26 October 2012

Liêu Diệc Vũ viết về nước Tầu

Trong khi ở Thụy Điển, người ta phát giải Nobel Văn chương cho Mạc Ngôn (Trung Quốc), người chủ trương viết cho đẹp lòng đảng CS, thì tại Đức, một giải thưởng cho một nhà văn Trung Quốc khác, Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu) chống cộng triệt để.
Bài diễn văn tuy đọc bằng tiếng Trung Hoa nhưng tất cả sáu lần, Liêu Diệc Vũ hô to: “Dieses Imperium muss verschwinden”. (Đế quốc này phải biến đi). 
Liêu Diệc Vũ cổ vũ những tư tưởng chính trị cổ như “Bách gia tranh minh”, “Tiểu Quốc quả dân”, nhũng tư tưởng mà ông Liêu dùng để phân tách xã hội Trung Hoa dưới sự cai trị của cộng đảng hiện nay.
Ðế quốc mầu máu tuyệt diệt nhân tính

* Liêu Diệc Vũ *
Trương Sinh Chung dịch
(ngày 17.10.2012 từ báo Epochtimes ngày 15.10.2012)

Lời giới thiệu của dịch giả: Nhà Văn Liêu Diệc Vũ vừa được trao tặng giải thưởng Hòa Bình của ngành bán sách tại Ðức (Friendenspreis des Deutschen Buchhandels). Ðây là một giải thưởng giá trị của giới Văn-Hóa Ðức. Tổng thống Ðức, Joachim Gauck (phải) và Liêu Diệc Vũ. Lễ trao giải thưởng được tổ chức tại nhà thờ Paulskirche, thành phố Frankfurt, ngày Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012, với sự hiện diện của các giới chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội Ðức, kể cả TT Liên-Bang Joachim Gauck và Chủ Tịch Quốc Hội Norbert Lammert cũng hiện diện. Trong buổi lễ này, Liêu Diệc Vũ đã phát biểu như sau: (Các tiêu đề đậm nét từng đoạn trong bài do soạn giả tờ báo Epochtimes đặt biên vào).

Vào nửa đêm tối ngày 3 tháng 6 năm 1989, có 1 đứa trẻ 9 tuổi tên Lữ-Bàng, học sinh lớp 3 tiểu học ở đường Thuận Thành, Bắc Kinh. Chỉ vì tính ham vui của trẻ con, em đã lén cha mẹ ra ngoài đứng xem cảnh tượng sôi nổi ở ngoài đường phố, và rồi bị giết bởi 1 viên đạn phóng thẳng vào người em. Cùng với em Lữ Bàng còn có mấy thường dân khác, nhưng em Bàng là nạn nhân nhỏ tuổi nhất.

Theo chứng từ những người như Ðinh Tử Lâm, một trong các nhà điều tra dân gian, thì Lữ Bàng cũng là nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong cuộc tàn sát quy mô ở Thiên An Môn. Ngực của em bị đạn xuyên thủng, máu phun ra tung tóe. Em đã chết ngay tại chỗ. Cái tin tử nạn của em đã truyền lan rất nhanh từ người này đến người khác và chẳng mấy chốc thì đã dấy lên cơn phẫn nộ của hàng ngàn, hàng vạn người dân của thành phố Bắc Kinh. Vô số những người đã ngủ yên, kể cả những người chạy trốn chính trị, họ đã đi lập các rào cản ngăn các quân xa, chọi đá và chai xăng vào đám bộ đội được võ trang tận răng. Thân thể bé nhỏ của Lữ Bằng được đặt nằm trên 1 chiếc xe giở mui, và mọi người đã hộ tống qua lại trên các đường phố như 1 anh hùng. Ðó là 1 lời tố cáo câm lặng tội tàn sát khát máu.

Ðêm đó đã có bao nhiêu người khóc thương cho đứa trẻ không hề quen biết này? Có bao nhiêu người đã bị gắn cho cái tên là những 'tên Côn Ðồ' chống chính phủ trong nháy mắt?

23 năm đã qua đi trong nháy mắt, tôi đã đưa cái tin tử nạn của Lữ Bàng lên ngay hàng đầu của “Danh sách những nạn nhân trong cuộc Tàn Sát lớn” (2) trong tác phẩm “Viên Ðạn và Thuốc Phiện” (Die Kugel und das Opium) bằng chữ Hán và chữ Ðức. Em sẽ vĩnh viễn là 9 tuổi, và cầu mong rằng đây là cái tin tử nạn đi vào vĩnh hằng.Vì nó tàn sát trẻ con, nên cần phải được chia cắt ra(Tác giả dùng chữ Phân Liệt, nguyên nghĩa là làm nứt và tách ra thành mảnh, tùy lời văn mà tôi phải dịch là chia cắt, phân ly, ly khai, phân chia...)

Ở đây, tôi cũng loan báo bản tin báo tử của cái đế quốc này! Cách nay hơn 2500 năm, vị tổ tiên vĩ đại của chúng tôi, ngài Lão Tử, đã diễn tả trong “Ðạo Ðức Kinh” rằng có hai vật thể rất yếu mềm nhưng lại cao quý vô cùng: Trẻ thơ và nước, tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở của nhân loại và sự lưu chuyển của thiên nhiên. Giữ gìn trẻ em tức là giữ gìn được nguyên khí (mầm sống)của giống nòi. Cái gọi là Khí Công của Trung Hoa trước hết là phải bỏ hết những ý niệm hỗn tạp khi vận khí vào đơn-điền để trở lại trạng thái mông lung sơ khai của hài nhi trong bụng mẹ. Lão Tử đã diễn giải thêm rằng: Loài người cần mái nhà, người già trở về đất bụi, cũng quan trọng tương đương như đứa trẻ quyến luyến trong lòng mẹ, việc Phân và Hợp của một quốc gia là để thích ứng với những bản năng sinh tồn hằng ngày của con người, chứ không phải vì là “Ðại Nghĩa Dân Tộc.” Là một nhà triết học theo chủ nghĩa phân ly, Lão tử đã đưa ra một Utiopia nổi tiếng là “Tiểu Quốc quả dân” (Nước nhỏ dân ít) - “Lân quốc tương vọng, kê khuyển chi thanh tương văn, dân trí lão tử, bất tương vãng lai” (hai nước kế liền đến độ thấy mặt nhau, tiếng gà gáy và chó sủa đều nghe rõ, nhưng dân chúng thì cho đến già rồi chết cũng không qua lại với nhau!) - Quốc gia càng nhỏ, thì càng dễ quản trị, nếu quốc gia nhỏ đến độ như một cái làng thì người dân thường có thể gặp TổngThống bất cứ lúc nào, ngồi nhậu với nhau, cùng vạch quần đái bậy hay cùng thảo luận chính trị, thì tốt đẹp biết bao! Nếu có khách đến từ một nơi xa xôi, đặc biệt là một nơi xa đến nỗi người dân chưa bao giờ nghe đến, thí dụ như nước Ðức hay nước Mỹ chẳng hạn, dù chẳng hề quen biết, người dân chạy đến báo cho nhau biết, thì “bất diệc duyệt hồ” (Há chẳng phải vui lắm ru?). Như thế thì sung sướng như tiên rồi.

Xa xưa hơn Lão Tử rất nhiều, vua Nghiêu và vua Thuấn đã là những ông vua suốt ngày chui vào đám dân dã, ngoài việc siêng năng việc triều chính còn phải siêng về việc ruộng nương. Cho nên hai vị vua này đã được muôn vàn trí thức của các triều đại từ Lão Tử, Khổng-Tử, Trang-Tử, Mạnh-Tử trở xuống đều kính mến vô cùng!Ngay “thời đại Xuân Thu“của Lão, Trang, Khổng, Mạnh-ở nước Trung Hoa Ðộc Tài hiện nay - đã bị phân chia ra mấy chục nước rồi. Trong mấy trăm năm đó, tuy rằng không ngừng có khói lửa chiến tranh xâm chiếm nhau nhưng giới học giả công nhận rằng đó cũng là một thời đại huy hoàng chưa từng được vượt qua cả cho đến ngày nay: Hoạt động ở các lãnh vực chính trị, kinh-tế, văn-hóa rất rầm rộ, ngôn luận rất tự do, cởi mở, các học thuyết cạnh tranh nhau, trong sử gọi là “Bách gia tranh minh” (Trăm nhà đua nhau lên tiếng ). Cho đến ngày hôm nay, đám đảng cộng sản từng hủy diệt truyền thống, lại tráo trở một cách vô liêm sỉ, ăn cắp cái di sản tư tưởng thời “Bách gia tranh minh” đó, đi xây các Học viện Khổng Tử khắp cùng trên thế giới - Chẳng lẽ chúng nó không có đọc sách cổ sao? Chúng không biết rằng Khổng Tử là người nước Lỗ chứ không phải là người Trung-Quốc à? Vào tuổi 56, Khổng Tử có xung đột chính kiến với người thống trị cao nhất trong nước, ông có thể bị họa mất mạng nên đã phải trốn chạy trong đêm tối và lưu lạc trên mười mấy nước; đến năm ông 70 tuổi mới được phép trở lại cố quận - Và như thế, Khổng Tử phải được coi như nguồn tinh thần cho lớp người lưu vong của những triều đại sau này, vì thế thì Học viện Khổng Tử phải đổi lại là“Học Viện Khổng Tử lưu vong” mới đúng.

Thí dụ tương tự, còn có nhà thơ theo chủ nghĩa ly-khai Khuất Nguyên của thời Chiến Quốc, do tổ quốc mình là nước Sở bị nước Tần tham vọng “thống nhất thiên hạ“mà xâm chiếm; trước giờ nước mất nhà tan, ông đã tự trầm mình tự vẫn dưới sông Bạc-La. Khuất Nguyên đã để lại rất nhiều bài thơ yêu nước mang tính chất địa phương rất rõ rệt, những bài thơ này được hậu thế truyền tụng nhưng thật ra Cố Quốc muôn thuở không thay đổi trong lòng ông ta là vùng đất Ðộng Ðình Hồ ở tỉnh Hồ Nam ngày nay chứ không phải là cái đế quốc trung ương được lập nên do thủ đoạn sát nhập đẫm máu, sinh linh đồ thán, và trói buộc những địa phương, các chủng tộc khác nhau lại mà thành - Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách (3) - Cảm động và để tưởng niệm nhà thơ bất khuất này, người dân đã định ngày tuẫn tiết của Khuất Nguyên là Tết Ðoan Ngọ. Hằng năm cứ đến ngày lễ Trên Sóng Nước này, người ta đã chèo những chiếc thuyền có hình dạng con rồng qua lại nơi sóng nước ba đào, và thả xuống sông những loại bánh trái làm bằng gạo nếp rất đặc biệt của vùng đất Sở này - loại bánh chưng - để cúng tế cho linh hồn của Khuất Nguyên.

Nhân danh thống nhất quốc gia, những vụ đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa nhiều không kể xiết.

Sử sách ghi chép lại, lúc mới lập quốc của đảng Cộng Sản, họ đã đoạn tuyệt mọi liên hệ giữa người dân với truyền thống ly khai (**): Trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, họ đã sách động phong trào tiêu diệt giai cấp bóc lột, bắn giết hơn 2 triệu địa chủ, nhân sĩ và thành viên trong các tổ chức nhân dân tại địa phương. Những người này là lớp trí thức ở cơ sở nông thôn, nhiều người đã tỏ thái độ quy phục nhưng CS vẫn nghi ngờ họ là “gây rối âm thầm” và “tư tưởng cũ” đã ăn sâu trong óc, không thể cải tạo thành đầu óc mới để theo kịp trào lưu của chúng.

Thủ đoạn căn bản để củng cố “quốc gia” của chúng là giết người, từ Mao trạch Đông đến Đặng tiểu Bình thủ đoạn này vẫn như vậy: Nạn đói khủng khiếp từ năm 1959 đến 1962, chỉ vì chính quyền Mao trạch Đông sợ bị Ly Khai (**), nên đã để chết đói đến 40 triệu người. Cuộc cách mạng văn hóa kéo dài từ 1966 đến 1976, cũng vì mối lo âu tương tự nên có 2 triệu đến 4 triệu người bị hành hạ đến chết. Mao trạch Đông luôn nhắc nhở người dân rằng, cái tai ương lớn nhất chính là “Chia cắt (**) dân tộc, mất Ðảng mất nước”, nếu xẩy ra thế thì toàn dân sẽ bị sống trong “dầu sôi lửa bỏng” - Những nhắc nhở tương tự cũng xuất hiện trong các luận điệu của những tên bạo chúa như Lenin, Stalin, Hitler, Caocescu, Kim nhật Thành, Sadam Hussein và Gaddafi - Thống nhất quốc gia, vẹn toàn lãnh thổ - luôn là “lá bài làm bàn” của những tên độc tài; và biết bao tội ác đã nương vào đó mà được tiến hành một cách công khai!?

Tháng 6 năm 1989, để đối phó với nguy cơ chính trị, đảng CS đã điều động cả đến 200 ngàn quân nhân trang bị đầy đủ võ khí, làm cho cả thành Bắc Kinh chìm ngập trong máu. Trong khi xe tăng cán lên trên mặt đường phố, trong khi tiếng súng điếc tai đã được làn sóng điện loan đi trên toàn thế giới, thì có 1 nhà thơ già nua đang cuộn mình trong đống sách cổ đọc cuốn“Trang Tử” - thời gian đã qua trong nháy mắt, vì tôi đã lớn tiếng ngâm bài thơ “Cuộc Tàn sát lớn” trong đêm tàn sát lớn đó, để vào rồi lại ra khỏi tù. Rồi tiếp đó lại được gặp gỡ nhà thơ già có bút hiệu Lưu Sa Hà này - Vào năm 1957, lúc tôi chưa được sinh ra, Lưu Sa Hà cũng vì làm thơ, và bị mao trạch đông nghi ngờ là “chửi xéo đảng cộng sản” nên ông bị đối xử như thù địch, bị tóm vô tù. Vì thế Lưu Sa Hà đã nói với tôi: “Những người mà số mạng có những tổn thương nặng như tôi và chú thì vết dao trong lòng sẽ không bao giờ lành lặn cả. Như thế thì chú nên thôi làm thi nhân để làm 1 chứng nhân của lịch sử.” Kế đó, ông ta kể lại việc Trang Tử đã chứng kiến và ghi lại hơn 2 ngàn năm về trước rằng có mo nước nào đó bị thua trận, kẻ xâm lược đã vượt qua biên giới, công hãm kinh đô, phóng hỏa giết người, tất cả mọi người phải trốn chạy.

Có người ẩn sĩ tên là Lâm Hồi cũng chạy loạn trong đám dân, trong người ông ta có mang theo 1 thỏi bích ngọc đáng giá nghìn vàng. Trong 1 đống tro tàn đổ nát bên lề đường, có tiếng khóc thảm thiết của một trẻ thơ bị bỏ rơi, mọi người đều đưa mắt nhìn về chỗ ấy. Nhưng bọn lính ngoại bang đang rượt theo, tiếng hò hét càng lúc càng gần, mọi người đều hoảng hốt bảo nhau hãy chạy mau lên. Chỉ có Lâm Hồi đi đến gần, cúi xuống để ôm đứa bé, nhưng thỏi ngọc ôm trong lòng quá lớn, quá nặng, nếu ẵm theo đứa bé thì phải bỏ lại thỏi ngọc. Không chút do dự, Lâm Hồi đã chọn đứa bé, làm mọi người đều kinh ngạc; họ bảo là sao ông khờ thế, sao đã liệng bỏ ngàn vàng mà mang theo 1 của nợ bằng xương bằng thịt này? Lâm Hồi nói rằng: Ðây là ý Trời. Truyền đạt chân tướng của sự thật cũng là ý Trời. Hưng và Suy của quốc gia, Phân và Hợp của lãnh thổ đều chẳng qua là những chương, mục được ghi chép trong sử sách, nhưng việc thừa kế và truyền đi chân tướng của sự thật thì luôn xuyên suốt lịch sử từ đầu đến cuối. Cái thói quen ghi chép (sự thật) có nguồn gốc từ lâu đời này, nhưng gặp lúc Mao trạch Dông và đặng tiểu bình phóng tay giết tróc thì sự thật đã bị vứt bỏ vào đống tro tàn đổ nát, như đứa trẻ thơ dưới ngòi bút của Trang Tử chỉ còn những tiếng khóc gào vô vọng. Cần phải có những người nhận và truyền lại, như “Ẩn Sĩ Lâm Hồi” bỏ đi những ích lợi thiết thực đã có hay sẽ có để cúi xuống ẵm nó lên, đem nó trốn khỏi cuộc săn lùng, giết tróc, và kiên nhẫn mà nuôi nấng, khích lệ nó, cho tới khi nó có được bộ óc đủ tinh khôn mà ghi nhớ những năm tháng đã qua đi, và âm thầm lưu truyền cái thói quen ghi chép đó trong bóng tối. 

Tôi cũng đang nối tiếp việc lưu truyền những thói quen ghi chép đó. Và nhờ Hán ngữ, Anh ngữ và Ðức ngữ, tôi công khai trước toàn thế giới những ghi chép của tôi liên quan đến những nạn nhân của cuộc thảm sát đó, đồng thời công khai những suy nghĩ của tôi về việc chia cắt (**) nước Trung Hoa. Vài năm sau nữa đây, tôi sẽ trở về nơi của các tổ tiên thân yêu của tôi. Cho nên ở đây, trong giáo đường Paulskirche nguy nga tráng lệ, trong giờ giấc tụ họp của các tinh anh của xã hội Ðức, tôi xin kính cẩn gửi trước đến họ (Tổ Tiên Tôi). Ðặc biệt đến Cụ Tư Mã Thiên, người Thầy già nhất trong nghề này, đã bị bọn thống trị cắt bỏ dịch hoàn vì chỉ muốn cúi xuống ẵm lên Sự Thật cũng yếu ớt như đứa hài nhi bị bỏ rơi trong cảnh thanh bình hoan lạc của thời Tây Hán. Vì thế Ngài dù đã mất đi khả năng sinh dục nhưng khả năng sinh dục trong linh hồn ngài đã lớn mạnh từ nỗi uất nhục to lớn này: Cuốn Sử Ký do Ngài viết nên, và cuốn Chu Dịch được Chu Văn Vương viết thành trong ngục giam dưới hầm đất, đã làm bạn với tôi trên đường trốn khỏi nước Trung quốc Ðộc Tài.

Khổ nạn càng ngày càng nặng trĩu thì lòng người càng ngày càng chai đá. Trẻ con và sự thật chan hòa như cá với nước trong các ghi chép của lịch sử, một triều đại đã đi đến chỗ tàn sát trẻ con, xóa bỏ sự thật thì khí số của nó cũng đã đến đường cùng từ lâu rồi. Nhưng tên gian xảo già đầu đặng tiểu Bình vào đầu xuân 1992 đi du tuần từ Bắc Kinh về phía nam đến Thâm Quyến, đã đưa ra chính sách cứu đảng là: Chính trị siết chặt, thị trường mở rộng. Tôi đã viết trong “Thuốc Phiện và viên đạn” - nhiều năm lại qua đi mất. Nhưng tôi vẫn còn lang thang không nhà trên tổ quốc của mình. Khổ nạn càng ngày càng nặng trĩu, lòng người càng ngày càng chai đá. Mà kinh tế của Trung Quốc càng ngày càng vươn cao. Có 1 luận điệu rất thịnh hành trên quốc tế cho rằng sự phát triển kinh tế có thể kéo theo cải cách chính trị, để độc tài đi đến thành dân chủ. Do đó, những quốc gia tây phương từng chế tài trung cộng vì cuộc tàn sát lớn ở Thiên An Môn, giành nhau đến làm ăn với tên đồ tể, mặc dù những tên đồ tể này vẫn còn đang bắt và giết người, những vết máu mới đã che lấp vết máu cũ, những bạo hành mới này đã phân giải đi những bạo hành xưa. Người thường dân vì phải sống còn dưới những vết máu và bạo hành đó thì chỉ có thể trở nên càng vô liêm sỉ hơn. Vô liêm sỉ và những khổ nạn cứ liên tiếp thay nhau tái diễn hoài, đã chi phối quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng tôi. Sau cuộc tàn sát lớn ở Thiên An Môn, lại liên tiếp diễn ra những đàn áp rất tàn bạo đối với tập thể thân thuộc của những nạn nhân ở Thiên An Môn, các môn khí công khác nhau, Pháp Luân công, với đảng Dân Chủ Trung Quốc, với nhân dân khiếu kiện, với nông dân bị mất đất, công nhân thất nghiệp, các luật sư bênh vực quyền lợi cho dân, với các giáo hội phi quốc doanh, với những phần tử khác chính kiến, tập thể nạn nhân trong trận động đất lớn ở Tứ Xuyên, những người đã ký tên vào bản “Hiến chương 08,” cách mạng “Hoa Lài trên mạng,” và ở Tây Tạng, Nội Mông và Tân Cương.

Nợ máu chất chồng cao ngút, tên độc tài càng ngày càng sắt máu hơn, nếu lần thứ nhất giết người 2 bàn tay còn run rẩy, càng giết nhiều người, nợ máu càng nhiều thì lúc vung dao giết người càng thấy lưu loát hơn - mà sau mỗi lần giết người, đều có thể kích thích kinh tế tăng trưởng vượt mức. Nếu như không có máu đổ ở Thiên An Môn thì không có cuộc du tuần về phương Nam của đặng tiểu bình, mọi người đã không vứt bỏ yêu nước mà đi yêu tiền. Không có những ủi nhà bằng bạo lực kiểu xã hội đen, thì không có việc nới rộng thành phố cách điên cuồng và tình trạng lên sốt bệnh hoạn của ngành địa ốc, cũng không có luôn hàng ngàn hàng vạn các tham quan và gian thương phải trốn ra nước ngoài hay bị vướng mắc trong các công trình xây cất kém phẩm chất như “bã đậu hũ.” Bọn đồ tể đang thắng lợi, vì cả nước đã trở nên nô lệ của chúng, bị cướp đoạt, dầy xéo tùy ý chúng, cho đến lúc bị ép đến cạn xương tủy.

Bọn chúng nói với những thương gia Tây phương rằng: “Các người vào đây đi, hãy lập công xưởng, mở công ty, xây nhà cao, mở mạng lưới ở đây đi, chỉ cần đừng nhắc đến nhân quyền đừng lật tẩy chúng tôi thì các người muốn làm cái gì cũng được. Ở nơi nước các người, có luật pháp, có dư luận, có ý dân, không thể tùy tiện mà làm theo ý mình, vậy các người cứ lại chỗ chúng tôi, hãy hòa cùng chúng tôi để làm chuyện tồi bại đi. Hãy cứ tự nhiên mà phá hoại các con sông, không khí, lương thực và nguồn nước ngầm. Hãy cứ tận tình mướn những sức lao động rẻ tiền, để chúng nó làm ngày làm đêm mà trở thành 1 cái máy trên dây chuyền sản xuất.” Khi phần lớn những người dân ở Trung Quốc đều mắc bệnh ung thư thể xác, ung thư tinh thần và ung thư nhân tính thì lại càng lời được nhiều tiền! Ở cái bãi rác lớn nhất thế giới này, luôn tiềm tàng những cơ hội buôn bán lớn nhất.Nhân danh tự do mậu dịch, để xuất cảng những quan điểm giá trị rác. Nhân danh Tự Do Mậu Dịch, không ít những tập đoàn đầu tư Tây phương đã cấu kết xà nẹo với bọn đồ tể, tạo ra những bãi rác, cái quan điểm “giá trị rác” càng ngày càng có ảnh hưởng mạnh trên toàn thế giới. Người thường dân ở Trung Quốc đều biết rõ, chúng nó có tiền, chúng nó có đường dây cửa sau, chắc chắc chúng nó sẽ vứt bỏ tổ quốc rách nát bệnh hoạn để di dân đi Tây phương, đi hưởng thụ đất đai sạch sẽ và ánh nắng, đi hưởng tự do, bình đẳng, bác ái, thậm chí vào cả giáo hội, để cho chúa Giê-Su, người đã bị kẻ độc tài thời cổ đóng đinh tên thập tự giá, chuộc tội cho mình.

Một khi người dân Trung Quốc hiểu rõ là từ nơi Tây phương dân chủ cũng không thể tìm lại được Công Nghĩa và Công Bằng, cái gương vô liêm sỉ kiểu “cầm bài lớn nhất thì ăn hết” của bọn quan tham và gian thương sẽ được mọi người noi theo. Một tương lai không xa, ở mọi góc của trái đất đều đầy rẫy những tên lường gạt từ Trung Quốc, chỉ vì muốn xa rời quê hương mà bất kể thủ đoạn...

Hệ thống giá trị của cái đế quốc này đã băng hoại, duy trì nó chỉ còn lại những cấu kết vì lợi-ích mà thôi. Nhưng sợi dây xích lợi ích gian tà này lại đan kết chằng chịt vào nhau, làm cho cả thế giới tự do với kinh tế toàn cầu hóa phải thúc thủ.

Nhưng cái số mạng phải bị chia cắt đã tiềm ẩn bên trong của đế quốc, đã được định sẵn, vào 23 năm trước, trong đêm nó tiến hành cuộc Tàn Sát lớn. Bản “Danh sách những nạn nhân bị tàn sát” mà đứng đầu là Lữ Bàng, tên của đứa trẻ 9 tuổi, sẽ trở nên một ngụ ngôn vượt thời đại, được ghi khắc vào sử sách thế giới, là do những kiên trì bởi tập thể các bà mẹ Thiên An Môn, đứng đầu là Ðinh Tử Lâm.

TT Tiệp vừa quá cố, Vaclav Havel, đã nhấn mạnh nhiều lần về “Quyền lực của người không có quyền.” Nhưng ở Trung Quốc, khi tập thể yếu thế tuyệt vọng vì không còn dùng bạo lực để thay thế đám bạo tàn, thì quyền lực còn lại chỉ còn được truyền miệng riêng cho nhau. Ðây cũng là truyền thống cổ xưa, khi Tần Thủy Hoàng xây Trường Thành, bất kể đến việc sống chết của người dân, mọi người không có cách nào chống lại, thì dùng câu chuyện Mạnh Khương Nữ Khốc Trường Thành để trù ếm hắn - cho đến ngày hôm nay, Vạn Lý Trường Thành vẫn còn đứng sừng sững như 1 địa điểm du lịch hấp dẫn, nhưng trong câu ngụ ngôn của dân gian, nó đã sụp đổ vì tiếng khóc đau thương của 1 người vợ trẻ mất chồng. Máu đã lạnh đi, lòng cũng thành đá. Ðức Khổng Tử từng đứng than trước dòng suối trôi đi rằng - Những ký ức trôi mất đi cũng như vậy sao? - Và tin về 2 cái chết sau đây cũng sẽ như thế chăng?: 

Ngày 21 tháng 6 năm 2003, bé gái 3 tuổi Lý Tư Di, ở huyện Kim Ðường thuộc thành phố Thành Ðô, vì không ai chăm sóc, đã bị chết đói ngay trong nhà mình, chỉ vì mẹ của cháu đã bị cảnh sát bắt nhốt 16, 17 ngày do tội tình nghi hút ma túy.

Ngày 13 tháng 10 năm 2011, Vương Duyệt, đứa bé 2 tuổi ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Ðông, băng qua đường, bị tai nạn xe. Ðứa bé bị xe đụng ngã xuống đất, vẫn còn hơi thở, sau đó thân thể bé còn bị 2 chiếc xe hàng cán qua. Có người chứng kiến đã thâu hình bằng điện thoại cầm tay và đưa lên mạng: Trong 7 phút đồng hồ, có 18 người đi ngang qua đều làm lơ, không chịu ra tay cứu giúp. Cuối cùng đứa bé thân thể tan nát này được 1 bà cụ nhặt ve chai ẵm lên và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng rồi bé cũng chết yểu.

Máu đã lạnh đi, lòng cũng thành đá rồi. Nhưng vào lúc đứa con trai 9 tuổi Lữ Bàng bị sát hại thì máu của người Trung Quốc vẫn còn sôi sục. Ai có muốn làm những con người bị tẩy não bởi sách lược kinh tế của bọn đồ tể Trung Quốc như thế này? Ngay ở trong Trung Quốc, mọi người đều quen nói tôi là người Tứ Xuyên, tôi là người Thiểm Tây, tôi là người Quảng Ðông, tôi là người Bắc-Kinh... Cũng như hồi tôi ở Berlin, mọi người hay nói, tôi là người Mỹ, tôi là người Ðức, tôi là người Tây Tạng, tôi là người Rumania. Nếu có 1 người Ðài Loan nói với tôi rằng, nước Tầu của ông hay ỷ lớn ăn hiếp nhỏ thì tôi sẽ trả lời là cái nước Tầu mà ông nói không liên quan gì đến Tứ Xuyên của tôi.

Buổi tối trước ngày ra đi, tôi trò chuyện với một người Vân Nam ở biên giới, ông ta nói “Vân Nam tụi tôi khác với Tứ Xuyên của ông. Chúng tôi đi nước khác còn dễ hơn các ông đi tỉnh khác, chỉ vài cái chớp mắt thì chúng tôi đã đến uống trà ở Việt Nam, Lào hay là Miến Ðiện mất rồi. Bởi thế Vân Nam còn dễ mà kết hợp với Việt Nam, Lào hay Miến Ðiện để thành 1 nước hơn, ít ra cũng dễ hơn phải đi đến Thượng Hải, Bắc Kinh xa cả ngàn dặm.”

Tôi nói rằng, nói như ông chả phải là luận điệu bán nước chăng? Ông ta nói: “Quốc Gia nặng bao nhiêu cân, bao nhiêu lạng? Có bán nổi sao?” Thời cổ xưa, Tân Cương, Tây Tạng, Mông Cổ và Ðài Loan đều là xứ lạ. Công chúa Văn Thành đời nhà Ðường đi lấy chồng đất Thổ Phồn thì cũng gây những xôn xao thiện cảm như là hồi Dân Quốc một cô gái nào đó ở Thượng Hải đi lấy chồng xa ở Mỹ vậy thôi. Tại sao người Tây Tạng cứ tự thiêu hoài? Nếu họ là 1 quốc gia tiếp giáp với Tứ Xuyên và Vân Nam mà không bị những đàn áp đến từ Bắc Kinh độc tài, hẳn là dân tộc hay ca múa ở vùng cao nguyên này không bao giờ nghĩ đến phải châm lửa tự thiêu. Cái đế quốc mầu máu đoạn tuyệt nhân tính này, cái nguồn gốc gây tai nạn cho trái đấy này, cái bãi rác mở rộng đến vô tận này phải được chia cắt ra! (Ở đây tác giả dùng chữ Phân Liệt, nguyên nghĩa là tách, tách ra thành mảnh).

Ðể trẻ con không bị chết oan, đế quốc này phải được chia cắt ra!Ðể cho người mẹ không bị mất con oan, đế quốc này phải được chia cắt ra!

Ðể cho người Trung Hoa khắp nơi không còn lang thang không nhà, trở nên gánh nặng cho toàn thế giới, đế quốc này phải được chia cắt ra!

Ðể lá rụng về cội, để cho phần mộ tổ tiên có người chăm sóc trong tương lai, Ðế quốc này phải được chia cắt!

Vì hòa bình và an ninh của toàn nhân loại, đế quốc này phải được chia cắt!

Dưới đây tôi xin hát một bài ca được viết dành riêng cho những nạn nhân cũng như những người sống sót trong thảm họa Thiên An Môn, năm 1989. Bài ca này tôi viết tại Berlin, Ðức quốc, vào tháng 6-9 năm 2012.

Người Mẹ Thiên An Môn Con ơi, Nơi thiên đường con ra sao?
Lòng mẹ đây, Ðã nở hoa nơi thôn dã.
Tiếng súng đã xa, máu đã khô, Con ơi, Con hãy mau trở về trong giấc mơ!
Con ơi, Nơi âm phủ con có lạnh không?
Tuyết rơi tầm tã, Mái tóc mẹ đã bị nhuộm trắng.
Nước sông trôi đi, lệ đã cạn, Con ơi, Con có cô đơn nơi cõi âm?
Mẹ ơi, mẹ nói với ai trước ngọn đèn, ngọn đèn thâu đêm, Hãy để sưởi ấm cho đứa con.
Ðời nhân thế lồng lộng, cỏ bên mộ xanh xanh,
Mẹ ơi,Tiếng gọi của mẹ có làm được gì không?

(Bài ca này được Liêu Diệc Vũ hát lên trong tiếng chuông chiêu hồn do chính tay ông gõ!)

**
(1) Liêu Diệc Vũ nguyên là một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Vì đã đọc bài thơ “Cuộc tàn sát lớn” (Massaker) ngay trước đêm 3 rạng 4, tháng 6, năm 1989, lúc cuộc tàn sát bắt đầu ở Thiên An Môn-Bắc Kinh, sau đó còn làm bộ phim tài liệu “Xin Hồn Ngủ Yên” nên ông ta và cả nhóm quay phim đều bị bắt giam và bị kết tội “Tuyên truyền sách động phản cách mạng” vào tháng 3 năm 1990, và bị án 4 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, vì không chịu nổi những hình phạt hành hạ trong đó, ông đã 2 lần tự tử. Sau bao gian nan, cực nhọc, vào ngày 2 tháng 7, 2011 ông đã đi bộ vượt biên giới Trung-Việt trốn thoát khỏi Trung Quốc và rồi rời Việt-Nam đến Ðức, ông được chính phủ Ðức đón tiếp và cho định cư tại Berlin. Năm 2009 nhà xuất bản Fischer Ðức đã dịch và cho xuất bản tác phẩm “Ghi nhận từ các phỏng vấn tầng lớp dưới cùng của xã hội Trung Quốc,” chính quyển sách này đã đưa ra 1 hình ảnh chân thật sau những hoa lệ bề ngoài của xã hội Trung Quốc cho các độc giả Ðức. Ông đã được trao giải Geschwister-Scholl-Preis, năm 2011. Giải-Huynh-Muội-Scholl là 1 giải thưởng cao nhất của Ðức, cấp cho những người can đảm đứng lên chống lại bạo quyền dưới mọi hình thức. Giải này để kỷ niệm 2 anh em Scholl, người thành lập tổ chức Bông Hồng Trắng, cả 2 đã bị xử tử khi hoạt động kêu gọi đấu tranh chống bạo quyền Hitler.

Link về ông Liêu Diệc Vũ :http://en/. wikipedia. org/wiki/Liao_Yiwu;

(2) Cuộc tàn sát Lớn: nguyên bản chữ Hán là “Ðại Ðồ Sát.” Ðồ Sát, trong chữ Hán có nghĩa là Thọc Tiết 1 con vật. Ở đây tác giả dùng chữ này để chỉ hành động táng tận lương tâm và mất hết nhân tính của bọn CS khi dùng các loại vũ khí, xe tăng để sát hại hằng ngàn người dân vô tội vào đêm 3 rạng 4 tháng 6, 1989 tại Thiên An Môn, Bắc Kinh. Cho đến ngày hôm nay, năm 2012, 23 năm sau, tập đoàn thống trị TC và các truyền thông tay sai của họ vẫn leo lẻo “khẳng định” rằng: Không có 1 người dân nào chết trong đêm đó! - Từ sự kiện này, chúng ta liên tưởng đến sự kiện Tết Mậu Thân tại Huế.

(3) “Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách”: Ðây là 2 câu trong bài từ “Ly Tao” của Khuất Nguyên, được truyền tụng gần 2300 năm nay, nghĩa đen là: Ðường đi mịt mờ xa xôi khó tìm, ta sẽ lên trời xuống đất tìm cho được. Nhiều sách nói rằng đây là cái quyết tâm tìm ra lẽ phải (chánh đạo), chân lý của Khuất Nguyên. Nhưng theo ý riêng tôi, Khuất Nguyên làm bài này khi tình hình đang nguy kịch, vì nước Tần đang đánh chiếm để diệt nước Sở. Khuất Nguyên bị Sở Hoài Vương không tin dùng, đầy khỏi kinh đô, cảm hoài thế sự nên viết bài này, tỏ lòng rồi sau đó đã trầm mình tự vẫn. Vậy ở đây, đường đi mà Khuất Nguyên đi tìm phải là con đường cứu quốc và giữ nước. Hai câu này, thường hay được các trí thức đời sau ngâm tụng để bày tò ý chí kiên nhẫn, bất khuất của mình khi đi tìm sự thật, lẽ phải, chân lý. Liêu Diệc Vũ nhắc đến ở đây, tức là muốn nói rất rõ thái độ của mình đứng trước sự thật và đối diện với chính lương tâm của mình.

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...