31 March 2013

Đôi dòng về Vẽ Chân Dung

A.C.La
 Vẽ chân dung là một hướng đi của hội họa đã phát triển từ lâu. Thời trung cổ hướng đi này lấn át các hướng đi khác có lẽ do được bao bọc bởi những danh gia vọng tộc. Họa sĩ vẽ chân dung cho những người trong gia đình giầu có và nhận tiền thù lao khá.

Những bức chân dung là thành phần trong gia phả ghi lại nhân dáng, khóe mắt, nụ cười, hoặc bán thân hay trong lễ phục của cha mẹ, ông bà  để con cháu có những ý niệm cụ thể về tổ tiên của mình. Chân dung còn là những kỷ vật. Khác với văn thơ có thể ghi lại theo lời kể bất cứ lúc nào sau khi nhân vật đã khuất, nhưng hội họa không thể tưởng tượng ra để vẽ lại một người đã khuất một cách sinh động được.

Bên cạnh đây là bức họa "Napoléon Vượt Rặng Núi Alps". Đó là tên đặt cho 5 phiên bản vẽ trên vải bố bằng sơn dầu chân dung Napoléon Bonaparte do họa sĩ Jacques-Louis David người Pháp vẽ trong khoảng từ năm 1801 đến 1805. Bức tranh vẽ cảnh lý tưởng cuộc viễn chinh có thực của Napoléon và đạo quân của ông vượt đèo St Bernard trên rặng Alps năm 1800 để tiến vào Tây Ban Nha.

Bức tranh tiên khởi vẫn còn ở Madrid cho đến năm 1812 sau đó thì Joseph Bonaparte (Anh của Napoléon Bonaparte) mang theo khi ông ta bị truất phế khỏi ngôi vua Tây Ban Nha và đi đầy bên Mỹ. Bức tranh truyền cho hậu duệ và người cháu gái ba đời tên Eugenie Bonaparte viết di chúc tặng bức tranh cho bảo tàng viện Château de Malmaison năm 1949.

Như vậy tuy khởi đầu vẽ do ý định của gia đình, nhưng về sau nhiều bức chân dung, nhất là vẽ những nhận vật quan trọng đã trở thành kỷ vật và tài sản của các cơ sở văn hóa quốc gia.

Bên trái là bức Benjamin Franklin (1785) do Họa sĩ  Joseph Duplessis, đã được Cafritz Foundation tặng cho  Phòng Trưng Bày Chân Dung Quốc Gia Hoa Kỳ (NPG) năm 1987. Benjamin Franklin là một nhà lý thuyết chính trị, một chính khách, một khoa học gia góp nhiều phát minh, một người chống chế độ độc đoán cả về chính trị lẫn tôn giáo... Lịch sử Mỹ coi ông như một trong những người cha đẻ Hiệp chúng quốc Mỹ Châu.

Cho dù về sau xuất hiện bộ môn nhiếp ảnh nhưng vẫn không làm hội họa chân dung bị lép vế, đơn giản là vì nhiếp ảnh không thay thế được hội họa trong hướng đi này nhờ hội họa có mức độ sáng tạo rộng và tự do hơn, dùng chất liệu bền đặc biệt là sơn dầu.

Cũng may là nhờ tính phổ thông nên giá cả dễ chịu mà cũng rất nghệ thuật, nhiếp ảnh giúp những gia đình nghèo và trung lưu ngày nay dùng hình chụp lưu lại những kỷ niệm của tiên tổ, nhanh chóng và vừa túi tiền. Nhưng những danh gia vọng tộc và những người khó tính hơn vẫn dùng tranh sơn dầu để ghi lại hình ảnh những người thân. Nhiều nhà có phòng riêng trưng bày tranh ảnh tổ tiên giống như một bảo tàng viện nho nhỏ.

Bên phải là bức chân dung tương đối mới vẽ tổng thống George Bush do họa sĩ John Howard Sanden vẽ. Họa sĩ Sanden ở vào nhóm thiểu số những họa sĩ thành danh và thành công ngay khi còn sống. Bức chân dung bên cạnh đã được trau chuốt, không phải để đẹp hơn mà là để phù hợp với thị hiếu chung, nên ít tiêu biểu cho lối vẽ ấn tượng của ông. Đa phần những bức chân dung ông vẽ thường dừng lại với những nét mạnh bạo nhưng rất phóng khoáng và có một nét đẹp riêng, nhất là hậu cảnh hay những chi tiết phụ. Vả lại những bức chân dung dẫn giải ở đây quá nhỏ nên khó nhận ra những nét cọ mạnh bạo của người vẽ.

Mỗi người có một lối vẽ riêng, một cung cách diễn tả không giống hay đôi khi đối chọi nhau. Chúng ta lấy trường hợp của John Sanden và Daniel Greené để so chiếu hai lối vẽ này.

Tuy dùng lối vẽ khác nhau nhưng cả hai đều đạt đến mức thượng thừa tạo ra  những bức chân dung sống động và tuyệt vời.

John H. Sanden tự nhận vẽ theo lối  ấn tượng hiểu là những nét cọ ít hòa với nhau mà đứng bên cạnh nhau tựa như trong hình mosaic. Lối vẽ của Sanden đòi hỏi nét vẽ phải chính xác, mạnh và sẽ ở đấy cho đến khi bức tranh hoàn tất. Thế nên lượng sơn trên cọ, độ nóng hay lạnh của mầu (hue), sắc độ của mầu (value) cường độ của mầu (intensity) và vị trí đặt cọ tất cả đều phải chính xác. Trong quyển Portraits from Life in 29 steps, ông đề ra 9 nguyên tắc tạo thành lối vẽ ông gọi là Premier coup technique. Một trong 9 nguyên tắc này, là "Nét cọ nào cũng được tính đến", hiểu là mọi nét cọ đều quan trọng. Để hình dung điểm này ông nói "Cọ của họa sĩ bay lượn trên canvas".

Lối vẽ của Sanden chậm mà chắc, ít sửa chữa hoặc sửa đổi nên hóa ra lại nhanh. Bên cạnh là bức chân dung ông đưa ra làm ví dụ mô tả lối vẽ của mình, tôi chụp lại từ quyển sách đã dẫn, vì thấy nó có những nét đặc trưng nhất.

Phòng vẽ của John H. Sanden ngăn nắp sạch sẽ. Khi vẽ ông mặc áo khoác để bảo vệ bộ đồ chững chạc mặc bên trong. Điều này cho thấy phần nào ông là một nghệ sĩ có kỷ luật bản thân cao.

Lối vẽ chân dung "Premier Coup Technique" đòi hỏi sự chính xác ngay từ đầu. Hệ quả là mỗi nét vẽ phải ở đúng vị trí của nó. Phải bám sát drawing (những đường đã vẽ ra trước khi sơn). Khi một nét cọ đã sai sẽ dẫn đến những nét cọ sau sẽ sai và bức vẽ chắc chắn sẽ hỏng.

Một người ngưỡng mộ lối vẽ của Sanden đã viết rằng "Hình chân dung dường như cứ từ chiếc cọ của ông mà chảy ra thành một bức tranh hoàn tất có thể nói là chỉ với một lớp sơn vẽ duy nhất."

Tôi đã có một bài viết ngắn về người họa sĩ vẽ tranh quảng cáo phim cho rạp Nam Quang hồi xưa ở Sài gòn. Ông là một họa sĩ vẽ chân dung có thiên tài thực sự của Việt Nam. Bây giờ tôi xin thêm một câu về ông: Nếu như tôi được học vẽ chân dung với ông từ thuở ấy, thì hôm nay tôi đã không cần nghiên cứu hay ít ra không cần nghiên cứu nhiều về cách vẽ của Sanden.

Trong khi lối vẽ của Sanden có vẻ phóng túng (thật ra không phóng túng tí nào!), thì có những người vẽ chân dung hết sức tỉ mỉ, các lớp sơn chồng chéo lên nhau. Nhiều khi những lớp sơn vẽ trước rút cục không còn lộ ra bao nhiêu hay bị những lớp sơn sau phủ kín khi tranh hoàn tất. 

Họa sĩ thuôc nhóm có lối vẽ ngược lại với Sanden cũng đông đảo. Chúng ta chỉ lấy một vài danh họa để làm tiêu biểu

Bên cạnh đây là bức chân dung do họa sĩ Daniel Greené vẽ và nó đúng là một tác phẩm bậc thầy. Một người khi xem ông vẽ biểu diễn đã viết: "I was very surprised by several things in the Daniel Greene video. When I looked at the completed portrait, I thought it was highly finished and smooth. As I watched him develop it, I was very surprised at how patchy and blocky the early stages were." - Tôi rất ngạc nhiên vì nhiều điều trong cuốn video của Daniel Greené.  Khi nhìn vào bức tranh đã xong tôi thấy bức tranh được hoàn thành tuyệt vời và trơn tru. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những lớp sơn trước ẩn hiện ra sao (trong bức tranh khi tranh hoàn tất.)

Bức chân dung bên cạnh do họa sĩ David A. Leffel vẽ. Nếu phóng lớn ra chúng ta thấy các nét cọ tạo ra bức tranh không lớn. Nhưng ngược lại là những nét chấm, gạch, rê cọ nhỏ. Ông thường để người mẫu dưới luống sáng mạnh để tạo ra độ tương phản rất bất ngờ (dramatic contrast). 

Những dòng nhận xét về Daniel Greené trên kia cũng có thể dùng để nói đến những bức chân dung của họa sĩ Leffel.

Thực ra phân cực để dễ quan niệm, chứ thưòng thường hai kỹ thuật trên đây pha trộn với nhau trong cùng một cách vẽ. Nhất là càng về sau càng như vậy

Có những họa sĩ tân thời hôm nay kết hợp cả hai lối vẽ để thực hiện những tác phẩm của họ, chẳng hạn như Pino Daeni. Chúng ta thử nhìn vào bức họa "Morning Light" của ông bên cạnh tất sẽ nhận ra ngay sự kết hợp này. Thân thể với làn da mịn màng vẫn đứng cạnh được những nét cọ mạnh bạo tự tin vẽ quần áo và hậu cảnh.

Nếu nét cọ nhận ra dễ dàng chẳng hạn khi nhìn từ xa, thì đấy là một điểm để chúng ta nói đó là bức họa chịu ảnh hưởng lối vẽ ấn tượng.

**

Nói chuyện về nghệ thuật thì lan man biết chừng nào cho xong. Nhưng chẳng lẽ ở tuổi sáu bảy bó, hễ gặp nhau là nói đến thuốc men bệnh tật hay sao. Mà nói rộng ra vui với nghệ thuật cũng là một cách chữa lành hay phòng ngừa bệnh tật nhất là những thứ bệnh phát sinh từ buồn nản, cô độc, căng thẳng.

Thoạt kỳ thủy khi đi sâu vào hội họa, tôi chẳng có ý dùng hội họa để phòng chữa bệnh tật. Làm như thế chỉ vì thích thú. Cũng may nhờ vậy hôm nay có được cách giải trí khi không còn trẻ. Từ nhỏ đã thích vẽ và thích đọc sách về vẽ. Nhưng thực sự nghiên cứu về hội họa đặc biệt về sơn dầu mới chỉ hơn mười năm nay. Nghiên cứu về hướng chân dung lại còn mới hơn nữa. Nhưng được một điều vừa đọc vừa múa máy bút cọ nên vui và học nhanh hơn.

Tôi vẽ chân dung "chính hiệu con nai" rất ít. Vẽ chân dung chính hiệu hiểu là vẽ một người nhất định có thật trong thực tế và khi nhìn vào bức tranh, người ta nhận ra ngay người trong tranh là ai.

Tuy vẽ chân dung thực thụ không nhiều nhưng khi vẽ nhân dạng trong những bức tranh visionary từ lâu cũng giúp tôi hiểu ra vẽ chân dung phải như thế nào.

Bức chân dung bên cạnh là một trong số rất ít bức chân dung tôi đã vẽ. Nó đẹp hay xấu, đạt hay không đạt xin để quý anh chị cho điểm. 

(16x20 inch - Oil on canvas by A.C.La)

Vài dòng về hội họa xin gửi quý anh chị đọc cho vui. Đặc biệt gửi các bạn H.H, Phạm Thành Châu, Nguyễn Quan Minh, Như Thương, Minh H...những người hay "xoi mói" tranh của tại hạ.

Quý mến,

Xuân 2013 
A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
__________________

Bạn bè chia sẻ

Nhìn "chân dung tự họa" của Họa Sĩ ACLa Vĩnh, tôi giật mình vì quá đẹp và quá giống. Ngay cả cái nốt ruồi và cái chân mày lấy làm "điểm nhấn"

Nên có mấy câu thơ "Cảm tác" như sau:
Người xưa đâu bỗng trở về
Nét phong lưu vẫn chẳng hề đổi thay
Thời gian gió thoảng mây bay
Mà trong nước cọ giữ hoài thanh xuân.
Thành thật khen ngợi.

DQ (bạn cũ)
4.01.13 pm
**
Đáp lễ Dương Quân
Chưa đi sao đã sắp về
Huyễn hoặc cõi tạm bốn bề đổi thay
Thôi thì để mặc gió bay
Ung dung ta bước tưởng ngày còn xuân.
A.C.La
____________________

Wow ! Út Như Thương nay được "diện kiến chính diện" nhà họa sĩ vẽ vời ... Vẽ Nàng xưa nay quen cọ rồi, nay lại vẽ Chàng nữa nhỉ?
Họa sĩ có khác, muốn thấy hình ai, vung cọ lên là xong ngay thôi ! Rồi phụ nữ già thành trẻ, tất cả đều thành giai nhân...
Xin hỏi nhỏ ông họa sĩ rằng: Ngắm mình thì cảm tưởng ra sao?  Có tiếc cái thuở 17, 18 thay vì 71, 81 không nhỉ? Hay vẫn nhẩn nha tưởng mình như xưa?!

Út NT.

**
Uả, Tội gì mà nghĩ mình già, Cô Út! (A.C.La)
___________________

Hoàng Hôn Light (!)

Hôm nay đang lan man nghĩ ngợi, không biết mạng TTR có bài gì mới thì tựa đề "Đôi Dòng Về Vẽ Chân Dung" hiện ra đập vào mắt tôi. Lòng mừng khấp khởi (vì tôi đây vốn dốt về hội họa) như được có ai đó cho một món quà mà mình ưa thích vậy.

Tôi lướt vội vào bài viết (đó là cố tật của tôi mỗi khi muốn đọc một bài viết nào trên mạng) để trước hết xem nó dài ngắn ra sao thì "Oh my God!" ở cuối bài, chân dung của ai đó trông quen quen(!) Người đâu  trông sao mà mỹ miều thế! Từ xưa tới giờ cứ ngỡ là chỉ có một mình mình là đẹp (thua Phan An, Tống Ngọc một chút(!) ). Giờ đây không ngờ có người  lại còn Đẹp hơn và lại cũng còn trẻ hơn mình nữa! Người đâu đẹp lạ đẹp lùng !!!

Sở dĩ tôi nói trông quen quen là vì hình như tôi đã được ngắm dung nhan nầy đâu đó trên mạng TTR rồi. Tôi phải dừng lại để ngắm bức chân dung trong đôi phút mà lòng thì bồi hồi ...

Tôi quay lại đọc thật cẩn thận bài viết cùng đối chiếu nhiều lần lời dẫn giải cùng với bức tranh đính kèm (đã bảo tôi dốt về hội họa mà) Lại càng phải đọc thật kỹ về lời chú thích về bức Chân Dung của nhà họa sĩ của chúng ta!

Nói về kỹ thuật Vẽ Chân Dung thì tôi đây không dám lạm bàn mà ở đây tôi chỉ dùng " tay nghề " của một người thường dựa trên những lời dẫn giải của tác giả.

Theo ngu ý , bức chân dung của nhà họa sĩ có những điểm giống như lời dẫn giải ở hai bức tranh bên trên . Có nghĩa là người mẫu cũng được đặt dưới luồng sáng mạnh nên có độ tương phản rõ nét. Còn như so với bức "Morning light" thì làn da của chân dung nhà họa sĩ đâu kém mịn màng! Về hậu cảnh cũng nào kém phần mạnh bạo. Có phần còn hơn bức kia!

Bức "Morning light" thì ánh sáng đi từ phía trước và nhìn thì biết ngay là ánh sáng của một buổi nắng mai.


Còn phần hậu cảnh của chân dung họa sĩ cũng có một vầng sáng đầy sức sống. Nhìn bức họa , tôi có cảm nghĩ là tác giả đang hồi tưởng lại quá khứ, thời vàng son đã qua, tất cả những điều mà  một khi nhớ lại khiến cho ai đó cảm thấy vô cùng hưng phấn. Còn nếu nói về nụ cười thì NỤ CƯỜI của tác giả, đối với tôi cũng vô cùng khó hiểu như là nụ cười của nàng tiểu thư khuê các Mona Lisa trong bức La Joconde của nhà họa sĩ Leonardo Da Vinci vậy! Chúng ta chỉ có thể chờ nhà họa sĩ giải thích giùm ý nghĩa của nó mà thôi!

Muốn nói nhiều nhưng lại bị hạn chế về chữ nghĩa , ngôn từ (tiếng Việt giờ nầy không còn lại bao nhiêu mà tiếng Tây, tiếng U thì cũng lại không biết luôn!) Có một điều, tôi không thấy tác giả đặt tên cho Bức Chân Dung  hiếm hoi của mình. Hậu cảnh của bức chân dung có một vầng sáng đầy hy vọng đi theo với một màu tím mượt mà bên dưới. Đó có phải chăng, vầng sáng bên trên là vầng sáng cuối ngày, trước khi lụi tắt còn như cố ngoi lên để nhìn lại cuộc đời, đầy nuối tiếc. Màu tím bên dưới để cho biết là trời sắp vào HOÀNG HÔN rồi, có phải thế không (thưa nhà họa sĩ).

Vì những nhận xét rất là đơn sơ nêu trên, tôi xin mạn phép đặt cho Bức Chân Dung nầy một cái tên là  "Hoàng Hôn Light"(!) ( để tiện việc chữ nghĩa ) có thể nào được không thưa Ngài họa sĩ của chúng ta.

Thật có phước thay cho những ai, khi tuổi về chiều mà còn có được một cái gì đó khiến mình đam mê hay ưa thích (chẳng hạn như hội họa, văn chương, thi ca , âm nhạc ...) Như vậy, coi như chúng ta có được một người bạn ...đường song hành với chúng ta trong suốt cuộc đời mà người bạn nầy chẳng những không quấy rầy  chúng ta mà còn đem lại cho chúng ta những niềm vui, những hưng phấn khi tìm tòi, học hỏi. Xin chân thành cảm ơn nhà họa sĩ, đã cho xem tranh lại còn giúp có thêm kiến thức về hội họa (sẽ rất có ích cho những lần xem tranh kế tiếp khác)

Xin kính chúc nhà họa sĩ còn tiến xa, tiến mạnh hơn nữa trên con đường nghệ thuật mà mình vốn đã rất ưa thích từ lúc thiếu thời. Điều nầy sẽ còn đem lại cho các ngắm giả nhiều bức tranh khác nữa và chắc chắn cũng sẽ được ưa thích như bức "hiếm hoi" nầy.

Kính
HH

TB: Nhìn bức chân dung tác giả tự họa mình, tôi lại nghĩ ngợi miên man ... Nếu như mình cũng là người Canada thì biết đâu mình lại chẳng có được một bức chân dung trẻ, đẹp (như tác giả) của một thời xa xưa yêu dấu!!!

**

Tôi không ngờ Chị cũng là người phá "tợn"!

Xin cám ơn Chị đã cho bức chân dung một cái tên man mác hoang sơ và thơm mùi hoang dại. Nghĩ tới nghĩ lui cái tên nghe hay tuyệt cú vọ. Nhưng chắc Chị không có mỹ ý rủa cho tôi chết sớm đấy chứ. Mà tôi có chết bây giờ cũng chả lấy gì làm sớm.
Chúc chị ở lại dương gian trường thọ ăn chay nằm đất một mình. Aha!
Quí mến
A.C.La

________________

Bọn giầu từ Hoa Lục muốn qua Mỹ phân vân

vì Đạo Luật the Foreign Account Tax Compliance Act (FATCA)

Bắc Kinh (Theo báo The Epoch Times): Vào ngày 14 tháng Hai năm 2013, bộ tài chánh Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa hiệp với nước Thụy Sĩ về tiền ký thác trong những ngân hàng Thụy Sĩ của những thường trú nhân Hoa Kỳ.

Theo đạo luật kiểm soát tiền đầu tư ở ngoại quốc của cư dân Mỹ có tên là the Foreign Account Tax Compliance Act (FATCA), thì tất cả những cư dân Mỹ, kể cả những thường trú nhân, phải khai báo hàng năm, số tiền mà những người này, ký thác trong các trương mục ngân hàng ở ngoại quốc . Việc này đã gây những xôn xao trong số những người giàu có đã và đang xin di dân qua Hoa Kỳ.

Theo luật FATCA thì tất cả những cư dân Mỹ, kể cả các thường trú nhân, có tài sản gửi ở các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ, nhiều hơn 50 ngàn Mỹ kim, phải tường trình cho sở thuế Hoa Kỳ IRS.

Bắt đầu từ đầu năm 2014, các ngân hàng ngoại quốc, nếu không thông báo cho sở thuế Mỹ tên tuổi của những cư dân Mỹ, có tài sản gửi trong các ngân hàng này , thì sẽ bị phạt.

Bộ tài chánh Mỹ đã ký những thỏa hiệp với trên 50 quốc gia, trong việc truy tầm và đòi thuế của những cư dân Mỹ gửi tiền ở ngoại quốc. Những cư dân cũng như thường trú nhân Mỹ, có tiền gửi ở các ngân hàng ở các nước như Anh, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan, Mễ Tây Cơ, Canada, Hoa Lục, Đài Loan, Canada..v.v. là những nước đã ký thỏa hiệp, sẽ phải thông báo cho sở thuế Mỹ, phải đóng thuế lợi tức, nếu không muốn bị phạt nặng.

Hàng loạt những người giàu ở Mỹ và những thường trú nhân đã xin từ bỏ quốc tịch Mỹ, để tránh thuế. Theo báo Sing Tao Daily thì trong vòng năm 2009 cho đến năm 2011, có 1,781 người có quốc tịch Mỹ xin từ bỏ quốc tịch.

Ông Nigel Green, chủ tịch công ty deVere Group, công ty dịch vụ tài chánh chuyên về di trú thì trong vòng tháng giêng năm 2013 , số khách hàng muốn biết thêm chi tiết vể việc từ bỏ quốc tịch Mỹ gia tăng 48 phần trăm, so với tháng giêng năm ngoái.

Tài tử điện ảnh Hồng Kông Jet Lee, người có hai quốc tịch Hoa Lục và Hoa Kỳ, đã từ bỏ cả hai quốc tịch, chuyển sang quốc tịch Tân Gia Ba. Điều này chứng tỏ cho thấy, quốc tịch Mỹ không còn là một hấp dẫn như trước.

Phần lớn những dân nhà giàu Hoa Lục, đã xin vào là thường trú nhân Mỹ, là những cựu nhân viên chính quyền, đã tham nhũng những số tiền hàng triệu mỹ kim, tìm đường di chuyển ra nước ngoài. Việc xin vào quốc tịch Hoa Kỳ xem ra là một cách thức hữu hiệu trước đây. Nhưng với việc sở thuế Mỹ truy tầm tài sản của các cư dân Mỹ, những người Hoa Lục, xin vào được là thường trú nhân, sẽ phải đóng thuế lợi tức cho số tiền mà những người này đang gửi ở các nước ngoài.

Theo báo The Federal Gazette, thì trong ba tháng đầu năm 2012, có 1,100 người có quốc tịch Mỹ xin từ bỏ để tránh bị đánh thuế. Trường hợp điển hình là ông Eduardo Saverin, một trong những người sáng lập công ty Facebook, là một người Ba Tây, di dân qua Hoa Kỳ từ năm 1998. Ông Saverin đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và xin vào làm thường trú xứ Tân Gia Ba. Việc thay đổi quốc tịch này đã tiết kiệm được cho ông Saverin khoảng 100 triệu mỹ kim tiền thuế lợi tức.

Nhưng muốn từ bỏ thẻ xanh Mỹ cũng không dễ dàng gì. Theo đạo luật gọi là the Heroes Earnings Assistance and Relief Tax Act (HEART) được công bố năm 2008, sau khi có hàng ngàn người Mỹ muốn bỏ quốc tịch.

Theo đạo luật HEART thì những người có thẻ thường trú trong 8 năm, trong vòng 15 năm qua, có số tài sản trên 2 triệu mỹ kim, hay tiến thuế lợi tức đóng trong năm năm qua, tổng cộng 125 ngàn mỹ kim, khi muốn từ bỏ tư cách thường trú, sẽ phải đóng một thứ thuế gọi là “thuế Ra” (Exit tax). Muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ hay thường trú nhân, xem ra cũng không phải dễ.

Về số người Hoa Lục đã xin di dân qua Mỹ, thì trong cuộc họp của quốc hội Hoa Lục, National People’s Congress, vào tháng ba năm 2010, giáo sư Lin Ze của trường chính huấn, The Central Party School, cho biết là trong vòng từ năm 1995 cho đến 2005, có khoảng 1.18 triệu người Hoa Lục, là các đảng viên cộng sản , gồm cả gia đình con cái đã định cư ở Hoa Kỳ.

Những người giàu có Hoa Lục, những tay tư bản đỏ, đã chuyển hàng năm khoảng 10 tỷ mỹ kim tài sản ra nước ngoài. Tám mươi phần trăm của con số 10 tỷ mỹ kim này, chạy vào Hoa Kỳ. Phần còn lại đã được chuyển qua Canada, Úc, Tân Gia Ba, Mã Lai Á , các quốc gia Âu Châu..v.v.

Nhiều bình luận gia đã cho rằng, đạo luật truy tầm tiền ký thác ở nước ngoài, FATCA, của Hoa Kỳ đã giúp Hoa Lục bài trừ nạn tham nhũng. Thật thế những tay tư bản đỏ Hoa Lục đã tạo mãi được gia tài khổng lồ ở Hoa Lục mà không phải đóng thuế. Việc xin thẻ xanh ở Hoa Kỳ chỉ là một cách bảo hiểm: có dịp chạy ra nước ngoài, một khi có những nguy biến. Trốn thuế là một hình tội ở Hoa Kỳ. Vì thế những đảng viên cộng sản, những tay tư bản đỏ, là những người đang gặp khó khăn, nếu từ chối không chịu nộp thuế lợi tức cho chính quyền Mỹ, mà số tiền này có thể lên đế hàng chục triệu mỹ kim cho từng gia đình. Mức thuế FATCA lên đến 30 phần trăm hàng năm.

Thay vì qua Hoa kỳ, những người nhà giàu Trung quốc đang tìm cách qua Canada, Úc, Tân Gia Ba. điều này cũng khiến giá nhà cửa ở Canada, Úc, gia tăng mạnh. Tuy nhiên các quốc gia như Canada, Úc đang có những biện pháp xiết chặt lại luật di trú, trong khi chính quyền Tân Gia Ba đã không muốn nhận thêm những người di dân Hoa Lục: Tân Gia Ba coi Hoa Lục như là kẻ thù số một.

30 March 2013

Chiều Qui Nhơn, thơ


Chiều Quy Nhơn mưa bay tháp Bạc
Anh xa em sợ lạc môi hường
Dang tay níu sợi yêu đương
Lòng nhung nhớ ấy cũng dường nhân đôi.

Hơi gió biển vương màu trời tối
Buốt lạnh hồn ngập nỗi yêu thương
Núi xa mờ mịt hơi sương
Chiều buông lặng lẽ bên đường quạnh hiu.

Sau lưng anh núi xanh còn thiếu
Trước mặt anh sóng điệu dập dồn
Như vây kín cả tâm hồn
Cô đơn mấy nỗi lâm bồn trong anh.

Em có ngắm nghìn sao lấp lánh
Mà ước rằng trong đó có anh?
Tưởng rằng một ánh sao xanh
Dịu dàng âu yếm bủa quanh em rồi.

Anh ơn em một tình thương vội
Dù đó chưa phải mỗi Tình yêu
Nhớ em sáng sáng chiều chiều
Thân em mỏng mảnh còn nhiều lo toan.

Đâu có phải em còn tính toán
Chẳng qua là một nỗi đa đoan
Em còn chưa muốn vương mang
Mối dây hệ lụy bàng hoàng đã qua.

Chim bị thương như vừa thấy ná
Một cành cong với đoá hoa tình
Bạo gan nhặt lấy cho mình
Chút Tình Yêu muộn là tình mênh mông.

Em vui hơn có thấy không?
Ủ hồn em đấy, mặn nồng đêm qua.

s@...

Biện pháp giúp giới chức chính phủ trong sạch

Bốn "không" ở Singapore

Singapore là thành viên của Hiệp hội các nước ASEAN không chỉ được ca ngợi là quốc gia có nền kinh tế phát triển mà còn được đánh giá có một Chính phủ trong sạch. Singapore có bốn kinh nghiệm chống tham nhũng có hiệu quả.

 Tamnhin.net xin giới thiệu đến độc giả bốn kinh nghiệm của Singapore trong chống tham nhũng.

    1. Làm cho quan chức không dám tham nhũng.
    Ở Singapore khi một người được tuyển vào làm công chức, quan chức Chính phủ thì hằng tháng phải trích một phần tiền lương để gửi tiết kiệm. Thoạt đầu trích 5%, sau tăng dần. Người có chức vụ càng cao, thì phần trăm trích ra gửi tiết kiệm càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm lương tháng. Số tiền này do Nhà nước quản lý. Bất kỳ công chức, quan chức nào phạm tội tham nhũng dù nhẹ ở mức xử phạt ra khỏi ngạch công chức thì toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm bị trưng thu.

       Quan chức càng to thì số tiền bị trưng thu càng lớn. Vì vậy, mỗi quan chức khi nảy ý định tham nhũng đều phải tính toán: Nếu tham nhũng, nhận hối lộ mấy trăm, thậm chí cả ngàn đô mà bị tịch thu hàng chục ngàn đô, bị sống trong hoàn cảnh không lương bổng cho đến lúc chết thì mất lại nhiều hơn được. Vì thế, đại đa số chọn giải pháp không tham nhũng; quan chức cấp càng cao, lương càng nhiều càng sợ không dám tham nhũng.

    2. Làm cho quan chức không thể tham nhũng.
    Chính phủ Singapore quy định và thực hiện mỗi năm công chức, viên chức, quan chức phải khai  báo một lần với Nhà nước về tài sản của bản thân hoặc của vợ (chồng) bao gồm: Tiền thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà cửa… Những tài sản tăng lên phải khai rõ nguồn gốc, cái gì không rõ nguồn gốc có thể coi là tham ô, tham nhũng. Nhà nước còn quy định: Quan chức Chính phủ không được phép nợ nần; không được vay một khoản tiền lớn vượt quá tổng ba tháng lương.

        Singapore có thị trường mua bán cổ phiếu, nhưng quan chức Chính phủ muốn mua cổ phiếu phải được lãnh đạo cơ quan chủ quản đồng ý và chỉ được phép mua cổ phiếu của công ty trong nước. Với cổ phiếu của các công ty nước ngoài đang kinh doanh ở Singapore cũng được phép mua, nhưng với điều kiện các công ty đó không có quan hệ lợi ích với Chính phủ. Công chức và quan chức Chính phủ không được phép đến các sòng bạc, nhà chứa.

    Luật Báo chí Singapore quy định những điều khoản nhằm chống tham nhũng trong lĩnh vực này. Theo đó, các nhà báo, ký giả muốn gửi bài viết của mình ra nước ngoài phải qua tổng biên tập xem xét. Khi được trả tiền nhuận bút, nhà báo đó phải báo cáo với cơ quan chức năng của Chính phủ trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được tiền, v.v...

    3. Làm cho quan chức không cần tham nhũng.
    Singapore có chế độ trả lương chênh lệch khá cao giữa quan chức cấp cao với cấp thấp, với công chức và giữa công chức với nhân viên, công nhân. Thu nhập thấp nhất là người bảo mẫu mỗi tháng 400 đô la (Singapore). Nữ công nhân lắp ráp điện tử mỗi tháng từ 600 đến 900 đô la. Công chức cơ quan chính phủ tất cả đều tốt nghiệp đại học, lương khởi điểm khoảng 1.300 đô la. Cấp thứ trưởng lương tháng từ 10.000 đô la đến 20.000 đô la. Thủ tướng lương tháng hơn 40.000 đô la (thời điểm năm 2000). Với mức lương như vậy, quan chức đủ sống và chu cấp cho gia đình mà không cần tham nhũng. Hơn nữa cách trả lương như vậy công chức và quan chức Chính phủ luôn có sự so sánh: Mình được trả lương cao hơn người lao động bình thường rất nhiều. Nếu mình tham ô, tham nhũng nữa thì là kẻ vô đạo lý, mất hết liêm, sỉ. Sự so sánh và tự vấn đó đã làm cho quan chức tự tiêu hủy những tham vọng không trong sáng của mình.

    4. Làm cho quan chức không muốn tham nhũng.
    ở Singapore muốn tham nhũng một thứ gì đó, dù nhỏ cũng rất phiền hà. Ví dụ, khi khách nước ngoài đến Singapore, nếu họ muốn tặng các quan chức nước chủ nhà một món quà để cảm ơn về sự đón tiếp và thắt chặt mối quan hệ thì món quà đó phải mang ý nghĩa văn hóa với giá trị tiền không nhiều. Món quà nào có giá trị 100 đô la Singapore trở lên là họ từ chối hoặc phải xin phép lãnh đạo cơ quan, nếu đồng ý mới được nhận. Nhưng khi nhận rồi lại phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan xem xét. Nếu món quà đó có giá trị tiền quá mức quy định và quan chức đó vẫn muốn nhận thì phải nộp tiền. Số tiền nộp thêm đưa vào tài khoản quỹ “nộp phạt” của Chính phủ.

    Chuyện kể rằng, một phái đoàn quan chức của Chính phủ Singapore được cử sang một nước nọ để ký một hiệp định liên doanh sản xuất. Nhận thấy hiệp định này đem lại nhiều lợi ích cho mình, giới chức nước chủ nhà đã tặng những món quà lưu niệm có giá trị cao cho quan chức đoàn Singapore. Bởi sự quá nhiệt thành của chủ nhà, họ không sao từ chối được. Nhưng cứ nghĩ đến việc khi về nước lại mang quà biếu này đến cơ quan khai báo, phải mua lại và chuyển tiền vào tài khoản quỹ “nộp phạt” thì quả là phiền toái. Cả đoàn đều phải “đành lòng” viết thư cảm ơn và gửi lại quà ở sân bay trước khi trở về Singapore.

(Người chuyển: CATBUI)

29 March 2013

Sau 13 năm "học tập cải tạo"

Saigon 1988 - 
Đón người thân "học tập cải tạo"(!) từ miền Bắc trở về tại ga Saigon.


Gõ lên hình để phóng lớn.
(Người chuyển: ĐM Hùng, ĐS13 
___________________________________

Người về sau 13 năm tại miền Bắc:Ngày đi tóc vẫn còn xanh,nay về tóc râu đã bạc,hom hem trong bộ áo tù màu xám.Người vợ sau 13 năm gian khổ mỏi mòn,tóc cũng đã hoa râm,răng cũng rụng dần nhưng vẫn còn chút xuân sắc của một thời mệnh phụ.Người con,cằn cỗi với tháng năm trong một xã hội phân biệt đối xử vì cha anh là tù"cải tạo",nức nở ôm tay cha già,sau anh là em anh cũng đang lau nước mắt.
Những giọt nước mắt này phải chăng để mừng đời "giải phóng" hay ứa ra từ nỗi đớn đau của những người thua cuộc?
Bạn có thể quên vì bạn chưa sống với người Cộng Sản.
Anh có thể quên vì anh ở nước ngoài từ 1975.
Em có thể quên vì em sanh ra sau 1975.
Nhưng tôi,tôi không quên được dù tôi muốn quên đi.Bức hình này làm tôi ứa nước mắt mỗi khi nhìn.Ở đó tôi thấy thân phận bạn bè tôi,đồng đội tôi,vợ con tôi và bản thân tôi của một thời dĩ vãng.
Chỉ vì tôi là người trong cuộc!
(Nguồn:Unknown).
_____________________________________

Đây không phải là những giọt nước mắt của một gia đình mà là những giọt nước mắt cay đắng, buồn tủi của cả một dân tộc ...Dân tộc Việt Nam.
____________________________________

Riêng có người khi về có ai đâu mà đón,bước xuống xe từ xa nhìn chổ vợ con mình ở,không dám vào ngay,cứ đứng xa mà ngóng thật lâu,có lẽ đó là con mình..cảm giác thật hân hoan ,hồi hộp mà đau xót trong lòng ,thầm cầu nguỵên xin đừng thấy chiếc nón cối nào..
 

Lô Trung Tiểu Hỏa, thơ Trần Văn Lương

Dạo:
     Bập bùng ngọn lửa trong tim,
Láo liên con mắt đi tìm chốn nao.

         

,
,
,
.
             

Âm Hán Việt:
       
       Lô Trung Tiểu Hỏa
Phách sơn thác mịch cựu vân tung,
Phá kính vọng cầu tích nhật dung,
Hố thủy si tâm tầm lý ảnh,
Hồi gia, hỏa vị tức lô trung.
     Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

         Đốm Lửa Nhỏ Trong Bếp Lò

Xẻ núi lầm lẫn đi tìm vết chân của đám mây cũ (đã bay qua),
Đập vỡ kính sai lầm mong cầu (được lại) bóng dáng ngày xưa, (1)
Lòng ngu si tát nước để tìm hình ảnh của con cá chép, (2)
Quay về nhà (mới thấy) lửa chưa tắt trong bếp (3)

Ghi chú:

(1)     Khóc Thị Bằng của Tự Đức:
       ...
       Đập cổ kính ra tìm lấy bóng"
       ...
(2) Bích Nham Lục, tắc 7, Huệ Siêu Vấn Phật

Bài Tụng của Tuyết Đậu :

             Giang quốc xuân phong xuy bất khởi,
             Chá cô đề tại thâm hoa lý.
             Tam cấp lãng cao ngư hóa long,
             Si nhân du hố dạ đường thủy.

Nghĩa :

             Ở Giang quốc, gió xuân thổi không lên,
             Chim chá cô kêu hót trong rừng hoa.
             Sóng cao ba bực con cá đã hóa rồng (bay mất),
             Kẻ ngu si vẫn còn tát nước tìm trong ao đêm.

(2) Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9, Qui Sơn Linh Hựu Thiền Sư

Sư (Qui Sơn) một hôm đứng hầu thầy là Bách Trượng.
Bách Trượng hỏi:
    - Ai đó ?
Sư đáp:
    - Là con.
Bách Trượng bảo:
    - Con vạch trong bếp xem có lửa không.
Sư vạch bếp xong thưa :
    - Không có lửa.
Bách Trượng đứng dậy, vạch bếp thật sâu, tìm ra chút lửa giơ lên và nói:
    - Sao bảo là không có lửa ?
Sư bỗng nhiên đại ngộ, lễ bái và trình kiến giải.

Phỏng dịch thơ:

                Lửa Bếp
      Xẻ non tìm dấu mây qua,
Đập gương mong gặp nét hoa năm nào,
      Dại khờ cố tát cạn ao,
Về khơi bếp, lửa may sao vẫn còn.
            Trần Văn Lương
             Cali, 03/2013

Lời than của Phi Dã Thiền Sư :
         Mây bay qua nào để lại dấu vết trong núi.
         Người đi rồi nào còn gì để lại trong gương.
         Cá hóa rồng rồi đâu còn để lại ảnh trong ao.
         Thế mà chúng sinh vẫn mê mờ xẻ núi tìm mây,
         đập gương tìm bóng, tát nước tìm cá.
         Nào hay ngọn lửa trong bếp vẫn còn luôn âm ỉ!

Xem tranh

The burden of water


The burden of water, tiêu đề của bức tranh thật hay, nhưng hiểu thế nào cho đúng nhỉ: Gánh nước hay Nợ nước? Hình ảnh “lao cải” ở trại tập trung rừng Xuyên Mộc, một địa danh cùng hàng trăm địa danh khác trên khắp đất nước Việt nam ở đấy người miền Nam, đặc biệt là trí thức, đã chịu mọi hành hạ, tra tấn, trả thù về thể xác và sỉ nhục về tinh thần dưới danh xưng ngụy tạo là “lao động cải tạo” được đám người mệnh danh là “bên thắng cuộc” hả hê điều hành.

Lịch sử nhân loại cho thấy đa phần các cuộc chinh phạt được thực hiện bởi các dân tộc văn minh hơn lên các dân tộc kém văn minh hơn. Cho dù không tin vào mỹ từ khai hóa, ít ai có thể phủ nhận được rằng quả thật dân trí Việt nam được nâng cao rất nhiều và tinh hoa dân tộc đã nở rộ ở đỉnh điểm vào tiền bán thế kỷ 20 dưới thời thực dân Pháp đô hộ. Thực dân có phi nhân thế nào đi nữa thì các dân tộc bị đô hộ cũng đã được khai hóa ít nhiều. Thật chẳng may khi một dân tộc văn minh lại bị bọn rợ tràn vào tàn sát và vơ vét, phá hủy hết dấu tích văn minh, lại còn nhân danh rằng mình văn minh hơn. Dương Thu Hương, một chiến binh của bên thắng cuộc, là người sớm nhận ra thảm kịch này ngay giây phút đầu tiên bước chân vào Sài Gòn hoa lệ: “Chế độ man rợ đã thắng chế độ văn minh.”

Bức tranh đã cho thấy giới trí thức, khoa bảng miền Nam “được” giáo dục, cải tạo như thế nào bởi những người cùng chủng tộc với họ. Gánh nước tưới cây, tưới rau xanh, công việc quen thuộc và sẽ nhuần nhuyễn mau chóng thôi. Dưới bộ cánh tả tơi, chiếc nón lá tơi tả, người tù trí thức có lẽ cũng phải thường xuyên gánh cái thứ vật chất mà Mao “đỉnh cao trí tuệ” so sánh trong câu nói nổi danh. Đó là cách trả thù kinh điển đối với trí thức không cùng ý thức hệ được ghi nhận ở khắp các nhà tù từ bắc chí nam, từ Đầm Đùn đến Cổng Trời, ở mỗi giai đoạn lịch sử từ Nhân văn Giai phẩm đến tập trung cải tạo 1975.

Sống gần sông nước, thoát thai từ tiền đồ dân tộc hiếu hòa nhưng CS đã chối bỏ mọi thứ, hăm hở muốn trở thành một loại siêu thực vật nhưng rốt cuộc chỉ là một nhánh cây khẳng khiu, trơ trụi bên suối nước. Tiền đồ dân tộc rồi sẽ như một bóng đại thụ, vượt lên che khuất đi loài thực vật độc địa, hạ đẳng nằm dưới gốc. Bên kia con suối, người tù lê bước chân dưới gánh nặng đôi thùng nước như nợ núi sông, vẫn thấy ánh mặt trời chan hòa xuyên cành lá, và hình như thấp thoáng chinh phụ bồng con đứng đợi!

PNC, ĐS 20

28 March 2013

Bút ký nhân du lịch miền bắc Thái Lan * (3)

Loạt bài viết của một đồng môn mà phần chót đăng dưới đây không thuần túy chỉ là một bút ký mà còn là những suy tư khắc khoải của một trí thức lo lắng đến tương lai của dân tộc và đất nước mình. Một đất nước chỉ được gọi là văn minh khi người dân cảm nhận được mình có hạnh phúc giữa một cộng đồng hạnh phúc.
Cần phải để mặt hồ lắng xuống thì, như một sử gia nói, ta mới nhìn thấy rõ hình hài của mình phản chiếu trong đó. Cần phải soi, soi đi soi lại, may ra mới thấy cái hình hài đôi khi rất kệch cỡm mà bấy lâu không hay.
Hãy đọc để chia sẻ nỗi khắc khoải với người bạn của chúng ta hiện đang sống nơi quê hương mà một trăm năm sau chưa chắc đã bằng lân bang của ngày hôm nay ... (TTR)

(3 và hết)

Mối tương kính giữa người và người,
giữa người và vật
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường, bắt đầu chuyến thăm miền bắc đất nước này. Bà sui chu đáo cho chúng tôi xôi, cơm nắm, và đậu mè. King chọn đường tắt đi Chiang Mai. Đường hai chiều, nhỏ hơn đường hàng tỉnh nhưng tốc độ trung bình vẫn trên 100 km. Hai bên đường rừng bạt ngàn. Diện tích của Thái Lan là 513 nghìn km2 với 66 triệu dân, Việt Nam ta chỉ có 331 km2 (chưa kể đất mất vào tay Trung cộng chưa được minh bạch hóa) _ bằng hai phần ba diện tích của Thái Lan – dân số lại gấp rưỡi Thái Lan. Ngày nay, rừng Việt Nam còn lại rất ít mà ngày đêm vẫn còn bị lăm le tàn phá tiếp để khai thác gỗ, làm thủy điện, làm sân golf và dự án, nay mai chắc chẳng còn gì để lại cho con cháu. Ấy thế mà một thời học sinh được giáo dục lòng tự hào dân tộc rằng đất nước ta giàu có, rừng vàng, biển bạc, đất kim cương!

Trên đường đi, con gái tôi chỉ một bệnh viện địa phương mới xây xong, cho biết bệnh nhân được chữa bệnh miễn phí, được chăm sóc chu đáo, ân cần, thuốc men cấp đầy đủ. Bệnh nhân nào đi khám ở bệnh viện không thuộc địa bàn của mình vẫn được khám theo tiêu chí chung, chỉ phải đóng thêm chi phí khoảng 20 baht (khoảng 14,000 VND), chưa đến một dollar! Ở Việt Nam, tất cả những bệnh viện ở tuyến cao và thành phố lớn đều luôn luôn quá tải, một giường hai ba bệnh nhân. Nhiều trường hợp bệnh nhân hay thân nhân nuôi bệnh nằm ngay dưới gầm giường, còn ngoài hành lang hay trong sân bệnh viện dầy đặc thân nhân bệnh nhân. Bệnh nhân vào đây phải chịu nhiều gánh nặng chi phí: bệnh phí (tăng thường xuyên), giá thuốc cắt cổ, chi phí lót tay cho bác sỹ và y tá. Ở những bệnh viện như ung bướu Gia định, bệnh nhân quanh năm đông như trẩy hội, là đất làm ăn cho bọn móc túi, trộm cắp (Coi chừng kẻ gian móc túi, rạch giỏ! Là tấm biển quen thuộc ở những nơi đông người). Tội nghiệp nhất là những bệnh nhân “dưới quê lên” hay ở tỉnh về: nghèo đói nhếch nhác, không đủ tiền chữa bệnh sống vất vưởng tại các bệnh viện. Họ thường chìa nón xin tiền để có tiền chữa bệnh. Rõ ràng họ còn khổ hơn cả chị Dậu ngày xưa. Còn các quan lớn quan bé hễ mới hắt hơi xổ mũi đã vội vã ra nước ngoài chữa bệnh. Mới đây, một đại biểu quốc hội bỏ họp hàng năm với lý do: du lịch tại Anh kết hợp khám bệnh định kỳ. Ôi, những nghịch lý đến tàn bạo!

Xe chạy suốt, thỉnh thoảng ghé vào cây xăng để tiếp nhiên liệu, đi vệ sinh hay ăn uống, phục vụ đầy đủ như bất kỳ một cây xăng nào ở Tây phương. Hai đứa cháu ngoại chúng tôi tọt ngay vào 7 Eleven – một kiểu mini supermarket cây xăng nào cũng có – chọn thức ăn cho chúng, đem ra quầy để mẹ chúng đến … tính tiền (Hình 1010311: 7 Eleven có mặt ở bất kỳ cây xăng nào). Có lẽ ở Việt Nam chưa có một cây xăng nào được trang bị như thế này. Xe tắp vào đây, 90% là honda, với mục đích duy nhất là đổ xăng. Không ai tin vào tính lương thiện của các cây xăng, và khách hàng luôn nghĩ rằng mình đang bị bóc lột, ăn gian lộ liễu bằng rất nhiều cách: đong thiếu, ăn gian, xăng pha chế ... Họ giận dữ lắm nhưng rồi đành chịu thua, vì đây là sự móc nối, toa rập của nhà nước và chủ các cây xăng, vốn là sân sau của các ông to trên bộ. Chẳng có cây xăng nào ở VN có dịch vụ vệ sinh công cộng cả. Một thời du khách đến Việt Nam khổ sở vì cái toilet! Toilet công cộng nói chung ở nước ta hầu như không có. Đang đi ngoài đường mà du khách có nhu cầu vệ sinh thì xem như … tiêu đời. Họ đành bắt buộc từ bỏ thói quen ở quê nhà để thực hành cung cách của người Việt, đó là làm những gì ở ngoài đường (tè bậy) trong khi người Tây phương thường làm ở trong nhà và ngược lại. Chính vì vậy mà khắp nẻo đường đất nước, không ít nơi công cộng ta thường thấy chữ “Cấm đ… bậy!” Khách đi đường liên tỉnh cũng một thời được thưởng thức món “cơm tù” quen thuộc. Tài xế đã móc nối với chủ quán cơm nên chọn đúng chỗ để ghé vào để khách đi vệ sinh, bù lại chủ nhà xe được ăn miễn phí. Xe khách vừa vào sân nhà hàng thì một hàng rào lập tức được quây lại ngay. Hành khách không có chọn lựa nào khác là phải ăn tại đây với giá cắt cổ, ai cự cãi hay bỏ đi là ăn đòn, có khi bị đánh đến chết! Tết năm nay nhiều nơi du khách phải trả giá ăn uống và dịch vụ cắt cổ: năm chén cơm trắng giá một triệu đồng! Một quả dừa xiêm giá 500,000 đồng. Tất cả kẻ cướp này đều tuyên bố rằng họ làm như vậy vì không cần … gặp lại du khách lần thứ hai. Vì không có nơi dừng tiện nghi như vậy nên tài xế xe khách thường dừng ở một ven đường vắng vẻ và … quen thuộc. Hành khách nam nữ cứ thế ùa vào các bụi cây mà xả bầu tâm sự. Cả một đất nước không cảm thấy có nhu cầu bảo vệ môi trường nên cũng chẳng cần gì phải thân thiện với nó!

27 March 2013

Chuyện động trời!

ĐỀN HÙNG ĐÃ BỊ TRẤN YỂM?


File:Đền Hùng, đền Thượng.jpg
Đền Hùng-Thượng tại đỉnh núi Tản Viên trong dãy núi Ba Vì.

Lời BBT: Một bản tin báo động của Nguyễn Xuân Diện, khi anh khám phá ra 1 vật lạ trong Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Anh nghi ngờ hòn đá này là bùa trấn yếm để triệt hạ long mạch và sinh khí dân tộc Việt Nam. Bản tin này đưa lên nhằm tìm kiếm người giải mã về các chi tiết được ghi trên hòn đá. Mong quý độc giả trang nhà HenNhauSaiGon2015 cùng nhau góp tay để bạch hóa vấn đề này.

Hình ảnh dưới đây là hòn đá có chiều cao khoảng 1m (một ảnh mặt trước, một ảnh mặt sau), được cho là một đạo bùa trấn yểm hiện đang đặt tại ĐỀN THƯỢNG, thuộc khu Di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Nhiều khách hành hương về Đất Tổ đã rất hoang mang lo lắng về hai đạo bùa này. Họ cho rằng đây là đạo bùa do người Tàu trấn yểm nhằm triệt hạ long mạch của Đất Tổ và qua đó triệt hạ cả dân tộc ta.

 


Khẩn cấp đề nghị: Ban Tuyên giáo, Bộ Công an, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ và Ban quản lý Di tích Đền Hùng nhanh chóng vào cuộc và sớm trả lời cho nhân dân được biết:

    - Ai là người sai đặt đạo bùa này vào Đền Hùng? Từ bao giờ?

    - Đạo bùa này có liên quan gì đến một thế lực nào từ Trung Nam Hải không?

Đồng thời đề nghị khẩn cấp vô hiệu hóa đạo bùa này và di dời nó khỏi khu vực di tích Đền Hùng trước lễ hội Giỗ Tổ năm nay. Và huy động các phương tiện thông tin đại chúng giải thích rõ để đồng bào yên lòng hành hương về chiêm bái Đất Tổ. Xin cũng đồng thời thỉnh các bậc cao sĩ tương trợ giải mã về đạo bùa này!

Nguyễn Xuân Diện
_______________
Người chuyển tin:

Theo tôi biết hình vẽ nầy đúng là lọai bùa chú viết theo kiểu bùa Lổ ban và thường thấy của mấy đạo bùa của môn phái võ Thần Quyền Việt Nam cổ truyện Hy vọng các bậc Sư Tổ,Sư Trưởng của môn phái có thể giải thích cho mọi người được biết có phải đó là bùa Trấn Yễm long mạch tại đền Hùng không? và hảy đập bể,phá bỏ nó đi mong lắm thay..

26 March 2013

VƯỢT BIỂN MỘT MÌNH

Tác giả, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose, đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ do Việt Báo chủ xướng. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Bài sau đây trích, kể chuyện một mình vượt biển giữa thập niên 80’ và trở thành cô giáo cho những thiếu niên không thân nhân tại trại tị nạn.
Ngày 30 tháng Tư 1975, Saigon sụp đổ. Những gia đình đang ở trong các cư xá sĩ quan, cư xá công chức bị đuổi ra khỏi nhà. Cùng chung số phận, gia đình chúng tôi bị đuổi khỏi mái nhà thân yêu trong cư xá, nơi chúng tôi có một thời nhỏ dại êm ả. Mẹ đưa chúng tôi về căn nhà riêng Ba Mẹ đã xây nên bằng công sức của Ba Mẹ, nhưng nhà này cũng bị tịch thu. Sau hai lần mất nhà, chúng tôi lớn lên như câu ca dao:
 "Còn cha gót đỏ như son,
 Mất cha lăn lóc như lon sữa bò."
Ba chúng tôi còn sống, nhưng đang bị đầy ải trong trại cải tạo ở núi rừng âm u đầy chướng khí của miền Bắc. Những ngày u ám đó in hằn vào đầu óc của chúng tôi, khiến chúng tôi trưởng thành sớm hơn tuổi của mình, vì chỉ được xã hội cho nếm mùi cay đắng.

Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người. Cũng như rất nhiều người vợ lính khác, Mẹ đảm đang, xuôi ngược nuôi chúng tôi, nuôi Ba trong các trại tù cải tạo từ Bắc vào Nam. Tất cả những điều đó đẩy chúng tôi đến đường cùng, không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chính mạng sống của mình đánh cuộc với định mệnh, với đại dương. Còn nhớ thời đó, người dân miền Nam Việt Nam vẫn truyền miệng một câu ngạn ngữ của thời đại "Một là con nuôi mẹ, hai là mẹ nuôi con, ba là con nuôi cá." Cứ thế một hai ba Mẹ lo cho con một mình vượt biển. Khả năng vượt thoát chỉ là một phần ba. Ròng rã gần mười lăm năm dài, từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1990, hàng trăm ngàn thuyền nhân (hay theo như cách gọi của UNHCR United Nations High Commissions for Refugees, Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc là "Boat People") đã đến được bờ bến tự do. Cùng lúc, hàng trăm ngàn thuyền nhân khác gởi thân vào lòng đại dương.

Chưa qua khỏi tuổi thơ, nước mất, nhà tan, chúng tôi, không có thời mới lớn, tự động bước vào tuổi trưởng thành trước những khó khăn của Mẹ, vượt quá nỗi khổ của bà Tú Xương ở thế kỷ mười chín, vừa nuôi chồng trong tù cải tạo, vừa nuôi một bầy con dại còn ở Tiểu học hoặc ở những năm đầu Trung học. Từng đứa một, khi có điều kiện, Mẹ gởi chúng tôi ra đi.

Đến phiên tôi, Mẹ chỉ đưa được tôi ra bến xe liên tỉnh để đi Vũng Tàu. Cả hai mẹ con đều đội nón lá rộng vành để che những giọt nước mắt lã chã rơi không ngừng. Mẹ khóc nhiều hơn những lần đưa các anh em trai của tôi ra đi, vì tôi là con gái duy nhất trong nhà, thân gái dậm trường. Ngồi trên xe đò từ Saigon về Vũng Tàu, trong một góc xe đò, tôi úp nón lên mặt, để che đôi mắt sưng đỏ vì khóc của mình.

Gần một tuần lênh đênh trên đại dương, chỉ có trời và nước, xanh thẫm ban ngày, đen kịt ban đêm, không có cả một cánh chim, tôi nhớ Ba, nhớ Mẹ quay quắt, nhưng vẫn hài lòng với chọn lựa của mình. Hai ngày đầu, như mọi người trong lòng thuyền, tôi bị say sóng, nôn ra cả mật xanh, mật vàng. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là "mửa mật". Vậy mà chỉ hai ngày sau, quen dần với cảm giác bập bềnh của con thuyền nhỏ trước lực đẩy của nước ở đại dương, tôi tỉnh táo lại hoàn toàn với đầy đủ sinh lực của "tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu" mặc dù đã hai ngày không ăn uống. Khi thuyền ra hải phận quốc tế, chúng tôi được lên khoang thuyền hít thở không khí trong lành đầy vị mặn của đại dương, hình như có thoang thoảng mùi vị của tự do.

May mắn hơn những người tỵ nạn khác, chúng tôi đi bình yên, không gặp một thuyền nào khác. Trời êm biển lặng vào tháng sáu đầu mùa hè đưa chúng tôi đến thẳng đất liền của Mã Lai sau năm ngày sáu đêm lênh đênh trên biến.

Lên tới đất liền, cùng với chú lái tàu, tôi phải vận dụng vốn liếng tiếng Anh hạn chế đã tích lũy trong những tháng năm chuẩn bị vượt biên để giải thích cho nhân viên Cảnh sát Mã Lai biết chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi đặt chân đến đây. Đó chỉ là lần đầu, một khởi đầu kéo dài mãi cho đến bây giờ, phải giải thích tương tự cho rất nhiều người khác nhau thuộc nhiều chủng tộc hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ quê hương ra đi để sống đời lưu vong.

Ảo thuật giữa tuần:

Chỉ còn hai chân vẫn đạp xe đạp.

VÀI CẢM NGHĨ VỀ CUỘC TRIỂN LÃM TRANH

 CỦA HỘI HỌA SĨ VIỆT NAM

Chu Tất Tiến. M.S.P.

Từ thời các họa sĩ xa rời phong cách “chân dung” của thời Phục Hưng, nghệ thuật hội họa đã trở thành một nghệ thuật “Không thể tiên đoán”, vì sức tưởng tượng của các họa sĩ đã biến hóa vô cùng. Những trường phái Cubic, Impressionist, Modernity, Expressive Type, Utopia.. càng ngày càng đem lại những khám phá mới về vũ trụ, nhân sinh quan, tâm sự con người cũng như những liên hệ nhân quả giữa con người với nhau, khiến thế giới hội họa ngày nay như biến thành một thế giới Thứ Ba, tuy sống giữa lòng người, nhưng lại phảng phất mơ hồ trên một tần số nào đó, không có thực.

Hội Họa Sĩ Việt Nam (hoasivietnam.com) mà  địa điểm giao lưu chính ở Nam California, với sự gói ghém của Họa Sĩ Vi Vi và Cát Đơn Sa, vẫn thường xuyên đưa người thưởng ngoạn nghệ thuật tới những tầng mây tưởng là gần gụi nhưng lại xa cách  này. Cuối tuần lễ thứ 3 của tháng 3 năm 2013, 96 bức tranh của hơn 20 họa sĩ từ các phương trời đã được trình bầy tại Hội Trường Văn Lang, thành phố Westminster. Có những bức tranh đến từ miền cực Bắc nước Mỹ, hay từ miền Đông. Có bức lại được hoàn thành bởi bàn tay y sĩ như Bác Sĩ trẻ Huỳnh Khanh. Một số bức họa lại được tô dũa từ bàn tay của người cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, Đèo Chính Mung, và người bạn đời của anh, Họa sĩ Lam Thủy, tốt nghiệp từ trường Mỹ Thuật Saigon. Chính Mung với “Xuân Muộn” là một cành hoa Magnolia đang từ từ khép lại giữa một khung trời tím Huế, làm cho người xem tưởng như chân mình cũng đang dừng lại và không muốn bước thêm. Bức tranh sơn mài của Lam Thủy, “Như Như Tự Tại”, là một ý niệm về Thiền rất đạt. Người thiếu nữ khỏa thân đang ngồi Thiền, nửa trắng, nửa đen, với những làn sóng cám dỗ đang cố chiếm ngự thân thể này, nhưng rồi cũng phải lãng đãng rời xa như những đám mây đang tan biến. 

Nguyễn Vũ, người đã đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật năm xưa, vẫn ung dung với tranh lụa là sở trường của anh, giờ này lại dẫn người xem trở về thăm “Phố Cổ Hội An” với một thương tiếc bàng bạc, nhẹ nhàng. Trong khi đó, Ái Lan, đã dùng những chất liệu lạ như vải bố, và những chùm sơn dầu đã khô để thể hiện giấc mơ của cô trong các thiếu nữ xuân thì, khỏa thân với bộ ngực trong suốt như ngọc, làm liên tưởng đến những phim thần thoại. Người bạn đời của cô, Trương Đình Uyên, với phấn tiên, đã ghi lại chân dung của Ái Lan trầm mặc, xa xăm, một thiếu phụ trẻ nhưng suy tư trùng trùng.

Cũng khắc khoải như Ái Lan, nhưng căng thẳng về cuộc đời hơn là Hoàng Ân với “Trắng Lạnh”, một thiếu nữ khỏa thân trắng nõn, ngực hướng về những mảng mầu co cụm, quẩn quanh, giăng giăng mù mịt.

Bên cạnh đó, Nhà giáo Đặng Ngọc Sinh, có lẽ suy tư về cuộc đời nhiều quá, nên tranh của ông, “Soi bóng”, thật bàng hoàng với những nét cọ lớn, đẩy bóng nọ sang bóng kia, hư vô, không tưởng. Còn người họa sĩ lão thành Nguyễn Văn Bẩy, người đã đoạt giải danh dự của Thượng Viện California năm trước, vẫn đưa người xem đến một nỗi buồn lê thê. Bức tranh “Ánh Sáng và Niềm Tin” ghi lại những khuôn mặt đăm chiêu bên các chiếc nón lá đặc thù của Việt Nam đã sáng lên dưới các ngọn nến trước Thánh Đường Saigon, đang tin tưởng vào một sự chuyển hóa sẽ bùng lên rưc rỡ, đem lại cho dân tộc một liều thuốc hồi sinh.  Cũng với phong cách điềm đạm của người đã quá trung niên, nhưng tâm hồn trẻ trung thì không đổi, Huy Dũng đã làm người thưởng ngoạn thấy lạ lùng vì những bức tranh của ông đều là tên và dòng nhạc quý mến năm xưa. “Đành quên sao em” (Sao em nỡ đành quên..), “Phố Vắng Em Rồi” (Mưa rơi hắt hiu xuyên qua mành..), và “Con đường xưa em đi”.. Phong cách Impressionist của ông đã thể hiện tuyệt vời trong bức “Đành Quên Sao Em” với những nhân vật buồn, cô đơn, gượng gạo. Em cúi đầu đi lặng lẽ, chấp nhận không quay đầu nhìn lại, để cho anh nhón bước theo sau, u sầu, tuyệt vọng.

Và, cuối cùng là những bức tranh của hai nhân vật tổ chức chính của buổi triển lãm này, Cát Đơn Sa, tức ca sĩ Diễm Châu và Vi Vi, làm người xem thật ngạc nhiên. Khi Cát Đơn Sa, lấy tên theo đia phương “Đơn Sa” nơi cô sinh ra và lớn lên, hồn nhiên với Sen Đồng, Ôm Mẹ, và Đi Chợ Mùa Xuân, gợi cho ai đó những cảm xúc nhẹ nhàng nhớ lại thời niên thiếu, thì Vi Vi đã làm cho thế giới hội họa rùng mình vì sức mạnh âm thầm trong mỗi bức tranh của anh. Người thưởng ngoạn phải suy nghĩ, tìm tòi từng nét cọ, từng mầu sắc để thấy đàng sau những bức tranh im lặng đó, là cả một núi lửa gầm gừ, chờ giờ bật tung. Đạo diễn Nguyễn Tiến Đức, sau khi chiêm ngưỡng bức “Tự Do và Nữ Thần Tài” đã thốt lên: “Đây chính là một Green Politic!”. Các loại đồng tiền của thế giới tự do (không có tiền của Cộng Sản) đã được anh ghi lại thật công phu, bay lượn quanh tượng Nữ Thần Tự Do, nhưng chân của Nàng lại dẫm lên quả cầu thế giới để lộ ra  dáng chữ S của nước Việt dịu dàng và ngón chân Nàng, ngón chân của Tự Do, lại đạp lên nước Trung Hoa, kẻ thù của dân tộc! Thật hùng tráng! Các bức “Dáng Sen” và “Samson Delilah” của anh là một pha trộn giữa huyền thoại Đông Phương và hiện thực Tây Phương, những chiếc lá sen, lông công bao quanh những thân thể khỏe mạnh, ngọc ngà như Nữ thần Ái Tình Venus làm người xem tưởng như đang chu du lồng lộng khắp bầu trời tưởng tượng.

Hội họa ngày nay như đang tiến vào một kỷ nguyên sắc mầu mới, lạ lùng và mênh mông, đưa tầm nhìn của con người lên một tầng cao hơn là những vật dục, phù du chóng nở, sớm tàn. Các Họa Sĩ Việt Nam hiện nay là những chuyến tầu chở chúng ta trong một hành trình đến chỗ vĩnh cửu: Hội Họa, vì Con Người có thể mất đi, nhưng hội họa sẽ còn mãi mãi.

Chu Tất Tiến.

25 March 2013

Tâm Tình của Người Nhiếp Ảnh Yêu Thiên Nhiên


Năm nay nơi tôi ở, khí hậu khắc nghiệt hơn mấy năm trước, khi lạnh thì lạnh quá mức, nhiệt độ nhiều ngày dưới -17 hay -20 độ F (-8, -6C). Cũng may là không phải đi làm nữa, nên khí hậu không hành tôi được như xưa. Tuy nhiên phải nhốt mình trong nhà cũng khó chịu lắm, những ngày có tuyết, tôi thèm lái xe ra công viên để chụp ảnh, vì biết sẽ có cảnh đẹp. Tôi thích khung cảnh rặng cây trơ trụi, được tuyết phủ trắng cành, và tuyết trắng trên những ghế đá v..v... Nhưng nếu tôi có lái xe được đến đấy, chưa chắc đã lái xe... ra được. Bởi những nơi này tuyết cao cả nửa thước. Tôi nhớ mùa đông năm 75, ngày đầu tiên thấy tuyết rơi, những bông tuyết trắng nhẹ bay bay trong không gian...đẹp quá mức, chúng tôi đã lái xe vòng vòng các phố để xem tuyết, thế rồi lạc vào một khu công viên, và xe bị mắc kẹt nơi đó, không sao ra được, khu này vắng, không ai lái xe đến nơi này vào ngày tuyết như vậy! Ngày đó chưa có điện thoại di động. Nên không biết cầu cứu ai, nếu có bỏ xe, lội bộ để ra con đường chính, cũng khá xa, và nhất là rất lạnh khi không mặc đủ ấm cho trường hợp bất tử đó... . Chúng tôi không biết xoay xở ra sao...Sau, có lẽ một người nào đó ở xa đã nhìn thấy xe chúng tôi "cô đơn" trong biển tuyết trắng, đã đoán chúng tôi đang gặp nạn, nên gọi hãng xe kéo đến cứu người. Kinh nghiệm của ngày ấy, đã khiến chúng tôi không dám lái xe vào những nơi như vậy khi có tuyết.

Bây giờ đã bước vào tháng ba, nhưng khung cảnh chung quanh vẫn là mùa đông, ngoại trừ những loại thông còn xanh lá, các cây cối khác đều giơ bộ xương khô. Những cành trụi lá, mầu xám, trông thật ảm đạm. Chỉ còn mây trên bầu trời là giúp chúng coi được mắt một tý. Tôi mê thu hình những cành cây trụi lá, khoe xuơng trên bầu trời nhiều mây. Trông chúng tuy buồn nhưng vẫn là những hình ảnh lôi cuốn tôi nhiều hơn những cảnh vui. Thấy chúng như gần gụi với mình. Hình như có một sự cảm thông nào đó giữa người và cảnh.

Cho nên hôm nào hàn thử biểu lên được trên 36 độ (+2C), tôi cũng khăn áo cho mình thật kỹ để đi bộ, tôi vẫn thích thở hít khí trời thiên nhiên hơn là phải tập thể thao trong các phòng Gym của thành phố.

24 March 2013

Độc hành và Tọa kháng vạch mặt CSVN vi phạm nhân quyền

Thông Cáo Báo Chí
(Ngày 25 tháng 3 năm 2013)

Về chương trình “Độc hành cho nhân quyền Việt Nam”

Tôi tên là Trương Quốc Việt, 31 tuổi, một công dân Việt Nam hiện đang tạm trú tại Melbourne, Victoria. Chương trình “Độc Hành cho nhân quyền Việt Nam”  là tên của chuyến đi độc hành 25 ngày xuyên qua các thành phố và thị trấn chính của các tiểu bang Victoria, New South Wales, Queensland và ACT của nước Úc mà tôi sẽ thực hiện vào ngày 1 tháng 4 năm 2013 nhằm gây sự chú ý và quan tâm  của quần chúng Úc về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại quê hương của tôi, đồng thời kêu gọi mọi người dân Úc mà tôi gặp dọc theo lộ trình ký vào một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ Úc Đại Lợi ngưng chương trình Viện Trợ Phát Triển của Úc cho chế độ đàn áp nhân quyền cộng sản Việt Nam.

Chính tôi đã là một nạn nhân  của sự oan ức và chà đạp nhân quyền của nhà nước Việt Nam vào năm 2009. Nhà và đất của gia đình tôi đã bị nhà nước và công an giựt sập, phá nát một cách phi pháp và riêng tôi đã bị công an bắt,  đánh đập và bỏ tù với tội danh “chống người thi hành công vụ”.    

Vào tháng Tư năm 2012, sau khi đến Úc với thông hành thương nghiệp, tôi đã thực hiện một cuộc toạ kháng 7 ngày trước toà Đại Sứ Cộng Sàn Việt Nam và 12 ngày trước tiền đình Quốc Hội Úc Đại Lợi tại Canberra để đòi hỏi tự do, dân chủ và nhân quyền cho người dân Việt Nam. Năm nay, tôi quyết định làm một cuộc độc hành bằng xe hơi đi qua 13 thị trấn lớn và 3 thành phố thủ phủ chính của nước Úc để gây sự lưu tâm của quần chúng Úc về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trước khi kết thức bằng một cuộc toạ kháng 5 ngày trước toà đại sứ CSVN tại Canberra.

Tôi muốn dùng thời gian quý báu  mà tôi có tại Úc để lên tiếng nói cho gần 90 triệu đồng bào của tôi không có tiếng nói, không có nhân quyền và không có tự do tại Việt Nam hiện nay. Tôi hy vọng sẽ đánh động và loan tải được cho quần chúng Úc về tình trạng vi phạm nhân quyền thật tồi tệ tại đất nước của tôi và xin họ ủng hộ cho một kiến nghị yêu cầu chính phủ Úc ngưng chương trình Viện Trợ Phát Triển ngay lập tức và có điều kiện trên chính quyền CSVN cho đến khi họ ký cam kết thả hết các nhà tranh đấu dân chủ, các nhà lãnh đạo các tôn giáo, các blogger, các nhà văn, nghệ sĩ và các tù nhân chánh trị, đồng thời cam kết tuân thủ và thi hành triệt để các khế ước, thoả thuận và hiệp định về nhân quyền mà họ đã ký với Liên Hiệp Quốc.

Cuộc hành trình đơn độc bằng xe hơi gần 4000 km của tôi cho nhân quyền VN tại Úc sẽ đi qua và ngừng lại ở các thành phố thủ phủ và các thị trấn chính theo thứ tự sau đây: Melbourne, Wangaratta, Albury-Wodonga, Goulbourn, Wollongong, Sydney, Gosford, Newcastle, Muswellbrook, Tamworth, Armadale, Glen Innes, Grafton, Ballina, Brisbane và Canberra. Tôi sẽ khởi hành từ Melbourne vào ngày 1 tháng 4, dừng lại tại Sydney vào hai ngày 6 và 7 tháng Tư, dừng tại Brisbane vào hai ngày 20 và 21 tháng Tư và bắt đầu toạ kháng tại Canberra từ ngày 26 đến ngày 30 tháng Tư năm 2013.

Nước Úc hoàn toàn trái ngược với nước Việt Nam của tôi về tự do, dân chủ và nhân quyền. Tôi  muốn cho mọi người Úc biết được rằng họ thật may mắn và hạnh phúc biết bao, và để bảo vệ cuộc sống tốt đẹp và dân chủ này của nước Úc , Úc Đại Lợi cần phải nỗ lực hỗ trợ người dân Việt Nam sớm có tự do và dân chủ thật sự. Chính phủ Úc cũng nên và có quyền đòi hỏi một cách mạnh mẽ hơn nữa đối với chế độ chà đạp nhân quyền CSVN so với những gì nước Úc đã và đang bày tỏ trong quá khứ và hiện nay.

Mọi chi tiết xin liên lạc với tôi qua điện thoại số 0404 694 777 hoặc qua e-mail: michaelviet@yahoo.com

(Người đưa tin: Nguyễn Quang Duy)

Bên lề họp mặt cựu sinh viên QGHC Ontario

Kết hợp chống mưu thâm của Cộng Đảng Tầu

Một đồng môn ngồi cạnh nói với tôi: Ba chàng ngự lâm pháo thủ ngồi phía đầu bàn bên kia có vẻ tâm đắc ghê. Họ gật gù đắc ý đôi khi nét mặt cũng thấy hơi căng. Mà mình ngờ ngợ không nhớ hết tên ho. Hai chàng ngồi hai bên anh Nam tên gì?

Tôi nói:

Họ đang bàn mưu kế để triệt hạ mưu thâm của đảng CS Tầu. Họ có nguồn tin tức nhanh chóng từ Bắc Kinh. Hai anh kia tên là Trung (gốc Bến Tre) và Hải (hiện ở Toronto). Ba người đó là Trung Nam Hải, anh nhớ ra chưa?  (Một đồng môn)

Trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông

Một thẩm phán Ba Lan được chọn đại diện cho Hoa Lục


Quang cảnh một phiên xử tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển
ITLOS
Trọng Nghĩa
Nếu có một sự kiện quốc tế mà chính quyền Bắc Kinh không tài nào ngăn cản được, thì đó là việc Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét đơn của Philippines khiếu nại Nước Tầu về các yêu sách chủ quyền quá đáng tại vùng Biển Đông. Sau khi Manila chính thức nộp đơn kiện, và bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, tiến trình thành lập ủy ban trọng tài Liên Hiệp Quốc để cứu xét vấn đề này đã bắt đầu chuyển động, với bước gần đây nhất là việc chỉ định một thẩm phán đại diện cho bên bị đơn là Trung Quốc.

Theo trang mạng Rappler.com của Philippines, một quan chức cao cấp trong chính quyền Manila đã tiết lộ vào hôm nay, 24/03/2013, là thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak vừa được đề cử đại diện cho Nước Tầu trong tiến trình tài phán về tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông giữa Philippines và Hoa Lục.

Chánh án Toà án Quốc tế về Luật Biển ITLOS, ông Shunji Yanai người Nhật Bản, đã quyết định chọn ông Pawlak trong tuần, sau khi Hoa Lục đã không đề nghị người đại diện cho họ trong thời hạn 60 ngày do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS quy định.

Theo UNCLOS, các bên trong một vụ khiếu nại có 60 ngày kể từ lúc đơn kiện được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, để chọn người đại diện cho mình trong ủy ban trọng tài. Bên nguyên đơn là Philippines đã chính thức khởi động thủ tục hôm 22/01/2013 vừa qua, và đã chọn ngay thẩm phán người Đức Rudy Wolfrum để đại diện cho mình. Phía Nước Tầu thì đã chính thức bác bỏ vụ kiện, do đó đã từ chối tìm người đại diện cho họ.

Vấn đề là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thủ tục trọng tài vẫn được tiến hành bất chấp phản đối của bên bị đơn, do đó Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã tiến hành chỉ định thẩm phán đại diện cho bên Nước Tầu. Trong vòng 30 ngày tới đây, chánh án Yanai sẽ phải cử thêm 3 thành viên còn lại trong ủy ban trọng tài, và kể từ lúc đó thủ tục tài phán sẽ có thể bắt đầu.

Sinh năm 1933, thẩm phán Ba Lan Stanislaw Pawlak về công tác tại ITLOS từ năm 2005. Ông là tác giả nhiều quyển sách và bài viết về luật quốc tế và về bang giao quốc tế, trong đó có những công trình về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Hoa Lục. Trong lãnh vực luật biển, thẩm phán Pawlak là tác giả của hai bài viết: «Thẩm quyền của Toà án quốc tế về Luật Biển» (bằng tiếng Ba Lan, với bản tóm tắt tiếng Anh), công bố năm 2009, và «Những suy nghĩ về các nhân tố ảnh hưởng đến việc phân định ranh giới trên biển», viết năm 2011.

Cười tí tỉnh

Tiết kiệm

Một cậu bé học đã giỏi lại biết tằn tiện cho cha mẹ. Một hôm sau khi tan học cậu nghĩ rằng chạy bộ về nhà thay vì đi xe buýt sẽ tiết kiệm được 2 đồng. Thế là cậu đeo cặp lên lưng chạy theo xe buýt. Về đến nhà cậu khoe với bố "Con chạy theo xe buýt về nên tiết kiệm được 2 đồng hôm nay". Thay vì khen con, ông cho cậu một cái tát. Cậu bé đau điếng nhưng vẫn đủ bình tĩnh hỏi bố cho ra lẽ:

- Sao bố tát con. Chạy bộ theo xe buýt tiệt kiệm cho bố hai đồng mà?

Ông bố trả lời:

- Sao mày ngu lại chạy theo xe buýt! Nếu chạy theo taxi có phải là tiết kiệm được 20 đồng không?

(Viết theo lời kể của Nguyên Trần)

Cựu sinh viên QGHC Ontario họp mặt Triple Three (333)


Hội Cựu sinh viên QGHC Ontario (thường gọi là hội Toronto) Canada vừa tổ chức họp mặt tân niên trưa hôm qua thứ bảy 23.3.2003 tại Mandarin Buffet ở Etobicoke, Toronto. Chưa bao giờ cuộc hội ngộ đã quy tụ đầy đủ 100% hội viên như lần này. Hội viên đến từ Toronto, Mississauga, Brampton, Vaughan, Markhan và xa hơn nữa như Hamilton và Stratford.

Hội trưởng, ĐS1 Trương Thới Lai, nay đã 86 tuổi mà vẫn còn đủ điều kiện lái xe  "ngon lành" để đưa Người bạn đời 100 năm đến địa điểm họp mặt đúng giờ. Anh hội trưởng và chị Trương Thới Lai cả hai đầu tóc bạc phơ.

Một mục bất ngờ: Anh Nguyễn Cao Kỳ Nam ĐS20, đã tặng mỗi "hộ" một chai rượu chát do anh đặt làm đặc biệt. Anh Nam có cái tên họ nghe na ná như xuất thân cùng một dòng với một gia đình nổi tiếng nhưng không được đồng bào hải ngoại mộ mến cho lắm, nhưng thực tế anh chẳng có họ hàng gì với gia đình này. Anh chị em xin cám ơn anh NCKN về mỹ ý mời đồng môn thưởng thức rượu của anh.

Gồm những người không còn trẻ nhưng vẫn ham vui nên lấy chữ lão hoàn đồng làm trọng. Bởi vậy mà xen kẽ những chuyện thời sự chính trị nghiêm nghị là những chuyện cười ra nước ... miếng (Tuổi mũ ni che tai nên nhiều khi khó điều khiển các cơ bắp cho tề chỉnh). Tóm gọn gặp cố tri luôn luôn là chuyện chân tình vui tươi.
(Một hội viên)





Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...