15 October 2012

Mùa Thu Trong Thi Ca

Nguyên Trần
Hôm nay Trời đã vào Thu với màu thê lương ảm đạm, với gió heo may se sắt lạnh lùng và những chiếc lá vàng nhẹ rơi bỏ lại thân cây trơ trọi não nề. Nhắc đến mùa Thu, có lẽ trong chúng ta không ai không nhớ đến bài tập đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh trong tập truyện “Quê Mẹ”. Bài đoản văn bất hủ đã làm bao cô cậu học trò rung động bàng hoàng mà tôi xin ghi ra đây một đoạn để chúng ta cùng chia sẻ:

“ Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. . . 

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”

Trong bốn mùa của thiên nhiên vũ trụ, có lẽ mùa Thu làm cho con người bâng khuâng hoài cảm nhiều nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Chả thế mà từ ngàn xưa cho tới bây giờ đã có biết bao nhiêu thơ văn, điệu nhạc nói về mùa Thu.

1) THU VÀ THƠ

Hình ảnh gắn liền với mùa Thu nhất có lẽ là chiếc lá vàng, từ đó ta có những vần thơ tuyệt vời cho lá Thu như 4 câu thơ dưới đây trong bài “Cây bàng cuối Thu” của nhà phù thủy thơ lục bát Nguyễn Bính:
Thu sang trên những cành bàngChỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi Hôm qua đã rụng một rồiLá theo gió cuốn ra ngoài sơn thônThu tím lá vàng
Nhắc đến những bài thơ hay về Thu mà không nói đến truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì thật đắc tội với tiên sinh. Bàng bạc trong tập trường thi, thỉnh thoảng tiên sinh có những đoạn tả cảnh Thu thật nhẹ nhàng và thật touch như đoạn Kiều từ giã gia đình để dấn thân làm gái giang hồ:
Vi lô san sát hơi mayMột trời Thu để riêng ai một người
hoặc:
Rừng Thu từng biếc sen hồngNghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
Riêng đoạn tả cảnh chia ly giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh thì thật trác tuyệt:
Người lên ngựa kẻ chia bàoRừng phong thu đã nhuộm màu quan san
hay:
Long lanh đáy nước in trờiThành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Nhà thơ Tản Đà cũng đã viết về lá vàng:
Trận gió thu phong rụng lá vàngLá rơi hàng xóm lá bay sang
Đến đây tôi có một sự thắc mắc là cây phong (maple) mọc nhiều nhất ở Canada, và cũng có ở Trung Hoa là bối cảnh của truyện Kiều, như vậy cụ Nguyễn Du đưa rừng phong vào thơ của cụ thì còn hiểu được chứ thi sĩ Tản Đà viết về lá phong thì tôi không biết là Việt Nam ta có cây phong hay không? Hoặc giả cây phong chỉ có ở một vùng nào đó mà thi sĩ biết được.

Thu về đem nỗi buồn man mác cho lòng người, gió Thu se lạnh gợi bao niềm nhớ thương như tâm tình của Hồ Dzếnh trong “Màu Thu năm ngoái”:
Trời không nắng cũng không mưaChỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhungChiều buồn như mối sầu chungLòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa
Riêng Lưu Trọng Lư đã ru hồn người trôi nổi phiêu bồng trong rừng Thu ngập lá với bài thơ nổi tiếng “Tiếng Thu”:
Em không nghe mùaThu Dưới trăng mờ thổn thức . . . 
Em không nghe rừng ThuLá Thu kêu xào xạc
Không những thế, nhà thơ còn phong phú hóa từ ngữ Việt Nam qua 2 câu cuối:
Con nai vàng ngơ ngácĐạp trên lá vàng khô
Từ đó, nhóm chữ “con nai vàng ngơ ngác” đã hiên ngang đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam bằng những bước “vững chắc” (Chứ không có cái vụ tiến nhanh và mạnh lên XHCN đâu nhé các đồng chí ngố). Có chàng trai nào mà không khoái vớt được “con nai vàng ngơ ngác” trừ phi là các đấng thái giám. Ở Thủ Đức ngày xưa có quán nhậu nổi tiếng tên là “Con nai vàng ngơ ngác” mà Thầy Chú Sài Gòn kéo nhau tới ào ạt với hi vọng bắt nai nhưng nai đâu không thấy, chỉ thấy toàn thứ “giả nai” bắt địa thật kỹ.

Mùa Thu cũng là mùa tan tác chia ly như tiếng thổn thức của nữ sĩ TTKH một thời gây sôi nổi dư luận: 
Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờChiều Thu hoa đỏ rụng chiều ThuGió về lạnh lẽo chân mây vắngNgười ấy bên sông đứng ngóng đò(Hai sắc hoa ti- gôn)
Cũng trong nỗi hoài cảm sầu ly biệt, Nguyễn Gia Linh đã dệt nên những vần thơ lục bát buồn man mác:
Ai hay ai biết đặng nàoNgười đi từ độ Thu vào lòng tôiHoa lòng chưa nở làn môiĐã tan theo khói đã rơi vào sầu(Tâm tình mùa ly biệt)
Trong nổi bâng khuâng nhớ nhà dưới trời Thu hiu quạnh, thi sĩ Đinh Hùng đã gởi tâm tình qua bài thơ “Bài hát mùa Thu” réo rắt như một nhạc khúc trữ tình lãng mạn:
Hôm nay có phải là ThuMấy năm xưa đã phiêu du trở vềCảm vì em bước chân điNước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồnAi về xa mái cô thônMột mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà
Ở xứ Bắc Mỹ xài toàn bếp gas bếp điện thì làm gì có khói hoàng hôn nhưng sao trong lòng chúng ta luôn luôn: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà Phải không các bạn?

Nữ sĩ Ngô minh Hằng, một người quốc gia với tinh thần chống Cộng dứt khoát cũng có những giây phút chạnh lòng nhớ những mùa Thu xưa trên quê hương yêu dấu:
Lại một mùa Thu 
Thu viễn phương Hồn Thu se lạnh giấc vô thườngĐêm nay tròn lắm trăng Thu sángNhưng sáng sao bằng trăng cố hương(Trăng thơ)
Thi sĩ Thế Lữ cũng nhiều lần cảm khái với Thu:
Rồi có khi nào ngắm bóng mâyChiều Thu đưa lạnh gió heo mayDừng chân trên bến sông xa vắngChạnh nhớ tình tôi trong phút giây(Giây phút Chạnh lòng)
Mưa Thu phơn phớt nhẹ nhàng như giọt lệ đất trời đưa kiếp nhân sinh vạn vật vào cõi mông lung huyền ảo mà Trần Huyền Trân đã diễn tả qua bài “Ngõ trúc (Thu)”
Mưa bay trắng lá rau tầnThuyền ai bốc khói xa dần bến mưaNgười về khép lại song thưaĐể rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
Cũng ngay trong mùa Thu, nhà thơ Quách Tấn đã ghi lại nỗi cảm xúc khi đọc bài “Phong kiều dạ bạc“ của Trương Kế:
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoángThu sông Xích Bích nguyệt mơ màngBồn chồn thương kẻ nương song bạcLạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng(Đêm Thu nghe quạ kêu)
Mùa Thu tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều tượng trưng cho những nỗi buồn bàng bạc, những cuộc chia ly ngậm ngùi. Trong tâm tình đó, ta hãy thưởng thức một đoạn thơ của Cung Trầm Tưởng viết về “Mùa Thu Paris”:
Mùa Thu ParisTrời buốt ra điHẹn em quán nhỏRưng rưng rượu đỗ tràn lyMùa Thu đêm mưaPhố cũ hè xưaCông trường lá đổNgóng em kiên khổ phút giờ
Hình như trời sinh ra mùa Thu để cho vạn vật tiêu điều ủ rũ, cho thế nhân lạc lõng u hoài. Đã thế, qua lăng kính đau thương chán nản, Hàn mặc Tử thấy Trời Thu càng não nề chua xót hơn:
Đây bãi cô liêu lạnh hững hờVới buồn phơn phớt vắng trơ vơCây gì mảnh khảnh rung cầm cậpĐiềm báo Thu vàng gầy xác xơ(Cuối Thu)
Thu về trong đôi mắt người thương lãng đãng xa vời và một thoáng buồn trong không gian nhạt nhòa khói sương đã để lại cho Nguyên Trần khoảng trống vắng mênh mông:
Nghe chớm Thu về trong mắt emNghiêng nghiêng liễu rũ tóc buông mềmNhẹ nhàng bướm trắng bay tha thướtHờ hững lá vàng rơi thoáng êm(Hoài Thu)
Mùa Thu quả thật là buồn, buồn trong lòng người cho đến vạn vật cỏ cây, tiêu điều xác xơ từ thành thị đến làng quê và hắt hiu tan tác đến cả sơn khê núi rừng . Từ mối hoài cảm đó, ta hãy để tâm tư hòa nhập với “Thu rừng “ của Huy Cận:
Bỗng dưng buồn bã không gianMây bay lũng thấp giăng màn âm uNai cao gót lẫn sương mùXuống rừng nẻo thuộc nhìn Thu mới vềSắc trời trôi nhạt dưới kheChim đi lá rụng, cành nghe lạnh lùngSầu Thu lên vút song songVới cây hiu quạnh với lòng quạnh hiuNon xanh ngây cả buổi chiềuNhân gian e cũng tiêu điều dưới kia
Đến đây tôi tự hỏi không hiểu vì cảnh sắc mùa Thu tự nó đã buồn hay vì tâm hồn mẫn cảm của thi nhân là “thú đau buồn“ sao mà hầu hết bài thơ mùa Thu nào cũng buồn tê tái. Chỉ có một thi nhân duy nhất với ba bài thơ diễn tả mùa Thu chẳng những không bi quan yếm thế mà còn vui vẻ yêu đời, mang triết lý sống rất thanh thản. Đó là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến với ba bài thơ: Thu Điếu, Thu Ẩm và Thu Vịnh mà chúng ta đã từng học thuộc lòng ở bậc Trung học.

Ngày xưa, khi đọc truyện “The last leaf” (chiếc lá cuối cùng) của nhà văn Mỹ O’Henry, chắc các bạn cũng như tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm lão họa sĩ Berhman bao la tình người. Chuyện kể rằng Johnsy bị bệnh viêm phổi (pneumonia) nặng và đang chờ chết. Mỗi ngày xuyên qua khung cửa sổ, cô nhìn những chiếc lá Thu rơi từ giàn nho leo sát tường cao vút và luôn tin tưởng dứt khoát rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi rụng là cô sẽ chết. Mặc dù Sue, chị cô cố thuyết phục Johnsy từ bỏ ý nghĩ ngông cuồng dại dột đó nhưng Johnsy vẫn cả tin. Bác sĩ cho Sue biết Johnsy đã bị ám ảnh mạnh mẽ như vậy thì khi chiếc lá cuối cùng rơi, cô ta sẽ suy sụp tinh thần và có thể nguy hiểm tới tính mạng. Sue kể hết câu chuyện buồn này cùng ông Berhman, một họa sỉ già ngụ ở tầng dưới chung cư, người có tâm niệm là sẽ vẽ một bức họa kiệt tác (masterpiece) trong đời nhưng chưa biết là đề tài gì. Lúc đầu khi nghe câu chuyện nầy, Berhman cười chế giễu cho rằng chuyện khùng diên nhưng sau khi bị thuyết phục bởi hai họa sỹ đệ tử, ông thay đổi cách suy nghĩ và cố tìm ra nội dung bức họa để đời. Vào một đêm, trời bỗng nổi giông bão dữ dội với những cơn gió gào thét ghê rợn cùng trận mưa tuôn xối xả đập vào cửa sổ hung hãn cộng thêm tiếng sấm sét nổ vang xé trời. Sue vội kéo màn cửa lại và bảo em đi ngủ vừa lúc cô nhận ra là giàn dây nho chỉ còn bốn chiếc lá trên cành mà chắc trong phút chốc nữa đây sẽ tan tác trong cơn bảo. Johnsy phản đối chị kéo màn nhưng Sue nhất quyết không cho em mình trông thấy chiếc lá cuối cùng rơi rụng.

Sáng hôm sau, Johnsy muốn xem lại giàn dây nho để biết chắc chiếc lá cuối cùng đã rơi và cô sẽ yên lòng ra đi. Nhưng kỳ diệu thay …vẫn còn một chiếc lá cuối cùng. Johnsy kinh ngạc khi thấy chiếc lá mà cô tin chắc là sẽ rơi lại còn lơ lửng trên cành. Và cũng chiếc lá đó liên tiếp trong những ngày sau vẫn không rơi mà đang bám víu cành cây khẳng khiu như cố duy trì sự sống. Thực đúng là chiếc lá trường xuân (ivy leaf). Từ đó, Johnsy tin tưởng theo chiều hướng tich cực yêu đời là chiếc lá vẫn còn là một biểu tượng cho cái tư tưởng bệnh hoạn kỳ quái của cô đòi chết theo chiếc lá. Nhờ đó cô giữ vững tinh thần nhất định phải sống và đã chiến thắng cơn bệnh để bình phục hoàn toàn.

Buổi chiều ngày hôm đó, bác sĩ tới nhà nói với Sue rằng hồi sáng nầy họa sĩ Berhman được chở khẩn cấp tới nhà thương vì chứng viêm phổi cấp tính, mặc dù các bác sĩ tận tâm chửa trị nhưng quá trễ. Bà dọn dẹp vệ sinh khu chung cư đã phát giác ra họa sĩ nằm lạnh cóng và run lập cập trong chiếc áo lạnh và đôi giày dính đầy sơn bên cạnh lọ pha màu và những thùng sơn xanh đỏ vàng cùng mấy cây cọ nằm lăn lóc trên thảm cỏ dưới chân chiếc thang bắc sát bên tường. Nhìn thấy cây đèn bão vẫn còn thắp sáng treo lơ lửng trên chiếc thang, bà công nhân thắc mắc không hiểu ông họa sĩ dở hơi nầy làm cái gì giữa đêm mưa gió bão bùng như thế ? Giọng vị bác sĩ trở nên xa vắng trầm buồn:

- Hai cô hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, ngay chiếc lá cuối cùng trên bức tường trắng kia! Các cô có thắc mắc tại sao chiếc lá cô đơn héo hắt kia lại không bị rơi trong cơn gió lốc của trận bão tàn bạo đêm hôm qua không? Hai cô bé dễ thương ơi! Đó chính là một kiệt tác của họa sĩ Berhman. Ông đã dầm mưa lạnh suốt đêm để vẽ chiếc lá cuối cùng trước khi nó rơi ” có nghĩa là Berhman đã hi sinh cả tính mạng để cứu sống Johnsy.

Ôi ! Tình nhân loại sao mà cao đẹp thiêng liêng quá!

2) THU VỚI NHẠC

Có một chiều Thu nào đó, tôi cùng vài người bạn vào quán café ngồi tâm sự vụn vừa tìm lại một thoáng Sài Gòn hương xưa. Chợt nghe tiếng hát Lệ Thu nỉ non bản nhạc “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn mà thấy lòng rung động bồi hồi. Tiếng hát mơ hồ huyền hoặc như đưa hồn mình chơi vơi trong khung trời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa trong kiếp sống ly hương phiêu bạt:
Thu đi cho lá vàng bayLá rơi cho đám cưới về Ngày mai người em nhỏ béNgồi trong thuyền hoaTình duyên đành dứt. . . Nhưng mỗi mùa Thu chiếc lá vàng bay về cuối trờiThuyền tình không bến đỗ người ơi!Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hátĐời vắng em rồi vui với ai.
Nhạc và lời như quyện vào nhau thành một tiết tấu êm ái nhẹ nhàng khiến lòng người se sắt lâng lâng. Thu chẳng những làm mềm lòng thi nhân mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhiêu nhạc sĩ. Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam có quá nhiều ca khúc mùa Thu để tô điểm thêm cho dòng nhạc trữ tình lãng mạn càng phong phú đa dạng. Mỗi bản nhạc Thu có một màu sắc khác biệt, một tâm tư riêng của tác giả nhưng tựu trung thì cũng là BUỒN như thơ vậy.

Trong nỗi cảm khái đó, tôi viết ra bài thơ lục bát dưới đây để các bạn cùng chia xẻ tâm tình . Điểm đặc biệt là mỗi câu thơ đều có lồng tên một bản nhạc viết về mùa Thu.

TÌNH THU Ngoài kia LÁ ĐỔ MUÔN CHIỀU (1)
Nghe THU QUYẾN RŨ (2) hồn xiêu trăng thề
THU VÀNG (3) như trải cơn mê
Từ ly MẤY ĐỘ THU VỀ (4) nhớ nhau
LÁ THƯ (5) ấp ủ ngàn sau
Bài THU CA (6) khóc nỗi đau dịu dàng
HOÀI THU (7) cách trở quan san
MỘT CHIỀU THU (8) điểm sắc vàng mông lung
Trơ vơ CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG (9)
MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI (10) cung tơ chùng
VÀO THU (11) sương khói lạnh lùng
Thương MÙA THU CHẾT (12) trong vùng mong manh
TIẾC THU (13) gom lá xây thành
NGÀN THU ÁO TÍM (14) long lanh mây trời
Êm êm THU HÁT CHO NGƯỜI (15)
THU SẦU (16) giai điệu chơi vơi não nề
BUỒN GA NHỎ (17) cách sơn khê
TÀ ÁO XANH (18) đã đi về thiên thu
CON THUYỀN KHÔNG BẾN (19) mịt mù
Lá THƯ TÌNH CUỐI MÙA THU (20) giã từ
1,2,5,18 Đoàn Chuẩn 3 Cung Tiến 4,17 Minh Kỳ 6 Phạm mạnh Cương
7 Văn Trí 8 Nhật Bằng 9 Tuấn Khanh 10 Phạm trọng Cầu 11,14 Hoàng Trọng 12 Phạm Duy ( phổ thơ Guillaume Apollinaire) 13 Thanh Trang 15 Vũ Đức Sao Biển 16 Lam Phương 19 Đặng Thế Phong 20 Phan Huỳnh Điểu

Hy vọng rằng bài tản mạn mùa Thu trên đây đã đưa các bạn trở về với những mùa Thu nên thơ tuyệt vời của quê hương một thời xưa hoa mộng.

NGUYÊN TRẦN 
____________________________

Góp ý


Những phản hồi từ câu hỏi về chử "phong" trong bài viết "Đón Mùa Thu Tới" của Nguyên Trần (tức đồng môn Nguyễn Tấn Phát, ĐS11).
Xin chuyển tiếp quý đồng môn đọc cho vui trong lúc nhàn hạ.
(Nguyễn Văn Sáu)

1) - Trả lời của "Bác Đực" , tức đồng môn Nguyễn Thành Nhơn, ĐS6:

Đực Làng Bưng Cầu is here!
Cây phong thì hổng thấy
Thấy xanh xanh những núi cùng non
Và cây củ mì bát ngát sườn đồi
Đói mờ con mắt, thấy gì đâu?!

Tuy vậy cũng lã lướt đôi câu
THU TRƯỜNG SƠN 
Anh mong chờ mùa ThuTà áo xanh nào về với giấc mơMầu áo xanh là mầu Anh trót yêuNgười mơ không đến bao giờ. 
Tuổi thanh xuân, mùa Thu đếnBên bờ sông vắng, ngắm trời mâyLòng bâng khuâng, hiu quạnh“Tôi buồn, chẳng biết vì sao tôi buồn”Tuổi yêu đương, rừng thông, sương mùTay cầm tay lặng bước, tình lắng đọngNhững tháng ngày trôi qua bằn bặtDưới chân rặng Trường Sơn, Việt BắcThu về oằn oại, ruột gan quặn thắtSống và chết, lắt lay ngọn cỏ bồngĐu đưa như “nhịp võng ngày xanh”Cuộc đời tù như cõi mộng, tỉnh sayĐau đớn và tĩnh lặng đắp đổi qua ngàyMùa Thu đến, mùa Đông đến lãng quênSống và chết, ranh giới mong manhLòng không vướng bận, thầm nhủ:“ Sống gởi, thác về” 
 Nguyễn Nhơn( Vào Thu 2012 ) 
_______________________________
2) - Chia xẻ của anh Trần Việt Long (ĐS16, CH8) cũng rất thú vị:

Anh Sáu thân,


Khi Nguyễn Du viết,
" Người lên ngựa, kẻ chia bào" Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san
thì "phong" ở đây đúng là "cây phong" (maple) ở Trung Hoa qua hình ảnh bàng bạc trong cổ thi của rất nhiều thi sĩ; chẳng hạn như "Thu lai thùy nhiễm phong lâm thúy," trong Tây Sương Ký (nguyên tác là Thôi Oanh Oanh Đãi Nguyệt Tây Sương Ký) của Vương Thực Phổ, có nghĩa là "Mùa Thu tới làm lá rừng phong nhuộm buồn màu vàng úa" hay văn chương hơn, "Ai mang Thu đến nhuộm vàng rừng phong !"  Mùa Thu là mùa chuyển quân và thay quân thuận lợi nhất vì khí trời mát mẻ (không quá lạnh như mùa Đông, không quá nóng như mùa Hạ, không làm kinh động cỏ cây của mùa Xuân) nhưng cũng chính là mùa biệt ly của tình chiến hữu, tình gia đình, tình chồng vợ; đó chính là "màu quan san" (cửa ải ở vùng núi biên cương) buồn bả của niềm ly biệt chia xa.  Đoạn Trường Tân Thanh là một thi phẩm "dịch phóng tác" từ Kim Vân Kiều Truyện của Trung Hoa chứ không phải là một sáng tác của Nguyễn Du nên Nguyễn Du không được liệt vào hàng thi hào của thế giới (Liên Hiệp Quốc); do vậy mặc dầu Việt Nam không có cây phong (mapple) nhưng Nguyễn Du vẫn lấy hình ảnh cây phong trong nguyên tác khi chuyển dịch thành thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh.

* Xin mở một dấu ngoặc không liên quan đến vấn đề Anh Sáu và Anh Phát đặt ra ở đây.  Anh Sáu có tin người sắc thuốc, người cho uống thuốc mà Đông Y gọi là "phục dược" có tác động đến người bệnh không?  Ví dụ cô con gái sắc thuốc Bắc và mang chén thuốc đến cho người cha đang bị bệnh uống thì người cha chóng lành bệnh hơn cậu con trai làm việc phụng dưỡng đó.  Có hai chị em gái đều thương kính người cha nhưng người con gái (có thể là người chị hay người em) còn "tại gia" phục dược cho người cha thì người cha chóng lành bệnh hơn người con gái đã "xuất giá."  Khi Trương Quân Thụy bị bệnh nặng thì được Thôi Oanh Oanh viết vài lời nhờ thị nữ Hồng Nương mang đến cho chàng và hẹn với chàng là nàng sẽ đến thăm.  Được thư nàng thì chàng gần như khỏi bệnh.
" Ngưỡng đồ hậu đức nan tòng lễ" Cẩn phụng tân thơ khá đương mai" Ký ngữ cao đường tu vinh vũ" Kim tiêu đoạn đích vũ vân lai
(Vì lòng nhân nên không thể theo lễ được / Thiếp kín đáo gửi thư này cho chàng / Khi mẹ thiếp say giấc nồng / Đêm nay thiếp sẽ đến thăm chàng -- Tôi hiểu chữ Hán rất rõ nhưng văn tài của tôi dỏm quá nên dịch không hay nhe Anh Sáu).*

Nhưng khi Tản Đà viết:
" Trận gió Thu phong rụng lá vàng" Lá rơi hàng xóm lá bay sang
thì "Thu phong" có nghĩa là gió mùa Thu.  

Tình thân,
tranvietlong  
____________________________________

Anh Sáu và Bạn Phát, 

Tôi thực KHÔNG rành chuyện này, xin trích các đoạn sau đây, có làm sáng tỏ phần nào hay không?  Theo tôi nghĩ, ông Nguyễn Du nói cây phong này là . . ở tận bên Tầu lận, chứ không phải bên Việt Nam ta.
"Lời quê chắp nhặt dông dài,Nghe qua rồi bỏ "đừng hài tội tôi"?
Thân mến, 
Ngọ

Trich “chi phong” trong Wikipedia:

Biểu tượng
Cờ Canada mô tả lá phong cách điệu hóa và nó là biểu tượng quốc gia nổi bật. Tại Hoa Kỳ, phong được 5 bang công nhận là cây chính thức của bang. Cây phong đường được các bang New York[3],Vermont,[4], Wisconsin[5] và Tây Virginia.[6] công nhận. Cây phong hoa đỏ được đảo Rhode công nhận là cây của bang.[7]. Lá phong cũng là biểu tượng của trò chơi trực tuyến MapleStory của Wizet và Nexon.

Văn học
Cây phong thường cũng hay được thơ văn Việt Nam thời phong kiến nhắc tới, chẳng hạn trong Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du có đoạn viết về cây phong.
Người lên ngựa, kẻ chia bàoRừng phong thu đã nhuốm màu quan san 
_____________________________________________

4) - Và cuối cùng là email của chính tác giả Nguyên Trần:

Anh Sáu và anh Ngọ thân,

Cám ơn anh Ngọ đã góp ý bằng những tài liệu bổ ích lại còn nhại Kiều bằng cặp lục bát thần sầu lắm.

Tôi cũng biết là cụ Nguyễn Du đặt truyện Kiều dựa trên truyện  Trung Hoa Kim Vân Kiểu của Thanh Tâm Tài Nhân lấy bối cảnh bên Trung Hoa có cây phong (tôi có du lịch Trung Hoa hai lần và có thấy cây phong)

Thắc mắc lớn là thơ cụ Tản Đà cũng nhắc tới cây phong mà tôi hy vọng anh Sáu sẽ được người bạn "Bác nhà quê" giải tỏa câu hỏi chung của chúng ta.
Xin cám ơn cả hai anh.

NTPhát.

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...