Juliette xuất hiện trong cuộc đời Hugo đúng vào lúc ông khổ tâm nhất – ông vừa phát hiện ra vợ mình ngoại tình với người bạn thân của ông – nhà thơ Sainte-Beuve. Sự “đồng phản trắc” của vợ và bạn đã khiến Hugo vô cùng đau đớn. Và ông vùi đầu vào văn chương như một thứ cứu rỗi duy nhất.
Cuộc tình bất hủ của Victor Hugo
Khi ấy, chủ nhân của «Nhà thờ Đức Bà Paris» đã lừng danh cả trên chính trường lẫn văn chương, nhưng về đời tư ông lại chẳng thành công như vậy - giữa ông và người vợ Adele Hugo lúc đó chỉ còn chung nhau hai thứ: cái họ Hugo và năm đứa con. Vậy những lời da diết kia ông viết cho ai? Không phải cho vợ, không phải cho con gái cưng, mà là cho Juliette Drouet - người đàn bà đã trở thành nàng thơ và tri kỷ của ông suốt nửa thế kỷ. Với ông, tình yêu đối với Juliette “ý nghĩa hơn mọi thứ trên đời, hơn cả chúa trời, hơn cả con gái cưng”.
Nụ cười trẻ thơ
Họ quen nhau vào năm 1833, khi một vở kịch của Hugo được dàn dựng tại một nhà hát và Juliette có sắm một vai nhỏ trong đó. Juliette lúc đó đã 26 tuổi và nàng quá quen với sự săn đón của những đấng mày râu bị hớp hồn bởi vẻ yêu kiều cũng như cá tính độc lập, sự năng động ở nàng.
Với tuyên ngôn «Đàn bà chỉ có một người tình duy nhất – đó là thiên thần, có hai người tình song song – đó là quái vật, có hơn ba người tình – đó mới là đàn bà thật sự», Juliette đã trở thành gái gọi hạng sang điển hình của Paris hoa lệ chuyên sống dưới sự bảo trợ của những quý ông. Trong đám đông quý ông ấy có cả nhà điêu khắc nổi tiếng Pradier mà kết quả của cuộc tình này là một bé gái chào đời khi Juliette mới 19 tuổi.
Cuộc sống của Juliette trôi đi trong ánh đèn mờ của nhà hàng, rạp hát và những buổi dạ vũ. Nàng sành ăn diện, giỏi xài tiền nhưng cũng rất biết thực thi “nghĩa vụ” đối với “đại gia”. Nàng không chỉ đẹp mà còn có khiếu khôi hài, sự lịch lãm, bất chấp nguồn gốc “thứ dân” của mình. Mà nàng cũng chẳng thèm che giấu hay hổ thẹn về điều này. Ngược lại còn biết nhắc đến nó một cách ý nhị trong câu chuyện với các quý ông. Có lẽ vì thế mà nàng chẳng bao giờ gặp khó khăn về tài chính, trái lại luôn có người sẵn lòng dốc hầu bao vì nàng.
Tuổi tác và phong thái khiến cho Juliette lịch duyệt như một phu nhân. Nhưng chỉ cần mỉm cười là nàng lập tức biến thành một cô bé cực kỳ thơ ngây. Chẳng thế mà dưới những bức thư gửi cho cô tình nhân bé bỏng (16 tuổi) của mình, Pradier đã ký một lúc ba xưng danh: «Bạn trai, người tình và người cha của bé». Nhà điêu khắc tài danh này đề cao trí tuệ nàng như một người bạn, say mê thể xác nàng như một người tình và bảo bọc yêu thương nàng như một cô con gái vậy.
Người ta bảo nụ cười của Juliette không phải là nụ cười mời mọc của gái gọi mà là nụ cười của hồi ức - hồi ức buồn về một tuổi thơ khốn khó sớm mồ côi cha mẹ phải sống nhờ vào lòng tốt của một người bác và sau đó lớn lên trong khu nhà trọ Công giáo. So với tầng lớp của mình, có thể nói Juliette được giáo dục khá tốt. Thời ấy phụ nữ được học hành là chuyện hiếm, vậy mà Juliette đã biết chữ từ khi mới lên năm. Nàng đã đọc rất nhiều nên sớm cảm thụ được vẻ đẹp của văn chương cũng như sở hữu một “túi khôn” kha khá. Nàng tin rằng đàn bà có thể quyến rũ “nửa bên kia” không chỉ bằng thân xác mà bằng cả trí tuệ. Ở đầu thế kỷ 19 thì ý tưởng này có thể nói là táo bạo, nhất là đối với giới hạ lưu của nàng.
Rời bỏ khu nhà trọ, Juliette quyết định trở thành một diễn viên – cái nghề đang gắn liền với những nhan sắc được bảo bọc bởi các đại gia. Lối sống này là rất ổn khi người ta còn trẻ đẹp, nhưng Juliette đủ thông minh để hiểu rằng nàng không thể cứ như thế suốt đời. Có phải vậy mà nụ cười trẻ thơ của nàng phảng phất ưu tư?
Một cuộc tình hồi sinh hai số phận
Và năm 1833 Hugo vĩ đại đã trở thành nô lệ của nụ cười đó. Juliette xuất hiện trong cuộc đời Hugo đúng vào lúc ông khổ tâm nhất – ông vừa phát hiện ra vợ mình ngoại tình với người bạn thân của ông – nhà thơ Sainte-Beuve. Sự “đồng phản trắc” của vợ và bạn đã khiến Hugo vô cùng đau đớn. Và ông vùi đầu vào văn chương như một thứ cứu rỗi duy nhất.
Chính vào thời điểm này ông được mời đến một nhà hát dựng vở. Và tại đó, nụ cười mê hoặc của nữ diễn viên Juliette đã khiến nhà thơ như hồi sinh. Nhiều năm sau ông viết: «Anh có hai ngày sinh, cả hai đều vào tháng hai. Lần đầu tiên, khi chào đời vào ngày 28/2/1802 anh nằm trong tay mẹ, còn lần thứ hai - vào ngày 16/2/1833 - anh tái sinh trong vòng tay em, bằng tình yêu của em. Lần sinh nhật đầu tiên ban cho anh cuộc sống, còn lần thứ hai – tặng anh niềm đam mê».
Và niềm đam mê ấy không chỉ là đam mê tình yêu mà cả đam mê trong sáng tạo, đam mê với cuộc đời. Không chỉ tâm hồn mà cả văn chương của Hugo như cũng được tái sinh: từ những sáng tác mang đậm chất sử, ông chuyển sang những trang viết đầy ắp hơi thở cuộc sống hiện thực.
Còn Juliette, từ một diễn viên hạng trung, cô trở thành người tình tuyệt vời và bạn tâm giao thông thái của một đại văn hào. Chẳng màng đến cưới xin hay danh phận, nàng mang sự an ủi, nguồn cảm hứng lớn lao đến cho Hugo. Nhân chứng cho mối tình bất diệt này là hơn 15.000 lá thư khi thì nồng nàn, da diết, lúc lại đầy chất trí tuệ mà họ gửi cho nhau suốt 50 năm ròng.
Có thể nói cuộc tình này là một sự “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” giúp cả hai như cùng được tái sinh. Bên cạnh nàng, ông đã tìm thấy sự tĩnh tâm. Còn nàng, đã vì ông mà từ bỏ hào quang sân khấu, từ bỏ cuộc sống xa sỉ bên đám đông hâm mộ để trở thành cái bóng của một thiên tài. Cuộc sống nàng từ đó gắn liền với số phận của Hugo, với niềm vui của những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và nỗi buồn của sự chia xa.
Mùa hè năm 1834, để giữ «nếp nhà», Hugo vẫn cùng vợ con đi nghỉ mát ở tỉnh ngoài. Nhưng Juliette cũng chẳng hề rời xa ông, nàng thu xếp để ở cách chỗ ông chỉ vài cây số. Đôi tình nhân tiếp tục hẹn hò và cây dẻ già đã biến thành hòm thư của họ. Dường như chính những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi càng khiến những lá thư họ gửi cho nhau thêm da diết.
«Phải, anh đang viết cho em đây! Mà anh làm sao có thể không viết cho em kia chứ... Điều gì sẽ xảy ra với anh đêm nay nếu chiều nay anh không ngồi viết cho em?... Juliette của anh, anh yêu em. Một mình em có thể quyết định sự sống của anh hay cái chết cho anh. Hãy yêu anh, hãy gạt bỏ khỏi trái tim em tất cả những gì không liên quan đến tình yêu của chúng mình, để trái tim em cũng ngập tràn tình yêu như trái tim anh… Anh chưa bao giờ không yêu em ngày hôm nay nhiều hơn ngày hôm qua, và đó là sự thật... Thứ lỗi cho anh. Anh thật là đê hèn, anh là kẻ điên rồ đến quái gở, kẻ mất trí vì ghen và vì yêu. Anh không biết anh đã làm những gì nhưng anh biết rằng anh yêu em...»
«Em yêu anh, em yêu anh, Victor của em; em không thể không lặp lại và lặp lại mãi câu này. Thật khó mà diễn tả những điều mà em đang cảm nhận lúc này. Em nhìn thấy anh trong tất cả những gì tuyệt diệu bao quanh em... Nhưng anh còn tuyệt diệu hơn cả những điều tuyệt diệu ấy... Anh không giản đơn là tán xạ của mặt trời với bảy sắc cầu vồng lấp lánh, anh chính là vầng dương chiếu sáng, sưởi ấm và làm hồi sinh sự sống. Đó tất cả là anh, còn em – em là người đàn bà bị quy phục, người yêu anh đắm say Juliette».
Tuy quan hệ vợ chồng Hugo chỉ còn trên danh nghĩa và mỗi người đều đã có «khoảng trời riêng», nhưng Adele không vì thế mà không tỏ ra khó chịu. Còn Juliette, tuy phải sắm “vai thứ” nhưng nàng rất mãn nguyện. Nàng bỏ bê sân khấu để làm thư ký không công cho người yêu, để trở thành độc giả đầu tiên của tất cả những kiệt tác ký tên Hugo. Mùa hè đến, nàng lại cùng ông lang thang khắp châu Âu: từ Pháp sang Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Những chuyến du hành ấy đã mở rộng tầm nhìn cho cả hai, đã giúp Hugo có thêm nhiều cảm hứng sáng tác.
Thư từ Hugo gửi cho bạn bè vào thời kỳ này đã cho thấy quan điểm sâu sắc và đầy tính minh triết của ông. Nhiều tập thơ tuyệt vời của ông cũng xuất hiện giai đoạn này, trong đó có nhiều bài thể hiện niềm si mê với nàng thơ Juliette. Vậy là lần đầu tiên, đại văn hào vốn say sưa với đề tài lớn lao của lịch sử và chiến tranh, đã dành thật nhiều lời ngợi ca cho tình yêu, cho vẻ đẹp của thiên nhiên và những niềm vui bé mọn đời thường.
Bên nhau nơi cùng trời cuối đất.
Năm 1841 Hugo được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp và trở thành người trẻ tuổi nhất trong cương vị này. Năm 1845, ông được tặng danh hiệu Cây Bút Nước Pháp. Các năm 1848-1849, ông là dân biểu của Paris. Có thể nói đây là thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp chính trị cũng như sáng tác của Hugo. Tuy nhiên vì Hugo đã từ chối ủng hộ Louis Bonapart (cháu trai của Naponeon đại đế) và còn viết một bài văn trào phúng có tựa «Napoleon bé nhỏ» để rồi phải trả giá bằng 20 năm lưu vong ở nước ngoài. Sau cuộc đảo chính năm 1851, tác giả của «Những người khốn khổ» phải rời khỏi nước Pháp. Và Juliette đã lên đường theo ông, bất chấp việc nàng vừa bị ông phản bội...
Người khiến Hugo phản bội Juliette là Leonie Biard – cũng là một fan hâm mộ tài năng Hugo. Năm 1851, Leonie đã gửi cho Juliette toàn bộ thư từ mà Hugo đã viết cho mình. Cô nàng Leonie ấy trẻ trung và xinh đẹp nhưng chẳng dám mạo hiểm vì tình yêu. Trong suốt 20 năm nhà văn lưu vong, sát cánh bên ông không phải là Adele hay hay Leonie mà vẫn là Juliette - người phụ nữ không sợ scandal, cũng chẳng ngán các loại tình địch hay đối thù chính trị của người tình. Chính nàng đã tìm kiếm các tài liệu cần thiết cho Hugo, đã thu xếp để ông rời khỏi Pháp rồi bí mật đi theo ông, đầu tiên là sang Bỉ, sau đó sang Anh...
Từ một cô tình nhân, Juliette trở thành người đồng hành, đồng chí, trợ lý riêng cho Hugo. Mối thâm tình của họ đã trở thành một huyền thoại khiến người đương thời không thể không ngưỡng mộ. Ngay cả Adele trước khi chết còn xin được chồng và nàng thơ của chồng thứ lỗi. Vào những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Adele thậm chí còn coi Juliette như người nhà, chấp nhận việc nàng kề cận bên Hugo.
Năm 1871, sau khi Adele mất được ba năm, Hugo và Juliette mới trở về tổ quốc. Lúc này nhà văn được coi như người hùng của nước Pháp, còn Juliette - là tri kỷ người hùng ấy. Nàng đã trở thành người bạn đời đích thực của ông trên mọi phương diện, tiếp tục chia sẻ với ông mọi thành công cũng như thất bại.
Cuối đời, Juliette bị ung thư. Ngày 1/1/1883 trong lời chúc mừng năm mới cuối cùng gửi cho Hugo, Juliette viết: «Yêu dấu ơi, em không biết mình sẽ ở chốn nào trong năm tới, nhưng em hạnh phúc và tự hào được nói lên sự tri ân của em đối với anh bằng ba từ: EM YÊU ANH”. Trong những tuần cuối cùng của Juliette, Hugo không lúc nào rời xa giường bệnh của người yêu. Juliette đã qua đời trong vòng tay và nụ hôn của ông.
Sau cái chết của người yêu, Hugo đau khổ đến mức suy sụp, ông thậm chí chẳng còn đủ sức để có mặt tại tang lễ. Ông bàng quan với tất thảy và không viết lách gì nữa. Trong sổ tay của ông chỉ có một dòng buồn bã: «Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ ngừng che lấp chân trời». Hai năm sau, Hugo từ giã cuộc đời. Ông mất vào ngày 15/5/1885.
Bình Minh Mưa
(dịch từ báo Nga)
=========
(NVT giới thiệu)
No comments:
Post a Comment