23 June 2017

Hình ảnh VN


TẨU THUỐC XỨ THƯƠNG

Đã từ lâu hình ảnh các già làng ngồi bên bếp lửa, miệng ngậm tẩu thuốc trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng cao, họ hút để chống lại không khí lạnh lẽo nơi núi rừng hoang vắng, chống lại sự cô đơn nơi ít người và suy ngẫm về những vui buồn trong cuộc sống. Vì vậy tẩu thuốc trở thành vật dụng gần gũi với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Tẩu thuốc nhỏ nhắn, xinh xắn do chính tay đồng bào làm ra xuất phát từ hình dáng những chiếc tẩu ở phương Tây... Cách làm tẩu thuốc khá cầu kỳ, mỗi người chọn một miếng gỗ mà họ ưng ý, thường là gỗ trắc hoặc gỗ hương, sau đó tác tẩu thuốc theo sở thích riêng của mình.

Đầu tiên họ cưa gỗ thành hai khúc nhỏ theo kích thước định sẵn, dùng dao nhỏ để tạo hình và tiến hành khoan lỗ, đây là giai đoạn công phu, đòi hỏi sự tỉ mỉ bởi nếu sơ suất sẽ làm hỏng sản phẩm. Ở phần đầu tẩu thuốc được khoét một lỗ có đường kính từ 1 cm đến 1,5 cm để chứa lá thuốc rồi dùng giấy nhám và sáp ong hơ lửa để tạo độ bóng. Sau khi hoàn thành công đoạn chế tác tẩu thuốc, họ sẽ chạm trỗ hoa văn, họa tiết cổ truyền mang nét đặc trưng của vùng.

Tẩu thuốc không chỉ để sử dụng mà còn như một vật trang trí thường được đặt ở tủ trưng bày trong phòng khách gia đình. Do đó người làm ra nó hết sức tỉ mẫn khi thực hiện các công việc rèn, giũa tạo hình dáng đẹp, chuốc đi chuốc lại để chiếc tẩu bóng, nhẵn nhụi. Tẩu thuốc quá nhỏ bé và quen thuộc đến nỗi nhiều người không để ý nhưng nó vô tình trở thành những vật dụng tăng thêm vẻ đẹp đặc trưng...

(Trích theo "Tẩu thuốc trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên" của Nguyễn Mỹ Lệ đăng trên baogialai.com.vn/)

No comments:

Post a Comment