26 October 2012

Lá thư Úc Châu

ÚC VÀ THẾ VẬN HỘI OLYMPIC LONDON 2012:
MỘT BÀI HỌC KINH NGHIỆM

*Nguyễn Triệu Việt

Trong nhiều lần tham dự Thế Vận Hội trước đây của Úc so với việc tham dự Olympic vừa qua tại Thế Vận Hội London 2012 thì có lẽ đây là lần thi đấu tệ hại nhất của Úc. Úc tốn gần 39 trịệu USD nhưng về môn bơi lội Úc chỉ có 1 chiếc huy chương vàng. Với 310 triệu USD đầu tư cho chiến dịch Olympic lần này, thành tích nói trên đồng nghĩa với mỗi huy chương mà lực sĩ Úc dành được tốn hết 10 triệu USD. May mắn Úc lại chiếm được thêm vài huy chương vàng khác một cách bất ngờ ở tuần lễ cuối, điều này đã xoa dịu phần nào cơn tức giận của dư luận Úc về vấn đề hiệu quả đầu tư cho thể thao nước Úc tại Olympic năm nay.

Theo tờ Sydney Morning Herald, Viện thể thao Úc đã chi 310 triệu USD trong ngân sách chính phủ cho chiến dịch Olympic. Môn bơi, chỉ đạt được 1 huy chương vàng ở môn 4x100m tự do tiếp sức, chiếm gần 39 triệu USD trong ngân sách đầu tư Olympic trong 4 năm. Trong khi đó, ở những kỳ Olympic trước, Úc khá mạnh ở môn này với 6 huy chương vàng tại Bắc Kinh 2008 và 7 huy chương vàng tại Athens 2004. Lần cuối cùng Úc không giành được huy chương vàng nào ở môn bơi cá nhân là ở Olympic Montreal 1976. Khi đó, thành tích yếu ớt của Úc đã khiến chính phủ quyết định bơm thêm ngân sách vào việc thành lập Viện thể thao Úc nhằm tăng cường sức mạnh cho đoàn thể thao của mình trên đấu trường Thế Vận hội.

Trở lại thành tích Olympic 2012 của đoàn Úc, chiếc huy chương vàng chạy vượt rào 100m của Sally Pearson và huy chương bạc môn nhảy xa của Mitchell Watt đã tốn ở mức 15,5 triệu USD. Đua xe đạp và điền kinh tốn như nhau ở mức 31 triệu USD. Và như vậy, 5 huy chương ở những môn thi đấu này, mỗi huy chương "trị giá" là 6,2 triệu USD.

Đoàn Úc có HC Vàng thứ 2 do cuộc đua thuyền buồm - Laser nam, dù chỉ về 9/10 ở vòng Medal Race nhưng Tom Slingsby của Úc vẫn giành HC Vàng nhờ kết quả khá tốt ở vòng Mark Rounding trước đó. HC Vàng thứ 3 của Úc về tay nữ trong trận chung kết đua xe đạp lòng chảo môn nước rút cá nhân nữ, Anna Meares đã xuất sắc đánh bại cua-rơ xinh đẹp Victoria Pendleton của nước chủ nhà để giành HC Vàng.

Trong khi các môn thể thao thế mạnh của Úc như bơi lội, điền kinh, đua thuyền buồm và chèo thuyền được đầu tư gấp đôi trong những năm gần đây, ngân sách cho các môn thể thao thứ yếu hơn vẫn không thay đổi. Ngân sách dành cho môn bóng chuyền, bóng nước, nhảy cầu không được tăng dù đây là các môn có cơ hội giành huy chương. Bóng chuyền Úc nhận 3 triệu USD mỗi năm, không đủ để thi đấu ở giải thế giới. Môn bóng nước được đầu tư mức tiền tương tự nhưng tuyển nữ Úc đã giành huy chương đồng. Môn nhảy cầu còn ít hơn với khoảng 2 triệu USD một năm song vận động viên Brittany Broben, 16 tuổi đã giành được huy chương bạc ở môn cầu 10m dành cho nữ.

Với thành tích bơi lội quá nghèo nàn tại London 2012, Úc đã quyết định thanh tra tình hình đội bơi của mình. Nguồn tin ban đầu cho hay là đội tuyển bơi Úc đã không giữ được kỷ luật như trước đây. Ngoại trừ huy chương vàng của 4 cô gái Úc trong môn bơi tiếp sức 4x100m tự do nữ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, không một kình ngư Úc nào có huy chương vàng bơi lội cá nhân. Kình ngư nữ hy vọng nhất là cô Stephanie Rice đã bị thua liểng xiểng (hạng 6) đã không bảo vệ được vị trí vô địch trước đây của mình.

Trong 4 cô đoạt HC Vàng này thì cô Leisel Jones có thành tích đặc biệt hơn. Leisel Jones được xem là một trong những vận động viên bơi ếch giỏi nhất từ trước đến giờ, Jones có sự xuất hiện lần đầu ngoạn mục tại Thế Vận Hội Olympic vào năm 2000 khi cô giành huy chương bạc ở cự ly 100m lúc được 15 tuổi và một huy chương bạc khi là thành viên của đội tiếp sức hỗn hợp 4x100m của Úc. Ở Thế Vận Hội Olympic 2004, cô lập kỷ lục Thế Vận Hội Olympic ở vòng bán kết 100m bơi ếch, nhưng đành nhận huy chương đồng sau khi cô khởi đầu kém tại vòng chung kết. Jones mang về một huy chương bạc nữa ở cự ly 200m bơi ếch tại Athens và giành huy chương vàng Olympic đầu tiên ở môn tiếp sức hỗn hợp 4x100m. Ba huy chương nữa theo sau ở Thế Vận Hội Olympic 2008, bao gồm huy chương vàng cá nhân mà cô từ lâu tìm kiếm ở cự ly 100m bơi ếch, một huy chương nữa ở môn tiếp sức hỗn hợp 4x100m và một huy chương bạc ở môn 200m bơi ếch. Jones đã trở thành nữ lực sĩ bơi lội đầu tiên của Úc thi đấu tại bốn Thế Vận Hội Olympic ở Luân Đôn.

Niềm hy vọng của Úc ở các cự ly tự do cực ngắn với các ngôi sao nam Eamon Sullivan hay James Magnussen đều không thi đấu như mong đợi và không thể mang vàng về cho Úc.Trong các kỳ Olympic vừa qua, bơi lội luôn là thế mạnh của Úc nhưng kỳ này chỉ có 1 HC Vàng, 6 HC Bạc, 3 HC Đồng, tổng huy chương bơi lội Úc đoạt được là thấp nhất về môn bơi lội kể từ Barcelona 1992.
Chủ tịch Hiệp hội Bơi lội Úc David Urquhart nói: “Thế giới đã nâng bơi lội lên tầm mới. Chúng ta cũng phải làm theo. Có rất nhiều ý kiến xung quanh màn trình diễn của đội. Mọi người đều có thể đưa ra quan điểm. Nhưng đây không phải là lúc đổ lỗi mà là cơ hội để thay đổi hòng theo kịp thế giới”. Đội thanh tra độc lập sẽ được thành lập bởi cựu Huấn Luyện Viên bơi lội của đội Úc là Bill Sweetenham và kình ngư vô địch Olympic Úc Susie O’Neill. Trưởng đoàn bơi lội của Úc nói: “Qua những gì tôi được biết, dường như kỷ luật tập luyện của các tay bơi Úc không còn được như 10 năm trước. Tài năng đưa bạn đến Olympic nhưng sự luyện tập kỳ công sẽ giúp bạn về đích. Chỉ có một phần do tài năng còn lại bốn phần do tập luyện”.

Trở lại chuyện cô Sally Pearson – Đó là ngày thi đấu thứ 6 môn điền kinh: Ngày của sôi nổi.
12 năm, điền kinh Úc đã phải đợi cả quãng thời gian như thế kể từ màn lên ngôi ngoạn mục của “cô gái vàng” Cathy Freeman ở Sydney 2000 mới được nếm trải vinh quang ở môn thể thao nữ hoàng. Cú chạm đích khó đoán của Sally Pearson ở môn chạy chung kết cự ly 100m rào nữ không chỉ mang về tấm HC Vàng quý giá, mà còn giải được cơn khát vàng cho điền kinh Úc sau 2 kỳ Olympic liên tiếp trắng tay.

Pearson về đích với thành tích phá kỷ lục Olympic 12"35, đánh bại 2 đối thủ hàng đầu của  Mỹ - Dawn Harper (HC Bạc, 12"37) và Kellie Wells (HC Đồng, 12"48). Đó là điều rất đáng kể. Tuy vậy, ngay từ trước khi chung kết cự ly 100m rào nữ diễn ra, giới chuyên môn cũng đã mường tượng được màn soán ngôi của Pearson trước Harper (HC Vàng Olympic 2008). Trước đó, ở giải The thao Thế giới 2011, Pearson cũng đã thắng Harper, càng khiến sự kỳ vọng của người Úc tăng cao.

Có lẽ, người Úc chỉ còn chờ Olympic để được tận hưởng chiến thắng ngọt ngào của Pearson. Và dĩ nhiên, Sally đã không phụ lại niềm tin của tất cả. Ngay cả những HLV khó tính, từng phàn nàn về phong độ của Pearson ở vòng loại thì giờ đây cũng đã hiểu ra rằng điều quan trọng nhất là chiến thắng cuối cùng, chứ không cần phải cố thắng tuyệt đối từ vòng đấu loại.

12 năm, kể từ sau tấm HC Vàng 400m của Cathy Freeman, mới có thêm nữ lực sĩ điền kinh Úc thắng ở đấu trường Olympic. Để có được ngày hôm nay, Pearson thừa nhận hình ảnh Cathy Freeman của 12 năm trước chính là động lực thúc đẩy cô vươn lên: “Tôi đã luyện tập cật lực trong 4 năm qua vì tấm HC Vàng này. 12 năm trước, tôi vẫn còn là một cô bé, được chứng kiến giây phút vinh quang của Cathy ở Sydney 2000. Kể từ đó, giấc mơ đoạt HC Vàng Olympic luôn cháy bỏng trong tâm trí tôi, nó thôi thúc tôi tiến về phía trước”.

Cuối cùng, Sally Pearson đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Điền kinh Úc từ nay có thể tự hào về chiến tích của cô gái sinh ra ở Sydney, người từng đoạt HC Bạc tại Olympic Bắc Kinh 2008 dưới cái tên khai sinh Sally McLellan.

Về môn bóng rổ, đội Trung cộng đã gây không ít khó khăn cho các nữ cầu thủ của xứ sở chuột túi Úc, ít nhất là cho đến hiệp 3 của trận tứ kết thứ 2. Tuy nhiên Lauren Jackson cùng các đồng đội vẫn biết cách vùng lên đúng lúc để giành chiến thắng. Lauren Jackson, cầu thủ được đánh giá cao nhất của Australia, ghi 12 điểm, chỉ đứng sau người đồng đội Liz Cambage với 17 điểm.

Úc khởi đầu rất đẹp, khi vượt qua hiệp 1 với phần thắng 22-16. Tuy nhiên họ đã để đội Trung cộng bắt kịp và vượt lên trong hiệp 2. Đội bóng Châu Á thắng 20-13 trong hiệp này và kết thúc giờ nghỉ, các học trò của HLViên Sun Fengwu dẫn trước với cách biệt mong manh: 36-35. Nhưng đó là tất cả những gì tốt nhất mà đội Trung cộng làm được, khi Úc giành lại quyền kiểm soát thế trận trong thời gian còn lại và thắng 2 hiệp cuối (20-16 và 20-8) để tiến vào trận bán kết với Mỹ.
Tính cho đến ngày chót, Úc nhận được kết quả tổng cộng 35 huy chương gồm 7 vàng, 16 bạc, và 12 đồng. Đứng hạng 10 thế giới nhưng đó không phải là ước mơ thật sự của Úc.

Thêm vào đó có những chuyện không hay xảy đến cho đoàn lực sĩ Úc khi Joshua Booth, tay bơi đua thuyền Úc mới đây đã bị cảnh sát bắt giữ khi bị bắt quả tang đang phá hoại một cửa hàng trong thị trấn gần làng lực sĩ. Joshua Booth, 21 tuổi, mới hoàn thành phần thi đấu của mình trong môn đua thuyền vào thứ tư (ngày 1/8), đã bị bắt giữ khi đang tìm cách đột nhập, phá vỡ cửa kính của một cửa hàng.

Theo tường thuật của cảnh sát, Joshua đã bị khống chế trong tình trạng hết sức kích động, trước khi ngất đi anh ta đã dùng đầu huých vào người các thanh tra, tấn công họ khi đang làm nhiệm vụ. Chủ tịch đoàn lực sĩ tham dự Olympic của Úc, Nick Green, cho biết là do Joshua đã uống quá nhiều rượu dẫn tới sự mất kiểm soát. Sau đó Joshua đã được bảo lãnh ra ngoài nhưng vẫn phải tiếp tục quay lại đồn cảnh sát để thẩm vấn.

Bàn về bí mật của sự thất bại của phái đoàn Úc lần này, các bình luận gia cho hay từ kết quả thăm dò cho rằng sức khỏe của các lực sĩ khi phải di chuyển một khoảng đường dài có nguy cơ mang nhiều bệnh tật hơn các lực sĩ khác. Điều này cũng có thể giải thích sự kiện thành công bất ngờ của đoàn lực sĩ Anh Quốc và sự thất bại đắng cay của đoàn thế vận Úc năm nay.

Thực chất, cuộc nghiên cứu này nhằm nhấn mạnh vào lợi thế sân nhà. Người đứng đầu nhóm nghiên cứu - giáo sư Martin Schwellnus tại đại học Cape Town, Nam Phi cho hay "Người ta luôn có những lực sĩ khỏe mạnh nhất khi họ ở trên sân nhà của họ. Từ đó họ chỉ việc tập trung hoàn toàn cho việc thi đấu. Những lực sĩ phải di chuyển một khoảng đường dài không có được sức khỏe tốt nhất cũng như có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn các lực sĩ nước chủ nhà.

Các đội lực sĩ tử các nước phương xa đến như Úc chẳng hạn đã không được thi đấu trên sân nhà mà còn phải chịu đựng những mệt mỏi do sự khác biệt múi giờ có khi tới 12 tiếng đồng hồ. Điều đó cũng gây ra những cơn mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc ăn uống không ngon miệng. Trong thời gian giải đấu diễn ra, có tới 469 trường hợp mắc phải các bệnh về đường ruột, bệnh hô hấp hoặc nhiễm trùng da.

Nói chung là bởi "trăm sự cũng tại xa xôi". Martin cũng cho biết tỷ lệ bệnh tật khác nhau rất lớn tùy thuộc vào địa điểm thi đấu. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng thi đấu của các lực sĩ còn bao gồm sự khác biệt về ô nhiễm, môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, khả năng chống lại với các chất gây dị ứng, các loại thực phẩm và vi khuẩn. Nghiên cứu của Martin đặt ra một dấu hỏi lớn cho các Huấn luyện viên. Liệu họ đã cung cấp thời gian thích nghi, đầy đủ cho các học trò của mình trước mỗi chuyến dự đấu hay chưa? Và trước mỗi lần lên máy bay, họ có nên phân loại từng nhóm lực sĩ xem ai là người có khả năng cao bị nhiễm bệnh hoặc sức khỏe kém hơn những người khác?

Có một giả định được nhắc tới là nguy cơ mắc bệnh cao nhất thường xảy ra ở tuần đầu tiên. Trong những tuần kế tiếp, khả năng mắc bệnh sẽ giảm dần. Martin cho biết tiếp "Mọi chuyện sẽ phức tạp hơn nữa như việc mắc phải virus lạ, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột quỵ, và đột tử".

Khi được hỏi về sự tương phản giữa sự thành công của hai đội tuyển Anh quốc và Úc tại Olympic, ông Martin nói "Nếu có thể đưa ra một lý do liên quan đến sức khỏe, tôi cho rằng đó là vì đội Úc đã phải di chuyển một quãng đường rất xa để tới nước Anh, từ Nam sang Bắc và cả từ Đông sang Tây. Chính vì vậy, nếu lực sĩ của họ không giữ được thể lực và khả năng miễn nhiễm tốt, họ sẽ đón nhận nhiều thất bại".

Ngoài ra, còn có thêm ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng thành tích kém của các lực sĩ Úc lần này tại Olympic 2012 là do đồng dollar Úc tăng giá. Chuyên gia Warren Hogan và nhà chiến lược ngoại tệ Andrew Salter đã kỳ công nghiên cứu mối quan hệ giữa thành tích của đoàn lực sĩ Olympic Úc và đồng dollar Úc trong suốt thế kỷ qua. Họ phát hiện ra rằng, các lực sĩ Úc thường thành công hơn khi đồng dollar Úc xuống giá.

Theo phân tích của Warren Hogan và Andrew Salter, có ba nhân tố liên quan tới tiền ảnh hưởng đến phong độ của các lực sĩ Olympic Úc: Thứ nhất, khi đồng dollar Úc tăng giá, các lực sĩ Úc ra nước ngoài với nhiều ngoại tệ hơn. Điều đó khiến họ hướng tới những đam mê đầy cám dỗ vật chất hơn là thu hoạch kết quả. Thứ hai, khi đồng dollar Úc tăng giá, ngân sách Liên bang bị ảnh hưởng, dẫn tới việc cung cấp ngân sách hạn hẹp cho các huấn luyện viên và lực sĩ đội tuyển Olympic. Thứ ba, đồng nội tệ tăng giá có thể khiến người dân Úc thỏa mãn tinh thần, từ đó giảm sút khát vọng giành chiến thắng trong thể thao.

Trong ba ngày đầu tiên diễn ra ở Olympic London 2012, đoàn thể tháo Úc chỉ gặt hái được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng và xếp ở vị trí thứ tám. Kết quả không mấy khả quan này trùng với thờì điểm đồng dollar Úc tiếp tục có giá trị cao hơn đồng dollar Mỹ. Các chuyên gia kinh tế lo ngại nếu nghiên cứu của Warren Hogan và Andrew Salter thực sự đúng thì đoàn Úc có lẽ rút cuộc chỉ xếp ở vị trí thứ 16 tại kỳ Thế vận hội này. Tuy nhiên ông xếp của Uỷ ban Thế Vận hội Úc là John Coates thì cho rằng sự thất bại của phái đoàn Úc không phải do thiếu tiền hay đồng dollar Úc tăng giá mà do sự thất bại của các "xếp" phụ trách điều hành, quản trị và huấn luyện các bộ môn thể thao mà ra. Ai đúng ai sai chưa biết, nhưng đó cũng là bài học quý giá cho Úc lần này.

Kết quả cuối cùng Úc đứng hạng thứ 10 trên tổng số các nước. Uớc mơ của Úc là được vào hạng "top 5" nhưng họ đã thất bại. Nhiều người cho rằng đây là kết quả tồi tệ nhất của thể thao Úc kể từ Thế vận hội Montreal 1976, khi Úc xếp vị trí thứ 32 toàn thế giới.

Riêng người viết thì cho rằng với một đất nước chỉ hơn 30 triệu dân mà đứng vào hàng "top 10" thế giới thì đó cũng là một kỳ công vĩ đại rồi!

* Nguyễn Triệu Việt

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...