08 November 2014

Giới thiệu sách mới

Đã phát hành tại hải ngoại:

“Điện Biên Phủ, Kế Hoạch Cứu Nguy, Nguyên Nhân Thất Thủ” 
của Trọng Đạt, Người Việt Dallas xuất bản,
sách dầy 250 trang, giá 18 Mỹ kim

(Trích):

Lời nói đầu  

     Trận Điện Biên Phủ 1954 nay tròn sáu mươi năm, đã được nhiều nhà sử gia, chính khách Tây phương xếp trong số những trận đánh quan trọng và lớn nhất trên thế giới về ý nghĩa lịch sử như Stalingrad 1942, trận hải chiến Midway 1942…
     Nó đã đưa tới một khúc quành lịch sử, đã kết thúc chế độ thực dân Pháp và kéo Hoa Kỳ vào một cuộc chiến dài như vô tận. Cũng như tại Stalingrad năm 1942 Đức quốc xã mất Lộ quân số 6, gió đã đổi chiều với Hitler và tại Midway 1942, chỉ trong một ngày quân Nhật đã mất 4 hàng không mẫu, vài trăm máy bay, hơn ba ngàn thủy thủ rồi thua luôn cuộc chiến Thái bình dương.
     Hai tiền đồn phía bắc Điện Biên Phủ bị sụp đổ ngay sau trận tấn công đầu tiên ngày 13, 14-3-1954, địch quá mạnh, trận mưa pháo thật dữ dội. Tướng Henri Navarre, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương vì thiếu tin tình báo, chủ quan khinh địch đã đưa hơn mười tiểu đoàn Liên hiệp Pháp vào mạt lộ. Tình hình quân sự tai mặt trận ngày một xấu, sau ngày 26-3, khu lòng chảo chỉ còn tiếp tế, tăng viện bằng thả dù quân lính cũng như lương thực, đạn dược. Do sự sai lầm của Navarre đã chọn địa điểm xa xôi, hiểm trở để lập căn cứ chỉ liên lạc với hậu cần bằng máy bay và không có đường bộ. Tiếp tế bằng thả dù rất khó khăn vì bị phòng không địch chế ngự, nhiều kiện hàng thực phẩm, đạn dược đã lọt sang khu vực VM, kể từ sau ngày 26-3-1954 số phận của Điện Biên Phủ coi như đã được quyết định rồi.
      Vì không quân Pháp yếu, toàn bộ chiến trường Đông dương chỉ có khoảng 200 máy bay, hỏa lực pháo binh, cao xạ VM rất mạnh, lực lượng địch lên tới năm sư đoàn chính qui đông gấp bốn lần quân Pháp nên người Mỹ đã nghĩ tới một kế hoạch cứu nguy Điện Biên Phủ từ cuối tháng 3. Đầu tháng 4-1954 Tổng thống Eisenhower và các phụ tá, cố vấn đã nghiên cứu chiến dịch oanh tạc ồ ạt khu lòng chảo với khoảng từ 60 tới 90 oanh tạc cơ khổng lồ B-29 cùng với trên bốn trăm máy bay chiến thuật hộ tống.  Chỉ có không lực Mỹ mới có thể cứu vãn tình thế.
     Kế hoạch được thảo luận với đại diện của Lập pháp, sau gần một tháng vận động, nghiên cứu cuối cùng chết lịm. Cuối tháng 4-1954, một tuần trước khi Điện Biên Phủ thất thủ, kế hoạch đã được Hội đồng an ninh quốc gia bàn thảo lần cuối. Trong khi chính phủ còn bàn cãi, Tướng Tư lệnh không đoàn B-29 tại phi trường Clark Phi luật Tân đi thăm Đông Dương một lần nữa ngày 26-4. Ông ta vẫn chuẩn bị cho oanh tạc một khi có lệnh. Một sĩ quan cao cấp không quân Pháp đã từ Sài Gòn qua Clark Field chuẩn bị chiến dịch, nhưng lệnh tiến hành không bao giờ có, kế hoạch lần này chết hẳn.
      Sự thất bại không thực hiện được kế hoạch cứu Điện Biên Phủ vào giờ chót đã ám ảnh chính phủ Tổng thống Eisenhower suốt một thập niên. Từ đó mà trận đánh trở thành một chiến thắng lớn của VM và phe CS. Rồi người ta cho đó là sự sai lầm.
     Thất thủ Điện Biên Phủ đã đưa tới Hiệp định Genève 20-7-1954 nhường một nửa Việt Nam cho CS, người Mỹ cho là thất bại vì bị mất đất, họ tiếc đã không làm mạnh để rồi mười năm sau 1964, 1965 địch lại mở cuộc chiến lớn hơn tại miền nam VN.
     Mười hai năm sau trận đánh quyết định này, Bernard Fall đã làm sống lại kế hoạch bất thành và gần đây, năm 2012 và 2010 Fredrik Logevall, Ted Morgan cũng đã diễn tả lại kế hoạch này với nhiều chi tiết trong hai cuốn sách về Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương 1946-1954.
     Bernard Fall nói nếu năm 1954 người Mỹ đã cho oanh tạc Điện Biên Phủ thì tình hình Đông Dương đã có thể đổi khác. Sau này năm 1985 cựu Tổng thống Nixon nói chúng ta có sức mạnh để phá hủy bộ máy chiến tranh của địch, chỉ có một vấn đề duy nhất là ta muốn xử dụng sức mạnh đó hay không.
     Năm 1954 nước Mỹ có sức mạnh nhưng không muốn xử dụng sức mạnh đó, đã để lỡ cơ hội vào giờ chót.
     Kế hoạch cứu Điện Biên Phủ như đã trình bầy ở trên là mục đích chính của cuốn sách này, sẽ lần lượt được đề cập trong các chương mục dưới đây.
     Trước hết chương đầu nói sơ lược về cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất từ Toàn quốc kháng chiến tới trận Điện Biên Phủ, tiếp theo là Kế hoạch cứu nguy theo nhận xét người Pháp và người Mỹ, Nguyên nhân thất thủ Điện Biên Phủ.
     Phần phụ Lục để quí độc giả tham khảo thêm gồm Trận Điện Biên Phủ, nói về diễn tiến trận đánh trích dịch trong cuốn Đông Dương Hấp Hối của Tướng Navarre và bài lược dịch Kế hoạch của Navarre .

      Trọng Đạt

No comments:

Post a Comment

Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!

- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...