19 October 2016

Viết Về Một Người Lính

Vũ Minh Ngọc
     
            

Viết về cuộc đời một người Lính, một Sĩ quan.. hay nói một cách tổng quát hơn, viết về cuộc đời binh nghiệp, thường có những kỷ niệm, những hình ảnh đẹp, vui, buồn… Cá nhân tôi, tuy chưa một lần vinh dự có cho mình một số quân như những người lính khác, nhưng thực tế, cuộc sống lại gắn liền với binh nghiệp.. Là một công chức tại địa phương, thường xuyên liên lạc với các sĩ quan chỉ huy tại Quận, Tỉnh.. Tôi đã làm việc chung với nhiều sĩ quan khác nhau, và một trong số sĩ quan này, đã để lại nhiều kỷ niệm và khiến tôi cảm phục: đó là Ðại tá Phạm văn Phúc, Tỉnh trưởng Bình Long / Long Khánh. Ông đã đến nhậm chức trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước.

Tôi nể phục ông về cá tính oai hùng, can đảm, thương lính, thương dân.. và ông cũng đã chứng tỏ sự can trường trong ngày đầu tiên nhậm chức Tỉnh Trưởng Long Khánh vào những ngày đầu tháng 3 năm 1975 khi ông tuyên bố.. “tôi đến đây để cùng chiến đấu với các anh em, nếu tôi bỏ chạy, các anh em cứ bắn chết tôi..” Và ông đã tử thủ tại Long Khánh, đẩy lui nhiều cuộc tấn công của cộng quân, trước khi nhận lệnh rút lui của thượng cấp.

Xin ghi lại một vài hình ảnh kỷ niệm của tình chiến hữu giữa Nhân Dân Tự Vệ Vũ Minh Ngọc và Ðại Tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long & Long Khánh

* * *

Chiếc trực thăng UH1D bay một vòng trên bầu trời An Lộc, định hướng theo khói mầu để tìm bãi đáp.. đưa tôi trở lại vùng đất đỏ, sau những tháng ngày thành phố bị cầy nát bởi pháo địch.. Tôi trở lại với những hình ảnh xa xưa, ngày An Lộc của những buổi sáng sương mù, nhìn những thiếu nữ sắc dân thiểu số, vai đeo gùi, bườc nhanh trên đồi Gío, bóng mờ theo ánh sáng ban mai.. nhưng những hình ảnh thơ mộng này đã đổi thay thật nhiều. An Lộc bây giờ chỉ còn lại những đổ nát hoang tàn, những mộ bia của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ vững An Lộc.

Ðó đây, những xác xe T54 của cộng quân bị cháy đen, một chứng tích xâm lăng còn đó..Thị trấn An Lộc hầu như chỉ còn lại một số ít dân ở lại và sống cạnh người lính chiến.. chia nhau từng nắm gạo xấy, những thùng đồ tiếp vận, hay để cùng nhau chia xẻ cái tang thương, chết chóc, của cả lính lẫn dân.. Số còn lại, đã vượt quốc lộ máu, con đường dài từ Tân Khai đến Chơn Thành.. đã là những nghĩa trang mà mồ chôn chỉ là những lá cây rừng .

Họ chấp nhận cái chết để đổi lấy tự do.. và họ đã về tạm cư tại Phú Văn, Bình Dương hay định cư khẩn hoang lập ấp tại Rừng Lá Long Khánh.

Tôi lên An Lộc lần này, để trình diện Ðại tá Phạm văn Phúc, tân Tỉnh Trưởng Bình Long.. Sau cái bắt tay thân mật và cùng hàn huyên, Ðại tá Phúc hỏi thăm về tình hình bên toà Hành chánh Tỉnh cũng như tình trạng định cư của dân chúng.. Trước khi ra về, Ðại tá Phúc hỏi tôi:

- tôi vửa nhậm chức, ông Phó có cần điều gì không ?
- nếu dành cho cá nhân, tôi xin càm ơn hảo ý của Ðại tá.. nhưng nếu Ðại tá cho phép, tôi xin Ðại tá một đặc ân..
- ông Phó cứ nói, hy vọng tôi sẽ giúp được.
- Tôi xin Ðại tá 1 tuần phép cho Trung tá Quốc, Quận trưởng Chơn Thành.
- tại sao ông Phó lại xin vậy ?
- tôi đã từng làm việc với Trung tá Quốc trong suốt cuộc chiến vừa qua, chưa một lần được đi phép.. nếu được, sẽ là một niềm vui lớn cho Trung tá Quốc và gia đình.
- D’accord.. ông Phó gọi cho Trung tá Quốc chuẩn bị đi phép..

* * *

Tôi vội lên đầu máy gọi Trung tá Quốc bằng tần số riêng..
- Quang Trung (Quốc) đây Non Nước (Ngọc).
- Non Nước tôi nghe thẩm quyền 5/5
- Quang Trung muốn zoulou Sơn Tây Gay go (về Saigon) không?
- Cám ơn Non Nước, giấc mơ này thật xa vời..
- Quang Trung chuẩn bị đi, tôi hiện đang trên Alpha 1 để bốc Quang Trung đi.. giấy phép có rồi.. sẽ có người xuống thay thế.. Lát nữa mình gặp nhau.

Khi tiễn đưa tôi, Ðại tá Phúc ân cần hỏi thăm về tình hình anh em công chức tót nghiệp QGHC, ông đề cao thành phần công chức trẻ đã được đào tạo tại Học viện QGHC, ông cũng bày tỏ ước muốn được xử dụng những cán bộ hành chánh này trong mục tiêu phục vụ cho dân.

Khi chiếc xe Jeep đến phi đạo, tôi đã thấy khoảng hơn một chục người, sĩ quan có, lính có.. đang chờ phương tiện đi phép.. Ðại tá Phúc ngừng xe hỏi thăm:
- các chú chờ bao lâu rồi ?
- Dạ thưa Ðại tá, tụi em chờ 3 ngày rồi..
Quay sang phi hành đoàn trực thăng, ông nói:
- Các anh giúp hộ tôi một chuyến, đưa số anh em này về Long Bình, xong lên đón phái đoàn sau, đồng thời bốc hộ số anh em đang ở Long Bình lên đây.

Nhìn những cử chỉ lo lắng cho thuộc cấp của Ðại tá Phúc, tôi thật ngưỡng phục.. dù vậy, ông không bao giờ bao che thuộc cấp, một khi vi phạm kỷ luật.. Trong một lần ghé thăm Ðại tá Phúc tại Tòa Hành Chánh Long Khánh, tôi đã chứng kiến cảnh một Sĩ quan cấp Tá, vì rút lui trước khi có lệnh của thượng cấp, và dù cho vị Sĩ quan này là một thuộc cấp thân tín, nhưng ông vẫn thẳng tay trừng phạt và đưa ra tòa án quân sự.. ông tâm sự với tôi..” V. là đứa em thân tín của tôi.. nếu tôi tha anh ta bây giờ, thì làm sao tôi chỉ huy Long Khánh trước sự tấn công mãnh liệt của địch quân được..”

Đôi mắt thật buồn, Nói xong, Đại Tá Phúc nhờ tôi qua bên trụ sở Quân Cảnh Tư Pháp để giúp cho Thiếu Tá V. với lời dặn dò sẽ lo cho Thiếu tá V. tại Saigon và không quên gửi vài món qùa lộ thân.

Sau ngày thuyên chuyển ra Long Khánh, tôi được Ðại tá Phúc tín nhiệm và cùng về Long Khánh làm việc chung. Và trận đánh cuối cùng tại Xuân Lộc đã ghi danh tên tuổi người Sĩ quan Biệt động quân can trường này.. và trên đường di tản, ông bị cộng quân bắt và giam tù.

Nhớ lại những thời gian làm việc chung với Ðại tá Phúc, tôi càng qúy trọng ông hơn.. Ông tâm sự với tôi, kể từ lon Thiếu tá trở lên, lon thăng cấp thường được thả từ trực thăng tại mặt trận, và trong cuộc đời binh nghiệp, hai lần Ông được trao kiếm danh dự, một khi tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, và một lần khi tốt nghiệpTrường Cao Ðẳng Quốc Phòng.. và trong một buổi lễ thật đơn giản, nhưng trang nghiêm, Ðại tá Phúc đã trao cho tôi một trong hai cây kiếm danh dự mà ông đã nhận lãnh, với lời tâm sự..” tôi, với đơn kiếm diệt quần hùng, và tôi muốn trao một phần danh dự mà tôi đã nhận được cho ông Phó…”.

Sau lần đẩy lui đợt tấn công đầu tiên, và gần như cả hai sư đoàn Sao Vàng và 325 của cộng quân đã bị tiêu diệt tại Long Khánh, Ðại tá Phúc thường xuyên liên lạc với tôi qua hệ thống hotline.. ông hãnh diện nói: “ tôi chờ ông Phó qua, mình sẽ xây hai mộ bia ở đầu tỉnh, một chosư đoàn Sao vàng và một cho Sư đoàn 325 của cộng quân, và mình cùng nhau tái thiết Long Khánh” .Giấc mơ chưa thành, theo vận nước, kẻ phiêu bạt nơi hải ngoại, người ngậm ngùi sống trong lao tù cộng sản.

Ðại tá Phúc mãi mãi vẫn sống trong tâm hồn tôi với những hình ảnh hào hùng, kính phục. Trong niềm kính trọng, tôi vẫn ước mong một ngày nào đó, được gặp lại vị Sĩ quan khả kính này và nối tiếp những giấc mơ còn dở dang: giấc mơ không những chỉ xây dựng lại một Long Khánh kiêu hùng, một Bình Long anh dũng, mà sẽ là một giấc mơ lớn lao hơn.. Ðó là giấc mơ Canh Tân lại một nước Việt Nam phú cường trong Dân Chủ và Tự Do

Lời kết: Sau khi bài viết này được phổ biến trên Ðặc San Làng Chài 2001, và do một tình cờ, Ðại tá Phúc đã gọi tôi ngay khi đến định cư tại Hoa Kỳ.. Ông cảm động đọc được những dòng tâm sự này.. Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau để cùng hàn huyên.. để nhớ và để sống lại những ngày xưa thân ái.

VMN, ĐS16

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...