19 January 2011

Trích từ một tác phẩm sắp xuất bản


Sấm ngữ - Nguyên ngôn
( Tục ngữ, ca dao )        
     
Cơ  khởi  đầu từ sự giao thoa các đối cực như Thiên Địa, Âm Dương, Hữu Vô, ... rất tế vi khó thấy. Cơ cũng  xuất phát từ nơi gặp gỡ của trục Thời Không, là đầu mối của Hòa Thời, Việt Thời.
    
Sấm ngữ :    
    Ở Thời này Tiềm thức giao thoa với Ý thức thăng hoa thành Thần thức. Dịch truyện có viết: “ Trí dĩ tàng vãng, thần dĩ tri lai “ : Thần thức biết được cái sắp đến, trí thức chứa ( biết ) sự đã qua. 
     Theo Nho Việt thì Tiềm thức 3, Ý thức 2. Tiềm thức là mảnh đất phì nhiêu nuôi dưỡng, tích lũy Minh triết, khi đạt đúng liều lượng thì Tiềm thức phát ra thông điệp gởi lên cho Ý thức để hướng dẫn, chỉ đạo cuộc nhân sinh, mà Hệ Từ Thượng gọi là “ Hà xuất đồ, Lạc xuất thư “, trong đó Hà , Lạc là tượng trưng cho Tiềm thức sâu thẳm, lưu ly như dòng sông bất tận, còn đồ, thư là thông điệp gởi lên cho Ý thức.
     Theo “  Thiền Uyển  Truyền Đăng Tập Lục “, vua Lý Nhân Tông có bài kệ truy tặng Thiền sư  Vạn Hạnh (?- 1025 ) như sau:
   ” Vạn Hạnh dung tam tế,
     Chân phù cổ sấm ky.
     Hương quan danh Cổ Pháp,
     Trụ tích trấn vương kỳ.”
Vạn Hạnh thông quá khứ, hiện tại, vị lại ba cõi,
Chân thật phù hợp với lời sấm cơ xưa.
Quê hương có tên la Cổ Pháp,
Chống gậy nhà Phật để bảo vệ đất nước.
( Dịch nghĩa: Nguyễn Đăng Thục- Thiền của Vạn Hạnh tr. 141 )
     Cái Tâm Thiền giác ngộ không còn phân biệt đối tượng cũng giống như cái Tâm Chí Thành của Nho Việt hợp nhất Ý, Tình, Chí, cho nên rất vi diệu: “ Chí thành như thần “ ( TD 24 ) và do đó có khả năng dung hợp, thông suốt cả ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai, nghĩa là có khả năng tiên tri, nói lên lời sấm cơ.  
     Vạn Hạnh đã vận dụng khả năng này để  giúp đất nước. Về sau có sấm Trạng Trình và trong dân gian cũng có  lưu truyền sấm ngôn. Sau đây là một vài  ví dụ:
   ” Bao giờ ngựa đá qua sông,
     Cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi.”  
hay :
   ” Bao giờ thạch mã quá giang,
     Tử Kỳ, Vinh lại nghênh ngang công hầu.”
     Đối chiếu với sấm Trạng Trình:
   ” Bao giờ ngựa đá sang sông,
     Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng.”
     Ngựa đá và những sự kiện, biến cố được tiên tri không phải là liên hệ căn do, nhân quả, nên lý trí không thể thẩm định được. Khả năng đó thuộc về những cá nhân có thần thức hiếm có, nói lên lời sấm bí ẩn mà người bình dân sưu tập, lưu truyền , còn ứng nghiệm hay không thì khó quả quyết.
    Đối với Tiềm thức, ngựa đá là “ Tượng “, một trạng thái thuần túy kinh nghiệm, như ng đối với Ý thức thì ngựa đá là vật vô tri thì theo lý lẽ làm thế nào nó có thể qua sông được? Nếu ngựa đá qua sông được thì quả thật là một biến cố cực kỳ quan trọng có tính cách đổi đời, làm đảo lộn cả cục diện theo như truyện Kiều: “ Trải qua một cuộc bể dâu “, biển rộng hóa ra ruộng dâu ( thương hải biến vi tang điền ). Văn hóa Việt là nền văn hóa nhân chủ, cho nên những câu sấm ngôn nói trên ngoài việc tiên tri, rất chú trọng phần Đạo đức nơi con người: “Đức năng thắng số “. Con người theo nghĩa nhân chủ là  con người toàn diện bao gồm, thống nhất cả ba phương diện: Ý, Tình, Chí cho nên thay vì nhận nguyên lý căn do lạnh lùng như ở luận lý hình thức thì văn hóa Việt nhận qui luật nhân quả có thưởng, có phạt theo ý nghĩa Đạo đức.   
     Như đã nói, ngựa đá sang sông là biến cố có tính cách đổi đời. Đó là điểm uốn của đường biểu diễn hình sin, đường biểu diễn cuộc biến dịch của thế giới vạn vật.
  “ Bao giờ thạch mã quá giang,
    Tử Kỳ, Vinh lại nghênh ngang công hầu.”   
so sánh với:
   ” Âm đã lại dương, đành máy nhiệm,
      Bĩ thôi thời thái ấy cơ thường.”
             ( Nguyễn Bỉnh Khiêm )
và :
   ” Số khả bĩ rồi thời lại thái,
     Cơ thường đông hết hẳn sang xuân.”
              ( Nguyễn Công Trứ )
Đó là trường hợp con người gặp cơn bĩ cực trước, mà do thái độ lạc quan, niềm tin dựa vào luật biến dịch của Tạo hóa mà tích cực phấn đấu tồn tâm, dưỡng tánh, tích lũy năng lực, dồi mài kinh sử, chờ cơ hội thuận lợi quyết tâm thực hiện cuộc đổi đời, chuyển cơn bĩ cực thành thái lai, đỗ đạt làm quan, thực hiện mộng công hầu. (ứng với đường biểu diễn hình sin đi xuống, vượt qua điểm uốn, rồi phơi phới đi lên ).
     Còn những câu sấm ngôn sau đây thì có đường đi ngược lại:
   ” Bao giờ ngựa đá sang sông,
     Cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi.”
và:
   ” Bao giờ trúc mọc quanh thành,
     Cha con nhà Nguyễn tan tành như tro.”
 Đường biểu diễn đi lên lúc còn thịnh, rồi vượt qua điểm uốn thì tuột xuống thành suy. Sự thịnh suy đó là do cái Đức, mà cái Đức của nhà Nguyễn thời vua Tự Đức như thế nào đã được ca dao nói rõ:
   ” Từ ngày Tự Đức lên ngôi,
     Cơm chẳng đầy nồi, trẻ khóc như ri.
     Bao giờ Tự Đức chết đi,     
     Thiên hạ bình thì, mới dễ làm ăn.”
Bình thì là thời bình, nhưng chữ thì cũng lại là tên húy của vua Tự Đức: Nguyễn Phúc Thì. Thời vua Tự Đức giặc giã nổi lên nhiều nơi, nạn mất mùa,  nạn đói khiến dân khổ. Nhà vua cũng không nhận ra đâu là tinh hoa văn hóa dân tộc, nên từ chối huyền thoại không cho ghi vào lịch sử nước nhà, lại thêm chính sách hẹp hòi, bế môn tỏa cảng khiến đất nưóc mất về tay Pháp.
     Ca dao phản ảnh rất trung thực những suy tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, cho nên nội dung những phản ảnh về sấm tiên tri có khuynh hướng nhắm vào tính phổ biến hơn là ngưng trệ ở những sự kiện đơn biệt có vẻ thần bí :
   ” Trên cao đã có thánh tri,
      Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ.”
     Ở đây chữ “thánh tri “ cao hơn “tiên tri “ một bậc. Còn “nhân nghĩa “ là chủ đạo của nền văn hóa Việt, nền văn hóa nhân chủ đạt Minh triết, cho nên nói: “ Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ “ là một chân lý.
     Trên kia là luận bàn về lẽ thịnh suy của triều đại nhà Nguyễn qua ca dao. Bốn câu ca dao sau đây nói lên một cách tổng quát lẽ biến dịch của mọi triều đại, tương quan giữa chính quyền và người dân:
   Con vua thì lại làm vua,
     Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
     Bao giờ dân nổi can qua,
     Con vua thất thế lại ra ở chùa.”
    Trong chế độ quân chủ phong kiến, việc cha truyền con nối, độc quyền cai trị là hẳn rồi. Nếu may mắn có minh quân thì dân được nhờ, còn không may gặp hôn quân thì dân khổ. Thông thường thì một triều đại lúc mới  khởi đầu  ở thời kỳ thịnh, rồi dần dần bị thoái hóa, sa đọa. Hậu quả là bao nhiêu cái khổ dân phải gánh chịu. Đến lúc nào đó dân chịu đựng không nỗi nữa, “nổi can qua” thì cuộc “đổi đời” sẽ xảy ra không sao tránh khỏi. Kinh nghiệm về Mệnh trời, họa phúc và nhất là sức mạnh của dân đã được vị Đại khai quốc công thần Nguyễn Trãi cho biết trong bài thơ chữ Hán “ Quan
hải ” (Đóng cửa bể ):
  ”...Phúc chu thủy tín dân do thủy
       Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
       Họa phúc hữu môi phi nhất nhật...”
  (...Úp thuyền mới rõ sức dân như nước
       Hiểm yếu không cậy được mệnh ở trời
       Họa phúc đều có nguyên nhân, không phải chuyện một ngày dấy lên...)
Ý dân là ý trời, thuận lòng dân thì còn, nghịch lòng dân thì mất, đó là chân lý ngàn đời không cần chi phải tiên tri.
     Đây là ước nguyện của người bình dân, tuy coi có vẻ mộc mạc nhưng lại là hoài bão của nền văn hóa rất cao, đã đạt Minh triết, đạt Nhân:
    ” Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi,
      Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.
      Mừng nay có chủ Thuấn Nghiêu,
      Mưa Nhân, gió Huệ thảy đều muôn dân.
      Sông Lô một dải trong ngần,
      Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên.”    
      Nghiêu Thuấn là những vị vua Minh triết trong huyền sử, những vị vua lý tưởng thi hành chính sách nhân trị. Những chữ “ mưa Nhân “, “ gió Huệ “ là chỉ nội dung và trình độ của nền văn hóa Minh triết  đạt Nhân và Huệ. Huệ là cái biết không còn phân biệt đối tượng, mà nhà Phật gọi là Bát Nhã, còn Nho Việt gọi là “ cách vật trí tri “, cái biết rốt ráo, tột cùng. Cảnh “ nằm trâu thổi sáo “, tắm gội dưới “ mưa Nhân “, hóng mát trong “ gió Huệ “: thật là một cuộc sống “ thảnh thơi “, an lạc trong thời thái bình, thịnh trị.
  
   Nguyên ngôn:  
    Phát xuất từ chỗ chí Trung, cho nên nguyên ngôn là những phát biểu đơn giản mà hàm súc về những nguyên lý căn bản, chân lý phổ biến. Về hình thức, những phát biểu đó thường có dạng của những câu tục ngữ, cách ngôn hoặc ca dao ngắn gọn.
     Quan điểm và chân lý:            
     Muốn đạt được chân lý, tri thức đúng đắn trước hết phải có quan điểm đúng đắn, phê phán những quan điểm hẹp hòi, thiển cận:
   ” Ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung.”
     Phê phán chủ nghĩa duy tâm chủ quan:
   ” Có mợ thì chợ cũng đông,
     Không mợ thì chợ cũng không không bửa nào.”
hay:
   ” Có ai nước cũng lững lờ,
     Không ai nước cũng đứng cơ mực này.”
    Sự phê phán đó đã ngầm chứa ý nghĩa vừa có chủ quan, vừa có khách quan.
     Theo tinh thần văn hóa lưỡng hợp  thì nhận thức vừa có yếu tố chủ quan nội tại:
   ” Người làm sao, chiêm bao làm vậy.”
vừa có yếu tố khách quan ngoại tại:
   “Ở bầu tròn, ở ống thì dài.”  
     Hình thể của vạn vật có thiên hình vạn trạng là sự quân bình giữa nội lực của từng chủng loại và ngoại lực là môi trường sống. Sự quân bình này có biến đổi, nhưng rất chậm, rất lâu dài, mà con người do đời sống tương đối ngắn ngủi nên khó nhận ra. Đó là khả năng thích ứng với môi trường sống và là cái lẽ biến dịch của vạn vật.                                 Câu: “Ở bầu tròn, ở ống thì dài.”  tự nó cũng đã có tính lưỡng nghi rồi. Nếu phân tách thì có tròn, có dài hay vuông, nhưng trên thực tế là ở thể tổng hợp, lưỡng hợp. ” Tròn dài ” qui về “ tròn vuông” là cặp biểu tượng phổ quát Trời Đất, Thời Không là căn cơ của thế giới vạn vật cũng là biểu tượng của lý tưởng hoàn hảo qua lời cầu chúc trong dân gian: “ Mẹ tròn con vuông “. Sự tích “ bánh dày bánh chưng” và ý niệm “ Trời tròn đất vuông “ là biểu tượng của huyền thoại và Minh triết, cho nên cần phải vượt qua duy lý ( Sao trời tròn mà đất lại vuông? )
     Trời tròn tượng trưng cho yếu tố tinh thần, tiềm thức tâm linh nội giới; đất vuông tượng trưng cho yếu tố vật chất, ý thức khoa học ở ngoại giới. Có “ hiệp nội ngoại chi Đạo” thì mới hiện thực được Đạo lớn.
     Thử xét câu: “ Suy bụng ta ra bụng người ”.
     Đây là phương pháp liên tưởng để biết người, biết vật của người xưa dựa trên nguyên lý liên hệ phổ biến. Thay vì phân tích trực tiếp câu trên, nay xin mượn giai thoại “ Cá vui “ ( Ngư lạc ) trong Trang Tử Nam Hoa Kinh, bản dịch của Nguyễn Duy Cần để làm sáng tỏ. Truyện như sau :
   ” Trang Tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “ Đàn cá xanh bơi lội thung dung. Cá vui đó ”.
     Huệ Tử nói: “Ông không phải cá, sao biết cá vui? ”
     Trang Tử nói: “Ông không phải tôi, sao biết tôi không biết? “
     Huệ Tử nói: “ Tôi không phải ông, nên không thể biết được ông, còn ông không phải cá, ông cũng hẳn không sao biết được cái vui của cá! “
     Trang Tử nói: “ Xin hãy xét lại câu hỏi đầu. Ông đã hỏi tôi làm sao biết được cá vui? Đã biết là tôi biết, ông mới có hỏi “ làm sao mà biết “...Thì đây, làm thế này: Tôi đứng trên cầu sông Hào mà biết được “.
     Trong giai thoại kể trên, Huệ Tử lấy quan điểm nhị nguyên duy lý mà đặt câu hỏi, còn Trang tử lại đứng ở lập trường Tề vật để trả lời. Trang Tử nói: “ Thiên Địa dữ ngã tịnh sinh. Vạn vật dữ ngã duy nhất.” ( Tế vật luận ) : Trời đất với ta cùng hiện ra. Muôn vật với ta là một thể.
     Như vậy phải xuyên qua bức tường nhị nguyên, tiến sâu vào nhân bản tâm linh mới cảm nhận ra giữa con người và vũ trụ vạn vật có chỗ cộng thông, đối mặt nhau với tư cách là tâm hồn với tâm hồn.
     So sánh với câu phát biểu của Protagoras ( 480- 410 tr. CN ): “ Con người là thước đo vạn vật “ trong đó con người là từng cá nhân đơn lẻ, và câu nói của Sokrates ( 469- 399 tr. CN ): “ Con người là thước đo vạn vật “ trong đó con người được hiểu theo nghĩa chủng loại. Sokrates đề cao lý trí đến nỗi đã đồng hóa lý trí với đức hạnh: “ Sự hiểu biết và đức hạnh là một “. Cả hai quan niệm trên về con người đều ở bình diện lý trí, chưa hề liên hệ tới bình diện tâm linh sâu thẳm nơi nội tâm con người, là suối nguồn phát sinh Tính thế con người.
     Trở lại câu: “ Người làm sao, chiêm bao làm vậy.”
     Câu này cho thấy nhận thức tùy thuộc vào tâm thức của chủ thế. Tâm thức như thế nào thì nhận thức sẽ như thế nấy, tâm thức như cái gương phản chiếu: “ Tâm như minh kính, hoa lai kiến hoa, nguyệt lai kiến nguyệt ”: Tâm như gương trong sáng, hoa đến liền thấy hoa, trăng đến liền thấy trăng.
     Xét tiếp đến câu:
  “ Khôn thì trong trí lượng ra,
     Dại thì học lõm người ta bề ngoài

     Câu này chia phần:
     Trước hết: “ Khôn thì trong trí lượng ra
     Khôn là sự khôn ngoan theo nghĩa Minh triết. Trí là trí huệ ở đợt tâm linh sâu thẳm từ trong nội tâm phát khởi ra để phân biệt với lý trí ở vòng ngoài chỉ nhận biết sự vật qua tư tưởng biểu tượng.
  “ Dại thì học lõm người ta bề ngoài “ : Tri thức biểu tượng chỉ là cái biết bề ngoài qua hình danh sắc tướng, qua ý niệm, chưa là cái biết rốt ráo, cái biết ” cách vật trí tri “. Thông thường thì người ta nhờ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà hiểu biết. Đó là phương cách đã trở thành tập quán trong nhận thức, nhưng chính phương cách đó đã là chướng ngại cho con đường phản tỉnh, giác ngộ. Sự hiểu biết như vậy chưa thực sự là hiểu biết vì còn tùy thuộc vào cái hiểu biết của người, nội dung chương trình giáo dục, một sự phó mặc may rủi. Nếu đúng thì không nói gì, mà nếu chẳng may du nhập phải tà thuyết, văn hóa nô dịch thì quả thật là tai họa. Khi tâm hồn tràn ngập tà thuyết, văn hóa nô dịch, thành kiến thì cũng như cái tách đã đầy ấp nước trà nguội cũ thì làm sao đón nhận được những giọt nước trà mới pha nóng hổi thơm phức được. Do lậm tận căn cốt văn hóa nô dịch đế quốc phương Bắc trên ngàn năm, nay nói mình có văn hóa truyền thống tốt đẹp lâu đời hơn cả Tàu, rằng Tàu cướp đoạt rồi dùng quyền lực nói ngược lại là đem văn hóa của họ để khai hóa cho dân man di phương Nam. Không mấy ai tin như vậy. Có người cho rằng, có lẽ mình vì lòng tự hào dân tộc mà nói như vậy, chứ làm gì có như vậy, mình không có gì hết ! (Nên nhớ rằng thời Bắc thuộc, giặc cướp sạch, chính sách cai trị đồng hóa tận gốc, tàn bạo kéo triền miên trên ngàn năm thì đất nước mình còn cái gì). Đế quốc biết vậy, mỉm cười đắc ý!
     Ở “Đại Tông Sư “ của Trang Tử Nam Hoa Kinh (trang 366) có viết: “ Nam Bá Tử Quỳ hỏi Nhữ Vũ:
   - Tuổi của ông đã cao rồi, mà sắc diện như đứa trẻ thơ, sao vậy?
   - Ta đã nghe được Đạo
! ( Viết: Ngô văn Đạo hĩ )
     Văn Đạo là nghe hiểu Đạo. Nghe ở đây không có nghĩa là nghe bằng tai thông thường ở bên ngoài, mà nghe bằng tâm bên trong với lòng trống rỗng, tâm không. Nghe Đạo như thế có nghĩa là đắc Đạo, cho nên sắc diện như trẻ thơ hồn nhiên với cái tâm chưa hề có tì vết của thành kiến, tư dục.
     Kinh Lăng Già cũng nói: “ Tâm như đứa trẻ hát ” ( Tâm vi công kỹ nhi ). Tâm như vậy có khả năng biểu hiện ra thiên hình vạn trạng nghiệp báo như một nghệ sĩ sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuất vô cùng tận. Kinh Hoa Nghiêm nói: “ Tâm như  một thầy hội họa, vẽ các loại hiện tượng giác quan. Trong tất cả thế giới, không có vật nào không tạo tác.” ( Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ ấm. Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo : Thế giới thi ca Nguyễn Du- N. Đ Thục tr. 322-323 )
     Một nền văn hóa mang tính lưỡng hợp phải dung hợp cả hai đường lối học vấn theo tinh thần “hợp nội ngoại chi Đạo“ nghĩa là vừa theo truyền thống tâm linh của Đạo học, vừa theo đuổi con đường tri thức khoa học kỹ thuật hiện đại mà ngay người bình dân cũng đã ý thức từ lâu:
   ” Học cho cách vật trí tri,
     Văn chương chữ nghĩa, nghề gì cũng thông

Câu đầu chỉ đường lối học của Đạo, câu sau là cái học thường nghiệm, thực dụng ở đời. Hai cái học này phải đi đôi với nhau thì sự học mới hoàn toàn cũng như phải “ hợp nội ngoại chi Đạo “ thì Đạo mới thực sự là Đạo: một đàng đưa đến thành công, còn một đàng dẫn đến thành nhân.                          
     Trong nhận thức, không nên cả tin một cách dễ dàng những gì mình chưa thực sự hiểu biết, phải lưu ý kiểm tra những niềm tin thiếu cơ sở. Về điều này, tục ngữ đã lưu ý và nhắc nhở:
   ” Bởi tin nên mắc, bởi chắc nên lầm.”
Câu tục ngữ trên ngụ ý rằng, muốn nhận thức đúng, tránh sai lầm thì cần phải có óc hoài nghi, sự thắc mắc, biết ngạc nhiên. Nếu đem so sánh tư tưởng trên với tư tưởng của các nhà hiền triết xưa kia, thì cũng không có gì khác lắm:
     Socrates : “Điều mà tôi biết nhiều nhất và rõ nhất trong đời tôi, là tôi không biết gì cả.”
     Platon : “ Biết ngạc nhiên, đó là nguồn gốc của Triết học.”
     Khổng Tử : “ Cái gì biết thì cho là biết, cái gì không biết thì chịu là không biết, ấy là biết vậy.”
     Trang Tử: “ Thiên hạ đều biết tìm hiểu cái mà mình chưa biết, mà chẳng ai biết tìm hiểu cái mà mình đã biết; đều biết chê cái mà mình cho là không phải, mà chẳng ai biết chê cái mà mình đã cho là phải.“ ( Khứ Cự )
     Thận trọng, cân nhắc từng ly để tránh sai lầm:
   ” Trật một ly, đi một dặm.”
     Câu này cho thấy đường đi nước bước của Thời Không từ điểm giao thoa tỏa rộng ra, cho nên nếu từ khởi điểm mà trật một ly thì càng đi ra xa, càng trật cả dặm.  Mọi sự tính toán sai lầm đều phải trả một giá rất đắc tương xứng:
   ” Trật con toán, bán con trâu.” 
      Trong kinh doanh, nếu tính toán sai lầm thì từ thua lỗ đến phá sản, trong quốc sách mà tính toán sai lầm thì đất nước lâm nguy, có khi mất cả nước, ách nô lệ tự trồng vào cổ. Đó là lời cảnh báo của Tổ tiên từ bao đời qua tục ngữ, ca dao, con cháu phải tạc dạ ghi nhớ từ việc nhỏ đến việc lớn, chớ nên coi thường.
     Con đường văn hóa Việt chủ trương hướng dẫn con người đến thành công lẫn thành nhân, là nền văn hóa giàu tính triết lý nhân sinh từ việc làm, ăn, nói, cư xử... cho nên tục ngữ đã dạy:
   ” Ăn ngay, nói thật
và:
   ” Ăn có nhai, nói có nghĩ
     Trong nền văn hóa nhân chủ đó, mỗi hành động đều liên kết với luân lý, đạo đức trong liên hệ nhân quả:
   ” Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.”
     Bởi vậy con người cần nên thận trọng, cân nhắc trước khi nói:
   ” Chó loanh quanh bảy vòng mới nằm,
     Người đáo lưỡi bảy vòng mới nói
.”
     Chân lý thật ra chỉ có một, nhưng do tâm thức rộng hẹp mà có nhận thức khác nhau, cho nên tục ngữ khuyên:
   ” Nói đi rồi hãy nói lại.“
     Dù thế nào đi nữa thì sự thật lúc nào cũng là sự thật, cho nên nói thật vẫn hơn:
   ” Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật.”
     Trong thế giới hiện tượng mọi sự vật đều bị phân hóa, cho nên không còn đồng nhất, con người cũng không sao khoát khỏi:
   ” Người ba đấng, của ba loài,
     Chẳng phải ai cũng như ai
.”
     Do sự phân hóa, cho nên cùng một sự việc mà kẻ nói như thế này, người nói thế khác đến nỗi đôi khi phải viện dẫn đến lời thề thốt:
   ” Chiếc thuyền kia nói ,
     Chiếc ghe nọ nói không,
     Phải chi miếu ở gần sông,
     Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi
.”
     Đặc tính con người qua cái nhìn của người bình dân về tướng mạo:
   ” Mỏng môi thì nói đong đưa,
     Dày môi thì nói lọc lừa chị em.”

     Nhận định này nêu lên hai trường hợp thái quá của tướng mạo: những người mỏng môi và dày môi đều có khuynh hướng nói không thật, khác hẳn với những người sau đây:
   ” Những người thành thật môi dày,
     Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân
.”
     Theo thiển ý thì chữ “môi dày ” ở đây có nghĩa là môi đầy đặn theo nghĩa trung bình giữa mỏng và dày như ở hai câu trước. Hai câu nói sau biểu hiện tinh thần của triết lý quân bình, nhân chủ, mà  những con người thành thật, chuộng nghĩa nhân bao giờ cũng ít nói, còn những kẻ quen  “ nói đong đưa ”, “ nói lọc lừa “ vì bản chất giả dối nên mới cần nói nhiều để thuyết phục.
     Đó là đặc tính bẩm sinh, ngoài ra dưới ảnh hưởng của văn hóa nô dịch thì tệ nạn gian dối ảnh hưởng đến  văn hóa truyền thống không ít, đã tạo ra những con người  tha hóa, vong thân, bị lôi cuốn vào con đường u tối, lấy giả làm thật như câu nói:
   ” Lộng giả thành chân
và:
   ” Nhìn gà hóa cuốc ( quốc )”
     Thời Tam giáo đồng nguyên, thời của văn hóa nhân bản tâm linh, vua Trần Thái  Tông đã nhắn nhủ:
Hởi các người: Thân thể là nguồn gốc của đau khổ, tính chất là nguyên nhân của nghiệp báo. Nếu chúng ta tự lấy những cái ấy làm có thật thì ta ngộ nhận thằng giặc làm con mình ( nhận tặc tác tử )”. ( Phổ khuyến sắc thân- Thiền học Trần Thái Tông- N. Đ. Thục ). Thời buổi duy vật ngày nay, có kẻ vong thân, vong bản đến độ tôn vinh cả giặc lên làm tiên tổ của mình chứ nói gì  làm con. Sở dĩ có tình trạng bi đát này là vì phần tâm linh bị bỏ quên.  Chỉ nương theo duy lý, dựa vào con mắt thịt thì dễ bị mắc lừa, chứ còn những người có “ mắt thánh”, những người được ánh sáng Minh triết chiếu rọi  thì làm sao nhầm lẫn được:
   ” Chớ lấy vải thưa mà che mắt thánh
     Những kẻ không đạt lý Thái cực thì mới quay ra dùng mưu xảo quyệt: “ Thất lý nhi nhập ư thuật “. Mưu xảo quyệt thông thường là nói đối, mà nói dối thì hay cùng lý:
   ” Đường đi hay tối, nói dối hay cùng “  
Sự thật không bao giờ có thể giấu nhẹm được:
   ” Ai mà lấy thúng úp voi,
     Úp sao cho khỏi lòi vòi lòi đuôi.”

hay một cách vắn tắt:
   ” Giấu đầu lòi đuôi
Những kẻ này thường che giấu bộ mặt gian của mình bằng những chiếc mặt nạ, mà đến khi có biến cố lớn mới lộ ra:
   ” Cháy nhà ra mặt chuột
     Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng hình ảnh con chuột nhỏ mọn, gian tham, ăn bám, chuyên chui rúc vào những góc thành, ẩn mình trong những hang hốc nền xã tắc, lăng miếu toan tính chuyện mưu gian khiến quỷ thần, dân chúng oán ghét ( trong bài “ Tăng thử: ghét chuột )
     Đất nước mà có quá nhiều nhữ ng bộ “ mặt chuột “ như vậy thì thật là không may, là mạt vận!  
     Tục ngữ có nói rõ:
   ” Mù dắt mù, cả hai lăn cù xuống ao.”
     Mù nói ở đây không có nghĩa là mù mắt thuộc về thân xác, mà muốn nói đến cái mù do không đạt được lý Thái cực, không tiếp nhận được ánh sánh Minh triết, không có Trí tuệ, tức là không có Huệ nhãn. Đã “ “ rồi lại nhờ  thầy “ “ dẫn đắt thì làm sao khỏi “ lăn cù xuống ao “?  
     Bởi vậy cần phải khôi phục lại nền văn hóa truyền thống để có những con người chân thật, kết tinh do tinh hoa của nền văn hóa nhân chủ đạt Minh triết, có đầy đủ cả con mắt Trí lẫn con mắt Huệ, có khả năng tự  làm chủ mình, làm chủ đất nước.
     Để tìm biết sự thật như thế nào, người bình dân chỉ ra hai trường hợp rất có ý nghĩa:
   ” Ra đường hỏi người già,
     Về nhà hỏi con nít
.”
  “ Ra đường hỏi người già “: vì người già thường có nhiều kinh nghiệm ở đời.
  “ Về nhà hỏi con nít “: vì con nít thơ ngây, thật thà chưa hề biết ” xấu che, tốt khoe “, mà “ có sao nói vậy “ chứ không phải như một số người lớn bị dị ứng với sự thật “ nói vậy mà không phải vậy “. Có lẽ do đặc tính này mà người ta thường nói : “ Kính già, yêu trẻ “.
     Nhân sinh quan:
     
Người bình dân từ lâu đã nhận thức thế giới vạn vật mà trong đó có con người luôn luôn biến dịch, đời sống có hạn và ngắn ngủi như “ Hoa phù dung sớm nở tối tàn “:
   ” Người đời khác nữa là hoa,
     Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn.

     Sống là khuynh hướng đầu tiên của con người. Những người con hiếu thảo ngày xưa luôn luôn cầu mong cho cha mẹ được sống lâu với mình:
   ” Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
     Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Người ta nổ lực, dùng đủ mọi cách để kéo dài sự sống, nhưng trên thực tế nào có được như ý mong muốn:
   ” Bói ra ma, quét nhà ra rác
 Chẳng những sử dụng thuật bói toán đoán trước việc lành dữ để kịp thời lo liệu, đối phó, ăn ở theo đúng phép vệ sinh, vận dụng cả y thuật nữa mà có mấy ai thoát được cái chết đâu, là bởi vì:
   ” Chửa được bệnh, không ai chửa được mệnh.”
     Muốn mà không được như ý thì đó là nguyên nhân của sự khổ, nhưng quan niệm khổ của giới bình dân khác với giới bác học, lấy ví dụ bài sau đây của Đoàn Như Khuê để so sánh:
   ” Bể thảm mênh mông sóng lụt trời,
     Một mình chèo một chiếc thuyền chơi.
     Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió,
     Xem lại cùng trong bể thảm thôi
.”
Đó là là quan niệm “ bể thảm “, “đời là bể khổ “ chịu ảnh hưởng từ thuyết “ maya ” xuất phát từ đất Ấn Độ. Người bình dân xem cái khổ như một điều tự nhiên gắn liền với bản thân:
   ” Hữu thân hữu khổ
Cho nên không có thái độ bi thảm về cuộc đời, mà xem đó như cơ hội phấn đấu để vượt qua và để rèn luyện bản thân cho nên người:
   ” thân thì có khổ,
     Có khổ mới nên thân.”

Như thế thì giới gọi là bác học chớ nên khinh thường giới bình dân mà cho rằng “ nôm na mách qué“.
Mặc dầu ở  vào một khía cạnh nào đó đời có khổ, nhưng ở khía cạnh khác cũng có cái sướng để lập lại quân bình, chứ không lẽ cứ khổ triền miên thì làm sao mà sống ( ngoại trừ kiếp nô lệ ). Tuy không không có một học thuyết, ý hệ nổi cộm nào, nhưng người bình dân đã thấm nhuần tận nơi thâm tâm, tiềm thức ý tưởng quân bình, có khổ thì có sướng đối đãi, bù đắp nhau:
   ” Có khó mới có mà ăn,
     Ngồi không ai dễ mang phần đế cho
.”
hay:
   ” Có vất vả mới có thanh nhàn,
     Ngồi không ai dễ cầm tàn che cho
.”  
Họ thản nhiên và quan niệm một cách rất đơn giản:
   ” Trời sanh voi, sanh cỏ
Chừng nào trái đất này còn năng lượng thì còn có sự sống, do đó họ có thái độ lạc quan, tin tưởng:
   ” Còn trời, còn nước, còn mây
     Còn ao rau muống, còn đầy chum tương

     Thái độ đó biểu hiện qua cuộc sống làm ăn vui thú của nền văn hóa nông nghiệp có đạo lý rõ ràng, Đạo Thờ Cúng Tổ Tiên:
   ” Trời cho cầy cấy đầy đầy đồng,
     Xứ nào xứ nấy trong lòng vui ghê.
     Một mai gặt lúa đem về,
     Thờ cha kính mẹ nhiều bề hiếu trung
.”
Nội dung của Đạo là Hiếu Trung, mà gần gũi nhất là thờ cha, kính mẹ. Đặc biệt chữ Trung ở đây chưa gắn liền vào đối tượng độc tôn của chế độ quân chủ phong kiến, mà phải hiểu theo nghĩa căn nguyên là mối giao hòa, chỗ giao thoa của những đối cực như Trời Đất, Hữu Vô, mà trong đó con người đóng vai trò rất quan trọng. Nền văn hóa như vậy có tính nhân chủ được biểu hiện rõ ràng qua nguyên ngôn của tục ngữ:
   ” Người còn thì của cũng còn ”
hay:
   ” Người làm nên của, của không làm nên người
     Mặc dầu đất nước trù phú: “ tiền rừng bạc bể “, “ mùa nào thức ấy “, nhưng người bình dân với bản tính chừng mực, không phí phạm  :
   ” Ăn cây nào, rào cây nấy
Từ đó đưa đến một quan niệm rất triết lý:
   ” Ăn để sống, chứ không sống để ăn
     Có sống thì phải có chết, người bình dân không lấy làm lạ cái chân lý hiển nhiên này:
   ” Cái sống hết, cái chết đến
Cho nên họ có một thái độ rất rõ ràng, thản nhiên về điều này:
   ” Chữ rằng: Sinh ký tử quy,
     Sống còn thì, thác đi thì về
.”
     Đời sống ví như một cuộc phiêu lưu, một cuộc du lịch nơi trần thế hay tạm dừng chân nơi quán trọ. Người ta chỉ lưu lại nơi đây một thời gian nhứt định nào đó rồi lại trở về quê hương của mình, chứ ai  lại mọc gốc, mọc rễ luôn nơi đây. Lẽ sống đã quá rõ ràng như vậy, nên con người không cần quá bận tâm lo lắng cũng như sợ sệt, vì thực ra muốn chết cũng không phải dễ:
   ” Muốn ăn phải lăn vô bếp,
     Muốn chết phải lết vô hòm.

     Thử so sánh quan niệm sống chết này của người bình dân với quan niệm của Trang Tử trong Tề vật luận: “ Hiểu tận vạn vật rồi, mới thấy nó thuần nhất. Ta sao biết ham sống chẳng phải là lầm? Ta sao biết sợ chết lại chẳng là mê, mà không biết cho đó là con đường về?
     Lệ Cơ con của một phong nhơn xứ Ngại, gả cho vua nước Tấn. Khi về nhà chồng, lụy ước dầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi lại hối hận giọt lệ ngày xưa. Ta biết đâu kẻ chết lại không hối hận vì mình đã mong được sống thêm?”

     Bởi thế họ không có ảo tưởng về sự sống “ trường sinh bất tử “,hay “ lột da sống đời “ của con người theo nghĩa cá nhân, mà sự sống là sự sống nói chung của con người được truyền qua từng thế hệ:
   ” Tre già măng mọc
Sự sống nối truyền này được thực hiện qua Đạo vợ chồng:
   ” Sơn Bình, Kẻ Gốm không xa,
     Cách một cái quán với ba quãng đồng.
     Bên dưới có sông,
     Bên trên có chợ,
     Ta lấy mình làm vợ nên chăng?
     Tre già để gốc cho măng
.” 
     Vạn vật nhất thể:
   ” Nhĩ hà nhất thể
hay:
   ” Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi!
      Sông Nhị nước chảy phân đôi một dòng
.”
Từ nguyên lý “ vạn vật nhất thể “phổ quát, người bình dân qui về hình ảnh cụ thể quen thuộc là sông Nhị.  Mặc dầu nước chảy phân đôi, nhưng  sông Nhị cũng chỉ có dòng nước cùng một thể. 
     Lấy hình ảnh sông núi, nước non với hiện tượng trời đất như mây khi hợp khi tan, như nước thủy triều khi lên khi xuống, nhưng bản chất chỉ có một, để khẳng định một chân lý muôn đời là đất nước thống nhất về một mối chứ không thể chia phân:
   ” Nước non là nước non trời,
     Ai phân được nước, ai dời được non
.”
     Ý thức về nguyên lý “ vạn vật nhất thể “ của người bình dân trong nền văn hóa nông nghiệp thật là rõ ràng qua kho tàng ca dao, trong đó người và các loài vật có liên hệ với nhau và nhiều lúc các loài vật quen thuộc được nhân cách hóa nhất là loài chim:
   ” Cái cò , cái vạc, cái nông
     Sao mầy giậm lúa nhà ông hỡi cò
...”
   ” Con cò mà đi ăn đêm,
     Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
...”
   ” Con ếch ngồi dựa gốc bưng,
     Nó kêu cái “ quệt “ biểu ưng cho rồi.”
     Giữa người và vật dường như có sự cảm thông mà nếu theo duy lý thì khó chấp nhận, mà phải đi sâu vào đợt tâm linh thì mới có thể cảm nhận được ( Xem lại giai thoại “ Cá vui “ của Trang Tử ).
     Thu về phạm vi con người thì huyền thoại Việt Nam có truyền thuyết “ cái bọc trăm trứng “ nguồn gốc của Bách Việt, và từ đó có ý niệm “ đồng bào “ :
   ” Anh em cốt nhục đồng bào,
     Vợ chồng cũng nghĩa lẽ nào chẳng thương
.”
     “ Cái bọc trăm trứng “ ấy, một cách tổng quát, cũng là biểu tượng của Thái cực chứa đựng nguyên lý cơ bản Âm Dương, từ đó sinh sinh, hóa hóa ra vạn hữu, trong đó có Đạo vợ chồng. Đạo Việt là con đường hướng dẫn đến tình thương, nhân chủ không phân biệt chủng tộc:
   ” Bầu ơi thương lấy cùng,
     Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”

     Tuy có ” khác giống ”, nhưng không xung khắc đến độ tương tranh, mà lại có hòa hợp là nhờ có tình thương, nhờ có lưỡng hợp tính tự căn cơ. Cái “ giàn “đó là biểu tượng cho nên không chỉ thu hẹp vào phạm vi lãnh thổ của một nước, mà có thể là toàn thể địa cầu trên đó toàn thể nhân loại không phân biệt chủng tộc cùng sinh sống, tôn trọng, thương yêu nhau.
     Liên hệ: Do nguyên lý “ vạn vật nhất thể “, các sự vật trên đời không đứng biệt lập, mà có liên hệ với nhau. Sự liên hệ này tùy thuộc vào đặc tính và khoảng cách.
     Yếu tố gần xa ( khoảng cách ) có tác động quyết định:
   ” Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
   ” Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén
  ” Xa mặt cách lòng
     Liên hệ giữa hai yếu tố gần xa và đặc tính của các đối tượng tác động bù trừ lẫn nhau:
  ” Bà con xa không bằng láng giềng gần.”
   ” Xa mỏi chân, gần mỏi miệng
     Yếu tố gần xa có khi lu mờ trước yếu tố đặc tính của các đối tượng:
   ” Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
     Vô duyên đối diện bất tương phùng
. “
Từ nguyên lý liên hệ phổ quát dẫn đến nguyên lý căn do:
   ” Có lửa mới có khói
hay:
   ” Không có lửa sao có khói?”
hoặc:
  ” Chó đâu chó sủa lỗ không,
    Không thằng ăn trộm, cũng ông ăn mày
.”
và căn do có nghĩa là nguyên nhân tác động:
   ” Chuông có gõ mới kêu,
     Đèn có khêu mới rạng
.”
     Nguyên lý căn do thường đi với luận lý hình thức nghiêng về lý, còn trong nền văn hóa nông nghiệp thì thay vì có nguyên lý căn do thì người bình dân thường nói đến luật nhân quả có liên hệ đến sự rèn luyện đạo đức để đạt tới cứu cánh của Đạo là đạt nhân:
  ” Trồng cây chua ăn quả chua,
     Trồng cây ngọt ăn quả ngọt
.”
   ”hiền thì lại gặp lành;
      Những người nhân đức trời dành phần cho
.”
   “hiền thì lại gặp lành,
     Ở ác gặp dữ, tan tành như tro
.”
    “ Người trồng cây hạnh người chơi,
      Ta trồng cây đức để đời về sau.”

    ” Đời xưa quả báo còn chày,
      Đời nay quả báo một giây nhãn tiền
.”  
   ” Ai đưa con sáo sang sông,
     Để cho con sáo sổ lồng bay cao.
     Bay cao thì mặc bay cao,
     Lưới trời lồng lộng thoát nào đặng đâu
.” 
     Chữ “ nhân quả “ nói về ngữ căn thì thuộc về văn hóa nông nghiệp miệt vườn, còn chữ “ gieo gặt “ thuộc về miệt ruộng:
   ” Tháng giêng chân bước đi cày,
     Tháng hai vãi ( gieo ) mạ ngày ngày siêng năng.
     Thuận mưa lúa tốt đằng đằng,
     Tháng mười gặt lúa ta khuân về nhà
.”
     Luật nhân quả, luật gieo gặt cho thấy gieo cái gì gặt cái nấy và gặt gấp bội phần:
   ” Gieo gió, gặt bão
     Luật loại tụ:
   ” Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”
  “ Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.”
  “ Nồi nào vung nấy “
     Những ý tưởng trên có thể nói là hệ luận của luật quân bình, như nguyên tắc “bình thông nhau”.
     Luật biến động:
    “ Đức Khổng Tử bảo thầy Tử Cống rằng: “ Dư dục vô ngôn “: Ta không muốn nói. Thầy Tử Cống thưa: “ Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên.”: Nếu Phu Tử không nói thì đệ tử biết noi theo vào đâu?. Ngài nói rằng: “ Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai!”: Trời có nói gì đâu! Bốn mùa chuyển vần, trăm vật sinh nở. Trời có nói gì đâu? ( Luận ngữ: Dương Hóa
XVII – T.T Kim tr.137 ). Ý của Ngài muốn đệ tử phải tự lắng nghe thiên lý là cái học cao nhất, là “ văn Đạo “, chứ đừng chờ được giảng giải để tiếp nhận là cái học còn thấp. Người bình dân Việt Nam cũng có bài ca dao phát họa ra cái khung cảnh “ tứ thời hành yên, bách vật sinh yên “ấy như sau:
   ” Đào khoe tươi, liễu khoe mềm,
     Cây khô nẩy lộc, cành thêm ấm chồi.
     Chữ rằng: “ Thiên hữu tứ thời “,
     Ngày thời hoa nở, tối trời hoa thơm
.”
     Khung cảnh trên cho thấy bao quát cái vẻ bề ngoài của thế giới vạn vật , nhưng  nếu xét cho kỹ thì  có sự biến động không ngừng tự ngay trong lòng của chúng:
   ” Người đời ( cuộc đời ) khác nữa là hoa,
      Sớm còn tối mất nở ra lại tàn
.”
và:                              
    “Áo đen chẳng lẽ đen hoài,
     Nắng mưa cũng trổ, cũng phai sắc màu
.
     Hãy nghe mặt trăng nhắn nhủ:
   “ Nguyệt rằng: “ Vật đổi sao dời “,
     Thân này vẫn để cho người soi chung.”

     Kinh Dịch có nói: “ Nhật vãng nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh.”: Mặt trời đi mặt trăng lại, mặt trăng đi mặt trời đến, mặt trời mặt trăng đun đẩy nhau mà ánh sáng phát sinh.
     Người bình dân ví: “ Vợ chồng như mặt trăng mặt trời.”
  “ Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa ló, 
     Xích lại cho em hỏi nhỏ đôi lời,
     Sống thời sao không kết duyên chồng vợ, để thác qua đời trách chi
?”   
     Sự biến động, biến dịch, sự vận động của thế giới hiện tượng không theo đường thẳng mà theo đường vòng là bởi vì có sự quay trở về theo luật phản phục:
   “ Sống gởi, thác về
và:
   “ Lá rụng về cội
     Hai phát biểu trên đây cho thấy sự biến đổi các dạng vật chất hữu hình trở về với năng lượng vô hình ban đầu, mà  kinh Dịch gọi là khí lực:
   “ Tinh khí vi vật, vu hồn vi biến “ : Vật là khí kết tinh, biến hóa là hồn tan ra.
     Luật Tạo hóa tuy “ cao tít mù xanh “ mà thật ra cũng “ vẫn quanh quẩn gần “, nó “ chuyển vần chẳng sai “ và “ như vòng vòng dính, như quay quay tròn “:
   “ Cao cao, cao tít mù xanh,
     Tuy cao mù tít vẫn quanh quẩn gần.
     Dữ lành cân nhắc đồng cân,
     Mà cơ hạnh phúc chuyển vần chẳng sai.
     Hiện tiền quá khứ tương lai,
     Như vòng vòng dính, như quay quay tròn
.”
     Luật này là luật tuần hoàn cứ đáo đi đáo lại theo những quá trình, mà con người tùy theo tâm thức có thể vận dụng theo hướng  tiêu cực hay tích cực:
   “ Cái vòng danh lợi cong cong,
     Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào
.”
hay:
   “ Ruộng nương là cái đồng lần,
     Trời đất xoay dần kẻ trước người sau.
     Chưa ai ba họ cùng giàu,
     Chưa ai nghèo khó đến đâu ba đời
.”
cho nên:
   “ Giàu ba mươi tuổi chớ mừng,
     Khó ba mươi tuổi em đừng vội lo
.”
     Đạo Việt là Đạo hợp cả nội ngoại: khí lẫn vật, tức tinh thần lẫn vật chất, cho nên những người duy vật, duy lý phê bình luật tuần hoàn nói trên như vòng tròn hình học trên mặt phẳng cứ lập đi lập lại y nguyên là không đúng.
     Nay thử kiểm điểm lại những dấu vết của Việt lý còn ghi lại qua ca dao là những gì tiềm ẩn nhưng lại là tư tưởng uyên nguyên:
   “ Tò vò xây tổ trong đình,
     Em xoay đầu tóc cho qua nhìn kẻo quên
.”
và:
   “ Ngó ra sông cái, ngó hoáy thấy đình,
     Hạc chầu thần còn đủ cặp, huống chi mình lẻ đôi.
     Ngó lên đầu tóc hai vòng,
     Thấy mình yểu điệu chạnh lòng thêm thương
.”
     Cái “ đầu tóc ” Việt (Việt: theo nghĩa siêu việt, giao thoa giữa Trời Đất, Âm Dương, Hữu Vô )là tóm thâu tinh hoa của Triết Việt, là Triết lý biểu hiện không bằng ngôn thuyết, mà bằng cách thể hiện trong cuộc sống hiện thực Những từ ngữ như: “ xoay đầu tóc “, “đầu tóc hai vòng “ có sức gây ấn tượng lớn. Nhứt là chữ “ hai vòng “, theo danh lý có thể hiểu là hai vòng tròn, nhưng trong thực tế phải là hai vòng xoắn thì mới đúng, mới có tính liên tục của cái “ đầu tóc “.
      Bây giờ thử xem xét đến kiến trúc thành Cổ Loa:
   “ Ai về đến huyện Đông Anh,
     Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
     Cổ Loa hình ốc khác thường,
     Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây
.”
     Như vậy tính cách tuần hoàn theo Việt lý theo hình xoắn ốc chứ không theo hình tròn, nghĩa là có tính cách tiến hóa. Nếu đi từ vòng ngoài vào vòng trong cùng thì ta thấy đường đi của Thái cực đồ cũng giống mô hình của Cổ Loa. Từ vòng 64 qua vòng 32, 16, 8 ( Bát Quái ) , 4 ( Tứ Tượng ) rồi đến vòng 2 ( Lưỡng Nghi )và vòng Thái Cực 1, nghĩa là đi từ phức tạp đến đơn giản, từ phồn đa  đến hợp nhất ở trung cung. Nói là bảy vòng, thì phải hiểu là vòng xoắn ốc liên tục, chứ là vòng tròn cách biệt thì làm sao mà có thể thực hiện được  cái động của Đạo là phối hợp cả hai chiều vào ra.
     Đường đi của Cổ Loa và Thái cực đồ biểu thị nguyên lý “nội hàm càng nhỏ thì ngoại hàm càng lớn “ chẳng khác nào biểu đồ cấu tạo hạt nguyên tử, theo đó thì quỹ đạo ở trong có 2 điện tử, rồi quỹ đạo ở ngoài cùng chứa nhiều điện tử hơn. Theo Việt lý và Việt Đạo thì càng đi sâu vào đường nhân bản tâm linh thì càng bớt lượng để phát triển phẩm, nghĩa là xả bỏ bớt thành kiến, ý hệ, lòng tham dục, ích kỷ ở đợt Tiểu ngã, mở lòng yêu thương rộng khắp để bước vào đợt Đại ngã. Đường đi của Đạo Việt theo Loa Thành đồ thuyết như  vậy có tính liên tục, đợt tâm thức sau bao hàm, dung hợp đợt trước  là do tính lưỡng hợp, tính Việt, chứ không có triệt tam, không có hủy thể.
     Bây giờ thử khảo sát sự biến dịch, vận động theo đường xoắn ốc Cổ Loa bằng môn toán lượng giác. Để cho được đơn giản, sự khảo sát trên chỉ liên kết vài vòng xoắn cạnh nhau, xem như những vòng tròn chồng lên nhau.
                             
                                                           Trạng thái vận động   
                                    

                                                                     Thời gian 
           
     Chuyển động tròn và đường hình sin.
     Sự vận động theo hàm số vòng hay lượng giác có dạng thức tổng quát như sau:
     sin
 = sin (  + k.2  )
trong đó k= 1,2,3... chỉ thứ tự số vòng.
I sin
 I ≤ 1 ( Trị số tuyệt đối của sin  )
     Quan sát đường biểu diễn hình sin trên thì nhận ngay ra sự phân cực: A và B là hai đối cực. Tuy có đối cực như vậy, mà cứ tuần tự biến chuyển theo k=1, k=2... không hề gián đoạn, cho nên có thể nói rằng đợt tiến sau bao hàm đợt trước (có tính kế thừa), chứ không hề có phủ định tuyệt đối, hủy thể toàn diện. Cho nên trong nền văn hóa truyền thống lưỡng hợp thái hòa của Đạo Việt, Đạo vợ chồng rất khắng khít mặc dầu nam nữ tuy có khác (âm khác dương ). Đó là nhờ sự hòa hợp, trái lại nếu khuynh hướng hủy thể lấn lướt thì Đạo vợ chồng coi như tan vỡ, từ  gia đình có nền tảng, có truyền thống văn hóa  trở thành vô gia đình.
     Dạng đồ thị hình sin trên rất có ý nghĩa, nó chẳng những giải thích rõ nguyên tắc vận động, đặc tính của sự vận động, mà còn cho biết nguồn gốc của sự vận động ấy. Sự vận động của thế giới hiện tượng không phải là sự vận động bất kỳ nào, mà là sự vận động hòa hợp với toàn thể vũ trụ ba động, cũng như sự vận hành tuần hoàn của các thiên thể và do đó có quá trình vận động, có sự phân cực. Sự phân cực là do sự mất quân bình gây ra, là bước ra từ O đến A,rồi do luật quân bình kéo từ A về O1, rồi lại ra B, lại về O2...Nếu so sánh với Dịch lý thì giai đoạn OA tương ứng với Thái Dương, giai đoạn AO1 tương ứng với Thiếu Âm, giai đoạn O1B tương ứng với Thái Âm, rồi giai đoạn BO2 tương ứng với Thiếu Dương.  Đoạn AO1 thuộc phần Dương, nhưng có khuynh hướng đi xuống phần Âm, nên trong Dương đã chứa sẵn mầm Âm. Cũng tương tự như thế, đoạn BO2 ở phần Âm, nhưng có khuynh hướng lên phần Dương, điều đó có nghĩa là trong Âm đã có chứa mầm Dương rồi.
     Hình thức biến  dịch, vận động như trên dao động quanh luật quân bình. Nhờ có luật quân bình mà có luật phản phục và thế giới vạn vật tồn tại trong trật tự. Phản phục không gì khác hơn là trở về với mực quân bình, nhưng là quân bình tạm thời, tương đối, vì nếu quân bình vĩnh viễn thì sẽ không còn có vận động, là sự chết. Những điểm O trên hình sin là biểu thị cho nguyên lý Quân Bình, cũng là ý nghĩa của chữ Trung, là chỗ giao thoa của các đối cực.
     Vật lý địa cầu cũng cho biết sự quay của trái đất trong thái dương hệ cũng như sự tự quay chung quanh trục của nó tạo ra hiện tượng tuần hoàn và phân cực. Từ trường của trái đất với sự phân cực Nam Bắc được giải thích bằng thuyết Dynamo địa cầu. Cũng tương tự như nguyên tắc tự cảm ứng được áp dụng trong Dynamo và máy phát điện, dòng điện cảm ứng được gây ra do sự chuyển động của những dòng đối lưu của những chất nóng chảy dẫn điện giữa nhân và lớp vòng đai vỏ quả đất, rồi từ trường của trái đất từ đó sinh ra.
     Một thuyết khác nữa cũng giải thích sự xuất hiện của địa từ trường với sự phân cực dựa vào ảnh hưởng của các thiên thể nhất là mặt trời và mặt trăng là những thiên thể gần quả đất nhất. Do các lực hấp dẫn khác nhau tác dụng lên các phần của quả đất, khiến cho phần nhân quay nhanh hơn vòng đai vỏ quả đất đôi chút, dòng điện cảm ứng sinh ra và do đó có địa từ trường với sự phân cực của nó.
     Sau đây là những câu ca dao nói lên ý tưởng của giới bình dân về sự biến dịch, sự vận động:
     Lẽ biến dịch:
   “ Mưa chẳng qua Ngọ
     Gió chẳng qua Mùi

  “ Khi nắng còn có khi mưa “  
  “ Sông có khúc, người có lúc
  “ Nước sông có lúc đục lúc trong
  “ Nói đi rồi hãy nói lại
  “ Có lợi thì phải có hại

     Mấy vần ca dao dí dỏm:
  “ Bà già đi chợ Cầu Đông,
     Bói xem một quẻ có chồng lợi không.
     Thầy gieo một quẻ dặn rằng,
     Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.”
     Câu chót là cao điểm của bài ca dao, ý nói bà già chỉ còn có nướu mà không còn răng. Vậy thì đã quá già rồi, không chịu lo tu thân mà còn đèo bồng làm chi, có lợi gì chăng?( chữ lợi còn có nghĩa thông thường là lợi ích ). “ nhưng răng không còn “ : nói bóng là lợi đâu chẳng thấy mà chỉ rước thêm phiền não là cái chắc.
  “ Con sông bên lở bên bồi,
     Bên lở thì đục, bên bồi thì trong
.”
  “ Làm người có miệng có môi,
     Khi buồn thì khóc, khi vui thì cười.”

     Những câu trên nói lên lẽ biến dịch về phương diện hiện tượng vật lý cũng như  tâm lý có phân cực đối lập nhau.
     Sự biến dịch càng mạnh bạo ( cường độ, biên độ ), càng nhặt ( chu kỳ nhỏ )thì sự phân cực, mâu thuẫn càng lớn:
  “ Trèo caonặng
  “ Bạo phát bạo tàn
  “ Cây cao thì gió càng lay,
     Càng cao danh vọng, càng dày gian truân
.”
   “ Yêu nhau lắm, cắn nhau đau
     Sự chuyển dịch:
   “ Đừng có chắc lắm ai ơi!
      Biết đâu thương hải là nơi tang điền
.”  *
   “ Khi anh đi thì biển hồ lai láng,
     Chừ anh trở lại, mầng răng biển lại thành gò?
     Rừng dâu thay thế bến đò,
     Sự tình trắc trở con đò khác đưa.

   *Thương hải biến vi tang điền: Biển xanh hóa ra ruộng dâu, chỉ cuộc đổi đời, là khúc quanh ở tại các điểm uốn A, B trên đồ thị hình sin.
     Trong một quá trình, trong một chu kỳ có hai điểm uốn A và B, cho nên có cuộc đổi đời theo hướng thịnh hay suy. Những chủ thuyết một chiều lờ đi chiều hướng tiêu cực, coi như không có: cỗ xe ngựa leo lên tới đỉnh A rồi mà cứ thúc ngựa chạy nước đại thì ngựa hụt cẳng, cả cỗ xe lật nhào xuống vực thẳm.
     Nguyên lý quân bình:    
     Như đã nói có nguyên lý quân bình là do có sự giao thoa hài hòa giữa các mặt đối lập như Thiên Địa, Âm Dương, Hữu vô..., chọn một bỏ một là hỏng.
  “ Thương hởi thương chiếc ghe lườn đi ngược,
     Biết chừng nào cho nước chảy xuôi.”

     Có ngược có xuôi hai chiều như vậy mới có sự gặp gỡ, giao hòa, chứ còn như “ Con sông Lục Đẩu sáu khúc  nước chảy xuôi một dòng “ thì làm sao mà có thể hẹn hò, tình tự cho được, làm sao mà không khổ.
  “ Xuồng ai đi trước, giọt nước chảy ròng ròng,
     Phải xuồng người nghĩa, quay vòng tôi hỏi thăm
.”
     Muốn gặp gỡ phải quay vòng lại cũng như “ Dịch nghịch số chi lý “ vậy. Trên đường biểu diễn hình sin trong khoảng giữa đoạn AO1B có thể sử dụng luận lý hình thức, nhưng ở B thì hết hiệu lực, mà phải quay vòng  lại theo nguyên lý quân bình. Tất cả mọi sự đều quay về quay về cội nguồn của mình:
  “ Lá rụng vế cội
     Cội nguồn đó là Quân Bình, là Trung:
  “ Nước khe trên chảy xuống đồng bằng,
     Ta nhất tâm đợi bạn, bạn dùng dằng đợi ai
.”
     Sự “nhất tâm” đó rất quan trọng cũng như chí tâm, chí thành, chí trung. Có như vậy thì mới có sự gặp gỡ, mà là sự gặp gỡ muốn thoát khỏi ràng buộc của thời gian:
  “ Chim đâu đâu chim bay về tổ,
     Nước đâu đâu nước đổ về nguồn.
     Em không thương lòng dạ anh buồn,
     Ông trời vần vũ, bốn cửa nguồn đều mưa.
     Gặp mặt anh đây con bóng đứng trưa,
     Trách ông trời sao vội tối mà phân chưa hết lời.”
     Luật âm dương, mâu thuẫn, quân bình có hiệu lực cho thế giới hiện tượng, sự vật và cả con người:
  “ Sóng bên doi bế vòi bên vịnh,
     Đôi đứa mình trời định đã lâu
.”
  “ Nước càng quyến cát làm doi,
     Phương chi ta chẳng tài bồi lấy nhau
.”
   Trong Đạo Việt có một phạm trù rất đặc biệt là Duyên như sợi chỉ Tơ Hồng nối kết tình yêu lứa đôi, nên còn gọi là mối Tơ Duyên:
  “ Ta yêu nhau duyên phận mà thôi,
     Của thì như nước hết đầy lại vơi
.”
     Hai câu ca dao trên thật rất gợi hình, gợi ý. Cứ nhìn hình ảnh cái guồng nước quen thuộc ở đồng quê là có thể quán tưởng ra tinh hoa của Đạo Việt, nhận ra lẽ biến dịch “ hết đầy lại vơi “ở vòng ngoài hiện tượng và tình yêu thương bền vững ngự tại Trung Cung là trục của guồng nước.
     Chữ Duyên thuộc về nguyên lý liên hệ, là chất xúc tác tạo ra hiệu quả tác động liên kết:
  “ Phải duyên thì dính như keo,
     Trái duyên nghễnh ngãng như kèo đục vênh
.”
     Trái duyên thì sẽ đưa đến cảnh bất hòa:
  “ Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
  “Ông nói , bà nói vịt
     Tình trạng này là do quán tính, thói quen vận động theo một chiều hướng nhất định ví dụ như ở trong khoảng giữa AB, khi vượt qua khỏi B rồi mà vẫn chưa thích ứng với chiều hướng mới. Lấy ví dụ câu này:
  “Đứng núi này trông núi nọ
    Từ trước đến giờ, câu này được hiểu như sự phê phán những ai một dạ hai lòng, không có lập trường trước sau như một do quan niệm chân lý đường thẳng. Đó là lối suy tư của những ai đang ở khoảng giữa AB, đang xuống triền núi bên này để rồi trèo lên triền núi bên kia, nhưng lại nghĩ rằng mình cứ tiếp tục đi mãi trên đường thẳng qua AB. Phê phán chủ quan như vậy mà không thấy được rằng người bị phê phán đã tiên liệu đúng theo lẽ biến dịch tự nhiên để thích ứng với đường hướng mới đi lên triền núi bên  kia là BO2.
     Một câu khác nữa cũng dễ có tranh cãi tùy quan điểm:
  “ Nắng chiều nào, che chiều ấy “  
Câu này cũng thường để chỉ những ai không không có lý tưởng nhất định, thay đổi lập trường dễ dàng vì lợi lộc, vì sự yên thân. Đây là một mẫu chuyện nhỏ: Vào đầu hè năm 1981,tại khu rẫy ở Bàu Nga, huyện Long Đất, có năm ba gia đình thu hoạch đậu phọng vần công với nhau, trong đó có đủ các thành phần trong xả hội từ lớn tuổi cho đến trẻ, tất cả đều có quen biết thân thiết với nhau. Mùa hè vùng nhiệt đới, mới chín giờ sáng mà nắng đã gay gắt rồi. Mọi người phải che phên tránh nắng để lặt đậu cho thoải mái. Đến một giờ trưa, nắng đã đổi hướng, mọi người đã xoay phên che theo hướng mới thích hợp để có bóng mát. Sau đó hơn hai giờ người ta mới phát hiện ra một chuyện lạ là Bác Ba ở xóm Đình với cậu con trai chưa xoay phên che, ngồi làm việc ngay giữa nắng trưa. Có người thấy vậy nhắc cậu con trai xoay tấm phên lại cho bác Ba, nhưng cậu con trai lắc đầu, nói rằng không dám cãi lời cha căn dặn. Chẳng ai biết người cha nổi tiếng mực thước đã căn dặn ra sao, chỉ thấy các cô gái nhìn chàng trai trẻ, che miệng khúc khích cười. Sau này hỏi ra, người ta mới biết bác Ba thường nghiêm nghị phê phán các người em là hạng người “ nắng chiều nào che chiều ấy “.
     Trở lại vấn đề nam nữ, quan hệ tình ái không phải lúc nào cũng suôn sẻ, êm đẹp ngay lúc ban đầu, mà lắm khi có sóng gió cũng như trong thế giới hiện tượng thiên nhiên, rồi sau đó khi có quân bình mới thành tựu:
  “ Con sông kia nước chảy lờ đờ,
     Con thuyền lững đững với trăng mờ nào soi.
     Con sông bên lở bên bồi,
     Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm.
     Lúc bao giờ gió đứng sóng êm,
     Con thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về.
     Với em anh rất nặng lời thề
.”
    
Hòa thuận, hòa hợp là hình thái dẫn xuất từ nguyên lý quân bình, mà vợ chồng đạt được là có hạnh phúc:
  “ Vợ chồng là nghĩa tào khang,
     Chồng hòa vợ thuận nhà thường yên vui.”

     Công bình:
    
Công bình là hệ luận của nguyên lý quân bình. Xem lại hai câu ca dao:
  “ Con sông bên lở bên bồi,
     Lở kia lở mãi, bên bồi bồi thêm
.”
     Đó là trường hợp biến dịch mất quân bình cực độ gây cảnh bất công:
  “ Trách Trời sao lại bất công,
     Kẻ đôi ba vợ, người phòng không suốt đời.
     Bắc thang lên hỏi ông Trời,
     Công bằng không thấy, thấy đời bất công
?”
     - Công bằng là luật quân bình của Tạo Hóa. Đã là qui luật thì phải đúng chớ sao lại không? Ông Trời phán bảo với người đàn ông trẻ đang leo trên cái thang như vậy.
     - “ Ai bảo Trời không có mắt?”, ông Trời phán tiếp : “ Lưới Trời lồng lộng khó mà lọt được “ đó là những lời dạy bảo toàn là nguyên ngôn của chính Ông Cha nhà ngươi, mà nhà ngươi không chịu tìm hiểu đó thôi. Bọn cắp đêm, cướp ngày làm giàu trên mồ hôi của đồng bào, bọn có đôi ba vợ kia không chóng thì chầy sẽ phải đền tội. Chóng hay chầy còn tùy thuộc một phần vào nhà ngươi nữa. Nhà ngươi chưa bao giờ nghe Ông Cha nói: “ Có Trời mà cũng có Ta “ hay sao? Ông Cha đã để lại kho tàng quý giá ở ngay trong chính nhà ngươi là “ Trí, Nhân, Dũng “ là “ Tính Việt “, mà nhà ngươi chưa bao giờ để ý tới. Có ai gợi ý về cái kho tàng quý giá đó thì nhà ngươi  tỉ tê lập đi lập lại cái điệp khúc thối thác: “ Mình có gì đâu, mình chẳng có cái gì hết “. Như  vậy là hết phương cứu chửa. Mình hãy tự cứu mình trước rồi Trời mới giúp
     Thật khó mà đoán biết được tâm trạng của người đàn ông trẻ lúc này, chỉ thấy anh ta lẳng lặng leo xuống khỏi cái thang, lúng ta lúng túng thế nào  mà ngả lăn cù ra đất, bên tai lùng bùng nghe văng vẳng tiến vọng từ cõi xa xa: “ Hỡi những ai  ngả xuống lồm cồm ngồi dậy đứng lên! “
     Phải có niềm tin, niềm tin có cơ sở của nền văn hóa truyền thống mang tính Việt:
  Phượng hoàng gặp bước cheo leo,
     Sa cơ thất thế phải theo đàn gà.
     Bao giờ mưa thuận gió hòa,
     Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng
.”
     Trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, hình thức nguyên ngôn không phải chỉ là những phát biểu những qui luật, nguyên lý hoàn toàn thuộc thế giới hiện tượng, mà hầu hết đều có liên hệ đến tình tự con người, nghĩa là có liên hệ từ thế giới hiện tượng, qua sinh lý rồi tâm lý, ý thức, siêu thức (ý thức siêu việt ). Do đó nói đến tính Việt, tính lưỡng hợp của nền văn hóa Việt thì không thể nào bỏ qua ý tưởng Tam Tài.                           
 
    Tam Tài:        
     Mở đầu bài thơ “ Tuyệt cốc *“, nhà chí sĩ  Phan Thanh Giản ( 1796- 1867 )viết:
   “ Trời thời, đất lợi, lại người hòa  
( *Năm 1867, sau khi mất ba tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản nhịn đói rồi uống thuốc độc tự tử )
     Người là yếu tố hòa hợp Trời và Đất, mà người bình dân nói là :
   “Đội trời đạp đấtđời
     Sau đây là phản ảnh  quan niệm Tam Tài qua tục ngữ, ca dao về ba yếu tố riêng biệt ấy.
     Trời: theo nghĩa vật lý, tâm lý, luân lý và siêu nhiên.
   “ Coi trời bằng vung
   “ Chạy trời không khỏi nắng
   “ Trời sinh voi, trời sinh cỏ
   “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính
   “ Ai bảo trời không có mắt
   “ Trời đánh còn tránh bửa ăn
   “ Trời nào có phụ ai đâu,
     Hay làm thì giàu, có chí thì nên
. “
  “ Biết được sự trời mười đời chẳng khó
   “ Dù ai nói ngược nói xuôi,
     Ta đây vẫn giữ Đạo Trời khăng khăng
.”
     Đất: cũng theo nghĩa vật lý, tâm lý, luân lý và siêu nhiên.
   “ Quê cha đất tổ
    “Đất thấp trời cao
   “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt
   “ Vụng múa chê đất lệch
    “Đất lành chim đậu
    “Đất lề, quê thói
    “Để là hòn đất, cất lên ông Bụt
    “Đất Bụt mà ném chim trời,
     Chim trời bay mất, đất rơi xuống đầu
.”
    Người: sống ở đời như thế nào cho phải Đạo, tức là tỏ thái độ tùy theo mức độ của tâm thức.
   “Ăn để sống, chứ không phải sống để mà ăn.”
   “ Muốn ăn phải lăn vào bếp,
     Muốn chết phải lết vào hòm
.”
   “ Sống về mồ mã,
     Không ai sống về cả bát cơm.”

   “ Sống gởi thác về
   “ Nghiêng vai khấn vái Phật Trời,
     Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.”

   “ Người trồng cây hạnh người chơi,
     Ta trồng cây đức để đời về sau.”
   “ Ai ơi ăn ở cho lành,
     Tu thân tích đức để dành về sau.”
   “ Một câu nhịn, chín câu lành ”

   “ Làm người phải đắn phải đo
     Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu
.”
   “Ăn có nhai, nói có nghĩ
   “ Miếng trầu là đầu câu chuyện
   “ Miếng trầu là nghĩa tương giao,
     Muốn cho đây đấy, duyên vào hợp duyên”
     Con người là yếu tố hòa, mà vợ chồng là tiêu biểu cho Đạo hòa hợp, tương giao. Do ý thức vợ chồng là Đạo , cho nên con người đã bao đời xây dựng được cuộc sống gia đình có đầy đủ ý nghĩa: tình, lý, đạo nghĩa hòa lẫn với nhau:
   “ Mình về ta chẳng cho về,
     Ta nắm lấy áo, ta đề câu thơ.
     Câu thơ ba chữ rành rành:
     Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.
     Chữ Trung thì để phần cha,
     Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình
.”

( còn tiếp )


Nguyễn Văn Nhiệm
_____
Cước chú:
Nguồn sưu tầm ca dao, tục ngữ : - Tục Ngữ Phong Dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc. - Tự điển điện tử Ca dao Tục ngữ của Hà Phương Hoài.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...