06 January 2011

Biên khảo

Cầm tấu khúc Kreutzer
Truyện ngắn nổi tiếng của Léon Tolstoi

Trọng Đạt

Đây là một đoản thiên rất nổi tiếng của Léon Tostoi viết 1890, dài gần một trăm trang, hồi ấy bị kiểm duyệt cấm in. Tên truyện thật là thơ mộng, dễ thương, thoạt nghe người ta tưởng đó là một đề tài âm nhạc, về những bản cầm tấu khúc du dương hoặc một truyện tình lãng mạn, bay bướm tuyệt vời nhưng thực ra nội dung lại đầy tính chất tàn bạo, dữ tợn giống hệt như lối văn mạnh bạo trong các tác phẩm của Dostoioevsky. Truyện một vụ án mạng giết vợ ghê rợn, tàn nhẫn, đẫm máu.. hậu quả của sự ghen tuông và của một đời sống nhục dục phóng đãng. Tác phẩm chứa đựng nhiều ý tưởng táo bạo về tình dục, mãi dâm, xã hội, hôn nhân… nên đã bị cấm đoán. Theo Dr T.C.B.Cook ( The Death Of Ivan Ilyich and Other Stories, Leo Tolstoy, Introduction and Notes by Dr…) Tolstoi viết truyện này khi đời vợ chồng ông trong gia đình đã tới lúc thật xấu, ông nghi ngờ vợ ngoại tình với một người đàn ông khác còn trẻ mặc dù không có bằng cớ.
Truyện viết theo lối tự thuật, có lần đi xe lửa, tác giả được nghe một ông khách tên Pozdnyshev kể chuyện đời mình.

“Ông thuộc thành phần quí tộc, điền chủ, rất giầu, trình độ đại học, làm công chức chính phủ. Thời còn học sinh giao du với bọn ăn chơi lêu lổng. Bị xã hội lôi cuốn, từ thời còn học sinh mới 15 tuổi đã sa ngã vào chốn ăn chơi truỵ lạc. Trở thành người dâm đãng, ông kéo dài cuộc sống sa đọa trụy lạc vô nghĩa trong thâm tâm vẫn có ý định cưới vợ để thực hiện một nếp sống gia đình trong trắng cao thượng. Cho tới năm ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình, nhưng rồi tình cờ gặp người ưng ý, cô nàng thuộc gia đình địa chủ đã khánh tận.

Bà vợ tưởng ông là người đạo hạnh sau đọc nhật ký của ông tỏ vẻ ghê tởm. Cuộc hôn nhân không có tình yêu chân thật, chỉ khai thác xác thịt nhau nên dần dần mất hạnh phúc, hai người cãi cọ, chửi bới nhau những chuyện không đâu. Đời sống vợ chồng không đem lại hạnh phúc mà chỉ là một gánh nặng, ông đã buông theo dục vọng quá độ.

Bốn năm năm sau, hai vợ chồng có năm đứa con, con cái làm gia đình mất hạnh phúc vì đau yếu, bệnh hoạn. Họ thường cãi cọ nhau dữ dội đủ chuyện, ít lâu sau dọn lên tỉnh, cuộc sống bận rộn hơn . Hai năm sau, bác sĩ bắt vợ phải cai đẻ, nàng ba mươi tuổi mập hơn, trông càng khêu gợi hấp dẫn hơn. Nàng như một con ngựa nuôi cho béo, bỏ yên cương khiến ông đâm sợ, có lẽ nàng nghĩ từ nay phải hưởng thụ, tuổi thanh xuân sẽ qua mau, nàng theo quan niệm trên đời chỉ có tình yêu, lấy chồng đã được hưởng tình yêu nhưng chưa đủ, tâm hồn nàng rạo rực muốn yêu, nàng phác hoạ một mối tình mới khiến ông đâm lo, nàng ít bận tâm tới con, hăng say tập dương cầm.

Rồi người đàn ông xuất hiện, hồi xưa gia đình hắn ở cùng xóm, hắn chỉ là một người đàn ông tầm thường, học vĩ cầm ở Ba Lê về, ăn mặc lối Tây, tài âm nhạc của hắn là đầu dây mối nhợ. Hắn ăn diện, cà vát sặc sỡ, dùng hàng Ba Lê để thu hút phụ nữ.

Sự thù ghét vợ chồng đưa tới cái hố nguy kịch, tên nhạc sĩ đến thăm ông vào một buổi sáng, ông bèn giới thiệu với vợ, họ bắt chuyện qua âm nhạc, hắn đề nghị kéo đàn vĩ cầm chung với vợ ông đánh dương cầm. Vợ ông từ chối, ông phải năn nỉ vợ, chiều hôm sau họ hoà nhạc, đàn chung một bản nhạc của Mozart. Ông chồng bắt đầu ghen khi thấy hai người liếc nhau, bề ngoài hắn trang nhã lịch sự đủ thu hút nàng.

Mấy hôm sau ông về nhà thấy áo choàng của hắn ở phòng ngoài, ông đi qua phòng học các con tới gần phòng nhạc nghe thấy tiếng cười tiếng đàn máu ghen sôi lên, họ tập dượt bài cho buổi hoà nhạc chủ nhật này. Tuần sau ông sẽ phải họp trên quận, tối ấy chồng ghen, vợ phân trần, chồng nóng nẩy hăm doạ giết vợ nhưng rồi hai bên lại vui vẻ. Chủ nhật quan khách tới đông đủ, ông chồng thích khoe khoang, thân hành đi mua các món ăn, viết thiệp mời, sáu giờ khách tề tựu đông đủ, ông thấy hắn kém xa vợ nghĩ rằng nàng không tự hạ như vậy, chồng tin lời cam đoan của vợ, họ ăn tiệc trước khi trình diễn, hai người hoà nhạc bản Kreutzer Sonata của Beethoven.

Lúc ra về tên nhạc sĩ nói ý cho biết hắn không muốn trở lại khi ông vắng nhà. Ông lên quận họp, hai hôm sau vợ viết thư cho ông nói tên nhạc sĩ có ghé cho mượn mấy bản nhạc , ông nghi ngờ nổi cơn ghen nghĩ tới tình yêu xác thịt của vợ ông và tên nhạc sĩ sau lại tự trấn an, rồi lại nghi ngờ. Ông thao thức không ngủ được, năm giờ sáng báo cho Hội nghị biết có việc gấp phải về nhà.

Tám giờ lên xe ngựa, rồi đi xe lửa mất tám tiếng, ông tưởng tượng ra cảnh người vợ phản bội chồng, nội tâm ông rối bời, lúc nghi ngờ lúc lại cho mình tưởng tượng quá xa. Tới ga chót ông nôn nao, lạnh run, xuống ga tâm trí rối loạn, lên xe ngựa về nhà. Tới nhà thấy đèn phòng nhạc vẫn sáng, ông lên cầu thang bấm chuông vào phòng ngoài thấy choàng của tên nhạc sĩ, tất cả đúng như ông nghĩ “đích thị là hắn”, bây giờ là chuyện thật rồi , ông sẽ thẳng tay trừng trị người vợ phản bội. 

Ông rón rén đi lối hành lang vào phòng riêng khóc, mình là người đứng đắn năm đứa con thế mà vợ ngoại tình với tên nhạc sĩ. Ông lấy con dao găm treo trên tường rút khỏ vỏ, rón rén mở cửa, hai anh chị kinh hoàng, tên nhạc sĩ và vợ ông hết hồn. Ông đứng trên bực cửa dấu con dao sau lưng rồi lao tới, hắn nắm cánh tay ông rồi tháo chạy, vợ ông ôm lấy tay ông, ông nổi cơn điên, khủy tay đụng vào mặt vợ tím bầm lại, chị ta già mồm cãi khiến ông điên tiết bóp cổ vợ, đâm mũi dao vào bụng ngập lút cán, máu từ từ ọc ra.. Ông biết là mình đã giết một người đàn bà không có gì tự vệ, người ấy là vợ mình. Bị giam gần một năm, khi ra toà ông được tha bổng, ông chánh án coi đó là trường hợp nóng giận vì ghen tuông, người chồng bị phản bội giết vợ để bảo toàn danh dự gia đình”

Đây là trường hợp khác thường trong văn chương Tolstoi, lần đầu tiên ông dùng cách diễn tả tàn bạo, ghê rợn khác với lối hành văn nhẹ nhàng, tế nhị, bay bướm như ta thường thấy trong tác phẩm tiêu biểu cũng như những đoản thiên khác. Một vụ án mạng rùng rợn giống như trong phim Rashomon thể hiện thú tính con người. Thảm kịch này là hậu quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc dựa trên tình yêu thể xác nhiều hơn là tình nghĩa vợ chồng hoặc tình yêu lý tưởng.

Nhân vật chính đã thú thực từ năm mười lăm tuổi, còn là một cậu học sinh trong trắng ông đã theo bạn bè, đàn anh vào chỗ chơi bời trụy lạc, xã hội đã đẩy đưa thanh niên đến chỗ đồi truỵ, sa đoạ. Những người lớn trong xã hội thời đó cho tình dục là một điều tốt cho sức khoẻ của thanh niên, nó giúp cho tinh thần mới bớt căng thẳng, người ta nói thế, sách cũng nói thế, bạn bè đều khuyến khích như vậy… Các khu mãi dâm được chính phủ tổ chức điều hành sao cho hợp vệ sinh, bảo đảm sức khoẻ cho thanh niên. Các bác sĩ ăn lương chính phủ cho biết chơi bời là có lợi cho sức khoẻ, khoa học đã đưa thanh niên đến khu mãi dâm, bác sĩ, chính phủ, xã hội.. đã làm đồi truỵ cả một lớp thanh niên. Bác sĩ chữa trị bệnh tật cho gái mãi dâm, cho thanh niên như là để khuyến khích chơi bời, ông ta bị sa ngã vì người ta khuyến khích đó là một sự giải trí vô hại cho thanh niên.

Xã hội đã tạo lên những thanh niên hư hỏng, đồi truỵ như ông ta. Tolstoi cho rằng con người còn thua giống vật vì chúng chỉ đến với nhau để sinh sản và bảo toàn nòi giống nhưng con người thì tận hưởng khoái lạc bất kể giờ nào lúc nào mỗi khi nổi hứng. Theo tác giả nhân loại phải đoàn kết trong tình tương thân tương ái, tình dục đã cản trở sự đoàn kết ấy, bao lâu nhân loại còn tồn tại, lý tưởng còn được đặt ra trước mắt là lý tưởng của chân thiện mỹ đạt được nhờ sự trong trắng và tiết chế.

Xã hội đã biến người đàn bà thành phương tiện giải trí, thân xác người đàn bà chỉ là một dụng cụ mua vui, người đàn bà còn là nô lệ bao lâu đàn ông còn coi họ là phương tiện giải trí, phương pháp ngừa thai, cai đẻ đã biến người đàn bà thành đồ vật mua vui cho nam giới.

Cuộc hôn nhân của hai vợ chồng ông Pozdnyshev thiếu hạnh phúc từ cơ bản vì nó thiếu tình yêu lý tưởng, chỉ là tình yêu xác thịt. Sau những năm chung sống , có năm mặt con, sự thù ghét căng thẳng giữa vợ chồng đưa tới cái hố nguy kịch, nếu không ghen thì chũng có chuyện khác, nếu không li dị thì cũng đến chỗ tự tử, hoặc án mạng, cả hai vợ chồng đã nhiều lần suýt tự tử. Một cuộc triển lãm chó đã khiến họ thảo luận tranh cãi rồi chửi nhau ầm lên, suýt đánh nhau, giết nhau, ông chồng đã tính bỏ đi xa.

Mặc dù đời sống vợ chồng không hoà thuận nhưng ông vẫn nổi cơn ghen khi tên nhạc sĩ vĩ cầm bắt đầu có tình ý với vợ mình, trước hôm hoà nhạc, ông nóng giận chửi vợ vì nghi ngờ hai người hai người liếc mắt đưa tình với nhau, chị vợ phân trần mồm loa mép dải nên mọi chuyện lại êm xuôi. Người vợ giả dối chỉ che mắt ông được một vài lần, đường đi hay tối, nói dối hay cùng và thảm kịch gia đình đã diễn ra như thế.

Nghệ thuật mô tả mô tả tâm lý nhân vật tuyệt vời của Tolstoi đã cho ta thấy tâm trạng rối bời của ông chồng khi nghĩ tới tên nhạc sĩ vĩ cầm và người vợ trẻ đang rạo rực khát tình của ông, có lúc ông đoan chắc hai đứa tư tình với nhau, rồi ông lại tự trấn an rằng mình tưởng tượng quá xa, tự nhiên thù ghét họ.. Suốt tám giờ ngồi trên xe lửa về nhà, người chồng nghi ngờ, mâu thuẫn lung tung. Lần đầu tiên trong văn chương Tolstoi độc giả được theo dõi những diễn biến hồi hộp gay cấn y như trong truyện trinh thám gián điệp.
Sự thật phũ phàng cuối cùng đã lộ nguyên hình, nó cũng thể hiện sự đau khổ không cùng của một người chồng bị phản bội. Khi tên nhạc sĩ hốt hoảng bỏ chạy, người vợ bị chồng bắt quả tang ở lại đêm với hắn trong lúc ông vắng nhà, Tolstoi đã diễn tả người đàn bà đau khổ bằng hình ảnh tàn nhẫn chua chát.

“Bộ mặt nàng tỏ vẻ sợ hãi thù ghét tôi, kẻ thù của nàng, giống như con chuột bị mắc bẫy nhìn người đánh bẫy khi nhấc cái bẫy lên ”.
(Her face showed fear and hatred of me, the enemy, as a rat’s does when one lifts the trap in which it has been caught)

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn nghiệp, ngòi bút của Tolstoi đã diễn tả vụ án mạng một cách tàn bạo, ghê rợn như sau.

“Tôi đâm con dao thật mạnh vào chỗ dưới mấy chiếc xương sườn của nàng ”
( I struck her with all my might with the dagger in the side below the rib)

Hoặc.

“Tôi còn nhớ, tôi cảm thấy lưỡi dao đụng vào cái sú chiêng hoặc cái gì đó trong giây lát và rồi con dao đâm phập xuống lớp thịt mềm. Nàng lấy tay cầm con dao và bị cắt đứt tay nhưng không cản, giữ được nó”
(I felt, and remember, the momentary resistance of of her corset and of something else, and then the plunging of the dagger into something soft. She seized the dagger with her hand, and cut them, but could not hold it back)

“Tôi đứng yên chờ đợi, không tin là có thực. Nhưng máu tuôn ra từ phía dưới xu chiêng của nàng . Chỉ khi ấy tôi mới hiểu là không thể cứu chữa gì được nữa”
(I continued to stand waiting, and not believing the truth. But the blood rushed under her corset . Only then I did understand that it could not be remedied)

Dr T.C.B.Cook cho rằng trong truyện này lối văn củaTolstoi giống y như Dostoievsky về giọng văn cũng như các mô tả tâm lý con người ở trạng thái khác thường.

(It is probably the story in which Tolstoy’s writing is closest to Dostoesvky’s in its tone and in its exploration of abnormal states of mind)

Tolstoi nhấn mạnh vào nhát dao sát nhân để cho người đọc thấy rõ những tội lỗi ghê rợn bởi thú tính con người, hậu quả của cuộc sống sa đọa do một xã hội chỉ biết tôn thờ tình dục, trác táng mang lại.

Trọng Đạt
______________
Hình minh họa: Sonata Kreutzer, tranh sơn dầu của Francois Xavier Prinet sáng tác do cảm hứng từ cuốn truyện cùng tên của Leon Tolstoi.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...