06 November 2014

Điểm mù của lịch sử (file)

Điền Thảo
 Có một lần đã khá lâu, khi làm việc trong một hãng in của người Đại Hàn trên đất Canada, tôi bị một màn lúng túng với một anh chàng gốc Tầu. Hắn là trưởng cái máy web ngoài kia. Còn tôi coi cái darkroom trong này.

Hắn ta, tôi đoán, đến từ Hoa Lục cộng sản. Khi biết tôi là người Việt, hắn ta băm bổ cứ như tôi là đảng viên đảng CS Việt Nam. Hắn nói tiếng Anh không nặng âm Tầu như những người Tầu khác. Hắn vừa đi vừa quay nhìn ngang đến chỗ tôi làm việc nói xa xả: "Mẹ kiếp! Người ta giúp mình đánh ngoại xâm. Thành công rồi, phủi đít chống lại người ta. Cái thứ vô ơn!"

Khi đó là cuối thập niên 80, tức là cuộc chiến tranh biên giới Hoa Việt đã xẩy ra được 10 năm, nhưng người Tầu Hoa Lục còn rất hậm hực. Đăng Tử Bình muốn dậy CS Việt Nam một bài học, nhưng rút cục người muốn dậy học lại bị thiệt hại rất nặng nề, thương vong về phía Tầu Cộng khoảng 70.000 quân và 420 xe tăng bị hủy trong một cuộc chiến chỉ kéo dài chưa đầy một tháng. Nỗi đau không chiến thắng vinh quang, lại bị giáng trả tận lực khiến Hoa Lục càng thêm điên tiết, và nỗi đau ấy biến thành nỗi bực dọc không chế tình cảm của người Tầu CS khi nghĩ về người Việt, bất cứ là người Việt nào.

Khi bị anh ta xỉa xói, thực sự tôi chẳng biết giải thích ra sao. Tôi không tức giận mà lại cảm thấy hả hê. Tôi có thể nói một câu, một câu duy nhất "Đáng kiếp!", nhưng tôi đã không nói. Anh chỉ là một người sinh ra trên đất Tầu, bị đảng CS Tầu tuyên truyền rằng Nước Tầu đã làm nghĩa vụ quốc tế cao đẹp đối với nước láng giềng phía nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Anh ta không biết sau lớp giấy bọc đẹp in chữ "Nhiệm Vụ Quốc Tế Cao Đẹp" là cái âm mưu đen tối và tham tàn của Mao Trạch Đông và bè lũ đối với Việt Nam và cả vùng Đông Nam Á. Chúng coi các nước Đông Nam Á đều là những phiên quốc của chúng.
Tài liệu của Đảng cộng sản Tầu do Mao Trạch Đông viết mang tên "Cách Mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc", xuất bản năm 1939 có viết: “Các nước đế quốc sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng, Pháp chiếm An Nam…”(*)
Trong tư tưởng của người Tầu với chủ nghĩa Đại Hán, Đông Nam Á là của họ thì sớm muộn gì họ cũng sẽ "thu hồi" khi có cơ hội.
Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Tầu, tháng 8 năm 1965: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.(*)
Năm 1949, cộng đảng Tầu tuy chiếm trọn được Hoa Lục, nhưng thế còn yếu, kinh tế là cả một con số không. Phía bắc, Liên Bang Xô Viết đã hùng mạnh. Phía đông, quân đội Mỹ dàn hàng ngang. Phía Nam quân Pháp phục hồi ở Đông Dương. Trong tình thế ấy có người tình nguyện trấn giữ biên ải còn gì hả hê cho bằng. Thế cho nên bè lũ Mao đã hết sức hỗ trợ cho Cộng Đảng Việt mà họ gọi là người anh em nhưng thực chất là con chốt dùng trấn giữ phía nam. Đưa khí giới cho những con chốt đánh lại những kẻ đang bao vây Hoa Lục là một mắt trong dây xích chiến lược của bọn cộng sản với chủ nghĩa Đại Hán.  Ấy là chưa kể chúng dùng những cuộc chiến nhân danh giải phóng dân tộc ở các nước chung quanh để mặc cả như sau này đã xẩy ra, điển hình là cuộc gặp gỡ chiến lược Mao-Nixon năm 1972.

Cho đến nay sử sách do đảng CSVN biên soạn cho rằng nhờ tài lãnh đạo khéo léo của lãnh tụ CS Hồ Chí Minh và đảng Lao Động VN nên dân tộc VN đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của Nước Tầu CS. Thực ra thì Mao Trạch Đông không có gì vui hơn là được Hồ Chí Minh mở lời xin viện trợ quân sự để kháng Pháp. Nếu gọi được là ơn nghĩa, thì ơn nghĩa này do đảng CS Tầu ban phát cho đảng CSVN. Đối với dân tộc Việt Nam, súng đạn tuồn từ Tầu qua Việt Nam từ 1949 đến năm 1975 là hành động tội phạm chiến tranh, vì nó thúc đẩy một cuộc chiến tranh gây tàn hại không cần thiết cho cả một dân tộc. (**)

Chính cuộc gặp gỡ Mao-Nixon năm 1972 đã mở mắt phần nào đám lãnh đạo Đảng CSVN - lúc ấy gọi là Đảng Lao Động. Khi Bắc Kinh xúi Kampuchia đánh vào sườn phía tây nam Việt Nam cuối những năm 1970 thì Hà Nội không còn chọn lựa nào khác là đem quân diệt chế độ cộng sản mới thành lập ở lân bang phía tây. Điều này khiến Đặng Tử Bình điên lên và đã "dậy" cho đảng CSVN một bài học vào năm 1979. Những ngày trước khi cuộc chiến nổ ra, những người tù chúng tôi được các cán bộ "quản giáo" thông báo rằng: "Đảng Cộng Sản Việt Nam xác định Đảng Cộng Sản Trung Quốc là kẻ thù". 

Rõ ràng ân oán không phải là giữa hai dân tộc Việt Hoa mà là giữa hai đảng cộng sản với nhau.

Dân tộc Việt Nam không nợ nần gì với Nước Tầu lại càng không nợ nần gì với đảng cộng phỉ phía bắc. Có chăng dân tộc Việt chỉ mang nặng một mối thâm thù với đảng CS này đã và đang mưu toan gây rối loạn để làm suy yếu lân bang hầu khống chế trước khi đánh chiếm.

Sáng 28-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc Phòng Nhà Nước CSVN đã tổ chức buổi gặp mặt đại biểu các thế hệ cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo tại Hoa Lục qua các thời kỳ. Buổi lễ được tổ chức nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập "Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc" (1-8-1927/1-8-2012). Đảng CSVN tổ chức gặp mặt để "ghi nhớ những tình cảm quý báu, cao đẹp, sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình có hiệu quả," của Hoa Lục "đã dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐND Việt Nam".(***).  Đảng CSVN có cắn cỏ đập đầu cám ơn Nước Tầu CS thì kệ họ. Nhưng việc Đảng CSVN lôi quốc dân Việt Nam vào vòng ơn nghĩa với đảng cộng phỉ phương bắc là một điều cần  lên án.

Kẻ thù phương bắc không vì những lời xưng tụng ơn nghĩa ấy mà giảm thiểu lòng tham chiếm trọn biển Đông và hải đảo của Nước Việt.

Đám cầm quyền CS Bắc Kinh thừa hiểu rằng những động thái của Đảng CSVN nhằm vuốt ve Hoa Lục chỉ là sự lừa phỉnh rẻ tiền. Những động thái ấy không đem đến một hiệu quả có lợi thiết thực nào cho dân tộc Việt Nam mà chỉ khiến kẻ thù truyền kiếp khinh bỉ.

Có chăng những lời xưng tụng ơn nghĩa kia chỉ làm cho nhân dân ta mất cảnh giác với kẻ thù nghìn năm không đội trời chung và vô hình chung tạo ra một vùng mờ mịt trong lịch sử bang giao của dân tộc Việt.

Điền Thảo
_____________________________
(*) Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua, nhà xuất bản Sự Thật - Hà Nội.

(**) Xu thế giải thực vào giữa thế kỷ 20 là một xu thế phổ quát đã giúp nhiều quốc gia thuộc địa lấy lại độc lập mà không tốn nhiều công sức, xương máu và thời gian như ở VN.  Dù rằng Cuộc Cách Mạng Vô Sản ở Nga 1917 là một trong những yếu tố làm lung lay chế độ thực dân, nhưng Ấn Độ và đại đa số các nước Phi Châu nhờ thương lượng mà lấy lại được độc lập, không cần nhờ đến Quốc Tế CS chi viện, giúp đỡ.

(***) Trích bài phát biểu của Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, trung tướng.

No comments:

Post a Comment

Yêu cũng đáng ngại thật... Ai bỏ đi trước sẽ chết!

- Bức tranh "Ai bỏ đi trước sẽ chết" "Một bức tranh với giá trị nhân văn sâu sắc, ngay cả khi cô gái nói rằng nếu chàng trai ...