23 October 2016

Người Việt bầu cho Clinton hay Trump ?

 Lữ Giang

…với tỷ số 0,54% dân số Hoa Kỳ, một số người Việt tin rằng họ có thể lật ngược thế cờ, đưa Donald Trump lên cầm quyền để dẫn quân đi đánh Trung Quốc và diệt cộng sản Việt Nam !

Trên BBC News ngày 14/10/2016, ký giả Jasmine Taylor-Coleman đã viết : "Ít ứng viên tổng thống Mỹ nào lại bị ghét như Donald Trump và Hillary Clinton".

Còn sử gia nghiên cứu ngôn ngữ chính trị, Jennifer Mercieca, nói rằng ngôn ngữ trong bầu cử lần này đã đi quá xa :

"Khi ta xem chính trị như thể thao hay chiến tranh, thế là ta tự xem mình là fan hay người lính, cổ vũ, la ó hay vâng lệnh. Khi ta xem chính trị giống thế, những người có quan điểm khác ta không còn là sai, mà là kẻ xấu. Họ là kẻ thù".

baucumy2

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016, Donald Trump và Hillary Clinton

Tình trạng quái đản này cũng đang xảy ra trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Một cuộc tranh luận gay cấn đang diễn ra trong cộng đồng nầy : Bầu cho Clinton hay bầu cho Trump ? Có nhiều nhóm đang quyết ăn thua đủ với nhau.

Những cuộc thăm dò cho thấy đa số giới trẻ và những người có trình độ hiểu biết về chính trị có khuynh hướng bầu cho bà Clinton. Trong khi đó, đa số người lớn tuổi và những người "đấu tranh" lại rất thích Trump, vì cho rằng Obama và bà Clinton quá yếu. Phải có một người như Trump mới có thể đương đầu với Trung Quốc và cộng sản được. Nhiều người công giáo Việt Nam cũng nói phải bầu cho Trump, vì đảng Cộng Hòa Pro Life, còn đảng Dân Chủ Pro Choise !

Nhưng nói như vậy là nói theo cảm tính, tức theo mình muốn, chứ không suy nghĩ và hành động dựa theo những sự kiện thực tế : Nếu nhìn vào thể thức bầu cử tổng thống ở Mỹ và tỷ lệ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy, mặc dầu có nhiều người đang quyết ăn thua đủ với nhau, cộng đồng này dù bỏ phiếu cho ai, Trump hay Clinton, có đi bỏ phiếu hay không đi bỏ phiếu, cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cả !

Các tiểu bang bầu tổng thống

Những người mới qua thì không nói, có người đã ở trên đất Mỹ 40 năm và có nhiều người đã đi bầu tổng thống Mỹ đền 9 lần, nhưng vẫn chưa biết nước Mỹ đã bấu cử thổng thống như thế nào và lá phiếu của mình có ảnh hưởng gì đến cuộc bầu cử đó hay không.

Điều quan trọng phải biết là ở Mỹ, các tiểu bang bấu tổng thống chứ không phải mỗi cử tri bầu tổng thống như ở dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Nói cách rõ ràng hơn, nước Mỹ không bầu tổng thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu (universal suffrage) mà các cử tri đoàn (electoral colleges) của các tiểu bang mới có quyền bầu tổng thống.

Thể thức bầu cử tổng thống Mỹ được quy định trong Điều II Khoản 1 và trong các tu chính án XII, XXII, và XXIII của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Chúng tôi xin tóm lược những nét chính như sau :

Mỗi bang sẽ cử ra một cử tri đoàn bằng tổng số nghị sĩ và dân biểu của bang đó tại Quốc hội Liên bang. Nhưng không một nghị sĩ, dân biểu hoặc một viên chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức, được chọn vào cử tri đoàn.

Hiện nay mỗi bang có 2 nghị sĩ, còn số dân biểu của các tiểu bang được ấn định tùy dân số của mỗi tiểu bang, 10 năm ấn định một lần. Thí dụ California có 53 dân biểu, New York 27, Arizona 9, Ohio 16, Florida 27, v.v.

Hiện nay nước Mỹ có 100 nghị sĩ, 535 dân biểu, cộng thêm 3 đại biểu của Washington DC thành 538 đại biểu. Các tiểu bang có số cử tri đoàn lớn nhất là California 55 người (2 + 53), Texas 38 người, New York 29 người, Florida 29 người, Illinois 20 người, Pennsylvania 20 người, v.v.

Hiến pháp quy định rằng "Người nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các cử tri đoàn được bầu ra". Như vậy muốn được chọn làm tổng thống, ứng cử viên phải có số phiếu quá bán.

Hiện nay tổng số phiếu là 538, chia hai thành 269. Do đó, muốn đắc cử tổng thống phải được từ 270 (269 + 1) phiếu trở lên.

Chúng ta nhớ lại, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 7/11/2000, ứng cử viên Al Gore hơn ứng cử viên George W. Bush khoảng 540.000 phiếu phổ thông. Nhưng khi cử tri đoàn bầu thì Bush giành được 271 phiếu còn Gore 266 phiếu nên Gore bị thua.

Cho đến hôm nay, 20/10/2016, bà Clinton đã được 273 phiếu cử tri đoàn, còn ông Trump chỉ mới được 114 phiếu (Princeton Election Consortium).

Người Việt chẳng có xơ múi gì

Tổng số dân Mỹ năm 2014 là 318.900.000 người, trong đó có 1.737.433 người Việt, tức chỉ chiếm 0,54% dân số, một tỷ lệ quá nhỏ.

Nước Mỹ hiện có hai tiểu bang lớn nhất là California và Texas, và đây cũng là hai tiểu bang có đông người Việt nhất. Chúng ta thử nhìn vào hai tiểu bang này xem người Việt có đóng vai trò nào trong cuộc bấu cử tổng thống Mỹ hay không.

1. Về dân số và sắc tộc

Dân số California năm 2014 khoảng 38.340.000 người, có 581.946 người Việt. Texas có 26.960.000 người, chỉ có 210.913 người Việt. Nếu so với các sắc tộc khác, tỷ lệ này quá nhỏ bé.

Tai California, da trắng có 15.763.625 người, chiếm 42,3% ; Mỹ Latino 14.013.719, chiếm 37,6% ; Á Châu (đa số người Tàu) 4.861.007, chiếm 13% ; Phi Châu 2.299.072 chiếm 6%, trong khi người Việt chỉ có 581.946 người, chiếm 1,51%.

Tại Texas, da trắng có 17.701.552 người, chiến 70% ; Mỹ Latino 9.460.921, chiếm 37%, Phi Châu 2.979.598, chiếm 11% ; Á Châu (đa số người Tàu) 964.596, chiếm 3%, trong khi người Việt chỉ có 210.913 người, chiếm 0,78%.

2. Về đảng phái

Tại California, Dân Chủ chiếm 44,8%, Cộng Hòa chiếm 27,3%. Tại Texas, Dân Chủ chiếm 41,4%, Cộng Hòa chiếm 57,2%.

Nhìn lên bản đồ bầu cử, cứ thấy tiểu bang nào sơn màu đỏ, chúng ta biết tiểu bang đó thuộc Cộng Hòa (như Florida, Virginia, Nebraska, Neveda, v,v.) ; tiểu bang nào sơn màu xanh thuộc Dân Chủ (như California, New York, Illinois, Michigan, v.v.).

Đảng nào có đa số phiếu tại một tiểu bang sẽ nắm trọn số đại biểu (electors) của tiểu bang đó, như đảng Cộng Hòa được đa số phiếu tại Texas sẽ chiếm được 38 đại biểu của bang này, còn đảng Dân Chủ có đa số phiếu tại California sẽ ôm trọn 55 đại biểu của tiểu bang đó.

Trong những năm gần đây, California luôn thuộc về Dân Chủ, còn Texas thuộc về Cộng Hòa. Nhưng năm nay, tình trạng của Texas có thể thay đổi, vì rất nhiều người theo Cộng Hòa không muốn bầu cho Donald Trump.

Với tỷ lệ quá nhỏ bé (0,54%, 0,78% hay 1,51%), dù người Việt có bỏ phiếu cho Clinton, Trump hay chẳng bỏ phiếu cho ai cả, kết quả cuộc bầu cử tại tiểu bang họ cư ngụ cũng chẳng thay đổi gì cả. Ngay cả khi họ đâm chém nhau để bênh vực cho Trump hay Clinton, tình trạng cũng vẫn thế thôi.

Tuy nhiên, cử tri người Việt vẫn phải đi bầu để góp phần vào việc quyết định các đại diện tại liên bang hay tiểu bang như nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, giám sát viên, nghị viên, thị trưởng, v.v.

Vạn sự giai do tiền định !

Báo New York Times nói rằng Donald Trump khi cầm cái BÚA trong tay cứ tưởng mọi thứ đều là ĐINH, ông muốn đóng chỗ nào thì đóng. Lúc ông bảo cho xây bức tường giữa Mexico và Mỹ và bắt Mexico phải trả tiền, lúc ông tuyên bố sẽ đem quân Mỹ qua Syria "đấm vào mặt bọn ISIS", lúc ông đòi Châu Âu và Châu Á phải tự bảo vệ mình nếu họ không chịu bù đắp thêm ngân sách cho Mỹ, lúc ông dòi bắt các nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc và Mexico phải quay về Mỹ, khi khác ông đòi bắt giam bà Clinton… Thử hỏi một người gần như chẳng biết gì về luật pháp Mỹ cũng như luật pháp quốc tế, không hiểu gì vế kinh tế, chính trị, bang giao quốc tế, an ninh thế giới… như thế mà nhảy lên lãnh đạo nước Mỹ và lãnh đạo thế giới giới, đất nước này và thế giới này sẽ đi về đâu ?

Nước Mỹ có những chính sách và chiến lược có khi 5 năm, có khi 10 năm, có khi 30 năm, có khi 50 năm…, không phải mỗi người khi lên làm tổng thống muốn làm gì thì làm. Nếu mỗi tổng thống đều tự do hành động theo quan điểm và đường lối riêng, nước Mỹ đã sụp đổ từ lâu rồi.

Khi ra tranh cử, khẩu hiệu của ông Obama là "Change" (thay đổi), nhưng trong suốt 8 năm làm tổng thống, ông mới chỉ làm được đạo luật Obamacare, còn những cái khác như kế hoạch "Một Trung Đông mới", chuyển từ chiến lược can thiệp bằng quân sự (military intervention) qua chiến lược chiến tranh ủy nhiệm (proxy war), chính sách ngoại thương với Trung Quốc… ông vẫn phải đi theo các chiến lược đã được ấn định từ trước. Không theo là đi đời nhà ma.

Mặc dầu đã ở Mỹ trên đất Mỹ 40 năm, đa số người Việt vẫn chưa bỏ được tập quán suy nghĩ và hành động ctheo cảm tínhvới tầm nhìn ngắn, tức suy nghĩ, nói, viết và làm theo mình mình muốn, bất chấp thực tế như thế nào. Ai nói khác, làm khác hay có thể tranh chỗ đứng của họ đều có thể bị coi là tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng. Họ đã tự biến từ người "chống cộng" thành người "giống cộng" !

Trước 30/4/1975, miền Nam có chính phủ, có quân đội thiện chiến và có tinh thần chiến đấu rất cao, nhưng có người lãnh đạo là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu luôn suy nghĩ và hành động theo cảm tính, bất chấp "Đồng Minh" và "Địch" đang làm gì, nên Miền Nam đã mất chỉ trong 40 ngày. Bây giờ qua Mỹ, với tỷ số 0,54% dân số Hoa Kỳ, một số người Việt đấu tranh lại tin rằng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp đến, họ có thể lật ngược thế cờ, đưa Donald Trump lên cầm quyền để dẫn quân đi đánh Trung Quốc và diệt cộng sản Việt Nam ! Ai bầu cho bên kia đều là "địch".

Nhưng "Que sera sera". Việc gì sẽ đến thì sẽ đến, bất chấp người Việt nghĩ gì và muốn gì.

Ngày 20/10/2016
Lữ Giang
__________________
(Nguồn: Thông Luận)

**
 Bài nầy ông Lữ Giang Nguyễn Cần viết một câu cho chúng ta thấy ông dốt luật và thiếu hiểu biết: “Nước Mỹ không bầu Tổng Thống theo thể thức phổ thông đầu phiếu…”. Dốt vì ông không thấy rõ:

-         Dân phải đi bầu, tiểu bang nào mà UCV thắng số phiếu bầu thì mới lấy được số phiếu cử tri đoàn đã được ấn định cho tiểu bang đó, chứ không phải cử tri đoàn muốn bầu cho UCV nào thì bầu mà không đến xỉa đến số phiếu mà toàn dân tiểu bang đã bầu. Ví dụ kết quả ở tiểu bang Texas ông Trump thẳng thì cử tri đoàn không thể bỏ cho bà Hillary và ngược lại. Vậy thì không phổ thông đầu phiếu thì là cái gì.

-         Ông cũng chẳng hiểu thể thức và tinh thần bầu cử ở Hoa Kỳ mà ai cũng công nhận là tự do, vì: Ở kỳ bầu cử sơ bộ thì đảng nào bầu cho ứng cử viên đảng đó, nhưng ở kỳ bầu cử thứ hai thì ai cũng có quyền bầu cho bất cứ UCV nào dù UCV đó không phải cùng đảng với mình. Như vậy, lấy tỉ dụ số phiếu của các UCV chênh lệch nhau rất ít hoặc xấp xỉ nhau thì số phiếu của gốc dân thiểu số có vai trò quyết định và rất quan trọng.

Vậy thì những câu kết luận rất hồ đồ của ông Lữ Gian Nguyễn Cần : nào là chẳng” xơ múi gì”, nào là “giai do tiền định”, rồi “Qu’est sera sera”  …cho thấy ông là tên dốt, chẳng hiểu biết gì về luật pháp Hoa Kỳ , nhất là tinh thần Dân Chủ của Hoa Kỳ.

Ở đây chúng tôi muốn nói: Tổ chức bầu cử thì phải công bằng, tự do, dân chủ. Có nghĩa là người tổ chức phải giữ vị trí trung lập, không thiên vị của mình trước các UCV. Rất tiếc ông Tổng Thống Obama là người đứng ra tổ chức cuộc bầu cử (Hành Pháp) lại thiên vị và làm những hành động không công bằng (như lấy máy bay Air Force One dành cho Tổng Thống để chở bà Hillary đi vận động tranh cử trong giờ làm việc của Tổng Thống), nên bây giờ UCV Trump tuyên bố không chấp nhận cuộc bầu cử cũng không có gì sai trái, mà chính ông Obama phải lãnh mọi trách nhiệm nếu có xãy ra những sự việc đáng buồn… (Lincoln N.)


**
TTR: Để gọi bấu cử tổng thống Hoa Kỳ thì nên nói là "Bầu cử phổ thông đầu phiếu gián tiếp" cho đầy đủ hơn.
Cũng giống như các thẩm phán, tuy các thành viên ủy ban bầu cử do hành pháp tuyển chọn nhưng sau khi được thành lập rồi thì uỷ ban này có thẩm quyền độc lập và chịu trách nhiệm trước quốc hội, toà án và quốc dân. 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...