹo, mỏng manh. Tôi thường nhắm mắt và … niệm Phật khi đi qua đây.

Xe dừng ở lưng chừng núi, bên kia núi rừng trùng điệp. Chúng tôi xuống xe, thoải mái vươn vai hưởng không khí trong lành. Bất ngờ một đàn khỉ mấy mươi con từ ven rừng xông ra, đủng đỉnh đến ngồi sát bên xe quan sát rất … ma mãnh. Một đàn khác nhảy tót lên thùng sau một xe bán tải, lục tung hành lý, chí chóe giành nhau mấy bao snack. Một con ôm được một bao, bị mấy con khác rượt, cuống cuồng băng qua đường rồi nhảy tót lên cành cây chỗ chúng tôi đứng, xé bao rồi thò tay vào nhón từng lát thưởng thức, mấy con khác ngồi chầu rìa dưới gốc chờ của rơi để hưởng sái. Một cặp vợ chồng người Pháp bấm máy ảnh lia lịa. Cô vợ, ngạc nhiên tột độ trước cảnh tượng, cười khanh khách.
-    Mấy con khỉ này thật lém lỉnh. Tuy nhiên, chúng có thể sống chung hòa bình với chúng ta, nếu chúng ta thân thiện với môi trường, tôi nói.
-    Chính thế. À, ông nói tiếng Pháp hay đấy. Ông chồng nhìn tôi rồi cười nói.
-    Ồ không, tôi nói được chút ít thôi.
-    Ông là người Nhật phải không? Cô vợ hỏi.
Đây là lần thứ hai tôi nghe câu hỏi này, lần trước ở Paris khi tôi vào một cửa hiệu mua một cuộn phim. Khi biết tôi là người Việt Nam, họ thất vọng thấy rõ! Phải chăng người Nhật tính tình điềm đạm, chi tiêu rộng rãi, ngưỡng mộ văn hóa Pháp, biểu thị tốt bằng ngôn ngữ Pháp khiến người Pháp ngưỡng mộ lại. À, lần trước tôi trả tiền song phẳng và lần này tôi cũng ăn nói đúng mực. Như vậy, được mặc nhiên nhìn nhận rằng người châu Á nói được tiếng Pháp phải là người Nhật. Hai vợ chồng ngập ngừng một lát, rồi người chồng nói:
-    Chúng tôi đã đến Việt Nam và ở Hà nội. Mỗi lần dắt vợ tôi qua đường là một tai họa. Giao thông thật kinh khủng.

Tôi im lặng. Vẩn vơ một lát rồi tôi chúc họ du lịch vui vẻ, e rằng nếu nán lại sẽ còn nghe họ than phiền nhiều thứ khác nữa. Giao thông ở Việt Nam là hình ảnh gây sốc nhất đối với du khách, nhất là những ai đến đây lần đầu. Chẳng những cảnh xe cộ bát nháo gây kinh hoàng cho người nước ngoài, đặc biệt là người Tây phương mà ngược lại, chính người Tây phương cũng xé rào, tham gia vào dòng giao thông hỗn loạn này khi ở và làm việc ở đây lâu năm. Tôi đã chứng kiến nhiều chàng mắt xanh mũi lõ, mặc quần sọt áo thun, phóng honda bạt mạng, có khi tỉnh bơ vượt cả đèn đỏ và lạng lách chẳng kém ai. Hình như giống quít nào đem trồng ở đất này đều hóa chua cả!!!

(Còn tiếp)
Một Đồng Môn ĐS20

1 comment:

  1. I don't know where you get the idea that VN and TH were ahead of many countries. In 1960, of all the countries in SE Asian, PH was the most advanced of all. Plus GDP Per capita of Malaysian has been much more than that of TH and VN since their independence, also the GDP per capita of South Korea and Taiwan compared to both countries.

    You can search for what I say by yourself.

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...