09 October 2012

Từ đáy lòng của một người Hồi Giáo chân thật

"Chính sự im lặng tuyệt đối của chúng ta đang tạo sức mạnh cho bọn khủng bố tiếp tục làm điều ác."
Người dịch: Phan văn Phước
Tôi sinh ra là người hồi giáo và đã sống cả đời là tín đồ Hồi Giáo.

Sau các cuộc tấn công khủng bố man rợ do bàn tay người anh em hồi giáo của tôi khắp nơi trên thế giới ở hành tinh này và sau những hành vi bạo lực gây nên bởi quá nhiều người hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới, là tín đồ hồi giáo và là con người, tôi cảm thấy có trách nhiệm tỏ bày nỗi lòng của mình và nói lên sự thật để giúp thế giới, gồm có người hồi giáo, tránh được thảm họa có thể tiên đoán và cuộc chiến giữa các nền văn minh.

Tôi phải thừa nhận rằng nền giáo dục của Hồi Giáo hiện nay đang kích động bạo lực và lòng oán ghét người-ngoài-Hồi-Giáo. Chúng ta, tín đồ Hồi Giáo, là những người phải thay đổi. Hiện nay, chúng ta chấp nhận chế độ đa thê, việc chồng đánh đập tàn bạo vợ mình và án tử hình cho những ai bỏ Hồi Giáo mà theo tôn giáo khác.

Chưa bao giờ chúng ta có lập trường rõ ràng và vững chắc chống lại quan niệm về chế độ nô lệ hay chiến tranh, chống lại cách thức truyền bá tôn giáo của mình là bắt người khác phải theo Hồi Giáo và buộc họ phải trả cái thứ thuế hèn hạ có tên là jizia.

Chúng ta đòi hỏi người khác tôn trọng tôn giáo của chúng ta, trong khi đó, vào buổi cầu nguyện ngày thứ sáu ở các thánh đường, lúc nào chúng ta cũng lớn giọng (bằng tiếng Ả-rập) nói xấu người- ngoài-Hồi-Giáo.

Chúng ta có thể truyền đạt cho con cháu mình sứ điệp nào đây khi mà chúng ta gọi người Do-thái là ''hậu duệ của heo và khỉ''? Tuy nhiên, người Ả-rập và người Do-thái đều là miêu duệ của Ibrahim (Abraham)! Phải chăng ấy là sứ điệp tình yêu và hòa bình hay là sứ điệp oán thù?

Tôi đã từng có mặt ở Thánh Đường Kitô Giáo và ở Hội Trường Do-thái, nơi ấy họ cầu nguyện cho người hồi giáo. Trong khi đó, lúc nào chúng ta cũng nói xấu họ và dạy cho các thế hệ hậu sinh của mình gọi họ là ''thứ bất trung'' nên phải ghét họ.

Lập tức, chúng ta bị ''phản xạ bánh chè'' vô ý thức (2) để biện hộ cho Tiên Tri Mohamét khi một ai đó kết án ông ta là người ưa có sinh hoạt tình dục với trẻ em; trong khi ấy, chúng ta lại hãnh diện về chuyện kể trong sách Hồi Giáo của mình rằng ông đã cưới cô bé bảy tuổi (tên là Aisha) vào lúc ông hơn cô bé ấy trên 50 tuổi đời.

Tôi thấy buồn lòng bởi nói thật rằng nhiều người, nếu không phải là phần đông chúng ta, đều hả hê sau biến cố ngày 11 tháng 9 cũng như sau nhiều cuộc tấn công khủng bố ở các nơi khác.

Đối mặt với truyền thông thì người hồi giáo tố cáo các cuộc tấn công như thế, nhưng chúng ta lại bao dung với những tên khủng bố là người hồi giáo, lại còn đồng tình với việc họ làm. Đến bây giờ, những vị đáng kính và giáo quyền cao cấp của chúng ta chưa bao giờ phổ biến bản phán đoán theo tiêu chuẩn tôn giáo hay bản công bố rằng Ben Laden là kẻ phản đạo; trong khi đó, tác giả Rushdie thì lại bị kết tội bội giáo nên phải bị giết chiếu theo Luật Shania của Hồi Giáo chỉ vì đã viết sách phê phán Hồi Giáo.

Một số người hồi giáo đã biểu tình để có được một số quyền mang tính tôn giáo hơn các quyền mà họ đã có tại Pháp, và làm như vậy, cũng là nhắm chống đối lệnh cấm khăn trùm đầu (hidjab), nhưng chúng ta đã không biểu tình hăng say như thế và quá đông đảo như thế để lên án những cuộc ám sát khủng bố. Chính sự im lặng tuyệt đối của chúng ta đang tạo sức mạnh cho bọn khủng bố tiếp tục làm điều ác.

Chúng ta, tín đồ hồi giáo, phải chấm dứt đem nguyên nhân các vấn đề của mình mà đổ lỗi cho người khác hay cho việc xung khắc giữa Israel và Palestine. Phải thành thật xác nhận rằng Do-thái là ánh sáng duy nhất của nền dân chủ, văn minh và nhân quyền trong toàn cõi Trung-Đông.

Chúng ta đã tống cổ (0,9 triệu) người Do-thái ra khỏi phần đông các nước ả-rập mà chẳng đền bù gì cho họ, hay chẳng chút xót thương, khiến cho họ trở thành người ''Do-thái vô quốc gia'', trong khi Do-thái đã tiếp nhận hơn một triệu người ả-rập vào sống trong lòng dân tộc họ, được làm công dân Do-thái, được hưởng đầy đủ các quyền con người.

Ở Do-thái, phụ nữ hồi giáo không thể bị đàn ông đánh đập theo kiểu quá hợp pháp và mọi người có thể thay đổi tín ngưỡng, mà chẳng sợ bị kết án tử hình theo luật ''phản đạo'' của Hồi Giáo, trong khi đó, nơi thế giới hồi giáo, chẳng có ai hưởng được các nhân quyền đã nêu.
Tôi đồng ý rằng người Palestine đang đau khổ, nhưng họ đau khổ vì giới lãnh đạo đồi bại, chứ không phải vì Do-thái.

Hiếm thấy người ả-rập đang sống ở Do-thái mà lại chạy sang sống trong thế giới ả-rập. Ngược lại, chúng ta thấy hằng ngàn người Palestine sung sướng được sang làm việc ở Do-thái là ''kẻ thù''. Nếu như Do-thái đã ngược đãi dân ả-rập như một số người nghĩ, chắc chắn chúng ta đã thấy hiện tượng trái ngược nào đó.

Chúng ta, tín đồ hồi giáo, phải chấp nhận các khó khăn của chính mình và phải đối đầu với chúng. Chính lúc ấy chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề ngõ hầu bắt đầu một kỷ nguyên mới sống hài hòa với lòng nhân ái của con người.

Các vị lãnh đạo tôn giáo của chúng ta phải chứng tỏ lập trường rõ ràng và vững chắc chống lại nạn đa thê, quan hệ tình dục với trẻ em, nô lệ, án tử hình cho người bỏ đạo Hồi để theo đạo khác. Các vị ấy phải kết án việc đàn ông hành hung thể xác phụ nữ, và (phải kết án) khuynh hướng tuyên chiến với những người-ngoài-Hồi-Giáo nhắm truyền bá Hồi Giáo.

Khi đó và chỉ khi đó, chúng ta mới được quyền đòi hỏi người khác tôn trọng tôn giáo của mình. Đã đến thời điểm chấm dứt sự giả hình của chúng ta và công khai lên tiếng: ''Chúng tôi, người hồi giáo, phải thay đổi.''

Lúc vui mừng, HÃY CẦU XIN CHÚA!

Lúc khó khăn, HÃY TÌM GẶP CHÚA!

Lúc thanh tịnh, HÃY THỜ LẠY CHÚA!

Lúc đau khổ, HÃY TIN TƯỞNG CHÚA!

Trong mọi lúc, HÃY TẠ ƠN CHÚA!

Dr. Tawfik Hamid
(un savant égyptien possédant un diplôme en médecine interne
et une maîtrise en psychologie cognitive et techniques d'enseignement.)
Đức Quốc, 06.10.2012
Phan văn Phước dịch từ một số bản tiếng Pháp (Au fond du coeur d'un honnête Musulman) hơi khác nhau, có đối chiếu với bản tiếng Anh (From the heart of an honest Muslim).
*hành động thật nông cạn, thiếu suy nghĩ đứng đắn (Người dịch giải thích.)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...