05 October 2016

Chính trị VN: Nổi bật, khó lên?

Thành phố Đà Nẵng nói đang làm thủ tục đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động với cố Bí thư Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.

Ông Nguyễn Bá Thanh (1953-2015) làm chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ 1996, và trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vào năm 2003.

Đến năm 2012, ông được điều động ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Tháng 5/2014, Việt Nam nói ông phải điều trị bệnh rối loạn sinh tủy tại Mỹ, trước khi về nước đầu năm 2015.

Ông qua đời ngày 13 tháng 2 năm 2015.

Lúc sinh thời, ông Nguyễn Bá Thanh được xem là chính khách có phong thái lãnh đạo hiếm có tại Việt Nam: biết tạo ấn tượng trong dư luận với những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt.

Cũng có một số ý kiến đặt câu hỏi vì sao ông Nguyễn Bá Thanh đã không thể “lên cao hơn” trong chính trường Việt Nam, mà chỉ để lại dấu ấn đậm nhất ở thành phố Đà Nẵng.

Tiến sĩ Paul Schuler, chuyên gia về chính trị Việt Nam ở Đại học Arizona, Hoa Kỳ, là đồng tác giả một bài nghiên cứu mới đây về hiện tượng Nguyễn Bá Thanh ở Việt Nam và Bạc Hy Lai ở Trung Quốc.

Bài nghiên cứu nhận định những chính khách quá nổi bật trong dư luận ở hệ thống chính trị như Việt Nam và Trung Quốc lại có thể khó lên cao hơn trong chính trường.

BBC đã phỏng vấn Tiến sĩ Paul Schuler về giả thiết này.

Paul Schuler: Chúng tôi cho rằng những chính khách nổi tiếng có thể đặt ra rủi ro. Nếu những lãnh đạo nổi tiếng không thành công khi thúc đẩy một chính sách cụ thể, họ sẵn sàng và có khả năng vận động cho quan điểm của mình trên truyền thông.

Ngoài ra, họ có nền tảng ủng hộ ở trong dư luận và đảng viên cấp thấp.

Hai yếu tố này giúp các chính khách nổi bật có ảnh hưởng lớn hơn trong đảng và có thể làm giảm ảnh hưởng tương đối của các lãnh đạo khác.

BBC: Trước khi ông Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh và qua đời, có không ít lần dư luận đồn đoán ông sẽ được bổ nhiệm cao hơn, nhưng không xảy ra. Theo ông, liệu có phải vì có những người trong Đảng Cộng sản cảm thấy bị cái “vía” của ông Thanh đe dọa?

Image copyright Hoang Dinh Nam AFP
Ông Đinh La Thăng cũng được biết đến
với các phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt

Dĩ nhiên tôi không thể biết chính xác hình ảnh của ông ấy đã đóng vai trò đến mức nào. Tuy nhiên, chúng tôi tìm thấy một mô hình ở Việt Nam và Trung Quốc, là tên tuổi càng nổi bật thì lại càng giảm cơ hội thăng tiến.

Chúng tôi đã xem xét các bí thư tỉnh ủy, và cả trường hợp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù là chính khách được biết tới nhiều nhất.

Tương tự, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nổi tiếng, cũng đã không vào được Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông Tập Cận Bình thực tế được biết đến như một lãnh đạo thận trọng, làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, vì thế mới được bầu lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh, thực ra ở Việt Nam rất hiếm khi một bí thư cấp tỉnh được vào Bộ Chính trị trừ phi họ được đưa vào từ cấp trung ương. Vì vậy, cũng có thể ông Bá Thanh thậm chí chưa từng được xem xét cất nhắc, nếu ông không dùng những lần xuất hiện trên truyền thông và phỏng vấn để củng cố tên tuổi của mình.

BBC: Gần đây, một số cây bút cho rằng ông Đinh La Thăng, khi còn là Bộ trưởng Giao thông và nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng là một chính khách hiếm có ở Việt Nam với phong thái “quyết liệt", phát ngôn “trảm tướng”, khéo léo với truyền thông. Ông có cho rằng phong cách của ông Đinh La Thăng tương tự ông Nguyễn Bá Thanh?

Vâng, theo tôi, ông Đinh La Thăng là ví dụ gần nhất với ông Nguyễn Bá Thanh nếu nói về khả năng thu hút quan tâm chú ý.

Việc ông ấy chỉ trích nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh- Hà Nội hay mới đây, ông ấy hỏi “tại sao công đoàn không tổ chức đình công theo luật cho công nhân?”, là ví dụ hiếm có dám nói về những chủ đề tranh cãi. Ông cũng thu hút quan tâm khi lên tiếng ủng hộ việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác đại học Fulbright.

BBC: Chốt lại, ông có dự đoán sẽ càng nhiều hơn các chính khách ở Việt Nam tận dụng khả năng vận động dư luận ủng hộ họ?

Thực ra theo lý thuyết của chúng tôi, thì tôi nghĩ sẽ càng ít quan chức vận động quần chúng ủng hộ họ.

Một ngụ ý từ giả thiết của chúng tôi là cách hay nhất để đi lên, là “cúi đầu xuống”, tức là lặng lẽ thôi.

Nếu ta theo dõi chính trị Mỹ, ở đó động lực hoàn toàn trái ngược. Còn ở Việt Nam và Trung Quốc, dù xấu hơn hay tốt hơn, thì rõ ràng là chính khách ở hai nước này hành xử rất khác trong vấn đề tự làm nổi bản thân.

Thách thức cho những người nghiên cứu chúng tôi là giải thích vì sao có người chọn chiến lược rủi ro cao. Nếu tự làm nổi bản thân gây rủi ro cho cơ hội thăng tiến, thì vì sao họ lại làm vậy?

Một giả thiết là một số người thực ra không thể “tự che giấu tài năng của họ”, như Đặng Tiểu Bình từng khuyên.

Một giả thiết khác là quần chúng thực tế rất mong chờ một lãnh đạo nổi bật, thu hút. Nếu không ai dám tự nguyện nhận vai trò đó, thì truyền thông và quần chúng sẽ tự đi tìm một nhân vật phù hợp nhất cho họ.

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...