08 January 2011

Người Việt cần đặt Nước Tàu vào đúng vị thế của nó, không hơn không kém.

Lòng tự cao tự đại của Hán tộc, coi mình là cái rốn của vũ trụ, đã bén rễ từ rất lâu trong lịch sử. Hoàng đế nước Tàu vốn tự xưng và cũng được thần dân nước Tàu coi là thiên tử. Trong những cuộc hội quần hùng thời Xuân Thu Chiến Quốc để định vị thế trên dưới, nước nào cũng cố dương oai diệu võ để được tôn lên ngôi bá. Nhiều khi đường xá xa xôi, trên đường đi dư hội về, quân sỹ bị mưa bão bệnh tật chết quá nửa cũng vẫn cam tâm mà chịu vì cái danh nhiều khi chỉ là hão!

Chính vì sự cai trị dựa vào ưu thế của Hán tộc đã đưa đến thể chế trung ương tập quyền cao độ. Ở đây người ta không tìm sự chính thống dựa vào công ước xã hội mà đi tìm hệ thống cai trị dựa vào sức mạnh. Trong quá khứ nước Tàu đã từng nhiều lần chia năm xẻ bảy. Một lúc nào đó khi đảng CS Tàu suy yếu, cái đảng mà chính trị bộ là người Hán, thì chuyện gì sẽ xẩy đến cho nước Tàu?

Bài dưới đây của anh Nguyễn Quan Minh đào sâu về cái tính hiếu thắng và lòng tự cao tư đại này.

Rồi về phần chúng ta nữa, cũng nên nghĩ đến việc xác định lại tên nước của mình, không nên để các nước khác đặt tên nước cho mình. Trong những thời kỳ độc lập tự chủ kết quả của những ngày tháng chống bắc xâm gian khổ, tổ tiên chúng ta chưa hề coi mình là phía nam của nước Tàu, chưa có khi nào lấy nước Tàu làm chuẩn để đặt tên nước. Văn Lang, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt... những quốc hiệu tổ tiên đã dùng không mảy may coi nước Tàu ở vị trí trung tâm và nước mình ở phương nam.

Cũng như dân Nhật gọi nước họ là Nhật Bản, dân Triều Tiên gọi nước họ là Đại Hàn, không phải là Nhật Đông, Hàn Đông. Cũng thế chúng ta nên lấy lại quốc hiệu ông cha ta đã dùng để gọi nước mình là Văn Lang, là Đại Việt ... là nước của các dân tộc Việt, không phải nước của Việt tộc ở phương nam của Nước Tàu.

TTR 

NƯỚC TÀU

Trên một số bao bì các sản phẩm làm ở nước Tàu lục địa, chúng ta đọc thấy mấy chữ « made in China », bên cạnh có mấy chữ Hán « Trung quốc sản phẩm ». Những chữ "China" và

« Trung quốc » (phiên âm pin yin là Zhong guo) đúng ra không cùng nghĩa vì có nguồn gốc khác nhau.

Có hai giả thuyết về nguồn gốc và ý nghĩa của chữ China.

Theo giả thuyết thứ nhứt, chữ China do chữ “çin“ của người Thổ (Turc) có lẽ lấy từ chữ «Cin» trong tiếng sanskrit của Ấn Độ, đến lượt chữ Cin nầy là do chữ Qin, phiên âm của chữ Tần trong tiếng Hán, tên của nước Tàu sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhứt năm 221 trước công nguyên (CN). Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều gọi nước Tàu bằng một tên gần với chữ China nầy :
Đức, Tây ban nha, Bồ đào nha, Roumanie : China.
Ý : Cina.
Thụy Điển, Na Uy : Kinas
Ba lan : Chiny
Trong tiếng Nga, nước Tàu được gọi là Kitaï, theo tên chủng tộc Khitan ( Khiết đan ) ở vùng Mãn châu, Đông Bắc nước Tàu. Người Khiết đan đã lập nước Liêu tranh hùng với nhà Bắc Tống thế kỷ thứ 10,11.

Theo giả thuyết thứ hai, chữ China do chữ Serica, tên người Roma dùng để gọi tơ lụa, người Tàu gọi tơ lụa là Si. Chữ Serica có nguồn gốc Tartare. Theo lịch sử, các vua đầu nhà Tây Hán (cũng gọi là Tiền Hán, 206 trước CN – 8 sau CN), không đánh thắng nổi quân Hung nô, người Tàu gọi là Hồ, phải đem con gái tôn thất gã cho các Thiền vu Hung nô và đem lụa, ngọc tặng cho họ để cầu hòa. Người Hung nô có lẽ qua trung gian của các sắc dân thuộc chủng tộc Tartare ở Trung Á bán tơ lụa cho người Roma. Trong khi giao dịch, theo cách phát âm của người Tartare, người Roma gọi tơ lụa là serica và gọi nước sản xuất ra tơ lụa là Seres. Họ không biết đích xác xứ đó ở đâu, chỉ biết là ở xa lắm.

Đời Hán Võ đế (140 – 87 trước CN), Trương Kiên được sai đi sứ nước Đại Nhục chi, ở vùng Tân cương nước Tàu ngày nay, để tìm đồng minh, bao vây và chống quân Hung nô. Tuy việc đi sứ của Trương Kiên không có kết quả, nhưng chuyến đi kéo dài 13 năm của Trương Kiên qua nhiều nước nhỏ ở Trung Á đã giúp người Tàu thu thập được nhiều tin tức và kinh nghiệm giúp cho việc giao tiếp với thế giới Tây phương và mở ra con đường tơ lụa. Về sau Ptolémée (khoảng 90 – 168 sau CN), nhà thiên văn và nhà địa lý Hy lạp sống ở thành phố Alexandrie, Ai cập, từ những tài liệu thu thập được, gọi xứ sở sản xuất ra tơ lụa là Sinae, tiếp theo người Roma gọi nước Tàu là Sina. Ngày nay chữ Sina không còn dùng nữa, nhưng chúng ta còn thấy dấu vết của nó qua chữ sinologie (môn học nghiên cứu về văn hóa Tàu) và những tĩnh tứ kép như sino-américain. Nhưng dù theo giả thuyết nào về chữ China, chữ nầy cũng không cùng nghĩa với chữ Trung Quốc mà người Tàu tự xưng.

Nơi phát xuất của người Tàu là một vùng đất ở trung du sông Hoàng hà, nằm trong địa phận các tỉnh Thiểm tây, Hà nam, Sơn tây nước Tàu ngày nay. Trong sách vở, vùng đất nầy còn được gọi là Hoa Hạ (phiên âm pin yin là Hua Xia - chữ Hoa nầy hiện nay người Tàu viết theo lối giản thể không giống chữ Hoa trong tiếng Hán cổ điển, cũng như trường hợp của chữ Quốc trên kia ).

Những nhà nghiên cứu không đồng ý với nhau về ý nghĩa của chữ Hoa Hạ nầy. Mặt khác, có người cho chữ Hoa từ trước tới nay hay dùng để chỉ người Tàu là từ chữ Hoa Hạ nầy. Vùng đất nầy là cái nôi của người Tàu, sau nầy được gọi là người Hán, vì thời nhà Hán (206 tr.CN – 220 s.CN), do những chiến công dưới hai triều vua Võ đế và Quang Võ (25 – 58 s.CN), lãnh thổ nước Tàu mở mang rất rộng, được nhiều nước biết, nhiều nước khác chịu thần phục và triều cống. Sông Vị, một con sông đổ vào sông Hoàng Hà, nơi Khương Tử Nha ngồi câu cá chờ thời, trước khi ra giúp Văn Vương dựng nghiệp nhà Chu, một phần lớn nằm trong tỉnh Thiểm Tây. Hàm Dương được Tần Thủy Hoàng chọn làm kinh đô cũng nằm trong tỉnh Thiểm Tây. Tràng An (Tây An) thuộc tỉnh Thiểm Tây và Lạc Dương thuộc tỉnh Hà Nam đã từng là kinh đô của nhiều triều đại của Tàu.

Ngày xưa người Tàu có quan niệm trời tròn đất vuông, cho vua của họ là con trời, thiên tử, và cho rằng chỉ có nước của họ ở giữa là văn minh, còn các dân tộc khác ở bốn phía chung quanh đều là dân man rợ, nên có thành ngữ: Bắc Địch, Tây Nhung, Nam Man, Đông Di. Dù vậy xưa kia không có triều đại Tàu nào tự gọi là Trung Quốc.

Chữ Trung quốc do người Tàu tự xưng khi tiếp xúc với Tây phương. Người Tây phương dịch chữ Trung quốc là l’Empire du Milieu. Từ trước tới nay người Tàu không phản đối cách dịch nầy, chứng tỏ họ đồng ý là nó phù hợp với cách hiểu truyền thống của họ, là chỉ có họ, người Tàu là dân tộc văn minh nhứt, họ đã từng gọi khinh thị người Tây phương là giống bạch quỷ.

Sau cuộc cách mạng Tân hợi, 1911, lật đổ nhà Thanh và thành lập nền Công hòa, Tôn Văn dùng tên Trung Hoa Dân quốc, có lẽ muốn xóa bỏ mối liên hệ với chế độ quân chủ, và có lẽ muốn lấy lại cái tên Hoa Hạ của người Tàu nguyên thủy.

Về phía Cộng sản Tàu, cuối năm 1934, lúc lực lượng còn yếu, bị quân của Tưởng Giới Thạch đánh bật ra khỏi Giang Tây, miền nam nước Tàu, Mao Trạch Đông đã dẫn quân thực hiện cuộc trường chinh trong một năm vượt qua mười ngàn cây số, đi vòng qua tỉnh Tứ Xuyên tiến về phía bắc, thành lập căn cứ địa ở Diên An trong tỉnh Thiểm Tây, tức là trở về cái nôi của người Tàu. Những người Cộng sản luôn đặt nặng kỹ thuật tuyên truyền, riêng người Tàu lại rất chú trọng tới việc dùng chữ (chỉ cần nhớ lại triều đình các vua Tàu thường dùng cách đối đáp để thử tài ứng đối của sứ thần các nước để theo đó có cách tiếp rước và đối xử thích ứng). Cho nên không phải tình cờ mà Cộng sản Tàu duy trì tên Trung quốc để gọi nước của họ. Họ muốn lặp lại truyền thống tự coi mình là trung tâm thế giới, chỉ có họ là dân tộc văn minh nhứt, khinh miệt những dân tộc khác, và có ý đồ làm bá chủ thế giới. Họ đã từng bước thực hiện kế hoạch làm bá chủ thế giới của họ. Chẳng hạn họ đã tích lũy 2000 tỉ đô la , trong tư cách chủ nợ của Hoa kỳ, nước được coi là giàu và mạnh nhứt hành tinh hiện nay; họ ồ ạt đầu tư vào các nước ở Phi châu để hất cẳng các nước Tây phương; trong khu vực, họ ép nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội, đàn em quị lụy, ký những văn kiện pháp lý nhượng biển nhượng đất cho họ, họ bất chấp công pháp quốc tế, dùng vũ lực lấn chiếm hai quần đảo Hoàng sa, Trường sa, nhắm vào trữ lượng dầu hỏa có thể rất lớn ở khu vực nầy.

Nhưng thực ra người Tàu có thể tự cao tự đại cho mình là dân tộc văn minh nhứt không?

Trong dòng lịch sử nhân loại, các dân tộc đều có đóng góp vào sự tiến triển của nền văn hóa thế giới. Đúng là người Tàu là một trong những dân tộc đã tìm ra chữ viết rất sớm ( người Sumériens vùng Lưỡng hà và người Ai cập đã có chữ viết vào thiên niên kỷ thứ III trước CN, người Tàu vào thiên niên kỷ thứ II trước CN ), nhờ đó họ đã sớm lập được nền văn hóa định cư nông nghiệp, với tổ chức xã hội có qui củ, rồi lần lượt đồng hóa những dân tộc còn bán khai ở gần họ, đồng hóa cả những dân tộc đến đánh chiếm và cai trị xứ sở họ, hoặc truyền nền văn hóa của họ cho một số nước khác, như trường hợp Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam.

Người Tàu đã chế ra kim chỉ nam, giấy, tìm được kỹ thuật in mộc bản để phổ biến tư tưởng. Họ cũng đã tìm ra thuốc nổ, đã phát minh ra nghề nuôi tằm, dệt lụa.

Nhưng ngược lại, họ cũng học nhiều điều từ những dân tộc khác. Qua những cuộc chiến tranh với người Hung nô và những dân tộc du mục khác, họ đã học và cải tiến kỹ thuật và phương tiện chiến đấu. Họ đã tìm ra thuốc nổ, nhưng trong nhiều thế kỷ, họ chỉ dùng để gây tiếng nổ lớn làm hoảng sợ hơn là sát hại đối phương. Phải chờ đến khi tiếp xúc với người Tây phương, họ mới được cung cấp rồi được truyền kỹ thuật chế súng đạn. Họ đã du nhập âm nhạc của người Hồi. Nhờ việc đưa Phật giáo từ Ấn độ sang, qua công trình dịch kinh của các nhà sư như Pháp Hiển, Huyền Trang, họ đã làm giàu cho ngữ vựng chữ Hán, đồng thời phát triển về mặt tư tưởng cho đất nước họ. Cũng qua việc đưa Phật giáo vào trong nước, người Tàu trong cách đúc và khắc tượng Phật đã học kỹ thuật điêu khắc của người Hy lạp truyền qua Ấn độ từ cuộc chiến tranh chinh phục của hoàng đế Alexandre vào thế kỷ thứ IV trước CN; họ còn học được kỹ thuật tín dụng ngân hàng để bảo đảm cho các dịch vụ thương mại.

Dưới chế độ Cộng sản, chương trình chế tạo bom nguyên tử và chương trình không gian của nước Tàu, trong giai đoạn đầu, đã được giao cho những nhà bác học của họ được đào tạo ở Liên xô và ở Hoa kỳ trở về điều khiển.

Sự xa hoa của các triều đại Tàu một phần là do của cải tài nguyên họ vơ vét từ các nước họ đánh bại và đặt nền đô hộ như trường hợp Việt Nam.

Những người ngoại quốc cũng góp phần vào những công trình to lớn làm vẻ vang cho nước Tàu. Như trường hợp Trịnh Hòa, một thái giám, là người Ả Rập ở Vân nam, dưới đời Minh Thành tổ (1402 – 1424). Theo lịnh Minh Thành tổ, trong gần 30 năm (1405 – 1433), Trịnh Hòa đã chỉ huy đóng những hạm đội gồm hằng mấy chục chiến thuyền to lớn, bảy lần đi sứ các nước từ Quần đảo Nam Dương, qua Ấn dộ, Trung đông, đến tận bờ biển phía đông Phi châu, đến cả đảo Madagascar, tuyên dương uy thế của Minh triều, đem sản vật của nước Tàu làm quà tặng và đem về Tàu sản vật từ các nước đã đi qua. Nhờ đó nhiều nước đã gởi sứ giả giao hảo với nhà Minh.

Một trường hợp khác là công trình xây cất Tử Cấm thành Bắc kinh mà người Tàu rất tự hào. Chính sử Tàu không nhắc tới tên người chỉ huy thực hiện công trình đó, nhưng ngoại sử có nhắc đến một người Việt Nam có tên Nguyễn An. Năm 1407 Minh Thành tổ sai Chu Năng, Trương Phụ, Mộc Thạnh kéo quân sang VN lấy cớ lập lại nhà Trần để đánh nhà Hồ. Khi quân Minh đánh bại quân nhà Hồ và bắt được cha con Hồ Quý Ly đưa về Kim Lăng (Nam Kinh), đồng thời cũng đưa về cả những thợ giỏi, thầy thuốc, thầy bói … Ông Nguyễn An ở trong số những người đó. Biết ông Nguyễn An có tài xây cất, Minh Thành tổ đã giao toàn bộ công trình cho ông thực hiện, từ vẽ đồ án đến đốc công xây dựng Cấm thành (xin xem thêm chi tiết trên site internet http:// vietsciences.free.fr/index.htm, mục nhân vật lịch sử VN. Đài truyền hình Arte của Pháp, tháng 12/2007 có phát một chương trình về Tử Cấm thành Bắc kinh, có nhắc tới công của ông Nguyễn An với nội dung tương tự, thêm chi tiết sau đây là ông Nguyễn An bị hoạn, trở thành thái giám trước khi được giao thực hiện công trình ).

Một dân tộc được cho là văn minh, ngoài sự giàu có về của cải vật chất, đạt được trình độ văn hóa, kỹ thuật cao, còn một điều kiện quan trọng nữa là dân tộc đó phải biết đề cao, tôn trọng và có những luật lệ, biện pháp nâng cao phẩm giá con người. Tiếc thay điều đó cả nước Tàu dưới các triều đại quân chủ lẫn nước Tàu Cộng sản ngày nay đều thiếu nghiêm trọng.

Thời quân chủ, có những triều vua Tàu bắt hàng ngàn người con gái đẹp khắp nơi về giam trong cung cấm, rất nhiều người thành những cô gái già, không bao giờ thấy mặt nhà vua chứ đừng nói đến việc được vua gọi đến hầu, dù chỉ một lần trong đời. Đến việc xây dựng những đền đài cung điện nguy nga, sử dụng hàng trăm ngàn công nhân trong những điều kiện không có gì gọi là tôn trọng nhân phẩm. Những công trình xây vạn lý trường thành để ngăn chận quân Hung nô xâm lấn Trung nguyên – lịch sử cho thấy những công trình nầy tốn rất nhiều xương máu nhưng không hữu hiệu. Bằng chứng là những dân tộc du mục ở ngoài lãnh thổ Tàu mà người Tàu gọi là rợ Ngũ Hồ thời Nam Bắc triều (317 – 580) đã lần lượt tràn vào chiếm và cai trị nước Tàu phía bắc sông Dương tử trong gần 300 năm, đến lượt người Mông cổ đánh chiếm và cai trị nước Tàu trong gần 90 năm (1277 – 1368) – những công trình đó được thực hiện trong những điều kiện nghiệt ngã, đã làm thiệt mạng hàng vạn người vì bệnh tật hoặc vì kiệt sức.

Các triều đại quân chủ Tàu còn dùng đến một hình phạt vô cùng dã man mà ngay những dân tộc bị người Tàu gọi là man di có lẽ cũng không có, là hình phạt tru di tam tộc. Người bị nghi hoặc bị gièm pha tố cáo phạm một tội nặng, dù là công thần, không cần đem xử, không được tự biện hộ, chỉ cần một lời phán của ông vua là đàn ông con trai, già trẻ lớn nhỏ trong ba họ : họ cha, họ mẹ, họ vợ đều bị truy tầm và giết sạch", nghĩa là chỉ có cánh đàn ông con trai là bị tìm giết để cho tuyệt tự. Một phong tục dã man khác: dưới các triều đại quân chủ là đem hoạn hoặc khuyến khích tự hoạn một số người nam để làm những người tín cẩn của nhà vua. Đặc biệt đời nhà Minh (1368 – 1644), trừ triều vua Thái tổ Chu Nguyên Chương, các triều vua sau tuyển và dùng rất nhiều người hoạn như trường hợp Trịnh Hòa và Nguyễn An kể trên.

Nước Tàu Cộng sản ngày nay cũng không hơn gì trong việc tôn trọng nhân phẩm. Lấy lý do là mỗi dân tộc có quyền thực hiện dân chủ theo truyền thống của mình, nhà cầm quyền Bắc kinh thi hành chính sách mở cửa về kinh tế nhưng siết chặt về chính trị. Những người dân theo tiếng nói của lương tri dám phản đối, chỉ trích đường lối của nhà nước, dù ôn hòa, cũng bị khép tội, nhẹ là xâm phạm an ninh quốc gia, nặng là làm tay sai cho tình báo nước ngoài phản tổ quốc, bị tù đày, bị cách ly với xã hội.

Ở một số vùng, dân địa phương không phải gốc Hán tộc, như Tây Tạng, Tân Cương, về pháp lý được hưởng qui chế tự trị. Nhưng dần dần nhà cầm quyền Cộng sản Bắc kinh đưa công chức, quân nhân và thường dân người Hán tới lập nghiệp, biến những nơi đó thành một thứ thuộc địa. Dân Tây Tạng và dân Ouighour ở Tân Cương nổi lên đòi thực thi qui chế tự trị của mình thì bị gọi là quân khủng bố và bị đàn áp thẳng tay.

Ở những nước mà Bắc kinh đưa người Tàu đến đầu tư, làm ăn, họ cũng coi thường sinh mạng của người dân địa phương. Hãy kể nước Soudan Phi châu làm trường hơp điển hình. Để giữ được độc quyền khai thác đầu lửa của Soudan và mua tới 65% số lượng dầu sản xuất của xứ nầy, Bắc kinh không ngần ngại cung cấp vũ khí cho chế độ của Tổng Thống Omar Al-Bachir, đàn áp và dìm trong biển máu những phong trào võ trang của dân vùng Darfour, miền tây nước Soudan, nổi lên đòi quyến sống và quyền được đối xử như dân ở các vùng khác. Từ năm 2003 đến nay, nhà cầm quyền Khartoum đã dùng vũ khí của Bắc kinh cung cấp để giết cả trăm ngàn người ở Darfour, làm cho hàng triệu người khác phải tản cư ra khỏi khu vực. Khi Tòa Án Hình Sự quốc tế La Haye kết tội Al-Bachir và dọa ký lệnh bắt giữ Al-Bachir về tội diệt chủng và tội ác chiến tranh, Bắc kinh lên tiếng binh vực Al-Bachir và phản đối tuyên bố của tòa Án Hình Sự quốc tế, nói rằng đó là chuyện nội bộ của Soudan. 

Về trường hợp mối liên hệ Hà Nội - Bắc Kinh, hiện nay cần phải nói thêm về tình trạng Bắc Kinh thao túng và xỏ mũi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản VN để cho các Công ty và công nhân Tàu sang khai thác mỏ Bauxite ở Trung nguyên Trung phần, khai thác các khu rừng đặc nhượng ở đầu nguồn, khai thác nhiều cơ sở kỷ nghệ trúng thầu khác, nhứt là hàng hoá Tàu đủ loại càng ngày càng tràn ngập thị trường VN, với rất nhiều hàng hoá, thực phẩm có chất độc, giết chết hàng hoá của VN sản xuất ...

Gần đây tin tức trên báo chí và truyền hình cho biết là Tàu Cộng đã lấn sân và bắt đầu xâm nhập khối Cộng Đồng Âu Châu. Trước tình trạng trên bờ vực bị phá sản của một số nước trong Cộng đồng nầy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ký những thoả ước với các chính phủ Hy Lạp, Bồ Đầo Nha, Tây Ban Nha để cứu vãn nền kinh tế, tài chánh của những nước nầy. Ngay cả ở Pháp, trong một bản tin trên truyền hình cách đây vài tháng, một công ty Tàu Cộng đã ký hợp đồng lấy lại và tiếp tục khai thác một công ty kỹ nghệ bị vỡ nợ ở miền trung nước Pháp, với lời hứa dụ khị là sẽ sử dụng 3/4 công nhân là người địa phương. Dĩ nhiên là ông xã trưởng và Hội đỗng xã địa phương phải vô cùng hoan hỉ, không cần lo lắng gì tới số 1/4 công nhân Tàu với số con cháu, cha mẹ, ông bà sẽ lần lượt mang sang sống với họ một cách hợp pháp trên đất Pháp.

Nếu hiện nay nước Tàu Cộng sản đã có vài trăm nhà tỷ phú đô la Mỹ thì cũng còn đến gần 300 triệu trên tổng số 1,3 tỷ dân Tàu sống nghèo khổ. Cách đây không bao lâu, báo chí đã loan tin có những người dân quê quá nghèo phải đi bán máu của mình để nuôi gia đình. Cũng theo tin báo chí, có những vụ bán bộ phận cơ thể của những tử tội cho những người ngoại quốc cần để ghép thay cơ quan bị bệnh, hư hỏng.

Hiện nay ai cũng biết nước Tàu lục địa nổi tiếng trong kỹ nghệ làm hàng giả mạo, nhái các thương hiệu được ưa chuộng của Tây phương. Ngoài ra lợi dụng giá nhân công rẻ trong nước, họ cho tràn ngập thị trường thế giới hàng hóa có phẩm chất xấu, cả những sản phẩm có chất độc, gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu thụ. Họ làm tất cả những chuyện đó để huênh hoang duy trì tỷ lệ phát triển kinh tế đạt mức 10%, 12% một năm. 

Không lâu trước đây nhà cầm quyền Cộng sản Tàu đã bỏ ra 26 tỷ euros, gần 40 tỷ mỹ kim để xây cất hạ tầng cơ sở cho chương trình Thế vận hội Bắc kinh 2008, để giương oai diệu võ với thế giới, trong khi có hàng triệu người Tàu thiếu ăn. Nhiều người bị đuổi nhà vì chương trình Thế vận hội không được đền bù; ngoài ra có những khu nhà tồi tàn ở Bắc kinh bị nhà cầm quyền cho xây những bức tường chắn phía trước để du khách ngoại quốc đến dự Thế vận hội không nhìn thấy. Rồi đây báo chí và các phương tiện truyền thông trên thế giới sẽ làm bản tổng kết và sẽ phanh phui nhiều chuyện mặt trái của chế độ Cộng sản Tàu trong Thế vận hội Bắc kinh 2008 .

Trong chữ Civilisation, có chữ Civis, trong tiếng Latin có nghĩa là Công dân, chỉ người được hưởng đầy đủ quyền hạn và có những nghĩa vụ phải thi hành đối với đô thị nơi mình sinh sống. Chữ Civilisation ngoài nghĩa nền văn hóa phát triển nói chung, còn có nghĩa là một hệ thống giá trị tinh thần nhằm nâng cao phẩm giá con người trong xã hội. Một quốc gia chỉ phát triển về kỹ thuật mà coi nhẹ thậm chí chà đạp phẩm giá con người không thể đươc gọi là nước văn minh, chứ đừng nói đến chuyện tự cao tự đại là nước ở giữa có nền văn minh cao nhứt thế giới.

Cha ông chúng ta từ xưa đã có tên gọi nước Tàu, người Tàu. Người Việt Nam từ bắc tới nam đều hiểu tên gọi đó chỉ nước nào, dân tộc nào. Cha ông chúng ta đã từng nhiều lần đánh thắng những đoàn quân xâm lăng của đế quốc phía Bắc, hiểu rõ thế nước nhỏ của mình, nhún nhường để cầu hòa cho yên dân yên nước, nhưng vẫn ngẩng cao đầu của kẻ chiến thắng, không mọp lạy trước đế quốc đó.

Bằng cách dùng tên gọi của cha ông chúng ta, không phải Trung Hoa cũng không phải Trung Quốc để gọi nước láng giềng phía Bắc, chúng ta phá bỏ huyền thoại về một nước ở giữa, văn minh nhứt, nhận ra giá trị thực sự và đặt đúng vị trí của nước Tàu trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới.

NQMINH PARIS
_____
Nhân dịp đăng tải lại, bài viết đã được tác giả thêm một vài đoạn và một vài con số đã được sửa đổi để cập nhật.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...