Phạm Ngọc Lũy
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập từ 1932, với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo. Qua tờ Phong Hóa (1933) và Ngày Nay (1936) họ đã làm một cuộc cách mạng về văn học, mở đầu lối viết văn giản dị truyền bá tư tưởng, khuyến khích sống lý tưởng, nghị lực, tham gia việc xã hội, phá bỏ những cổ tục lỗi thời, gây cao trào làm nhà “ánh sáng” để thoát nghèo, kêu gọi yêu nước, đòi hỏi nhân quyền.
Khái Hưng mất tích sau Tết Đinh Hợi 1947, theo một số tài liệu và nhân chứng, Ông bị Việt Minh thủ tiêu đêm giao thừa 70 năm trước.
**
Khái Hưng sinh năm 1896, tên thật là Trần Khánh Giư. Bút hiệu Khái Hưng là do sự đảo lộn những mẫu tự trong hai chữ Khánh Giư mà ra. Ông sinh tại làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Năm 1930, Cổ Am bị Pháp ném bom tàn phá để triệt hạ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cụ thân sinh là Trần Mỹ, Tuần Phủ ở Phú Thọ, Khái Hưng là rể cụ Thượng Lê Văn Đính, Tổng Đốc tỉnh Bắc Ninh, quê làng Lịch Diệp, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Em ông là Trần Tiêu, cũng là một nhà văn, tác giả tiểu thuyết “Con Trâu.”
Khái Hưng theo Tây học, học trường trung học Pháp Albert Sarraut, đậu tú tài ban cổ điển ở Hà Nội, dạy học tại trường tư thục Thăng Long và chơi thân với giáo sư Nguyễn Tường Tam thành lập Tự Lực Văn Đoàn với sự cộng tác của các nhà văn, nhà thơ, như Khái Hưng, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ… đã khai mở một kỷ nguyên mới về văn học. Những cây bút lớp trước như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác… bị ảnh hưởng sâu đậm của Hán học, văn thường dùng điển tích, vừa nặng nề, khó hiểu, lại khô khan, nên không có tác động mạnh trong quần chúng. Thêm nữa, ở buổi giao thời, thực dân Pháp đã khuyến khích hút thuốc phiện tự do. Thuốc phiện bán công khai ngoài phố. Con người trở nên yếm thế, văn chương cũng bị ảnh hưởng theo. Giọt Lệ Thu của Tương Phố Đỗ Thị Đàm, Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách, Tuyết Hồng Lệ Sử dịch Hán Văn của Từ Trẩm Á…. ra đời khiến cho bầu không khí sầu thảm lại càng trở nên ngột ngạt.
Thanh niên Việt Nam đứng trước một bế tắc thì Tự Lực Văn Đoàn hiện ra như một vì sao sáng chói với tờ Tuần báo Phong Hóa phổ biến rất rộng rãi, từ Bắc chí Nam, gây được cao trào văn chương với lối viết rất gọn ghẽ, giản dị và trong sáng. Về phương diện xã hội, họ viết báo cổ động bài trừ, đả phá những cổ tục, giành lại quyền sống chính đáng của phụ nữ, công kích kiệt liệt quan niệm trọng nam khinh nữ, đòi hỏi một xã hội công bằng, con người được sống tự do, nhà ở không còn là những ổ chuột. Họ lập ra hội “Ánh Sáng” để giúp dân nghèo tự làm căn nhà sao cho giản dị, giữ được vệ sinh, bên trong đầy ánh sáng. Tuần báo Phong Hóa bị thực dân đóng cửa, tuần báo Ngày Nay ra tiếp theo (1936).
Đầu thập niên 40 (1940), thời thế chiến biến chuyển mạnh, quân Đức thắng như chẻ tre ở Âu Châu. Nhật đổ bộ vào Đông Dương. Đại Việt Dân Chính, hậu thân của đảng Hưng Việt ra đời năm 1940 do Nguyễn Tường Tam là Tổng Thư Ký. Khái Hưng cũng tham gia hoạt động, lợi dụng tình hình quốc tế biến chuyển để xây dựng lực lượng chuẩn bị giành độc lập, thoát vòng nô lệ của Pháp. Năm 1941, các đảng viên Đại Việt Dân Chính, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí (họa sĩ) bị Pháp bắt đưa đi giam tại nhà lao ở Vụ Bản (tỉnh Hòa Bình) nơi vùng nước độc, nằm trên trục lộ Nho Quan, Hòa Bình. Năm 1943, Khái Hưng được tha và quản thúc ở Hà Nội. Nhật đảo chính Pháp chớp nhoáng trong đêm 9/3/1945.
Khái Hưng được thả lỏng. Hai trái bom nguyên tử trên ném xuống Hiroshima ngày 6/8/45 và Nagasaki ngày 9/8/45. Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 14/8/45. Các nhà cách mệnh quốc gia lưu vong bên Trung Quốc lục đục kéo về nước.
Việt Minh cướp chính quyền ngày 19/8/45, ra tuyên ngôn độc lập, nhanh chóng lập chính phủ, lập ra các ủy ban hành chính xã để củng cố thế đứng. Họ tuyên truyền chống Pháp, lập ra các tổ chức Cứu Quốc như: “Phụ Lão Cứu Quốc”, “Nhi Đồng Cứu Quốc”, “Phụ Nữ Cứu Quốc”, “Văn Hóa Cứu Quốc”…v.v… Dân chúng không biết Việt Minh là Cộng Sản, chỉ nghe nói chống Pháp giành độc lập cho Tổ Quốc là đa số ùa theo, mọi tầng lớp, mọi ngành nghề đều hăng hái tham gia. Ở Hà Nội, nơi thị tứ có tai mắt quốc tế thì tương đối Việt Minh ít khủng bố chứ ở các vùng thôn quê thì họ khủng bố, bắt bớ, thủ tiêu không nương tay, bất cứ nhóm nào, cá nhân nào bất đồng ý kiến, chứ đừng nói đến chống lại. Việt Minh thường tuyển dụng những thành phần bất hảo, hay lợi dụng những hiềm khích tư thù để tiêu diệt mầm mống phản kháng.
Đầu tháng 8/45 tờ Ngày Nay bộ mới vẫn còn xuất bản số cuối cùng. “Sáng ngày 19/8/45, Khái Hưng và tôi (Nguyễn Tường Bách), ngồi ở tòa soạn đường Quan Thánh thì làn sóng người biểu tình mỗi lúc mỗi đông, đi về phía bờ hồ Hoàn Kiếm… Dù sao chúng tôi cũng thấy cô độc trong lúc ấy. Họ (Việt Minh) vẫn gán cho chúng tôi là thân Nhật, tuy rằng sự thật không phải thế…” (Nguyễn Tường Bách - Việt Nam, Những Ngày Lịch Sử).
Nguyễn Tường Bách và Khái Hưng xuất bản tờ Việt Nam đầu tháng 9. 1945, chủ yếu là đăng tin tức và hô hào bảo vệ độc lập chống đế quốc, phong kiến. Khái Hưng và Nguyễn Tường Bách giữ nhiệm vụ tuyên truyền cho Việt Nam Quốc Dân Đảng, nên đã biến tờ Việt Nam thành cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đó cũng là tờ báo tranh đấu công khai đầu tiên của phe quốc gia.
Chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia ra đời do Hồ Chí Minh là Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần là Phó Chủ Tịch, Cố Vấn tối cao là Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại). Nguyễn Tường Tam giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao, sau khi hai phe Việt Minh - Việt Quốc thỏa hiệp hợp tác “tinh thần đoàn kết”. Nhiều người cho rằng phe quốc gia quá non nớt nên hợp tác với cáo già Việt Minh, nhưng sự thực là nếu không chịu đứng trong Chính Phủ Liên Hiệp thì sẽ bị diệt ngay. Chỉ ít lâu sau, Vĩnh Thụy, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam đều bỏ nước lánh sang Trung Hoa vì nhận thấy không thể nào hợp tác với Việt Minh.
Tờ Việt Nam cảnh cáo nếu theo Cộng Sản thì bị Đồng Minh bỏ rơi, đế quốc Pháp sẽ trở lại, Việt Nam sẽ bị cô lập và có cơ nguy mất nền độc lập. Dưới bút hiệu Chàng Lẩn Thẩn, Khái Hưng phê bình gay gắt Việt Minh Cộng Sản về chính sách đối nội và đối ngoại. Ngọn bút vừa có duyên vừa sâu sắc của Khái Hưng đã sớm cảnh tỉnh nhiều người Việt Nam về hậu họa Cộng Sản, khiến họ hiểu được phần nào mối nguy Cộng Sản. Tiếc rằng tờ Việt Nam chỉ lưu hành quanh quẩn trong thủ đô Hà Nội không sao phổ biến tới thôn quê vì thiếu cán bộ hoạt động ở các làng xã. Được sống ở Hà Nội thời đó mới nhận thấy rõ sự phân ranyh Quốc - Cộng thật ác liệt. Chống lại Việt Minh một cách tích cực và công khai còn có tờ Thiết Thực của Phan Huy Đán (Phan Quang Đán) và tờ Hồn Công Giáo của nhóm Mai Ngọc Liên.
Tôi xin đan cử một thí dụ về sự che đậy tập thể Việt Minh là Cộng Sản, do Cộng Sản lãnh đạo. Năm 1943, Đặng Xuân Thiều, một tay Cộng Sản gộc, người Hành Thiện, em họ Trường Chinh Đặng Xuân Khu và là bác bà Đức Thụ, có đến An Lễ thuyết phục anh em chúng tôi cộng tác với người Anh để chống Nhật, chứ không hề đả động gì đến Việt Minh, không nói câu nào về Cộng Sản Nga. Anh Chác tôi đặt vấn đề: Anh là đế quốc có nhiều thuộc địa nhất trên thế giới, cộng tác với Anh không có lợi, mà có thể gián tiếp giúp Pháp, vì Pháp - Anh là đồng minh. Sau bữa cơm chia tay, không bao giờ Đặng Xuân Thiều trở lại nữa. Thiều biết anh em chúng tôi thuần túy quốc gia.
Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, Đặng Xuân Thiều đã có mặt trong Quốc Hội đầu tiên của Việt Minh tổ chức.
Ngay sau khi thành lập chính phủ liên hiệp, trái với ước tính của phe quốc gia, trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng ở các tỉnh đều bị tấn công bất ngờ để bắt những đảng viên vào cũng một đêm. Đầu tháng 7/1946, Nguyễn Tường Bách, Vũ Hồng Khanh cùng một số đảng viên rút lên Vĩnh Yên, Việt Trì. Nội chiến toàn diện bùng nổ. Quân đội Việt Minh tấn công Phú Thọ, bất chấp có phái đoàn đại biểu Quốc Dân Đảng là Nguyễn Tườmg Long. Đoàn quân thất thế Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc này có thêm Nguyễn Tường Long, rút lên Yên Báy, rồi Lào Kay vào cuối tháng 7/1946. Bại quân Việt Nam Quốc Dân Đảng bỏ Lào Kay, chạy sang Hà Khẩu, đất Trung Hoa để bắt đầu cuộc đời lưu vong biệt xứ.
Trong khi Việt Minh đàn áp để tiêu diệt người quốc gia yêu nước thì quân Pháp thường tỏ vẻ khiêu khích ở Hải Phòng. Dân chúng thật hoang mang. Ở Hải Phòng tôi có lán xẻ gỗ và bán vật liệu xây cất nhà cửa. Trong tình thế Pháp - Việt rất gay go, tôi về quê An Lễ để nhắn tin anh Phạm Ngọc Chác biết tình hình ngoài cảnh rất rối ran, đột biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cũng để thu xếp tiền lấy cái thuyền trọng tải 50 tấn đóng ở Nghệ An bằng gỗ sáng lẻ có thể chịu được nước biển. Anh Chác đã rời quê An Lễ ngay từ cuối năm 1945. Thuyền vừa dùng để lấy than ở Hòn Gay chở đi cho các lò gạch ở Đáp Cầu đổi lấy ngói về bán, vừa có thể chạy được ven biển khi hữu sự như lời dặn của hai anh Chác và Giáo Kiên. Tôi về quê được ba, bốn ngày thì quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng ngày 23/11/46, mở đầu cho những năm tháng gieo neo của đất nước.
Về cái chết bi thảm của nhà văn Khái Hưng, tôi trình bày theo bốn nguồn tin, theo thứ tự thời gian mà tôi biết, để vụ án thêm sáng tỏ.
NGUỒN TIN THỨ NHẤT:
Ngày 19/12/46, khoảng 5 giờ chiều tôi rời Hà Nội trong lúc tình hình thật căng thẳng để chạy về quê nhà tôi ở Đan Nhiễm tọa lạc ngay sát bờ sông Nhuệ, thuộc Thanh Oai, Hà Đông. Vào nửa đêm, tiếng súng đại bác nổ gầm vang dội về, khiến cả dân làng ùa ra bờ sông, chỉ cách Hà Nội khoảng 10 cây số. Tin tức theo dân tản cư bay đi rất nhanh: Pháp tấn công thủ đô Hà Nội, cuộc chiến Việt - Pháp bắt đầu. Giữa tháng 12/47, giặc Pháp tảo thanh các vùng quanh thủ đô. Gia đình tôi phải rời Đan Nhuệ, đi xuống Đồng Quan, lấy thuyền theo sông Nhuệ, qua Chợ Đại, xuống Cống Thần. Từ Cống Thần gần Phủ Lý, chúng tôi lấy đò trên sông Quan theo đường bộ ngược lên Hòa Bình, để lấy đò đi Việt Trì. Lên bộ ở Việt Trì, chúng tôi đi dần lên mạn bắc, rồi tạm cư ở vùng Chàng Sảo, bên bờ sông Lô, gần Phủ Đoan Hùng, Phú Thọ. Bên kia sông Lô là Thái Nguyên với nhiều dãy núi trùng điệp, nơi Việt Minh lập chiến khu hồi hoạt động bí mật. Bốn, năm tháng sau, sợ bị ngã nước, tiền lại hết, nên cả gia đình nheo nhóc với hai con nhỏ, chúng tôi lếch thếch kéo nhau ra Phú Thọ, qua sông Hồng, đi bộ theo đường nhỏ xuống Chợ Vàng về Hưng Hóa. Qua sông Đà, tiếp tục đi bộ qua phủ Quốc Oai rồi về tạm trú ở Đạm Trai, quê ngoại nhà tôi, gần thị xã Sơn Tây, lúc này đã bị phá hủy (tiêu thổ kháng chiến) thành bình địa. Về tới Đạm Trai tính ra mất hơn bốn ngày, cứ ngày đi đêm ngủ nhờ các làng ven đường. Chúng tôi phải cõng luân phiên hai đứa con, đứa 4 tuổi, đứa được 5 tháng, suốt quãng đường đầy gian nan này. Nghỉ ở Đạm Trai một ngày chúng tôi lấy đò ra sông Đáy, xuống Vân Đình để đi bộ ra Đồng Quan, theo sông Nhuệ qua Chợ Đại đến Phượng Viền, nơi định cư mới. Dọc đường chúng tôi gặp nhiều gia đình chạy nạn, chạy quẩn, chạy quanh, toán lên mạn ngược, toán chạy về xuôi.
Sau khi thu xếp cho gia đình có thể sống tự túc bằng cách nuôi vịt, se bông chỉ, tôi bắt đầu liên lạc với anh Chác đang hoạt động trong Duy Tân. Như hầu hết thanh niên thời bấy giờ, tôi cảm thấy không thể ngồi yên, ăn hai bữa cơm hàng ngày, thản nhiên sống trong khi bao nhiêu anh em, bạn hữu cùng lứa tuổi, hoặc đi kháng chiến, hoặc mưu tìm nền độc lập cho nước nhà bằng cách này hay cách khá. Tuy không phải là một đảng viên Duy Tân, tôi tự nguyện nhận công tác giúp anh em Duy Tân đang tích cực hoạt động bí mật chống Cộng Sản. Nhưng thật là chua xót, Việt Minh Cộng Sản lợi dụng chiêu bài quốc gia để kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp, nhưng một mặt lại tìm cách tiêu diệt những người yêu nước chỉ vì họ không chấp nhận Cộng Sản. Đời sau, nếu ai viết sử, nên nghiên cứu từng tận, vì cớ gì Việt Minh Cộng Sản lại khai phát súng đầu tiên để gây nội chiến trong khi Pháp muốn tái lập nền đô hộ.
Hai anh Giáo Kiên, Chác lúc này, mang tên Nguyễn Bá Tửu - đều lui về vùng Kim Sơn, Phát Diệm, chủ trương chống Pháp nhưng không thể hợp tác với Việt Minh, vì biết chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Tôi tản cư về gần vùng Chợ Đại, nơi buôn bán sầm uất, rất tiện lợi cho sự đi lại nên hai anh giao cho tôi công tác liên lạc với anh em liên tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Ban kinh tài của tổ chức ở Đồng Quan ở kế cận vùng Tề (vùng Pháp chiếm đóng) nên bọn con buôn tụ tập ở đây rất đông, nơi cửa ngõ lấy hàng ở thành ra để phân phối đi các nơi. Họ mua cả thuốc tây để tiếp tế cho kháng chiến. Đồng Quan nằm trên trục giao thông từ vùng rừng núi mạn ngược hay trung châu đi xuống đồng bằng, đổ xuống Ninh Bình để về miền biển hay vào Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Vân, tôi gọi Bến Vân vì trên sông Vân Sàng, cạnh núi Dục Thúy, Ninh Bình, là nơi đổ bộ của đồng bào chạy nạn từ mạn trên xuống vùng biển Kim Sơn.
Tôi vốn thích thiên nhiên, ưa sông nước, nhưng lúc này tinh thần luôn dao động, một phần sợ bị bắt bất cứ lúc nào, nếu lộ tông tích, một phần lo làm sao công việc đảm nhận được trót lọt tốt đẹp, nên chẳng còn cái thư thái để hưởng vẻ đẹp của trời đất. Ở Phượng Viền người ta thường gọi chúng tôi bằng tên con trai lớn, lại thêm có hai con còn nhỏ, lếch thếch chạy từ rừng về nên ít ai chú ý tới. Nhận công tác liên lạc, khi tới Bồng Tiên, Thái Bình, anh Nghiêm cho biết anh em vùng này đều kín đáo tham gia Ủy Ban Kháng Chiến nên không bị nghi ngờ. Ở đây một đêm, tôi đi Vũ Tiên qua chùa Keo, lấy đò Keo qua Hành Thiện để đến làng Lịch Diệp, một làng khá trù phú vì làm nghề dệt vải. Tôi đến nhà Lê Văn Thoan. Thoan là con cụ Nhất Hoán, trước lấy Là, cô em họ tôi, nhưng hai người đã ly dị. Tôi nhận ra Thoan nhưng không biết Thoan có nhận ra tôi không, nhưng chúng tôi không ai nói ra, hay nhắc đến chuyện cũ. Sau khi trao đổi tin tức, tình hình các nơi, Thoan kể cho tơi nghe về cái chết bi thảm và kinh khủng của Khái Hưng. Người có mặt duy nhất lúc ấy là Đào Văn Dương, giáo sư toán… ở trường Chu Văn An, Saigon.
Cụ Thượng Lê Văn Đính, Tổng Đốc tỉnh Bắc Ninh là thân phụ bà Khái Hưng và cũng là bác ruột Lê Văn Thoan. Như vậy, bà Khái Hưng và Thoan là hai anh em con chú, con bác ruột. Khi tiếng súng kháng chiến bùng nổ thì Khái Hưng tản cư về làng Lịch Diệp là quê vợ. Ông bị bắt ở đây, công an không phải mất công truy lùng, tìm kiếm. Khái Hưng bị đưa đi giam ở Lạc Quần. Người em họ Thoan cũng ở làng Lịch Diệp làm công an, lúc đầu vì ưa thích, ủng hộ Việt Minh.
Vào đêm cuối năm, hắn được lệnh đưa Khái Hưng rời nhà giam Lạc Quần ra đi đò. Theo sông Ninh Cơ, thuyền đi qua địa phận Bùi Chu, Hành Thiện, khi đến bến đò Cựa Gà thuộc làng Ngọc Cục, hắn thi hành lệnh cấp trên là phải thủ tiêu Khái Hưng. Nhà văn có công lớn với nền văn học của ta, khi bị nhát dao đâm thứ nhất, đã kêu lên:
- Tao không ngờ chúng mày dã man đến thế.
Tên công an bồi thêm mấy nhát dao cho đến khi Khái Hưng chết hẳn, bỏ xác vào bao bố, buộc chặt rồi vất xuống sông, ngay bến đò Cựa Gà (bãi giữa sông). Sau khi thi hành bản án dã man tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của mọi người, tên sát nhân không hiểu bất mãn với Việt Minh vì lẽ gì, đã về làng khai ra hết. Sau năm 1954, Lê Văn Thoan tản cư vào Saigon, mở tiệm sách rồi mất trong Nam.
NGUỒN TIN THỨ HAI:
Vào gần cuối tháng 11/1946, mới năm giờ sáng, tôi đã rời quê An Lễ để qua Đò Mười, lấy chuyến ô tô sớm đi Nam Định để kịp tới Hải Phòng cùng ngày, thì hai giờ sau, công an ập đến nhà vây bắt hụt. Họ nghi tôi hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khi ra tới Kiến An, tôi mới biết nhà tôi bỏ hết nhà cửa, chỉ kịp ôm con chạy lên Rế, thuộc An Dương, vì Pháp tấn công chiếm Hải Phòng ngày 23/11/46. Đưa gia đình về tới Nam Định, tôi được anh Phạm Ngọc Kha nhắn tin đừng về quê nữa. Chúng tôi chạy lên Hà Nội.
Giữa đêm ngày 19/12/46, tiếng súng bùng nổ, Pháp tấn công Việt Minh ở Hà Nội. Việt Minh khủng bố, bắt bớ khắp nơi, thi hành chính sách cực kỳ tàn ác, thà giết lầm còn hơn để lọt lưới. Kha cũng bị bắt ngay khi đó, đưa đi giam ở Hải Hậu ba ngày, rồi được một trung đội áp tải giải đi Lạc Quần. Công an đưa tin có thể bị đánh giải vây ở dọc đường vì họ cho anh là cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đồn Lạc Quần là một trại lính khố xanh thời Pháp thuộc, nằm bên bờ sông Ninh cơ, trên đường ô tô chạy từ Bến Đò Quan, Nam Định, về chợ Cồn, Văn Lý. Hai tháng bị giam ở Lạc Quần, anh bị tra tấn cực kỳ dã man, hết bị quay điện, rồi bị đánh đập bằng những thanh củi tạ. Sau đấy, anh bị đưa đi giam ở Thượng Lỗi, rồi Bình Bo, Mỹ Lộc, để bắt buộc tham gia phá hoại thành phố Nam Định. Cùng bị giam ở Bình Bo, có ông Lại Văn Tư và Phạm Văn Bính, rồi sau hai người bị đưa đi Chi-nê. Phạm Văn Bính, sau này làm Thủ Hiến Bắc Việt. Anh Kha bị đưa đi ra xử ở tòa án quân sự do Hà Kế Tấn là quan tòa và mang cái án hai năm ở tù trại Đầm Đùn bị kết tội là âm mưu lật đổ chính phủ.
Mấy chục người bị giam trong một căn phòng nhỏ hẹp ở Lạc Quần trong đó có nhà văn Khái Hưng. Khái Hưng kể rằng ông rời Hà Nội vào ngày 19/12/46, và phải đưa bà vợ về Lịch Diệp. Về đến quê vợ thì trời vừa tối, ông phải ở nán lại, chờ sáng hôm sau di chuyển đi nơi khác thì ngay đêm ấy công an đến bắt. Khái Hưng thường nói với mọi người, ông là người yêu nước, không ai có thể nghi ngờ hay hiểu lầm được. Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu là bạn ông biết rõ điều đó, ông không thể nào hợp tác với Pháp. Mọi người bị giam đều cho rằng nhà văn Khái Hưng quá chân thật đến độ ngây thơ. Ông ngõ ý với trưởng trại giam cho ông giấy bút để viết báo hô hào, kêu gọi dân chúng tiếp tục kháng chiến, chống Pháp để giành độc lập. Tên đồn trưởng Lạc Quần hứa sẽ trình lên cấp trên.
Vài ngày sau, Khái Hưng nhận được thư mời đi gặp cấp cao ở một địa phương khác. Tất cả anh em bị giam đều xôn xao vì có kinh nghiệm: khi Việt Minh muốn bắt ai thường gửi thư mời đến trình diện rồi giữ luôn. Khái Hưng vẫn một mực tin tưởng vào lòng ngay thẳng yêu nước của mình, vẫn cười nói thản nhiên.
Vào lúc gần tối ngày giáp Tết Đinh Hợi - 30 tháng Chạp Bính Tuất, là ngày 21 tháng 1, 1947, sau bữa cơm chiều, khi anh em bị giam đã nấu bánh chưng xong để đón giao thừa thì hai tên công an Đang và Thoại mời Khái Hưng lên Ty Thông Tin ở xa và nhắc ông phải mang hết quần áo đi. Khái Hưng thu xếp quần áo, ăn mặc chỉnh tề, vui vẻ chào từ giả mọi người, lòng đầy hy vọng sẽ được lãnh giấy bút để viết báo cổ võ toàn dân kháng chiến chống Pháp. Mọi người đều lo ngại cho ông nhưng không ai dám nói ra.
Hôm sau, hai tên công an trở về trại giam ở Lạc Quần nói rằng ông Khái Hưng đã bỏ trốn ở dọc đường, nhưng cả trại giam không ai tin. Anh Phạm Ngọc Kha năm nay (1996) được 80 tuổi, hiện đang ở quận Santa Clara, tiểu bang California, sang Mỹ năm 1991 để đoàn tụ với các con.
NGUỒN TIN THỨ BA:
Đoàn Văn Lụy, quê ở Tương Nam gần Cổ Lễ, trước học trường St Thomas d'Aquin, nhưng khác lớp, cùng một thời gian (1935 - 36) với Mai Ngọc Liệu và tôi. Kể từ năm 1937, tôi lên Hà Nội học nên không có dịp gặp lại Lụy nữa. Lụy chơi thân với Mai Ngọc Liệu vì cùng bạn Hướng Đạo. Năm 1954, Mai Ngọc Liệu là Tổng Thanh Tra Hành Chính Bắc Việt, lúc có phong trào di cư từ Bắc vào Nam sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước, hiện đang ở San Jose, năm nay (1996) được 79 tuổi.
Sau khi đọc Hồi Ký Một Đời Người tập I, đoạn nói sơ qua về ông Khái Hưng bị thủ tiêu, Mai Ngọc Liệu cho biết thêm một vài chi tiết khá quan trọng. Đoàn Văn Lụy cũng bị giam ở Lạc Quần và cũng được chứng kiến lúc nhà văn Khái Hưng rời khỏi nhà giam. Hai tên công an hôm sau trở về, một đứa mặc áo “ba đờ xuy” (pardessus), một đứa đội cái mũ “phớt” (feutre) nói là của ông Khái Hưng bỏ lại lúc trốn thoát ở dọc đường (Đoàn Văn Lụy đã qua đời tại Saigon năm 1989).
NGUỒN TIN THỨ TƯ:
Trung tá VĐK, trước là lục sự ở Nha Quân Pháp, rồi về làm việc ở Tối Cao Pháp Viện, là bạn với tôi từ đầu thập niên 40 (1940) ở Hải Phòng. Tôi gặp anh lần cuối vào năm 1967 khi tàu Phong Châu ghé bến Cầu Đá, Nha Trang. Khi đổi về Saigon làm việc, anh đi xe mobylette còn mới, mượn của người em họ, đến thăm tôi ở đường Tân Phước, khu Nguyễn Tri Phương. Dựng chiếc xe đi mượn không khóa ở ngay vỉa hè trước nhà, anh vừa qua lưng ra ngoài đường thì quân gian đã nhảy lên xe ngồi, nổ máy rồi chạy, theo sau có hai ba tên cũng phóng nhanh bằng xe gắn máy. Kể từ đó anh không dám lại thăm tôi nữa, sợ mất xe phải đền lần nữa. Thật bất ngờ, tôi nhận được thư anh VĐK sang Úc đoàn tụ với các con từ năm 1989.
Thư ngày 24/06/95, anh viết:
. . . . .
Một anh bạn của tôi, cũng người Nam Định, sinh năm 1928, giữ nhiều chức vụ hồi 1965 - 75, đọc HKMĐN có góp ý về vài sự việc có liên quan đến anh ấy, hay anh ấy là nhân chứng.
* Hồi 1950, anh ấy trọ học tại nhà ngang của bà cụ thân sinh ra anh Phạm Văn Liễu, ở đường Gia Long, Hà Nội. Lúc đó anh Liễu đeo cấp bậc Trung Úy.
* Nơi anh trọ học ở Nam Định, Phố Năng Tĩnh, là nhà Thầy Phú (có con tên là Quý). Chánh tòa án (vụ xử anh Phạm Ngọc Kha tôi bị kết án tù hai năm vì âm mưu lật đổ chính phủ và năm 1947), là Hà Kế Tấn chứ không phải Chu Văn Tấn. Hà Kế Tấn là Tướng Việt Cộng chỉ huy Công Trường Thủy Điện Hòa Bình, hồi thập niên 80. Chu Văn Tấn, người Cao Bằng, chỉ huy đoàn lính dõng tiền thân của Bộ Đội Giải Phóng hay Quân Đội Nhân Dân của Việt Minh. Việt Minh lấy ngày 22/2/44 là ngày thành lập lực lượng trên để kỷ niệm hàng năm…
“Khái Hưng chết ở gần Lạc Quần. Ba tên được lệnh dẫn ông đi, đến nơi, chúng bỏ ông vào bao, lấy gậy đánh đâm cho đến chết rồi mới vất xuống sông. Tên chỉ huy lúc trở về báo cáo lại, anh ấy có nghe thấy”
Khi viết xong bản thảo “Vụ Án Nhà Văn Khái Hưng”, tôi gửi cho Cụ Đỗ Khắc Siêm đọc. Cụ cho biết thêm nhiều chi tiết soi sáng vụ án. Thời gian 1947 - 1949, cụ làm Thẩm Phán huyện Trực Ninh, và được trưởng toán cảnh vệ nơi đây cho biết: Ông Khái Hưng bị giam ở đây là bị đưa đi trầm hà trên sông Ninh Cơ trong khi đó Việt Cộng còn bịa đặt ra một tin để đánh lừa dư luận. Họ nói Công An dẫn ông Khái Hưng qua cầu Vô Tình (huyện Trực Ninh) một toán du kích bên kia cầu hiểu lầm đã xả súng bắn là ông Khái Hưng bị tử thương.
Phối kiểm tin trên, ta có thể tìm ra manh mối một cách khá chính xác về cái chết của nhà văn Khái Hưng:
Khái Hưng bị đưa ra khỏi trại giam Lạc Quần, sau bữa ăn chiều, lúc gần tối, ngày 30 tháng Chạp năm Bính Tuất. Từ Lạc Quần theo sông Ninh Cơ lên đến bến đò Cựa Gà khoảng 10 cây số, thuộc địa phận làng Ngọc Cục (Xuân Trường, Nam Định). Như vậy, tính theo khoảng cách Lạc Quần - Bến Đò Cựa Gà, ta có thể kết luận, nhà văn Khái Hưng bị giết ở bãi giữa sông Ninh Cơ, bỏ vào bao buông sông trước giao thừa sang năm mới Đinh Hợi, tức là gần nửa đêm 30 tháng Chạp năm Bính Tuất (21/01/1947).
70 năm sau ngày Khái Hưng bị giết rồi buông sông, lòng yêu nước, sự nghiệp văn chương của ông vẫn mãi trường tồn với non sông, tên tuổi ông sẽ lưu lại ngàn đời. Tội ác ô nhục gây nên cái chết bi thảm cho ông sẽ còn lưu xú đến muôn năm.
Trích Phạm Ngọc Lũy
(Khái Hưng; Kỷ Vật Đầu Tay và Cuối Cùng)
No comments:
Post a Comment