01 June 2017

Lịch sử lại mất thêm một nhân chứng: Ông Nguyễn Minh Cần

Vũ Thư Hiên

“Ở mọi nước cộng sản ta đều thấy hiện tượng xã hội xuống cấp, suy đồi – ông tâm sự – Nguyên nhân là mọi con đường dẫn tới cái Thiện tâm linh đã bị huỷ hoại tận gốc. Mọi xã hội cộng sản rồi sẽ tiêu vong, điều đó tất yếu, nhưng cái còn lại sau sự sụp đổ của nó mới là cái đáng sợ hơn hết – sự trống vắng mọi niềm tin..."


Tháng 5, lại nhớ thương một người đã xa ta.

Đành rằng đã 88 tuổi trời, ông có chia tay với chúng ta âu cũng là lẽ thường. Nhưng mới hôm nào còn được nghe tiếng ông sang sảng bên kia đầu dây, mà hôm nay không còn có thể trò chuyện với ông nữa, thì tin ông mất vẫn cứ làm tôi choáng váng, như thể tin không thực. Cảm giác của con người là vậy – chúng ta quen thấy mọi vật như một cái gì đó vĩnh hằng, cho đến khi không thấy nữa mới biết là không còn.

Cuộc đời Nguyễn Minh Cần gắn liền với lịch sử Việt Nam cận đại. Rõi theo những khúc quanh của cuộc đời ông bằng con mắt chăm chú ta có thể thấy những bước dịch chuyển của tư duy hướng Thiện của những người như ông trong bối cảnh cái Ác lộng hành.


Nguyễn Minh Cần tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc rất sớm. Trong phong trào này ông trở thành đảng viên cộng sản cũng rất sớm. Năm 18 tuổi ông đã được bầu làm uỷ viên thường vụ thành uỷ thành phố Huế. Năm 25 tuổi đã là uỷ viên thường vụ thành uỷ Hà Nội, kiêm phó chủ tịch thành phố. Những người được đảng cộng sản tín nhiệm như ông không phải hãn hữu, nhưng cũng không nhiều. Nói tóm lại, Nguyễn Minh Cần được đảng đánh giá cao, được đặt vào hàng những đảng viên ưu tú. Để bồi dưỡng cho hàng ngũ kế cận, năm 1962 ông được cử sang Liên Xô (cũ) học tại Trường đảng cao cấp ở Moskva. Đảng không tin tưởng Nguyễn Minh Cần còn tin tưởng ai.

Thế mà đùng một cái, người đảng viên ưu tú ấy, cùng với một số đảng viên cũng ưu tú không kém, vào một ngày đẹp trời bỗng trở thành “phản động”. Cứ thông đồng bén giọt, trên chính trựờng Việt Nam ắt ta gặp một Nguyễn Minh Cần ở tầng cao nhất trong hệ thống cai trị, chứ không phải Nguyễn Minh Cần mà ta quen biết. Không biết đảng có ngạc nhiên với sự thay đổi đột ngột trong người đảng viên ưu tú của mình không, chứ dân thường ngạc nhiên lắm. Từ ngạc nhiên đến tò mò, từ tò mò đến tìm hiểu là những bước ngắn. Tìm hiểu rồi, người ta mới ngộ ra: những đảng viên cộng sản này không coi đảng là totem. Khốn nạn, thay vì phải sùng bái đảng, coi đảng là lý tưởng, họ lại coi đảng không hơn bộ quần áo, cần thì mặc, thấy nó chật, nó rách, thì vứt.

Số là vào thời gian này (đầu thập niên 60) Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), đứng đầu là Lê Duẩn và tà lọt Lê Đức Thọ, chủ trương theo đường lối Mao Trạch Đông đã phóng tay phát động cuộc chiến tranh không tuyên bố gọi là “chiến tranh nhân dân giải phóng miền Nam”. Người không chăm chú theo dõi những bước đi của ĐCSVN thường tưởng nhầm tổng bí thư Lê Duẩn là người chống Trung Quốc, không hề biết rằng Lê Duẩn từng coi Mao Trạch Đông là sư phụ, nhất nhất nghe theo những huấn thị của sư phụ từ hành dinh Trung Nam Hải. Chuyện Lê Duẩn trở thành kẻ chống Trung Quốc là chuyện về sau, vì những nguyên cớ rất đời thường.

Những người sau này bị gọi là “phản động”, ở trong nước, cũng như những người được đảng cử đi học chủ nghĩa Mác ở Liên Xô, bày tỏ với đảng của họ sự không đồng tình với đường lối theo đuôi Trung Quốc. Bằng cách rất nhẹ nhàng, với những kiến nghị, thư gửi, đầy từ ngữ lịch sự, họ lễ phép viện dẫn nghị quyết Đại hội Đảng 3 năm 1960 nhấn mạnh chủ trương “hoà bình thống nhất đất nước”, những mong đảng xem xét lại sự tiến hành “chiến tranh nhân dân ở miền Nam”, chẳng những gây ra tai hoạ huynh đệ tương tàn, mà còn phá nát những gì đã xây dựng được ở miền Bắc, xin đảng đừng đi theo mô hình Trung Quốc để biến xã hội Việt Nam thành trại lính. Đồng thời, họ cũng ôn tồn “xin” đảng mở rộng dân chủ trong đảng cũng như trong toàn bộ xã hội. Không có thể nói là với những phát biểu ôn hoà như thế là hành động chống đảng.

Nhưng Duẩn-Thọ, với tư duy độc tài từ trong máu, không chịu được những phát biểu chứng tỏ sự không ngoan ngoãn vâng lời đã nổi sùng, ra lệnh tống giam vô thời hạn và không cần xét xử đám “phản động” trong nước trong cái gọi là “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”, nói ngắn là “vụ xét lại chống đảng”. Với những kẻ hỗn láo ở nước ngoài mà tay đảng không với tới thì khó.

Trong khi đảng còn vắt tay lên trán chưa nghĩ ra kế gì, thì những kẻ hỗn láo nọ đã thẳng thừng tuyên bố ly khai với đảng. Nguyễn Minh Cần là một trong số người này. Bộ quần áo cộng sản thấy chật rồi, rách rồi, thì ông quẳng đi. Chỗ thích hợp cho nó, theo ông, là thùng rác lịch sử.

Trong sự chuyển biến tư duy của Nguyễn Minh Cần đã xảy ra một nghịch lý. Không phải do một tác nhân nào khác, mà chính những giảng viên Liên Xô của ông đã khéo léo chỉ cho ông thấy những cái lỗi thời, những yếu tố phản nhân tính trong lý thuyết mác-xít. Ở điểm này hai chúng tôi may mắn – cũng như ông, tôi được mấy giảng viên triết học và văn học ở Moskva cũng đã âm thầm chỉ cho tôi những cuốn sách nên đọc, để rồi sau khi đọc xong tôi mới vỡ lẽ ra rằng những giáo điều trước đây mình bị nhồi nhét vào đầu toàn là của giả. Bộ máy mật thám của đảng toàn năng đã làm việc rất tốt. Tôi vào tù. Nguyễn Minh Cần sống lưu vong.

Năm 1992 chúng tôi gặp lại nhau. Lần gặp gỡ này đáng nhớ. Nó là lần gặp lại của hai người trước sơ, nay đã thành thân – chúng tôi giờ có chung một con đường.

Ngày trước tôi chỉ biết một Nguyễn Minh Cần, thường vụ thành uỷ, phó chủ tịch thành phố Hà Nội, phụ trách mảng nông thôn, và cũng chỉ gặp ông trong những cuộc họp báo (xin giải nghĩa một chút: họp báo ở đây không có nghĩa thông thường được hiểu, mà là cuộc họp để dạy cho các cơ quan truyền thông biết cách giải thích chủ trương chính sách của đảng).

Khi ấy Nguyễn Minh Cần là quan, tôi là dân. Chúng tôi có vài cuộc trò chuyện bên lề, là hết. Sơ là sơ thế thôi, có biết nhau, nhưng không hề là bạn.

Giờ đây, chúng tôi có nhiều chuyện để hàn huyên – nhiều nhất là những chuyện thâm cung bí sử mà trước đây mỗi người chỉ được biết một mảng, biết mà không nói ra, không dám nói ra, vì… bộ quần áo đang mặc. Nay vứt nó đi rồi, chúng tôi bàn luận thoải mái, thênh thang. Chẳng hạn như chuyện cái chết thương tâm của bà hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn… Ái Quốc. Ông có viết về chuyện này khá tỉ mỉ. Bạn nào tò mò có thể tìm hiểu trên mạng internet, chẳng hạn trong web này: conongviet.com

Cùng sống ở Moskva, chúng tôi gặp nhau thường. Từ những chuyện trò tâm sự tôi hiểu ông: Nguyễn Minh Cần đã tìm được con đường đúng cho mình nhờ lý trí thì ít mà nhờ trái tim thì nhiều.

Trong công việc, nhờ được tiếp xúc với nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, ông thấy nhiều chính sách của đảng ông không hợp lòng dân, không nhằm vào lợi ích của dân mà phục vụ. Át giọng thực tế mà ông thấy, những giáo điều trong ông cãi chầy cãi cối, nhưng ông ngày càng thấy nó đuối lý. Ông tỉnh dần.

Bước ngoặt đến, đảng không thuyết phục được ông thì đảng bắt ép ông phải tuân theo. Ông không còn lựa chọn nào khác là phải vạch trần những sai trái của đảng, rồi đến lúc ông phải tuyên bố ly khai nó.

Cuộc sống lưu vong, lại ở trong một nước cũng vẫn là cộng sản, không hề dễ dàng. Nhất là đối với những người không chỉ ly khai đảng của họ, mà còn ly khai với cả lý thuyết mác-xít mà Đảng cộng sản Liên Xô vẫn còn coi là kinh thánh. Người ta cho nhóm đảng viên cộng sản Việt Nam ly khai được tị nạn chính trị trong bối cảnh giữa hai đảng có những bất đồng. Một khi những bất đồng được dàn xếp xong, hiểm hoạ bị trục xuất về Việt Nam vẫn như thanh gươm Damocles lủng lẳng trên đầu Nguyễn Minh Cần và những người bạn ông. Chuyện này dài, nhiều chi tiết đau lòng, không biết Nguyễn Minh Cần có ghi lại đâu đó không?

Một người bạn thân của tôi, thượng tá Văn Doãn, tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, rất hiền lành, rất tốt bụng, đến nỗi được bạn bè tặng cho biệt danh “Doãn Bụt”, một trong những người tị nạn ở Liên Xô thời gian ấy đã không chịu nổi sức ép tâm lý nặng nề và bối cảnh nhiễu nhương nọ đã nhảy lầu tự sát. Khi được dịp trở lại Liên Xô sau ba mươi năm, tôi tưởng sẽ được gặp lại bạn mình, nhưng Doãn Bụt đã không còn. Nguyễn Minh Cần đưa tôi đi viếng mộ - một cái ngăn trong đó có đặt bình tro cốt của một số phận bất hạnh. Một người khác mà tôi biết là đại tá Lê Vinh Quốc, nguyên chính uỷ sư đoàn thép 308, thì đã lẳng lặng bỏ đi Uzbekistan, làm giảng viên văn học phương Đông ở một trường đại học tại thủ đô Tashkent.

Tất cả những chuyện đó đã trở thành quá khứ sau sự sụp đổ của cường quốc cộng sản lớn nhất hành tinh năm 1991.

“Tôi nhẹ cả mình”, Nguyễn Minh Cần nói. Cái chính quyền mới của Eltsyn không ra ngô cũng chẳng ra khoai, nhưng bóng ma cộng sản không còn đè nặng tâm trí ông.

Năm 1993, ông lập “Phật giáo Thảo đường” ở Moskva. “Ở mọi nước cộng sản ta đều thấy hiện tượng xã hội xuống cấp, suy đồi – ông tâm sự – Nguyên nhân là mọi con đường dẫn tới cái Thiện tâm linh đã bị huỷ hoại tận gốc. Mọi xã hội cộng sản rồi sẽ tiêu vong, điều đó tất yếu, nhưng cái còn lại sau sự sụp đổ của nó mới là cái đáng sợ hơn hết – sự trống vắng mọi niềm tin. Phật giáo là một minh triết tâm linh, không phải một tôn giáo có tổ chức, nó là phương thuốc tốt cho một xã hội tan nát”.

Để lập cái “Phật giáo Thảo đường” nhỏ bé, chỉ là một căn hộ bình thường, đủ chỗ cho một số không nhiều những tín hữu đầu tiên đến tu tập, ông không có một xu dính túi. Tôi đưa ông một số tiền nhỏ. Ông nói đây là tiền vay và ông sẽ trả. Quả nhiên, năm sau ông đem trả tôi số tiền tôi ủng hộ, nói thế nào ông cũng không chịu. “Khi tôi trả được, có nghĩa là “Phật giáo Thảo đường” đã hoạt động, đã có sự đóng góp của các tín hữu đồng đạo. Ông mừng cho chúng tôi đi”.

Tôi mừng, như tôi bao giờ cũng mừng được nhìn thấy kết quả mọi hoạt động hướng thiện, chống ác trên con đường phục hồi một xã hội trong đó nhân phẩm được tôn vinh.

Tôi đã đến thắp hương ở “Phật giáo Thảo đường”. Ngồi bên tôi là bà Inna, người bạn đời của ông. Bà không chỉ là một Phật tử, mà còn là nhà Phật học uyên bác.

Nghe nói bây giờ ở Moskva Thảo đường đã trở thành một ngôi chùa. Tôi là người yêu triết học Phật, giáo huấn Phật, nhưng không phải Phật tử. Những nghi lễ chùa chiền xa lạ với tôi.

Mỗi con người đi xa (tôi không muốn, tôi buồn khi phải đặt bút viết chữ “mất”) bao giờ cũng để lại trong tôi một ấn tượng, như món quà cuối cùng.

Ấn tượng về Nguyễn Minh Cần là hình ảnh một con người trong sáng. Có được lương tâm trong sáng ấy là do ông có một trái tim rất Thiện.

Chả thế mà ông chọn cho mình pháp danh Thiện Mẫn.

Vũ Thư Hiên
Nguồn: facebook.com/thuhienvu222222

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...