21 January 2011

Tunisie: Tức nước vỡ bờ


Khi tuổi trẻ vùng dậy
vì « Tự Do, Nhân Phẩm, Việc Làm »
NQMINH Paris

Sau 23 năm cai trị nước Tunisie với bàn tay sắt, Tổng Thống Zine el-Abidine Ben Ali đã lên máy bay trốn khỏi nước chiều ngày 14 tháng 01 năm 2011.

Nước Tunisie ở Bắc Phi đã thu hồi độc lập và chủ quyền năm 1956 sau 75 năm sống dưới chế độ thuộc địa của người Pháp ( 1881-1956 ). Với diên tích 163 810 km2, dân số 10,5 triệu, là nước có Sản Lượng Nội Địa ( GDP ) tính theo đầu người 7025 € cao nhứt trong ba nước Bắc Phi cựu thuộc địa của Pháp, hai nước kia là Algérie và Maroc.

Habib Bourguiba ( 1903-2000 ), người tranh đấu lâu năm cho nền độc lập của Tunisie và là vị Tổng Thống đầu tiên của Tunisie ( 1957-1987 ), đã đặt nền tảng phát triển kinh tế vững và tốt cho Tunisie. Tuy nhiên, sau gần 20 năm cầm quyền, ông đã cho sửa hiến pháp và trở thành Tổng Thống trọn đời năm 1975.

Ông Ben Ali nguyên là một tướng lãnh trong quân đội Tunisie, được TTh Bourguiba cử làm Bộ Trưởng Nội Vụ, sau đó là Thủ Tướng. Theo hiến pháp Tunisie, khi Tổng Thống không còn khả năng đảm nhiệm chức vụ, Thủ Tướng sẽ thay thế. Dựa vào điều khoản hiến pháp đó, bằng thủ đoạn, ông Ben Ali đã đẩy ông Bourguiba già yếu, bịnh hoạn ra đi và chiếm chiếc ghế Tổng Thống, sau đó tái đắc cử nhiều lần . Năm 2002, đi vào vết xe của ông Bourguiba, ông Ben Ali dùng thủ thuật trưng cầu dân ý có xếp đặt, sửa hiến pháp, theo đó một người chỉ được ra ứng cử Tổng Thống không quá ba nhiệm kỳ, để được tái ứng cử không hạn định số nhiệm kỳ.

Ông Ben Ali đã đẩy nước Cộng Hoà Tunisie càng ngày càng đi sâu vào chế độ độc đoán. Thực tế chỉ có một đảng cầm quyền trên chính trường Tunisie, đảng Tập Hợp Trong Hiến Pháp và Dân Chủ ( Rassemblement Constitutionnel et Démocratique, RCD ), không có đối lập thực sự. Các chính khách đối lập bị trù dập, có người phải lưu vong ra nước ngoài. Nhân quyền bị vi phạm và chà đạp. Không có tự do báo chí, giới truyền thông bị nhà nước ra lệnh và kiểm soát chặt chẽ, không có tự do phát biểu ý kiến. Mặc dù có một nền kinh tế khá ổn định nhờ sự tin tưởng và đầu tư của các công ty tư bản Tây phương, trong đó nước Pháp, cựu chủ nhân thuộc địa, giữ một phần quan trong, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh thế giới từ năm 2008 đã đem nạn nghèo đói và thất nghiệp chụp lên đầu dân Tunisie. Nhứt là giới trẻ. Thống kê cho biết, năm 2009 tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong cả nước là 14,2%, tỉ lệ nầy là 31,2% đối với thanh niên trong lớp tuổi 15-29*. Có rất nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm.

Sở dĩ nước Tunisie do ông Ben Ali và đảng RCD lãnh đạo lún sâu vào chế độ độc đoán là do sự tiếp tay của các nước Tây phương qua chủ trương mà các nhà chính trị học gọi là Đường Lối Chính Trị Trị Thực Tiễn ( Realpolitik ). Họ muốn tạo Tunisie thành một nước hồi giáo theo một mô hình có hai phần : phần phát triển kinh tế có lợi cho giới Tư Bản nước họ, còn phần chính trị nhằm ngăn chận các nhóm chủ trương hồi giáo quá khích nắm quyền cai trị đất nước. Hậu quả của chủ trương chính trị nầy là khuyến khích ông Ben Ali và nhà nước của ông thi hành chính sách cảnh sát trị, bịt miệng và ngăn cấm đối lập.

Tệ hại hơn nữa là lợi dụng mô hình phát triển nầy, gia đình ông Ben Ali và gia đình bà vợ Leïla của ông, họ Trabelsi, đã thao túng nền kinh tế của Tunisie, trở thành hai tập đoàn mafia đầy quyền thế và giàu sụ, kinh doanh trong mọi lãnh vực, từ ngân hàng đến xuất-nhập cảng, hàng không, du lịch, địa ốc, truyền thông. Nhận xét của triết gia Pháp Montesquieu ( 1689-1755 ) từ thế kỷ 18 vẫn đúng : « mọi người có quyền đều có khuynh hướng lạm quyền » ( trong De l’Esprit des Lois XI, 4 ). Sự lạm quyền quá rộng lớn, quá lộ liễu ở đây cộng với chế độ độc đoán, chính sách cảnh sát trị đã đưa nước Tunisie vào ngõ cụt và gây bùng nổ.

Mồi lửa đã do một thanh niên 26 tuổi châm lên ngày 17 tháng 12 năm 2010. Mohamed Bouazizi con của một công nhân nông nghiệp, sống ở thành phố Sidi Bouzid miền trung tây nước Tunisie. Anh được học tới năm chót bực trung học. Cha anh qua đời, anh phải bỏ học giúp mẹ kiếm sống cho bảy anh em trong gia đình. Không tìm được việc làm trong thời buổi khó khăn, gần đây anh phải bán rau quả chui ở chợ vì không có môn bài. Anh bị nhân viên công lực địa phương nhục mạ và tịch thu hàng hoá nhiều lần. Ngày 17 tháng 12, cùng một sự việc được lặp lại. Uất ức, lần nầy anh xin gặp tỉnh trưởng để khiếu nại và minh oan, nhưng bị nhân viên công lực ngăn cản. Để bày tỏ sự phẩn nộ của mình, anh đã dùng xăng tẩm vào người và tự thiêu trước Toà Hành Chánh Tỉnh. Ngày hôm sau có hàng trăm thanh niên tụ tập ở quãng trường chánh của thành phố Sidi Bouzid. Cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp bằng lựu đạn cay và dùi cui.

Bouazizi đã được chuyển lên bịnh viện ở thủ đô Tunis. Ngày 28 tháng 12, Tổng Thống Ben Ali có đến thăm anh bên giường bệnh. Anh đã chết do phỏng nặng ngày 4 tháng 1 năm 2011. Anh đã nói những lời cuối cùng với mẹ anh : « Mẹ ơi, con đi đây. Xin mẹ tha thứ cho con. Mẹ đừng trách con vô ích, con đã đi lạc trên con đường mà con không định hướng được. Xin mẹ tha thứ cho con, nếu con đã không vâng lời mẹ, xin đừng trách con, mà hãy trách thời đại của chúng ta ».

Ngày 5 tháng 1, có 5000 người tham dự đám tang của anh Bouazizi. Những cuộc biểu tình từ thành phố Sidi Bouzid đã lan rộng như vết dầu loang ra những thành phố khác trên cả nước và cuối cùng là thủ đô Tunis. Hàng chục ngàn người, phần lớn là giới trẻ, đã biểu tình trên đại lộ chính của thủ đô. Lúc đầu nhà cầm quyền cho đó chỉ là sự náo loạn nhứt thời của thanh niên. Khi thấy những cuộc biểu tình chống đối càng ngày càng lớn mạnh, nhà cầm quyền ra lịnh đóng cửa các trường trung học, kiểm soát gắt gao hơn nữa việc thông tin. Những cuộc biểu tình không còn là của sinh viên học sinh nữa, mà có sự tham dự của các luật sư, giáo chức và giới công đoàn, phần đông là những người trẻ trên dưới 30 tuổi. Khẩu hiệu được gặp rất nhiều là « Tự Do, Nhân Phẩm, Việc Làm ». Nhà cầm quyền đàn áp dữ dội . Cảnh sát , phương tiện số một để duy trì chế độ, đã dùng cả đạn thật để bắn vào đám biểu tình. Cuộc biểu tình ở thành phố Kasserine có hàng chục người bị bắn chết - sau khi ông Ben Ali bị lật đỗ, nhà cầm quyền cho biết tổng số những người chết trong các vụ đàn áp biểu tình là 78 người và có hàng trăm người bị thương, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho biết số người chết lên đến số trăm - Nhưng nhà cầm quyền thất bại, không dập tắt được sự phẩn nộ, đòi tự do, chống đối sự thối nát của chế độ.

Đặc biệt trong cuộc tranh đấu nầy của giới trẻ Tunisie cho tự do của đất nước, biến thành cuộc cách mạng lật đỗ chế độ độc tài, họ đã sử dụng một cách vô cùng hữu hiệu phương tiện truyền thông hiện đại internet, đặc biệt là mạng Facebook. Tin tức mới nhứt cho biết có hơn hai triệu người dân Tunisie sử dụng mạng Facebook. Nhà cầm quyền cũng nhận ra được điều nầy, đã dùng cả một đơn vị chuyên môn , truy lùng và đóng những trang mạng chống chế độ. Võ quít dầy có móng tay nhọn, giới trẻ Tunisie lập những trang với tên giả trên Facebook để chuyển cho nhau những tin tức và hình ảnh của những cuộc biểu tình, đồng thời thông báo những địa điểm tập họp cho những cuộc biểu tình sắp tới. Sau cái chết của anh Bouazizi một tập thể người trẻ tranh đấu trên mạng có tên là Anonymous, với hàng ngàn thành viên, đã lập ra chiến thuật phá rối các trang mạng chính thức của nhà cầm quyền, kể cả trang mạng của Tổng Thống Phủ.

Trước làn sóng của những cuộc biểu tình chống chế độ càng ngày càng lớn mạnh, trở thành cuộc cách mạng mà một nhà báo Tunisie đặt tên là Cuộc Cách Mạng Hoa Lài ( La Révolution du Jasmin ) – hoa Lài là một trong những biểu tượng của nước Tunisie- tên gọi nầy đã được báo chí nước ngoài dùng lại khi thông tin về cuộc cách mạng xảy ra ở Tunisie, thêm vào đó quân đội ngã về phía chống chế độ : tướng Tham Mưu Trưởng Lục Quân Rachid Ammar từ chối, không tuân lệnh bắn vào dân chúng biểu tình, đã bị Tổng Thống Ben Ali cất chức, ông Ben Ali ba lần trong ba ngày liên tiếp lên Truyền Hình dịu giọng, hứa hẹn để trấn an dân chúng : ra lệnh cho cảnh sát không được bắn vào các đám biểu tình, cất chức và thay thế Bộ Trưởng Nội Vụ, hứa sẽ tạo 300 ngàn công ăn việc làm, nới lỏng việc kiểm soát báo chí, và trong lần thứ ba hôm 13 tháng 1, ông hứa sẽ không ra tái ứng cử Tổng Thống lần thứ sáu khi hết nhiệm kỳ năm 2014. Nhưng đã trễ. Lòng khao khát tự do của tuổi trẻ đã khơi dậy sức mạnh tranh đấu trong dân chúng Tunisie. Phong trào tranh đấu đòi lật đỗ chế độ độc đoán, thối nát từ một tháng qua không có gì ngăn lại được nữa. Sáng ngày 14 tháng 1, hàng ngàn người tụ hop trước Bộ Nội Vụ, với nhiều biểu ngữ « Ben Ali tên sát nhân » và « Ben Ali cút đi ».

Chiều ngày 14 tháng 1, ông Ben Ali lên máy bay bỏ trốn ra khỏi nước. Chính Phủ Pháp của Tổng Thống Sarkozy đã phủi tay, từ chối tiếp nhận ông trên đất Pháp để tránh sự chống đối của 600 ngàn người Tunisie hiện sống trên đất Pháp, mà một số người đã biểu tình ở Paris ủng hộ cuộc cách mạng bên Tunisie, có người cầm biểu ngữ « Ben Ali sát nhân , Sarkozy đồng loã ». Tháng 4 năm 2008, nhân dịp thăm viếng chính thức thủ đô Tunis, ông Sarkozy đã ca tụng « một không gian tự do đang tiến triển ». Từ đó, chính phủ của ông Sarkozy vẫn ủng hộ chính sách cai trị của ông Ben Ali. Cuối cùng ông được vương quốc Arabie Saoudite nhận cho sống lưu vong. Tối ngày 14, Thủ Tướng Mohamed Ghannouchi lên Truyền Hình đọc tuyên bố Xử Lý Thường Vụ chức vụ Tổng Thống. Ngày 15, Hội Đồng Bảo Hiến , chiếu theo hiến pháp, trao quyền XLTV Tổng Thống cho Chủ Tịch Quốc Hội, ông Fouad Mebazaa. Ông Ghannouchi được giữ lại ở chức vụ Thủ Tướng, có nhiệm vụ lập chính phủ liên hiệp quốc gia, trong khi chờ bầu cử lại Tổng Thống và Quốc Hội theo qui định của hiến pháp.

Có bốn Bộ Trưởng từ các đảng đối lâp trong chính phủ liên hiệp quốc gia vừa mới thành lập, đã từ chức để phản đối việc còn quá nhiều Bộ trưởng từ đảng RCD trong chế độ cũ của ông Ben Ali, nhứt là ở những bộ quan trọng : Quốc Phòng, Nội Vụ, Ngoại Giao, Tài Chánh. Thanh niên và dân chúng Tunisie tiếp tục biểu tình đòi giải tán đảng RCD và loại trừ các Bộ Trưởng, người của đảng RCD. Theo tin mới nhứt, có một Bộ Trưởng người của chế độ cũ đã từ chức.

Một bài học đáng được suy nghĩ cho hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, có nhiều điểm giống hoàn cảnh của nước Tunisie : cũng có một chế độ đảng trị độc đoán, một chế độ công an trị, chỉ có dân chủ hình thức, các quyền tự do của người dân bị tước bỏ, chà đạp ; Việt Nam có giới cầm quyền cấu kết, bao che cho nhau tạo thành những tập đoàn nhũng lạm, đục khoét công quỹ, làm giàu cho cá nhân, phe nhóm, còn người dân thì càng ngày càng cùng khổ. Nhưng tệ hại hơn hoàn cảnh của nước Tunisie, Việt Nam chịu một chế độ cộng sản sai lầm trong lý thuyết, vô đạo, tàn bạo, dối trá trong chính sách, vẫn tiếp tục tàn phá đất nước và con người Việt Nam từ trên nửa thế kỷ qua. Sau cùng, cũng như dân Tunisie, dân Việt Nam không thể trông chờ ở bất cứ cường quốc nào có thừa lòng trắc ẩn hay hào hiệp để giúp phá bỏ ách cộng sản, xây dựng một nền dân chủ tự do thực sự cho Việt Nam. Dân chúng Việt Nam chỉ có thể dựa trên ý chí và sức mạnh đoàn kết của chính mình để thực hiện điều đó.

NQMINH Paris

* Những con số và một phần tài liệu, hình ảnh trong bài nầy được lấy từ tuần báo l’Express của Pháp, trang mạng Wikipedia và nhật báo Le Monde trên mạng. 
_____________

comment:

Anonymous said...
TUNISIE đã chuyển đổi, đi theo tiến trình của Cách mạnh Hoa Nhài (Lài). Một số nước khác còn thuộc chế độ độc tài (Albania, Ai cập...) cũng đang bị xáo trộn, nhân dân ở khắp các thành phố biểu tình sôi động đòi lật đổ chính phủ độc tài. Chừng nào đến lượt Cuba, Bắc Hàn và... Trung Cộng, Việt Nam đây? Chính quyền các nước độc đảng, độc tài này hẵn từng nghe câu nói của người xưa (hình như Mạnh Tử): "Dân ví như nước có thể nâng thuyền lên; nhưng dân cũng như nước, có thể làm lật thuyền vậy !" Hãy mở mắt ra mà xem, hỡi các lãnh tụ Cộng sản còn sót lại trên thế giới!

1 comment:

  1. TUNISIE đã chuyển đổi, đi theo tiến trình của Cách mạnh Hoa Nhài (Lài). Một số nước khác còn thuộc chế độ độc tài (Albania, Ai cập...) cũng đang bị xáo trộn, nhân dân ở khắp các thành phố biểu tình sôi động đòi lật đổ chính phủ độc tài. Chừng nào đến lượt Cuba, Bắc Hàn và... Trung Cộng, Việt Nam đây? Chính quyền các nước độc đảng, độc tài này hẵn từng nghe câu nói của người xưa (hình như Mạnh Tử): "Dân ví như nước có thể nâng thuyền lên; nhưng dân cũng như nước, có thể làm lật thuyền vậy !" Hãy mở mắt ra mà xem, hỡi các lãnh tụ Cộng sản còn sót lại trên thế giới!

    ReplyDelete

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...