23 October 2016

Đất nước những ngày qua

Nguyễn Huy Vũ
Theo FB Nguyễn Huy Vũ

Có vài sự kiện xã hội đáng chú ý trong những tuần qua mà nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy một bên là xã hội đang trưởng thành nhanh chóng và bên còn lại là một đảng cầm quyền độc đoán đang trở nên suy yếu và trên đà tan rã.

Sự kiện thứ nhất có lẽ là những bài viết của Huy Đức đánh trực diện vào Đinh La Thăng. Trước hết, hãy bỏ qua một bên những câu hỏi rằng ai cung cấp những tài liệu cho Huy Đức và có phải Huy Đức chống Đinh La Thăng ngoài mục tiêu tiêu diệt những kẻ phá hoại đất nước hay có thêm mục đích nào khác. Đó không phải là mục tiêu của bài này, và đó cũng chỉ là một góc nhìn hẹp. Một góc nhìn rộng hơn đối với những người hoạt động chính trị là liệu rằng việc làm của Huy Đức có giúp Việt Nam nhanh chóng tiến nhanh về một xã hội dân chủ hay giúp nhanh chóng làm tan vỡ chế độ độc tài hay không. Câu trả lời sẽ là có.

Khi những bài viết càng ngày càng được tung ra, mà nói như nhiều người, như là những cái thòng lòng ngày càng siết chặt vào cổ Đinh La Thăng, nó đưa ra một bằng chứng rõ ràng nhất cho các đảng viên cộng sản rằng không một quan chức tham nhũng nào là an toàn ở đất nước này. Mà những quan chức cộng sản nào trong chế độ mà không tham nhũng, quà cáp, hay có những thiếu sót về quản lý kinh tế? Đó là một đa số, vì nếu nó là một thiểu số thì Việt Nam không phải chịu hoàn cảnh như ngày hôm nay – một đất nước nghèo đói trên bờ của vỡ nợ. Sống trong một tâm trạng nơm nớp như vậy, cách những đảng viên cộng sản làm sẽ là theo gót của Trịnh Xuân Thanh là làm gì thì làm nhưng luôn trong tâm thế là chạy. Một đảng chính trị cầm quyền đất nước mà đảng viên chỉ chực thừa cơ bỏ chạy thì cái ngày đảng đó tan rã hay sụp đổ nó có thể diễn ra một cách vô cùng nhanh chóng khi có một sự kiện bất ngờ nào đó vượt tầm kiểm soát của nhóm lãnh đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết điều đó nên nhiều lần ông đã từng nói «đánh chuột đừng đánh vỡ bình» hay «chống tham nhũng khó, vì ta tự đánh vào ta». Vì đánh mạnh quá thì dẫn đến vỡ đảng, mà không đánh thì tham nhũng nó sẽ đục khoét ngân quỹ quốc gia, làm lụn bại nền kinh tế. Nhưng đánh nhè nhẹ như ông Tổng bí thư thì nó chỉ có tác dụng làm đảng yếu từ từ, làm tụi tham nhũng lo vun vén hơn, và lót ổ kỹ hơn để chuẩn bị chạy, vì họ không biết ngày mai Đảng có sờ tới mình hay không. Giờ đây, sau những câu chuyện của Huy Đức và tấm gương Đinh La Thăng, họ càng cẩn trọng hơn. Những người cẩn thận hơn có lẽ sẽ xa rời Đảng và ẩn dật sau khi đã kiếm chác, làm khởi phát một trào lưu âm thầm thoái Đảng không thể ngăn được.

Sự kiện thứ hai là những bài viết của Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) viết về Trịnh Xuân Thanh. Hãy bỏ qua những tiểu tiết xung quanh câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ở đâu, làm gì, ai đứng đằng sau ông, cũng như có nên ủng hộ ông không. Như đề cập bên trên, một lần nữa, đó không phải là mục tiêu của bài này. Chúng ta hãy nhìn vào những diễn biến đó để cho thấy rằng nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cục diện chính trị Việt Nam.

Những bài viết của Bùi Thanh Hiếu về Trịnh Xuân Thanh và ông Tổng bí thư gợi tôi nhớ đến những hoạt động của các nhóm chính trị của Liên bang Nam Tư thực hiện trong giai đoạn chống lại nền độc tài của ông tổng thống gốc cộng sản Slobodan Milošević. Bằng các tiểu phẩm vừa hài hước vừa châm biếm, lôi cuốn công chúng trong việc chế giễu ông Tổng bí thư, mà từ đó hình ảnh ông Tổng bí thư được tô vẽ trong lòng dân chúng không khác gì một thằng hề, vừa ngu ngơ vừa độc đoán. Nhờ những tiểu phẩm như vậy, công chúng dần bớt đi sự sợ hãi và sự tôn trọng những người cầm đầu chính quyền. Và khi mà dân chúng vừa không sợ hãi vừa khinh bỉ nhà cầm quyền thì ngày cuối cùng của chế độ là một con số đếm được. Những bài viết của Bùi Thanh Hiếu có những tác dụng tương tự vậy, chứ không chỉ là những bài viết câu khách hay đơn giản nhằm bảo vệ một người mà anh nhận là bạn.

Sự kiện thứ ba là tính dấn thân xã hội của cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Một quốc gia chỉ trở nên có tương lai khi những người cùng chung sống quan tâm và có trách nhiệm lẫn nhau. Khi những người trẻ bắt đầu quan tâm đến xã hội, đến những người xung quanh, khuyên nhau đừng im lặng với những sai trái của xã hội thì đó là một dấu hiệu đáng mừng rằng rồi đây mọi người sẽ từ từ nhận ra một chân lý là chúng ta chính là những chủ nhân của đất nước, là người chịu đựng và chịu trách nhiệm cuối cùng cho những điều xảy ra trên chính đất nước mình. Sức lan tỏa trong chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt, lên tiếng với Formosa, tẩy chay Mai Linh hay Masan, cho thấy sự lớn mạnh này.

Sự kiện thứ tư là sự bế tắc của nhà cầm quyền trong việc đưa ra một chiến lược kinh tế nhằm lái con thuyền Việt Nam ra khỏi cơn khủng hoảng. Ngân sách hầu như đã cạn kiệt. Để trả nợ công và chi tiêu, chính phủ chủ yếu cho phát hành trái phiếu để vay nợ trong nước, bán công ty nhà nước, và mượn tiền từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Dự kiến vay tổng cộng khoảng 20 tỉ đô la Mỹ cho năm 2016, phần 15 tỉ đô la là trả nợ, phần còn lại là trang trải chi tiêu. Để ý một điều đây là những hành động mang tính đối phó và các nguồn thu này không bền vững. Số lượng công ty nhà nước có giá trị theo nghĩa làm ăn có lời là một con số nhỏ hữu hạn, chừng vài chục. Nguồn thu từ dầu mỏ từ nay trở về sau sẽ chỉ còn là một con số vô cùng khiêm tốn, vì hoạt động khai thác dầu mỏ nếu tiết kiệm, bỏ qua các thất thoát hay tham nhũng, may ra mới có lời chút ít vì các dự báo giá dầu cho năm 2017 chỉ trong vòng 55 đô la Mỹ/thùng, trong khi chi phí khai thác dầu ngoài khơi ở mức khoảng 40 đô la Mỹ/thùng. Trong khi đó, nền kinh tế ngày càng đi xuống khiến cho thuế thu được từ cá nhân và doanh nghiệp sẽ ngày càng giảm. Cùng với mức nợ càng ngày càng lớn, do chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ, ngày chính phủ tuyên bố vỡ nợ có lẽ sẽ không xa, vì trong tình hình hiện tại huy động đủ 20 tỉ đô la Mỹ/năm trong những năm sắp tới là công việc vô cùng khó khăn, nhất là khi các ngân hàng đã được huy động hết sức để mua trái phiếu, Quỹ Bảo hiểm Xã hội đã được vét sạch, và các công ty đã bán dần hết.

Nhìn lại những sự kiện như vậy mới thấy một điều rằng cho dù nhà cầm quyền bỏ tù thêm vài chục Mẹ Nấm nữa thì cũng không thể nào cản nối một trào lưu của cả dân tộc đó là đất nước cần tự do, mà việc bắt giữ chỉ có tác dụng giúp tăng thêm quyết tâm cho những người trẻ, và tô vẽ thêm hình ảnh tàn bạo của chính quyền trong mắt nhân dân và phán xét của lịch sử. Vì khi mà những người trẻ thấy rằng họ có chung số phận với đất nước mình thì hoặc là họ tiếp tục sợ hãi, chịu đựng những sai trái và bất công suốt cuộc đời, hoặc là họ nên làm điều gì đó để thay đổi hiện trạng này. Tôi tin là họ sẽ lấy lựa chọn thứ hai, vì họ còn cả một tương lai ở trước mặt. Nước Việt Nam có trở nên hưng thịnh hay không là nhờ ở bàn tay và tấm lòng của các bạn trẻ là vậy.

OL, 22.10.2016

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...