23 June 2017

Dòng Đời & Những Ngày Chiến Nạn

TTR: Có lẽ không có dân tộc và đất nước nào gặp những hoàn cảnh điêu linh như Việt Nam trong thế kỷ vừa qua. Khoảng 4 triệu người đã chết trong cuộc nội chiến khốc liệt và dai dẳng chưa từng có. Lớp người sinh ra trong chiến tranh, lớn lên để chứng kiến quê hương mình rách nát và cho đến bây giờ vẫn không quên được những trải nghiệm thống khổ tột cùng in đậm trong tâm khảm họ. Trong số những người này có tác giả Vũ Minh Ngọc, người đã từng giữ những chức vụ theo sát với những nạn nhân chiến tranh.

Vũ Minh Ngọc tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ban Đốc sự Khóa 16. Tháng 1/72 nhận chức vụ Phó Quận Trưởng Chơn Thành tỉnh Bình Long. Tháng 3/73: Phó Tinh Trưởng Bình Long. Tháng 4/75: Phó Tỉnh trưởng Tỉnh Long Khánh.

Mới đây tác cho ra đời quyển hồi ký "Dòng Đời & Những Ngày Chiến Nạn", tựa đề sách cũng chính là tựa đề bài viết in trong tập hồi ký, TTR xin trân trọng giới thiệu sau đây.

** 

Tôi sinh ra vào một ngày đầu tháng 6 năm 1947 năm Đinh Hợi tại Hưng Yên. Nghe Mẹ tôi kể lại, lúc đó máy bay Pháp đang truy kích việt minh, và Người phải tản cư, đang chạy trên đê thì chuyển bụng, Bố tôi là công chức Tỉnh, nên bận rộn, may có ông Ngoại tôi giúp đỡ.. Phải chăng vừa mới chào đã lánh cư, chạy loạn đã vận đến cả cuộc đời chiến nạn sau này của tôi?

Năm 1953, vì tình hình an ninh, Bố Mẹ tôi cho gửi tôi lên nhà bà Cô trên đường Quang Trung, Hà Nội, gần hồ Hale (nay gọi là Hồ Gươm), để năm sau, Bố tôi lo được phương tiện vào Nam bằng máy bay, thay vì đi tầu há mồm như mọi người khác.


Đến Saigon, cả đoàn người được đưa về tạm trú tại  trường tiểu học Đa Kao, tuần lễ sau đó, Bố Mẹ tôi thuê được một căn nhà tại khu Bàn Cờ, đây là thời điểm đổi đời đầu tiên, sau khi dời khỏi nơi tôi chào đời: Hưng Yên, nơi nổi tiếng với những quả nhãn lồng mọng nước, thơm ngon. Một thời gian sau, gia đình dọn về đường Phan Thanh Giản, phía sau hãng nước hoa Khiêm Tín hãng, sau đó dọn về đường Lê văn Duyệt cho đến ngày di tản. Cuộc đời tôi mê mộng bay bổng nên đã hai lần tình nguyện ra nhập khoá sĩ quan Không quân, nhưng cả hai lần đều bị loại vì lý do sức khoẻ. Tháng 8 năm 1968, tôi trúng tuyển vào Học Viện Quốc gia Hành Chánh, Ban Đốc Sự khoá 16, một niềm vui đến với Bố Mẹ tôi. Bố tôi là một công chức, làm trong Phủ Tổng Uỷ dinh điền, sau về làm trong phòng nhân viên bộ Nội Vụ, Mẹ tôi một mẫu người Mẹ Việt Nam, chạy hàng xách, phụ chồng nuôi đàn con 8 đứa... Vẫn mang trong lòng những suy nghĩ một điều hạnh phúc khi có con làm "quan". Tin tôi trúng tuyển vào Quốc gia Hành Chánh làm người   bừng dậy, ôm lấy tôi và dẫn ra thắp hương trước ban thờ Tổ tiên để tạ ơn. 

Sau một năm học lý thuyết tại Học Viện, nhưng vừa mới bắt đầu, ban giảng huấn phải thay đổi vì Giáo sư Nguyễn Văn Bông giảng về luật  Hiến pháp bận lo lập nội các, nhưng chưa kịp thì bị ám sát. Trong tang lễ, vì các con của Giáo sư còn nhỏ, nên vì trong ban Đại diện sinh viên, tôi được cử ôm hình Giáo sư, và giáo sư Nguyễn ngọc Huy giảng môn "những vấn đề chính trị” lại đi tham dự cuộc hoà đàm tại Paris.

Đến năm thứ hai tôi đi thực tập tại Tỉnh Gia Định, và thỉnh thoảng lên Long Khánh "học lóm" vì anh tôi, anh Vũ Văn Khuông ĐS 8 đang làm Phó Tỉnh Trưởng Long Khánh. Khoảng thời gian thực tập tại Ty Nội An Gia Định là thời gian "ăn nhậu" thả giàn, nhất là lúc làm việc tại phòng Quân Vụ, cũng như khi qua phòng Kinh Tế thì mỗi lần theo phái đoàn đi xét cấp giấy phép cho các bar rượu.. thì ôi thôi! họ theo đúng luật lệ quy định và có khi hơn cả luật quy định.. mà bar nào cũng có "bà lớn" đứng đỡ đầu!

Sau đó tôi về lại Học viện theo họ lý thuyết của năm thứ ba và đi thực tập tại Bộ Kinh Tế để chuẩn bị cho luận văn ra trường với Giáo sư Đoàn triệu Yến.

Cuối năm 1971 tôi ra trường, tuy điểm không được cao, nhưng nhờ theo học Anh văn tại Hội Việt Mỹ do Học Viện gửi đi, nên điểm về đúng lúc, và nhờ đó, điểm ra trường tăng cao và được ưu tiên chọn nhiệm sở khi ra trường. Với một hoài bão đi làm tại địa phương, tôi đã chọn Bộ Nội vụ để chấp nhận thân làm phó... 

Ngày chọn nhiệm sở tại Bộ Nội Vụ, nhìn danh sách thì hỡi ơi, toàn là địa đầu giới tuyến của Vùng 1 và Vùng 2 và một vài tỉnh vùng 4, riêng vùng 3 chỉ có Bình Long là gần Saigon nhất, lúc đó, đứa con đầu lòng mới chào đời...Thôi đành phó thác cho số mạng vậy! Tôi đành chọn Bình Long! không ngờ đây là khúc quanh cuộc đời đáng ghi nhớ nhất.

Bình Long, một tỉnh lỵ nằm về phía Bắc của Sài gòn, cách khoảng trên 100 cây số, trước đây chỉ là một thị trấn nhỏ mang tên Hớn Quản thuộc Tỉnh Thủ Dàu Một, sau đổi thành Bình Dương. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, để đáp ứng nhu cầu hành chánh, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho thành lập Tỉnh Bình Long với 3 quận: An Lộc, Lộc Ninh và Chơn Thành.

Tỉnh Bình Long nằm giáp biên giới Campuchia về phía Bắc và Tây Bắc, Đông giáp Tỉnh Phước Long, Nam giáp Bình Dương và phía Tây giáp Tỉnh Tây Ninh. Diện tích tỉnh Bình Long với 2,140 cây số vuông, có nhiều núi đồi thấp và rừng rậm, hầu hết ở phía Bắc và phía Đông. Về phía Nam ít núi hơn hoặc là núi thấp như núi Đất cao khoảng 108 thước.

Về hệ thống sông ngòi, con sông chính là sông Bé và sông Sài gòn, Sông Bé ở phía Đông chảy dọc từ Bắc xuống Nam và nằm trên ranh giới hai Tỉnh Bình Long và Phước Long. Sông Sài gòn nằm song song với sông Bé, nhưng nằm cạnh biên giới Tỉnh Tây Ninh và có những chi lưu chảy qua Tỉnh Bình Long như những con sông: Prek Thléa, Tonglé Cham và sông Cây Da.

Bình Long là một vùng đất đỏ rất phì nhiêu và chịu ảnh hưởng khí hậu với hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười Một và mùa khô từ tháng Mười Hai đến tháng Tư. Những trục lộ giao thông chính là Quốc Lộ 13 nối liền Bình Long với Bình Dương để dẫn vào Thủ đô Sài gòn. Ngoài ra Liên Tỉnh Lộ 13 là một trục giao thông quan trọng để liên lạc với các Tỉnh phụ cận.

Về dân cư, với trên 76.000 người, đa số là người Kinh và rất đông đồng bào Thượng thuộc các sắc dân Stiêng, Mọa, Tà Mun, người Việt gốc Chàm và gốc Khmer. Những tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, thờ cúng Tổ Tiên và Thần Linh.. Riêng Quận An Lộc bao gồm thành phố tỉnh lỵ rộng khoảng 760 cây số vuông, qui tụ trên 45.000 dân, tập trung trong Xã Tân Lập Phú. Với rừng rậm và đất đỏ, Bình Long được bao quanh bởi những đồn điền cao su rộng ngút ngàn, và là nơi có nhiều rừng cao su nhất nước.

Rừng Bình Long có rất nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, sao, gõ.. nên ngành khai thác lâm sản tại Bình Long phát triển rất mạnh.. Ngoài các loại gỗ quý, rừng Bình Long cũng cung cấp nhiều loại gỗ tạp hoặc các cây rừng cho các lò than... Dọc Quốc Lộ 13, từ Tân Khai dẫn vào An Lộc, những rừng cao su xanh rì và xếp hàng thẳng tắp, là những hình ảnh thiên nhiên và hùng vĩ của Bình Long... An Lộc được bao quanh bởi những ngọn đồi Gío, đồi 100 và đồi Đồng Long.. là những hình ảnh đẹp thiên nhiên, nhưng lại mang những giá trị chiến lược về lãnh vực Quân sự.

Về lãnh vực Hành chánh, Tỉnh Bình Long gồm 3 Quận Chơn Thành, An Lộc và Lộc Ninh. Từ Sài gòn đi, sau khi vượt qua Quận Bến Cát, vào Lai Khê, là gặp Quận Chơn Thành, một quận nhỏ gồm hai xã Hưng Long và Minh Thạnh. Chơn Thành với trên 10.000 dân nằm trên trục giao thông Quốc Lộ 13 (lên An Lộc) và Liên Tỉnh Lộ 13 (qua Sông Bé-Phước Long). Qua khỏi Chơn Thành, sẽ gặp các địa danh Tàu Ô, Tân Khai, Xa Cát, Xa Cam, Xa Trạch rồi bước vào Tân Lập Phú, thị trấn trù phú như cái tên được đặt cho.. Xa hơn phề phía Bắc, là Quận Lộc Ninh nằm sát biên giới Việt-Campuchia, bao bọc bởi rừng rậm và rừng cao su và là nơi sinh sống của rất đông đồng bào Thượng.

Giữa những lúc mà đồng bào miền Nam chưa hết bàng hoàng về cuộc xâm lăng công khai của cộng quân, vượt vĩ tuyến 17 tấn công vào Quảng Trị, thì một mặt trận mới của cộng quân được mở ra, tiến mũi công vào Bình Long, lực lượng quân sự quân sự của cộng quân gồm quân số 4 công trường: Công trường 5, 7, 9 và công trường Bình Long cùng trung đoàn 203 chiến xa từ vùng 

Lưỡi Câu, Campuchia tràn qua được trang bị bởi những khẩu trọng pháo 130 ly có tầm bắn xa. Tổng số ước chừng khoảng 40.000 lính cộng quân đã tham gia trận đánh tấn công vào Bình Long với ước muốn là dứt điểm Bình Long hầu dùng đây làm bàn đạp đế tiến quân về phía Nam, uy hiếp thủ đô Sài gòn. (Trong phạm vi bài viết, tác giả xin không ghi lại những chi tiết về mặt quân sự) .




Cuộc Di Tản

Ngày 12 tháng 6 năm 1972, hàng chục ngàn trái đạn pháo kích của cộng quân đổ xuống An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, đã xua đuổi người dân hiền hòa xứ Hớn Quản, phải xa lìa quê hương, chạy dọc quốc lộ 13 để về Chơn Thành tìm tự do.. Đoạn đường gần 20 cây số ngàn, đã đượm máu và xương của người dân lành, của những người lính Cộng hòa, đã hy sinh cho lý tưởng tự do, của cả những cán binh Việt cộng, sinh bắc tử nam, để cho đến khi nằm xuống, họ vẫn còn bị những người lãnh đạo lường gạt..
 
Cộng quân càng ngày càng gia tăng pháo kích, để tránh mọi thảm khốc, từng đợt hàng ngàn người bồng bế nhau vượt đoạn đường mang tên Quốc lộ máu, vượt Tân Khai qua suối Tàu Ô, để về Chơn Thành.. Chuyến đi đông nhất vào ngày 12 tháng 6, với trên 12.000 người đã rời bỏ ruộng vườn, bồng bế nhau để tìm về chốn Tự Do...

Để cầm chân đồng bào, cộng quân đã mất hết lương tri, rót theo những trái đạn pháo kích, những cảnh máu đổ thịt rơi, những hình ảnh tang thương của người Mẹ, đang ôm chặt lấy con, mà đứa con chết lúc nào không biết.. Hai mươi cây số ngàn đượm máu, nhưng cái chết đã không cản được lòng người dân, họ căm thù cộng quân, vượt đường máu tìm tự do.

Ngày 13/01/1972 tôi lên Bình Long để trình diện và nhận nhiệm sở mới, và tôi được cử làm Phó Quận Trưởng Quận Chơn Thành, Quận Chơn Thành nằm về phương nam của An Lộc và cách Saigon 60 km. Cuộc đời làm phó lúc đó thật gian nan vì không biết sống chết lúc nào? Ở trong chi khu thì bị pháo kích liên tục, ở ngoài với dân thì ngại bọn việt cộng lẻn về tối dẫn đi thủ tiêu!

Vào thời điểm đó, Cộng quân vượt vĩ tuyến 17 tấn công vào Quảng Trị và tung quân muốn chiếm An Lộc, và cô lập quận Chơn Thành... lực lượng quân sự của cộng quân gồm quân số 4 công trường: Công trường 5, 7, 9 và công trường Bình Long cùng trung đoàn 203 chiến xa từ vùng Lưỡi Câu, Campuchia tràn qua được trang bị bởi những khẩu trọng pháo 130 ly có tầm bắn xa. Tổng số ước chừng khoảng 40.000 lính đã tham gia trận đánh tấn công vào Bình Long với ước muốn là dứt điểm Bình Long hầu dùng đây làm bàn đạp đế tiến quân về phía Nam, uy hiếp thủ đô Sài gòn. 

Ngày 12 tháng 6 năm 1972, hàng chục ngàn trái đạn pháo kích của cộng quân đổ xuống An Lộc, tỉnh lỵ Bình Long, đã xua đuổi người dân hiền hòa xứ Hớn Quản, phải xa lìa quê hương, chạy dọc quốc lộ 13 để về Chơn Thành tìm tự do..  Đoạn đường gần 20 cây số ngàn, đã đượm máu và xương của người dân lành, của những người lính Cộng hòa, đã hy sinh cho lý tưởng tự do, của cả những cán binh Việt cộng, đã sinh bắc tử nam, để cho đến khi nằm xuống, họ vẫn còn bị những người lãnh đạo lường gạt..

Cộng quân càng ngày càng gia tăng pháo kích, để tránh mọi thảm khốc, từng đợt hàng ngàn người bồng bế nhau vượt đoạn đường mang tên Quốc lộ máu, vượt Tân Khai qua suối Tàu Ô, để về Chơn Thành.. Chuyến đi đông nhất vào ngày 12 tháng 6, với trên 12.000 người đã rời bỏ nhà cửa, bồng bế nhau để tìm về chốn Tự Do... Để cầm chân đồng bào, cộng quân đã mất hết lương tri, rót theo những trái đạn pháo kích, những cảnh máu đổ thịt rơi, những hình ảnh tang thương của người Mẹ, đang ôm chặt lấy con, mà đứa con chết lúc nào không biết.. Hai mươi cây số ngàn đượm máu, nhưng cái chết đã không cản được lòng người dân, họ căm thù cộng quân, vượt đường máu tìm tự do. 

Để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cứu trợ, chính quyền Quận  ra tận địa đầu giới tuyến để đón đồng bào chạy về, với loa phóng thanh, tôi xin đồng bào ở Chơn Thành mỗi nhà một nồi cơm với xì dầu để cấp phát cho đồng bào chiến nạn, hay phụ giúp chi Y tế để băng bó vết thương cho những người bị nạn. Nhưng vì an ninh tại Chơn Thành không bảo đảm, Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long đã quyết định để đoàn người chiến nạn chạy bộ về Phú Văn (Tỉnh Bình Dương) và tôi cũng được chuyển về Phú Văn để phụ giúp công tác cứu trợ. 

Công Cuộc Tiếp Cư 

Tính đến cuối tháng 6 năm 1972, Trên bốn chục ngàn đồng bào Bình Long đã về tới Bình Dương để lánh cư, một số lớn, đã chết vì bom đạn của cộng quân, hoặc mất xác trên đường tìm tự do dọc trên Quốc lộ Máu.. Chính quyền và đồng bào Tỉnh Bình Dương đã tiếp đón họ.. trại gia binh Phú Văn được tu sửa khẩn cấp để tiếp đón đồng bào chiến nạn. Lúc đầu, chỉ có 2 trại Phú Văn 1 và Phú Văn 2, Nhưng số đồng bào tỵ nạn càng về càng đông nên các trại 3 và 4 được thành lập để đáp ứng nhu cầu.. Những căn lều dã chiến được dựng lên nhanh chóng.. nhưng dựng đến đâu, dân vào ở đến đó.. Một điều không tránh khỏi là lợi dụng cơ hội này, một số đồng bào không phải là dân chiến nạn Bình Long cũng xin gia nhập để được nhận lãnh trợ cấp xã hội, lý do rất giản dị.. giấy tờ tùy thân bị cháy trong chiến trận, tình trạng này càng tạo nên một gánh nặng cho cơ quan chính quyền...

Các Trại tạm cư được tổ chức khá quy củ, các viên chức Xã Ấp, quý vị dân cử của Bình Long vẫn tiếp tục lo lắng, phụ giúp cho cơ quan chính quyền tỉnh Bình Dương trong công tác điều hành trại. Trong thời gian tạm trú trong trại, tiêu chuẩn cấp phát của Bộ Xã Hội dành cho dân tỵ nạn là mỗi đầu người lãnh 500gr gạo mỗi ngày, ngoài ra còn có bánh mì, nước mắm.. Để phần nào xoa dịu những vết thương do chiến tranh gây ra, rất nhiều cơ quan từ thiện từ Saigon và các tỉnh phụ cận, hàng tuần xuống cứu trợ, họ muốn trực tiếp trao tận tay đồng bào chiến nạn, từng gói mì, túi gạo, hộp sữa.. đó là những món quà ân tình trong tình nghĩa đồng bào bao bọc lẫn nhau, Họ đến với những lời an ủi và mong rằng một ngày gần, đồng bào chiến nạn sẽ được về xây dựng lại căn nhà đã đổ nát vì bom đạn của cộng quân.. Khi trại tạm cư đã ổn định và Toà Hành Chánh Tỉnh Bình Long được điều động về phụ trách cuộc điều hành trại tạm cư, tôi được lệnh trở lên Chơn Thành lo cho số dân còn lại, đồng thời cùng các Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn và Nhân Dân Tự Vệ lo công tác sơn cờ, dành dân, lấn đất theo hiệp ước của Hội đàm Paris.

Đúng lúc dầu sôi lửa bỏng, Đại tá Nguyễn Thống Thành được cử về làm Tỉnh Trưởng, ông gặp tôi trong bộ bà ba đen, đeo colt 45, áo giáp, nón sắt... chạy Honda nên để ý và đề cử làm Phó Tỉnh Trưởng Tỉnh Bình Long thay thế đàn anh Võ Tấn Vinh ĐS 8, vì lúc đó, dân Hành chánh không còn ai ở lại, ngoài tôi.

Lúc đó, một niềm vui và hãnh diện cho cá nhân tôi, khi được Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 3 trao gắn huy chương Anh Dũng Bội Tinh với huy chương vàng, nhân ngày Quân Lực, trong số người được trao huân chương, tôi là viên chức hành chánh duy nhất.  

Theo chương trình của Bộ Xã Hội, Phủ Khẩn Hoang Lập Ấp thì  người dân chiến nạn đang sống trong các trại tạm cư được lựa chọn một trong hai chương trình, hoặc là định cư tự túc, hoặc là định cư theo chương trình khẩn hoang lập ấp. Nếu chọn chương trình định cư tự túc, mỗi gia đình được trợ cấp 100.000$ để làm phương tiện sinh sống mới, họ sẽ rời khỏi trại tạm cư để về Saigon hay đến các tỉnh khác để tự túc làm ăn.. Đã có gần 3.000 gia đình quyết định lựa chọn phương thức định cư này. Số còn lại, sẽ theo chương trình Khẩn Hoang Lập Ấp tại Long Khánh. 

Đồng Bào Chiến Nạn Bình Long Và Chương Trình
Khẩn Hoang Lập Ấp

Tình hình chiến sự tại mặt trận Bình Long ngày một gia tăng, giấc mơ của người dân Hớn Quản được trở về quê hương cũ mỗi ngày một xa vời. Để giải quyết vấn đề, Bộ Xã Hội và Phủ Khẩn Hoang Lập Ấp quyết định thuyên chuyển số đồng bào chiến nạn Bình Long đang tạm cư tại Phú Văn đến 2 khu vực: Rừng Lá (Ngã ba Long Khánh – Bình Tuy) và Đồng đền (trên đường đi Tánh Linh, Bình Tuy) theo quy chế Khẩn Hoang Lập Ấp. Các phương thức giải quyết cho đồng bào chiến nạn Tỉnh Bình Long:

      -  Kiểm kê chính xác số đồng bào chiến nạn xin đi định cư tự túc.
Một phái đoàn từ Trung Ương gồm khoảng 100 thanh niên sinh viên được cử xuống thiết lập danh sách đồng bào chiến nạn. Dựa vào danh sách này (khoảng trên 3,000 gia đình), Tỉnh Bình Long trình Phủ Đặc Ủy Khẩn Hoang Lập Ấp kế hoạch gỉai tỏa trại tạm cư. 

Trên thực tế, lợi dụng tình hình xáo trộn lúc dân chiến nạn Bình Long kéo về, một số đông đồng bào khu vực Bình Dương đã khai man là dân chiến nạn (lý do chạy nạn, mất hết giấy tờ) để khai lãnh trợ cấp xã hội. Để giảm thiểu sự khai gian, dựa trên danh sách do phái đoàn sinh viên cử xuống thiết lập, một uỷ ban kiểm kê được lập ra bao gồm đại diện dân cử, nhân viên xã ấp, Cảnh Sát quốc Gia... và chính các vị dân cử sẽ phải xác nhận xem ngưởi khai có phản dân chiến nạn Bình Long hay không? Nếu đúng, tôi ký chi phiếu 100,000$00 cho mỗi gia đình và người dân ra Ty ngân khố Tỉnh để lãnh, còn ấp úng hoặc nhân viên xã ấp không xác nhận thì mội vài con dê tế thần bị uỷ ban bắt giam. Nhờ vậy khoảng 500 hộ dân "tự động" rút lui... Các cuộc cấp phát này đều có sự chứng kiến của Cố Vấn Hoa Kỳ, nơi tài trợ và giúp đỡ ngân khoản cho Phủ Khẩn Hoang Lập Ấp.

-    Khẩn Hoang Lập Ấp. 
Số gia đình còn lại sẽ theo chương trình KHLA, Đây là một chương trình rất quy mô và được sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan như: Phủ KHLA, Quân Đoàn 3, Công Binh, Bộ Công Chánh Điền địa, Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Long.

Sau khi địa điểm KHLA được Trung Ương chọn lựa, Bộ Công Chánh và Điền địa sẽ vẽ họa đồ khu KHLA và lực lượng Công Binh sẽ ủi đất, san bằng địa thế theo họa đồ có sẵn. Mỗi gia đình đồng bào chiến nạn sẽ được cấp phát: ½ mẫu đất làm khu gia cư và 2 mẫu đất làm khu canh tác ở vòng đai khu gia cư. Mỗi gia đình được trợ cấp 35,000$00 để cất nhà tạm trú (nhà thuộc loại tiền chế, bằng gỗ mái tôn, sản xuất đồng loạt. Đồng bào đã tự tổ chức thành từng nhóm, giúp đỡ nhau tự xây cất lấy)  Trong thời gian chờ ra đất canh tác, đồng bào vẫn được trợ cấp 500 gr gạo cho mỗi đầu người.

-    Bốc thăm ra lô khu gia cư: 
Vấn đề được bàn cãi là ai sẽ chọn được lô đất khu thị tứ (gần quốc lộ), ai sẽ ở khu xa gần bìa rừng.. Với một lô đất nửa mẫu gần quốc lộ, lúc đó thật có gía. Cá nhân tôi, người trách nhiệm của chương trình bốc thăm, đã nhận được biết bao cú phone từ Trung Ương, Các Bộ, Quân đoàn, ngay cả bên Tòa Án.. ai cũng xin một lô. Nhưng với tinh thần phục vụ đồng bào là trên hết, với sự hăng say của tuổi trẻ.. tôi đành phải xin lỗi khước từ mọi yêu cầu. Ty Công Chánh và Điền địa đã trình lên một họa đồ phân lô, ghi rõ 550 lô đất cho đợt đầu, tương ứng với danh sách 550 gia đình sẽ bốc thăm. 

Một căn lều lớn được dựng tiền chế ngay khu định cư, sẽ là nơi tổ chức bốc thăm, Cuộc bốc thăm với sự hiện diện của Tỉnh, Hội đồng Tỉnh, các đại diện xã ấp và các chủ gia đình có tên trong danh sách bốc thăm ra lô. Các đại diện xã ấp, chủ gia đình sẽ kiểm soát 550 lá phiếu, đánh số từ 001 đến 550, tương ứng với 550 lô đất trên họa đồ. Sau khi kiểm soát xong, chủ gia đình thứ nhất sẽ tự tay bốc lá phiếu, và tên sẽ được ghi ngay vào trên lô đất tương ứng với số thứ tự ghi trong lá phiếu. Ty Công Chánh và Điền địa sẽ hoàn tất thủ tục cấp phát chủ quyền cho gia đình người vừa bốc thăm. Cuộc bốc thăm được diễn tiến trong công bằng và dân chủ. Một trường hợp được mọi người hoan nghênh khi một em 14 tuổi, cha mẹ bị tử nạn trên đường di tản, đã bốc thăm trúng lô đất đẹp nhất, ngay sát quốc lộ. Đã có người đặt mua lại với gía cao, nhưng Ủy Ban không chấp thuận vì em còn qúa bé…

Chỉ sau 6 tháng được chia lô gia cư, mỗi gia đình đều có một căn nhà gỗ mái tôn, chung quanh khu đất được rào bằng những rặng khoai mì, vừa trang trí, vừa có hoa mầu, đường xá trong khu gia cư được Ty Công chánh & Điền địa tu sửa để người dân tiện đi lại. Trong một lần viếng thăm, Bác Sĩ Phan Quang Đán, Phó Thủ Tướng đặc trách KHLA đã cùng tôi dùng trực thăng bay quan sát toàn thể khu gia cư. Từ trên cao, những căn gia cư thẳng tắp như một bàn cờ, chen kẽ những rặng khoai mì xanh, những hoa mầu khác, tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp. Bác Sĩ Phan Quang Đán rất hài lòng với thành qủa và ông là người có thể ký chi phiếu trợ cấp bất cứ ở đâu, miễn sao giấy tờ chứng minh hợp lệ và đến tận tay người dân.

-    Bốc thăm khu canh tác: 
Tương tự như khu gia cư, khu canh tác được cấp phát sau, hầu người dân có đủ thời gian thu hoạch hoa mầu.

Khu Hành Chánh, Tôn Giáo:
Vì tương lai khu KHLA càng ngày sẽ càng quy tụ đông dân hơn, nên một kế hoạch mới dự trù biến khu KHLA thành một Quận mới, trực thuộc tỉnh Long Khánh… Một trong các đề nghị là Quận mới sẽ mang tên Quận Bình Khánh (Bình Long- Long Khánh). Vào thời điểm này, ngoài việc đồng bào chiến nạn Tỉnh Bình Long đến KHLA tại Long Khánh, mà ngay cả lực lượng quân sự thuộc chi khu An Lộc, chính quyền và toàn thể viên chức xã ấp An Lộc đều về định cư tại Rừng Lá và Đồng Đền. Cho đến cả vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long Đại Tá Phạm Văn Phúc, kiêm nhiệm chức vụ Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Long Khánh. Cá nhân tôi, vào giờ chót của cuộc chiến, được chuyển qua Long Khánh lo Tòa Hành Chánh Tỉnh Long Khánh và số dân Long Khánh đang chạy loạn khi cộng quân tấn công vào Quân Xuân Lộc. Khi nhận nhiệm sở mới tại Long Khánh, thật lòng tôi hơi lo, vì các Trưởng Ty Sở tại Long Khánh ai nấy cũng học hơn tôi, 5, 6 khoá, lúc đó tuổi đời tôi mới tròn 27 tuổi. 

Khi nói đến khu hành chánh, người ta nghĩ ngay đến khu công sở, văn phòng Xã Ấp, Trường học, bệnh xá, khu tôn gíao và các cơ sở thương mại. Trước một cái nhìn tổng quát cho khu vực Hành Chánh, Tỉnh Bình Long đã đệ trình một họa đồ phát triển khu hành chánh kiểu mẫu tại Rừng Lá. Tuy nhiên, những khó khăn bất chợt đổ xập xuống làm trở ngại cho công tác xây dựng này: Đầu tiên, một số anh em Thương Phế Binh đưa thỉnh nguyện thư là muốn có khu gia cư gần quốc lộ để tiện di chuyển, số anh em này đưa ra những chứng cớ, vì tổ quốc mà phải hy sinh một phần thân thể, nên phải được ưu tiên.  Thỉnh cầu của anh em Thương Phế Binh chưa giải quyết xong thì các bà qủa phụ có chồng con hy sinh vì Tổ quốc lên tiếng đòi hỏi phải được ưu tiên chọn chỗ tốt.

Chưa giải quyết xong thì bên Phật giáo cũng như bên Công giáo, dưới sự lãnh đạo của qúy vị Đại Đức, Linh Mục đưa yêu sách là muốn khu gia cư của các giáo dân phải được sống quanh khu nhà thờ, cũng như các gia đình Phật tử được sống cạnh nhau gần các chùa chiền.  Tôi không thể tưởng tượng nổi sự xáo trộn lúc bấy giờ, họa đồ chia lô được niêm yết và được Phủ Phó Thủ Tướng đặc trách KHLA phê chuẩn và duyệt y nay xáo trộn tất cả: không rõ nguyên do thúc đẩy phía sau là gì? 

Nhưng ngày 30 tháng 4 đã gỉai quyết xong mọi đòi hỏi, và không một ai dám chống đối. Và cũng chính ngày 30 tháng 4 đã kết thúc tất cả những gì tốt đẹp nhất mà chương trình KHLA đã đem lại, để thay thế bằng chương trình kinh tế mới của cộng sản đặt ra.

Bốn mươi năm đã qua, dưới chế độ cộng sản, những người lãnh đạo đất nước thực sự đã không lo cho người dân, và đã biến đất nước này thành một quốc gia nghèo đói và tham nhũng. 

Với tư cách một người trách nhiệm trực tiếp điều hành công tác định cư, khẩn hoang lập ấp tỉnh Bình Long, qua bài hồi ký này, tôi xin ghi lại đôi dòng như một nhân chứng sống để nhớ đến cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân cán chính Tỉnh Bình Long, Long Khánh và để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh nằm xuống, và nghĩ đến những người, đã một lần trong đời tô đượm cho danh từ Bình Long Anh Dũng .

Vũ Minh Ngọc

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...