09 January 2011

Nguyễn Ngọc Vị đọc

"Thiên Hương Về Trời"
của Tâm Thanh

“Thiên hương về trời”, với tên tác giả: Tâm Thanh, nghe quen quen nhưng thật lòng không biết người, chỉ biết là bào đệ của Ngô đức Lưu, người bạn đèn sách trước đây. Thói quen, mở ngay trang đầu, không thấy, lật những trang cuối cũng không nơi nào ghi 'tiểu sử tác giả', thành ra đến giờ này vẫn chưa rõ được...'mặt mũi Tâm Thanh'. Ông bà mình bảo: “Trông mặt mà bắt hình dong”, không thấy mặt thì làm sao bắt! Thành ra phải lấy câu: “Văn là người” để luận. Sở dĩ ghi lại chi tiết nhỏ này vì nó không như đa số các tác giả khác, khi có sách hay truyện xuất bản, luôn có phần tiểu sử, nhiều khi không chỉ sơ lược mà còn ghi nhiều chi tiết, hơn cả gia phả nữa kìa.

Trước khi đọc, ngó qua trang mục lục, cũng lại có cái gì hơi hơi khác: Cách phân chia 'đoạn, phần, mục hay chương'... chưa thấy bao giờ, vừa nhìn, cứ ngỡ đó là một 'bài thơ mới' nếu như không có 2 chữ 'Mục lục' ở trên. Lạ thật ấy chứ! Nhất là với những chữ 'đây, đó, khắp', bâng quơ, lơ lửng(giữa lưng trời...nơi thiên hương về...?), khiến người đọc ngỡ ngàng, suy nghĩ... Tôi nghĩ...tác giả này cũng...'hiểm' đấy!(không giám nói là thâm). Tâm Thanh đã khôn khéo dẫn đầu óc người đọc sa vào cõi...'tò mò'...không thể ngừng được!

Thành thật nhé: Với mình và với bạn, đây là một tập truyện ngắn rất lạ. Đúng ra là rất hay, nhưng tôi không muốn nói hay vì ngoài cái hay nó có cái gì hơi khác lạ? Cầm tập truyện trong tay, cái cảm giác thích thú có ngay trong đầu hệt như khi cầm một hạt 'Kim cương', hiểu ngay được giá trị của nó chứ không như ngó một quả cam, quả bưởi, chưa biết ngọt hay chua.

Xin thưa thật, sau ngày Lễ Noel, con cái từ nhiều nơi về xum họp, vui chơi, tặng quà nhau, ăn uống, vẫn còn hơi nặng bụng, nhưng nhận được tập truyện, nhất là với cái tên...“thiên hương về trời”, hơi hướng của cái gì đó linh thiêng, huyền nhiệm, thế là bỏ con cháu đó, vớ lấy 'thiên hương...' đọc ngay một lèo. Say sưa nên mau hết! Đọc xong, lại … đọc nữa.

Từ nội dung đến văn phong, nhất là cách dùng chữ...lạ lắm. Ngắn, gọn, (nhiều từ đã lâu lắm rồi không nghe), nhiều chi tiết, đọc lên hiểu liền, biết ngay sự việc, cảm tưởng như người cùng cảnh vật ở ngay trước mắt, ngửi thấy, sờ mó được. Một vài mẩu đối thoại, chợt nghe như bộc trực, không khác chi lấy gió dập lửa, nhưng thẳng thắn, chân thành. Có những chi tiết, khi đọc, thấy...vận ngay vào mình. Thế mới lạ! Thấm!

Chuyện kể vẻ đơn sơ, nhưng sống động, thực, đôi khi mình cứ vừa cười vừa đọc. Gợi cảm, gợi hình!

Trong tập truyện ngắn 'thiên hương về trời', nếu hỏi tôi ưa thích nhất truyện nào, rất khó trả lời! Tôi chỉ biết, trong “đây” tôi thích “thiên hương về trời”. Tôi thích vì tình cờ, có một chi tiết nó đã đụng ngay vào tiềm thức của tôi, chuyện mà tôi đã muốn cho nó ngủ yên forever. Nó ngủ 55 năm rồi, gần như tôi đã quên!

Mấy ai hiểu được tâm trạng buồn tủi của kẻ sống xa quê, thân cô, lại rủi ro mang vết thương thể xác, nhất là trong 3 ngày Tết, ngày đoàn tụ, ngày sống với hương khói gia đình, lủi thủi một mình, buồn...chán nản tới mức nào! Từ thân phận mình, hiểu được tâm trạng Biện, cũng như biết tại sao Biện đã tìm mọi cách để có được Yvonne bên mình trong những giờ phút thiêng liêng nhất của ngày TẾT Việt Nam.

Năm 1955, Tết di cư đầu tiên, cũng vì không Cha không Mẹ, không cả anh em, nên tôi đã cùng với một thằng bạn, tên Thiệp, (cựu Thẩm phán tòa án quân sự VN, hiện sống ở Cali), tuổi 15, 16. sáng ngày mồng một Tết, đèo nhau trên chiếc Mobylette (mượn của thằng Chương, bố làm lớn ở Tổng Ủy Di cư), chạy từ trại tạm cư, cạnh khu Lữ Gia trường đua, qua vườn cao xu Phú Thọ, rẽ vào đường Lê văn Duyệt hướng về Lăng Ông để...xem thiên hạ ăn Tết. Chạy ngang đoạn đường trước trại lính nhảy dù gần hồ tắm Cộng Hòa, chẳng hiểu thằng bạn cầm tay lái làm sao, lúng ta lúng túng, đụng ngay phải một em bé té lăn đùng trên lộ, tuy không đau đớn nhưng quần áo đẹp ngày Tết của em bị lấm lem một chút. Khốn nạn đến với hai thằng tôi là em bé này lại là con của ai đó trong trại gia binh nhảy dù, thế là thân nhân em ào ra, hai thằng tôi bị ăn đòn túi bụi, tới khi hai đứa nằm ngay đơ trên lề đường, họ mới ngừng tay (cả chân nữa), rút vào trại. Hai đứa bò dậy, phủi quần áo, tiếp tục đèo nhau đến Lăng Ông, thay vì vào Lăng hái lộc, xem thiên hạ xin xâm, vì đau và máu me cứ rỉ ra mãi, phải vào bệnh viện Nguyễn văn Học. Được cô Y tá, cũng khá xinh đẹp, băng bó, bôi thuốc đỏ cho rồi bảo...về!

Đọc 'thiên hương về trời' mà ghen với Biện. Cũng cùng tai nạn, chỉ khác: Xe mình cán người, Biện thì bị xe người cán, nội tình như vậy mà Biện ngon hơn hai thằng tôi quá nhiều! Cũng bị thương, cũng vào bệnh viện, cũng được...cô Y Tá băng bó, nhưng Biện 'được nằm' nhà thương, có Yvonne ỏn ẻn bên giường...bệnh! Tình tứ thế, dại gì không...nhõng nhẽo!

Ngẩn ngơ ngó “thiên hương về trời”, lòng tự hỏi: Tại sao lại để Biện phải chứng kiến cái cảnh thằng Paul, tơn tơn cái mặt, đứng hóng chuyện người ta chán rồi còn chìa tay ra bắt. Giá mà tôi...có quyền (viết truyện), tôi sẽ cho nó ngừng ngay sau 3 chữ “Mùa xuân đến”, có phải tránh được cảnh kết thúc ở thời điểm nghi ngờ nhất, đau khổ nhất không, điều mà tôi không muốn xảy ra với bất cứ ai! Thêm nữa, tôi càng không muốn mất cái hương vị ngọt ngào, ngây ngất, chết lịm đi của nụ hôn 'để đời' kia nữa kìa ông bạn TT của tôi ơi!
Rời 'đây', lang thang tới...'đó' , chợt nhớ là mình đã xa Hà Nội từ tuổi 16 (1954), nay...chỉ còn ít ngày nữa là hết 2010, vẫn chưa về lại! Cũng may mà chưa về, mới chỉ nghe truyện 'Chó và người giữa Hà Nội' đã sợ rồi! Thấy mà thương cho hai em bé bất hạnh kia, mệt mà chẳng nên cơm cháo gì! Thật tội nghiệp! Sau chuyến làm ăn thất bại ấy, chắc giờ này hai em vẫn còn thắc mắc: (xin phép Cụ Nguyễn Du cho cháu sửa lời thơ Cụ đôi chút để tặng hai em bé này).
-Trăm năm trong cõi người ta,

-Mả người mả chó vốn là khác nhau,

-Nhưng nay...hoa phúng đều nhiều,

-Ba Đình, mả ấy, xác nào trong Lăng?

Ngao ngán! Bèn đi tới 'Đoạn cuối ... cuộc tình...' cho khuây khỏa. Không ngờ, cũng chẳng khá! Mệt, tỉnh dậy, thấy mình càng chới với nếu như sống ở VN lúc này. Thời đại chi mà người dân nói chuyện với nhau, phải nói theo 'kênh'! Báo chí phải viết theo 'lề'! Gặp nhau, Cậu Cháu Hâm phải nói chuyện theo thủ thuật 'hai kênh' mới an toàn cuộc sống! Cậu đoạt giải nhất 'thi đua yêu nước' chính là nhờ lối sống 'hai kênh'! Thằng cháu ngây thơ, tưởng bở! Cậu được giải, cháu mừng hơn Cậu, hăm hở tới mượn tiền. Nào ngờ, mộng tan khi nghe Cậu phán: Cháu tưởng giải ấy bằng tiền à? Cụt hứng...! Vừa kêu được 2 tiếng 'khốn kiếp'...thì nghe Cậu phán tiếp: 'Đấy, đem cầm hay bán đi mà đút … lót cho người ta!

Xã hội chi mà chiếc 'xăng đan' hỏng lộ liễu mới ghi biên bản, còn như 'hỏng kín đáo', thì OK, vẫn...hái ra tiền! Chuyện nhỏ đã thế, chuyện lớn thì sao? Lừa dối nhau từ trên xuống dưới! Đảng hồ hởi khi đưa ra món 'thi đua yêu nước', tưởng dân không biết thủ đoạn vặt của mình, nào ngờ, ngay người buôn thúng, bán bưng như bà Mợ của Hâm cũng biết tỏng tòng tong đó là trò lưu manh, lừa bịp. Bà lớn tiếng: Thi đua cái gì! Trò 'dỗ trẻ con ăn cứt gà sáp', ai mà không biết! Chính xác! Nghe...đã vô cùng!

Xem ra VN ngày nay, gian dối, bịp lừa đã trở thành điều kiện sống! Đừng nói chi những chuyện quan trọng như quốc phòng, an ninh, chính trị, ngay trong lãnh vực xã hội, nhu cầu sống hằng ngày của người dân như món ăn thức uống, sự lừa lọc, gian dối đã xảy ra tới mức công khai, nhảm nhí, bất chấp hậu quả đối với sức khỏe của người dân! Đời thuở nào, bảng hiệu ghi bán thịt rừng, thịt nhím nhưng thực chất lại là thịt mèo chết, rắn rết chi thôi! Dân lành ăn vào mang bệnh! Dân nhậu bị phỉnh lừa, chỉ còn nước văng tục cho bớt hơi men, bõ ghét :“Đéo làm chi còn nhím, rắn rết cũng vào nồi ...”! Tốn hơi nói gì thêm nữa đây!

Giã từ 'đó' xuống 'khắp', ngừng lại ở “Giáng phước” nghỉ chân.

Nhìn 'Giáng phước', giàn trải trong 4 trang giấy thôi nhưng gói ghém mối chân tình dai giẳng, khăng khít, thời gian cũng như sóng nước, chẳng thể làm phai nhạt được hình ảnh của người yêu bé bỏng ngày xưa:“Đồ ăn cắp chim”! Phải tin là con người có số...Chơi vơi từ ngọn dừa lăn xuống đúng ngay xuồng của con bé 'bất hạnh một nửa'...Ngọc Lan, hỏi số ai đỏ hơn số 'vô danh' nữa chứ!

Tâm trạng 'vô danh' chắc cũng mừng, nhưng rồi chết điếng vì buồn: Cái buồn da diết, ray rứt...bởi nó quá thầm kín, riêng tư.

Không ray rứt sao được khi tình cờ Cô giáo lạ thay chùa trao tặng một kỷ vật xa xưa, linh tính hay thần giao cách cảm mà chỉ nghe qua, đã biết được có gì trong gói giấy. Xót xa mà sung sướng, đơn độc mà ấm lòng. Nhận được kỷ vật này người 'Vô danh' thấy như mình được 'Giáng phước?

Kết thúc, đừng nghĩ là tôi lắm chuyện nha, thấy lạ thì nói. Tác giả có tin câu này không? 'Người làm sao thì chiêm bao làm vậy'? Thật là thú vị, bắt quả tang trong 'thiên hương về trời', sơ sơ 7 truyện đầu của tập truyện, đã vào chuyện bằng sự dan díu ngay với … 'con gái, đàn bà' ? Ha...ha...Lạ vậy đó. Nhưng chẳng sao đâu. Đời phải vậy. Hãy ngẫm nghĩ 'chân lý' này đi: Có (đàn) 'Bà' thì mới có...cháu (mình)!

Bạn biết không, người ta bảo: Đàn bà khổ vì lỗ...tai, đàn ông chết vì hai...con mắt! Chẳng biết có đúng không chứ trong 'thiên hương về trời', có người 'mất hồn' vì...mũi đấy! Nhất là cái mũi quá thính! Có điều...mùi thơm tự nhiên của những cô gái đẹp...như Yvonne,(THVT), hay hương thơm kỳ lạ của cô gái xa lạ đi nhanh vào nhà sách Akademica (MT) thì OK chứ mùi ngai ngái da bò (ĐMBKHM) hay phân ướt trộn chất thải của gia súc (MVCT) thì dù có thơ thẩn, ngẩn ngơ bên hồ Mjosa thơ mộng mấy đi nữa, cũng chẳng hớp được hồn ai đâu!

Nói thế mà sao vẫn chưa đã, chưa đủ, thêm tí nữa, chắc không thừa?

Trải qua mười mấy cuộc tình, mặn nồng, đơn bạc, tác giả là người đầy lòng Nhân, kết bằng một truyện rất đời, đẹp không thua gì “tình yêu thần thánh” (HMT).

Sau bao ngày cay đắng, ưu phiền, nay là lúc Xuân có quyền say men hạnh phúc. Xuân biết nó từ đâu đến, Xuân ơn: Trời + Đất + Người...cả tiếng còi xe chát chúa ven rừng Versailles. Chứng kiến cảnh... Xuân cùng chồng con dung dăng bên giòng sông Seine, vui biết mấy. Xuân ra đó, chẵng phải để vớt lại bèo xưa mà là cùng chồng, con, vừa ngắm cảnh hoàng hôn của Paris nồng ấm (khác với Lyon đèn vàng, buồn chết được!), vừa tiễn 'thiên hương về trời'.

Ôi...   Hạnh phúc!

Nguyễn Ngọc Vị
(NĐĐiều giới thiệu)

2 comments:

  1. Wow!! Tác giả là TÂM THANH hay THANH TÂM ??

    ReplyDelete
  2. Đã sửa lại tên tác giả đã viết ngược. Thành thật cám ơn đã nhắc nhở. TTR

    ReplyDelete

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...