17 October 2016

Quanh co leo dốc

Kể chuyện đi bộ
(Có thêm những đoạn bị sót)
Điền Thảo


Đi bộ có chút thư thả là tản bộ. Đi có nơi có chỗ để thăm viếng ngắm cảnh đẹp thì là du ngoạn. Nhưng sang đến du thuyết, du học, du hí, du hành không gian và du thủ du thực... thì cũng là đi nhưng cặp giò chẳng còn liên hệ nhiều hay bị coi rất nhẹ. Tuy là nói lảm nhảm về đi bộ nhưng phải là thứ đi có liên hệ đến đôi chân kìa.

Escarpment

Hiking! Đúng là đi bằng hai chân hẳn hòi. Đi toát mồ hôi, có khi xong về nhà mấy ngày đôi chân còn đau điếng rã rời.

Hiking, cái chữ rất quen thuộc với phương tây ngày nay nhưng có vẻ lạ lẫm với đồng bào mình ở quê hương. Bởi vậy mà tìm đỏ con mắt không ra chữ Việt tương ứng. Từ điển Anh - Việt tra ra chỉ thấy toàn là những câu giải thích chứ không có từ tương đương coi cho được. Thành thử ghép đại hai từ "DÃ" (hoang dã) và HÀNH" (di hành) vào với nhau để chuyển nghĩa chữ HIKING, đi ngoài thiên nhiên, nơi chốn hoang dã hay giống như hoang dã nhưng với chủ đích là tăng cường thể lực và giúp tinh thần sảng khoái.

Xưa kia ở nước ta chả thấy ai đi dã hành cả. Cứ soát lại văn thơ xưa mà xem, không thấy có chỗ nào nói đến hoạt động thể thao này.

Ngôn ngữ phản ảnh cuộc sống mà. Tổ tiên ta xưa kia sống bằng nông nghiệp, ở nơi thôn dã, cầy sâu cuốc bẫm, suốt ngày vất vả, còn ai nghĩ đến chuyện đi bộ leo trèo để giữ sức khỏe hay để cái bụng ăn toàn rau đậu đã xẹp cho nó... xẹp thêm. Ngày ngày tứ thời bát tiết bà con ta dùng đôi chân và/hoặc đôi tay quá nhiều, chẳng còn ai nghĩ đến chuyện dã hành giã tỏi. Học trò cũng phải đi bộ hai ba cây số đến trường đi học.

Thế nhưng bây giờ ở Bắc Mỹ, từ hiking rất quen thuộc.

Ở Việt Nam hiện nay có chữ "PHƯỢT" nhưng đi phượt chỉ dành cho giới trẻ hay ít ra những người chưa già. Phượt là những chuyến du lịch bụi bặm "không cầu kì về trang phục, không kén chọn phương tiện, chỉ có bộ đồ phượt cũ mèm, chiếc xe máy cà tàng, một ba lô với vài thứ cần thiết và máy ảnh, chỉ vậy thôi ..." (internet)

"Đi phượt giống đi bụi, bụi từ phương tiện đến cả ăn uống, ngủ nghỉ. Đối với người đi phượt, không bao giờ có khái niệm sơn hào hải vị hay chăn ấm nệm êm, những giấc ngủ của dân phượt rất đơn giản, đôi khi là cắm trại, đôi khi là phơi sương giữa trời bên đống lửa cháy bập bùng". (internet)

Như vậy Đi dã hành và Đi phượt rất khác nhau. Dã hành lấy chăm sóc sức khỏe làm chính. Đi phượt để thỏa chí phiêu lãng.

Những nguyên nhân nào khiến dã hành chưa phổ thông tại Việt Nam? An ninh? Địa thế? Nếp suy nghĩ cho đó là "rởm"? Công việc này xin dành cho các nhà nghiên cứu. Chỉ biết dã hành rất phổ biến tại Bắc Mỹ. Có khi cả một gia đình dành nguyên một long weekend để cùng nhau đi dã hành.

Sách báo đã nói nhiều đến ích lợi do đi dã hành mang lại. chỉ xin tóm tắt như sau:

- Giảm nguy cơ trụy tim và đột quỵ.
- Cải thiện huyết áp và lượng dường trong máu.
- Không phải chỉ giúp cải thiện tim mạch, dã hành còn hồi phục bệnh nhân ung thư.
- Chống loãng xương vì dã hành là môn thể thao chống trọng lực.
- Luyện các cơ bắp cường tráng.
- Giảm nguy cơ mắc phải và kềm chế bệnh tiểu đường.
- Gia tăng sức chú ý và sự sáng tạo để giải quyết khó khăn.
- Chận đứng ưu phiền. Nếu dã hành theo nhóm thì đó là một hoạt động xã hội.

Có thể nói vùng nào cũng có những chỗ có thể dùng cho dã hành trừ những vùng chia cắt bởi quá nhiều sông rạch. Tuy nhỉên những vùng đồi ôn đới với thế đất mấp mô và bao phủ bởi rừng thưa có vẻ như thích hợp nhất. Một trong những vùng có điều kiện như vậy là thành phố Hamilton của Ontario, Canada. 

Hamilton có hơn 100 thác vả ghềnh đã khiến thành phố này có danh hiệu "Thành phố nhiều thác nước nhất thế giới". Và tôi đang sống trong thành phố này.



Một trong những lý do khiến Hamilton có nhiều ghềnh thác như vậy là vì thành phố này nằm ngay trên đường  Niagara Escarpment chạy qua. Escarpment không phải là nếp gấp  - ̣faulting on the surface - mà hình thành do xoi mòn qua nhiều thời đại. Có thể gió, nước và đá băng đã tạo ra đường Niagara Escarpment này khoảng trên dưới hai chục nghìn năm vào cuối thời băng tan chót đồng thời một loạt thác nước hình thành dọc bờ vực trong đó có Niagara Falls.

Thác nước hùng vĩ và lớn vào bậc nhất thế giới này luôn di động. Ít ai trong đám du khách biết rằng cách nay khoảng 12.000 năm vị trí của thác nước nằm trên sông Niagara cách xa vi trí hiện tại tới 11 km. 
http://www.niagarafrontier.com/origins.html

Chơi ngông

Một thân cây nhỏ dùng làm chiếc gậy, trước ngực lủng lẳng cái máy ảnh, tôi đến thác nước Albion có đường mòn để tập đi dã hành. Những lần đầu này tôi không đeo ba-lô, chỉ mang theo cái thân xác hơn sáu chục ki-lô chắc cũng đã đủ. Xuống dốc thì kham được nhưng leo lên thì thân trọng ấy chắc đủ thách thức với trọng lực.

Cái bụng không cân xứng sẽ teo lại! Không khí trong lành vài giờ hít thở khiến tinh thần sảng khoái, bao nhiêu cảnh lạ và đẹp hiện ra trước mắt. . . Chà, bấy nhiêu thôi cũng đủ kích thích để lên đường.

Mà thật, không khí rất trong lành, cây cỏ bắt đầu rực rỡ với mùa thu. thế đất thay đổi luôn luôn tạo ra những cảnh trí lạ. 

Ngày thường, người vắng. Đứng trên cao ngắm thác nưởc ầm ì đổ dưới chân. Không có lối mòn đi xuống từ chỗ này ít ra là cho những người bình thường. Nhìn qua bên kia bờ vực thấy có hai em bé đang chơi đùa dưới chân thác, đoán chắc rằng từ bên kia hẳn có lối xuống khá dễ dàng: Trẻ nhỏ còn xuống được kia mà huống chi là mình - một 'cái mình' không trẻ lắm!

Quả nhiên có lối xuống, không phải một mà nhiều lối nhưng tất cả không suông sẻ: Lối nào cũng có những khúc trơn trượt. Chưa bao giờ tới đây nên nghĩ rằng trơn trượt là bình thường vì ngay ở đầu lối xuống đã đứng lạnh lùng một bảng cảnh giác: 'Trails not maintained by government". "Use at your own risk!" (Chính phủ không bảo trì lối mòn. Ai đi tự mình cẩn trọng.). Nhưng nhớ là mấy hôm trước ngày nào cũng có mưa, chắc vì thế mà bờ dốc đá có xen đất rất trơn.

Nhưng rồi cũng leo xuống được, chiếc gậy giúp đắc lực. Thác Albion khá hùng vĩ. Tư liệu cho hay thác cao 18 mét rộng 19 mét. Lượng nước lớn đủ bao phủ kín chiều ngang đoạn chính ở phía trên. Khung cảnh không làm thất vọng mà còn quyến rũ là khác. Tôi tìm những chỗ đứng khác nhau, chụp một số bức hình.

Nhìn ngắm cảnh vật từ chân thác chưa thấy chán nhưng phải leo lên đi bộ theo lối mòn như dự định. Đi xuống sợ ngã, leo lên cũng thế. Có lẽ nếu nắng ráo vài ngày chắc lên xuống dễ dàng hơn nhiều. Lối đi bộ nhiều khúc có trải đá, nhưng đa phần là do nhiều người qua lại mà thành. Lâu lâu lại có bảng nhắc "Stay in main trails" (Hãy đi trên lối chính). Lối mòn ở đây tương đối dễ đi, tuy quanh co và bên bờ vực nhưng không lên xuống khốc liệt. Tới một ngã ba, tôi theo lối dốc đi xuống rốt cuộc gặp được suối. Men theo suối cả giờ, ngắm nhìn cây cao trên vách đá dựng bờ bên kia.

Trên đường trở về thác, tôi không dùng lối cũ mà đi qua cầu sang triền phía bắc. Theo phương hướng và bản đồ trên máy vi tính đã coi hôm trước, tôi nghĩ sẽ về lại được thác. Để chắc ăn, gặp một người chạy bộ, tôi hỏi và được trả lời đồng thuận.

Ngay khi qua cầu là một chặng đường leo dốc quí giá. Ước lượng chỉ dài lối hai trăm mét nhưng hẹp, quanh co, gồ ghề, liên tục đi lên và sát bờ vực. Vừa đi vừa thở ra tiếng, như rên (để đỡ mệt??), cố gắng không để vấp ngã. Bờ vực dù có nhiều cây, nhưng té xuống chắc hơi phiền.

Leo lên tới đỉnh, ra khỏi rừng, đầu lô thiên, đi cặp theo con lộ một đoạn đường rồi lại chui vào lối mòn. Dần dần con suối hiện ra không phải ngay cạnh chân mình mà róc rách tuốt phía sâu dưới kia. Tôi đâm thèm muốn được đưa chân lội trong dòng suối ở khúc này. Vừa đi vừa tìm nhưng không có một lối đi xuống chính thức nào cả, chỉ có hai chỗ trông như đã có người đi xuống và đó chính là những người bẻ chĩa, bất chấp lời khuyên "Hãy giữ lối chính" và chắc chắn là những chàng trai trẻ hơn tôi nhiều nhưng có cùng một cái "ngông".

Một lần nữa chiếc gậy giúp một cách đắc lực, một vật thật cần thiết, nếu không có tôi không thể xuống tới nơi. Tôi dùng cái gậy như chân thứ ba, bước dài xuống trước. Gậy dò dẫm tìm đúng chỗ để cắm xuống rồi cả thân người tì vào gậy để hai chân kia mò mẫm bước theo. Xuống được hai phần ba nhận ra không xuống được thêm vì phía dưới không có mấu chốt nào gần để bước xuống. Dưới bệ đá tôi đứng thế đất lõm sâu vào và quá sâu chiếc gậy cũng không với tới. Không dám lộng hiểm, dưới kia là đá vụn và đất ướt đang chờ chân tôi nhẩy xuống là kéo tuột xuống. Tìm cách đi ngang - tất nhiên cũng không dễ vì triền dốc, đất lại trơn và đá truồi. Trải nghiệm này cho tôi một kinh nghiệm: Dù xuống thẳng hay đi ngang đều phải đi ngang bàn chân, không được chúi mũi giầy xuống. Chẳng vậy sức nặng cả thân người dồn xuống bàn chân và rút cục chính những ngón chân sẽ bị đau vì tì vào mũi giầy (đang cố bám chặt xuống đất), xương và khớp các ngón chân sẽ đau điếng như (và có thể) bị gẫy. Chỉ từ lúc đó tôi mới nhận ra mười ngón chân mình rất mong manh.

Hú vía vì xuống được tới suối. Thế nhưng không muốn leo lên lại, vì nghĩ sẽ vất vả ít ra như khi xuống. Muốn đi thêm một đoạn "đường" mới vẫn có mãnh lực hơn cái sợ. Đang suy nghĩ thì gặp một cặp trẻ, hai người duy nhất trên đoạn suối này. Tôi đưa tay chỉ bờ dốc bên kia, hỏi thăm:

- "Các bạn xuống đây từ phía bên đó hả?

- "No shoes" (Không giầy), gã con trai trả lời.

- "Ý bạn muốn nói gì?", tôi thắc mắc.

- "Tụi tôi lội theo suối từ thác tới đây".

À thì ra thế. Thêm một cách đi. Tôi hỏi thêm:
  - "Thế lối mòn phía bên trên thì sao? Đi về thác được không?"

Cũng gã con trai chỉ lên và gật đầu. Sau này tôi mới nhớ lại và nhận ra rằng: Nếu đường mòn phía trên dễ đi thì họ đã không lội suối. Người già suy nghĩ chậm; thật không sai chút nào!

Khi leo lên được lối mòn "không chính thức" mới nhận ra nó rất trơn và có chỗ dựng đứng. Không đi nổi. Thay vì leo xuống đi theo suối tôi lại leo ngược lên bờ dốc. Lúc đầu chỉ muốn đi vòng một lúc để tránh khúc trơn trượt nằm phía dưới. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đi lên khá xa mà không có cách đi ngang. Hay là đi thẳng lên may ra có đường mòn chính thức chăng. Mò mẫm từng bước lên thêm một đoạn thì hoàn toàn bế tắc. Không có cây nhỏ mà toàn cây lớn; mà cây lớn mọc cách xa nhau, từ cây này không cách nào với tới cây kia để bám. Dưới chân vẫn là những mảnh đá thường là mỏng to nhỏ khác nhau nhưng chỉ bám trên đất ướt trơn trượt. Chiếc gậy vẫn không vô ích nhưng nếu cả hai tay đều có gậy thì tình huống khá hơn nhiều.

Tiến thoái lưỡng nan. Chợt nhớ lại mẩu tin trên báo nói vùng này năm ngoái có 10 vụ xuống mà không lên được nên phải gọi 911 đến cứu. Trong 10 trường hợp này có một trường hợp đi theo nhóm đông chứ không phải chỉ là cá nhân hay cặp đôi. Vừa lo lại vừa cười. Lo vì không biết cách nào để thoát. Cười vì già rồi tính ngông vẫn không chừa!!

Chẳng lẽ la lên để cặp thanh niên dưới suối lên cứu. Xấu hổ!!  Đứng một chặp để lấy lại bình tĩnh. Thời gian là một yếu tố tạo thắng lợi phần nhiều là phải nhanh, nhưng ở trường hợp này "nhanh" dễ thất bại.

Đi lên và đi ngang đều không được. Phải tìm cách xuống lại cái đã. Khi bỏ ý định đi thẳng lên để tìm lối mòn chính bên trên, có vẻ như khả năng chú ý và nhận xét tăng lên khi phải tìm cho ra một lối đi ngang hoặc đi xéo xuống khả thi. Khi đi xuống tôi nhận ra có những vết chân trượt té của những người đi trước thiếu may mắn. Có những cây chưa đủ lớn bị bật rễ nằm ngang vì ai đó trong lúc hoảng hốt ôm chầm lấy mong khỏi ngã hay khỏi tuột dốc.

Dò chừng từng bước, từng bước, tuy đôi khi bước kế tiếp phải thật nhanh, nhanh hơn cả tốc độ trượt ngã. Sau chót may mắn và bình tĩnh đưa tôi về lại cái lối mòn của những kẻ "giở hơi", để lại phía sau khúc dựng đứng trơn trượt. Tôi mò về lại thác nước sau hơn ba giờ đồng hồ  kể từ lúc khởi hành và trên một lộ trình dài chưa tới 6 km.

Đêm hôm đó chân tay rã rời. Vùng hai bên hông và lưng đau ê ẩm nhưng giấc ngủ thật nhẹ nhàng. Ngày hôm sau tôi bỗng nhận ra khi lên xuống thang đầu gối bên phải không còn đau thốn như suốt mấy tháng nay. Và ngày kế tiếp khi lên xuống thang, tôi không đi mà chạy y như trước kia vậy. Dĩ độc trị độc chăng?

Điền Thảo
Mùa Thanksgiving Canada 2016

 Lối mòn nhiều đoạn khá hẹp, nhưng mới đúng nghĩa dã hành


Suối do nước từ thác Albion cung cấp

Xoi mòn tạo ra Vách Niagara Escarpment

Hình ảnh: Tác giả chụp trong chuyến đi.

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...